Tuesday, July 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 12/7

Tin Thế Giới

1.
Toà Trọng tài LHQ ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của TQ --- Biển Đông: Philippines kêu gọi các bên liên quan kiềm chế

Trong một phán quyết quan trọng, Toà án Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, nói rằng nước này không có “chủ quyền dựa trên yếu tố lịch sử” tại vùng biển rộng lớn này.

Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye là để đáp lại vụ khiếu kiện của Philippines vào năm 2013, Manila tố cáo Bắc Kinh là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – gọi tắt là UNCLOS, qua các hành động gây hấn của họ trên bãi cạn Scarborough, một bãi cạn nằm cách bờ biển Philippines khoảng 225 km.

Toà án Trọng tài Thường trực La Haye - PCA nói tuyên bố của Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông theo lằn ranh gọi là “đường chín đoạn” trải dài từ vùng duyên hải phía Tây Trung Quốc đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, ấn định ranh giới biển của một nước trong phạm vi 12 hải lý từ bờ biển của nước này, và quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của nước đó.

Trung Quốc đã phát động một chiến dịch chiếm đất quy mô, và một nỗ lực xây dựng quy mô trên khắp Biển Đông trong mấy năm gần đây. Nước này đã bồi đắp vô số bãi cạn thành những hòn đảo nhân tạo có khả năng làm nền cho các cơ sở quân sự, và cùng lúc, làm ngơ các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với Bắc Kinh đối với khu vực này từ Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan, cũng như từ Philippines.

Toà án La Haye cũng phán rằng không có hòn đảo nào tại quần đảo Trường Sa cho phép Trung Quốc có đặc khu kinh tế, và rằng các hoạt động xây cất trên Đá Vành Khăn đã gây “thiệt hại không thể cứu vãn được” cho hệ sinh thái của bãi cạn này.

Trung Quốc đã tẩy chay các thủ tục tố tụng tại toà, nói rằng Toà Trọng tài quốc tế không có quyền tài phán trong cuộc tranh chấp, và nhấn mạnh họ sẽ không chấp nhận, công nhận hoặc thực thi bất cứ phán quyết nào về Biển Đông, mặc dầu họ đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cùng với Philippines. Trong một thông báo công bố vài giờ trước khi Toà án La Haye loan báo quyết định của họ, Tân Hoa Xã nói rằng “toà án thao túng luật pháp” này đã đưa ra một “phán quyết không có cơ sở vững chắc.”

Bất chấp phán quyết đưa ra hôm nay, thứ Ba 12/7, Liên Hiệp Quốc không có cơ chế nào để buộc thực thi phán quyết của toà, dù là bằng hành động quân sự, hay các biện pháp chế tài kinh tế. Tuy nhiên, phán quyết này có thể mở đường cho các nước đối nghịch với Trung Quốc khác ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương đệ đơn khiếu kiện Trung Quốc, tăng sức ép đối với Bắc Kinh phải giảm thiểu sự hiện diện của họ trong Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đã chống lại thái độ ngày một hung hãn hơn của Trung Quốc trong khu vực, và đã tổ chức một số cuộc tập trận hải quân, triển khai các tàu chiến tới gần các bãi cạn đã được bồi đắp xây dựng thêm để khẳng định quyền tự do hàng hải trên vùng biển này.

Phản ứng của Trung Quốc cũng có thể còn tùy thuộc vào các hành động của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã kêu gọi đàm phán song phương để giải quyết vụ tranh cãi.

Trước khi toà án La Haye ra phán quyết, hàng chục người biểu tình ôn hoà tuần hành qua đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, kêu gọi Bắc Kinh hãy rút ra khỏi các vùng biển của Philippines. Không có vụ bạo động nào xảy ra và cũng không có ai bị bắt.

Tại Bắc Kinh, bên ngoài đại sứ quán Philippines đầy những nhà báo và cảnh sát, nhưng không thấy có người biểu tình nào.

Ông Harry Kazianis, một nhà nghiên cứu cấp cao về Chính sách Quốc phòng tại Trung tâm vì Quyền lợi Quốc gia mới đây nói với Đài VOA rằng Trung Quốc có thể có 3 sự lựa chọn để đáp lại phán quyết của toà án La Haye. 

