Monday, July 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 4/7

HAPPY JULY 4 - 240 NĂM LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ

Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh đề nghị thương lượng nếu Manila bỏ qua phán quyết về Biển Đông --- Biển Đông: Nếu Philippines thắng kiện, Trung Quốc phản ứng ra sao?

Trung Quốc, qua trung gian báo Đảng, tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Philippines nếu Manila bỏ qua phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực LaHaye công bố vào tuần tới, mà theo giới thạo tin, sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.

Ngày 12/07/2016, tức vào đầu tuần tới, Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ ra phán quyết về đơn kiện của Philippines yêu cầu phân xử vụ Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông với bản đồ hình lưỡi bò. Bắc Kinh một mặt tuyên bố trước là không công nhận thẩm quyền của Toà, mặt khác lại nỗ lực tuyên truyền chỉ trích tính xác đáng của phán quyết.

Tuy vậy, trong một bài xã luận ngày 04/07/2016, tờ China Daily, được xem là tiếng nói của đảng Cộng sản Trung Quốc, "mời gọi" chính phủ mới của Philippines "bỏ qua" kết quả vụ kiện để cùng với Trung Quốc "hợp tác phát triển và nghiên cứu khoa học".

Một nguồn tin xin ẩn danh được mô tả là theo sát hồ sơ "quan hệ giữa hai nước" tuyên bố rằng Manila "phải gác qua một bên kết quả phán quyết của Toà Trọng Tài" để thảo luận các "vấn đề cốt lõi".

Theo Reuters, hồi tháng 6, bộ Ngoại Giao Trung Quốc có tuyên bố hai nước đã thảo luận, đàm phán nhiều đợt về cách hợp tác « quản lý tốt » những xung khắc hàng hải nhưng chưa bao giờ đàm phán về tranh chấp ở biển "Nam Hải", tức Biển Đông. Trong đơn kiện, Philippines phản đối Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, trong đó có một phần lãnh hải và đảo đá ngầm của Philippines. - RFI

***
Vào ngày 12/07/2016, Toà Án Trọng Tài Thường Trực ở Hà Lan sẽ công bố phán quyết về trường hợp Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông theo đơn kiện của Philippines. Giới quan sát dự báo Bắc Kinh sẽ bị thua và sẽ có hành động bất xứng của một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Theo phân tích của Harry J.Kazianis, một chuyên gia Mỹ về an ninh quốc phòng hàng đầu của Potomac Foundation và tạp chí an ninh The National Interest, Bắc Kinh có nhiều đấu pháp nhưng cái nào cũng xấu cho toàn thể châu Á và cho Washington. Mỹ là siêu cường duy nhất có khả năng quân sự áp đảo Trung Quốc mà còn có bổn phận bảo vệ Philippines, nếu xẩy ra chiến tranh, qua hiệp định an ninh quốc phòng hỗ tương ký kết từ năm 1951.

Phương án thứ nhất khi bị thua kiện, Trung Quốc không làm gì và xem như mặc nhiên chấp nhận phán quyết. Bắc Kinh sẽ đưa ra lời tuyên bố mang nội dung chung chung: "Biển Nam Trung Hoa là của chúng tôi" và âm thầm bước qua giai đoạn mới để khẳng định chủ quyền.

Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và trang bị vũ khí tận răng kể cả với tên lửa diệt hạm, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ thực hiện chiến lược mà Bắc Kinh gọi là vùng cấm A2/AD: không cho Mỹ vào trong, không cho Mỹ đến gần (Anti-Access/Area-Denial zone). Trung Quốc đã nhiều lần nói đến phương án A2/AD để bày tỏ sự tức giận đối với Mỹ. Tuy nhiên, theo nhận định của Harry J.Kazianis, ít có khả năng Bắc Kinh chọn kịch bản này vì nếu bị xử thua, phe dân tộc chủ nghĩa sẽ gây áp lực rất lớn với ông Tập Cận Bình, sẽ đòi hỏi một phản ứng mạnh bạo hơn, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc vượt tầm Biển Đông.

Trong tình thế này, rất có thể Bắc Kinh sẽ chọn phương án thứ hai, được xem có "xác suất cao nhất": Tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên vùng Biển Đông. Biện minh cho quyết định này không khó. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ viện lý do phán quyết của Tòa Trọng Tài đe dọa an ninh Trung Quốc. Với những căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và lực lượng hải quân, không quân, tên lửa bố trí trong vùng, Trung Quốc hội đủ « xác tín » để tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Đông, còn thi hành hay không là chuyện khác.

