Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Obama ca ngợi giới trẻ Việt Nam
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết những cuộc tiếp xúc với giới trẻ Việt Nam trong chuyến viếng thăm 3 ngày làm cho ông cảm thấy lạc quan về tương lai của quốc gia Đông Nam Á này. Theo tường thuật của thông tín viên Cindy Saine của đài VOA, tại cuộc trò chuyện ở Sài Gòn sáng nay với những người trẻ Việt Nam, nhà lãnh đạo Mỹ thú nhận là khi còn trẻ ông cũng lăng nhăng chứ không phải lúc nào cũng nghiêm túc.
Tổng thống Obama hôm nay nói chuyện với khoảng 800 thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI), những người đã chào đón ông một cách nồng nhiệt với những tiếng reo hò và những lá cờ Mỹ.
Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á là một chương trình do ông Obama khởi xướng năm 2013 nhằm tăng cường sự phát triển tài năng lãnh đạo của giới trẻ ở các quốc gia vùng Đông Nam Á.
Ông bắt đầu cuộc nói chuyện với lời tâm sự là khu vực Đông Nam Á đã có ảnh hưởng rất nhiều đối với ông vì lúc nhỏ ông đã ở Indonesia.
Khi một thanh niên Việt Nam hỏi “Làm cách nào để chúng tôi trở thành một lãnh đạo như ông?”, ông Obama trả lời như sau.
"Trước hết, tôi xin nói với các bạn là khi tôi còn ở lứa tuổi của các bạn, tôi không có một cuộc sống ngăn nắp cho lắm, không học hành giỏi giang và lịch thiệp như các bạn. Khi còn trẻ, tôi rất ham chơi. Tôi không chăm chỉ học hành mà ham chơi bóng rổ, bồ bịch. Và không phải lúc nào tôi cũng nghiêm túc như thế."
Ông nói thêm rằng có nhiều cách để trở thành một nhà lãnh đạo, và khuyên những người trẻ tìm kiếm những thứ mà họ đam mê rồi dồn mọi nỗ lực vào điều đó.
"Các bạn có thể thay đổi thế giới để phản ánh những giá trị tốt nhất của mình và thay đổi khu vực theo những cách thức tích cực."
Cuộc trò chuyện sau đó đã chuyển sang một đề tài khác: (đó là) cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Một nữ sinh viên đang theo học ở Mỹ hỏi ông Obama là nghĩ rằng ông và thế giới sẽ ra sao trong 5 năm nữa sau khi nhiệm kỳ của vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ kết thúc.
Ông Obama cho biết có lẽ ông sẽ quay lại với công việc trước đây là giúp cho những người nghèo cải thiện cuộc sống.
"Tôi nghĩ rằng có lẽ tôi sẽ là một người tổ chức cộng đồng, nhưng nổi tiếng hơn so với lúc trước."
Khi một người trẻ khác thúc giục ông Obama cho biết ý kiến về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng “chúng tôi sẽ vượt qua.” Ông nói người Mỹ đôi khi phạm phải sai lầm, nhưng cuối cùng đã điều chỉnh cho đúng. Ông nói “Mọi việc sẽ ổn thoả. Tôi hứa với các bạn như vậy.”
Suboi, nữ ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn, là người cuối cùng đặt câu hỏi cho ông Obama. Nữ ca sĩ 26 tuổi này hỏi về sự hỗ trợ của chính phủ cho nghệ thuật. Ông Obama yêu cầu Suboi hát một đoạn rap bằng tiếng Việt và cô đã hát một đoạn nói về “những người nhiều tiền nhưng không hẳn đã hạnh phúc. Ông Obama cho biết một số chính phủ cảm thấy lo lắng vì nghệ thuật có thể nguy hiểm, nhưng ông nói thêm rằng “Chúng ta phải để cho người dân bày tỏ quan điểm, ý kiến của họ.”
Cuộc trò chuyện thân mật ở Sài Gòn đã khép chuyến công du có tính chất bước ngoặt, với việc Hoa Kỳ loan báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam được áp dụng từ 50 năm qua.
Hàng vạn người đã rủ nhau ra đường để chào đón nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn ở Hà Nội hôm qua, ông Obama nói hai nước giờ đây sẽ cùng đi với nhau trong cuộc hành trình trăm năm, dựa vào câu thơ “Rằng trăm năm cũng từ đây, Của tin gọi một chút này làm ghi” trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.