Một là tiếp tục với hướng hành động hiện tại, hai là tuyên bố một khu nhận dạng phòng không – ADIZ trên Biển Đông, và lựa chọn thứ 3 là “bất hợp tác hay trở thành nước bất hảo”, có nghĩa là Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tăng thêm áp lực trong khu vực.

Trung Quốc trong thời gian qua đã tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự chung quanh quần đảo Hoàng Sa trong lúc chờ đợi phán quyết của toà hôm thứ Ba. - VOA

***
Hôm nay, 12/07/2016, ngay sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (CPA) ra phán quyết liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã có lời hoan nghênh phán quyết này.

Ông Perfecto Yasay cũng đồng thời khẳng định Philippinnes sẽ tôn trọng quyết định của Tòa Trọng Tài La Haye, coi đó là một đóng góp quan trọng vào nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ông kêu gọi các bên liên quan hãy kiềm chế sau phán quyết của CPA.

Đối với người Philippines, đây là quyết định được mong đợi kể từ khi chính quyền của tổng thống Benigno Aquino khởi kiện cách đây hơn 3 năm, sau khi thấy các con đường ngoại giao đều dẫn đến bế tắc.

Thông tín viên RFI tại Manila Marianne Dardard cho biết thêm tình hình:

"Một quyết định lịch sử. Đó là đánh giá của người Philippines về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Bởi các tranh chấp đã kéo dài từ nhiều năm nay. Mọi kế sách ngoại giao đều vô hiệu và giờ đây với Philippines thì đưa vấn đề ra tòa là cách làm duy nhất để đối phó trước sự lấn lướt của Trung Quốc.

Thách thức đối với Philippines trước hết là quyền đánh bắt và khai thác tài nguyên dầu mỏ trong vùng vốn nổi tiếng là dồi dào. Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc lấn lên vùng đặc quyền kinh tế mà việc xác định đã khá rõ ràng. Những đòi hỏi đó có thể khiến Philippines mất 80% sản lượng đánh bắt hải sản trong vùng.

Là một người thực dụng, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên biển với Bắc Kinh. Nhưng liệu ông sẽ có được vị thế thực sự để đàm phán ? Trước khi được đắc cử tổng thống, ông cũng đã tuyên bố sẽ dùng xe lướt sóng ra cắm cờ philippines trên các đảo có tranh chấp… Là một người dân tộc chủ nghĩa hơn, tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino thậm chí còn so sánh các lãnh đạo Trung Quốc như Hitler". - RFI
|
|

2.
Phát hiện ‘mức hoạt động cao’ tại địa điểm thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Một nhóm quan sát về Bắc Triều Tiên có trụ sở ở Mỹ nói các hình ảnh chụp bằng vệ tinh trong thời gian gần đây cho thấy “hoạt động ở mức độ cao” tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân của nước Cộng sản Bắc Triều Tiên.

Một phúc trình được đăng trên trang web của nhóm 38 Bắc hôm thứ Ba nói những hình ảnh cho thấy dường như là những tiếp liệu hay thiết bị được chất đống tại khu phía bắc của địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri, nơi Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân vào năm 2013 và năm nay.

Nhóm 38 Bắc nói chỉ dựa vào các hình ảnh chụp bằng vệ tinh, “Không thể xác định được liệu đó là các hoạt động bảo trì, đào bới hay là chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm.” Nhưng nhóm này nói rõ ràng là Bình Nhưỡng đang ra sức chuẩn bị cho địa điểm Punggye-ri vào “thế sẵn sàng” cho bất cứ cuộc thử nghiệm hạt nhân nào sắp tới.

Bắc Triều Tiên đã thực hiện 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân lớn kể từ năm 2006, vụ mới nhất là vào tháng Giêng năm nay.

Tháng trước, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, tức IAEA, của Liên Hiệp Quốc nói các bằng chứng do vệ tinh chụp được cho thấy có phần chắc là Bắc Triều Tiên nối lại hoạt động tại nhà máy ở Yongbyon để sản xuất plutonium từ nhiên liệu đã sử dụng ở lò phản ứng hạt nhân.

