Sunday, July 31, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 31/7

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc: Mỹ, Nhật và Australia thổi bùng căng thẳng biển Đông --- Báo Trung Quốc gọi Australia là ‘mèo giấy’

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới lên tiếng chỉ trích một tuyên bố ba bên về biển Đông, nói hành động đó chỉ “thổi bùng” căng thẳng ở khu vực trong khi các quốc gia đang tìm cách làm nguội bớt tình hình.

Trong một tuyên bố mới đây, ông Vương nói rằng động thái của ba quốc gia trên được đưa ra tại thời điểm không phù hợp, và không mang tính xây dựng.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói: “Tuyên bố ba bên đó càng thổi bùng ngọn lửa. Giờ là lúc để xem ai là người gìn giữ hòa bình hay gây chuyện”.

Trước đó, ba quốc gia đồng minh kêu gọi Trung Quốc ngưng xây dựng các tiền đồn quân sự và bồi đắp đảo tại vùng biển tranh chấp.

Giới quan sát nhận định, tuyên bố trên cho các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Philippines và Việt Nam, thấy sự hậu thuẫn của Mỹ, Nhật và Australia.

Tuyên bố chung công bố đầu tuần này được coi là lấp chỗ trống của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, sau khi các ngoại trưởng của khối này trước đó không thể ra một tuyên bố mạnh mẽ chống Trung Quốc do sự chia rẽ trong nhóm.

Ngoại trưởng của Mỹ, Nhật và Australia gặp nhau bên lề của các hội nghị do ASEAN mới tổ chức ở Lào.

Các quốc gia ASEAN không thể ra tuyên bố đề cập tới phán quyết vụ kiện của Philippines trước Trung Quốc do bất hòa.

Ngoại trưởng Campuchia, Prak Sokhon, hôm 29/7, cho biết rằng nước ông  nỗ lực dàn xếp tranh chấp biển Đông  ở hậu trường giữa đồng minh Trung Quốc với các đối tác ASEAN.

Ông Sokhon bác bỏ các cáo buộc cho rằng Campuchia đứng về phía Trung Quốc, và ngăn chặn việc ra tuyên bố chung ASEAN mấy ngày trước đây trong tuần. - VOA

***
Một tờ báo theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc mới đăng bài xã luận kêu gọi tấn công tàu bè Australia tại biển Đông, sau khi chính quyền Canberra ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines.

Bài viết của tờ Hoàn cầu Thời báo bình luận rằng Australia “thậm chí không phải là con ‘hổ giấy’ mà chỉ là một con ‘mèo giấy’”.

Báo này viết tiếp: “Australia tự coi mình là một quốc gia nguyên tắc… [nhưng] khi cần phải làm vừa lòng Washington, nó cho thấy sẵn lòng làm bất cứ điều gì để chứng tỏ sự trung thành”.

Chính vì lẽ đó, theo Global Times, Trung Quốc “phải trả đũa và cho [Australia] thấy rằng đó là điều sai trái”.

Hoàn cầu Thời báo viết thêm: “Sức mạnh của Australia không có ý nghĩa gì nếu so với an ninh của Trung Quốc. Nếu Australia bước vào vùng biển Đông, nó sẽ là một mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh báo và tấn công”.

Hồi đầu năm nay, chỉ huy Hạm đội Bảy của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, cho rằng sẽ "tốt nhất" cho “quyền lợi” của khu vực nếu Australia đưa tàu vào trong phạm vi cách khu vực tranh chấp 12 hải lý. Cho tới nay, Canberra chưa thực hiện bất kỳ điều gì như vậy.

Trước đây, tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng nhiều lần lên tiếng về quan hệ Việt-Mỹ.

Trong bài bình luận đăng hôm 19/5, tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng việc “Việt Nam tiến lại gần hơn Mỹ là một tiến trình tự nhiên đối với việc phát triển nền kinh tế dựa vào xuất khẩu ở Đông Nam Á, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Hà Nội có ý định xa lánh Trung Quốc, vì điều đó sẽ làm tổn hại tới mối quan hệ kinh tế với một đối tác thương mại quan trọng”.

Ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo viết tiếp: “Phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa các lợi ích quốc gia, và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nội địa trong một loạt các lĩnh vực như dệt may, giầy dép và điện tử”.

“Tuy nhiên, không có bất kỳ lý do gì khiến Trung Quốc ghen tị hoặc hoảng sợ về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ,” tờ báo nhà nước Trung Quốc viết.

“Nếu Hoa Kỳ tính dùng Việt Nam để khống chế Trung Quốc thì đó là điều vô vọng". - VOA
|
|

2.
Brazil: Xử vụ truất phế tổng thống Dilma Rousseff vào đầu tháng Chín

Số phận chính trị của tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ được quyết định vào đầu tháng 09/2016. Năm ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio, Tối Cao Pháp Viện Brazil thông báo, phiên tòa về vụ truất phế tổng thống Dilma Rousseff sẽ mở ra từ ngày 29/08/2016 và kéo dài trong một tuần lễ.

Từ ngày 12/05/2016, bà Rousseff đã bị tạm thời đình chỉ chức vụ vì bị cáo buộc nguy tạo sổ sách để đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2014.

Nếu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2016, 2/3 Thượng nghị sĩ Brazil bỏ phiếu truất phế bà Dilma Rousseff thì quyền tổng thống Michel Temer đương nhiên nắm quyền cho đến cuối nhiệm kỳ, vào tháng 12/2018.

Bản thân bà Rousseff tố cáo phe đối lập Brazil muốn tiến hành “một cuộc đảo chính” khi tìm cách loại bà khỏi chức vụ tổng thống, cho dù bà đã được đa số bầu lên.

Về phần mình, quyền tổng thống Temer cho rằng số phận của bà Rousseff chỉ được định đoạt vào đầu tháng 9 là quá trễ, bởi vì “ai sẽ đại diện cho Brazil đến Trung Quốc dự thượng đỉnh G20 mở ra từ 04 đến 06/2016” ?

Trước mắt, theo phân tích của thông tín viên đài RFI từ Rio de Janeiro, François Cardona, khủng hoảng chính trị Brazil vẫn chưa tới hồi kết :

Thượng viện sẽ có trọng trách đưa ra phán quyết về việc có truất phế bà Dilma Rousseff hay không. Phiên tòa sẽ mở ra vào thời điểm Thế Vận Hội vừa kết thúc và Olympic dành cho những người khuyết tật vừa mở màn.

Tối Cao Pháp viện Brazil vừa thông báo là phiên xử sẽ mở ra vào ngày 29/08/2016 và kéo dài trong một tuần lễ.

Nếu như bà Dilma Rousseff bị truất phế thì tổng thống lâm thời ông Michel Temer sẽ tiếp tục cầm quyền cho đến cuối nhiệm kỳ. Còn trong trường hợp phán quyết của tòa có lợi cho bà Rousseff thì bà sẽ trở lại cầm quyền như trước đây.

Trong bối cảnh bấp bênh như vậy, bà Dilma Rousseff từ chối dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio. Ông Temer, vừa là kình địch, mà cũng từng là đồng minh chính trị của bà Dilma Rousseff sẽ được vinh dự tuyên bố khai mạc Olympic Rio 2016.

Dẫu sao khủng hoảng chính trị đã kéo dài từ nhiều tháng qua đang ngày càng thêm nghiêm trọng. Cựu tổng thống Lula da Silva, điểm tựa của bà Rousseff vừa bị truy tố vì tội gây cản trở điều tra của tư pháp, tìm cách mua chuộc một nhân chứng quan trọng trong vụ tai tiếng hối lộ có liên quan đến tập đoàn dầu khí Petrobras.

Nhiều cuộc xuống đường dự trù nổ ra trong những ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio, phản đối Brazil tổ chức sự kiện thể thao này, trong lúc kinh tế nước nhà bị khủng hoảng nghiêm trọng. Công luận chỉ trích chính quyền bắt người dân hy sinh quá nhiều để tổ chức một sự kiện quá tốn kém. - RFI
|
|

3.
Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ khoảng 60 nhân viên Tòa bảo hiến

Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục cuộc trấn áp trong chính phủ sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hôm 15/7. Hôm 30/7, 60 nhân viên Tòa bảo hiến đã bị đình chỉ công tác.

Trong một tuyên bố Tòa án cho biết việc đình chỉ sẽ có hiệu lực cho đến khi có đánh giá về những mối liên hệ mà những người này có thể có với cuộc đảo chính. Tám nhân viên khác đã bị sa thải và bắt giam hôm 18/7.

Các cuộc thanh trừng ở tòa án cấp cao nhất của đất nước diễn ra cùng ngày các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho 800 quân nhân, chủ yếu ở Istanbul và vài chục người ở Ankara, theo hãng tin Anadolu của nhà nước.

Tin cho hay Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói ông sẽ bãi bỏ các vụ kiện đối với những người đã xúc phạm ông, với một cử chỉ “về sự đoàn kết” chỉ thực hiện một lần, ông muốn nói đến các nhà báo mà ông đã đối đầu với họ tại tòa án.

Thổ Nhĩ Kỳ đang giam giữ 17 nhà báo vì các cáo buộc là thành viên "nhóm khủng bố", vào lúc ông Erdogan nói với những người chỉ trích ở phương Tây rằng họ “hãy để ý đến việc của họ", trong khi chiến dịch thanh trừng đã mở rộng.

Gần 70.000 người đã bị đình chỉ công việc hoặc bị đuổi việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo số liệu mới nhất được Anadolu trích dẫn, ảnh hưởng đến các nhân viên và giới chức tại các cơ quan tư pháp, hệ thống giáo dục, truyền thông, y tế và các lĩnh vực khác, như là một phần trong cuộc trấn áp của ông Erdogan. Trong số những người bị ảnh hưởng là những ai bị tình nghi có quan hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ, chính phủ nói ông là kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính bất thành.

Ông Gulen, người đã tự sống lưu vong ở bang Pennsylvania của Mỹ kể từ cuối những năm 1990, đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào hoặc đã biết trước về cuộc đảo chính.

Mỹ đã bày tỏ quan ngại về "tác động dài hạn" của vụ đảo chính đối với quan hệ của Mỹ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và kịch liệt bác bỏ những lời lẽ của ông Erdogan cho rằng quân đội Mỹ đã đứng về phía những kẻ tham gia âm mưu đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ. - VOA
|
|

4.
Tokyo bầu thống đốc mới

Cử tri tại thủ đô của Nhật Bản đi bỏ phiếu hôm 31/7 để bầu ra nhà lãnh đạo mới cho thành phố đã gặp bê bối khi thành phố chuẩn bị cho việc đăng cai Thế vận hội Olympics 2020.

Có tới 21 ứng cử viên đang tranh cử để trở thành thống đốc của Tokyo, một con số kỷ lục. Chức vụ này đã bị trống khi vị thống đốc gần đây nhất đã từ chức vì một vụ bê bối tài chính.

Các ứng cử viên hàng đầu là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yuriko Koike, cựu Bộ trưởng nội chính Hiroya Masuda và nhà báo Shuntaro Torigoe.

Cả bà Koike và ông Masuda đều thuộc đảng cầm quyền Dân chủ Tự do. Ông Masuda là ứng cử viên chính thức của LDP, nhưng bà Koike cũng vẫn quyết định tranh cử.

Bà Koike sẽ là thống đốc nữ đầu tiên của Tokyo, nếu bà chiến thắng. - VOA
|
|

5.
Mạng của nhà thầu quốc phòng Nga 'nhiễm mã độc'

Cơ quan an ninh Nga (FSB) thông báo rằng mạng máy tính của khoảng 20 tổ chức, cơ quan chính phủ và các nhà thầu quốc phòng của Nga đã bị nhiễm mã độc nhằm mục đích do thám trên mạng.

Trong tuyên bố đăng trên trang web hôm 30/7, FSB cho biết rằng loại virus máy tính cùng cách thức bị lây nhiễm của các mạng trên cho thấy chúng giống với phần mềm sử dụng trong các vụ do thám trên mạng ở Nga cũng như trên toàn thế giới.

Cơ quan tình báo Nga không cho biết nghi ngờ ai đứng sau vụ tấn công, nhưng tin trên được đưa ra sau khi có thông báo về các vụ tấn công mạng nhắm vào Ủy ban Toàn quốc của Đảng Dân chủ Mỹ (DNC) và ủy ban gây quỹ cho các ứng viên của đảng này tại Hạ viện Hoa Kỳ.

Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ và các đảng viên Dân chủ bày tỏ nghi ngờ về sự dính líu của Nga đối với cả hai vụ tấn công trên.

Điều đó làm tăng thêm các phán đoán rằng Moscow có thể đang tìm cách gây tác động lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhằm tạo lợi thế cho ứng của viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa.

Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Ông Trump đáp lại chỉ trích từ cha của lính Mỹ theo Hồi giáo đã chết

Trong bài phát biểu xúc động tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ trong tuần qua, Khizr Khan, cha đẻ của một người lính Mỹ theo Hồi giáo đã thiệt mạng tại Iraq, đã ca ngợi con trai ông và chỉ trích ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Ông Khan nói theo chính sách nhập cư được do ông Trump đề xuất, gia đình ông sẽ không bao giờ được phép đến Mỹ, và ông Trump trong đời mình chưa "hy sinh điều gì và chưa mất ai cả".

Ông Trump đã đáp lại ông Khan trong cuộc phỏng vấn hôm 30/7 với truyền hình ABC.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng tôi đã hy sinh rất nhiều. Tôi đã làm việc rất, rất tích cực, tôi đã tạo ra hàng ngàn, hàng ngàn việc làm".

Ông Trump cũng cho biết ông đã quyên góp hàng triệu đôla cho các cựu chiến binh Mỹ và đóng góp một phần lớn cho việc xây đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở thành phố New York.

Vợ của ông Khan đứng lặng lẽ trong khi chồng bà phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ.

Đưa ra ý kiến chắc chắn sẽ tạo ra thêm tranh cãi, ông Trump cho rằng vì bà là phụ nữ Hồi giáo, nên có lẽ “bà ấy đã không được phép nói bất cứ điều gì”.

Nhưng bà Ghazala Khan nói với truyền hình MSNBC hôm 29/7 rằng bà rất nôn nao và vô cùng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh con trai đã khuất được trưng bày tại đại hội.

