Sunday, December 17, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 18/12

Tin Thế Giới


1.

Hàng chục ngàn người Indonesia biểu tình chống quyết định Jerusalem của Trump


Hàng ngàn người Hồi giáo đã tuần hành từ nhà thờ Hồi giáo chính tại thủ đô của Indonesia tới một quảng trường ở Jakarta hôm Chủ nhật để phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.


Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Indonesia kể từ quyết định gây tranh cãi của ông Trump hồi đầu tháng này đảo ngược một chính sách từ hàng chục năm qua của Mỹ. Cảnh sát ước tính số người tham gia biểu tình, được tổ chức bởi nhiều nhóm Hồi giáo khác nhau, là khoảng 80.000 người.


Cuộc biểu diễn ra ôn hòa nhưng cảnh sát đứng thành hàng sau những cuộn dây thép gai để giữ chân đám đông bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Jakarta. Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết 20.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội đã được triển khai để bảo đảm an ninh.


"Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước bác bỏ quyết định đơn phương và phi pháp của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel," Anwar Abbas, Tổng thư ký của Hội đồng Ulema Indonesia, nói với đám đông.


"Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Indonesia tẩy chay sản phẩm của Mỹ và Israel ở đất nước này" nếu ông Trump không rút lại hành động của mình, ông Abbas nói, đọc từ một bản kiến nghị gửi cho đại sứ Mỹ tại Indonesia.


Nhiều người biểu tình mặc áo trắng, vẫy cờ của người Palestine và giương cao những biểu ngữ, một số có nội dung như: "Hòa bình, yêu thương và một Palestine tự do."


Đã có hàng loạt các cuộc biểu tình ở Indonesia về vấn đề này, bao gồm một số cuộc biểu tình mà trong đó những người bảo thủ đốt cờ của Mỹ và Israel.


Tư cách của Jerusalem, một thành phố linh thiêng đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Kitô hữu, là một trong những rào cản lớn nhất cho nền hòa bình lâu bền giữa Israel và người Palestine.


Khu vực phía đông Jerusalem bị Israel chiếm giữ trong một cuộc chiến năm 1967 và bị sáp nhập trong một hành động không được quốc tế công nhận.


Người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của một quốc gia độc lập mà họ tìm kiếm, trong khi Israel vẫn khẳng định toàn bộ Jerusalem là thủ đô của họ. - VOA

|

|


2.

Mỹ, Nga nói Mỹ giúp chặn đứng vụ tấn công khủng bố ở St Petersburg


Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo cho Nga giúp chặn đứng một vụ tấn công bằng bom có thể gây chết người ở thành phố St. Petersburg, các quan chức Nga và Mỹ cho biết hôm Chủ nhật, trong một biểu hiện công khai hiếm hoi cho thấy sự hợp tác của hai nước bất chấp những căng thẳng sâu sắc.


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện thoại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật để cảm ơn ông về mật báo, điều mà Điện Kremlin nói là đã giúp ngăn chặn một vụ tấn công bằng bom của những kẻ chủ chiến nhắm vào một giáo đường ở thành phố này của Nga, cũng như các địa điểm khác.


Nhà Trắng không tiết lộ chi tiết về âm mưu tấn công, nhưng nói rằng vụ tấn công "có thể đã giết chết rất nhiều người." Cả Điện Kremlin lẫn Nhà Trắng đều không xác định danh tính của những người định thực hiện vụ tấn công.


Cảnh báo của Mỹ đã cho phép các cơ quan chấp pháp của Nga bắt giữ các nghi phạm trước khi họ có thể thực hiện kế hoạch của mình, Nhà Trắng và Điện Kremlin nói.


Quan hệ giữa Washington và Moscow đã bị tổn hại vì những bất đồng về chiến sự ở Ukraine và Syria, mặc dù ông Trump cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình là sẽ theo đuổi quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow.


Điều này đã trở nên phức tạp hơn vì những cáo buộc của Mỹ nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái để giúp ông Trump giành chiến thắng, điều mà Nga một mực phủ nhận.

Các quan chức Nga nói rằng ông Putin tin rằng ông Trump không chịu trách nhiệm về những căng thẳng này.


Cuộc điện đàm hôm Chủ nhật giữa ông Trump và ông Putin ít nhất là cuộc gọi thứ hai trong tuần qua. Hôm thứ Năm, ông Putin và ông Trump đã thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên.


Vụ tấn công lẽ ra được thực hiện nhắm vào Giáo đường Kazan, ở thành phố St Petersburg đông dân thứ hai của Nga, và các địa điểm khác trong thành phố nơi nhiều người tụ tập, thông cáo của Điện Kremlin nói. Giáo đường này là một địa điểm du lịch nổi tiếng.


Nhà Trắng nói việc phá vỡ âm mưu tấn công ở St. Petersburg là một dấu hiệu cho thấy Moscow và Washington có thể làm được gì nếu họ hợp tác.


"Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng đây là một ví dụ về những điều tích cực có thể xảy ra khi hai nước chúng ta làm việc cùng nhau," Nhà Trắng nói, và nói thêm rằng ông Trump cảm kích cuộc gọi của ông Putin.


