Tuesday, May 31, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 31/5

Tin Thế Giới

1.
Nga lên án kế hoạch tăng cường phòng thủ ở Đông Âu, vùng Baltics của NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày hôm qua nói “hội nghị thượng đỉnh dấu mốc” sắp tới sẽ tăng cường sự phòng vệ của liên minh và ngăn chận sự có mặt của Nga tại Đông Âu và vùng Baltics. Ông đang thăm Ba Lan trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw. Trong khi đó, Hội nghị Nghị viện NATO tại thủ đô Tirana của Albania kêu gọi các thành viên của liên minh ủng hộ mạnh mẽ các nước thành viên ở phía nam và phía đông  tin rằng an ninh của họ đang bị đe dọa. Một đại diện của Nga tại NATO ở Brussels cáo buộc tổ chức này đang dùng lại những phương thức của thời Chiến Tranh Lạnh.

Nga đang tập trận tại một vài vùng, trong đó có những vùng gần biên giới Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic. Các giới chức nói các lực lượng quân sự đang được huấn luyện để duy trì tư thế sẵn sàng cao độ nhằm ứng phó với những kế hoạch của NATO để điều động lực lượng gần biên giới Nga. Nga cũng nói sẽ điều động máy bay ném bom tầm xa, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, đến Crimea, bán đảo tại Hắc Hải thuộc Ukraine mà Nga đã sáp nhập cách đây một năm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg loan báo liên minh này sẽ điều động một lực lượng luân chuyển trú đóng tại sườn phía đông của NATO, nhất là tại Ba Lan và vùng Baltics.

“Mọi việc chúng tôi làm có tính cách phòng vệ và tương xứng, và tuyệt đối phù hợp với những cam kết quốc tế của chúng tôi.”

Moscow bác bỏ lập luận này và đe dọa đáp trả bất cứ sự điều động nào của NATO đến những nước thuộc khối Xô Viết cũ. Trong chuyến viếng thăm Hy Lạp vào tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích NATO thiết lập lá chắn phi đạn tại Romania.

“Làm thế nào mà việc này lại không có gây nguy hại cho chúng tôi? Dĩ nhiên là có. Do đó, chúng tôi bị buộc phải phản ứng thích đáng và nếu ngày hôm qua, những phần đất này tại Romania không biết cảm giác bị nằm trong tầm ngắm là như thế nào, thì hiện nay chúng tôi phải có những biện pháp để đảm bảo an ninh của chúng tôi.”

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng phản ứng của Nga đối với lá chắn phi đạn là quá đáng.

“Tôi nghĩ là Tổng thống Putin nhận thức được điều tôi thấy trong tuyên bố của ông là một bình luận có tính cách nghi thức về tình hình hiện nay. Đây là điều đã được thảo luận từ nhiều năm nay và không có gì đáng ngạc nhiên cả.”

Tại một cuộc họp ở Albania ngày hôm qua, người đứng đầu Hội nghị Nghị viện NATO, ông Mike Turner, cảnh báo là xâm lấn của Nga phải được ngăn chận.

“NATO, Liên hiệp Châu Âu và ngay cả Nga đã cùng nhau làm việc để vượt qua những chia rẽ và tranh chấp tại Nam Tư cũ. Kể từ đó Moscow đã quyết định là những lợi ích của Nga được phục vụ tốt hơn bằng cách chống lại chúng ta, thay vì làm việc cùng với chúng ta, và để có thể ảnh hưởng đến tình hình thế giới Nga đã quyết định là họ phải phá hoại và chia rẽ những nước khác và thậm chí họ còn dùng vũ lực để chống lại các nước láng giềng.”

Đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grusko cáo buộc liên minh đang dùng những phương pháp của thời Chiến tranh Lạnh trong các vấn đề an ninh. Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày hôm nay trên nhật báo Rossiyskaya Gazeta, ông công nhận là “xu thế tiến về phía tệ hại hơn nữa của các mối quan hệ vẫn chưa chấm dứt.” - VOA
|
|

2.
Lực lượng Iraq mở cuộc hành quân chiếm lại Fallujah

Các lực lượng an ninh Iraq mở cuộc hành quân hôm 30/5 để chiếm lại thành phố Fallujah từ tay Nhà nước Hồi giáo. Các chỉ huy quân sự cho hay các cuộc tấn công tại nhiều điểm khác nhau đã diễn ra tại cứ địa này của các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo.

Một binh sĩ của lực lượng đặc biệt Iraq nói với đài VOA qua điện thoại rằng: “Các lực lượng đặc biệt của Iraq và các cuộc hành quân đặc biệt tiến vào thành phố, chiếm lại từng khu phố một và giao các khu vực được giải phóng cho cảnh sát, quân đội và các tình nguyện viên.”

Các tình nguyện viên đa số thuộc nhóm Hashd al Shaabi, một nhóm đa số là dân quân Shia hợp tác với chính phủ.

Binh sĩ của lực lượng đặc biệt Iraq nói với đài VOA: “Từng bước một, chúng tôi tiến chiếm và giương cờ Iraq lên. Có nhiều binh sĩ thuộc các lực lượng đặc biệt và các lực lượng tham gia cuộc hành quân đặc biệt của Iraq thiệt mạng trong các vụ pháo kích bằng súng cối và bom đạn. Không có giao tranh giáp lá cà.”

Binh sĩ này nói nhiều chiến binh Nhà nước Hồi giáo bị hạ sát, một số bị bắt sống và đang bị thẩm vấn.

Từ lúc giao tranh khởi sự, có những lo ngại về thường dân bị kẹt bên trong thành phố do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Mỹ đến Paris, hy vọng tái khởi động hoà đàm Trung Đông

Với việc tân bộ trưởng quốc phòng Israel, một người có chủ trương dân tộc cực đoan, tuyên bố hậu thuẫn cho giải pháp hai quốc gia, các nhà phân tích cho rằng cuộc họp cấp bộ trưởng sắp diễn ra ở Paris nhắm chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine có thể làm cho Israel nhượng bộ đôi chút để làm cho tiến trình hoà bình tiến về phía trước. Thông tín viên Nike Ching của đài VOA tường thuật từ Bộ Ngoại giao Washington.

Sự leo thang bạo động hồi gần đây giữa Israel và Palestine cho thấy vụ xung đột đã trở thành hiện trạng cho cả đôi bên.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhìn thấy một tia hy vọng sau khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman, một người thuộc phe diều hâu, tuyên bố hậu thuẫn cho điều mà ông gọi là “hai quốc gia cho hai dân tộc.”

Trong lúc chuẩn bị đến dự cuộc họp ở Paris trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông vẫn hy vọng có được một giải pháp lâu dài, sau khi cuộc hoà đàm Israel-Palestine bị đổ vỡ cách nay hơn hai năm.

"Tôi sẽ làm việc với Pháp. Tôi sẽ làm việc với Ai Cập. Tôi sẽ làm việc với cộng đồng Ả Rập. Tôi sẽ làm việc một cách chân thành với cộng đồng thế giới trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm một cách thức để giúp cho các bên nhận thấy con đường trở về và rốt cuộc họ sẽ tìm thấy con đường đưa họ tới một hiệp định về qui chế chung cuộc, một hiệp định  phù hợp với nhu cầu của đôi bên và nhu cầu của khu vực."

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù các vị bộ trưởng không nên lạc quan quá độ, nhưng diễn tiến mới nhất này có thể giúp cho tiến trình hoà bình tiến về phía trước.

Ông Natan Sachs, một chuyên gia Trung Đông của Viện Brookings ở Washington, cho biết như sau.

"Họ có thể làm cho Israel nhượng bộ đôi chút về ý tưởng này, nhưng xác suất có được một sự đột phá quan trọng, một sự chuyển động lớn trong tiến trình hoà bình vẫn còn ở mức khá thấp."

Cuộc họp ở Paris tuần này, không có sự tham dự của Israel và Palestine, có mục đích chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế để ấn định những điều kiện mới cho cuộc điều đình về việc thành lập một nước Palestine bên cạnh Israel. - VOA
|
|

4.
Golden State Warriors hạ Oklahoma City Thunder, vào chung kết NBA

Golden State Warriors chuẩn bị đấu với Cleveland Cavaliers trong loạt trận chung kết tranh chức vô địch Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia của Mỹ (NBA) mùa giải thứ hai liên tiếp.

Đội đương kim vô địch Warriors tối thứ Hai vừa qua đã giành được quyền vào tranh loạt trận chung kết NBA bằng chiến thắng 96-88 trước đội khách Oklahoma City Thunder trong trận thứ bảy và là trận quyết định của loạt trận chung kết tranh chức vô địch bên Tây của Mỹ.  

Chiến thắng trong trận tối thứ Hai là đỉnh điểm của cuộc rượt đuổi ngoạn mục của Warriors, sau khi đội này đã bị dẫn trước với ba trận thua và chỉ một trận thắng trong loạt bảy trận chung kết, đẩy họ tới nguy cơ mất cơ hội bảo vệ chức vô địch NBA và xóa đi thành tích kỷ lục 73 trận thắng trong mùa giải thường.

Golden State là đội đầu tiên sau đội Boston Celtics năm 1981 đã chuyển từ thua 3 thắng 1 trận thành chiến thắng 4-3 trong loạt chung kết của khu vực miền Đông hoặc Tây.  Và cũng như mọi khi, cầu thủ dẫn dắt Warriors là ngôi sao chuyên ghi ba điểm Stephen Curry, cầu thủ xuất sắc nhất (MVP) của NBA hai mùa giải liên tiếp. Curry ghi được 36 điểm trong trận đấu tối thứ Hai, và đồng đội Klay Thompson ghi được 21 điểm.

Thompson trong trận đấu tối thứ Bảy trước đó ở Oklahoma City đã ghi được 41 điểm, lập kỷ lục 11 lần ghi ba điểm trong một trận đấu, giành chiến thắng 108-101, và đưa Warriors đến trận đấu tối hôm qua để phân thắng bại cho khu vực miền Tây.

Đội Oklahoma City do cầu thủ Kevin Durant dẫn đầu.  Durant ghi được 27 điểm trong trận đấu tối thứ Hai vừa qua.  Và đó cũng có thể là trận đấu cuối cùng Durant khoác áo Thunder khi hợp đồng của anh hết hạn vào cuối mùa giải này.

Trận đầu trong loạt 7 trận chung kết của NBA mùa giải 2015-2016 sẽ diễn ra vào thứ Năm này tại sân Oracle Arena ở thành phố Oakland. Đội đại diện bên đông là Cavaliers do siêu sao LeBron James dẫn đầu.  

Trong đội Calaviers còn hai cầu thủ xuất sắc nữa là Kevin Love và Kyrie Irving.  Hai cầu thủ này đã không thi đấu trong loạt trận chung kết giành chức vô địch bên Đông do bị chấn thương. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tân lãnh đạo Đài Loan bày tỏ quan điểm cứng rắn về Biển Đông

Tân chính phủ Đài Bắc hôm nay tỏ ý cho thấy sẽ có quan điểm cứng rắn hơn nữa về biển Đông, và theo nhận định của giới quan sát, điều đó có thể làm “vừa lòng” Bắc Kinh, nhưng lại khiến các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á, như Việt Nam và Philippines, cảnh giác.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Eleanor Wang tuyên bố rằng chính phủ của bà Thái Anh Văn, mới nhậm chức hôm 20/5, sẽ giữ nguyên quan điểm mà Đài Bắc đã duy trì suốt 60 năm qua.

Bà Wang cũng nói thêm rằng Đài Loan sẽ duy trì hiện diện trên hòn đảo Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ tài nguyên thiên nhiên tại biển Đông như hải sản và dầu khí.

Trong cuộc họp báo hôm 31/5, nữ phát ngôn viên này nói rằng chủ quyền của Đài Loan đối với Thái Bình là điều “không thể tranh cãi”, kể cả chiếu theo “luật pháp quốc tế”, vì đó là lãnh thổ “lịch sử” của Đài Bắc.

Bà Wang nói thêm rằng Đài Bắc thời gian qua đã sử dụng “tất cả mọi phương tiện” để chứng tỏ với các nước có tranh chấp khác về chủ quyền của mình, và rằng “mọi tranh chấp nên được gác qua một bên để cùng nhau hợp tác phát triển”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng trước phát biểu từ phía Đài Bắc, nhưng trước đây, Hà Nội từng phản bác tuyên bố chủ quyền của Đài Loan.

Mới đây nhất, hồi tháng Ba vừa qua, chính quyền Hà Nội lên án Đài Loan đưa phóng viên ra đảo Ba Bình, đồng thời cho rằng hành động của Đài Loan làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và yêu cầu không tái diễn các hoạt động xâm phạm chủ quyền. - VOA
|
|

6.
Ông Bob Kerrey nói về Đại học Fulbright

Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam Bob Kerrey nói ông đã vận động để thành lập trường này từ đầu thập niên 1990 nhưng nay 'sẵn sàng rút lui'.

Trang mạng có tiếng ở Việt Nam, Zing, hôm 30/5 chất vấn việc chọn ông Kerrey, một người họ nói từng "tham gia thảm sát" phụ nữ và trẻ em trong cuộc chiến Việt Nam.

Trong điện thư trả lời Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt hôm 31/5, ông Kerrey viết:

"Tôi tham gia dự án này từ năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và chúng tôi phân bổ tiền [từ quỹ] Fulbright Hoa Kỳ để lập trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh mà đứng ra tổ chức là một trung tâm ở [Đại học] Harvard. Chúng tôi tăng cường chương trình đại học theo [khuôn khổ] pháp lý hồi năm 1995 vốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và đã được mở rộng thêm nữa hồi năm 2000 với điều luật mà tôi đồng bảo trợ.

"[Trường] Harvard và New School, lúc đó tôi là lãnh đạo, đã thực hiện hai nghiên cứu cho Bộ Giáo dục của Việt Nam về vấn đề Việt Nam cần làm gì để có một đại học độc lập ưu việt. Đại học Fulbright Việt Nam là kết quả."

