Thursday, July 21, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 21/7

Tin Thế Giới

1.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đình chỉ Công ước Châu Âu về Nhân quyền

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ đình chỉ Công ước Châu Âu về Nhân quyền trong khoảng thời gian ba tháng thực thi tình trạng khẩn cấp mà nước này đã tuyên bố, để thanh trừng những thủ phạm của cuộc đảo chính bất thành vào cuối tuần trước.

Phó Thủ tướng Numan Kurtulmas cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện những bước "như Pháp đã thực hiện theo Điều 15 của Công ước" cho phép những nước ký kết ngưng thực thi các nghĩa vụ của mình trong lúc đang có chiến tranh hoặc trong những tình trạng khẩn cấp công.

Ông Kurtulmas được hãng tin Hurriyet dẫn lời nói rằng: "Tình trạng khẩn cấp sẽ trao cho chính phủ một cơ hội tốt để chống lại những kẻ lập mưu đảo chính và quét sạch những thành viên của những tổ chức theo đường lối Gulen." 

Những nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ chấp thuận tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đề nghị, trong một hành động nhằm mở đường cho việc thanh trừng thêm nữa những đối thủ của ông sau khi âm mưu đảo chính hôm thứ Sáu tuần trước đã không lật đổ được ông và chính phủ của ông.

Ông Erdogan loan báo tình trạng khẩn cấp trong một bài diễn văn được phát sóng trên truyền hình tối ngày thứ Tư, sau những cuộc họp với hội đồng an ninh quốc gia và Nội các của ông.

Ông Erdogan cho biết mục đích của tình trạng khẩn trương là "để có thể thực hiện những bước hữu hiệu nhất nhằm khôi phục nền dân chủ và pháp trị." Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng vũ trang sẽ không kiểm soát đất nước trong thời gian này.

Mở rộng trấn áp

Hàng trăm người ủng hộ ông Erdogan đã đổ ra những địa điểm công cộng khắp Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Quảng trường Taksim của thành phố Istanbul, nơi mà loan báo của ông được truyền hình trực tiếp trên những màn hình lớn. Đám đông vỗ tay hoan hô khi nghe thấy thông báo về tình trạng khẩn trương.

Tuyên bố này cho phép ông Erdogan mở rộng một cuộc đàn áp vốn đã rộng lớn mà những nhà quan sát nói là chủ yếu nhắm vào những thành viên của một phong trào tinh thần của ông Fethullah Gulen, người trước đây là một lãnh tụ Hồi giáo và đã sinh sống ở Mỹ suốt 17 năm qua.

Tổng số người bị câu lưu kể từ thứ Sáu tuần trước đã vượt hơn 9.000 người, trong đó có 6.000 quân nhân. Những người này đang bị câu lưu trong tình trạng mà ông Erdogan mô tả là "câu lưu trước khi xét xử." Theo một số ước tính, gần 50.000 công chức bao gồm thẩm phán và giảng viên, đã bị đình chỉ hoặc được lệnh phải từ chức.

Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư cho biết chính phủ đã cấm tất cả những giảng viên rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh cấm này được ban hành sau khi hơn 21.000 nhân viên của Bộ Giáo dục, trong đó có hơn 1.500 chủ nhiệm khoa trong các trường đại học, đã bị đình chỉ vào ngày thứ Ba.

"Việc hành quyết không qua xét xử đã bắt đầu." Ông Beyza Ustun, một quan chức của Đảng Dân chủ Nhân dân cánh tả với thành viên đa phần là người Kurd, nhận định như vậy. Phát biểu của ông phản ánh mối lo ngại mà những người thuộc những nhóm thiểu số của Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ trước điều mà họ xem là mối đe dọa ngày càng lớn đối với quyền của họ.

Ông Erdogan hôm thứ Tư nói với đài al-Jazeera rằng một số người bị câu lưu sau cuộc đảo chính bất thành đã bắt đầu thú tội và cung cấp điều mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói là những thông tin liên kết vụ đảo chính bất thành với ông Gulen. Ông nói ông tin rằng một thế lực nước ngoài có thể đã dính líu, và nói nếu Mỹ quyết định không dẫn độ ông Gulen thì đó sẽ là một sai lầm lớn. Ông Erdogan cũng nói rằng ông sẽ chấp thuận án tử hình nếu nó được quốc hội phê chuẩn.