Truyền thông Nga tuần trước đưa tin Tổng cục An ninh Liên bang đã bắt giữ những người theo nhóm Nhà nước Hồi giáo mà khi đó đang lên hoạch thực hiện một vụ đánh bom tự sát nhắm vào Giáo đường Kazan vào ngày thứ Bảy.


Ông Putin nói rằng Nga sẽ báo cho nhà chức trách Mỹ biết nếu họ nhận được thông tin về bất cứ vụ tấn công nào đang được hoạch định nhắm vào Mỹ, Điện Kremlin nói.


Nga đã nhiều lần bị những nhóm Hồi giáo cực đoan nhắm mục tiêu tấn công.


Tháng 4 năm nay, 14 người đã thiệt mạng khi một vụ nổ xảy ra trong một toa tàu điện ngầm trong một đường hầm tại St Petersburg. Cảnh sát Nga câu lưu một số nghi phạm từ các nước với đa số dân là người Hồi giáo ở Trung Á từng thuộc Liên bang Soviet. - VOA

|

|


3.

Báo Hàn khó chịu cách TQ tiếp đón TT Moon


Báo Korea Times vừa nói khi Tổng thống Moon Jae-in sang thăm Bắc Kinh, nước chủ nhà chỉ cử Trợ lý Ngoại trưởng Khổng Huyễn Hựu ra sân bay đón hôm thứ Tư 13/12.


Tờ báo này coi đây là hành động Trung Quốc cố ý "coi thường" ông Moon, vì "các nguyên thủ quốc gia nước khác cho đến nay đều được cấp thứ trưởng của Trung Quốc ra đón".


Tệ hơn, theo báo chí và đảng đối lập Hàn Quốc, khi ông Moon hạ cánh tới Bắc Kinh tuần qua, cả hai lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều có mặt ở Nam Kinh dự lễ tưởng niệm vụ thảm sát quân Nhật gây ra hồi Thế Chiến 2.


Bữa ăn đầu tiên của ông Moon tại Bắc Kinh với Thủ tướng Lý bị huỷ.


Tổng thống Moon sau đó đã được ông Lý Khắc Cường tiếp, và trong ngày cuối tuần ông đi Trùng Khánh thăm nhà máy Beijing Hyundai, liên doanh sản xuất xe hơi của hai nước.


Trong thời gian ông Moon ở Bắc Kinh, hai phóng viên Hàn đã bị bảo vệ Trung Quốc đả thương tại một sự kiện thương mại có mặt ông Moon.


Video về vụ một nhà báo Hàn bị đẩy ngã rách mặt và bị đá liên tiếp được truyền thông quốc tế đăng tải rộng rãi.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ban tổ chức phía Hàn phải chịu trách nhiệm về việc quản lý nhóm bảo vệ.


Nhưng Cục Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) nói nhóm bảo vệ do chính Công an Nhân dân Trung Quốc giới thiệu.


Các đảng đối lập Hàn lên án vụ hành hung, gọi đó là chuyện "không thể xảy ra trong thế giới văn minh".


Ông Khổng Huyễn Hựu là đại sứ Trung Quốc thứ 16 tại Việt Nam và sau đó về nước phụ trách mảng châu Á trong Bộ Ngoại giao, hàm vụ trưởng.

Tháng 8/2017 ông được phong làm đặc sứ chuyên trách về Triều Tiên nhưng có hàm dưới thứ trưởng.


Ông từng được Việt Nam tặng huân chương.


Theo trang Quân đội Nhân dân, hôm 11/4/2014, "được sự ủy quyền của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng chí Hồ Xuân Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã trao Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam tặng đồng chí Khổng Huyễn Hựu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam". - BBC

|

|


4.

Cựu thủ tướng Anh quản trị quỹ 1 tỷ đô với TQ


Cựu Thủ tướng Anh, David Cameron vừa nhận làm việc cho quỹ đầu tư hợp tác Anh - Trung Quốc.


Ông sẽ phụ trách một quỹ trị giá 1 tỷ USD thuộc dự án vĩ đại Một Vành đai Một Con đường mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.


Chính phủ cho biết việc hợp tác với dự án này để cải thiện cảng, đường xá và mạng lưới đường sắt với Trung Quốc, tạo ra việc làm và tăng cường liên kết thương mại.


Quyết định này được đưa ra sau chuyến đi hai ngày của Bộ trưởng Tài chính Anh, Philip Hammond tới Trung Quốc.



Dự án Một Vành đai Một Con đường đã được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, nhưng trong năm nay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ chi 124 tỷ USD cho chương trình này.


Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ đầu tư hàng chục tỷ đô la vào kế hoạch kinh tế đầy tham vọng để xây dựng lại các cảng, đường xá và đường sắt liên kết với Trung Quốc và các đối tác thương mại.


Chủ tịch Tập dự định phát triển các tuyến đường thương mại cổ đại thông qua Trung Quốc và Châu Âu để làm cho thế giới thông thương với Trung Quốc dễ dàng hơn.