Cựu Thượng Nghị sỹ bang Nebraska cũng nói những người tham gia thành lập trường đã cố gắng để thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp ngân khoản để trường có thể hoạt động. Cuối cùng Quốc hội đã đồng ý với điều kiện Việt Nam góp vốn tương ứng mà trong trường hợp này bằng việc cấp đất cho trường ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Kerrey nói thêm có nhiều khả năng Quốc hội sẽ cung cấp thêm tiền cho trường và bản thân trường cũng đã bắt đầu những cố gắng riêng để gây quỹ, nhất là quỹ để hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Vị Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cũng nói ông được Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy và những người liên quan đề nghị làm chủ tịch và giải thích thêm:

"Chức danh này, tôi tin là hợp lý khi nói, nó to tát hơn ở Việt Nam so với ở Hoa Kỳ nơi chức danh dành cho người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho Hiệu trưởng.

"Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm chủ tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trường."

'Hành động kinh khủng'

Nói về sự cố trong chiến tranh mà trong đó ông bị cáo buộc chỉ huy nhóm đặc nhiệm gây ra vụ "thảm sát" hơn 10 phụ nữ và trẻ em, ông Kerrey viết cho BBC:

"Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin là đã được xem xét kỹ...

"Đó không phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như phim tài liệu của Ken Burns sẽ sớm được phát cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội thiệt mạng."

Một phóng sự điều tra trên New York Times cách đây nhiều năm từng dẫn lời cựu sỹ quan quân đội Hoa Kỳ nói trước mùa hè năm 1968 binh lính chỉ được nổ súng khi bị bắn. 

Tuy nhiên sau đó họ đã được quân đội cho phép nổ súng khi cảm thấy bị đe dọa. 

Ông Kerrey nói thêm: "Chúng ta phải đối diện quá khứ một cách thành thật ngay cả khi nó gây đau khổ. Nhưng chúng ta không được sống trong quá khứ. Tương lai là tất cả những gì chúng ta có."

Trước đó trong điện thư trả lời trang Zing ông cũng viết:

"Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới...

"Nhưng một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright." - BBC

Monday, May 30, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 30/5

Tin Thế Giới

1.
Lực lượng Iraq tiến vào thành phố Fallujah do IS kiểm soát --- Một loạt các vụ đánh bom làm rung chuyển thủ đô Iraq

Vào ngày 30/5, lực lượng Iraq đã tiến vào thành phố Fallujah, sau một tuần lễ chuẩn bị bằng cách siết chặt việc kiểm soát lãnh thổ chung quanh thành phố đã bị Nhà nước Hồi Giáo chiếm cách đây hơn hai năm. Báo chí trích lời Trung tướng Abdelwahab al-Saadi, chỉ huy các lực lượng Iraq, nói rằng các đơn vị Chống khủng bố, phối hợp với cảnh sát Anbar và quân đội chính qui Iraq mở cuộc tấn công dưới sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh và không quân.

Hôm 27/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ tại Baghdad, Đại tá Steve Warren, nói các lực lượng Iraq tiến công từ nhiều phía và cố gắng tối đa để giảm bớt thương vong của thường dân trong cuộc tấn công:

“Chúng tôi ước tính có chừng 60.000 thường dân vẫn còn lại tại Fallujah và chúng tôi đã thông báo cho họ tránh xa những khu vực của Nhà nước Hồi Giáo và những người không thể rời khỏi thành phố này nên phủ vải trắng trên nóc nhà và lực lượng Iraq đang cố gắng thiết lập một con đường ra khỏi thành phố và nhà cầm quyền địa phương đang thiết lập các trại tị nạn cho thường dân.”

Đại tá Warren nói Nhà nước Hồi Giáo đang chịu áp lực ở khắp mọi khu vực mà lực lượng người Kurd với sự yễm trợ của Mỹ mở cuộc tấn công để chiếm lại những vùng chung quanh một trục lộ chính nối liền thành phố Mosul đang dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi Giáo với Irbil. 

Trong khi đó các Lực lượng Dân chủ Syria đang mở những cuộc hành quân để giải phóng vùng quê ở phía bắc Raqqa, thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi Giáo.

Ông James Jeffrey, cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq và hiện làm việc tại Viện Chính sách Cận đông ở Washington, nói với Đài VOA là các lực lượng Iraq đang gặp những thách thức to lớn trong cuộc phản công để chiếm lại Fallujah:

“Fallujah là nơi khó phá vỡ với khoảng từ 30.000 đến 50.000 cư dân. Những người này, theo truyền thống, thân Al-Qaida hơn các thường dân khác tại Iraq và một số người có thể đang chiến đấu trong hàng ngũ của Nhà nước Hồi Giáo.”

Đại sứ Jeffrey nói thêm là trong khi lợi thế đã không còn ở về phía Nhà nước Hồi Giáo nữa tại cả Iraq lẫn Syria, kinh nghiệm cho thấy cuộc chiến đấu để chiếm lại Fallujah, Mosul và Raqqa có thể chóng vánh mà cũng có thể kéo dài.

Trong khi đó phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Đại tá Steve Warren nói ông tin là việc giải phóng Fallujah sẽ làm cho tình hình an ninh Baghdad được cải thiện sau khi những vụ đánh bom của Nhà nước Hồi Giáo ở thủ đô Iraq làm hàng trăm người thiệt mạng. Những vụ đánh bom đó được hoạch định tại Fallujah.

Tại Iraq, ông Sabah al-Norman, phát ngôn viên của Lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ của Iraq nói với Thông tấn xã Pháp: “Chúng tôi sáng sớm ngày hôm nay bắt đầu cuộc hành quân để tiến vào Fallujah.”

Vào lúc cuộc chiến bắt đầu, có những quan ngại về những thống khổ của thường dân bị kẹt trong thành phố này.

Ông Muhamed, một binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt Iraq được tiếp xúc qua điện thoại nói: “Nhà nước Hồi Giáo đặt bom trên đường và hiện sử dụng những người đánh bom tự sát.” 

Fallujah là một cứ địa của người Hồi Giáo Sunni, bị Nhà nước Hồi Giáo chiếm đóng lâu hơn các thành phố khác tại Iraq, và các chiến binh được biết đã đào hầm hố cố thủ trong thành phố.

Ông Muhamed nói: “Chúng tôi chờ lệnh để tiến vào và tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo.”

Vào lúc giao tranh và không kích chung quanh thành phố gia tăng cường độ, sự thống khổ của thường dân bị kẹt trong thành phố đã trở nên tồi tệ hơn. Trong khi có khoảng 800 người thoát khỏi thành phố, hàng ngàn người khác còn kẹt lại.

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết họ đã nhận được những phúc trình về những thống khổ của thường dân.

Bà Melissa Fleming, phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc nói: “Chúng tôi nhận được những phúc trình bi thảm về con số ngày càng tăng đàn ông và thanh niên bị xử tử vì không chịu chiến đấu với Nhà nước Hồi Giáo. Những phúc trình khác cho biết những người cố rời khỏi Fallujah bị xử tử hay bị đánh đòn, nhiều người bị giết và bị chôn dưới những đống đổ nát của nhà họ khi cuộc hành quân được tiến hành.”

Các cơ quan cứu trợ không ngớt kêu gọi các bên lâm chiến để cho thường dân được phép rời thành phố.

Những người trốn thoát đã được tách ra thành nhiều nhóm, và đàn ông cùng với thanh niên được đưa đến những nơi khác để kiểm tra an ninh.

Tại Baghdad ,có nhiều nghi ngờ đối với những cư dân Fallujah sống dưới sự kiểm soát của Nhà nước Hồi Giáo trong hơn hai năm.

Một cảnh sát liên bang Iraq nói: “Những người này đã bị tẩy não. Họ nên được đưa vào những trại đặc biệt.”

Fallujah bị bao vây trong 6 tháng và rất ít thực phẩm và thuốc men được đưa vào được thành phố.

Một phụ nữ thoát được có tên là Alahin nói với Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc về những nỗi kinh hoàng trong vài tháng qua.

Bà nói: “Các gia đình bắt đầu gặp nhiều khó khăn khi Nhà nước Hồi Giáo phong toả những con đường ra khỏi thành phố. Nhiều gia đình bắt đầu bị khủng hoảng tâm lý và một số người tự tử. Một số người tự thiêu và mộtsố người trấn nước con cái. Thượng đế chứng minh cho tôi là mọi điều tôi nói đều đúng.”

Hiện chưa thể kiểm chứng những tin tức này. - VOA

***
Hơn 20 người đã thiệt mạng tại Baghdad, sau khi các chiến binh Hồi giáo thực hiện một loạt các vụ đánh bom ở trong lẫn ngoại ô thủ đô của Iraq hôm nay.

Theo các quan chức cảnh sát, những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra hai vụ tấn công ngay sau khi các quả bom phát nổ, trong khi các lực lượng Iraq tổ chức cuộc phản công nhắm vào thành phố Fullujah, nằm ở phía tây Baghdad, hiện nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức khủng bố này.

Vụ nổ gây chết chóc nhất hôm nay xảy ra tại khu vực Shaab của người Shia ở phía bắc Baghdad, làm ít nhất 11 người chết và làm bị thương hơn một chục người khác khi một kẻ đánh bom tự sát đâm ô tô vào một chốt kiểm soát gần một khu thương mại.

Một kẻ khác dùng ôtô để tấn công tự sát làm ít nhất 6 người chết và khoảng 20 người bị thương.

Hắn ta đã tự làm nổ tung mình gần một đồn cảnh sát ở Tarmiyah, một khu vực sinh sống của đa phần người Sunni ở bắc Baghdad.

Một kẻ đánh bom tự sát khác đi xe máy và tự làm nổ tung mình ở thành phố Sadr, một khu vực sinh sống của đa phần người Shia, làm 3 người chết và làm bị thương 10 người khác.

IS tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công ở Sadr và Shaab. - VOA
|
|

2.
WHO: Không cần dời địa điểm tổ chức Olympic vì dịch Zika

Tổ chức Y tế Thế giới đã bác bỏ những yêu cầu đòi huỷ bỏ hoặc hoãn lại Olympic Mùa hè ở Rio de Janeiro vì dịch Zika. Thông tín viên Michael Brown của đài VOA tường thuật.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng việc huỷ bỏ Olympic vì mối rủi ro của những con muỗi nhiễm Zika sẽ không làm thay đổi sự lan truyền của virus này trên thế giới.

Bác sĩ Bruce Aylward, người đứng đầu công tác ứng phó với tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết như sau.

"Virus này đã bắt đầu di chuyển, và những nỗ lực để cấm chỉ hoặc hạn chế sự di chuyển của nửa triệu người tới một vùng mà sự lan truyền của virus Zika sẽ ở một mức tương đối thấp vào thời điểm đó sẽ không tạo ra một sự khác biệt nào đối với sự di chuyển từ nước này sang nước khác của virus Zika."

Thứ 6 tuần trước, 150 chuyên gia y tế đã công bố một lá thư ngỏ để kêu gọi hoãn lại cuộc tranh tài Olympic ở Rio de Janeiro hoặc dời địa điểm vì dịch Zika.

Những người ký tên, bao gồm các chuyên gia y tế công cộng của hơn 20 quốc gia, nói rằng việc tiếp tục tổ chức Olympic là “vô trách nhiệm” và “thiếu đạo đức.” Trong số những người ký tên có Bác sĩ Philip Rubin, cựu cố vấn y tế Tòa Bạch Ốc.

Lá thư viết “Vi rút Zika dòng Brazil gây nguy hiểm cho sức khoẻ với những cách thức mà khoa học chưa từng nhìn thấy trước đây.”

Virus Zika có liên hệ tới những khuyết tật bẩm sinh, kể cả bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới khuyên phụ nữ tránh tới những nơi có dịch Zika, kể cả Đại hội Thể thao Thế giới ở Rio de Janeiro.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bác sĩ Tom Frieden, nói rằng không có lý do y tế công cộng để huỷ bỏ hoặc đình hoãn Olympic.

"Nếu quí vị phải tới một nơi mà Zika đang lan truyền và quí vị đang có thai, quí vị phải hết sức cẩn thận để tránh bị muỗi cắn. Và nếu quí vị là đàn ông ở một nơi Zika đang lan truyền và bạn tình của quí vị đang có thai, quí vị nên dùng bao cao su. Tôi nghĩ rằng mối rủi ro đối với các vận động viên và các đội tuyển không phải là số không, nhưng mối rủi ro của sự du hành tới bất kỳ nơi nào cũng không phải là số không. Mối rủi ro không cao cho lắm, ngoại trừ đối với những phụ nữ mang thai."

Bác sĩ Frieden cho rằng mối rủi ro về sức khoẻ của Zika và Olympic có lẽ đã được thổi phồng quá đáng. Ông nói rằng thay vì lo sợ, mọi người nên chú tâm nhiều hơn vào các giải pháp. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama tưởng nhớ các binh sĩ tử trận

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dự kiến sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Chiến sỹ Trận vong, tưởng nhớ các quân nhân hy sinh trong khi phục vụ trong quân đội Mỹ.

Sớm hôm nay, ông Obama sẽ ăn sáng cùng các nhóm cựu chiến binh và lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ tại Nhà Trắng.

Sau đó, tổng thống Mỹ sẽ tham gia buổi lễ tưởng niệm ngày Chiến sỹ Trận vong tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, và đặt hoa tại Mộ chiến sỹ vô danh.

Hoa Kỳ kỷ niệm ngày trên vào ngày thứ hai cuối cùng của tháng Năm.

Trong bài phát biểu hàng tuần, ông Obama nói rằng “chúng ta sẽ không bao giờ thực sự trả hết được món nợ những người anh hùng đã hy sinh”.

Ngày lễ trên ban đầu được gọi là Ngày Vinh Danh và được tổ chức tại nghĩa trang Arlington vào năm 1868, 3 năm sau cuộc nội chiến đẫm máu ở Hoa Kỳ làm hơn 600.000 người thiệt mạng.

Còn hiện tại, ngày cuối tuần kéo dài 3 ngày này được coi như ngày khởi đầu không chính thức của mùa nghỉ hè.

