Friday, July 22, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 22/7

Tin Thế Giới

1.
Munich: 9 người thiệt mạng, hung thủ vẫn lẩn trốn

Cảnh sát tại thành phố Munich của Đức nói đang tiến hành truy lùng các thủ phạm vụ nổ súng, và kêu gọi người dân tránh các địa điểm công cộng.

Cảnh sát cũng xác nhận đã có chín người thiệt mạng tại trung tâm mua sắm Olympia và có một số người khác bị thương.

Cảnh sát đang điều tra xem liệu một trong những người chết có phải là hung thủ hay không.

Trước đó, tin tức nói những kẻ tấn công vẫn đang lẩn trốn.

Một chiến dịch lớn đang được triển khai tại khu mua sắm ở quận Moosach, phía tây bắc thành phố.

Nhân viên các cửa hàng vẫn chưa rời được khỏi toà nhà. Hiện chưa có thông tin gì về động cơ vụ tấn công.

Trang Facebook của cảnh sát dẫn lời các nhân chứng nói họ nhìn thấy ba hung thủ mang theo súng.

Cảnh sát mô tả hiện đang là "tình thế khủng bố cấp" và nói các tin tức đầu tiên về vụ nổ súng tại phố Hanauer Street xuất hiện lúc gần 18:00 giờ địa phương (16:00 GMT).

Các phương tiện giao thông công cộng đã tạm ngưng hoạt động trong lúc chiến dịch an ninh lớn đang được tiếp tục triển khai.

Nhà ga xe lửa ở trung tâm thành phố đã được sơ tán.

Những người bị kẹt không thể về nhà do tình trạng khẩn cấp hiện đang được dân địa phương mời vào tạm trú, theo sáng kiến được đưa ra đầu tiên trên Twitter với hashtag #Offenetür (có nghĩa là 'mở cửa').

Các trực thăng cảnh sát đang quần đảo trên bầu trời thành phố, và các lực lượng đặc nhiệm hiện đã tham gia chiến dịch lớn của cảnh sát.

Đài phát thanh công Bavaria đưa tin một đơn vị an ninh biên phòng tinh nhuệ, GSG9, đang tới Munich cùng một số trực thăng.

Thủ tướng bang Bavaria, Horst Seehofer hiện đang có cuộc họp bàn về khủng hoảng với các cố vấn an ninh.

Các lực lượng an ninh đã được đặt trong tình trạng cảnh giác sau khi một thiếu niên nhập cư đâm và làm bị thương năm người trên tàu tại Bavaria hôm thứ Hai, trong vụ tấn công mà nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm.

Giới chức đã cảnh báo về mối nguy có thêm các vụ việc khác xảy ra.

Hiện, quốc gia láng giềng, Cộng hoà Czech đang tăng cường an ninh biên giới.

Cảnh sát Munich nói họ không biết "những kẻ chủ mưu" là ai. "Hãy tự bảo vệ mình và hãy tránh xa các địa điểm công cộng."

Cảnh sát cũng kêu gọi người dân hãy trợ giúp chiến dịch truy lùng hung thủ bằng cách không đồn đoán và không đăng lên mạng các hình ảnh, video clip về các hoạt động của cảnh sát. - BBC
|
|

2.
Tổng thống Mexico đi thăm Mỹ

Một ngày sau khi ông Donald Trump chính thức nhận sự đề cử của Đảng Cộng hòa ra tranh chức tổng thống, và cam kết xây dựng một bức tường giữa Mỹ và Mexico, đương kim tổng thống của hai nước đã hội kiến.

Tổng thống Barack Obama đã tiếp Tổng thống Enrique Peña Nieto trong ngày 22/7 nhân chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Mexico tới Tòa Bạch Ốc kể từ tháng 1 năm nay.

Ông Peña Nieto từng nói rằng những phát biểu của ông Trump về người Mexico đưa ma túy, tội phạm và những vụ cưỡng hiếp vào Mỹ đã gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước.

Ông Peña Nieto đã lên tiếng chỉ trích ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa, dù ông nói rằng chính phủ của ông sẽ làm việc với bất cứ người nào kế nhiệm ông Obama.

Chuyến thăm, vừa được loan báo trong tuần này, dự kiến sẽ xây dựng trên nền tảng những cuộc thảo luận từ Hội nghị Thượng đỉnh Các Nhà Lãnh đạo Bắc Mỹ tại Ottawa chưa đầy một tháng trước.

Ông Obama đã hội kiến ông Peña Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau để ca ngợi những ích lợi của Hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được kí kết từ 22 năm trước, vào một thời điểm mà những thỏa thuận thương mại quốc tế đang bị đả kích tại Mỹ và Châu Âu.

Ba nước Bắc Mỹ cộng lại chiếm gần 27 phần trăm sản lượng kinh tế của thế giới. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Kiểm tra sự kiện trong bài diễn văn nhận đề cử của ông Trump --- Phát biểu về liên minh Châu Á của ông Trump gây nhiều lo ngại --- Ông Trump đề xuất cương lĩnh ‘Luật pháp và Trật tự’ --- Lo sợ và hy vọng lẫn lộn trong phản ứng trước bài phát biểu của ông Trump --- Diễn biến trong ngày cuối Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa

Doanh gia tỷ phú Donald Trump chính thức chấp nhận sự đề cử của đảng Cộng Hòa để ra tranh chức tổng thống vào đêm thứ năm, tại đại hội đảng Cộng Hòa ở Cleveland, Ohio.

Ông vẽ ra một bức tranh u ám của Hoa Kỳ mà ông nói rằng đất nước đã chịu đựng dưới chính quyền của Tổng thống Obama.

Những người kiểm tra sự thực của nhiều cơ quan báo chí nói ông Trump đã tuyên bố một cách hơi bừa bãi và vô trách nhiệm về một số “sự kiện” trong nhiều phần của bài phát biểu, đôi khi bẻ cong sự thật cho phù hợp với mục tiêu của ông.

Ông Trump nói: Các vụ giết người trong năm ngoái đã tăng 17 phần trăm ở 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ. Đó là mức tăng lớn nhất từ 25 năm nay.

Sự thật là Phát biểu vừa rồi sai lạc bởi vì những vụ giết người đã liên tục giảm sút ở các thành phố lớn của Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo cứu của báo Washington Post công bố hồi tháng 1, đã có sự gia tăng ở mức 17 phần trăm trong năm ngoái.

Các chuyên gia hình sự lấy làm lạ về sự tăng vọt trong các vụ giết người. Một số cho rằng đó có thể là một hiện tượng bất thường, trong khi những người khác coi những vụ giết người gia tăng có thể biểu hiện một xu hướng đáng lo ngại hơn.

Điều ông Trump đã không nói với các ủng hộ viên là mức nhảy vọt về số liệu lớn đến độ tỷ lệ giết người là quá thập. Tại 50 thành phố trong cuộc phân tích của báo Washington Post, số người bị giết trong năm ngoái bằng phân nửa số người bị giết trong năm 1991.

Ông Trump nói: Thêm 2 triệu người gốc Mỹ Latinh lâm vào cảnh nghèo khó hôm nay so với lúc Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức.

Sự thật là ông Trump đã gọi di dân từ Mexico là “tội phạm” và “những kẻ cưỡng hiếp người.” Có một số ủng hộ viên trưng các khẩu hiệu người Mỹ Latinh ủng hộ ông Trump tại đại hội. Nhiều người Mỹ gốc Latinh khác đã coi sứ mạng của mình là làm sao để ông Trump không được bầu lên làm tổng thống. Sự thật là dân số gốc Latinh đã tăng, trong khi mức nghèo khó hạ thấp. Trung tâm Nghiên cứu Pew nói sau một cuộc phân tích của Cục Thống Kê cho rằng người gốc Latinh là “nhóm sắc tộc hoặc chủng tộc chính yếu duy nhất chứng kiến một sự sụt giảm đáng kể về mặt thống kê về mức độ nghèo khó.”