Ông Erdogan, người thuộc Đảng Công lý và Phát triển, là đảngđã thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, mô tả việc ông đánh bại cuộc đảo chính là một thắng lợi của nền dân chủ. Nhưng những chiến thuật nặng tay của ông, nhất là sau cuộc đảo chính bất thành, đã gây nên căng thẳng với Washington.

Dù lên án âm mưu đảo chính, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Washington muốn "đoan chắc rằng khi biện pháp ứng phó với cuộc đảo chính được thực hiện, nó phải hoàn toàn tôn trọng nên dân chủ mà chúng ta đang ủng hộ."

Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi ông Erdogan bảo đảm rằng những cuộc điều tra và truy tố những người gây nên cuộc đảo chính phải được tiến hành theo cách củng cố niềm tin của công chúng vào những định chế dân chủ và pháp trị. - VOA
|
|

2.
Tòa Hong Kong nói Joshua Wong có tội

Một tòa tại Hong Kong kết luận nhà hoạt động sinh viên Joshua Wong có tội khi tham gia vào một vụ tụ tập trái luật.

Wong và hai người khác trèo qua hàng rào vào sân trước của tòa nhà chính quyền Hong Kong vào ngày 26 tháng 9 năm 2014.

Việc họ bị bắt đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ qui mô lớn và gây ngưng trệ tại nhiều khu vực của thành phố trong hơn hai tháng.

Phong trào biểu tình kêu gọi Bắc Kinh cho phép bầu cử hoàn toàn tự do đối với các chức vụ lãnh đạo của thành phố bán tự trị.

Nhiều người ở Hong Kong cảm thấy trưởng quan hành chính Hong Kong - hiện đang được lựa chọn bởi một ủy ban bầu cử 1.200 thành viên bị xem là thân Bắc Kinh - nên được lựa chọn bởi một cuộc bỏ phiếu dân chủ.

Vào giữa tháng Mười Hai năm 2014 cảnh sát dỡ bỏ các khu chiếm đóng của người biểu tình và phía ủng hộ dân chủ không đạt được sự nhượng bộ từ Bắc Kinh.

Wong, 19 tuổi, trở thành gương mặt của phong trào được phát động bởi phần lớn thanh niên ở Hong Kong.

Wong đối diện bản án lên đến năm năm tù mặc dù không bị ghép tội kích động.

Alex Chow cũng bị tòa nói có tội "tham gia vào việc tụ tập trái pháp luật" và Nathan Law bị kết tội "kích động người khác tham gia vào tụ tập trái pháp luật".

Cả ba đều được tại ngoại sẽ bị tuyên án vào ngày 15 tháng Tám. - BBC
|
|

3.
Mỹ phong tỏa quỹ 1 tỉ USD của Malaysia

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã quyết định phong tỏa hơn 1 tỉ USD từ quỹ 1MDB của nhà nước Malaysia.

Bộ này cáo buộc đây là quỹ "đen" và mặc dù không nêu tên trực tiếp Thủ tướng Najib Razak, người nằm trong diện nghi vấn có tài khoản bị cáo buộc nhận các khoản tiền rất lớn.

Ông Najib đã từng bác bỏ có việc làm sai trái nào.

Ông Najib lập quỹ 1MDB trong năm 2009 để biến Kuala Lumpur thành một trung tâm tài chính, nhưng quỹ này không thanh toán được nợ trong năm 2015.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc quỹ "đen" cấp tiền cho nhiều cá nhân trong đó có công chức chi tiêu xa hoa cho cuộc sống của họ.

Không có cáo buộc nào là ông Najib chi tiêu tiền nhưng những người gần gũi ông đều bị cáo buộc sử dụng hàng tỷ đô la để mua bất động sản, đồ trang sức, tranh ảnh và nhà cửa sang trọng; đánh bạc; và thuê các nhạc sĩ và những người nổi tiếng đến dự tiệc.