Phương án này thật ra rất nguy hiểm vì sẽ gây căng thẳng cao độ. Hoa Kỳ phải đáp trả . Vấn đề là bây giờ, để phủ nhận vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc, không thể chỉ cho hai chiếc pháo đài bay B52 bay ngang là đủ.

Phương án thứ ba là Trung Quốc dùng hết sức mạnh của mình để "châm" vào các điểm nóng tại châu Á mà nhà phân tích Harry J.Kazianis gọi là thái độ "côn đồ".

Cụ thể là Trung Quốc gia tăng hoạt động hải quân, không quân ở biển Hoa Đông để chọc giận Nhật Bản. Bắc Kinh sẽ tạo căng thẳng ở eo biển Đài Loan, cấm du khách Hoa lục sang thăm hải đảo, giảm giao thương và đầu tư. Trung Quốc cũng có thể bồi đắp bãi đá ngầm Scarborough của Philippines thành căn cứ quân sự tiền phương, chỉ cách quân cảng Subic Bay có 150 hải lý. Liệu Mỹ có thể ngồi nhìn hay không ?

Sau ngày 12/07/2016, châu Á không tránh khỏi tình trạng căng thẳng gia tăng vì Trung Quốc đủ khả năng tiếp tục làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, điều mà họ đã tiến hành từ hàng chục năm nay. Đó chính là điều bất hạnh cho châu Á. - RFI
|
|

2.
Lãnh đạo cánh hữu Anh 'từ nhiệm'

Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh quốc (UKIP) theo cánh hữu Nigel Farage nói ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng này.

Ông Farage đang có bài phát biểu đầu tiên kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về việc rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit).

Farage nói ông tin tưởng rằng Anh sẽ rút khỏi khối EU, nhưng đất nước này cần một thủ tướng mới theo Brexit và "không bán rẻ chúng ta".

Ông chia sẻ rằng chưa bao giờ ông muốn trở thành chính trị gia chuyên nghiệp.

"Đã có nhiều lúc vô cùng khó khăn, nhưng tất cả cuối cùng cũng bõ công chúng ta."

"Nay tôi thấy là đã hoàn tất công việc của mình... Bởi vậy tôi thấy tôi nên rút khỏi vai trò lãnh đạo UKIP."

Farage nói ông muốn sống cuộc sống bình thường ngay từ bây giờ.

Tiếp tục Brexit

Ông Farage nói đảng của ông sẽ tiếp tục vận động thúc đẩy việc rút ra khỏi EU, và sẽ tiếp tục nhiệm kỳ dân biểu tại Nghị viện châu Âu cho tới khi hết hạn.

Farage cũng nói sẽ không đề cử ứng viên nào thay mình và "người nào mạnh sẽ chiến thắng thôi".

Tuyên bố của Farage gặp một số nghi ngờ, dân biểu Douglas Carswell của chính UKIP khi nghe tin đã post icon mặt cười lên Twitter.

UKIP là đảng dè dặt trong việc tham gia châu Âu và đã kêu gọi rút khỏi EU.

Đảng này có nhiều chủ trương dân túy, chống nhập cư, và chỉ có một ghế trong Hạ viện Anh.

Tuy nhiên UKIP có ba thành viên Thượng viện, và 22 dân biểu châu Âu.

Nay đảng này, giống như đảng Bảo thủ, sẽ phải tìm kiếm lãnh đạo mới. 

Nigel Farage đã làm thủ lĩnh UKIP trong gần tám năm qua, trừ một thời gian ngắn năm 2009 khi ông từ chức rồi được bầu lại năm 2010.

Năm ngoái ông từng tuyên bố sẽ từ chức sau khi trượt chức dân biểu trong cuộc tổng tuyển cử nhưng đơn từ chức của ông không được UKIP chấp nhận. - BBC
|
|

3.
Án chung thân cho cựu trợ lý Hồ Cẩm Đào

Cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị tòa tuyên án tù chung thân hôm 4/7.

Ông Lệnh Kế Hoạch, nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc khoá 12, nguyên Trương ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, bị tòa ở thành phố Thiên Tân kết án.

Năm 2015, ông đã bị khai trừ Đảng.

