Friday, May 20, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 20/5

Tin Thế Giới

1.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel từ nhiệm vì bất đồng với Thủ tướng Netanyahu

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon hôm 20/5 loan báo sẽ từ bỏ chức vụ vì “thiếu tin tưởng” nơi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tiếp theo sau những bản tin tường thuật rằng ông Yaalon sắp bị thay thế.

Trên trang Twitter, ông Yaalon viết: “Sáng nay, tôi đã nói với Thủ tướng rằng vì cách hành xử của ông trong những diễn biến gần đây, và xét việc tôi không còn tin tưởng nơi ông, tôi sẽ từ nhiệm khỏi chức vụ trong chính phủ cũng như trong quốc hội, và tạm thời rút ra khỏi chính trường”.

Ông Netanyahu và ông Yaalon đã từng tranh cãi công khai trong mấy ngày gần đây về vai trò của các giới chức quân đội trong các cuộc thảo luận về chính sách. Ông Netanyahu lập luận rằng các giới chức quân sự nên tránh lên tiếng công khai về các vấn đề liên quan tới chính sách, trong khi ông Yaalon khuyến khích các sĩ quan cấp cao hãy “nói lên những gì họ nghĩ”.

Loan báo của ông Yaalon được đưa ra 2 ngày sau khi cựu Ngoại trưởng Avigdor Lieberman tuyên bố sẵn sàng đưa đảng cực hữu của ông là Yisrael Beitenu, đi theo hướng đi của liên minh do ông Netanyahu lãnh đạo, nhưng với điều kiện ông được đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.

Đầu tuần này, Ông Netanyahu yêu cầu ông Lieberman gia nhập liên minh của ông như một cách để củng cố sự hậu thuẫn trong quốc hội.

Ông Lieberman là một nhân vật gây tranh cãi trên chính trường Israel. Trước đây, ông từng kêu gọi nên đánh bom các cây xăng, ngân hàng và trung tâm thương mại của người Palestine. Gần đây hơn, ông dẫn đầu một cuộc vận động loại trừ các đảng Ả Rập, không cho họ tham gia bầu cử. Cuộc vận động đó cuối cùng đã bị Tòa án Tối cao Israel chặn lại. - VOA
|
|

2.
Tạm gác quan hệ với TQ vào lúc tân tổng thống Đài Loan lên nhậm chức --- Trung Quốc tập trận trước lễ nhậm chức của tổng thống Đài Loan

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, được sự hậu thuẫn của đảng có truyền thống chống Trung Quốc, đã lên nhậm chức với lời hứa mưu tìm hòa bình với Bắc Kinh, nhưng làm ngơ trước yêu sách đòi đối thoại, mở đường cho ít nhất một sự thụt lùi ngắn hạn trong bang giao sau 8 năm nồng ấm.

Tân tổng thống cũng là nhà nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan, tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/5 rằng bà sẽ mưu tìm hòa bình. Bà không tán đồng cả việc công bố độc lập chính thức của Đài Loan đối với Trung Quốc – một lằn ranh đỏ đối với Bắc Kinh – lẫn việc thống nhất với đối thủ chính trị 70 năm theo mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh.

Nhưng học giả luật khoa 59 tuổi này làm lơ những cảnh báo của Bắc Kinh đòi bà đồng ý đối thoại với tiền đề là Trung Quốc và Đài Loan thuộc về một quốc gia.

Trong bài phát biểu dài 25 phút trước khoảng 30.000 người, bà Thái tuyên bố:

“Bang giao với lục địa Trung Quốc là một liên hệ quan trọng trong hệ thống an ninh khu vực. Chúng ta sẽ gắng sức duy trì hòa bình và ổn định trong bang giao xuyên eo biển. Hai đảng cầm quyền ở hai bên eo biển phải dẹp qua một bên hành trang lịch sử và tham gia cuộc đối thoại tích cực vì lợi ích của nhân dân cả hai bên”.

