Friday, July 8, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 7/7

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Chiến hạm Mỹ lại tuần tra gần các đảo Trung Quốc kiểm soát --- Trung Quốc cảnh báo Mỹ về Biển Đông --- Kêu gọi 'hạ nhiệt' ở Biển Đông

Tờ Navy Times hôm nay, 07/07/2016, trích dẫn một quan chức quốc phòng Mỹ, cho biết là các khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ trong hai tuần qua đã tuần tra gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông. Các cuộc tuần tra này được tiến hành vào lúc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông.

Cụ thể, ba khu trục hạm Stethem, Spruance và Momsen đã tuần tra ở những khu vực cách bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa từ 14 đến 20 hải lý. Khoảng cách này cho thấy đây không phải là những cuộc tuần tra nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải. Theo Navy Times, một cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải, trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo, phải có sự chấp thuận của cấp cao hơn.

Ngày 20/06 vừa qua, hải quân Mỹ đã loan báo là ba khu trục hạm nói trên đang tiến hành các chiến dịch ở Biển Đông nhằm bảo đảm an ninh hàng hải và ổn định cho toàn bộ các quốc gia, nhưng không nói rõ địa điểm hoạt động.

Đối với Bắc Kinh, mọi cuộc tuần tra của chiến hạm Mỹ trong phạm vi 12 hải lý là một sự xâm phạm lãnh hải. Theo các chuyên gia quân sự, tuần tra bên ngoài phạm vi này sẽ không có nhiều nguy cơ đụng độ, nhưng cũng là hình thức bày tỏ quyết tâm của Washington đối với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, vào lúc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vào ngày 12/07 tới sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông.

Các quan chức Mỹ khẳng định các cuộc tuần tra mới của ba khu trục hạm nói trên và của đội hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông là nằm trong khuôn khổ sự hiện diện bình thường của hải quân Mỹ ở vùng tây Thái Bình Dương. Nhưng các cuộc tuần tra này diễn ra vào lúc quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 05/07 đến 11/07/2016. - RFI

***
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ Tư 6/7, trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về Biển Đông và cảnh báo các động thái của Washington vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, hãng tin Tân Hoa Xã nói.

Tân Hoa Xã tường thuật ông Vương Nghị lặp lại sự phủ nhận của Trung Quốc với phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, gọi phiên tòa là "trò hề" và nên kết thúc.

Tòa trọng tài có trụ sở tại The Hague, sắp ra phán quyết vào Thứ Ba 12/7, gây gia tăng lo ngại sẽ có căng thẳng trong khu vực.

Các quan chức Hoa Kỳ nói nếu Trung Quốc kiên định với lập trường phớt lờ phán quyết, phản ứng của Hoa Kỳ có thể là gia tăng các cuộc tuần tra tự do hàng hải gần khu vực các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng là tuyến đường hàng hải thương mại của thế giới.

Trong cuộc điện thoại với ông Kerry, ông Vương Nghị "cảnh báo Hoa Kỳ tôn trọng cam kết không theo bên nào với các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, hãy khôn ngoan với hành động và lời nói, và không có bất cứ hành động nào vi phạm đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc," hãng tin Tân Hoa Xã nói.

Ông Vương nói bất chấp phán quyết của tòa trọng tài, Trung Quốc sẽ "kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải hợp pháp và kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định".

Ông Vương cũng nói quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nói chung đang đi đúng quỹ đạo và hai bên nên tập trung xa hơn vào hợp tác đồng thời giải quyết đúng đắn những khác biệt.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry xác nhận ông có điện đàm với ông Vương.

"Hai người bàn luận về lợi ích chung. Chúng tôi sẽ không cho biết thêm chi tiết về cuộc đối thoại ngoại giao riêng tư này," Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Gabrielle Price nói.

Trung Quốc giận dữ vì các cuộc tuần tra của Hoa Kỳ trên Biển Đông vài tháng qua, và hôm thứ Ba 5/7 đã khởi động một cuộc tập trận mà Bộ Quốc phòng nước này gọi là "theo thông lệ".

Hôm thứ Ba 5/7, Bắc Kinh tìm cách giảm nhẹ những lo ngại xung đột trong khu vực Biển Đông sau khi một tờ báo có ảnh hưởng nói Bắc Kinh nên chuẩn bị đối đầu quân sự.

