Tin Thế Giới
1.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Moscow để thảo luận lệnh ngừng bắn ở Syria
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 14/7 đến thăm Moscow để tìm cách cứu vãn lệnh ngừng bắn ở Syria. Theo Washington Post, ông sẽ nêu đề xuất về hành động quân sự chung chống Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra, 1 chi nhánh của al-Qaeda.
Ông Kerry sẽ thảo luận với vị tương nhiệm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, và có thể gặp Tổng thống Vladimir Putin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner trước đó nói rằng Moscow đã không thực hiện cam kết của họ trong việc buộc Damascus ngừng các cuộc tấn công vào phe đối lập.
Ông Toner cho biết Nga và Mỹ có khả năng hợp tác. Ông nhắc đến lệnh ngừng bắn ban đầu đã được các bên nhất trí vào cuối tháng 2, mặc dù lệnh này bị vi phạm nhiều lần. Ông nói thêm rằng mặc dù không hoàn hảo, song lệnh ngừng bắn đó đã cứu nhiều mạng sống.
Nhà phân tích về Syria David Lesch thuộc trường Đại học Trinity ở San Antonio, Texas, nói với VOA là ông tin rằng kể từ khi người Nga nhúng tay can thiệp vào tình hình Syria hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Obama ngày càng nhượng bộ các mục tiêu chính sách của Nga tại Syria.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong một cuộc phỏng vấn với NBC hôm 13/7, bày tỏ tin tưởng ông sẽ giành chiến thắng trong vòng vài tháng trong cuộc nội chiến kéo dài đã 5 năm. Ông nói thêm rằng sự can thiệp của Nga đã giúp thay đổi cán cân, tạo đà cho thắng lợi. Ông Assad nói đó là 'yếu tố quyết định".
Nhà lãnh đạo Syria nói Moscow chưa bao giờ thảo luận với ông về một sự chuyển tiếp chính trị. Ông nói mối quan hệ "rất thẳng thắn" giữa ông với nhà lãnh đạo Nga Putin bắt nguồn từ mối quan tâm chung là đánh bại khủng bố. Ông cũng thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc rằng ông đã phạm tội ác, ông khẳng định là không có bằng chứng nào để chứng minh lời cáo buộc đó. - VOA
|
|
2.
Cựu đô đốc Mỹ: Cần bảo vệ Scarborough của Philippines --- Biển Đông: Trung Quốc đe dọa "đáp trả kiên quyết" nếu bị khiêu khích -- ASEAN im lặng trước phán quyết Biển Đông do áp lực Trung Quốc
Hoa Kỳ nên sẵn sàng sử dụng vũ lực để đối phó với việc Trung Quốc xâm chiếm một rạn san hô đang có tranh chấp ngoài khơi bờ biển của Philippines. Trên đây là khuyến cáo của ông Dennis Blair, một cựu chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong một phiên điều trần Quốc Hội vào ngày 13/07/2016, một ngày sau khi Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye bác bỏ yêu sách đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo ông Blair, mục tiêu không phải là để đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp với Philippines, mà là để thiết lập một giới hạn cưỡng chế quân sự. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một số ranh giới rõ ràng và sau đó khuyến khích Trung Quốc thỏa hiệp về một số mục tiêu của họ".
Philippines là một đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng thỏa thuận giữa hai nước không nêu rõ ràng về việc liệu Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho quốc phòng của Philippines trong trường hợp tranh chấp lãnh thổ hay không.
Ông Blair, cũng từng là giám đốc tình báo quốc gia, nhận định Trung Quốc đã trở nên xa dần các nước láng giềng bằng các hành động hung hăng của mình ở Biển Đông, bao gồm cả việc cải tạo các bãi đá, xây dựng các đường bay và cảng biển ở quần đảo Trường Sa.
Ông khuyến cáo Hoa Kỳ nên có bước tiếp cận một cách cẩn thận sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế nhằm tạo cơ hội cho Bắc Kinh thay đổi đường lối.