Ông Trump tuyên bố: 58 phần trăm người Mỹ gốc Phi châu thất nghiệp.

Sự thật là điều này không đúng. Theo Cục Thống kê Lao động, 58 phần trăm thanh niên Mỹ gốc Phi châu trong độ tuổi từ 16 đến 24 không làm việc trong tháng 6, nhưng con số này gồm cả sinh viên và những người khác đang đi tìm việc. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Mỹ gốc Phi châu trong tháng 6 là 22,4 phần trăm; vẫn còn là rất cao.

Ông Trump nói: “Nước Mỹ là một trong những quốc gia đánh thuế cao nhất thế giới.”

T: Ông Trump đã nhiều lần nói như vậy. Tuy nhiên, theo Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế, mức thu thuế của Hoa Kỳ chiếm 25 phần trăm tổng số nền kinh tế, đó là một trong những mức thấp nhất trong số các quốc gia công nghiệp hóa. Mức thuế của Hoa Kỳ thấp hơn nhiều so với Thụy Điển, Anh Quốc và Đức; các nước mà phúc lợi về an sinh xã hội dành cho công dân cao hơn so với Hoa Kỳ. - VOA

***
Những phát biểu mới nhất của ứng cử viên được đề cử tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa, nêu nghi vấn về sự cần thiết phải duy trì gần 80.000 nhân viên quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á, đang khiến nhiều người lo ngại.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The New York Times, ông Donald Trump nói rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc "không bảo đảm chúng ta sẽ có hòa bình" trên bán đảo Triều Tiên, và ông hỏi "chúng ta được lợi gì từ chuyện này?" bằng việc duy trì binh sĩ, máy bay, tàu chiến và những căn cứ ở Nhật Bản.

Mỹ có liên minh lâu đời với cả Nhật Bản và Hàn Quốc để cung cấp cho họ sự phòng vệ nếu họ bị tấn công, và một yếu tố then chốt của chính sách đối ngoại của chính quyền Obama là chiến lược "xoay trục" sang Châu Á, điều mà ông Trump dường như muốn đảo ngược.

Cựu Phó Tổng thống Walter Mondale, người theo Đảng Dân chủ từng làm đại sứ tại Nhật Bản từ năm 1993 tới năm 1996, nói với VOA: "Nghe một ứng cử viên được đề cử của một chính đảng lớn nói mà rùng mình. Đó là một khoảnh khắc gây sững sờ trong lịch sử nước Mỹ."

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Times, ông Trump cũng nói rằng "lẽ ra hai miền Triều Tiên đã thống nhất rồi" nếu lực lượng của Mỹ rút khỏi bán đảo này sau hiệp ước đình chiến năm 1953 tạm dừng cuộc nội chiến đẫm máu và gây tàn phá kéo dài ba năm.

Nhận định về phát biểu này, Tướng hồi hưu John Wickham Jr., người chỉ huy lực lượng của Mỹ tại Hàn Quốc từ năm 1979 tới năm 1982, nói: "Thật liều lĩnh khi nghĩ rằng chúng ta lẽ ra có thể rời khỏi nơi đó và đất nước đó sẽ tự thống nhất. Nó sẽ tự thống nhất bằng chiến tranh và nó sẽ trở thành một vệ tinh của Trung Quốc." 

Ông Wickham nói với VOA rằng trong lúc ông làm chỉ huy trưởng trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, "Bắc Triều Tiên đã lên kế hoạch tấn công Hàn Quốc một lần nữa. May mắn thay, chúng ta đã có thể ngăn ngừa cuộc tấn công đó và giữ cho Hàn Quốc được tự do."

Tuy nhiên, bà Balbina Hwang, một giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Đại học Georgetown, nói rằng những phát biểu của ông Trump về sự thống nhất sẽ được đón nhận một cách tích cực, bởi hầu hết người Bắc Triều Tiên và một số người Hàn Quốc có chủ trương cứng rắn tin rằng, đất nước của họ lẽ ra sẽ không bao giờ chia cắt nếu những cường quốc không can thiệp vào bán đảo này ngay sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc và thực dân Nhật Bản bị buộc phải rời khỏi Triều Tiên. 

Bà Hwang nói với VOA Bình Nhưỡng có thể mong chờ "những cơ hội và lợi ích ngắn hạn" từ ông Trump, nhưng bà cảnh báo rằng chính phủ Bắc Triều Tiên chắc chắn "nghĩ là ông ta hơi điên" và tin rằng "họ có thể đương đầu với bất cứ ai làm tổng thống" tại Tòa Bạch Ốc.

Những chính khách, chỉ huy quân sự, quan chức chính phủ cao cấp và những nhà phân tích mà VOA đã phỏng vấn hôm thứ Năm đều nhấn mạnh rằng, không thể nhìn nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài chỉ đơn thuần từ phương diện chiến lược rạch ròi.

"Ông Trump đang cố gắng đưa ra một mức giá thị trường cho những lợi ích không thể đong đếm được, bao gồm việc thúc đẩy và hỗ trợ những nền dân chủ và những xã hội tư bản chủ nghĩa thị trường tự do, góp phần trực tiếp vào tài lực kinh tế quốc gia của Mỹ." Đó là nhận định của giáo sư Hwang, cựu cố vấn đặc biệt cao cấp về vấn đề Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bà nói nếu lực lượng Mỹ bị rút khỏi Đông Bắc Á, "chúng ta sẽ hủy hoại nền kinh tế của chúng ta" vì mất đi những thị trường tự do trong khu vực mà có thể bị Trung Quốc và Nga thâu tóm.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Times, ông Trump cũng nêu thắc mắc về tính hữu hiệu của những phi đạn của Mỹ nhằm bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông nói, "chúng ta để phi đạn ở đó cũng lâu rồi và công bằng mà nói, bây giờ chúng gần như lỗi thời rồi."

Ngũ Giác Đài mới đây loan báo họ đang tăng cường phòng thủ phi đạn ở Hàn Quốc và sẽ triển khai hai hệ thống Phòng thủ Phi đạn Khu vực Cao độ Giai đoạn cuối (THAAD) cho nước này, một quyết định mà phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Năm nói là "nhằm bảo vệ những đồng minh của chúng ta khỏi mối đe dọa phi đạn của Bắc Triều Tiên." Mỗi đơn vị phi đạn ước tính trị giá khoảng 1,6 tỉ đôla, theo những nhà phân tích quốc phòng.

"Những thách thức an ninh rất thực, và thẳng thắn mà nói, những cơ hội kinh tế đang hiện hữu ở khu vực đó của thế giới đòi hỏi phải có sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ." Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết như vậy và nhấn mạnh chính sách xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama.

Cựu Phó Tổng thống Mondale nói: "Rõ ràng là ông Trump đã không nghiên cứu và do đó thiếu hiểu biết về những lợi ích của Mỹ, chính sách của Mỹ và lịch sử về sự hiện diện của Mỹ ở khu vực đó của thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc." 

Ông Trump cũng đặt câu hỏi liệu Mỹ có tự động bảo vệ những đồng minh NATO khác hay không, điều vốn là nền tảng của liên minh giữa Mỹ với Châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ Hai kết thúc.

Tướng hồi hưu Wickham cảnh báo sự lãnh đạo mang tính chiến lược toàn cầu đòi hỏi "sự khôn ngoan, sự can đảm, sự kiên nhẫn và trí tuệ trong Tòa Bạch Ốc, và một đội ngũ an ninh quốc gia để làm điều đó."