Truyền thông Trung Quốc nói ông bị kết an 5 năm tù giam về tội thu thập bí mật quốc gia phi pháp; 4 năm tù giam về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, quyết định thi hành án tù chung thân, tước quyền lợi chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.

Điều tra với ông Lệnh được loan báo tháng 12/2014.

Ông Lệnh Kế Hoạch từng là cựu trợ lý của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của lãnh đạo hiện nay Tập Cận Bình.

Ông bị mất chức năm 2012 sau khi có tin con trai ông thiệt mạng trong một vụ phóng tốc độ xe Ferrari và bị tai nạn tại Bắc Kinh.

Con đường đi xuống của ông Lệnh Kế Hoạch bắt đầu từ bê bối liên quan vụ đâm xe của con trai ông.

Cho dù báo chí không được viết về chủ đề này, tin cho hay trong xe của con trai ông khi gặp tai nạn có hai phụ nữ, một người không mặc quần áo gì còn một người ăn mặc sơ sài. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ mừng Ngày Độc lập từ Anh quốc lần thứ 240

Hôm nay (4/7), Hoa Kỳ đánh dấu năm thứ 240 ngày tuyên bố độc lập từ Anh quốc với nhiều sinh hoạt hội hè, picnic, diễu hành và bắn pháo bông trên cả nước.

Tổng thống Barack Obama thiết đãi các gia đình quân nhân tiệc thịt nướng tại Tòa Bạch Ốc và một buổi hòa nhạc của hai nghệ sĩ Kendrick Lamar và Janelle Monae. Nếu trời không mưa vào lúc chiều tối hôm nay ở Washington như dự báo thời tiết nói thì mọi người ở đó có thể thưởng thức cuộc trình diễn pháo bông ở Quảng trường Quốc gia ngay cạnh bên.

Nhưng điểm chính của ngày lễ này là công ốc Văn khố Quốc gia nằm trên cùng đường với Tòa Bạch Ốc về phía gần trụ sở Quốc hội. Đó là nơi cất giữ bản Tuyên ngôn Độc lập do ông Thomas Jefferson soạn thảo và được Quốc hội thông qua vào ngày 4 tháng 7 năm 1776.

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" là một số trong các nguyên tắc căn bản của quốc gia mà bản tuyên ngôn đặt ra.

Một truyền thống trong ngày Lễ Độc lập 4 tháng 7 là nghi thức đọc lại bản Tuyên ngôn Độc lập trước thềm của Văn khố Quốc gia.  Bên trong Văn khố Quốc gia, bản gốc của Tuyên ngôn Độc lập được trưng bày trang trọng vùng với bản Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền cho công chúng xem.

Ngay sau nghi thức đọc bản Tuyên ngôn, một cuộc diễu hành với hàng ngàn người tham gia xuất phát ở trước công ốc Văn khố Quốc gia trên đại lộ Constitution, trải dài 10 khu phố và kết thúc ở khoảng giữa Tòa Bạch Ốc với đài tưởng niệm George Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. - VOA
|
|

5.
Phe Dân chủ tin tưởng bà Clinton sẽ không bị khởi tố về vụ email --- Mỹ: H. Clinton hài lòng sau cuộc điều trần với FBI về vụ thư điện tử

Những nhân vật nổi bật của Đảng Dân chủ dự đoán ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của đảng họ, Hillary Clinton, sẽ không bị khởi tố về việc bà sử dụng máy chủ email riêng tư để làm việc công khi còn là bộ trưởng ngoại giao của Tổng thống Barack Obama.

"Chuyện này sẽ không xảy ra," Thượng nghị sĩ Cory Booker của bang New Jersey nói khi xuất hiện trên chương trình State of the Union của đài CNN. "Đối với tôi, việc đó nằm ngoài khả năng xảy ra."

Sự tò mò gia tăng sau khi bà Clinton gặp gỡ những nhà điều tra của FBI trong hơn ba tiếng đồng hồ hôm thứ Bảy. Cuộc phỏng vấn có thể là bước cuối cùng trước khi Bộ Tư pháp quyết định khởi tố hoặc tuyên bố bà Clinton không phạm tội.

Bà Clinton nói trên đài MSNBC: "Đó là việc mà tôi đã đề nghị làm từ tháng 8 năm ngoái. Tôi vẫn sẵn lòng làm điều đó, và tôi đã rất hài lòng có được cơ hội giúp Bộ [Tư pháp] trong việc khép lại cuộc thẩm duyệt của họ."