Cũng có cùng quan điểm trên, ông Kurt Campbell, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và hiện là cố vấn về chính sách châu Á trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, nói: "Tôi nghĩ rằng theo thời gian, Trung Quốc sẽ bắt đầu điều chỉnh lập trường của mình, bởi vì họ sẽ nhận ra rằng điều này không nằm trong chiến lược lợi ích tốt nhất của mình".
Tân đại sứ Mỹ tại Philippines vừa được tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, Sung Kim, cũng trong ngày 13/07/2016 cho biết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines mà theo ông không nên bị "cưỡng chế và gây áp lực thái quá". - RFI
***
Bắc Kinh hôm nay 14/07/2016 đe dọa sẽ "kiên quyết đáp trả" trong trường hợp bị khiêu khích, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) ra phán quyết kết luận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp. Cũng trong hôm nay Hà Nội đã phản đối các hành động gần đây của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc vô cùng giận dữ trước phán quyết của tòa quốc tế, nhấn mạnh sẽ không tôn trọng bản án của định chế mà Bắc Kinh cho rằng không có thẩm quyền. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) tuyên bố: "Nếu ai đó muốn tiến hành một hành động khiêu khích chống lại các lợi ích an ninh của Trung Quốc trên cơ sở phán quyết này, thì Trung Quốc sẽ đáp trả một cách kiên quyết".
Báo chí Bắc Kinh mới đây loan tin hai máy bay dân sự Trung Quốc hôm qua đã hạ cánh thành công xuống hai phi đạo mới được xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef). Trung Quốc cũng tuyên bố đã hoàn tất bốn hải đăng và động thổ ngọn hải đăng thứ năm trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Các động thái này diễn ra vào thời điểm Tòa Trọng Tài ở La Haye hôm thứ Ba 12/7 ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Từ Hà Nội, Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình hôm nay yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Trong cuộc họp báo hôm nay, ông Lê Hải Bình tuyên bố: "Bất chấp phản đối của Việt Nam và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam là phi pháp, và không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Ông tái khẳng định Việt Nam "có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử" tại hai quần đảo trên.
AP ghi nhận, mặc dù cùng đòi hỏi chủ quyền trên một số thực thể tại Biển Đông với Philippines, Việt Nam hoan nghênh phán quyết của PCA và là quốc gia thành viên ASEAN có quan điểm mạnh mẽ chống lại Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ nghiên cứu phán quyết của tòa quốc tế trước khi đưa ra lời bình luận.
Hãng tin Reuters trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết thêm, cũng trong hôm nay thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) trong cuộc gặp người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bên lề hội nghị thượng đỉnh Âu-Á ở Mông Cổ, đã nói rằng ông hy vọng Việt Nam sẽ cùng với Trung Quốc giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông. - RFI
***
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không ra được thông cáo chung về vụ Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Các nhà ngoại giao khu vực hôm nay 14/07/2016 cho AFP biết như trên, tố cáo sự im lặng này là do Bắc Kinh gây áp lực.
Các nước ASEAN đã nêu khả năng đưa ra tuyên bố về phán quyết hôm thứ Ba 12/7 của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo đó đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra để đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, là bất hợp pháp. Nhưng 10 quốc gia thành viên ASEAN, mà tình đoàn kết đã bị rạn nứt trước chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh, không thể tìm được tiếng nói chung.
Nguồn tin ngoại giao trên đây cho biết: "Các viên chức ASEAN đã chuẩn bị một dự thảo, nhưng đã không đồng thuận được trong việc ra một thông cáo chung". Người ta tin rằng Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng đối với các đồng minh Lào và Cam Bốt để ngăn chận việc ra tuyên bố về vụ kiện lịch sử này. "Một số nước ASEAN chắc chắn là không vui, hành động của Bắc Kinh có thể được cho là can thiệp vào chuyện nội bộ của ASEAN".