Hồ sơ thụ lý tại tòa ở Los Angeles cáo buộc tiền đó được rửa qua các tài khoản ở Hoa Kỳ.

Nếu vụ kiện thành công, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tịch thu tài sản, bao gồm cả bất động sản ở Mỹ, Anh và Thụy Sĩ.

Số tiền 1 tỉ USD chỉ chiếm một phần trong số tiền đó đã bị cáo buộc chuyển khoản, với tổng số lên hơn 3,5 tỷ USD.

Con trai riêng của ông Najib, Riza Aziz- người sản xuất bộ phim Con sói Wall Street của Leonardo DiCaprio – bị nêu tên trong hồ sơ của tòa án. Một nhà tài chính của Malaysia và hai quan chức chính phủ Abu Dhabi cũng bị nêu tên.

Người phát ngôn của thủ tướng cho biết chính phủ sẽ "hợp tác toàn diện với bất kỳ cuộc điều tra hợp pháp nào đối với các công ty Malaysia hoặc công dân phù hợp với giao thứ Malaysia theo thủ tục quốc tế".

"Như Thủ tướng đã luôn nói, nếu chứng minh được có hành vi sai trái nào thì luật pháp sẽ được thực thi mà không có ngoại lệ."

Quỹ bắt đầu thu hút sự chú ý vào đầu năm 2015 khi mất khả năng thanh toán cho 11 tỉ USD tiền nợ các ngân hàng và trái chủ.

The Wall Street Journal (WSJ) cho biết đã xem được giấy tờ điều tra khoản tiền gần 700 triệu USD được chuyển từ quỹ này vào các tài khoản ngân hàng cá nhân của ông Najib.

1MDB cho biết trong một thông cáo vào năm ngoái rằng họ chưa bao giờ đưa tiền cho Thủ tướng và gọi các cáo buộc này là "vô căn cứ". Quỹ này đã nhiều lần tuyên bố rằng họ có tài sản trị giá lớn hơn các khoản nợ.

Ông Najib từ chối nhận tiền từ 1MDB hoặc bất kỳ từ công quỹ nào. Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Tư pháp Malaysia đã chính thức tuyên bố ông không có các hành vi sai trái nào. - BBC
|
|

4.
Brexit: Tân thủ tướng Anh đến Paris sau khi ghé Berlin

Tân thủ tướng Anh Theresa May đến Paris vào hôm nay 21/07/2016 sau cuộc gặp gỡ với thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm qua tại Berlin. Dĩ nhiên hồ sơ Brexit là trọng tâm cuộc gặp.

Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibaut tường thuật cuộc gặp đầu tiên giữa hai nữ lãnh đạo và đây cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của thủ tướng Theresa May

"May Day" - tín hiệu báo nguy của các phi công, nhưng cũng có nghĩa đen là "ngày của May" là cái tên được đặt cho cuộc gặp vào hôm qua tại Berlin giữa tân thủ tướng Anh Theresa May với đương kim thủ tướng Đức Angela Merkel. Báo chí Đức đã phát họa chi tiết chân dung của nữ thủ tướng Anh và nhấn mạnh trên những điểm tương đồng với đồng nhiệm Đức. Cả hai đều là con gái của mục sư tin lành, đều không có con, gần như cùng lứa tuổi, phong cách giản dị và lên nắm quyền sau một trận địa chấn chính trị trong phe cánh của mình.

Trong cuộc họp báo của hai nữ lãnh đạo, hồ sơ nổi trội đương nhiên là Brexit. Bà Theresa May đã xác nhận là đất nước của bà sẽ không nhanh chóng đưa ra yêu cầu chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Bà giải thích là "sẽ cần thời gian, cần làm việc chi tiết, nghiêm túc. Tôi muốn làm việc với đầu ốc xây dựng. Tất cả mọi người đều cần thời gian và nước Anh sẽ không sử dụng điều khoản 50 để đàm phán về việc ra khỏi Liên Hiệp khi mà các mục tiêu chưa được sáng tỏ".

