Tin Thế Giới
1.
TT Nga dọa trả đũa hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ ở Âu châu
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ có hành động đáp trả đối với hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ ở Âu châu.
Phát biểu hôm thứ 6 trong lúc đi thăm Hy Lạp, ông Putin nói ông sẽ phải đáp trả sau khi Hoa Kỳ bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn ở Romania và Ba Lan.
Tuy chỉ trích hệ thống của Mỹ đe dọa an ninh của Nga, ông Putin không cho biết chi tiết về sự đáp trả mà chỉ nói rằng Nga không hành động trước mà chỉ phản ứng lại trước hành động của Mỹ.
Ông nói “Tôi muốn tái khẳng định đó là những biện pháp đáp trả, chứ chúng tôi không hành động trước.”
Washington chưa bình luận về phát biểu của ông Putin.
Cơ sở phi đạn Deveselu ở Romania đã bắt đầu hoạt động trong tháng này, và mặc dù Hoa Kỳ và liên minh NATO nhiều lần nói rằng hệ thống này hoàn toàn có tính chất phòng vệ, Tổng thống Putin nói những phi đạn đó có thể được chuyển đổi một cách dễ dàng để trở thành những vũ khí tấn công.
Nhà lãnh đạo Nga đang thực hiện chuyến viếng thăm Hy Lạp trong hai ngày. - VOA
|
|
2.
Các chuyên gia y tế kêu gọi dời địa điểm tổ chức Olympics vì dịch Zika
Một lá thư ngỏ của 150 chuyên gia y tế kêu gọi hoãn lại cuộc tranh tài Olympic ở Rio de Janeiro hoặc dời địa điểm vì dịch Zika.
Những người ký tên, bao gồm các chuyên gia y tế công cộng của hơn 20 quốc gia, hôm thứ 6 nói rằng việc tiếp tục tổ chức Olympic là “vô trách nhiệm” và “thiếu đạo đức.” Trong số những người ký tên có Bác sĩ Philip Rubin, cựu cố vấn y tế Tòa Bạch Ốc.
Lá thư viết “Vi rút Zika dòng Brazil gây nguy hiểm cho sức khoẻ với những cách thức mà khoa học chưa từng nhìn thấy trước đây.”
Virus Zika có liên hệ tới những khuyết tật bẩm sinh, kể cả bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới khuyên phụ nữ tránh tới những nơi có dịch Zika, kể cả Đại hội Thể thao Thế giới ở Rio de Janeiro.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bác sĩ Tom Frieden, nói rằng không có lý do y tế công cộng để huỷ bỏ hoặc đình hoãn Olympic.
Tổ chức Y tế Thế giới nêu ra sự kiện là Olympic diễn ra vào tháng 8, vào lúc Brazil ở vào mùa đông, khi có ít muỗi.
Tuy nhiên, những người ký tên trong thư ngỏ nói rằng nếu những người trong số 500.000 du khách nước ngoài nhiễm virus Zika ở Brazil, họ có thể về nước ở bắc bán cầu, nơi virus sẽ lan truyền cho muỗi ở địa phương trong những tháng nắng nóng của mùa hè.
Các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại là Tổ chức Y tế Thế giới có xung đột lợi ích trong việc hợp tác với Uỷ ban Olympic Quốc tế.
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả bị LHQ bác đơn xin cấp qui chế tham vấn
Liên Hiệp Quốc đã bác đơn của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) xin cấp qui chế tham vấn để họ có quyền tiếp cận nhiều hơn với các hội nghị của Liên Hiệp Quốc.
Đối với CPJ, một tổ chức “bảo vệ quyền của các nhà báo được tường thuật tin tức mà không sợ bị trả thù”, quyết định vừa kể là kết quả của sự chống đối từ những chính phủ không tán thành mục tiêu của tổ chức này.
Giám đốc CPJ, ông Joel Simon, nói “Thật là một điều đáng buồn khi Liên Hiệp Quốc, cơ quan vốn coi trọng quyền tự do báo chí thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng và thông qua việc chấp thuận Kế hoạch Hành động Liên Hiệp Quốc, lại bác đơn của CPJ, là tổ chức có những kiến thức sâu sắc và có ích để hỗ trợ cho quá trình làm ra quyết định của Liên Hiệp Quốc.”