Bà giải thích: "Tôi quá xúc động và tôi đã kiểm soát bản thân mình lúc đó".

Ông Trump có kế hoạch vận động tại các bang công nghiệp Ohio và Pennsylvania hôm 1/8, là các bang mà ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hiện đang thăm.

Phát biểu tại một nhà máy sản xuất dây điện ở Johnstown, Pennsylvania hôm 30/7, bà Clinton nói bà không có mặt ở đó để xúc phạm đối thủ của mình và đưa ra "những lời hứa điên rồ", mà để nói với các cử tri về kế hoạch "đầu tư nhiều nhất vào những việc làm mới, được trả lương tốt" kể từ Thế chiến II.

Bà Clinton đề xuất về một ngân hàng cơ sở hạ tầng để chi trả cho các dự án như xây dựng đường và cầu mới thay vì lần nào cũng phải tới Quốc hội xin tiền.

Bà nói đất nước không thể quay trở với điều mà bà gọi là các chính sách kinh tế thất bại trong quá khứ như cắt giảm thuế cho người giàu. Bà nói những người giàu phải trả tiền, đóng góp một cách hợp lý và "trợ giúp nước Mỹ".

Ohio và Pennsylvania có thể sẽ là hai bang chủ chốt trong cuộc bầu cử tháng 11. Trong khi hầu hết các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton dẫn đầu ở cả hai bang, những cử tri thuộc tầng lớp lao động có thể làm cho một trong hai bang ngả về bà Clinton hay ông Trump.

Phần lớn thành công của ông Trump trong năm nay là việc thu hút cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người lo lắng rằng Mỹ đang mất đi việc làm vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài có lao động rẻ hơn.

Ông Trump đã lên Twitter nói số cử tri có mặt tại sự kiện Johnstown của bà Clinton thì “nhỏ và không nhiệt tình”, và ông cho rằng điều đó có thể là do việc chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã ủng hộ NAFTA, một thỏa thuận thương mại mà ông Trump khẳng định đã chuyển nhiều việc làm ở Mỹ tới Mexico.

Một cuộc khảo sát mới cho thấy bà Clinton nhận được mức ủng hộ tăng lên thường thấy sau đại hội đảng trong các cuộc thăm dò. Thăm dò của RABA cho thấy bà có mức ủng hộ của cử tri cao hơn 15% so với ông Trump, hai ngày sau khi đại hội đảng Dân chủ kết thúc.

Ông Trump đã có một mức tăng tương tự trong các cuộc thăm dò ngay sau đại hội đảng Cộng hòa cách đây hai tuần. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Olympic Rio 2016: Việt Nam dự đông nhưng ít hy vọng huy chương

Đến lúc này, đoàn thể thao Việt nam đã có mặt đông đủ tại làng Olympic Rio và tổ chức lễ thượng cờ. Để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè Rio 2016, thể thao Việt Nam đặt ra chỉ tiêu 15 vé chính thức, cuối cùng các vận động viên Việt Nam đã giành được 23 vé chính thức đi dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Dù hy vọng giành huy chương không nhiều nhưng đó là một tín hiệu đánh dấu sự chuyển biến tích cực của thể thao Việt Nam

Trong tổng số 306 nội dung ở 28 môn thi đấu tại Rio, 23 vận động viên Việt Nam sẽ tranh tài ở 22 nội dung thuộc 10 môn thể thao. Đây là lần thể thao Việt Nam đến với đấu trường Olympic bằng suất chính thức đông nhất từ trước tới đây.

Với lực lượng vận động viên góp mặt đông đảo hơn, hy vọng giành được huy chương của thể thao Việt Nam có nhiều hơn không? Thể thao Việt Nam có thể đặt kỳ vọng vào môn thể thao nào, tiến bộ ban đầu này có nói lên điều gì?

Đó là những câu hỏi được Tạp chí Thể thao đặt ra trong có cuộc phỏng vấn chuyên gia Olympic Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao. Ông cũng là người đã nhiều lần dẫn đoàn thể thao Việt Nam tại các đấu trường lớn của khu vực và thế giới. - RFI

Saturday, July 30, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 30/7

Tin Thế Giới

1.
Mỹ đưa máy bay chiến lược B-1 tới Guam trong lúc Biển Đông căng thẳng

Không quân Hoa Kỳ, ngày 28/07/2016, ra thông báo cho biết sẽ tiến hành triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1 tại căn cứ Guam, Thái Bình Dương, cách Biển Đông khoảng 2000 hải lý. Đây là lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, Không quân Mỹ đưa máy bay B-1 đến Guam.

Thông cáo của Không quân Hoa Kỳ cho biết : Các phi đội B-1 có nhiều kinh nghiệm tác chiến trong khu vực Thái Bình Dương, giúp nâng cao đáng kể khả năng tấn công nhanh, rộng, trấn an các đồng minh của Mỹ và tăng cường an ninh, ổn định trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Việc điều máy bay ném bom chiến lược B-1 cùng với khoảng 300 phi công và nhân viên kỹ thuật đến Guam là nhằm thay thế cho loại oanh tạc cơ B-52 và trong khuôn khổ kế hoạch của bộ Quốc Phòng Mỹ muốn chuyển khoảng 60% lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ tới vùng Thái Bình Dương, từ nay đến 2020.

Theo nhận định của báo Japan Times, kế hoạch triển khai này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực này.

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông và Washington đã điều nhiều tàu chiến đi sát vào những thực thể địa lý mà Bắc Kinh kiểm soát, nhân danh quyền "tự do lưu thông hàng hải".

Hồi tháng Ba vừa qua, báo chí đưa tin là Washington đang tiến hành đàm phán với Canberra về việc điều động oanh tạc cơ chiến lược B-1 đến Úc.

Với tầm hoạt động 9400 km, việc triển khai B-1 tại Guam và Úc sẽ cho phép loại oanh tạc cơ này hoạt động dễ dàng trong khu vực Biển Đông.

Theo giới chuyên gia quân sự, oanh tạc cơ chiến lược B-1, tuy đã hoạt động từ 30 năm qua, nhưng có tốc độ cao, tầm hoạt động lớn và và khả năng bay thấp, sẽ tạo ra nhiều lợi thế để đối phó với chiến lược "ngăn chặn và chống tiếp cận" của Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc cũng thông báo điều động oanh tạc cơ H6-K, có khả năng mang bom nguyên tử, đến hoạt động ở vùng Biển Đông.

Mỹ triển khai 2 máy bay do thám ở Singapore

Báo Straits Times, ngày hôm qua, 29/07/2016, cho biết, hai máy bay do thám hiện đại của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung giữa hải quân Hoa Kỳ và Singapore và hai máy bay này sẽ tiếp tục hiện diện ở quốc đảo cho đến giữua tháng Tám.

Hai máy bay do thám P-8A Poseidon, sẽ xuất phát từ căn cứ không quân Paya Lebar của Singapore để tham gia vào cuộc tập trận chung giữa hai nước, từ 15/07 đến 12/08.

Theo giới chuyên gia quân sự, máy bay P-8A Poseidon ngoài nhiệm vụ tuần duyên, còn tiến hành các hoạt động do thám, hỗ trợ nhiều Singapore bởi vì khả năng tuần duyên của không quân nước này còn yếu kém.

Các thông tin mà máy bay do thám P-8 thu thập được không chỉ chia sẻ cho Singapore mà cả với các nước láng giềng trong khu vực. - RFI
|
|

2.
Cam Bốt phàn nàn bị cáo buộc oan về Biển Đông

Chính quyền Phnom Penh đã bị một số nước trong khối ASEAN trách nhầm là có thái độ không thẳng thắn và đã cản trở việc đưa ra một thông cáo chung của khu vực về phán quyết Biển Đông. Trên đây là tuyên bố của ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn trước giới báo chí ngày 29/07/2016.

Theo tường thuật của tờ Cambodia Daily, phát biểu trong buổi họp báo, ngoại trưởng Sokhonn cho hay, một số truyền thông và nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đã trách lầm Cam Bốt là cản trở việc đưa phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) về Biển Đông vào trong bản thông cáo chung của khối ASEAN.

Ông nói: “Tôi không muốn nói về những chuyện nội bộ của ASEAN, nhưng Cam Bốt đã chịu đựng quá nhiều bất công. Họ cáo buộc chúng tôi đã gây những cản trở bởi vì họ có những lợi ích riêng, nhưng Cam Bốt cũng cần bảo vệ những lợi ích riêng của mình”.

Theo ngoại trưởng Cam Bốt, "tình hình Biển Đông xuống cấp, nhất là sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đưa ra vào ngày 12/7 và đã làm cho một số bên nghĩ rằng họ đã giành được thắng lợi và số khác thì bác bỏ quyết định trên”.

Đối với ông Sokhonn, việc đưa phán quyết này vào trong thông cáo chung của ASEAN chỉ dẫn đến đối đầu với Trung Quốc một cách vô ích. Trung Quốc đương nhiên sẽ bác bỏ. “Vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Tình hình có thể sẽ còn xuống cấp hơn và làm gia tăng nguy hiểm cho khu vực”.

Khi bị chất vấn về khoản hỗ trợ tài chính hơn 600 triệu đô la từ Trung Quốc, ngay sau khi có phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, ngoại trưởng Cam Bốt đã khẳng định rằng điều này không làm thay đổi lập trường của Phnom Penh về Biển Đông là độc lập và trung lập.

Ông nói: “Cam Bốt không hưởng được lợi lộc gì khi ủng hộ bất kỳ ai. Chúng tôi chỉ muốn giữ thái độ trung lập”.

Theo trích dẫn của tờ Cambodia Daily, một số tờ báo trong khu vực đã chỉ trích vai trò trách nhiệm của Cam Bốt về việc ASEAN không thể đưa phán quyết vào trong thông cáo chung.

Hãng Kyodo trích dẫn một nguồn tin ngoại giao Cam Bốt ẩn danh cho biết một số thành viên khác trong khối ASEAN đã cảm ơn Cam Bốt đã “làm cho Trung Quốc cảm thấy hài lòng” với ASEAN.

Bất chấp khẳng định của ngoại trưởng Cam Bốt, một số chuyên gia trong khu vực tỏ ra nghi ngờ về vai trò trung lập của Phnom Penh. Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, đại học Chulalongkorn, tại Bangkok nhận định về vai trò trung lập “tương đối” vì Cam Bốt khó có thể trung lập với Trung Quốc và ASEAN cùng một lúc.

Vị chuyên gia này còn cho rằng việc gạt phán quyết của Tòa về Biển Đông ra khỏi thông cáo chung rất có thể tác động lên mối quan hệ giữa Cam Bốt với các thành viên khác trong ASEAN. - RFI
|
|

3.
Liên quân ồ ạt không kích cứ địa Nhà Nước Hồi giáo bên ngoài Aleppo, Syria --- Afghanistan: Taliban chiếm quận Khanashin ở tỉnh Helmand

Liên quân do Mỹ lãnh đạo đang chiến đấu chống các lực lượng của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria đang tập trung tấn công thành phố Manbij gần Aleppo, theo lời các giới chức hôm qua, tuy nhiên tin tức từ tuyến đầu cho hay các phần tử chủ chiến vẫn tiếp tục chiếm đóng trung tâm thành phố.

Bộ Tư lệnh miền Trung của Hoa Kỳ cho hay các cuộc không kích mới nhất tại Aleppo, tỉnh phía Bắc Syria bao gồm thành phố Manbij, đã tiêu diệt 19 đơn vị chiến thuật của Nhà Nước Hồi giáo và 17 trong các vị trí chiến đấu của các phần tử cực đoan.

Các cuộc không kích còn phá huỷ một súng máy hạng nặng và hai chiếc xe do các chiến binh Nhà Nước Hồi giáo sử dụng.

Ban tiếng Kurd của VOA tường thuật rằng các cuộc giao tranh tại trung tâm thành phố Manbij vẫn tiếp diễn trong lúc xảy ra các cuộc không kích. Một lực lượng dân quân chống IS đang giao chiến với các phần tử chủ chiến trong thành phố, để giành từng con đường, giữa lúc các lực lượng liên minh siết chặt vòng vây quanh cứ địa chính của IS ngay tại trung tâm thành phố.

Một chiến binh nói với VOA rằng anh ta đã trông thấy xác của nhiều phần tử chủ chiến bị giết trong các cuộc chạm trán hôm qua, vốn khởi sự từ buổi chiều và kéo dài tới khuya.

Trong một diễn biến riêng rẽ, quân đội Mỹ đang xét lại một cáo buộc thứ ba, về các tổn thất nhân mạng nơi thường dân trong một cuộc không kích do liên quân thực hiện gần Manbij.

Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài Peter Cook nói với báo chí hôm qua rằng tiến trình thẩm định các cáo buộc đó đang ở trong “giai đoạn sơ khởi.”

Các tổ chức bênh vực nhân quyền nói khoảng 25 thường dân đã bị giết trong một vụ không kích nhầm hôm thứ Năm vừa rồi, tiếp theo sau hai sự cố tương tự hiện đang trong vòng điều tra.

Ông Cook nói chính những báo cáo từ trong quân đội đã dẫn tới cuộc điều tra. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để giảm tới mức tối thiểu những nguy cơ đối với thường dân vô tội, duy trì tính minh bạch trong vụ này, đồng thời buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. ”

Hôm qua, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cho Syria kêu gọi Nga để cho Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm về các hành lang nhân đạo trong và xung quanh Aleppo, cho phép thường dân thoát khỏi thành phố đang bị vây hãm này.

Phát biểu hôm thứ Sáu ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, ông Staffan de Mistura bày tỏ sự ủng hộ "về nguyên tắc" đối với những hành lang nhân đạo "trong hoàn cảnh thích hợp," ông nói Aleppo đang ở một thời điểm hệ trọng khi lương thực đang cạn kiệt nhanh chóng, tác động tới 300.000 người bị mắc kẹt trong thành phố.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Năm thông báo kế hoạch của Nga cho "những hoạt động nhân đạo quy mô lớn" bên ngoài Aleppo để "giúp đỡ thường dân bị những kẻ khủng bố bắt làm con tin, cũng như những chiến binh muốn hạ vũ khí."