Nhiều người Mỹ được nghỉ làm và nghỉ học, và các gia đình tổ chức các buổi ăn ngoài trời hay đi đến bãi biển, công viên hoặc cắm trại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Báo VN chất vấn về lãnh đạo Fulbright

Báo mạng Zing vừa đặt câu hỏi về việc chọn cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerrey, người từng "tham gia thảm sát" trong chiến tranh Việt Nam làm chủ tịch Đại học Fulbright mới được mở tại Việt Nam.

Tuy nhiên bài gốc với tựa "Lãnh đạo Đại học Fulbright tham gia thảm sát trong Chiến tranh Việt Nam" hiện đã bị lược bỏ nhiều và thay bằng tựa "Lãnh đạo Đại học Fulbright xin lỗi việc gây ra trong chiến tranh."

Trong bản đầu tiên của bài viết, hiện vẫn còn bản lưu, tác giả Thanh Tuấn nhắc lại chi tiết vụ thảm sát ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em ở xã Thạnh Phong, Bến Tre hồi tháng Hai năm 1969 mà cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerrey, người vừa được cử làm lãnh đạo Đại học Fulbright, bị cho là có "tham gia"; và bình luận:

"Việc lựa chọn một người từng tham gia những tội ác nghiệm trọng như vậy trong cuộc chiến để lãnh đạo một dự án đại học quan trọng khiến nhiều người đặt dấu hỏi liệu đó có phải là quyết định phù hợp.

"Đặc biệt khi ông Kerrey không phải thật sự thành công với dự án Đại học New School mà ông từng làm hiệu trưởng từ 2001-2010 ở New York."

'Thảm sát'

Bài gốc của Zing dẫn chi tiết phóng sự điều tra mang tên ' Một đêm kinh hoàng ở Thạnh Phong' mà tác giả Gregory L. Vistica viết cho New York Times hồi năm 2001.

Ông Thanh Tuấn dẫn: "Trong chiến tranh Việt Nam, Kerrey là một đại úy hải quân và từng tham gia vào một trong những vụ thảm sát đẫm máu ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969, giết nhiều phụ nữ và trẻ em.

"Mọi việc được giấu kín vì báo cáo của Kerrey và đồng đội chỉ nói “tiêu diệt 21 Việt Cộng” và phá hủy hai căn nhà. Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001 sau đó hơn 30 năm.

"Trong khi các con số và thông tin vụ việc có khác khác nhau, nhưng điều chắc chắn là vào đêm 13/2/1969, Kerrey và các thành viên của mình sát hại ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em. Bài điều tra năm 2001 của New York Times nói đó là một chiến dịch tàn bạo, đẫm máu." 

Bài mới của Zing ngắn hơn đáng kể so với bài ban đầu và tập trung vào lời xin lỗi của Thượng Nghị sỹ Kerrey được gửi tới Zing qua email:

"Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới.”

"... Những đau đớn và chịu đựng tôi gây ra vào năm 1969 sẽ không bao giờ biến mất. Nó sẽ không chấm dứt chỉ vì tôi xin lỗi. Nhưng có trốn chạy, bằng việc tránh né Việt Nam hay tránh né người Việt, thì nó cũng sẽ không mất đi. Chúng ta đang tạo dựng hoà bình và điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với nó một cách thẳng thắn giống như chúng ta đối mặt với tương lai.”

Đại học Fulbfight được tuyên bố thành lập trong thời gian Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm Việt Nam.

Trang tin của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đăng ảnh Chủ tịch thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, trao quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam cho ông Bob Kerrey. - BBC
|
|

5.
Hai chiến hạm Nhật Bản đến Cam Ranh --- Tàu chiến Ấn Độ cập cảng Cam Ranh --- 'Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh trong tranh chấp Biển Đông'

Lần thứ hai trong vòng một tháng, Việt Nam đón tiếp hai chiến hạm tối tân nhất của Nhật Bản tại quân cảng chiến lược Cam Ranh. Một dấu hiệu cho thấy Hà Nội và Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong quan hệ quốc phòng để đối phó với tham vọng biển đảo của Bắc Kinh.

Nhật báo Ashahi trong bản tin ngày 30/05/2016 cho biết hai chiến hạm rà mìn hiện đại nhất của Nhật là Uraga và Takashima đã cặp bến Cam Ranh vào ngày hôm qua. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, chiến hạm của Nhật đến Cam Ranh.

Uraga và Takashima sau khi tham gia một cuộc tập trận chung với hải quân Mỹ tại Bahrain, vùng Vịnh, trên đường hồi hương, ghé Việt Nam để được tiếp liệu.

Nhật báo thân tả của Nhật Bản nhấn mạnh yếu tố quân cảng Cam Ranh nằm gần hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc tranh giành với các láng giềng là Việt Nam và Philippines. Hai quốc gia Đông Nam Á này đều đang tăng cường hợp tác an ninh với Nhật.

Tháng Tư vừa qua, lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Cam Ranh đón hai khu trục hạm của Nhật là Ariake và Setogiri, sau khi hai tàu chiến này tham gia tập trận với hải quân Mỹ và Philippines trở về.

Trong khuôn khổ kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ cho Việt Nam, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam tàu tuần duyên. Tin này được loan báo nhân cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng Nhật Shinzo Abe và đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bên lề thượng đỉnh G7 mở rộng hồi cuối tuần qua tại Ise Shima.

Bản tin của đài NHK cho biết thêm trong cuộc hội đàm này, thủ tướng hai nước cùng chia sẻ quan ngại về tình hình biển Đông, họat động quân sự của Trung Quốc càng ngày càng tăng. Hai bên thống nhất quan điểm tăng cường hợp tác quốc phòng. - RFI

***
Hai tàu chiến Ấn Độ hôm nay đã cập cảng Cam Ranh để thực hiện chuyến viếng thăm 4 ngày, từ ngày 30/5 cho tới ngày 3/6.

Báo Business Standard số ra hôm nay tường thuật rằng khinh hạm tàng hình tên lửa dẫn đường INS Satpura và tàu hậu vệ tên lửa dẫn đường INS Kirch nằm dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc S V Bhokare, Tư Lệnh Hạm đội Miền Đông/Bộ Tư Lệnh Hải quân Ấn Độ.

Mục đích của chuyến thăm là để thể hiện chính sách hướng Đông của Ấn Độ, và sự hiện diện thường xuyên hơn của các tàu chiến trong vùng biển đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng trong khu vực.

Tin cho hay trong thời gian lưu lại Việt Nam, tàu chiến Ấn Độ sẽ giao lưu với Hải quân Việt Nam để củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước. Ngoài ra, có nhiều khả năng các tàu Ấn Độ sẽ tiến hành các cuộc diễn tập chung với hải quân Việt Nam.

Theo Business Standard, quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được siết chặt trong thời gian gần đây nhờ sự gia tăng quan hệ kinh tế và sự đồng thuận cao hơn về các vấn đề an ninh khu vực.

Ấn Độ giờ nằm trong danh sách 10 đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. - VOA

***
Tờ Nikkei Asian Review hôm nay dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nói sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm nghiêng cán cân quyền lực ở châu Á và điều đó thể hiện rõ nhất tại Biển Đông.

Lên tiếng trong một bài phát biểu hôm nay, 30/5 tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 22 về Tương lai Châu Á diễn ra ở Tokyo, ông Goh Chok Tong nói các tranh chấp trên Biển Đông được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc tại nhiều nước tranh giành lãnh hải, nhưng theo lời ông, không thể nào giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ bằng lập luận "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh".

Hội nghị bàn về tương lai của Châu Á, do tờ Nikkei tổ chức, sẽ kéo dài tới ngày mai, thứ ba.

Ông Goh - từng làm thủ Tướng Singapore trong 14 năm, còn đề cập tới các công trình lấp biển xây đảo quy mô do Trung Quốc thực hiện tại Biển Đông, kể cả xây phi đạo, bến cảng, và bố trí các khí tài quân sự. Ông cảnh báo rằng “hậu quả cuối cùng có thể là một Biển Đông bị quân sự hoá nhiều hơn”.

Nhà lãnh đạo lão thành của Singapore khuyến cáo rằng ranh giới giữa các chính sách đối nội và đối ngoại đã bị lu mờ, và cho rằng khích động chủ nghĩa dân tộc có thể tăng khả năng xung đột trên Biển Đông. Ông khẳng định nên giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gọi tắt là UNCLOS.

Về bức tranh toàn cảnh, ông Goh nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu trong tương lai có thể trông thấy được. Nhưng giữa lúc Trung Quốc đang tăng tầm ảnh hưởng và trở nên tự tin hơn, các nước “sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh.”

Ông Goh nói sự cạnh tranh giữa các cường quốc là điều không thể tránh khỏi, nhưng không một nước nào muốn phải chọn ngả về bất cứ bên nào.

Ông kết luận rằng ổn định khu vực tại Á Châu sẽ tuỳ thuộc vào quan hệ Mỹ-Trung. Ông nói khu vực này đủ rộng lớn để tất cả các cường quốc lớn đều có thể sống chung, kể cả Nhật Bản, và do đó tất cả các bên liên hệ nên sống chung hoà bình và giải quyết các vấn đề một cách xây dựng, và đừng để cho căng thẳng leo thang.

Nhưng giữa lúc Toà án trọng tài quốc tế tại La Haye đang chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ án chính phủ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines, có nhiều lo sợ căng thẳng sẽ leo thang trong những tuần lễ sắp tới.

Trung Quốc chưa gì đã tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết của toà án quốc tế, làm dấy lên lo sợ về nguy cơ sẽ có đụng độ giữa máy bay Trung Quốc và Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ do những tính toán sai lầm, và bất chấp phán quyết của toà án La Haye, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc xây dựng thêm trên các đảo và bãi đá trên tuyến hàng hải thương mại quốc tế quan trọng ở khu vực để củng cố yêu sách chủ quyền của nước này. - VOA
|
|

6.
Tranh luận về mạng XH gây tranh cãi --- Nước Vũng Áng nơi cá chết 'không an toàn'

Một chương trình của VTV gây sóng dư luận khi người dẫn căn vặn khách mời về 'động cơ' chia sẻ tin cá chết trên Facebook cá nhân.

Bà Tạ Bích Loan – Giám đốc kênh VTV6 của đài Truyền hình Việt Nam – xuất hiện trong vai trò dẫn chương trình '60 phút mở' của VTV đặt câu hỏi cho vị khách - MC Phan Anh: "Tại sao bạn lại phải chia sẻ clip hai con cá chết của Vũng Áng?"

Clip này do kênh VTC thực hiện trong bối cảnh xảy ra thảm họa cá chết tại miền Trung Việt Nam, cho thấy cá chết sau ít phút thả vào nước lấy từ Vũng Áng.

'Nhu cầu quyền lực'

Tại chương trình “60 phút Mở” của VTV, MC Phan Anh nói ông chia sẻ clip trên Facebook cá nhân vì “đó là việc có ích và nên làm và "muốn đóng góp vào cái chung”.

Được biết, thảo luận kéo dài hơn hai giờ, nhưng đã được biên tập lại cho phù hợp với thời lượng và có sản phẩm cuối cùng dài gần 40 phút.

Trong đó có bốn khách mời chính đặt câu hỏi cho MC Phan Anh, và một khách mời bày tỏ quan điểm ủng hộ người dẫn chương trình.

Chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà, phân tích và cho rằng ông Phan Anh chia sẻ clip hai con cá chết do một số nhu cầu, trong đó có "nhu cầu quyền lực".

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết, nói với ông Phan Anh: “Bạn đã làm nhiều người đặt niềm tin vào chỗ không nên đặt niềm tin”.

Nhà báo Hoàng Minh Trí (Facebook Cu Trí) cáo buộc "Phan Anh chia sẻ mà không cần biết con cá ấy là loại gì, nước múc lên ấy là loại gì".

Ông Minh Trí nói "khi cộng đồng đang đói tin về Vũng Áng" và so sánh việc đưa tin lên Facebook của MC Phan Anh như "nhỏ thêm một giọt nước", là "củng cố một cái tin thất thiệt".

Tuy nhiên, ông Phan Anh nhiều lần nhấn mạnh, ông ngợi khen lòng dũng cảm của một cơ quan truyền thông, mà mọi người 'không đọc kỹ'.

“Đấy là một cơ quan truyền thông dũng cảm nói về một vấn đề mà xã hội quan tâm trong thời gian gần đây”, ông nói về VTC News và việc thực hiện clip thử nghiệm.

'Clip tạo dựng'

Trong phóng sự thực hiện hôm 26/4, phóng viên kênh VTC thử nghiệm đặt hai con cá vào một chậu nước được cho là lấy từ khu vực Vũng Áng. Cá chết chỉ vài phút sau đó. Sau một ngày, nhiều báo tại Việt Nam và chủ bè cá cáo buộc phóng viên VTC "đưa thông tin sai lệch".

Giám đốc trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, Sở tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh phủ nhận việc "cùng với" phóng viên VTC News thực hiện phóng sự - theo báo điện tử Infonet.

Tuy nhiên, VTC News ngay sau đó đã thực hiện một bản tin nói rõ về hoạt động tác nghiệp mà họ thực hiện, bao gồm phỏng vấn về loại cá và mẫu nước họ thực hiện.

"Việc lấy mẫu nước tại Vũng Áng được phóng viên Bá Thăng thực hiện cùng thời gian, địa điểm với đoàn cán bộ quan trắc của tỉnh Hà Tĩnh nhưng việc tiến hành thực nghiệm là hoàn toàn độc lập," VTC News trả lời về thử nghiệm.

VTC cũng công bố, loại cá họ dùng để thử nghiệm do ngư dân cung cấp và là cá nước mặn.

Người dẫn dắt chương trình '60 Phút mở', bà Tạ Bích Loan khẳng định clip hai con cá chết là “tạo dựng”.

Tuy nhiên, trong bài viết của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn, ký tên Na Sơn trên trang Vietnamnet cho biết, chương trình đã bị cắt nhiều đoạn để vừa với thời lượng, trong đó "Phan Anh có một câu rất hay:

"Tôi tin VTC chứ! Vì đấy là một nguồn tin chính thống, một đài truyền hình lâu đời của nhà nước. Cũng giống như rất nhiều người đã tin vào cái phóng sự dùng chổi quét rau giả làm sâu trên VTV vậy.""