Chiều nay nhà lãnh đạo Mỹ đã lên đường sang Nhật để dự hội nghị thượng đỉnh G-7. Tối nay ông sẽ họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. - VOA
|
|
2.
Thủ tướng Nhật sẽ nêu vấn đề tội phạm ở Okinawa với TT Mỹ
Theo các giới chức chính phủ của hai nước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ nêu vấn đề tội phạm do các nhân viên của các căn cứ quân sự Mỹ gây ra trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào xế chiều hôm nay, trước Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm G7.
Vấn đề này được gấp rút đưa vào cuộc họp song phương tiếp theo sau vụ bắt giữ một cựu quân nhân Thủy quân Lục chiến Mỹ hôm thứ Năm tuần trước liên quan đển vụ mất tích một phụ nữ Nhật 20 tuổi hôm 28 tháng 4, và thi thể của cô gái này được tìm thấy một tuần lễ sau đó.
Án mạng phụ nữ trẻ này khơi lại vụ các nữ sinh Nhật bị các quân nhân Mỹ hãm hiếp năm 1995 ở Okinawa. Vụ đó đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình chống các căn cứ quân sự của Mỹ.
Vấn đề tội phạm này có thể gây cản trở nhiều hơn nữa đối với nỗ lực của Thủ tướng Abe thúc đẩy cho kế hoạch di chuyển một phi trường của Thủy quân Lục chiến Mỹ đến một chỗ khác trên đảo chính của Okinawa. Kế hoạch này đã gặp phải sự chống đối mãnh liệt ở địa phương.
Cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật được xem là khó có thể xoa dịu được nhiều người dân Okinawa.
Tỉnh trưởng Okinawa, ông Takeshi Onaga bị chính phủ trung ương từ chối yêu cầu gặp Tổng thống Obama trong tuần này.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga phát biểu tại Tokyo: “Tôi nghĩ các vấn đề liên quan đến an ninh và ngoại giao nên được thảo luận giữa chính phủ của hai nước liên quan.”
Truyền thông địa phương trích lời các giới chức chính phủ Nhật nói rằng Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy dự trù đi thăm Okinawa để thảo luận với Tỉnh trưởng Onaga.
53.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, cùng với 43.000 vợ con thân nhân, và 5.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng. 15 trong tổng số 23 căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại Okinawa. Mỹ đã đặt căn cứ tại đây kể từ khi đánh bại Nhật trong Thế chiến thứ II vào năm 1945 cho đến năm 1972. - VOA
|
|
3.
Hy Lạp ‘đạt đột phá quan trọng’ trong thỏa thuận nợ
Các bộ trưởng tài chánh của khối sử dụng đồng euro cho biết đã đạt được một “đột phá quan trọng” trong đàm phán với Hy Lạp về thỏa thuận giúp nước này trả nợ sau nhiều giờ thương thảo tại Brussels chiều tối thứ Ba.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu phải giảm gánh nặng nợ của Hy Lạp như là một điều kiện để IMF cấp thêm ngân quỹ cứu nguy.
Hy Lạp sẽ nhận được khoản cứu nguy thứ nhất là 11,4 tỉ đôla trong tháng 6, sau khi Liên hiệp Âu châu thông qua những nỗ lực cải cách mới đây nhất của Athens.
Đây là đợt cứu nguy tài chánh mới nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế 6 năm qua đã đẩy khối nợ công của Hy Lạp lên mức 180% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước này.
Giám đốc châu Âu của IMF, ông Poul Thomsen hôm thứ Ba nói: “Chúng tôi hoan nghênh rằng nay tất cả các bên liên quan công nhận rằng tình trạng nợ của Hy Lạp không thể kéo dài được.”
Thỏa thuận chính trị nhiều khó khăn này đã gặp phải sự chống đối, đặc biệt là từ đối tác mạnh nhất trong khối euro là nước Đức. Đức liên tục yêu cầu phải có những biện pháp kiệm ước mạnh hơn nữa và các giới chức Đức nói đợt cứu nguy tài chánh này là không cần thiết.
