Tuesday, July 26, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 26/7

Tin Thế Giới

1.
Pháp: Hai kẻ khủng bố tấn công nhà thờ gần Rouen và giết hại cha xứ

Sáng ngày 26/07/2016, hai kẻ khủng bố tấn công vào nhà thờ ở Saint-Etienne-du-Rouvray, gần thành phố Rouen, phía tây bắc nước Pháp, bắt giữ con tin và giết hại cha xứ. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự nhận trách nhiệm về vụ này.

Nguồn tin của cảnh sát cho AFP biết, hai kẻ khủng bố đã xông vào nhờ thờ trong lúc cha xứ đang làm lễ. Chúng bắt giữ năm con tin. Khi Lực lượng trùy lùng và can thiệp của cảnh sát –BRI- đến hiện trường, hai kẻ này đã xông ra ngoài, đối mặt với cảnh sát và chúng đã bị bắn hạ.

Trong lúc bắt giữ con tin, hai kẻ khủng bố đã cắt cổ cha Jacques Hamel, 84 tuổi. Một con tin bị thương nặng.

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, thông qua hãng thông tấn thân cận là Amaq, thừa nhận là hai chiến binh của tổ chức này đã thực hiện vụ khủng bố.

Tổng thống và bộ trưởng Nội Vụ Pháp đã tới hiện trường. Tại đây, tổng thống François Hollande đã lên án hành động khủng bố ghê rợn và cho biết, hai hung thủ tự nhận là thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh, mối đe dọa khủng bố vẫn rất cao và lại một lần nữa, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tuyên chiến với nước Pháp.

Tối nay, tổng thống Pháp sẽ tiếp tổng giám mục Rouen Dominique Lebrun. Từ Cracovie, Ba Lan, nơi đang diễn ra Ngày Thanh Niên Công Giáo Thế Giới, tổng giám mục vụ Rouen lên án vụ giết hại cha xứ nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray và ngài sẽ trở về Pháp ngay trong chiều nay. Tòa thánh Vatican đã tố cáo hành động "giết người dã man » ngay tại nơi « thiêng liêng". - RFI
|
|

2.
Biển Đông: Mỹ, Nhật và Úc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết PCA --- Tổng thống Philippines sẽ áp dụng phán quyết quốc tế về Biển Đông --- Biển Đông: Mỹ ủng hộ đối thoại Trung Quốc – Philippines

Trước việc ASEAN không ra được tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc vào hôm qua, 25/07/2016, đã công khai lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng một phán quyết "chung cuộc và mang tính ràng buộc về pháp lý". Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đồng thời yêu cầu Bắc Kinh không được xây dựng tiền đồn quân sự và bồi đắp đảo tại vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Sau một cuộc gặp tay ba bên lề các hội nghị của khối ASEAN tại Vientiane (Lào), các ngoại trưởng John Kerry của Mỹ, Fumio Kishida của Nhật và Julie Bishop của Úc đã ra một bản tuyên bố chung, bày tỏ thái độ quan ngại sâu đậm của ba nước trước các tranh chấp trên Biển Đông và "cực lực phản đối mọi hành động đơn phương cưỡng chế có nguy cơ làm thay đổi hiện trạng và khiến căng thẳng gia tăng".

Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố chung của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc là một hậu thuẫn mạnh mẽ cho các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép trên Biển Đông, và bổ khuyết vào thiếu sót trong tuyên bố chung của khối ASEAN thông qua trước đó, vì chia rẽ trong nội bộ - đã không thể hiện được lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Thiếu sót đập mắt trong tuyên bố của toàn khối ASEAN là đã không hề đề cập đến phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye PCA, có ý nghĩa quan trọng cho khu vực và cho thế giới, nhưng lại bị Bắc Kinh phủ nhận vì bất lợi cho Trung Quốc.

Phán quyết PCA đã công nhận tính hợp lý của các khiếu nại của Philippines và cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn bất hợp pháp. Ý nghĩa tiềm ẩn của phán quyết này là đòi hỏi của Trung Quốc đối với ba nước ASEAN khác là Việt Nam, Malaysia và Brunei, cũng không có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, thông qua Cam Bốt, và trong một chừng mực nào đó là Lào, Bắc Kinh đã thành công trong việc bịt miệng ASEAN trên vấn đề phán quyết.