"Đây là một điểm khá thú vị. Cho đến nay chưa có kết luận chính thức là clip của VTC có ngụy tạo hay không," nhiếp ảnh gia có mặt trong chương trình '60 Phút mở' viết.

Cuối chương trình, Ông Phan Anh chia sẻ hashtag #Đừng im lặng. "Mỗi chúng ta đều có quyền lên tiếng về quan điểm của mình. Và quan điểm đó cần được mọi người tôn trọng và tôi rất mong những quan điểm đó sẽ được tranh luận một cách có văn hóa", ông nói trên chương trình kéo dài 60 phút của đài truyền hình Việt Nam.

Phản ứng của khán giả

Trả lời BBC Tiếng Việt, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn cho rằng "việc định hướng và ngăn chặn thông tin là điều bất khả" trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, "nhất là thông tin trên mạng xã hội với tính chất, nhanh và rộng."

"Người đọc không có lỗi khi họ chưa đủ kiến thức, kỹ năng và nguồn để kiểm chứng như các chuyên gia hay nhà báo khi tiếp nhận những thông tin được cho là không tốt. Cái chính là những thông tin minh bạch, chính xác cần được đưa nhiều hơn, nhanh hơn.

"Như thế, tự chúng sẽ đẩy lùi được những thông tin thất thiệt hay sai trái. Tất nhiên, tôi cũng mong muốn ý thức của mọi cá nhân khi tham gia chia sẻ trên mạng xã hội. #Share_có_ý_thức 1 hashtag tôi hay dùng trên mạng.

"Tôi mong muốn mọi người khi đọc được điều gì đó từ bất cứ nguồn nào thì hãy suy xét nếu có thể thì kiểm chứng trước khi share [chia sẻ] nó. Tránh việc chúng ta trở thành những cái loa không công cho những mục đích không trong sáng của bất kỳ ai, tổ chức nào.

Chia sẻ quan điểm về nguồn tin từ kênh chính thống, Bùi Thiện An, một thanh niên từ Sài Gòn, nói với BBC: "Phan Anh cũng trả lời rất rõ đó chỉ là nhu cầu lên tiếng, đừng im lặng trước những gì xảy ra xung quanh mình nhưng mọi người vẫn quy chụp đó là nhu cầu thể hiện quyền lực.

"Vậy thì nhìn lại, khi một ca sĩ diễn viên chụp hình đồ ăn, thức uống nó cũng chỉ đơn thuần là chia sẻ thông tin, không riêng gì Phan Anh mà giới trẻ đều quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khoẻ của mình.

"Không thể trách Phan Anh cũng như không thể trách nhiều bạn trẻ chia sẻ mà không kiểm chứng vì việc kiểm chứng từ một nguồn kênh như VTC - đài truyền hình chính thống là rất khó. Điều đó là thứ mà nhà báo như anh Trí, anh Quang làm chứ không phải những đứa trẻ."

"Việc chia sẻ thông tin sẽ khiến cho những người có quyền hành, chịu trách nhiệm về vấn đề nóng này phải có câu trả lời xác đáng, phải có sự minh bạch rõ ràng để cư dân không bị đầu độc thông tin." - An cho biết. - BBC

***
Một nhóm phân tích độc lập vừa công bố kết quả chất lượng nước tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, khu vực xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt vào tháng 4/2016.

Trong kết quả công bố trên mạng xã hội, Nhóm Phân tích Môi trường Biển Miền Trung này nói việc phân tích để "xác định mức độ ô nhiễm" ở vùng biển ngay cạnh khu công nghiệp Vũng Áng và nhà máy luyện gang thép.

BBC không có điều kiện kiểm chứng quy trình và kết quả phân tích này.

Kết quả của báo cáo cho thấy, thủy ngân có nồng độ đạt chuẩn ở 9 mẫu, nhưng ở nước mặt tại vị trí gần cống xả thải của Formosa "nồng độ thủy ngân đo được ở hai trung tâm cao hơn giới hạn cho phép cho nước biển ven bờ theo QCVN".

Nhóm này nói họ sẽ tiếp tục thu mẫu nước từ gần cống xả thải để kiểm tra thủy ngân.

Với sắt, kết quả do nhóm này đưa ra cũng cao hơn giới hạn cho phép 2–3,5 lần.

Với hàm lượng xyanua, phân tích cho thấy tại hai vị trí lấy mẫu thì nồng độ xyanua "vượt ngưỡng cho phép".

"Kết quả ban đầu cho thấy khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm xyanua. Theo ban cố vấn, để làm sáng tỏ nhóm cần phải thu thêm mẫu nước một vài đợt và kết hợp đo dòng chảy trong quá trình thu mẫu để có thể đánh giá được chính xác hiện tượng ô nhiễm và sự lan tỏa của ô nhiễm." - Bảng phân tích cho biết.

Nhóm nghiên cứu viết họ "chưa có kết luận tuyệt đối về độ an toàn của các vị trí lấy mẫu nói riêng và khu vực Vũng Áng", nhưng kết quả cho thấy "nước biển ở các vị trí lấy mẫu không bị nhiễm độc cấp tính bởi kim loại nặng, phenol và xyanua."

"Gần cống xả thải của Formosa, nước biển có thể không an toàn cho sinh vật biển sống ở đó vì có hàm lượng amoni và tổng ni tơ khá cao. Ngoài ra, hàm lượng thủy ngân ở điểm này cũng cao hơn một chút so với quy định.”

Được biết các kết quả phân tích này chưa được chuyển tới các cơ quan chức năng của nhà nước. - BBC
|
|

7.
Việt Nam mở rộng sân bay Nội Bài

Việt Nam lên kế hoạch trị giá 5,5 tỉ USD để mở rộng gấp đôi sân bay Nội Bài trước năm 2030, theo trang mạng của Chính phủ ngày 30/05.

Sân bay Quốc tế Nội Bài có thể sẽ bị quá tải vào năm 2019 do lượng khách ngày càng tăng, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam được dẫn lời nói.

Việt Nam là một trong 10 thị trường hàng không có tỉ lệ phát triển nhanh nhất Thế giới và được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong mỗi thập kỷ trong vòng 20 năm tới, theo một báo cáo của Hiệp hội Hàng không Quốc tế vào cuối năm ngoái.

Chính quyền đã xây dựng một nhà ga thứ hai tại sân bay Nội Bài, có thể đón lượng khách 25 triệu người mỗi năm vào cuối năm 2014. Kế hoạch mở rộng mới sẽ giúp sân bay đón lượng khách 50 triệu người vào cuối năm 2030.

Kế hoạch chi tiết vẫn chưa được thống nhất và đang đợi chính phủ phê duyệt, ông Lại Xuân Thanh nói.

Lượng hành khách hàng không của Việt Nam tăng 7,9% trong năm ngoái, lên đến 20,7 triệu người, trong khi tỉ lệ tăng trưởng của năm tháng đầu năm 2016 là 30,9%, lên 17 triệu, thống kê của chính phủ cho hay.

Tỉ lệ tăng trưởng nhanh đã đem lại lợi ích cho những hãng hàng không nội địa như VietJet, là hãng vừa ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing trị giá 11,3 tỉ USD vào tuần trước, đưa tên tuổi hãng trở thành một trong những hãng hàng không giá rẻ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Việt Nam cũng lên kế hoạch xây dựng một sân bay mới trị giá 16 tỉ USD gần với trung tâm kinh tế là thành phố Hồ Chí Minh nhằm cạnh tranh với những sân bay trong khu vực như Bangkok và Singapore, với qui mô lớn hơn cả hai sân bay kia cộng lại.

Thị trường hàng không Việt Nam được lợi thế từ tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hơn 5% mỗi năm, kể từ 1999 và với sự cạnh tranh của những hãng hàng không nội địa khiến người dân Việt Nam và cả khách du lịch nước ngoài ngày càng có điều kiện sử dụng. - BBC

Sunday, May 29, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 29/5

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc 'cực kỳ bất mãn' đối với tuyên bố của G7 về Biển Đông

Trung Quốc cho biết họ hết sức bất mãn đối với một tuyên bố của các nhà lãnh đạo của khối G7 về vấn đề Biển Đông, nơi căng thẳng mỗi lúc một tăng vì những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói “Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật tổ chức xuyên tạc vấn đề Biển Đông, thổi phồng tình thế khẩn trương, không có lợi cho sự ổn định tình hình Biển Đông, cũng không phù hợp với vị trí của một diễn đàn về quản lý kinh tế của các nước phát triển. Trung Quốc hết sức bất mãn đối với hành động của Nhật Bản và G7.”

Trước đó trong ngày thứ Sáu, các nhà lãnh đạo G7 đưa ra thông cáo chung, trong đó có đoạn nói rằng “Chúng tôi rất quan tâm về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát, giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.”

Tuyên bố của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada cũng khẳng định “Bất cứ tuyên bố chủ quyền nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để tuyên bố chủ quyền.”

Cũng trong ngày thứ Sáu, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cho biết Hà Nội và Tokyo chia sẻ quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông gần đây, nhất là những hành động bồi đáp, xây đảo qui mô lớn. Đôi bên cũng lập lại lời kêu gọi các bên liên quan không có hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hoá Biển Đông. - VOA
|
|

2.
LHQ: 700 di dân có thể đã chết ngoài khơi Địa Trung Hải

Cơ quan tị nạn của Liên hiệp quốc cho hay hơn 700 di dân trên ba chiếc thuyền đưa người lậu bị đắm ở Ðịa Trung Hải trong tuần này có lẽ đã chết.

Khoảng 100 người trong số các di dân này ở trên một chiếc thuyền của những kẻ đưa người vượt biên lậu bị đắm hôm thứ Tư.  

550 người mất tích từ một chiếc thuyền bị lật vào sáng thứ Năm khi đang trên đường xuất phát từ Libya.

Cảnh sát Italia, theo tin những người sống sót tố cáo, đã bắt giữ thuyền trưởng của chiếc thuyền thứ hai, và cho biết đó là một người đàn ông Sudan, 28 tuổi.

Một chiếc thuyền thứ ba bị đắm hôm thứ Sáu mà không rõ chở theo bao nhiều người.

Khoảng 135 người được cứu sống từ chiếc thuyền bị đắm này, và 45 xác người được vớt lên, nhưng nhiều người vẫn mất tích.

Người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc, Ông Federico Fossi nói với hãng thông tấn AFP: “Tình hình thật là hỗn loạn. Chúng tôi không nắm được con số nạn nhân, nhưng lo rằng có đến 700 người có thể đã chết đuối trong 3 chiếc thuyền bị đắm này.”

Lực lượng Tuần dương Italia cho hay 16 đợt cứu nạn trên Ðịa Trung Hải hôm thứ Sáu cứu được hơn 1.900 di dân.

Những người thoát chết từ các chiếc thuyền bị đắm được đến đến các thành phố duyên hải Taranto và Pozallo của Italia. Giới hữu trách Italia giữ họ tại những nơi đó để thu thập thêm thông tin. - VOA
|
|

3.
Iran bầu lại thủ lãnh bảo thủ làm lãnh đạo quốc hội

Lãnh đạo quốc hội Iran có chủ trương bảo thủ ôn hòa được bầu chọn lại hôm Chủ nhật cho dù những người theo chủ trương cải cách giành được nhiều ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng 2.

Ông Ali Larijani nhận được 173 phiếu bầu chọn của tổng số 281 nhà lập pháp, trong đó có những đại biểu bên đảng cải cách đã phá lệ bỏ phiếu chống lại thủ lãnh của họ - ông Mohammad Reza Aref của đảng Danh sách Hy vọng.

Việc ông Larijani được bầu chọn làm thủ lãnh là một chiến thắng sớm của phe bảo thủ ôn hòa trong tân quốc hội đã nhóm họm phiên đầu tiên hôm thứ Bảy.  

Kết quả này đồng thời cho thấy sự ủng hộ đối với Tổng thống Hassan Rouhani theo chủ trương ôn hòa và ủng hộ thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc thế giới hồi tháng 7 năm ngoái,

Những người theo chủ trương ôn hòa và những người cải cách ủng hộ ông Rouhani đã giành được phần lớn số ghế trong cuộc bầu cử hồi đầu năm  nay, song không bên nào giành được thế đa số tại quốc hội.

Những người cải cách giữ 133 ghế trong tổng số 290 ghế quốc hội, còn những người bảo thủ giữ 125 ghế.  

Số còn lại thuộc về các đại biểu độc lập và các tôn giáo thiểu số, những người dường như ủng hộ ông Rouhani. - VOA
|
|

4.
Tổng thống Đài Loan: Sẽ không để ai khống chế không phận Đài Loan

Trong một động thái rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc, tân tổng thống Đài Loan vào hôm nay, 29/05/2016, đã đi thị sát hai căn cứ không quân Hoa Liên (Hualien) và Gia Thiện (JiaShan) miền Đông Đài Loan. Phát biểu trước các sĩ quan và binh sĩ, bà Thái Anh Văn khẳng định rằng Đài Loan "sẽ không để cho bất kỳ ai khác muốn làm gì thì làm trên không phận của mình".

Theo thông tin trên trang Facebook của nữ tổng thống Đài Loan, người đồng thời nắm quyền tổng tư lệnh quân đội, bà Thái Anh Văn xác định ngay tại căn cứ Hoa Liên rằng: "Tôi đến đây hôm nay không chỉ là để thị sát, mà còn là để thể hiện quyết tâm của tôi : Sát cánh cùng quân đội… tiến hành cải cách và bảo vệ đất nước".

Theo hãng tin Đài Loan CNA, vị nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Đài Loan đã đến thăm Phi Đoàn  Chiến Thuật 401 tại hai căn cứ Hoa Liên và Gia Thiện.

Hoa Liên chính là một trong những căn cứ chiến đấu chủ chốt của Không Quân Đài Loan, trong lúc Gia Thiện chủ yếu đảm trách việc huấn luyện và đào tạo kỹ năng kỹ thuật trong thời bình. Khi nổ ra chiến tranh, căn cứ này sẽ được chuyển đổi thành một trung tâm chỉ huy chiến đấu trên không.

