Tuesday, July 19, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 19/7

Tin Thế Giới

1.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dè dặt trong việc trả thù --- Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bế tắc về yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen --- Thổ Nhĩ Kỳ 'kỷ luật 15.200 nhân viên giáo dục'

Tiếp sau những chỉ trích của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và các nước phương Tây, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo người dân chớ trả thù những người tham gia cuộc đảo chánh bất thành nhằm lật đổ chính phủ ông. 

Sau cuộc họp với ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh tụ đảng đối lập chính, Thủ tướng Yildirim nói: “Một sai lầm không thể được sửa chữa bằng một sai lầm khác. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia với luật pháp. Chúng ta làm cho mọi việc trở thành đúng đắn trong khuôn khổ luật pháp. Những người làm việc sai trái sẽ phải đối mặt với hệ thống pháp lý Thổ Nhĩ Kỳ. Công lý sẽ được thi hành khi cần thiết.”

Thủ tướng cũng đọc diễn văn trước quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và đảng cầm quyền AK, kêu gọi đoàn kết.

Ông Yildirim nói ông sẽ “nhổ tận gốc” phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen hiện đang sống tại Mỹ, để phong trào này không còn có thể phản bội dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Giáo sĩ Gulen được xem là người chủ mưu cuộc đảo chánh bất thành.

Hoa Kỳ đang thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hành động trong khuôn khổ luật pháp vào lúc nước này điều tra về âm mưu đảo chánh bất thành trong tuần qua.

Ngày hôm qua tại Brussels, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói ông ủng hộ việc mang thủ phạm trong vụ đảo chánh bất thành ra trước công lý, nhưng ông cũng cảnh báo chống lại việc “đi quá xa” trong khi vãn hồi trật tự tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ ủng hộ “chính phủ dân cử” và “mối quan hệ quan trọng” với nước đồng minh NATO này.

Tuy nhiên ông nói thêm là chính phủ nên ủng hộ những quyền tự do được ghi trong hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do hội họp. - VOA

***
Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đả thông về yêu cầu của Ankara muốn Washington dẫn độ Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo bị Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm thực hiện âm mưu đảo chính quân sự dù nhân vật này đã sống lưu vong tại Hoa Kỳ suốt 17 năm qua.

Hoa Kỳ vẫn đang do dự về yêu cầu này.

 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/7 nói với Thổ Nhĩ Kỳ rằng Mỹ cần “chứng cứ xác đáng đáp ứng các tiêu chuẩn về giám sát hiện có tại nhiều quốc gia" trước khi có thể cân nhắc việc dẫn độ giáo sĩ Gulen, 75 tuổi, đang sống ẩn dật ở vùng núi Poconos, bang Pennsylvania.

Phát biểu tại Brussels, ông Kerry cho biết ông đã nói với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng “phải đảm bảo là bất cứ yêu cầu nào gửi chúng tôi, hãy gửi bằng chứng, chớ gửi những lời cáo buộc.”

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, có hiệp ước với các chính phủ khác về việc dẫn độ những cá nhân bị tố cáo tội ác tại nước ngoài, nhưng chỉ trong trường hợp có bằng chứng cụ thể về tội phạm.

Giáo sĩ Gulen phủ nhận không liên hệ gì tới cuộc đảo chính bất thành hồi thứ sáu tuần trước. Ông nói: “Có khả năng đây có thể là một cuộc đảo chính dàn dựng”, một cái cớ để đàn áp các tín đồ của ông tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim vẫn cương quyết rằng giáo sĩ Gulen có liên can. Ông Yildirim nói: “Chúng tôi sẽ cảm thấy thất vọng nếu những người bạn Mỹ yêu cầu chúng tôi trưng bằng chứng trong khi các thành viên của tổ chức giết người ấy đang cố gắng tiêu diệt một chính phủ dân cử theo chỉ thị của nhân vật này.” “Lúc này đây, tình hữu nghị giữa hai nước thậm chí có thể bị nghi ngờ.”

Giáo sĩ Gulen định cư ở Saylorsburg, Pennsylvania, trên đất của Trung tâm Tu đạo và Thờ phượng Golden Generation, một cơ sở Hồi giáo do những người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ thành lập. Triết lý của ông pha trộn hình thức thần bí của đạo Hồi với sự vận động cho dân chủ, giáo dục, khoa học và đối thoại liên tôn. Phong trào do ông khởi xướng đang vận hành hàng chục trường học thuê mướn tại Mỹ.