Các quan chức Hoa Kỳ nói họ lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng với phán quyết của tòa The Hague bằng cách tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, như đã từng làm ở biển Hoa Đông vào năm 2013, và tiến thêm một bước trong việc bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng thêm. - BBC

***
Các ngoại trưởng khu vực đang chuẩn bị kêu gọi tất cả các bên tăng nỗ lực để xuống thang, hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông khi họ nhóm họp tại một hội nghị an ninh Asean quan trọng vào cuối tháng này tại Lào, nguồn tin ngoại giao cho hãng tin Kyodo của Nhật Bản hay hôm 07 tháng Bảy.

Các nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (Asean) sẽ nhóm họp trong sự kiện này, cùng với hơn một chục nước khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Hội nghị được dự kiến sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì ổn định trong vùng biển khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, một dự thảo tuyên bố mà nguồn tin Kyodo tiếp cận được cho biết.

Diễn đàn Khu vực Asean năm nay diễn ra vào một thời điểm đặc biệt tế nhị.

Sự kiện sẽ diễn ra chỉ hai tuần sau khi một tòa án quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện mà trong đó Philippines thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Dự thảo tuyên bố mới nhất của của người chủ trì hội nghị dự kiến được đưa ra sau khi cuộc họp nhóm vào ngày 26 tháng Bảy.

Quan hệ gần gũi

Dự thảo được cho là sẽ tuyên bố rằng hội nghị "đã lưu ý" về những quan ngại mà "một số ngoại trưởng" lên tiếng về các tuyên bố của Trung Quốc và các diễn biến khác trên Biển Đông.

Tuy nhiên, dự thảo sẽ không đề cập và gọi tên bất kỳ quốc gia nào nêu 'quan ngại', theo các nguồn tin từ Asean mà Kyodo biết được.

Dự thảo được Lào, nước chủ tịch luân phiên Asean năm nay, chấp bút.

Đây là khối mười quốc gia ở khu vực mà trong đó có một số thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc.

Phản ánh tính thân cận của các thành viên này với Trung Quốc, dự thảo được cho là cũng sẽ nói rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nên được các "quốc gia hữu quan" giải quyết thông qua biện pháp hòa bình.

Trung Quốc đưa ra lập trường cho rằng các tranh chấp nên được giải quyết mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ hoặc can thiệp nào từ các bên không tuyên bố chủ quyền.

Theo đó, Trung Quốc nhiều lần nói rằng Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague không có thẩm quyền đối với vụ kiện mà Philippines đệ đơn vào năm 2013.

Và Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết mà tòa án sắp đưa ra vào thứ Ba tới.

Trong lúc nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết này sẽ bất lợi cho Trung Quốc, hành động pháp lý của Philippines đã nhận được sự ủng hộ của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, các nước xem vụ kiện như một bước tiến trong việc giải quyết bất đồng thông qua luật pháp quốc tế. - BBC
|
|

2.
Gia đình Hun Sen có tài sản lên đến 200 triệu đôla

Một cuộc điều tra do tổ chức Global Witness có trụ sở tại London phát hiện một mạng lưới công ty phức tạp của Campuchia có giá trị khoảng 200 triệu đôla, liên hệ đến gia đình của Thủ tướng chuyên quyền Hun Sen. Từ Pnom Penh, Thông tín viên Luke Hunt của VOA gửi về bài tường thuật.

Phúc trình có tên là Hostile Takeover cho biết “Đây chỉ là phần nổi của một tảng băng”.

Phúc trình không bao gồm những bất động sản khổng lồ của gia đình Hun Sen nhưng trích lời các chuyên gia cho rằng giá trị tài sản của gia đình Hun Sen có thể lên tới từ 500 triệu đôla đến 1 tỉ đôla.

Đây là một tài sản khổng lồ so với số tiền 13.800 đôla một năm ông Hun Sen nói ông nhận được trong cương vị thủ tướng và lãnh tụ của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP).

Khoảng cách giàu nghèo

Khoảng 40% dân chúng Campuchia sống gần hay dưới mức nghèo khổ, 40% trẻ em bị suy dinh dưỡng và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là một vấn đề xã hội nghiêm trọng.

Phúc trình mới công bố cho biết hai người con trai lớn Manet và Many cùng với bà Bun Rany, vợ ông Hun Sen, hiện đứng đầu Hội Chữ thập Đỏ Campuchia, ít che giấu những quan hệ chính trị và thường được đề cập đến như là “cánh nhân đạo” của CPP.