Nhưng Hy Lạp đang cần gấp khoản tiền 8,4 tỉ đôla thứ nhất từ IMF để trả nợ đáo hạn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tháng 7. Hy Lạp nay đang chật vật ngay cả trong việc trả lương cho công nhân viên chức.
Chủ tịch khối Eurogroup, ông Jeroen Dijsselbloem nói tại cuộc họp báo rằng “đây là một thời điểm quan trọng trong chương trình dài hạn của Hy Lạp, một thời điểm quan trọng cho tất cả chúng tôi kể từ mùa hè năm ngoái khi chúng tôi gặp phải một cuộc khủng hoảng lớn về sự tin tưởng lẫn nhau.”
Thỏa thuận giữa các bộ trưởng tài chánh 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đạt được tiếp theo sau việc Hy Lạp thông qua một dự luật cuối tuần qua trong đó có việc tăng thuế và cắt giảm ngân sách theo yêu cầu của các nhà cho vay. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Quốc hội Mỹ có phần chắc không phê chuẩn TPP trong tương lai gần
Trong lúc Tổng thống Barack Obama ra sức thăng tiến những cơ hội thương mại giữa Mỹ với Châu Á, các thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng cho biết hầu như hoàn toàn không có cơ hội là quốc hội sẽ phê chuẩn hiệp định TPP trong tương lai gần. Thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tường thuật từ Điện Capitol.
Khi phát biểu tại Việt Nam hôm thứ Hai vừa qua, Tổng thống Obama cho biết ông “tin tưởng” là TPP sẽ được Quốc hội Mỹ chấp thuận.
Tuy nhiên, tại Điện Capitol hôm thứ ba, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hoà cho biết như sau về dự đoán vừa kể của Tổng thống Obama.
"Dự đoán của ông ấy nằm ở đâu đó giữa ảo tưởng và lạc quan quá độ. Đang có một sự bất mãn về vấn đề mậu dịch."
Thượng nghị sĩ Dick Durbin của Đảng Dân chủ nêu lên sự kiện là tất cả những người đang chạy đua vào Tòa Bạch Ốc: ông Donald Trump, bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders, đều chống đối TPP.
"Có một sự hoài nghi trên khắp nước Mỹ về tất cả các hiệp định thương mại. Chúng ta đã phải trả một cái giá rất đắt vì những công ăn việc làm trong ngành chế tạo của Mỹ bị mất đi vào tay của những nước khác. Vì vậy, sự hoài nghi đó là chính đáng."
Thượng nghị sĩ Mark Warner là một trong số rất ít những chính khách của Đảng Dân chủ công khai ủng hộ TPP. Ông phát biểu như sau.
"Trong bất kỳ thoả thuận thương mại nào cũng có kẻ thắng người bại. Nhưng điều trớ trêu là tình trạng công ăn việc làm bị chuyển ra nước ngoài đã xảy ra, đặc biệt là trong công cuộc giao thương với Trung Quốc, mà TPP thì lại không hề dính líu tới Trung Quốc."
Những người ủng hộ TPP hy vọng quốc hội sẽ biểu quyết để phê chuẩn hiệp định này sau cuộc bầu cử vào tháng 11, trong khoảng thời gian trước khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức, thường được gọi là “thời gian vịt què”.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc đó sẽ xảy ra. Khi được hỏi liệu quốc hội có phê chuẩn TPP trong thời gian đó hay không, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của đảng Dân chủ nói “Việc đó rất khó xảy ra”. - VOA
|
|
5.
TNS McCain kêu gọi tăng cường hợp tác hải quân Mỹ-Việt
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, hối thúc tăng cường giao lưu giữa lực lượng hải quân Việt-Mỹ trong một thư ngỏ gửi cho Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Bản tin của Học viện Hải quân Hoa Kỳ hôm qua, 24/5, cho biết là trong thư, Thượng nghị sĩ John McCain, đại diện bang Arizona, nói với ông Nguyễn Phú Trọng rằng ông “cam kết” giúp nâng khả năng hàng hải của Cảnh sát biển và Hải quân Việt Nam, và đang hối thúc việc tăng cường chia sẻ những thông tin hàng hải với tất cả các nước Đông Nam Á, trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh Hàng hải do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố hồi tháng trước, với sự hối thúc của ông McCain.