Dù cách xa Thổ Nhĩ Kỳ 8.000 cây số, ông vẫn có ảnh hưởng đáng kể tại Thổ Nhĩ Kỳ, với các ủng hộ viên trong ngành truyền thông, cảnh sát, và tư pháp.

Giáo sĩ Gulen và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng là đồng minh trước khi quay lưng với nhau liên quan tới các cuộc điều tra tham nhũng hồi năm 2013 ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà qua đó nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm cho ông Gulen.

Giáo sĩ lưu vong Gulen cũng chỉ trích chế độ cai trị ngày càng độc tài của Tổng thống Erdogan, trong khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch quy mô chống lại phong trào của giáo sĩ Gulen tại Thổ Nhĩ Kỳ, thanh trừng công chức, tịch biên các doanh nghiệp và đóng cửa một số cơ quan truyền thông.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo 103 tướng lãnh đang bị bắt giữ hiện nay liên can đến âm mưu đảo chính của những người mà nhà chức trách nói là thuộc Tổ chức Khủng bố Fethullahci, tổ chức tự xưng là do giáo sĩ Gulen lãnh đạo. - VOA

***
Thổ Nhĩ Kỳ tạm cho nghỉ việc 15.200 nhân viên ngành giáo dục vì cáo buộc liên hệ với một giáo sĩ lưu vong, bị chính phủ nói đứng đằng sau âm mưu đảo chính thất bại.

Bộ Giáo dục vừa ra thông báo ngày 19/7.

Hàng ngàn lính, cảnh sát, viên chức đã bị tạm giam hoặc sa thải sau khi đảo chính thứ Sáu tuần trước thất bại.

Truyền thông nhà nước nói hơn 1.500 cấp lãnh đạo ở đại học đã bị buộc từ chức.

Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen hiện đang sống lưu vong ở Mỹ.

Tổng thống Tayyip Erdogan cáo buộc ông này đạo diễn âm mưu đảo chính của quân đội cuối tuần rồi.
Ít nhất 232 người đã bị giết trong cuộc chính biến. - BBC
|
|

2.
Biển Đông: Manila không đối thoại nếu Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Toà --- Trung Quốc tuyên bố tiếp tục xây dựng ở Biển Đông --- Sau phán quyết về Biển Đông, tranh giành nguồn cá gay gắt hơn --- Đài Loan kêu gọi đàm phán đa phương --- Miến Điện kêu gọi tôn trọng phán quyết của tòa án La Haye

Philippines tuyên bố hiện chưa thể mở đối thoại trực tiếp với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, do Bắc Kinh vẫn không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông.

Trong phán quyết đưa ra ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La Haye đã cho rằng toàn bộ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh đã cực lực bác bỏ phán quyết đó.

Tuyên bố với đài truyền hình ABS-CBN tại Manila ngày 19/07/2016, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói: “ Trong tình trạng hiện nay, tôi không chắc là chúng ta có thể dự trù các cuộc đàm phán ”.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Á- Âu (ASEM) vào cuối tuần trước ở Oulan-Bator, Mông Cổ, ông Yasay và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị đã nêu lên khả năng thương lượng song phương, nhưng cuộc thảo luận giữa hai ngoại trưởng đã không đạt được kết quả nào.

Theo phán quyết đưa ra ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Và bãi cạn Scarborough, mà Bắc Kinh chiếm giữ vào năm 2012, là một “ vùng đánh cá truyền thống ” của ngư dân hai nước Trung Quốc và Philippines.

Theo lời ông Yasay, ngoại trưởng Vương Nghị đã nói rằng Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về việc cho ngư dân Philippines đi vào vùng bãi cạn Scarborough, nhưng cảnh báo rằng nếu Manila cứ đòi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết thì hai nước sẽ đi đến đối đầu.