Thay đổi hướng đi

Tổng thống xuất nhiệm Mã Anh Cửu đã đồng ý đối thoại trong những điều kiện đặt cả hai bên dưới yêu sách một nước Trung Hoa của Bắc Kinh, với Đài Loan là Cộng hòa Trung  Quốc và Bắc Kinh là Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc. Trong 8 năm dưới chính quyền của ông Mã, hai bên đã đạt được 23 thỏa thuận về thương mại, du lịch và đầu tư trong khi xây dựng niềm tin chung đã không có được dưới thời các tổng thống khác.

Bà Thái thừa nhận các cuộc đàm phán vào năm 1992 đã tạo ra bối cảnh một nước Trung Hoa, nhưng nói rằng chính phủ phải giao tiếp với Trung Quốc dựa cả vào hiến pháp, luật lệ của Đài Loan và “nguyên tắc dân chủ và ý nguyện phổ cập của dân chúng Đài Loan”.

Các nhà ngoại giao trên khắp thế giới, nhưng đặc biệt tại Bắc Kinh, đã đếm từng giờ đến ngày hôm nay với hy vọng bà Thái có thể đề xuất một cơ chế đối thoại được sự đồng thuận của Bắc Kinh.

Nhưng đảng của bà Thái bác bỏ các khái niệm rằng hai bên đứng dưới cùng một lá cờ. Bà tán đồng các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, nhưng một cách dè dặt hơn so với ông Mã.

Cử tri đã đem lại cho bà một chiến thắng áp đảo hồi tháng Giêng bởi vì nhiều người cảm thấy Quốc Dân đảng của ông Mã đã trở nên quá thân thiết với Trung Quốc thông qua các quan hệ kinh tế, kể cả cuộc giao thương 2 chiều đạt kỷ lục 130 tỷ đôla vào năm 2014. Tại các cuộc biểu tình ồ ạt năm 2014, những người hoài nghi đã bày tỏ sự lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ dùng quan hệ kinh tế để áp đặt thêm sự kiểm soát chính trị đối với đảo quốc tự trị này.

Bắc Kinh đã đòi chủ quyền Đài Loan kể từ sau cuộc nội chiến Trung Quốc vào thập niên 1940. Mãi đến năm 2005, Trung Quốc còn đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự nếu Đài Loan đi chệch quá xa tiến tới độc lập hợp pháp tách khỏi Trung Quốc.

Ông Lưu Nghĩa Quân, giáo sư công vụ tại trường Đại học Phật Quang ở Đài Loan nói:

“Điều quan trọng là những gì cá nhân Giáo sư Thái suy nghĩ về hình thức quan hệ giữa Đài Loan và lục địa Trung Quốc là gì vào lúc này. Nếu mọi sự không theo dự kiến về phía lục địa Trung Quốc thì chắc chắn bang giao sẽ trải qua những thay đổi nghiêm trọng. Không ai phủ nhận rủi ro đó”.

Quan điểm của Bắc Kinh

Trung Quốc đã cảnh báo bà Thái từ cuộc bầu cử là phải tiếp tục đối thoại với điều kiện một nước Trung Hoa, nhưng không đưa ra lời đe dọa cụ thể. Tuy nhiên hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc thao dượt quân sự.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị, bà Thái có thể dành từ 2 đến 3 tháng đầu nhiệm kỳ để thu thập ý kiến và dữ liệu nhằm hình thành một đề nghị đối thoại mà cả hai bên có thể chấp nhận.

Trong trường hợp bà Thái đưa ra một đề xuất, Bắc Kinh dự kiến sẽ không bãi bỏ những thỏa thuận được nhiều sự ủng hộ dưới chính quyền của ông Mã. Các giới chức Trung Quốc hy vọng những thỏa thuận đó sẽ gây phấn khởi cho công chúng Đài Loan về bang giao với Trung Quốc và một ngày nào đó đi tới thống nhất chính trị.

Nhưng Trung Quốc có thể trì hoãn một số thỏa thuận để nhắc nhở là không có đối thoại sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và vị thế trên trường quốc tế của hòn đảo.

Trung Quốc có thể mua đứt một vài trong số 22 đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan, cấp ít giấy phép hơn cho du khách đến Đài Loan, yêu cầu các sinh viên trao đổi tránh xa hòn đảo và yêu cầu trục xuất nhiều người Đài Loan hơn từ các nước thứ ba về Trung Quốc nếu bị nghi là gian lận.