Trong tuyên bố chung của mình, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đã lên tiếng "ủng hộ mạnh mẽ" việc tôn trọng luật pháp, kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết trọng tài vốn có tinh chất "chung cuộc và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên."

Trong một lời cảnh báo Trung Quốc được hãng AP cho là mạnh nhất và chi tiết nhất, từ lúc Tòa Trọng Tài PCA ra phán quyết đến nay, ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc đã nhấn mạnh rằng "Đây là một cơ hội quan trọng cho khu vực để duy trì trật tự quốc tế hiện có dựa trên luật pháp và chứng tỏ thái độ tôn trọng luật pháp quốc tế".

Dù không nêu đích danh thủ phạm là Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc rõ ràng là đã lên án Bắc Kinh về những "hành động đơn phương gây ra những thay đổi vĩnh viễn đối với môi trường biển ... và những hoạt động như khai hoang đất trên quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn quân sự cũng như sử dụng các tiền đồn cho mục đích quân sự." - RFI

***
Trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông, Philippines vẫn sẽ viện đến phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực mà Bắc Kinh phủ nhận. Tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức xác định trở lại điều này vào hôm qua, 25/07/2016 tại Manila.

Trong bài diễn văn đầu tiên trước Quốc Hội Philippines, tổng thống Duterte cho biết: "Liên quan đến Biển Tây Philippines (tên Manila đặt cho Biển Đông), chúng ta khẳng định mạnh mẽ và tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực trong tư cách là một đóng góp quan trọng vào nỗ lực đang thực hiện nhằm xử lý và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp".

Ngày 12/07 vừa qua, Tòa Trọng Tài ở La Haye đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc nằm trong đường lưỡi bò bao trùm cả Biển Đông, bị cho là không có cơ sở pháp lý.

Theo phân tích của chuyên gia Ramon Casiple, thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị ở Manila, thì phát biểu của ông Duterte cho thấy chính quyền Philippines muốn giải quyết tranh chấp với Trung Quốc một cách hòa bình: "Ông (Duterte) sẽ thương lượng và sử dụng phán quyết như một bản hướng dẫn, nhưng sẽ không đòi hỏi là Trung Quốc phải công nhận phán quyết".

Nhà phân tích này còn lưu ý là vấn đề phán quyết đã được đề cập ngắn gọn trong một phát biểu dài hơn một tiếng đồng hồ. Điều đó cho thấy thái độ thận trọng của Manila không muốn phô bày chiến lược của mình trước công chúng.

Thoạt đầu bị đánh giá là có thái độ mềm yếu hơn người tiền nhiệm Aquino – đã kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế năm 2013 - ông Duterte đã có những tuyên bố cứng rắn hơn, cho thấy là Philippines cũng không khoan nhượng trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Tuyên bố chính thức về phán quyết Biển Đông của tân tổng thống Duterte được xem là một tín hiệu tích cực, trước cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã rời Vientiane vào tối nay để đến Manila trong một chuyến công du chớp nhoáng. Ngoại trưởng Mỹ sẽ là quan chức Mỹ cao cấp nhất tiếp xúc với tân tổng thống Philippines từ sau khi ông Duterte chính thức nhậm chức ngày 30/06 vừa qua. - RFI

***
Ngày 26/07/2016, họp báo tại Lào, nơi đang diễn ra các hội nghị giữa ASEAN với các đối tác, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố Washington ủng hộ Bắc Kinh và Manila đối thoại để giải quyết các bất đồng tại Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, bác bỏ yêu sách chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc, sau khiếu nại của Philippines, có thể khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng. Bắc Kinh không tham gia vào vụ kiện và cũng không chấp nhận phán quyết của Tòa.

Reuters dẫn lời ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhấn mạnh đến thách thức đối với các bên liên quan, là "giải quyết bất đồng bằng con đường ngoại giao và pháp lý".

Ngoại trưởng John Kerry khẳng định trong cuộc trao đổi ngày 25/07/2016 với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), hai bên đã nhất trí "không quốc gia tranh chấp nào được có các hành vi khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng". Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng cho biết trong cuộc gặp tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào ngày 27/07/2016, ông sẽ khuyến khích nguyên thủ Philippines đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng lưu ý việc Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài là một trở ngại, bởi đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, phán quyết này là mang tính ràng buộc.

