Saturday, May 7, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 7/5

Tin Thế Giới

1.
Tàu cá Trung Quốc đâm tàu chở hàng ở biển Hoa Đông

Một vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và một tàu chở hàng của Malta ở biển Hoa Đông hôm nay đã làm 17 người mất tích và hai người thiệt mạng.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, tàu cá của nước này đâm vào tàu của Malta sớm hôm nay.

Các tàu bè gần nơi xảy ra vụ việc đã cứu hai người Trung Quốc nhưng sau đó các nạn nhân thiệt mạng.

Công tác cứu hộ và tìm kiếm vẫn đang tiếp diễn. Theo báo chí Trung Quốc, tàu chở hàng treo cờ Malta sau đó đã rời bỏ hiện trường.

Vụ việc xảy ra trong khi quốc tế bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc cấp tập hành động để củng cố các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Việt Nam và Philippines cùng một số nước khác lâu nay bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Năm 2010, tuần duyên Nhật đã bắt một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc vì đã cố tình đâm vào hai tàu của lực lượng tuần tra biển của nước này gần vùng lãnh hải tranh chấp.

Trong khi đó, mới đây, Trung Quốc đang sử dụng một đội tàu đánh cá để tiến hành tập trận trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Theo Reuters, những ngư dân được đào tạo quân sự đã được triển khai lên các tàu nhỏ từ đảo Hải Nam để thu thập thông tin các tàu lạ đi ngang khu vực Biển Đông.

Bài báo cho biết, các tàu được trang bị thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu - để có thể liên lạc với lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp – trong khi một số tàu mang theo vũ khí nhỏ. - VOA
|
|

2.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên sắp được thăng chức tại Đại hội Đảng

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sắp được thăng chức trong ngày thứ nhì của đại hội đảng Lao động đương quyền.

Theo tin của hãng thông tấn Trung ương của Bắc Triều Tiên, lịch trình  của cuộc họp hôm nay gồm có việc bầu ông Kim vào một chức vụ mới mà có phần chắc sẽ đặt ông vào vị thế ngang hàng với cha ông và ông nội ông, là những người từng giữ chức tổng bí thư của đảng Lao động.

Chức danh của Kim Jong Un hiện nay là bí thư thứ nhất, và tuy có tính chất tượng trưng, nhưng sự thăng chức ngày hôm nay là một dấu hiệu khác nữa để chứng tỏ với thế giới là ông đang nắm giữ mọi quyền hành tại quốc gia bị cô lập này.

Việc này diễn ra trong lúc một tổ chức theo dõi cho biết Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị để thực hiện thêm một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Trang web 38 độ Bắc, chuyên theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên, cho biết hình ảnh của vệ tinh thương mại chụp ngày 5 tháng 5 tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên cho thấy sự di chuyển của xe cộ tại một trung tâm chỉ huy, nơi thường không có hoạt động nào ngoại trừ những lúc chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 36 năm đảng đương quyền ở Bắc Triều Tiên tổ chức đại hội. - VOA
|
|

3.
Cư dân London vui mừng về việc một người Hồi giáo đắc cử thị trưởng

Nhiều người ở London đang ăn mừng việc ông Sadiq Khan của Đảng lao động sắp trở thành thị trưởng Hồi giáo đầu tiên của thành phố.

Kết quả bầu cử loan báo tối thứ 6 cho thấy ông Khan đánh bại đối thủ thuộc phe bảo thủ với số phiếu chênh lệch 14%.

Ông Khan, con của một gia đình người Pakistan di dân sang Anh, sẽ lãnh đạo một thành phố thủ đô đang ra sức đề phòng những vụ tấn công và ứng phó với những mối đe dọa của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến, một trong những vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử thị trưởng là chi phí nhà ở và giao thông không ngừng gia tăng.

Nhiều người tán thưởng lời hứa hẹn của ông Khan là không tăng giá vé xe buýt và xe điện.

Trong khi đó, cử tri ở các nơi khác trên khắp nước gây thất bại lớn cho đảng Lao động. Điều này bộc lộ sự khác biệt rất lớn giữa khối dân đa văn hoá và có chủ trương tiến bộ của London với cử tri ở những nơi khác đang cảm thấy đất nước bị tuộc giốc và đánh mất quyền kiểm soát đối với biên giới của mình. - VOA
|
|

4.
Trung Quốc ‘rúng động’ vì vụ cá chết hàng loạt

Hàng chục tấn cá chết bất thường, dạt vào bờ hồ ở thành phố Hải Khẩu ở miền nam Trung Quốc đang gây quan ngại lớn.

Ít nhất 35 tấn cá chết đã trôi dạt vào bờ hồ trên đảo Hải Nam hôm thứ Tư vừa qua.

