Tin Thế Giới
1.
Tòa Bạch Ốc: Chưa phải lúc nói chuyện với Triều Tiên - - - Triều Tiên: Mỹ đề nghị đàm phán, nhưng đã chuẩn bị chiến tranh
Không thể đàm phán với Triều Tiên cho tới khi nào Bình Nhưỡng cải thiện hành vi, một giới chức Tòa Bạch Ốc ngày 12/12 khẳng định, khiến người ta thắc mắc về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Washington có thể bắt đầu thương thuyết với Bình Nhưỡng bất cứ lúc nào mà không cần điều kiện tiên khởi.
“Với cuộc thử nghiệm phi đạn gần đây nhất của Triều Tiên, rõ ràng bây giờ chưa phải lúc,” một giới chức Tòa Bạch Ốc nói với Reuters.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson ngày 13/12 nhấn mạnh Mỹ “sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên bất cứ lúc nào Bình Nhưỡng muốn.” Phát biểu này rõ ràng không đá động tới yêu cầu chính yếu của Mỹ rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải chấp nhận là bất kỳ cuộc thương lượng nào cũng sẽ xoáy vào việc Triều Tiên từ bỏ kho võ khí hạt nhân.
Tòa Bạch Ốc không cho biết liệu Tổng thống Donald Trump, người có quan điểm cứng rắn chống lại Triều Tiên hơn Ngoại trưởng Tillerson, có chấp thuận gave approval for the overture.
Một ngày sau lời tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson tại Hội đồng nghiên cứu Đại Tây Dương tại Washington, giới chức Tòa Bạch Ốc không muốn nêu tên cho Reuters biết rằng: “Chính quyền nhất trí khẳng định rằng bất kỳ thương lượng nào với Triều Tiên phải chờ cho tới khi chế độ Bình Nhưỡng cải thiện hành xử một cách căn cơ. Như Ngoại trưởng đã nói, việc này phải bao gồm việc Triều Tiên không thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn nữa.”
Tuy nhiên, trong bài diễn văn của ông Tillerson, Ngoại trưởng không đặt điều kiện là Triều Tiên phải ngưng thử nghiệm hạt nhân Mỹ mới bắt đầu đàm phán. Ông nói sẽ khó khăn để có thể thương thuyết nếu Bình Nhưỡng quyết định thử thêm một thiết bị nữa giữa tiến trình thảo luận và rằng để các cuộc thảo luận có hiệu quả, cần một giai đoạn ‘bình yên.’
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Heather Nauert, ngày 12/12 nhấn mạnh Triều Tiên phải ngưng thử phi đạn và hạt nhân một thời gian trước khi đàm phán có thể bắt đầu.
Quan hệ giữa Ngoại trưởng Tillerson với Tổng thống Trump căng thẳng vì bất đồng về vấn đề Triều Tiên cùng nhiều vấn đề khác.
Ông Tillerson nói Tổng thống ‘khuyến khích nỗ lực ngoại giao’ trong khi ông Trump hồi tháng 10 tuyên bố rằng Ngoại trưởng Tillerson đang mất thời gian khi tìm cách thương lượng với Triều Tiên. - VOA
***
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đề nghị mở thảo luận với Triều Tiên mà không đặt ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào, tuy nhiên ông nói thêm rằng Bình Nhưỡng phải cho thấy là họ sẵn sàng chọn những giải pháp khác để thay đổi hướng đi trong các chương trình hạt nhân và phi đạn của mình.
Ông Tillerson loan báo đề xuất này trong bài diễn văn đọc tại Diễn đàn Quỹ Hội đồng Đại Tây Dương - Hàn Quốc hôm 12/12.
“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cần phải tới bàn hội nghị để đàm phán. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào họ muốn, nhưng họ phải tới bàn hội nghị trong tinh thần là mong muốn có một sự lựa chọn khác. Trong khi đó tư thế chuẩn bị để sẵn sàng chiến đấu của quân đội chúng ta rất mạnh. Vì tình hình hiện nay, Tổng thống đã ra lệnh cho các nhà hoạch định quân sự có đủ phương tiện để chuẩn bị đối phó với mọi tình huống, họ đã sẵn sàng. Như đã nói nhiều lần, tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao cho đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống.”
Ngoại trưởng Tillerson nhắc lại rằng Tổng thống Trump mong muốn thấy Trung Quốc cắt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên. Ông nói thêm rằng lần trước khi Triều Tiên ngồi xuống bàn hội nghị, là bởi vì Trung Quốc ngưng cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng. - VOA
|
|
2.
Ngoại trưởng Tillerson cảnh báo Pakistan về mạng lưới Haqqani
Hoa Kỳ cảnh báo rằng Pakistan có thể mất quyền kiểm soát lãnh thổ của mình nếu như Islamabad cứ duy trì mối quan hệ với các nhóm khủng bố hoạt động trong nước đang gia tăng về "quy mô và tầm ảnh hưởng."
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã đưa ra cảnh báo trên khi Washington và Islamabad tham gia vào các nỗ lực ngoại giao mới để cải thiện mối quan hệ song phương và tìm ra "tiếng nói chung" để thúc đẩy hòa bình ở nước Afghanistan láng giềng.
Ông Tillerson phát biểu trong một cuộc họp ở thủ đô Washington hôm thứ Ba 12/12: "Chúng tôi muốn làm việc với Pakistan để chặn chủ nghĩa khủng bố trong phạm vi lãnh thổ của họ, nhưng Pakistan phải bắt đầu quá trình thay đổi mối quan hệ với mạng lưới Haqqani và với những người khác."
Hiện nay một liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo đang giúp Bộ Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF) nhằm ngăn chặn cuộc nổi dậy của quân Taliban.
Ông Tillerson nói thêm: "Pakistan đã cho rất nhiều tổ chức khủng bố tìm được nơi ẩn náu an toàn trong lãnh thổ của họ, và các tổ chức này đang phát triển về cả quy mô và tầm ảnh hưởng."
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng ông đã cảnh báo với các lãnh đạo Pakistan rằng các nhóm khủng bố có thể quyết định nhắm Islamabad là một mục tiêu, chứ không chỉ có Kabul.
Mặc dù không có phản ứng chính thức nào về nhận định của Tillerson, một quan chức chính phủ cấp cao của Pakistan đã bác bỏ rằng những nhận định của Hoa Kỳ là không có căn cứ. - VOA
|
|
3.
Đại sứ quán Mỹ phản đối vụ bắt giữ 2 phóng viên Reuters ở Myanmar
Hai phóng viên của hãng tin Reuters đã bị bắt vào tối thứ Ba 12/12 tại thành phố Yangon của Myanmar, một phát ngôn viên của chính phủ xác nhận với Reuters.
Người phát ngôn Zaw Htay nói với Reuters:
"Đúng là họ đã bị bắt. Không chỉ các phóng viên của các ông, mà cả những nhân viên cảnh sát liên quan trong vụ việc này cũng bị bắt. Chúng tôi sẽ hành động để xử lý các nhân viên cảnh sát và các phóng viên."
Ông Htay không cho biết lý do tại sao hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị bắt, cũng không cung cấp chi tiết họ sẽ phải đối mặt với những cáo buộc nào. Ông cũng không giải thích ‘vụ việc’ mà ông nhắc đến là gì.
Bà Abbe Serphos, Giám đốc truyền thông toàn cầu của Reuters, nói: "Chúng tôi đang khẩn trương tìm thêm thông tin xem hai phóng viên bị bắt trong hoàn cảnh nào, và tình hình hiện tại của họ ra sao."
Phóng viên Wa Lone bắt đầu cộng tác với hãng tin Reuters vào tháng 6/2016, trong thời gian qua, ông tường thuật về hàng loạt tin tức khác nhau, trong đó có cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya ở bang Rakhine.
Phóng viên Kyaw Soe Oo đã làm việc cho Reuters từ tháng 9 năm nay.
Trong một tuyên bố tải lên trang mạng của mình vào chiều tối thứ Tư 13/12, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Yangon bày tỏ “quan ngại sâu sắc về vụ bắt giữ bất thường hai phóng viên Reuters, sau khi họ được mời tới gặp các giới chức cảnh sát ở Yangon vào đêm hôm trước.”
Tuyên bố của đại sứ quán Mỹ có đoạn viết:
“Một nền dân chủ muốn thành công, thì các phóng viên cần được tự do thi hành nhiệm vụ của họ.” - VOA
|
|
4.
Không kích do Ả Rập Xê-út dẫn đầu tại Yemen, chết 30 người
Ít nhất 30 người bị giết chết trong các cuộc không kích hôm thứ Tư nhắm một trại cảnh sát ở thủ đô của Yemen.
Ít nhất 80 người khác bị thương trong các cuộc không kích trước hừng đông rơi trúng một nhà tù do phe nổi dậy điều hành trong một khu phức hợp của cảnh sát quân đội ở Sanaa.