Tin tức này khớp với những bằng chứng do nhóm 38 Bắc tìm thấy và loan báo hồi tháng 4 rằng phát hiện khói thải từ nhà máy nhiệt năng ở khu nhà máy tái chế chính ở Yongbyon. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi thăm Afghanistan không báo trước

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đang đi thăm Afghanistan chỉ 3 ngày sau khi các nhà lãnh đạo quốc tế đồng ý hỗ trợ đất nước bị chiến tranh tàn phá với khoảng 12.000 binh sĩ NATO và tài trợ cho các Lực lượng An ninh và Quốc phòng Afghanistan, gọi tắt là ANDSF, cho đến năm 2020.

Bộ trưởng Carter đã họp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và ông sẽ họp với Đại tướng Mick Nicholson, tư lệnh các lực lượng Mỹ và quốc tế tại Afghanistan. Ông cũng sẽ cám ơn các binh sĩ Mỹ đã nỗ lực giúp ổn định Afghanistan và ngăn không để cho nước này một lần nữa biến thành sào huyệt của bọn khủng bố dùng để tấn công nước Mỹ.

Afghanistan có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Mặt dù về mặt quân sự chưa bị thất bại nào nặng trước phe Taliban, thương vong nơi lực lượng ANDSF đang trên đà tăng, nhất là tại những nơi như tỉnh Helmand, nơi Taliban hoạt động mạnh.

Phần lớn binh sĩ Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan 

Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama loan báo ông sẽ giảm tốc độ rút quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan xuống. Thay vì rút 5.500 binh sĩ ra khỏi Afghanistan trước cuối năm nay, 8.400 binh sĩ sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama vào tháng Giêng năm 2017.

Hôm 9/7, Đại tướng Curtis Scaparrotti, tư lệnh châu Âu của liên minh NATO xác nhận rằng 6.700 binh sĩ Mỹ sẽ phục vụ Sứ mạng hỗ trợ do NATO lãnh đạo với nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn và trợ giúp cho lực lượng ANDSF và cảnh sát Afghanistan. Một giới chức quốc phòng cấp cao nói tất cả 6.700 binh sĩ được tính chung trong tổng số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan vì các binh sĩ đó sẽ thực hiện các nhiệm vụ của NATO ở các căn cứ trong khu vực.

Hơn 2.000 trong tổng số 8.400 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan sẽ hỗ trợ cho nhiệm vụ chống khủng bố của Mỹ, mang tên Người canh giữ cho hòa bình. Chiến dịch này nhắm mục tiêu vào các tàn quân al-Qaida và các hang ổ mà các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách xây dựng căn cứ ở miền đông của nước này.

Các giới chức chính phủ hôm 9/7 cho hay một số binh sĩ Mỹ ở Afghanistan sẽ phục vụ cả hai nhiệm vụ khi cần.

Quân đội Mỹ hôm 11/7 xác nhận một vụ oanh kích bằng máy bay không người lái tại tỉnh Nangarhar ở miền đông, nhưng không bình luận về tin nói là một chỉ huy nổi tiếng của phiến quân Pakistan bị hạ sát.

Các hãng tin ở Pakistan và Afghanistan trích lời các nguồn tin an ninh không cho biết tên nói rằng thủ lãnh phiến quân Omar Naray, người đang bị truy lùng vì đã chủ mưu trong vụ giết hại 134 sinh viên tại một trường quân sự ở Peshawar hồi tháng 12 năm 2014, đã bị hạ sát trong vụ tấn công. - VOA
|
|

4.
Ông Trump gọi mình là ‘ứng cử viên của luật pháp và trật tự’

Ứng cử viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 11/7 tuyên bố mình là một "ứng cử viên của luật pháp và trật tự" và nói rằng người Mỹ phải chấm dứt "sự thù địch" đối với cảnh sát và cải thiện đời sống cho người dân ở "nội thành đầy rẫy tội ác."

"Quá nhiều người Mỹ đang bị kẹt trong nỗi sợ hãi, bạo lực và nghèo túng," tỉ phú bất động sản này nói trong một buổi vận động tranh cử ở thành phố Virginia Beach của bang Virginia nằm ở bờ đông.

