Sunday, July 3, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 3/7

Tin Thế Giới

1.
Đánh bom tự sát làm ít nhất 82 người thiệt mạng ở Baghdad

Một vụ tấn công tự sát bằng xe bom tại một khu mua bán đông người ở Baghdad vào sáng sớm Chủ nhật làm ít nhất 82 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại thủ đô của Iraq trong năm nay.

Nhà nước Hồi giáo lên tiếng nhận đã thực hiện vụ nổ tại quận Karrada, và nói rằng mục tiêu là những người Hồi giáo Shia. Nhóm thánh chiến Hồi giáo này xem người Shia là người theo dị giáo.

Vụ nổ xảy ra trong lúc có nhiều người trong khu phố sau một ngày nhịn ăn. Trong lúc tháng chay Ramadan gần kết thúc, nhiều người Hồi giáo đi chợ trong khu vực này để chuẩn bị cho ngày lễ kết thúc tháng chay.

Ðức giáo hoàng Phanxicô dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân ở Iraq và nạn nhân của vụ tấn công hôm thứ Sáu ở thủ đô Dhaka của Bangladesh. Ðức giáo hoàng nói với mấy vạn tín đồ tại Quảng trường thánh Phê-rô rằng ngài cảm thấy “đang ở cùng với gia đình của các nạn nhân,” và kêu gọi các tín đồ ở đó “hợp lời cầu nguyện” cho các nạn nhân.

Thủ tướng Haider al-Abadi đã đến thăm hiện trường vài giờ sau vụ nổ bom.

Vụ tấn công xảy ra sau khoảng hơn một tuần khi các lực lượng Iraq đẩy lui các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thành phố Fallujah nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 50 kilômét về hướng tây.

Một vụ đánh bom đẫm máu khác xảy ra tại khu vực phía đông của Baghdad, giết chết ít nhất một người và làm nhiều người bị thương. Chưa có ai nhận đã thực hiện vụ tấn công này. - VOA
|
|

2.
Miến Điện: Phật tử biểu tình chống việc "công nhận" người Rohingya

Hôm nay, 03/07/2016, theo AFP, hàng nghìn tín đồ đạo Phật, trong đó có nhiều sư tăng, biểu tình tại một tỉnh miền tây Miến Điện phản đối một quyết định của chính phủ, công nhận người Rohingya, khi yêu cầu các công chức gọi họ là "cộng đồng Hồi Giáo" bang Rakhine.

"Bảo vệ bang Rakhine" là yêu sách của những người biểu tình. Trả lời phỏng vấn AFP, người tổ chức cuộc biểu tình tại Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine, khẳng định: "Chúng tôi bác bỏ cụm từ ‘‘cộng đồng Hồi Giáo’’ bang Rakhine". Lãnh đạo một nhóm thanh niên của bang này cho hay, Phật tử của thủ phủ Sittwe và 17 thị xã, thị trấn của bang này đã tham gia vào cuộc tuần hành. Quan điểm của những người biểu tình là không thể thừa nhận quyền của người theo đạo Hồi tại một quốc gia theo Phật Giáo, và người Rohingya phải được gọi là "Bengali", một từ để chỉ những người tị nạn từ Bangladesh.

Trong lĩnh vực nhân quyền, tân chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, cầm quyền từ tháng 4/2016, bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã im lặng trước việc cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi Rohingya bị truy bức. Quyết định công nhận cộng đồng Hồi Giáo tại bang Rakhine, chứ không phải là cộng đồng sắc tộc Rohingya, có thể coi là một nỗ lực tìm giải pháp trung dung của chính quyền Miến Điện, nhằm thoát khỏi tình trạng trên đe, dưới búa.

Cộng đồng Rohingya, với khoảng một triệu dân cư, đa số đang phải sống trong các tị nạn. Trong một báo cáo mới đây, Liên Hiệp Quốc lo ngại vì việc quyền của sắc dân này bị vi phạm trầm trọng, nhất là việc họ bị phủ nhận quyền có quốc tịch, bị cưỡng bức lao động, bạo hành tình dục, và cho rằng các hành động bạo lực nhắm vào người Rohingya có thể bị khép vào "tội ác chống nhân loại".

Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee, vừa kết thúc chuyến công du tại Miến Điện, yêu cầu chính quyền nước này "chấm dứt nạn kỳ thị được nhà nước bao che" chống lại người Rohingya, và điều này cần phải là "một ưu tiên khẩn cấp".