Nỗ lực đó đã bắt đầu sau cuộc bầu cử. Hồi tháng 3, Trung Quốc đã lập quan hệ ngoại giao với cựu đồng minh Gambia của Đài Loan và 1 tháng sau, ra lệnh trục xuất 67 người Đài Loan bị nghi là gian lận từ nước ngoài về Trung Quốc. Kể từ sau cuộc bầu cử, Trung Quốc đã cắt giảm số giấy phép du hành, nổi bật là trong tuần nghỉ lễ Lao động 1 tháng 5.

Bà Thái cũng được trông đợi hoãn lại mọi quyết định về khẳng định chủ quyền gây tranh cãi về khu vực rộng 3,5 triệu kilomet vuông ở Biển Đông. Ông Mã đã đi tiên phong trong khẳng định này trong năm vừa qua, nhưng nỗ lực của ông lại có tác dụng ủng hộ Bắc Kinh. Trung Quốc và Đài Loan sử dụng cùng một cơ sở lịch sử để đưa ra khẳng định chủ quyền lãnh hải, gây khó chịu cho 4 nước ở Đông Nam Á.

Các Chính sách của bà Thái

Tổng thống sẽ tập trung phần lớn vào các chính sách kinh tế trong nước nhắm giúp cho người dân thường Đài Loan sống tốt hơn, theo lời phát ngôn viên nội các Đồng Chấn Nguyên. Bà đã cam kết phát triển năng lượng gió và mặt trời trong khi cắt giảm năng lượng hạt nhân. Ông Đồng nói các chính sách khác sẽ ủng hộ kỹ thuật sinh học và quốc phòng. Ông nói thêm rằng bà Thái cũng sẽ “quân bình” quan hệ thương mại nay ngả nhiều hơn về phía Trung Quốc, để hướng tới các thị trường khác.

Nhà lập pháp La Trí Chính của đảng Dân Tiến nói:

“Bà ấy cần phải chứng tỏ bà có các chính sách về đường lối chính sách cho nền kinh tế Đài Loan, do đó đấy sẽ là một trong nhiều lãnh vực chính sách bà cần phải giải quyết – liệu bà có thể đưa ra một chính sách để đa dạng hóa các đối tác thương mại của chúng ta, các thị trường du lịch của chúng ta hay không, vân vân”.

Trong khi đi vận động, bà Thái nói bà sẽ xây 200.000 đơn vị gia cư với giá phải chăng, một sự nâng đỡ cho giới trẻ với mức lương thấp. Sau đó, theo ông Đồng, bà sẽ nhắm mục tiêu vào lương hướng và công ăn việc làm.

Ông Hoàng Tuấn Vinh, một người lãnh đạo nhóm hoạt động Công vụ Thanh Niên Đài Loan, nói:

“Môi trường tìm việc không qua mạnh và lương hướng đã chịu áp lực xuống rất thấp. Cơ bản điều chúng ta hy vọng nhiều nhất là chính phủ mới có thể giúp người trẻ tìm việc. Chúng ta cần thấy các chính sách thực sự. Chúng ta có một sự trông đợi nhưng chúng ta cần phải theo dõi”.

Lâu nay vẫn ủng hộ cái gọi là chính sách một nước Trung Quốc, Hoa Kỳ hôm nay tỏ ý trông đợi hợp tác với chính phủ mới ở Đài Loan.

Học viện Mỹ, cơ quan đại diện các quyền lợi của Hoa Kỳ ở Đài Loan vì không có quan  hệ ngoại giao chính thức, đã ra một thông cáo nói rằng: “Chúng tôi trông đợi hợp tác với chính quyền mới, cũng như với tất cả các chính đảng và các tổ chức xã hội dân sự của Đài Loan, để tăng cường thêm quan hệ giữa nhân dân hai bên”. - VOA

***
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc tập trận quân sự gần đây trên bờ biển phía đông nam là các cuộc diễn tập thường niên, sau khi truyền thông Trung Quốc trước đó gợi ý rằng các cuộc diễn tập này có thể đã được hoạch định diễn ra trước lễ nhậm chức của tổng thống Đài Loan từ một đảng ủng hộ độc lập cho Đài Loan.