Một nhà ngoại giao cao cấp khác của ASEAN cũng nhận định Trung Quốc đã « thành công trong việc chia rẽ ASEAN trên hồ sơ Biển Đông, thông qua các đồng minh »,ý nói Lào và Cam Bốt.
Tháng trước, ASEAN đã gây ngạc nhiên khi nhanh chóng rút lại một thông cáo chung do Malaysia soạn thảo sau hội nghị ASEAN-Trung Quốc, cảnh báo về các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bắc Kinh bị tố cáo là đã gây áp lực, và thất bại trên đây cho thấy sự bất lực của khối ASEAN trong việc duy trì đoàn kết trên hồ sơ này.
Trong khi Philippines và Việt Nam chỉ trích thái độ hung hăng của Trung Quốc, Lào và Cam Bốt thường đứng về phía người láng giềng khổng lồ vốn tỏ ra hào phóng với họ. Lào giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay.
Khi được hỏi về sự thiếu vắng tuyên bố chung ASEAN, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Charles Jose hôm nay trả lời: "Xin vui lòng chất vấn chủ tịch là Lào". Còn Cam Bốt trước đó đã nói rằng sẽ không ủng hộ việc ra ASEAN ra tuyên bố, như vậy đã chặn đứng khả năng này vì khối ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận.
Trong những năm gần đây, ASEAN đã từng phát hành các thông cáo chung bày tỏ sự quan ngại trước các hoạt động xây dựng tại Biển Đông, tuy vẫn thận trọng không nêu đích danh Trung Quốc. Nhưng theo Lauro Baja, nguyên đại diện Philippines tại Liên Hiệp Quốc, trong những ngày này, vấn đề có thể làm chia rẽ ASEAN không được đặt ra. Ông nói: "Nay chúng tôi không còn có thể hy vọng trong tương lai sẽ có được một tuyên bố chung của ASEAN về Trung Quốc". - RFI
|
|
3.
Anh: Thủ lĩnh Brexit Boris Johnson trở thành ngoại trưởng
Ba tuần sau cú sốc "Brexit", cựu bộ trưởng Nội Vụ Theresa May chính thức nhậm chức thủ tướng Anh ngày 13/07/2016, sau khi người tiền nhiệm David Cameron từ chức. Điều gây bất ngờ hơn cả là bà Theresa May đã bổ nhiệm người đứng đầu phong trào ủng hộ "Brexit" làm ngoại trưởng.
Tân thủ tướng Anh, 59 tuổi, đã thành lập nội các mới, cùng với một bộ chuyên trách về "Brexit" với người đứng đầu là ông David Davis. Vị dân biểu hoài nghi châu Âu này sẽ chịu trách nhiệm đàm phán việc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Cựu ngoại trưởng Anh Philip Hammond thay thế ông George Osborne tại bộ Tài Chính. Thế nhưng, điều gây bất ngờ hơn cả là bà Theresa May đã bổ nhiệm cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson, người đứng đầu phong trào ủng hộ "Brexit", vào vị trí ngoại trưởng Anh.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix giải thích :
"Sự trở lại của ông Boris Johnson đã gây ngạc nhiên và dẫn đến nhiều lời bình luận khác nhau trên các nhật báo Anh, như dòng tựa: "Thế giới thân mến… Chúng tôi lấy làm tiếc" trên tờ Daily Mirror với hình ảnh cựu đô trưởng Luân Đôn đội mũ bảo hiểm màu xanh dương, hai tay cầm quốc kỳ Anh và treo lửng lơ trên một dây cáp; bức hình giờ lan truyền khắp thế giới.
Thế nhưng, nếu nhật báo cánh tả Anh than phiền, vì thấy với quyết định bổ nhiệm này "uy tín của nước Anh chỉ còn treo trên một sợi dây", thì nhật báo Daily Mail, lại hoan hỉ vì có "một chính phủ bảo thủ táo bạo mới" và chạy tựa trên trang nhất "Boris tái xuất!"