Sáng kiến An ninh Hàng hải, gọi tắt tiếng Anh là MSI, có kinh phí lên tới 425 triệu đôla. Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết trích ra từ quỹ này 1,8 triệu đôla để thẩm định các khả năng hiện hữu của Việt Nam, và vạch ra những nhu cầu tương lai cho Cảnh sát biển Việt Nam, và Lực lượng Hải quân Nhân dân.
Động lực dẫn tới sáng kiến này là quan tâm mà Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chia sẻ về sức mạnh hải dương đang tăng của Trung Quốc trong khu vực, giữa lúc nước này không những phát động một chiến dịch ráo riết đóng tàu chiến, mà còn xây dựng lực lượng tuần duyên bán quân sự của họ thành một lực lượng gồm hơn 200 chiếc tàu mà trước đây là tàu của lực lượng Hải quân Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ McCain còn kêu gọi tăng cường hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước bằng cách gia tăng các cuộc thăm viếng các bến cảng của nhau, mời Hải quân Việt Nam tham gia các cuộc diễn tập của các quốc gia ven Thái Bình Dương ở ngoài khơi đảo Hawaii và tăng các hoạt động giao lưu nhân sự.
Trong thời gian qua Việt Nam và Mỹ đã có những hoạt động giao lưu hải quân được giới hạn phần lớn trong khuôn khổ các chương trình huấn luyện trên bờ và ngắn hạn trên biển, nhưng theo sáng kiến mới, các hoạt động này dự kiến sẽ được đẩy mạnh.
Bản tin của Học Viện Hải quân Hoa Kỳ nói theo họ hiểu, các giới chức Mỹ đã đề nghị với Hà Nội một kế hoạch bao gồm một loạt các cuộc thao dượt quân sự song phương thường trực, theo đó một tàu hải quân Mỹ sẽ ghé thăm cảng Đà Nẵng trong hai ngày, tiếp theo là 2 ngày diễn tập ngoài biển và 3 ngày ghé thăm cảng Cam Ranh.
Kế hoạch được đặt tên 2-2-3 này chưa được phía Việt Nam chuẩn thuận. Nhưng kế hoạch được các giới chức Mỹ gọi là “Sáng kiến McCain” sẽ là bước kế tiếp trong việc cải thiện hợp tác giữa lực lượng hải quân Mỹ và Việt. Vẫn theo bản tin Học viện Hải quân Mỹ, chuyến viếng thăm đầu tiên có thể được thực hiện trong năm nay.
Lá thư được Thượng nghị sĩ McCain gửi cho Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng một tuần trước khi Tổng Thống Obama công du Việt Nam và loan báo chính thức dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Nhưng trong khi mục tiêu của Sáng kiến McCain là hợp tác giữa hai quân đội, cả ông McCain và Tổng Thống Obama đều khuyến khích Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Bức thư của Thượng nghị sĩ John McCain có đoạn viết:
“Giữa lúc chúng ta tiếp tục củng cố quan hệ đối tác an ninh, Mỹ trông đợi Việt Nam tiếp tục có những tiến bộ về nhân quyền và tôn trọng xã hội dân sự, kể cả những người cổ vũ cho tự do tôn giáo, tự do báo chí, các quyền của người lao động, những người chỉ mưu tìm việc xây dựng một nước Việt Nam phú cường bằng các phương tiện hoà bình.”
Trên trang mạng của Tòa Bạch Ốc về quan hệ Việt-Mỹ, Tòa Bạch Ốc cho biết theo yêu cầu của Việt Nam, Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 tàu tuần duyên MetalShark, và các thiết bị khác để thực thi luật hàng hải cũng như các khoá huấn luyện cho Cảnh sát biển Việt Nam. Trang mạng này nói lực lượng hải quân Việt-Mỹ đang hợp tác chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải.
Thượng nghị sĩ John McCain, từng là tù binh chiến tranh ở Việt Nam, đã làm việc không ngừng để đưa hai nước cựu thù lại gần với nhau và mới đây tăng cường các nỗ lực để Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Báo Los Angeles Times tường thuật rằng trong một thông cáo trước khi Tổng thống Barack Obama công du Việt Nam, Thượng nghị sĩ McCain nói Việt Nam cần mua các trang thiết bị để có thể hoạt động hiệu quả hơn trên biển và trên không. Ông McCain nói "đã tới lúc Mỹ hoàn toàn tháo dỡ lệnh cấm này". - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
'Việt Nam không quân sự hóa Biển Đông'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam không tìm cách tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, cho phép quân đội Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại và hợp tác gần gũi hơn với quân đội Mỹ.