Đài Loan tách khỏi Trung Quốc từ năm 1949, và từ đó đến nay, Bắc Kinh luôn luôn đòi sáp nhập Đài Loan, và đe dọa dùng võ lực đánh chiếm nếu hòn đảo này chính thức tuyên bố độc lập.

Trước lễ nhậm chức hôm 20/05 của bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến theo xu hướng đòi độc lập, Bắc Kinh đã gia tăng hù dọa bằng cách tổ chức ít nhất ba cuộc tập trận đổ bộ ở bờ biển đông nam Trung Quốc, nhìn qua Đài Loan.

Việc bà Thái Anh Văn đi khích lệ tinh thần lực lượng không quân vào hôm nay được xem là lời đáp trả của Đài Bắc, trước hành động thị uy của Bắc Kinh. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
'Rolling Thunder' diễu hành kỷ niệm lễ Chiến sĩ Trận vong

Đoàn xe mô tô Rolling Thunder sẽ diễu hành trên đường phố thủ đô Washington hôm nay, Chủ nhật.

Cuộc diễu hành bằng xe mô tô hàng năm này lần đầu tiên được tổ chức và năm 1988, với ý nghĩa là để tri ân các tù binh chiến tranh và các chiến sĩ vị quốc vong thân.

Ông Ray Manzo, một cựu Hạ sĩ nhất Thủy quân Lục chiến Mỹ là một trong những người có công tổ chức hội diễu hành này. 

Một bức thư của ông Manzo được đăng tải trên tạp chí Outlaw Biker năm 1987 kêu gọi những người đi xe mô tô tập trung về thủ đô Washington vào Chủ nhật trước Lễ Chiến sĩ Trận vong.

Gần 3.000 người lái xe mô tô đã tham gia hội diễu hành lần đầu tiên năm đó.  Tổ chức này cho biết nay hội Rolling Thunder thu hút hơn một triệu người lái mô tô và người xem tham gia. 

Theo trù liệu, khoảng nửa triệu chiếc mô tô sẽ rền vang vào trưa hôm nay trong đoàn diễu hành chạy từ Ngũ Giác đài đến Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Nhóm này gọi đó là cuộc Diễu hành cho Tự do.

Sứ mạng của nhóm này đã phát triển theo cuộc diễu hành mô tô của họ.  Họ đã vận động cho Đạo luật quân nhân mất tích được ký năm 1993. Luật này cấm Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố một quân nhân đã chết khi đang thi hành nhiệm vụ mà không có bằng chứng rõ ràng.

Nhóm này cũng thành lập một tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp tiền mặt cho thân nhân của các cựu chiến binh.

Thời gian trôi qua, Rolling Thunder đã trở thành một nhóm chính trị bất mãn với các nhà lập pháp ở Washington và với chính quyền Obama. - VOA
|
|

6.
Trạm Không gian Quốc tế có thêm một phòng mới

Trạm Không gian Quốc tế vừa có thêm một phòng mới độc nhất vô nhị, trong cấu trúc của trạm.

Cơ quan không gian NASA của Mỹ đã chế tạo thành công một phòng bằng phương pháp thổi phồng lên và nén để lắp thêm vào bên ngoài Trạm không gian.

Mất khoảng 7 giờ hôm thứ Bảy để hình thành phòng mới này với đủ chức năng. Sau khi hoàn thành, phòng mới có chiều dài 4 mét và chiều rộng 3,23 mét.

Nhiều thử nghiệm sẽ được thực hiện để đánh giá chức năng hoạt động của phòng mới trước khi các phi hành gia có thể vào phòng mới đó.

Ngoài ra, NASA cho hay sẽ có các thí nghiệm để đo khả năng che chắn bức xạ mặt trời, bụi vũ trụ và những nhiệt độ tộc bực trong không gian.

Ưu điểm của phòng có thể bơm lên được là nó tiết kiệm khoảng không khi chưa được bơm lên, còn khi bơm lên thì nó tạo được không gian, diện tích làm việc rộng lớn.

Phòng mới có tên là Bigelow Expandable Activity Module, gọi tắt là BEAM, do công ty Bigelow Aerospace ở Los Angeles chế tạo.  

Công ty này ký hợp đồng 18 triệu đôla để thiết kế chiếc phòng đầu tiên loại này.

Công việc thổi chiếc phòng BEAM được thực hiện lần đầu hôm thứ Năm trước đó không thành công.  

Các nhà khoa học tin là do BEAM ở trong trạng thái xếp lại quá lâu, khiến vật liệu của nó khó mở ra. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Thủ tướng Lào kêu gọi đàm phán song phương về Biển Đông

Phải chăng đương kim chủ tịch ASEAN đã công khai tán đồng lập trường Trung Quốc trên Biển Đông ? Câu hỏi này đã nổi cộm lên vào hôm nay, 29/05/2016 khi thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, trả lời báo Nhật Bản Asian Nikkei Review, đã cho rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan. Theo tờ báo Nhật, đây là một lập trường phản ánh quan điểm của Trung Quốc.

Trong bài phỏng vấn dành cho báo Nikkei nhân dịp ông ghé Nhật Bản hôm 27/05 để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 mở rộng ra cho một số nước đang phát triển trong đó có Lào và Việt Nam, ông Thongloun khằng định rằng ông sẽ "thúc giục các nước liên quan mở đối thoại hướng tới việc giải quyết hòa bình" các tranh chấp lãnh thổ. Theo báo Nikkei, câu nói đó rõ ràng ám chỉ Việt Nam và Philippines.

Đối với Nikkei, tuyên bố của Lào đáng chú ý vì nước này hiện đang làm chủ tịch khối Đông Nam Á ASEAN, bao gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam và Philippines. Hai nước này đang bị Trung Quốc chèn ép dữ dội trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cho nên rất muốn ASEAN giúp đỡ trong việc kháng lại các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông do Trung Quốc tiến hành.

Việt Nam và Philippines đều muốn ASEAN hình thành ra một mặt trận thống nhất để phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Philippines còn yêu cầu Hiệp Hội Đông Nam Á ra một thông cáo chung về phán quyết sắp tới đây của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) về đơn Philippines kiện đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trên yêu cầu này, thủ tướng Lào cũng tỏ ý dè dặt, cho rằng các nước ASEAN cần phải "cẩn thận xem xét tình hình" khi công bố một tài liêu như vậy. Theo ông Thongloun, ASEAN hoạt động bằng sự đồng thuận, và căn cứ vào tình hình hiện nay, tìm đồng thuận trên yêu cầu của Philippines rất khó khăn.

Theo Nikkei, 10 nước ASEAN hiện đang chia rẽ về việc có nên ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực hay không, với một số nước, trong đó có Singapore cho rằng nên làm, trong lúc một số nước khác, trong đó có Cam Bốt, thì phản đối.

Lời lẽ thủ tướng Lào như đã xác nhận tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây, theo đó có ba nước ASEAN là Cam Bốt, Lào và Brunei đã "đồng thuận" với lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông.

Lập trường này có thể gói gọn như sau : các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc phải đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề, các nước ngoài không được quyền can dự vào kể cả các định chế quốc tế. Quan điểm chỉ song phương chứ không đa phương này đã bị giới phân tích cho là nhằm mở đường cho Trung Quốc dễ dàng gây sức ép lên các nước nhỏ hơn mình.

Bắc Kinh cũng đang ra sức tìm hậu thuẫn của các nước trên thế giới ủng hộ cho quyết định của Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền – và qua đó là phán quyết – của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông.

Thái độ dè dặt của Lào, nước chủ tịch ASEAN trước đề nghị của Philippines muốn toàn khối ra tuyên bố chung về phán quyết của quốc tế rõ ràng là đã phục vụ mong muốn của Trung Quốc. - RFI
|
|

8.
TT Philippines vừa đắc cử đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông

Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc ở La Haye về việc Philippines kiện những yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông. Theo báo chí Philippines, ông Rodrigo Duterte, người vừa được chính thức tuyên bố đắc cử tổng thống Philippines, đã xác định như trên vào hôm qua 28/05/2016.

Theo website của hãng truyền thông Philippines ABS-CBN, người sẽ nhậm chức tổng thống Philippines vào tháng Sáu tới đây, đã cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng quyết định của Tòa Trọng Tài ngay cả khi Manila đã cầu viện Bắc Kinh trong việc xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng vô cùng cần thiết tại Philippines.

Ông Rodrigo Duterte đã khẳng định trước các phóng viên như sau: "Nếu Tòa Trọng Tài ra phán quyết, chúng ta hy vọng là Trung Quốc sẽ tuân theo... Chứ không phải là chỉ vì anh giúp tôi xây dựng đường sắt, mà tôi phải bỏ bãi cạn Scarborough".

Tổng thống tương lai của Philippines muốn ám chỉ tới sự kiện là vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh cho là của họ dù nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines và được Manila tuyên bố chủ quyền.

Philippines đã kiện các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, và tòa án trọng tài dự kiến sắp đưa ra phán quyết.

Liên quan đến các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ tại vùng Trường Sa, ông Duterte từng tuyên bố rằng bất chấp tính mạng có thể bị đe dọa, ông sẽ đi xe trượt nước (jet ski) đến cắm quốc kỳ Philippines trên các thực thể thuộc chủ quyền của Manila.

Hôm qua, ông nhắc nhở Trung Quốc: "Tôi đã bảo quý vị rằng đó là của chúng tôi. Quys vị không có quyền ở đó".

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, đồng thời là tuyến đường hàng hải chính. Ngoài Philippines và Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trong khu vực. - RFI

Saturday, May 28, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 28/5

Tin Thế Giới

1.
TT Nga dọa trả đũa hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ ở Âu châu

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ có hành động đáp trả đối với hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ ở Âu châu.

Phát biểu hôm thứ 6 trong lúc đi thăm Hy Lạp, ông Putin nói ông sẽ phải đáp trả sau khi Hoa Kỳ bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn ở Romania và Ba Lan.

Tuy chỉ trích hệ thống của Mỹ đe dọa an ninh của Nga, ông Putin không cho biết chi tiết về sự đáp trả mà chỉ nói rằng Nga không hành động trước mà chỉ phản ứng lại trước hành động của Mỹ.

Ông nói “Tôi muốn tái khẳng định đó là những biện pháp đáp trả, chứ chúng tôi không hành động trước.”

Washington chưa bình luận về phát biểu của ông Putin.

Cơ sở phi đạn Deveselu ở Romania đã bắt đầu hoạt động trong tháng này, và mặc dù Hoa Kỳ và liên minh NATO nhiều lần nói rằng hệ thống này hoàn toàn có tính chất phòng vệ, Tổng thống Putin nói những phi đạn đó có thể được chuyển đổi một cách dễ dàng để trở thành những vũ khí tấn công.

Nhà lãnh đạo Nga đang thực hiện chuyến viếng thăm Hy Lạp trong hai ngày. - VOA
|
|

2.
Các chuyên gia y tế kêu gọi dời địa điểm tổ chức Olympics vì dịch Zika

Một lá thư ngỏ của 150 chuyên gia y tế kêu gọi hoãn lại cuộc tranh tài Olympic ở Rio de Janeiro hoặc dời địa điểm vì dịch Zika.

Những người ký tên, bao gồm các chuyên gia y tế công cộng của hơn 20 quốc gia, hôm thứ 6 nói rằng việc tiếp tục tổ chức Olympic là “vô trách nhiệm” và “thiếu đạo đức.” Trong số những người ký tên có Bác sĩ Philip Rubin, cựu cố vấn y tế Tòa Bạch Ốc.

Lá thư viết “Vi rút Zika dòng Brazil gây nguy hiểm cho sức khoẻ với những cách thức mà khoa học chưa từng nhìn thấy trước đây.”

Virus Zika có liên hệ tới những khuyết tật bẩm sinh, kể cả bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới khuyên phụ nữ tránh tới những nơi có dịch Zika, kể cả Đại hội Thể thao Thế giới ở Rio de Janeiro.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bác sĩ Tom Frieden, nói rằng không có lý do y tế công cộng để huỷ bỏ hoặc đình hoãn Olympic.

Tổ chức Y tế Thế giới nêu ra sự kiện là Olympic diễn ra vào tháng 8, vào lúc Brazil ở vào mùa đông, khi có ít muỗi.

Tuy nhiên, những người ký tên trong thư ngỏ nói rằng nếu những người trong số 500.000 du khách nước ngoài nhiễm virus Zika ở Brazil, họ có thể về nước ở bắc bán cầu, nơi virus sẽ lan truyền cho muỗi ở địa phương trong những tháng nắng nóng của mùa hè.

Các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại là Tổ chức Y tế Thế giới có xung đột lợi ích trong việc hợp tác với Uỷ ban Olympic Quốc tế.
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả bị LHQ bác đơn xin cấp qui chế tham vấn

Liên Hiệp Quốc đã bác đơn của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) xin cấp qui chế tham vấn để họ có quyền tiếp cận nhiều hơn với các hội nghị của Liên Hiệp Quốc.

Đối với CPJ, một tổ chức “bảo vệ quyền của các nhà báo được tường thuật tin tức mà không sợ bị trả thù”, quyết định vừa kể là kết quả của sự chống đối từ những chính phủ không tán thành mục tiêu của tổ chức này.

Giám đốc CPJ, ông Joel Simon, nói “Thật là một điều đáng buồn khi Liên Hiệp Quốc, cơ quan vốn coi trọng quyền tự do báo chí thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng và thông qua việc chấp thuận Kế hoạch Hành động Liên Hiệp Quốc, lại bác đơn của CPJ, là tổ chức có những kiến thức sâu sắc và có ích để hỗ trợ cho quá trình làm ra quyết định của Liên Hiệp Quốc.”

Nếu được cấp qui chế tham vấn, CPJ có thể tiếp cận các cơ quan và các hội nghị của Liên Hiệp Quốc, và được phép tổ chức các sự kiện cho các ký giả và các tổ chức độc lập tại Liên Hiệp Quốc.