Liên minh chống quân nổi dậy do Ả Rập Xê-út lãnh đạo đã thực hiện các vụ không kích này trong khuôn khổ một chiến dịch vẫn không giảm cường độ từ khi nó bắt đầu vào tháng Ba, 2015, bất chấp lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm Chủ nhật, hối thúc việc kết thúc “cuộc chiến tranh ngu xuẩn” này.
Hôm Chủ nhật vừa rồi, các cuộc không kích do Ả Rập Xê-út dẫn đầu đã giết chết ít nhất 26 chiến binh nổi dậy tại một trại huấn luyện nằm về hướng Tây-Bắc thủ đô Sanaa.
Hôm thứ Sáu trước đó, một cuộc tấn công nhắm vào một đài truyền hình do phe nổi dậy kiểm soát tại Sanaa, đã giết chết 4 nhân viên canh gác.
Ngoại Trưởng Tillerson hôm thứ Sáu hối thúc Ả Rập Xê-út hãy kiềm chế hành động can thiệp quân sự tại Yemen, nước đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc nội chiến khởi động.
Tuần trước, cựu Tổng Thống Yemen Ali Abdullah Saleh bị quân nổi dậy Houthi được Iran hậu thuẫn giết chết. Phe Houthi trước đây là đồng minh sau trở thành kẻ thù của ông Saleh. Chính mối quan hệ thù-bạn bạn-thù này đã đẩy đất nước Yemen vào bạo lực và bất định, đưa đến các cuộc giao tranh dữ dội nhất kể từ khi cuộc xung đột khởi sự cách đây 3 năm. - VOA
|
|
5.
Erdogan: 'Jerusalem phải là thủ đô Palestine'
Phát biểu ở Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi các nước Hồi giáo "công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine".
Ông Erdogan đọc diễn văn trước hội nghị của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để phê phán quyết định của chính phủ Hoa Kỳ coi Jerusalem là thủ đô Israel.
Dù là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khối NATO, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là "quyết định vô giá trị" từ Hoa Kỳ.
Ông nay muốn thế giới Hồi giáo công nhận Jerusalem là "thủ đô bị chiếm đóng của nhà nước Palestine".
Không chỉ vậy, ông Erdogan còn gọi Israel là "nhà nước khủng bố".
Hoa Kỳ đã hết vai trò
Lãnh đạo Palestine, Mahmoud Abbas nói Hoa Kỳ "tự loại mình ra khỏi vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình".
Cũng phát biểu tại hội nghị tụ họp nhiều lãnh đạo các nước Hồi giáo, ông Abbas nói:
"Chúng ta không thể nào chấp nhận vai trò nào của Mỹ trong quá trình hòa bình. Họ chứng tỏ là họ hoàn toàn thiên vị Israel."
Theo BBC Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cũng đại diện cho nước Hồi giáo Đông Nam Á đến dự hội nghị OIC ở Istanbul.
Chủ đề chiếm lĩnh nghị trình của thượng đỉnh OIC là vấn đề Jerusalem, sau khi ông Donald Trump nói Hoa Kỳ công nhận thành phố này là thủ đô Israel, gây phẫn nộ trong nhiều nước Hồi giáo tuy không phải là tất cả.
Hiện thủ đô của Israel là Tel Aviv nhưng nước này cũng làm chủ Jerusalem, thành phố là thánh địa của ba tôn giáo: Do Thái, Ki Tô và Hồi giáo.
Hoa Kỳ nói sẽ chuyển Đại sứ quán hiện ở Tel Aviv về phía Tây Jerusalem.
Mới đây nhất, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm đến Brussels đã nói châu Âu cũng nên công nhận Jerusalem là thủ đô nước ông.
Tuy thế, các lãnh đạo EU vẫn duy trì quan điểm rằng quy chế cho Jerusalem phải là kết quả của thỏa thuận hai bên giữa Israel và chính quyền Palestine.
EU theo đuổi chính sách Hai quốc gia trong khu vực: Israel và Palestine.
Hiện nay, EU công nhận Chính quyền Palestine của ông Mahmoud Abbas như một thực thể chính trị và hỗ trợ kinh tế nhiều cho họ nhưng vẫn chưa công nhận một quốc gia Palestine độc lập.
Vấn đề "Jerusalem là thủ đô Israel" mà Hoa Kỳ nêu ra đặt EU và "thế bí", theo một số báo châu Âu.
Cùng lúc, tiếng nói của nhiều quốc gia Hồi giáo ủng hộ Palestine và lên án ông Trump có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực.
Trong bài viết về quyết định của ông Trump gần đây, TS Nguyễn Phương Mai, một nhà nghiên cứu Trung Đông từ Hà Lan dự đoán trên BBC Tiếng Việt:
"Palestine giờ đã trở thành biểu tượng của mối hằn thù tôn giáo, là kho chất nổ tiềm năng, chỉ cần độc lập là lập tức sẽ bị các nước Ả Rập xung quanh biến thành một cái vòi rồng, cuốn lũ xả bão san phẳng Israel đến ngọn cỏ cuối cùng." - BBC
|
|
6.
Google sắp mở trung tâm AI tại TQ
Google đang thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) bằng việc mở một trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực này tại Trung Quốc, mặc dù dịch vụ tìm kiếm của hãng này bị cấm tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Google nói đây là cơ cở đầu tiên thuộc loại này ở châu Á và sẽ tuyển dụng nhiều tài năng địa phương.
Thung lũng Silicon hiện đang tập trung mạnh vào các ứng dụng tương lai của trí tuệ nhân tạo.
Trung Quốc cũng tỏ ý ủng hộ mạnh mẽ phát triển AI và muốn đuổi kịp Mỹ.
Nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo có tiềm năng cải tiến hàng loạt công nghệ, từ xe hơi tự lái qua nhà máy tự động đến các sản phẩm dịch thuật và phần mềm nhận diện khuôn mặt.
Trong một bài blog trên trang web của Google, hãng này nói trung tâm nghiên cứu mới là một phần quan trọng trong sứ mệnh của Google như một "công ty đặt AI lên hàng đầu".
"Dù bước đột phát diễn ra ở Silicon Valley, Bắc Kinh hay nơi nào khác, AI có tiềm năng làm cho cuộc sống của tất cả mọi người tốt hơn cho toàn thế giới," ông Fei-Fei Li, khoa học gia trưởng của Google Cloud AI và Machine Learning nói.
Trung tâm nghiên cứu này, cũng như các cơ sở tương tự ở London, New York, Toronto và Zurich, sẽ do một nhóm nhỏ các nhân viên từ văn phòng Bắc Kinh sẵn có điều hành.
Luật lệ nghiêm ngặt
Hãng công nghệ khổng lồ Google có hai văn phòng ở Trung Quốc, với 600 nhân viên. Khoảng một nửa số nhân viên này làm về các sản phẩm toàn cầu, người phát ngôn Taj Meadows của Google cho AFP biết.
Nhưng động cơ tìm kiếm của Google và một số hãng khác bị cấm ở Trung Quốc. Trong năm qua, quốc gia này ngày càng thắt chặt các quy định đối với các công ty nước ngoài, và kể cả các quy định về kiểm duyệt.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã kiểm duyệt những nội dung mà nước này cho là nhạy cảm về chính trị bằng việc sử dụng một loạt các bộ lọc tinh vi mà những người chỉ trích gọi là "vạn lý tường lửa".
Cùng lúc, Trung Quốc lại ngày một thúc đẩy trí tuệ nhân tạo.
Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giục các quan chức cao cấp "đẩy nhanh việc thực hiện dữ liệu lớn (big data)" tại một cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vào tháng Bảy, Trung Quốc công bố kế hoạch quốc gia về AI, kêu gọi nước này nỗ lực đuổi kịp Mỹ.
Tuy nhiên, những bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực này đã gây lo ngại. Các tổ chức nhân quyền quan ngại về cách Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi công dân nước này.
Phát biểu tại cuộc họp của Đảng Cộng sản cuối tuần trước, Chủ tịch Tập được cho là đã nhấn mạnh: "cần sử dụng dữ liệu lớn để cải thiện việc cai quản đất nước." - BBC
|
|
7.
Thượng đỉnh khí hậu Paris: 12 cam kết vì hành tinh xanh - - - Bắc Cực ấm lên nhanh chóng: Một “điều bình thường mới”
Giảm nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích năng lượng tái tạo. Đó là nội dung 12 cam kết cụ thể của những công ty, ngân hàng, nhà tài trợ tham dự thượng đỉnh « Vì một hành tinh » ngày 12/12/2017 tại Paris để thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong hiệp định COP 21. Huy động tài chính tư nhân và quỹ đầu tư nhà nước là mục tiêu mà thượng đỉnh Paris nhắm tới.