Trung Quốc và  Đài Loan đã trải qua thời kỳ tái lập quan hệ hữu nghị dưới sự điều hành của Quốc Dân Đảng thân thiện với Trung Quốc.

Tuy nhiên, mối quan hệ đã trở nên căng thẳng với Đảng Dân tiến (DPP) và bà Thái Anh Văn, người sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan vào thứ Sáu.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã thực hiện ít nhất 3 cuộc diễn tập ở bờ biển phía đông nam kể từ đầu tháng 5.

Cuộc tập trận lớn nhất đã diễn ra trong những ngày gần đây bởi một trung đoàn thuộc Quân đoàn 31 của quân đội Trung Quốc, đóng quân tại tỉnh Phúc Kiến, ngang qua eo biển Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc tập trận này nhằm gia tăng đáp ứng đối với ‘các đe dọa an ninh’.

Bộ cho biết trong một thông báo ngắn trên trang web: “Những cuộc tập trận này được sắp xếp theo kế hoạch luyện tập thường niên”.

“Các cuộc diễn tập không nhắm vào bất kỳ mục tiêu cụ thể. Các cá nhân có liên quan không nên diễn giải quá mức”, Bộ cho biết thêm.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra một thông báo tương tự sau khi truyền thông nhà nước đăng tải một đoạn phim của cuộc thao dượt đổ bộ và bắn đạn thật chỉ vài ngày sau khi bà Thái Anh Văn và Đảng Dân tiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 1.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã không đề cập đến Đài Loan trong bản tin về các cuộc diễn tập, mặc dù một số phương tiện truyền thông trong nước của Trung Quốc đã gợi ý rằng thời điểm có thể đã được hoạch định trước lễ nhậm chức của bà Thái nhằm ngăn chặn các động thái ủng hộ độc lập.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đoạn phim gần đây trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc về những cuộc tập trận liên quan đến kế hoạch diễn tập thường niên của Quân đội Trung Quốc và Đài Loan đã nắm được tình hình, nhưng từ chối bình luận thêm.

Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về sự nguy hiểm của việc quan hệ Trung – Đài đang trở nên xấu đi tại thời điểm hải quân Trung Quốc ngày càng chứng tỏ sức mạnh của mình ở Biển Đông và Hoa Đông và mở rộng chủ quyền lãnh thổ.

Quân đội Đài Loan cảnh báo rằng Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu giống các địa điểm ở Đài Loan.

Đài Loan cũng ước tính Trung Quốc nhắm hàng trăm tên lửa vào đảo này. - VOA
|
|

3.
Tìm thấy mảnh vỡ máy bay EgyptAir

Quân đội và hãng hàng không quốc gia Ai Cập cho hay đã tìm thấy mảnh vỡ chiếc máy bay mất tích của EgyptAir.

Hôm thứ Năm 19/5 chuyến bay MS804 đang trên đường từ Paris tới Cairo với 66 hành khách và phi hành đoàn thì biến mất.

Phát ngôn viên của quân đội Ai Cập nói đã phát hiện ra mảnh vỡ và đồ dùng của hành khách cách Alexandria khoảng 290km.

Trong một thông cáo, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi bày tỏ "sự tiếc thương to lớn" về vụ tai nạn.

EgyptAir cũng xác nhận đã phát hiện mảnh vỡ trên Twitter.

Các nhóm của quân đội Hy Lạp, Ai Cập, Pháp và Anh quốc tham gia chiến dịch diễn ra gần đảo Karpathos của Hy Lạp.

Hy Lạp nói radar cho thấy chiếc Airbus A320 đã đổi hướng đột ngột hai lần và rớt hơn 7.620m trước khi đâm xuống biển.

Ai Cập thì cho rằng tai nạn này xảy ra có lẽ là do khủng bố hơn là lỗi kỹ thuật.

Thế nhưng 24 tiếng đồng hồ sau khi máy bay mất tích, chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Đa số hành khách trên chuyến bay MS804 là từ Ai Cập và Pháp. Có một người là công dân Anh.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã ra lệnh cho bộ hàng không dân dụng nước này cùng lực lượng hải quân, không quân và cơ quan tìm kiếm cứu nạn làm tất cả những gì có thể để tìm mảnh vỡ.