Vị cựu tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ nói ông không muốn tham gia vào cuộc tranh cãi chính trị, "nhưng chúng ta phải nhìn vào lịch sử. Nếu những người ngu ngốc không nhìn vào lịch sử, thì chúng ta sẽ lặp lại lịch sử." - VOA

***
Trong bài diễn văn đầu tiên đêm thứ Năm trong tư cách ứng cử viên tổng thống Mỹ chính thức của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đưa ra luận điệu khẩn cấp liên quan đến những sự kiện bạo lực gần đây ở Mỹ, và tự cho mình là người nói lên sự thật bằng việc khi nói rằng dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump, Mỹ sẽ là nước của "luật pháp và trật tự."

Ông nói: "Đại hội của chúng ta diễn ra vào một thời điểm khủng hoảng đối với đất nước. Những vụ tấn công nhắm vào cảnh sát và khủng bố trong những thành phố đe dọa chính lối sống của chúng ta. Bất kỳ chính trị gia nào không thấu hiểu mối nguy hiểm này đều không có đủ tư cách lãnh đạo đất nước của chúng ta." 

Trong bài diễn văn đề cập tới nhiều vấn đề, ông Trump cũng nói về kế hoạch của ông chống lại Nhà nước Hồi giáo và những tổ chức khủng bố khác bên trong biên giới của Mỹ và khắp thế giới. Ông Trump đi ngược lại chủ trương của Đảng Cộng hòa khi kêu gọi chấm dứt những thỏa thuận thương mại đa phương, ủng hộ cho quyền của cộng đồng LGBT và cổ súy chính sách không can thiệp khi đối phó với những cuộc khủng hoảng quốc tế.

Ông Trump nói: "Trong tư cách Tổng thống của các bạn, tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ những công dân LGBT của chúng ta khỏi bạo lực và sự áp bức của một hệ tư tưởng ngoại lai đầy thù hận. Để bảo vệ chúng ta khỏi chủ nghĩa khủng bố, chúng ta cần tập trung vào ba điều."

Ba điều mà ông Trump nêu lên là "có hoạt động thu thập tình báo tốt nhất thế giới," từ bỏ điều ông gọi là "chính sách kiến thiết quốc gia và thay đổi chế độ đã thất bại mà Hillary Clinton thúc đẩy ở Iraq, Libya, Ai Cập và Syria," và đình chỉ nhập cư từ "bất cứ quốc gia nào bị chủ nghĩa khủng bố xâm nhập" cho đến khi có thể áp dụng một cơ chế rà soát thích hợp.

Ông nói: "Tôi chỉ muốn nhận vào nước chúng ta những người sẽ ủng hộ những giá trị của chúng ta và yêu quý người dân của chúng ta. Bất cứ ai ủng hộ bạo lực, hận thù hay áp bức đều không được chào đón ở nước chúng ta và sẽ không bao giờ được chào đón ở nước chúng ta."

Nhập cư trái phép

Ông Trump tập trung bài phát biểu của mình chủ yếu vào việc chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp và tội phạm ở Mỹ, so sánh mức độ nguy hiểm của những người nhập cư trái phép với Nhà nước Hồi giáo. Theo ông Trump, có gần 180.000 người nhập cư trái phép với tiền án hình sự, lẽ ra nên bị trục xuất nhưng vẫn đang sống ở Mỹ.

Ông nói: "Nhiệm vụ đầu tiên cho chính quyền mới của chúng ta sẽ là giải phóng người dân khỏi tội phạm, khủng bố và sự vô luật pháp đe dọa những cộng đồng của họ. Tôi có một thông điệp cho tất cả những người còn lại đang đe dọa sự yên ổn trên đường phố và sự an toàn của cảnh sá. Khi tôi tuyên thệ nhậm chức vào năm sau, tôi sẽ khôi phục luật pháp và trật tự cho đất nước của chúng ta."

Ông Trump liệt kê những con số thống kê cho thấy tội phạm gia tăng ở một số thành phố lớn, bao gồm thủ đô Washington và thành phố Baltimore lân cận, những nơi mà ông Trump nói đã chứng kiến sự gia tăng những vụ giết người với tỉ lệ tương ứng là 50 và 60 phần trăm, so với năm ngoái.

Ông nói: "Trong thành phố Chicago quê nhà của Tổng thống, hơn 2.000 người là nạn nhân của những vụ nổ súng trong năm nay. Và hơn 3.600 người đã thiệt mạng trong khu vực Chicago kể từ khi ông ta nhậm chức." 

Nói về những vụ nổ súng hồi gần đây nhắm vào cảnh sát ở thành phố Baton Rouge bang Louisiana, và thành phố Dallas của Texas, ông Trump gọi đó là "một cuộc tấn công nhắm vào tất cả người Mỹ," và đổ lỗi cho Tổng thống Barack Obama về việc sử dụng "diễn đàn tổng thống để chia rẽ chúng ta về chủng tộc và màu da."

Dù ông Trump nhiều lần nói rằng ông sẽ khôi phục luật pháp và trật tự tại Mỹ, ông cung cấp rất ít chi tiết cho biết ông dự định sẽ làm gì để đạt được những mục tiêu đó. Tuy nhiên ông có nói rằng ông sẽ "làm việc với, và bổ nhiệm, những công tố viên và những giới chức chấp pháp giỏi nhất trong nước để hoàn thành công tác," cũng như "bảo đảm rằng tất cả trẻ em của chúng ta được đối xử bình đẳng, và được bảo vệ như nhau."

Ông nói tiếp: "Mỗi hành động tôi thực hiện, tôi sẽ tự vấn: việc này có làm cho cuộc sống của những người Mỹ trẻ tuổi ở Baltimore, Chicago, Detroit, Ferguson tốt hơn không, những người mà cũng có quyền được sống đúng với ước mơ của mình như bao đứa trẻ khác ở Mỹ?"

Phong cách diễn thuyết khác nhau

Những bài diễn văn nhận đề cử tại đại hội đảng thường được xem là dịp mà ứng cử viên trình bày một thông điệp đầy hy vọng và lạc quan, nhưng bài phát biểu của ông Trump tập trung nhiều hơn vào những nỗi lo sợ của một quốc gia căng thẳng đang đối mặt với những thách thức ở trong và ngoài nước.

Ông Trump nói chung chung về những mối đe dọa mà Mỹ đang đối mặt và hứa sẽ "đánh bại những kẻ man rợ ISIS." Ông cũng mô tả nền chính trị ở Washington là trò chơi của những người trong cuộc và hứa hẹn ông sẽ là một tổng thống của người dân.

Ông nói: "Tôi tham gia đấu trường chính trị để những người có quyền thế không còn có thể hiếp đáp những người không thể tự vệ. Không ai hiểu rõ hệ thống hơn tôi, đó là lý do vì sao chỉ mình tôi mới có thể sửa chữa nó." 

Con gái lớn của ông Trump, Ivanka Trump, dường như đảm nhận vai trò của một diễn giả lạc quan khi cô giới thiệu ông Trump, gọi ông là "người ủng hộ người dân" và kể những mẩu chuyện mang tính cá nhân để cho thấy ông là một người gây thiện cảm.

Cô kể một câu chuyện về cha cô và cô chơi với những khối vuông xây nhà trong văn phòng của ông tại tòa nhà Trump Tower khi cô còn nhỏ, và nói rằng ông đã dạy cô về nguyên tắc lao động và rằng mọi người đều có bổn phận phục vụ cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Cô gọi cha cô "nổi tiếng nhưng không mấy ai hiểu rõ ông" và mô tả ông là một người có sức lôi cuốn và tử tế.