Để chiến lược « chuyển đổi năng lượng » thành công, phải cần đến 3.500 tỷ đô la hàng năm, trong vòng 30 năm, cho đầu tư phát triển năng lượng sạch. Tuy kết quả thượng đỉnh « Vì một hành tinh» còn khiêm tốn, nhưng 12 cam kết của các tác nhân tham dự được giới bảo vệ môi trường xem là rất khích lệ, vì đã đánh tan được não trạng thụ động.
Những thông báo mang ý nghĩa lớn nhất đến từ các định chế tài chính như Ngân Hàng Thế Giới, nhân hàng tư nhân, quỹ đầu tư nhà nước. World Bank thông báo kể từ 2019 sẽ ngưng tài trợ đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí, sẽ báo cáo hàng năm số lượng khí thải làm tăng nhiệt độ khí quyển. Biện pháp thứ hai là dành 4,5 tỷ đôla trong vòng ba năm để giúp 150 thành phố chống biến đổi khí hậu và thu hút vốn đầu tư.
Công ty bảo hiểm Axa thông báo ngưng bảo hiểm cho các xí nghiệp khai thác than đá. Nhà tỷ phú Mỹ Bill Gates hứa đóng góp 350 triệu đôla để nghiên cứu nông nghiệp, giúp nông dân nghèo, đặc biệt là ở châu Phi, thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu. Cơ quan Phát triển Pháp AFD chọn bốn quốc gia bị đe dọa là đảo Maurice, Comores ở Ấn độ Dương, Tunisia và Niger ở châu Phi, để trợ giúp đối phó với nạn xâm thực (biển hay sa mạc).
Ngoài quyết định bỏ nhiên liệu gây ô nhiễm, các định chế tài chính nhà nước và tư nhân còn dành ngân khoản quan trọng để giúp các đảo quốc bảo vệ bờ biển hay các nước nhiệt đới bảo vệ nguồn nước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong bài phát biểu kết thúc hội nghị, cho rằng thượng đỉnh Paris đã giúp lấy lại phần nào thời gian chậm trễ trong cuộc chiến bảo vệ địa cầu. Ông thông báo thành lập diễn đàn « One Planet » trên mạng để thu nhận mọi sáng kiến và hy vọng thượng đỉnh "Vì một hành tinh" sẽ diễn ra mỗi năm.
Một chi tiết đáng được ghi nhận là phát biểu của diễn viên, cựu thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger khi trả lời một học sinh Pháp là liệu có thể lật ngược tình trạng hâm nóng địa cầu hay không ? "Terminator" dứt khoát là « được ». Ông nói: " Muốn là được, các em hãy nhìn tấm gương thành công của tôi, của một thanh niên gốc Áo, ở Hollywood cũng như trên chính trường Mỹ". - RFI
***
Đúng vào lúc mở ra hội nghị thượng đỉnh One Planet Summit tại Paris, ngày 12/12/2017, Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Mỹ (NOAA) đã công bố phúc trình thường niên, với một lời cảnh báo về tốc độ tăng nhiệt độ nhanh chóng tại Bắc Cực. Theo bản báo cáo, đó là một hiện tượng đã trở thành một « điều bình thường mới », và băng tan sẽ gây ra những biến đổi môi trường tác động đến toàn địa cầu.
Bản báo cáo thường niên thẩm định rằng Bắc Cực đang trải qua một « giai đoạn chuyển đổi chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại », với nhiệt độ tăng nhanh gấp đôi so với các khu vực còn lại của hành tinh, làm cho mực nước biển dâng cao nhanh chóng, và khiến cho các hiện tượng thời tiết cực đoan (như hạn hán, ngập lụt hay bão tố) diễn ra thường xuyên hơn.
Bản báo cáo mang tựa đề The Arctic Report Card ghi nhận là vào năm ngoái 2016, diện tích biển Bắc Cực mà băng bao phủ đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong lúc nhiệt độ tại đấy tăng lên mức cao thứ hai trong thời kỳ hiện đại.
Đối với 85 nhà khoa học tại 12 nước tham gia vào bản báo cáo của Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Mỹ, điều đáng ngại là không có dấu hiệu nào cho thấy là tình trạng kể trên sẽ giảm bớt, khí hậu tại miền cực bắc địa cầu sẽ trở về thời kỳ băng giá hoàn toàn như nhiều thập kỷ trước, và có thể nói là hệ môi trường tại Bắc Cực đã đạt đến ngưỡng « bình thường mới ».
Theo ông Jeremy Mathis, giám đốc Chương Trình Nghiên Cứu Bắc Cực của NOAA, đồng tác giả bản báo cáo, hệ quả của việc Bắc Cực tiếp tục ấm lên rất đáng ngại, vì những gì xẩy ra ở Bắc Cực không chỉ đóng khuôn trong khu vực đó, mà sẽ tác động đến đời sống con người ở mọi nơi trên Trái Đất.
Chuyên gia này giải thích là con người « sẽ phải sống chung với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, chí phí đắt hơn cho lương thực, thực phẩm, và phải xử lý tác động của việc số người tị nạn vì khí hậu gia tăng ». Theo ông, những đợt giá lạnh bất thường, tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại miền Tây nước Mỹ và những cơn bão ở vùng duyên hải Vịnh Mêhicô có thể đã bắt nguồn từ tình trạng tan băng ở Bắc Cực.
Đây là lần thứ 12 mà bản báo cáo về Bắc Cực được cơ quan NOOAA công bố, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, và mô tả tình trạng trái đất bị hâm nóng như là một "trò lừa bịp" của Trung Quốc. - RFI
|
|
8.
Trung Quốc lại đe dọa Đài Loan không nên dựa vào Mỹ
Đài Loan sẽ bị thất bại nếu dựa vào sức mạnh của nước ngoài để thực hiện chính sách ly khai với Hoa lục. Trên đây là tuyên bố một viên chức chính phủ Trung Quốc, một tuần sau khi một quan chức của bộ Ngoại Giao nước này đưa ra đe dọa « tấn công quân sự ».
Theo Reuters, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày thứ tư 13/12/2017, khi được hỏi về lời đe dọa của tham tán công sứ Lý Khắc Tân « tấn công Đài Loan nếu chiến hạm Mỹ cặp bến Cao Hùng », ông An Phong Sơn, phát ngôn viên cơ quan đặc trách quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan tuyên bố rằng Trung Quốc chống lại mọi tiếp xúc quân sự giữa Đài Bắc và Washington. Viên chức này bình luận thêm « mọi âm mưu dựa vào người ngoài để củng cố sức mạnh hay làm thiệt hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ bị thất bại, sẽ bị nhân dân Trung Quốc chống lại ».
Tháng 9 năm nay, Quốc hội Mỹ khi thông qua ngân sách quốc phòng 2018 đã cho phép hải quân Mỹ giao lưu với hải quân Đài Loan và thăm viếng lẫn nhau.
Trong một tuần nay, Bắc Kinh liên tiếp đưa ra những dấu hiệu bất bình. Trước hết là qua tuyên bố của tham tán công sứ tại Mỹ : ngày tàu chiến Mỹ cặp bến (quân cảng) Cao Hùng, ngày đó Đài Loan sẽ được thống nhất bằng vũ lực. Tiếp đến, cuối tuần qua, quân đội Trung Quốc thông báo « tập dượt bao vây hải đảo » và đến hôm nay là lời đe dọa của ông An Phong Sơn.
Về phần Đài Loan, nhân diễn đàn an ninh tổ chức tại Đài Bắc, phó tổng thống Trần Kiện Nhân xác nhận Trung Quốc đang gia tăng hành động khiêu khích ở biển Đông và đưa nhiều tàu chiến, máy bay ra Hoa Đông thị uy. Tuy nhiên, ông tuyên bố « Đài Loan muốn duy trì quan hệ nguyên trạng và đối thoại xây dựng có lợi cho nhân dân hai bờ eo biển và khu vực, nhưng để được như thế, phải có sự hợp tác của cả hai bên”. - RFI
|
|
9.
Nga chấp nhận tham gia Olympic Pyeongchang 2018 không quốc kỳ
Các vận động viên Nga đến Pyeongchang, Hàn Quốc, sẽ tham gia Thế vận hội mùa đông 2018 dưới màu cờ Olympic. Đó là quyết định của Ủy ban Olympic Quốc gia Nga sau phiên họp hôm qua 12/12/2017. Matxcơva đã chọn giải pháp không đối đầu, chấp nhận án phạt của Ủy Ban Olympic Quốc Tế đối với thể thao Nga vì những vụ bê bối sử dụng doping, theo đó những vận động viên « sạch » vẫn có thể tham dự Olympic Pyeongchang, nhưng sẽ không có quốc kỳ hay quốc ca Nga.
Thông tín viên RFI, Daniel Vallot tại Matxcơva tường trình :
"Sau khi gọi án phạt của CIO là điều « xỉ nhục » và lên án các cáo buộc giả dối, chính quyền Nga cuối cùng đã quyết đinh tránh đối đầu với Ủy Ban Olympic Quốc Tế. Các vận động viên Nga được CIO xác nhận không dùng doping sẽ được phép đến Hàn Quốc thi đấu.