Bà May cảnh báo là sự kiện trọng đại này sẽ không diễn ra trước cuối năm nay và nói thêm: "Tôi biết là thông báo này sẽ không làm cho mọi người hài lòng, nhưng làm sáng tỏ vấn đề như thế là cần thiết".

Nhiều đối tác của Anh, trong đó có Pháp, muốn một tiến trình nhanh chóng hơn. Riêng bà Angela Merkel đã tỏ ý thông cảm với quan điểm của Luân Đôn, đánh giá là trước hết cần phải có một "quan điểm đàm phán rõ ràng".

Quan điểm này của Đức có lẽ là nguyên do khiến bà Theresa May chọn Berlin cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên trước khi ghé Paris." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Mike Pence chính thức nhận sự đề cử ra làm ứng viên Phó tổng thống --- 'Trump sẽ không đổi chính sách với VN' --- Trung Quốc phẫn nộ với cương lĩnh mới của đảng Cộng Hòa Mỹ --- Bầu cử tổng thống Mỹ: Ngáng đường Trump, Ted Cruz kêu gọi bầu "theo lương tâm"

Thống đốc bang Indiana Mike Pence ra mắt công chúng hôm qua trong tư cách ứng viên phó tổng thống và đọc bài phát biểu nhận sự đề cử vào ngày thứ ba của đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Cleveland. Trong khi đó, các cuộc biểu tình cũng tiếp tục diễn ra bên ngoài sảnh đường đại hội.

Ông Mike Pence ra trước công chúng toàn quốc trên sân khấu của Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa: “Tôi là một người Cơ đốc giáo, một người bảo thủ và một người theo đảng Cộng hòa, theo thứ tự đó.”

Ông Pence là một đảng viên bảo thủ truyền thống có thể giúp thuyết phục các đảng viên Cộng hòa hậu thuẫn cho ông Donald Trump trong tư cách người được đảng đề cử.

Ông Pence nói: “Đội ngũ này đã sẵn sàng, đảng chúng ta đã sẵn sàng và khi chúng ta bầu cho ông Donald Trump lên làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, cùng nhau chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Những dấu hiệu của sự rạn nứt trong đảng vẫn còn rõ trong ngày hôm qua. Thống đốc bang Texas Ted Cruz, người đã thua ông Trump sau một cuộc tranh đua sơ bộ gay gắt, kêu gọi các đảng viên Cộng hòa đi bỏ phiếu vào tháng 11, nhưng đã không chính thức ủng hộ ông Trump, khiến một số đại biểu la ó phản đối. Ông Cruz nói:

“Hãy lên tiếng và bỏ phiếu theo công tâm của mình, hãy bỏ phiếu cho các ứng viên có tên trên danh sách mà quý vị tin tưởng sẽ bảo vệ cho nền tự do của chúng ta và trung thành với hiến pháp!”

Bên ngoài hội trường, đã diễn ra thêm các cuộc biểu tình trong ngày hôm qua khi một số người bị cảnh sát bắt vì đã đốt cờ.

Một quang cảnh có phần trầm lặng hơn diễn ra ở Quãng trường Công cộng của Cleveland, nơi những người biểu tình nhiệt thành từ khắp nơi trong nước tụ tập suốt tuần để ủng hộ cho nhiều chính nghĩa khác nhau.

Một số đến đây để phản đối kế hoạch của ông Trump muốn xây một bức tường biên giới với Mexico, trong khi những người khác lên tiếng ở cả hai bên của cuộc tranh luận về quyền của người đồng giới kể cả những người chống đối như người này:

“Chúa phẫn nộ mỗi ngày vì sự xấu xa của quý vị.”

Một người ủng hộ lên tiếng:

“Họ muốn nói gì thì nói. Tôi vẫn ở đây. Tôi không sợ gì phải ra mặt ở đây.”

