Sunday, May 8, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 8/5

Tin Thế Giới

1.
Ông Kim Jong Un hứa không sử dụng vũ khí hạt nhân

Thông tấn xã nhà nước Bắc Triều Tiên nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un phát biểu tại đại hội đảng rằng nước ông sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi chủ quyền của nước ông bị các thế lực hạt nhân khác đe dọa.

Hãng thông tấn KCNA hôm Chủ nhật nói rằng ông Kim cũng sẵn lòng bình thường hóa quan hệ với các nước thù địch với chính phủ Bình Nhưỡng, và ông kêu gọi đối thoại nhiều hơn với Nam Triều Tiên để hạ giảm mức độ mất tin tưởng, và tránh gây thêm hiểu lầm.

Hãng tin KCNA trích lời ông Kim nói rằng: “Là một nước có vũ khí hạt nhân có trách nhiệm, quốc gia của chúng tôi sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ phi chủ quyền của chúng tôi bị các thế lực thù địch gây hấn bằng vũ khí hạt nhân.”

Không rõ liệu tuyên bố đó của ông Kim có đưa ra bất cứ dấu hiệu thay đổi nào trong thái độ hay gây chiến với các nước láng giềng và Mỹ hay không.  

Hồi tháng 3, Bắc Triều Tiên dọa sẽ “giáng mạnh” và “không khoan nhượng” bằng vũ khí hạt nhân nhắm vào Mỹ và Nam Triều Tiên để đáp trả các hoạt động diễn tập quân sự chung của Mỹ và Nam Triều Tiên.

Ông Kim phát biểu trước 3.400 đại biểu theo tin tức loan tải, trong lúc các nhà quan sát Nam Triều Tiên tiếp tục đề cao cảnh giác trước đe dọa của Bình Nhưỡng sẽ có thêm các vụ thử nghiệm liên quan đến hạt nhân trong tương lai gần.

Liên hiệp quốc đã tăng các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn đối với Bình Nhưỡng hồi tháng 3 sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của quốc gia cộng sản này và vụ phóng một hỏa tiễn tầm xa được dư luận cho là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.  

Tại đại hội đảng khai mạc hôm thứ Sáu và diễn ra trong vài ngày, ông Kim gọi kế hoạch 5 năm của ông sẽ cùng lúc phát triển vũ khí hạt nhân và đẩy mạnh nền kinh tế của nước ông.  

Các nhà phân tích nói rằng kế hoạch được loan tải hôm Chủ nhật trên nhật báo Rodong Sinmun có nguy cơ thất bại vì các biện pháp trừng phạt gắt gao của quốc tế mà Bình Nhưỡng phải đối mặt trong khi phát triển chương trình hạt nhân.

Hoạt động hạt nhân

Trang web 38 độ Bắc, chuyên theo dõi tình hình Bắc Triều Tiên, cho biết hình ảnh của vệ tinh thương mại chụp ngày 5 tháng 5 tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên cho thấy sự di chuyển của xe cộ tại một trung tâm chỉ huy, nơi thường không có hoạt động nào ngoại trừ những lúc chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm.

Chủ tịch Kim khai mạc Đại hội Đảng Công nhân lần thứ 7 bằng việc ca ngợi cuộc thử nghiệm hạt nhân nước ông đã thực hiện hồi tháng Giêng và vụ phóng vệ tinh vào không gian hồi tháng hai. Ông nói những thành tựu đó chứng tỏ “phẩm giá và sức mạnh ở mức cao nhất.”

Ông Kim phát biểu: “Tại đại hội đảng lần thứ 7 năm nay, nhân dân và quân đội của chúng ta đã đạt được những thành công vĩ đại trong cuộc thử nghiệm bom kinh khí và cuộc phóng vệ tinh quan sát trái đất.”

Đáp lại, Washington kêu gọi Bình Nhưỡng “kiềm chế hành động và lời nói có thể gây thêm bất ổn cho khu vực.”

Ít dấu hiệu thay đổi

Ông Kim theo trông đợi sẽ loan báo các chính sách quan trọng và việc sắp xếp lại các vị trí chủ chốt trong đảng tại đại hội này. Nhưng phát biểu hôm thứ Sáu của ông cho thấy ít dấu hiệu sẽ có thay đổi lớn. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyên bố hàng loạt thành tựu mà ông đã làm được kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2011.

Ông Kim cũng ca ngợi sự thành công của cái gọi là “cuộc chiến 70 ngày,” một chiến dịch kinh tế ngắn hạn với mục tiêu tăng tối đa sản lượng công nghiệp và xây dựng trong một khoảng thời gian giới hạn với nguồn lực eo hẹp. Kể từ cuối tháng 2, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đã tập trung ca ngợi chiến dịch này.

Đại hội đảng lần gầy đây nhất tại Bắc Triều Tiên diễn ra vào thời kỳ cầm quyền của ông Kim Il Sung, ông nội của chủ tịch Kim hiện nay.  Thời kỳ cầm quyền của cha của ông – ông Kim Jong Il – người ít phát biểu trước công chúng – đã không tổ chức đại hội đảng.

