Sunday, May 15, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 15/5

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Venezuela dọa tịch thu các nhà máy ngưng hoạt động

Khủng hoảng kinh tế và chính trị tại Venezuela càng lún sâu hơn khi hôm thứ Bảy, Tổng thống Nicolas Maduro doạ sẽ tịch thu các nhà máy ngưng hoạt động và bắt các chủ nhân – những người ông gọi là “đang phá hoại đất nước.”

Tổng thống Maduro nói chuyện với những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh ở Caracas trong lúc Venezuela đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu thốn thực phẩm, bạo động và lạm phát tăng nhanh mới chỉ một ngày sau khi ông gia hạn tình trạng khẩn cấp và lên án Mỹ tìm cách gây mất ổn định cho đất nước của ông.

Ông Maduro nói: “Thưa các đồng chí, tôi sẵn sàng giao quyền quản lý tập thể các nhà máy mà một số kẻ phản động lớn đã ngưng hoạt động. Nhà máy ngưng hoạt động là nhà máy phải được giao lại cho dân. Chúng ta sẽ làm. Đã đến lúc phải hành động, phải tiến hành cuộc cách mạng.”

Ông Maduro nói rằng bất cứ chủ công ty nào cho nhà máy của họ ngưng hoạt động phải rời khỏi nước, hoặc “phải cho tay vào còng và đưa vào trại cải tạo.”

Lệnh của ông Maduro ban hành hôm thứ Sáu còn yêu cầu quân đội phải hành động chống “các thế lực nước ngoài gây rối” mà ông nói là đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay.

Ông Maduro nói với những người ủng hộ tại cuộc mít tinh rằng thứ Bảy tới ông “phải ra lệnh cho quân đội hành động để chuẩn bị cho đất nước đối phó với bất cứ tình huống nào.”

Các đối thủ chính trị của ông Maduro đang ngày càng lớn tiếng kêu gọi ông từ chức trong năm nay. 

Hàng ngàn người biểu tình trên các đường phố ở Caracas hôm thứ Bảy, ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý phế truất ông Maduro.

Cho đến giờ, các nhà hoạt động phản đối chính phủ đã thu thập được 1,8 triệu chữ ký cho mục tiêu cần phải có 4 triệu chữ ký để tiến hành một cuộc biểu quyết phế truất tổng thống.

Ông Maduro lên án các chính phủ nước ngoài và những người chủ nhà máy mở cuộc chiến tranh kinh tế chống phá ông, còn các thủ lãnh đối lập nói ông Maduro và người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Hugo Chavez đã làm sụp đổ nền kinh tế của đất nước. - VOA
|
|

2.
Bắc Kinh phản đối phúc trình của Mỹ về phát triển quân sự Trung Quốc

Bộ quốc phòng Trung Quốc “rất không hài lòng” với Mỹ về phúc trình thường niên của Ngũ giác đài đã phản ảnh không trung thực về phát triển quân sự của Trung Quốc.

Báo cáo hôm thứ Sáu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho Quốc hội nói rằng Trung Quốc tập trung phát triển và trang bị vũ khí cho các đảo mà họ xây dựng trong các vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông để họ có thể kiểm soát mạnh hơn vùng biển này.

Hôm thứ Bảy, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói với Tân Hoa Xã rằng phúc trình của Mỹ về các hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 2015 “ngoan cố bóp méo chính sách quốc phòng của Trung Quốc”.

Ông nói tiếp: “Trung Quốc đi theo một chính sách quốc phòng mang tính phòng vệ.  Các hoạt động như cải cách quân sự sâu rộng và những hoạt động xây dựng quân sự là nhắm mục đích bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, và bảo đảm cho sự phát triển hòa bình của Trung Quốc.

‘Gia tăng gây hấn’

Phúc trình của Ngũ giác đài tố cáo Trung Quốc “gia tăng các hoạt động gây hấn để củng cố cho các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh” và sự thiếu minh bạch trong việc phát triển các khả năng quân sự -- những động thái đã gây ra căng thẳng với nhiều nước khác trong khu vực.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng phúc trình của Mỹ thổi phồng “đe dọa quân sự của Trung Quốc” và xuyên tạc các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Hoa Nam. Ông cũng tố cáo Mỹ nghi ngờ quá mức.