Tin tức ban đầu cho hay, một đợt triều cường đã đẩy cá tới cửa sông khiến  chúng bị kẹt vào một hệ thống bơm nước rồi trôi vào hồ nước.

Theo truyền thông Trung Quốc, người dân quan ngại về tình trạng ô nhiễm gây ra hiện tượng này, nhưng chính quyền địa phương lại cho rằng sự việc xảy ra do sự thay đổi độ mặn trong nước hồ.

Các quan chức phụ trách về môi trường đang điều tra nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt này.

Hiện chưa rõ loại cá chết, và các cư dân địa phương nói họ chưa từng nhìn thấy loại cá này tại hồ.

Khoảng 100 công nhân vệ sinh đã phải làm việc nhiều tiếng đồng hồ để vớt cá chết mang đi để ngăn tình trạng người dân nhặt cá mang đi bán cho người tiêu dùng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Trump sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan vào tuần sau --- Những vấn đề nổi bật phân định sự khác biệt giữa ông Trump, bà Clinton

Ông Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã đồng ý gặp nhau vào tuần sau, nhưng ông Trump dường như không cảm thấy hào hứng về cuộc họp sắp tới.

Nhân vật nắm chắc sự đề cử của đảng Cộng hoà để tranh chức Tổng thống Mỹ nói ông hoàn toàn không biết là cuộc họp nhằm hàn gắn sự chia rẽ trong đảng Cộng hoà có thành công hay không và điều đó đối với ông không mấy quan trọng.

Ông Trump cho biết ông đã nói với Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc của đảng Cộng hoà Reince Priebus rằng những phát biểu của ông Ryan để từ chối ủng hộ ông là “hoàn toàn không thoả đáng,” nhưng ông đồng ý họp với nhân vật lãnh đạo này của đảng Cộng hoà.

Hôm qua, ông Ryan cho biết ông và các thành viên khác trong giới lãnh đạo phe Cộng hoà tại Hạ viện sẽ gặp ông Trump vào sáng thứ 5 tuần sau. Ông nói rằng cuộc thảo luận sẽ tập trung vào “những nguyên tắc và ý tưởng của phe Cộng hoà có thể giành được sự ủng hộ của người dân nước Mỹ vào tháng 11.”

Vài ngày sau khi ông Trump thắng cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Indiana và nắm chắc sự đề cử của phe Cộng hoà, ông Ryan nói ông “chưa sẵn sàng” để ủng hộ ông Trump vì những nghi vấn về sự gắn bó của ông Trump đối với chủ nghĩa bảo thủ.

Hôm qua, ông Trump phản công với tuyên bố là ông chưa sẵn sàng ủng hộ chương trình nghị sự của ông Ryan. Ông Trump nói “Paul Ryan nói tôi thừa hưởng một thứ rất đặc biệt là đảng Cộng hòa. Nói vậy là sai. Tôi không hề thừa hưởng. Tôi giành được nó với hàng triệu người bỏ phiếu cho tôi.”

Theo tin của tờ Wall Street Journal, chỉ có 12 trong số 300 dân biểu nghị sĩ Cộng hoà tại quốc hội, và 3 trong số 31 thống đốc thuộc đảng Cộng hoà, công khai ủng hộ ông Trump. - VOA

***
Với quá trình bầu cử sơ bộ của hai đảng gần kết thúc, ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của Đảng Dân chủ có vẻ như sẽ đối đầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 để trở thành tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.

Nhiều tháng tranh luận, đọc diễn văn và trả lời phỏng vấn cho thấy những quan điểm khác biệt của họ về một loạt những vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại, chắc chắn sẽ nổi bật khi họ cố gắng thuyết phục cử tri trong cuộc tổng tuyển cử.

Ngoại giao

Bà Clinton, người từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, muốn tăng cường quan hệ với những nước đồng minh hiện tại và xây dựng những mối quan hệ mới. Bà ủng hộ thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran và muốn ngăn chặn Trung Quốc và Nga có những những hành động gây hấn trong khu vực của họ. Ông Trump cũng ủng hộ tăng cường quan hệ với những nước đồng minh, nhưng đã chỉ trích NATO là "lỗi thời" và tuyên bố sẽ bắt những nước đối tác của Mỹ đóng góp nhiều hơn cho việc phòng thủ. Ông ta gọi thỏa thuận với Iran là "thảm họa" và cho biết ông ta cho rằng mình sẽ có quan hệ tốt Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khủng bố/Nhà nước Hồi giáo

Hồi tháng 3 ông Trump nói sẽ xem xét điều 30.000 bộ binh để giúp đánh bại Nhà nước Hồi giáo, nhưng sau đó nói rằng ông ta không muốn điều binh lính của Mỹ. Ông ta đã nhiều lần cam kết sẽ hạ gục nhóm chủ chiến này, nhưng vẫn chưa cung cấp một kế hoạch cụ thể. Kế hoạch của bà Clinton giống như kế hoạch đang được chính quyền Obama thực thi, phụ thuộc vào những cuộc không kích của liên minh, hỗ trợ những chiến binh trên bộ ở địa phương và nỗ lực phá vỡ hoạt động tài trợ khủng bố và tuyên truyền trực tuyến.