Về phần mình, tờ Telegraph nhận thấy sự nỗ lực từ phía tân thủ tướng trong việc trấn an những người đã bỏ phiếu ủng hộ « Brexit » với việc bổ nhiệm hai chính trị gia ủng hộ Anh rời Liên Hiệp Châu Âu : ông David Davis trở thành bộ trưởng Đàm Phán "Brexit" và ông Liam Fox, trong cương vị bộ trưởng Thương Mại Quốc Tế.
Cuối cùng, tờ Guardian công nhận nỗ lực của bà Theresa May trong bài diễn văn nhấn mạnh trọng tâm vào các vấn đề công lý xã hội và một nền kinh tế cho tất cả mọi người. Thế nhưng, dòng tựa của bài xã luận: "Tân thủ tướng, vẫn cùng vấn đề" đã tóm tắt ngắn gọn những trở ngại đang đợi bà Theresa May, như tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, đa số tại nghị viện rất hạn chế và một vấn đề nhức nhối: "Brexit" và các cuộc đàm phán để rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu".
Hãng tin AFP cho biết, ngay sau khi chính phủ mới của Anh được thành lập, tổng thống Pháp François Hollande đã gọi điện chúc mừng tân thủ tướng Theresa May, tối ngày 13/07/2016, đồng thời nhắc lại mong muốn các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu "cần được xúc tiến nhanh nhất có thể được".
Trong khi đó, thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 14/07, cho biết đã mời đồng nhiệm Anh tới Berlin để hội đàm, song bà không đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc bổ nhiệm tân bộ trưởng ngoại giao Anh.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức vào tối cùng ngày nhậm chức, bà Theresa May cho biết Anh cần thời gian để bắt đầu các cuộc thương lượng "Brexit". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Biển Đông: Mỹ và 'ngoại giao thầm lặng'
Ý kiến trái chiều từ Mỹ về việc dùng phương pháp ‘ngoại giao thầm lặng’ hay dùng ‘sức mạnh quân sự’ trong tranh chấp Biển Đông.
Hoa Kỳ dùng phương pháp ‘ngoại giao thầm lặng’ để thuyết phục Việt Nam, Philippines, Indonesia và các quốc gia châu Á khác không có động thái hung hăng nhằm lợi dụng phán quyết PCA, quan chức chính quyền Mỹ cho hay.
Reuters hôm 13/7 dẫn lời một quan chức Mỹ muốn ẩn danh nói: "Những gì chúng tôi muốn là trấn tĩnh để những vấn đề này có thể được giải quyết một cách hợp lý thay vì cảm tính".
Thông điệp này được gửi thông qua các đại sứ quán Hoa Kỳ ở nước ngoài và sứ quán nước ngoài tại Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và quan chức cấp cao khác cũng đích thân gửi thông điệp đến một số nước, nguồn tin cho biết.
"Đây không phải là nỗ lực tập hợp các nước trong khu vực chống lại Trung Quốc vốn đặt giả định sai lầm rằng Hoa Kỳ đang dẫn đầu một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc", quan chức nói thêm.
Những nỗ lực làm dịu căng thẳng ở Biển Đông sau phán quyết PCA không thành sau khi Đài Loan cử một chiến hạm đến khu vực này và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố với thủy thủ rằng họ có nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải của đảo quốc này.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ hy vọng sáng kiến ngoại giao của họ sẽ thành công hơn ở Indonesia, quốc gia muốn đưa hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền và ở Philippines, quốc gia có ngư dân đã bị hải quân Trung Quốc xua đuổi.
Trung Quốc đang lặp lại đề nghị nối lại đàm phán song phương giữa Bắc Kinh và Manila, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng đây là thời điểm để mọi thứ "đi đúng hướng" sau vụ kiện "trò hề".