Ông Alexandre Joukov, chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc gia Nga giải thích về quyết định trên :
« Tất cả những phát biểu trong cuộc họp đều thống nhất với ý kiến : Các vận động viên của chúng ta phải đến Pyeongchang ! Họ phải giành chiến thắng ở đó, mang vinh quang cho nước Nga, để rạng danh tổ quốc ! Đồng thời, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy tôn trọng sự lựa chọn cá nhân của mỗi vận động viên, kể cả những vận động viên quyết định không tham gia Thế vận hội ».
Đây không phải là lần đầu tiên các vận động viên Nga buộc phải thi đấu dưới màu cờ trung lập. Năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã, các vận động viên của các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã phải tập hợp trong một đoàn thể thao thống nhất dưới cờ Olympic để tham dự Thế vận hội Barcelona. Khi họ giành chiến thắng, bài ca Olympic được cử lên thay cho quốc ca."
Theo chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc gia Nga, Alexandre Joukov, có khoảng hơn 200 vận động viên Nga sẽ có thể tham gia thi đấu ở Pyeongchang 2018, tương đương với số lượng vận động viên đã tham dự Thế vận hội mùa đông Sotchi 2014. Họ sẽ được gọi là « các vận động viên Olympic của Nga ».
Vì các cáo giác vận động viên sử dụng doping có tổ chức, thể thao Nga bị Ủy ban Olympic Quốc Tế ra án phạt loại khỏi Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, Hàn Quốc, từ ngày 09 đến 25/2/2018. Tuy nhiên, CIO cũng để ngỏ cửa cho phép các vận động viên được xác nhận « sạch » tham dự Thế vận hội dưới màu cờ Olympic. Hai quan chức thể thao của Nga cũng phải nhận án phạt. Cựu bộ trưởng Thể thao Nga Moutko, hiện là phó thủ tướng, bị cấm mọi hoạt động liên quan đến Olympic suốt đời. Chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc gia Nga Alexandre Joukov cũng bị loại khỏi Ban chấp hành CIO. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Quan chức cao cấp Bộ Tư pháp Mỹ bênh vực cuộc điều tra của Mueller
Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein hôm thứ Tư bác bỏ các cáo buộc của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa rằng các công tố viên và các đặc vụ điều tra những cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 thiên vị chống Tổng thống Donald Trump.
Các nghị sĩ Cộng hòa gần đây đã công kích Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đã buộc tội bốn phụ tá của ông Trump trong cuộc điều tra của ông, cũng đang tìm hiểu xem liệu có sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và các quan chức Moscow hay không.
Nga phủ nhận các kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Moscow đã tấn công tin tặc và tung tin xuyên tạc để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Ông Trump thì nói không có sự thông đồng.
Tại phiên điều trần hôm thứ Tư, các nghị sĩ Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện gia tăng chỉ trích ông Mueller, chỉ ra những tin nhắn văn bản giữa hai nhân viên của FBI, bao gồm một người trong ban điều tra của ông, là thể hiện thiên kiến chống Trump.
Các nghị sĩ Cộng hòa cho biết họ đã xem qua hơn 300 tin nhắn chống Trump được trao đổi qua lại vào năm ngoái giữa luật sư FBI Lisa Page và Peter Strzok, một đặc vụ FBI tham gia cuộc điều tra của ông Mueller.
Các thành viên của ủy ban đọc lớn nội dung của một số tin nhắn giữa ông Strzok và bà Page.
Một số tin nhắn gọi ông Trump là "thằng đần" và một "kẻ đáng ghét," theo những bản sao của một mẫu các tin nhắn này mà hãng tin Reuters xem qua.
Trong một cuộc trao đổi vào tháng 7 năm 2016 họ chế giễu ban vận động tranh cử của ông Trump tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa.
"Chúa ơi, tôi xấu hổ cho họ quá. Mấy người này như những ngôi sao lỗi thời," bà Page trả lời tin nhắn của ông Strzok. "Và wow, Donald Trump sao mà khốn nạn thế không biết."
Những tin nhắn này cho thấy "thiên kiến cực điểm chống lại Tổng thống Trump. Chuyện này không thôi đã đủ tệ rồi, vậy mà hai người này còn nằm trong đội ngũ thượng thừa của Mueller điều tra người mà họ đã tỏ thái độ khinh miệt," Bob Goodlatte, dân biểu Cộng hòa làm Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói.
Tuy nhiên, trong một số tin nhắn mà Reuters đã xem qua, ông Strzok dường như cũng không hào hứng về ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Tự mô tả mình là "người theo Đảng Dân chủ có quan điểm bảo thủ," ông trong một tin nhắn tỏ ra lo ngại về việc bà đắc cử, và có lúc phàn nàn rằng một số cơ quan truyền thông nhất định đã thiên vị vì hạ giảm mối liên hệ của bà với ngành dầu khí.
"Đây là sự thiên vị rõ ràng hết sức của giới truyền thông đặc biệt là NYTIMES, WAPO và CNN, mà nếu tìm hiểu thì sẽ thấy tất cả họ đều có những người quyên góp lớn cho Clinton," ông viết.
Ông Rosenstein, người bổ nhiệm ông Mueller, cho biết công tố viên đặc biệt đã hành xử thỏa đáng khi loại bỏ đặc vụ này, Peter Strzok, khỏi cuộc điều tra sau khi Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp tiết lộ những tin nhắn này, và nói thêm rằng ông tin tưởng ông Mueller không để cho thiên kiến chính trị ảnh hưởng tới cuộc điều tra.
Khai chứng trước khi ủy ban, ông Rosenstein nói ông "không biết" về bất kỳ hành vi không đúng mực nào của đội ngũ của ông Mueller.
Khi thành viên cao cấp nhất của phe Dân chủ trong ủy ban hỏi ông có bất cứ lý do chính đáng nào để sa thải ông Mueller hay không, ông trả lời: "Không."
Ông cũng nói ông nghĩ ông Mueller là "sự lựa chọn lý tưởng" để dẫn đầu cuộc điều tra, và nói rằng chỉ bởi vì một người có liên hệ với một đảng chính trị không có nghĩa là người đó sẽ thiên vị.
Ông nói ông đã thảo luận vấn đề thiên vị với ông Mueller và nói rằng ông Mueller "đang điều hành văn phòng công tố viên đặc biệt một cách thỏa đáng." - VOA
|
|
11.
Tổng thống Trump đẩy mạnh cải cách thuế
Tổng thống Donald Trump hôm nay sẽ thúc đẩy lần cuối để đưa luật thuế của đảng Cộng hòa đến đích, chủ trì bữa ăn trưa với các nhà thương thuyết ở Quốc hội trước khi đọc bài diễn văn đưa ra những lập luận chung cuộc cho dự luật này.
Các nhà soạn thảo dự luật thuế của Thượng viện và Hạ viện đã làm việc đến tối ngày 12/12 để san bằng những khác biệt trong dự luật đã được mỗi viện thông qua, nhưng những chi tiết quan trọng trong đó có thuế suất công ty, vẫn còn dao động.
Cả hai dự thảo luật của hai viện đều cắt giảm thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%, nhưng các nhà thương thuyết ngày 12/12 còn thảo luận là thuế suất này có thể được nâng lên là 21% trong dự luật cuối cùng hay không, các nhà lập pháp cho hay.
Các nhà soạn thảo luật thuế cũng còn phải quyết định thuế suất cá nhân cao nhất và đang cân nhắc việc làm thế nào giảm bớt tốt nhất tiền lời mua nhà và thuế địa phương mà Thượng viện và Hạ viện có cách biệt.
Thượng nghị sĩ John Cornyn, nhân vật thứ hai của đảng Cộng hòa trong Thượng viện nói vào cuối ngày 12/12 là thuế suất công ty có thể là 21%.
Với phiên họp chính thức của ủy ban thương thuyết lưỡng đảng dự trù vào chiều ngày 13/12, đảng Cộng hòa vẫn đang nỗ lực hoàn tất những chi tiết quan trọng nhưng không làm tăng thêm 1.500 tỉ đô la nợ quốc gia trong thập niên tới, theo các con số ước tính độc lập.
Ông Trump đang mong ký luật thế vào cuối năm nay để đánh dấu thắng lợi lập pháp quan trọng đầu tiên của Đảng Cộng hòa kể từ khi đảng kiểm soát được cả hai viện Quốc hội và Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm nay.
Theo dự kiến, trong bài phát biểu hôm nay, Tổng thống Trump sẽ chống lại luận điệu cho rằng kế hoạch thuế khóa của đảng Cộng hòa phần lớn làm lợi cho các công ty và những người giàu bằng cách nhấn mạnh đến việc luật thuế này cũng giảm thuế suất cho những người có lợi tức thấp và trung bình_những người có thể thấy được những lợi ích thêm nữa như lương cao hơn nhờ giảm thuế cho công ty.