Trong khi bà Clinton muốn dập tắt vụ lùm xùm về một vấn đề mà sẽ còn dai dẳng, đối thủ Đảng Cộng hòa của bà, Donald Trump, công kích trên Twitter: " FBI không thể nào không đưa ra những cáo buộc hình sự nhắm vào Hillary Clinton. Chuyện bà ta làm là sai trái!"

Nhưng những đồng minh của bà Clinton không nghĩ vậy.

"Tôi không lo lắng về chuyện này," Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown nói trên chương trình This Week của đài ABC. "Sẽ không có bản cáo trạng nào, và việc đó có nghĩa là bà ấy đã làm điều mà nhiều ngoại trưởng khác đã làm trong quá khứ."

Nhưng phe Cộng hòa tiếp tục phản đối.

Cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Santorum cũng phát biểu trên chương trình This Week: "Nếu bà ta không phải là Hillary Clinton, nếu bà ta là một thứ trưởng ngoại giao làm cùng những việc này, thứ nhất, ông ta hoặc bà ta sẽ bị sa thải và, đúng, họ sẽ bị Bộ Tư pháp truy tố."

Cuộc phỏng vấn của bà Clinton với FBI diễn ra mấy ngày sau khi một cơn bão chỉ trích bùng lên liên quan tới một cuộc gặp gỡ giữa chồng bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, và Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch, người chịu trách nhiệm cuối cùng về cuộc điều tra của chính phủ về những email của bà Hillary Clinton.

Bà Lynch cuối tuần trước thừa nhận: "Chắc chắn cuộc gặp của tôi với ông ấy khơi lên những nghi vấn và lo ngại. Tôi chắc chắn sẽ không làm chuyện đó nữa. Nhưng nó thực sự là một cuộc gặp gỡ xã giao."

Một nguyên tắc bất thành văn ở Washington là những quan chức khôn ngoan tránh ngay cả việc gây nên cảm tưởng là họ có hành động không thích đáng. Ông Trump và những người khác theo Đảng Cộng hòa gợi ý rằng cuộc gặp gỡ chứng tỏ Bộ Tư pháp của ông Obama không thể tiến hành một cuộc điều tra vô tư nhắm vào người mà tổng thống đã công khai ủng hộ làm người kế nhiệm ông.

Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh họ "không nhúng tay" vào cuộc điều tra email của bà Clinton.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói: "Kỳ vọng của Tổng thống là cuộc điều tra này sẽ được xử lý giống như tất cả những cuộc điều tra khác, nghĩa là những điều tra viên sẽ được dẫn dắt bởi những dữ kiện."

Những người theo Đảng Dân chủ hy vọng cuộc điều tra của FBI sẽ khép lại trước khi Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc diễn ra vào cuối tháng này. Phe Cộng hòa sẽ tiếp tục nhắc đi nhắc lại vụ tranh cãi này cho tới cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. - VOA

***
Một ngày sau khi trả lời FBI về vụ sử dụng hộp thư điện tử cá nhân khi lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton, tỏ ra hài lòng về buổi điều trần với Cục điều tra Liên bang. Bà tuyên bố như trên trong chương trình truyền hình ngày 03/07/2016.

Thông tín viên đài RFI Jean-Louis Pourtet từ Washington cho biết thêm :

"Trả lời đài truyền hình NBC qua điện thoại, bà Clinton đánh giá đó là một cuộc làm việc lịch sự và chuyên nghiệp. Bà nói thêm, từ tháng 8 năm ngoái, chính bà đã đề nghị có một buổi làm việc với FBI, cho dù trước đó bà cũng hơi lo ngại, nhưng bà hài lòng vì có dịp giúp đỡ nhân viên điều tra làm sáng tỏ vụ việc. Trong khuôn khổ chương trình Meet the Press- Gặp gỡ báo chí, trên đài truyền hình NBC, cựu ngoại trưởng Mỹ khẳng định lại bà không làm điều gì phi pháp và chưa bao giờ sử dụng hộp thư điện tử cá nhân để gửi thư mật.

Khi được hỏi về cuộc gặp gỡ gây xôn xao giữa phu quân của bà là cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton với đương kim bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Loretta Lynch đầu tuần trước tại phi trường Phoenix, thì bà Hillary đã giảm nhẹ tầm mức quan trọng của vụ việc. Theo bà, đó là những trao đổi và chào hỏi xã giao vì họ đã quen biết nhau từ lâu năm.