Trọng tâm điều tra

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nṕi sáng thứ Sáu 20/5 rằng cho tới nay "hoàn toàn chưa có chỉ dấu gì" về nguyên nhân máy bay rơi.

Ba nhân viên từ cơ quan điều tra tai nạn hàng không của Pháp cùng với chuyên gia kỹ thuật của Airbus cũng đang tham gia cuộc điều tra của Ai Cập.

Tại Pháp người ta đang tìm hiểu liệu có vi phạm quy trình an ninh tại sân bay Paris Charles de Gaulle hay không.

Sau đợt tấn công Paris tháng 11 năm ngoái, một số nhân viên sân bay đã bị tước quyền ra vào vì quan ngại liên quan khủng bố Hồi giáo.

Eric Moucay, luật sư cho một số người trong đó, nói với BBC rằng phe Hồi giáo quá khích đã tìm cách tuyển dụng nhân viên sân bay.

Hồi tháng 10/2015 một chiếc Airbus A321 của hãng hàng không Nga Metrojet đã nổ tung trên bán đảo Sinai, Ai Cập, làm toàn bộ 224 người bên trên thiệt mạng.

Một nhóm thánh chiến liên quan tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đã đặt bom máy bay này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: "Chúng ta sẽ kết luận khi nào biết được sự thật".

"Liệu đó là tai nạn hay là khủng bố, điều mà chúng ta đang nghĩ đến."

Những gì đã xảy ra?

Chuyến bay MS804 rời Paris lúc 23:09 giờ địa phương hôm thứ Tư 18/5 (04:09 sáng 19/5 giờ Hà Nội) và theo lịch sẽ tới Cairo, thủ đô Ai Cập, lúc 03:15 giờ địa phương ngày 19/5 (08:15 giờ Hà Nội).

Trên máy bay có 56 hành khách, phi hành đoàn bảy người và ba nhân viên an ninh.

Giới chức hàng không Hy Lạp nói các nhân viên không lưu đã nói chuyện với phi công khi máy bay vào không phận Hy Lạp và mọi việc lúc đó đều bình thường.

Họ tìm cách liên lạc với máy bay lúc 02:27 giờ Cairo khi nó chuẩn bị vào không phận Ai Cập nhưng không thấy trả lời. Hai phút sau máy bay biến mất khỏi radar.

Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos nói với các phóng viên: "Hiện những gì chúng tôi được biết là máy bay đã ở vị trí cách vùng thông báo bay FIR của Ai Cập 10-15 dặm ở độ cao 37.000 feet.

"Lúc đó nó đổi hướng sang trái 90 độ và rồi lại quay sang phải 360 độ, rơi từ độ cao 37.000 xuống 15.000 feet và tới độ cao khoảng 10.000 feet thì biến mất."

Bộ trưởng Hàng không Ai Cập Sherif Fathi nói: "Nếu như phân tích tình hình một cách kỹ lưỡng thì khả năng tấn công khủng bố cao hơn là khả năng lỗi kỹ thuật". - BBC
|
|

4.
Venezuela tập trận rầm rộ chống "can thiệp"

Nửa triệu binh lính Venezuela trong hôm nay 20/05/2016 và ngày mai tham gia cuộc tập trận theo lệnh của tổng thống Nicolas Maduro. Ông Maduro nêu lý do là mối đe dọa của một "sự can thiệp từ bên ngoài", trong khi các nhà hòa giải quốc tế đang cố gắng giúp nối lại đối thoại giữa chính quyền với phe đối lập.

Trong khuôn khổ "tình trạng đặc biệt" được tổng thống tuyên bố, có 519.000 quân nhân và dân quân được huy động tham gia cuộc tập trận kéo dài hai ngày nhằm đối phó với "mối đe dọa của ngoại bang" – theo ông Maduro. Nhưng theo nhà phân tích Benigno Alarcon, sở dĩ chính quyền cho tập trận quy mô như vậy là để gây sợ hãi trong dân chúng. Về phía thủ lãnh đối lập Henrique Caprilles, đã nhiều lần kêu gọi người dân và quân đội bất tuân dân sự.

