Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Obama thăm Việt Nam, Nhật Bản từ 21/5 - 28/5
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc sáng 10/5 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 21/5 đến 28/5 trong chuyến công du thứ 10 của ông đến châu Á. Chuyến thăm sẽ nêu bật cam kết không ngừng của tổng thống với chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á và Thái Bình Dương. Đây là chiến lược nhằm tăng can dự của Mỹ về ngoại giao, kinh tế và an ninh với các nước và nhân dân trong khu vực.
Tòa Bạch Ốc cho hay tổng thống Mỹ sẽ thăm Việt Nam trước. Ông sẽ gặp giới lãnh đạo Việt Nam để bàn thảo các cách thức để Quan hệ Đối tác Toàn diện thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, quan hệ giữa nhân dân hai nước, an ninh, nhân quyền, và các vấn đề toàn cầu cũng như khu vực.
Tại Hà Nội, Tổng thống Obama sẽ đọc bài diễn văn về quan hệ Mỹ-Việt. Tại các cuộc gặp và các sự kiện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tổng thống sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trong năm nay. Tổng thống cũng sẽ gặp các thành viên của xã hội dân sự, chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á, các chủ doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh.
Sau Việt Nam, ông Obama sẽ đến Nhật Bản tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Ise-Shima. Ông cũng sẽ có chuyến thăm lịch sử đến thành phố Hiroshima cùng thủ tướng Nhật để nêu bật cam kết không ngừng của ông đối với việc mưu cầu hòa bình và an ninh của một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 10/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã nhận được câu hỏi liệu Tổng thống Obama có dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sau chuyến thăm hay không. Nhà ngoại giao Mỹ trả lời rằng “chưa có quyết định nào” về lệnh cấm này.
Tuy nhiên, vị trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương nói lệnh cấm vốn đã được áp đặt trong nhiều thập kỷ vẫn được xem xét định kỳ. Ông Russel nói Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm này đối với Việt Nam trong năm 2014 để Việt Nam mua một số mặt hàng quốc phòng giúp bảo vệ vùng ven biển và mặt biển. Ông nhận xét rằng việc dỡ bỏ một phần thể hiện quan hệ an ninh-quốc phòng chiến lược đang tăng lên giữa hai nước.
Trợ lý Ngoại trưởng Russel lưu ý rằng Mỹ đã nói rõ hồi năm 2014 và hiện nay vẫn duy trì quan điểm rằng để đưa ra quyết định về lệnh cấm bán vũ khí, Mỹ xem xét các tiến bộ Việt Nam đạt được trong các vấn đề nhân quyền quan trọng.
Ông nói: “Chúng tôi đã nói rõ ở thời điểm đó và điều đó vẫn đúng ở thời điểm này, đó là một trong những yếu tố quan trọng có thể dẫn đến dỡ bỏ lệnh cấm là tiếp tục đà tiến trong việc Việt Nam đạt các tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát cũng như đạt tiến bộ trong các cải cách tư pháp quan trọng. Với sự phát triển của Quan hệ Đối tác Chiến lược, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”.
Việt Nam trong mấy năm gần đây nhiều lần kêu gọi Mỹ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Việt Nam coi đó là biểu hiện về mối quan hệ hoàn toàn bình thường hóa giữa hai nước.
Hồi cuối tháng Tư, tại Austin, Texas, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã phát biểu tại một hội thảo về Chiến tranh Việt Nam rằng: “Việt Nam kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai thập kỷ trước, và mối quan hệ đối tác toàn diện diện nay”.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia về khu vực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với VOA hôm 9/5 rằng ngay cả khi lệnh cấm được dỡ bỏ “điều đó không có nghĩa là Việt Nam có thể thực sự và sẽ được cho phép mua những mặt hàng cụ thể”. Ông nói Mỹ vẫn có thể từ chối các hồ sơ mua những vũ khí cụ thể nếu có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Lời kêu gọi của Việt Nam về dỡ bỏ lệnh cấm xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại cuộc họp báo hôm 10/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel nói tình hình Biển Đông là mối quan tâm lớn của tất cả các nước, không chỉ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này như Việt Nam, Philippines hay Malaysia mà còn là mối quan tâm của các nước khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
"Không chỉ là vấn đề một hòn đảo thuộc sở hữu của ai mà vấn đề là cách hành xử như thế nào trong vùng biển quốc tế và đây là mối quan tâm của toàn thế giới", ông Russel nói.