Đối với một số người, điều quan trọng là tham gia vào cuộc biểu tình, chẳng hạn như cô Marni Halasa, người chỉ trích ông Trump. Cô nói:

“Tôi nghĩ mọi việc sẽ yên ổn. Tôi đã lo lắng về việc đến đây. Tôi rất lo lắng. Nhưng nay tôi đã có mặt ở Quảng trường Công cộng này và nói chuyện với rất nhiều người mà không sao cả.”

Đối với ông Jesse Gonzalez, vấn đề quyền mang súng cũng là điều quan trọng.

“Tôi hy vọng thuyết phục mọi người, trước hết, bỏ phiếu cho ông Donald Trump và thứ nhì, tìm cách tranh đấu để bảo vê quyền trong tu chính án số 2 trong hiến pháp của chúng ta.”

Anh John ở Cleveland không thích cả hai ứng cử viên chính:

“Tôi muốn bày tỏ sự bất bình về việc chọn lựa của cả hai đảng lớn, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. Tôi nghĩ đó là một điều rất khó chịu, và chúng ta nên lấy làm hổ thẹn.”

Nhưng ứng cử viên độc lập Vermin Supreme tuyên bố ông sẵn sàng có mặt.

“Tôi nghe chừng có một cảm giác rất mãnh liệt ở đây là 'bất cứ ai ngoài ông Trump,' và tôi chính là người ấy.”

Trở lại hội trường, ông Donald Trump đã sẵn sàng nghe bài phát biểu của ông Pence và nay đang chuẩn bị đọc bài phát biểu quan trọng nhất của ông cho đến giờ này, đó là bài phát biểu chấp nhận sự đề cử của đảng vào tối nay. - VOA

***
Ứng viên Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa của Mỹ, ông Donald Trump, sẽ không thay đổi chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam, quốc gia được cho là quan trọng trong khu vực châu Á, theo một cố vấn của ông này.

Hôm 20/7, trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu dưới chính quyền của ông Trump, mối quan hệ mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát triển với Việt Nam có bị thay đổi hay không, ông Peter Navarro, cố vấn chính trị của ông Trump, nói:

"Chúng tôi chưa có một cuộc thảo luận nội bộ về vấn đề đó," ông Navarro nói với phóng viên Vincent Ni, người có mặt tại Cleveland, Hoa Kỳ, để đưa tin về chiến dịch tranh cử của tỷ phú Mỹ.

"Thế nhưng tôi không thể tưởng tượng vì sao lại thay đổi.

"Việt Nam là một quốc gia quan trọng và tôi chờ đợi các mối quan hệ ấm áp với Việt Nam và tốt cả các quốc gia khác ở châu Á với chính quyền của Trump."

'Đang bị bắt nạt'

Và ông Navarro, người đồng thời là một Giáo sư về kinh tế, nói thêm với BBC:

"Ông Trump là một doanh nhân tự do.

"Ông ấy hiểu tầm quan trọng của thương mại với phần còn lại của thế giới về mặt thịnh vượng.

"Chỉ có điều là phải tiến hành việc đó trên cơ sở bình đẳng.

"Việt Nam là một phần của châu Á, quốc gia này đang rời khỏi Trung Quốc vì Trung Quốc đang 'bắt nạt'.

"Và tôi tin là chính quyền của Trump sẽ muốn có các liên minh kinh tế và chiến lược mạnh mẽ vì hòa bình và thịnh vượng," cố vấn của ông Trump nói với BBC trong khuôn khổ một cuộc trao đổi về châu Á hôm thứ Tư, trong đó có liên quan tới an ninh Đông Á, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Bắc Hàn.

Peter Navarro là một chuyên gia kinh tế, gần đây viết cuốn sách về Trung Quốc, Crouching Tiger: What China’s Militarism Means for the World. - BBC

***
Đảng Cộng Hòa Mỹ cần chấm dứt những cáo buộc "vô căn cứ" nhắm vào Trung Quốc khi cho rằng Bắc Kinh chiếm đóng Biển Đông một cách bất hợp pháp, tiến hành một cuộc "diệt chủng nhắm" vào Tây Tạng và Tân Cương. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 20/07/2016 phản ứng như trên sau khi đảng Cộng Hòa Mỹ công bố cương lĩnh mới nhân Đại hội vừa kết thúc tại Cleveland.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc được Tân Hoa Xã trích dẫn cho rằng đảng Cộng Hòa Mỹ, đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc khi đưa ra "những cáo buộc nhắm vào Trung Quốc về Đài Loan, Tây Tạng, mậu dịch và Biển Đông (…) Tất cả các đảng phái chính trị của Hoa Kỳ nên nhìn đánh giá phát triển của Trung Quốc một cách khách quan, hợp lý và nên nhìn nhận một cách đúng đắn về những vấn đề trong quan hệ song phương".