Ứng cử viên đảng Dân Chủ bác bỏ những lời đồn đãi cho rằng, ông Clinton và bộ trưởng Tư Pháp Mỹ đề cập đến cuộc điều tra về hộp thư điện tử cá nhân của bà Hillary. Chắc chắn một điều, theo bà Hillary Clinton, là phu quân của bà và lãnh đạo ngành tư pháp Hoa Kỳ sẽ tránh không gặp nhau nữa, để chặn đứng dư luận.

Dù vậy, chuyện cũng đã rồi. Các tờ báo Mỹ đều coi việc ông Clinton lên tận máy bay tiếp chuyện với bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch trong vòng 30 phút là một sai lầm nghiêm trọng. Đặc biệt là trong lúc bà Lynch được trao trọng trách điều tra về khả năng cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton vi phạm luật, sử dụng hộp thư điện tử cá nhân trong công việc. Đối với phe Cộng Hòa, thì đây là một món quà bất ngờ mà bên đảng Dân Chủ dâng tận tay". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

6.
Doanh nghiệp sẽ bỏ sang các nước ASEAN nếu VN không giảm quan liêu --- Xuất khẩu VN ‘lại trượt chỉ tiêu’

Theo báo chí Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói hôm 4/7 rằng trong nửa đầu năm 2016 bộ máy nhà nước đã cắt giảm hơn 10.000 người. Việc tinh giản biên chế diễn ra ở 18 bộ và 61 tỉnh thành trên cả nước.

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, bộ máy hành chính đã tinh giản gần 15.000 người. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tân nói trong một cuộc họp của chính phủ cách đây ít ngày rằng tỷ lệ cắt giảm như vậy là “quá thấp” so với yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đang có hiện nay. Khi còn là Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng nói có đến 30% làm việc không hiệu quả.

Một số cuộc khảo sát, điều tra trong những năm gần đây của cả các tổ chức trong nước lẫn nước ngoài, như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho thấy bộ máy công chức quá đông có liên quan mật thiết đến nạn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp và lạm dụng chức quyền ở Việt Nam.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói bộ máy công chức cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp trong nước chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có hiệu lực. Ông nói:

“Rất nhiều doanh nghiệp, tôi có thể nói là số ấy là đang tăng lên, đã có nói là nếu mà cái sự nhũng nhiễu và cái chi phí ở Việt Nam mà không giảm bớt, thì họ sẽ đi ra nước ngoài họ bỏ vốn họ đầu tư và họ sẽ sản xuất ở đó, rồi thì họ sẽ xuất khẩu về Việt Nam với cái thương hiệu của các nước ASEAN khác. Và nếu cái điều này mà cứ tiếp diễn thì tiền vốn của Việt Nam, trí tuệ của người Việt Nam, cái sự năng động của người Việt Nam lại đem lại lợi ích cho nước ngoài, nộp thuế cho nước ngoài chứ không nộp thuế cho ngân sách Việt Nam”.

Đây sẽ là một sức ép không thể xem thường đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính thừa quá nhiều người còn đe dọa đến việc thực thi các hiệp định quốc tế trong đó có Hiệp định TPP. Tiến sỹ Doanh cảnh báo:

“Cái bộ máy này sẽ cần phải đổi mới một cách hết sức mạnh mẽ. Nếu không có, thì nó sẽ không thể nào đáp ứng được các cái yêu cầu của cái Hiệp định hợp tác Xuyên Thái Bình Dương”.

Để có thể cắt giảm nhiều hơn nữa con số công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, vị cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất rằng hệ thống những người ăn lương từ ngân sách phải được cải tổ một cách cơ bản. Ông nêu ra những vấn đề cần giải quyết:

“Các cái tiêu chí đề ra là phải làm rõ anh ăn lương để anh làm cái việc gì, đem lại cái hiệu quả gì, và cái trách nhiệm giải trình của anh đối với đồng lương nó là như thế nào để làm cái căn cứ để có thể giảm bớt các cái biên chế, giảm bớt bộ máy cồng kềnh, và làm rõ thế thì anh ăn lương thì anh phải đem lại cái lợi ích gì cho người dân”.