Ông Russel nhấn mạnh nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc trong việc cải tạo các thực thể, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.
Nhà ngoại giao Mỹ nhắc lại Mỹ không đứng về phía nước nào trong số các nước tuyên bố chủ quyền, và Mỹ đứng về phía luật pháp quốc tế. Ông khẳng định các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Hải quân Mỹ được thực hiện theo luật pháp quốc tế. “Đây là quyền của không chỉ Mỹ mà còn của tất cả các nước khác," Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói như vậy và bổ sung rằng “Mỹ không có tuyên bố chủ quyền, cũng như không có ý định chiếm đảo của ai cả, mà chỉ muốn làm 2 điều: đó là đảm bảo quyền tự do đi lại cho tất cả các bên liên quan, và đảm bảo quyền và luật pháp quốc tế không bị xói mòn”. - VOA
|
|
2.
Hồ sơ Panama được đưa lên mạng
Hồ sơ Panama được tiết lộ trong tháng trước lại được chú ý đến khi một kho dữ liệu khổng lồ các văn kiện liên hệ đến các chính trị gia giàu có và những nhân vật nổi tiếng với những nơi an toàn về thuế tại nước ngoài được đưa lên mạng. Những tài liệu này xác nhận điều đã được nghi ngờ từ lâu là những nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới đã dùng những công ty vỏ bọc để che giấu của cải và trốn thuế. Kho dữ liệu -- bao gồm thông tin của hơn 200.000 tài khoản ở nước ngoài, do công ty luật Mossack và Fonseca ở Panama điều hành, được Tổ chức các nhà báo Điều tra Quốc tế ICIJ đưa lên mạng ngày hôm qua. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.
Công bố những dữ liệu để công chúng có thể tiếp cận được sẽ ra nên những chấn động mạnh mẽ hơn là những tiết lộ trước đây. Mọi người trên toàn thế giới sẽ có thể truy tìm trong kho dữ liệu những tài khoản ở nước ngoài liên hệ đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bà Marina Walker Guevara, Phó giám đốc ICIJ Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế, nói:
“Tôi nghĩ ảnh hưởng lớn nhất là chúng ta có thể đưa quyền lực trở lại vào tay người dân.”
Những tin tức trong tháng qua về những tài khoản ở nước ngoài làm một vài lãnh tụ chính trị lúng túng, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Nga Vladimir Putin và làm cho các giới chức cao cấp ở Iceland và Tây Ban Nha phải từ chức. Các nhà báo điều tra hiện đang thúc đẩy người dân trên toàn thế giới tham gia vào những nỗ lực để cải thiện sự minh bạch tài chánh toàn cầu.
Bà Marina Walker Guevara, phó giám đốc ICIJ nói tiếp:
"Do đó, xin quí vị nói cho chúng tôi biết -- tại những quốc gia chúng tôi không có cơ hội để làm việc - và có nhiều những quốc gia như vậy – xin cho chúng tôi biết chúng tôi đã không biết tới những ai có công ty vỏ bọc ở nước ngoài?"
Tổ hợp luật có trụ sở tại Panama và những thân chủ của tổ hợp này được nêu tên trong tài liệu Panama phủ nhận là họ không có hành động sai trái nào cả. Những nơi an toàn về thuế tuy không bất hợp pháp nhưng rất có hại, vì nó giúp cho người giàu không phải trả thuế và đặt thêm gánh nặng lên vai những công dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Ngày hôm qua, 300 kinh tế gia đã ký một bức thư để hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới hủy bỏ những nơi trốn thuế, vì những nơi này làm gia tăng bất bình đẳng và làm hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Bà Marina Walker Guevara, phó giám đốc ICIJ nói thêm:
“Bí mật của các nơi an toàn về thuế thường bị lạm dụng, và những công ty vỏ bọc, những công ty vô danh, thường được dùng trong một loạt các tội phạm từ rửa tiền đến buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, và những vụ gian lận nghiêm trọng khác…”
Những thông tin trong Hồ sơ Panama có thể được truy tìm theo quốc gia, tên tuổi, địa chỉ... Những thông tin nhạy cảm - như tài khoản ngân hàng và lý lịch cá nhân, không thể tìm được. - VOA
|
|
3.
Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines với 40% phiếu
Ứng cử viên nổi tiếng mị dân, luật sư Rodrigo Duterte đã chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Philippines, theo Cơ quan kiểm soát bầu cử của Giáo Hội Công Giáo được chính phủ ủy nhiệm. Khi dồn phiếu cho thị trưởng Davao, thành phố ở miền nam, dân chúng đã bày tỏ bất bình đối với giai tầng chính trị gia thủ đô. Tổng thống mới đắc cử cam kết sẽ triệt để bài trừ tham nhũng và cải cách sâu rộng hệ thống chính trị.
Từ Manila, thông tín viên Marianne Dardard tường thuật.
"Chiến thắng áp đảo của Rodrigo Duterte. Đây là tựa của The Daily Inquirer, nhật báo lâu đời nhất của Philippines và không hề có tiếng ủng hộ thị trưởng Davao. Tổng thống mãn nhiệm Aquino cũng tuyên bố "nhìn nhận" kết quả.
Sự kiện đập vào mắt là tỷ lệ cử tri giành cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử một vòng : gần 40%, một tỷ lệ cao hơn dự báo của các viện thăm dò dư luận.
Lần bầu cử sau cùng mà người đắc cử được kết quả rõ nét là khi bầu tổng thống Joseph Estrada, một tài tử điện ảnh nổi tiếng. Ở Philippines, có tên tuổi là điều kiện then chốt để họat động chính trị.
Tổng thống đắc cử tuyên bố ông nhận lãnh "sự ủy nhiệm của dân chúng với lòng khiêm tốn".
Nhiệm kỳ của Rodrigo Duterte được thông báo sẽ bắt đầu một cách mạnh mẽ. Người phát ngôn cho biết sẽ có tu chính Hiến pháp và đề nghị cải tổ thể chế thành một chế độ đại nghị." - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Chủ trương của ông Trump làm phe diều hâu ở Châu Á mạnh thêm
Vị thế chính trị của những người chủ trương nên cung cấp vũ khí hạt nhân cho các đồng minh của Mỹ ở Á Châu có thể tăng mạnh nếu ông Donald Trump trở thành tổng thống kế tiếp của Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, những phát biểu của nhân vật sắp được đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên tổng thống đã gây ra những mối nghi ngờ về cam kết của Washington đối với an ninh của Á Châu và làm mạnh thêm lập luận của những người cho rằng các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á nên có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ.
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, ứng viên Donald Trump của phe Cộng hoà đã đề nghị để cho Nhật Bản và Nam Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, và rút lính Mỹ ra khỏi những nước nào không chịu chi trả thêm cho các căn cứ quân sự Mỹ ở nước họ.
Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ trú đóng ở Nam Triều Tiên và 54.000 quân nhân đồn trú ở Nhật Bản. Mỗi năm, Nhật Bản trả khoảng 1,6 tỉ đô la, và Seoul trả hơn 866 triệu đô la cho Washington để bù đắp cho chi phí vận hành các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước họ.
Một số chuyên gia cho rằng nếu đề nghị của ông Trump được thực thi, điều đó sẽ vi phạm Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
Ông Moon Keun Sik, một nhà phân tích của Diễn đàn Quốc phòng và An ninh ở Nam Triều Tiên, cho biết như sau.
"Nếu các đồng minh của Mỹ bảo vệ cho chính họ theo cách thức mà ông Trump đã nói, thì liên minh hiện nay sẽ bị tan vỡ, và nó sẽ dẫn tới một tình huống trong đó các nước Á Châu sẽ nối tiếp nhau thủ đắc vũ khí hạt nhân."
Bất chấp những mối quan tâm đã bắt đầu khi Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân, hoặc gần đây hơn, khi Bắc Triều Tiên tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân bất hợp pháp, Washington đã có thể thuyết phục hoặc gây áp lực để các nước đồng minh ở Á Châu nương tựa vào “ô dù hạt nhân” của Mỹ.
Tuy nhiên, việc ông Trump doạ rút khỏi Châu Á có thể làm mạnh thêm những tiếng nói thiểu số tại quốc hội Nhật Bản và Nam Triều Tiên cho rằng họ không thể tiếp tục nương tựa vào nước Mỹ.
Về việc này, giáo sư Hiroshi Nunokawa của Đại học Hiroshima, cho biết như sau.
"Nếu những tuyên bố của ông Trump trở thành hiện thực, sẽ có các chính khách tán thành và tôi tin là sẽ có nhiều người cảm thấy phấn khởi. Nếu Nam Triều Tiên và Nhật Bản có vũ khí hạt nhân, điều đó có phần chắc sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, chính đáng hoá chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và làm cho Nga và Trung Quốc ngưng hậu thuẫn cho việc áp đặt các biện pháp chế tài nhắm vào chính phủ của ông Kim Jong Un."