Nói chuyện với các phóng viên báo chí tại Ngũ giác đài hôm thứ Sáu, ông Abraham Denmark, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về Đông Á, nói rằng “các dữ liệu trong phúc trình tự minh chứng.  Trung Quốc tiếp tục chú trọng vào việc chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột trong eo biển Ðài Loan.”

Ông Denmark nói tiếp: “Giới lãnh đạo Bắc Kinh đang gia tăng sức mạnh để mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc .”

Giới chức Mỹ này nói rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2015 cao hơn con số được công bố và lên đến 180 tỉ đôla, so với con số 144 tỉ đôla mà Bắc Kinh chính thức công bố.

Hoạt động tuần tra của Mỹ

Ông Cảnh Nhạn Sinh lên án Mỹ giương oai diễu võ bằng việc thường xuyên đưa máy bay và tàu chiến vào khu vực.

Ngay hôm 10 tháng 5 mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phái một chiến hạm thực hiện cuộc hành quân tự do hàng hải trên Biển Đông có nhiều tranh chấp.

Phía Washington tố cáo Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, còn ông Cảnh Nhạn Sinh nói Mỹ tăng cường quân sự hóa trong khu vực bằng những hoạt động như vậy.

Phúc trình của Mỹ cũng lập lại tố cáo quân đội và chính phủ Trung Quốc tấn công mạng điện toán của chính phủ Mỹ, một cáo buộc mà Bắc Kinh phủ nhận.

Ngũ giác đài nói các vụ tấn công trong năm 2015 hình như nhằm mục tiêu thu thập tình báo. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ mưu tìm ủng hộ của Ả Rập Xê-út cho hưu chiến Syria --- Giá dầu giảm kéo theo mức xếp hạng tín dụng của Ả Rập Xê Út

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry hôm Chủ nhật đang mưu tìm sự ủng hộ của Ả Rập Xê Útđể tăng cường cho một “thỏa thuận ngừng bắn” giữa chính phủ Syria và các phe nổi dậy trước một hội nghị lớn hơn nhằm tìm cách giải quyết các khủng hoảng cho khu vực sẽ diễn ra trong tuần này.

Ngoại trưởng Kerry, người đang tìm cách vực dậy thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở Syria, đã họp với Quốc vương Salman.

Ả Rập Xê Útlà nước ủng hộ quan trọng cho các phe nổi dậy tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad của Syria.

Hãng thông tấn nhà nước Ả Rập Xê Útloan tin rằng ông Kerry và Ngoại trưởng Ả Rập Xê ÚtAdel al-Jubeir bàn về những diễn tiến ở Syria.

Sau đó trong ngày Chủ nhật, Ngoại trưởng Kerry sẽ đáp máy bay đến Vienna. Tại đó, ông và Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni sẽ đồng chủ trì một hội nghị cấp bộ trưởng về an ninh và hậu thuẫn cho tân chính phủ tại Libya.

Các cường quốc Tây phương hy vọng tân chính phủ Libya có thể đoàn kết được đất nước mà trong thời gian qua đã rơi vào hỗn loạn kể từ khi cựu lãnh tụ Moammar Gadhafi bị lật đổ và giết chết năm 2011.

Nhóm ủng hộ Syria họp

Nhóm Quốc tế Ủng hộ Syria gồm 17 nước (ISSG) sẽ họp tại Vienna vào thứ Ba để bàn về các cuộc đàm phán chính trị đang bế tắc, và những khó khăn trong việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn ký hồi tháng 2, và việc phân phối vật phẩm cứu trợ.

Tuy nhiên các cuộc tấn công quân sự được đẩy mạnh của chính phủ Syria trong thời gian gần đây có thể sẽ làm tiêu tan khả năng tái khởi động các cuộc đàm phán chính trị vốn được xem là hy vọng lớn nhất để chấm dứt cuộc chiến tranh.

Người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Không phải tất cả mọi con đường đặt ra cho Syria đều đang chuyển động đúng hướng.”

Ông Kirby đã phát biểu như vậy hôm thứ Sáu, không lâu trước khi Ngoại trưởng Kerry lên đường bắt đầu chuyến công du hai tuần đến Trung Ðông, Âu Châu và Á Châu, nơi ông sẽ giải quyết các vấn đề, trong đó có tình hình bất ổn ở Syria và Libya.