Cô nói: "Tôi đã thấy ông tranh đấu cho nhân viên của mình. Bây giờ, tôi đang thấy ông tranh đấu cho đất nước của mình." - VOA

***
Nhà tỷ phú và trùm bất động sản Donald Trump đã nhận sự đề cử của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống đêm qua và đọc một bài phát biểu được đa số cho là gây phấn khởi, mặc dầu u ám, để chính thức khởi động cho cuộc tranh cử toàn quốc. 

Ông Trump đọc bài phát biểu dài nhất trong cuộc vận động tranh cử tính đến ngày hôm nay, đề cập đến rất nhiều vấn đề, và vẽ ra một hình ảnh nước Mỹ trong tình trạng rất vô vọng. Ông nói về những mối đe dọa từ phía các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi giáo, các hiệp định thương mại mà ông cho là tồi tệ, và tỷ lệ giết người ngày càng tăng ở 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ.

Tuy rất dài – tính ra là 1 tiếng 15 phút – điều nổi bật là bài diễn văn thiếu các đề nghị chính sách cụ thể; một sự kiện các đối thủ chính trị của ông Trump mau chóng vạch ra.

Ứng viên từng có nhiều hy vọng ra tranh cử của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đại diện bang Vermont, đã nhắn tin qua Twitter ngay trong khi ông Trump đọc bài phát biểu, nêu ra rằng nhiều lập trường chính sách cấp tiến của ông không có trong cương lĩnh được ông Trump đề ra.

Ông Sanders chỉ trích doanh nghiệp may mặc của ông Trump trong một loạt tin nhắn qua Twitter, kêu gọi ông Trump chuyển các hoạt động sản xuất về Hoa Kỳ để “chỉnh sửa” thương mại – một trong các đề nghị chính sách ông Trump đề cập đến, nhưng đã không đi vào chi tiết.

Trong một loạt tin nhắn Twitter, ông Sanders nói: “Chỉnh sửa thương mại. Hãy ngưng sản xuất hàng may mặc của Trump ở Mexico. Chỉnh sửa thương mại. Hãy ngưng sản xuất áo sơ mi của Trump ở Bangladesh với mức lương công nhân 30 xu một giờ. Thật là một tay đạo đức giả! Nếu muốn “chỉnh sửa” thương mại thì ông Trump có thể bắt đầu bằng cách sản xuất các sản phẩm của ông ở Hoa Kỳ, chứ không phải ở các nước ngoài với mức lương thấp.

Những tin nhắn qua Twitter ngay trong lúc ông Trump phát biểu được nhiều người theo dõi đến độ tạo ra một hashtag #RNCwithBernie, được truy cập đến hết đêm.

Phản ứng trước bài diễn văn của ông Trump trong giới phê bình chính sự mang tính cách lẫn lộn một cách không ngờ, và tùy thuộc vào đường lối đảng phái, mặc dầu một số đảng viên Cộng hòa còn chưa chịu ủng hộ ông Trump cũng chỉ trích ông kịch liệt không kém các đối thủ của ông Trump bên đảng Dân chủ.

Ông Bill Kristol, chủ biên tạp chí Weekly Standard có chủ trương bảo thủ và là đối thủ quyết liệt của ông Trump, đã chỉ trích ông Trump trong suốt bài phát biểu, nhưng cuối cùng thừa nhận rằng phong cách của ông có thể chính là những gì cần đến để thắng cử trong năm nay.

Ông Kristol viết: “Tôi không tự tin vào khả năng phán đoán của tôi rằng liệu một bài phát biểu tại đại hội như thế này có tỏ ra hữu hiệu hay không. Nhưng tôi nghi là bài này sẽ có hiệu quả. Chúng ta có thể (và nên) chế giễu lối phát biểu la lối của ông Trump và nội dung hoa hòe hoa sói của bài phát biểu. Tôi ước gì tôi có thể tự tin hơn rằng bài phát biểu này sẽ không có tác dụng.”

Ông Trump và các diễn giả khác tại đại hội đã nói về việc sẽ chấp nhận nhiều hơn các công dân trong khối người đồng giới và lưỡng giới, hay LGBT, và bảo vệ họ trước bạo lực. Sự ủng hộ mà các đảng viên Cộng hòa vừa mới dành cho cộng đồng LGBT đã khơi ra cả những lời reo hò phản đối lẫn hoan nghênh khi mọi người nêu ra rằng cương lĩnh của đảng Cộng hòa có thể vẫn được coi là mang tính kỳ thị đối với những người đồng tính.

Ông Ari Fleischer, một cựu phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống George W. Bush, ca ngợi ông Trump về lời lẽ của ông. Ông Fleischer viết: “Thật là tuyệt diệu khi nhìn thấy những người đồng tính được đón nhận một cách cởi mở và hân hoan tại đại hội. Một sự kiện lẽ ra phải diễn ra từ lâu rồi.”

Tuy nhiên, những người khác vạch ra rằng cương lĩnh chính thức của đảng Cộng hòa ủng hộ liệu pháp chuyển giới cho những người đồng tính, và đảng muốn đảo ngược một phán quyết của Tối cao Pháp viện hợp thức hóa hôn nhân giữa những người đồng tính.

Bà Andrea Bernstein, một chánh chủ biên tại đài phát thanh công cộng của New York WNYC đả kích ông Trump là đi ngược lại cương lĩnh của đảng.

Bà viết, “Trong tư cách là tổng thống tôi sẽ làm tất cả mọi thứ trong quyền hạn của tôi để bảo vệ những người đồng giới và lưỡng giới trước chủ thuyết thù ghét ngoại lai. Cương lĩnh của đảng Cộng hòa là: Không có hôn nhân, không có con cái.”

Trong khi đó, đối thủ của ông Trump bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, nêu ra rằng, "Cương lĩnh chính thức của đảng Cộng hòa ủng hộ liệu pháp chuyển giới."

Bà viết: "Chúng ta khá hơn thế này."

Tuy nhiên, về phía đảng Cộng hòa, nhiều người coi bài phát biểu của ông Trump là một cách để tiếp cận những người có thể không thường bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.

Bà Laura Ingraham, một nhà bình luận bảo thủ và là người ủng hộ ông Trump, nói bà coi bài phát biểu là “mở rộng thêm cơ sở của đảng Cộng hòa.”

Bà viết, “Những người dân nghèo khó ở nội thành sẽ không bị xao lãng nữa. Họ đã chịu đựng đủ đau khổ dưới thời Obama.”

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng lên tiếng ủng hộ ông Trump, và nhắn tin qua Twitter với ông Trump và người được chọn làm phó Mike Pence rằng: “Hãy đi đến cùng … Hãy quyết thắng kỳ này.”

Tương tự như thế, Chủ tịch ban Chấp hành đảng Reince Priebus nhắn qua Twitter rằng ông “rất phấn khởi bầu” cho ông Trump. - VOA

***
Sự chia rẽ thay vì đoàn kết là yếu tố ngự trị Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hòa hôm thứ Năm, giữa lúc những lời chỉ trích của Thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc bang Texas, đối với ông Donald Trump, người được đề cử làm ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Cộng hòa, lan sang ngày cuối cùng của sự kiện kéo dài 4 ngày này.

Nói chuyện trước phái đoàn tiểu bang nhà của ông hôm thứ Năm tại đại hội đảng tại thành phố Cleveland miền Bắc nước Mỹ, ông Cruz nói ông sẽ không bầu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, nhưng ông từ chối, không cho biết liệu ông có bầu cho ông Trump hay không.