"Việt Nam không tăng cường quân sự nhưng Việt Nam cần phải bảo vệ chủ quyền, trước tiên là bằng các giải pháp hòa bình, ngoại giao và thậm chí là pháp lý,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
“Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và luôn giải quyết các vấn đề của quốc tế cũng như khu vực dựa theo luật pháp quốc tế trên tinh thần không dùng vũ lực và không dùng sức mạnh để đe dọa nước khác.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hề nhắc đến Trung Quốc trong suốt cuộc phỏng vấn và không rõ ý của người đứng đầu chính phủ Việt Nam là gì khi đề cập đến từ “pháp lý” như là một biện pháp để Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nhậm chức từ tháng trước và là một trong ba vị trí lãnh đạo quyền lực nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang đối diện với nhiệm vụ khó khăn là vừa duy trì mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, vừa phải chịu áp lực của người dân đòi chính phủ Việt Nam phải có thái độ với sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở biển Đông.
“Không có xung đột”
Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, dấu ấn cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, theo các chuyên gia, có thể sẽ giúp Việt Nam theo đuổi việc hiện đại hóa quân đội để gia tăng khả năng bảo vệ bờ biển đồng thời tạo nên những ràng buộc chặt chẽ hơn về an ninh.
Vậy nhưng, Thủ tướng Phúc cho biết ưu tiên lúc này là các nước thuộc khối Asean và những đối tác như Nhật Bản có thể làm giảm căng thẳng một cách hòa bình và không dùng vũ lực để đe dọa.
“Tôi xin nhắc lại một lần nữa là không có xung đột”- Thủ tướng Phúc nói. “Việt Nam không chủ trương quân sự hóa mà chúng tôi có những giải pháp để hợp tác với các nước khác nhằm duy trì hòa bình, tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do giao thương”.
Thủ tướng cũng ca ngợi sự thành công của chuyến thăm Việt Nam trong ba ngày của Tổng thống Obama và cho biết lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đón chào người đứng đầu chính phủ Mỹ bằng tình hữu nghị.
“Tổng thống Mỹ nói sự đón chào của nhân dân Việt Nam đã chạm đến trái tim khiến ông ấy cảm động và cám ơn,” Thủ tướng Phúc nói.
Khi được hỏi liệu hệ thống chính trị và những tư tưởng bảo thủ có ảnh hưởng đến những mục tiêu về kinh tế hay không, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam theo đuổi tự do thương mại cho thấy chủ nghĩa cộng sản không phải là rào cản.
“Đất nước chúng tôi được lãnh đạo bởi đảng Cộng Sản, nhưng Việt Nam là một quốc gia theo kinh tế thị trường,” Thủ tướng Phúc nói.
“Chúng ta không thể cho rằng Việt Nam là một quốc gia bảo thủ. Kinh tế thị trường đi liền với sự năng động, không thể bảo thủ được.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhậm chức từ tháng trước, nói ưu tiên hàng đầu của Việt Nam lúc này là kiểm soát nợ công và giữ ở mức dưới 65% so với GDP, đồng thời duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 6.7 % đến 7% trong vòng 5 năm tới. - BBC
|
|
7.
Nhà hoạt động Việt Nam ‘cần chính trực’
Đã có những lùm xùm không đáng có sau cuộc gặp của Tổng thống Hoa Kỳ và đại diện 'xã hội dân sự' tại Việt Nam, một sự kiện mà các báo Việt Nam không tường thuật.
Gần như tất cả các hoạt động trong chuyến thăm của ông Obama đều được giới truyền thông Việt Nam tường thuật chi tiết trên mặt báo, truyền hình và mạng xã hội.
Duy nhất chỉ có cuộc gặp của Tổng thống Hoa Kỳ và đại diện hoạt động dân sự tại một khách sạn ở Hà Nội sáng 24/5 là họ “xem như chưa từng diễn ra”.
Những ai quan tâm đến sự kiện này chỉ có thể tìm thấy thông tin trên báo nước ngoài và Facebook của một vài người được mời gặp.