Thẩm vấn

Ông Obama đã cấm những kỹ thuật thẩm vấn tăng cường, bao gồm bịt mặt dội nước, lúc bà Clinton còn là một thành viên trong nội các của ông. Bà ta nói rằng sẽ không chấp nhận hoặc thực hành tra tấn nếu bà ta là nhà lãnh đạo của Mỹ. Ông Trump thì nói rằng những kẻ chủ chiến làm những chuyện còn tồi tệ hơn và ủng hộ đưa biện pháp bịt mặt dội nước trở lại.

Di dân/Người Hồi giáo

Sau những vụ tấn công khủng bố hồi năm ngoái tại Paris, ông Trump cho biết ông ta sẽ cấm tất cả người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ "cho đến khi những đại diện của nước chúng ta có thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra." Sau đó ông ta nói "Hồi giáo ghét chúng ta," và hôm thứ Tư nói với đài MSNBC rằng di dân đang "hủy hoại Châu Âu." Bà Clinton nói việc bêu xấu người Hồi giáo khiến những nước đối tác của Mỹ mất cảm tình và rằng việc đóng cửa đất nước lại đối với những trẻ em mồ côi vì chiến tranh hoặc áp dụng những hình thức kiểm tra tôn giáo cho những người lánh sự đàn áp là điều sai trái.

Nhập cư

Ông Trump muốn xây một bức tường để phong tỏa biên giới phía nam của Mỹ với Mexico, và bắt chính phủ Mexico trả tiền cho bức tường đó. Ông ta cáo buộc Mexico xuất khẩu tội ác và nghèo túng. Ông ta cũng muốn trục xuất hàng triệu người đang sống ở Mỹ bất hợp pháp, tăng gấp ba lần số nhân viên chấp pháp di trú và chấm dứt quốc tịch ở nơi chào đời. Bà Clinton gọi kế hoạch xây tường của ông Trump là "ảo tưởng." Bà ta đề xuất những cải cách di trú bao gồm một con đường dẫn đến quốc tịch, và nói rằng bà ta sẽ bảo vệ những sắc lệnh hành pháp do ông Obama ban hành che chở đông đảo những người nhập cư khỏi bị trục xuất.

Thương mại

Cả hai ứng cử viên đều phản đối thỏa thuận thương mại Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia. Ông Trump còn tuyên bố phản đối thêm Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ được ban hành khi chồng bà Clinton, Bill, làm tổng thống trong những năm 1990. Ông Trump cũng đề xuất đàm phán lại những thỏa thuận thương mại và áp đặt mức thuế quan nghiêm ngặt lên hàng hóa của Trung Quốc và Mexico. Ông ta nói rằng ông ta không ngại khơi ra một cuộc chiến thương mại khi Mỹ có thâm hụt thương mại của hàng tỉ đô la.

Kinh tế trong nước

Ông Trump và bà Clinton đều muốn giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Về mức lương tối thiểu, bà Clinton cho biết bà ủng hộ mức liên bang cao hơn và ủng hộ khả năng của những chính quyền địa phương thông qua mức lương còn cao hơn nữa. Ông Trump đã nói từ đầu chiến dịch tranh cử rằng mức lương tối thiểu quá cao, nhưng giờ nói rằng ông ta sẵn sàng nâng nó lên. Ông ta kiên quyết phản đối chương trình chăm sóc y tế Đạo Luật Chăm sóc Y tế Giá Phải chăng của ông Obama, trong khi bà Clinton nói rằng bà ta sẽ bảo vệ và phát huy đạo luật này.

Tăng nhiệt toàn cầu

Bà Clinton gọi biến đổi khí hậu là "mối đe dọa cấp bách và thách thức mang tính định hình của thời đại chúng ta." Bà ta muốn giảm thiểu ô nhiễm carbon của đất nước và thúc đẩy phát triển một nền kinh tế năng lượng xanh. Ông Trump nói rằng ông ta không tin là con người đang góp phần làm biến đổi khí hậu. Ông ta từng đăng lên Twitter rằng biến đổi khí hậu là do Trung Quốc tạo ra để làm cho ngành sản xuất ở Mỹ bớt tính cạnh tranh. - VOA
|
|

6.
Chánh án Tối cao Pháp viện tiểu bang Alabama bị ngưng chức

Vị chánh án của Tối cao Pháp viện tiểu bang Alabama ở Mỹ đã bị ngưng chức vì tìm cách ngăn chận hôn nhân đồng giới, đi ngược với phán quyết áp dụng cho cả nước của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Hôm thứ 6, một ủy ban giám sát tư pháp tiểu bang đã nộp đơn kiện Chánh án Roy Moore vì cho rằng vị thẩm phán gây tranh cãi này đã lạm dụng chức vụ. Nếu bị xét có tội, ông có thể bị loại khỏi chức vụ.