“Tôi không có thói quen ủng hộ người đã bôi nhọ vợ và cha tôi.” Ông Cruz nói thêm rằng ông từ chối, không hành động như một “chú cún ngoan” và nói “Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã lăng mạ vợ tôi và cha tôi”.

Trong chiến dịch vận động đầy khó khăn để được Đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên đại diện cho đảng ra tranh chức Tổng Thống, ông Trump đã phát động các cuộc tấn công nhắm vào vợ ông Cruz, bà Heidi, và cha của ông Cruz, Rafael Cruz.

Đáp lại chỉ trích của ông Cruz, ông Trump nói trên trang Twitter của ông rằng đoàn kết vẫn thắng trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Ông viết: “Ngoại trừ một nhóm nhỏ những người chịu thất bại nặng nề làm họ bối rối, đảng rất đoàn kết. Rất nhiều yêu thương tại đại hội.”

Ông Cruz là một trong những đối thủ cuối cùng trong cuộc chạy đua gay gắt để giành sự đề cử của Đảng Cộng hòa, trong đó ông Trump gọi ông là “ông Ted nói dối.”

Nhưng như đa số các ứng viên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua này, ông đã xuất hiện tại đại hội đảng ở Cleveland, bang Ohio để ngỏ lời trước các giới chức đảng và hàng triệu người theo dõi trên truyền hình.

Ông Cruz bị la ó

“Đối với những người đang lắng nghe, xin quý vị đừng ở nhà vào tháng 11 này. Hãy đứng dậy và nói lên tiếng nói của mình, hãy biểu quyết theo lương tâm của quý vị. Hãy bầu cho các ứng cử viên có tên trong liên danh, từ dưới lên trên, những người mà quý vị tin sẽ bảo vệ tự do của chúng ta, và sẽ trung thành với Hiến Pháp Mỹ.”

Ngay sau đó, những người đại diện bang New York hô lớn để át giọng ông Cruz khi ông đang phát biểu, và đòi ông loan báo ông hậu thuẫn cho người được đảng đề cử.

Ông Cruz trả lời: “Tôi cảm tạ sự nhiệt tình của phái đoàn New York.”

Những la ó phản đối lại được thay thế bằng những lời hoan hô sau khi ông Cruz bước xuống bục, ngay giữa lúc ông Trump xuất hiện ở đâu đó khác trong hội trường.

Ông Trump đáp lại sau đó trên trang Twitter.

“Ồ, Ted Cruz bị la ó và bị đẩy ra khỏi sân khấu, không tôn trọng lời cam kết! Tôi có thấy bài diễn văn của ông ấy trước đó 2 giờ, nhưng cứ để cho ông ấy đọc. Chả có gì quan trọng!”

Ông Trump sẽ phát biểu

Ông Trump sẽ đọc bài diễn văn của ông trong ngày cuối cùng của đại hội.

Trước khi đọc diễn văn, ông dành một cuộc phỏng vấn cho báo New York Times, trong đó ông nói ông sẽ xếp thứ tự ưu tiên cho các nhu cầu quốc gia.

Ông nói: “Chúng ta sẽ chăm lo cho đất nước này trước khi lo lắng tới mọi người khác trên thế giới.”

Khi được hỏi về âm mưu đảo chánh tuần trước ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Trump ca ngợi Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Theo bản viết lại cuộc phỏng vấn của tờ Times, ông Trump nói:

“Vụ đảo chính không hề xảy ra. Đảo chính đã thất bại, và dựa trên sự thật đó, tôi cho rằng ông có công trong việc lật ngược tình thế. ”

Ông Trump còn nói ông rất hâm mộ người Kurd, và bày tỏ mong muốn thấy sự đoàn kết giữa họ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, một điều mà ông cho là khả thi với các cuộc thương thuyết.

Ông Trump nói: “Nếu tôi được trao cơ hội để làm điều đó, nghĩa là nếu tôi thắng, chúng tôi sẽ có những buổi họp với nhau.”

Phát biểu của ông Pence

Phần phát biểu chủ yếu tại đại hội hôm thứ Tư là phần phát biểu của Thống đốc Indiana Mike Pence, người được ông Trump chọn làm ứng cử viên Phó Tổng Thống. Ông Pence tự coi ông là một người có thể cân bằng liên danh với ông Trump.

Ông Pence nói: “Ông Trump là người có cá tính mạnh, một phong thái đầy màu sắc và có sức thu hút, thế cho nên tôi đoán rằng ông ấy đang tìm một thế cân bằng nào đó cho liên danh của ông.”

Ông Pence cũng tung ra những lời đả kích nhắm vào đối thủ của hai ông bên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton.

Ông nói: “Vào đúng lúc nước Mỹ đang mong chờ một điều gì mới, lạ, thì đảng kia đáp ứng lại bằng một nghị trình lỗi thời, và một tên tuổi mà ai cũng đoán được. Người dân thuộc cả hai đảng đang nóng lòng chờ thay đổi, sẵn sàng phá vỡ các khuôn thước cũ ở Washington, mà các thành viên Đảng Dân Chủ lại đang chuẩn bị tiến cử một nhân vật đại diện cho tất cả những gì mà nước này coi là nhàm chán.” - VOA
|
|

4.
Ngoại trưởng Mỹ: IS đang mất tiền và chiến binh, nhưng vẫn là mối đe dọa khủng bố

Trong khi nhóm Nhà nước Hồi giáo tiếp tục mất lãnh thổ và chiến binh ở Iraq và Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng tổ chức chủ chiến này đang biến thành một mối đe dọa kiểu khác mà có thể sẽ khó đánh bại hơn.

Phát biểu tại một hội nghị của những nước đối thủ của Nhà nước Hồi giáo hôm thứ Năm, ông Kerry nói với những bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng đến từ hơn 30 quốc gia rằng "tình thế đã thay đổi."

Ông nói: "Liên minh của chúng ta và những đối tác của chúng ta ở thực địa đã đẩy Daesh ra khỏi gần 50 phần trăm lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát ở Iraq, và 20 phần trăm lãnh thổ [chúng từng kiểm soát] ở Syria." Daesh là từ viết tắt trong tiếng Ả-rập chỉ nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói thế giới có thể mong đợi đến lúc mà Nhà nước Hồi giáo bị đánh đuổi hoàn toàn khỏi Iraq và Syria và "ngày đó sẽ đánh dấu một bước ngoặt hệ trọng trong cuộc chiến chống lại Daesh."

Ông Kerry nói thậm chí bây giờ liên minh do Mỹ dẫn đầu có thể hài lòng với thực tế là lực lượng chiến đấu của IS hiện nhỏ hơn khoảng một phần ba so với năm ngoái. Những chiến binh nước ngoài mà IS tuyển mộ trong quá khứ đã bắt đầu rời bỏ tiền tuyến của những kẻ khủng bố, vì thu nhập sụt giảm đã làm chậm việc trả lương cho họ, và nỗ lực tìm kiếm tân binh của nhóm này đã trở nên kém hữu hiệu.

Nếu không có một cơ sở lãnh địa, ông Kerry nói Nhà nước Hồi giáo sẽ không còn có thể khoa trương nó là một ”nhà nước Hồi giáo" mới mà những chiến binh nước ngoài có thể đổ tới.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là mặc dù liên minh đã đạt được những mục tiêu quân sự tại Iraq và Syria, cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo còn lâu mới kết thúc được. Ông Kerry nói IS "có đủ mức kiên trì và thực tiễn để biết rằng khi nào chúng cần phải thay đổi."

Ông Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói với đài VOA rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo giờ sẵn sàng kích động khủng bố còn hơn cả al-Qaida trước đây.