Căng thẳng lên cao từ đầu tháng Năm, khi phe đối lập tập hợp được 1,8 triệu chữ ký để tổ chức trưng cầu dân ý về việc truất phế ông Maduro. Sáng kiến này bị chính quyền bác bỏ, tuy một ủy ban bầu cử sẽ có kết luận chính thức về vấn đề trên.

Những ngày gần đây, Venezuela đang sôi sục trước khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội. Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố "tình trạng đặc biệt", tự trao cho mình nhiều quyền hạn hơn về an ninh, và về phân phối thực phẩm, năng lượng ; nhưng bị Quốc Hội bác bỏ. Tối qua, nghị định của tổng thống được Tòa án tối cao – bị cáo buộc là thân cận với ông Maduro - cho là "hợp hiến".

Nhiều cựu nguyên thủ nước ngoài trong đó có cựu thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodriguez Zapatero, theo đề nghị của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), đã cố gắng hòa giải. Tối qua phái đoàn đã tiếp xúc với phe đối lập và trước đó đã gặp gỡ tổng thống Venezuela tại Caracas.

Đối lập từ nay chiếm đa số tại Quốc Hội, nhấn mạnh ưu tiên cho cuộc trưng cầu dân ý ; còn ông Maduro hy vọng cuộc đối thoại sẽ chấm dứt "thái độ muốn đảo chính" của họ. Human Rights Watch và bốn cựu tổng thống Colombia kêu gọi các thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OEA) có thái độ cứng rắn hơn với chính quyền Caracas.

Lạm phát ở Venezuela trong năm 2015 lên đến 180,9%, cao nhất thế giới, và GDP sụt giảm 5,7%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2016 của Venezuela sẽ vọt lên 700%. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Linh mục Nguyễn Văn Lý được trả tự do --- Công dân Mỹ gốc Việt mất tích trước khi Tổng thống Obama đến Việt Nam

Một linh mục bất đồng chính kiến nổi tiếng được Việt Nam phóng thích sớm vài ngày trước chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Trong suốt gần 20 năm qua, linh mục Nguyễn Văn Lý bị cầm tù hoặc bị quản chế tại gia vì các hoạt động kiên định tranh đấu đòi tự do dân chủ cho người dân Việt Nam.

Thân nhân linh mục Lý cho VOA Việt ngữ biết ông về tới Tòa Tổng Giám mục Huế lúc 7 giờ 55 phút sáng 20/5.

Bà Nguyễn Thị Hiểu, chị linh mục Lý:

“Cha quản lý Tòa Tổng Giám mục có gọi vô cho trong nhà biết. Họ đưa về ban đêm, gần 8 giờ sáng về tới Huế. Bước xuống xe, cha nhận toàn xá ban phép lành của Đức cha rồi vô làm thủ tục nhận quản lý. Gia đình không được biết trước. Cách đây 3 tuần khi trong nhà vào tù thăm thì cha Lý nói khoảng 10/8 mới về. Nhưng bây giờ nó cho về trước chắc có lẽ vì ông Obama sắp qua”.

Bà Hiểu cho biết tình trạng sức khỏe của linh mục Lý hiện ‘không đến nỗi’ và ông sẽ tiếp tục bị quản thúc 5 năm theo án lệnh hồi năm 2007.

Trên các trang mạng xã hội, người ta lan truyền hình ảnh từ Tòa Tổng Giám mục Huế cho thấy linh mục Lý được mọi người chào đón sáng 20/5 khi ông trở lại nơi từng cư trú trước khi bị bắt.

Tháng 3 năm 2007, ông bị Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự trong một phiên xử không có luật sư.

Linh mục Lý, nay đã 70 tuổi, bị Hà Nội kết án 4 lần với tổng cộng hơn 53 năm tù giam.

Ông từng chịu tù khổ sai và bị biệt giam hơn 23 năm, bị quản thúc trên 15 năm trước bản án 8 năm tù tuyên hồi 2007 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau các hoạt động mà giới bảo vệ nhân quyền xem là cổ xúy cho quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận tại Việt Nam, nhưng bị nhà cầm quyền Hà Nội gọi là ‘chống phá nhà nước’.