Tố cáo này phát sinh từ một mệnh lệnh hành chánh mà ông Moore đưa ra hồi đầu năm nay cho các thẩm phán để đòi họ tuân theo luật cấm hôn nhân đồng giới của tiểu bang. Mệnh lệnh đó được đưa ra sau khi một viên thẩm phán liên bang ra lệnh cho các thẩm phán của Alabama không được chấp hành lệnh cấm.

Tối thứ 6, ông Moore đưa ra một thông cáo nói rằng ông không tin là uỷ ban giám sát có quyền thực hiện những hành động chống lại ông như vậy.

Năm 2003, ông Moore đã bị chính uỷ ban này loại khỏi chức vụ chánh án tối cao pháp viện tiểu bang vì không tuân theo một án lệnh liên bang đòi ông dời đi nơi khác một tấm bia lớn ghi 10 Điều Răn trong Kinh Thánh mà ông đã dựng trong khuôn viên của toà án. Cử tri Alabama đã bầu ông Moore vào chức vụ này trở lại vào năm 2012. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Việt Nam tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt ở Thanh Hóa

Chính quyền trong nước mau chóng điều tra ra nguyên nhân vụ cá chết bất thường trên sông Bưởi, Thanh Hóa, trong khi chưa có kết luận về thảm họa cá chết khác dọc bờ biển miền Trung.

Cá trên khu vực sông Bưởi đoạn qua xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) mấy ngày qua chết hàng loạt, nổi trắng sông.

Nhiều người dân đã dùng thuyền vớt cá bị chết mang vào bờ nhưng không dám sử dụng vì sợ bị nhiễm độc.

Ngày 7/5, ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, cho biết Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình đã nhận lỗi gây ô nhiễm do xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn con sông này.

Báo chí trong nước đưa tin, công ty cổ phần mía đường Hòa Bình, đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, đang trong quá trình chạy thử.

Hệ thống xử lý nguồn nước thải của công ty cũng chưa được hoàn thiện, và nước thải được thu gom về hồ chứa trong khu vực của công ty.

Đến ngày 3-4/5, do hồ quá đầy, công ty này đã xả nước thải chưa qua xử lý từ hồ chứa ra thượng nguồn sông Bưởi, khiến hàng tấn cá lồng của người dân nuôi trên sông đã chết.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển nhiều tỉnh miền Trung với sự trợ giúp của các chuyên gia từ nhiều nước trong đó có Mỹ, Nhật và Đức.

Ngư dân Hà Tĩnh cho rằng hệ thống thải của nhà máy thép Formosa của Đài Loan có thể là "thủ phạm", nhưng quan chức Việt Nam nói chưa thể khẳng định được điều này.

Liên Hiệp Quốc vào cuộc?

Hôm qua, trả lời báo chí trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson khẳng định rằng "nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu giúp đỡ liên quan đến vụ cá chết hàng loạt, Liên Hiệp Quốc sẵn sàng hỗ trợ".

Ông Eliasson nói thêm rằng ngay từ ngày đầu tới Việt Nam trong chuyến thăm từ 3 - 6/5, ông đã thảo luận rất nhiều về vấn đề cá chết ở miền Trung nhưng chưa thấy có một kết quả đánh giá nào có thể giải thích vì sao vụ việc lại xảy ra.

Ông cho rằng Việt Nam "phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao lại để xảy ra hậu quả quá lớn như vậy".

Hôm 07/5, một trong các chuyên gia nước ngoài đang điều tra vụ cá chết ở Việt Nam, Giáo sư Yoshihiko Yamada, thuộc Đại học Tokai, Nhật Bản, được kênh truyền hình nhà nước, VTV1, dẫn lời nói rằng có thể sẽ phải cần tới một năm để đưa ra kết luận cuối cùng về thảm họa môi trường ở miền Trung. 

Trước đó, Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở khu vực Đông Nam Á (OHCHR) hôm thứ Năm đã bày tỏ lo ngại về tác động của vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền trung của Việt Nam đối với việc thụ hưởng quyền con người của quốc gia này, đặc biệt là quyền liên quan tới y tế và thực phẩm.

Văn phòng Khu vực cũng quan ngại về việc xử lý các cuộc biểu tình nổ ra sau vụ cá chết, và kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền tự do tập hợp, phù hợp với luật quốc tế.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng đầy đủ quyền tập hợp ôn hòa, được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. - VOA

No comments:

Post a Comment