Trong khi đó, AP dẫn lời ông Dennis Blair, cựu đô đốc Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói tại một phiên điều trần Quốc hội Mỹ hôm 13/7: “Hoa Kỳ nên sẵn sàng dùng ‘sức mạnh quân sự’ để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc tại một rạn san hô đang tranh chấp ngoài khơi Philippines.
Lời khuyến nghị Ủy ban Thượng viện của ông Blair được đưa ra một ngày sau phán quyết PCA.
“Mục tiêu không phải là châm ngòi cuộc chiến với Trung Quốc tại Bãi Scarborough, nhưng nhằm thiết lập một giới hạn về ‘cưỡng bức quân sự’, ông Blair nói.
''Tôi nghĩ rằng chúng ta cần khuyến khích Trung Quốc nhượng bộ về một số mục tiêu của họ''.
Philippines là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng hiệp ước của họ không rõ ràng về việc liệu Hoa Kỳ có bảo vệ họ trong lãnh thổ tranh chấp.
AFP hôm 14/7 tường thuật Philippines kêu gọi Bắc Kinh 'tôn trọng' phán quyết PCA.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh, Á - Âu (ASEM) hôm 15/7 ở Mông Cổ cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
"Bộ trưởng Yasay sẽ thảo luận cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp của Philippines về biển Tây Philippines (Biển Đông) và điều cần thiết là các bên tôn trọng phán quyết, " thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines viết.
'Giải pháp hòa bình'
Hôm 14/7, báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết nước này có thể giải quyết vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán, chỉ ra rằng họ đã đạt thỏa thuận với Việt Nam về biên giới biển ở Vịnh Bắc Bộ và các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nam Hàn.
Trong khi đó, hôm 13/7, hai máy bay dân sự của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đá Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, một động thái mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn là hạ nhiệt.
"Chúng tôi [Hoa Kỳ] không có lợi ích gì tại Biển Đông ngoài niềm tin về quyền tự do hàng hải", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói trong cuộc họp báo hôm 13/7.
"Những gì chúng tôi muốn thấy không phải là cuộc leo thang căng thẳng và chúng tôi muốn tất cả các bên tranh chấp có thời gian để cân nhắc cho giải pháp hòa bình ở phía trước."
Tuy nhiên, nếu nỗ lực này thất bại, và leo thang thành đối đầu quân sự, các lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị duy trì quyền tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hôm 13/7.
Ben Cardin, quan chức Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông ít có khả năng nổ ra nếu Việt Nam, Philippines, Indonesia và các nước khác hợp tác với Hoa Kỳ hơn là tự tìm giải pháp.
"Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn đối đầu với Hoa Kỳ," ông nói với các phóng viên. "Họ [Trung Quốc] không ngại đối đầu với một chiếc tàu cá Việt Nam nhưng họ không muốn đối đầu với Hoa Kỳ."
Phán quyết PCA được trông đợi là chủ đề chính của Hội nghị cấp cao Asean diễn ra cuối tháng 7/2016 tại Lào. Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự sự kiện này, theo Reuters. - BBC
|
|
5.
Nhận diện những ứng viên Phó Tổng thống Mỹ của ông Trump và bà Clinton
Người kể như sẽ được Đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên tổng thống, ông Donald Trump, đang rút ngắn danh sách những nhân vật đang được ông cân nhắc để chọn ra đứng phó cho ông trong cuộc vận động tranh cử, và dự tính sẽ công bố quyết định của ông vào ngày mai.
Ông Trump nói trên trang mạng Twitter rằng loan báo này sẽ được công bố vào lúc 11 giờ sáng thứ Sáu 15/7 tại New York.
Trong số những nhân vật có triển vọng được chọn có Thống đốc bang Indiana Mike Pence, người đã xuất hiện tại một sự kiện gây quỹ với ông Trump hôm thứ Ba, cựu Chủ tịch Quốc hội Newt Gingrich hoặc Thống đốc New Jersey Chris Christie. Ông Christie, từng là một ứng cử viên tổng thống cạnh tranh với ông Trump, đã tuyên bố hậu thuẫn doanh nhân tỷ phú này sau khi rút ra khỏi cuộc đua vào đầu năm nay.