Về cuộc gặp giữa hai ông Vương Nghị và John Kerry, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra một thông báo, khẳng định Bắc Kinh hy vọng phía Mỹ sẽ ủng hộ "đối thoại Trung Quốc – Philippines và các nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực". Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc cũng nhắc đến lập trường của ngoại trưởng Mỹ, được tái khẳng định trong cuộc gặp đồng nhiệm Trung Quốc là Washington trung lập trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Nói chuyện với báo giới tại Vientiane, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cũng nhấn mạnh tranh chấp tại Biển Đông không phải là giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, mà là giữa Philippines với Trung Quốc, và Manila sẽ "tiếp tục theo đuổi các đối thoại song phương với Bắc Kinh, nhằm giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình". - RFI
|
|

3.
Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ có dấu hiệu xấu đi trông thấy

Vào hôm qua 25/07/2016, được chính quyền bật đèn xanh, báo chí Trung Quốc đã lớn tiếng đả kích Ấn Độ về việc New Delhi quyết định trục xuất ba nhà báo của Tân Hoa Xã thường trú tại Ấn Độ. Thái độ gây căng thẳng của Trung Quốc, trong bối cảnh hai nước có dấu hiệu tăng cường quân đội đến vùng biên giới trên bộ đã khiến một số nhà quan sát lo ngại về nguy cơ xung đột võ trang lại bùng giữa hai nước đông dân nhất thế giới hiện nay.

Vụ việc bùng lên ngày 24/07 vừa qua khi có thông tin về quyết định của New Delhi là sẽ trục xuất 3 nhà báo thuộc văn phòng Tân Hoa Xã tại Ấn Độ, vì những hoạt động tình nghi làm gián điệp. Theo tình báo Ấn Độ, ba người này, trong đó có trưởng phân xã của Tân Hoa Xã tại New Delhi, đã sử dụng danh tính giả để đi lên vùng có người Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ.

Giới quan sát đặc biệt ghi nhận tính chất nghiêm trọng của quyết định trục xuất kể trên vì Tân Hoa Xã là hãng thông tấn Nhà Nước Trung Quốc, và tại những quốc gia nào không có đại sứ quán Trung Quốc, văn phòng Tân Hoa Xã hầu như đóng vai trò đại diện ngoại giao của Bắc Kinh. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên mà New Delhi trục xuất nhà báo Trung Quốc, một sự kiện bất thường có thể gây căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh.

Và gần đúng với dự đoán, Trung Quốc đã có phản ứng, trước hết về mặt báo chí. Đi đầu trong việc công kích Ấn Độ vẫn là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản phổ thông đại chúng của tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Vào hôm qua, tờ báo này đã lên tiếng tố cáo thái độ "đa nghi" của Ấn Độ, đồng thời đe dọa New Delhi về những "hậu quả nghiêm trọng" phải gánh chịu sau vụ này.

Đây không phải là lần đầu tiên mà báo chi Trung Quốc có lời lẽ hung hăng như vậy đối với các láng giềng. Điều đáng quan ngại là phản ứng này được đưa ra vào lúc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều đã được tăng cường ở vùng biên giới phân chia hai nước.

Theo nhật báo Mỹ Huffington Post, quân đội Ấn Độ mới đây đã điều động hơn 100 chiến xa T-72 do Nga chế tạo lên Ladakh, một vùng biên giới đang tranh chấp nằm giữa bang Kashmir của Ấn Độ, và vùng Tây Tạng dưới quyền cai trị của Trung Quốc.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Theo các nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã triển khai thêm lực lượng đến khu vực dọc theo biên giới Ấn Độ, như để cho thấy quyết tâm sẵn sàng đáp trả ngay lập tức nếu xẩy ra tình huống xấu.

Theo tờ báo Mỹ, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu quan hệ Ấn Trung xấu đi nhanh chóng. Tranh chấp biên giới trên bộ giữa hai bên là nguyên nhân chính gây căng thẳng, vốn đã từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh cách nay 50 năm. Đàm phàn giải quyết vấn đề này cho đến nay vẫn không có bất kỳ tiến bộ nào.

Bên cạnh đó, quan điểm giữa Trung Quốc và Ấn Độ đối với Tây Tạng rất khác biệt nhau. Trong khi Trung Quốc coi Tây Tạng là một địa phương của mình, Ấn Độ lại nhìn nhận một chính phủ nhà nước Tây Tạng lưu vong.

