Wednesday, December 20, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 21/12

Tin Thế Giới


1.

Vụ Jerusalem: Trump dọa cắt viện trợ nước nào chống lại Mỹ


Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 dọa cắt viện trợ tài chính cho các nước biểu quyết ủng hộ dự thảo nghị quyết Liên hiệp quốc kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.


“Họ đã hưởng hàng trăm triệu đô la, thậm chí hàng tỷ đô la, rồi bây giờ họ bỏ phiếu chống lại chúng ta. Chúng ta sẽ theo dõi sát các lá phiếu này. Cứ để họ biểu quyết chống lại chúng ta đi. Chúng ta sẽ tiết kiệm được bộn tiền. Chúng ta không màng,” ông Trump phát biểu trước báo giới tại Tòa Bạch Ốc.


193 thành viên Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ tổ chức cuộc họp khẩn đặc biệt vào ngày 21/12, theo yêu cầu của các nước Ả Rập và Hồi giáo, để biểu quyết về dự thảo nghị quyết. Dự thảo này đã bị Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an 15 thành viên hôm 18/12.


Ngoại trừ Mỹ, 14 thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Ai Cập soạn thảo. Dự thảo nghị quyết này, dù không nêu tên Mỹ hay nhắc tới ông Trump, nói rằng các quyết định gần đây về tình trạng của Jerusalem là rất đáng tiếc.


Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, trong thư gửi cho hàng chục nước trong Liên hiệp quốc, khuyến cáo rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu bà báo cáo những nước nào biểu quyết chống lại Mỹ.


Một số nhà ngoại giao cao cấp cho rằng cảnh báo này không thể thay đổi nhiều lá phiếu tại Đại hội đồng, nơi hiếm có những lời đe dọa trực tiếp, công khai.


Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, ông Miroslav Lajcak, từ chối bình luận về phát biểu của ông Trump, chỉ nói rằng “Bày tỏ quan điểm là quyền và trách nhiệm của các nước thành viên.”


‘Hiếp đáp’


Tháng này, Tổng thống Trump bất chợt đảo ngược chính sách của Mỹ mấy chục năm nay khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, khiến người Palestine và thế giới Ả Rập phẫn nộ trong khi các đồng minh phương Tây của Mỹ quan ngại.


Ông Trump cũng muốn dời tòa đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Dự thảo nghị quyết Liên hiệp quốc kêu gọi tất cả các nước chớ lập phái bộ ngoại giao tại Jerusalem.


Israel coi Jerusalem là thủ đô của họ và muốn các nước đặt sứ quán tại đây. Người Palestine muốn đặt thủ đô của một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai tại phía Đông của Jerusalem, nơi bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến 1967 và sáp nhập, một động thái chưa bao giờ được quốc tế công nhận.


Đáp trả đe dọa của đại sứ Mỹ Haley, đại sứ Bolivia tại Liên hiệp quốc, Sacha Sergio Llorentty Solíz, tuyên bố: “Nước đầu tiên mà bà ấy nên ghi chú xuống là Bolivia. Chúng tôi lấy làm tiếc về thái độ ngạo mạn và thiếu tôn trọng đối với quyết định tự quyết của các nước thành viên và đối với cơ chế đa phương.” - VOA

|

|


2.

Trung Quốc công bố kế hoạch giảm khí thải


Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm số 1 trên thế giới. Trung Quốc đốt nhiều than hơn thế giới còn lại.


Ngày 19/12, Bắc Kinh đề ra mục tiêu đạt một danh hiệu khác phản ánh tham vọng của Trung Quốc thay đổi tất cả: là nước có thị trường tài chánh lớn nhất trên thế giới dành cho việc làm sạch không khí khi công bố kế hoạch bắt đầu một thị trường khổng lồ đổi tín dụng lấy quyền thải khí thải nhà kính.


Thị trường trên toàn quốc sơ khởi bao gồm một lãnh vực rộng lớn là những nhà máy điện quốc doanh, nơi sản xuất gần một nửa khí thải nội địa từ việc đốt các sản phẩm hóa thạch. Nếu thành công như dự tính, thị trường khí thải sẽ giúp các công ty điện lực Trung Quốc hoạt động sạch hơn.


Loan báo được chờ đợi lâu nay này sẽ đẩy mạnh những nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Trump trong năm nay ra chỉ dấu là Hoa Kỳ sẽ rút lại lời hứa của Tổng thống Obama giảm bớt khí thải. Việc này cũng có thể được sử dụng như một thí điểm khổng lồ về thị trường khí các-bon sau khi những nỗ lực trước đây tại châu Âu và ở mức địa phương tại Trung Quốc thất bại.


“Hành động của Trung Quốc thành lập một thị trường các-bon lớn nhất thế giới là một chỉ dấu mạnh mẽ khác nữa cho thấy một cuộc cách mạng bền vững toàn cầu đang tiến hành,” cựu Phó Tổng thống Al Gore, đồng thời là một tiếng nói có uy tín về môi trường cho biết trong một tuyên bố.


Chính phủ không công bố thời hạn rõ rệt, những qui luật và các chi tiết khác còn phải bàn thêm. Tuy nhiên các tổ chức môi trường làm việc với chính phủ nói rằng việc này có thể xảy ra trong vòng vài năm tới. “Mọi chuyện phải diễn ra từ từ từng bước một,” ông Li Junfeng, một cố vấn cao cấp của chính phủ về kế hoạch thị trường các-bon nói.


Loan báo của Trung Quốc cũng có thể làm một số người thất vọng vì họ hy vọng thị trường khí thải chờ đợi từ lâu phải bao gồm những nền kinh tế lớn hơn như Hoa Kỳ chẳng hạn.


Thị trường tiêu dùng xe hơi của Trung Quốc đang phát triển mạnh, lãnh vực nông nghiệp được công nghiệp hóa và những khu phức hợp hóa chất khổng lồ, các nhà máy xi măng và thép cũng là những nơi phát sinh khí thải khổng lồ của Trung Quốc.


Theo thị trường khí thải, các công ty điện lực và những công ty khác phải trả tiền để được quyền thải khí thải vượt mức qui định của chính phủ. Những công ty giảm bớt lượng khí thải của mình có thể bán giấy phép thải khí thải cho những công ty gây ô nhiễm nhiều hơn với giá phải chăng. - VOA

|

|


3.

Mỹ đề nghị Trung Quốc mạnh tay hơn với Triều Tiên - - - Mỹ, Canada tổ chức Thượng đỉnh 16 nước về hạt nhân Triều Tiên


Washington muốn hạn chế nghiêm ngặt hơn nguồn cung cấp xăng dầu cho Bình Nhưỡng trong số những hạn chế khác.


Hoa Kỳ đã chuyển cho Trung Quốc một dự thảo nghị quyết chế tài Triều Tiên mạnh mẽ hơn và hy vọng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ bỏ phiếu nhanh chóng về nghị quyết này, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết hôm 19/12.


Một giới chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump xác nhận là những nỗ lực đang được tiến hành để thương thuyết về nghị quyết mới, nhưng nói thêm là chưa có thỏa thuận.


Hiện chưa rõ chi tiết về dự thảo nghị quyết trao cho Trung Quốc trong tuần trước, nhưng Hoa Kỳ mong muốn gia tăng chế tài toàn cầu nhằm áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí chế tạo một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới đất liền Mỹ.


Trong số những bước Hoa Kỳ mong muốn là thắt chặt những hạn chế về nguồn cung cấp xăng dầu cho Triều Tiên ở mức 2 triệu thùng mỗi năm theo như những chế tài trước đây của Liên hiệp quốc.