Nếu được cấp qui chế tham vấn, CPJ có thể tiếp cận các cơ quan và các hội nghị của Liên Hiệp Quốc, và được phép tổ chức các sự kiện cho các ký giả và các tổ chức độc lập tại Liên Hiệp Quốc.
Hơn 4,000 tổ chức phi chính phủ có qui chế tham vấn. Nhưng những tổ chức nhân quyền như Freedom House và một số tổ chức khác bị từ chối vì bị các thành viên Liên Hiệp Quốc tố cáo có mưu đồ chính trị.
Trong cuộc biểu quyết về đơn xin của CPJ, trong số 19 đại diện của uỷ ban xét đơn, 10 đại diện bỏ phiếu chống, 6 đại diện bỏ phiếu thuận và 3 đại diện bỏ phiếu trắng.
Trung Quốc, Cuba, Nga và Pakistan nằm trong số những nước bỏ phiếu chống. Nam Phi cũng bỏ phiếu chống, nhưng họ nói rằng lý do là vấn đề thủ tục chứ không phải Nam Phi chống lại đơn xin của CPJ. - VOA
|
|
4.
Cuộc vận động của ông Trump thu hút những người chống đối ở California
Khoảng 1.000 người đã biểu tình bên ngoài Trung tâm Hội nghị San Diego trong lúc ông Donald Trump, người nắm chắc sự đề cử của đảng Cộng hoà để ra tranh chức tổng thống, nói chuyện với những người ủng hộ ở bên trong.
Những người biểu tình vẫy cờ Mexico và cờ Mỹ đã đối đầu với cảnh sát tại thành phố miền nam tiểu bang California, cách biên giới Mexico 24 kilo mét và là nơi người gốc Châu Mỹ La Tinh chiếm đến 1 phần 3 dân số.
Cảnh sát cho biết họ bắt giữ 3 người, trong đó có một người leo qua hàng rào ngăn cách người biểu tình với cảnh sát. Vụ bắt giữ này làm người biểu tình xịt nước và ném vỏ chai nhựa vào cảnh sát.
Trước đó trong ngày hôm qua, một số người đã biểu tình trong lúc ông Trump nói với những người ủng hộ ở thành phố Fresno là ông có thể giải quyết vụ khủng hoảng nước ở đây và tuyên bố “Không hề có hạn hán.”
Ông tố cáo các giới chức tiểu bang không cung cấp nước cho nông dân trong vùng này ngõ hầu chính quyền có thể đưa nước ra biển “để bảo vệ cho một loại cá bé tí teo.”
Loại cá nhỏ mà ông Trump nói tới là một loại cá có nguy cơ tuyệt chủng và trở thành một biểu tượng của những vụ tranh cãi về luật lệ bảo vệ môi trường và vấn đề cấp nước ở tiểu bang California. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Đại học Fulbright VN là môi trường cho suy nghĩ độc lập và sáng tạo
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chính thức tuyên bố thành lập Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Các chuyên gia giáo dục cho rằng đây sẽ là một mô hình giáo dục hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, là môi trường cho suy nghĩ độc lập và sáng tạo. An Tôn tường trình chi tiết sau đây.
Cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Bob Kerrey, chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), đã nhận giấy phép do Bí thư Thăng trao.
Giấy phép này cho phép trường FUV tuyển sinh học viên cao học khóa đầu tiên vào cuối năm nay. Đồng thời trường cũng sẽ bắt đầu chuẩn bị xây dựng trụ sở chính ở Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tại Quận 9. Sẽ mất ít nhất 2 năm để hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất cho giai đoạn một của FUV.
Trong một thông cáo, bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng sáng lập FUV, nói trường này sẽ là một đại học Việt Nam “kiểu mới”. Bà cho biết thêm trường “sẽ đưa vào những tiến bộ mới nhất về công nghệ và giảng dạy nhằm đem lại cho sinh viên một trải nghiệm giáo dục giúp họ trang bị những kỹ năng để thành công trong bất kỳ lĩnh vực khó khăn nào mà họ theo đuổi”.