Ngoài vấn đề biên giới, những hoạt động bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nepal và tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh cũng là đề tài gây căng thẳng. Trung Quốc không che giấu bất bình trước việc Hải Quân Ấn Độ tích cực dấn thân vào Biển Đông, với động thái gần đây nhất là phái ba chiến hạm tới hoạt động trong khu vực, và có kế hoạch tập huấn với Hải Quân Malaysia.

Nhìn chung, giới phân tích đang lo ngại trước khả năng bang giao Ấn-Trung xấu đi, và nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang Ấn-Trung như vào những năm 1960, không thể loại trừ. - RFI
|
|

4.
Quốc tế kêu gọi Trung Quốc ngừng phá hủy tu viện Tây Tạng ở Tứ Xuyên

Ngày 26/07/2016, một số tổ chức quốc tế bảo vệ văn hóa của người Tây Tạng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh ngừng chiến dịch phá hủy nhà ở của các tăng ni, thuộc Học viện Phật giáo Tây Tạng Larung Gar, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Theo hiệp hội Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng (International Campaign for Tibet - ICT), có trụ sở tại Hoa Kỳ và nhiềuchi nhánh tại châu Âu, kể từ tuần trước, chính quyền Trung Quốc bắt đầu phá hủy nhiều khu phố thuộc Học viện Phật giáo Larung Gar. Còn theo tổ chức phi chính phủ Free Tibet, vào tháng trước,  khoảng 10.000 nhà tu hành thuộc học viện này đã bị trục xuất.

Chủ tịch Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng tố cáo : các biện pháp phá hủy này nằm trong chính sách đàn áp tự do tôn giáo nói chung của Bắc Kinh, chiến dịch nguy hiểm này cho thế giới bên ngoài thấy rõ quyền tự do tôn giáo tại Trung Quốc đang bị đe dọa đến mức nào.

Tu viện Larung Gar, được thành lập năm 1980 tại một thung lũng hẻo lánh ở độ cao 4.000 mét, đã nhanh chóng trở thành một trong các trung tâm Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới. Hàng ngàn tăng, ni và học viên sống trong những căn nhà nhỏ bằng gỗ trên các quả đồi bao quanh trung tâm.

Trả lời AFP, một giới chức địa phương cho biết từ nay đến tháng 9/2016, chính quyền có kế hoạch phá hủy hơn một trăm ngôi nhà, sau đó các tăng ni có thể được ở tại một số chung cư mới. Cũng theo giới chức này, việc phá hủy nhằm mục tiêu "phòng hỏa hoạn" đã được sư tăng "hợp tác tích cực".

Tại khu tự trị Tây Tạng Serthar (tỉnh Tứ Xuyên), nơi tọa lạc của tu viện Larung Gar, từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình vì tự do tôn giáo hồi đầu năm 2012. Công an Trung Quốc đã nổ súng vào đoàn biểu tình, khiến ít nhất một người thiệt mạng.

Nhà sư sáng lập tu viện Khenpo Jigme Phuntsok, qua đời năm 2004, vừa duy trì quan hệ tốt với chính quyền, nhưng vẫn gắn bó với Đạt Lai Lạt Ma. Năm 2001, Học viện Phật giáo Larung Gar từng có nguy cơ bị xóa sổ khi cảnh sát dùng vũ lực trục xuất hàng trăm tăng ni, phá hủy hơn 1.000 nơi ở. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc gây áp lực buộc các tu sĩ phải ký giấy tố cáo đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà sư Phuntsok bị giam cầm trong một năm. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Sanders kêu gọi các ủng hộ viên hậu thuẫn cho bà Clinton --- Phu nhân Obama chỉ trích Trump

Hôm qua, Ðảng Dân chủ khai mạc đại hội toàn quốc tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, trong lúc căng thẳng lại tăng cao giữa những người ủng hộ ứng cử viên đang chờ đề cử, bà Hillary Clinton, và những người theo đối thủ trước đó của bà là ông Bernie Sanders. Những người ủng hộ ông Sanders tức giận về những email của các giới chức trong đảng bị tiết lộ cho thấy hình như họ thiên vị bà Clinton hơn là ông Sanders trong quá trình bầu cử sơ bộ.