Linh mục Lý từng nhiều lần được các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới và các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, kêu gọi phóng thích nhưng không được chính phủ Việt Nam hồi đáp.

Hà Nội nói các hoạt động của nhà bất đồng chính kiến này vi phạm pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên dưới áp lực quốc tế, giữa tháng 3 năm 2010, Hà Nội đã tạm hoãn thi hành án cho linh mục Lý về địa phương chữa bệnh hơn 1 năm vì một khối u trong não.

Linh mục Lý được nhiều người biết đến qua các bài viết kêu gọi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, đa đảng tại Việt Nam; qua các cuộc tuyệt thực trong trại giam; qua tinh thần tranh đấu kiên định; và đặc biệt là qua bức ảnh ông bị bịt miệng trước tòa hồi năm 2007.

Ông bị cáo buộc ‘tiếp tay’ thành lập khối 8406 vào năm 2006, một trong những liên minh dân chủ đầu tiên tại Việt Nam.

Linh mục Lý từng được đề cử nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 2013 và Giải Nhân quyền Sakharov năm 2010 vì tinh thần bất khuất tranh đấu cho nhân quyền, bất chấp sự đàn áp thường xuyên từ nhà chức trách.

Một bài xã luận trên báo Wall Street Journal của Mỹ từng nhắc đến Linh mục Nguyễn Văn Lý như một trong những người xứng đáng được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2007 hơn cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

Linh mục Lý được trả tự do giữa thời điểm vấn đề nhân quyền Việt Nam bị lưu ý như một trở ngại chính trong các quyết định tăng cường bang giao Việt-Mỹ về mọi mặt, nhất là kinh tế và quân sự, nhân chuyến công du của Tổng thống Obama tới Việt Nam vào đầu tuần sau.

Hiện vẫn còn hàng trăm nhà hoạt động và các blogger bị cầm tù tại Việt Nam, trong số này có nhà bất đồng chính kiến đang thọ án 16 năm tù Trần Huỳnh Duy Thức, người tuyên bố bắt đầu tuyệt thực vô thời hạn từ ngày 24/5 để phản đối những vi phạm nhân quyền của chính phủ Hà Nội. - VOA

***
Một công dân Mỹ mất tích tại Sài Gòn trước khi Tổng thống Obama đến Việt Nam.

Cô Nancy Nguyễn, có biệt danh Bánh Ngọt được bạn bè và người thân cho là mất tích đêm hôm qua sau khi về tới Sài Gòn ba ngày trước. Trên Facebook của cô công khai một bức thư gửi cho cha mẹ nói rằng cô về Việt Nam để thực hiện giấc mơ tranh đấu của cô.

Nancy Nguyễn đã tới thăm Dòng Chúa Cứu Thế và Linh mục Lê Ngọc Thanh thông báo trên Facebook của ông rằng rất lo ngại cho sự biến mất của cô.

Chiều tối hôm qua không ai liên lạc được với Nancy và có nguồn tin chưa tiện tiết lộ báo rằng cô đã bị công an bắt.

Nancy Nguyễn từng tham gia biểu tình ở Hồng Kông khi phong trào dù vàng nổ ra. Cô hăng say trong sinh hoạt chính trị ở hải ngoại nhưng luôn chủ trương bất bạo động và tin tưởng vào sự thành công của phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Trong thời gian gần đây nhiều người trẻ hải ngoại đã có mặt tại Việt Nam để có thể quan sát, tham dự các cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường trước chuyến công du của tổng thống Obama đến Việt Nam vào ngày 22 tháng này. - RFA
|
|

6.
Dân biểu Mỹ 'muốn giữ cấm vận vũ khí'

Vài ngày trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, một số dân biểu đồng loạt lên tiếng về việc ‘giữ lệnh cấm vận vũ khí’.

Hôm 19/5, Dân biểu Alan Lowenthal cùng các dân biểu khác đã gửi thư kêu gọi Tổng thống Obama giữ nguyên lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

“Chúng tôi không thấy chỉ dấu nào cho thấy Việt Nam có thiện chí cải thiện hồ sơ nhân quyền, và đó là điều kiện phải có trước khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương”, ông Lowenthal viết.