Tuy nhiên chính bà Mana, con gái lớn nhất của gia đình Hun Sen, nổi lên như là người thành công nhất trong gia đình. Bà là một trong hai người mà công ty của họ kiểm soát cả 3 ngành truyền thông chính là truyền hình, truyền thanh và báo chí. Người kia là Thượng nghị sĩ Ly Yong Phat thuộc đảng CPP, một đồng minh thân cận của ông Hun Sen.

Tổ chức Global Winess nói “Hostile Takeover vạch trần một mạng lưới khổng lồ về những giao dịch bí mật và tham nhũng làm cơ sở cho 30 năm cai trị độc tài bằng thủ tiêu, tra tấn và bỏ tù những đối thủ chính trị của ông.”

Gia đình Hun Sen có liên hệ với hàng chục công ty

Phúc trình cho thấy gia đình Hun Sen có liên hệ đến 114 công ty trong hầu hết các lãnh vực của nền kinh tế Campuchia bao gồm hầm mỏ, nông nghiệp, điện lực cho đến truyền thông, may mặc, lâm nghiệp và chuyên chở.

Trong số này có 103 công ty do người thân trong gia đình Hun Sen làm chủ tịch, trong khi 44 công ty khác những thân nhân của ông  Hun Sen là chủ nhân có thế lực với tối thiểu 5% cổ phần, và 33 công ty trong đó một người thân trong gia đình là chủ nhân duy nhất.

Phúc trình cho biết là nhiều công ty có liên hệ đến những công ty quốc tế như Apple, Visa, Procter & Gamble, Tommy Hilfiger và Polo Ralph Lauren và nhiều dữ liệu khác thu thập được trên Internet cho thấy có nhiều công ty liên hệ đến những công ty quốc doanh. Tuy nhiên việc tiếp cận những dữ liệu này bị hạn chế.

Ông Patrick Alley, đồng sáng lập Global Withess, nói: “Con số 200 triệu đôla phản ánh trị giá được liệt kê của những công ty và chúng tôi tin là con số thực sự còn cao hơn nữa vì một vài lý do”.

Ông Patrick Alley nói tiếp: “Một trong những lý do là giá trị tài sản được liệt kê, là giá trị khi công ty được thành lập, và hiện nay giá trị này cao hơn nhiều và chúng tôi chỉ đề cập đến những công ty mà chúng tôi thấy có những mối liên hệ. Và chúng tôi tin là gia đình Hun Sen sở hữu nhiều công ty được che giấu sau những giám đốc được bổ nhiệm, những công ty do những người vô danh làm chủ mà chúng tôi chỉ có thể tìm cách phát hiện mà thôi. Trong nhiều năm, chúng tôi nghe đến con số từ 500 triệu đôla đến 1 tỷ đôla nhưng chúng tôi không thể kiểm chứng được việc này”.

Đàn áp đối lập

Phúc trình đề cập đến một điểm quan trọng tại Campuchia, nơi những người ủng hộ Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập bị bắt bớ tùy tiện và bị giam cầm. Năm ngoái, hai thành viên quốc hội của đảng Cứu quốc Campuchia bị hành hung bên ngoài quốc hội Campuchia.

Việc đàn áp của Đảng CPP diễn ra khi cả hai đảng bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch bầu cử thôn xã vào thời điểm này trong năm và cuộc tổng tuyển cử một năm sau đó.

Ông Hun Sen và đảng CPP của ông bị choáng váng vì kết quả ngược lại với dự tính của đảng trong cuộc bầu cử vào năm 2013, khi đảng cầm quyền chỉ chiếm một đa số ít ỏi vào lúc Đảng Cứu quốc Campuchia cho rằng chính phủ gian lận bầu cử bằng cách đe dọa cử tri bầu theo ý của đảng.

Cảnh báo đối với các doanh nhân nước ngoài

Ông Stephen Peel, một cựu thành viên của công ty tư TPG Capital và là một thành viên Hội đồng Quản trị của Global Witness, nói quá nhiều giới chức công ty xem tham nhũng như là một thách thức pháp lý và là một vấn đề cần phải luồn lách so với việc giao dịch đứng trên quan điểm đạo đức và luân lý.

Ông Peel nói: "Các công ty phải suy nghĩ kỹ càng trước khi bắt đầu có những mối giao dịch về mặt kinh doanh, dù đó là đầu tư hay liên doanh hay những thỏa thuận cấp quyền kinh doanh, thỏa thuận phân phối, với những chế độ như thế này".