Mặc dù ông Trump chỉ là một ứng cử viên và chưa phải là tổng thống, những tuyên bố của ông đang gây xôn xao cho dư luận ở Á Châu, và nhiều người tin rằng thông điệp của ông, bất kể là vô tình hay cố ý, cũng đều làm sút giảm sự tin tưởng về cam kết của Mỹ đối với khu vực này. - VOA
|
|
5.
Bộ Tư pháp Mỹ kiện bang North Carolina về luật nhà vệ sinh
Một trận chiến pháp lý đã gia tăng cường độ giữa chính phủ Mỹ và tiểu bang North Carolina vì một luật lệ đòi hỏi người chuyển giới phài dùng nhà vệ sinh dành cho giới tính của họ khi sinh ra, chứ không phải giới tính mà họ chọn. Theo tường thuật của thông tín viên Michael Bowman của đài VOA, Bộ Tư pháp đã nộp đơn kiện để chống lại luật đó hôm thứ hai, vài giờ sau khi North Carolina không chịu huỷ bỏ đạo luật gây tranh cãi và nộp một đơn kiện chống lại chính phủ liên bang.
Bộ Tư pháp của chính quyền Obama nói rằng những người chuyển giới được bảo vệ bởi luật pháp liên bang, và luật về nhà vệ sinh của North Carolina không có hiệu lực.
Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch phát biểu như sau.
"Nghị viện và ông thống đốc đã đặt North Carolina vào vị thế đối nghịch trực tiếp với các luật lệ liên bang cấm chỉ việc kỳ thị dựa trên phái tính và căn cước giới tính. Nói một cách đích đáng hơn, họ đã tạo ra một sự kỳ thị được tiểu bang cho phép để chống lại những người chuyển giới."
Luật lệ liên bang cấm kỳ thị phái tính nhưng không đề cập một cách cụ thể tới những người chuyển giới.
Thống đốc Pat McCory muốn có một phán quyết về sự giải thích luật pháp của Bộ Tư pháp.
"Tại thời điểm này chính quyền Obama đang qua mặt Quốc hội với việc tìm cách viết lại luật lệ và ấn định những chính sách căn bản về nhà vệ sinh, những chính sách về phòng thay đồ và thậm chí là những chính sách về phòng tắm."
Chính phủ của Tổng thống Barack Obama không tán thành ý kiến đó. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết như sau.
"Những gì mà tiểu bang North Carolina đã thông qua trong phiên họp đặc biệt kéo dài một ngày là không phù hợp với những giá trị công bằng, bình đẳng và công lý mà chúng ta quí trọng ở đất nước này."
Tiểu bang North Carolina đã gặp phải nhiều phản ứng tiêu cực. Một số công ty đã quyết định ngưng khuyếch trương công việc kinh doanh và các nghệ sĩ đã huỷ bỏ những buổi trình diễn để phản đối luật này.
Nằm ở tâm điểm của vụ tranh cãi này là những người chuyển giới, một khối người bị chỉ trích bởi những người có quan điểm bảo thủ về mặt xã hội.
Ông Mat Staver, chủ tịch công ty luật Liberty Counsel, một người có chủ trương bảo thủ, nhận định như sau về người chuyển giới.
"Có những người muốn trở thành một người hoàn toàn không phải là mình. Cũng giống như một người không bị quá cân nhìn vào gương và nghĩ rằng họ bị quá cân."
Ông Jay Brown, một người sinh ra là phái nữ nhưng đã chuyển giới, không đồng ý với quan điểm đó.
"Tôi là một người làm cha. Tôi có hai đứa con gái nhỏ. Tôi có một người vợ mà tôi đã kết hôn hơn mười năm. Tôi không phải là ma quỷ như một số người đã tìm cách bôi nhọ tôi như vậy."
Năm ngoái, Tối cao Pháp viện đã hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính. Giờ đây, một trận chiến mới đang diễn ra về người chuyển giới và về cách thức đối xử với những người này. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Chiến hạm Mỹ tiến gần Đá Chữ Thập
Bộ Quốc phòng Mỹ phái một chiến hạm thực hiện một cuộc hành quân vì tự do hàng hải ở Biển Đông có nhiều tranh chấp hôm 10/5.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Bill Urban nói tàu USS William P. Lawrence đã đi bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập hiện bị Trung Quốc chiếm đóng để "thách thức những tuyên bố chủ quyền biển thái quá của một số bên tranh chấp ở Biển Đông".