Chuẩn bị cho đại hội đảng này bao gồm việc khởi động phong trào trên cả nước trong một chiến dịch 70 ngày nhắm tăng năng suất tối đa và dọn dẹp sạch sẽ thủ đô. - VOA
|
|

2.
Ba Lan: Dân chúng xuống đường rầm rộ chống chính phủ bảo thủ

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Ba Lan từ khi chế độ Cộng Sản cáo chung. Ngày thứ bảy 07/05/2016, gần 250.000 người đã tuần hành ở thủ đô Vacxava để bảo vệ chỗ đứng của Ba Lan trong châu Âu và tố cáo chính sách bảo thủ của chính quyền cánh hữu.

Từ Vacxava, thông tín viên Damien Simonart tường thuật :

Đây không phải là cuộc biểu tình đầu tiên chống chính phủ trong năm nay. Nhưng đây là lần đầu tiên dân chúng tham gia đông đảo với đoàn tuần hành dài nhiều cây số. 

Tất cả phe đối lập, từ xu hướng tự do đến thân tả, đã cùng kêu gọi người dân Ba Lan đi biểu tình. Cựu tổng thống Bronislaw Komorowski cũng có mặt. Khẩu hiệu của đoàn biểu tình là « Chúng tôi là dân châu Âu và luôn ở trong Liên Hiệp Châu Âu ». Ý chí được biểu hiện với một rừng cờ châu Âu nền xanh dương.

Giới lãnh đạo chính trị kêu gọi bảo vệ nền dân chủ Ba Lan mà theo họ đang bị chính sách độc đoán của chính quyền bảo thủ đe dọa. Đối lập cũng kêu gọi chính phủ Ba Lan tôn trọng các phán quyết của Toà Bảo Hiến bác bỏ các biện pháp bị xem là vi hiến. 

Họ cũng yêu cầu chính quyền cánh hữu tôn trọng chế độ tam quyền phân lập. Sự kiện bộ trưởng tư pháp được bổ nhiệm vào ghế biện lý (công tố) cho thấy có sự chồng chéo giữa tư pháp và hành pháp Ba Lan.

Trong cuộc đối thọai trực tuyến với cộng đồng mạng vào trưa thứ bảy, chủ tịch đảng cánh hữu Luật Pháp và Công Lý, Jaroslaw Kaczynski bất chấp lời kêu gọi này. Ông cho rằng cần phải tiếp tục cải cách và không sợ dân biểu tình. - RFI
|
|

3.
Australia sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 7

Thủ tướng Australia đề nghị tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2 tháng 7.

Thủ tướng Malcolm Turnbull hôm Chủ nhật nói: “Trong cuộc bầu cử này, người dân Australia sẽ có một chọn lựa rất rõ ràng: giữ chiều hướng hiện tại, tiếp tục cam kết của kế hoạch kinh tế quốc gia về tăng trưởng và tăng công ăn việc làm hoặc là quay trở lại với Đảng Lao động với nghị trình nợ và thâm hụt ngân sách, chi tiêu nhiều hơn và thuế cao hơn – nghị trình ngăn sự chuyển tiếp của đất chúng ta và đưa nền kinh tế vào chỗ bế tắt.”

Thủ tướng Turnbull hy vọng sẽ giành được chiến thắng nhiệm kỳ ba năm lần thứ hai cho liên minh Tự do – Quốc gia của ông. Ông Turnbull lên thay cho ông Tony Abbott làm lãnh đạo Đảng Tự do hồi tháng 9 năm ngoái, chỉ hai năm sau khi chính phủ liên minh lên cầm quyền.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc bầu cử có thể là một cuộc đua tranh rất gay cấn giữa Đảng Lao động đối lập và liên minh cầm quyền do Đảng Tự do của ông Turnbull lãnh đạo.

Thượng viện không thông qua dự luật cho phép chính phủ thành lập một cơ quan giám sát ngành công nghiệp xây dựng là trọng tâm của việc ông Turnbull yêu cầu tổ chức bầu cử sớm.

Cuộc bầu cử sắp tới sẽ rất quan trọng bởi vì Đảng Tự do đương quyền đặt cược tương lai chính trị của họ với hy vọng là cử tri sẽ ủng hộ cho mục tiêu của đảng này là thành lập cơ quan giám sát xây dựng.

Bầu cử sớm còn là một “giải pháp kép,” giải tán cả thượng viện và hạ viện.  

Bầu cử cớm như vậy ít khi được dùng để chấm dứt thế bế tắt giữa hai viện quốc hội.

Lãnh đạo Đảng Lao động, ông Bill Shorten hôm Chủ nhật nói ông sẽ “tranh đấu trong cuộc bầu cử này để làm cho Australia trở thành một nước công bằng hơn, nơi nhu cầu của người dân và của các doanh nghiệp nhỏ phải được đặt trên hàng đầu của danh sách ưu tiên.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Bà Clinton tiến gần tới đề cử của Ðảng Dân chủ sau chiến thắng ở Guam

Bà Hillary Clinton, ứng cử viên tranh chức tổng thống thuộc Ðảng Dân chủ của Mỹ, tiến gần đến chỗ giành quyền để cử của đảng hơn sau chiến thắng trong cuộc họp bầu hôm thứ Bảy ở Guam.