Phúc trình nêu lên những cáo buộc là gia đình ông Hun Sen có liên hệ đến tội phạm.

Hostile Takeover cũng đề cập đến ông Hun To, cháu trai của ông Hun Sen. Ông này phủ nhận những cáo buộc là ông có liên hệ đến buôn lậu ma túy và rửa tiền nhắm vào Australia.

Phúc trình cho biết “Trong gia đình ông Hun Sen, có nhiều người từng bị tố cáo là có dính líu trong các hoạt động buôn lậu ma túy trị giá 1 tỉ đôla, các vụ nổ súng, lái xe gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy, chiếm đất đai khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, khiến dân chúng vùng quê Campuchia lâm vào cảnh cơ hàn”.

Không thể tiếp xúc với phát ngôn viên chính phủ để yêu cầu bình luận về việc này, Global Witness cho biết đã gởi thư cho 25 thân nhân trong gia đình của thủ tướng để yêu cầu trả lời. Global Witness nhận được một câu trả lời, nhưng câu trả lời này không đáp ứng bất kỳ cáo buộc nào.

Global Witness nói phúc trình này là một cảnh báo đối với các nhà đầu tư, hối thúc họ nên hết sức cẩn trọng tại Campuchia và hãy báo cáo bất cứ chứng cớ nào về các hành vi tham nhũng với giới hữu trách quốc tế. Phúc trình của Global Witness còn kêu gọi gia đình Hun Sen hãy công bố công khai và đầy đủ những tài sản của họ. - VOA
|
|

3.
Philippines không muốn ‘chiến tranh’ với Trung Quốc

Tân Tổng thống Rodrigo Duterte mới nói rằng chiến tranh là từ “bẩn thỉu”, và nếu Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết nghiêng về Philippines, Manila sẽ tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc.

Phát biểu trước lực lượng không quân hôm 5/7, người được mệnh danh là ‘Donald Trump’ của Philippines nói: “Nếu nó có lợi cho cho chúng ta, chúng ta sẽ đàm phán. Chúng ta không chuẩn bị để giao chiến”.

Ông Roilo Golez, cựu dân biểu đồng cố vấn an ninh quốc gia Philippines, nói với VOA Việt ngữ về không khí ở nước ông trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc đi tới quyết định vào ngày 12/7.

“Tất nhiên, mọi người dân Philippines đều ngóng chờ. Chúng tôi đều lạc quan rằng phán quyết nhìn chung sẽ ngả về Philippines. Chúng tôi không kỳ vọng tòa ra phán quyết ủng hộ chúng tôi 100%, nhưng chờ đợi nó sẽ có lợi cho Philippines”.

Ông cho biết rằng chính phủ Philippines thông báo sẽ “tôn trọng phán quyết” cho dù nó bất lợi hay có lợi cho chính quyền Manila.

Trong khi đó, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 6/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ hy vọng rằng chính quyền của ông Duterte sẽ “từ bỏ việc sai trái” của chính quyền tiền nhiệm, và quay trở lại bàn đàm phán.

Khi được hỏi về quan hệ Hà Nội và Manila sắp tới, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines nói rằng ông nghĩ mối bang giao vẫn sẽ được duy trì như dưới thời của tổng thống tiền nhiệm nước này, ông Benigno Aquino.

Ông Golez nói:

“Tôi không thấy có lý do gì mà quan hệ song phương không tốt đẹp như trong thời kỳ của chính quyền trước. Có nhiều thứ chúng tôi có thể học được từ Việt Nam vì Việt Nam đương đầu với Trung Quốc hơn một nghìn năm qua, nhất là cuộc hải chiến năm 1988, và mới nhất là cuộc đối đầu quanh giàn khoan dầu hai năm trước”.

Ông cho rằng Việt Nam cũng đang nóng lòng chờ đợi quyết định của Tòa Trọng tài vì Hà Nội cũng “hưởng lợi từ một phán quyết có lợi cho Philippines”.

Theo nhận định của giới quan sát, khi ông Aquino còn nắm quyền, quan hệ Manila và Hà Nội trở nên khá nồng ấm, sau khi Philippines quyết định đưa “tuyên bố đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông ra Tòa năm 2013.