Trong lúc tình hình giao tranh tại Syria nhìn chung giảm xuống, căng thẳng giữa bên chính phủ và bên nổi dậy vẫn tiếp tục.

Hồi cuối tháng 4, một vòng đàm phán mới do Liên hiệp quốc chủ trì đế bàn về tiến trình chuyển tiếp chính trị cho Syria đã kết thúc mà không có cuộc đối thoại trực tiếp nào giữa chính phủ Syria và phe nổi dậy. Hiện chưa rõ khi nào mới có vòng đàm phán kế tiếp diễn ra.

Tuần sau, Ngoại trưởng Kerry sẽ tháp tùng Tổng thống Barack Obama trong chuyến đi thăm Việt Nam. - VOA

***
Mức xếp hạng tín dụng của Ả Rập Xê-út bị Dịch vụ Tài chánh đầu tư Moody hạ thấp xuống do giá dầu hỏa thế giới hạ giảm.

Thông báo của Moody nói việc giảm hạng tín dụng của Ả Rập Xê-út phản ảnh rằng “giá dầu giảm đã dẫn đến thực tế hồ sơ tín dụng của Ả Rập Xê-út đi xuống.  

Các yếu tố như tăng trưởng chậm lại, mức nợ cao hơn và các khoản dự trữ trong và ngoài nước giảm khiến Vương quốc dầu hỏa này giảm khả năng chống đỡ những biến động kinh tế có thể xảy ra trong tương lai.”

Hãng Moody ghi nhận rằng các kế hoạch của Ả Rập Xê-út mới công bố hồi gần đây nhắm mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế có thể sẽ giúp cải thiện tình hình và đưa xếp hạng tín cũng của nước này lêm mức cao trở lại.

Hãng xếp hạng tín dụng này cho biết họ cũng hạ mức xếp hạng tín dụng của Oman và Bahrain xuống.  

Mức xếp hạng tín dụng của các quốc gia dầu hỏa khác ở Vùng Vịnh không thay đổi.  

Tuy nhiên Moody nói viễn cảnh của tất cả các nền kinh tế không khả quan. - VOA
|
|

4.
Ông Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện tỏ ý tin tưởng sau cuộc hội kiến

Người được coi như ứng cử viên được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống, ông Donald Trump và giới chức dân cử cấp cao nhất của đảng này, là Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, đã bày tỏ tin tưởng sau cuộc họp giữa hai ông ngày 12/5, rằng hai ông cuối cùng sẽ đoàn kết trong cuộc vận động chống lại người có phần chắc sẽ được đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng này, bà Hillary Clinton.

Phát biểu với các nhà báo tại cuộc họp báo thường lệ, ông Ryan miêu tả cuộc họp với ông Trump là “đáng khích lệ”.

Ông nói việc ông và ông Trump có những khác biệt quan điểm không phải là điều bí mật. Hai ông đã thảo luận về những khác biệt đó trong cuộc gặp gỡ hôm 12/5. Vấn đề là hai người sẽ phải làm gì để đoàn kết đảng Cộng hòa và tất cả các phe cánh bảo thủ trong đảng Cộng hòa.

Ông Ryan cho biết hai ông đã có một cuộc đối thoại rất đáng khích lệ, có tính xây dựng để hoàn tất mục tiêu đó.

Trong khi đó các cuộc biểu tình chống đối ông Trump diễn ra bên ngoài trụ sở của Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng hòa, là địa điểm họp của ông Ryan và ông Trump.

Ông Trump sẽ thảo luận với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa khác, một số vẫn bày tỏ hoài nghi về các quan điểm chính trị của ông và về cơ may có thể đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử sắp tới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Biểu tình chống Formosa vẫn tiếp diễn dù bị đàn áp --- Biểu tình vì cá ở Việt Nam lan xuống các tỉnh, thành

Chính quyền Việt Nam huy động lực lượng an ninh đông đảo tại Hà Nội và Sài Gòn để ngăn chận dân xuống đường. Những người bị xem là có uy tín bị bao vây từ nhiều ngày qua nhưng không chận được những cuộc biểu tình đột xuất.Tại Nghệ An, nơi ngư trường bị thiệt hại nặng nhất, hàng ngàn giáo dân cùng linh mục xuống đường tuần hành.