Trong một tuyên bố qua email, ông Urban cho hay: "Các tuyên bố chủ quyền biển thái quá là điều không phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được phản ánh trong Công ước về Luật Biển vì chúng có ý hạn chế các quyền hàng hải mà Mỹ và tất cả các nước được quyền thực hiện".
Trung Quốc đã giận dữ đáp trả vào sáng 10/5, thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng, khi ông này nói tại một cuộc họp báo hàng ngày rằng tàu Mỹ đã đi vào vùng biển của Trung Quốc bất hợp pháp và động thái đó đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc đã xây một đường băng dài hơn 3.000 mét và các cơ sở quân sự khác trên đảo đá có tranh chấp đó.
Cuộc hành quân này là lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm do Mỹ thực hiện, và Mỹ gọi đó là cuộc hành quân vì tự do hàng hải để thách thức những tuyên bổ về lãnh thổ gây tranh cãi mà Trung Quốc đưa ra đối với các đảo ở Biển Đông.
Bắc Kinh chống lại các cuộc hành quân này và tuyên bố rằng các vụ tranh chấp đã bị phóng đại.
Mặc dù Mỹ không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông, song các quan chức cấp cao của Mỹ nói việc các bên tranh chấp khác nhau tìm cách khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế là điều tối quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.
Hàng năm, lượng hàng được vận chuyển bằng tàu biển lên đến 5 nghìn tỷ đôla đi qua Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về phần lớn vùng biển này. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có tuyên bố về các nhiều khu vực chồng lấn lên nhau ở Biển Đông. - VOA
|
|
7.
Nguyễn Phú Trọng nắm Quân ủy TW nhiệm kỳ 2015-20
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vừa công bố quyết định về Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-20 với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư.
Theo trang Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), tại hội nghị diễn ra ở Hà Nội 10/5, Đảng cầm quyền cũng chỉ định Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.
Nguyên tắc 'Đảng lãnh đạo các lực lượng vũ trang' được xác tín lại bằng quyết định số 186-QĐNS/TW (29/04/2016) của Bộ Chính trị do ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương công bố.
Quyết định này nói đến các chức vụ Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.'Tuổi cao chả biết thế nào'
Hôm 6/5 vừa qua, Ứng viên đại biểu Quốc hội khóa tới, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng đã hứa với cử tri quận Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội) rằng dù đã cao tuổi, ông sẽ 'làm quyết liệt điều dân đang mong'.
Ba điều đó, theo ông, gồm có phát triển kinh tế, giảm nợ xấu; xây dựng Đảng, chống tham nhũng và giữ độc lập chủ quyền của quốc gia đồng thời giữ cho môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Ông xác nhận ở Việt Nam hiện nay, "Tham nhũng vặt cũng có. tham nhũng lớn, cấp dưới cũng có, cấp trên cũng có" nhưng cho rằng liều thuốc là "xây dựng Đảng và công tác cán bộ".
Ông cũng hứa sẽ lắng nghe dân nhiều hơn:
"Lần này nếu như được cử tri Ba Đình, Hà Nội tín nhiệm giới thiệu tôi làm ĐBQH tiếp sẽ có điều kiện được học nhân dân nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn. Đấy là việc rất quan trọng.
Thứ hai là cũng có điều kiện phối hợp công tác tốt hơn giữa bên Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quân đội.
"Tôi vừa là Tổng Bí thư vừa là Bí thư Quân ủy Trung ương có trách nhiệm phải lãnh đạo các cơ quan này."
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay ông đã viết đơn xin nghỉ vì tuổi cao nhưng Đảng vẫn yêu cầu tiếp tục làm việc, theo nội dung ông nói trên báo chí Việt Nam.
Trang Lao Động trích lời vị Tổng Bí thư nói:
"Thực ra năm nay tôi cao tuổi rồi vào loại già nhất, năm nay 72 tuổi, 6 khóa Ủy viên TW, 5 khóa Bộ Chính trị, 2 khóa Tổng Bí thư, 3 khóa Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lý luận TW, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW.
"Kỳ vừa rồi, tôi đã xin nghỉ bằng văn bản nhưng do tình hình cụ thể của đất nước, Đảng ta nên Trung ương và Đại hội vẫn yêu cầu tôi phải tiếp tục công tác, là Đảng viên, tôi phải chấp hành.