Bà Clinton được 60% phiếu bầu, giành được 4 trong tổng số 7 phiếu đại biểu của đảo nhỏ trên Thái Bình Dương này.  

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, đối thủ của bà Clinton, giành được 3 phiếu đại biểu.

Tuy nhiên ông Sanders giành được gần 50 phiếu đại biểu tại bang Washington.

Ông Sanders đã thắng dễ dàng trong cuộc họp bầu tại bang này hôm 26 tháng 3, với tỉ lệ 73% trên 27% - để nhận được 25 trong tổng số 34 phiếu đại biểu của bang này.

Tuy nhiên thêm 67 phiếu đại biểu cấp quận chưa được quyết định phân bổ cho đến khi bang này có được dữ liệu phiếu bầu được chia theo quận.

Tương tự như các bang khác, bang Washington có một hệ thống gồm nhiều bước để quyết định trao phiếu đại biểu.  

Các giới chức bầu cử phải chờ cho đến khi các đại hội cấp quận hoàn thành vào ngày 1 tháng 5 trước khi họ có thể đưa ra thêm thông tin chi tiết.

Gần 50 phiếu đại biểu

Hãng thông tấn AP nói rằng các dữ liệu cấp quận cho thấy ông Sanders sẽ nhận được 49 phiếu đại biểu, và bà Clinton sẽ nhận được 18 phiếu đại biểu.

Bất chấp các kết quả ở bang Washington, bà Clinton tiếp tục duy trì thế dẫn đầu trong tổng số phiếu đại biểu, với 2.228 phiếu. Bà Clinton đã đạt được hơn 93% số phiếu đại biểu cần thiết để giành quyền đề cử của đảng.  Ông Sanders hiện có được 1.454 phiếu đại biểu.

Cựu ngoại trưởng Clinton đang trên đường giành quyền đề cử của đảng vào đầu tháng 6 sắp tới.

Ông Sanders nói ông không có ý định rút khỏi cuộc đua trước các cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng diễn ra vào tháng 6.

Tuy nhiên bà Clinton đã hướng tới phía trước trong cuộc đối đầu vào tháng 11 với tỉ phủ Donald Trump, ứng cử viên còn lại duy nhất bên Ðảng Cộng hòa.

Ðại hội toàn quốc của Ðảng Dân chủ sẽ được tổ chức tại thành phố Philadelphia từ ngày 25 đến 28 tháng 7.  Còn đại hội bên Ðảng Cộng hòa sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 21 tháng 7 ở thành phố Cleveland.

Công kích nhau bằng tên giễu

Trong khi đó, ông Trump nhiều lần gọi bà Clinton là “Hillary quanh co” - tên giễu ông đặt cho người dẫn đầu cuộc đua bên Ðảng Dân chủ - tại các cuộc mít-tinh trong dịp cuối tuần này ở bang Oregon và Washington.

Ông Trump cũng tiếp tục loạt đả kích Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một thủ lãnh của phong trào tiến bộ.

Hôm thứ Tư, sau khi hai ông Ted Cruz và John Kasich rút cuộc đua, để ông Trump trở thành ứng cử viên còn lại duy nhất bên Ðảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Warren đã lên Twitter mạnh mẽ chỉ trích ông Trump với một loạt 9 mẫu tin lên án ông Trump là người phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và ghét người nước ngoài.

Bà Warren, một người được kính nể trong số các đảng viên Dân chủ cấp tiến với công của bà lập ra Cơ quan Bảo vệ khách hàng Tài chánh, tiếp sau đó đã tố cáo ông Trump xúi giục người ủng hộ ông gây bạo động, và ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tối thứ Sáu, ông Trump đã đáp trả những chỉ trích của bà Warren bằng một loạt mẩu tin trên Twitter. Ông gọi bà Warren là “kẻ xu nịnh bà Hillary Clinton,” và nói rằng sự nghiệp của bà Warren “xây dựng trên một sự dối trá.”

Ông Trump đề cập đến tuyên bố gây tranh cãi của bà Warren rằng bà có nguồn gốc người Mỹ bản địa. Tuyên bố đó đã trở thành một vấn đề vào năm 2012 khi bà Warren vận động tranh cử chức thượng nghị sĩ đại diện bang Massachusetts. Trong cuộc vận động tranh cử đó, tin nói là bà Warren tự nhận đã kế thừa nguồn gốc của người Mỹ bản địa trong đơn xin dạy tại cả Trường luật Havard lẫn Trường luật Pennsylvania.

Bà Warren lâu nay luôn bảo vệ nguồn gốc người Mỹ bản địa của bà dựa vào những câu chuyện được cha mẹ của bà kể cho khi bà còn là trẻ thơ, nhưng bà không đưa ra được một bằng chứng trên giấy tờ nào để chứng minh nguồn gốc đó.