Trung Quốc cung cấp hầu hết xăng dầu cho Triều Tiên. Bắc Kinh đã ủng hộ những vòng chế tài liên tiếp của Liên hiệp quốc nhưng đã chống lại những lời kêu gọi của Hoa Kỳ trước đây về việc cắt nguồn cung cho nước láng giềng. Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington và Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh không trả lời yêu cầu bình luận về việc này.


Bất cứ những hành động nào hạn chế việc xuất khẩu xăng dầu của Trung Quốc cho Triều Tiên đều có tác động hạn chế sau khi Công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc ngưng bán dầu diesel và xăng cho Bình Nhưỡng vào tháng 6 năm nay vì lo ngại là công ty quốc doanh này sẽ không được chi trả.


Kể từ đó việc kinh doanh chậm lại vì không có chuyến hàng nào chở diesel, xăng và các loại dầu khác trong tháng 10. Dữ liệu tháng 11 sẽ được công bố vào ngày 25/12.


Hoa Kỳ cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ghi vào sổ đen 10 tàu hàng vì đã phá hỏng kế hoạch chế tài Triều Tiên, theo như những tài liệu Reuters thấy được.


Tài liệu cho biết các tàu này đã chuyển xăng dầu cho các tàu Triều Tiên hay chở than của Triều Tiên, vi phạm những nghị quyết hiện có của Liên hiệp quốc.


Tuần này, Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, gọi Bắc Kinh là một đối thủ cạnh tranh tìm cách thách thức quyền lực của Hoa Kỳ. Đáp lại, sáng ngày 19/12, Trung Quốc tuyên bố sự hợp tác giữa Bắc Kinh với Washington sẽ đưa đến kết quả là hai bên cùng có lợi, nhưng đối đầu sẽ làm cho hai nước đều tổn hại. - VOA


***

Hoa Kỳ và Canada sẽ đồng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quy tụ 16 quốc gia vào tháng tới ở Canada để thể hiện tình đoàn kết chống lại mối đe dọa ngày càng tăng do chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây ra.


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nói về tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh ngày 16/1/2018 sau khi cuộc hội đàm tại thủ đô Ottawa của Canada.


Ông Rex Tillerson phát biểu: "Để gửi đến Triều Tiên một thông điệp thống nhất từ cộng đồng quốc tế, rằng chúng tôi không chấp nhận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân, một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Và tất cả chúng tôi đều có chung một chính sách và một mục tiêu. Đó là phải hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và theo cách có thể kiểm chứng được".


Hồi cuối tháng trước, Triều Tiên đã làm leo thang căng thẳng sau khi phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, có khả năng bay tới miền đông Hoa Kỳ.


Các quốc gia sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Vancouver vào tháng tới gồm có: Úc, Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand, Phillippines, Thái Lan, Pháp, Ethiopia, Hy Lạp, Colombia, Bỉ, Nam Phi, Hà Lan, Luxembourg và Hoa Kỳ.


Cùng tham gia sẽ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. - VOA

|

|


4.

Iran phản đối việc bị Mỹ cáo buộc cung cấp vũ khí cho Yemen


Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm thứ Tư 20/12 nói với truyền thông nhà nước rằng Iran sẽ "làm rõ các cáo buộc vô căn cứ" do Hoa Kỳ đưa ra, tố cáo quân nổi dậy ở Yemen đã sử dụng vũ khí do Iran cung cấp để tấn công Ả-rập Xê-út.


Hãng thông tấn của nhà nước Iran trích lời ông Zarif nói rằng những động thái của Hoa Kỳ mang tính khiêu khích, và rằng Hoa Kỳ đang cố gắng "che giấu sự ủng hộ của họ đối với vụ đánh bom nhắm vào người Yemen vô tội bằng cách tung ra những lời tố cáo như vậy."


Iran ủng hộ phiến quân Houthis nắm quyền kiểm soát thủ đô Yemen vào cuối năm 2014, nhưng phủ nhận việc họ đã cung cấp vũ khí cho nhóm này. Trong 3 năm qua, Hoa Kỳ hậu thuẫn cho một liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu, chống lại phiến quân Houthis, để ủng hộ Tổng thống của Yemen được quốc tế công nhận, là ông Abdu Rabu Mansour Hadi.


Tại New York, Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ nửa năm để bàn việc thực thi nghị quyết ủng hộ thỏa thuận năm 2015 nhằm ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân.


Tại phiên họp này, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley nêu vấn đề Iran chuyển giao vũ khí cho Yemen mà nếu được xác minh là đúng, là một hành động vi phạm lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với phiến quân Houthi, và lệnh cấm vận đối với Iran.


Đặc sứ Mỹ nói có một số lựa chọn mà hội đồng có thể theo đuổi để gây áp lực cho Iran. Các lựa chọn này bao gồm việc tăng cường các điều khoản trong nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân; thông qua một nghị quyết mới nhấn mạnh rằng Iran bị cấm tất cả các hoạt động tên lửa đạn đạo; và khả năng xử phạt Iran vì nước này vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Yemen.


Cuộc xung đột tại Yemen đã làm thường dân nước này bị thương tổn nặng nề.


LHQ hôm thứ Ba 19/12 cho biết đã kiểm tra các cuộc không kích, và cho biết 136 thường dân và thuộc thành phần phi quân sự bị giết chết trong nửa đầu tháng 12. Vẫn theo nguồn tin này, Liên Hiệp Quốc đã thu thập chứng cớ, xác nhận có tất cả 5.558 thường dân thiệt mạng, và 9.000 người bị thương kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. - VOA

|

|


5.

Hàn Quốc đề xuất hoãn tập trận với Mỹ đến sau Thế vận hội - - - Tàu tuần duyên Hàn Quốc nã súng, đuổi tàu cá Trung Quốc


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Ba 19/12 nói rằng các cuộc tập trận chung vào năm sau với Hoa Kỳ có thể được hoãn lại cho đến sau Thế vận hội.


Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết ông đã "nêu đề xuất với Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ đang xem xét đề nghị này".


Một quan chức của Dinh Tổng thống ở Seoul 20/12 giải thích thêm rằng việc hoãn các cuộc tập trận chung còn tùy thuộc vào việc Triều Tiên kiềm chế, không có bất kỳ hành động khiêu khích nào trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018, sẽ được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng 2.


Tổng thống Moon nói tạm dừng các hành vi khiêu khích sẽ giúp tạo ra một "bầu không khí thuận lợi cho đối thoại liên Triều và đối thoại Mỹ-Triều".


Tuy nhiên, từ Ottawa, Canada, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm 19/12 nói ông không hay biết gì về bất cứ kế hoạch nào "thay đổi các cuộc tập trận thường lệ và định kỳ, mà ngày giờ đã được ấn định từ lâu".


Việc trì hoãn các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn có thể được xem như một bước thử đối với đề xuất của Trung Quốc và Nga, rằng nên đình chỉ các cuộc tập trận chung để đánh lấy việc Triều Tiên ngừng tiến hành thêm các cuộc thử hạt nhân và tên lửa.


Hoa Kỳ và Hàn Quốc theo định kỳ tổ chức các cuộc tập trận để chuẩn bị đối phó trong tình huống xảy ra xung đột với Triều Tiên. Các cuộc tập trận ‘Quyết tâm then chốt’ và ‘Đại bàng non’ thường diễn ra vào mùa xuân, với sự tham gia của khoảng 17.000 binh sĩ Hoa Kỳ và hơn 300.000 người Hàn Quốc.


Cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đều chưa đồng ý với đề xuất của Trung Quốc và Nga. - VOA


***

Tàu tuần duyên Hàn Quốc cho biết họ đã nã 250 phát đạn từ một khẩu súng máy và các vũ khí khác trong một vụ đụng độ với hàng chục tàu cá Trung Quốc.


Lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc cho biết vụ việc xảy ra hôm thứ Ba 19/12 khi hơn 40 tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của Hàn Quốc ở gần đảo Gageodo, ngoài khơi bờ biển phía Tây-Nam của Hàn Quốc.


Tàu của Trung Quốc bị chặn lại và được lệnh phải ra khỏi vùng biển này. Trong một thông báo, Tuần duyên Hàn Quốc cho biết đã nã súng cảnh cáo nhắm vào mũi các tàu của Trung Quốc, bắn 180 phát đạn từ một khẩu súng máy M-60, và gần 70 phát đạn từ các loại súng khác.


Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, hôm thứ Tư bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sự cố này. Bà nói:


“Trung Quốc luôn luôn đặt nặng tầm quan trọng của việc quản lý các nguồn cá ở nước ngoài và đã tích cực đề ra những biện pháp hữu hiệu tại các vùng biển có liên quan để duy trì trật tự trong các hoạt động đánh bắt cá.”


Bà Hoa Xuân Oánh nói bà “hy vọng phía Hàn Quốc sẽ xử lý vấn đề một cách đúng đắn, tránh có hành động quá tay có thể gây nguy hiểm tới tính mạng trong khi thực thi luật pháp, bảo đảm sự an toàn cùng quyền lợi chính đáng của ngư dân Trung Quốc.”


Bà hối thúc Hàn Quốc hãy tăng cường liên lạc thông tin với phía Trung Quốc.


Trong một thông báo hôm 20/12, lực lượng tuần duyên Hàn Quốc tố cáo rằng các tàu Trung Quốc đã tìm cách tấn công tàu tuần duyên của họ. Họ nói các tàu của Trung Quốc làm ngơ lệnh yêu cầu họ ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Hàn Quốc, và còn “tăng vận tốc chạy về hướng tàu tuần duyên Hàn Quốc.”


Một đoạn video ghi hình sự cố này cho thấy một súng máy nổ ngay tại mũi một chiếc tàu đang chạy nhanh về hướng tàu tuần duyện của Hàn Quốc.


Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều đặt bút ký kết, các nước có quyền tuyên bố khu đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 dặm kể từ bờ biển nước họ.


Điều này tạo ra một số vùng chồng lấn nhau giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, và vào năm 2001, hai nước đã ký một thỏa thuận song phương để quy định các hoạt động đánh bắt cá.


Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói các tàu Trung Quốc đã tiến sâu vào vùng biển của họ, vượt quá giới hạn được ghi trong thỏa thuận về ngư trường giữa hai bên, và được lệnh phải rút lui về vùng biển quốc tế. - VOA

|

|


6.

Myanmar: Đặc phái viên nhân quyền LHQ bị cấm cửa


Đặc phái viên về nhân quyền của LHQ ở Myanmar nói rằng chính phủ nước này đã ngăn cản, không cho bà tới Myanmar để đánh giá tình hình người Hồi giáo Rohingya.


Bà Yanghee Lee loan báo tin này hôm thứ Tư 20/12, trùng với ngày quân đội Miến Điện tiết lộ đã phát hiện 10 thi thể trong một ngôi mộ tập thể ở bang Rakhine ở vùng Tây-Bắc Myanmar, trước đây từng là quê hương của hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya trước khi họ chạy sang Bangladesh lánh nạn để thoát khỏi chiến dịch quân sự tàn bạo của quân đội Myanmar.


Ngôi mộ tập thể được phát hiện hôm Thứ Hai tại làng Inn Din. Quân đội Myanmar cho hay họ đang tiến hành một cuộc điều tra.


Bà Lee nói bà "lấy làm kinh ngạc và thất vọng" về quyết định của chính phủ Myanmar, mà theo bà, để lộ "dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy là ở bang Rakhine phải có điều gì thật khủng khiếp xảy ra."


LHQ miêu tả các hành động đàn áp được cho là do các lực lượng Myanmar tiến hành, là một trường hợp "tiêu biểu về hành động thanh tẩy sắc tộc." - VOA

|

|


7.

Đài Loan điều tra một đảng thân Bắc Kinh, Trung Quốc lên án gay gắt


Bắc Kinh vào hôm nay, 20/12/2017, đã lên án gay gắt chính quyền Đài Loan vì đã cho điều tra một đảng nhỏ đối lập rất thân với Bắc Kinh. Giới điều tra Đài Loan vào hôm qua, đã khám soát nhà của 4 viên chức thuộc Tân Đảng Đài Loan, bị tình nghi vi phạm Luật An Ninh Quốc Gia. Tân Đảng không có đại diện ở Quốc Hội Đài Loan.


Trả lời hãng tin Anh Reuters, phát ngôn của Tân Đảng cho biết là một phái đoàn của đảng này vừa đi thăm Trung Quốc vào tuần qua, và đã có tiếp xúc với giới chức thuộc cơ quan đặc trách Đài Loan của Trung Quốc.


Trong số những người bị chính quyền Đài Bắc điều tra, có ít nhất một người trong phái đoàn đi thăm Trung Quốc. Tân Đảng đã tố cáo chính quyền Đài Loan, cho rằng vụ lục soát nhà nói trên mang mục tiêu chính trị, vì Tân Đảng công khai chống việc Đài Loan độc lập.


Các công tố viên cũng như chính quyền Đài Loan đã không cho biết là những người nói trên bi nghi ngờ về việc gì. Riêng truyền thông Đài Loan thì giải thích rằng vụ khám soát có thể gắn liền với sự kiện một công dân Trung Quốc tên Chu Hoằng Húc (Zhou Hongxu) đã bị tòa án Đài Loan kết án tù vào tháng 9 vừa qua về tội vi phạm luật an ninh Đài Loan.


Trong một thông cáo ngắn tối qua, cơ quan đặc trách Đài Loan của Trung Quốc đã ca ngợi Tân Đảng về lập trường kiên quyết chống Đài Loan độc lập, và cổ vũ cho nguyên tắc « một nước Trung Hoa ».


Thông cáo nhấn mạnh : « Gần đây chính quyền Đài Loan đã bao che và đồng lõa với những xu hướng đòi độc lập và đàn áp những người muốn thống nhất một cách hòa bình… Chúng tôi cực lực lên án hành vi này và theo dõi sát sao diễn tiến vụ việc ».


Tân Đảng là thành phần đã ly khai khỏi Quốc Dân Đảng vào năm 1993. - RFI

|

|


8.

“Ấn Độ-Thái Bình Dương”: Trọng tâm Chiến Lược An Ninh mới của Mỹ


Ngày 18/12/2017, chính phủ Mỹ công bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia  (NSS) mới, chiến lược đầu tiên thời tổng thống Trump. Bên cạnh vấn đề được chú ý hàng đầu là việc Washington coi Nga và Trung Quốc như hai đối thủ chính (1), đe dọa trực tiếp « các giá trị và lợi ích » của Hoa Kỳ, có một điểm ít được chú ý hơn nhưng không kém phần ý nghĩa. Đó là « lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương » được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, như nhận xét của một chuyên gia về Nam Á và quan hệ Mỹ-Ấn Độ. Cùng với sự thay đổi này, Ấn Độ trở thành một đối tác chiến lược hàng đầu của nước Mỹ.