Là cựu quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ và là chuyên viên tư vấn với hàng chục năm kinh nghiệm về những vấn đề an ninh quốc gia, ông Cordesman nói: "Chúng ta có thể kiềm chế nó, chúng ta có thể hạn chế nó, chúng ta có thể đánh bại một số phần cục bộ của nó, nhưng nó sẽ không biến mất." - VO
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc rút tên lửa HQ-9 khỏi Hoàng Sa --- Biển Đông: Philippines chịu bị Trung Quốc bắt bí để có dầu khí? --- Việt Nam thận trọng, không vui mừng sau phán quyết chống lại Trung Quốc --- Indonesia thúc đẩy thảo luận về Biển Đông tại ASEAN

Theo trang mạng Janes. com (IHS Jane’s 360), chuyên về các tin tức an ninh - quốc phòng, có trụ sở tại Luân Đôn, nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã rút tổ hợp tên lửa đất đối không HQ-9 ra khỏi đảo Phú Lâm (Woody Island), quần đảo Hoàng Sa.

Trang mạng Janes. com, ngày 21/07/2016, dựa trên các hình ảnh vệ tinh thu thập được vào ngày 10/07, cho rằngtổ hợp tên lửa HQ-9 đã được đưa về Hoa lục trên một tàu chiến. Theo hình ảnh vệ tinh của công ty không gian châu Âu Airbus Defence and Space, tổ hợp tên lửa HQ-9 đã rời khỏi vị trí bờ bắc đảo Phú Lâm trùng với thời điểm quân đội Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận tại khu vực Hoàng Sa. Cuộc tập trận kéo dài một tuần lễ, ngay trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh về Biển Đông (ngày 12/07/2016).

Hình ảnh chụp được vào ngày 08/07 cho thấy nhiều bộ phận của tổ hợp tên lửa đã được tháo rời và được ngụy trang. Riêng ba xe phóng tên lửa TEL và một radar trinh sát loại 305A thì không được che phủ. Theo hình ảnh của ngày hôm sau, 09/07, một đoàn xe ắt hẳn có các xe phóng tên lửa TEL của tổ hợp HQ-9 có mặt trên đoạn đường dẫn đến cảng phía nam của đảo Phú Lâm.

Theo trang mạng quốc phòng Janes.com, rất có thể Trung Quốc đưa tổ hợp HQ-9 về đất liền để bảo trì.

Tổ hợp tên lửa HQ-9, có tầm bắn 200 km, được Trung Quốc bố trí tại Hoàng Sa kể từ đầu tháng 2/2016. Theo nhiều nhà quan sát, cùng với việc bồi đắp trên quy mô rất lớn nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, việc Bắc Kinh đưa HQ-9 đến Phú Lâm, Hoàng Sa, là bằng chứng mới về nỗ lực « quân sự hóa » các thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông, khiến tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.

Quần đảo Hoàng Sa là vùng lãnh thổ mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo này từ năm 1974, sau một trận tấn công bất ngờ nhắm vào hải quân Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng đồn trú tại quần đảo này. - RFI

***
Phán quyết ngày 12/07/2016 vừa qua của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã khẳng định quyền Philippines được hưởng tại khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) được cho là giàu tiềm năng dầu khí. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn bác bỏ phán quyết quốc tế, cho rằng Biển Đông vẫn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng để phát triển, tại Philippines đang có xu hướng sẵn sàng bắt tay với Trung Quốc để cùng khai thác nguồn dầu khí tại vùng bị Bắc Kinh tranh chấp.

Theo hãng Reuters ngày 22/07/2016, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Philippines sẽ ngày càng phải nhập khẩu thêm nhiên liệu, trong lúc nguồn cung cấp chính của nước này đang càng lúc càng cạn kiệt. Do vậy, Manila rất muốn khai thác các mỏ dầu khí nằm ngoài Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Một trong những khu vực này là Bãi Cỏ Rong, tên quốc tế là Reed Bank, nằm cách bờ biển Philippines 85 hải lý.

Philippines hiện đang dựa vào khu mỏ khí đốt Malampaya chẳng hạn, ở ngoài khơi Philippines trong vùng không bị tranh chấp, cung cấp 40% năng lượng cho hòn đảo chính Luzon, nơi có thủ đô Manila. Do tập đoàn Royal Dutch Shell khai thác, khu mỏ này bắt đầu hoạt động vào năm 2001, và đang bước vào giai đoạn cuối thời kỳ sản xuất.

Trong khi đó, theo công ty dịch vụ mỏ dầu Weatherford của Mỹ, chỉ riêng một lô tại vùng Reed Bank - như lô SC 72 - đã có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn hơn gấp ba lần trữ lượng của mỏ Malampaya.

Vấn đề đối với Philippines là cho đến nay, vùng Bãi Cỏ Rong, dù rất xa Trung Quốc, nhưng vẫn bị Bắc Kinh cho là của mình, và Trung Quốc đã không ngần ngại dùng võ lực xua đuổi các tàu khảo sát của Philippines đến thăm dò tại vùng này, đồng thời gây sức ép trên các công ty ngoại quốc khiến cho không hãng nào dám hợp tác với Manila để khai thác vùng Reed Bank.

Theo lời công nhận của ông Antonio Carpio, một thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines, thành viên đoàn luật gia nước này tham gia vụ kiện Trung Quốc tại La Haye, thì một yếu tố quan trọng thúc đẩy Philippines viện đến trọng tài quốc tế vào năm 2013 là các hành vi cản trở của Trung Quốc xung quanh vùng Reed Bank.

Ngày nay, Philippines đã thắng kiện, nhưng thái độ ngoan cố phủ nhận phán quyết quốc tế của Bắc Kinh tiếp tục là cản lực đối với Manila, vì trong thực tế, ngày nào mà Trung Quốc không chịu lùi bước, thì ngày đó không một hãng quốc tế nào dám lao vào khai thác vùng Reed Bank, trong lúc bản thân Philippines thiếu năng lực làm việc này.

Giải pháp gần như là duy nhất khả thi trong tình hình hiện nay đối với Manila có lẽ là bắt tay với các tập đoàn Trung Quốc để cùng khai thác. Giải pháp này đã từng có tiền lệ : Vào năm 2003, một thỏa thuận đồng hợp tác thăm dò vùng Bãi Cỏ Rong đã từng được ký kết giữa ba tập đoàn nhà nước PNOC của Philippines, CNOOC của Trung Quốc và PetroVietnam của Việt Nam. Đến năm 2008, thỏa thuận này không được Manila triển hạn sau những chỉ trích liên quan đến chủ quyền Philippines bị tổn hại.

Giờ đây, nhiều lãnh đạo ngành dầu khí Philippines đã cho rằng để tháo gỡ bế tắc, cần phải bắt tay trở lại với tập đoàn Trung Quốc CNOOC.

Trước mắt CNOOC chưa bình luận về những ước mong hợp tác do phía Philippines đưa ra, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc vẫn tái khẳng định rằng Reed Bank là lãnh thổ Trung Quốc. Có điều là Bắc Kinh vẫn bắn tin cho biết là sẵn sàng tạm gác tranh chấp chủ quyền để đàm phán việc đồng khai thác.

Nếu khả năng hợp tác Philippines-Trung Quốc thành hiện thực, thì rõ ràng là Manila đã chấp nhận để cho Bắc Kinh bắt bí, vì lẽ theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, Trung Quốc không được phép cản trở các hoạt động của Philippines ở Reed Bank, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. - RFI

***
Ngày 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tại La Haye đã ra phán quyết thuận lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về các tranh chấp tại Biển Đông. Thế giới đã theo dõi và bình luận, cho dù Trung Quốc tuyên bố phán quyết là vô giá trị. Nhưng trong một chừng mực nào đấy, Việt Nam, nước lẽ ra sau Philippines, phải hoan nghênh nồng nhiệt thì lại tỏ ra mềm mỏng và kiềm chế. Tại sao ? 