Ông De Mistura nói ông đang chờ nhà chức trách Nga xác định rõ kế hoạch này sẽ được tiến hành ra sao, trong khi nhắc lại lập trường của LHQ, là không thường dân nào nên bị bắt buộc phải rời khỏi Aleppo. - VOA

***
Các giới chức và các nguồn tin Taliban ở Afghanistan xác nhận rằng phe nổi dậy Hồi giáo đã chiếm thêm một quận khác nữa ở tỉnh Helmand, tỉnh giáp ranh với Pakistan.

Quân Taliban đã thực hiện một cuộc đột kích vào Khanashin qua đêm và giao tranh vẫn đang tiếp diễn tại một số khu vực trong quận này, theo người phát ngôn của chính quyền tỉnh nói với báo chí Afghanistan hôm nay.

Tuy nhiên, một người phát ngôn của Taliban tuyên bố nhóm này đã chiếm được toàn thể quận Khanashin sau khi “đã quét sạch quân thù”.

Trong một bản tuyên bố gửi cho Đài VOA, ông này nói rằng phe nổi dậy đã gây những thương vong nặng nề cho các lực lượng an ninh Afghanistan trước khi các lực lượng này rút khỏi Khanashin.

Hiện tin này của Taliban chưa được kiểm chúng độc lập.

Khanashin nằm sát biên giới rất lỏng lẻo với Pakistan và, nếu tin được kiểm chứng, thì đây là lần thứ 3 quận này rơi vào tay quân Taliban trong vòng 1 năm qua.

Nói chuyện với Đài VOA với điều kiện danh tính đươc giữ kín, các giới chức an ninh Afghanistan tố cáo rằng các phần tử nổi dậy Taliban vũ trang tận răng được phía Pakistan chứa chấp cũng tham gia cuộc đột kích vào đêm thứ Năm.

Họ xác nhận rằng viên chỉ huy an ninh khu vực nằm trong số những người bị thương trong cuộc giao tranh. Cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề, nhưng hiện chưa có chi tiết về số thương vong này.

Helmand là tỉnh lớn nhất của Afghanistan và khét tiếng là một khu vực sản xuất thuốc phiện. Tỉnh này liên tục bị quân Taliban tấn công, khiến Hoa Kỳ phải triển khai binh sĩ tới khu vực đầy bất ổn này để hỗ trợ và cố vấn các lực lượng Afghanistan. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Toà án Mỹ bác luật bầu cử hạn chế --- Mỹ điều tra vụ chiến dịch của bà Clinton bị tin tặc tấn công

Các toà án tại 3 tiểu bang nước Mỹ, North Carolina, Wisconsin và Kansas hôm thứ Sáu đã ra phán quyết lật ngược luật bầu cử hạn chế.

Các phán quyết được đưa ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11, một cuộc đua gay gắt giữa tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hoà và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, thuộc Đảng Dân chủ.

Các phán quyết tại 3 bang vừa kể có phần chắc sẽ cho phép nhiều thành viên của các nhóm thiểu số hơn được đi đầu phiếu vào tháng 11 sắp tới.

Các luật bầu cử hạn chế về phần lớn được áp dụng sau khi bầu lên Tổng Thống Obama, một thành viên Đảng Dân chủ và là vị Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên của Hoa Kỳ.

Những người ủng hộ các biện pháp hạn chế bầu cử nói các luật này sẽ ngăn chận các vụ gian lận, tuy nhiên nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng gian lận bầu cử ở Mỹ chỉ ở mức tối thiểu, không đáng kể. - VOA

***
Giới thẩm quyền liên bang Mỹ đang điều tra khả năng tin tặc đã thâm nhập hệ thống máy tính của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, như một phần trong một vụ tấn công mạng rộng lớn hơn nhắm vào Đảng Dân chủ Mỹ.

Các giới chức thi hành công lực nói với truyền thông Mỹ rằng cả Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI lẫn Bộ Tư pháp đang tham gia cuộc điều tra.

Hai cơ quan này, không cơ quan nào xác nhận tin về vụ điều tra. Cơ quan FBI trả lời VOA bằng văn bản nói rằng “FBI có biết về các bản tin của báo chí về các vụ thâm nhập mạng có sự tham gia của nhiều thực thể chính trị, và đang làm việc để xác định tính chính xác của các bản tin, cũng như tính chất và quy mô của các vụ việc này.”

Các giới chức của chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton phản ứng tối hôm thứ Sáu, nói rằng một trong các cơ sở dữ liệu của Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) được biết là đã bị tin tặc tấn công. Một người phát ngôn của bà Clinton, ông Nick Merrill, cho biết các chuyên gia không tìm thấy chứng cớ cho thấy các hệ thống nội bộ của chiến dịch tranh cử đã bị tấn công.

Các giới chức Đảng Dân chủ đã chỉ ra sự dính líu của Nga vào cả hai vụ thâm nhập máy tính, tăng cao những cáo buộc chưa được kiểm chứng rằng Moscow đang tìm cách ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, theo hướng có lợi cho ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump.

Bà Hillary Clinton nói bà coi vụ tấn công tin tặc này là một vấn đề an ninh quốc gia.

Ông Trump đã tìm cách xa lánh mối liên kết với Nga trong vụ tấn công mạng tại các văn phòng Đảng Dân chủ, và lập luận cho rằng Moscow hậu thuẫn chiến dịch vận động tranh cử của ông. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tin tặc Trung Quốc phủ nhận tấn công web Vietnam Airlines

Nhóm tin tặc 1937CN bị nghi tấn công các sân bay lớn của Việt Nam hôm 29/7 đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đã tấn công trang mạng của Vietnam Airlines.

Trên trang web của nhóm xuất hiện một bài viết mang tên “Tuyên bố của nhóm về sự cố tại sân bay Việt Nam”, trong đó đại diện của nhóm nhấn mạnh “Trung Quốc luôn bị đổ lỗi cho những vụ tin tặc tấn công tại các nước khác, đó là điều vô lý và phản khoa học”. Bên cạnh đó, nhóm này vẫn một mực khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Nhóm tin tặc 1937Cn có một bảng thành tích không lấy gì làm tốt đẹp khi đã từng gây ra rất nhiều vụ tấn công mạng vào các nước có tranh chấp với Trung Quốc. Năm 2013, nhóm này tấn công vào hai trang mạng thegioididong.com va facebook.com.vn của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, một nguồn tin khả tín của báo Người Lao Động cho biết, Hãng hàng không Việt Nam –Vietnam airlines đã nhận thấy những dấu hiệu của vụ tấn công trước đó 2 ngày nên đã chủ động có phương án dự phòng nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu.

Cục Hàng Không Việt Nam cho hay, Cục An ninh mạng (thuộc bộ Công An) đã vào cuộc. - VOA
|
|

6.
Công an đánh đập ngư dân phản đối xây dựng cảng ở Nghệ An

100 nhân viên công an chìm, nổi

Khoảng 700 ngư dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sáng nay đã đụng độ với các lực lượng chức năng tại địa phương, khi họ chuẩn bị đến công trường xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng Vissai của tập đoàn xi măng Vissai để ngăn chặn việc san lấp làm dự án.

Theo người dân trong sáng nay có khoảng 100 nhân viên công an chìm, nổi, xe cứu thương, xe chữa cháy… đã lập hàng rào phong tỏa đường đi ra khỏi làng của ngư dân nơi đây. Việc cảnh sát đánh đập một ngư dân, khi người này xin phép lực lượng chức năng đi rời khỏi nhà để đi bốc thuốc chữa bệnh khiến vụ xô xát nổ ra.

Ông Nguyễn Viết Nồng (64 tuổi), một ngư dân cho biết việc ông bị lực lượng công an đánh đập sáng nay ngày 30, tháng 7:

“Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi lấy thuốc để chữa bệnh ở ngay đầu làng, dân nhà tôi chỉ có một đường ra khỏi làng, ngay khi đến đầu làng đã bị rất nhiều cảnh sát cơ động, công an chặn đường không cho đi. 

Tôi mới nói, các chú ơi, cho bác đi chút công việc vì người tôi có bệnh, sau đó bước đi thì bị một cảnh sát đạp vào ngực nên tôi đã ngã xuống đường, cảnh sát cơ động cứ lấy chân giẫm lên người tôi. Tôi mới kêu lên, bà con ơi, dân làng ơi cứu tôi, lúc đó có khoảng 4 – 5 người cảnh sát kéo tôi đi khoảng 100 m. Lúc đó có mấy người công an trong xã bảo, ông này bệnh này đấy, rồi họ buông tôi ra để tôi thở. Tôi nằm nghỉ được khoảng 5 phút thì bị công an tỉnh, cơ động, công an áo vàng lại xô tôi lên xe và đóng cửa lại. Xe chạy được khoảng 1 km thì bị dân đổ ra đường chặn xe yêu cầu thả người, nếu không ông Nồng sẽ chết, đến lúc này có một anh công an mới mở cửa xe thả tôi ra. Bác sĩ trạm xá của xã đến khám và nói rằng tôi bị chấn thương trên lồng ngực vì bị đạp mạnh.”

Một ngư dân có mặt tại cuộc đụng độ sáng nay cho biết, có hơn 400 hộ ngư dân tại đây đang phản đối giá cả đền bù chưa hợp lý từ dự án xây dựng nhà máy xi măng và cảng Vissa tại xã Nghi Thiết, cho nên người dân mới xuống đường. Ông xác nhận về việc đụng độ sáng nay:

“Sáng nay một số bà con đã bị công đánh bầm tím, hiện đang được khâu tại bệnh viện huyện Nghi Lộc. Người nặng nhất hiện nay đang nằm tại nhà của công ty Xi măng Vissai tại xã Nghi Thiết, gia đình đang yêu cầu mời ông chủ tịch xã Nghi Thiết đến đây để lập biên bản đưa ông ấy đi bệnh viện để điều trị, nhưng ông chủ tịch không đến.”

Chính quyền không trả lời

Phái viên Xuân Nguyên của Đài RFA liên lạc công an xã Nghi Thiết, đơn vị trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng trong sáng nay để tìm hiểu vụ việc này và bị từ chối trả lời:

Xuân Nguyên: Alo, xin chào anh, cho tôi hỏi đây là công an xã Nghi Thiết phải không?

Nhân viên công quyền: “Ờ, anh muốn làm gì.”

Xuân Nguyên: Thưa anh, sáng nay có vụ xảy ra vụ việc đụng độ giữa người dân và lực lượng chức năng ở đây, xin anh cho biết về vụ việc?

Nhân viên công quyền: “Tôi không có thẩm quyền trả lời.”

Một ngư dân khác ở đây kể về diễn tiến của việc tranh chấp bến bãi do giá cả đền bù không thỏa đáng giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương với hơn 400 hộ dân:

“Đầu tiên là người ta về họp dân, người ta bảo cái trạm điện xi măng vào tháng 11 năm 2015, thì dân không đồng tình cho về, dân sợ độc hại.

Sau cuộc họp thứ 2, họ đưa về khai trương cảng biển Vissai, không có sự đồng tình của dân ở đây, dân giải quyết chế độ đền bù, họ trả cho dân chưa thỏa đáng.

Cuộc họp thứ 3 họ đưa ra ý kiến là sẽ hộ trợ mỗi một thuyền loại 1 là 48 triệu, thuyền loại 2 thì 24 triệu, thuyền loại 3 thì 6 triệu. Nhưng dân không đồng tình, dân bảo tầm này chưa đủ ăn 1 tháng cho dân, hết tiền rồi thì dân đi đâu, làm gì, chuyển đổi công việc cho dân như thế nào, rồi cho dân đi chỗ khác ở, họ cũng không nghe.

Cuộc họp thứ tư họ quyết định đổ đất để làm. Đổ đất là mất bến bãi đậu thuyền nên dân không cho đổ đất nhưng tỉnh Nghệ An vẫn quyết định cho công an cơ động về ngăn đường không cho dân ra.”

Nhưng người tham gia trong buổi đụng độ sáng nay với lực lượng chức năng đều cho biết nguyên nhân của sự vụ là do giá cả đền bù chưa thỏa đáng và rất bức xúc trước hành xử của chính quyền địa phương khi đưa công an, cảnh sát đến ngăn chặn, đánh đập người dân. Dân chúng địa phương khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng cho họ. - RFA
|
|

7.
Tàu cá Đài Loan tới Ba Bình Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Đài Bắc

Hãng thông tấn Đài Loan CNA, ngày hôm qua, 29/07/2016, đưa tin, bốn tàu cá Đài Loan sẽ tới đảo Thái Bình (tên quốc tế là Itu Aba, mà Việt Nam gọi là Ba Bình) ở Trường Sa vào Chủ Nhật, 31/07.

Chuyến đi này nhằm khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với đảo Ba Bình, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, trong phán quyết công bố ngày 12/07, coi Ba Bình chỉ là một bãi đá, có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Đài Loan chiếm giữ Ba Bình từ năm 1946.

Bốn tàu cá Đài Loan xuất phát từ cảng Bình Đông, ngày 20/07. Một chiếc sẽ tới Ba Bình vào Chủ Nhật, 31/07, ba tàu còn lại tới đây vào thứ Hai, 01/08. Cả bốn tàu không được phép neo đậu tại Ba Bình vì chuyên chở một nhóm phóng viên truyền hình Hồng Kông Phoenix TV.

Sau khi được tiếp nước, lương thực, cả bốn tàu sẽ rời Ba Bình vào chiều thứ Ba 02/08. - RFI

Friday, July 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 29/7

Tin Thế Giới

1.
Thắng lợi của Trung Quốc có thể chết yểu --- Tin tặc TQ tấn công hai sân bay lớn của Việt Nam --- Biển Đông: TQ diễu võ giương oai sau thất bại của ASEAN --- TQ xuyên tạc lời nghị sĩ Anh để tuyên truyền

Trung Quốc dường như đã giành chiến thắng ngoại giao trong tuần qua khi thách thức phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Nhưng có những người tin rằng Trung Quốc sẽ vẫn phải đối mặt với tác động lâu dài của phán quyết.

Ông Tim Huxley, giám đốc điều hành của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở châu Á nói các cuộc đàm phán song phương sắp tới của Bắc Kinh với các bên tranh chấp khác như Việt Nam và Philippines diễn ra trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Ông nhận định: "Nói cách khác, họ - Philippines và Việt Nam - sẽ nói, Được, chúng ta có thể nói chuyện. Nhưng chúng tôi sẽ không nói theo các điều kiện của quý vị. Mà chúng tôi sẽ theo các điều kiện của chúng tôi và các điều kiện của chúng tôi là trên cơ sở pháp luật quốc tế".