Nhiều cơ quan truyền thông, kể cả US News và World Report, cũng như tạp chí tin chính trị Politico, nói cuộc đua hiện nay là giữa ông Pence và ông Gingrich.
Chủ tịch ban vận động của ông Trump, ông Paul Manafort, đang vận động để ông Pence được chọn, theo tạp chí US News. Các nguồn tin bên trong ban vận động cho ông Trump nói với tạp chí này rằng cựu dân biểu Mike Pence được coi là một nhân vật đáng tin cậy và được tôn trọng, nhưng cũng là “một người mà họ có thể kiểm soát.”
Tuy nhiên, con cái của ông Trump, cũng như chồng của cô Ivanka Trump là Jared Kushner, dường như ngả về ông Gingrich, theo tạp chí tin tức trên mạng Politico, viện dẫn nhiều nguồn tin khác nhau có liên quan trong các vụ thảo luận bên trong ban vận động của ông Trump.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa cũng đánh giá cao ông Chris Christie trên kênh tin FOX. Ông Trump và ông Christie chia sẻ một quá trình dài.
Nói chuyện với ký giả Bret Baier của kênh Fox, ông Trump nói: “Tôi xin nói với ông rằng Chris Christie là một người mà tôi đã thích từ lâu. Ông ấy hoàn toàn chuyên nghiệp. Ngoài ra, ông còn là một người tử tế. Rất nhiều người không hiểu điều đó.”
Ông Kushner, người đóng một vai trò quan trọng ở hậu trường cuộc vận động cho ông Trump, không phải là một người ái mộ ông Christie. Ông này, trong vai trò một công tố viên liên bang, đã ra lệnh bỏ tù cha của ông Kushner là Charles Kushner, cách đây 1 thập niên. Ông Kushner cha vào năm 2005 đã nhận tội đối với 18 tội trong bản cáo trạng, kể cả đóng góp phi pháp cho vận động tranh cử, trốn thuế và can thiệp với nhân chứng. Ông bị tuyên án 2 năm tù giam dựa trên một thỏa thuận đạt được bởi ông Christie.
Một nguồn tin từ ban vận động được tạp chí Politico dẫn lời với điều kiện không nêu danh tính, tóm tắt hay nhất tình hình hiện nay: “Ông Trump sẽ chọn nhân vật mà ông sẽ chọn.”
Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hòa sẽ được tổ chức vào tuần tới, từ ngày 18 tới ngày 21/7 ở Cleveland.
Trong khi đó, người kể như được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống, bà Hillary Clinton, cũng đang phỏng vấn nhiều nhân vật có triển vọng được chọn ra đứng phó chung liên danh tranh cử của bà. Theo dự kiến, bà Clinton sẽ loan báo sự chọn lựa của bà vào tuần tới.
Trong số những người được đề cập cho vai trò ứng cử viên phó tổng thống bên Đảng Dân chủ, có Thượng nghị sĩ Tim Kaine, đại diện bang Virginia.
Những người thân cận với bà Clinton nói với báo The Hill hôm thứ Tư rằng ông Kaine là “nhân vật đáp ứng tất cả các đòi hỏi” trong cương vị ứng cử viên phó tổng thống, một người đại diện mạnh mẽ có thể thay thế bà Clinton trên con đường vận động, và là người mà bà Clinton dự kiến có thể làm việc chung một khi bà lên nắm quyền.
Cũng có tên trên danh sách những người có triển vọng được chọn ra đứng phó cho bà Clinton có Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren, Bộ trưởng Lao động Tom Perez, Thượng nghị sĩ bang New Jersey Cory Booker và Bộ trưởng Gia cư Julian Castro.
