Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc 'cực kỳ bất mãn' đối với tuyên bố của G7 về Biển Đông
Trung Quốc cho biết họ hết sức bất mãn đối với một tuyên bố của các nhà lãnh đạo của khối G7 về vấn đề Biển Đông, nơi căng thẳng mỗi lúc một tăng vì những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói “Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật tổ chức xuyên tạc vấn đề Biển Đông, thổi phồng tình thế khẩn trương, không có lợi cho sự ổn định tình hình Biển Đông, cũng không phù hợp với vị trí của một diễn đàn về quản lý kinh tế của các nước phát triển. Trung Quốc hết sức bất mãn đối với hành động của Nhật Bản và G7.”
Trước đó trong ngày thứ Sáu, các nhà lãnh đạo G7 đưa ra thông cáo chung, trong đó có đoạn nói rằng “Chúng tôi rất quan tâm về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát, giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.”
Tuyên bố của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada cũng khẳng định “Bất cứ tuyên bố chủ quyền nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để tuyên bố chủ quyền.”
Cũng trong ngày thứ Sáu, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cho biết Hà Nội và Tokyo chia sẻ quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông gần đây, nhất là những hành động bồi đáp, xây đảo qui mô lớn. Đôi bên cũng lập lại lời kêu gọi các bên liên quan không có hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hoá Biển Đông. - VOA
|
|
2.
LHQ: 700 di dân có thể đã chết ngoài khơi Địa Trung Hải
Cơ quan tị nạn của Liên hiệp quốc cho hay hơn 700 di dân trên ba chiếc thuyền đưa người lậu bị đắm ở Ðịa Trung Hải trong tuần này có lẽ đã chết.
Khoảng 100 người trong số các di dân này ở trên một chiếc thuyền của những kẻ đưa người vượt biên lậu bị đắm hôm thứ Tư.
550 người mất tích từ một chiếc thuyền bị lật vào sáng thứ Năm khi đang trên đường xuất phát từ Libya.
Cảnh sát Italia, theo tin những người sống sót tố cáo, đã bắt giữ thuyền trưởng của chiếc thuyền thứ hai, và cho biết đó là một người đàn ông Sudan, 28 tuổi.
Một chiếc thuyền thứ ba bị đắm hôm thứ Sáu mà không rõ chở theo bao nhiều người.
Khoảng 135 người được cứu sống từ chiếc thuyền bị đắm này, và 45 xác người được vớt lên, nhưng nhiều người vẫn mất tích.
Người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc, Ông Federico Fossi nói với hãng thông tấn AFP: “Tình hình thật là hỗn loạn. Chúng tôi không nắm được con số nạn nhân, nhưng lo rằng có đến 700 người có thể đã chết đuối trong 3 chiếc thuyền bị đắm này.”
Lực lượng Tuần dương Italia cho hay 16 đợt cứu nạn trên Ðịa Trung Hải hôm thứ Sáu cứu được hơn 1.900 di dân.
Những người thoát chết từ các chiếc thuyền bị đắm được đến đến các thành phố duyên hải Taranto và Pozallo của Italia. Giới hữu trách Italia giữ họ tại những nơi đó để thu thập thêm thông tin. - VOA
|
|
3.
Iran bầu lại thủ lãnh bảo thủ làm lãnh đạo quốc hội
Lãnh đạo quốc hội Iran có chủ trương bảo thủ ôn hòa được bầu chọn lại hôm Chủ nhật cho dù những người theo chủ trương cải cách giành được nhiều ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng 2.
Ông Ali Larijani nhận được 173 phiếu bầu chọn của tổng số 281 nhà lập pháp, trong đó có những đại biểu bên đảng cải cách đã phá lệ bỏ phiếu chống lại thủ lãnh của họ - ông Mohammad Reza Aref của đảng Danh sách Hy vọng.
Việc ông Larijani được bầu chọn làm thủ lãnh là một chiến thắng sớm của phe bảo thủ ôn hòa trong tân quốc hội đã nhóm họm phiên đầu tiên hôm thứ Bảy.