Ông cũng nói về sự vô thường của tuổi tác và sức khoẻ nhưng hứa làm tốt nhiệm vụ:
"Khi tuổi cao chả biết thế nào, nay thế này mai, thế khác, các cụ cứ dặn là phải giữ gìn sức khỏe,"
"Sức khỏe là quan trọng nhưng cái đó phải nhờ Giời. Cho nên không biết thế nào nhưng phải cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình."
Kỳ bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa mới sẽ diễn ra ngày 22/05. - BBC
|
|
8.
Phái viên Mỹ gặp các ứng viên độc lập
Viên chức ngoại giao Hoa Kỳ đã gặp một số ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội hôm 10/5, một trong những người dự họp nói với BBC.
Hôm 10/5, ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động đã có cuộc gặp với các ứng viên tự đề cử: tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội, Vũ Ngọc Bình, ca sĩ Mai Khôi.
Một số khách mời khác như nhà văn Nguyễn Tường Thụy, Lê Đình Hà… ‘không tham dự do bị cản trở’, nguồn tin nói với BBC.
Trước cuộc gặp, ông Quang A thông báo ông “bị câu lưu ở công an phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, trong nhiều giờ”.
Hôm 10/5, trả lời BBC, ca sĩ Mai Khôi cho hay: “Cuộc gặp với ông Malinowski tập trung vào các đề tài: “Mọi người muốn thông qua luật Biểu tình để người dân được biểu tình ôn hòa, cải thiện luật Bầu cử để tạo điều kiện cho các ứng viên độc lập, kêu gọi chính quyền bãi bỏ các Điều 79, 88, 258. Ngoài ra là việc tạo môi trường nghệ thuật tự do cho nghệ sĩ”.
“Dịp này, tôi và các ứng viên độc lập cũng bày tỏ mong muốn sẽ được gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khi ông sang Việt Nam để trình bày rõ hơn về mong muốn của người dân trong chuyện Hoa Kỳ giúp Việt Nam cải thiện Hiến pháp”, nữ ca sĩ cho biết thêm.
Mai Khôi cũng cho hay: “Trong cuộc gặp, ông Malinowski nói đã biết về chuyện người biểu tình ôn hòa bị đánh hôm 8/5 tại TP Hồ Chí Minh. Từ những lời của ông ấy, tôi cảm nhận được rằng phía Hoa Kỳ rất quan tâm và nhận thấy quá trình dân chủ tại Việt Nam đang tệ đi trong thời điểm này”.
Ông Malinowski là một trong hai quan chức ngoại giao Mỹ có mặt tại Việt Nam từ ngày 9 đến 10/5 trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đang chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Barack Obama.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ông Malinowski sẽ “thúc giục Việt Nam thả tù nhân chính trị vô điều kiện và khuyến khích cải cách để pháp luật của Việt Nam phù hợp với các điều ước quốc tế về nhân quyền”.
'Quấy rối'
Dự kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam trong vòng hai tuần nữa.
Trước cuộc gặp kể trên, ca sĩ Mai Khôi nói với BBC: “Tôi thấy an ninh đang quấy rối tôi vì chuyện tôi đã tự ứng cử đại biểu Quốc hội và sau khi bị loại thì Khôi đã viết thư bày tỏ mong muốn gặp Tổng thống Obama. Tôi đang tự hỏi khi ông Obama qua Việt Nam thì ông ấy sẽ thấy đất nước này như thế nào, ca sĩ mà không được phép hát, môi trường đang gặp thảm họa mà người dân thì bị công an đánh vì biểu tình ôn hòa, quá trình bầu cử thì không minh bạch".
Trước đó, nữ ca sĩ cáo buộc rằng show hát tối 6/5 của cô tại một quán bar ở TP. Hồ Chí Minh "bị an ninh dừng giữa chừng".
Hôm 10/5, bà Nguyễn Tố Phương, quản lý quán cafe & bar Yoko xác nhận với BBC rằng quán của bà “đang chờ lệnh phạt từ phòng Văn hóa Quận”.
“Hiện tại, tuy chưa thể kết luận quán của tôi bị phạt có phải vì Mai Khôi hay không, chúng tôi đang rất cẩn trọng khi có ý định mời cô ấy hoặc ban nhạc nào đó đến hát tại quán”. - VOA
No comments:
Post a Comment