Khi được hỏi ai được hưởng lợi nhiều hơn về luật thuế của đảng Cộng hòa, hơn một nửa người Mỹ nói luật này có lợi cho người giàu hay những công ty lớn. - VOA
|
|
12.
Doug Jones của phe Dân chủ thắng Roy Moore ở Alabama
Doug Jones vừa trở thành ứng viên Đảng Dân chủ đầu tiên sau 25 năm giành ghế ở Thượng viện Mỹ tại tiểu bang Alabama, sau một chiến dịch tranh cử đầy căng thẳng với ứng viên Đảng Cộng hòa Roy Moore.
Chiến thắng bất ngờ của ông Jones là một cú giáng cho Tổng thống Donald Trump, người ủng hộ ông Moore, và làm thu hẹp đa số ghế Đảng Cộng hòa tại Thượng viện xuống chỉ còn 51 trên 49.
Nhà báo Bùi Văn Phú từ San Jose, California bình luận với BBC Tiếng Việt về sự kiện này:
"Chiến thắng của ứng viên Đảng Dân chủ Doug Jones, dù chỉ hơn ứng viên Đảng Cộng hòa Roy Moore chưa đến 2% nhưng là một thất bại lớn cho Đảng Cộng hòa vì tiểu bang Alabama trong hơn hai thập niên qua là đất của Đảng Cộng hòa với hai thượng nghị sĩ của đảng này và trong kỳ bầu cử 2016 Donald Trump đã thắng lớn ở đây.
Tổng thống Donald Trump, cựu cố vấn Steve Bannon đã vận động cho Moore mà kết quả không thành công. Bây giờ ở Thượng viện Cộng hòa chỉ còn chiếm đa số mong manh là 51-49."
Ông Moore đến giờ phút này vẫn không chịu thua và tuyên bố "mọi chuyện vẫn chưa kết thúc."
Ông Moore vừa có một chiến dịch gây nhiều điều tiếng vì các cáo buộc về hành vi tình dục sai phạm với các em gái vị thành niên.
Theo tờ báo Anh The Independent, một đồng minh của ông Moore là Bill Staehle kể lại câu chuyện khi ông và ông Moore đang trong quân ngũ ở Nam Việt Nam.
Một đêm, họ đi chơi cùng một đồng đội sắp về nước, và chẳng mấy chốc nhận ra chương trình buổi tối hôm đó có gì.
"Ông ấy dẫn chúng tôi tới một nơi mà hóa ra là nhà chứa. Có nhiều cô gái xinh đẹp, và các cô còn trẻ, một số cô có lẽ là rất trẻ," ông Staehle được tờ The Independent dẫn lời.
Nhưng trước khi các cô gái trẻ này tiếp cận, ông Moore "nói với tôi chúng ta không nên đến đây, tôi về đây."
"Đó chính là Roy. Có danh dự, kỷ luật, có đạo đức và nguyên tắc cao," vẫn theo tờ The Independent.
Ông Moore, một người bảo thủ từng nói ông tin rằng các hành vi tình dục đồng tính phải bị coi là bất hợp pháp, liên tiếp phủ nhận các cáo buộc đối với mình.
Hai ông Jones và Moore tranh cử vào vị trí do Tổng chưởng lý Jeff Sessions để lại khi ông từ chức hồi giữa năm 2017.
Bình luận của Anthony Zurcher, phóng viên BBC News, từ Washington
Như thế Alabama sẽ có một nghị sỹ Dân chủ tại Thượng viện Mỹ.
Đây là một kết quả dường như không thể có chỉ cách đây một năm và vẫn có vẻ không tưởng tượng được ngay sáng thứ Ba 12/12 khi cử tri đi bỏ phiếu.
Hệ lụy của chiến thắng bất ngờ này hiện vẫn chưa rõ.
Số ghế đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện sẽ thu hẹp, làm cải thiện đáng kể cơ hội kiểm soát Thượng viện của phe Dân chủ trong kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2018.
Kết quả này cũng có thể được xem như làn sóng phản đối Tổng thống Donald Trump, người từng ủng hộ hết lòng ông Roy Moore ngay cả khi các nhà lãnh đạo khác trong đảng Cộng hòa còn lưỡng lự.
Sau khi dành chiến thắng trong các cuộc đua ở Virginia và New Jersey hồi tháng 11, một số người ủng hộ phe Dân chủ sẽ hy vọng rằng làn sóng phản đối Trump đang hình thành.
Nhưng bản thân ông Moore cũng là một cử tri đầy khiếm khuyết nên còn quá sớm để nói.
Mặc dù ông Moore chưa chấp nhận thua cử, Tổng thống Trump đã chúc mừng ông Jones trên Twitter ngay sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ông Jones là người chiến thắng. Ông Trump nói thêm "Đảng Cộng hòa sẽ có cơ hội giành ghế này trong một thời gian ngắn."
Ghế thượng nghị sỹ này sẽ được bầu lại vào tháng 11/2020. - BBC
|
|
13.
Tin tưởng kinh tế vững mạnh, Fed lại tăng phân lời
Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) sẽ tăng phân lời lần thứ ba trong năm nay, và dự đoán có thể tăng thêm ba lần nữa vào năm 2018, sau một cuộc bỏ phiếu cho thấy sự tin tưởng rằng kinh tế Mỹ vẫn đang vững mạnh trong tám năm rưỡi qua, sau thời kỳ Đại Suy Thoái.
Fed cho biết hôm Thứ Tư là họ sẽ tăng phân lời đang ở mức .25% lên mức, trong khoảng từ 1.25% đến 1.5%. Fed cũng sẽ dần dần giảm mua công trái phiếu. Đây là hai bước từ từ đẩy phân lời vay nợ lên đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, và có lợi cho những người có tiền trong trương mục tiết kiệm.
Qua một thông cáo báo chí, Fed nói rằng, sau cuộc họp lần trước, họ dự đoán là thị trường lao động và nền kinh tế sẽ vững mạnh hơn.
Và kết quả là họ phải tăng phân lời cho phù hợp với thị trường vào năm tới, dưới sự lãnh đạo của ông Jerome Powell, người sẽ thay thế bà Janet Yellen làm chủ tịch Fed vào Tháng Hai.
“Dự đoán GDP tăng và tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm” rõ ràng là lý do Fed tăng phân lời, ông Ken Matheny, một kinh tế gia ở IHS Markit, nói.
Quyết định của Fed là kết quả của cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 7-2, trong đó có hai phiếu chống của ông Charles Evans, chủ tịch chi nhánh Fed ở Chicago, và ông Neel Kashkari, chủ tịch chi nhánh Fed ở Minneapolis. Cả hai ông này muốn giữ nguyên phân lời hiện nay.
Ngoài ra, trong buổi họp báo sau cuộc họp của Fed, bà Yellen nói rằng bà sẽ làm việc để chuyển giao quyền hành êm thắm cho ông Powell.
Ông Powell thường là đồng minh của bà Yellen trong các cuộc bỏ phiếu liên quan đến phân lời trong năm năm qua. - nguoiviet
|
|
14.
Báo USA Today chỉ trích nặng nề TT Trump
USA Today, một trong những tờ nhật báo có số phát hành lớn nhất Hoa Kỳ, hôm Thứ Tư viết một bài xã luận chỉ trích nặng nề Tổng Thống Donald Trump, nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ “không xứng đáng chùi các nhà vệ sinh trong Thư Viện Tổng Thống Barack Obama hoặc chùi giày cho Tổng Thống George W. Bush.”
Sự việc xảy ra sau khi Tổng Thống Trump tweet ra hôm Thứ Ba nói rằng: “Thượng Nghị Sĩ ‘Hạng Nhẹ’ Kirsten Gillibrand, một kẻ xu nịnh Chuck Schumer và là người đến văn phòng tôi ‘xin’ tiền vận động tranh cử cách đây không lâu (và sẵn sàng làm bất cứ gì để có tiền), bây giờ lại lên võ đài chống lại Trump…”
Bà Gillibrand và ông Schumer, đều thuộc đảng Dân Chủ, là hai thượng nghị sĩ liên bang đại diện tiểu bang New York. Ngoài ra, ông Schumer là trưởng khối thiểu số tại Thượng Viện.
Đối với USA Today, “cú tweet mới nhất này rõ ràng có ý nói rằng một thượng nghị sĩ Mỹ có thể cống hiến tình dục để có tiền tranh cử, và như vậy, Tổng Thống Trump cho thấy ông không xứng đáng cho vị trí hiện nay. Đây là điều tệ hại nhất mà một tổng thống có thể có.”
“Một tổng thống dám gọi Thượng Nghị Sĩ Kirsten Gillibrand là một con điếm thì không xứng đáng chùi những nhà vệ sinh trong Thư Viện Tổng Thống Barack Obama hoặc chùi giày cho Tổng Thống George W. Bush,” bài xã luận của USA Today viết.