Hơn 4,000 tổ chức phi chính phủ có qui chế tham vấn. Nhưng những tổ chức nhân quyền như Freedom House và một số tổ chức khác bị từ chối vì bị các thành viên Liên Hiệp Quốc tố cáo có mưu đồ chính trị.

Trong cuộc biểu quyết về đơn xin của CPJ, trong số 19 đại diện của uỷ ban xét đơn, 10 đại diện bỏ phiếu chống, 6 đại diện bỏ phiếu thuận và 3 đại diện bỏ phiếu trắng.

Trung Quốc, Cuba, Nga và Pakistan nằm trong số những nước bỏ phiếu chống. Nam Phi cũng bỏ phiếu chống, nhưng họ nói rằng lý do là vấn đề thủ tục chứ không phải Nam Phi chống lại đơn xin của CPJ. - VOA
|
|

4.
Cuộc vận động của ông Trump thu hút những người chống đối ở California

Khoảng 1.000 người đã biểu tình bên ngoài Trung tâm Hội nghị San Diego trong lúc ông Donald Trump, người nắm chắc sự đề cử của đảng Cộng hoà để ra tranh chức tổng thống, nói chuyện với những người ủng hộ ở bên trong.

Những người biểu tình vẫy cờ Mexico và cờ Mỹ đã đối đầu với cảnh sát tại thành phố miền nam tiểu bang California, cách biên giới Mexico 24 kilo mét và là nơi người gốc Châu Mỹ La Tinh chiếm đến 1 phần 3 dân số.

Cảnh sát cho biết họ bắt giữ 3 người, trong đó có một người leo qua hàng rào ngăn cách người biểu tình với cảnh sát. Vụ bắt giữ này làm người biểu tình xịt nước và ném vỏ chai nhựa vào cảnh sát.

Trước đó trong ngày hôm qua, một số người đã biểu tình trong lúc ông Trump nói với những người ủng hộ ở thành phố Fresno là ông có thể giải quyết vụ khủng hoảng nước ở đây và tuyên bố “Không hề có hạn hán.”

Ông tố cáo các giới chức tiểu bang không cung cấp nước cho nông dân trong vùng này ngõ hầu chính quyền có thể đưa nước ra biển “để bảo vệ cho một loại cá bé tí teo.”

Loại cá nhỏ mà ông Trump nói tới là một loại cá có nguy cơ tuyệt chủng và trở thành một biểu tượng của những vụ tranh cãi về luật lệ bảo vệ môi trường và vấn đề cấp nước ở tiểu bang California. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đại học Fulbright VN là môi trường cho suy nghĩ độc lập và sáng tạo

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chính thức tuyên bố thành lập Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Các chuyên gia giáo dục cho rằng đây sẽ là một mô hình giáo dục hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, là môi trường cho suy nghĩ độc lập và sáng tạo. An Tôn tường trình chi tiết sau đây.

Cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Bob Kerrey, chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), đã nhận giấy phép do Bí thư Thăng trao.

Giấy phép này cho phép trường FUV tuyển sinh học viên cao học khóa đầu tiên vào cuối năm nay. Đồng thời trường cũng sẽ bắt đầu chuẩn bị xây dựng trụ sở chính ở Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tại Quận 9. Sẽ mất ít nhất 2 năm để hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất cho giai đoạn một của FUV.

Trong một thông cáo, bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng sáng lập FUV, nói trường này sẽ là một đại học Việt Nam “kiểu mới”. Bà cho biết thêm trường “sẽ đưa vào những tiến bộ mới nhất về công nghệ và giảng dạy nhằm đem lại cho sinh viên một trải nghiệm giáo dục giúp họ trang bị những kỹ năng để thành công trong bất kỳ lĩnh vực khó khăn nào mà họ theo đuổi”.

Đại diện trường cho hay FUV sẽ cấp bằng Việt Nam và sẽ phấn đấu đạt kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định Mỹ. Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ giảng dạy chính. Trường được tiên liệu sẽ có số lượng sinh viên từ 6.000 đến 10.000 khi đạt giai đoạn phát triển ổn định. Thông cáo của trường cho biết thêm rằng FUV mong muốn tạo ra tác động tích cực mang tính hệ thống thông qua chia sẻ kiến thức với cách tiếp cận “học liệu mở”.

FUV sẽ xây dựng một đội ngũ giảng viên quốc tế và sẽ đặc biệt chú trọng tuyển dụng những học giả và nhà khoa học người Việt đã được đào tạo quốc tế. FUV sẽ sử dụng đòn bẩy công nghệ bao gồm những nền tảng học tập từ xa để tối thiểu chi phí và cho phép giảng viên có thể giảng dạy cũng như hướng dẫn sinh viên ở vùng sâu vùng xa.

Đơn vị học thuật đầu tiên của FUV sẽ là Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, một trường đào tạo cao học chuyên ngành. Trường này sẽ khai giảng vào mùa thu năm nay với sự kế thừa đội ngũ nhân lực và các khóa học của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) đã hoạt động ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua. 

Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright sẽ mở các khóa cao học và các chương trình đào tạo cao cấp về chính sách công, kinh doanh và những lĩnh vực có liên quan.

Giảng viên Nguyễn Hữu Lam thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng thời cũng giảng dạy cho FETP, đã nhận xét với VOA Việt ngữ về tầm quan trọng của việc thành lập FUV như sau:

“Việc nâng cấp lần này có ý nghĩa rất là lớn, vì ngoài việc đào tạo cán bộ cho Việt Nam, thì mô hình của một trường đại học phi lợi nhuận, độc lập, tự do về học thuật sẽ đóng góp rất là lớn cho vấn đề về xây dựng và phát triển hệ thống đại học Việt Nam. Và điều đó sẽ rất là tốt cho tương lai của Việt Nam”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người bảo trợ cho Chương trình Fulbright ở Việt Nam trong nhiều năm, đã tuyên bố kế hoạch thành lập trường FUV hồi tháng 8 năm ngoái.

Những người sáng lập trường ở cả hai phía Mỹ và Việt Nam đều tin rằng trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam, nhất là những người trẻ tuổi khao khát được hưởng nền giáo dục tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam.

Ông Lam, người cũng đã từng du học ở Mỹ với học bổng Fulbright, cho biết sự háo hức về FUV rất cao và những ngày này ông liên tục nhận các cuộc điện thoại để hỏi về việc tuyển sinh, chương trình học của trường. Ông phân tích thêm về lý do của sự háo hức này:

“Thực sự mô hình phát triển hiện đại là sáng tạo tri thức, và đồng thời là mô hình không chỉ dạy cho người ta kiến thức mà các thế hệ trước đã tích lũy, mà còn là mô hình giúp người ta độc lập suy nghĩ, sáng tạo, và phát triển. Đây là môi trường mà tôi nghĩ sẽ đóng góp rất là lớn cho sự phát triển của từng cá nhân cũng như phát triển chung cả hệ thống đại học Việt Nam”.

Ở một đất nước có hệ thống giáo dục lâu nay bị xem là lạc hậu và phương thức quản lý còn bảo thủ. Liệu một trường có tính sáng tạo như Đại học Fulbright Việt Nam có tạo ra xung đột hay thách thức gì đối với các nhà quản lý của Việt Nam hay không? Giảng viên Nguyễn Hữu Lam đưa ra nhận định:

“Tôi nghĩ những người làm khoa học thực sự họ sẽ nhìn vấn đề này một cách rất là thoải mái và họ sẽ tiếp thu cái hệ thống này. Và rất nhiều vị lãnh đạo của nhà nước và của Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ tiếp thu được. Nhưng tất nhiên là sẽ có những cái xung đột. Thế cho nên vừa rồi tôi thấy có tuyên bố của Tổng thống Obama và đồng thời là của Ngoại trưởng John Kerry về trường đại học độc lập, tự do học thuật, như thế thì tôi nghĩ nếu chính phủ Việt Nam cam kết cái điều đó thì có nghĩa là trường sẽ làm được và dần các trường đại học Việt Nam cũng đang trong xu thế đó. Tại vì hiện nay Việt Nam cũng đang trao quyền tự chủ cho các đại học. Và nếu trường FUV mà phát triển tốt thì sẽ giúp rất nhiều cho cái nỗ lực vì thử nghiệm, làm thí điểm về các trường đại học độc lập ở Việt Nam”.

Mặc dù là một tổ chức tư nhân và phi lợi nhuận, FUV nhận được hỗ trợ từ chính phủ Mỹ và Việt Nam. Đến nay chính phủ Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 20 triệu đôla để hỗ trợ việc thành lập trường. Còn chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho FUV 25 hecta đất ở Quận 9.

FUV đã nhận được cam kết tài trợ bằng tiền mặt hay các hình thức khác trị giá hơn 60 triệu đôla. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều hơn nữa để có thể hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng của bà Hiệu trưởng Thủy. Bà cho biết ước tính sẽ cần huy động tối thiểu 100 triệu đôla trong ba năm tới.

Theo kế hoạch, năm 2018, FUV sẽ thành lập Trường Khoa học xã hội và Nhân văn Fulbright với chương trình giáo dục cử nhân bốn năm cho các ngành khai phóng (liberal arts) và khoa học-kỹ thuật. - VOA
|
|

6.
Nghi can khủng bố gốc Việt lĩnh án 40 năm tù ở Mỹ

Một người đàn ông gốc Việt, nhân vật từng nhận chỉ thị của khủng bố để thực hiện vụ đánh bom tự sát tại sân bay Heathrow, Anh, hôm qua bị kết án 40 năm tù giam.

Minh Quang Phạm, 33 tuổi, bị kết án tại New York sau khi nhận tội hồi tháng Giêng liên quan tới các cáo trạng hỗ trợ vật chất cho tổ chức al Qaeda ở Bán đảo Ảrập.

Thẩm phán của phiên tòa cho biết rằng việc ông Phạm tuyên bố từ bỏ tổ chức khủng bố trên là một lý do khiến tòa không tuyên mức án 50 năm tù giam theo như đề nghị của các công tố viên.

Tuy nhiên, vì vai trò của ông này trong âm mưu đánh bom “kinh hoàng” nên ông ta đáng phải nhận án tù cao hơn mức tối thiểu của tội danh trên.

Ông Phạm, một nhà thiết kế đồ họa, bỏ người vợ đang mang thai ở Anh để tới Yemen năm 2010.

Ông này thú nhận đã giúp tổ chức cực đoan Hồi giáo chuẩn bị tạp chí tuyên truyền phát hành trên mạng là Inspire, cũng như được huấn luyện theo kiểu quân sự.

Nhưng các công tố viên cho biết thêm rằng ông Phạm đã thực hiện nhiều điều hơn thế cho tổ chức khủng bố.

Ông ta đồng ý thực hiện âm mưu đánh bom tự sát tại sảnh đến ở sân bay Heathrow sau khi từ Yemen trở về Anh. Kế hoạch này chưa bao giờ được triển khai.

Các công tố viên còn nói thêm rằng ông Phạm đã được chính một giáo sỹ Hồi giáo gốc Mỹ, người sau này trở thành thủ lĩnh của nhóm, huấn luyện thực hiện vụ đánh bom tự sát.

Nhân vật chỉ huy này đã bị triệt hạ trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng Chín năm 2011, cùng năm ông Phạm bị bắt ở sân bay Heathrow sau khi trở về nước.

Tại tòa ở New York, ông Phạm nói rằng ông đã phạm “một sai lầm hết sức nghiêm trọng” khi gia nhập al Qaeda tại bán đảo Ảrập.

Ông tuyên bố “chưa bao giờ có ý định gây hại cho ai”. - VOA

Friday, May 27, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 27/5

Tin Thế Giới

1.
Tuyên bố chung của G7 đặt ưu tiên khẩn cấp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Lãnh tụ của Nhóm G7 quy tụ 7 nền kinh tế giàu nhất gọi tăng trưởng toàn cầu là “ưu tiên khẩn cấp” của họ vào lúc bế mạc hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản hôm 27/5.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói:

“Cảm thấy bi quan về nền kinh tế thế giới không giải quyết được vấn đề. Trong cương vị là người chủ trì và là Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh này, tôi đã bỏ ra nhiều thời giờ nhất để thảo luận về các vấn đề kinh tế, nhưng tôi làm như vậy không phải để chúng ta trở nên bi quan. Chúng ta không nên bi quan mà phải khách quan để có thể nhận thức đúng đắn những sự rủi ro hiện hữu ở ngoài kia, tại đây và trong thời khắc này. Chúng ta sẽ không thể nào giải quyết vấn đề, trừ phi chúng ta chia sẻ chung những rủi ro đã nhận thức được”.

Các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ra một thông cáo chung đề cập tới những vấn đề sâu rộng mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt.

Nhóm G7 công bố một tuyên bố dài 32 trang để bế mạc hội nghị, cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên phải tuân thủ các quy định của Liên Hiệp Quốc và chấm dứt thử nghiệm các vũ khí hạt nhân, phóng phi đạn và các ‘hành động có tính cách khiêu khích’ khác.

Trong khi không nêu đích danh Trung Quốc, bản tuyên bố chung của G7 đề nghị hỗ trợ để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ đang nóng lên ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc ráo riết lấp đất xây đảo, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng. - VOA
|
|

2.
LHQ: Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng  Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân có tính bước ngoặt để hạn chế số lượng chất liệu chủ yếu được tồn kho có thể được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Cơ quan Nguyên tử năng, gọi tắt là IAEA, nói chất uranium và nước nặng tồn kho của Iran nằm trong giới hạn đã được đồng ý hồi năm ngoái.

Một phúc trình của Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc cho hay lượng uranium của Iran không vượt quá mực cho phép là 300 kg, trong khi nguồn cung nước nặng cũng dưới hạn định cho phép là 130 tấn.

Các kết luận đó đã được công bố hôm 27/5 trong phúc trình hàng quý thứ nhì do IAEA soạn thảo từ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực hồi tháng 1 năm nay.

Hồi tháng 7 năm 2015, Iran và các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận, hạn chế các vật liệu hạt nhân tồn kho của Iran. Đổi lại, các biện pháp chế tài do Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây áp đặt sẽ được tháo bỏ, kể cả các hoạt động xuất khẩu dầu hỏa mang về nhiều lợi lộc.