Cũng có tin là ban vận động của bà Clinton đang cứu xét Đô đốc Hải quân hồi hưu James Stavridis, Viện trưởng Trường Luật và Ngoại giao Đại học Tuft gần Boston, từng nắm chức vụ Tư lệnh Tối cao của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tức NATO, như một nhân vật có triển vọng được chọn đứng chung liên danh tranh cử với bà Clinton, theo một nguồn tin được Reuters dẫn lời.
Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ sẽ diễn ra từ ngày 25 tới ngày 28/7 tại Philadelphia. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Thủ tướng VN và TQ hội đàm sau phán quyết biển Đông --- VN kêu gọi các bên kiềm chế sau phán quyết của PCA
Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau hôm nay, 14/7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) ở thủ đô của Mông Cổ, hai ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Bắc Kinh.
Đây được coi là cuộc gặp công khai đầu tiên giữa quan chức đôi bên sau phán quyết lịch sử, trao phần thắng cho Philippines hôm 12/7.
Theo bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam “phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
Trong khi đó, trang thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói tại cuộc họp rằng, đôi bên nên “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình”, và “thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”.
Thủ tướng Việt Nam được trích lời nói thêm rằng Hà Nội “kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế”, đồng thời “coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc”.
Qua quan sát các thông tin đăng tải trên truyền thông hai nước, chưa rõ hai bên có trao đổi về phán quyết của Tòa Trọng tài hay không.
Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu kéo dài hai ngày ở Mông Cổ, với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia châu Á và châu Âu, sẽ khai mạc vào ngày mai, 15/7. Theo tin từ Philippines, tân tổng thống nước này sẽ không tới tham dự.
Đầu tuần này, ông Khổng Huyễn Hữu, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, đầu tuần này tuyên bố rằng ASEM “không phải là nơi phù hợp để thảo luận vấn đề biển Đông,” và vấn đề tranh chấp này không nên được đưa ra thảo luận.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Donald Tusk hôm 12/7 đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Thủ tướng Việt Nam bắt đầu chuyến thăm tới Mông Cổ để dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu hôm 13/7. - VOA
***
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao hôm nay, nhiều câu hỏi được đưa ra xung quanh phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines - TQ.
Báo điện tử Zing.vn đặt vấn đề sau phán quyết của Tòa, có lo ngại rằng TQ sẽ gây căng thẳng ở Biển Đông. Báo Tiền phong cũng lo ngại nguy cơ gia tăng va chạm giữa các ngư dân các nước trên biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: "VN kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có các hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
"Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn sẵn sàng góp phần vào hòa bình và an ninh ở khu vực. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ VN cũng luôn có các biện pháp hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt tại các ngư trường truyền thống từ bao đời nay", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Trả lời thông tin của báo VnExpress đưa ra về khả năng ASEAN không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa trọng tài, người phát ngôn nhấn mạnh: "Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực.
Lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các biện pháp ngoại giao và pháp lý, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, duy trì sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực".
Trước câu hỏi của hãng thông tấn AP về khả năng VN cân nhắc kiện TQ sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, ông Bình nói: "VN chủ trương giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982".
Báo Trí thức trẻ nêu một số diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có việc TQ tuyên bố hạ cánh thành công máy bay quân sự xuống đá Vành Khăn và đá Xubi ở quần đảo Trường Sa của VN, cũng như hoàn thành 4 hải đăng ở một số bãi đá ở Trường Sa, đang xây dựng thêm một hải đăng khác.
Người phát ngôn cho biết: "VN một lần nữa khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bất chấp phản đối của VN và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, các hành động trên của TQ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, là phi pháp và không thể thay đổi sự thật về chủ quyền của VN đối với hai quân đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
VN yêu cầu phía TQ chấp dứt ngay các hành vi vi phạm, tuân thủ UNCLOS 1982 và DOC, không có thêm hàng động gia tăng căng thẳng trên Biển Đông". - vietnamnet
No comments:
Post a Comment