Bà Warrren đáp lại công kích của ông Trump hôm thứ Sáu bằng việc gọi ông Trump là kẻ hiếp đáp và nói rằng những phát biểu của ông Trump là “những lời nói dối đầy thù hận”. - VOA
|
|

5.
Thế giới mừng Ngày của Mẹ --- Tổng thống Obama chúc mừng Ngày của Mẹ

Hôm nay Mỹ và nhiều nước trên thế giới mừng Ngày của Mẹ.

Ngày của Mẹ để mừng và cảm tạ tất những gì mà mẹ đã làm.

Theo truyền thống con cái tặng hoa cho mẹ, và đãi bữa ăn tối trịnh trọng trong ngày dành cho Mẹ,

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vinh danh phu nhân Michelle trong phát biểu hàng tuần, cám ơn bà về cách đặc biệt mà bà đã làm nhiệm vụ quan trọng nhất – đó là làm mẹ.”

Quốc hội Mỹ đặt Ngày của Mẹ là ngày lễ chính thức vào năm 1914. Tổng thống Obama nhân ngày này hối thúc Quốc hội thông qua thêm các biện pháp quan trọng để vinh danh phụ nữ, bắt đầu bằng một số trong các sáng kiến của chính quyền của ông đề ra.

Tổng thống Obama nói: “Nếu Quốc hội có thể đặt ngày này là ngày lễ, chắc chắc Quốc hội có thể hậu thuẫn cho điều đó bằng những việc làm có ý nghĩa.  Trong đó có chế độ nghỉ hộ sản được trả lương cho các bà mẹ và ông bố, nghỉ bệnh, nhà ở cho người lao động mang thai, chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em với giá cả có thể kham nổi, điều kiện linh động tại nơi làm việc, lương bổng bình đẳng, và mức lương tối thiểu phù hợp. Bảo đảm cho mẹ của chúng ta được đối xử công bằng là điều tối thiểu chúng ta có thể làm.”

Bà Anna Jarvis, người khởi xướng Ngày của Mẹ vào năm 1908 bắt đầu bằng cách vinh danh những hy sinh của người mẹ dành cho con cái.

Bà Jarvis thoạt đầu xem Ngày của Mẹ như là một lễ mừng riêng tư trong gia đình. Tuy nhiên khi ngày này trở thành ngày lễ chính thức, các công ty kinh doanh hoa, thiệp chúc mừng đã cùng với nhiều nhà kinh doanh khác đã nhanh chóng nhảy vào thương mại hóa ngày lễ này.

Bà Jarvis thất vọng về điều đó, và bà đã thậm chí vận động chính phủ bỏ ngày này ra khỏi lịch chính thức của Mỹ, trước khi bà mất năm 1948.

Nhưng Ngày của Mẹ vẫn được duy trì. Đó là một trong những ngày lễ được nhiều người đón mừng nhất và là một trong những dịp lễ mà người tiêu thụ chi tiêu nhiều nhất. - VOA

***
Trong bài phát biểu hàng tuần, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gửi lời chúc mừng tới các bà mẹ ở khắp nơi, trong đó có cả Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama.

Ông Obama kêu gọi mọi người “dành đôi chút thời gian để nói lời cám ơn tới những người mẹ luôn dành tình yêu thương đặc biệt” cho con cái.

Tổng thống Mỹ nói tiếp: “Mẹ đẻ, mẹ nuôi, mẹ đơn thân, mẹ đỡ đầu, bà, hay dì…, hoặc bất kỳ ai mà quý vị nghĩ tới khi tới Ngày của Mẹ”.

Ông cũng nhấn mạnh tới việc hỗ trợ cho tất cả các ông bố bà mẹ như việc cho các ông bố bà mẹ nghỉ phép được hưởng lương khi sinh con, cho nghỉ ốm, hay hỗ trợ cho các nhân viên mang thai, chăm sóc sức khỏe tốt cho trẻ em, chế độ làm việc công bằng và chế độ làm việc linh hoạt cùng mức lương tối thiểu.

Ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động đối với các đề xuất trên nhân Ngày của Mẹ.

Ngày của Mẹ ở Mỹ năm nay rơi vào ngày Chủ nhật, 8/5. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Lại nổ ra biểu tình ở Việt Nam vì cá chết --- 'Bắt bớ' xảy ra trong biểu tình vì cá chết --- Việt Nam: Biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm, 100 người bị câu lưu --- Nhà nước ngăn chặn và bắt giữ người biểu tình vì an toàn môi trường

Hàng trăm người dân ở Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang, Khánh Hòa, hôm nay, 8/5, tiếp tục xuống đường để phản đối sự thiếu minh bạch của chính quyền trong thảm họa cá chết ở nhiều tỉnh miền Trung và công ty Formosa của Đài Loan.