Các thống kê và báo chí trong nước chỉ ra rằng tỷ lệ công chức của Việt Nam quá lớn so với dân số vì ngoài bộ máy chính phủ còn có nhiều người hưởng lương từ ngân sách song lại làm việc cho bộ máy của đảng Cộng sản cầm quyền và các đoàn thể. Bên cạnh đó là số cán bộ khá lớn tại các xã, phường được hưởng lương nhà nước song không rõ chức năng nhiệm vụ là gì.

Tiến sỹ Doanh cho rằng sau khi lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những động thái đáng chú ý và được xem là tích cực như chỉ đạo cắt giảm giấy phép con trong kinh doanh, không hình sự hóa các giao dịch dân sự, tinh giản biên chế, yêu cầu bộ máy làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng, theo ông Doanh, là phải biến các chỉ đạo đó thành hiện thực cũng như phải hình thành các đề án có tính hệ thống và có tính căn bản. - VOA

***
Bộ Công thương dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 8% so với chỉ tiêu 10%.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh được truyền thông trong nước dẫn lời nói sự sụt giảm về giá xuất khẩu và tăng trưởng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chậm lại là một số nguyên nhân chính.

Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong cả năm nay và năm ngoái là 10%. Năm 2015 tăng trưởng xuất khẩu đạt 7.9%.

"Nếu chúng ta quyết liệt khai thác thị trường mới và thị trường tiềm năng cũng như thị trường truyền thống thì khả năng mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 8%, đó là dự báo của Bộ Công Thương," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được truyền thông trong nước dẫn lời tại nói tại buổi họp Chính phủ diễn ra hôm 1/7.

Lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo tình trạng “không mấy khả quan” do tình hình kinh tế và thương mại thế giới có tác động gián tiếp và “không nhỏ” tới cán cân thương mại của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói xuất khẩu là kênh quan trọng nhất cho tăng trưởng và yêu cầu Bộ Công Thương có chuyên đề riêng để xuất khẩu tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm, theo truyền thông trong nước.

"Bộ Công Thương đang quản lý nhiều ngành hàng, lĩnh vực quan trọng, nếu không chấn chỉnh lại, phát triển mạnh mẽ thì rất khó đạt kế hoạch, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo bị sụt giảm như vậy thì phải tính toán lại bài bản, hệ thống hơn, bộ máy phải rất giỏi để xốc lại," ông Phúc nói.

Hàng nông sản Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong năm tháng đầu năm 2016, 11% nguồn thu xuất khẩu là từ thị trường Trung Quốc.

Vào cuối tháng trước, Tổng cục Thống kê cho biết GDP sáu tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015.

Mục tiêu Quốc hội Việt Nam đề ra cho cả năm 2016 là 6,7%.

Các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế gồm "Thương mại và đầu tư chậm lại trên toàn cầu... các biến động khó lường tại các thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới đã ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của chúng ta," AFP dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Các yếu tố khác là nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập niên nay trong khu vực, gây thiệt hại tới 681 triệu đôla cho Việt Nam.

Vụ cá chết ở miền Trung cũng được coi là một nguyên nhân.

Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị báo cáo Quốc hội về vụ cá chết để mang ra bàn thảo trong phiên họp Quốc hội vào tháng Bảy. - BBC
|
|

7.
Hội nghị Trung ương III là 'hệ trọng' --- Trung ương tiếp tục bỏ phiếu giới thiệu nhân sự chủ chốt

Hội nghị lần thứ III của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa 12) nói sẽ quyết định vấn đề 'hệ trọng' nhưng không bỏ phiếu giới thiệu lại nhiều nhân sự cao cấp.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói "nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng".

Thông cáo phát đi nói "giữ nguyên kỷ luật, kỷ cương trong Đảng" và "thi hành nghiêm, thống nhất điều lệ trong toàn Đảng".

Báo Tuổi Trẻ nhận định hội nghị sẽ "sửa đổi nhiều quy chế làm việc".

Về công tác nhân sự, thông cáo này viết "Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khoá XII (tháng 3/2016) bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao (thấp nhất cũng trên 72%) thì Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại".

Trao đổi với BBC Tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam nhận định: "Tôi nghĩ thông báo sáng nay chỉ thông báo là Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không giới thiệu lại các nhân sự cấp cao mà đã được giới thiệu tại hội nghị Trung ương cấp cao”

“Có nghĩa là những vị đã được Trung ương khóa 12 giới thiệu, và Quốc hội khóa 13 bầu những chức danh lãnh đạo nhà nước, các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục được giới thiệu ra Quốc hội khóa 14 để tiếp tục bầu.