Trung Quốc hy vọng rằng bằng cách cải thiện và tạo ra mối liên kết thương mại với các nước khác bằng đường biển và đường sắt sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của siêu cường châu Á, vốn đã chậm lại trong những năm gần đây.


Một tuyên bố từ Bộ Tài chính cũng cho thấy chi tiết tiến trình cho phép các ngân hàng Anh và các công ty bảo hiểm tiếp cận thị trường trái phiếu và bảo hiểm của siêu cường châu Á.


Theo phóng viên BBC Robin Brant, kế hoạch của Trung Quốc không phải là không gây ra tranh cãi vì một số nhà phê bình coi đây là một nỗ lực toàn cầu để gia tăng ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện của Bắc Kinh.


Ông Cameron đã thúc đẩy tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc trong khi ông là thủ tướng, đánh dấu cái mà cả hai bên gọi là "thời kỳ hoàng kim".


Hãng tin Reuters cho biết, Anh và Trung Quốc đã đồng ý tăng tốc chuẩn bị cho chương trình kết nối chứng khoán London-Thượng Hải.


Nhưng theo tìm hiểu của BBC kế hoạch nối London Stock Exchange với các đối tác ở Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn ở "giai đoạn nghiên cứu". - BBC

|

|


5.

Bắc Triều Tiên: Nga lo ngại căng thẳng sau "bước lùi" của Mỹ


Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Serguei Riabkov hôm 16/12/2017 cảnh báo về nguy cơ căng thẳng gia tăng « không thể kiểm soát nổi » trên bán đảo Triều Tiên sau khi ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington rút lại đề nghị "đối thoại vô điều kiện" với Bình Nhưỡng.


Phát biểu với hãng tin Nga Ria Novosti, ông Serguei Riabkov tuyên bố: « Thật buồn khi thấy Mỹ lại một lần nữa yêu cầu Nga và Trung Quốc tăng cường gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên (…). Đã tới lúc ngưng đe dọa, gây áp lực và đặt điều kiện. Cần phải tìm kiếm một giải pháp chính trị thực sự ». Theo Reuters, ông Serguei Riabkov lo ngại bán đảo Triều Tiên sẽ rơi vào « tình hình vô cùng nguy hiểm ».


Còn trong ngày hôm nay 17/12, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc thông báo ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung Wha, sẽ sang Nhật Bản vào ngày thứ Ba 19/12 để trao đổi với đồng nhiệm Nhật Bản. Seoul và Tokyo đang tìm cách tăng cường hợp tác để đương đầu với chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Đây là chuyến công du Nhật Bản đầu tiên của bà Kang Kyung Wha trên cương vị ngoại trưởng.


Cũng trong ngày hôm nay 17/12, theo nguồn tin của cảnh sát Úc, một người đàn ông Úc, 59 tuổi, gốc Bắc Triều Tiên, đã bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Người này - bị cáo buộc là « gián điệp của Bắc Triều Tiên » - đã bán các bộ phận cấu thành, sơ đồ lắp đặt tên lửa, phần mềm công nghệ và than của Bắc Triều Tiên ra « thị trường đen quốc tế » để thu ngoại tệ cho Bình Nhưỡng. Nghi can hiện đang bị tạm giam.


Theo cảnh sát liên bang Úc, nếu phi vụ trên thành công, người này có thể mang về cho chế độ Kim Jong Un hàng trăm triệu đô la. Nhà chức trách Úc từ chối tiết lộ cá nhân, tổ chức nào có khả năng mua các loại tài liệu đó, nhưng khẳng định không một chính phủ hay quan chức chính phủ nào của các nước có liên quan đến vụ việc.


Riêng tại Bắc Triều Tiên, vào hôm nay, chính quyền Bình Nhưỡng tổ chức kỷ niệm 6 năm ngày Kim Jong Il (tức là cha của Kim Jong Un) qua đời. - RFI

|

|


6.

Brexit: Anh Quốc và Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ


Trung Quốc và Anh Quốc hôm qua 16/12/017 tuyên bố hai bên nóng lòng muốn tăng cường hợp tác giai đoạn hậu Brexit, nhất là tăng cường quan hệ giữa sàn chứng khoán Luân Đôn và Thượng Hải. Thông báo trên được đưa ra nhân dịp bộ trưởng tài chính Anh thăm Bắc Kinh.


Trong buổi họp báo sau cuộc gặp với bộ trưởng Tài Chính Anh Philip Hammond và phái đoàn thương mại Anh Quốc, phó thủ tướng Trung Quốc Mã Khải tuyên bố : « Kế hoạch hậu Brexit của nước Anh sẽ đánh dấu điểm khởi đầu cho giai đoạn mới đầy cơ hội lịch sử cho sự hợp tác Trung Quốc - Anh Quốc về phát triển kinh tế và thương mại. » Nguồn đầu tư tài chính quan trọng của Trung Quốc vào nước Anh khiến Bắc Kinh trở thành một đối tác hấp dẫn của Luân Đôn.