Ưu tiên số một hiện nay của tân tổng thống Rodrigo Duterte là bảo đảm cho ngư dân Philippines được trở lại đánh cá trong vùng Scarborough. Vào tuần trước, ông Duterte đã thông báo cử cựu tổng thống Fidel Ramos sang Bắc Kinh để mở đàm phán với phía Trung Quốc và ông vẫn tuyên bố muốn giữ quan hệ tốt với nước láng giềng hùng mạnh này. - RFI

***
Bắc Kinh sẽ "không bao giờ" ngưng xây dựng tại Biển Đông. Đó là tuyên bố của Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), tư lệnh hải quân Trung Quốc, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cho rằng việc này là bất hợp pháp.

Tân Hoa Xã ngày hôm nay, 19/07/2016 đưa tin, trong cuộc gặp tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, tại Bắc Kinh vào hôm qua, tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không bao giờ ngưng việc xây dựng tại Nam Sa nửa chừng. Quần đảo Nam Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, nhu cầu xây dựng của chúng tôi là hợp lý và hợp pháp".

Nam Sa là tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đang hối hả đào đắp các rạn san hô thành những đảo nhân tạo, với các cơ sở hạ tầng có thể dùng cho mục đích quân sự kể cả phi đạo.

Lời tuyên bố trái chiều này được đưa ra trong lúc Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông, và căng thẳng ngoại giao vẫn đang tăng lên.

Tuần trước Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết, khẳng định yêu sách "đường lưỡi bò" 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra vào thập niên 40 bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông, là không có cơ sở pháp lý.

Tòa án cũng cho rằng việc Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) là vi phạm các quyền của Philippines về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Manila hoan nghênh phán quyết của tòa án, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ, cho rằng đó chỉ là "một mảnh giấy lộn".

Ông Ngô Thắng Lợi nói thêm, Bắc Kinh không thể chấp nhận bị đe dọa, và theo ông, "bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc Trung Quốc phải quy hàng thông qua việc phô diễn sức mạnh quân sự chỉ phản tác dụng".

Mặc cho Trung Quốc phản đối, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh ASEM cuối tuần qua. Chủ tịch Donald Tusk nói với báo chí, Liên Hiệp Châu Âu "sẽ tiếp tục đòi hỏi phải tôn trọng luật pháp quốc tế", và ông "hoàn toàn tin tưởng" vào PCA cũng như các phán quyết của tòa.

Trung Quốc gây áp lực lên các nước ASEAN để khối này không thể ra được thông cáo chung về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các nước khác đòi hỏi Bắc Kinh nghiêm chỉnh, tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế. - RFI

***
Trong phán quyết đưa ra ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực cho rằng không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc khẳng định “ quyền lịch sử ” đối với các nguồn tài nguyên tại những vùng biển nằm trong đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, ở Biển Đông.

Một trong những nguồn tài nguyên chủ yếu ở Biển Đông chính là cá. Cho nên phán quyết nói trên có ảnh hưởng to lớn đến ngành ngư nghiệp của các nước trong vùng, đặc biệt là những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Đó là nhận định của tờ The Wall Street Journal trong một bài viết đăng trên mạng ngày, 19/07/2016.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, phán quyết của Tòa Trọng Tài sẽ dẫn đến việc gia tăng đánh bắt cá ở Biển Đông. Những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ dựa theo phán quyết để đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên biển. Còn Trung Quốc, một mặt bác bỏ phán quyết, mặt khác cũng có thể gia tăng đánh bắt cá như là một cách để tái khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.

Việc các nước gia tăng đánh bắt cá sẽ là một điều đáng quan ngại cho ngành ngư nghiệp, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lên tiếng báo động là nguồn cá ở vùng Biển Đông đang trên đà suy giảm mạnh.

Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học British Colombia thẩm định lượng cá xuất khẩu ở Biển Đông từ khoảng 11% thập niên 1980 đã tăng lên thành 27% tổng lượng cá xuất khẩu toàn cầu vào năm 2011. Nghiên cứu này cũng cho thấy là nguồn cá ở Biển Đông trong vòng 20 năm tới có thể sẽ giảm mất đến 59%, nếu chính phủ các nước trong vùng không có biện pháp để ngăn chận tình trạng đánh bắt quá mức.

Tuy nhiên, phán quyết ngày 12/07/2016 cũng sẽ có một tác động tích cực, là cơ sở pháp lý rõ ràng để các bên dựa trên đó mà thương lượng về cách thức chia sẻ nguồn hải sản ở Biển Đông, thay vì cứ tiếp tục xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của nhau.