Trước đó một hôm, bà Gillibrand, cùng hai thượng nghị sĩ Dân Chủ khác, ông Cory Booker (New Jersey) và ông Jeff Merkley (Oregon), kêu gọi ông Trump từ chức vì ông bị hơn một chục phụ nữ tố cáo sách nhiễu tình dục.
Sau khi ông Trump tweet ra, nhiều dân cử Quốc Hội, đặc biệt là phụ nữ, cho rằng cụm từ “sẵn sàng làm bất cứ gì” là “nói xấu phụ nữ,” với hàm ý “trao đổi tình dục để có tiền.”
Bà Gillibrand, một người có thể được đảng Dân Chủ đề cử tranh chức tổng thống với ông Trump vào năm 2020, phản ứng tức khắc.
“Ông là một người ăn hiếp người khác, và ông từng tấn công nhiều người khác nhau khắp đất nước này kể từ khi ông làm tổng thống,” bà nói. “Nhưng ông không thể bịt miệng được tôi.”
Trong cuộc họp báo hôm Thứ Ba, bà Sarah Sanders, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bác bỏ lập luận rằng cú tweet của tổng thống là “nói xấu phụ nữ,” và cho rằng “đây là sự hiểu lầm bởi vì tổng thống cũng dùng ngôn ngữ tương tự đối với đàn ông.”
USA Today chọc quê liền: “Khi ứng cử viên Trump nói một nhà báo có máu chảy ‘khắp nơi’ trên người, ông không có ý nói là từ mũi cô chảy ra.”
Cho tới Thứ Tư, chưa thấy Tổng Thống Trump tweet ra bất cứ gì liên quan đến vụ này, như ông vẫn thường làm. - nguoiviet
|
|
15.
Chính phủ Trump chi $297 triệu tuyển thêm 5,000 nhân viên biên phòng
Với kế hoạch của Tổng Thống Donald Trump cho mướn thêm 5,000 nhân viên Biên Phòng mới, cơ quan Quan Thuế và Biên Phòng Mỹ (CBP) vừa ký giao kèo trị giá $297 triệu để nhờ một công ty tư nhân giúp tuyển mộ và mướn các nhân viên mới này cũng như các nhân viên khác.
Bản tin của tờ báo San Diego Union-Tribune cho hay CBP ký giao kèo với Accenture, một công ty quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ chuyên môn, với số thương vụ lên tới $35 tỉ vào năm 2017. Điều này diễn ra trong lúc Biên Phòng Mỹ chật vật duy trì mức nhân viên tối thiểu do Quốc Hội Mỹ ấn định và số nhân viên nghỉ việc mỗi năm nhiều hơn số mới thuê vào.
Công ty Accenture sẽ được trả số tiền $42.6 triệu trong năm đầu tiên của giao kèo có thể kéo dài tới năm năm.
Công việc của công ty này là điều hành toàn bộ tiến trình thuê nhân viên mới, từ đăng quảng cáo cho tới nhận hồ sơ, rồi các công việc hành chánh và xem xét lý lịch khác.
Công ty Accenture cũng sẽ có các chương trình quảng cáo về việc làm với cơ quan CBP.
Số nhân viên được thuê sẽ gồm khoảng 5,000 Biên Phòng, 2,000 nhân viên Quan Thuế và 500 nhân viên cho các lãnh vực khác. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
16.
TBT Trọng: Thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động
Trong lúc tiếp tục “đốt lò” chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi thanh niên Việt Nam hãy đặt niềm tin vào lý tưởng cách mạng và đừng để bị “các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động.”
Trong một bài phát biểu dài gần 20 phút trên truyền hình nhà nước VTV tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sáng ngày 11/12 tại Hà Nội, người đứng đầu Đảng Cộng sản nói: "Hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh hiên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc của dân tộc… Thanh niên cũng là đối tượng thường bị các thế lực xấu, thù địch tiếp cận, lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta."
Nhận xét về nhận định của TBT Việt Nam đối với sự kém quan tâm của thanh niên tới “lý tưởng cách mạng,” một người trong giới trẻ Việt Nam và là nhà phân tích truyền thông độc lập Nguyễn Nhung cho rằng phải đặt câu hỏi tại sao "giới trẻ tại sao người ta lại không quan tâm đến Đảng, Đoàn hay những hoạt động ngoài thực tế? Người muốn thu hút họ phải tìm xem nguyên nhân tại làm sao và tìm ra cách để thu hút chứ không (thể) là thấy người ta không bị hấp dẫn bởi mình thì trách cứ. Chuyện đó là vô lý."
Lên tiếng trước khoảng 1.000 đoàn viên tham dự, Tổng Bí Thư Trọng đổ lỗi cho Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “còn chậm và lúng túng” trong việc “giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi.”
Ông Trọng kêu gọi tổ chức cao nhất của thanh niên Việt Nam cần tìm cách “tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội.”
Nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam từng kêu gọi siết chặt quản lý mạng xã hội, vốn được cho là nơi phát tán những “thông tin độc hại” tới người dùng, nhất là giới trẻ. Nhưng thế nào là tin độc hại?
"Định nghĩa một khái niệm như thế nào là “độc hại” như thế nào là xấu thì cũng rất là khó," theo chị Nhung. "Ngay kể cả những thông tin mang tính chất nhạy cảm như là sex, hay chính trị, hay sự khác biệt văn hóa… thì ở mỗi một góc độ nhìn khác nhau thì mỗi người quan tâm đến một khía cạnh khác nhau. Và đôi khi khía cạnh “độc hại” của người này lại là khía cạnh thực sự ý nghĩa, hữu ích và đáng để quan tâm đối với người khác."
Chính phủ Việt Nam đã đạt được một số cam kết từ Facebook và Google nhằm giúp hạn chế những thông tin mà họ cho là “xấu, độc chống chính quyền Hà Nội,” theo truyền thông trong nước.
Người trẻ trong độ tuổi 20 chiếm gần 50% trong tổng số hơn 50 triệu người dùng internet ở Việt Nam.
TBT Trọng là người nổi tiếng trong việc phát động phong trào chống suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Tại phiên khai mạc Hội nghị của Đoàn thanh niên HCM hôm 11/12, ông Trọng cũng đưa ra lời kêu gọi này với thanh niên.
Ông Trọng đang dẫn đầu một cuộc chiến chống tham nhũng với việc khởi tố một loạt nhân vật quan trọng trong ngành ngân hàng và giới chính trị. Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng là nạn nhân mới nhất bị bắt giam và chờ khởi tố. -VOA
|
|
17.
Gần nửa dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao
Khoảng 44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao trong cơ thể. Trong số này, ước lượng 126.000 người mắc bệnh lao mỗi năm, theo một phúc trình mới được đưa ra hôm 13/12.
Trang mạng zing.vn dẫn lời Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung, cho biết trong số những ca mắc lao hàng năm, có khoảng 105.000 – 106.000 người bệnh, 20.000 người khác không được phát hiện vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân giấu bệnh vì tâm lý xã hội và nhu cầu kiếm sống.
Việt Nam đặt mục tiêu giảm 30% tỷ lệ mắc lao và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020.
Theo Bệnh viện Phổi trung ương, hiện số người người mắc bệnh lao tại Việt Nam đang giảm từ 5%-6% mỗi năm. Từ năm 2015-2016, số người chết vì bệnh lao giảm 3.000 người nhờ phát hiện sớm và điều trị. Trước đó, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 17.000 người chết vì bệnh lao.
Năm 2009, Việt Nam bắt đầu chương trình điều trị lao đa kháng thuốc. Tính đến nay đã có khoảng 11.000 ca bệnh lao đa kháng thuốc được điều trị, đạt tỷ lệ thành công hơn 70%, cao hơn tỷ lệ 54% của thế giới.
Hiện Việt Nam đang đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên theo Bệnh viện Phổi Trung ương, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động y tế tuyến cơ sở để phát hiện lao sớm, đồng thời phải có nguồn tài chính ổn định để hỗ trợ bệnh nhân lao.
Trong khi việc chẩn đoán và điều trị được bảo hiểm y tế chi trả, bệnh nhân mắc lao vẫn phải mất các khoản phí tổn khác như nằm viện, bổ sung dưỡng chất trong thời gian điều trị… tổng cộng có thể lên tới khoản phí tương đương một năm thu nhập bình quân tại Việt Nam, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. - VOA
|
|
18.
Việt Nam phát hiện thêm 58 hang động mới tại Phong Nha
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, một di sản văn hóa được UNESCO công nhận, vừa phát hiện thêm 58 hang động mới tại các xã vùng đệm thuộc huyện Minh Hóa. Số hang động này được tìm thấy trong một cuộc khảo sát dựa trên thông tin do người dân địa phương cung cấp.
Trong số 58 hang động mới phát hiện, có nhiều hang lớn và có giá trị. Một số hang phải đi đường rừng từ 2-3 ngày mới tới được. Một số hang có thể đã được bộ đội sử dụng trong thời chiến vì các nhân viên khảo sát phát hiện những hộp mực trong các hang này. Hiện vẫn còn một số hang mới chưa được khảo sát.