Nhà nghiên cứu ở Singapore này nói thêm rằng có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, mới thấy được những tác động dài hạn của phán quyết trên thực tế.

Hồi đầu tuần này, Bắc Kinh đã tác động để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đi đến quyết định xoá bất kỳ từ ngữ nào nhắc đến Trung Quốc hoặc phán quyết của tòa trọng tài trong thông cáo chung của ASEAN sau cuộc họp của các ngoại trưởng tại Lào.

Điều đó được xem là một chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc.

Có thể Trung Quốc đã giữ được thể diện bằng cách gây sức ép với ASEAN, nhưng liệu Bắc Kinh có giữ được uy tín của họ không?

Walden Bello, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Kyoto, Nhật Bản, nói: "Trong ngắn hạn, các nước có thể bị dọa dẫm, nhưng các mưu toan bắt nạt này bị người ta ghi nhớ, và chắc chắn sau cùng sẽ không giúp Trung Quốc giành được điểm".

Còn ông Bello, cựu dân biểu Hạ viện Philippines nói: "Vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt ở đây là họ càng lên án phán quyết, họ càng mất đi độ tin cậy" 

Ông Dan Steinbock, giám đốc nghiên cứu về kinh doanh quốc tế tại Viện Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ cho rằng vụ khiếu nại của Philippines và phản ứng của ASEAN đối với phán quyết của tòa là những ví dụ hoàn hảo về việc các nước châu Á đang bị mắc kẹt ra sao giữa việc bảo đảm an ninh của Mỹ và hợp tác kinh tế của Trung Quốc. 

Ông Steinbock đưa ra ý kiến: "Tập trung vào chỉ một mặt này hay mặt kia chưa bao giờ có tính xây dựng cả, còn cân bằng giữa hai mặt đã chứng minh là có lợi cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực".

Ông cũng cho rằng các nước ASEAN biết quá rõ rằng "luật pháp quốc tế là một chuyện, còn hiện thực về chính sách trong khu vực là một chuyện khác".

Vì vậy, ông Steinbock lập luận rằng xác suất vô tình xảy ra xung đột ở khu vực vẫn tiếp tục tăng, đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan để xuống thang căng thẳng thông qua xây dựng lòng tin và đàm phán. - VOA

***
Các hãng tin AP và Reuters hôm nay 29/07/2016 dẫn nguồn tin từ báo chí Việt Nam cho biết, hệ thống thông tin tại hai sân bay chính của nước này đã bị tin tặc xâm nhập để xuyên tạc về Biển Đông, lăng mạ Việt Nam và Philippines.

Hệ thống thông tin dữ liệu chuyến bay tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đồng loạt bị xáo trộn, khiến nhà chức trách buộc lòng phải tắt hệ thống check-in lên máy bay và âm thanh. Nhân viên phải làm thủ tục cho hành khách một cách thủ công. Một số sân bay khác trong hệ thống 21 sân bay của Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc cũng bị ảnh hưởng.

Trang VnExpress dẫn lời thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói rằng tin tặc chỉ xâm nhập được giao diện màn hình hiển thị, chứ không vào được hệ thống tra cứu, đặt vé.

Trang web của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng bị tin tặc xâm nhập một thời gian ngắn. Nội dung của trang chủ bị thay đổi hoàn toàn, xuất hiện các dòng chữ kích động, xưng tên nhóm hacker 1937cn.

Theo Vietnam Airlines, trang mạng của hãng bị chiếm tên miền, chuyển sang trang web xấu ở nước ngoài. Đến khoảng 17 giờ 45 đã khắc phục được, nhưng cuối website vẫn còn liên kết dẫn sang trang khác, với các tập tin chứa dữ liệu cá nhân của trên 400.000 tài khoản khách hàng Golden Lotus. Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo không nên vào các link này vì có thể hacker đã nhúng mã độc.

Tờ Tuổi Trẻ cho biết nhóm 1937cn là tin tặc Trung Quốc, trước đây đã nhiều lần xâm nhập vào các hệ thống của Việt Nam. Năm 2014 hơn 200 website của chính phủ Việt Nam đã bị bọn chúng tấn công. Theo trang hack-cn.com xếp hạng các nhóm tin tặc Trung Quốc thì 1937cn là nhóm mạnh nhất, với thành tích 36.820 cuộc tấn công vào Việt Nam và các nước láng giềng trong năm 2014.

The Diplomat nhắc lại, tháng 5/2014 sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, dẫn đến phong trào biểu tình chống Bắc Kinh tại Việt Nam, tin tặc Trung Quốc đã thu thập được các thông tin nhạy cảm về chiến lược ngoại giao và quân sự của Việt Nam. Đến tháng 10/2014 lại diễn ra đợt tấn công tương tự, có thể nhằm trả đũa việc Việt Nam mua vũ khí để tăng cường an ninh hàng hải.

Còn đối với Philippines, ngay sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hôm 12/7 ra phán quyết có lợi cho nước này, trong hai ngày 15 và 16/7, hàng chục trang web của các cơ quan chính phủ Philippines đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công.

Báo chí trong nước cho biết Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành điều tra. - RFI

***
Việc ASEAN không đưa được phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, rất bất lợi cho Trung Quốc, vào tuyên bố chung (ngày 25/07/2016) của hội nghị các ngoại trưởng của khối tại Lào được nhiều nhà phân tích đánh giá như một "thất bại" của khối này. Trong bối cảnh một mặt trận ngoại giao quốc tế nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh thực thi phán quyết của Tòa dường như không thành công, Trung Quốc đã diễu võ giương oai.

Hãng thông tấn AP ghi nhận, sau phán quyết 12/07/2016, Bắc Kinh vừa có những phản ứng hết sức cứng rắn, vừa thực thi một chính sách ngoại giao mua chuộc tinh vi nhằm gia tăng các chia rẽ trong nội bộ ASEAN, nhằm bác bỏ tính chính đáng của phán quyết về Biển Đông.

Theo chuyên gia về Đông Nam Á John Ciorciari, đại học Michigan, Hoa Kỳ, được AP dẫn lời, thì khi không có được tiếng nói chung về vấn đề này, thì "với tư cách là một hiệp hội, ASEAN đã mất đi uy quyền và hiệu quả của tổ chức này trong những vấn đề khu vực quan trọng nhất". Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á vận hành theo nguyên tắc đồng thuận 100%, chỉ một mình Cam Bốt ủng hộ lập trường của Trung Quốc thì mọi nỗ lực của các nước khác đều vô tác dụng.

AP cho biết, các nhà ngoại giao tham dự các hội nghị tại Lào quan sát thấy một hiện tượng đáng chú ý là, ngay cả những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, dường như cũng đã lùi bước. Ví dụ Philippines – bên thắng trong vụ kiện Trung Quốc – cũng tỏ ra không quyết liệt trong việc đòi hỏi đưa những ngôn từ mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung ASEAN.

Manila nhiều lần nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài chỉ là kết cục của vụ Philippines kiện Trung Quốc, vì vậy ASEAN không cần tham gia. Ngoại trưởng Malaysia thậm chí không có mặt trong phiên họp về chủ đề này. Còn Brunei – một nước tranh chấp khác tại Biển Đông – thậm chí còn ca ngợi vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong một cuộc họp giữa ASEAN với các đối tác châu Á- Thái Bình Dương. Hôm thứ Ba 26/07, một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam tuyên bố Hà Nội thiên về đối thoại song phương để giải quyết các tranh chấp, mà đây dường như cũng chính là điều mà Bắc Kinh đòi hỏi.

Một số nhà quan sát ghi nhận, cho dù phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ tiếp tục gây nhức nhối cho Trung Quốc, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy là Bắc Kinh đang từ bỏ tham vọng chủ quyền tại vùng biển này.

Tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục nhiều hoạt động để khẳng định quyền kiểm soát, đặc biệt trên quần đảo Trường Sa.

Vài ngày sau khi Tòa ra phán quyết, tập đoàn viễn thông China Telecommunications Corp – một trong công ty lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này – quyết định triển khai dịch vụ internet 4G tại 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh đang kiểm soát ở Trường Sa. Một tập đoàn viễn thông lớn khác cũng chuẩn bị một kế hoạch tương tự.

Trung Quốc cũng đang cho xây dựng bốn bến cảng tại khu vực này, để chuẩn bị đón đến 2 triệu khách du lịch một năm.

Hôm qua 28/07, bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận với Nga tại Biển Đông trong tháng 9/2016. Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa hai nước tại khu vực này. Đây là cũng là cuộc tập trận đầu tiên được dự trù sau phán quyết của Tòa án La Haye.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ có những phản ứng táo tợn hơn nhiều sau hội nghị G20 - nhóm các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới - tổ chức từ ngày 4 đến ngày 5/9 tại Hàng Châu (Hangzhou), Trung Quốc.

Theo ông Trần Việt Thái, một nhà nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, bộ Ngoại Giao Việt Nam, trong giai đoạn hiện tại, phán quyết của Tòa án cũng không phải là cây gậy thần có thể giải quyết mọi vấn đề, mà nó cần phải được phối hợp với nhiều biện pháp khác.

Nhà nghiên cứu Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại viện tư vấn Heritage Foundation, Hoa Kỳ, đề xuất biện pháp đối phó với các tham vọng của Trung Quốc, trong một phân tích được đưa ra một tuần sau khi Tòa án ra phán quyết (Bài “South China Sea After the Tribunal Ruling: Where Do We Go From Here?”, www. heritage. org). Đó là thay vì đặt trọng tâm vào ASEAN, Washington cần hỗ trợ nhóm các nước có liên quan trực tiếp đến các tranh chấp với Bắc Kinh, tức Philippines, Việt Nam, Maylaysia và Brunei, "xây dựng một lập trường chung". Điều này có thể tạo thêm một áp lực "chính trị và ngoại giao" để buộcTrung Quốc phải xét lại quan điểm. - RFI

***
Bị thất bại nặng nề vì phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) La Haye bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò", Trung Quốc tiếp tục chiến dịch tuyên truyền rầm rộ về chủ quyền Biển Đông trên truyền thông phương Tây. Ngày 27/07/2016, một nghị sĩ Anh đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh xuyên tạc phát biểu của bà, trong một video được phát liên tục ở trung tâm thành phố New York, Hoa Kỳ.

Theo Tân Hoa Xã, video được chiếu đi chiếu lại 120 lần một ngày, từ 23/07 đến 03/08 trên một bảng quảng cáo khổng lồ tại Times Square, tức Quảng trường Thời Đại nổi tiếng ở trung tâm New York.

Trong video dài ba phút này có đoạn trích dẫn nghị sĩ Công Đảng Anh, bà Catherine West nói: "Tôi nghĩ rằng đàm phán là cốt yếu, vì vậy mà chúng ta phải thận trọng. Vâng, chúng ta cần giải quyết vấn đề chỉ trong phạm vi khu vực, và có cách tiếp cận chú trọng đến đối thoại".

Nhưng ngay sau đó, bà Catherine West đã phản ứng trên mạng Twitter. Trên tài khoản cá nhân, bà viết: "Tôi luôn bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và cổ vũ các bên tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực".

Bà còn dẫn chứng một đoạn chất vấn trước đó với ngoại trưởng Anh: "Ông có đồng ý rằng phán quyết của Tòa Trọng tài phải được tôn trọng, và bất kỳ hành động không tuân thủ nào của chính quyền Trung Quốc không chỉ làm tổn hại nặng nề cho uy tín của Bắc Kinh, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế?"

Trả lời trang mạng Buzz Feed News, nghị sĩ Catherine cho biết phát biểu của bà đã bị bóp méo, và bà rất bối rối, lo ngại khi bị cho xuất hiện trong video tuyên truyền này. Hơn nữa, bà còn bị giới thiệu nhầm là đang giữ một chức vụ trong đảng đối lập, mà khi Công Đảng nắm quyền sẽ trở thành ngoại trưởng.

Video này giải thích Trung Quốc "có chủ quyền không thể tranh cãi" tại Biển Đông, đưa các hình ảnh nhằm cố chứng minh Trung Hoa là nước đầu tiên đã phát hiện, đặt tên, khám phá, khai thác "Nam Hải" và các vùng biển xung quanh ; "liên tục thực thi chủ quyền một cách hòa bình và hiệu quả" tại khu vực này.

Báo chí nhà nước Trung Quốc khoe khoang : "Video đã làm rõ sự thật đằng sau trò hề trọng tài, và nhắc nhở rằng các tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán. Nhiều chuyên gia và quan chức trên toàn thế giới ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông".

Tuy nhiên trang mạng Buzz Feed News cảnh báo độc giả "sẽ mất toi ba phút và mười hai giây trong cuộc đời" với video tuyên truyền của Trung Quốc. Nhiều tờ báo khác cũng chế giễu động thái quá đáng này. Theo New York Times, tiền thuê màn hình khổng lồ ở địa điểm sầm uất này từ 300.000 đến 400.000 đô la một tháng.

Tại Pháp trong những tháng gần đây, Bắc Kinh cũng đã vung tiền ra mua nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để khẳng định « chủ quyền » Biển Đông. Ngay hôm nay 29/07/2016 trên báo Le Figaro, Trung Quốc mua hẳn bốn trang để đăng những bài tuyên truyền do China Daily soạn thảo, và trên trang nhất là tựa lớn: "Biển Đông: Bắc Kinh bác bỏ phán quyết trọng tài". Ảnh minh họa là hai nữ tiếp viên Hainan Airlines đang tươi cười trước chiếc máy bay của hãng này vừa đáp xuống Đá Xu Bi hôm 13/07/2016. - RFI
|
|

2.
LHQ: Nga hãy để LHQ đảm trách hành lang nhân đạo ở Syria

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cho Syria đã kêu gọi Nga để cho Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm về bất kỳ hành lang nhân đạo nào trong và xung quanh Aleppo, cho phép thường dân thoát khỏi thành phố đang bị vây hãm này của Syria.