Vấn đề là hiện nay, các nước trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn dùng các đội tàu cá như là một phương tiện để khẳng định chủ quyền trên các bãi cạn, các đá và các thực thể khác trên biển. Bắc Kinh còn khuyến khích ngư dân đi ngày càng nhiều vào các vùng biển đang tranh chấp, thậm chí tài trợ cho ngư dân mua tàu mới hoặc trang bị cho tàu những thiết bị tối tân hơn để trấn giữ các vùng đánh cá. Đội tàu cá vừa đông đảo vừa hiện đại của Trung Quốc ngày càng áp đảo đội tàu cá của Việt Nam, Philippines hay Malaysia…

Hà Nội thường xuyên tố cáo tàu tuần duyên hoặc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, vụ mới nhất xảy ra ngày 09/07/2016, tức là chỉ vài ngày trước khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.

Ngay cả Indonesia, tuy không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng lo ngại vì thấy đội tàu cá của các nước tranh chấp đi vào đánh cá trái phép trong vùng biển của họ. Cho tới nay, Jakarta đã bắt giữ và cho nổ phá hàng trăm tàu cá nước ngoài, mà đa số dĩ nhiên là tàu cá Trung Quốc, bị xem là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia. - RFI

***
Đài Loan hôm nay 19/07/2016 đã kêu gọi các nước đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng đa phương, sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực tuần rồi khẳng định yêu sách của Trung Quốc dựa trên "quyền lịch sử" là không có cơ sở pháp lý.

Hãng tin Kyodo dẫn lời phát ngôn viên chính quyền Đài Loan Đồng Chấn Nguyên (Tung Chenyuan) trong một cuộc họp báo : « Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình, trong tinh thần hỗ trợ lẫn nhau và cùng phát triển các nguồn lực ».

Ông Đồng Chấn Nguyên nói rằng Đài Loan cần được tham gia các cuộc đối thoại đa phương một cách bình đẳng, nhằm cam kết thiết lập một cơ chế thương lượng và hợp tác để cùng nhau thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở La Haye hôm 12/07 đã tuyên bố yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, và đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là đảo Thái Bình) đang do Đài Bắc kiểm soát cũng như các thực thể khác ở Trường Sa chỉ là "đá" chứ không công nhận là "đảo".

Chính quyền Đài Loan của đảng Dân Tiến vẫn chưa rõ ràng trong yêu sách Biển Đông, dường như còn e ngại phản ứng từ Bắc Kinh và Washington. Nhưng hôm nay ông Đồng Chấn Nguyên nhấn mạnh, Ba Bình là lãnh thổ của Đài Loan, và việc triển khai lực lượng tuần duyên tại đây là phương cách kiên quyết nhất để xác định chủ quyền trên đảo.

Trong khi đang có tin đồn tổng thống Đài Loan sẽ đi thăm Ba Bình tuần tới, phát ngôn viên Đồng Chấn Nguyên nói rằng bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) không loại trừ khả năng này, nhưng trước mắt không có kế hoạch, và nhấn mạnh rằng việc này phải được nghiên cứu cẩn thận.

Ngược lại, các dân biểu Đài Loan dự định ngày mai, 20/07, sẽ đến Ba Bình, và các ngư dân ở miền nam Đài Loan cũng cho biết sẽ tổ chức một chuyến đi đến Ba Bình trong tuần này. - RFI

***
Tờ Myanmar Times ngày 19/07/2016 cho biết, phá vỡ sự im lặng truyền thống trong vấn đề Biển Đông, Miến Điện trong tuyên bố đầu tiên ngày 13/7 liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) mà phần thắng nghiêng về Philippines, đã kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo tờ báo, trong tuyên bố đề ngày 13/07/2016 về phán quyết của tòa án La Haye, Miến Điện đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động đe dọa hay sử dụng vũ lực. Mặc dù Trung Quốc bác bỏ bản án, Miến Điện vẫn luôn gắn bó với nguyên tắc tôn trọng luật pháp, kể cả trong quan hệ đối ngoại.

Thông cáo viết: "Miến Điện sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc để thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, dựa trên nguyên tắc đồng thuận, về Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử (COC)".