Giữa năm 2014, trong chuyến thăm Manila, cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông “đặc biệt nguy hiểm”, đồng thời khẳng định rằng hai nước sẽ củng cố hợp tác quốc phòng, và “kiên quyết phản đối” Trung Quốc.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới quan hệ Manila và Hà Nội, truyền thông Philippines đưa tin, một tàu chiến của nước này đã hoãn chuyến thăm Việt Nam từ ngày 11 – 15/7, đúng khoảng thời gian Tòa Trọng tài ra phán quyết. - VOA
|
|

4.
Hai phụ nữ ganh đua vị trí lãnh đạo Anh

Hai bà Theresa May và Andrea Leadsom sẽ tranh tài vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh sau khi ông Michael Gove bị loại.

Sau vòng bỏ phiếu thứ hai của các dân biểu Bảo thủ, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May được 199 phiếu, Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom được 84 và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove được 46 phiếu.

Nay các đảng viên Bảo thủ sẽ quyết định ai là người lãnh đạo họ, với kết quả được công bố ngày 9/9 tới.

Người thắng cử cũng sẽ là thủ tướng Anh, và như vậy Anh quốc chắc chắn sẽ có nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử.

Thủ tướng David Cameron đã từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý rút lui khỏi EU (Brexit) mà ông vận động chủ trương Ở lại EU nhưng không thành.

Thoạt đầu tổng cộng có 5 ứng viên cho vị trí của ông Cameron, và các dân biểu Bảo thủ đã bỏ phiếu loại trừ hai vòng để còn hai vị.

Nay là giai đoạn cuối của cuộc tuyển chọn lãnh đạo Bảo thủ. 150.000 đảng viên sẽ phải quyết định xem liệu bà May, người chủ trương Ở lại EU và có quá trình làm việc lâu dài cho chính phủ; hay bà Leadsom, người chủ trương Rút khỏi EU và xuất thân từ lĩnh vực tài chính, là người phù hợp hơn. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Hoa Kỳ trừng phạt Kim Jong-un

Hoa Kỳ lần đầu tiên ra chế tài phạt nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, với cáo buộc ông vi phạm nhân quyền.

Một thông cáo từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ nêu đích danh tên ông Kim phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những vi phạm tại Bắc Hàn.

10 quan chức hàng đầu khác của Bắc Hàn cũng bị đưa vào sổ đen. Hiện chưa có phản ứng gì từ chính phủ Bắc Hàn.

Các lệnh phạt này bao gồm biện pháp đóng băng bất kỳ tài sản cá nhân nào có ở Hoa Kỳ và cấm công dân Mỹ kinh doanh với những người bị nêu tên.

Bắc Hàn đã và đang chịu hàng loạt lệnh thanh trừng phạt do hoạt động hạt nhân của mình nhưng giới phân tích xem động thái mới nhất là việc Hoa Kỳ tăng cường ý muốn cô lập quốc gia này.

"Bắc Hàn dưới quyền lãnh đạo của Kim Jong-un tiếp tục ra tay hết sức tàn ác và gây cảnh nghèo khó cho hàng triệu người dân của mình, trong đó có các vụ giết người, cưỡng bức lao động, và tra tấn," thông báo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói.

Các biện pháp trừng phạt được công bố cùng thời điểm với một phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thống kê các vi phạm tại Bắc Hàn.

Người ta ước tính 80.000 đến 120.000 tù nhân đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Bắc Hàn, nơi thường xảy ra các vụ tra tấn, tấn công tình dục và hành quyết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby thừa nhận các biện pháp trừng phạt nhiều khả năng không có vai trò răn đe với ông Kim.

"Nhưng điều đó không có nghĩa là không làm như vậy là đúng và cũng có nghĩa là chúng tôi nên tiếp tục theo đuổi," ông nói thêm.

Hoa Kỳ từng áp đặt lệnh trừng phạt đối với người đứng đầu nhà nước trong đó có ông Bashar al-Assad của Syria và cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. - BBC
|
|

6.
Cảnh sát Minnesota bắn chết một người đàn ông ngay trong xe --- Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vụ cảnh sát bắn người ở Louisiana

Một người đàn ông đã bị một cảnh sát viên bắn chết trong xe của ông tối 6/7 ở bang Minnesota, miền trung tây nước Mỹ.