Phát biểu trước báo giới hôm thứ Sáu ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, ông Staffan de Mistura bày tỏ sự ủng hộ "về nguyên tắc" đối với những hành lang nhân đạo "trong hoàn cảnh thích hợp," và nói rằng Aleppo đang ở một thời điểm hệ trọng khi mà thức ăn đang cạn kiệt nhanh chóng cho 300.000 người bị mắc kẹt trong thành phố.

Ông De Mistura cũng nhắc lại lời kêu gọi của trưởng phụ trách viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Stephen O'Brien, cho một sự đình chỉ chiến sự vì lý do nhân đạo trong 48 tiếng đồng hồ để cho phép thực phẩm và những vật phẩm khác được đưa vào thành phố một cách khẩn cấp. Viện trợ nhân đạo vào thành phố đã bị lực lượng ủng hộ chính phủ cắt đứt kể từ 17 tháng 7.

Giống như ông O'Brien một ngày trước đó, ông De Mistura đưa ra phản ứng về một đề xuất của Nga mở tới bốn hành lang nhân đạo để di tản thường dân và những chiến binh muốn hạ vũ khí khỏi mạn đông Aleppo do phiến quân chiếm giữ. Ông nêu nghi vấn về tính khả thi của đề xuất này trong khi chiến sự tiếp tục:

"Làm thế nào có thể trông mong hàng ngàn thường dân đi bộ qua hành lang trong khi có những vụ pháo kích, ném bom, và giao tranh?"

Ông De Mistura cũng ca ngợi một thông cáo của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế hoan nghênh đề xuất của Nga, nhưng nói rằng những hành lang như vậy cần có "sự đồng ý của tất cả các bên."

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Năm thông báo kế hoạch của Nga cho "những hoạt động nhân đạo quy mô lớn" bên ngoài Aleppo để "giúp đỡ thường dân bị những kẻ khủng bố bắt làm con tin, cũng như những chiến binh muốn hạ vũ khí."

Ông De Mistura cho biết ông đang chờ nhà chức trách Nga làm rõ kế hoạch này sẽ được tiến hành ra sao, trong khi nhắc lại lập trường của Liên Hiệp Quốc là không thường dân nào nên bị bắt buộc phải rời khỏi Aleppo. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ứng cử viên TT Hillary Clinton hứa xây dựng ‘một ngày mai tốt đẹp hơn’ --- Hillary Clinton 'không ủng hộ TPP'

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm thứ Năm kêu gọi cử tri Mỹ chớ nên khuất phục trước những luận điệu chính trị dựa trên sự sợ hãi. Bà cam kết sẽ đoàn kết đất nước và lèo lái đất nước hướng tới phía trước, nếu bà đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới. Đêm hôm qua, bà Hillary Clinton đã chính thức chấp nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ tại đại hội toàn quốc đảng này tổ chức ở Philadelphia.

Vào đêm cuối cùng của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ, bầu không khí tại đại hội có vẻ lạc quan, các đại biểu đã sẵn sàng để ăn mừng và làm nên lịch sử.

Chelsea Clinton, ái nữ của vị Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ, giới thiệu thân mẫu với cử toạ, bà Hillary Clinton, người đang hy vọng có thể trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Cô Chelsea Clinton nói: “Tôi sẽ bầu cho một chiến sĩ không bao giờ bỏ cuộc, một người tin rằng chúng ta luôn luôn đạt thành quả tốt hơn khi chúng ta sát cánh với nhau và làm việc với nhau.”

Tại Philadelphia, một thành phố nổi danh nhờ các cha già dân tộc đã sáng lập nên nước Mỹ, bà Hillary Clinton bước ra dưới ánh sáng sân khấu để làm nên lịch sử của chính mình trong tư cách là phụ nữ đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử ra tranh chức Tổng thống Mỹ.

Bà phát biểu: “Như thế thưa các bạn, với lòng khiêm cung, quyết tâm và niềm tự tin vô bờ bến vào sự hứa hẹn của nước Mỹ, tôi xin chấp nhận sự đề cử của quý vị để ra tranh chức Tổng thống của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.”

Như một điềm báo trước về chiến dịch vận động gay go sắp tới, bà Clinton vững vàng nhắm thẳng vào đối thủ, người đàn ông sẽ chạy đua với bà để giành chiếc ghế trong Tòa Bạch Ốc vào tháng 11 sắp tới, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà Donald Trump.

Bà Clinton nói: “Hãy tưởng tượng ông Trump trong Phòng Bầu dục, đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự. Một người đàn ông mà ta có thể cho rơi vào bẫy chỉ bằng một dòng trên trang Twitter, không phải là người mà chúng ta có thể tin cậy với những vũ khí hạt nhân.”

Bà Hillary Clinton cam kết sẽ tập trung vào việc kiến tạo công việc làm ăn và phát triển kinh tế. Bà cam kết sẽ dồn nỗ lực làm việc để đoàn kết quốc gia, nếu bà được bầu lên vào tháng 11 này.

Bà nói tiếp:

“Cho nên chúng ta hãy cùng nhau củng cố thêm sức mạnh, hỡi đồng bào Mỹ của tôi. Hướng nhìn về tương lai với lòng can đảm và sự tự tin. Hãy xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn cho những đứa con yêu của chúng ta và tổ quốc thương yêu của chúng ta. Bởi vì khi thực hiện điều đó, nước Mỹ sẽ vĩ đại hơn bao giờ hết. Xin cảm tạ quý vị, và xin Thượng đế ban phước lành cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”

Sau bài diễn văn, chồng và con gái bà Clinton bước lên sân khấu để đứng bên bà, cũng như ứng cử viên Phó Tổng thống Tim Kaine, người được chọn đứng chung liên danh tranh cử của Đảng Dân chủ.

Nhưng sự tập trung vào đại hội Đảng Dân chủ không ngăn được ông Donald Trump tiếp tục vận động. Ông tuyên bố sẵn sàng là một tác nhân của sự thay đổi tại một cuộc mít tinh ở Iowa.

Ông phát biểu: “Chúng ta không thể chấp nhận thêm 4 năm Tổng thống Obama, bởi vì về cơ bản đó là bản chất của 'Hillary Clinton gian trá'. Chúng ta không thể chấp nhận thêm 4 năm cai trị của Obama!”

Theo nhà phân tích Gerald Seib của tờ Wall Street Journal, giờ đại hội toàn quốc của cả hai chính đảng Mỹ đã qua, mọi tập trung sẽ dồn về hai ứng cử viên tổng thống, với những đánh giá tiêu cực từ giới cử tri. Ông nhận định:

“Chiến dịch vận động sắp tới sẽ rất hỗn độn, có thể rất tiêu cực, không mấy lịch sự. Tôi nghĩ rằng dù mọi người có thích hay không, tôi thì không thích rồi đấy, phần lớn chiến dịch này chủ yếu sẽ nhắm mục tiêu thuyết phục cử tri hãy bầu để chống lại người kia, chứ không phải là bầu cho người này. Và trong các điều kiện đó, tất nhiên là chiến dịch vận động tranh cử sẽ rất tiêu cực.”

Mức ủng hộ dành cho ông Trump đã tăng sau Đại hội Đảng Cộng hoà tại Cleveland hồi tuần trước, bây giờ bà Hillary Clinton và các thành viên Đảng Dân chủ đang hy vọng mức ủng hộ dành cho họ cũng sẽ tăng giữa lúc họ đang chuyển tiếp sang chiến dịch vận động cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm nay. - VOA

***
Cố vấn thân cận về ngoại giao của bà Hillary Clinton khẳng định bà sẽ không ủng hộ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu trở thành Tổng thống Mỹ.

Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã chính thức là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, và sẽ tranh chức tổng thống với ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.

TPP là nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tập hợp 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Một số nhận định cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi vào TPP, và Đảng Cộng sản Việt Nam đã ủng hộ ký kết hiệp định này.

Tuy vậy, tại Mỹ vẫn không chắc TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua hay không.

Trả lời phóng viên BBC Vincent Ni, bà Laura Rosenberger, cố vấn ngoại giao của bà Hillary Clinton, khẳng định bà Clinton sẽ không ủng hộ TPP nếu trở thành tổng thống Mỹ.

“Bà Clinton tin rằng các thỏa thuận thương mại cần có lợi cho nhân dân Mỹ. Bà có ba trắc nghiệm cho bất kỳ thỏa thuận nào: nó cần tạo ra việc làm cho người Mỹ, cần tăng lương cho người lao động Mỹ, và nó cần thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.”

“Khi xem bản chung cuộc của TPP, bà thấy nó không đáp ứng được ba trắc nghiệm trên. Vì thế bà quyết định rằng bà không thể ủng hộ.”

Bà Laura Rosenberger nhấn mạnh: “Nghĩa là hiện nay bà không thể ủng hộ nó, cũng không ủng hộ nó sau bầu cử tháng 11, cũng như tháng Giêng năm sau.”

Khi được hỏi liệu việc này có làm các nước như Việt Nam thất vọng, bà Laura Rosenberger cho rằng quan hệ của Hoa Kỳ với các nước trong vùng châu Á “rất đa dạng, sâu sắc”.

“Thương mại không phải là điều duy nhất trong quan hệ. Với Việt Nam, chúng tôi đã thúc đẩy quan hệ về cả ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, ngoại giao nhân dân.”

Bà đề cập ví dụ chương trình Peace Corps vừa mới được phép mở tại Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Obama hồi tháng Năm.

“Bà Clinton quyết tâm làm sâu sắc thêm quan hệ với khu vực. Khi còn là ngoại trưởng, bà tin rằng Hoa Kỳ chưa có mặt đủ ở châu Á, một khu vực có tiềm năng to lớn trong thế kỷ 21.”

“Hoa Kỳ cần đầu tư đủ vào khu vực. Nếu trở thành tổng thống, bà sẽ tiếp tục điều này.”

Phán quyết The Hague

Trong cuộc phỏng vấn tại Mỹ của phóng viên Vincent Ni, cố vấn ngoại giao của bà Clinton, người từng nhiều năm làm tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhắc lại khi còn là ngoại trưởng, bà Clinton can dự rất sâu trong vấn đề Biển Đông.

"Mọi người còn nhớ năm 2010 bà đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh khu vực và đã đề ra những nguyên tắc chung mà bà cho rằng quan trọng cho Hoa Kỳ và khu vực.”

“Phán quyết gần đây của tòa ở The Hague, về nhiều mặt, đã chứng thực cho những nguyên tắc mà bà từng đề ra.”

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đứng cạnh các đồng minh và đối tác để giúp bảo đảm tranh chấp được giải quyết trong hòa bình. Đây là điều rất quan trọng với bà.”

Trung Quốc đã tuyên bố nước này không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague về vụ kiện của Philippines tại Biển Đông.

Nhưng trả lời BBC, bà Laura Rosenberger cho rằng Hoa Kỳ có thể có tác động quan trọng.

“Hoa Kỳ giúp đồng minh và đối tác có niềm tin rằng chúng tôi ở bên cạnh họ, và gửi tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc là không thể phá vỡ quy tắc.”

“Anh không thể bỏ qua phán quyết của một tòa án là một phần của hiệp định mà anh đã ký. Anh không thể phá vỡ quy tắc thương mại của WTO, không thể phá vỡ quy tắc về nhân quyền.”

“Bà Clinton rất coi trọng làm sao Trung Quốc sẽ là đối tác xây dựng và tuân thủ các quy tắc.”

Nói về quan hệ tương lai với Việt Nam, bà Laura Rosenberger nhận định Việt Nam đang có mối quan hệ “rất quan trọng, rất tiềm năng” với Hoa Kỳ.

“Nhưng tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam cũng cần có thêm những bước về cải tổ, tôn trọng nhân quyền. Đó là những khía cạnh được bà Clinton quan sát kỹ.”

“Nhưng bà rất ủng hộ và khi là ngoại trưởng, bà đã khuyến khích mối quan hệ phát triển rộng và sâu hơn.” - BBC
|
|

4.
Ông Trump dịu giọng, bớt ca ngợi Nga

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đang dịu giọng xuống, bớt tán dương Nga và nhà lãnh đạo độc tài của nước này là ông Vladimir Putin, sau khi những lời phát biểu như thế của ông gây rắc rối cho ông mới đây. Sau khi hối thúc Nga hãy tìm 30.000 email thất lạc của bà Hillary Clinton, đối thủ của ông bên đảng Dân chủ, ông Trump nói với các nhà báo rằng ông không quen ông Putin, và chưa bao giờ nói ông này là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, mà chỉ là một nhà lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Barack Obama.

Ông Putin hoan nghênh thái độ thân thiện hơn của ông Trump, nhưng theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của VOA, người dân Nga bình thường nói họ không mấy tin tưởng vào ông Trump.

Ngay từ giai đoạn đầu của chiến dịch vận động tổng thống, ông Trump đã tuyên bố là nếu đắc cử, ông có thể giao hảo với ông Putin.

Ông Trump nói: “Khi người ta thích tôi, thì tôi thích họ. Ngay cả Putin, các bạn biết ông Putin mà. Người ta muốn tôi gạt ông sang một bên, nhưng ông Putin của nước Nga nói rằng ông Trump là một thiên tài, ông ấy sẽ là nhà lãnh đạo kế tiếp của Mỹ”.

Phản ứng của Tổng thống Nga có vẻ thận trọng hơn:

“Ông Trump là một nhân vật hoa hòe. Tôi không đưa ra đánh giá nào khác về ông. Nhưng điều tôi đặc biệt chú ý và hoan nghênh, và tôi không thấy cũng có gì sai trái là ông Trump tuyên bố ông sẵn sàng khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ Nga-Mỹ. Có gì sai trái đâu? Tất cả chúng ta đều hoan nghênh chuyện này mà, phải không?”

Những người dân Nga bình thường tỏ ra cởi mở hơn đôi chút về những điều họ nghĩ về ông Trump.

Cô Galina, một kỹ sư người Nga, cho biết:

“Tôi không xem ông Trump là một người tích cực. Tôi cho rằng một tổng thống phải là người khiêm tốn, tự chủ và không bốc đồng, một người giống như ông Putin của chúng tôi”.