Bạo lực nhắm vào người Rohingya gia tăng gần đây. Chỉ trong hơn một tuần lễ, hai thánh đường Hồi Giáo của sắc dân này đã bị các Phật tử cực đoan đốt phá. Không khí hiện nay nhắc công chúng nhớ lại các bạo lực hồi mùa hè năm 2012, khi khoảng 200 người chết trong các xung đột giữa Phật tử cực đoan với người Rohingya. Khoảng 100.000 người Rohingya đã phải rời bỏ quê hương. - RFI
|
|

3.
Kết quả bầu cử ở Australia rất sít sao, chưa xác định được bên nào chiến thắng

Cử tri Australia có thể phải chờ thêm mấy ngày nữa mới biết được ai sẽ người lãnh đạo chính phủ kế tiếp vì kết quả bầu cử quá sít sao, chưa thể xác định được bên nào giành chiến thắng.

Ủy ban Bầu cử cho biết trong ngày Chủ nhật họ tập trung kiểm phiếu của một lượng lớn phiếu bầu gởi đến bằng bưu điện, phiếu bầu của cử tri vắng mặt và phiếu bầu sớm. Kết quả chung cuộc chính thức có thể vài ngày nữa mới có được. Việc kiểm phiếu sẽ tiếp tục vào thứ Ba.

Liên minh bảo thủ đương quyền và phe đối lập so kè sít sao với nhau tính đến số phiếu đã kiểm xong trong ngày thứ Bảy, và chưa bên nào giành được đủ ghế để thành lập chính phủ nắm đa số.

Thủ tướng Malcolm Turnbull sáng Chủ nhật nói rằng ông “hoàn toàn tự tin” là liên minh của ông đắc cử và ông sẽ có thể thành lập chính phủ liên minh.

Nhưng thủ lãnh đối lập Bill Shorten vào chiều tối thứ Bảy khi nói chuyện với những người ủng hộ cũng tỏ ra lạc quan khi đảng của ông đang dẫn trước số phiếu.

Các chính đảng cần phải giành được 76 ghế trong Quốc hội có tổng cộng 150 ghế mới thành lập được chính phủ liên minh.

Cho đến giờ, Đảng Lao động trung tả đối lập đang dẫn trước với khoảng 72 ghế, trong khi liên minh bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Turbull giành được 66 ghế -- tức đã mất đi mấy ghế. Các đảng phải nhỏ và ứng cử viên độc lập chiếm được 5 ghế, trong lúc kết quả kiểm phiếu cho 7 ghế khác chưa thể hiện rõ.

Nếu không có đảng nào giành được đa số ghế tại Quốc hội, cả Đảng Lao động lẫn liên minh cầm quyền sẽ buộc phải kết hợp với các nhà lập pháp độc lập để thành lập chính phủ thiểu số.

Do việc đi bỏ phiếu là bắt buộc tại Australia, rất nhiều cử tri đến phòng phiếu hôm thứ Bảy để bỏ phiếu cho cuộc bầu cử liên bang. Cuộc bầu cử lần này có sự tham gia của một số đảng nhỏ, trong đó có một ứng cử viên của đảng Xanh và những đảng độc lập.

Mặc dù biến đổi khí hậu, di dân và giáo dục là những đề tài then chốt trong các cuộc vận động tranh cử, kinh tế dường như là yếu tố quyết định của kết quả bầu cử.

Việc Anh quốc rút khỏi Liên hiệp Âu châu đã gây ra xao động tại Australia, và các thủ lãnh chính trị đặt vấn đề an ninh kinh tế làm trọng tâm của các cuộc vận động tranh cử. - VOA
|
|

4.
'Cử tri muốn nhiều hơn một Thủ tướng Brexit'

Ứng viên hàng đầu chạy đua vào ghế thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ Anh, bà Theresa May, bác bỏ tuyên bố của các đối thủ rằng ' lãnh đạo tiếp theo của đảng này phải là người đã ủng hộ cuộc bỏ phiếu rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6.

Nữ Bộ trưởng Nội vụ Anh nói rằng mọi người muốn nhiều hơn "một thủ tướng Brexit" - ủng hộ ra khỏi Liên minh Châu Âu.

Bà May hứa sẽ đưa cả hai bên ‘Ở lại và ra khỏi EU’ đến với nhau và "lãnh đạo cả nước".

Nhưng Andrea Leadsom và Michael Gove, hai ứng viên tranh ghế Thủ tướng Anh, nói ứng viên giành chiến thắng phải là người đã ủng hộ Brexit.

Các ứng viên này đã khẳng định lập trường trong hàng loạt cuộc phỏng vấn.

Ông Gove, Bộ trưởng Tư pháp, bảo vệ chiến thuật của ông khi đối mặt với những lời chỉ trích.