Danh sách các hang động mới phát hiện sẽ được chuyển cho Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh để có thêm các cuộc khảo sát chuyên môn khác.
Năm ngoái, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng đã công bố 57 hang động mới tại Quảng Bình.
Đây được xem là “vương quốc” của các hang động, trong đó có hang Sơn Đoòng được khám phá vào năm 2009 và trở thành hang động lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 5 km, cao 200m và rộng 150m.
Năm ngoái, hang Sơn Đoòng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Hollywood “King: Skull Island” (Đảo đầu lâu), giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế tới đây.
Trước khi hang Sơn Đoòng được phát hiện, Phong Nha Kẻ Bàng cũng đã là nơi giữ nhiều kỷ lục thế giới, trong đó có sông ngầm dài nhất thế giới và cụm hang động có lối đi lớn nhất thế giới. - VOA
|
|
19.
Carlsberg gần đạt thỏa thuận mua cổ phần Habeco tại Việt Nam - - - Vụ bán cổ phần Sabeco có diễn biến mới
Nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg có nhiều triển vọng đạt thỏa thuận với chính phủ Việt Nam để mua thêm cổ phần công ty Habeco, một trong những nhà sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam.
Theo hãng tin Reuters, Việt Nam là một trong những thị trường bia hấp dẫn nhất thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, nhờ những yếu tố như dân số trẻ với sức tiêu thụ gần 4 tỷ lít hồi năm ngoái. Chính phủ Việt Nam muốn thoái vốn toàn bộ cổ phần của công ty Habeco và của Sabeco, một đối thủ của Habeco.
Carlsberg, hiện đã sở hữu 17,3% cổ phần của Habeco, trong nhiều năm đã điều đình với chính phủ Việt Nam về quyền mua cổ phần ưu tiên.
Một phát ngôn viên của công ty Carlsberg nói: "Carlsberg, Chính phủ Việt Nam và Habeco đã đạt được một sự hiểu biết chung về một số vấn đề trong quá trình đàm phán, chúng tôi hy vọng sự hiểu biết này sẽ thúc đẩy tiến trình mua cổ phần."
Người phát ngôn của Carlsberg nói thêm rằng Carlsberg thừa nhận nghĩa vụ lâu dài với Việt Nam liên quan tới Habeco, nhãn hiệu bia lâu đời nhất tại Hà Nội.
Vào tháng trước, Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ hoàn tất việc bán cổ phần Habeco vào quý I năm 2018. - VOA
***
Một công ty thuộc tập đoàn của Thái Lan đăng ký mua 51% cổ phần của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Công ty TNHH Vietnam Beverage đã đăng ký mua 327.053.405 cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ của Sabeco, theo một thông báo của Bộ Công thương Việt Nam.
Vietnam Beverage là công ty mới thành lập gần đây và được sở hữu 100% bởi Công ty cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam.
Công ty Beerco Limited, được sở hữu 100% bởi tập đoàn bia rượu Thái Lan Thai Beverage, đang sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Như vậy theo cấu trúc vốn sở hữu này thì Vietnam Beverage là công ty Việt Nam về tư cách pháp nhân nhưng thuộc về Thai Beverage, do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm.
Việc Vietnam Beverage tỏ ý muốn mua 51% cổ phần cũng cho thấy điều này.
Công ty TNHH Vietnam Beverage được thành lập ngày 6/10/2017 với số vốn 682 tỉ đồng.
Công ty này nằm trong một con ngõ của khu tập thể 16A Lý Nam Đế, Hà Nội và là nhà riêng của Tổng giám đốc Trần Kim Nga, theo truyền thông trong nước.
Báo Vietnamfinance.vn thuộc Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hôm 12/12 có bài 'Đi đường vòng thâu tóm Sabeco, người Thái đang toan tính gì?' mô tả Thai Beverage mới chỉ mua lại 49% cổ phần F&B Alliance Việt Nam chỉ với vỏn vẹn... 4.321 USD (gần 100 triệu đồng) vào cuối tháng 11/2017 vừa qua.
"Có thể thấy rõ ràng đằng sau sự sở hữu "lòng vòng" ấy là bóng dáng của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi," bài báo viết.
Bài này này mô tả ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã từng "thâu tóm" thành công Phú Thái Group (một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng) từ năm 2013 và Hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam hồi năm 2015 (nay là MM Market); hiện cũng đang sở hữu 19% vốn của Vinamilk và một loạt chuỗi các cửa hàng B's mart tại Việt Nam...
Tại Thái Lan, tập đoàn của ông sở hữu thương hiệu bia Chang nổi tiếng.
Từ hơn 10 năm trước, hồi giữa năm 2006, Thai Beverage, chủ của nhãn hiệu bia này đã lên niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore.
Công ty này cũng công bố lãi ròng của Chang Beer vào thời điểm 30/05/2006 tăng 2,29 tỷ baht, bằng 63 triệu USD, theo AFP.
Bộ Công Thương mới đây nói sẽ chào bán 343.662.587 cổ phần - tương ứng 53,59% vốn điều lệ của Sabeco.
Công ty nước ngoài trong đợt này bị khống chế chỉ được mua cổ phần tương đương 38,59% vốn điều lệ Sabeco, theo Bộ Công Thương vì trên thực tế nhà đầu tư nước ngoài đang nắm cổ phần tương đương khoảng hơn 10% vốn điều lệ Sabeco.
Chưa rõ vì sao Vietnam Beverage chỉ trong một thời gian rất ngắn đề nghị mua hơn gấp đôi số cổ phần tại Sabeco so với đề xuất ban đầu (từ 25% lên 51%).
Hãng thông tấn Reuters vào đầu tuần này nói "Việc thiếu vắng quyền kiểm soát [cổ phần] và cách bán cổ phần không bài bản khiến một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không muốn mua".
Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có bài mô tả về những "bất cập" như việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư ngoại.
"Mặc dù việc bán cổ phần tại Sabeco đã được biết đến từ lâu, song những chi tiết về quy mô, giá cả của đợt thoái vốn chỉ được công bố vào tuần cuối của tháng 11. Điều đó đồng nghĩa những nhà đầu tư thực sự quan tâm sẽ chỉ có ba tuần để chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, hoàn thành các thủ tục liên quan và thu xếp tiền đặt cọc, mở tài khoản…."
Lại cần công an?
Bộ Công Thương mới đây phải nhờ tới Bộ Công an để giám sát quá trình cổ phần hoá Sabeco.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng được Dân Trí dẫn lời nói "không chỉ có Bộ Công an, chúng tôi cũng cần các cơ quan liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham gia giám sát chặt chẽ để không để xảy ra sai sót, vi phạm gì hay có hành vi thao túng trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa Sabeco".
Website Bộ Công thương nói quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco quy định "nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai theo Luật Chứng khoán phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức Chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước khi thực hiện 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua, và đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định của pháp luật Việt Nam".
Ngày 17/12 là hạn chót để các bên tham giá đấu giá đăng ký với Ban tổ chức đấu giá Sabeco. - BBC
|
|
20.
Mục sư Franklin Graham: “Tự do tôn giáo tại Việt Nam đang được cải thiện”
Mục sư Franklin Graham, một nhà truyền giáo Hoa Kỳ nổi tiếng thế giới được Chính phủ Việt Nam cho phép tổ chức buổi truyền giảng Phúc âm trong hai ngày 8 và 9 tháng 12, tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 10 ngàn người. Sự kiện này được Mục sư Franklin Graham cho là “chưa từng có” cùng với lời khẳng định tự do tôn giáo tại Việt Nam đang dần được cải thiện.
Giới lãnh đạo tinh thần Thiên Chúa giáo Việt Nam chia sẻ gì qua sự kiện vừa nêu?
“Tôi là Franklin Graham, hiện đang ở Hà Nội, Việt Nam để truyền giảng về Chúa Giê-su đến với dân chúng miền Bắc. Tôi lấy làm vui mừng Chính phủ Việt Nam cho phép chúng tôi tổ chức buổi truyền giảng này và chúng tôi trông đợi vào sự chuyển động của Thượng Đế.”
Buổi truyền giảng “chưa có tiền lệ”
Đây là chia sẻ của Mục sự Franklin Graham, đăng tải trong một video clip trên tài khoản Facebook cá nhân vào ngày 7 tháng 12 khi ông vừa đến Việt Nam.
Mục sư Franklin Graham hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hiệp hội Truyền bá Phúc âm Billy Graham và là một trong những nhà tuyền giáo nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong số 7 quốc gia mà Mục sư Franklin Graham chia sẻ Phúc âm trong năm 2017.