Kết quả này đồng thời cho thấy sự ủng hộ đối với Tổng thống Hassan Rouhani theo chủ trương ôn hòa và ủng hộ thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc thế giới hồi tháng 7 năm ngoái,
Những người theo chủ trương ôn hòa và những người cải cách ủng hộ ông Rouhani đã giành được phần lớn số ghế trong cuộc bầu cử hồi đầu năm nay, song không bên nào giành được thế đa số tại quốc hội.
Những người cải cách giữ 133 ghế trong tổng số 290 ghế quốc hội, còn những người bảo thủ giữ 125 ghế.
Số còn lại thuộc về các đại biểu độc lập và các tôn giáo thiểu số, những người dường như ủng hộ ông Rouhani. - VOA
|
|
4.
Tổng thống Đài Loan: Sẽ không để ai khống chế không phận Đài Loan
Trong một động thái rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc, tân tổng thống Đài Loan vào hôm nay, 29/05/2016, đã đi thị sát hai căn cứ không quân Hoa Liên (Hualien) và Gia Thiện (JiaShan) miền Đông Đài Loan. Phát biểu trước các sĩ quan và binh sĩ, bà Thái Anh Văn khẳng định rằng Đài Loan "sẽ không để cho bất kỳ ai khác muốn làm gì thì làm trên không phận của mình".
Theo thông tin trên trang Facebook của nữ tổng thống Đài Loan, người đồng thời nắm quyền tổng tư lệnh quân đội, bà Thái Anh Văn xác định ngay tại căn cứ Hoa Liên rằng: "Tôi đến đây hôm nay không chỉ là để thị sát, mà còn là để thể hiện quyết tâm của tôi : Sát cánh cùng quân đội… tiến hành cải cách và bảo vệ đất nước".
Theo hãng tin Đài Loan CNA, vị nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Đài Loan đã đến thăm Phi Đoàn Chiến Thuật 401 tại hai căn cứ Hoa Liên và Gia Thiện.
Hoa Liên chính là một trong những căn cứ chiến đấu chủ chốt của Không Quân Đài Loan, trong lúc Gia Thiện chủ yếu đảm trách việc huấn luyện và đào tạo kỹ năng kỹ thuật trong thời bình. Khi nổ ra chiến tranh, căn cứ này sẽ được chuyển đổi thành một trung tâm chỉ huy chiến đấu trên không.
Đài Loan tách khỏi Trung Quốc từ năm 1949, và từ đó đến nay, Bắc Kinh luôn luôn đòi sáp nhập Đài Loan, và đe dọa dùng võ lực đánh chiếm nếu hòn đảo này chính thức tuyên bố độc lập.
Trước lễ nhậm chức hôm 20/05 của bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến theo xu hướng đòi độc lập, Bắc Kinh đã gia tăng hù dọa bằng cách tổ chức ít nhất ba cuộc tập trận đổ bộ ở bờ biển đông nam Trung Quốc, nhìn qua Đài Loan.
Việc bà Thái Anh Văn đi khích lệ tinh thần lực lượng không quân vào hôm nay được xem là lời đáp trả của Đài Bắc, trước hành động thị uy của Bắc Kinh. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
'Rolling Thunder' diễu hành kỷ niệm lễ Chiến sĩ Trận vong
Đoàn xe mô tô Rolling Thunder sẽ diễu hành trên đường phố thủ đô Washington hôm nay, Chủ nhật.
Cuộc diễu hành bằng xe mô tô hàng năm này lần đầu tiên được tổ chức và năm 1988, với ý nghĩa là để tri ân các tù binh chiến tranh và các chiến sĩ vị quốc vong thân.
Ông Ray Manzo, một cựu Hạ sĩ nhất Thủy quân Lục chiến Mỹ là một trong những người có công tổ chức hội diễu hành này.
Một bức thư của ông Manzo được đăng tải trên tạp chí Outlaw Biker năm 1987 kêu gọi những người đi xe mô tô tập trung về thủ đô Washington vào Chủ nhật trước Lễ Chiến sĩ Trận vong.