Theo bài phân tích trên website Huffingtonpost(16/07/2016), tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã dẫn đến các vụ đối đầu giữa Hải Quân hai nước, bắt giữ các ngư dân, cắt cáp tàu khảo sát, vi phạm chủ quyền, tình trạng bất ổn trên diện rộng ở trong nước, tức giận nhắm vào chính phủ, bạo động và cướp phá và nâng cấp các phương tiện của Hải Quân Việt Nam.

Khi phán quyết vụ kiện về Biển Đông được đưa ra, Bill Hayton trên website The National Interest nhận xét rằng « đó là một chiến thắng của bằng chứng trước tình cảm ». Hayton nói rằng những đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc mang tính cảm xúc dựa trên các sự kiện lịch sử và cách hành xử từ thế kỷ XIX. Ông viết, "những hiểu lầm và cảm xúc sẽ không dễ dàng gạt bỏ được".

Đối với Việt Nam, đây là một thắng lợi mang tính chiến lược và đầy xúc cảm, nhưng không trọn vẹn. Tại Việt Nam, thái độ đối với các đòi hỏi lãnh thổ cũng mạnh mẽ như tại Trung Quốc. Và tương tự như giải thích của Hayton về Trung Quốc, ý thức bất bình mạnh mẽ đối với những vấn đề chủ quyền, cũng như các khiêu khích có tính toán của Trung Quốc và cảm giác thù ghét truyền kiếp đối với Trung Quốc do 1000 năm đô hộ, đã nuôi dưỡng tình cảm của công chúng Việt Nam.

Tuy nhiên, Hà Nội đã phản ứng rất mạnh với các vụ được cho là vi phạm chủ quyền khi Trung Quốc cho máy bay dân sự đáp xuống các phi đạo trên hai bãi đá, Su Bi (Subi) và Vành Khăn (Mischief), không đếm xỉa đến phán quyết của Toà - thay vì tuân thủ chính phán quyết này.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình nói về sự cố này như sa:

"Những hoạt động mà Trung Quốc gây ra đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, phi pháp và không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (được biết đến với tên Paracel và Spratly)".

Ngược lại, phản ứng ngay lập tức của Việt Nam về phán quyết của Tòa Án Quốc Tế lại ít gay gắt hơn và cân nhắc hơn. Ông Hải Bình nói:

"Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Theo website Vietnam Right Now, một nguồn tin được biết đến do có những quan điểm rất khác biệt với chính phủ ở Việt Nam thì "tuyên bố này phản ánh mối lo ngại của Hà Nội về khả năng Trung Quốc, do bị thua, có thể phản ứng dữ dội vì Trung Quốc muốn tìm cách bù đắp thiệt hại do cơn lốc pháp lý và ngoại giao gây ra đối với các đòi hỏi lãnh thổ của mình".

Trong vụ kiện về Biển Đông, Trung Quốc đã bị một nước nhỏ hơn ngáng trở. Phán quyết của Tòa La Haye lẽ ra phải khiến cơ quan tuyên truyền và báo chí Việt Nam lao vào kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Thế nhưng, mọi thứ vẫn yên tĩnh và được mở đầu với việc truyền thông dẫn lại phát biểu của người phát ngôn bộ Ngoại Giao hoặc chỉ đưa tin về vụ ra phán quyết. Không có việc hun thổi tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Chắc chắn đây cũng gần như là một thắng lợi đối với Việt Nam - vì không một nước nào lại ủng hộ Philippines trong trận chiến này mạnh hơn Việt Nam. Thế nhưng, phản ứng từ phía bộ Ngoại Giao và báo chí thì thận trọng và tẻ nhạt.

Lịch sử phức tạp của Trung Quốc tại Việt Nam

Chính phủ Việt Nam luôn chịu áp lực là phải "cứng rắn" với Trung Quốc, từ phía các nhà hoạt động tranh đấu cũng như từ phía quần chúng ngày càng ít quan tâm đến chính trị. Điều này đã xẩy ra liên tục nhiều lần từ năm 2000, khi sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực bắt đầu gia tăng. Một cách tiêu biểu nhất là các nhà hoạt động đã có thể đi tuần hành xung quanh hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội vào mỗi sáng Chủ Nhật, thường bắt đầu từ đại sứ quán Trung Quốc và bị các nhân viên an ninh quay phim một cách kỹ càng. Cuộc tuần hành được phép diễn ra nhằm "gửi một thông điệp" tới Bắc Kinh, để rồi sau vài tuần, các cuộc biểu tình phản đối này lại bị ngăn chặn.

Trách cứ chính phủ không hành động nhiều hơn là một sự khởi đầu bất bình mang thiện ý xây dựng, nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Chính phủ biết được điều này và do vậy thận trọng không cho để cho tinh thần bài Trung Quốc lên quá cao trong lúc đang cố gắng tăng cường quan hệ với nước này. Việc trấn áp các cuộc biểu tình là điều không thể tránh khỏi.

Trung Quốc và Việt Nam đã cố gắng cải quan hệ kể từ năm 2015 khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Ông Tập đã phát biểu tại Quốc Hội Việt Nam, và là người nước ngoài đầu tiên được làm như vậy. Chuyến viếng thăm đã được ca ngợi rộng rãi như là một « sự làm lại từ đầu » trong quan hệ giữa hai nước, với kết quả là 12 hiệp định song phương, cùng với sự cam kết của Bắc Kinh đầu tư hơn 150 triệu đô la vào các dự án trường học, bệnh viện ở Việt Nam, cộng thêm nửa tỷ đô la đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Quan hệ giữa hai nước đã bị nguội lạnh - ít ra là như vậy - vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Động thái này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối trên toàn quốc dẫn đến việc đập phá nhiều nhà máy và một số người Đài Loan tử vong.

Cho dù Việt Nam đã xích lại gần Mỹ hơn nhưng vẫn phải chú ý tới việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Do Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới chung, trao đổi thương mại rất nhiều và chia sẻ ý thức hệ, nên sẽ luôn luôn có yếu tố "nguyên trạng" trong quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh ở hậu trường, ngay cả khi có những làn sóng bất bình về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Chung đường biên giới có nghĩa là lực lượng an ninh hai nước tiến hành một số luyện tập với nhau và nước này nhìn kỹ xem nước kia có những tín hiệu mầm mống đòi dân chủ hoặc nổi dậy hay không.

Cả hai nước đều có đòi hỏi lãnh thổ đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông (tên quốc tế là Spratly và Paracel) trong khi bốn bên tranh chấp khác là Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan thì chỉ có đòi hỏi đối với một phần các lãnh thổ này và chắc chắn làm cho các mối quan hệ trở nên khó khăn hơn một chút.

Trong tình hình đó, lá bài tốt nhất là Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á - ASEAN. Cho dù "con hổ giấy" chưa đóng vai trò như là một đối sách, nhưng Hà Nội vẫn hy vọng, bất chấp lập trường phản đối không khoan nhượng của Cam Bốt trong khối này.

Giáo sư Carl Thayer, nguyên là chuyên gia về khu vực Đông Nam Á tại nhiều cơ sở giáo dục, quốc phòng Úc, nhận định là "Việt Nam sẽ tập trung chú ý tạo dựng một hình thức thống nhất nào đó trong ASEAN, nhất là vào lúc Việt Nam sẽ chủ tọa hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối năm nay. Việt Nam muốn thúc đẩy các lợi ích của mình thông qua ÁEAN".