Nói với Hiệp hội Báo chí (The Associated Press) vào ngày 9 tháng 12, Mục sư Franklin Graham cho biết buổi truyền giảng của ông mất một năm để chuẩn bị và được Chính phủ Việt Nam cấp phép một tuần trước khi sự kiện diễn ra cũng như không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Mục sư Franklin Graham nhấn mạnh đây là buổi truyền giảng chưa có tiền lệ về số người người tham dự đối với Hiệp hội Truyền bá Phúc âm Billy Graham lẫn Chính quyền Hà Nội. Trên trang Facebook cá nhân, Mục sư Franklin Graham chia sẻ nhiều hình ảnh của buổi truyền giảng tại Cung thể thao Quần ngựa và các buổi gặp gỡ giữa ông với giới chức lãnh đạo Việt Nam, như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.
Mục sư Franklin Graham nói rằng tự do tôn giáo tại Việt Nam đang dần được cải thiện trong vòng 20 năm và ông hy vọng qua sự kiện truyền giảng này, Chính quyền Hà Nội sẽ có cái nhìn khác về cộng đồng Thiên Chúa giáo.
Mục sư Nhựt Nguyễn, thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam ở Hoa Kỳ cho biết ông theo dõi thông tin về buổi truyền giảng lần đầu tiên của Mục sư Franklin Graham tại Việt Nam rất sát sao và Hội thánh Tin Lành Việt Nam trong quốc nội cũng như ở hải ngoại cầu nguyện cho buổi truyền giảng này. Mục sư Nhựt Nguyễn nói với RFA:
“Về phương diện tích cực thì tôi thấy rằng có một sự chuyển động mà Đức Chúa Trời đang làm trên dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tôi nhận thấy Chính quyền Hà Nội cũng thấy có một sự chuyển động nào đó ở giữa vòng cộng đồng đức tin tại Việt Nam, nhất là tại miền Bắc, những ngườu đã sống rất lâu trong chế độ Cộng sản vô thần. Ngày hôm nay chính những người đó mở lòng ra đối với Tin Lành.”
Vẫn không có tự do tôn giáo
Trong khi đó, Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, cũng thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam, từ trong nước lên tiếng không lấy làm phấn khởi mặc dù Chính phủ cho phép một buổi truyền giảng hiếm hoi như thế. Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa cho rằng ghi nhận lạc quan của Mục sư Franklin Graham về tình hình tôn giáo tại Việt Nam là do nhà truyền giáo đến từ Mỹ chỉ nhìn thấy bề nổi mà không nắm bắt được hiện tình thực tế. Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa và một số mục sư thuộc các hệ phái Tin lành khác nhau ở Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc thừa nhận chỉ những hội thánh tin lành nào được chính quyền công nhận thì mới cấp phép cho sinh hoạt, còn những hội thánh không được cấp phép thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc thừa phượng và truyền giảng.
Từ Sài Gòn, Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế chia sẻ Hội thánh Công giáo cũng gặp tình trạng tương tự, đặc biệt ở những vùng chưa thể thành lập giáo xứ hay xây dựng nhà thờ:
“Với những vùng truyền giáo, tức là những nơi chưa có giáo xứ vì chỉ có một ít giáo dân nên chưa thể thành lập giáo xứ, thì luôn luôn gặp khó khăn. Linh mục làm lễ ngoài nhà thờ, tại nhà dân thì luôn bị gây khó khăn. Do vậy, sự cải thiện về tự do tôn giáo ở Việt Nam gần như không đáng kể. Ngay Luật Tín ngưỡng Tôn giáo chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 sắp tới cũng nhằm chỉ trên quan điểm, đó là quản lý tôn giáo chứ không phải giúp công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình.”
Ngay sau buổi truyền giảng của Mục sư Franklin Graham tại Hà Nội, vào sáng ngày 10 tháng 12, Ngày Quốc tế Nhân quyền, Linh Mục An-tôn Lê Ngọc Thanh cùng các linh mục trong Dòng Chúa Cứu Thế bị công an và cảnh sát giao thông chặn xe, kéo về đồng Công an phường 6 quận 3 thành phố Hồ Chí Minh khi họ đang trên đường đến dự lễ bổn mạng Giáo xứ Thọ Hòa, ở Đồng Nai.
Trước đó, hồi hạ tuần tháng 4 năm nay, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố bản báo cáo thường niên, trong đó đánh giá tình hình tự do tôn giáo Việt Nam “tiếp tục có tiến bộ về các điều kiện tự do tôn giáo, nhưng các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng vẫn tiếp diễn”. USCIRF một lần nữa kết luận rằng Việt Nam đáng bị đưa trở lại vào danh sách các quốc gia đáng được quan tâm (CPC), theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do liệu rằng qua sự kiện Chính phủ Hà Nội cho phép tổ chức buổi truyền giáo quy mô của Mục sư Franklin Graham vừa rồi, thì đó có phải là chỉ dấu cho thấy việc thực hành tín ngưỡng của cộng đồng Thiên Chúa giáo nói riêng cũng như của các tôn giáo nói chung ở Việt Nam trong thời gian tới được cởi mở và thông thoáng hay không, Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa cho biết:
“Về phía chúng tôi là những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người sinh hoạt tôn giáo thuần túy thì rất mong muốn được sự tự do trong việc bày tỏ niềm tin vào rao giảng tin mừng về Thiên Chúa. Lúc nào cũng ao ước như vậy, nhưng không biết là có được như vậy hay không trong những năm tới?”
Trong khi RFA nhận được một số kiến của giới lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam đưa ra lập luận, cho rằng có thể Chính quyền Hà Nội đang nỗ lực chứng minh với thế giới Việt Nam có tự do tôn giáo qua sự kiện truyền giảng của Mục sư Franklin Graham, nhằm phản bác đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần được quan tâm (CPC) thì chúng tôi nhận được thông báo của giáo dân Giáo xứ Đông Kiều, Giáo phận Vinh cho biết công an xã Diễn Mỹ vào sáng ngày 13 tháng 12 không cho làm hang đá chuẩn bị đón Noel. Một giáo dân tường thuật:
“Họ đọc biên bản cấm. Họ nói trong vòng 24 giờ nếu không giải tỏa thì chính quyền sẽ tháo gỡ.”
Tin mới nhất từ Giáo xứ Đông Kiều báo về Đài RFA là một nhóm côn đồ vào lúc 8 giờ tối cùng ngày đến phá các cổng chào, chém một người bị thương và một người khác bị thương do nhóm này nổ súng. - RFA
|
|
21.
Chủ tịch HĐND Đồng Tâm bị bãi nhiệm
Hội đồng Nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội sáng 13/12 đã quyết định bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng này đối với bà Nguyễn Thị Lan, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm.
Nguyên nhân được nói là do bà Lan không thực hiện chỉ đạo của cấp trên về khu đất đang xảy ra tranh chấp tại xã Đồng Tâm. Cụ thể, bà Lan không tham gia tuyên truyền về kết luận thanh tra đất tại Đồng Tâm, và không chỉ đạo cán bộ, người dân làm theo các văn bản của cấp trên. Bà Lan từng nói tại một cuộc họp chi bộ rằng bản thân bà chưa xác định đây là đất quốc phòng hay đất của dân Đồng Tâm.
Ngoài ra, khi xảy ra sự việc người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động vào tháng 4 vừa qua, bà Lan đã bỏ trống vị trí lãnh đạo trong 3 ngày. Bà Lan trước đây từng bị khai trừ khỏi Đảng vì để xảy ra sự việc này.
Xin nhắc lại, mâu thuẫn đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền đã xảy ra nhiều năm nay khi dân thì nói chỉ có một phần khu đất tranh chấp là đất quốc phòng còn lại là đất nông nghiệp của họ. Nhưng chính quyền lại nói rằng cả khu đất đó là đất quốc phòng và đòi thu hồi lại giao cho Tập đoàn Viettel.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào tháng 4 vừa qua khi người dân bắt giam 38 cán bộ, cảnh sát làm con tin, đáp trả lại hành động cơ quan chức năng cho bắt giam 4 người dân mà họ nói là vô tội. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã phải về tận thôn Hoành để thương lượng với người dân và viết bản cam kết sẽ không truy tố dân vì tội bắt giữ cán bộ. Tuy nhiên ngay sau đó Hà Nội cho khởi tố vụ án bắt người trái phép và phá hoại tài sản tại xã Đồng Tâm.
Tháng 8 vừa rồi, cơ quan chức năng đã tuyên án 14 nguyên cán bộ Đồng Tâm vì các sai phạm liên quan đến đất đai. Nhưng người dân Đồng Tâm đã cho RFA biết rằng những cán bộ này không hề liên quan đến khu đất tranh chấp giữa dân và chính quyền bấy lâu nay mà sai phạm ở khu đất khác.
Hiện tại mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm tại xã Đồng Tâm vì dân phản đối kết luận thanh tra cho rằng cả khu đất là của quốc phòng.
Ngoài bà Lan bị bãi nhiệm, 4 cán bộ khác của xã này bị kỷ luật cảnh cáo trong đó có Chủ tịch và các phó Chủ tịch xã. - RFA
Link:
No comments:
Post a Comment