Gần 3.000 người lái xe mô tô đã tham gia hội diễu hành lần đầu tiên năm đó. Tổ chức này cho biết nay hội Rolling Thunder thu hút hơn một triệu người lái mô tô và người xem tham gia.
Theo trù liệu, khoảng nửa triệu chiếc mô tô sẽ rền vang vào trưa hôm nay trong đoàn diễu hành chạy từ Ngũ Giác đài đến Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Nhóm này gọi đó là cuộc Diễu hành cho Tự do.
Sứ mạng của nhóm này đã phát triển theo cuộc diễu hành mô tô của họ. Họ đã vận động cho Đạo luật quân nhân mất tích được ký năm 1993. Luật này cấm Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố một quân nhân đã chết khi đang thi hành nhiệm vụ mà không có bằng chứng rõ ràng.
Nhóm này cũng thành lập một tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp tiền mặt cho thân nhân của các cựu chiến binh.
Thời gian trôi qua, Rolling Thunder đã trở thành một nhóm chính trị bất mãn với các nhà lập pháp ở Washington và với chính quyền Obama. - VOA
|
|
6.
Trạm Không gian Quốc tế có thêm một phòng mới
Trạm Không gian Quốc tế vừa có thêm một phòng mới độc nhất vô nhị, trong cấu trúc của trạm.
Cơ quan không gian NASA của Mỹ đã chế tạo thành công một phòng bằng phương pháp thổi phồng lên và nén để lắp thêm vào bên ngoài Trạm không gian.
Mất khoảng 7 giờ hôm thứ Bảy để hình thành phòng mới này với đủ chức năng. Sau khi hoàn thành, phòng mới có chiều dài 4 mét và chiều rộng 3,23 mét.
Nhiều thử nghiệm sẽ được thực hiện để đánh giá chức năng hoạt động của phòng mới trước khi các phi hành gia có thể vào phòng mới đó.
Ngoài ra, NASA cho hay sẽ có các thí nghiệm để đo khả năng che chắn bức xạ mặt trời, bụi vũ trụ và những nhiệt độ tộc bực trong không gian.
Ưu điểm của phòng có thể bơm lên được là nó tiết kiệm khoảng không khi chưa được bơm lên, còn khi bơm lên thì nó tạo được không gian, diện tích làm việc rộng lớn.
Phòng mới có tên là Bigelow Expandable Activity Module, gọi tắt là BEAM, do công ty Bigelow Aerospace ở Los Angeles chế tạo.
Công ty này ký hợp đồng 18 triệu đôla để thiết kế chiếc phòng đầu tiên loại này.
Công việc thổi chiếc phòng BEAM được thực hiện lần đầu hôm thứ Năm trước đó không thành công.
Các nhà khoa học tin là do BEAM ở trong trạng thái xếp lại quá lâu, khiến vật liệu của nó khó mở ra. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Thủ tướng Lào kêu gọi đàm phán song phương về Biển Đông
Phải chăng đương kim chủ tịch ASEAN đã công khai tán đồng lập trường Trung Quốc trên Biển Đông ? Câu hỏi này đã nổi cộm lên vào hôm nay, 29/05/2016 khi thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, trả lời báo Nhật Bản Asian Nikkei Review, đã cho rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan. Theo tờ báo Nhật, đây là một lập trường phản ánh quan điểm của Trung Quốc.
Trong bài phỏng vấn dành cho báo Nikkei nhân dịp ông ghé Nhật Bản hôm 27/05 để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 mở rộng ra cho một số nước đang phát triển trong đó có Lào và Việt Nam, ông Thongloun khằng định rằng ông sẽ "thúc giục các nước liên quan mở đối thoại hướng tới việc giải quyết hòa bình" các tranh chấp lãnh thổ. Theo báo Nikkei, câu nói đó rõ ràng ám chỉ Việt Nam và Philippines.