Theo thông tin từ các mạng xã hội, cuộc biểu tình lần thứ ba diễn ra ngày Chủ nhật 15/05/2016 đòi chính phủ phải làm sáng tỏ vụ ô nhiễm mà công ty thép Formosa ở Vũng Áng bị nghi là thủ phạm, không diễn ra đông đảo như hai Chủ nhật trước.

Nhiều nhà hoạt động, nhà báo độc lập và nghệ sĩ có tên tuổi bị an ninh chận cửa từ nhiều ngày qua. Tại Hà Nội và Sài Gòn, chính quyền bố trí an ninh đông đảo ở các chốt quan trọng, chận bắt « nguội » nhiều người kể cả giáo dân đi lễ sáng Chủ nhật. Ở Hà Nội, không tuần hành được ở bờ Hồ Gươm, người biểu tình chia thành nhiều nhóm nhỏ cầm biểu ngữ tọa kháng ôn hoà ở các điểm công cộng, ít nhất 30 thanh niên bị bắt.

Tại Sài Gòn, các ngả đường dẫn về chợ Bến Thành bị an ninh đóng chốt. Tuy nhiên, vào lúc 16 giờ, vẫn có hàng trăm người trẻ biểu tình bị bắt đưa lên xe ca. Trước đó, hàng chục người bị bắt, trong đó có linh mục Nguyễn Ngọc Thanh và nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh.

Cuộc biểu tình đông đảo nhất diễn ra tại Nghệ An. Với biểu ngữ "cá cần nước sạch, dân cần minh bạch", hàng ngàn ngư dân và giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc cùng hai linh mục tuần hành đến Ủy ban xã Quỳnh Ngọc yêu cầu tìm nguyên nhân cá chết.

Theo các nhà hoạt động xã hội, chính phủ Việt Nam nên nhanh chóng công bố kết quả điều tra thủ phạm gây ô nhiễm thay vì đàn áp dân chúng và biến cuộc tranh đấu vì dân sinh thành chính trị với chiến thuật quy buộc cho đảng Việt Tân đứng sau phong trào đòi "biển sạch, chính phủ minh bạch".

Từ Sài Gòn, nhà báo độc lập Trương Minh Đức, nhà cửa đang bị công an bao vây, giải thích. - RFI

***
Người dân một số khu vực ở Nghệ An và thành phố Vũng Tàu sáng 15/5 tuần hành đòi “trả lại môi trường sạch cho biển Việt Nam”, trong khi nhiều người ở Hà Nội bị chặn, không cho tham gia cuộc xuống đường như dự kiến nên buộc phải tọa kháng tại gia.

Hàng trăm bà con giáo dân xứ Song Ngọc và ở xã Hợp Thành tại tỉnh Nghệ An đã tuần hành, mang theo các biểu ngữ như “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, “Vì sao cá chết” hay “Tôi không muốn chết như cá”.

Còn tại TP Vũng Tàu, tin cho hay, một nhóm người mang theo biểu ngữ “Hãy trả lại môi trường sạch cho biển Việt Nam” di dọc theo một bãi biển, thu hút sự chú ý của nhiều người khác.

Trong khi đó, tại Hà Nội, một số nhà hoạt động xã hội và blogger cho VOA Việt Ngữ biết rằng họ bị chặn không được ra khỏi nhà nên buộc phải tọa kháng tại gia.

Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy công an “chìm” và “nổi” xuất hiện dày đặc tại một số địa điểm mà người biểu tình dự định tập hợp, nhất là quanh Hồ Hoàn Kiếm.

Tin cho hay, một số người thậm chí còn bị kiểm tra chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân.

Tuy nhiên, một nhóm bạn trẻ khoảng vài chục người, trong đó có nhiều người đeo khẩu trang, đã tuần hành chớp nhoáng, và theo đoạn video đăng trên mạng xã hội, dường như có xô đẩy với lực lượng an ninh.

Các nhân chứng cho hay, những người biểu tình sau đó đã bị "đẩy lên xe buýt, và không rõ bị đưa đi đâu".

Đó là trên đường phố, còn trên mạng, nhiều người cho hay khó truy cập vào Facebook tại Việt Nam trong nhiều giờ qua, và trên mạng xã hội này, dân mạng Việt Nam đang truyền nhau cách “vượt rào”.