Các hình ảnh và video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình cầm các biểu ngữ như “Yêu cầu minh bạch thông tin Formosa”, “Biển sạch, chính quyền sạch!”, "Vì cá, vì nước, cả nước xuống đường" hay "Trả cho tôi cá và biển sạch".

Có tin nói rằng một số nhà hoạt động xã hội ở trong nước đã bị ngăn cản, không được phép rời khỏi nhà, và một số người đã bị bắt. VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập các tin tức này.

Một số bức ảnh được cho là chụp trong đồn công an quận Long Biên ở Hà Nội cho thấy khoảng hơn 30 người biểu tình đã được đưa về đây.

Trong khi đó ở Sài Gòn, có một số chiếc xe buýt lớn cũng đã được đưa tới gần nơi người phản đối tập hợp, và một số người đã bị giải lên đó rồi bị đưa đi.

Qua một số bức ảnh, có thể thấy lực lượng công an và an ninh mặc thường phục xuất hiện dày đặc trên một số con đường gần Nhà Hát Lớn ở Hà Nội, một trong các địa điểm tập hợp của người biểu tình, cũng như ở trung tâm TP HCM.

Hai ngày trước, hôm 6/5, tờ Quân đội Nhân dân, tiếng nói của Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã đăng tải một bài xã luận với tựa đề “không được lợi dụng sự cố môi trường để xuyên tạc, kích động, gây rối”.

Trong khi đó, trên Facebook cá nhân, nhà báo tự do Đoan Trang viết: “Ta hãy nhớ: Nhà nước công an trị mang tên CHXHCN Việt Nam có thể đặc biệt lúng túng trong việc xử lý các sự kiện có tính chất thảm họa, đe dọa cuộc sống của người dân. Nhưng họ là bậc thầy trong việc trấn áp đối lập, tiêu diệt “phản động”. Suy cho cùng, đàn áp dân chúng dễ hơn nhiều và có thừa nguồn lực so với điều hành, quản trị đất nước”.

Trong khi đó, hôm 7/5, tại California, Mỹ, và Sydney, Australia, nhiều người gốc Việt cũng đã xuống đường tuần hành để “đồng hành với người biểu tình ở trong nước vì Một môi trường xanh”.

Các cuộc tuần hành diễn ra một tuần sau khi hàng trăm người đổ ra đường phố ở Hà Nội và TP HCM để phản đối sự phản ứng chậm chạp của chính quyền cũng như cáo buộc công ty thép Formosa của Đài Loan gây ra thảm họa, dù chính quyền trong nước chưa phát hiện ra bằng chứng.

Chưa có kết luận cuối cùng

Sau nhiều tuần xảy ra cá chết hàng loạt, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho thảm họa ảnh hưởng tới nhiều ngư dân ở miền Trung.

Hôm 7/5, một trong các chuyên gia nước ngoài đang điều tra vụ cá chết ở Việt Nam, Giáo sư Yoshihiko Yamada, thuộc Đại học Tokai, Nhật Bản, được kênh truyền hình nhà nước, VTV1, dẫn lời nói rằng có thể sẽ phải cần tới một năm để đưa ra kết luận cuối cùng về thảm họa môi trường này. 

Trước đó, trả lời báo chí trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson khẳng định rằng "nếu chính phủ Việt Nam yêu cầu giúp đỡ liên quan đến vụ cá chết hàng loạt, Liên Hiệp Quốc sẵn sàng hỗ trợ".

Ông cho rằng Việt Nam "phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao lại để xảy ra hậu quả quá lớn như vậy".

Trước đó, Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở khu vực Đông Nam Á hôm thứ Năm đã bày tỏ lo ngại về việc xử lý các cuộc biểu tình nổ ra sau vụ cá chết, và kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự do tập hợp, phù hợp với luật quốc tế.

Hôm 2/5, báo chí Việt Nam loan tin, hai người, bị cáo buộc “là thành viên của các tổ chức như Con Đường Việt Nam và Việt Tân”, bị bắt rồi sau đó được thả nhiều tiếng đồng hồ.

Về cáo buộc này, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, nói với VOA Việt Ngữ trong tuần rằng việc hai người bị bắt tham gia tuần hành là “thể hiện quyền và nguyện vọng của họ”. - VOA

***
Tại công viên 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm người đã đến với những biểu ngữ "Tôi cần biển sạch - Tôm cá", "Dân cần tôm cá", "Please protect our environment" (Xin hãy bảo vệ môi trường của chúng ta).

Đây là đợt xuống đường thứ hai tại thành phố này, sau thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.

Nhiều xe bus được điều tới khu vực người biểu tình tập trung tại khu vực Nhà thờ Đức Bà - Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ảnh cho thấy người biểu tình bị bắt đưa lên xe bus đưa đi ngay tại khu vực này.

Các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Du, Hai Bà Trưng đều bị phong tỏa. Một người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói họ không được phép đi xe máy vào khu vực này.

Nhiều rào chắn đã được đưa đến khu vực này từ sớm - ảnh của một người dân cho biết. Hình ảnh một bạn đọc cung cấp cho BBC nói "hơi cay" đã được sử dụng với người biểu tình.