Đối với Nikkei, tuyên bố của Lào đáng chú ý vì nước này hiện đang làm chủ tịch khối Đông Nam Á ASEAN, bao gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam và Philippines. Hai nước này đang bị Trung Quốc chèn ép dữ dội trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cho nên rất muốn ASEAN giúp đỡ trong việc kháng lại các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông do Trung Quốc tiến hành.
Việt Nam và Philippines đều muốn ASEAN hình thành ra một mặt trận thống nhất để phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Philippines còn yêu cầu Hiệp Hội Đông Nam Á ra một thông cáo chung về phán quyết sắp tới đây của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) về đơn Philippines kiện đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trên yêu cầu này, thủ tướng Lào cũng tỏ ý dè dặt, cho rằng các nước ASEAN cần phải "cẩn thận xem xét tình hình" khi công bố một tài liêu như vậy. Theo ông Thongloun, ASEAN hoạt động bằng sự đồng thuận, và căn cứ vào tình hình hiện nay, tìm đồng thuận trên yêu cầu của Philippines rất khó khăn.
Theo Nikkei, 10 nước ASEAN hiện đang chia rẽ về việc có nên ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực hay không, với một số nước, trong đó có Singapore cho rằng nên làm, trong lúc một số nước khác, trong đó có Cam Bốt, thì phản đối.
Lời lẽ thủ tướng Lào như đã xác nhận tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây, theo đó có ba nước ASEAN là Cam Bốt, Lào và Brunei đã "đồng thuận" với lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông.
Lập trường này có thể gói gọn như sau : các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc phải đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề, các nước ngoài không được quyền can dự vào kể cả các định chế quốc tế. Quan điểm chỉ song phương chứ không đa phương này đã bị giới phân tích cho là nhằm mở đường cho Trung Quốc dễ dàng gây sức ép lên các nước nhỏ hơn mình.
Bắc Kinh cũng đang ra sức tìm hậu thuẫn của các nước trên thế giới ủng hộ cho quyết định của Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền – và qua đó là phán quyết – của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông.
Thái độ dè dặt của Lào, nước chủ tịch ASEAN trước đề nghị của Philippines muốn toàn khối ra tuyên bố chung về phán quyết của quốc tế rõ ràng là đã phục vụ mong muốn của Trung Quốc. - RFI
|
|
8.
TT Philippines vừa đắc cử đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông
Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc ở La Haye về việc Philippines kiện những yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông. Theo báo chí Philippines, ông Rodrigo Duterte, người vừa được chính thức tuyên bố đắc cử tổng thống Philippines, đã xác định như trên vào hôm qua 28/05/2016.
Theo website của hãng truyền thông Philippines ABS-CBN, người sẽ nhậm chức tổng thống Philippines vào tháng Sáu tới đây, đã cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng quyết định của Tòa Trọng Tài ngay cả khi Manila đã cầu viện Bắc Kinh trong việc xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng vô cùng cần thiết tại Philippines.
Ông Rodrigo Duterte đã khẳng định trước các phóng viên như sau: "Nếu Tòa Trọng Tài ra phán quyết, chúng ta hy vọng là Trung Quốc sẽ tuân theo... Chứ không phải là chỉ vì anh giúp tôi xây dựng đường sắt, mà tôi phải bỏ bãi cạn Scarborough".
Tổng thống tương lai của Philippines muốn ám chỉ tới sự kiện là vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh cho là của họ dù nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines và được Manila tuyên bố chủ quyền.
Philippines đã kiện các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, và tòa án trọng tài dự kiến sắp đưa ra phán quyết.
Liên quan đến các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ tại vùng Trường Sa, ông Duterte từng tuyên bố rằng bất chấp tính mạng có thể bị đe dọa, ông sẽ đi xe trượt nước (jet ski) đến cắm quốc kỳ Philippines trên các thực thể thuộc chủ quyền của Manila.
Hôm qua, ông nhắc nhở Trung Quốc: "Tôi đã bảo quý vị rằng đó là của chúng tôi. Quys vị không có quyền ở đó".
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, đồng thời là tuyến đường hàng hải chính. Ngoài Philippines và Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trong khu vực. - RFI
No comments:
Post a Comment