Sau hai cuộc xuống đường rầm rộ hồi đầu tháng, các nhà quan sát cho hay, Việt Nam dường như đang ngăn chặn các cuộc xuống đường của người dân, một tuần trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

"Quyền và nghĩa vụ"

Một cuộc tuần hành ở TP HCM dự kiến sẽ diễn ra vào chiều ngày 15/5, nhưng một số nguồn tin tại trung tâm tài chính của Việt Nam này cho biết rằng cảnh sát và an ninh hiện diện ở khắp nơi.

Hôm qua, Việt Nam một lần nữa đổ lỗi cho tổ chức Việt Tân đứng sau giật dây các cuộc biểu tình.

Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng các cuộc tuần hành vì môi trường ở Việt Nam “là quyền và nghĩa vụ chung của mọi người”.

Ông nói thêm: “Trên tinh thần đó, nhiều người, anh chị em đảng Việt Tân ở trong nước cũng tham gia vào cùng với đồng bào để đi biểu tình”.

Cùng ngày, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã tiếp tục lên tiếng bày tỏ “quan ngại về tình trạng bạo lực gia tăng nhắm vào những người biểu tình Việt Nam bày tỏ sự bất bình về việc cá chết bí hiểm hàng loạt ở miền Trung”.

Cơ quan nhân quyền này cũng kêu gọi “chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do hội họp của theo đúng các cam kết về nhân quyền quốc tế”.

Báo chí trong nước hôm 14/5 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng đã có đủ căn cứ khoa học thuyết phục về nguyên nhân cá chết và kết luận cuối cùng sẽ sớm được công bố. Tuy nhiên, ông Tạc không cho biết cụ thể thời gian. - VOA
|
|

6.
Bí thư Thăng muốn 'xử nghiêm kích động'

Tân bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh của Việt Nam muốn xử nghiêm hành vi lợi dụng việc người dân muốn bảo vệ môi trường để kích động biểu tình, âm mưu lật đổ Đảng và nhà nước, theo truyền thông Việt Nam.

Hôm 15/5/2016, báo Thanh niên, diễn đàn của hội liên hiệp thanh niên Việt Nam đưa tin ông Đinh La Thăng cùng một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 14 đã có tiếp xúc với cử tri ở huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh và có phát biểu về vấn đề xúi giục, kích động biểu tình.

"Trước ý kiến của cử tri bày tỏ quan điểm bức xúc với những thông tin mang tính xúi giục, kích động, xuyên tạc trên mạng xã hội, ông Đinh La Thăng nhìn nhận, thời gian qua cơ quan chức năng đã có những biện pháp quản lý thông tin trên mạng, nhưng chưa đạt hiệu quả. Vẫn còn nhiều thông tin xuyên tạc Đảng, Nhà nước, các cá nhân lãnh đạo, tạo dư luận xấu," báo Thanh Niên tường thuật.

“Cùng với việc quản lý chặt, xử lý nghiêm những kẻ đưa thông tin kích động, người dân cần phải cảnh giác với những thông tin bôi nhọ, lợi dụng việc bảo vệ môi trường, biển đảo để kích động biểu tình, âm mưu lật đổ Đảng và Nhà nước, làm rối ren tình hình kinh tế, xã hội”, Bí thư Thăng được tờ báo nhà nước trích thuật nói.

Trước đó, trong chương trình tọa đàm bàn tròn thứ Năm hôm 12/5 của BBC Việt ngữ, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cả hai lãnh đạo của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể đã chịu sự chỉ đạo của cấp trên trong các diễn biến được cho là mạnh tay, cứng rắn với các cuộc biểu tình nhân vụ cá chết hàng loạt.

Giáo sư Thuyết nói: "Xảy ra vụ việc ở Formosa, vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung và điều tra chậm, công bố các nguyên nhân chậm, xử lý chậm, thì đấy là trách nhiệm của cấp cao nhất là Chính phủ.

"Còn việc xảy ra các việc trấn áp một cách rất mạnh tay và không đúng pháp luật đối với người dân ở hai thành phố thì chắc chắn là hai vị đứng đầu của hai thành phố không thể thoái thác trách nhiệm.