“Chúng tôi kêu gọi Tổng thống xem xét toàn diện những tác động có thể xảy ra nếu lệnh cấm vận được bãi bỏ trong khi Hà Nội tiếp tục có thái độ và hành vi không tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam.”

“Chính quyền Việt Nam đã và đang tiếp tục bắt giam hàng chục người, gồm các luật sư bảo vệ nhân quyền, blogger, nhà lãnh đạo tôn giáo, và các nhà hoạt động vì quyền lao động. Các nhà hoạt động tại Việt Nam phải đối mặt không chỉ với mối đe dọa tù đày mà còn là bạo hành thân thể.”

Lá thư gửi Tổng thống Obama nêu rõ trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài và bà Trần Thị Hồng, vợ mục sư Nguyễn Công Chính, bị công an tấn công sau khi phái đoàn Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo ghé thăm.

Cùng thời điểm, Dân biểu liên bang Loretta Sanchez, thông báo đề nghị bổ sung về Việt Nam của bà đã được lồng vào Đạo luật Ủy Quyền Quốc Phòng FY17 mà Hạ viện vừa thông qua.

Đề nghị cho hay “việc gia tăng quan hệ quân sự với Việt Nam phải tùy thuộc vào Việt Nam có cam kết cải thiện nhân quyền hay không”.

“Tổng thống Obama sắp viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên để thảo luận về mối quan hệ xa hơn trong lãnh vực kinh tế và quân sự. Chính quyền Hoa Kỳ cho thấy ý định gỡ bỏ lệnh cấm vẫn vũ khí với Việt Nam, dầu chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền”.

'Thông điệp rõ ràng'

“Nhân quyền phải được đặt ưu tiên và tôi tin rằng việc chấp nhận đề nghị bổ sung của tôi là một bước tiến đúng hướng”.

“Năm 2014, Hoa Kỳ đã cung cấp 18 triệu đôla viện trợ an ninh đường biển cho Việt Nam. Tuy thế, Việt Nam vẫn đang cầm tù hơn 100 tù nhân lương tâm và xếp hạng 175 thấp kém trong số 180 quốc gia về tự do báo chí”.

“Đã đến lúc chúng ta gửi thông điệp rõ ràng đến chính quyền Việt Nam là việc hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.”

Trước đó, bà Sanchez cùng 19 dân biểu lưỡng đảng ký thư kêu gọi Tổng thống Obama nêu lên mối quan tâm về việc đàn áp nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam và kêu gọi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm Việt Nam trong chuyến viếng thăm Việt Nam.

Dân biểu Sanchez tin rằng Hoa Kỳ phải buộc Việt Nam có trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền tồi tệ và rộng khắp trước khi tiến đến quan hệ kinh tế khả thi.

Hôm 12/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Hà Nội hoan nghênh việc Mỹ "đẩy nhanh" việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Bộ này viết trong một thông cáo gửi tới hãng tin Reuters rằng bỏ cấm vận vũ khí là phản ánh lòng tin giữ ahai quốc gia và thừa nhận nhu cầu tự vệ của Việt Nam.

Văn bản này được gửi đi hơn một tuần trước khi Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam.

Cuối năm 2014 Washington đã gỡ một phần lệnh cấm vận nhưng Việt Nam muốn nó được bỏ hoàn toàn.

Cấm vận vũ khí được cho như một trong những tàn dư cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, tuy nhiên Hoa Kỳ lâu nay khẳng định việc có xóa bỏ nó hay không phụ thuộc vào tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.

Đang có hy vọng Tổng thống Obama sẽ thông báo bỏ hoàn toàn cấm vận khi ông tới Hà Nội ngày 22/5 tới tuy giới thạo tin cho rằng chưa có chỉ dấu gì cho thấy điều này sẽ xảy ra.

Văn bản của Bộ Ngoại giao gửi tới Reuters viết: "Chúng tôi hoan nghênh việc Hoa Kỳ thúc đẩy gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam". - BBC

No comments:

Post a Comment