Việt Nam sẽ thấy nỗ lực này là khó khăn, bởi vì, như David Brown và Dương Danh Huy đã viết trên Asia Sentinel, "nhóm các nước không đồng nhất này, vốn bị đe dọa hoặc sững sờ trước những đòi hỏi bành trướng của Trung Quốc, đã nhận thấy rằng thật khó để xây dựng được một mặt trận thống nhất".

Nhận định này đúng đến mức là thủ tướng Cam Bốt Hun Sen còn đi xa hơn khi nói rằng ông sẽ chống lại bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết gần đây của Tòa La Haye.

Tuy nhiên, Indonesia và Singapore đã bày tỏ sự bất bình về những hành động gần đây của Trung Quốc và Indonesia còn đi xa hơn, bắt giữ các ngư dân Trung Quốc vào cuối tháng 05/2016. Sự hung hăng ngổ ngáo của Trung Quốc càng làm cho Indonesia khó chịu. Sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, Indonesia đã công bố kế hoạch phòng thủ và tăng cường an ninh đối với các đảo của nước này ở Biển Đông.

Do có nhiều nước cảm thấy bất lực trước thái độ hung hăng và đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ bắt đầu thúc đẩy từng nước giải quyết hồ sơ này thông qua các trao đổi thông tin trên phạm vi quốc tế và tuân thủ các luật lệ quốc tế, thay vì tiến hành các biện pháp an ninh hoặc sử dụng sức mạnh.

Trong thông cáo chung, ông John McCain (thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa, bang Arizona, người từ lâu đã ủng hộ việc bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam) và ông Dan Sullivan (thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, bang Alaska) đã tuyên bố: "Trong tương lai, chúng tôi khuyến khích các bên có tranh chấp khác, trong đó có Việt Nam, tìm kiếm giải pháp tương tự cho các tranh chấp thông qua Tòa Trọng Tài, cũng như thông qua đàm phán giữa các bên".

Cho đến lúc này, phán quyết trọng tài có thể không phải là một giải pháp. Và trong khi chờ đợi, những gì sẽ xẩy ra ở Biển Đông có thể sẽ không thay đổi : Đối với Trung Quốc, Biển Đông vẫn là của họ. - RFI

***
Hội nghị ngoại trưởng tại Lào cuối tuần là cuộc họp lớn đầu tiên của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á - ASEAN - kể từ sau phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, bác bỏ các yêu sách chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc. Theo báo Indonesia ngày 22/07/2016, Jakarta đang nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung.

Báo The Jakarta Post dẫn lời ông Derry Aman - giám đốc hợp tác liên khu vực và đối thoại ASEAN thuộc bộ Ngoại Giao Indonesia: "Điều quan trọng là chúng ta cần đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận trong cuộc họp này, đặc biệt là về cách thức để duy trì tình hòa bình, ổn định và có lợi (cho hòa bình và ổn định)". Ông Derry Aman cũng nhấn mạnh: "Điều chủ yếu là có phần nói về Biển Đông trong bản thông cáo chung".

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) tại Lào và nhiều phiên họp giữa 10 thành viên ASEAN với các đối tác lớn, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…, diễn ra từ ngày 23 đến 26/07. Đây là một dịp quan trọng để các bên tìm kiếm tiếng nói chung trong một loạt các vấn đề lớn, đặc biệt là an ninh khu vực.

Theo các nhà quan sát, phán quyết của Tòa Trọng Tài được coi là rất có lợi cho các quốc gia ven bờ Biển Đông, như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei và kể cả Indonesia trong thế đối đầu với các tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển này. Tuy nhiên, một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, như Cam Bốt và Lào, có thể sẽ không hưởng ứng. Năm 2012, thượng đỉnh ASEAN tại Cam Bốt rút cục đã không ra được thông cáo chung về Biển Đông.

Trong một thông cáo chính thức hôm nay, bộ Ngoại Giao Philippines cho biết tân ngoại trưởng Perfecto Yasay dự kiến sẽ nêu các bất đồng tại Biển Đông ra hội nghị ASEAN và trong các phiên họp khác. Lãnh đạo ngoại giao Philippines bày tỏ hy vọng các bên tôn trọng phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài. Trước đó, ngay sau khi Tòa ra phán quyết, ngoại trưởng Yasay đã từng kêu gọi ASEAN ra thông cáo chung ủng hộ quyết định của Tòa.

Liên quan đến quan hệ Trung Quốc - Cam Bốt, theo hãng tin AP ngày 22/07, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Bắc Kinh viện trợ 600 triệu đô la cho Phnom Penh để đánh đổi việc Cam Bốt ủng hộ trong một số vấn đề chính trị và ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia Đông Nam Á muốn đưa các tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc ra hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Lào.

Còn về hợp tác Mỹ-Philippines, ngày 22/07, Hải Quân Philippines chính thức thông báo sẽ có thêm một tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ ba. Tàu Hamilton là chiến hạm hiện đại nhất của tuần duyên Mỹ trước khi lực lượng này được trang bị loại tàu mới NSC (Legend-class National Security). Tàu Hamilton dự kiến sẽ tới Philippines vào tháng 11/2016. Hải quân Philippines rất thiếu phương tiện để đối phó với các hoạt động lấn lướt của tàu thuyền Trung Quốc tại nhiều khu vực ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. - VOA
|
|

6.
Bà Kim Ngân tuyên thệ lần hai

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khoá XIV sáng 22/7, sau khi được Quốc hội bầu với số phiếu 97,77%%.

Trước đó hôm 31/3, bà Kim Ngân cũng đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội vào cuối kỳ khóa XIII, trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc tuyên thệ nhậm chức hai lần như vậy đã tạo ra một số dư luận cho rằng Đảng Cộng sản cầm quyền cần xem lại quy trình chuyển tiếp quyền lực trong Đảng, chức danh Nhà nước.

Trong ngày 22/7, bốn Phó chủ tịch Quốc hội gồm bà Tòng Thị Phóng, ông Đỗ Bá Tỵ, ông Phùng Quốc Hiển, ông Uông Chu Lưu cũng tái đắc cử.

Theo truyền thông trong nước, buổi tuyên thệ lần hai ngày 22/7 có điểm khác so với lần đầu là toàn thể hội trường đã đứng trang nghiêm chứng kiến, thay vì ngồi tại chỗ thoải mái quay phim chụp ảnh.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội được bầu ngày 22/7

Ông Hà Ngọc Chiến được 487 phiếu đồng ý, hơn 98%

Ông Trần Văn Tuý được 484 phiếu đồng ý, hơn 97%

Ông Võ Trọng Viêt được 484 phiếu đồng ý, hơn 97%

Ông Phan Xuân Dũng được 479 phiếu đồng ý, hơn 96%

Ông Nguyễn Đức Hải được 479 phiếu đồng ý, hơn 96%

Ông Phan Thanh Bình được 475 phiếu đồng ý, hơn 96%

Ông Nguyễn Hạnh Phúc được 473 phiếu đồng ý, hơn 95%

Ông Nguyễn Văn Giàu được 473 phiếu đồng ý, hơn 95%

Ông Nguyễn Khắc Định được 463 phiếu đồng ý, hơn 93%

Bà Nguyễn Thuý Anh được 461 phiếu đồng ý, hơn 93%

Bà Lê Thị Nga được 452 phiếu đồng ý, hơn 91%

Bà Nguyễn Thanh Hải được 395 phiếu đồng ý, hơn 79%

Ông Vũ Hồng Thanh được 353 phiếu đồng ý, hơn 71%

Tổng Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước. - BBC

No comments:

Post a Comment