Ông Bernie Sanders bước ra diễn đàn trong tiếng tung hô rền vang kéo dài không dứt trong đêm khai mạc Đại hội toàn quốc của Ðảng Dân chủ.

Ông Sanders cám ơn những người ủng hộ đã phát động một phong trào chính trị:

"Tôi hy vọng quý vị rất đỗi tự hào về những thành tựu lịch sử mà chúng ta đã làm nên."

Trong lúc nhiều người ủng hộ ông tức giận về những email của các thủ lãnh Ðảng Dân chủ bị tiết lộ cho thấy hình như có sự thiên vị dành cho bà Hillary Clinton, ông Sanders đã tìm cách hàn gắn những rạn nứt trong đảng. Ông kêu gọi những người trung thành với ông ủng hộ bà Clinton, người đang chờ đảng đề cử.

Ông nói: "Tôi đã phục vụ trong Thượng viện Hoa Kỳ cùng với bà Clinton, và tôi biết bà là một người quyết liệt vận động cho quyền của trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật. Bà Clinton sẽ là một tổng thống kiệt xuất, và tôi hãnh diện được đứng đây với bà hôm nay." 

Người ta thấy có sự phẫn nộ trong số một số ủng hộ viên của ông Sanders ở bên ngoài Trung tâm Wells Fargo, nơi hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát khiến nhiều người bị bắt giữ.

Bà Lisa LeVally Evans, một người ủng hộ ông Sanders, vẫn cảm thấy thất vọng về thông tin bị tiết lộ qua email.

Bà nói: "Truyền thông đứng về phía đó. Mọi người đứng về phía đó. Họ nói chúng tôi điên rồ. Bây giờ thì thấy ai mới là điên rồ."

Nhưng ông Richard Cassidy, một đại biểu của ông Sanders ở bang Vermont, nói các đảng viên Dân chủ cuối cùng sẽ đoàn kết lại với nhau để đấu với đối thủ Donald Trump bên Ðảng Cộng hòa.

Ông nói: "Tôi nghĩ sẽ chỉ có một nhóm rất nhỏ những người ủng hộ ông Sanders không bầu cho bà Hillary Clinton, bởi vì họ không chấp nhận người thay thế ông."

Trong số các diễn giả trong đêm khai mạc có Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama. Bà kêu gọi các đảng viên Dân chủ ủng hộ bà Clinton.

Bà nói: "Đừng để ai nói với quý vị là đất nước này không vĩ đại, và bằng cách nào đó phải làm cho nó vĩ đại trở lại. Bởi vì ngay vào lúc này đây, đất nước chúng ta là vĩ đại nhất trên trái đất."

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts cũng đốc thúc đám đông bằng một cuộc công kích mạnh nhắm vào ông Donald Trump:

"Khi chúng ta chống đối nhau, những người giàu như ông Trump sẽ tìm cách vận động giảm thuế cho chính họ, và chúng ta sẽ chẳng bao giờ có đủ tiền để hỗ trợ cho các trường học của chúng ta, hoặc tái thiết các xa lộ của chúng ta, hoặc đầu tư vào tương lai con em chúng ta."

Bất chấp sự chú ý đang dồn vào Đại hội Ðảng Dân chủ, ông Trump và người đứng cùng liên danh tranh cử là ông Mike Pence đang đi vận động ở bang Virginia ngay sau Đại hội của Ðảng Cộng hòa hồi tuần trước.

Ông Trump nói: "Chúng ta đang dẫn đầu. Chúng ta thực sự dẫn đầu trong các cuộc thăm dò."

Cả bà Clinton lẫn người đứng chung liên danh tranh cử là Thượng nghị sĩ Tim Kaine sẽ phát biểu trước Đại hội đảng trong tuần này. - VOA

***
Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama bài bác ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt đối với bà Hillary Clinton tại Hội nghị Đảng Dân chủ ở Philadelphia.

“Ngôn ngữ thù hận... từ các nhân vật của công chúng trên truyền hình không đại diện cho tinh thần thực sự của đất nước này,” bà nói trong tràng vỗ tay và tiếng hô vang.

“Đừng hạ mình ngang hàng với họ. Châm ngôn của chúng ta là, khi họ hạ mình thì chúng ta vươn lên kiêu hãnh."

Trước đó, Nghị sỹ bang Vermont, Bernie Sanders hối thúc thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ bà Clinton.