CNN hôm 25/5 đưa tin: “Trước khi nói về chủ đề nhân quyền trước cử tọa người Việt, ông Obama đã gặp sáu đại diện xã hội dân sự Việt Nam. Tổng thống lưu ý rằng một số nhà hoạt động đã bị ngăn đến dự cuộc gặp này.
"Chúng tôi không tiết lộ bất kỳ tên của nhà hoạt động nào không thể tham dự, nhưng như Tổng thống nói, một số người được mời bị ngăn cản tới dự cuộc gặp", phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz nói.
Nhưng có một vấn đề khiến cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao hơn là thực hư các nhà hoạt động có mặt tại cuộc gặp đã nói gì với Tổng thống Mỹ?
Tới nay, kênh YouTube của Nhà Trắng chỉ phát đi đoạn clip phát biểu của ông Obama trong cuộc gặp mà không có phần ý kiến của khách mời Việt Nam.
Bà Nguyễn Hồng Oanh, giám đốc trung tâm IDEA (Ban hành động vì sự phát triển của người khuyết tật) là một trong sáu người đến được cuộc gặp mà không bị ngăn cản và cho BBC biết “cuộc gặp ngoài ông Obama cùng khách mời và một số giới chức Mỹ, chỉ có phóng viên và nhiếp ảnh của Nhà Trắng”.
Hôm 24/5, trả lời BBC từ Hà Nội, bà Oanh tường thuật: “Tại cuộc gặp ông Obama, tôi nói về quyền của người khuyết tật, ông Bình nói về quyền của người LGBT, cô Khôi nói về quyền tự do biểu diễn”.
“Không có ai đề cập về chuyện bầu cử Quốc hội cũng như vấn đề nhân quyền hay tù nhân chính trị”.
“Nói chung, tôi nghĩ mọi người có tâm lý đến trao đổi để Tổng thống Mỹ nắm bắt tình hình xã hội dân sự Việt Nam chứ không kỳ vọng có sự thay đổi nào. Việc nhà mình thì mình tự giải quyết thôi”.
'Chuyện rất con người'
Tuy vậy, Mai Khôi, nữ ca sĩ cũng là một trong những khách mời của cuộc gặp này, sau đó thông báo trên mạng xã hội và gửi thông cáo viết bằng tiếng Anh tự nhận là ‘Vietnamese pop star’ (ngôi sao nhạc pop Việt Nam) và cho hay:
“Trong cuộc thảo luận, tôi tập trung vào hành động cụ thể của chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy một xã hội dân sự sôi động, lành mạnh tại Việt Nam, hơn là chỉ trích chính phủ Việt Nam về nhân quyền".
“Chính phủ Việt Nam nên điều chỉnh pháp luật phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế về nhân quyền giúp bảo vệ tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác mà họ đã ký kết”, thông cáo viết bằng tiếng Anh gửi đến BBC hôm 24/5 ghi.
Có thể hiểu là Mai Khôi muốn diễn đạt mình đã “thể hiện đầy đủ ý kiến cần thiết” trong cuộc gặp ông Obama hơn trích dẫn vắn tắt của bà Oanh.
Ca sĩ này bị một số nhà hoạt động khác chỉ trích trên mạng xã hội vì “đã nói quá lên những gì mình thật sự làm”.
Ông Nguyễn Quang A là một trong những khách mời đã cùng cô ca sĩ dự cuộc gặp ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động hôm 10/5 nhưng bị an ninh ngăn không cho đến cuộc gặp với ông Obama hôm 24/5.
Hôm 25/5, trả lời BBC, ông nói: “Tôi không bình luận hay đánh giá về chuyện của cô ca sĩ vì tôi không có thông tin chính xác về chuyện cô ấy đã nói gì tại cuộc gặp ông Obama”.
“Việc một ai đó nói quá lên về hoạt động để thu hút đám đông là chuyện rất con người, thường xảy ra”.
“Thực tế là có người chẳng thấy tham gia hoạt động dân sự nào cả mà chỉ chém gió trên Facebook rất là kinh”.
“Tôi thấy điều quan trọng là sự chính trực, trung thực của một người, dù có là nhà hoạt động hay không, thì tính chính trực mới là vấn đề”. - BBC
No comments:
Post a Comment