Bà Alyssa Ayres, chuyên gia viện tư vấn CFR (Council on Foreign Relations), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại New York, nhận định : « đây là lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được dẫn ra trong một Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (của Mỹ), cho dù văn bản năm 2002 của tổng thống George W. Bush từng nói đến các hành lang biển Ấn Độ Dương » (2). Trong chiến lược mới lần này, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được xếp số một, đứng trên châu Âu và Trung Đông, đây là điều mà nhà nghiên cứu đáng giá là « thay đổi lớn nhất » so với thời tổng thống tiền nhiệm Obama.


Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khái niệm địa lý chiến lược mới được Mỹ và các đồng minh cổ vũ trong ít năm gần đây. Khu vực này bao gồm vùng biển bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ tây Hoa Kỳ, trong đó Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm. Đối với chính quyền Trump, khu vực « dân cư đông đúc nhất và năng động nhất hành tinh về mặt kinh tế » này là nơi cạnh tranh của hai quan điểm đối kháng, một bên cổ vũ cho « tự do », bên kia chủ trương dùng « vũ lực ».


Washington chỉ đích danh Trung Quốc như là bên chủ trương dùng vũ lực để thao túng con đường hàng hải chiến lược, với việc « thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông », thách thức chủ quyền của nhiều quốc gia ven bờ. Nhiều nước trong khu vực đang kêu gọi Mỹ can dự mạnh mẽ hơn, để bảo vệ ổn định khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Mỹ hoan nghênh việc Ấn Độ đang trỗi dậy như « một cường quốc hàng đầu thế giới », « một đối tác về quốc phòng và chiến lược có trọng lượng hơn », đồng thời kêu gọi gia tăng hợp tác giữa Mỹ-Ấn Độ-Nhật-Úc, tức nhóm đồng minh Bộ Tứ, tại khu vực chiến lược này (cùng với các đồng minh hay đối tác Đông Nam Á, như Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore).


Về thay đổi lớn nói trên, chuyên gia Felix K. Chang, viên tư vấn Foreign Policy Research Institute (có trụ sở tại Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ), nhận xét : trong Sách Trắng về đối ngoại của chính quyền Úc – một thành viên của Bộ Tứ -, công bố hồi tháng 11, cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương được nhắc đến tổng cộng 74 lần, trong khi đó, cái tên châu Á – Thái Bình Dương chỉ được dẫn bốn lần. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng nhiều lần cố tình sử dụng cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương để thay thế cho châu Á – Thái Bình Dương, vốn được coi là trọng tâm của chủ trương tái bố trí chiến lược nổi tiếng thời tổng thống Obama, với tên gọi « xoay trục ».


Phản ứng của Ấn Độ


Chiến lược mới của tổng thống Trump có thể nói là sự nối tiếp chiến lược xoay trục sang châu Á của tổng thống tiền nhiệm - cho dù thay đổi tên gọi, nhưng khác biệt lớn nhất ở đây là Ấn Độ trở thành một trung tâm trong chiến lược hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh, nhằm đối phó hiệu quả hơn với trọng lượng ngày càng gia tăng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại châu Á. Ấn Độ phản ứng ra sao trước thay đổi nói trên trong chiến lược an ninh mới của Mỹ ?


Theo báo chí Ấn Độ, ngày hôm qua 19/12, ngay sau khi chiến lược mới được Washington công bố, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar đã đánh giá cao việc Mỹ khẳng định quan hệ Mỹ-Ấn có một ý nghĩa chiến lược « quan trọng », đồng thời nhấn mạnh « hai quốc gia dân chủ có trách nhiệm (tức Ấn Độ và Hoa Kỳ) chia sẻ các mục tiêu chung, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố, cổ vũ cho hòa bình và an ninh trên toàn cầu », trong đó có khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.


« Hội nhập toàn diện » hay « Chiến tranh Lạnh mới » : Hai viễn cảnh

Tuy nhiên, việc Mỹ đưa Ấn Độ trở thành trọng tâm trong chiến lược an ninh mới, với vùng địa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng nhận được một số phản ứng dè dặt từ giới chuyên gia.


Nhà chiến lược hàng hải người Ấn Độ Gurpreet S. Khurana, giám đốc điều hành của Quỹ National Maritim Foundation (có trụ sở tại New Delhi) dự đoán về hai triển vọng tương lai của chiến lược « Ấn Độ - Thái Bình Dương », nhằm đối trọng với Trung Quốc. Chiến lược gia Gurpreet S. Khurana, được coi là người đầu tiên đề xuất khái niệm địa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, tỏ ra hết sức dè dặt (3).


Theo ông, kịch bản tích cực của chiến lược này là coi « Ấn Độ - Thái Bình Dương » là một « vùng mở rộng cho hội nhập ». Với quan niệm như vậy « khuôn khổ lý thuyết » này sẽ cho phép hội nhập Trung Quốc vào các chuẩn mực ứng xử quốc tế tại một khu vực địa lý, vốn là nơi có nhiều tranh chấp giữa các cường quốc, và hòa bình và thịnh vương chung sẽ được bảo đảm, nếu làm được như vậy. Ngược lại, khu vực kinh tế trung tâm của hành tinh sẽ trở thành đấu trường giữa các thế lực, nhằm áp đặt sự thống trị của mình. Ấn Độ - Thái Bình Dương rất có thể sẽ trở thành trận địa chính của « cuộc Chiến tranh Lạnh mới », giữa Mỹ cùng các đồng minh, chống lại Trung Quốc.


Nhật : Vừa mở rộng cửa, vừa sẵn sàng ứng phó


Trước mắt, mở rộng cánh cửa để Trung Quốc hội nhập vào dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là quan điểm hiện nay của chính phủ Nhật, một thành viên trụ cột của Bộ Tứ, cùng với Hoa Kỳ.


Theo hãng tin Kyodo, chính phủ Nhật Bản hôm Chủ nhật 18/12 thông báo lập trường của Tokyo hiện nay là cổ vũ việc phối hợp dự án khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với dự án phát triển xuyên biên giới tại châu Á của Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi là « Một Vành Đai, Một Con Đường ». Mà thông tin tại chỗ ở nhiều nơi cho thấy đang gặp khó khăn (4).


Cũng trong đầu tháng 12 này, thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định ông « tin tưởng » Nhật Bản có thể hợp tác hiệu quả với Trung Quốc, trong dự án mà Trung Quốc chủ trì, cùng lúc với việc thúc đẩy một vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương « rộng mở và tự do ».


Theo Kyodo, thái độ nói trên của chính phủ Nhật có phần gây lo ngại cho nhiều giới chức trong bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng nước này, họ sợ rằng chính phủ Nhật - ưu tiên các lợi ích kinh tế - sẽ có những nhân nhượng với Trung Quốc.


Trên thực tế, Tokyo một mặt mở rộng cửa với Trung Quốc, mặt khác cũng chuẩn bị các biện pháp đề phòng tham vọng của Bắc Kinh. Vẫn Kyodo cho hay hôm 14/12 vừa qua, lãnh đạo Ngoại Giao và Quốc Phòng Nhật Bản đã có cuộc họp với các đồng nhiệm Anh Quốc tại Luân Đôn. Bên cạnh hồ sơ Bắc Triều Tiên, dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương là một trọng tâm của cuộc hội đàm. Luân Đôn không loại trừ triển khai hải quân trong tương lai tại khu vực này, để đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc. - RFI

|

|


9.

Tư lệnh Hải Quân Philippines bị cách chức vì “bất phục tùng”


Sau khi thông tin về việc đương kim tư lệnh Hải Quân Philippines bị cách chức được tung ra vào hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng nước này vào hôm nay, 20/12/2017, cho biết rõ lý do : Phó đô đốc Ronald Joseph Mercado bị bãi nhiệm vì đã « không phục tùng » lệnh trên và cố tình phá hoại hợp đồng trị giá 308 triệu đô la mua hai chiếc hộ tống hạm của Hàn Quốc.