Bà sẽ nhận vị trí ứng viên tổng thống đại diện cho đảng vào thứ Năm.

“Trong khi Donald Trump bận rộn xỉa xói hết nhóm này tới nhóm khác, bà Hillary Clinton hiểu rằng sự đa dạng chính là sức mạnh lớn nhất của chúng ta,” ông Sanders nói.

Một số thành viên ủng hộ nghị sỹ, từng là đối thủ của bà Clinton trong vòng tranh cử sơ bộ, bày tỏ phản đối khi tên bà Clinton được nhắc tới, một số người khác dán băng dính lên miệng với chữ “im lặng”.

Bài phát biểu của bà Obama được nhiều người cho là tấn công ông Trump, tuy bà không nhắc trực tiếp tới tên ông.

Bà nói bà muốn người kế nhiệm chồng bà là “người hiểu công việc này và coi đó là chuyện nghiêm túc”.

Bà nói “chỉ có duy nhất một người mà tôi tin tưởng với trách nhiệm ấy, người duy nhất tôi tin là có đủ năng lực để trở thành tổng thống... và đó là bạn của chúng ta - Hillary Clinton”.

Bà nói nhờ có ứng viên này mà “con gái và toàn bộ con trai, con gái chúng ta giờ coi việc một phụ nữ có thể làm tổng thống Hoa Kỳ là bình thường.”

Trong một đoạn khác, bà khen ngợi bà Clinton “thực sự là người phục vụ nhân dân”, người đã chứng tỏ “lòng cống hiến cho thế hệ sau của dân tộc chúng ta” và “chưa bao giờ gục ngã trước áp lực”.

Sau bài phát biểu, Tổng thống Obama viết trên Twitter: “Bài diễn văn tuyệt vời của một người phụ nữ tuyệt vời. Không thể tự hào hơn thế và đất nước chúng ta thật may mắn có được bà là đệ nhất phu nhân. Yêu em, Michelle.”

Garry Mauro, Trưởng đoàn đại diện của bà Clinton ở Texas, nói diễn văn của bà Obama “hay tuyệt vời”.

Ông Trump, người chỉ trích các đối thủ của mình, của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, với ngôn ngữ màu mè trên Twitter, nói ông Sanders “bị bà Clinton chinh phục hoàn toàn”.

Ông cũng phản đối các đại biểu khác trong Hội nghị Đảng Dân chủ, trong đó có nghị sỹ Cory Booker và Elizabeth Warren, nhưng không nhắc tới phu nhân Obama.

Năm lần bà Michelle Obama nhắc tới Donald Trump

"Khi một người hung bạo hay hành động như một kẻ ưa bắt nạt, chúng ta không hạ mình ngang hàng với họ”

"Chúng ta hối thúc chúng [con cái chúng ta] bỏ qua những ai đặt câu hỏi về tín ngưỡng hay quốc tịch của những ai thắc mắc về cha mẹ họ"

"Đừng để bất kỳ ai nói với bạn rằng đất nước này không tuyệt vời"

Những vấn đề mà một tổng thống phải đối mặt "không thể chỉ gói gọn trong 140 chữ"

Tổng thống lý tưởng "không thể dễ bị tự ái hay dễ nổi nóng"

Mốc chính trong hội nghị hôm thứ Hai 25/07

Nghị sỹ Warren chỉ trích hồ sơ kinh doanh của ông Trump

Nghệ sỹ hài Sarah Silverman, người ủng hộ ông Sanders, kêu gọi ủng hộ bà Clinton

Câu nói: “Ở Mỹ, tình yêu luôn chiến thắng hận thù” được tung hô, vỗ tay vang dội nhất

Hội nghị Đảng Dân chủ - những điều cần biết

1. Để làm gì? Ở hội nghị, mỗi đảng chính thức đưa ra ứng viên tổng thống của mình, và đảng công bố nền tảng hoạt động của mình, hay tuyên ngôn 

2. Có những ai? Có khoảng 5.000 đại biểu tham dự, được lựa chọn từ hội nghị ở tiểu bang và ở quận hạt, và đại diện cho mỗi bang và lãnh thổ Hoa Kỳ. Thêm vào đó là khoảng 15.000 phóng viên và hàng chục ngàn doanh nhân, dân biểu và khách mời. 