“Còn một số chức danh mà Hội nghị Trung ương II chưa giới thiệu thì lần này sẽ đưa ra bỏ phiếu để lấy tín nhiệm và sau đó sẽ giới thiệu sang Quốc hội khóa 14 để các đại biểu bầu.”

“Không có nghĩa là Quốc hội sẽ không bầu lại các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước," ông Thuyết nhận định.

“Còn về thủ tục bỏ phiếu trong quốc hội thì tôi nghĩ là quốc hội khóa 14 vẫn tiếp tục bầu các chức danh đó. Vì nếu Quốc hội khóa 14 mà không bầu như vậy thì không đúng với quy định của Hiến pháp.

"Không thể nào mà các vị được Quốc hội khóa 13, kỳ họp cuối cùng bầu, xong rồi bây giờ lại tiếp tục giữ các chức vụ trong một nhiệm kỳ mới.

“Khóa 14 là một khóa mới thì phải bầu các vị lãnh đạo mới.”

Trước đó, ngày 12/4, Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc nói sẽ bầu lại bốn chức danh cao nhất và tiếp tục tuyên thệ trong kỳ họp thứ nhất khóa 14 vào tháng 7/2016.

'Hệ trọng'

Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng nhận định về sự “hệ trọng” được đề cập đến có thể là “bàn một số vấn đề về kỷ luật Đảng với một số người nhất định, và một số vấn đề lớn khác như vấn đề đối ngoại, quốc phòng an ninh".

“Có thể thông cáo chưa đề cập rõ, nhưng có thể hội nghị sẽ phải bàn về đối sách trên Biển Đông, và đối sách sau khi Tòa thường trực PCA đưa ra phán quyết vụ kiện của Philippines, xác định thái độ của Việt Nam như thế nào, trong trường hợp phán quyết của Tòa PCA có lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam hoặc nó có những điểm không thuận lợi thì cũng phải lường trước tình hình để có đối sách cụ thể," cựu Đại biểu Quốc hội cho biết.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng nhận định: “Về thảm họa môi trường ở miền Trung, có lẽ nhận thức của lãnh đạo đảng nhà nước Việt Nam thì coi như đã xử lý xong. Nếu mà Bộ Chính trị quan niệm việc đó đã xử lý xong thì ra Trung ương ít khi nào có ý kiến. Thường trong kỳ họp Đại biểu Quốc Hội người ta hay xới lại vấn đề này hơn."

Hội nghị lần thứ III của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 4-9/7. - BBC

***
13 chức danh chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi giới thiệu ra Quốc hội.

Theo chinhphu. vn, Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc sáng 4-7 tại Hà Nội.

Theo chương trình, Hội nghị sẽ thảo luận và quyết định về: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định vào cuối kỳ họp.

Sửa đổi nhiều quy chế làm việc

Về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là việc cụ thể hóa Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo Đảng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Trên cơ sở kế thừa Quy chế làm việc của khóa XI và các khóa trước đây, bám sát Nghị quyết Đại hội XII và Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa này cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời giữ nguyên kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng…

Cho biết tờ trình của Bộ Chính trị đã nêu rõ các nội dung mà Trung ương cần thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến và góp ý trực tiếp vào dự thảo quy chế, nhất là những nội dung cần bổ sung, sửa đổi (trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội...)

Về quy định thi hành Điều lệ Đảng, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; quyết định không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng hiện hành.

Đại hội giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XII hướng dẫn, quy định cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng.

Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có liên quan phối hợp chuẩn bị các tờ trình và dự thảo các quy định.

Nội dung của Tờ trình và các dự thảo quy định đã bám sát Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XI, trên cơ sở các quy định 45, 46 ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI để đề xuất những nội dung cần hướng dẫn, quy định cho phù hợp với thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng.

Giới thiệu nhân sự chủ chốt

Về giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là công việc rất hệ trọng.

Tại Hội nghị Trung ương 2 khoá XII (tháng 3-2016), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao là cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội để đáp ứng yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII (tháng 3-2016), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và bầu hoặc phê chuẩn đối với 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước.

Đến nay, sau khi bầu được Quốc hội khoá XIV (2016-2021), Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm tiếp tục chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Quốc hội khoá mới bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khoá XII (tháng 3-2016) bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao (thấp nhất cũng trên 72%) thì Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.

Đối với 13 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV. - tuoitre

No comments:

Post a Comment