Đại diện trường cho hay FUV sẽ cấp bằng Việt Nam và sẽ phấn đấu đạt kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định Mỹ. Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ giảng dạy chính. Trường được tiên liệu sẽ có số lượng sinh viên từ 6.000 đến 10.000 khi đạt giai đoạn phát triển ổn định. Thông cáo của trường cho biết thêm rằng FUV mong muốn tạo ra tác động tích cực mang tính hệ thống thông qua chia sẻ kiến thức với cách tiếp cận “học liệu mở”.
FUV sẽ xây dựng một đội ngũ giảng viên quốc tế và sẽ đặc biệt chú trọng tuyển dụng những học giả và nhà khoa học người Việt đã được đào tạo quốc tế. FUV sẽ sử dụng đòn bẩy công nghệ bao gồm những nền tảng học tập từ xa để tối thiểu chi phí và cho phép giảng viên có thể giảng dạy cũng như hướng dẫn sinh viên ở vùng sâu vùng xa.
Đơn vị học thuật đầu tiên của FUV sẽ là Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, một trường đào tạo cao học chuyên ngành. Trường này sẽ khai giảng vào mùa thu năm nay với sự kế thừa đội ngũ nhân lực và các khóa học của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) đã hoạt động ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua.
Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright sẽ mở các khóa cao học và các chương trình đào tạo cao cấp về chính sách công, kinh doanh và những lĩnh vực có liên quan.
Giảng viên Nguyễn Hữu Lam thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng thời cũng giảng dạy cho FETP, đã nhận xét với VOA Việt ngữ về tầm quan trọng của việc thành lập FUV như sau:
“Việc nâng cấp lần này có ý nghĩa rất là lớn, vì ngoài việc đào tạo cán bộ cho Việt Nam, thì mô hình của một trường đại học phi lợi nhuận, độc lập, tự do về học thuật sẽ đóng góp rất là lớn cho vấn đề về xây dựng và phát triển hệ thống đại học Việt Nam. Và điều đó sẽ rất là tốt cho tương lai của Việt Nam”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người bảo trợ cho Chương trình Fulbright ở Việt Nam trong nhiều năm, đã tuyên bố kế hoạch thành lập trường FUV hồi tháng 8 năm ngoái.
Những người sáng lập trường ở cả hai phía Mỹ và Việt Nam đều tin rằng trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam, nhất là những người trẻ tuổi khao khát được hưởng nền giáo dục tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam.
Ông Lam, người cũng đã từng du học ở Mỹ với học bổng Fulbright, cho biết sự háo hức về FUV rất cao và những ngày này ông liên tục nhận các cuộc điện thoại để hỏi về việc tuyển sinh, chương trình học của trường. Ông phân tích thêm về lý do của sự háo hức này:
“Thực sự mô hình phát triển hiện đại là sáng tạo tri thức, và đồng thời là mô hình không chỉ dạy cho người ta kiến thức mà các thế hệ trước đã tích lũy, mà còn là mô hình giúp người ta độc lập suy nghĩ, sáng tạo, và phát triển. Đây là môi trường mà tôi nghĩ sẽ đóng góp rất là lớn cho sự phát triển của từng cá nhân cũng như phát triển chung cả hệ thống đại học Việt Nam”.
Ở một đất nước có hệ thống giáo dục lâu nay bị xem là lạc hậu và phương thức quản lý còn bảo thủ. Liệu một trường có tính sáng tạo như Đại học Fulbright Việt Nam có tạo ra xung đột hay thách thức gì đối với các nhà quản lý của Việt Nam hay không? Giảng viên Nguyễn Hữu Lam đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ những người làm khoa học thực sự họ sẽ nhìn vấn đề này một cách rất là thoải mái và họ sẽ tiếp thu cái hệ thống này. Và rất nhiều vị lãnh đạo của nhà nước và của Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ tiếp thu được. Nhưng tất nhiên là sẽ có những cái xung đột. Thế cho nên vừa rồi tôi thấy có tuyên bố của Tổng thống Obama và đồng thời là của Ngoại trưởng John Kerry về trường đại học độc lập, tự do học thuật, như thế thì tôi nghĩ nếu chính phủ Việt Nam cam kết cái điều đó thì có nghĩa là trường sẽ làm được và dần các trường đại học Việt Nam cũng đang trong xu thế đó. Tại vì hiện nay Việt Nam cũng đang trao quyền tự chủ cho các đại học. Và nếu trường FUV mà phát triển tốt thì sẽ giúp rất nhiều cho cái nỗ lực vì thử nghiệm, làm thí điểm về các trường đại học độc lập ở Việt Nam”.