Theo AFP, bộ trưởng Tài Chính Anh Philip Hammond đã thông báo là Trung Quốc và Anh Quốc đã đẩy nhanh các bước chuẩn bị cuối cùng để tăng cường sự hợp tác giữa sàn chứng khoán Luân Đôn và Thượng Hải. Hai quốc gia cũng dự kiến thành lập một quỹ mới nhiều tỉ đô la về đầu tư song phương, và với sự tham gia của cựu thủ tướng Anh David Cameron.


Thứ trưởng bộ Tài Chính Trung Quốc tuyên bố với báo giới là các đầu tư của Trung Quốc được hoan nghênh tại nước Anh, và ngược lại đầu tư của Anh Quốc cũng được Bắc Kinh chào đón. Cả hai nước đều muốn nước này mở rộng thị trường sang nước kia.


« Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh » trong chiến lược an ninh mới của Mỹ

Ngày mai, 18/12/2017, tổng thống Mỹ sẽ có bài diễn văn trình bày về chiến lược an ninh mới của Mỹ. Trong bài diễn văn, ông Doanld Trump sẽ làm sáng tỏ quan điểm : « Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh ».


Theo giải thích của hai quan chức Mỹ được hãng tin Anh Reuters trích dẫn lại, không nên nhìn chiến lược an ninh mới này như là một nỗ lực kiềm chế Trung Quốc mà đúng ra là mang đến một cái nhìn rõ nét hơn về những thách thức do Trung Quốc đặt ra.


Chiến lược mới này rất có thể sẽ đi ngược lại với tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra hồi tháng 9/2016 cho rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia.


Tổng thống Trump, thuộc đảng Cộng Hòa, sẽ đưa ra các ưu tiên đối ngoại và sẽ nhấn mạnh đến cam kết « Nước Mỹ trên hết ! » mà ông đưa ra trong quá trình vận động tranh cử như củng cố quân đội, chống khủng bố Hồi Giáo và sắp xếp lại các mối quan hệ thương mại nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Hoa Kỳ. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


7.

Cúp điện gây gián đoạn hoạt động tại sân bay Atlanta


Một vụ cúp điện tại sân bay quốc tế ở thành phố Atlanta ở miền nam của Mỹ đã làm gián đoạn tất cả các chuyến bay vào và ra khỏi một trong những đầu mối giao thông bận rộn nhất thế giới này.


Nhà chức trách tại Sân bay Quốc tế Atlanta Hartsfield-Jackson cho biết vụ cúp điện xảy ra vào chiều Chủ nhật, ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của sân bay.


Cục Hàng không Liên bang đã thi hành lệnh "dừng trên mặt đất" cho các chuyến bay hướng đến sân bay. Một lệnh dừng trên mặt đất có nghĩa là các chuyến bay hướng đến Atlanta được giữ lại không cho cất cánh tại sân bay khởi hành của chúng.


Các chuyến bay đến, nội địa và quốc tế, được chuyển hướng đến các sân bay khu vực khác.


Theo website FlightAware chuyên theo dõi các chuyến bay trong thời gian thực, các chuyến bay khởi hành từ sân bay này đã bị trì hoãn trung bình một tiếng 42 phút.


Công ty điện lực của khu vực, Georgia Power, nói họ có biết về vấn đề này và đang nỗ lực tìm ra nguyên nhân và khôi phục điện.


Fox News đưa tin vụ cúp điện xảy ra do một toán công nhân xây dựng vô tình cắt đứt một đường dây điện.


Sân bay này là một trong những nơi bận rộn nhất trên thế giới, với hơn 2.500 lượt máy bay đến và đi hàng ngày, đưa hơn 250.000 hành khách qua sân bay trung bình mỗi ngày. - VOA

|

|


8.

Đồng minh của Trump nói Mueller thu giữ hàng ngàn email bất hợp pháp


Một tổ chức được thành lập cho giai đoạn chuyển tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng ngày thứ Bảy nói rằng công tố viên đặc biệt điều tra các cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 đã thu giữ hàng chục ngàn email bất hợp pháp.


Kory Langhofer, luật sư cho đội ngũ chuyển tiếp này mang tên Trump for America, Inc. (TFA), đã viết một bưcthư gửi tới các ủy ban của Quốc hội nói rằng đội ngũ của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã nhận một cách không thỏa đáng những email từ Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA), một cơ quan của chính phủ.


Các nhân viên của cơ quan này đã "đưa một cách bất hợp pháp các tài liệu riêng tư của TFA, bao gồm những trao đổi liên lạc kín, cho Văn phòng Công tố viên Đặc biệt," theo bức thư này. Bức thư nói các tài liệu bao gồm "hàng chục ngàn email."


Đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump đã sử dụng cơ sở vật chất của GSA, có nhiệm vụ quản lý hệ thống quan liêu của chính phủ Hoa Kỳ, trong giai đoạn sau khi ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 và trước lễ nhậm chức của ông vào tháng 1.