Họ không chắc ông Trump có thể tạo ra được sự thay đổi đáng kể cho mối quan hệ Mỹ-Nga, như ý kiến của cô Kristina sau đây:

“Tôi cho rằng việc ông Trump trở thành tân tổng thống Mỹ, sẽ có ảnh hưởng tới mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ, nhưng không phải là một ảnh hưởng lớn. Cuối cùng, điều thực sự quan trọng là cương lĩnh mà các ứng cử viên đưa ra, chứ không phải là ý định muốn gây sốc của họ, đây không phải là điều cần cân nhắc khi chọn lựa một tổng thống”.

Nhà báo Nga Mikhail Zygar nói ông Trump không phải là loại người mà ông Putin có thể điều khiển:

“Ông Putin có thể hy vọng là sẽ có thể chia thế giới ra thành những vùng ảnh hưởng khác nhau với ông Donald Trump. Tôi thực sự không cho rằng ông Donald Trump là một người có thể nghe theo đề xuất đó.”

Nhưng Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ và chiến dịch vận động của bà Clinton tuần này cáo buộc Moscow đã thâm nhập các máy chủ của ủy ban này để lấy các email đề nghị các giới chức trong đảng ủng hộ bà Clinton thay vì đối thủ trong nội bộ đảng là ông Bernie Sanders. Chính phủ Mỹ đặt nặng tầm quan trọng của những cáo buộc đó, và giới truyền thông cũng đang xem xét các mối quan hệ kinh doanh của ông Trump với Nga.

Hôm thứ Năm, ông Trump nói ông chỉ châm chọc khi kêu gọi Nga tìm email của bà Hillary Clinton. Ông Trump cũng rút lại những lời phát biểu của ông ca tụng ông Putin. - VOA
|
|

5.
Hai cảnh sát bị bắn ở San Diego --- LHQ: Phân biệt chủng tộc cản trở Mỹ thực hiện tiềm năng và lý tưởng

Một cảnh sát thiệt mạng và một cảnh sát khác bị thương nặng trong một vụ nổ súng vào sáng sớm thứ Sáu tại thành phố San Diego của Mỹ, theo lời cảnh sát trưởng của thành phố này.

Tin cho hay vụ nổ súng xảy ra trong một khu phố ngay sau khi hai cảnh sát này chặn một chiếc xe lại để kiểm tra. Những cảnh sát ở gần đó đến hiện trường và thấy cả hai cảnh sát này đã bị bắn, một người bị bắn nhiều phát vào ngực.

Tin tức của truyền thông địa phương cho hay những cảnh sát đồng nghiệp đã đưa cảnh sát này vào trong xe và đưa ông ta tới bệnh viện trong khi thực hiện những thao tác cứu sinh.

Cảnh sát trưởng Shelley Zimmerman nói với truyền thông địa phương: "Tôi đau buồn loan báo là họ đã không thể cứu được tính mạng của ông ấy."

Cảnh sát trên khắp nước Mỹ đang trong tình trạng cảnh giác sau vụ sát hại một số cảnh sát ở hai thành phố Dallas và Baton Rouge trong những tuần gần đây.

Trong vụ việc ở San Diego, bà Zimmerman nói rằng nghi can, một người đàn ông gốc Mỹ Latin, đang bị câu lưu. Người này đang được điều trị vết thương do bị bắn tại một bệnh viện địa phương.

Bà Zimmerman cho biết trên Twitter của mình rằng viên cảnh sát bị thương đã được phẫu thuật và sẽ sống sót.

Một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ nổ súng đang được tiến hành. - VOA

***
Một chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhận xét rằng phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng kinh tế và xã hội đã khiến Hoa Kỳ không thực hiện được những lý tưởng của mình, trong đó có quyền tự do hội họp và lập hội.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Maina Kiai hôm thứ Năm tường trình về chuyến thăm 17 ngày của ông quanh nước Mỹ, với các chặng dừng chân ở các thành phố lớn như Baltimore, Washington, New York và Philadelphia.

Ông Kiai nói: “Người dân có lý do chính đáng để tức giận và bất mãn tại thời điểm này.”

Ông nói mặc dù nhiệm vụ đi tìm hiểu sự thật của ông không dự trù bao gồm những vấn đề về chủng tộc, nhưng chuyến công tác quanh nước Mỹ của ông không thể nào hoàn thành mà không nhắc tới vấn đề phân biệt chủng tộc, bởi vì đây là vấn đề nổi lên trong các cuộc thảo luận.

Ông Kiai nói rằng hiểu biết về phân biệt chủng tộc có nghĩa là phải nhìn lại lịch sử 400 năm của Mỹ, trong đó có chế độ nô lệ và luật phân biệt chủng tộc đã gạt người Mỹ gốc Phi sang bên lề, khiến hàng triệu người phải chịu đựng “đau khổ, nghèo đói và hành hạ ngược đãi.”

Ông Kiai nhận xét rằng mặc dù chế độ nô lệ đã bị khai tử rất lâu rồi, và phân biệt chủng tộc là bất hợp pháp, phân biệt đối xử ở Mỹ ngày nay được che giấu trong những ngôn từ khác, chẳng hạn như “cuộc chiến chống ma túy” và chính sách phạt nặng sau lần phạm tội thứ ba, kể cả có những án phạt tù dài hạn đối với những tội nhẹ.

Ông nói các chính sách như vậy đã khiến cho nhiều người Mỹ gốc châu Phi rất khó xin được việc làm và tìm được nhà ở tử tế.

Ông Kiai nói “sự tức giận rõ rệt và có lý do của cộng đồng người da đen về những sự bất công đó” đã dẫn đến phong trào Black Lives Matter – nghĩa là Mạng sống Người da đen là quan trọng – nổi mạnh lên sau hàng loạt vụ cảnh sát bắn chết các thanh niên da đen.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cũng lên án tình trạng của người lao động di cư tại Mỹ. Ông nói họ bị bóc lột và không dám hành động để cải thiện điều kiện làm việc vì sợ bị trả thù. 

Nhưng ông Kiai nói Hoa Kỳ là quốc gia có truyền thống “tranh đấu và quật cường” và xã hội dân sự tại Mỹ là một trong những lực mạnh nhất của nước này. 

Chính phủ của Tổng thống Obama chưa đưa ra bình luận nào về phúc trình của ông Kiai. Phúc trình này sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm tới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Vụ Formosa: 'Truy trách nhiệm cá nhân, xử cả những người không còn đương chức' [LMN: Sau vụ Hậu Giang, BT Vũ Huy Hoàng, Núi Pháo, đây là tín hiệu ông Trọng muốn truy ông Ba Dũng với 70 năm cho thuê đất]

(PLO)- Sáng nay 29-7, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng cuối năm của Quốc hội, rất nhiều đại biểu đã đặc biệt quan tâm đến báo cáo của Chính phủ về tình hình Formosa. 
Phải công khai minh bạch được đền bù hay được hỗ trợ

ĐBQH Trần Công Thuật (Quảng Bình) phát biểu, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh gây ra đã ảnh hưởng lớn đến người dân, đến an ninh trật tự xã hội, đến lòng tin của người dân. 

“Nhân dân và cử tri Quảng Bình cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần; hoan nghênh Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và thủ phạm của sự cố môi trường biển”. 

Tuy nhiên, ĐB Trần Công Thuật cũng gửi đến QH nhiều tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Quảng Bình.

Một là, ảnh hưởng đối với môi trường biển của tỉnh Quảng Bình là rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của địa phương cả về kinh tế, xã hội, an ninh xã hội và giảm lòng tin của nhân dân. Ít nhất trong bốn tháng qua, kinh tế Quảng Bình điêu đứng. Người dân Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ và lên án hành động hủy hoại môi trường biển của Formosa. 

Hai là, nhân dân và cử tri Quảng Bình đề nghị: Sớm thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ với người dân trong vùng bị thiệt hại và khu vực liên quan. Hiện nay một số chính sách này chưa đến được với địa phương và người dân; nhanh chóng giải quyết khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân yên tâm.

Quảng Bình cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương và Chính phủ vì những tác động của sự cố đối với tỉnh là toàn diện, nghiêm trọng, khó khắc phục và ảnh hưởng lâu dài. 

Phải công khai minh bạch cái gì của dân được đền bù, cái gì là được hưởng từ hỗ trợ Nhà nước, Chính phủ; cái gì là Nhà nước đầu tư để giải quyết sự cố vừa qua. 

“Bà con cử tri cũng rất quan tâm đến việc quản lý Nhà nước đối với việc xử lý trách nhiệm đã để xảy ra sự cố môi trường biển… Trong lúc dư luận và người dân cho là sự cố nghiêm trọng và rất lo lắng, thì một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan chức năng lại phát biểu, trả lời thiếu cơ sở khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác và thiếu thuyết phục, khiến cho tình trạng phức tạp hơn, làm cho người dân lo lắng và bức xúc hơn” - ĐB Trần Công Thuật nhấn mạnh.

Đề nghị hỗ trợ thỏa đáng và công bằng

Đại biểu QH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đồng quan điểm. Ông phát biểu:

Sáu tháng qua, với sự cố môi trường chưa từng có, là ĐBQH của một trong bốn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề chúng tôi rất đồng cảm với bất bình, bức xúc với cử tri cả nước. 

Sự việc này đã được phản ánh qua báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN, báo cáo của CP. Sự cố đã ảnh hưởng trực tiếp lên đến hàng trăm ngàn người và thiệt hại về hải sản cũng lên đến hàng ngàn tấn, đặc biệt là hệ sinh thái, những rạn san hô bị ảnh hưởng vô cùng lớn. Việc khắc phục phải mất nhiều năm, hiện nay đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sản phẩm đánh bắt ven bờ và xa bờ khó tiêu thụ. Trong khi các tàu cá gần như nằm tê liệt hoàn toàn, các hộ thu mua và các hộ kinh doanh thủy hải sản cũng như các hoạt động hậu cần nghề cá không làm gì được. Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải mưu sinh nghề khác kiếm sống. Không chỉ ngư dân mà hoạt động của các các nhà hàng, khách sạn, các công ty lữ hành cũng hoàn toàn bị ngưng trệ. Lượng khách du lịch đến Quảng trị giảm không còn bằng 1/10 so với cùng kỳ. 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại để hỗ trợ thỏa đáng và công bằng.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành trung ương giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để không xảy ra tình trạng tương tự. Đồng thời có biện pháp khắc phục hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố trả lại môi trường biển và ngư trường cho ngư dân đánh bắt. Ngoài trách nhiệm của Formosa thì ngân sách nhà nước cũng cần phải dành cho công việc này thỏa đáng và kịp thời.

“Tôi nhất trí với ý kiến đóng góp của đại biểu Quảng Bình. Chính phủ đang giải quyết hậu quả, QH cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chúng tôi đề nghị việc quan trọng QH cần làm là không chỉ tìm ra câu trả lời minh bạch về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Formosa mà còn phải nhanh chóng rà soát các văn bản pháp luật và có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân kể cả những người không còn đương chức" - đại biểu Hà Sỹ Đồng kết. - phapluat

Tin Cập Nhật Thứ Hai 25/7

Tin Thế Giới

1.
ASEAN tránh nêu phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực --- Biển Đông: Thắng lợi của Bắc Kinh tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN --- TQ khẳng định ý muốn quan hệ tốt với Mỹ

Biển Đông được đề cập đến trong bản tuyên bố chung kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức tại Vientiane, Lào ngày 24/07/2016. Các bên tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc và im lặng về phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, bất lợi cho Bắc Kinh về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.

Cuộc họp bộ trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á kết thúc ngày 24/07/2016 nhưng bản tuyên bố chung chỉ được công bố  vào trưa nay 25/07/2016. Giới quan sát coi đây là một dấu hiệu cho thấy ASEAN đã chật vật mới tìm được đồng thuận trên hồ sơ nhạy cảm này.

Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN gồm 31 trang, Biển Đông được đề cập đến ở trang 29. Giới phân tích đưa ra những nhận định như sau : Thứ nhất là ASEAN tránh đề cập đến phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với hơn 80 % diện tích Biển Đông.

Thứ hai là ASEAN chỉ lập lại quan điểm cố hữu về tranh chấp trong vùng biển này, như là « rất quan ngại » trước những « đòi hỏi chủ quyền và các hoạt động ngày càng gia tăng » trong khu vực đang có tranh chấp. Do vậy, để bảo đảm an ninh trong vùng, ASEAN kêu gọi các bên « kềm chế ».

Nhận định thứ ba được các nhà quan sát nêu liên quan đến vai trò của Cam Bốt : là một đồng minh trung thành với Bắc Kinh, Phnôm Pênh đã nỗ lực ngăn cản ASEAN đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông, tránh để các đối tác Đông Nam Á khác đòi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, tới nay ASEAN vẫn đưa ra mọi quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận và toàn khối đã vấp phải sự chống đối từ phía Cam Bốt. Tháng trước, chính thủ tướng Hun Sen đã chỉ trích ASEAN phản đối bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc và Phnom Penh chủ trương các tranh chấp cần được giải quyết « giữa các bên liên quan », tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Một nhà ngoại giao của ASEAN tại Vientiane không ngần ngại coi hội nghị cấp ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á lần này đã « tránh được một thất bại ê chề » thứ nhì, sau Hội nghị ASEAN năm 2012 tổ chức tại Phnom Penh. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, các bên đã không ra được một bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị vì bị chia rẽ trên vấn đề Biển Đông.

Về phía Bắc Kinh, trong khuôn khổ cuộc tiếp xúc song phương với đồng nhiệm Cam Bốt, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chính thức có lời cảm ơn « những nỗ lực » của Cam Bốt nhằm « bảo đảm công lý trên hồ sơ Biển Đông ». Đồng thời Trung Quốc nhắc lại sẽ không bao giờ « cho phép một lực lượng từ bên ngoài gây xáo trộn trong khu vực bằng cách quảng bá cho cái gọi Tòa án Trọng tài ». - RFI

***
Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN tại hội nghị Vientiane đã không đưa ra lập trường cứng rắn về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Khối Đông Nam Á trong bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị tỏ ra hài lòng trước một số tiến bộ trong quan hệ giữa ASEAN với đối tác thương mại quan trọng nhất của khối là Trung Quốc. ASEAN tránh nêu phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông, bất lợi cho Bắc Kinh.

Bình luận về tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông sau cuộc họp cấp ngoại trưởng vừa kết thúc tại Vientiane, Lào hôm 24/07/2016 các nhà quan sát coi đây là một thất bại của ASEAN trước ông khổng lồ Trung Quốc trên hồ sơ nhậy cảm này.