Đây là đợt xuống đường thứ hai tại thành phố này, sau thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.

Tại Hà Nội, một số người tham gia xuống đường vì sự cố cá chết ở bốn tỉnh miền Trung đã bị "bắt bớ", "nhiều nhóm đã bị bắt và phá lẻ" - một nhà hoạt động nói.

Trong một clip được đưa lên mạng, những người tuần hành tại Hà Nội nói họ sẽ "đi quanh bờ hồ". Tuy nhiên, sau đó có tin khoảng 40 người ở khu vực Nhà Hát Lớn đã bị bắt "đưa lên xe"

Những người biểu tình ngồi xuống và ra dấu hiệu đặt chéo tay. Nhưng sau đó họ đã bị "đưa lên xe" và rời khỏi hiện trường.

Những người quay clip đều bị yêu cầu “xóa tại chỗ”, một người tham gia cho biết.

Bạn đọc của BBC mô tả buổi biểu tình tại Hà Nội: “Một ông bố dắt con trai đội mũ hải quân cương quyết không rời chỗ đứng của mình vì anh ta cho rằng không làm gì sai pháp luật. Anh ta yêu cầu công an và dân phòng đừng làm mất đi hình ảnh một xã hội tốt đẹp trong mắt con anh ta.”

“Một em bé có mẹ tên là Lan bị bắt đã kêu gào thảm thiết khiến một số công an và dân phòng lúng túng, cuối cùng người nhà của em bé đã dỗ em nín và đưa em về nhà với một lời an ủi: "Mẹ con là người tốt, yên tâm đi, đến chiều họ sẽ thả mẹ về.”
Người tham gia này cũng nói buổi xuống đường đã bị giải tán lúc 10 giờ sáng.

Trên trang blog cá nhân, nhà báo Phạm Đoan Trang viết trước hôm biểu tình lần thứ hai: "Chỉ một, hai tháng như vậy là Đảng và Nhà nước sẽ dẹp yên được dư luận và cho toàn bộ vụ Formosa - Vũng Áng chìm xuồng."

"Không được tiếp lửa, biểu tình cũng nguội dần. Nếu số người tham gia mỗi tuần đều giảm đi thì biểu tình sẽ ngày càng nhạt, mất dần sự chú ý của dư luận. Tệ nhất là khi từ con số hàng trăm, sau vài chủ nhật, chỉ còn trơ lại một số gương mặt nổi nhất, như vậy công an rất dễ xử lý, đàn áp “hậu biểu tình”. Sẽ không có cuộc “cách mạng cá” nào cả, như nhiều người đang mong đợi."

Tuần qua, Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam đã mời các nhà khoa học Đức, Nhật, Israel đến để tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Hôm giữa tuần, một vệt nước màu đỏ xuất hiện ở biển Quảng Bình, và kênh VTV8 đưa tin là "thủy triều đỏ" - Tuy nhiên, ngay sau đó, các nhà khoa học nói với BBC "Màu đỏ đấy và qua chụp hình chưa nói lên cái gì" và "phải chờ để phân tích."

Giáo sư Yoshihiko Yamada, thuộc Đại học Tokai, Nhật Bản, nói trên VTV: "có khi đến một năm thì mới tìm ra được đúng yếu tố, nguyên nhân".

Hôm 1/5, tại nhiều tỉnh ở Việt Nam đã xảy ra các cuộc xuống đường phản đối việc không có thông tin về thảm họa cá chết gây thiệt hại cho ngư dân miền Trung.

Cuộc biểu tình hôm 1/5 có hàng ngàn người tham dự tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. - BBC

***
Chủ nhật 08/05/2016, hàng ngàn người Việt Nam xuống đường lần thứ hai tại Hà Nội và Sài Gòn chống công ty thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, bị xem là thủ phạm thải chất độc gây ô nhiễm sát hại thủy sản các tỉnh miền trung. Chính quyền nhanh chóng đàn áp, câu lưu khoảng 100 người.

Theo AFP, biểu tình đã nổ ra cùng một lúc tại Hà Nội và Sài Gòn. Tại thủ đô Việt Nam, vào sáng nay, hàng trăm người đã tụ họp trước Nhà Hát Lớn. Một cựu chiến binh 68 tuổi, Nguyễn Mạnh Trung cho biết ông rất phẫn nộ vì « chưa bao giờ biển của Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng như thế ». Công an can thiệp nhanh chóng. Ít nhất một trăm người biểu tình bị áp giải lên xe chở đi.

Ở Nha Trang, một nhóm blogger tuần hành cũng với biểu ngữ đòi "biển sạch, chính quyền minh bạch chuyện cá chết hàng loạt".

Cùng lúc đó, cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại Sài Gòn, thủ phủ kinh tế Việt Nam. Các mạng xã hội cho biết có hàng ngàn người tham gia với biểu ngữ đòi "Formosa cút khỏi Việt Nam" "Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch".