Miến Điện không phải là nước có yêu sách chủ quyền về Biển Đông, nhưng khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014, đã tỏ ra cứng rắn hơn các chủ tịch tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Trong hội nghị các bộ trưởng ngoại giao năm 2014, khối ASEAN đã ra thông cáo cho biết "quan ngại sâu sắc" về sự căng thẳng cao độ của tranh chấp.

Đối với Miến Điện, tranh chấp Biển Đông là một vướng mắc nhỏ trong đường hướng riêng của mình, nhằm giữ thăng bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng thời tránh bị cô lập trong ASEAN.

Lâu nay Miến Điện chưa hề đi chệch khỏi chủ trương "không can dự vào chuyện nội bộ của nước khác" của ASEAN, cho đến khi ra thông cáo chưa có tiền lệ ngày 13/07/2016 nói trên. Nhà phân tích chính trị U Than Soe Naing nhận định, thông cáo của Miến Điện là một trong những phản ứng tích cực nhất trong số các nước ASEAN về phán quyết của Tòa Trọng Tài. - RFI
|
|

3.
IMF: Brexit 'cản trở' tăng trưởng toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã "ngáng đường" dự báo của tổ chức này về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thay vì dự đoán tăng trưởng 3,2% trong năm 2016, Dự phóng Kinh tế Thế giới của IMF (WEO) nay dự kiến chỉ đạt 3,1%.

Tổ chức này nói rằng Anh sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến.

Dự báo của IMF về tăng trưởng ở Anh giảm từ 2,2% xuống 1,3% và dự báo cho năm nay giảm từ 1,7% xuống 1,5%.

Dự báo tăng trưởng toàn cầu của IMF cho năm 2017 cũng được điều chỉnh, giảm từ 3,5% xuống 3,4%.

Trước cuộc trưng cầu dân ý hôm 23 tháng Sáu, IMF nói kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu tăng trưởng đầy hứa hẹn.

"Nửa đầu năm 2016 cho thấy một số dấu hiệu đầy hứa hẹn, ví dụ, mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ở khu vực đồng Euro và ở Nhật Bản, cũng như giá hàng hóa phục hồi một phần đã giúp nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển," ông Maury Obstfeld, Tham tán Kinh tế của IMF và Giám đốc Ban Nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.

"Tính đến ngày 22 tháng 6, chúng tôi đã chuẩn bị nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016-17 của chúng tôi lên. Nhưng Brexit đã cản trở điều đó."

Không có gì chắc chắn

IMF nói rằng trong khi ảnh hưởng của Brexit là lớn nhất ở Anh, nhưng không có đủ thông tin để thực hiện một đánh giá đầy đủ về những tác động của nó.

IMF cũng nhấn mạnh những căng thẳng Brexit có thể gây ra trong hệ thống ngân hàng châu Âu, đặc biệt là ở Ý và Bồ Đào Nha.

Họ nói: "Việc bỏ phiếu Brexit – ra khỏi EU – chỉ dấu một sự gia tăng đáng kể tình trạng bất ổn kinh tế, chính trị và thể chế, mà người ta dự kiến là sẽ có những hậu quả kinh tế vĩ mô tiêu cực, đặc biệt ở các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu."

Tuy nhiên ông Obstfeld nói thêm: "Những ảnh hưởng thực sự của Brexit sẽ diễn ra từ từ qua thời gian, cộng thêm các yếu tố bất ổn kinh tế và chính trị mà chỉ có thể được giải quyết sau một thời gian nhiều tháng trời.

"Tình trạng thêm một tầng bất ổn này vì thế có thể dẫn tới phản ứng khuếch đại của các thị trường tài chính trước các cú sốc tiêu cực."

IMF đã đưa ra hai dự đoán, một "khá tồi tệ hơn", và một "tồi tệ rất nhiều hơn", tùy thuộc liệu Anh thiết lập lại quan hệ thương mại với EU và các nước khác trên thế giới khó dễ ra sao.

Trường hợp "tồi tệ hơn rất nhiều" thì người ta sẽ chứng kiến tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,8% trong năm nay và năm tới.