Đành rằng Biển Đông đã được nhắc đến trong bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị, và các bên kêu gọi « kềm chế », tránh « quân sự hóa » khu vực làm phương hại đến quyền « tự do lưu thông hàng hải » nhưng, Cam Bốt đã tránh được búa rìu cho Bắc Kinh, khi đã ráo riết vận động để ASEAN không nhắc đến phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa án Trọng tài La Haye.

Về phần Manila, theo như đánh giá của một nhà ngoại giao được hãng tin Mỹ Bloomberg ghi nhận, Philippines đã chấp nhận lập trường chung được đưa ra tại Vientiane, tránh để rạn nứt trong nội bộ ASEAN. Trả lời hãng tin Bloomberg ngày 25/07/2016 một chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á Ian Storey, Viện nghiên cứu ISEAS của Singapore không ngạc nhiên về thái độ rụt rè của ASEAN.

Sau khi Tòa trọng tài bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với gần hết Biển Đông, và bản đồ đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền lãnh hải của Philippines, Manila mong đợi Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại Vientiane- Lào, bày tỏ lập trường ủng hộ những nỗ lực ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Một số thành viên khác, như là Việt Nam cũng đã coi cuộc họp vừa qua là « một bài toán trắc nghiệm » về sự đoàn kết của của ASEAN. Về phần mình, bộ Ngoại Giao Indonesia trong thông cáo trên mạng, quan niệm thể hiện đoàn kết chặt chẽ trong nội bộ ASEAN là điều hết sức cần thiết để thực hiện những mục tiêu chung của cả khối, và đây sẽ là đòn bẩy cho khu vực.

Cũng Bloomberg nhắc lại, mới chỉ tháng 6/2016 tuyên bố chung có nội dung cứng rắn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông được Malaysia đưa ra trong khuôn khổ hội nghị ngoại trưởng ASEAN- Trung Quốc tổ chức tại Vân Nam đã bị thu hồi vì có sức ép của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman đã vắng mặt tại cuộc họp ở Vientiane lần nay vì lý do cá nhân.

Cam Bốt và kể cả nước chủ nhà là Lào, trong quá khứ từng bị chỉ trích đã gây trở ngại cho việc đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung kết thúc hội nghị ASEAN. Đặc biệt là Phnôm Pênh luôn mạnh mẽ ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương. Không phải tình cờ mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đích thân cảm ơn Cam Bốt « có thái độ đúng đắn, trung thực » để bảo đảm ổn định trong khu vực.

Mọi chỉ trích lập tức nhắm và chính quyền Phnôm Pênh. Tờ báo Nhật The Diplomat trích dẫn lời hai nhà ngoại giao đang có mặt tại thủ đô Lào cho rằng, Cam Bốt đã bắt bí ASEAN, để cả khối phải nhượng bộ Trung Quốc.

Về phần mình, một chuyên gia uy tín Tang Siew Mun thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore ISEAS mạnh mẽ chỉ trích thái độ của Cam Bốt khi cho rằng chẳng việc vận động đề ngăn cản đưa tranh chấp Biển Đông vào bản tuyên bố chung làm rạn nứt đoàn kết của ASEAN. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ Phnôm Pênh không nhìn thấy tầm mức nghiêm trọng của vấn đề và cũng không có ý thức về mặt chiến lược của quyết định này.

Thái độ thuần phục Trung Quốc của Cam Bốt đe dọa đến tương lai của Hiệp hội ASEAN và qua đó là cả một mảng quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á với nước láng giềng to lớn sát cạnh là Trung Quốc, từ các vế kinh tế đến thương mại, chiến lược.

Theo chuyên gia họ Tang, Cam Bốt cần hiểu rằng, Phnôm Pênh là một thành viên của ASEAN và phải xác định vị trí của mình là đứng ở bên trong hay bên ngoài Hiệp hội này. Nếu đã là thành viên thì Cam Bốt phải tỏ thái độ liên đới với các nước còn lại của ASEAN, tránh gây thêm đổ vỡ trong cùng một gia đình. Điều nguy hiểm thứ hai, là Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng đó không chỉ dừng lại ở Cam Bốt.

Cuối cùng, theo các nhà phân tích bài học từ sau thất bại lần này tại Vientiane, có lẽ là đã đến lúc ASEAN cần nhanh chóng thay đổi luật chơi trong nội bộ, tránh để một quốc gia có thể dùng quyền phủ quyết, bắt chẹt cả khối Đông Nam Á phải nghe theo. Vấn đề đặt ra là liệu quốc gia nào trong số 10 thành viên ASEAN có đủ nghị lực để áp đặt những quy tắc mới? - RFI

***
Theo AFP, trong buổi tiếp cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ Susan Rice, hôm nay 25/07/2016, tại Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết mong muốn xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi với Mỹ và không nên để các vấn đề nhạy cảm làm tổn hại đến quan hệ quân sự giữa hai nước.

Quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ đang có mặt tại Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến đi của tổng thống Mỹ Barack Obama tới dự thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang có những dấu hiệu gia tăng căng thẳng bởi các sự kiện liên quan đến Biển Đông. Tòa án Trọng tài Thường trực vừa ra phán quyết phủ nhận hầu hết các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Những tháng gần đây, Washington, nhân danh quyền tự do hàng hải, đã đưa tàu chiến đến gần các khu vực bãi đá có tranh chấp mà Trung Quốc chiếm giữ và cho cải tạo thành đảo . Hành động này đã khiến Bắc Kinh rất tức tối.

Hôm nay trong cuộc tiếp bà Susan Rice, chủ tịch Tập cận Bình khẳng định Trung Quốc « cam kết chắc chắn » muốn xây dựng quan hệ tốt với Hoa Kỳ trên cơ sở « không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi ». Đáp lại bà cố vấn An Ninh Quốc Gia khẳng định Hoa Kỳ nhìn nhận các mối quan hệ với Trung Quốc là « quan trọng nhất trong thế giới ngày nay » và đó là mối quan hệ ngày càng phụ thuộc vào nhau.

Trong một cuộc gặp trước đó với bà Rice, tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương đã cảnh báo quan hệ quân sự giữa hai cường quốc có thể bị tổn hại vì những vấn đề nhạy cảm không được xử lý đúng đắn. - RFI
|
|

2.
Trung Quốc tịch thu tài sản của Tướng Quách Bá Hùng

Một tòa án binh của Trung Quốc đã kết án tù chung thân đối với ông Quách Bá Hùng, một cựu quan chức cấp cao của quân đội nước này vì tội tham nhũng.

Tân Hoa Xã hôm nay, 25/7, đưa tin, ông Quách đã bị tước bỏ quân hàm, và bị nhà nước tịch thu tất cả tài sản.

Hiện có ít thông tin chi tiết về vụ việc, nhưng truyền thông Trung Quốc dẫn lời cơ quan công tố cho biết có bằng chứng cho thấy ông Quách và gia đình đã lợi dụng chức vụ của ông để nhận hối lộ.

Tờ South China Morning Post của Hong Kong còn dẫn lời các nguồn tin quân sự giấu tên nói rằng ông Quách đã nhận các khoản hối lộ lên tới hơn 12 triệu đôla.

Ông Hùng được coi là quan chức quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc bị đưa xét xử trong nhiều thập kỷ.

Ông Hùng, 74 tuổi, từng giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.

Trước đây, ông còn là một trong 25 thành viên của Bộ Chính trị, cơ quan đưa ra chính sách quan trọng nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ông là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Trung Quốc “ngã ngựa” trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.

Ngay từ năm ngoái, sau khi con trai ông bị truy tố về tội tham nhũng, dư luận đã đồn đoán rằng ông Quách sẽ bị truy tố. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Đại hội Đảng Dân chủ khai mạc giữa những tranh cãi về việc tiết lộ các email của đảng

Ngày hôm nay đại hội đảng Dân chủ đã khai mạc dự trù sẽ xác nhận cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng nhưng đại hội cũng đang sôi sục về những tranh cãi đối với những email được tiết lộ cho thấy các nhà lãnh đạo đảng đã tìm cách làm cho con đường được đảng đề cử của bà dễ dàng hơn bằng cách chế diễu đối thủ của bà là Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders.

Bà Debbie Wasserman Schultz, chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Ðảng Dân chủ, ngày hôm qua bị buộc rời khỏi chức vụ sau khi Wikileaks tiết lộ gần 20.000 email. Ngày hôm nay bà bị các người ủng hộ ông Sanders chế nhạo khi bà nói chuyện với một nhóm đại biểu thuộc tiểu bang Florida nơi bà là một dân biểu, nhưng bà không đề cập đến vấn đề email.

Bà Wasserman Schultz cho biết bà vui lòng chấp nhận đề nghị của bà Clinton là người đại diện trong cuộc vận động tranh cử, sau khi rời khỏi chức vụ chủ tịch đại hội đảng vào lúc kết thúc 4 ngày đại hội. Bà dự trù sẽ gõ búa trong phiên họp khai mạc đại hội, nhưng sau đó bà không được làm như dự trù.

Ông Sanders, một nhà xã hội dân chủ đã vận động tranh cử kịch liệt chống lại bà Clinton trước khi bà được đề cử, nói ông phẫn nộ về vụ tiết lộ email kỳ thị ông, nhưng ông nói việc này chứng minh cho những tuyên bố của ông là các giới chức trong đảng thiên về bà Clinton trong nỗ lực của bà để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Ông Sanders gặp gỡ các người ủng hộ tại đại hội đảng được tổ chức tại thành phố Philadelphia thuộc miền đông Hoa Kỳ, nhưng bị la ó khi ông kêu gọi bầu cho bà Clinton thay vì bầu cho đối thủ của bà là ông trùm bất động sản Donald Trump.

Ông Sanders nói “Ông Trump là một kẻ hay bắt nạt và là một người mị dân. Chúng ta phải đánh bại Donald Trump.”

Ông Sanders sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng về bà Clinton vào ngày hôm nay. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và một đảng viên dân chủ cấp tiến và được nhiều người ưa chuộng, Thượng nghị sĩ Tiểu bang Massachusetts Elizabeth Warren cũng sẽ lên tiếng ủng hộ bà Clinton.

Ngày hôm nay FBI cho biết đang điều tra về việc “xâm nhập trên mạng” tại trụ sở đảng Dân chủ đưa đến kết quả là những tiết lộ của Wikileaks.

Các giới chức Dân chủ nói “tin tặc của nhà nước Nga” đã xâm nhập vào các máy vi tính chính thức của họ và lấy cắp các tài liệu. Một số chuyên gia về máy vi tính Mỹ nói chuyện này có thể xảy ra nhưng ông Trump đã chế diễu nhận định này.

Trong một Twitter, ông Trump viết “Chuyện khôi hài mới là Nga đã tiết lộ email gây tai họa của Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ. Việc này lẽ ra không nên được viết ra, chỉ vì Tổng thống Nga Vladimir Putin thích tôi.”

Hai cuộc thăm dò mới ngày hôm nay cho thấy ông Trump, có một thời hướng dẫn chương trình truyền hình thực tế, đang mưu tìm một chức vụ được dân bầu đầu tiên, dẫn trước bà Clinton vài ngày sau đại hội của đảng Cộng hòa.

Các diễn giả tại đại hội đảng Cộng hòa bêu riếu những thành tích của bà Clinton trong 4 ngày đại hội và các đại biểu liên tục la lên “nhốt bà lại” ám chỉ cách thức bà xử lý những tài liệu bí mật trong một máy chủ lưu trữ các email tư khi bà là Ngoại trưởng Mỹ trong thời gian từ 2009 đến 2013. FBI mới đây kết luận là bà đã “hết sức không thận trọng” trong việc xử lý các tài liệu an ninh quốc gia, nhưng đã không truy tố hình sự.

Thông thường các ứng cử viên tổng thống được công chúng ủng hộ thêm sau những đại hội đề cử và ông Trump đã tăng thêm 10 điểm trong một cuộc thăm dò của CNN/ORC.

Các cuộc thăm dò của các hãng tin cho thấy ông Trump dẫn trước bà Clinton 48% - 45% so với cuộc thăm dò trước đây cho thấy bà Clinton dẫn trước 49% so với 42% của ông Trump.

Một cuộc thăm dò của CBS cho thấy ông Trump được 44% so với 43% của bà Clinton.

Hơn 5.000 đại biểu trong số 50.000 người dự trù sẽ đến đại hội Philadelphia, trong đó có những người ủng hộ ông Sanders tiếp tục biểu tình phản đối việc bà Clinton được đề cử. - VOA
|
|

4.
Nổ súng ở Florida, 2 người chết, nhiều người bị thương

Ít nhất một người bị bắt giữ sau khi xảy ra vụ nổ súng tại một hộp đêm ở Florida, tiểu bang nằm ở đông nam Hoa Kỳ, làm hai người chết. 

Các quan chức cho biết thêm rằng ít nhất 14 người bị thương, nhiều nạn nhân bị nặng, trong vụ việc xảy ra sớm hôm nay, 25/7, bên ngoài Club Blu ở Fort Myers thuộc vùng duyên hải dọc theo Vịnh Mexico. 

Cảnh sát ra thông cáo cho biết đang tập trung “tìm kiếm các nghi can khác có thể dính líu tới vụ tấn công”. 

Florida là tiểu bang nơi tháng trước xảy ra một vụ xả súng hàng loạt tại một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando, làm 49 người chết. 

Vụ việc đã khiến kiểm soát súng ống trở thành một vấn đề hàng đầu trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016. 

Một cuộc thăm dò công luận cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ muốn thắt chặt hơn luật về súng ống, nhưng bày tỏ bi quan rằng các nhà lập pháp sẽ không hành động ngay để mang lại các thay đổi. 

Một cuộc thăm dò của hãng tin AP và GfK thực hiện cho thấy người Hoa Kỳ không cảm thấy an toàn, và tỏ ra lo ngại rằng bản thân họ hoặc người thân sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực súng ống. - VOA
|
|

5.
Hãng di động Verizon mua lại Yahoo

Hãng internet Yahoo được một hãng khổng lồ cũng của Mỹ là Verizon Communications mua lại với giá gần 5 tỷ đôla bằng tiền mặt.