Bắc Kinh mong "các bên liên quan chấm dứt những cáo buộc chống Trung Quốc, ngưng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này và đóng góp nhiều hơn để thúc đẩy  sự tin cậy và hợp tác" Mỹ-Trung.

Khai mạc Đại hội tại Cleveland, bang Ohio, miền đông Hoa Kỳ ngày 18/07/2016, đảng Cộng Hòa công bố cương lĩnh mới, chỉ trích Trung Quốc đã có những tuyên bố "lố bịch" đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông với mục đích đánh lạc hướng công luận về những khó khăn kinh tế nội địa.

Liên quan đến vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, đảng này cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang thực sự tiến hành một cuộc "diệt chủng" để tiêu diệt văn hóa của hai vùng đất này.

Sau cùng, đảng Cộng Hòa Mỹ khẳng định là sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, để giúp Đài Bắc. Trung Quốc tới nay vẫn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. - RFI

***
Trong đêm thứ ba của kỳ Đại hội đảng Cộng Hòa, ngày 20/07/2016, ông Ted Cruz, cựu địch thủ của nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ, đã giáng một đòn vào ứng viên chính thức của đảng Cộng Hòa khi kêu gọi cử tri của đảng bỏ phiếu "theo lương tâm" trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016. Lời kêu gọi đã bị các đại biểu của đảng la ó phản đối gay gắt.

Trong bài diễn văn dài, được AFP trích dẫn, thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz phát biểu: "Nếu bạn yêu đất nước mình và yêu các con mình như tôi yêu các bạn, thì hãy đứng dậy, phát biểu và bỏ phiếu theo lương tri của mình". Ông nói thêm: "Hãy bầu cho những ứng viên mà bạn tin tưởng để bảo vệ các quyền tự do và tôn trọng Hiến Pháp".

Theo AFP, bằng cách không kêu gọi rõ ràng đảng viên Cộng Hòa bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Ted Cruz đã phạm phải một sai lầm trong kỳ đại hội quan trọng để bầu ra ứng viên chính thức và để thể hiện tinh thần "đoàn kết" của đảng Cộng Hòa. Vì theo giới chính trị gia, ông Ted Cruz đã sẵn sàng cho những tham vọng tranh cử vào Nhà Trắng diễn ra vào năm 2020.

Vào cùng ngày, trong một bài diễn văn tại Cleveland, ông Mike Pence, 57 tuổi, đã chính thức chấp nhận đứng liên danh với ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa.

Làm thống đốc bang Indiana từ năm 2013 và từng là đại biểu Quốc Hội, ông Mike Pence nổi tiếng là một chính trị gia bảo thủ trong cánh hữu thiên chúa giáo và khá nổi tiếng trên tầm quốc gia.

Ông Mike Pence đã không tiếc lời ca ngợi nhà tỷ phú Donald Trump là "một người đàn ông không bao giờ bỏ cuộc, một người có tinh thần tranh đấu, một người thắng cuộc. Cho tới giờ, một mình ông chống lại tất cả, nhưng tuần này, đảng chúng ta đã thống nhất, ủng hộ ông và ngày 08/11 tới đây, tôi biết rằng chúng ta sẽ bỏ phiếu cho Donald Trump trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ". - RFI
|
|

6.
Tàu chiến Mỹ lần đầu cập cảng New Zealand kể từ những năm 80

Một tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ đến thăm New Zealand vào cuối năm nay, và sự kiện này chấm dứt bế tắc kéo dài 30 năm qua về chính sách phi hạt nhân của quốc gia Nam Thái Bình Dương này.