Lời cáo buộc của phe ông Trump cho thấy sự sự xung khắc ngày càng lớn giữa những người ủng hộ tổng thống và văn phòng của ông Mueller trong lúc họ đang điều tra xem Nga có can dự vào cuộc bầu cử hay không và liệu ông Trump hoặc bất cứ ai trong đội ngũ của ông có thông đồng với Moscow hay không.


Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói: "Chúng tôi tiếp tục hợp tác đầy đủ với công tố viên đặc biệt và cho rằng quá trình này sẽ sớm kết thúc."


Văn phòng công tố viên đặc biệt bác bỏ khiếu nại của đội ngũ chuyển tiếp.


"Khi chúng tôi thu giữ những email này trong lúc tiến hành cuộc điều tra hình sự đang tiếp diễn, chúng tôi đã bảo đảm được sự đồng ý của chủ sở hữu tài khoản hoặc tiến trình hình sự thích hợp," Peter Carr, người phát ngôn của văn phòng công tố viên đặc biệt, nói.


GSA không phản hồi ngay tức thì về yêu cầu bình luận.


Langhofer, luật sư của đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump, viết trong bức thư của ông rằng việc GSA chuyển giao tài liệu được phát hiện vào ngày 12 và 13 tháng 12.


FBI đã yêu cầu các tài liệu này từ nhân viên GSA vào ngày 23 tháng 8, bao gồm các bản sao email, máy tính xách tay, điện thoại di động và các tài liệu khác liên quan đến chín thành viên trong đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia và các vấn đề chính sách.


FBI yêu cầu các tài liệu của thêm bốn thành viên cao cấp trong đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump vào ngày 30 tháng 8, bức thư nói.


Ông Langhofer lập luận rằng, dù các đội ngũ chuyển tiếp tham gia vào các chức năng điều hành, họ được coi là các tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận và những giấy tờ văn bản lưu lại của họ có tính chất riêng tư, không phải tuân theo luật kí lục tổng thống. - VOA

|

|


9.

Trump phủ nhận ý định sa thải Mueller


Tổng thống Donald Trump phủ nhận ông có ý định sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.


Căng thẳng giữa Nhà Trắng và nhóm điều tra của Mueller ngày càng gia tăng.


Vào thứ Bảy, một luật sư làm việc cho Trump cho biết hàng ngàn email đã được nhóm của ông Mueller thu thập bất hợp pháp.


Chính quyền của Trump đã phủ nhận câu kết với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 và ông Trump nói cuộc điều tra này là "một cuộc săn lùng phù thủy".


Trả lời câu hỏi của giới truyền thông về việc liệu ông có đang xem xét sa thải ông Mueller, ông Trump trả lời: "Không, tôi không hề."


Một luật sư làm việc cho nhóm Trump cho Nước Mỹ (TFA) đã than phiền vào thứ Bảy sau khi nhóm biết được rằng ông Mueller đã thu thập được hàng chục ngàn email của họ.


Kory Langhofer đã gửi một lá thư đến các Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ nói rằng việc thu thập các email này là "bất hợp pháp".


Trong lá thư của mình, ông Langhofer nói rằng nhân viên của GSA đã "bất hợp pháp cung cấp các tài liệu cá nhân của TFA, kể cả những thông tin đặc biệt" cho nhóm điều tra của ông Mueller.


Các email này liên quan đến 13 quan chức của Trump, bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, người đã nhận tội khai man với FBI hồi đầu tháng nay.


Luật sư của Trump phàn nàn rằng GSA "không sở hữu hay kiểm soát các thông tin này" và khẳng định đã vi phạm các quyền hiến định của các quan chức làm việc cho Trump.


Một phát ngôn viên của Mueller cho biết họ không làm gì sai.


Peter Carr cho biết: "Khi chúng tôi nhận được email trong quá trình điều tra hình sự, chúng tôi đã bảo đảm có sự cho phép của chủ sở hữu các tài khoản hoặc tiến hành thủ tục tố tụng theo đúng trình tự thích hợp."


Trợ lý của GSA Lenny Loewentritt đã bác bỏ cáo buộc của ông Langhofer rằng GSA đã đảm bảo rằng các yêu cầu về hồ sơ của nhóm quan chức của Trump sẽ được thông qua với luật sư của nhóm này.


Ông nói với BuzzFeed rằng nhóm quan chức biết rằng các tài liệu sẽ phải được cung cấp cho cơ quan điều tra "do đó, không thể mong đợi có sự riêng tư được".


Đại diện Dân chủ Eric Swalwell đăng trên Twitter rằng các cáo buộc là "một nỗ lực khác để làm giảm uy tín của Mueller vì cuộc điều tra Trump-Nga đang ngày càng đi sâu hơn." - BBC

|

|


Tin Việt Nam


10.

Formosa bị phạt thêm 560 triệu vì chôn chất thải trái phép


Formosa Hà Tĩnh bị phạt thêm 560 triệu vì chôn lấp trái phép hơn 300 tấn chất thải rắn xuống đất nông nghiệp vào tháng 7/2016, theo truyền thông trong nước.


Hôm 16/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 3745/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.