Tuy nhiên, ông Obstfeld cho biết: "Lý do chính chúng ta không đặt nhiều triển vọng vào những tình huống này, đặc biệt tình huống nghiêm trọng hơn, đó là vì thị trường tài chính được kiểm chứng đã có sức chịu đựng tốt trong những tuần ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, tự điều chỉnh lại giá cả một cách có trật tự trước tin này." - BBC
|
|

4.
Cựu tổng thống Philippines trắng án

Tòa Tối cao Philippines đã tha bổng cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo khỏi tội tham nhũng, và ra lệnh phải thả bà ngay lập tức.

Bà Arroyo đã bị giam giữ trong bệnh viện gần năm năm, bị cáo buộc đã sử dụng sai trái 366 triệu peso (tương đương 7,8 triệu đôla Mỹ) các khoản ngân quỹ xổ số dành cho các hoạt động từ thiện.

Phát ngôn viên Tòa Tối cao Theodore Te nói với các phóng viên rằng vụ án đã bị bác bởi "không đủ chứng cứ".

Tuy bị giam giữ nhưng bà Arroyo, 69 tuổi, vẫn được tái bầu vào Quốc hội hồi tháng Năm.

Bà Arroyo ban đầu bị bắt hồi cuối 2011, sau chín năm làm tổng thống, với các cáo buộc gian lận bầu cử. Tuy nhiên, sau đó bà đã được cho nộp tiền tại ngoại hầu tra.

Vài tháng sau, bà bị buộc tội tham nhũng và lại bị bắt.

Kể từ đó bà đã bị giữ trong bệnh viện do nói đau cổ, đau lưng khiến bà phải dùng xe lăn.

Tổng thống tân cử Rodrigo Duterte nói hồ sơ vụ xử bà Arroyo yếu và đề nghị ân xá, nhưng bà bác bỏ và nói bà muốn chiến đấu trước cáo buộc.

Một số đồng minh của bà Arroyo đã được bổ nhiệm vào nội các của ông Duterte, trong đó có các cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn đàm phán hòa bình với các nhóm phiến quân. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông bà Trump phát biểu tại đại hội đảng khi cả trong hội trường lẫn bên ngoài hỗn loạn

Ðảng Cộng hòa khai mạc đại hội toàn quốc hôm thứ hai trong một bối cảnh hỗn độn – bên ngoài hội trường thì công chúng biểu tình, còn bên trong hội trường thì nhiều đại biểu nổi lên phản đối, chủ yếu nhắm vào người chờ được đề cử, đó là ông Donald Trump. Tỉ phú bất động sản ở New York và phu nhân Melania đã phát biểu tại đêm khai mạc đại hội với hy vọng sẽ quy tụ sự đoàn kết của toàn đảng cho cuộc tranh cử tổng thống với đối thủ Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ. 

Ông Donald Trump đã phá lệ trong đêm khai mạc Đại hội Ðảng Cộng hòa trước những người tham dự đang nôn nóng chờ nghe người sẽ được đảng đề cử phát biểu. 

Ông Trump nói: "Chúng ta sẽ đại thắng. Cám ơn quý vị. Chúng ta sẽ thắng rất lớn. Xin cám ơn."

Ông Trump giới thiệu phu nhân Melania lên phát biểu: 

"Tôi xin hân hạnh giới thiệu đệ nhất phu nhân kế tiếp của Hoa Kỳ, phu nhân của tôi, một người mẹ tuyệt vời, một phụ nữ tuyệt vời – Melania Trump."

Bà Melania: "Nếu quý vị cần một người chiến đấu cho quý vị, cho tổ quốc, thì tôi xin cam đoan với quý vị, ông Trump chính là người đó. Ông Trump sẽ không bao giờ, không bao giờ chịu thua. Và quan trọng hơn cả, ông Trump sẽ không bao giờ bỏ rơi quý vị."

Trước đó trong ngày, đại hội đã được khai mạc theo đúng nghi thức. 

Chủ tịch Ðảng Cộng hòa, ông Reince Priebus, phát biểu tại lễ khai mạc: 

"Đại hội sẽ diễn ra theo đúng trình tự."

Nhưng sau đó hội trường đã trở nên hỗn độn khi các thủ lãnh trong đảng ngăn nỗ lực vào phút cuối của nhóm chống ông Trump muốn chặn việc đề cử ông Trump.

Một cuộc giằng co kịch tính diễn ra tại hội trường của đại hội.