Trả lời báo chí, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết là ông đã được phép của tổng thống Rodrigo Duterte để cách chức tư lệnh Hải Quân về tội « phá hoại đề án » đóng tàu ký với Hàn Quốc.


Chính phủ Philippines đã ký hợp đồng với tập đoàn Hàn Quốc Hyundai Heavy Industries để đóng 2 hộ tống hạm, dự kiến bàn giao cho Hải Quân Philippines vào khoảng hai năm 2020 và 2021. Tuy nhiên đề án đã bị chậm trễ nhiều tháng do việc Hải Quân Philippines đã không hoàn tất đúng thời hạn « việc kiểm tra cần thiết về mẫu thiết kế ».


Ông Mercado bị cho là cố tình trì hoãn để buộc chính phủ Philippines và Hyundai chấp nhận tách việc thiết kế « hệ thống vũ khí chiến đấu » của các con tàu thành một hợp đồng riêng biệt và giao cho một tập đoàn nước ngoài khác thực hiện. Đối với bộ trưởng Lorenzana đây là một hành động « bất phục tùng » cấp trên.


Theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, phó đô đốc Mercado đã giải thích rằng ông tín nhiệm hệ thống mà một tập đoàn khác đề nghị, vì hệ thống đó nhiều ưu điểm hơn. Tuy bị cách chức, nhưng phó đô đốc Mercado không bị điều tra về tham nhũng.


Hải Quân Philippines cho nay vẫn dùng loại tàu cũ của Mỹ, có từ Thế Chiến Thứ Hai và từ năm 2010, đã bắt đầu cải thiện từng bước bằng việc mua thêm tàu tuần duyên của Mỹ và tàu đổ bộ của Úc. - RFI

|

|


10.

Nhựa thải ra biển chui vào…bao tử con người


Những miếng nhựa bé li ti làm ô nhiễm các loài trai từ vùng Bắc Cực châu Âu cho đến Trung Quốc. Đây là chỉ dấu cho thấy ô nhiễm đại dương lan tràn trên toàn thế giới và có thể cuối cùng xâm nhập các món ăn của con người.


Các loài trai tại vùng biển trong vắt của Bắc Cực nhiễm nhựa nhiều nhất trong các cuộc thử nghiệm dọc theo bờ biển, theo một cuộc nghiên cứu trong tháng này của Viện Nghiên cứu Biển Na Uy (NIVA).


Nhựa có thể trôi dạt lên miền bắc do những dòng nước biển và gió thổi từ châu Âu và châu Mỹ và cuối cùng bị cuốn xoáy xung quanh Bắc Băng Dương, nhà nghiên cứu Amy Lusher của NIVA nói với Reuters.


Những vụn nhựa cực nhỏ được phát hiện ở mọi nơi mà các nhà khoa học nghiên cứu đến, bà Lusher cho biết.


Những cuộc nghiên cứu trong quá khứ phát hiện miếng nhựa cực nhỏ ngoài khơi Trung Quốc, Chi lê, Canada, Anh và Bỉ.


Tại Biển Na-Uy các loài giáp xác chứa trung bình 1,8 đơn vị microplastic (đơn vị này được định nghĩa là nhỏ hơn 5 mm), trong khi đó ở Bắc Cực là 4.3.


Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc khuyến cáo loài trai có thể là chỉ số sinh học của ô nhiễm microplastic vì các loài này sống ở đáy biển, nơi quy tụ các vụn nhựa.


Ảnh hưởng của microplastic đối với các sinh vật biển hay đối với con người khi ăn phải hiện chưa rõ.

Gần 200 quốc gia đã ký một nghị quyết của Liên hiệp quốc trong tháng này để loại trừ ô nhiễm nhựa trên đại dương, từ chai lọ cho đến bọc plastic tại các siêu thị hay các gói thực phẩm, ước lượng vào khoảng 8 triệu tấn mỗi năm.


Nghiên cứu của Thompson cho thấy mức nhựa quá cao tại đáy biển có thể làm hại những sinh vật như những con giun cát sống ở đáy biển và tồn trữ trong các mô của chúng.


Hầu hết các vụn nhựa xuyên qua đường ruột của các loài giáp xác đi vào thức ăn của người. Tuy nhiên, ông Thompson nói con người bị ô nhiễm vì microplastic trong hải sản ít hơn các loại nhựa tiếp xúc hàng ngày từ đồ chơi cho đến áo khoác ngoài.


Trung Quốc và Liên hiệp Châu Âu là những nước sản xuất hàng đầu các loại trai sò nuôi với trị giá 6 tỉ đô la. - VOA

|

|


11.

Nhật bị cáo buộc hỗ trợ buôn bán ngà voi


Tình trạng Nhật Bản thiếu kiểm soát kho ngà voi trong nước đã khuyến khích xuất khẩu bất hợp pháp ngà voi sang các nước khác và phá hoại các nỗ lực chấm dứt buôn lậu ngà voi, một phúc trình cho biết hôm 20/12.


Phúc trình được soạn thảo với sự hỗ trợ của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết các nhà nghiên cứu phát hiện giới buôn bán cổ vật tậu được một số lượng lớn ngà voi tại Nhật Bản.


Phúc trình cũng cho biết có hàng trăm món hàng bằng ngà voi được bán hàng năm qua các trang mạng thương mại, khách hàng thường là du khách từ các nước châu Á như Trung Quốc chẳng hạn.

Phúc trình cũng cho hay có một số giao dịch quen thuộc với những tổ chức tội phạm giúp tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyện lậu ngà voi vào Trung Quốc.


Phúc trình nêu lên những dữ liệu của mạng lưới theo dõi buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC. Mạng lưới này phát hiện trung bình có 2.447 món hàng làm bằng ngà voi trị giá hơn 400.000 đô la được đấu giá trong 4 tuần lễ của tháng 5, tháng 6 năm 2017 trên mạng thương mại chính.


Các tác giả phúc trình thúc đẩy chính phủ Nhật nâng cao nhận thức của người dân về việc kiểm soát buôn bán ngà voi và kiểm soát chặt chẽ hải quan.


Công ước Quốc tế về buôn bán Động-Thực vật Hoang dã có Nguy cơ Tuyệt chủng, hay CITES, cấm buôn bán ngà voi quốc tế nhằm bảo vệ voi châu Phi có nguy cơ tuyệt chủng. Công ước kêu gọi đóng cửa thị trường ngà voi trong nước tại các nước thành viên, và nhiều nước đã tuân thủ.


Năm ngoái Trung Quốc loan báo sẽ đóng cửa việc buôn bán ngà voi vào cuối năm 2017. Hong Kong, thị trường bán lẻ ngà voi lớn nhất trên thế giới, dự trù chấm dứt buôn bán mặt hàng này vào năm 2021.


Tuy nhiên Nhật Bản chống lại việc đóng cửa thị trường trong nước, cho rằng những sản phẩm ngà voi buôn bán trong nước không phải là những sản phẩm do săn trộm nay buôn lậu. Thay vào đó chính phủ trước đây trong năm đã chấp thuận một đề nghị yêu cầu thắt chặt việc đăng ký và thanh tra hơn 8.000 người bán lẻ và sản xuất sản phẩm bằng ngà voi.


Giới chỉ trích cho rằng hệ thống đăng ký ngà voi chỉ là một hình thức buôn lậu ngà voi vì có thể hợp pháp hóa các ngà voi thu hoạch một cách bất hợp pháp. - VOA

|

|


12.