Phát biểu được đưa ra trong lúc người Mỹ vẫn còn chấn động vì vụ bạo lực xảy ra tuần trước, trong đó cảnh sát bắn chết hai người đàn ông người Mỹ gốc Phi ở cự li gần sát, một người ở bang Louisiana và một người ở bang Minnesota. Vài ngày sau đó một tay súng người da đen nhắm mục tiêu tấn công cảnh sát người da trắng để trả thù tại thành phố Dallas, bang Texas, làm năm viên cảnh sát thiệt mạng.

Ông Trump, người sắp trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức của Đảng Cộng hòa tại đại hội toàn quốc của đảng vào tuần sau, nói: "Các cảnh sát viên lao vào nguy hiểm mỗi ngày để bảo vệ các cộng đồng của chúng ta và họ thường làm điều đó mà không được ai cảm ơn và bị chỉ trích gay gắt. Chúng tôi ủng hộ các bạn và sẽ luôn sát cánh với các bạn. "

Ông ta nói: "Vụ tấn công nhắm vào cảnh sát Dallas là một vụ tấn công nhắm vào đất nước chúng ta. Cả nước đang tiếc thương và sẽ tiếc thương trong một thời gian rất dài."

"Cảnh sát và nhân viên chấp pháp của Mỹ là những người ngăn cách nền văn minh khỏi sự hỗn loạn và sự tàn phá đất nước chúng ta như chúng ta đã biết." Ông Trump nói bất cứ ai muốn hạn chế sự hiện diện của cảnh sát trong những khu phố nội thành chính là đang làm tổn thương những người dễ bị tổn thương nhất của đất nước.

"Đã tới lúc phải chấm dứt ngay bây giờ sự thù địch nhắm vào cảnh sát và tất cả những thành viên lực lượng chấp pháp của chúng ta," ông nói.

Đồng thời, ông Trump nói "những cái chết bi thảm" ở Louisiana và Minnesota "cho thấy rõ còn phải làm rất nhiều để người Mỹ cảm thấy rằng sự an toàn của họ được bảo vệ. Phải làm. Chúng ta phải cải thiện - tốt hơn, nhạy bén hơn, thông minh hơn."

Ông ta công kích ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton là "yếu kém, không hữu hiệu và lấy lòng cử tri."

Ông Trump nói báo cáo của Cục Điều tra Liên bang vào tuần trước về việc bà Clinton xử lý tài liệu mật trên máy chủ email cá nhân thời còn làm ngoại trưởng từ năm 2009-2013 cho thấy bà "hoặc là kẻ nói dối hoặc là năng lực hết sức kém. Cá nhân tôi thì cho là có thể là cả hai."

Bà Clinton đã phản bác lập luận của giám đốc FBI James Comey cho rằng bà đã "cực kỳ bất cẩn" trong việc xử lý những email của mình.

"Bất cứ thứ gì mà họ gửi cho tôi, họ không cho là bảo mật, và theo quan điểm của tôi không có lý do gì để cho là bảo mật, vào thời điểm đó," bà cho biết tuần trước trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. "Tôi coi tài liệu bảo mật là thứ phải xử lý nghiêm túc."

Thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders, người đã tiến hành một chiến dịch tranh cử đầy hứng khởi chống lại bà Clinton nhưng không giành được đề cử của Đảng Dân chủ, dự kiến sẽ công khai tuyên bố ủng hộ bà tại một buổi vận động chính trị chung vào ngày thứ Ba tại bang New Hampshire. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thượng nghị sĩ Mỹ thúc giục Việt Nam theo Philippines, thách thức Trung Quốc --- Biển Đông: Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài

Hai thượng nghị sĩ có tiếng nói trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mới lên tiếng kêu gọi Việt Nam theo chân Philippines, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, ngay sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết tuyên bố phần thắng nghiêng về Philippines.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cùng ông Dan Sullivan, một thành viên khác của ủy ban này, đã lên tiếng “khuyến khích các nước có tranh chấp ở biển Đông, như Việt Nam, mưu tìm một phương cách xử lý tranh chấp lãnh hải tương tự [như Philippines] thông qua tòa trọng tài cũng như thông qua đàm phán giữa các bên liên quan”.

Hai thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi Hà Nội sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết được chờ đợi về vụ Philippines kiện Trung Quốc hôm 12/7, bác bỏ tuyên bố đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh.