Nhưng Hoa Kỳ duy trì các biện pháp chế tài của họ đối với Iran vì cáo buộc cho rằng Iran bảo trợ các chuyến hàng chở vũ khí tới Trung Đông, và vì chương trình phi đạn đạn đạo của Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hồi tháng Năm đòi Mỹ phải có những hành động nghiêm túc và cụ thể để giải quyết vấn đề. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama đến thăm Hiroshima --- Trực diện với quá khứ ở Hiroshima, TT Obama làm nên lịch sử

Tổng thống Barack Obama làm nên lịch sử hôm nay, khi ông trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đi thăm Hiroshima, nơi một chiến đấu cơ Mỹ đã thả qua bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào cuối Thế chiến thứ hai. 

Sau khi đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, ông Obama đã nói về việc không nên bao giờ quên diễn biến này ra sao:

“71 năm trước, vào một buổi sáng trời trong không mây, cái chết đã rơi xuống từ bầu trời và thế giới đã thay đổi. Một tia chớp sáng và một bức tường lửa đã phá hủy một thành phố và cho thấy nhân loại sở hữu phương tiện tự hủy hoại mình”.

Ông Obama nói tiếp rằng ông đến đây để tuyên dương những người đã thiệt mạng trong vụ oanh tạc, kể cả những người Triều Tiên và những người Mỹ bị bắt.

Ông Obama không đưa ra lời tạ lỗi về quyết định thả bom Hiroshima, và nhấn mạnh đến tình hữu nghị được thành lập giữa hai nước cựu thù nay chia sẻ những mối quan tâm và trách nhiệm chung về an ninh:

“Có thể chúng ta không thể tiêu diệt được khả năng của con người làm việc xấu, do đó các quốc gia và các liên minh mà chúng ta thành lập phải sở hữu các phương tiện để tự bảo vệ, nhưng trong số các quốc gia như quốc gia của chính tôi có các kho vũ khí hạt nhân thì chúng ta phải có sự can đảm để tránh khỏi lập luận của sự sợ hãi và theo đuổi một thế giới không có hạt nhân”.

Những lời lẽ của ông Obama về các liên minh hòa bình dường như mang một ý nghĩa gây xúc động hơn khi ông đến gặp những người sống sót trong vụ tấn công ở Hiroshima.

Ba ngày sau vụ Hiroshima, Hoa Kỳ lại thả một quả bom nguyên tử khác xuống Nagasaki làm hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật hoàng Hirohito loan báo Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. - VOA

***
Tưởng niệm các nạn nhân của quả bom nguyên tử đã được thả xuống Hiroshima 7 thập kỷ về trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói thế giới chia sẻ chung trách nhiệm phải ngăn chặn, để không bao giờ tái diễn những đau thương mà thành phố này của Nhật Bản đã trải qua.

Phát biểu hôm 27/5 tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Tổng thống Obama nói:

“Chúng ta đứng đây, giữa thành phố này và cố tưởng tượng thời khắc quả bom rơi xuống. Chúng ta buộc mình phải cảm nhận nỗi sợ hãi của những đứa trẻ đang hoang mang về những gì chúng đã chứng kiến. Chúng ta lắng nghe tiếng khóc thầm lặng. Chúng ta tưởng nhớ tất cả những người vô tội đã bị giết trong cái vòng luẩn quẩn của chiến tranh tàn khốc và những cuộc chiến tranh xảy ra trước cũng như sau đó”.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm nên lịch sử, đơn giản bằng cách sánh bước bên nhau đi qua công viên tưởng niệm Hiroshima. Một chiến đấu cơ Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945 trong những ngày tàn của Thế chiến thứ Hai, giết chết hàng chục ngàn người và khiến cả một thế hệ mắc phải những chứng do nhiễm phóng xạ gây ra.

Ông Obama là vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima. Sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật đến đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Hòa bình, nhà lãnh đạo Mỹ nói:

“Chúng ta tới đây để khóc thương những người đã chết. Chúng ta chia chung trách nhiệm phải nhìn thẳng vào lịch sử. Chúng ta phải tự hỏi ta phải làm gì khác để ngăn, không cho tái diễn những sự đau thương ấy thêm một lần nào nữa”.

Tổng thống Obama kêu gọi mọi người hãy lay tỉnh lương tri liên quan tới các vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Thế giới đã thay đổi vĩnh viễn tại Hiroshima. Nhưng ngày nay những trẻ em của thành phố này sinh hoạt trong hòa bình. Đó là điều đáng trân quý, phải bảo vệ và phải tiến xa hơn nữa, hãy bảo vệ tất cả mọi trẻ em. Đó là một tương lai mà chúng ta có thể chọn, một tương lai trong đó Hiroshima và Nagasaki được biết đến không phải như khởi đầu của chiến tranh nguyên tử, mà khởi đầu của sự tỉnh thức của lương tri”.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đứng bên nhau trước Đài tưởng niệm Vòng cung, biểu tượng cho một ngôi mộ không người. Trên cấu trúc này có tạc hàng chữ: “Hãy yên nghỉ, bởi vì lỗi lầm này sẽ không được lặp lại”.

Công viên Hòa bình Nhật Bản không xác định lỗi lầm trong hàng chữ ấy là gì, liệu nó muốn nhắc đến các vụ thả bom nguyên tử của Mỹ, hay hành động hiếu chiến của người Nhật và cuộc chiến đã diễn ra trước hay sau các vụ đánh bom. Nhiều câu hỏi được giải đáp khác nhau tùy vào mỗi nước.

Nhưng giữa lúc hai nhà lãnh đạo tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại ngôi mộ không người, hai ông khẳng định rõ mục đích không phải là để mang quá khứ ra tranh luận, mà tập trung vào việc làm sao có thể hàn gắn vết thương, và đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ nhất, chống bất cứ quyết định nào muốn sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai. - VOA
|
|

4.
Thành công của ông Trump gây phản ứng trái ngược tại Mỹ và ở nước ngoài --- Ông Trump đưa vấn đề năng lượng vào cuộc tranh luận tranh cử tổng thống

Điều tưởng chừng như không thể xảy ra được cách đây chưa đầy một năm nay hầu như đã trở nên chắc chắn. Ông trùm bất động sản New York Donald Trump đã chiếm được số đại biểu cần thiết để chắc chắn được đảng Cộng hòa đề cử. Viễn ảnh này đã gây nên nhiều tranh cãi tại nước ngoài cũng như tại Mỹ. Thông tín viên Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết.

Nằm giữa trung tâm Manhattan, tháp Trump luôn luôn thu hút du khách, nhưng có lẽ chưa bao giờ đông đảo như năm ngoái. Một số du khách này là những người ủng hộ ông Trump, như ông Ron O’Dell từ Arizona đến.

“Ông là một người ăn nói bộc trực. Ông nói điều ông cảm thấy. Tôi tin ông sẽ nỗ lực làm cho nước Mỹ trở lại vĩ đại nữa”.

Nhưng bà Lynda Hughes từ tiểu bang Washington không nghĩ như vậy.

“Tôi nghĩ ông ấy là một người kỳ thị chủng tộc luôn đưa ra những lời dọa nạt và tôi rất buồn là nước Mỹ đã đến tình trạng này”.

Bên ngoài nước Mỹ, lẽ tự nhiện người Mexico nằm trong số những người chống việc đề cử ông Trump nhiều nhất bởi vì ông đã dọa đóng cửa biên giới với Mexico và áp đặt những biện pháp kiểm soát di trú nghiêm nhặt.

Cô Mireya Alvarez, một sinh viên thuộc tiểu bang Guanajuato nói:

“Nay, nếu như cảnh sát muốn làm gì làm, thì hãy tưởng tượng xem họ sẽ làm gì khi một người bài ngoại như thế lên làm tổng thống. Các di dân sẽ không có chút nhân quyền nào”.

Còn đây là ý kiến của ông Paulo Pepe, một cư dân ở xa hơn về phía nam, tại Buenos Aires, Argentine:

“Chính di dân tại Mỹ làm cho chính trị và kinh tế nước Mỹ bền vững. Do đó nếu ông Trump làm những gì ông nói, có lẽ toàn nước Mỹ sẽ chìm đắm trong cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong lịch sử”.

Nhưng không phải bất cứ người nào ở Nam Mỹ đều chống lại lối nói thẳng thừng và những đề nghị gây tranh cãi của ông Trump.

Ông Andre Guilherme, cư dân Rio de Janeiro, nói:

“Nhưng tôi nghĩ là phong trào và cuộc tranh luận trên thế giới về ông Trump có tính cách tích cực, nhất là ở Hoa Kỳ, đem lại ảnh hưởng đến nhiều nước khác”.

Tại Brussels nhiều người ủng hộ việc ông Trump lên làm tổng thống.

Một cư dân Brussels nói

“Sẽ có một sự thay đổi lớn lao trong chính sách của Hoa Kỳ và tôi nghĩ chính sách này sẽ ảnh hưởng đến đường lối của Mỹ đối với những chính sách của châu Âu”.

Một người khác nói:

“Sẽ là một tai họa nếu ông đắc cử tổng thống vì tôi nghĩ ông ta không biết gì về chính sách ngoại giao của Mỹ và ông cũng không biết gì về những  gì xảy ra trong nước”.

Người Trung Quốc thì thực tế hơn, bất kể những nhận xét không thuận lợi của ông Trump về nước họ. Một nhà sản xuất mặt nạ tính trước việc ông Trump sẽ thắng và không muốn bỏ lỡ cơ hội hàng sẽ bán chạy đến cao điểm vào tháng 11 này. Nhưng ông cũng không bỏ qua ứng cử viên đảng Dân chủ. Xưởng của ông cũng làm cả mặt nạ bà Hillary Clinton. - VOA

***
Hôm 27/5, trong một bài phát biểu tại một hội nghị về dầu hỏa ở North Dakota, ông Donald Trump cam kết sẽ bãi bỏ hiệp định về khí hậu đã ký ở Paris và ráo riết theo đuổi việc phát triển năng lượng hóa thạch của Hoa Kỳ.

Ông Trump công kích các lập trường về chính sách năng lượng của người dẫn đầu cuộc chạy đua bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, và phác họa những tương phản gay gắt giữa hai bên về một vấn đề có thể là một yếu tố trong cuộc tổng tuyển cử.

Ông Trump đã đưa ra các nhận định tại một tiểu bang nơi sản lượng dầu và khí đốt đã tăng vọt gấp 10 lần trong thập niên vừa qua, góp phần làm cho Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch đứng đầu thế giới.

Theo ông Trump, sự chuyển biến đã diễn ra bất chấp “những rào cản to lớn mới về chính trị và quan liêu”. Ông nói Tổng thống Barack Obama đã “làm cho cuộc sống ở bang North Dakota, vì những luật lệ tốn kém gây khó khăn ngày càng nhiều để kiếm lời”. Và ông nói dưới chính quyền của bà Clinton, “mọi sự lại còn trở nên tệ hại hơn nữa”.

Ông Trump tuyên bố trong 100 ngày đầu tại chức, ông sẽ đảo ngược những luật lệ về khoan dầu, “bãi bỏ hiệp định Paris về khí hậu và ngưng chi trả cho mọi chương trình của Liên Hiệp Quốc về tăng nhiệt toàn cầu”.

Các nhà bảo vệ môi trường lên án bài phát biểu. Phát ngôn viên của tổ chức Cử tri thuộc Liên minh Bảo toàn Seth Stein nói: "Cơ bản ông ta nói bất cứ điều gì mà những người trong công nghiệp dầu khí muốn nghe” trong khi bất kể tác động đối với không khí, nước và khí hậu".

Theo ông Oren Cass, một học giả kỳ cựu tại Viện Manhattan và là cố vấn cho ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012, ông Trump “thậm chí không nắm được chút nào về nội dung hiệp định Paris thực sự là gì”. Ông ủng hộ trọng điểm ông Trump đặt vào vấn đề năng lượng trong nước và giảm bớt các luật lệ, nhưng nói rằng ông Trump đã chứng tỏ một sự thất bại đáng ngại là không nắm được “các sự kiện và cách thức những việc này thực sự tác động ra sao”.

Các nhận định của ông Trump được đưa ra vào ngày ông hội đủ số phiếu đại biểu để được đảng Cộng hòa đề cử ra làm ứng viên tổng thống. Và qua việc tập trung vào chính sách năng lượng, ông Trump nhấn mạnh đến một đề tài đã không thu hút được nhiều sự chú ý trong các cuộc tranh đua sơ bộ nhưng có thể quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử.

Ông nói: “Nếu quý vị nghĩ về một cuộc chạy đua giữa Trump và Clinton hay chắc chắn một cuộc chạy đua giữa Trump và Sanders, thì đây sẽ là một lãnh vực bất đồng nổi bật, cả trong những chi tiết về chính sách lẫn về quan điểm thế giới rộng lớn hơn và phương pháp quản trị. Đó là một yếu tố rất nhạy cảm trong một cuộc xoay trục qua tổng tuyển cử”.

Bà Clinton gọi hiệp định về khí hậu của Liên Hiệp Quốc thương nghị ở Paris hồi tháng 12 năm ngoái là một “bước tiến tới lịch sử”, và là “một bằng chứng cho khả năng lãnh đạo thế giới của nước Mỹ”. Bà đã ủng hộ một sự chuyển tiếp tách rời khỏi nhiên liệu hóa thạch hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn để có thể chống lại với tình trạng biến đổi khí hậu.

Trái hẳn với ông Trump, người đã mô tả biến đổi khí hậu là một sự “lường gạt”, bà Clinton nói tình trạng này “rõ ràng là do con người gây ra và làm cho trầm trọng thêm”.

Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy cử tri Hoa Kỳ đã thay đổi ý kiến về quan điểm của bà Clinton.

Ông Stein nói: “Có những khối đa số đồng ý rằng đây là một điều đang diễn ra và đây là một vấn đề họ muốn có biện pháp giải quyết”.