RSF: Trung Quốc là nhà tù lớn nhất giam cầm ký giả


Trung Quốc là nhà tù lớn nhất thế giới giam cầm ký giả’, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói. Theo phúc trình hàng năm của tổ chức, hiện đang có 52 nhà báo bị giam tại nước này.


Trong phúc trình hàng năm về bạo động và bạo hành chống lại các nhà báo được công bố ngày 18/12, tổ chức theo dõi nhân quyền này cho biết Trung Quốc “tiếp tục cải tiến các biện pháp đàn áp các nhà báo và những người viết blog.”


Phúc trình nói tiếp “chính quyền không còn kết án tử hình những người chống đối, nhưng thay vào đó, làm cho sức khỏe của những người này suy kiệt trong các nhà tù cho đến khi họ qua đời.”


Phúc trình đề cập đến trường hợp nhà bất đồng chính kiến Lưu HIểu Ba, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình và người viết blog Dương Đồng Ngạn. Cả hai đều bị ung thư giai đoạn cuối khi bị giam và chết một ít lâu sau khi được chuyển đến bệnh viện.


Ông Lưu từng được RSF trao giải Tự do Báo chí. Ông nổi tiếng là đồng tác giả của tuyên ngôn “Hiến chương 08” và bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 về tội “lật đổ chính quyền.” Ông chết vì ung thư gan tại một bệnh viện ở đông bắc Trung Quốc vào ngày 13 tháng 7 năm nay trong khi chờ đợi được chữa trị. Vợ ông, nhà thơ Lưu Hà, bị quản thúc tại gia kể từ năm 2010.


Ông Dương được biết đến dưới bút hiệu Dương Thiên Thủy, bị tù 12 năm vì tội “lật đổ chính quyền.” Ông được nhiều người biết đến qua các bài viết chỉ trích chính phủ Trung Quốc. Ông từng bị giam từ năm 1990 đến 2000 vì chỉ trích cách Trung Quốc đối phó với những người biểu tình đòi dân chủ trong năm 1989.


Phúc trình RSF nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về tính mạng của ông Hoàng Kỳ, nhà sáng lập trang mạng 64 Tianwang và cũng là người đoạt giải Tự do Báo chí 2004 của RSF. Ông bị đánh đập và không được phép chữa trị tại trung tâm giam giữ Miên Dương, vốn là chiêu thức để buộc ông phải nhận tội.” - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


13.

Trump: Luật cải tổ thuế thông qua là chiến thắng lịch sử


Phe Cộng hòa tại Mỹ ăn mừng trước tin dự luật cải tổ thuế được thông qua ngày 20/12. Đây là chiến thắng lập pháp quan trọng đầu tiên đối với Tổng thống Donald Trump.


“Chúng ta có một chiến thắng lịch sử cho người dân Mỹ,” ông Trump tuyên bố tại cuộc họp Nội các.

“Trọng tâm của dự luật này làm giảm gánh nặng rất nhiều cho giới trung lưu,” Tổng thống Trump nói. “Mọi người sẽ bắt đầu thấy kết quả vào tháng 2. Dự luật này có nghĩa là thu nhập đem về nhà nhiều hơn, đây là món quà Giáng Sinh tuyệt vời cho những người Mỹ làm việc chăm chỉ.”


Chủ tịch Hạ Viện, Paul Ryan, mô tả đây là dự luật cải tổ thuế sâu rộng nhất, cổ súy cho tăng trưởng nhiều nhất trong một thế hệ.


Đạo luật Công ăn Việc làm và Giảm thuế được thông qua ở cả Hạ và Thượng viện Mỹ, được phe Cộng hòa ủng hộ áp đảo nhưng bị phe Dân chủ thống nhất phản đối. Sau cuộc bỏ phiếu lại vì vấn đề thủ tục hôm 20/12, văn kiện này đã được đưa qua Tòa Bạch Ốc để Tổng thống ký ban hành thành luật.


Luật này giảm thuế vĩnh viễn cho doanh nghiệp, bớt thuế tạm thời cho người đi làm lãnh lương ở Mỹ, đặt ra giới hạn tối đa cho các khoản khấu trừ thuế thông dụng, và đẩy nợ quốc gia lên ít nhất 1 ngàn tỷ đô la trong vòng một thập niên.


Phe Dân chủ chỉ trích rằng luật này thế chấp tương lai của nước Mỹ trong và ngoài nước nhằm làm đầy túi cho người giàu.


Ngược lại, phe Cộng hòa nói các khoản cắt giảm thuế trong luật sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ và khiến doanh nghiệp Mỹ trở nên cạnh tranh hơn cả trong lẫn ngoài nước.


Trung tâm Chính sách Thuế, một tổ chức phi đảng phái, kết luận rằng dự luật vừa kể trong năm tới sẽ giảm thuế cho 95% dân Mỹ, nhưng các khoản cắt giảm trung bình dành cho thành phần giàu có sẽ vượt xa các khoản bớt giảm thuế cho những người thu nhập thấp hơn.


Luật vừa thông qua cũng phần nào hủy bỏ luật chăm sóc sức khỏe của cựu Tổng thống Barack Obama, bãi bỏ yêu cầu rằng người Mỹ phải mua bảo hiểm sức khỏe. Kết quả là, trong thập niên tới, số dân Mỹ có bảo hiểm sức khỏe sẽ giảm đi 13 triệu người, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội.


Một số nghị sĩ Dân chủ lưu ý rằng Tổng thống Trump, một trùm bất động sản, có thể sẽ hưởng lợi rất nhiều từ các điều khoản nhất định trong luật này. Ngược lại, ông Trump nói thay đổi luật thuế sẽ làm ông tiêu tốn nhiều hơn.


Các cuộc thăm dò ý kiến quần chúng cho thấy số người Mỹ phản đối luật này cao hơn tỷ lệ ủng hộ. Một số nhà lập pháp bên đảng Cộng hòa quy lỗi cho truyền thông rằng đã diễn giải không chính xác về luật cải tổ thuế làm hạ giảm tầm quan trọng của các lợi ích khả dĩ từ luật này. - VOA

|

|


14.

Mỹ cải cách thuế, thị trường chứng khoán không thay đổi


Các thị trường chứng khoán toàn cầu chỉ thay đổi đôi chút hôm thứ Tư 20/12, các chỉ số dao động quanh mức cao kỷ lục đạt được gần đây, và lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ gần đạt mức cao kỷ lục trong nhiều tháng, vào lúc dự luật cải cách thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ đôla Mỹ chính thức được thông qua ở Washington.


Hạ viện Hoa Kỳ do Đảng Cộng hòa kiểm soátvừa thông qua dự luật thuế mới, triệt để cải cách bộ luật thuế của quốc gia, thay đổi lớn nhất trong hơn 3 thập niên qua. Hạ viện trước đó đã thông qua dự luật nhưng bị buộc phải bỏ phiếu lại do lỗi về thủ tục.


Dự luật thuế sẽ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Các nhà phân tích nói rằng biện pháp này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của giới kinh doanh, dẫn đến cổ tức cao hơn, và các nhà đầu tư mua lại cổ phiếu.


Chứng khoán Mỹ đã tăng trong thời gian trước khi thông qua dự luật thuế. Nhưng ngay trong lúc này, một số nhà đầu tư đã bắt đầu bán.


Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 18,44 điểm, tương đương 0.07% lên tới 24.773,19. Chỉ số S & P 500 tăng 0,68 điểm, tương đương 0,03% đạt 2,682.15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,44 điểm, tương đương 0,14%, xuống còn 6.954,41.