Bạn bè và gia đình nói với truyền thông địa phương rằng nạn nhân là môt người da đen 32 tuổi tên Philando Castile. Anh là một nhân viên trường công lập. Anh được xác nhận đã tử vong khi đến bệnh viện. Nhà chức trách chưa chính thức xác nhận danh tính của nạn nhân.

Một phụ nữ và một đứa trẻ 7 tuổi, cũng ở trong xe, đang bị cảnh sát tạm giữ.

Một đoạn video được bạn gái của nạn nhân đăng tải trên mạng, nhưng cảnh sát chưa xác nhận đó là cùng một vụ việc. Người đàn ông trong đoạn video bị bắn, chảy máu, đổ sụp người trên ghế của tài xế khi đoạn ghi hình bắt đầu. Có tiếng nói của người bạn gái cho biết nạn nhân nói với cảnh sát rằng anh có một khẩu súng lục và có mang theo giấy phép sử dụng, cảnh sát bảo anh không được với tay lấy ví. Theo lời người phụ nữ, khi anh này giơ tay lên, anh bị bắn "bốn hoặc năm phát".

Sở cảnh sát St. Anthony, Minnesota, chịu trách nhiệm về cộng đồng ở Falcon Heights, nơi vụ bắn súng xảy ra, đã ra tuyên bố viên cảnh sát trong cuộc đã được cho nghỉ phép có hưởng lương theo quy định "tiêu chuẩn", nhưng không nói thêm chi tiết.

Chỉ một ngày trước, Alton Sterling, một người đàn ông da đen, đã bị cảnh sát ở bang miền nam Louisiana bắn chết. Đoạn video về vụ việc đã lưu hành trên mạng và làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn quốc cũng như các cuộc biểu tình và các buổi cầu nguyện tại thành phố Baton Rouge, thủ phủ bang Louisiana. - VOA

***
Vụ Dân sự Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu cuộc điều tra vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen bên ngoài một tiệm tạp hóa ngày 5/7 ở thành phố Baton Rouge, bang Louisiana.

Thống đốc John Bel Edwards cho hay Bộ Tư pháp sẽ được Cục Điều tra Liên bang FBI và các cơ quan thực thi luật pháp địa phương hỗ trợ.

Ông Edwards hôm 6/7 nói ‘Tôi hết sức quan ngại. Những hình ảnh video ấy gây bức xúc vô cùng.’

Đoạn video Thống đốc Edwards nhắc tới chiếu cảnh một trong hai cảnh sát nổ súng vào ông Alton Sterling, 37 tuổi trong khi ông đã bị cảnh sát kèm chặt người đè xuống đất.

Đoạn video khiến công luận phẫn nộ, đòi sa thải cảnh sát trưởng của thành phố, Carl Dabadie.

Tại một cuộc họp báo, cảnh sát trưởng Debadie nói ‘khi cảnh sát tới, ông Sterling có võ khí’ và cuộc chạm trán phát sinh.’ - VOA
|
|

7.
FBI điều trần tại Quốc hội về vụ rắc rối email của bà Clinton

Các thành viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện đang giận dữ sẽ ráo riết chất vấn Giám đốc FBI James Comey hôm 7/7 về quyết định của ông, không đề xuất cáo buộc hình sự nào đối với bà Clinton liên quan đến việc bà sử dụng một máy chủ email riêng cho công việc của chính phủ thời bà còn là ngoại trường. Bà Clinton gần như chắc chắn được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống.

Ông Comey đã được vời ra điều trần trước Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện, còn Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã được lên lịch ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào tuần tới.

Bà Lynch và ông Comey gặp nhau hôm 6/7, trước khi ông ra điều trần. Bà Lynch cho biết bà sẽ làm theo các khuyến nghị của FBI.

Trong tuyên bố sau khi gặp giám đốc FBI, bà nói: "Tôi đã tiếp nhận và chấp thuận khuyến nghị của họ rằng cuộc điều tra kỹ lưỡng kéo dài cả năm được khép lại và không có cáo buộc nào được đưa ra đối với bất kỳ cá nhân nào nằm trong phạm vi cuộc điều tra".

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng FBI có thể đã thiên vị bà Clinton trong cuộc điều tra.

Sau khi ông Comey công bố quyết định của mình hôm/7, ông Ryan nói công chúng cần biết "như thế nào và vì sao" ông Comey lại đi đến kết luận đó.

Ông Jason Chaffetz, người thuộc đảng Cộng hòa hiện là Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách, cũng chất vấn về quyết định của FBI.