Yahoo sẽ được kết hợp với AOL, một ngôi sao internet vang bóng một thời mà Verizon mua lại hồi năm ngoái.

Thỏa thuận mới không bao gồm cổ phần đáng giá của Yahoo tại hãng Alibaba của Trung Quốc.

Giá cả của thương vụ mới thấp hơn nhiều so với mức 44 tỷ đôla mà Microsoft chào mời Yahoo hồi 2008, và càng thấp nếu so với giá trị của hãng thời bùng nổ các công ty công nghệ thông tin, được cho là ở mức 125 tỷ đôla.

Verizon nói thỏa thuận nhằm mua dịch vụ internet chủ chốt của Yahoo, với hơn một tỷ người dùng hoạt động thường xuyên mỗi tháng, sẽ đưa hãng trở thành một công ty truyền thông di động toàn cầu.

Marissa Mayer, giám đốc điều hành của Yahoo, nói: "Yahoo là một công ty đã làm thay đổi thế giới, và sẽ tiếp tục làm vậy thông qua việc kết hợp với Verizon và AOL."

Trong một email gửi nhân viên, bà Mayer nói bà "có kế hoạch ở lại", và nói thêm: "Tôi yêu Yahoo, và tôi tin tưởng vào tất cả các bạn. Với tôi, điều quan trọng là được chứng kiến Yahoo bước vào một chương mới."

Thương hiệu

Giám đốc điều hành của AOL, Tim Armstrong, nói thỏa thuận là nhằm "mở ra tối đa tiềm năng của Yahoo", và tạo nên một công ty lớn trong lĩnh vực truyền thông di động.

Sau khi kết hợp, các hãng sẽ có hơn 25 thương hiệu, trong đó có Yahoo Mail, Flickr và Tumblr, cùng các trang tin Huffington Post và Techcrunch của AOL.

Thỏa thuận được trông đợi là sẽ hoàn tất vào đầu 2017.

Bà Mayer, người bắt đầu lãnh đạo Yahoo từ 2012, đã không đạt mấy thành quả trong việc đem lại lợi nhuận cho công ty.

Hồi tuần trước, hãng báo cáo thua lỗ 440 triệu đôla trong quý hai, nhưng nói hội đồng quản trị đã có "tiến bộ to lớn trong việc đưa ra các thay đổi chiến lược". - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Chủ tịch nước VN tuyên thệ nhậm chức lần 2, hứa ‘bảo vệ lãnh thổ’

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang vừa tuyên thệ nhậm chức lần 2 vào chiều hôm nay (25/7) với kết quả bỏ phiếu tán thành trên 98% (485/494) số phiếu đại biểu Quốc hội với đa số là đảng viên đảng Cộng sản. 

Ông Trần Đại Quang đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước lần thứ nhất vào tháng 4 vừa qua, trong một diễn biến mà nhiều người cho là bất ngờ, không theo lịch trình nhằm thay thế “bộ tứ” của chính quyền Việt Nam trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam hồi tháng 5.

Phát biểu trong lễ nhậm chức lần 2 được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hứa sẽ “nỗ lực làm hết sức mình” phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân và bảo vệ lãnh thổ.

Ông nói: “Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước”.

Ông Trần Đại Quang tốt nghiệp trường Cảnh sát Nhân dân và đã trải qua nhiều chức vụ về an ninh. Trước khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh… Ông Quang được thăng hàm từ trung tướng lên thượng tướng sau khi nhận chức Bộ trưởng Công an. Sau đó 1 năm, ông Quang được thăng hàm đại tướng. - VOA
|
|

7.
Liệu tân QH VN có khả năng đi tới cùng vụ Formosa?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “sẽ giám sát chặt chẽ vụ Formosa” trong kỳ họp đầu tiên của tân Quốc hội khóa 14 của Việt Nam, trong khi người đứng đầu chịu trách nhiệm cấp phép đầu tư cho dự án Formosa lại vừa được phê chuẩn vào Ban Kinh tế Quốc hội.

Việc chính thức phê chuẩn người đang bị dư luận và báo chí tập trung chú ý trong những ngày qua sau khi chính quyền Việt Nam thừa nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay đã gây nhiều băn khoăn trong công chúng, kể cả giới chuyên gia và các nhà hoạt động.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Trung ương, nói với VOA rằng dự án Formosa mà ông Võ Kim Cự đã cấp phép có “quá nhiều vấn đề” nhưng ông này lại “có chủ ý” tránh né báo chí và phủ nhận trách nhiệm.

Ông nói: “Ông Võ Kim Cự đã phủ nhận trách nhiệm của mình, nói là việc ông làm, ông quyết định, kể cả quyết định vượt khung luật 70 năm là đúng quy trình. Về mặt hình thức, có thể ông Võ Kim Cự tự biện minh cho mình như vậy. Song về thực chất, hiện nay dự án thép Formosa đang đề ra rất nhiều vấn đề”.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, vấn đề của dự án Formosa không chỉ dừng lại ở khía cạnh môi trường, việc đánh giá nhu cầu và công nghệ của Formosa cũng là điều đáng phải quan tâm.

Ông cho biết: “Công nghệ thép trên thế giới thay đổi khá nhanh. Thép của Formosa có cạnh tranh được với lượng thép khổng lồ của Trung Quốc với tổng công suất lên tới 1.200 triệu tấn/năm, đó là một vấn đề rất đáng tranh cãi. Bởi vì khi cho phép Formosa đầu tư vào Việt Nam mà không tính tới việc Formosa sẽ tiêu thụ ở đâu và cạnh tranh như thế nào với thép Trung Quốc, vả lại dự án đó kéo dài đến 70 năm, trong 70 năm đó, tiến bộ khoa học công nghệ liệu có cho phép Formosa tiếp tục cạnh tranh nếu như không thay đổi công nghệ hay không?”

Dự án Formosa thuộc khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, do chủ đầu tư là tập đoàn nhựa Formosa của Đài Loan đầu tư từ năm 2008 với tổng đầu tư gần 10 tỷ đôla. Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương trên tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm đất liền và mặt nước, với thời hạn cho thuê đất là 70 năm, đã khiến cho nhiều cư dân khu vực gặp nhiều khó khăn trong việc di dời, chuyển đổi công việc. Mặc dù chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả “hệ thống chính trị” để dọn chỗ cho dự án Formosa, nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn nhất quyết “bám đất”, bất chấp việc liên tục bị quấy nhiễu và con cái bị thất học.

Dự án Formosa gần đây bị người dân cực lực phản đối sau khi gây ra thảm họa cá chết khiến hầu hết người dân khu vực vốn sống dựa vào biển rơi vào tình cảnh mất nguồn sinh kế. Người dân khu vực và ở các tỉnh lớn đã liên tục biểu tình, đòi chính quyền phải dừng dự án Formosa tại Việt Nam. 

Một video clip đăng tải trên Facebook cho thấy một linh mục ở đây đã cùng với người dân đề đạt ý kiến, nguyện vọng của họ:

“Chúng ta nói lên nguyện vọng của chúng ta là phải đóng cửa Formosa. Giờ đây, chúng ta cùng đồng thanh gửi đến chính quyền, các cấp lãnh đạo của Việt Nam này nguyện vọng tha thiết của chúng ta: Formosa – Cút! Formosa – Cút! Formosa – Cút!”

Người chịu trách nhiệm việc cấp phép đầu tư cho Formosa ở Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, sau nhiều ngày từ chối trả lời phỏng vấn báo chí, gần đây đã xuất hiện và nói rằng việc ông cấp phép 70 năm cho dự án Formosa là “đúng luật”. Còn việc để xảy ra sự cố xả thải gây ô nhiễm biển, khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung là từ phía Formosa. Ông này cũng nói với báo giới Viện Nam rằng “nếu không có sự cố, Formosa tạo ra nguồn thu lớn”. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói chính thái độ dửng dưng, vô cảm, vô trách nhiệm của ông Võ Kim Cự đối với những thiệt hại về kinh tế, đời sống xã hội của những người đồng hương, cũng là những nạn nhân của dự án mà ông đã cấp phép, cũng là một vấn đề cần quan tâm về tư cách của giới chức này, đặc biệt khi ông này tiếp tục giữ chức và còn kiêm thêm những nhiệm vụ mới như thành viên của Ban Kinh tế Quốc hội:

“Điều đó chứng tỏ sự đánh giá của giới lãnh đạo với dư luận, áp lực quần chúng, là khá xa. Kết quả là những ý kiến hoặc sự điều hành của ông Võ Kim Cự ở liên minh hợp tác xã mà ông ấy lại được bầu lại làm chủ tịch chắc chắn sẽ gặp những thách thức đáng kể, và tôi rất lấy làm tiếc là lãnh đạo chưa có quyết định kịp thời về trường hợp này”.

Cũng trong kỳ họp quốc hội đầu tiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hứa sẽ “nỗ lực, quyết tâm điều tra sớm” và “giám sát chặt chẽ” vụ Formosa, một trong những vấn đề lớn “gây bức xúc” mà QH “chọn giám sát”, theo Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc.

Tuy nhiên, cam kết của vị nữ chủ tịch QH không làm tăng lòng tin của công chúng đối với khả năng “truy tới cùng” của cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của người dân.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người đã đấu tranh và theo dõi sát vụ việc Formosa, cho VOA biết nguyên nhân anh “mất lòng tin” vào QH Việt Nam:

“Thứ nhất, bản chất của QH Việt Nam chỉ là một cơ quan thể chế hóa những chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như Bộ Chính trị. Do đó nếu nói rằng QH có thể làm được việc gì thì khả năng đó rất thấp. Nguyên nhân thứ hai là gần đây khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất ý kiến là QH trong thẩm quyền của mình lập một ủy ban kiểm tra độc lập đối với vụ việc Formosa và truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan, thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân với vai trò là chủ tịch QH là chưa đến lúc đặt vấn đề thành lập ủy ban độc lập. Lý do thứ ba khiến tôi không tin vào khả năng của QH Việt Nam có thể làm tới cùng vụ việc này đó là việc ông Võ Kim Cự được bầu vào ban kinh tế của QH. Rõ ràng nếu QH thực tâm muốn giải quyết vụ này tới cùng, thì với những người có khả năng phải chịu trách nhiệm như ông Võ Kim Cự là phải tạm dừng các chức vụ của ông và tiến hành điều tra, thì nay lại được bầu vào những vị trí trước đó đã ấn định”.

Phát biểu trước báo giới sáng nay, ông Võ Kim Cự cho biết ông “chưa nghe ai nói đình chỉ tôi hay Formosa”. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chính thức cho biết chưa có chủ trương thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ việc của Formosa theo yêu cầu của đại biểu quốc hội. - VOA
|
|

8.
Một doanh nhân lớn gia nhập nhóm gần trăm ngàn người Việt di cư hàng năm

Theo các trang tin điện tử lớn ở Việt Nam, cựu Tổng giám đốc tập đoàn FPT Trương Đình Anh mới đây đã “cùng cả nhà sang Mỹ định cư và làm việc lâu dài”. Tin tức trên VietNamNet, CafeF và Trí Thức Trẻ trong các ngày 24 và 25/7 không cho biết thêm ông Anh sẽ làm gì ở Mỹ. VOA chưa liên lạc được với ông Anh để phỏng vấn.

Trong ngày 23/7, cả gia đình ông Anh gồm hai vợ chồng và 4 con trai đã bay sang Mỹ. 

Ông Trương Đình Anh là cháu của ông Trương Gia Bình, chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn tư nhân FPT với nhiều thế mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông. Năm 2015, FPT là tập đoàn lớn thứ 3 ở Việt Nam.

Đầu năm 2011, ông Anh trở thành tổng giám đốc của FPT. Vào tháng 9/2012, ông đã xin từ nhiệm với lý do “những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành với Hội đồng quản trị FPT không thể giải quyết”.

Ông Anh nổi danh ở Việt Nam từ năm 1997 khi trở thành người nổi bật nhất trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu của năm, đồng thời còn do ông đã tuyên bố: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”. Ông đã sớm trở thành tỷ phú tiền Việt nhưng giấc mơ làm thủ tướng chưa thành hiện thực. Năm nay ông Anh 46 tuổi.

Việc ông Anh đưa gia đình định cư ở Mỹ diễn ra chỉ ít ngày sau khi báo chí Việt Nam dẫn số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội cho thấy từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư.

Hầu hết những người này đi đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ, với hơn 1,3 triệu người.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với VOA rằng việc nhiều doanh nhân và người giàu Việt Nam rời đất nước đi làm ăn, sinh sống ở nước khác cho thấy có những vấn đề môi trường sống và kinh doanh. Mặt khác, theo ông, điều đó đồng thời cũng dẫn đến những mất mát đối với Việt Nam. Ông nói:

“Đang có cái nguy cơ là không chỉ có tiền vốn mà ngay cả các nhân tài kinh doanh của Việt Nam cũng đi ra ngoài lập nghiệp. Và từ đó, họ sẽ đổ tiền vốn vào đấy, họ tạo công ăn việc làm cho cái nước ấy, họ nộp thuế vào ngân sách cho những nước ấy, và ít đóng góp hơn cho Việt Nam”.

Nhiều nhà quan sát và báo chí Việt Nam nhìn vào sự ra đi của những người được coi là ưu tú của Việt Nam với nhiều lo ngại. Song Tiến sỹ Doanh cho rằng điều đó cũng có mặt tích cực:

“Theo tôi, đấy là một cái sức ép lành mạnh nhưng rất là mạnh mẽ đối với chính phủ Việt Nam phải cải cách cái hệ thống quản trị của Việt Nam, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giảm các cái chi phí về thời gian và tiền bạc để kinh doanh ở Việt Nam, bao gồm cả chi phí chính thức và lẫn các chi phí không chính thức hiện nay lên rất cao”.

Trong ấn bản "Sách dữ liệu về di cư và kiều hồi 2016" ở các quốc gia trên thế giới, Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013.

Ngoài Mỹ, trong 26 năm qua, người Việt đi định cư nhiều ở Pháp - 125,7 nghìn người, Đức - gần 113 nghìn người, Canada - 182,8 nghìn người, Australia - 227,3 nghìn người, và Nam Triều Tiên - 114 nghìn người. - VOA