Chính quyền huy động một lực lượng công an chìm, nổi, cảnh sát, dân phòng dùng hơi cay giải tán.

Sau vụ dân chúng biểu tình ngày chủ nhật 01/05 và lời kêu gọi tiếp tục xuống đường phản đối Formosa ngày 08/05 được tung lên mạng, nhà ở của một số blogger ở Hà Nội và Sài Gòn bị nghi là nòng cốt phong trào đã bị an ninh bao vây hay đóng chốt từ thứ bảy. Trái lại, một tháng trôi qua, từ khi cá chết hàng loạt trôi vào bờ biển bốn tỉnh miền Trung, chính phủ Việt Nam vẫn chưa "tìm ra thủ phạm".

Từ Sài Gòn một thanh niên lần thứ hai đi biểu tình giải thích vì sao dân chúng bất bình, và vì sao anh tham gia chống Formosa gây ô nhiễm.

Qua điện thoại, người dân này cho biết: "Chúng tôi biểu tình là để bảo vệ môi trường biển bị xâm hại, cá chết hàng loạt. Thứ hai là cái sự minh bạch trong vấn đề tìm ra nguyên nhân cá chết và biển bị nhiễm độc mà nhà cầm quyền thì không minh bạch trong vấn đề đó làm dân bức xúc. Là công dân, tôi hoà mình vào anh chị em có cùng chung nổi bức xúc đó. Chúng tôi biểu tình ôn hoà đòi quyền lợi của người dân chứ không phải bị ai lôi kéo, kích động, xúi giục, cho tiền … thế mà chính quyền phản ứng rất mạnh….." - RFI

***
Biểu tình vào ngày chủ nhật hôm nay 8 tháng 5 tiếp tục diễn ra tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn sau cuộc biểu tình hôm 1 tháng 5. Mục đích nhằm lên tiếng cho môi trường trong lúc vùng biển một số tỉnh miền Trung bị nhiễm độc khiến hải sinh vật chết trên diện rộng.

Tuy nhiên vào ngày chủ nhật 8 tháng 5, cơ quan chức năng chủ động ngăn chặn những người biểu tình.

Biểu tình trong ngăn trở

Những cuộc biểu tình vì môi trường sinh thái vào sáng 8 tháng 5 tại thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn không suông sẻ như vào chủ nhật 1 tháng 5.

Tuy nhiên theo ghi nhận, tại Hà Nội, một số người biểu tình đã tiến hành được việc lên tiếng của họ quanh Bờ Hồ, rồi tọa kháng trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố.

Tại Sài Gòn, những người biểu tình bị ngăn không được vào Công viên 30/4; tuy nhiên họ cũng tập trung được tại khu vực Nhà Thờ Đức Bà và đến khoảng 10 giờ phá được vòng vây của lực lượng chức năng rồi đi tuần hành một đoạn.

Hoạt động biểu tình kết thúc khi cơ quan chức năng đưa xe buýt đến đưa những người tham gia lên xe.

Bắt bớ - ngăn chặn

Blogger Nguyễn Hữu Vinh tại Hà Nội vào hơn 10:30 sáng cho biết từ nơi bị đưa đến sau khi bị chặn bắt giữa đường:

“Tôi đang ở Công an Quận Hoàng Mai. Sáng nay tôi đang đi bộ trên đường thì một nhóm người không có danh tính, chả có sắc phục nhảy xuống tự nhiên bắt tôi rồi đưa về số 7 Thuyền Quang, rồi lục soát.

Công an quận đưa tôi về làm việc mà tôi chưa biết làm việc gì. Tôi đang đề nghị họ cấp cho căn cứ, cơ sở luật pháp để làm việc.”

Anh Cao Hà Trực ở Sài Gòn cho biết từ ngày 7 sang đến sáng ngày 8 tháng 5 anh không thể nào ra khỏi nhà vì bị một lực lượng cả chục người canh gác quanh nhà anh:

“Hiện nay mười mấy người đang gác cửa nhà tôi không cho chúng tôi đi.”

Nhiều nhà hoạt động xã hội khác ở Hà Nội và Sài Gòn cũng chịu cảnh tương tự như anh Cao Hà Trực, mà theo như lời cô Nguyễn Trang Nhung là ở trong tình trạng mất tự do.

Thanh niên Nguyễn Hữu Tình cho biết tình hình tại nơi anh có mặt gần địa điểm Công viên 30/4 vào lúc 9:15 phút sáng như sau:

“Hiện tại quanh khu vực công viên lực lượng an ninh rất nhiều, có cả rào gai, thép gai để chốt chặn tại đó. Ngày hôm nay rõ ràng làm căng, quanh đó người dân rất nhiều.”

Một số người khác có thể tham gia biểu tình nhưng nhanh chóng bị bắt như trường hợp của ông Nguyễn Trường Chinh tại Hà Nội. Ông kể lại việc bị bắt đi như sau:

“Tôi bị bắt gần chỗ Nhà hát lớn khi tôi đang cùng tuần hành cùng bà con từ Bờ Hồ lên Nhà hát lớn. Tôi bị bắt cùng hai người là bà Ngân và bà Hương và họ đang chở chúng tôi về số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. 