Ông Chaffetz nói: "Khuyến nghị của FBI thật đáng ngạc nhiên và khó hiểu. Những dữ kiện mà Giám đốc Comey nêu ra cho thấy rõ Ngoại trưởng Clinton đã vi phạm luật. Các cá nhân cố ý né tránh pháp luật phải chịu trách nhiệm".

Khuyến nghị của FBI hôm 5/7 dỡ bỏ một rào cản chính trị và pháp lý quan trọng đối với tiến trình ứng cử của bà Clinton.

Khi thông báo quyết định của mình, ông Comey mạnh mẽ khiển trách bà Clinton, người từng là ngoại trưởng từ năm 2009-2013, và các đồng nghiệp của bà tại Bộ Ngoại giao về những việc mà ông gọi là "cực kỳ bất cẩn" khi xử lý các tài liệu mật mà họ gửi cho nhau thông qua một máy chủ email riêng do bà Clinton lập ra tại nhà bà ở New York.

Tuy nhiên, ông Comey cho biết các nhà điều tra FBI, trong cuộc điều tra lớn vào hàng ngàn email của bà Clinton, không thấy có bằng chứng là bà tìm cách vi phạm luật pháp Mỹ một cách "rõ ràng và cố tình". Ông cũng nói "không một công tố viên nào có suy nghĩ hợp lý nào sẽ truy tố một vụ như thế này".

Ông Comey cho biết các điều tra viên không tin rằng các email của bà Clinton đã bị hack bởi các đối tượng nước ngoài, thù địch. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
Giáo dân Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa

Chừng vài ngàn giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ từ trưa đến chiều ngày 7 tháng 7 biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh xả chất độc ra biển gây thảm họa môi trường tác động mạnh đến kế mưu sinh của người dân trong giáo Xứ.

Dân chúng xứ Cồn Sẻ tại xã Quảng Lộc, thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hầu như tất cả sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Tuy nhiên từ khi xảy ra thảm họa môi trường từ tháng tư cho đến nay, họ phải phơi thuyền nằm bờ không thể ra khơi đánh bắt như trước.

Một người dân theo dõi cuộc biểu tình của giáo dân xứ Cồn Sẻ vào lúc 3:30 chiều ngày 7 tháng 7 cho Đài Á Châu Tự Do biết về hoạt động lúc đó vẫn còn diễn ra:

“Cuộc biểu tình bắt đầu từ lúc 12 giờ và mọi người tuần hành từ giáo xứ ra trung tâm huyện- ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên trên đường tuần hành đến cầu thì bị lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động chặn lại và có sự đàn áp xảy ra: một người bị bắt và hai người bị trọng thương. 

Cuộc biểu tình khi tôi đang nói chuyện với anh còn đang tiếp diễn. 

Mục đích cuộc biểu tình thì như chúng ta biết sau thảm họa môi trường hoàn cảnh của đại đa số bà con (đánh bắt gần bờ và xa bờ) lâm vào cuộc sống khó khăn. Từ cả trăm năm nay người dân bám biển, các nguồn tài chính cung cấp cho gia đình đều từ biển. 

Rơi vào hoàn cảnh này họ bức xúc; đặc biệt khi biết thông tin do chính quyền Việt Nam công bố thủ phạm là Formosa, và chính quyền đã nhận tiền bồi thường 500 triệu ( đô la). Rồi còn có nhu cầu đưa bà con ra nước ngoài làm việc khiến bà con nổi giận hơn. 

Từ sự thiếu thốn về vật chất và áp đặt về tinh thần nên bà con quyết định xuống đường biểu tình!”

Lịnh mục quản xứ, Phê rô Hoàng Anh Ngợi, vào lúc sau 3 giờ chiều khi chúng tôi tiếp xúc cũng cho biết:

“Tôi vừa về, đứng giữa nắng từ 11 giờ đến lúc này, mới về.”

Linh mục Hoàng Anh Ngợi là người từng đứng ra kêu gọi một số nhà hảo tâm giúp cho giáo dân của ông bị thất nghiệp, đói khổ sau thảm họa môi trường cá chết hằng loạt do chất độc Formosa Hà Tĩnh thải ra.

Tuy nhiên ông cho rằng việc giúp đỡ như thế chỉ là tạm thời trước mắt, còn trách nhiệm thuộc về chính quyền phải ổn định cuộc sống cho dân chúng về lâu về dài. - RFA

No comments:

Post a Comment