Các thị trường chứng khoán Châu Âu giảm, với trái phiếu blue-chip ở Berlin, Paris và London giảm từ 0,2 đến 0,4% trong ngày. Chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu giảm 0,73%.


Dự luật thuế đã đẩy mạnh lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, đạt mức cao nhất trong 9 tháng do giới đầu tư lạc quan, tin rằng kế hoạch thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng. - VOA

|

|


15.

Ông Trump đề cử người phụ trách ngoại giao Đông Á


Tổng thống Donald Trump đã đề cử nhà ngoại giao chuyên nghiệp Susan Thornton phụ trách ngoại giao Đông Á.


Bà Thorton đã tạm thời giữ chức vụ này kể từ khi ông Trump nhậm chức.


Tòa Bạch Ốc ngày 19/12 loan báo việc đề cử bà Thorton làm Trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương. Sự đề cử này cần phải được Thượng viện chuẩn nhận.


Chức vụ này nằm trong số những chức vụ cao cấp của Bộ Ngoại giao chưa có người đảm nhận trong gần một năm Tổng thống Trump nhậm chức. Một số những trách nhiệm của chức vụ này liên hệ đến Trung Quốc và Triều Tiên.


Bà Thornton làm việc với Bộ Ngoại giao kể từ năm 1991 và trước đây từng phục vụ tại Trung Quốc và các nước Cộng hòa Xô Viết cũ.


Ngoại trưởng Rex Tillerson từ lâu ủng hộ bà Thornton trong chức vụ Trợ lý Ngoại trưởng nhưng gặp sự chống đối từ Tòa Bạch Ốc. Trong số những người phản đối có ông Steve Bannon, nguyên chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump. - VOA

|

|


16.

Star Wars: The Last Jedi’ thắng đậm, thu về $220 triệu tuần đầu công chiếu


Bộ phim “Star Wars: The Last Jedi” của hãng Disney và Lucasfilm thu về $220 triệu sau khi công chiếu tại 4,232 rạp tại thị trường Bắc Mỹ, khiến bộ phim này trở thành bộ phim thứ nhì có lợi nhuận thu về từ tuần đầu công chiếu trong mọi thời đại, theo tạp chí Variety.


“Star Wars: The Last Jedi” chỉ xếp hạng nhì sau “Star Wars: The Force Awakens,” khi thâu về $248 triệu vào năm 2015.


Bộ phim thu về $104.8 triệu vào hai hôm Thứ Năm và Thứ Sáu, $64 triệu hôm Thứ Bảy, và $51.3 triệu hôm Chủ Nhật. Nếu tính cả thị trường quốc tế, bộ phim đoạt doanh thu $450 trong tuần đầu công chiếu.


“Star Wars: The Last Jedi” trở thành một trong bốn bộ phim có doanh thu vượt mốc $200 triệu trong tuần đầu công chiếu tại thị trường nội địa, xếp cùng “The Force Awakens” (2015), “Jurassic World” với $208.8 triệu (2015), và “The Avengers” với $207.4 triệu (2012).


Theo một khảo sát của công ty comScore, 66% người xem đánh giá bộ phim xuất sắc và 23% đánh giá bộ phim rất hay. Ngoài ra, 79% người xem cho biết họ chắc chắn sẽ giới thiệu bộ phim này đến bạn bè.


Ngoài thành công từ bộ phim này, Disney vào hôm Thứ Năm, 14 Tháng Mười Hai, cho biết công ty này vừa mua lại hãng 21st Century Fox với giá $52.4 tỷ. Điều này khiến Disney trở thành một đối thủ nặng ký tại thì trường phòng vé trong thời gian tới.


Đạo diễn bộ phim này là Rian Johnson, và “Star Wars: The Last Jedi” là phần kế tiếp của “Star Wars: The Force Awakens.” Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên Mark Hamill, Carrie Fisher, Adam Driver, Daisy Ridley, John Boyega, Oscar Isaac, và Andy Serkis. Ngoài ra, một số diễn viên mới gồm có Kelly Marie Tran, Laura Dern, and Benicio del Toro. - nguoiviet

|

|


Tin Việt Nam


17.

Việt Nam chính thức khởi tố cựu Tổng Giám đốc PVN - - - Luật sư sắp dự cung ông Đinh La Thăng


Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an Việt Nam hôm 20/12 chính thức khởi tố ông Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau hơn một tuần báo chí cải chính vụ ông Thực “bị bắt.”


Hãng tin Reuters cho biết Bộ Công An hôm 20/12 cấm ông Thực ra khỏi nơi cư trú, chính thức khởi tố ông để điều tra về hành vi "cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”


Website của Bộ Công an hôm 20/12 nói ông Thực bị khởi tố do "có những sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2."


Ông Phùng Đình Thực, 53 tuổi, từng là Phó bí thư Đảng ủy, ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc PVN từ năm 2008-2010 và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ tháng 9/2011 đến tháng 7/2014.


Cùng ngày, cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an cũng ra kết luận điều tra đối với ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, người từng là Chủ tịch PVN thời kỳ 2006-2011, theo đó đề nghị truy tố ông Thăng và "các đồng phạm" với cùng tội danh.


Khi loan tin này, hãng tin AP nói ông Thăng là cựu ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị đề nghị truy tố trong nhiều thập niên qua. Trước đó vào năm 1980, ông Hoàng Văn Hoan, cựu ủy viên Bộ Chính trị và cựu Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, đã bị kết án tử hình vắng mặt về tội phản bội sau khi đào thoát ra nước ngoài.


Trong một diễn biến hiếm hoi, Thông Tấn Xã Việt Nam tối 9/12 thừa nhận đã loan tin sai khi phát đi một bản tin cho hay hai cựu Tổng giám đốc PVN bị khởi tố. Tin này đã được hàng loạt các trang tin điện tử đăng lại trước khi nhanh chóng bị gỡ xuống.


Bộ Công an Việt Nam trước đó đã lên tiếng bác bỏ những thông tin trong các bản tin đó là không đúng sự thật, và “đề nghị kiểm tra, xử lý những cá nhân” chịu trách nhiệm đưa tin sai, theo một thông cáo đăng trên website của Bộ.


Thông Tấn Xã nói trong một thông cáo đính chính rằng bản tin về việc khởi tố bị can đối với hai nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực đã đăng mà “chưa thẩm định kỹ nguồn tin.”


Việc khởi tố ông Phùng Đình Thực diễn ra chỉ ít ngày sau khi ông Đinh La Thăng, 56 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, bị khởi tố, bắt giữ về hành vi "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng."


Vào tháng 4 năm nay, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã nêu một số sai phạm của ông Phùng Đình Thực, nói rằng ông Thực phải chịu trách nhiệm trong tư cách là người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn trong giai đoạn 2011 - 2014, “gây hậu quả rất nghiêm trọng,” theo báo Thanh Niên.


Báo Tuổi trẻ nói ông Thực có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.


Hãng tin Reuters nói PVN là tâm điểm của chiến dịch bài trừ tham nhũng cấp cao, trong đó ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, là người có chức vụ cao nhất, đã bị bắt.


Bộ Công an cho biết họ đang tiến hành điều tra những vi phạm về quản lý tại PVN, dẫn đến Ngân hàng Ocean Bank bị thất thoát 800 tỷ đồng.


Hôm Thứ ba 19/12, Bộ Công an cũng truy tố ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng Quản trị của PVN do gây tổn thất về tài chính.