Họ bắt tôi lúc khoảng độ 9 giờ. Từ 8:30 phút là chúng tôi từ Bờ Hồ đi lên, vừa đi được hai ngõ thì bị bắt ngay, chúng tôi đi đầu nên bị bắt bởi bọn côn đồ và công an. Hiện đang bắt về phường Quang Trung, đường Ngô Thời Nhiệm. Tôi đang bị quản thúc ở số 9 Ngô Thời Nhiệm, Hà Đông.”

Vượt qua sợ hãi

Số lượng vài ngàn người tham gia cuộc biểu tình hôm ngày 1 tháng 5 vừa qua được cho là con số người tự giác xuống đường đông đảo nhất trong vòng hơn 40 năm qua tại Việt Nam để bày tỏ nguyện vọng của họ với chính quyền.

Trong lần đó có một số trường hợp bị đánh đập, bắt đưa về trụ sở chính quyền, công an; tuy nhiên vào sáng 8 tháng 5 nhiều người vẫn xuống đường đến nơi biểu tình. Anh Cao Hà Trực nhận định về thái độ đó như sau:

“Nhà cầm quyền nếu không dùng bạo lực thì chắc chắn họ không nắm quyền được. Thói quen đối với dân của họ từ xưa đến nay là dùng bạo lực để cai trị. Như bản thân tôi là một dân oan vườn rau phường 6, Tân Bình chỉ đi khiếu kiện oan thôi nhưng họ thường xuyên dùng bạo lực để đánh chúng tôi.

Nhưng tôi nghĩ đến lúc này người ta không có chùn bước trước bạo lực nữa đâu. Đến hôm nay gọi là ‘tức nước, vỡ bờ’ rồi. Vào ngày 1 tháng 5 vừa rồi người dân đổ ra đường với số lượng mà chúng tôi không thể tưởng tượng được. Trước kia mình cứ nghĩ người dân mình vô cảm, người dân mình sợ bạo lực. Nhưng vào ngày 1 tháng 5 vừa rồi chính tôi thấy người dân không hề biết đến chính trị, không muốn dính dáng đến Nhà nước, đã đứng lên đòi thông báo chính thức của nhà cầm quyền về chuyện ảnh hưởng môi trường như vậy. 

Anh coi nhiều đoạn video clip trên mạng mấy ngày hôm nay, những người bị đánh cương quyết đến đồn công an để hỏi tại sao đánh tôi, tại sao lấy chứng minh nhân dân của tôi. Theo quan điểm của tôi, người dân Việt Nam không còn sợ và thoát ra sự sợ hãi.”

Bạn nữ Hà Vân từ Hà Nội vào sáng ngày 8 tháng 5 cũng bị chặn không thể hòa chung vào đoàn người biểu tình đi quanh Bờ Hồ và tọa kháng trước Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhưng cô cho biết sẽ vẫn phải lên tiếng:

“Chắc chắn vẫn lên tiếng. Hiện tại những anh em bị bắt đưa về đồn công an, nhưng được biết trên xe buýt vẫn bình tĩnh, vẫn hát, giơ khẩu hiệu để phản đối việc bắt giữ vô cớ của nhà cầm quyền.”

Trong khi đó bà Cấn Thị Thêu, một người kiên trì đấu tranh vì đất đai, đưa ra lý do tham gia và cách thức lên tiếng trong thời gian tới:

“Việc môi trường bị ô nhiễm gây ra cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, thì chúng tôi cũng là công dân Việt Nam, chúng tôi vẫn phải chịu những tác động từ ô nhiễm đó nên chúng tôi thấy trách nhiệm phải bảo vệ môi trường biển. 

Tôi thấy những điều họ đưa ra là thể hiện sự vô trách nhiệm đối với môi trường biển của Việt Nam. Lúc thì họ nói do tác động hóa chất của con người, lúc thì nói thủy triều đỏ, tảo nở hoa… Rất nhiều điều mà chúng tôi thực sự không tin tưởng vào họ. Chúng tôi thấy họ đang thờ ơ với thảm họa thiên tai ở miền Trung, chúng tôi rất bất bình trước những việc làm của chính quyền nên bằng mọi giá thể hiện quyền công dân của mình, tiếp tục lên tiếng để bảo vệ môi trường biển của chúng tôi.

Tôi nghĩ họ có thể ngăn cản, đàn áp chúng tôi ngày hôm nay nhưng họ không thể ngăn cản chúng tôi được các ngày sau. Nên bằng mọi cách, bằng mọi giá chúng tôi cũng sẽ thể hiện trách nhiệm đối với môi trường, đối với cuộc sống của chúng tôi.”

Tin cho biết tại Nha Trang, một nhóm nhỏ các nhà hoạt động cũng xuống đường và bị lực lượng chức năng chặn mời về làm việc. - RFA

No comments:

Post a Comment