Từ đầu tháng 7/2016, nhiều người dân đã phát hiện nhiều xe ô tô chở chất thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh về chôn lấp tại khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Quản lý Môi trường Đô thị Kỳ Anh.


Giới chức Hà Tĩnh sau đó phát hiện 100m³ chất thải màu đen có mùi hôi đang được tập kết, chôn lấp sơ sài dưới lòng đất.


Sau khi tiến hành tổng hợp, phân tích, hôm 1/8/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận: Bùn thải bị chôn lấp trái phép tại khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng là 390,72 tấn bao gồm cả đất đá bị lẫn.


Chất độc xyanua trong khối chất thải cũng bị phát hiện là vượt ngưỡng chất thải nguy hại.


Theo báo Zing, hàng trăm tấn rác thải có chữ Trung Quốc được người dân phát hiện nhiều nơi ở Hà Tĩnh.


Công ty gang thép Formosa bị xử phạt 560 triệu vì hành vi "Không phân định chất thải nguy hại để quản lý theo quy định của pháp luật, chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại."


Còn công ty của ông Lê Quang Hòa bị xử phạt 450 triệu vì "Chôn lấp, đổ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường"


Vào hồi tháng Bảy năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến 'thị sát' nhà máy thép này.


Báo VnEconomy mô tả Thủ tướng Phúc đánh giá cao "sự cố gắng khắc phục nghiêm túc" của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).


Tháng 8/2016, 4 tháng sau khi bị phát hiện xả chất độc hại trái phép gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam ở 4 tỉnh vùng biển miền Trung, Formosa đã bồi thường 500 triệu USD, khoảng 11 ngàn tỷ VND.


Chính phủ Việt Nam tuyên bố dự kiến bồi thường hết cho người dân vào 30/6 năm nay, nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn phản ánh với BBC rằng họ vẫn chưa nhận đủ hoặc chưa nhận một đồng tiền đền bù nào. - BBC

|

|


11.

Hoa Kỳ huấn luyện phi công quân sự cho Việt Nam


Mỹ huấn luyện phi công cho Việt Nam như một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang tiến dần tới mua sắm một số máy bay quân sự dư thừa hiện đang được bỏ phủ bụi tại sa mạc tiểu bang Arizona.


Giữa tuần trước, Đại Tướng Terrence J. O’shaughnessy, tư lệnh Không Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đã đến Bộ Quốc Phòng CSVN gặp Thượng Tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng Quân Đội, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng.


Bản tin của tờ Quân Đội Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng CSVN, viết rằng “Hai bên đã trao đổi một số nội dung, phương hướng giao lưu, hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước trong thời gian tới như đào tạo phi công, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y…”

Dịp này, phái đoàn của tướng O’shaughnessy đã họp với phái đoàn đại diện của không quân CSVN về các nội dung vừa kể. Không thấy có các chi tiết đặc biệt nào được hé lộ mà chỉ thấy thuật lời tướng Phan Văn Giang ca ngợi “trong bối cảnh quan hệ chung giữa hai nước, hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua cũng có nhiều bước phát triển tích cực.”


Tháng trước, khi đến Việt Nam thăm viếng và dự Hội Nghị Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu – Thái Bình Dương, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã công khai “chào hàng” Việt Nam về các loại võ khí tối tân của Mỹ.


Ông Trump khoe: “Chúng tôi muốn quý vị mua trang bị (quân sự) từ Hoa Kỳ. Chúng tôi sản xuất khí cụ và phi cơ quân sự tốt nhất và bất cứ thứ gì quý vị có thể nêu tên. Các hoả tiễn là một lãnh vực không nước nào có thể theo kịp.”


Tổng Thống Trump thúc giục Việt Nam mua trang bị quốc phòng từ Hoa Kỳ để giải quyết thâm thủng mậu dịch giữa hai nước lên tới $32 tỷ vốn là mối quan tâm lớn của ông. Nhưng hiện vẫn chưa thấy Hà Nội nhúc nhích gì.


Hai ngày sau khi phái đoàn Tướng O’shaughnessy đến Hà Nội, báo chí trong nước đưa tin tàu cảnh sát biển 3,200 tấn Mỹ viện trợ cho Việt Nam đã về đến Vũng Tàu sau mấy tháng huấn luyện tại Hawaii. Tàu này được đổi số hiệu thành tàu CSB 8020, dự trù sẽ được trao cho Vùng 3 Cảnh Sát Biển, tức khu vực chịu trách nhiệm Nam Trung phần, Đông Nam phần và Biển Đông.


Bình luận về đề nghị của ông Trump bán võ khí tối tân cho Việt Nam, một số chuyên gia trong ngoài nước cho rằng các loại hỏa tiễn, chiến hạm, máy bay chiến đấu mới nhất của Mỹ tuy ăn trùm thế giới nhưng quá đắt, Hà Nội không có khả năng với tới vì ngân sách quốc phòng nhỏ bé. Nhiều lắm, nếu muốn, Việt Nam chỉ có thể mua lại một ít máy bay, tàu chiến đã bị Mỹ cho nghỉ hưu. Chúng được tân trang và trang bị theo với túi tiền nhỏ bé của khách hàng.