Mặc dù là một tổ chức tư nhân và phi lợi nhuận, FUV nhận được hỗ trợ từ chính phủ Mỹ và Việt Nam. Đến nay chính phủ Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 20 triệu đôla để hỗ trợ việc thành lập trường. Còn chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho FUV 25 hecta đất ở Quận 9.
FUV đã nhận được cam kết tài trợ bằng tiền mặt hay các hình thức khác trị giá hơn 60 triệu đôla. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều hơn nữa để có thể hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng của bà Hiệu trưởng Thủy. Bà cho biết ước tính sẽ cần huy động tối thiểu 100 triệu đôla trong ba năm tới.
Theo kế hoạch, năm 2018, FUV sẽ thành lập Trường Khoa học xã hội và Nhân văn Fulbright với chương trình giáo dục cử nhân bốn năm cho các ngành khai phóng (liberal arts) và khoa học-kỹ thuật. - VOA
|
|
6.
Nghi can khủng bố gốc Việt lĩnh án 40 năm tù ở Mỹ
Một người đàn ông gốc Việt, nhân vật từng nhận chỉ thị của khủng bố để thực hiện vụ đánh bom tự sát tại sân bay Heathrow, Anh, hôm qua bị kết án 40 năm tù giam.
Minh Quang Phạm, 33 tuổi, bị kết án tại New York sau khi nhận tội hồi tháng Giêng liên quan tới các cáo trạng hỗ trợ vật chất cho tổ chức al Qaeda ở Bán đảo Ảrập.
Thẩm phán của phiên tòa cho biết rằng việc ông Phạm tuyên bố từ bỏ tổ chức khủng bố trên là một lý do khiến tòa không tuyên mức án 50 năm tù giam theo như đề nghị của các công tố viên.
Tuy nhiên, vì vai trò của ông này trong âm mưu đánh bom “kinh hoàng” nên ông ta đáng phải nhận án tù cao hơn mức tối thiểu của tội danh trên.
Ông Phạm, một nhà thiết kế đồ họa, bỏ người vợ đang mang thai ở Anh để tới Yemen năm 2010.
Ông này thú nhận đã giúp tổ chức cực đoan Hồi giáo chuẩn bị tạp chí tuyên truyền phát hành trên mạng là Inspire, cũng như được huấn luyện theo kiểu quân sự.
Nhưng các công tố viên cho biết thêm rằng ông Phạm đã thực hiện nhiều điều hơn thế cho tổ chức khủng bố.
Ông ta đồng ý thực hiện âm mưu đánh bom tự sát tại sảnh đến ở sân bay Heathrow sau khi từ Yemen trở về Anh. Kế hoạch này chưa bao giờ được triển khai.
Các công tố viên còn nói thêm rằng ông Phạm đã được chính một giáo sỹ Hồi giáo gốc Mỹ, người sau này trở thành thủ lĩnh của nhóm, huấn luyện thực hiện vụ đánh bom tự sát.
Nhân vật chỉ huy này đã bị triệt hạ trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng Chín năm 2011, cùng năm ông Phạm bị bắt ở sân bay Heathrow sau khi trở về nước.
Tại tòa ở New York, ông Phạm nói rằng ông đã phạm “một sai lầm hết sức nghiêm trọng” khi gia nhập al Qaeda tại bán đảo Ảrập.
Ông tuyên bố “chưa bao giờ có ý định gây hại cho ai”. - VOA
No comments:
Post a Comment