Bên ngoài hội trường, những người biểu tình tràn xuống đường phố Cleveland phản đối với nhiều lý do, nhưng hầu hết là nhắm vào ông Trump và những phát ngôn gây tranh cãi của ứng cử viên này.

Những người biểu tình cũng được theo sát bởi các lực lượng an ninh cả trên đường phố lẫn dưới nước và trên không.

Đại hội dài bốn ngày sẽ có phần phát biểu nhận đề cử của ông Trump vào thứ Năm. Nhưng ngay cả những người ủng hộ ông Trump cũng nói rằng quan tâm lớn nhất của họ là chặn đối thủ Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ.

Ông John Hawley, đại biểu của bang Texas:

"Tôi không biết rành về ông Trump lắm để nói rằng tôi hoàn toàn ủng hộ ông ấy mà không thắc mắc gì. Nhưng vì không có một ai khác để chọn lựa, do đó tôi hài lòng ủng hộ ông ấy."

Trong khi đó, bà Clinton cũng phát biểu tại đại hội của Hiệp hội Quốc gia Thăng tiến Người Da màu, gọi tắt là NAACP, ở thành phố Cincinnati, bang Ohio:

"Chúng tôi biết đang có một đại hội khác diễn ra ở Cleveland hôm nay. Đối thủ của tôi trong cuộc đua này có thể có quan điểm khác – nhưng tôi thích đến đây với tất cả quý vị hơn bất cứ chỗ nào khác."

Còn ở Cleveland, nhiều phát biểu và nhiều cuộc biểu tình phản đối theo trông đợi sẽ diễn ra trong ngày thứ Ba. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Tổng bí thư Trọng lần đầu lên tiếng vụ cá chết

Sau nhiều tháng không đề cập tới cá chết ở miền Trung, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 18/7 nhắc tới “thảm họa môi trường” này. 

Phát biểu tại hội nghị do Hội đồng bầu cử Quốc gia tổ chức, ông Trọng khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 mới đây đã "thành công tốt đẹp".

Tuy nhiên, người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam nói thêm rằng một số yếu tố như “sự cố hải sản chết bất thường ở một số tỉnh ven biển miền Trung, sự chống phá của các thế lực thù địch..., đã gây không ít khó khăn cho công tác bầu cử”.

Về tuyên bố này, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, người từng giúp ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa cá chết ở miền Trung, nói với VOA Việt Ngữ: 

“Người dân ở Vũng Áng tỏ ra rất là thất vọng, khi mà ông Nguyễn Phú Trọng trong thảm cảnh cá chết như thế mà không có bất kỳ tiếp xúc, gặp gỡ gì với người dân, động viên tinh thần của họ. Trong suốt khoảng thời gian 3 tháng vừa qua, gần như ông Nguyễn Phú Trọng không có nói bất kỳ điều gì về vụ cá chết. Thế mà bây giờ, khi nói về vụ cá chết, ông chỉ quan tâm duy nhất tới một khía cạnh, đó là vụ cá chết gây ảnh hưởng tới công tác bầu cử, công tác giúp thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà ông là người đứng đầu”.

Hồi cuối tháng Tư, trong khi vụ cá chết ở miền Trung gây nhiều phản ứng trong xã hội, ông Trọng tới Hà Tĩnh để “kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ dự án Formosa”.

Khi ấy, báo chí nhà nước Việt Nam không đưa tin về bất kỳ phát biểu nào của ông Trọng liên quan tới vụ cá chết, khiến truyền thông “lề trái” ngay lập tức chỉ trích. 

Cuối tháng trước, chính phủ Việt Nam xác định Formosa đã gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, và cho biết rằng công ty của Đài Loan này đã “nhận trách nhiệm” và đồng ý bồi thường 500 triệu đôla.

Mới đây, ông Trương Trọng Nghĩa, người vừa trúng cử đại biểu quốc hội khóa mới, lên tiếng kêu gọi đưa vấn đề biển Đông và Formosa vào nghị trình thảo luận của cơ quan lập pháp của Việt Nam. 

Tuy nhiên, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết ông “không kỳ vọng nhiều vì trong ba tháng vừa qua đâu có ai thấy bất kỳ đại biểu quốc hội nào lên tiếng đâu”. - VOA
|
|

7.
Chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở Việt Nam?

Một loạt các hành động bài Trung Quốc, sau phán quyết về “đường lưỡi bò”, khiến giới quan sát cho rằng chủ nghĩa dân tộc đang nhen nhóm tại Việt Nam. 