3. Lịch trình:

Thứ Ba 26/07: Cựu Tổng thống Bill Clinton, mẹ của Travon Martin, bà Sybrina Fulton

Thứ Tư 27/07: Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên đồng hành ở vị trí Phó Tổng thống, ông Tim Kaine

Thứ Năm 28/07: Bà Hillary Clinton, do con gái Chelsea dẫn lời giới thiệu. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Thủ tướng Phúc ‘dọn bãi chiến trường’ của ông Nguyễn Tấn Dũng?

Ông Nguyễn Xuân Phúc hôm 26/7 tuyên bố “không để tái diễn” vụ Formosa, trong khi có ý kiến nói ông đang phải “xử lý di sản” của người tiền nhiệm để lại. 

Sau khi được Quốc hội khóa 14 tái bầu với đa số phiếu tán thành và chỉ có 4 người phản đối, ông Phúc đã lại tuyên thệ nhậm chức thêm một lần nữa, và có bài phát biểu, trong đó ông nói rằng Việt Nam “đang đứng trước nhiều vận hội phát triển, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức”. 

Thủ tướng Phúc nói thêm rằng “để phát triển nhanh và bền vững, để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ, đặc biệt là bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển, quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường”. 

Ông nói tiếp: 

“Sự kiện Formosa là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận, và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”. 

Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Việt Nam được đưa ra gần một tháng sau khi Formosa “nhận trách nhiệm” và đồng ý đền bù vì gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung.

Về phát biểu của ông Phúc, ông Nguyễn Đình Hà, một ứng viên quốc hội độc lập, nói với VOA Việt Ngữ: 

“Tuyên bố của ông Phúc cũng đáng ghi nhận, nhưng mà người Việt Nam nghe những câu phát biểu, những câu khẩu hiệu hay lời hứa đã quá nhiều rồi, và bây giờ người ta muốn nhìn thấy những hành động thực tế. Ví dụ như là, những người gây ra vụ Formosa này phải bị xử lý về mặt pháp luật đối với những gì họ đã làm sai, trái pháp luật cũng như những sự tắc trắc, vô trách nhiệm của họ. Trong vụ việc này còn rất nhiều người liên đới nữa cần phải bị truy cứu trách nhiệm”. 

Mấy ngày qua, báo chí Việt Nam đăng tải nhiều bài viết về việc ký cấp phép hoạt động 70 năm cho Formosa của ông Võ Kim Cự, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh. 

Trả lời báo chí trong nước hôm 26/7, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên xem xét trách nhiệm của ông Cự trong các quyết định trước đây liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh.

Theo đánh giá của nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà, đương kim thủ tướng Việt Nam đang phải “dọn bãi chiến trường” của người tiền nhiệm. 

Đầu năm 2008, văn phòng của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là đã “đồng ý về chủ trương và nguyên tắc” đối với dự án Formosa Hà Tĩnh. 

Trang web của Văn phòng chính phủ Việt Nam hồi tháng Chín năm 2015 dẫn lời ông Dũng phát biểu tại lễ khánh thành một dự án của Formosa ở Hà Tĩnh rằng “Thành công của Tập đoàn Formosa không chỉ là thành công, là lợi ích của Formosa mà còn là thành công, là lợi ích của Hà Tĩnh và của Việt Nam”.

Ông Dũng, khi ấy, “cũng lưu ý Formosa cần hết sức quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng; đảm bảo an toàn lao động; đảm bảo chấp hành tốt pháp luật của Việt Nam cũng như những cam kết khi đầu tư; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường…”

VOA Việt ngữ không thể liên lạc được với ông Dũng cũng như Văn phòng chính phủ Việt Nam để phỏng vấn. 

Về các vấn đề nên được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Việt Nam, ông Hà nói tiếp: 

“Quốc hội phải có những tuyên bố và những hành động, việc làm cụ thể trong các vấn đề quan trọng của đất nước như môi trường liên quan tới Formosa, liên quan tới tài nguyên rừng, các dự án công nghiệp đang gây bẩn cho đất nước. Tiếp đến nữa là các vấn đề liên quan tới biển Đông thì quốc hội cần phải tuyên bố, những cái phát ngôn cụ thể, rõ ràng, mạnh mẽ mà người dân từ trước tới nay vẫn đang kỳ vọng mà quốc hội chưa làm”. 

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc tới quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. 

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam còn kêu gọi các bên “tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình”. - VOA

No comments:

Post a Comment