Reuters nói thêm rằng việc đàn áp bài trừ tham nhũng đã bùng lên từ tháng 8 năm nay khi Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc ông Trinh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng của PetroVietnam, còn gọi là PVC, sau khi ông Thanh xin tị nạn ở Berlin.


Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã phủ nhận việc bắt cóc ông Thanh và nói rằng sẽ xét xử ông Thanh vào tháng 1 năm 2018. - VOA


***

Một trong ba luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng nói với VOA tối 20/12 rằng ông sẽ đi dự buổi hỏi cung thân chủ vào ngày 21/12, một ngày sau khi ông Thăng bị đề nghị truy tố.


Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết ông vẫn chưa bắt đầu phần việc của một luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng. Ông chỉ mới được báo đi tham dự buổi hỏi cung thân chủ vào ngày 21/12.


“Trong tay tôi chưa có bất kỳ tài liệu gì. Ngày mai tôi mới được báo đi dự cung”, lời Luật sư Thiệp.


Ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, và 6 người khác bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố vào ngày 20/12 sau khi đã có kết luận điều tra.


Động thái này được công luận đánh giá là nhanh và bất ngờ so với những vụ án tương tự. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Luật học Phạm Duy Nghĩa của Đại học Luật TPHCM, việc đưa ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Thăng chỉ sau 12 ngày bắt giam, là không sai về mặt pháp lý.


“Bởi vì trước khi bắt, họ phải làm rất kỹ vì ông ấy là một nhân vật có ảnh hưởng chính trị và có vị thế trong hệ thống chính trị của đảng. Họ không dám làm không có căn cứ đâu. Thứ hai, không có điều luật nào cấm cơ quan điều tra thu thập dữ liệu trước. Theo luật Việt Nam, cơ quan điều tra có quyền thu thập, nghiên cứu bằng chứng đủ thì mới khởi tố. Nếu họ đã có đủ bằng chứng đến mức có thể nêu cáo trạng được thì chẳng có gì sai luật cả”.


Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng tạp chí Luật sư Việt Nam tại Cần Thơ, cho đây là một tiến bộ trong thủ tục tố tụng Việt Nam. Ông nói:


“Điều đó đúng luật. Luật Việt Nam không quy định thời hạn tối thiểu cho việc điều tra. Đây cũng là một sự tiến bộ của luật pháp”.


Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong thời gian ông làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn này (2006-2011).


VnExpress dẫn kết luận của cơ quan điều tra cho biết năm 2006, PVN được giao thành lập một ngân hàng của ngành dầu khí vào nắm trên 50% vốn điều lệ. Tập đoàn đã xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm thiết bị… để chuẩn bị thành lập ngân hàng mang tên Hồng Việt. Tuy nhiên đến năm 2008, PVN dừng lại việc thành lập ngân hàng và chuyển sang mua 20% cổ phần tại Oceanbank (tương đương với 800 tỷ đồng), mặc dù đã được báo cáo về tình hình hoạt động kém hiệu quả của ngân hàng này.


Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng tiếp tục ký các quyết định góp vốn cho Oceanbank khi chưa có chỉ đạo của Chính phủ, bất chấp Hội đồng thành viên và thư ký nói rằng việc góp vốn là không đúng quy định.


Bản kết luận điều tra nói trên cương vị là Chủ tịch tập đoàn, ông Thăng đã không có bất cứ chỉ đạo nào trong việc thẩm định Oceanbank, không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận, góp vốn với ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank, và cũng không báo cáo Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) theo quy định.


Ngoài ra, cơ quan điều tra còn cho rằng ông Đinh La Thăng đã có những động thái nhằm trốn tránh trách nhiệm sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương “vào cuộc” để làm rõ sai phạm tại PVN.


Báo Thanh Niên dẫn kết luận điều tra cho biết vào tháng 3, ông Đinh La Thăng (lúc đó là Bí thư thành ủy TPHCM) đã gọi điện nhờ một số cán bộ PVN xác nhận rằng HĐQT của tập đoàn có họp và thống nhất chủ trương góp vốn với Oceanbank. Sau đó, ông Thăng dùng giấy xác nhận này để cung cấp cho cơ quan điều tra.


Kể từ khi ông Đinh La Thăng bị công an khám xét nhà và bắt giữ đến nay, bản thân ông và luật sư bào chữa chưa đưa ra bất cứ thông tin gì liên quan đến các cáo buộc và kết luận của cơ quan điều tra. TS. Phạm Duy Nghĩa giải thích về điều này:


“Vào thời điểm hiện nay thì ông ấy chẳng có quyền phát ngôn gì trước công chúng cả. Trong thời gian tạm giam, thậm chí người ta còn giám sát chặt chẽ để tránh hiện tượng thông cung. Tôi nghĩ rằng các luật sư bảo chữa sẽ đủ khôn khéo để tiết lộ thông tin ở mức độ có lợi nhất để bảo vệ cho thân chủ của họ”.


Hiện có 3 luật sư được cấp phép bào chữa cho ông Đinh La Thăng là LS. Phan Trung Hoài, LS. Nguyễn Huy Thiệp và LS. Đào Hữu Đăng.


Vụ bắt ông Đinh La Thăng được xem là một bước đột phá trong quy trình xét xử quan chức Việt Nam sai phạm, phá vỡ “tiền lệ ngầm” cho rằng không ai có thể đụng được tới ủy viên Bộ Chính trị. - VOA

|

|


18.

Diễn viên phim 'Trời và Đất' qua đời ở tuổi 46


Bà Lê Thị Hiệp, nữ diễn viên được biết tiếng với vai diễn được ca ngợi trong bộ phim “Heaven and Earth-Trời và Đất” của đạo diễn Oliver Stone, vừa qua đời hôm thứ Ba 19/12 ở tuổi 46.


Theo tạp chí tin điện ảnh Variety, bà Hiệp mất vì các biến chứng ung thư dạ dày. Nữ diễn viên Lê Thị Hiệp đã xuất hiện bên cạnh tài tử Tommy Lee Jones trong bộ phim của đạo diễn Oliver Stone nói về một phụ nữ sống trong chiến tranh Việt Nam.


Bà Hiệp sinh ra ở Việt Nam nhưng đã rời bỏ quê hương để lên đường tị nạn cùng em gái khi mới lên 8 tuổi. Mẹ của bà đã đưa con lên tàu hồi năm 1979, mong đoàn tụ với người cha ở Hồng Kông.


Gia đình gồm chín người cuối cùng đã đoàn tụ và dọn đến định cư ở Oakland, bang California. Bà Hiệp đã lớn lên ở đó. Bà học chuyên ngành tâm lý học tại Đại học California- Davis, cũng thời gian đó, bà tham gia thử vai cho phim Trời và Đất.


Bà Hiệp đóng vai một nhân vật có thật, cũng chính là tác giả cuốn truyện “Heaven and Earth”, và là nhà hoạt động nhân đạo có tên Lệ Lý Hayslip. Sau khi quay xong bộ phim, hai người duy trì tình bạn tốt đẹp với nhau.


Được khen ngợi nhiều về tài diễn xuất trong phim, bà Hiệp trở thành một người tiên phong mở đường cho các diễn viên Mỹ gốc Á trong các bộ phim dòng chính của Mỹ.


Sau này bà trở thành bếp trưởng và chủ nhà hàng Le Cellier, bán các món Pháp-Việt ở Marina Del Rey, California.


Năm 2014, bà tham gia chương trình truyền hình Chopped nổi tiếng của kênh Food Network.

Nữ diễn viên Lê thị Hiệp qua đời trong niềm thương tiếc của chồng, hai con, sáu anh chị em và bố mẹ. - VOA


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9