Tòa cũng tuyên bố rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", và “đường đứt khúc 9 đoạn” này không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Khi được phóng viên VOA Việt Ngữ hỏi lý do vì sao Việt Nam nên có các bước đi tương tự như Manila, thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói: “Tôi nghĩ đó là cách thức để xử lý các thách thức của khu vực một cách hòa bình. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ muốn các vấn đề [chủ quyền biển Đông] được giải quyết một cách hòa bình, và điều đó mang lại lợi ích cho tất cả các nước. Các quốc gia, nhất là Trung Quốc, đã hưởng lợi từ vùng biển Đông và biển Hoa Đông rộng mở".

Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng vì quyền lợi chiến lược, sau phán quyết này, Trung Quốc nên ngồi vào bàn đàm phán với các nước để giải quyết vấn đề này. Nhưng nếu [Bắc Kinh] duy trì quan điểm bác bỏ, không quan tâm tới ý kiến của bất kỳ ai khác, và khẳng định chủ quyền về đường 9 đoạn, thì các nước khác sẽ đứng lên thách thức”.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, ông Sullivan cho rằng Trung Quốc đang “tự cô lập mình” bằng các hành động khẳng định chủ quyền ở biển Đông.

Vị thượng nghị sĩ này cũng kêu gọi hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện ở khu vực tranh chấp, đồng thời hối thúc chính quyền Washington củng cố quan hệ với các nước như Việt Nam.

Trong tuyên bố lên tiếng “hoan nghênh” phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhắc lại lập trường lâu nay của Hà Nội, là giải quyết các tranh chấp “bằng các biện pháp hòa bình” cũng như nhấn mạnh tới việc “duy trì tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông”.

Dù tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp, Hoa Kỳ bấy lâu nay đưa tàu chiến qua sát các đảo nhân đạo mà Trung Quốc bồi đắp ở vùng biển tranh chấp.

Về khả năng phán quyết của Tòa Trọng tài gây căng thẳng trên biển Đông, nhất là từ phía Trung Quốc, tiến sĩ Joseph Chinyong Liow của Trường Ngoại giao S. Rajaratnam ở Singapore nói với VOA Việt Ngữ rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định.

Nhà nghiên cứu này nói thêm: “Căng thẳng có leo thang hay không còn tùy thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Ngay từ đầu, Trung Quốc phản bác và không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài, và tuyên bố sẽ theo đuổi hành động của riêng mình, dù phán quyết có như thế nào. Nay thì phán quyết đi ngược lại quyền lợi của họ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có các hành động khẳng định chủ quyền mạnh mẽ hơn hay không? Chúng ta chưa thể biết ngay được”.

Ông Liow nói thêm rằng Việt Nam sẽ xem các các tác động từ phán quyết và sẽ “tính toán các bước” đi cụ thể sắp tới.

Phản ứng về kết quả vụ kiện, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Bắc Kinh “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, nhưng sẽ không chấp nhận bất cứ quan điểm hay hành động nào dựa trên kết quả của Tòa Trọng tài về vụ tranh chấp”.

Hôm 11/7, nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa tin trên mạng xã hội rằng các lực lượng dự bị của hải quân Trung Quốc đã được huy động, sau khi có tin đồn họ được gọi tham gia nhiệm vụ từ ngày 10 tới 22/7, trùng khoảng thời gian tòa ra phán quyết.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Donald Tusk hôm nay, 12/7, thận trọng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trả lời VOA Việt Ngữ lên lề hội thảo ở CSIS, ông Hank Hendrickson, Giám đốc Điều hành của Hội Hoa Kỳ và Philippines cho biết người Philippines ở Mỹ “vui mừng” vì phán quyết của tòa.

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng tân chính phủ Philippines và chính quyền Trung Quốc cùng ngồi lại đàm phán để “giải quyết các khác biệt” cũng như “kiềm chế” không gây căng thẳng. - VOA

***
Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình, “hoan nghênh” phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, nhắc lại lập trường đã được nêu trong tuyên bố ngày 05/02/2014 mà bộ Ngoại Giao gửi Tòa.

Tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam được đưa ra hôm nay, 12/07/2016, vẫn không kêu gọi tất cả các bên thi hành phán quyết mà chỉ tuyên bố “ ủng hộ mạnh mẽ ” việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông “ bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Châu Âu về Luật Biển năm 1982 ”. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục khẳng định “chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Trả lời RFI Việt ngữ về phán quyết hôm nay, giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ, xem thắng lợi của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc cũng là thắng lợi của Việt Nam.