"Nhưng tôi hiểu ở đây có thể có những chỉ đạo ở cấp cao hơn cả hai ông đứng đầu thành phố. Nhưng tôi muốn nói như thế này, đã là người đứng đầu thành phố, thì mình phải có chủ kiến và mình phải chịu trách nhiệm, sẵn sàng chịu trách nhiệm về chủ kiến của mình."

Làm gì để an dân?

Hôm 14/5, trả lời phỏng vấn của BBC, nhà phản biện xã hội từ Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn nêu quan điểm về biểu tình, nhận thức biểu tình và điều được cho là e ngại biểu tình dẫn đến 'lật đổ chính quyền' từ phía nhà chức trách.

Trả lời câu hỏi, dường như chính quyền rất quan ngại rằng từ những cuộc biểu tình của quần chúng như vừa qua, có thể dẫn đến mục đích khác về chính trị như lật đổ chính quyền, ông Trần Tuấn nói:

"Tôi nghĩ là điểm quan trọng nhất của biểu tình thể hiện sự nhìn nhận và lòng dân đối với một vấn đề điểm nóng trong xã hội.

"Chúng ta đều biết là làm chính trị cốt để an dân. Thế nên là thấy nếu có biểu tình thì vấn đề là làm thế nào để an dân?

"Muốn để an dân thì tôi nghĩ không có gì khác hơn là nhìn vào bản chất của vấn đề làm người dân bất an lo lắng là gì. Rõ ràng trong vấn đề này là người ta lo đến môi trường, vấn đề biển chết, vấn đề đe dọa đến sinh mạng của hàng triệu người nông dân.

"Vậy thì chúng ta nếu mà để làm cho an dân và vấn đề không bị nóng lên, không làm ảnh hưởng và rối loạn xã hội thì phải nhanh chóng giải quyết cái nỗi bất an này của dân. Tức là phải làm căn nguyên cho rõ ràng để làm sao hạ nhiệt được bức bối của người dân.

"Tôi cho rằng biểu tình là một hiện tượng rất cần thiết.

"Nó là một chỉ số đo lường phản ứng của xã hội đối với một vấn đề đang xảy ra, và như thế chính quyền rất cần biết rõ mức độ phản ứng của người dân mạnh mẽ đến đâu để chúng ta đặt ưu tiên cho việc giải quyết.

"Quan điểm của tôi là nếu chúng ta không cho biểu tình thì có nghĩa là chúng ta đang che dấu, che lấp đi cơ hội biểu thị thực trạng tâm trạng của người dân trước một vấn đề xã hội," nhà phản biện, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) nói với BBC từ Hà Nội.

Biểu tình phải theo Đảng?

Tại cuộc tọa đàm bàn tròn thứ Năm về chủ đề biểu tình và quyền biểu tình ở Việt Nam, một khách mời từ Sài Gòn, bà Nguyễn Trang Nhung, kỹ sư công nghệ thông tin, đã bình luận về khoảng trống luật pháp do luật biểu tình bị trì hoãn.

Người đã tham gia và là nhân chứng trong cuộc biểu tình phản đối cá chết hàng loạt bị chính quyền giải tán ở Sài Gòn đầu tháng Năm nói với BBC:

"Tôi nghĩ việc trì hoãn của luật biểu tình trong suốt 10 năm qua là biểu hiện của sự sợ hãi của chính quyền khi mà xu thế của đất nước càng ngày càng dân chủ.

"Và đó cũng là biểu hiện của việc cố gắng bám lấy quyền lực mà họ (chính quyền) có thể không giữ được trong bao lâu nữa," bà Trang Nhung nói.

Một khách mời bàn tròn khác, nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người đã theo dõi các cuộc biểu tình ở Sài Gòn các ngày 01 và 08/5, cũng như đã tuyên bố tọa kháng vào ngày 15/5 để phản đối vụ cá chết hàng loạt và cách hành xử của nhà cầm quyền 'trấn áp' nặng tay người biểu tình, như ông tuyên bố, nói:

"Dự luật biểu tình có luật hay là không có luật cũng chẳng thành vấn đề, vấn đề là nhà nước này có tôn trọng pháp luật hay không? 

"Còn Hiến pháp đã ghi người dân có quyền biểu tình, thì không cần luật người dân vẫn làm.