Một cuộc thăm dò mới đây của viện Gallup cho thấy 64% người dân Mỹ lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu, và một tỷ lệ kỷ lục 65% nói rằng con người chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Những người bảo thủ theo đảng Cộng hòa có ít phần chắc nhất tin rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra, theo một cuộc thăm dò của hai trường đại học Yale và George Mason. Nhưng ngay cả nhóm này cũng đang thay đổi ý kiến. Những người tin vào điều này vẫn chiếm thiểu số là 47%. Nhưng con số này cao hơn 19% so với 2 năm vừa qua.

Và mặc dầu biến đổi khí hậu không phải là vấn đề hàng đầu gây quan tâm trong giới cử tri, cuộc thăm dò nhận thấy rằng chủ trương chống lại biện pháp về khí hậu không thắng được phiếu. 45% người trả lời thăm dò nói họ sẽ có ít phần chắc hơn bỏ phiếu cho một ứng viên cực lực phản đối các biện pháp giảm thiểu tăng nhiệt toàn cầu. Chỉ có 11% nói họ sẽ có nhiều phần chắc ủng hộ hơn.

Cử tri cũng đang quay ra chống lại những kỹ thuật đã khiến Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Đó là công nghệ ép vỉa thủy lực để khai thác dầu đá phiến. Viện Gallup nhận thấy trên một nửa số người trả lời thăm dò chống đối phương pháp này, so với tỷ lệ 40% hồi năm ngoái.

Giới bảo vệ môi trường chỉ trích kỹ thuật ép vỉa thủy lực này vì nó gây ra ô nhiễm nước, rò rỉ khí mê-tan và động đất.

Nhưng các chuyên gia cho rằng sự bột phát khí đốt thiên nhiên góp phần giúp cắt giảm lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính. Khí đốt thiên nhiên sạch hơn là than đá. Nay nó lại còn rẻ hơn than đá nữa.

Về vấn đề phá đá khai mỏ, bà Clinton đối mặt với sự chỉ trích từ cả hai phía. Trong tư cách ngoại trưởng, bà đã ủng hộ việc khai thác khí đốt thiên nhiên như một loại “nhiên liệu bắc cầu” giữa than đá và năng lượng có thể tái tạo. Nhưng bà đã rút lại sự ủng hộ cho phương pháp ấy ở Hoa Kỳ, trước sự đả kích của ông Bernie Sanders, người phản đối kỹ thuật này.

Chuyên gia Oren Cass của Viện Manhattan nói: “Vấn đề phá đá khai mỏ sẽ là một vấn đề lý thú trong cuộc tổng tuyển cử bởi vì bà Clinton đã bị ông Sanders đẩy đi khá xa về phía tả. Bà đã cố gắng tìm cách thay đổi lập trường… nhưng theo tôi sự tương phản sẽ thể hiện rất rõ ràng”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc muốn biến đảo Phú Lâm thành khu du lịch nghỉ mát --- Trung Quốc triển khai máy bay do thám không người lái ở đảo Phú Lâm

Trung Quốc đặt mục tiêu biến một số đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông thành khu du lịch nghỉ mát với những kế hoạch phát triển mới tại các địa điểm không cần sự hiện diện quân sự.

Báo China Daily của nhà nước Trung Quốc ngày 27/5 dẫn lời thị trưởng thành phố Tam Sa, Xiao Jie, cho biết muốn biến khu vực này thành một điểm thu hút du lịch lớn sánh với Maldives.

Ông Xiao nói: "Chúng tôi sẽ phát triển một số đảo và đá ngầm để có sức chứa một lượng du khách nhất định. Đây sẽ là một tiến trình dần dần, theo thứ tự".

Thành phố Tam Sa do Trung Quốc thành lập năm 2012 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Thị trưởng Tam Sa cho biết theo kế hoạch, sẽ tổ chức các chuyến bay trên biển, đám cưới trên đảo, các chuyến du lịch câu cá và lặn.

Ông Xiao nói thêm rằng những người có tinh thần yêu nước sẽ muốn trải nghiệm tuyến du lịch sắp mở này.

Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu đưa thử nghiệm tàu du lịch ra Biển Đông, một phần của nỗ lực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền bằng cách tăng cường sự hiện diện dân sự tại đây.

Một tàu du lịch thứ hai sẽ sớm bắt đầu hoạt động và cũng sẽ có các chuyến bay thường xuyên ra vô đảo Phú Lâm.

Chưa rõ các chuyến du lịch sắp tới có mở cho người nước ngoài hay không, nhưng cho đến nay, chỉ có công dân Trung Quốc mới được phép đi các tour du lịch ra khu vực này.

Mỹ, Việt Nam và các nước khác đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước chính sách theo đuổi chủ quyền ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm những công trình xây đảo nhân tạo, đường bay và các cơ sở quân sự.

Trung Quốc khẳng định hầu hết các công trình xây dựng của họ ở Biển Đông mang mục đích dân sự. - VOA

***
Ngày 26/05/2016, hình ảnh vệ tinh cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một máy bay do thám không người lái ở đảo Phú Lâm. Thêm một dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Những hình ảnh vệ tinh của hãng Fox News cho thấy một máy bay do thám không người lái tầm xa, ký hiệu BZK-005, đang hiện diện trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ở Biển Đông.

Máy bay do thám quân sự BZK-005 có thể hoạt động liên tục trong vòng 40 giờ. Cho đến thời điểm bị ghi hình, máy bay này không được trang bị tên lửa như những loại khác.

Trung Quốc đã bán máy bay quân sự không người lái, loại CH-4, cho Nigeria, Pakistan và Irak, khiến gia tăng quan ngại về việc phát triển nhanh công nghệ này. Tháng 12 năm 2015, Irak cho biết đã sử dụng thành công CH-4 chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).

Hồi tháng Hai năm 2016, Bắc Kinh cũng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, một hệ thống tương tự như S-300 mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga.

Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, Peter Cook, ngày 26/05, đã không trả lời trực tiếp khi được hỏi về vấn đề này, nhưng cho biết có những quan ngại về những gì đang diễn ra ở Biển Đông.

Trong khi đó, theo The Guardian ngày 26/06/2016, lần đầu tiên, Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa tàu ngầm có tên lửa hạt nhân ra Thái Bình Dương. Bắc Kinh cho rằng nước này không có lựa chọn nào khác khi Hoa Kỳ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Quan chức quốc phòng Trung Quốc không bình luận về thời điểm của lần tuần tra đầu tiên, nhưng khẳng định việc tuần tra là chắc chắn.

Vào tháng 03/2016, Hoa Kỳ tiết lộ kế hoạch triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc và phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh, đe dọa hệ thống phòng thủ mặt đất của Trung Quốc.

Trung Quốc đã phát triển công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hơn 30 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện. - RFI
|
|

6.
Nỗi lo của các thợ lặn Formosa Vũng Áng

Hàng loạt thợ lặn ở khu công nghiệp Formosa Vũng Áng có biểu hiện bị nhiễm độc nước biển. Tuy vậy sau gần một tháng kiểm tra sức khỏe họ không nhận được kết quả và còn bị đe dọa chấm dứt hợp đồng lao động.

Thảm họa môi trường ở vùng biển 4 tỉnh Miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đầu tháng 4/2016 vừa qua, đã không chỉ làm cá biển chết hàng loạt hay những rạn san hô quý hiếm và sinh vật dưới đáy biển bị hủy hoại. Mà sức khỏe của những người thợ lặn ở khu công nghiệp Formosa cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo báo Giao thông online cho biết, trùng vào thời điểm cá chết hàng loạt, nhiều thợ lặn dưới biển thi công xây dựng đê chắn sóng cảng Sơn Dương, Formosa khi lên bờ cảm thấy tức ngực, khó thở. Anh Lê Văn Ngày (SN 1970, quê ở Khánh Hòa), là công nhân của Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã tử vong.

Anh Hoàng Quang, thợ lặn Formosa, cho biết đã có 21 thợ lặn của Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã có triệu chứng bị nhiễm độc nước biển ở khu vực Vũng Áng. Ông nói với chúng tôi:

“Ở vùng đang xây đê chắn sóng Cảng Sơn Dương – Vũng Áng, cá nhiễm độc chết rất nhiều do nước bị nhiễm độc. Do vậy anh em thợ lặn chúng tôi có những triệu chứng bị choáng, tức ngực và khó thở. Sau đó công ty đưa anh em vào Bệnh viện (BV) Trung ương Huế để khám sức khỏe, khi khám xong chỉ lấy được các kết quả khác, còn kết quả xét nghiệm độc tố thì BV có hứa 3 ngày sau thì sẽ cho kết quả. Nhưng cho đến bây giờ thì chưa có kết quả gì.”

Theo anh Đặng Lê Vũ cho biết, sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, các thợ lặn ở đây vẫn làm việc bình thường dưới biển. Sau đó khoảng 2 tuần họ bắt đầu có các dấu hiệu sức khỏe không bình thường. Tuy vậy cho đến nay anh và các bạn bè vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm độc tố. Anh tiếp lời:

“Sau này đi làm về bọn tôi cảm thấy tức ngực, khó thở và triệu chứng khát nước. Đến ngày 28/4 thì Công ty Nibelc cho đi khám sức khỏe ở BV Trung ương Huế. Sau đó chúng tôi đã nhiều lần gặp trực tiếp Giám đốc và những người điều hành Công ty Nibelc để yêu cầu lấy kết quả. Nhưng họ cứ chối vòng vo, đến khi ấy chúng tôi mới đi đến quyết định viết đơn cho công ty và cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Mà họ còn gọi chúng tôi đến để thanh lý hợp đồng.”

Nói về kết quả kiểm tra sức khỏe, Hoàng Quang khẳng định:

“Bên BV thì không thấy trả lời, nhưng bên công ty thì lại nói là bên BV Trung ương Huế chưa trả lời cho công ty, nên công ty chưa có kết quả để trả lời cho anh em.”

Còn anh Đặng Lê Vũ cho biết:

“Về việc chuyển giao kết quả khám sức khỏe thì tôi thấy Bệnh viện đã giao cho Công ty kết quả khám các loại. Nhưng chỉ có tờ giấy khám sinh hóa máu thì hình như không có. Tóm lại kết quả là công ty Nibelc giữ hết nhưng không đưa cho chúng tôi cái gì.”

Cũng theo anh Đặng Lê Vũ cho biết, theo quy định 6 tháng một lần các thợ lặn phải kiểm tra sức khỏe phổ quát và họ đều nhận được kết quả kiểm tra sức khỏe. Song trong lần kiểm tra sức khỏe đột xuất do biển bị nhiễm độc lần này thì họ không nhận được kết quả xét nghiệm độc tố trong máu. Điều đó khiến cho họ hết sức lo lắng. Ông chia sẻ:

“Nói chung chúng tôi muốn họ phải làm cho ra rạch ròi về việc nhiễm độc trong máu hoặc hóa chất trong máu. Chúng tôi hiện đang hết sức lo lắng về sức khỏe của mình, vì họ không trả kết quả khiến cho mình càng lo, vì mình không biết rằng mình có bị bệnh gì hay không? Nhìn chung chúng tôi đang rất lo lắng.”

Theo báo Infonet online ngày 27/4/2016 bình luận rằng, khi chậm trễ trong việc đưa ra các kết luận khách quan, khoa học, thì mọi đối sách khác đều sẽ ít tác dụng. Cũng đừng trách dư luận cực đoan, tâm lý người dân hoảng hốt. Dư luận điềm tĩnh và tâm lý cân bằng sao được khi người ta không thể rõ mô tê gì.

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới lãnh đạo Khoa khám bệnh, BV Trung ương Huế, Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế Nibelc và  Cục Quản lý Sức khỏe Bộ Y tế… để tìm hiểu vụ việc thì không nhận được sự trả lời hoặc yêu cầu gửi văn bản đến để xem xét.

Một cán bộ Cục Quản lý Sức khỏe Bộ Y tế nói với chúng tôi:

“Yêu cầu các anh làm công văn gửi tới Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh để chúng tôi trình lãnh đạo xem xét và giao cho các bộ phận xử lý và trả lời.”

Chị Xoan, thân nhân của một thợ lặn thấy rằng, việc thiếu minh bạch trong việc công khai kết quả kiểm tra sức khỏe của các thợ lặn thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã khiến người thân của họ hết sức lo lắng. Và cũng là nguyên nhân của các tin đồn đoán không có lợi. Chị trình bày:

“Chồng tôi làm việc ở Formosa, hôm trước các Cha muốn đưa mấy anh em thợ lặn đi khám, nhưng bác sĩ trong Sài Gòn (SG) nói rằng, trên Bộ cấm rồi nên họ không dám làm. Tôi còn nghe có Bác sĩ nói rằng, bây giờ đi khắp VN, cả Hà nội, Huế, SG cũng không có ai dám cho anh kết quả.”

Nói về trách nhiệm của ngành Y tế và giải pháp cho cho những người bệnh. Một Bác sĩ  tại Bệnh viên công tại Sài gòn, yêu cầu dấu danh tính giải thích:

“Trong vụ việc này phải hỏi BV Trung ương Huế là anh đã khám những cái gì và nếu anh nói anh đã đưa kết quả cho Công ty rồi, thì anh phải chứng minh anh đã gửi. Ở đây cứ tạm coi các bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng, theo tôi hiểu thì với điều kiện ở VN thì không đến một tháng sẽ có kết quả và có thể trả lời được. Không thể thoái thác được. Theo Luật Bảo vệ Sức khỏe thì, bệnh nhân và cha mẹ vợ con phải được biết; thứ 2 là giả thiết bị nhiễm độc cấp mà anh không cho bệnh nhân biết, rồi để thời gian trôi đi thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Trường hợp như thế này thì đương sự kiến nghị lên Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Bộ trưởng Bộ Y tế và đơn thư được phát chuyển nhanh, có báo phát.”

Trao đổi với báo Lao Động, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá khẳng định rằng:

“Theo cái thông tin báo chí phản ánh về vụ cá chết hàng loạt mấy tỉnh ven biển miền Trung, tôi nghĩ rằng vấn đề này rất bức xúc, cả người dân đánh bắt và cả người tiêu dùng đều bức xúc. Tuy nhiên, đến giờ phút này cũng chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, phải kiên quyết sớm làm rõ nguyên nhân và phải xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm.” - RFA