Về phản ứng của các nước khác, Nhật Bản, qua lời ngoại trưởng Fumio Kishida, cho rằng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài là mang tính “ràng buộc về pháp lý” và tất cả các bên phải tôn trọng phán quyết này. Zealand cũng kêu gọi toàn bộ các bên tôn trọng phán quyết của Tòa về Biển Đông. Lập trường này dĩ nhiên là sẽ có ảnh hưởng đến quan hệ giữa nước này với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand.

Về phần Ấn Độ thì thận trọng hơn. Theo lời một quan chức cao cấp, New Delhi đang “nghiên cứu” phán quyết về Biển Đông của Tòa Á0n Trọng Tài Thường Trực.

Đang có mặt tại Bắc Kinh để dự thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk kêu gọi Trung Quốc phải “tôn trọng trật tự pháp lý quốc tế”. - RFI
|
|

6.
‘Phiên tòa Văn Giang có nhiều vấn đề’

Luật sư tham gia bào chữa cho tám nông dân Văn Giang trong phiên tòa hôm 12/7 nói ‘có nhiều vấn đề’ tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên.

Phiên sơ thẩm trong hai ngày 12, 13/7 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử tám bị cáo đều là nông dân ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên: Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Hoạnh, Nguyễn Văn Long, Hoàng Văn Ngự, Nguyễn Văn Hải, Vũ Thế Trường và Nguyễn Văn Phát.

Cả 8 bị cáo cùng bị truy tố về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ theo điểm C khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự với mức án từ 2 đến 7 năm tù.

Hôm 11/7, luật sư Hà Huy Sơn thông báo ông không tham gia phiên tòa do các bị cáo Nguyễn Văn Long, Vũ Thế Trường, Hoàng Văn Ngự gửi thư từ chối luật sư.

Các luật sư còn lại cũng bị ông Long từ chối bào chữa.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát giao thông lập hai trạm kiểm soát trên đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Hưng Yên, hướng về Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên sáng 12/7.

Hôm 12/7, trả lời BBC, luật sư Lê Văn Luân nói: “Phiên tòa này tuy công khai nhưng ‘có nhiều vấn đề’.

"Thoạt đầu những người đến dự, kể cả luật sư, đều bị ngăn không được vào. Sau đó, các luật sư được cho vào nhưng với tư cách dự khán, chứ không tác nghiệp.

“Trong vụ án này còn có những điểm mờ, khúc mắc như nhiều nông dân Văn Giang chưa đồng ý khoản tiền bồi thường, có những hộ gia đình đang trong quá trình khiếu kiện nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành san lấp mặt bằng. Điều đó là chưa đúng thực trạng pháp luật”.

Hôm 11/7, luật sư Trần Vũ Hải, một trong các luật sư tham gia bào chữa, viết trên mạng xã hội: "Trong vụ này, sau khi kết thúc điều tra, hết Viện kiểm sát rồi Tòa án dùng mọi "nghiệp vụ" để trả hồ sơ hoặc hoãn phiên tòa, dù các bị cáo đến nay đã bị tạm giam đến 18 tháng".

Tháng trước, hai nông dân ở huyện Văn Giang bị xử 21 và 24 tháng tù vì tội 'bắt, giữ người trái pháp luật' trong phiên tòa tại Thành phố Hưng Yên.

Ông Lê Văn Nga bị phạt 24 tháng tù giam, ông Đinh Hoài Đức bị phạt 21 tháng tù giam, theo thông tin từ luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo.

Dự án Ecopark có quy mô 6 tỷ đôla Mỹ, xây dựng trên diện tích 500ha, được gọi là "dự án bất động sản cao cấp", theo trang web chính thức của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) thực hiện tại huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Từ khi dự án triển khai, đã xảy ra nhiều vụ cưỡng chế đất dẫn đến xung đột giữa nông dân và chính quyền địa phương khi thu hồi đất vào các năm 2012, 2013 và 2014.

BBC đã liên hệ Viện kiểm sát Tỉnh Hưng Yên nhưng không nhận được phản hồi. - BBC

No comments:

Post a Comment