Trong một cuộc họp báo chung hôm thứ Năm với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thăm New Zealand, Thủ tướng John Key thông báo Washington đã nhận lời mời tham gia nhân dịp kỷ niệm 75 năm của Hải quân Hoàng gia New Zealand vào tháng 11 tới.

Chưa có tàu chiến hải quân nào của Mỹ cập cảng của New Zealand kể từ giữa những năm 1980, khi chính sách phi hạt nhân của nước này bắt đầu có hiệu lực. Vì Mỹ không xác nhận mà cũng không phủ nhận liệu tàu của mình có phải chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chở theo vũ khí hạt nhân hay không, tất cả những tàu hải quân của Mỹ trên thực tế vẫn bị cấm vào vùng biển của New Zealand.

Cả Mỹ và Úc đều coi chính sách của New Zealand là một sự vi phạm hiệp ước hợp tác phòng thủ ba bên ANZUS, và Washington đã đình chỉ những nghĩa vụ của mình theo hiệp ước ANZUS với New Zealand vào năm 1986.

Dù có mối rạn nứt, hai nước vẫn duy trì mối quan hệ ngoại giao gần gũi, và New Zealand đã hỗ trợ những nỗ lực quân sự do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan và Iraq.

Ông Biden nói lời mời này là "một biểu hiện nữa của mối quan hệ gần gũi và mang tính hợp tác của chúng ta."

Luật của New Zealand yêu cầu Thủ tướng Key phải bảo đảm rằng tàu hải quân của nước ngoài là phi hạt nhân trước khi chấp thuận cho đến thăm nước này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Xử Trịnh Xuân Thanh 'cứu niềm tin chế độ' [LMN: được biết ông Thanh nằm trong phe ông Dũng và ông Trọng đang muốn phăng lên từ đầu mối này]

Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát đang điều tra ông Trịnh Xuân Thanh theo chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lúc cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận với BBC rằng vụ này nhiều khả năng sẽ được xử đến nơi đến chốn.

Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hậu Giang đã bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội sau khi bị Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận “có nhiều khuyết điểm, vi phạm”.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị báo chí đưa tin hồi tháng 5/2016 khi phát hiện chiếc xe Lexus 570 biển số xanh (xe công vụ) chở ông Thanh.

Sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo điều tra những sai phạm dẫn đến thất thoát 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Bộ Công an đã giao Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát vào cuộc.

Báo VnEconomy dẫn lời Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an hôm 20/7: “Chúng tôi không nể nang gì cả. Nói vậy nhưng tất nhiên sức ép trong quá trình điều tra là có, khó khăn là có nhưng đã là công tác điều tra thì phải tuân thủ pháp luật”.

“Lãnh đạo Bộ đã có chỉ đạo, quán triệt, sẽ có sử dụng bộ máy kiểm tra, thanh tra để đảm bảo việc này.”

‘Niềm tin vào chế độ’

Trả lời BBC hôm 21/7, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam phân tích: “Thường thì Tổng bí thư chỉ chỉ đạo đường lối chung, nhưng riêng vụ Trịnh Xuân Thanh thì ông đã nói cụ thể nên tôi tin rằng người ta sẽ làm tới và bóc tách ra những vụ khác, với mức độ sai phạm còn nghiêm trọng hơn”.

“Vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến nhiều vấn đề: tiêu cực, cơ chế và thể chế còn lỗ hổng, nạn chạy chức, chạy quyền, thậm chí chạy cả danh hiệu ‘Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới’...”.

“Dự kiến quá trình điều tra có thể kéo dài, vì vụ việc có liên quan đến những cán bộ bổ nhiệm và cơ quan trung ương, vì những danh hiệu như ‘Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới’ thì cấp cơ sở không thể làm được”.

Luật sư Thuận cho biết thêm: “Những vụ án như Trịnh Xuân Thanh và tham nhũng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam phải được xử thật nghiêm minh thì mới cứu vãn được niềm tin vào chế độ mà ngay cả những Đảng viên như tôi cũng thấy là đang suy giảm”.