Không chỉ trên biên giới, khi các nhân viên xuất nhập cảnh quyết không đóng dấu vào hộ chiếu in “bản đồ lưỡi bò”, xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, mà trên “mặt trận văn hóa”, nhiều nghệ sĩ ở trong nước cũng phản đối Bắc Kinh trên mạng xã hội. 

Theo báo chí trong nước, nhiều chốt cửa khẩu của Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc đã “nói không” với hộ chiếu in hình bản đồ còn được gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn” bao trọn gần như toàn bộ biển Đông. 

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng đấy là một “ứng xử hết sức đúng đắn”. 

Cựu quan chức từng đàm phán với Trung Quốc về biên giới, lãnh thổ này nói thêm: 

“Phán quyết làm cho rõ hơn nữa rằng rõ ràng [“đường lưỡi bò”] không chính đáng và bây giờ họ đang tìm cách hợp thức hóa bằng việc in nó lên hộ chiếu công dân của Trung Quốc. Đấy là một âm mưu. Trung Quốc muốn giành lấy sự công nhận trên thực tế. Nếu anh đóng dấu, anh gián tiếp, mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Lực lượng chức năng của Việt Nam trên các cửa khẩu xử lý như vậy tôi cho rằng rất đúng. Không thể nào đóng dấu, chấp nhận một điều đã bị tòa án bác bỏ”. 

Tin cho hay, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh đã "phát hiện, thu giữ và hủy hơn 6 nghìn hộ chiếu điện tử" của công dân Trung Quốc xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài trong sáu tháng đầu năm nay. 

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người Việt đã thể hiện sự hậu thuẫn đối với hành động họ cho là “hợp tình, hợp lý” này. 

Độc giả có tên Văn Giảng viết trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ: “Phải làm vậy thôi. Đây là ý chí của bất kỳ dân tộc có chủ quyền nào cũng phải làm như vậy. Chúng ta không được phép nhụt chí”. 

Trong khi đó, một người khác tên Hong An Nguyen viết: “Cơ hội duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể trụ lại tiếp tục lãnh đạo đất nước là phất ngọn cờ chủ quyền, vực dậy chủ nghĩa dân tộc (là cách Trung Quốc đang làm) để dư luận nhân dân không còn tập trung vào những vấn đề nội tại như tham nhũng, nhân quyền, độc tài, lạm phát, kinh tế phát triển chậm, ô nhiễm môi trường, nợ công...”

Còn theo đánh giá của tiến sỹ Trục, phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng như người dân ở Việt Nam có “hiệu ứng trong việc làm cho Trung Quốc cần phải tính lại cách ứng xử của mình trước phán quyết công bằng của tòa, phải điều chỉnh lại những tham vọng của mình”. 

Trước câu hỏi liệu tinh thần dân tộc dâng cao trước Trung Quốc có thể khiến tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát, quan chức này nói tiếp: 

“Tất cả các phản ứng của mình cần phải rất là tỉnh táo, tính toán, rất bình tĩnh, để có thể làm sao phát huy được hiệu quả một cách tích cực, và không nên có những động thái nào để thỏa mãn cho cảm xúc cá nhân, cảm xúc của mình để gây ra những mâu thuẫn sâu sắc, và thậm chí gây ra chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển mạnh hơn nữa. Chúng ta không nên dùng phán quyết này như là một vũ khí để hạ nhục bất kỳ ai. Đừng vì chuyện này mà gây ra các biến động xã hội bất lợi”. 

Trong một diễn biến liên quan khá hiếm hoi, Thông tấn xã Việt Nam đã lên tiếng “bác bỏ thông tin sai lệch” của báo chí Trung Quốc về nội dung cuộc gặp trong tuần trước giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và người đồng nhiệm nước láng giềng Lý Khắc Cường ở Mông Cổ. 

Theo cơ quan báo chí của nhà nước Việt Nam, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng “Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài biển Đông”, và rằng “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực".

Thông tấn xã Việt Nam nói rằng “trên thực tế, trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, khi đề cập vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10 năm 2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực”. - VOA

No comments:

Post a Comment