"Cái gì nhà nước không cấm thì người dân làm được, nhưng mà họ vẫn không cho đi biểu tình, họ vẫn đàn áp, và có luật biểu tình thì cũng vậy, và có khi có luật biểu tình lại còn khó đi biểu tình hơn.

"Ví dụ như họ nói đi biểu tình cũng cần có sự lãnh đạo của Đảng (cộng sản VN), cũng như là việc lập đoàn, lập đoàn thể xã hội, luôn luôn các đoàn thể được lập ra khi có sự lãnh đạo của Đảng, có người của Đảng trong đó, thì tôi nghĩ đi biểu tình (khi) có luật biểu tình cũng vậy.

"Họ chỉ cho phép những cuộc biểu tình mà có sự lãnh đạo của Đảng trong đó thì mới được đi biểu tình, thì lúc đó người dân càng khó có cơ hội để đi biểu tình," nguyên Thư ký Tòa soạn báo Thanh niên nói với BBC.

Thử chọn cách thức khác

Hôm 14/5, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn nêu quan điểm với BBC, đề xuất một giải pháp khác với lối 'ngăn chặn, đối phó biểu tình' mà chính quyền Việt Nam thực hiện vừa qua và từ trước tới nay, nhà phản biện xã hội nói:

"Nếu chúng ta chọn phương án không muốn biểu tình xảy ra thì có thể phải tổ chức các hình thức khác để người dân thể hiện về vấn đề đó. Chẳng hạn trong trường hợp này có thể là để cho các nhà khoa học và ngay cả Quốc hội tổ chức những sinh hoạt cho các nhà khoa học đứng lên trình bày để phân tích và thảo luận những vấn đề đó. Hoặc tổ chức những buổi họp báo, những buổi công cộng cho người dân thể hiện chất vấn trao đổi với các nhà khoa học hoặc những người có trách nhiệm về vấn đề này.

"Tóm lại nếu như trong xã hội có sự bức xúc thể hiện tình cảm ở một vấn đề nào đó đến mức mà nó mãnh liệt lên. Mức độ đó nếu như không được giải quyết có thể xảy ra những hậu quả khác nhau. Vấn đề đặt ra với những người lãnh đạo mà quan tâm đến những vấn đề an ninh xã hội là làm sao giải tỏa được bức xúc đó.

"Giải tỏa bức xúc không phải là vấn đề chặn biểu tình. Giải tỏa bức xúc là phải tìm đến căn nguyên dẫn đến người dân biểu tình. Căn nguyên người dân biểu tình trong trường hợp này rất rõ ràng trong thời gian vừa qua là vấn đề tình trạng môi trường bị thoái hóa. 

"Nó có thể là dồn nén của nhiều vấn đề khác ví dụ như vấn đề ngộ độc thực phẩm, rồi những vấn đề về môi trường nước, môi trường đất đang bị thoái hóa, bây giờ là môi trường biển."

Và từ góc độ phản biện khoa học, nhà nghiên cứu nói thêm: "Nếu như chúng ta không giải quyết mà cứ để bị tích tụ, tình trạng biểu tình nhiều hay ít là do bức xúc bị tích tụ không được giải nén. Thế nên biểu tình là hình thức, theo tôi đứng về mặt sức khỏe tâm trí, là môt cái gì đó tốt để cho người dân thể hiện ra. Khi người ta thể hiện ra thì người ta xả ra những cái mà chúng tôi tạm gọi là tích tụ trong tâm can của họ.

"Nếu như người ta được giải phóng ra những chuyện đấy rồi thì chúng tôi cho rằng lại tránh được những hậu quả xảy ra. Còn như nếu mà chặn biểu tình, mà chặn theo hình thức giống như là việc đàn áp chẳng hạn, thì có khi lại dẫn đến những hậu quả đáng tiếc hơn.

"Quan điểm của tôi là nên tổ chức biểu tình cho người dân thể hiện tình cảm, nhìn nhận, cảm xúc của họ trước những vấn đề nóng của xã hội. Nếu chúng ta nhìn nhận biểu tình một thái độ tích cực như thế, tức là một hình thức đo lường mức độ quan tâm của người dân đối với một vấn đề," Tiến sỹ Trần Tuấn nói với BBC. - BBC

No comments:

Post a Comment