“Việc Tổng bí thư chỉ đạo xử lý các vụ án nổi cộm này cho thấy dấu hiệu có dính líu đến những quan chức cấp cao mà nếu không có chỉ đạo từ người đứng đầu của Đảng thì quá trình điều tra dễ bị cản trở và có những nút thắt khó gỡ”, ông Thuận nói với BBC. - BBC
|
|

8.
Đối lập Malta đòi làm rõ vụ hộ chiếu nữ dân biểu VN

Đảng đối lập chính của Malta đã kêu gọi thủ tướng nước này phải giải thích rõ vì sao một cựu đại biểu quốc hội Việt Nam lại có thể được cấp hộ chiếu của nước này.

Báo chí Malta dẫn lời thông cáo của Đảng Dân tộc nói rằng Thủ tướng Joseph Muscat “không thể tiếp tục giữ im lặng” về vụ việc liên quan tới bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sau khi nữ doanh nhân này bị tước tư cách đại biểu quốc hội Việt Nam. 

Theo truyền thông Malta hôm 21/7, đảng đối lập này cáo buộc rằng việc cấp hộ chiếu cho bà Hường đã không được cân nhắc kỹ càng.

Truyền thông của quốc đảo nằm ở châu Âu còn đưa tin thêm rằng không chỉ cựu nữ đại biểu quốc hội Việt Nam, mà cả gia đình bà đã có quốc tịch Malta. 

Báo chí Việt Nam hôm 17/7 đưa tin Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp đột xuất và đưa ra quyết định không xác nhận tư cách đại biểu quốc hội đối với bà Hường.

Theo Văn phòng Quốc hội, lý do là bà vi phạm Luật Quốc tịch của Việt Nam, khi có thêm quốc tịch Malta mà không kê khai trong hồ sơ ứng cử.

Nữ doanh nhân 46 tuổi này là chủ tịch Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chuyên đầu tư vào các khu công nghiệp.

Năm 2014, Malta bắt đầu chương trình Nhà đầu tư cá nhân, trao quốc tịch cho các công dân nước ngoài. - VOA
|
|

9.
Trung Quốc thúc đẩy du lịch đến Biển Đông

Trong vòng 5 năm tới, sẽ có đến 8 chiếc tàu của Trung Quốc đưa du khách đến Biển Đông, trng khi đó, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy du lịch đến những khu vực đang tranh chấp tại vùng biển này.

Nhật báo chính thức Trung Quốc bằng Anh ngữ China Daily hôm nay, 21/07/2016, cho biết công ty Phát triển Du lịch Quốc tế Tam Á sẽ mua từ 5 đến 8 chiếc tàu. Tam Á là công ty liên doanh giữa Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc (COSCO), Tập đoàn dịch vụ du lịch quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn xây dựng truyền thông Trung Quốc.

Các tàu du lịch của công ty Tam Á dự trù sẽ đưa khách đến nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam vào năm 1974. Hiện giờ công ty Tam Á đã sử dụng một tàu mang trên “Dream of South China Sea”  và sẽ thêm 2 tàu du lịch vào mùa hè tới. Theo tờ China Daily, các khách sạn, biệt thự và cửa hàng sẽ được xây dựng trên nhóm đảo Lưỡi Liềm.

Công ty Tam Á còn dự trù một chuyến du lịch vòng quanh Biển Đông “vào một thời điểm thích hợp”. Ngoài ra, họ cũng sẽ xây các 4 cảng để tàu du lịch neo đậu ở Tam Á, thành phố nghỉ mát ở miền Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Ngay từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu đưa du khách đến tham quan quần đảo Hoàng Sa. Vào tháng trước, báo chí Trung Quốc loan tin nước này sẽ mở các chuyến du lịch đầu tiên tới quần đảo Trường Sa trước năm 2020. Bắc Kinh cũng đã từng tuyên bố muốn xây dựng các khu nghỉ dưỡng kiểu Maldives ở vùng Biển Đông. - RFI

No comments:

Post a Comment