Giữa Tháng Tư, 2016, một phái đoàn sĩ quan CSVN đã đến căn cứ không quân ở Honolulu, Hawaii, nghe thuyết trình về chức năng và được ngồi trên máy bay tuần tra săn ngầm Orion P-3 xem bay biểu diễn hoạt động.


Việt Nam từng ngỏ ý muốn mua một số máy bay Orion P-3 từ lâu nhưng vì kẹt lệnh cấm vận bán võ khí sát thương. Lệnh này chỉ được gỡ bỏ toàn diện hồi Tháng 5 năm ngoái khi Tổng Thống Barack Obama đến thăm Việt Nam.


Báo chí Việt Nam cũng từng nêu khả năng Việt Nam muốn mua các máy bay chiến đấu đa năng F-16 để thay thế cho các loại máy bay tiêm kích Mig-21 đã quá già nua lại lỗi thời, sẽ chỉ là những cái bia biết bay đối với các loại hỏa tiễn tối tân bây giờ.


Năm ngoái cũng từng thấy có tin Israel muốn bán lại cho Việt Nam một số máy bay F-16 vì nước này muốn thay thế bằng các máy bay tàng hình F-35. - nguoiviet

|

|


12.

‘Nâng đỡ không trong sáng’ một ‘hot girl,’ phó chủ tịch Thanh Hóa bị lột chức


Ban lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN hôm 17 Tháng Mười Hai ra quyết định “cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng” đối với ông Ngô Văn Tuấn, tỉnh ủy viên, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh, nguyên bí thư Đảng Ủy, nguyên giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Thanh Hóa.


Có nhiều lý do khiến ông Ngô Văn Tuấn bị kỷ luật, trong đó chính yếu là việc bị cáo buộc “nâng đỡ không trong sáng” một nữ thuộc cấp, bà Quỳnh Anh, người được truyền thông tại Việt Nam gọi bằng cái tên “hot girl xứ Thanh.”


Theo báo Pháp Luật, cuộc họp này của “Ban Bí Thư dưới sự chủ trì của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.”


Sự kiện này diễn ra một ngày sau khi “Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương” của đảng CSVN công bố những sai phạm của ông Ngô Văn Tuấn về việc “nâng đỡ không trong sáng” đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.


Hồi cuối Tháng Chín, bà Quỳnh Anh, cựu quan chức Sở Xây Dựng Thanh Hóa và được cho là “phòng nhì” của Bí Thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, bị khai trừ đảng vắng mặt, dù vụ việc này đã ồn ào trên mặt báo từ một năm trước.


Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương kết luận ông Tuấn “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của đảng, nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ.” Văn bản đăng công khai trên website của ủy ban này nói ông Tuấn “đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ: Tiếp nhận, điều động Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh phó giám đốc Sở; kết nạp Đảng, tham gia Đảng Ủy Sở Xây Dựng.”


Hồi cuối Tháng Chín, ông Tuấn đã bị khiển trách vụ này và nay bị lột hết các chức vụ trong đảng, coi như mất luôn chức phó chủ tịch tỉnh này.


Khi bị mạng xã hội nêu tên bà Quỳnh Anh và được cho là “phòng nhì” của Bí Thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, ông Chiến đã ‘bác bỏ mọi cáo buộc vụ “hot girl xứ Thanh” và yêu cầu Bộ Công An điều tra nhằm ngăn chặn các thông tin “bịa đặt” ảnh hưởng đến an ninh chính trị tỉnh Thanh Hóa.


Báo điện tử Dân Trí hôm 15 Tháng Mười Hai viết: “Trong phiên chất vấn Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa mới đây, Bí Thư Trịnh Văn Chiến nhắc nhở ông Đào Trọng Quy, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường: ‘Anh phải ghi nhanh từng đại biểu hỏi những cái gì để trả lời đúng vào câu hỏi, tránh tình trạng ngứa lưng thì đi gãi bụng và cái đó làm mất nhiều thời gian lắm.’”


Kinh nghiệm “ngứa đâu gãi đó” đã được” Bí Thư Chiến sử dụng đầy hình ảnh và rất chính xác. Nếu “quy chiếu” với vụ bà Quỳnh Anh, hình như cái chỗ “ngứa” là ở nguồn gốc và xử lý đối với cái khối tài sản của bà này cùng hình thức xử lý kỷ luật đối với các cán bộ liên quan. Có thể nói, đây mới chính là cái làm người dân “ngứa” tai, “ngứa” mắt, rất cần “gãi” đúng lúc, đúng chỗ.”


Về vụ kỷ luật ông Tuấn, ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội nhận định: “Nâng đỡ không trong sáng một nữ nhân viên xinh đẹp là hành vi ông Ngô Văn Tuấn, phó chủ tịch Thanh Hóa đã phạm phải và bị thi hành kỷ luật. Tuy nhiên, nâng đỡ không trong sáng cụ thể là làm cái gì? Đoán được, chết liền! Cái mà xưa nay người ta hay nói đến là quan hệ không trong sáng, chứ không phải là nâng đỡ không trong sáng. Hay là vì quan hệ không trong sáng với một cô gái mà nâng đỡ cô gái đó thì cấu thành hành vi nâng đỡ không trong sáng?”