Ông nói với nhà báo Andrew Marr của BBC rằng "sẽ là phản bội đất nước" nếu ông cho phép Boris Johnson, cựu Thị trưởng London, bỏ chạy.

Cuộc đua giành ghế lãnh đạo được khởi sự sau khi ông David Cameron, Thủ tướng Anh, tuyên bố vào thứ Sáu tuần trước là sẽ rời chức vụ vào tháng Mười, sau khi bị đánh bại trong cuộc trưng cầu EU.

Thủ tướng Anh nói ông sẽ để cho người kế nhiệm chính thức công bố Vương quốc Anh sẽ rời EU theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Đàm phán

Bà Leadsom, Bộ trưởng Năng lượng, nói Anh nên "tiến hành quyết định đó", nhưng bà May nói với nhà báo Robert Peston của ITV hôm Chủ nhật rằng nước Anh phải hoàn tất chuẩn bị "lập trường đàm phán" trước tiên.

Bộ trưởng Nội vụ đang có một khoảng cách dẫn điểm được cho là khá thoải mái về đề cử của các nghị sỹ Anh, hơn là các đối thủ Leadsom, Michael Gove, Stephen Crabb và Liam Fox.

Nhưng bà bác bỏ đề nghị rằng những ứng viên khác nên đứng sang một bên để thống nhất ứng viên của đảng.

Theresa May nói bà muốn có một "cuộc thi đấu" và điều quan trọng là các đảng viên của đảng Bảo thủ "có cơ hội có tiếng nói" của mình.

Trong khi đó, nói với tờ The Sunday Times số ra cuối tuần này, ông Gove và bà Leadsom nhấn mạnh sự cần thiết rằng vị Thủ tướng kế tiếp phải là người đã hậu thuẫn việc rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu.

Ông Gove nói với tờ báo Anh rằng chỉ những người đã ủng hộ Brexit sẽ có "cương vị" lãnh đạo.

Ông nói Thủ tướng kế tiếp nên là người đã vận động cho Brexit.

"Đó là vấn đề về trách nhiệm dân chủ", Bộ trưởng Tư pháp nói với The Sunday Times.

"Mọi người đã bỏ phiếu cho Brexit sẽ mong đợi một người tin vào đó để bảo vệ cho họ.

"Nếu bạn sắp bầu lãnh đạo, Thủ tướng đương kim đã quyết định từ chức, khi đó logic là bạn cần phải có một người ủng hộ Brexit và tin vào nó để lập luận và vận động cho nó, để làm lãnh đạo trong các cuộc đàm phán ".

Ngũ giác

Ông Gove cũng cho hay ông sẽ thiết lập một "ngũ giác" của năm bộ trưởng cao cấp, gồm đa số là những người ủng hộ Brexit, nhằm tiến hành các cuộc đàm phán về EU.

Còn bà Leadsom nói với tờ Sunday Telegraph rằng "sẽ là kỳ lạ" nếu nhà lãnh đạo là một người không tin vào việc Anh rời khỏi EU.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Anh cuối tuần này, bà Leadsom nói:

"Thủ tướng từ chức vì ông đã không trở lại, ông không tin vào nó, vì vậy nó sẽ là kỳ lạ nếu lại chỉ định một người nào đó cũng không tin vào Brexit”.

"Tôi không nghĩ rằng đó là điều đúng đắn."

Bà Leadsom nói rằng nếu bà trở thành Thủ tướng, sẽ "rủi ro sẽ là không có" với việc Brexit không xảy ra.

Bộ trưởng năng lượng cũng đề cập những phẩm chất lãnh đạo của Margaret Thatcher, cố Thủ tướng Anh của đảng Bảo thủ (1979-1990.)

Bà Leadsom nói:

"Là một con người, Thatcher luôn là người tử tế và lịch thiệp, là một nhà lãnh đạo, bà ấy sắt đá và kiên định.

"Tôi nghĩ đó là một sự kết hợp lý tưởng - và tôi ưa nghĩ rằng tôi là một người như thế." - BBC
|
|

5.
Thái Lan mua ba tàu ngầm 'made in China'

Chính quyền quốc gia hiện do quân đội nắm quyền hôm qua thông báo mua 3 chiếc tàu ngầm của Trung Quốc trị giá khoảng hơn một tỷ đôla.

Các nhà quan sát nhận định rằng thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cho thấy mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Bangkok và Bắc Kinh, trong khi bang giao Mỹ - Thái dường như lạnh nhạt đi. 

Kể từ khi lật đổ chính quyền dân sự của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, chính quyền quân nhân Thái đã tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc, sau khi vấp phải nhiều lời chỉ trích từ phương Tây, trong đó có Mỹ, về việc chiếm quyền này. 

Quyết định mua tàu ngầm của Trung Quốc trị giá 36 tỷ bạt, tức hơn 1 tỷ đôla, vào năm tới được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan xác nhận hôm 1/7 sau khi hải quân đệ trình kế hoạch này lên nội các. 

Thái Lan hiện chưa có bất kỳ một chiếc tàu ngầm nào, và đã tìm cách ký hợp đồng với một số nước như Hàn Quốc và và Đức.

Quốc gia Đông Nam Á này ngưng thương thảo với Trung Quốc một năm trước để đánh giá lại giá thành và khả năng của các tàu ngầm.

Quan hệ nồng ấm hơn giữa Bắc Kinh và Bangkok thể hiện qua việc hợp tác về một dự án đường sắt quy mô lớn cũng như việc tổ chức các cuộc huấn luyện chung giữa không quân hai nước.

Chi tiêu quốc phòng của Thái Lan dự kiến sẽ tăng lên khoảng hơn 6 tỷ đôla vào năm 2017, tức tăng gần 17% kể từ năm 2014. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
FBI thẩm vấn bà Hillary Clinton về vụ email cá nhân

Bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ, hôm nay đã gặp các quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về vấn đề sử dụng máy chủ email cá nhân thời kỳ bà còn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Theo ông Nick Merrill, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của bà Clinton, cuộc thẩm vấn kéo dài ba tiếng rưỡi tại trụ sở của FBI tại Washington.

Ông Merrill cho biết rằng bà Clinton đã “tự nguyện” trả lời các câu hỏi về việc sử dụng email khi còn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ, và rằng bà “hài lòng” vì đã có cơ hội hỗ trợ Bộ Tư pháp Mỹ sớm kết thúc cuộc điều tra.

Cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho biết bà dự tính sẽ chấp thuận các đề xuất của các chuyên viên và của các nhân viên liên bang đang điều tra vụ bà Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân.

Các giới chức FBI dự kiến sẽ sớm kết thúc cuộc điều tra. Các chuyên gia pháp lý nói rằng họ không nghĩ bà Clinton sẽ bị truy tố hình sự.

Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh ở Colorado hôm thứ Sáu, bà Lynch khẳng định rằng các nhân viên và các nhà điều tra kỳ cựu của Bộ Tư pháp làm việc độc lập, và các cuộc điều tra của họ đã bắt đầu trước khi bà nhậm chức bộ trưởng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Vụ kiện Biển Đông: Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa trước ngày Tòa ra phán quyết

Hôm nay, Chủ nhật 03/07/2016, chính quyền Bắc Kinh thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận kéo dài một tuần, xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tập trận dự kiến kết thúc hôm trước ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Theo AFP, Cơ quan Quản Lý An Toàn Hàng Hải Trung Quốc ra một thông báo ngắn gọn, yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực tập trận giữa phía đông của đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, từ ngày 05/07/2016 đến ngày 11/07/2016. Quần đảo Hoàng Sa là nơi Việt Nam đòi hỏi chủ quyền.

Ngày 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có trụ sở tại La Haye - Hà Lan, sẽ ra phán quyết về các khiếu nại của Philippines, trong đó đặc biệt có vấn đề bản đồ 9 đoạn, thường được gọi là "Đường Lưỡi Bò", bị nhiều nước láng giềng phản đối. Bản đồ yêu sách này của Trung Quốc lấn sâu vào cả vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Theo các nghiên cứu, yêu sách 9 đoạn nói trên chỉ bắt đầu xuất hiện trên các tấm bản đồ của Trung Quốc từ những năm 1940.

Năm 2013, chính quyền Philippines yêu cầu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tuyên bố các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà cả Philippines và Trung Quốc cùng ký kết. Trung Quốc không thừa nhận thẩm quyền của tòa án nói trên và không tham gia vụ kiện. Hôm thứ Sáu, 01/07/2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa tuyên bố không nhân nhượng về chủ quyền tại Biển Đông.

Trong thời gian gần đây, căng thẳng tại Biển Đông gia tăng, đặc biệt với các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Quốc tế lo ngại xung đột bùng phát. Hoa Kỳ nhiều lần đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo do Bắc Kinh kiểm soát, để răn đe tham vọng thái quá của Trung Quốc, bảo vệ "quyền tự do hàng hải" tại khu vực huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu, với tổng lượng hàng hóa khoảng 5.000 tỷ đô la qua lại hàng năm. - RFI

No comments:

Post a Comment