Bà Nguyễn Hoàng Anh, một giảng viên ở Hà Nội đặt vấn đề: “Lần đầu tiên có người bị kỷ luật vì ‘nâng đỡ không trong sáng’ người khác, nghe rất bí hiểm. Phải chăng Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương lo ngại việc ‘nâng đỡ’ này được tiến hành trong bóng tối? Nhưng ông Ngô Văn Tuấn này bị oan mà?”


Cựu biên tập viên báo Thanh Niên Nguyễn Thông bình luận: “Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đáng lẽ phải dùng từ thật rõ ràng, cụ thể, chứ ai lại ỡm ờ thế này: “Với trách nhiệm là giám đốc Sở Xây Dựng, bí thư Đảng Ủy cơ quan, đồng chí Ngô Văn Tuấn đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh…”


“Cái xứ này lạ thật, cứ nói đến quan hệ là chỉ có nâng tầm cao, đi vào chiều sâu, tới chuyện nhạy cảm thì bảo là khô, nhạt, giờ thêm chuyện ‘o bế nhau’ là nâng đỡ không trong sáng. Thực ra thì chuyện này không chỉ Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương biết, ông Ngô Văn Tuấn biết, bà Quỳnh Anh biết, ông Bí Thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến biết, mà cả nước biết. Chuyện trai gái khó giấu lắm. Thế thì chi bằng cứ nói toẹt ra.” - nguoiviet

|

|


13.

Cảnh sát biển Việt Nam tiếp nhận tàu tuần duyên của Mỹ


Vùng Cảnh Sát Biển 3 (Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam) chính thức làm lễ tiếp nhận tàu tuần tra CSB 8020 vào chiều 16 Tháng Mười Hai, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo tin của tờ Quân Đội Nhân Dân.


Theo tin từ trang này, tham dự buổi lễ có Thượng Tướng Nguyễn Phương Nam, ủy viên Trung Ương Đảng, phó tổng tham mưu trưởng Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam; bà Mary Tanowka, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn; thủ trưởng Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam, Vùng Cảnh Sát Biển 3, đại diện chính quyền địa phương…


Tàu tuần tra CSB 8020 thực chất là chiếc tàu tuần tra (cutter) USCGC Morgenthau (WHEC 722) của Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ. Nó được hạ thủy năm 1969 và được đưa ngay sang Việt Nam làm nhiệm vụ theo dõi các tàu của CSVN lén lút xâm nhập người và võ khí vào miền Nam Việt Nam từ miền Bắc. Tàu được cho nghỉ hưu từ ngày 18 Tháng Tư, 2017, và được chuyển giao lại cho Cảnh Sát Biển Việt Nam theo một quyết định của chính phủ Obama có từ Tháng Ba, 2016.


Tàu dài 115 mét, ngang 13 mét, trọng tải 3,250 tấn, được một thủy thủ đoàn 160 người điều hành. Tàu được trang bị hai máy diesel và hai máy turbine khí cho tốc độ 29 hải lý/giờ (khoảng 53.7km/giờ) với tầm hoạt động 14,000 hải lý (22,531 km) trong 45 ngày liên tục.


Võ khí trang bị trên tàu gồm radar, đại bác Oto Breda 76.2 mm, hệ thống đại bác bắn nhanh 20 mm Phalanx chống mục tiêu gần, đại bác tự động 25 mm Bushmaster và một số súng đại liên từ 7.62 mm đến 12.7 mm.


Ngày 25 Tháng Năm, tại Hawaii, Lực lượng Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ và Cảnh Sát Biển Việt Nam đã tổ chức lễ bàn giao và thượng cờ Việt Nam trên con tàu WHEC 722 và chính thức được phía Việt Nam đặt tên với phiên hiệu mới là CSB 8020.


“Con tàu này mang một biểu tượng ý nghĩa và cụ thể về quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam,” Đề Đốc Tuần Duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock, phụ tá tham mưu trưởng về quân dụng và cán bộ chuyên trách quân dụng, phát biểu trong buổi lễ bàn giao tại Honolulu. “Tuần Duyên Hoa Kỳ vinh dự được chứng kiến con tàu này tiếp tục duy trì hòa bình và sự thịnh vượng toàn cầu khi trở thành một phần của Cảnh Sát Biển Việt Nam,” ông nói.


Tàu CSB 8020 rời cảng Hawaii vào ngày 21 Tháng Mười Một, bắt đầu hành trình về Việt Nam. Trong quá trình hành quân, tàu đã cập cảng Guam (Hoa Kỳ), Manila (Philippines) để thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần. Đến chiều 16 Tháng Mười Hai, sau 26 ngày hành trình, tàu CSB 8020 đã cập cảng Bà Rịa-Vũng Tàu, chính thức bàn giao cho Vùng Cảnh Sát Biển 3. - nguoiviet


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment