Monday, November 30, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 30/11

Tin Thế Giới

1.
Hội nghị khí hậu tại Paris --- Hơn 150 lãnh đạo của thế giới khai mạc Hội nghị khí hậu quốc tế COP21

Hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu đã khai mạc tại Paris nhằm đặt ra thỏa thuận lâu dài giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hơn 150 lãnh đạo các nước, gồm cả Thủ tướng Việt Nam, đã có mặt cho cuộc họp hai tuần, có tên COP21.

Cuộc họp lần trước năm 2009 đã thất bại. Nhưng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, chủ trì hội nghị, nói nay sẽ có thỏa thuận.

Đa số thảo luận tập trung vào một đề nghị hạn chế ấm nóng toàn cầu ở mức 2C.

Christiana Figueres, người đứng đầu đàm phán thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, phát biểu khai mạc.

“Chưa bao giờ trách nhiệm to lớn thế lại ở trong tay ít người như vậy,” bà nói.

“Thế giới mong đợi quý vị.”

Lãnh đạo các nước như Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mặt.

Các điểm tranh luận gồm:

Hạn chế: Liên Hiệp Quốc muốn hạn chế ấm nóng toàn cầu ở mức 2C vào cuối thế kỷ này. Nhưng hơn 100 nước nghèo hơn, và các đảo nhỏ muốn mục tiêu cao hơn là 1.5C.

Công bằng: Các nước đang phát triển nói các nước công nghiệp phải làm nhiều hơn để giảm khí thải. Nhưng các nước giàu nói phải chia sẻ gánh nặng.

Tiền: Tại hội nghị 2009 ở Copenhagen, các nước giàu cam kết góp 100 tỉ đôla mỗi năm để giúp các nước nghèo từ 2020 phát triển công nghệ và xây hạ tầng giảm khí thải. Nhưng vẫn không rõ tiền đến từ đâu và chia như thế nào. - BBC

***
Với sự tham dự của 150 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ cùng với 196 đoàn đại biểu của các nước, các tổ chức quốc tế gồm khoảng 10.000 người và số lượng phóng viên báo chí tương đương, Hội nghị Quốc tế về Khí hậu - COP21, hôm nay 30/11/2015 đã chính thức khai mạc tại Le Bourget, ngoại ô phía bắc thủ đô Paris.

Hội nghị lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần này đặt mục tiêu là đưa ra được một thỏa thuận lịch sử để hạn chế quá trình tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2°C.

Diễn ra trong bối cảnh thủ đô Paris vừa trải qua loạt khủng bố đẫm máu khiến 130 người chết và hơn 300 người bị thương, vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu.

Đặc phái viên RFI Thanh Phương từ Bourget tường trình:

"Gần như toàn bộ khu vực xung quanh hội nghị bị phong tỏa hoàn toàn và một lực lượng an ninh rất hùng hậu đã được bố trí ngay từ trạm xe lửa Le Bourget, nơi mà từ đó, các phóng viên và quan sát viên được chở đến trung tâm hội nghị.

Tổ chức hội nghị được coi là sự kiện ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay ở Pháp không phải đơn giản, vì có đến 10.000 đại biểu và một số lượng tương đương quan sát viên và phóng viên đến Le Bourget.

Ngay từ sáng sớm, Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã đến Le Bourget để đón tiếp 150 lãnh đạo thế giới đến dự hội nghị COP21. Trong ngày, lãnh đạo các nước sẽ thay phiên lên phát biểu, mỗi người khoảng 3 phút.

Tuy hội nghị khai mạc hôm nay, nhưng ngay từ chiều qua, đại diện các nước đã bắt đầu đợt thương thuyết cuối cùng để cố gắng đạt được một thỏa thuận tại hội nghị về việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, qua đó, hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 2°C. Bắt đầu làm việc trước một ngày, các chuyên gia hy vọng đúc kết được thỏa thuận đúng như dự kiến, tức là vào ngày 09/12, để văn bản có thể được thông qua vào 11/12, ngày kết thúc hội nghị.

Rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong dịp này, đã lập những gian nhà hoặc phòng triển lãm, giới thiệu những nỗ lực của nước mình trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Riêng Việt Nam, vào chiều nay, sẽ tổ chức cuộc đối thoại cấp cao với các đối tác quốc tế về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham gia của đại diện nhiều nước như Úc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Pháp và đại diện các tổ chức như UNDP, Ngân hàng Thế giới".

Mục tiêu của hai tuần hội nghị là soạn thảo được bản thỏa thuận đầu tiên, theo đó toàn thể cộng đồng quốc tế cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đến lúc này toàn thế giới đều đã nhận thức được một trong những nguyên nhân khiến khí hậu trái đất ấm lên là phát thải từ sử dụng năng lượng hóa thạch, phương thức sản xuất nông nghiệp, phá rừng gia tăng.

Để chuẩn bị cho Hội nghị Paris lần này, 183 trên tổng số 195 quốc gia đã công bố kế hoạch cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hội nghị COP21 sẽ phải đưa ra được các cam kết có ràng buộc. Tiến trình thương lượng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi vấn đề chống biến đổi khí hậu đụng chạm đến vấn đề kinh tế.

Từ tối qua, lãnh đạo các nước đã lần lượt đến Paris. Phần đông các nguyên thủ quốc gia đều giành thời gian đến đặt hoa trước nhà hát Bactaclan viếng các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 13/11.

COP21 diễn ra hơn hai tuần sau loạt vụ tấn tại Paris, nước chủ nhà đã phải huy động tối đa phương tiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho một hội nghị quốc tế lớn nhất từ trước tới nay tại Pháp. Giao thông bị đảo lộn vì nhiều tuyến đường trong và ngoài thủ đô bị cấm. Người dân được khuyến cáo nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại.

Trước đó, vào ngày hôm qua, do đang trong tình trạng khẩn cấp, mọi cuộc biểu tình bị cấm. Tuy nhiên, tại quảng trường La République ở Paris, hôm qua, một nhóm gồm khoảng vài trăm người chống COP21 vẫn biểu tình và đã xảy ra xô xát với lực lượng giữ gìn trật tự. Kết quả là hơn một trăm người đã bị câu lưu. - RFI
|
|

2.
Miến Điện: Bà Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống và Tư lệnh quân đội

Bốn tuần sau cuộc bầu cử lịch sử đem lại chiến thắng áp đảo cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), lãnh đạo đảng Aung San Suu Kyi sẽ gặp Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội vào ngày 02/12/2015 tại thủ đô hành chính Naypyidaw.

Ngay sau khi có kết quả bầu cử chính thức, theo đó, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành được 80% số phiếu, bà Aung San Suu Kyi đã đề nghị được gặp các nhân vật chủ chốt trong chính quyền mãn nhiệm chuẩn bị cho việc tiếp nhận quyền lực trên tinh thần "hòa giải dân tộc".

Đến giờ, giải Nobel Hòa bình mới có cuộc làm việc với ông Shwe Mann, Chủ tịch Hạ viện, diễn ra cách đây hơn một tuần.

Hôm nay, Tổng thống Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing, thông qua trang Facebook cá nhân đã khẳng định cuộc gặp với nhà đối lập sẽ diễn ra vào thứ Tư 02/12 tại Naypyidaw.

Cả hai nhân vật chủ chốt của chính quyền hiện nay cũng hứa chuyển giao quyền lực cho đảng của bà Aung San Suu Kyi. Cuộc chuyển giao này đang rất được mong đợi ở Miến Điện.

Năm 1990, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cũng đã từng giành thắng lợi trong bầu cử. Ngay sau đó chính quyền quân sự đã không thừa nhận kết quả và thậm chí còn ra lệnh quản thúc tại gia lãnh đạo đảng bà Aung San Suu Kyi. Phải đợi đến năm 2010, chính quyền của tổng thống Thein Sein vừa chuyển tiếp sang dân sự mới trả tự do cho lãnh tụ đối lập. - RFI
|
|

3.
Đức Giáo Hoàng: Người Công giáo và Hồi giáo là anh em

Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô hôm nay nói rằng những người theo Cơ đốc giáo và những người Hồi giáo là anh em khi Ngài phát biểu tại đền thờ chính của những người theo đạo Hồi tại thủ đô của Cộng hoà Trung Phi. Thông tín viên Chris Stein của đài VOA tường thuật từ Bangui.

Nhà lãnh đạo Toà Thánh Vatican hôm nay chuẩn bị kết thúc chuyến viếng thăm ba nước Phi châu với việc cử hành thánh lễ tại sân vận động ở thủ đô của Cộng Hoà Trung Phi, là nước bị hoành hành trong nhiều năm qua bởi xung đột chính trị và những vụ bạo động giữa người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo.

Đức Giáo Hoàng một lần nữa lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo động, nhất là những vụ bạo động lợi dụng danh nghĩa của tôn giáo.

Trước đó trong ngày hôm nay, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm đền thờ chính của những người theo đạo Hồi ở Bangui và nói rằng chuyến viếng thăm của Ngài đến Trung Phi sẽ không đầy đủ nếu không có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Hồi giáo ở nước này.

Những mối quan tâm về an ninh đã tạo ra những tin đồn cho rằng Đức Giáo Hoàng có lẽ sẽ huỷ bỏ chuyến đi Trung Phi, nhưng hàng vạn người đã đứng dọc theo con đường tới phi trường để nghênh đón Ngài.

Trong số những người này có ông Guy-Junior Siopiakoa.

"Nếu tôi có thể nói chuyện với Đức Giáo Hoàng tôi sẽ nói với Ngài là mọi người ở quốc gia này ai nấy cũng đều mong muốn hoà bình và muốn được Đức Giáo Hoàng chúc phúc."

Trong lúc đến thăm một trại tị nạn ở Bangui, Đức Giáo Hoàng nói Trung Phi cần tới tình thương, hoà bình và sự cảm thông để chấm dứt vụ khủng hoảng hiện nay.

Thông điệp đó đã được Đức Giáo Hoàng nhắc lại trong thánh lễ tại nhà thờ chánh toà Bangui.

Ông Alain Gokassa, một người dự lễ, cho biết ông hy vọng thông điệp hoà bình của Đức Giáo Hoàng sẽ góp phần làm thay đổi tình hình.

"Rất nhiều người đã rủ nhau ra đường để nghên đón Đức Giáo Hoàng. Ngài đã nói tới tình thương và sự cảm thông giữa các cộng đồng và tôi hy vọng tình hình sẽ thay đổi."

Mặc dầu vậy, những vụ bạo động tôn giáo vẫn tiếp diễn ở Bangui. Một cư dân ở đây cho đài VOA biết rằng hai người theo đạo Hồi đã bị giết hại hôm chủ nhật gần PK5, một khu xóm của người Hồi giáo mà Đức Giáo Hoàng đến thăm hôm thứ hai.

Bạo động đã hoành hành ở Cộng Hoà Trung Phi trong gần 3 năm nay kể từ khi Selaka, một nhóm nổi dậy mà hầu hết thành viên là người Hồi giáo, lật đổ Tổng thống Francois Bozize hồi tháng 3 năm 2013. Những vụ giết chóc của Seleka đã khích động cho sự trỗi dậy của nhóm dân quân có tên là nhóm chống-Balaka. Phần lớn thành viên của nhóm dân quân này là người Cơ đốc giáo. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hai thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi lập lực lượng đa quốc chống IS

Ngày 29/11, Hai thượng nghị sĩ Mỹ nói Hoa Kỳ phải tham gia lực lượng đa quốc gia tại Iraq và Syria để đánh bại Nhà nước Hồi Giáo và làm áp lực để buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời bỏ quyền hành. Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình về những nhận xét này tiếp sau một bài tiểu luận của một học giả về chính sách ngoại giao Mỹ cho rằng phải cần đến 50.000 binh sĩ Mỹ vào lúc đầu để đối phó với Nhà nước Hồi Giáo và thành lập một vùng an toàn cho người tị nạn Syria.

Hai Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa ngày hôm qua từ Baghdad nói với đài truyền hình CBS trong chương trình Face the Nation là Hoa Kỳ phải tham gia lực lượng đa quốc. Ông McCain, chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, nói lực lượng này có hai mục tiêu chính:

“Trước hết, đương nhiên là chúng ta phải tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo, nhưng đồng thời phải thiết lập một vùng cấm bay để gởi một thông điệp đến cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad là ông ta cần phải ngưng thả bom thùng và tàn sát đàn ông, đàn bà, trẻ em vô tội và đẩy hàng triệu người lâm vào hoàn cảnh tị nạn, một hoàn cảnh mà chúng ta đang phải đối phó.”

Thượng nghị sĩ Graham, cũng là một thành viên của Uỷ ban Quân vụ, cho biết như sau khi được hỏi về việc liệu dân chúng Mỹ có sẵn sàng cho việc đưa binh sĩ tác chiến trên bộ tiếp sau những cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan hay không:

“Người Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng về việc này vì nếu chúng ta không tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo tại Syria, đại bản doanh của họ, thì chúng ta sẽ bị tấn công ngay tại nước Mỹ. Vùng này sẵn sàng chiến đấu. Vùng này căm ghét Nhà nước Hồi Giáo. Họ đang tấn công các quốc gia Ả Rập Sunni và Thổ Nhĩ Kỳ cũng căm ghét Nhà nước Hồi Giáo. Toàn vùng muốn Tổng thống Assad ra đi. Do đó giới lãnh đạo Mỹ có cơ hội làm hai việc: Đó là tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo trước khi nước Mỹ bị tấn công và cũng lật đổ ông Assad và tôi không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Iran. Chúng ta có mặt tại đây một cách nửa vời trong khi Iran có mặt hoàn toàn tại Iraq. Iran đã điền vào khoảng trống khi chúng ta rời khỏi Iraq và toàn thể khu vực này cảm thấy rất lo ngại về việc Iran cũng như Nhà nước Hồi Giáo chế ngự khu vực này.”

Cả hai ông McCain và Graham đều cho rằng lực lượng cần phải có có thể lên đến 100.000 người, nhưng ông Graham nói lực lượng này phải bao gồm hầu hết là các binh sĩ trong vùng.

“Lực lượng mà ông John McCain và tôi nói đến có 10% là thuộc các cường quốc phương Tây. Lực lượng chúng tôi nói đến thuộc về các quân đội trong vùng. Có những đội quân lớn của vùng này. Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đều có quân đội tầm cỡ khu vực. Họ sẽ chiến đấu nếu chúng ta đặt lá bài Assad lên bàn. Do đó, hầu hết những cuộc giao tranh đều do quân đội trong vùng thực hiện.”

Ông Graham nói khoảng 3.500 binh sĩ Hoa Kỳ tại Iraq không đủ để đánh bại Nhà nước Hồi Giáo.

Ông McCain nói ông tin là tỉnh lị Ramadi của Iraq hiện nằm trong tay Nhà nước Hồi Giáo sẽ sớm được chiếm lại.

“Tuy nhiên, đây chỉ là phần đầu. Còn có Fallujah, Mosul và những nơi khác nữa. Chúng ta cần có sự hiện diện mạnh mẽ và ông Bashar al-Assad là nguyên nhân chính khiến cho người tị nạn tràn ngập châu Âu và tạo nên sự kinh hoàng tại Mỹ. Một vùng cấm bay sẽ cung cấp nơi ẩn náu cho một số người tị nạn này.”

Ông Zubair Iqbal, một học giả thuộc Viện Trung Đông thấy có những trở ngại trong việc thành lập một lực lượng đa quốc như vậy.

“Làm thế nào huy động được một lực lượng lớn như vậy trong một vùng được xem như không có một chính sách thống nhất, đó là điều thứ nhất, điều thứ hai là những nước này chỉ theo đuổi những lợi ích rất nhỏ hẹp và sẽ không thể nào hợp tác với nhau, và luôn luôn có vấn đề là ai sẽ lãnh đạo lực lượng này. Vấn đề thứ hai thực sự quan trọng, là chúng ta sẽ làm gì sau khi đánh bại Nhà nước Hồi Giáo? Chúng ta đã có một chiến lược hay chưa, một chương trình một khi hòa bình được tái lập và những lực lượng khiến cho Nhà nước Hồi Giáo lớn mạnh có biến mất hay không? Do đó có nhiều vấn đề quan trọng.”

Ông Iqbal nói nếu trước tiên không hiểu được những nguyên nhân làm cho Nhà nước Hồi Giáo lớn mạnh thì một lực lượng đa quốc như vậy chỉ làm cho vấn đề thêm phức tạp vì nó sẽ làm tăng thêm sự tuyên truyền của nhóm Nhà nước Hồi Giáo là Hồi Giáo đang bị phương Tây tấn công.

Trong khi đó học giả về chính sách ngoại giao của Viện Brookings, ông Robert Kagan, viết trên tờ Wall Street Journal số ra ngày thứ Bảy, cảnh báo là Nhà nước Hồi Giáo không chỉ hoạt động tại Trung Đông. Ông nói cuộc tấn công ngày 13 tháng 11 tại Paris chứng tỏ rằng tổ chức này vừa có khả năng hoạt động vừa có khả năng tồn tại lâu dài.

Ông nói nhóm Nhà nước Hồi Giáo đe dọa sự đoàn kết của châu Âu và cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Ông Kagan nói cần có một lực lượng Mỹ với quân số lên đến 50.000 để thành lập một vùng an toàn tại Syria trong khi hỗ trợ cho các lực lượng địa phương để đánh bại Nhà nước Hồi Giáo. Ông hy vọng cuối cùng các binh sĩ Mỹ sẽ được các lực lượng châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út và các nước Ả Rập khác thay thế. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Lãnh đạo Brazil 'hủy thăm VN vì ngân sách'

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hoãn công du tới Nhật Bản và Việt Nam để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước.

Trước đó Tổng thống Dilma Rousseff ra lệnh ngưng chi tiêu trong ngân sách 10 tỉ reais (2,60 tỷ USD), nhằm tuân thủ luật trách nhiệm tài chính sau khi khi Quốc hội nước này không thông qua được vào tuần trước nhằm để cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho năm nay.

Theo luật, chính phủ phải khống chế chi tiêu để đáp ứng mục tiêu tiết kiệm tài chính đã đưa ra từ ban đầu.

"Đây không phải là vấn đề về tài chính mà là ngân sách," một phát ngôn viên tổng thống nói với các phóng viên. "Bắt đầu từ tháng 12 chính phủ không được chi tiêu tùy ý bất kỳ khoản mới nào ngoại trừ chi cho việc cần thiết cho hoạt động của nhà nước."

Đối mặt với suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, bà Rousseff đang chật vật nhằm ổn định ngân sách của đất nước sau nhiều năm chi tiêu công quá nhiều.

Thực trạng bội chi đã và đang bào mòn niềm tin của các nhà đầu tư trong nền kinh tế một thời bùng nổ.

Bà Rousseff cũng là áp lực phải tuân theo luật ngân sách sau khi Tòa án Liên bang ra phán quyết rằng bà xào nấu báo cáo tài chính công của nước này trong năm 2014.

Đối thủ chính trị của bà nói Quốc hội cần luận tội bà vì đã vi phạm luật pháp.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Brazil được truyền thông Nhật dẫn lời xác nhận việc Tổng thống Brazil hủy chuyến công du được lên lịch vào đầu tháng 12 này.

Truyền thông đưa tin Tổng thống Rousseff vẫn sẽ dự hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris được khai mạc vào ngày thứ Hai 30/11. - BBC
|
|

6.
Manh mối hung thủ bắn chết ngư dân ở Trường Sa

TPO - Sáng 30/11, tàu QNg 95861 chở thi thể ông Trương Đình Bảy (1970, trú tại thôn An Hải, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa cùng 13 ngư dân khác vẫn còn cách đất liền còn hơn 100 hải lý. Không khi đau thương kèm theo uất ức bao trùm xóm nhỏ miền biển này. Dự kiến khuya đêm nay hoặc sáng mai (1/12) tàu cá mới cập bờ.

Căn nhà của ông Bảy nằm sâu trong ngõ nhỏ của xóm biển An Hải, đông kín người. Từ chiều tối 26/11, khi hay tin ông Bảy bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa, bà con lối xóm tập trung ở nhà ông để động viên vợ con ông và lo chuyện hậu sự khi tàu cá cập bờ. Sáng ngày 30/11 rạp được dựng lên. Bên trong tiếng khóc than của người nhà, không ai cầm được nước mắt.

Bà Mai Thị Long (vợ ông Bảy), ôm đứa cháu nội mới được 3 tháng tuổi nằm bệt giữa nền nhà. Mấy ngày qua, bà Long đã khóc cạn nước mắt khi hay tin dữ.  Mới cách đây đúng 10 ngày, ông Bảy hôn tiễn biệt cháu nội để theo tàu cá QNg 95861 để làm phụ bếp. Chiều ngày 26/11, tin dữ báo về khiến bà đổ sập.

Bà và ông Bảy lấy nhau tròn 25 năm có với nhau 3 mặt con, 2 trai một gái. Gia đình làm nông, chồng và 2 người con trai ngày nông nhàn thường theo tàu cá của ngư dân trong vùng đi bạn ở biển Hoàng Sa – Trường Sa kiếm tiền nuôi con. 

Ngày 21/11, ông Bảy và con trai Trương Đình Đệ (21 tuổi) theo tàu cá QNg 95861 do ông Bùi Văn Cu (1970, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) đi đánh cá.

Ông Bảy theo tàu để lo chuyện bếp núc, hậu cần cho anh em trên tàu. Riêng Đệ đây là chuyến thứ 6 em theo tàu để học nghề đánh bắt. 

Anh Trương Đình Huynh (24 tuổi) - con trai đầu của ông Bảy, cho biết: Chiều tối 26/11, ông Bùi Văn Tẩn (anh trai của chủ tàu Bùi Văn Cu) vào báo tin cho gia đình biết rằng ông Cu điện về báo bố em đã bị bắn chết. 

Cả nhà hoảng loạn, mẹ em ngất xỉu khi hay tin giữ. Lập tức người nhà liên lạc với tàu cá bằng Icom để hỏi tình hình. Lúc đó, em trai em chỉ kịp nói cha đã bị bắn chết rồi ngất xỉu. Giờ cả nhà đang ngóng tàu vào để biết rõ thực hư thế nào.

Theo đơn trình bày của ông Bùi Văn Tẩn (52 tuổi) với cơ quan chức năng: tàu cá QNg 95861 có công suất 710 CV xuất bến Sa kỳ ngày 21/11 đi khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa. 

Đến chiều ngày 26/11 tàu đang neo đậu tại tọa độ 9o21’506’ N – 115o27’790’E để thả ca nô đi khai hải sản, còn lại trên tàu hai thuyền viên là ông Cu và ông Bảy. Khoảng 18h15 ông Cu phát hiện hai chiếc ghe, trên ghe có 8 người và 2 khẩu súng. 

Một chiếc tiếp cận và ba người có mang theo súng bước lên tàu của ông Cu tấn công và uy hiếp hai thuyền viên trên tàu. Ông Cu hô ông Bảy chạy về trước mũi tàu để chặt dây neo bỏ chạy, nhưng ông Bảy bị bắn liên tiếp 2 phát đạn vào người ngã gục trên boong. Nhóm người này còn bắn liên tiếp nhiều vết đạn lên cabin của tàu cá. Sau khi ông Bảy chết nhóm người này bỏ đi. 

Cũng theo ông Tẩn, sau khi xảy ra sự việc, ông Cu phát tín hiệu gọi anh em đang khai thác hải sản bằng ca nô về tàu để lo sơ cứu cho ông Bảy, nhưng ông Bảy đã chết ngay sau đó. 

Sau đó, tàu QNg 95861 chạy về đảo Đá Nam (Trường Sa) báo cáo sự việc, rồi di chuyển vào bờ. Hiện nay, tàu cá còn giữ 4 vỏ viên đạn làm bằng chứng. Những thông tin trên ông Tẩn nắm được qua liên lạc bằng hệ thống icom với anh em trên tàu QNg 95861. 

Ông Phùng Bá Vương, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: ngày 30/11 UBND xã nhận được đơn của ông Trương Đình Huynh báo cáo nội dung sự việc ông Trương Đình Bảy bị bắn chết và đang trên đường về cảng Sa Kỳ.

Hiện nay, Công an xã đang phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng tiếp tục điều tra xác minh và làm rõ nội dung vụ việc khi phương tiện vào bờ. - tienphong

Sunday, November 29, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 29/11

Tin Thế Giới

1.
COP21: Có hy vọng đạt thỏa thuận --- Toàn cầu đòi thỏa thuận hiệu quả chống biến đổi khí hậu --- Dân Paris khổ sở với chuyện đi lại --- 24 nhà bảo vệ môi trường bị quản thúc tại gia ở Pháp

Gần 150 nhà lãnh đạo toàn cầu nhóm họp tại Paris vào ngày Chủ nhật cho phiên họp quan trọng về khí hậu của LHQ với an ninh được siết chặt.

Hội nghị, được gọi là COP21, sẽ cố đưa ra một thỏa thuận dài hạn để giới hạn lượng khí thải carbon.

Giới quan sát nói rằng các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại thủ đô nước Pháp sẽ làm tăng cơ hội đạt được một thỏa thuận mới.

Khoảng 40.000 người dự kiến sẽ tham gia vào các sự kiện được tổ chức cho đến ngày 11/12/2015.

Việc 147 người đứng đầu các nước và chính phủ nhóm họp kể như qui mô lớn hơn nhiều so với con số 115 nhà lãnh đạo đã đến Copenhagen vào năm 2009, lần cuối cùng thế giới tiến gần tới sự nhất trí cho một thỏa thuận dài hạn về biến đổi khí hậu.

Trong khi nhiều nhà lãnh đạo bao gồm cả Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình luôn có mặt để tham dự hội nghị này, các cuộc tấn công bạo lực gần đây ở Paris đã khuyến khích những nhà lãnh khác đến đây trong một biểu hiện của tình đoàn kết với nhân dân Pháp.

Không giống như ở Copenhagen, nhà tổ chức tại Pháp đã để các nhà lãnh đạo gặp nhau ngay khi khai mạc hội nghị thay vì chờ đợi cho họ đi vào lúc kết thúc, một chiến thuật có thể xem là sự thất bại lớn tại thủ đô của Đan Mạch.

Một vấn đề quan trọng là những sẽ gì tạo thành một thỏa thuận. Chẳng hạn Hoa Kỳ sẽ không cam kết vào một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý mà sẽ có rất ít hy vọng có thể thông qua được tại Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế.

Nhiều nước đang phát triển không đồng ý về cơ bản. Liên hiệp châu Âu cũng vậy.

Và trong số nhiều vấn đề khác gây tranh cãi, thì tiền gần như chắc chắn là chủ đề.

Trong khi các nước giàu và các nước khác hứa sẽ cấp 100 tỉ USD vào năm 2020 cho các nước đang phát triển từ năm 2009, quá trình giải ngân bị chậm. Ngay lúc này không có thoả thuận về những gì xảy ra sau năm 2020.

Trong khi có không khí chung của sự lạc quan và sẵn sàng để tiến tới một thỏa thuận, không ai dám chắc hội nghị sẽ thành công vào lần này.

Nhiều người tin rằng một quốc gia như Ấn Độ, với gần 300 triệu người không có điện, sẽ từ chối cam kết ký một thỏa thuận hạn chế mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. - BBC

***
Một ngày trước lễ khai mạc Thượng đỉnh khí hậu thiên niên kỷ COP21 tại Paris, dân chúng ở nhiều thủ đô trên địa cầu tổ chức những cuộc tuần hành khổng lồ. Cuộc "trường chinh" bước sang ngày thứ ba gây áp lực đòi 150 nhà lãnh đạo thế giới đạt thỏa thuận cao vọng về khí hậu, hầu tránh cho trái đất nạn diệt vong.

Từ hôm 27/11/2015, hàng chục ngàn cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp thế giới để đòi hỏi những biện pháp mạnh chống gia tăng nhiệt độ khí quyển và gây áp lực với đại diện của 195 quốc gia thương lượng tại Le Bourget, phiá bắc Paris. Thượng đỉnh COP21 trong vòng gần hai tuần kể từ ngày 30/11 được xem là cơ may cuối cùng.

Theo AFP, do vị trí địa lý, cuộc tuần hành đầu tiên trong ngày Chủ nhật 29/11/2015 huy động 45.000 người ở Sydney, hàng ngàn người đội mưa xuống đường ở Seoul. Phong trào vận động tiếp nối tại New Delhi, rồi Luân Đôn cho đến New York, Rio de Janeiro, Mexico ở châu Mỹ.

Tại Sydney, người biểu tình mang biểu ngữ kêu gọi tinh thần trách nhiệm của giới chính trị: Đoàn kết thế giới, Không có kế hoạch B, Phải tấn công vào nguồn cội….

Một thành viên của tổ chức chống nạn đói Oxfam nhận định : những người ít gây ô nhiễm nhất lại là nạn nhân đầu tiên lãnh hậu quả của hiệu ứng nhà kính. Hàng loạt quốc đảo trong vùng Thái Bình Dương có nguy cơ bị nước biển xóa tên.

Được xem là hội nghị về khí hậu có tầm mức quyết định, COP21 khai mạc vào ngày 30/11/2015 trong sự bảo vệ an ninh triệt để, hai tuần lễ sau loạt khủng bố sát hại 130 người tại Paris.

Nếu hội nghị COP21 không thông qua được một thỏa thuận cụ thể ngăn chận nhiệt độ khí quyển tăng hơn 2°C từ nay đến năm 2100 thì trái đất, con người và sinh vật sẽ trả giá đắt. Các hiện tượng đã và đang xảy ra như băng tan làm nước biển dâng cao, sinh vật hủy diệt, bão tố, hạn hán ngày càng thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. - RFI

***
Dân Paris chưa kịp trấn tỉnh với các vụ khủng bố giờ phải vò đầu bức tóc suy nghĩ phải di chuyển như thế nào trong hai ngày (Chủ Nhật 29 và thứ Hai 30/11/2015) và nhất là đi làm kể từ đầu tuần. Chính phủ Pháp liên tiếp cảnh báo những khó khăn trong việc đi lại do các biện pháp an ninh đề ra nhân lễ khai mạc Thượng đỉnh về khí hậu COP21 tại Le Bourget, phía bắc Paris. 

Không sử dụng xe hơi cá nhân, tránh sử dụng phương tiện công cộng, lấy ngày nghỉ ở nhà… Đó là những chỉ thị trái chiều do chính phủ Pháp đưa ra, gây phiền phức cho cuộc sống của người dân Paris và những vùng phụ cận. Nguyên nhân là do những "biện pháp đặc biệt được đề ra để đảm bảo an ninh cho lãnh đạo các nước tham gia Thượng đỉnh" như giải thích của chính quyền Paris.

Cụ thể trong hai ngày này, nhiều trục đường cao tốc ở phía bắc (A1, A6 và xa lộ ngoại vi) nối liền trung tâm thủ đô với Le Bourget sẽ bị cấm lưu thông ở cả hai chiều để "dành đường cho xe của các phái đoàn" tham gia Thượng đỉnh. Để tiện bề cho việc đi lại của người dân, giao thông công cộng trong hai ngày 29 và 30/11/2015 là miễn phí. Chính quyền ước tính biện pháp này tốn mất 8 triệu euro.

Tuy nhiên, do e sợ "phương tiện công cộng bị quá tải", chính quyền Pháp cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, kêu gọi các doanh nghiệp có sự "linh hoạt" như khuyến khích người lao động lấy ngày nghỉ, hay làm việc tại nhà.

Vùng Ile-de-France (bao gồm Paris và các vùng ngoại ô lân cận) có hơn năm triệu người lao động. Phân nửa trong số họ đến sở làm bằng xe hơi riêng, số còn lại bằng phương tiện công cộng, tùy theo khoảng cách địa lý giữa nơi ở và sở làm.

Ngay tại thủ đô Paris và những khu ngoại ô sát với thủ đô, việc sử dụng phương tiện công cộng khá phổ biến. Hai phần ba người lao động đến sở làm bằng xe buýt, tàu điện hay tàu điện ngầm. Còn ở những vùng ngoại ô xa xôi, 3/5 người lao động sử dụng xe ô-tô cá nhân. Bên cạnh đó, hơn nửa triệu lao động sử dụng tàu nối giữa các ngoại ô với nhau.

Theo thống kê, trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu), hệ thống tàu điện ngầm Paris mỗi ngày chở 4,8 triệu lượt người, 3 triệu rưỡi vào ngày thứ Bảy và hơn 2 triệu ngày Chủ Nhật.

Công ty quản lý giao thông công cộng Paris (RATP) sẽ tăng cường thêm 10% các tuyến tàu điện nội ô, nhưng lo ngại hệ thống vận tải này bị bão hòa. Trong khi đó, từ sau vụ khủng bố 13/11, lượng hành khách sử dụng tàu điện đã giảm 10%. Ngược lại, các tuyến đường bộ hầu như sáng nào cũng bị tắc nghẽn dài hàng trăm cây số. Cho đến lúc này, phần đông người sử dụng các phương tiện công cộng vẫn chưa thật sự có ý định thay đổi thói quen của mình. - RFI

***
Tại Pháp, 24 nhà đấu tranh bảo vệ sinh thái bị xem là có xu hướng biểu tình bạo động nhân Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP21 đã bị quản thúc tại gia. Biện pháp trói buộc và phản tự do này được quyết định trong khuôn khổ "tình trạng khẩn cấp" được ban hành sau loạt khủng bố 13/11, đã bị giới hoạt động xã hội chỉ trích mạnh.

Các hiệp hội dân sự tại Pháp không thụ động, họ động viên lực lượng qua các hình thức khác như "nối vòng tay lớn". Đảng Xanh -Sinh Thái Châu Âu , qua Tổng thư ký Emmanuelle Cosse đã trực diện đối đầu với chính phủ Pháp. Bà tuyên bố là "dù cho nước Pháp được đặt trong tình trạng khẩn cấp thì các quyền tự do của công dân vẫn phải được tôn trọng". 

Thông điệp này đã được trực tiếp chuyển đến Tổng thống François Hollande nhân cuộc tiếp xúc giữa chủ nhân tại Điện Elysée với đại diện các tổ chức bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu ngày thứ bảy 28/11.

Tổng giám đốc tổ chức Green Peace của Pháp, ông Jean François Julliard, đã cam đoan với Tổng thống Pháp là tất cả 24 người bị quản thúc này đều là những nhà hoạt động ôn hòa. Không có lý do gì họ bị cấm ra khỏi nhà trong 15 ngày hội nghị COP21.

Theo nguồn tin từ các hiệp hội này thì Tổng thống Pháp tỏ ra rất thông cảm và cho biết ông sẽ theo dõi, không để tình trạng này xảy ra nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng bộ Nội vụ Bernard Cazeneuve không thay đổi quyết định. Người đứng đầu an ninh của Pháp cho rằng trong những cuộc biểu tình trước đây, 24 nhà hoạt động này đã từng "có hành động bạo lực". Thêm vào đó, họ đã khẳng định là "sẽ không tôn trọng tình trạng khẩn cấp".

Cũng trong khuôn khổ "tình trạng khẩn cấp", cảnh sát Pháp cũng cấm biểu tình lớn trên đường phố. Do vậy, tuy Paris đón tiếp hội nghị khí hậu nhưng giới bảo vệ môi trường không thể xuống đường như ở các nước khác.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động Pháp không bó tay. Không "đi" thì họ "đứng" qua chiến dịch "Nối vòng tay lớn" chiếm đóng đường phố . Trong khi đó, một tổ chức có tên là Avaaz đưa ra sáng kiến có một không hai: chính phủ cấm "người đi biểu tình" nhưng không cấm "giầy biểu tình". Sáng hôm nay, tại quảng trường Cộng hòa, hàng ngàn đôi giày đã được bày ra trong đó có những chiếc giày bố trắng, quà tặng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho phong trào chống biến đổi khí hậu. 

Chưa hết, để đường phố có thể vang dậy khấu hiệu, mỗi tối trong tuần, đúng 20 giờ, và cuối tuần lúc 12 giờ, sẽ có "tiếng loa vang". Dân chúng thủ đô được mời sử dụng điện thoại cá nhân, nhạc cụ và nồi niêu xon chảo, tham gia giúp các nhà lãnh đạo chính trị thế giới "tỉnh thức". - RFI
|
|

2.
Thổ Nhĩ Kỳ trao trả thi thể phi công Nga

Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay đưa trả thi thể của phi công thiệt mạng khi nhảy dù ra khỏi chiếc chiến đấu cơ và bị các lực lượng người Kurd bắn chết hồi tuần trước.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng thi thể của phi công này được đưa về Thổ Nhĩ Kỳ chiều tối thứ Bảy, và được làm những nghi thức theo truyền thống của Chính thống giáo.

Các lực lượng của Nga và Syria cứu được phi công thứ hai của chiếc máy bay bị bắn rơi, trong khi đó một binh sĩ Nga thiệt mạng trong nỗ lực giải cứu này.

Chiếc chiến đấu cơ rơi xuống khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở miền bắc Syria hôm thứ Ba. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không đồng ý với nhau về đường bay của chiếc chiến đấu cơ. Ankara nói chiếc máy bay đã xâm phạm không phận của họ, còn Nga quả quyết chiếc máy bay chưa bao giờ vượt ra khỏi không phận Syria.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh chế tài kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh này cấm một số sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ bán vào thị trường Nga, không cho phép gia hạn hợp đồng cho người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc ở Nga và gây ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn ở Nga.

Sắc lệnh cũng ngưng các chuyến bay thuê bao từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu các công ty du lịch Nga ngưng bán các tour du lịch có chặng dừng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó trong ngày thứ Bảy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng bày tỏ hối tiếc về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Ông nói nước ông “thực sự đau buồn” vì sự kiện này và ước gì chuyện này đã không xảy ra.'

Nói chuyện với những người ủng hộ tại tỉnh Balikesir, ông Erdogan bày tỏ hy vọng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vụ này này không leo thang thêm và dẫn đến những hậu quả tai hại. Và ông cũng hy vọng những chuyện như thế này sẽ không xảy ra nữa.

Ông Erdogan cũng lập lại đề nghị gặp mặt trực tiếp với ông Putin vào thứ Hai tới đây bên lề hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Paris. Ông Putin chưa đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong ngày thứ Bảy, Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo dân chúng hoãn những chuyến đi không cấp bách tới Nga. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói lệnh cảnh báo du hành được đưa ra vì “những khó khăn,” mà họ không nói rõ là gì, mà du khách và cư dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga đang gặp phải.

Ông Putin nói việc bắn hạ chiếc máy bay là một hành động phản bội của một nước mà Nga lầm tưởng là một nước bạn. Ông cũng nói Hoa Kỳ biết được đường bay của chiếc chiến đấu cơ và đáng lẽ phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO của Mỹ.

Vụ tranh chấp này đe dọa tới mối quan hệ giữa hai nước vốn đã ở hai phía đối nghịch nhau trong cuộc nội chiến Syria. - VOA
|
|

3.
Đức Giáo Hoàng thăm Cộng hoà Trung Phi

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi người dân Cộng hòa Trung Phi đoàn kết và đừng để khác biệt tôn giáo chia rẽ họ, khi ngài đến thăm đất nước bị cuộc xung đột giữa người Kitô giáo và các phần tử chủ chiến Hồi giáo xâu xé mấy năm qua.

Trong một phát biểu tại dinh tổng thống ở Bangui hôm nay, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài hy vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ cho phép đất nước "bước vào một chương mới an bình trong lịch sử."

Tổng thống Catherine Samba-Panza của Cộng hòa Trung Phi hôm thứ Bảy nói rằng công chúng nước bà xem Đức Giáo Hoàng như một thông điệp hòa bình.

"Nhiều người Trung Phi hy vọng rằng thông điệp Ngài mang đến sẽ tạo nguồn cảm hứng cho một phong trào chuyển biến và nhận thức trên cả nước rằng người dân Trung Phi học cách chấp nhận nhau, học các chung sống với nhau, và học cách hướng đến hòa bình và xây dựng đất nước," bà Samba-Panza nói.

Cộng hòa Trung Phi đã chìm ngập trong bạo động gần 3 năm qua, kể từ khi nhóm nổi dậy Seleka do người Hồi giáo chiếm đa số, lật đổ Tổng thống Francois Bozize hồi tháng 3 năm 2013. Những vụ giết chóc do nhóm Seleka gây ra đã châm ngòi cho cuộc nổi lên của nhóm dân quân có đa số là người Kitô giáo chống Balaka.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô theo trù liệu sẽ gặp gỡ với Tổng thống Samba-Panza. Chính phủ lâm thời của bà Samba-Panza sẽ hết nhiệm quyền vào tháng Giêng sắp tới.  Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đến thăm một trại tị nạn và dâng một thánh lễ.

Hôm thứ Bảy, đông đảo người đón chào Đức Giáo Hoàng ở Uganda khi Ngài dâng thánh lễ ngoài trời tại một đền thờ để vinh danh 45 thánh tử đạo bị một vị vua thiêu sống trong những năm 1800 vì không chịu từ bỏ đức tin.

Đức Giáo Hoàng khuyến khích người dân Uganda tôn kính sự hy sinh của các thánh tử đạo đó bằng cách chăm sóc cho người lớn tuổi, người nghèo và những người bị bỏ rơi.

Đức Giáo Hoàng nói: “Di sản này không phải chỉ được tôn kính bằng những buổi tưởng niệm hay được tôn vinh trong một viện bảo tàng như một viên ngọc quý. Nhưng chúng ta vinh danh các thánh tử đạo và các vị thánh, khi chúng ta làm chứng về Chúa Jesus ngay tại nhà và trong khu xóm của chúng ta, tại ngay nơi làm việc của chúng ta và tại các xã hội dân sự, dù chúng ta không bao giờ rời khỏi nhà hay chúng ta đi đến tận cùng trái đất.”

Sau Thánh lễ, Ngài đến một phi trường đã ngưng sử dụng tại Kampala và được 150.000 người trẻ chào đón nồng nhiệt. Tại đây Ngài nghe phát biểu của một cô gái trẻ sinh ra dương tính với HIV sau trở thành một nhà hoạt động, và một người đàn ông bị Đội quân Kháng chiến của Thượng đế bắt cóc và trốn thoát được và sau đó lấy được một bằng đại học. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các người trẻ là đức tin có thể giúp họ vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hoa Kỳ chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu điện thoại

Chính phủ liên bang Mỹ sẽ chấm dứt việc thu thập rộng rãi các dữ liệu điện thoại của hàng triệu người Mỹ vào nửa đêm ngày thứ Bảy.

Động thái này được đưa ra tiếp sau những tranh cãi phát sinh bởi việc Edward Snowden, một cựu nhân viên khế ước của chính phủ, tiết lộ chương trình bí mật này.

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA chịu trách nhiệm về chương trình thu thập rộng rãi các dữ liệu điện thoại trong một tuyên bố ngày thứ Sáu cho biết đang thay thế việc này bằng những phương pháp theo dõi các mục tiêu chặt chẽ hơn.

NSA sẽ chấm dứt chương trình này vào lúc 11:59 PM giờ miền đông Hoa Kỳ ngày thứ Bảy và sẽ có một hệ thống mới thay thế.

Sau đó theo Đạo luật Tự do USA, nếu chính phủ muốn thu thập các dữ liệu điện thoại, chính phủ sẽ phải yêu cầu các công ty điện thoại liên hệ kiểm tra dữ liệu của mình. Chính phủ Hoa Kỳ căn cứ yêu cầu nhắm vào một cá nhân rõ rệt, một tài khoản, địa chỉ hay máy móc theo một phương cách giới hạn việc tìm những thông tin một cách hợp lý.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia nói tiến trình mới cho phép  Hoa Kỳ có thể nhận ra được những thông tin liên lạc giữa các phần tử khủng bố nước ngoài và các cá nhân tại Mỹ trong khi củng cố việc bảo vệ quyền riêng tư của tất cả công dân Mỹ. Trong một tuyên bố Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ nói “những đe dọa khủng bố hay quyền riêng tư đều không bị  coi nhẹ.”

Theo chương trình thu thập dữ liệu điện thoại rộng rãi đang hết hạn, chính phủ thu thập tin tức về những cú gọi điện thoại, trong đó có thời lượng và những số điện thoại liên hệ, nhưng nội dung của các cuộc điện đàm không bị theo dõi, thu âm hay thu thập.

Tổng thống Barack Obama vào tháng Giêng năm nay nói rằng việc thu thập dữ liệu rộng rãi sẽ chấm dứt. Vào tháng 6, quốc hội chính thức bãi bỏ chương trình, nhưng cho phép thời hạn chuyển tiếp 6 tháng chấm dứt vào ngày thứ Bảy này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Một ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa

Ngày 29-11, ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) - cho biết tàu cá của ông Bùi Văn Cu, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, đang trên đường về đất liền sau khi xảy ra trường hợp một thuyền viên của tàu bị bắn chết ở Trường Sa.

Theo lời ông Hùng, vào ngày 28-11, trong lúc tàu cá của ông Cu đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị một tàu lạ áp sát. Một nhóm gồm 5 người trên tàu lạ nhảy sang tàu của ông Cu và dùng súng bắn chết thuyền viên Trương Đình Bảy (42 tuổi; ngụ thôn An Hải, xã Bình Châu).

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các ngư dân đã thông báo với các cơ quan chức năng và đang trên đường trở về đất liền. “Các ngư dân trên tàu vẫn còn lưu giữ 4 vỏ đạn của nhóm người trên tàu lạ sau khi tấn công các ngư dân” - ông Hùng cho biết. - nguoilaodong
|
|

6.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN: những dấu hỏi (TS. Vũ Cao Phan, Nhà nghiên cứu, Đại học Bình Dương)

Đúng một tuần trước, ngày 22/11/2015, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại thủ đô của Malaysia đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur 2015, chính thức thành lập “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC), có hiệu lực thực thi từ ngày 31/12 cùng năm.

Đó là một tin tốt lành. Người viết bài này dành nhiều quan tâm tới hai vấn đề là thứ nhất cộng đồng này sẽ được điều hành như thế nào và thứ hai trong 'ba trụ cột' được tuyên bố của cộng đồng này gồm 'Cộng đồng Kinh tế', 'Cộng đồng Văn hóa- Xã hội' và 'Cộng đồng Chính trị-An ninh', thì 'bộ mặt' của cộng đồng chính trị an ninh sẽ thực sự ra sao?

Trước hết là câu hỏi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được điều hành thế nào?

Tin tức báo chí cho biết, hàng chục văn kiện “ăn theo” đã được ký kết, nhưng chưa thấy nêu tên một văn kiện nào đề cập công việc tổ chức và điều hành của Cộng đồng. Chắc phải cần đến thời gian.

AEC có giấc mộng bước theo mô hình EEC (Cộng đồng Kinh tế Châu Âu) trong khi Cộng đồng này có các cơ quan mang tính lập pháp và hành pháp của mình là Hội đồng và Ủy ban.

“Cơ cấu mẹ” của AEC là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ có Ban Thư ký/Tổng Thư ký với chức năng điều phối, chắc chắn sẽ không thích hợp với cấu trúc AEC.

Dù cơ cấu tổ chức như thế nào, AEC vẫn cần có những quốc gia giữ vai trò chủ đạo.

Ở EEC, vai trò ấy được cậy vào hai quốc gia là Pháp và Đức. Một cộng đồng kinh tế nhỏ hơn là khối Mercosur gồm những nền kinh tế phát triển nhất Nam Mỹ (Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay với Venezuela là quan sát viên) cũng thấy nổi bật Brasil trong các quyết sách chiến lược.

Điều làm nên vai trò lãnh đạo, dẫn dắt là các quốc gia này tạo dựng được uy tín từ nền kinh tế hùng cường, xã hội ổn định với tư duy chính trị theo cùng thời đại và tất nhiên, có dân số nổi bật trong khối và cũng là những quốc gia sẵn sàng giữ vai trò.

Bó đũa chọn cột cờ?

Theo những tiêu chí đó thì hiện nay trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN nổi lên Indonesia. Quốc gia này có một dân số vượt trội (gấp hai lần rưỡi các quốc gia có lượng dân số lớn kế tiếp là Philippines và Việt Nam), một nền kinh tế lớn nhất (tính theo tổng sản phẩm quốc dân) nhưng sự sẵn sàng thì có vẻ chưa.

Trong thời tổng thống tiền nhiệm, nhiều nhà lãnh đạo Indonesia- nhất là các tướng lãnh quân đội - đã không ít lần đề cập vai trò này.

Và trên thực tế, Indonesia đã đôi lần thể hiện có hiệu quả. Năm 2012, Hội nghị cấp cao ASEAN đã không ra được tuyên bố chung do quan điểm khác biệt của nước chủ nhà.

Khi ấy, ngoại trưởng Indonesia đã lần lượt đến từng quốc gia vận động, thuyết phục để cuối cùng ASEAN ra được một tuyên bố dù tuyên bố ấy nằm ngoài hội nghị.

Tuy nhiên, ở đời Tổng thống đang tại nhiệm, Indonesia dường như chưa sẵn sàng.

Trong khi một AEC đã cận kề, Tổng thống Jokowi vẫn đặt mọi quan tâm vào chính sách đối nội.

Và trong khi Biển Đông đang dậy sóng, ông đầu tư tâm trí quốc gia vào một trục hàng hải với Indonesia làm trung tâm nhưng chưa cho thấy nó sẽ được hoạt động như thế nào cũng như địa lý hải hành của trục này ra sao.

Tổng Biên tập tờ The Jakarta Post, M. Suryodiningrat, mới đây nhận xét: 'Indonesia quá lớn để không thể bị bỏ qua, nhưng liệu đã đủ lớn để có vai trò trên trường quốc tế?'

Thật vậy, dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia chưa phải là một nước công nghiệp hóa với nền kinh tế tri thức đang còn manh nha, khó một mình phất cờ chỉ đạo.

Về mặt này Singapore hoàn toàn vượt trội. Singapore còn có một nền chính trị vững vàng, ổn định và là đầu tàu về nhiều phương diện trong tư cách là nước phát triển duy nhât ở khu vực. Đất nước này chỉ quá nhỏ về mặt dân số và diện tích .

Còn Việt Nam? Ít lâu nay trong ASEAN không phải không có những tiếng nói đề cập đến vai trò dẫn dắt của quốc gia này. Trong chính sách ngoại giao khu vực, Việt Nam tích cực tìm tiếng nói chung với phong cách khá uyển chuyển, hiệu quả. Một điều hiếm là Việt Nam đã lập quan hệ đối tác chiến lược và thậm chí ở trên mức này với hai phần ba các nước trong khu vực.

Với các nước còn lại – Myanmar, Malaysia , Brunei, Việt Nam giữ được mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau. Việt Nam còn là quốc gia có tính đại diện trong nhiều địa hạt: nhóm quốc gia Đông Nam Á lục địa, nhóm quốc gia gia nhập ASEAN tương đối muộn với trình độ phát triển thấp (giống như nhóm Visegrad với đại diện Ba Lan trong EU) và cũng là một trong những quốc gia sở hữu con sông lớn nhất Đông Nam Á- sông MeKong- với cả lợi ích lẫn rủi ro….

Nếu Indonesia, Singapore và Việt Nam cùng nhận thức được vai trò và vị trí của mình và tích cực tham chiếu lẫn nhau, họ hoàn toàn có thể trở thành một nhóm quốc gia hạt nhân có sứ mạng lãnh đạo Cộng đồng kinh tế này.

Ba trụ cột thế nào?

Vấn đề thứ hai chưa có gì nhiều để bàn nhưng rất đáng chú ý. Trong loạt văn kiện kèm theo Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 có “ Kế hoạch tổng thể về ba trụ cột của AEC: Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa- Xã hội và Cộng đồng Chính trị-An ninh”.

Chưa biết nội dung kế hoạch tổng thể về ba trụ cột này ra sao, nhưng việc coi “chính trị”(cùng với an ninh) như một trụ cột của Cộng đồng là rất đáng quan tâm.

Nhất là khi thiết kế ban đầu của trụ cột này chỉ đề cập đến “an ninh” nhưng cuối cùng đã được thống nhất như vậy.

Các quốc gia trong AEC hầu như mỗi nước sở hữu một chế độ chính trị: tổng thống, tổng thống“ trộn” đại nghị, đại nghị, quân chủ, quân chủ lập hiến, và cộng sản.

Chưa nói ở một số quốc gia , quân đội đôi khi giải thích dân chủ theo cách của mình, và có quyền tham chính, đảo chính tùy muốn.

Đưa được yếu tố “cộng đồng chính trị” vào ngôi nhà chung của mình chắc chắn đã phải vượt qua nhiều thảo luận, tranh luận là một cố gắng đáng trân trọng của tất cả các quốc gia trong AEC

Vậy bộ mặt của “Cộng đồng Chính trị - An ninh” sẽ như thế nào?

Câu trả lời xin dành cho tương lai nhưng ngay lúc này đã có thể nhìn thấy mục đích dân chủ và ổn định qua việc quyết tâm hình thành Cộng đồng này, ngay từ trong đa dạng thể chế của nó. - BBC

Saturday, November 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 28/11

Tin Thế Giới

1.
Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo dân chúng hoãn tới Nga

Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay khuyến cáo dân chúng hoãn những chuyến đi không cấp bách tới Nga, trong diễn tiến mới nhất của vụ xích mích ngoại giao vì việc bắn rơi máy bay Nga.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói lệnh cảnh báo du hành được đưa ra vì “những khó khăn”, mà họ không nói rõ là gì, mà du khách và cư dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga đang đối mặt.

Nga đã có phản ứng giận dữ sau khi chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của họ gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, nơi Moscow đang tiến hành một chiến dịch quân sự.

Vụ tranh chấp này đe dọa tới mối quan hệ giữa hai nước vốn đã ở hai phía đối nghịch nhau trong cuộc nội chiến Syria, và làm tăng những mối lo ngại về một vụ xung đột quốc tế rộng lớn hơn.

Moscow đã loan báo một loạt các biện pháp trả đũa chống Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hạn chế sự đi lại của du khách, tạm ngưng những cuộc tiếp xúc quân sự và áp dụng thêm những biện pháp kiểm tra đối với lương thực nhập khẩu.

Hôm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tố cáo Nga “đùa với lửa” qua việc tấn công những nhóm chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad “dưới chiêu bài” chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo và tấn công những chiếc xe tải hoạt động ở Syria cho mục tiêu thương mại và nhân đạo.

Mặc dầu vậy, ông Erdogan cũng cho biết ông muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ hai tới đây bên lề hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Paris. - VOA
|
|

2.
Biển Hoa Đông: Không quân Trung Quốc thị uy, phi cơ Nhật nghênh chiến

Nhật Bản hôm 27/11/2015 đã cho các phi cơ tiêm kích cất cánh khẩn cấp sau khi một phi đội gồm 11 chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát các đảo trên Biển Hoa Đông, mà Bắc Kinh nói là diễn tập.

Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, gồm tám oanh tạc cơ và ba phi cơ trinh sát, hôm qua đã lướt gần Miyako và Okinawa tuy chưa xâm phạm không phận Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Nhật, một số chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay vào giữa hai hòn đảo này, số khác bay sát các đảo kế cận.

Ông Thân Tiến Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên không quân Trung Quốc tuyên bố nhiều loại máy bay, trong đó có oanh tạc cơ H-6K, hôm qua đã tham gia hoạt động được gọi là "diễn tập" trên bầu trời phía tây Thái Bình Dương. Tân Hoa Xã dẫn lời ông này nói rằng, các cuộc tập trận ngoài khơi giúp cải thiện khả năng chiến đấu tầm xa của phi cơ Trung Quốc.

Nhật báo Yomiuri Shimbun nhận định, điều bất thường là Trung Quốc lại điều cả một phi đội đông đảo như vậy bay sát không phận Nhật Bản, và Bộ Quốc phòng Nhật đang phân tích để tìm hiểu mục đích của Bắc Kinh.

Nhật Bản hàng năm phải cho các phi cơ tiêm kích cất cánh khẩn cấp hàng trăm lần để bảo vệ không phận của mình trước Trung Quốc và cả với Nga.

Sự cố này diễn ra tại Biển Hoa Đông trong lúc tình hình vẫn đang nóng lên ở Biển Đông, sau khi Hoa Kỳ cho chiến hạm USS Lassen đi vào trong vùng 12 hải lý gần đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. Trung Quốc tự cho là có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ luôn bác bỏ các yêu sách đó. Để tìm cách xác quyết chủ quyền, từ một năm qua Trung Quốc đã ồ ạt đào đắp các rạn san hô thành đảo nhân tạo, xây lên hải cảng, phi đạo và nhiều công trình kiên cố.

Trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng, Trung Quốc đang chuẩn bị cải tổ quân đội với việc tăng cường sự kiểm soát của đảng, giảm bớt 300.000 quân. Ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Châu Âu nhận định:

"Đây không phải là việc giảm quân số quy mô nhất trong lịch sử đương đại. Tuy nhiên nó còn đi xa hơn so với tất cả những gì chúng ta biết được từ trước đến nay, đó là việc tổ chức lại trong nội bộ quân đội.

Số lượng các quân khu sẽ giảm, từ bảy còn bốn quân khu: Bắc, Nam, Đông, Tây. Có hai mục tiêu, trong đó mục tiêu chính là hiện đại hóa quân đội. Điều này không có gì mới, từ ba chục năm qua Trung Quốc đã tích lũy được nhiều nguồn lực, ngân sách, có được sự ủng hộ về chính trị trong việc hiện đại hóa đội quân của mình.

Thử thách lớn thứ hai của cải cách là có được những cơ quan kiểm toán, giám sát, kiểm soát chi tiêu, đấu tranh chống tham nhũng - mà ai cũng biết là quy mô lớn như thế nào trong quân đội.

Vấn đề an ninh là ưu tiên tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, hồ sơ Đài Loan luôn đè nặng lên chính sách đối ngoại của Trung Quốc, rồi sự cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ…tất cả đều đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Và hiện đại hóa thì cần phải chi tiêu, mua sắm, cải tổ cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn." - RFI
|
|

3.
Bắc Triều Tiên thất bại trong việc bắn thử hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm

Bắc Triều Tiên hôm nay 28/11/2015 có thể đã bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo từ một tàu ngầm ở Biển Nhật Bản, nhưng đã thất bại. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết như trên.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc được Yonhap dẫn lời nói rằng hỏa tiễn KN-11 đã được bắn đi trong khoảng 5 giờ 20 đến 5 giờ 40 GMT hôm nay. Quan chức giấu tên này khẳng định: "Vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng dường như đã thất bại. Hỏa tiễn không thấy bay xuyên lên không gian, mà chỉ thấy những mảnh vụn". Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về vụ này với AFP.

Nếu việc bắn thử tên lửa được xác nhận, thì đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng cho bắn hỏa tiễn đạn đạo kể từ tháng Năm cho đến nay. Vào thời điểm đó, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát hoạt động được Bình Nhưỡng nói là bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm.

Tuy tên lửa bắn đi hôm nay chỉ bay lên khỏi mặt nước khoảng 100-150 mét, nhưng theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vì việc phóng hỏa tiễn vào thời điểm này "rất nghiêm trọng và đáng ngại".

Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên sử dụng mọi công nghệ liên quan đến đạn đạo. Bình Nhưỡng vốn đang triển khai chương trình quân sự, khẳng định đã hoàn chỉnh được các tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng còn phải mất nhiều năm nữa, Bắc Triều Tiên mới có thể phóng được các hỏa tiễn liên lục địa (ICBM). - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Kẻ nổ súng tại phòng mạch Planned Parenthood ở Colorado bị bắt; 3 người chết

Một cảnh sát viên và hai thường dân bị thiệt mạng hôm thứ sáu trong vụ bắn nhau kéo dài 5 giờ đồng hồ với một tay súng tại phòng mạch của Planned Parenthood ở thành phố Colorado Springs của tiểu bang Colorado.

Cảnh sát cho biết họ đã bắt được tay súng tên Robert Lewis Dear, 57 tuổi, và đang tìm cách để bảo đảm là hung thủ này không để lại chất nổ trong khu vực.

Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết đôi bên đã bắn nhau rất nhiều mà không có nói gì với nhau cho tới khi “cảnh sát có thể hô to với người đó và buộc y đầu hàng” bên trong toà nhà.

Cảnh sát viên thiệt mạng được xác nhận là ông Garrett Swasey, 44 tuổi, thuộc lực lượng cảnh sát bảo vệ Đại học Colorado Springs.

Hai thường dân cũng thiệt mạng trong lúc được cứu chữa. 9 người khác vẫn còn được điều trị tại bệnh viện.

Giới hữu trách cho biết họ chưa xác định động cơ của vụ nổ súng.

Planned Parenthood là tổ chức có tranh cãi vì một số cơ sở của tổ chức này thực hiện những vụ phá thai, tuy phần lớn hoạt động của họ là cung cấp những dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, kiểm tra HIV và những chứng bệnh hoa liễu, và tư vấn về những vấn đề sức khoẻ tổng quát. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam sẽ tập trận chung với Nga lần đầu tiên vào năm 2016

Một trong những đơn vị vũ trang hỗn hợp của quân khu phía Đông của quân đội Nga sẽ tham gia tập trận chung với Việt Nam ngay trên lãnh thổ Việt Nam vào năm tới, người đứng đầu bộ phận báo chí của quân khu phía Đông của Nga cho biết hôm thứ Năm.

“Đây là kế hoạch điều động một trong các đơn vị vũ trang hỗn hợp đang đóng quân ở khu vực Amur”, Đại tá Alexander Gordeev cho biết.

Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa đưa ra thông tin liên quan đến cuộc tập trận này.

Quân khu phía Đông là một trong bốn tư lệnh chiến lược hoạt động của Các lực lượng Vũ trang Nga. Quân khu được thành lập theo Sắc lệnh của Tổng thống ký hồi tháng 9/2010.

Nga hiện đang thực hiện chương trình tái vũ trang với chi phí $325 tỷ USD để hiện đại hóa 70% quân đội vào năm 2020. - VOA
|
|

6.
Khách 'bị ngăn đến đám hỏi Thanh Nghiên'

Đám hỏi của nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã diễn ra ‘gần như trọn vẹn’ ở Hải Phòng dù một số khách mời ở Hà Nội bị an ninh ngăn không cho đi dự.

Bà Phạm Thanh Nghiên, 38 tuổi, từng bị án tù giam bốn năm vì tội tuyên truyền chống nhà nước, mãn hạn tháng 9/2012.
Bà kết duyên với ông Huỳnh Anh Tú, cựu tù chính trị mãn án 14 năm tù năm 2013.

Hôm 28/11, trả lời phỏng vấn của BBC, Phạm Thanh Nghiên nói: “‘Đám hỏi của tôi diễn ra gần như trọn vẹn, dù một số khách mời như luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội… không đến được vì an ninh ngăn cản.”

Bà nói thêm là dù công an giao thông, mật vụ, an ninh… canh gác các ngả đường dẫn vào nhà bà nhưng ‘không có việc gì xảy ra ngoài ý muốn'.

“Tôi và anh Tú đến với nhau, ngoài chuyện cùng chung lý tưởng còn là tôn trọng nhân cách của nhau," bà nói.

Những ‘kỷ lục’ buồn

Trước đó, bà Nghiên viết trên Facebook: “Nếu chính quyền ngăn chặn cả đoàn xe của chú rể thì tôi sẽ lập một số kỷ lục sau:

Người đầu tiên tọa kháng chống Tàu ngay trong nhà mình mà bị bắt và kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế

Một trong những người tù nhân lương tâm bị triệu tập nhiều nhất trong thời gian quản chế: khoảng 40 lần.

Mẹ tôi qua đời năm 2014 nhưng khi mang tro cốt xuống nghĩa trang thì chính quyền địa phương ra lệnh "không được chôn vì liên quan đến chính trị".

"Cảm ơn vì đã lập kỷ lục cho tôi, những ‘kỷ lục’ không ai muốn lập và không một xứ tử tế nào muốn có.”

Hôm 24/11, ông Tú chia sẻ một status dành cho vợ: “Dù quen biết em chỉ hơn một năm, nhưng ít nhiều anh cũng cảm nhận được bao thăng trầm sóng gió mà em đã gánh chịu suốt mấy mươi năm trời. Tuy là thế, nhưng em luôn giữ được thái độ lạc quan yêu đời, luôn quan tâm và lo lắng đến mọi người. Với anh, em chính là món quà thiêng liêng mà Chúa đã ban tặng cho anh. Anh hứa sẽ trân trọng và gìn giữ món quà này bằng cả trái tim của mình.”

Hôm 27/11, luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những khách mời không đến được, gửi lời cáo lỗi và cho biết thêm trên Facebook: “Hai sĩ quan an ninh, một của bộ, một của sở mời tôi đi uống cà phê để vận động tôi không đi đám hỏi ở Hải Phòng. Tôi hỏi họ lý do tại sao? Thì họ trả lời do có đông người tới dự nên tình hình nhạy cảm và phức tạp."

"Tôi nói với họ đám cưới nào cũng đông người cả, đám hỏi chị Nghiên chắc chỉ vài chục người là cùng. Tôi nói tiếp với họ: Các anh ngăn chặn tôi thế này vừa vi phạm Hiến pháp, pháp luật vừa đi ngược lại truyền thống đạo đức của người Việt Nam."

"Họ im lặng chấp nhận là những người chà đạp hiến pháp và vi phạm đạo đức.”

Trong cuộc phỏng vấn trước đây với BBC, Phạm Thanh Nghiên nói bản án đối với bà là ‘bất công’ và nói thêm: "Tôi hoàn toàn vô tội. Những gì tôi nói hoàn toàn xuất phát từ sự thật và những gì tôi làm xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm."

Sau khi ra tù, bà vẫn tiếp tục các hoạt động như chiến dịch Nhân quyền 2015, Công dân tự do, Cà phê nhân quyền, Chúng tôi muốn biết...

Bà được tổ chức Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman/Hammett năm 2009. - BBC

Friday, November 27, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 27/11

Tin Thế Giới

1.
Pháp tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia cho các nạn nhân khủng bố Paris --- Tổng thống Nga hứa hợp tác với Pháp chống lại IS

Tại sân điện Invalides nổi tiếng ở Paris, Tổng thống François Hollande chủ trì một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân những vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Pháp ngày 13/11/2015.

Trong số 2.600 người tham dự buổi lễ, có thân nhân của 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương trong loạt khủng bố ở Paris, các đại diện cho toàn bộ chính giới, lực lượng an ninh và lực lượng cứu hộ.

Buổi lễ đã bắt đầu với bài quốc ca Pháp, tiếp đến là một ca khúc nổi tiếng của cố ca sĩ, nhạc sĩ người Bỉ Jacques Brel "Quand on n’a que l’amour". Sau đó là bài hát "Perlimpipin" của cố nữ ca sĩ, nhạc sĩ Pháp Barbara, một bài hát mang nội dung chống bạo lực. Sau hai bài hát đó, trên màn ảnh lớn, hình ảnh các nạn nhân lần lượt được chiếu lên và tên tuổi của từng người quá cố được đọc lên trong bầu không khí im lặng, trang nghiêm. Đa số các nạn nhân chưa tới 35 tuổi.

Trong bài phát biểu sau đó, Tổng thống Hollande nói: "Thứ sáu 13/11, cái ngày mà chúng ta sẽ không bao giờ quên, nước Pháp đã bị tấn công vào trong lòng một cách hèn hạ. Trong một hành động chiến tranh được tổ chức từ xa và được tiến hành một cách lạnh lùng, bọn sát nhân đã giết chết 130 người trong chúng ta và làm hàng trăm người bị thương. Hôm nay, toàn thể quốc dân đồng bào khóc thương cho những nạn nhân, cho 130 cái tên, cho 130 cuộc sống bị đứt đoạn, cho 130 tiếng cười mà chúng ta sẽ không còn nghe nữa, cho 130 tiếng nói vĩnh viễn tắt đi. Chính vì họ là hiện thân của tự do mà họ đã bị thảm sát.

Tôi hứa là nước Pháp sẽ huy động mọi phương tiện để tiêu diệt đội quân những kẻ cuồng tín đã gây ra các tội ác này, nước Pháp sẽ hành động không ngơi nghỉ để bảo vệ cho con em của mình. Tôi cũng hứa là nước Pháp sẽ vẫn trung thành với chính mình, một nước Pháp mà những người quá cố đã yêu mến, một nước Pháp mà chắc là họ muốn sẽ vẫn như vậy".

Ông Hollande cho rằng "bọn sát nhân đã đánh vào lớp trẻ của một dân tộc tự do yêu nền văn hóa của mình". Kết luận bài phát biểu, Tổng thống Hollande nhấn mạnh: "Dù cho nước mắt tuôn rơi, thế hệ này hôm nay đã trở thành gương mặt của nước Pháp". - RFI

***
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhận được lời hứa hợp tác của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống lại các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo. Ông Hollande đã thảo luận với ông Putin tại Moscow chiều ngày hôm qua sau khi mở các cuộc họp tương tự vói các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Anh, Đức và Ý. Thông tín viên Zlatica Hoke tường trình về kế hoạch của tổng thống Pháp kết nối một Liên minh chặt chẽ hơn để chống lại tổ chức khủng bố. Liên minh này đã gặp khó khăn vì những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Tổng thống Pháp nói rõ ràng khủng bố là kẻ thù chung của thế giới văn minh. Ông nói: “Chúng ta biết tổ chức này, có tên là Daesh, Nhà nước Hồi Giáo, tổ chức này có một lãnh thổ, một quân đội, và nhiều nguồn lực, do đó chúng ta phải thành lập Liên minh rộng lớn mà tôi đang đề cập đến, để tấn công các thành phần khủng bố này.”

Tổng thống Nga đã cam kết hợp tác. Nhưng các quyền lợi của Nga tại Syria xung đột với các quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, gây thiệt hại cho những nỗ lực của ông Hollande. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay phản lực của Nga, Ông Putin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ là mua dầu giúp tài trợ cho Nhà nước Hồi Giáo.

Ông Putin nói: “Một số người tiếp tục bỏ túi hàng trăm triệu và hàng tỉ đô la.”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhanh chóng đáp trả: “Ông nên thảo luận những vấn đề này với Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà ông vẫn ủng hộ. Vì Nhà nước Hồi Giáo đang bán dầu cho ông ta và họ có được tiền từ ông ta. Nguồn tài chánh của họ rất rõ ràng.”

Ngày hôm qua, Nga loan báo là lực lượng không quân của họ đã quét sạch những nhóm phiến quân hoạt động dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần nơi chiếc máy bay bị bắn rớt trong tuần này. Vụ oanh kích này có phần chắc làm cho Ankara nổi giận thêm theo như nhận xét của nhà phân tích Peter Eltsov thuộc Trường đại học Quốc phòng.

Ông Peter Eltsov cho biết: “Họ là những nhóm khác nhau chiến đấu chống lại ông Assad và họ cũng là người sắc tộc Turk.”

Ông Eltsov nói bất cứ liên minh nào ông Hollande có thể thành lập sẽ thiếu sự đoàn kết vì các nhà lãnh đạo chính trị phải thỏa hiệp mục đích chung với những quyền lợi riêng của họ.

Ông Peter Eltsov nói: “Thật khó mà nói điều gì là quan trọng hơn đối với họ, kế hoạch địa chính trị của họ, những vấn đề nội bộ của họ, vì rõ ràng là ông Erdogan đang dùng tinh thần dân tộc theo cùng phương cách như ông Putin dùng đối với những vấn đề nội bộ, để được sự ủng hộ trong các cuộc bầu cử, trong tất cả mọi chuyện.”

Ông Eltsov nói thêm vào đó, ông Putin muốn gieo rắc những bất đồng trong các thành viên NATO: “Và đây là chiến lược ông Putin gần đây đã theo đuổi, và đặc biệt sau những cuộc tấn công Paris.”

Trong chuyến viếng thăm Washington của ông Hollande hôm thứ Ba, Tổng thống Barack Obama nói Nga có thể đóng một vai trò xây dựng hơn nếu chuyển trọng tâm các cuộc không kích hướng vào việc đánh bại Nhà nước Hồi Giáo. - VOA
|
|

2.
TT Putin: Mỹ biết đường bay của chiến đấu cơ Nga bị bắn hạ

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Hoa Kỳ biết đường bay của chiếc chiến đấu cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm thứ Ba, và đáng ra phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ.

Tại Moscow hôm nay, Tổng thống Putin nói: "Phía Mỹ, nước cầm đầu liên minh có Thổ Nhĩ Kỳ tham gia, biết được về địa điểm và thời gian các phi vụ của máy bay chúng tôi, và máy bay của chúng tôi bị bắn chính xác tại địa điểm đó, vào thời gian đó. Tại sao chúng tôi lại loan báo những thông tin này cho phía Mỹ, để rồi họ không chuyển tiếp thông tin đến cho liên minh của họ."

Hoa Kỳ có một thỏa thuận với Nga để tránh những vụ va chạm máy bay trên không phận Syria, nơi cả hai đều thực hiện các chiến dịch không kích.

Thổ Nhĩ Kỳ nói họ phát đi cảnh cáo nhiều lần đến máy bay của Nga rằng chiếc máy bay đã xâm phạm không phận trước khi bắn hạ.

Trong khi đó, cuộc khẩu chiến giữa Moscow và Ankara vẫn tiếp tục. Tổng thống Putin nói việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga là một hành động phản bội của một nước mà Nga lầm tưởng là một nước bạn, "nếu không thì chúng tôi đã thiết lập một hệ thống phòng thủ cho máy bay của chúng tôi."

Hôm thứ Tư Nga loan báo sẽ đưa hệ thống phi đạn S-400 đến tỉnh Latakia của Syria sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Putin nói "không thể có chuyện" Thổ Nhĩ Kỳ không biết đó là máy bay của Nga, như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ám chỉ trên đài truyền hình Pháp.

"Nếu đó là một máy bay của Mỹ, liệu họ có nhắm bắn vào máy bay Mỹ không?" ông Putin nói. "Thay vào đó, điều mà chúng tôi nghe thấy là họ không có gì phải xin lỗi."

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình CNN hôm thứ Năm, Tổng thống Erdogan nói rằng nước ông sẽ không xin lỗi về việc bắn rơi máy bay Nga.

"Tôi nghĩ nếu có một bên cần phải xin lỗi, thì đó không phải là bên chúng tôi," ông Erdogan nói. "Những ai vi phạm không phận của chúng tôi chính là bên cần phải xin lỗi."

Dầu hỏa của Nhà nước Hồi giáo

Ông Erdogan phủ nhận cáo buộc của Nga rằng Ankara mua dầu khí của Nhà nước Hồi giáo. Ông nói cuộc chiến của nước ông chống các phần tử thánh chiến Hồi giáo là "không thể tranh cãi." Ông yêu cầu bất cứ ai cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của nhóm chủ chiến này đưa ra bằng chứng cho những cáo buộc đó.

Tổng thống Erdogan nói "Quan điểm chống Nhà nước Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ là rõ ràng ngay từ đầu. Không có bất cứ một nghi vấn nào ở đây. Không ai có quyền tranh cãi về cuộc chiến của đất nước chúng tôi chống Nhà nước Hồi giáo hay có quyền cáo buộc chúng tôi."

Ông Erdogan cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có những biện pháp thận trọng để ngăn chặn tình trạng buôn lậu dầu hỏa qua biên giới của nước ông. Đó là nguồn thu tài chánh chủ yếu của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Nhưng ông Putin nói rằng những hàng xe bồn được phát hiện chở dầu hỏa từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ và quay trở lại với xe không. "Chúng tôi thấy hoạt động này diễn ra hàng ngày," ông Putin nói, và bình luận thêm rằng khó có thể tưởng tượng được là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại không biết chuyện đó.

Nga cắt đường dây nóng

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm loan báo đình chỉ mọi "kênh giao tiếp" với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một đường dây nóng được thiết lập để tránh va chạm trên không phận Syria.

Trước đó trong ngày thứ Năm, Nga loan báo sẽ tăng các biện pháp kiểm soát thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu vào thị trường Nga.

Một người phát ngôn của Điện Kremlin bác bỏ tin nói Nga cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nói rằng các biện pháp hạn chế mới được áp dụng "vì những lý do khác nhau," trong đó có lý do "đe dọa khủng bố."

Sau khi lệnh mới được ban hành, truyền thông Nga loan tin xe tải chở hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ kẹt nối đuôi nhau tại cửa khẩu.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng Moscow sẽ xem xét việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ và bỏ các dự án đầu tư trong vài ngày tới. Ông chỉ thị cho chính phủ của ông soạn thảo các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày tới để đáp lại vụ Ankara bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, được ông gọi là một "hành động khiêu chiến" với nước ông.

Thổ Nhĩ Kỳ công bố ghi âm cảnh báo

Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố băng ghi âm mà Thổ Nhĩ Kỳ nói là những lời cảnh báo đã được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát đi nhiều lần đến phi công Nga trước khi bắn hạ chiếc máy bay.

Ghi âm được phổ biến cho hãng thông tấn AP hôm thứ Năm, cho thấy máy bay của Nga bị cảnh cáo nhiều lần hôm thứ Ba rằng chiếc máy bay đang tiến vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và được yêu cầu phải đổi hướng.

Trong phần ghi âm, người ta nghe thấy một giọng bằng tiếng Anh không thông thạo, nói rằng: "Đây là Không quân kiểm soát không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Qúy vị đang bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Hãy đổi hướng bay về hướng nam ngay lập tức."                                                                                             

Phần lớn còn lại của đoạn ghi âm là những tạp âm khó có thể nghe rõ hết nội dung, nhưng giọng cảnh cáo tăng mạnh lên khi các cảnh cáo dường như không được chú ý đến.

Đoạn ghi âm được công bố chỉ có những cảnh cáo từ phía Thổ Nhĩ Kỳ mà không có hồi đáp của phi công Nga. Không rõ liệu có nhận được phần trả lời từ phía Nga nhưng không được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố, hoặc liệu các phi công Nga không hồi đáp hoặc không nhận được cảnh báo. - VOA
|
|

3.
Nhật chào đón phái viên dân chủ Myanmar

Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Fumio Kishida đón chào ông Nyan Win, đặc phái viên từ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) và nói ông hy vọng bà Aung San Suu Kyi sẽ sớm thăm Nhật.

Đón ông Nyan Win, phát ngôn viên của NLD và là nhân vật thân cận với bà Suu Kyi tại Tokyo hôm 27/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật cam kết nước ông sẽ tiếp tục ủng hộ quá tr̀nh chuyển giao quyền lực tại Myanmar.

Đảng NLD đã thắng vang dội trong cuộc bỏ phiếu lịch sử 8/11 vừa qua và có thừa số phiếu để làm chủ Nghị viện và lập tân chính phủ.

Đảng của phe quân nhân Myanmar chỉ được chưa tới 50 phiếu nhưng có 25% ghế nghị sỹ được trao cho họ theo một quy định trong hiến pháp.

Tuần trước, ông Yohei Sasakawa, đặc phái viên của chính phủ Nhật Bản chuyên theo dõi hòa giải dân tộc ở Myanmar đã gặp các lãnh đạo NLD và trao cho bà Aung San Suu Kyi thư của Thủ tướng Shinzo Abe mời bà sang thăm Nhật.

Quyền lực mềm của Nhật

Dù theo Hoa Kỳ để áp đặt lệnh cấm vận kinh tế với chính quyền quân nhân Myanmar, Nhật Bản vẫn duy trì một mạng lưới quan hệ rộng rãi ở quốc gia Đông Nam Á.

Ngay sau khi chính quyền quân nhân chuyển sang dân sự, Tokyo xóa ngay ba tỷ USD tiền nợ của Myanmar.

Theo hai tác giả Purnendra Jain và Tridivesh Singh Maini trong một bài viết trên trang The Diplomat tháng 4/2015, cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đều muốn có chỗ đứng ở Myanmar nhưng 'quyền lực mềm' của Tokyo có bề dày hơn cả.

Từng là nhà cấp viện cho Myanmar trong thập niên 1950, Nhật Bản nay quay trở lại đầu tư, với tiền thấy hơn Trung Quốc một chút.

Theo một phóng viên BBC tiếng Miến Điện tại London bình luận về chuyến thăm Nhật một tuần của ông Nyan Win, bà Aung San Suu Kyi "có tình cảm riêng với Nhật Bản".

Cha của bà, tướng Aung San, đã tìm đến người Nhật để nhận trợ giúp cho cuộc chiến giành độc lập từ tay thực dân Anh.

Chiến thắng vang dội của đối lập dân chủ Myanmar bắt đầu có tác động thay đổi cục diện quốc tế trong vùng Đông Nam Á.

Các quốc gia trong vùng, gồm cả Trung Quốc, bắt đầu chuẩn bị cho việc nhìn nhận một phong trào dân chủ rộng khắp và ủng hộ các giá trị phổ quát, lên nắm quyền ở quốc gia còn nghèo khó nhưng có nhiều tiềm năng phát triển.

Dự kiến tân chính phủ do NLD kiểm soát sẽ chỉ lên cầm quyền vào mùa xuân 2016.

Phe quân nhân Myanmar đã chấp nhận thất bại bầu cử. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Chính quyền Obama cảnh cáo các tiểu bang rằng từ chối người tị nạn Syria là phạm luật

Chính quyền liên bang Hoa Kỳ cảnh báo các giới chức tiểu bang rằng họ không có thẩm quyền luật pháp để từ chối nhận người tị nạn Syria.

Thông cáo ghi trong công văn do giám đốc Văn phòng Tái định cư Người tị nạn (OPR) ký hôm thứ Tư, gởi cho các cơ quan tái định cư của các tiểu bang.

Giám đốc chương trình, ông Robert Carsey, nói rằng các tiểu bang không được quyền khước từ các phúc lợi và dịch vụ do OPR tài trợ căn cứ vào quốc gia xuất phát hoặc liên hệ tôn giáo của người tị nạn.

Tiểu bang nào không chấp hành là phạm luật và "có thể bị xử lý theo luật," ông Carey cảnh cáo trong công văn.

Nội dung của công văn này được tờ Houston Chronicle đăng tải.

Hơn 20 thống đốc, đa số theo Ðảng Cộng hòa, hứa sẽ kiên quyết ngăn chặn chương trình của liên bang tái định cư người tị nạn Syria tại các tiểu bang của họ, với tranh luận rằng những người tị nạn này đề ra một rủi ro an ninh không thể chấp nhận được.

Những lo sợ càng tăng thêm tiếp theo sau tin nói ít nhất một trong những nghi can tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11 đã trà trộn vào dòng người tị nạn Syria để vào châu Âu.

Tổng thống Barack Obama, một đảng viên Dân chủ, dự trù tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tới.

Con số này tăng cao đáng kể so với con số 2.000 người tị nạn Syria được Mỹ tiếp nhận từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra cho đến nay, nhưng vẫn là một tỉ lệ không đáng kể so với con số hàng triệu người phải trốn chạy khỏi đất nước đang bị chiến tranh xé nát này.

Tuần trước, các đại biểu Quốc hội do Ðảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua một dự luật tăng thêm những giới hạn đối với người tị nạn đến từ Iraq và Syria. Tương lai của dự luật này tại Thượng viện hiện chưa rõ. Tổng thống Obama hứa sẽ phủ quyết dự luật đó. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam tái khẳng định không tham gia liên minh chống các nước khác

Phát biểu tại Viện Koerber, một trung tâm nghiên cứu của Đức hôm 26/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tái khẳng định, “Việt Nam sẽ không bao giờ gia nhập một liên minh để tấn công các nước khác, nhưng sẽ quyết liệt bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình”.

Báo chí Việt Nam hôm nay dẫn lời ông Trương Tấn Sang tuyên bố như vậy trong chuyến công du chính thức tới thăm nước Đức từ ngày 24/11 tới 26/11, theo lời mời của vị tương nhiệm, Tổng Thống Đức Joachim Gauck.

Trọng tâm của bài diễn văn của ông Trương Tấn Sang xoay quanh vấn đề an ninh tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trích lời ông Sang nói rằng “Hòa bình và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực, đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử”.

Ông Sang nói hai nước chia sẻ những quan ngại về những diễn biến phức tạp hồi gần đây trong Biển Đông, mà theo lời ông đang ‘đe doạ hoà bình, ổn định và an ninh khu vực, cũng như an toàn hàng hải và hàng không’.

Ông nói khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cần có ‘một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện, hữu hiệu, được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau”.

Về phía Đức, Tổng Thống Joachim Gauck nói ông và nhà lãnh đạo Việt Nam đã hội đàm về tình hình căng thẳng trong Biển Đông, trong cuộc đàm đạo, ông Sang bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ đạt đồng thuận về một nguyên tắc hầu giải quyết tình hình.

Theo báo Tuổi Trẻ, Tổng Thống Đức nói ông hiểu các quan điểm của Hà nội về các vấn đề Biển Đông, và cộng đồng Âu Châu đã chia sẻ các quan điểm chung với Việt Nam và với khối ASEAN về vấn đề này.

Tổng Thống Đức ghi nhận có tới 130,000 người Việt đang sinh sống trong hoà bình ở Đức, và hội nhập tốt đẹp vào xã hội Đức.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam tới Đức từ khi nước này tái thống nhất vào năm 1990. Mục đích của chuyến đi là để đánh dấu kỷ niệm 40 năm quan hệ bang giao song phương. - VOA
|
|

6.
Việt Nam thông qua luật bỏ án tử hình dành cho 7 tội danh

Các bản án tử hình đã tuyên với các giới chức tham nhũng ở Việt Nam giờ sẽ được ân giảm thành tù chung thân, nếu họ trả lại ít nhất 75% số tiền bất hợp pháp đã tước đoạt.

Hãng tin AP hôm nay dẫn tin của VnExpress nói rằng quy định mới nằm trong khuôn khổ Bộ Luật Hình sự được sửa đổi đã thông qua với đa số áp đảo tại quốc hội Việt Nam trong ngày hôm nay.

Theo điều khoản tu chính sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Việt Nam huỷ bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh gồm có: đầu hàng địch, chống đối mệnh lệnh, phá hoại các công trình có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia, cướp tài sản, sở hữu và vận chuyển trái phép ma tuý, sản xuất và buôn hàng giả, kể cả lương thực.

Bộ Luật Hình sự được tu chính cũng sẽ bỏ án tử hình đối với các tử tội từ 75 tuổi trở lên.

Theo AP, một số nhà lập pháp đã bày tỏ những ý kiến chống đối đề nghị sửa đổi luật hình sự trong các cuộc tranh cãi tại quốc hội vào tháng 6, họ cho rằng bỏ án tử hình sẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn được báo chí nhà nước trích lời nói rằng làm như vậy sẽ tạo ra một lỗ hổng pháp lý để các giới chức tham nhũng dùng tiền đã cướp đoạt để chuộc mạng.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và một số nước Tây Phương trước đó đã hối thúc Việt Nam huỷ bỏ án tử hình. - VOA
|
|

7.
Việt Nam kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tự chế

Việt Nam kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hãy tự kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng sau khi Ankara bắn hạ một máy bay chiến đấu Nga trong tuần này.

Báo chí Việt Nam hôm nay tường thuật rằng tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 26/11, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình kêu gọi hai nước giữ bình tĩnh và không nên có hành động nào có thể làm căng thẳng leo thang hơn nữa.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Sukhoi của Nga, ông Lê Hải Bình nói:

“Chúng tôi cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế, không có các hành động làm leo thang căng thẳng tình hình, xử lý vụ việc trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Chiếc Su-24 của Nga bị các chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, rơi xuống khu vực gần biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11. Một trong hai phi công Nga bị quân nổi dậy bắn chết trong lúc đang nhảy dù. Sự cố này đã đẩy hai nước trước đây từng có quan hệ hữu hảo vào thế đối đầu, giữa lúc Nga đang tăng cường các biện pháp đáp trả, chủ yếu là biện pháp trừng phạt kinh tế. - VOA

Thursday, November 26, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 26/11

HAPPY THANKSGIVING TO ALL

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc phản đối Mỹ và Nhật tập trận ở biển Đông

Chính quyền Bắc Kinh hôm 26/11 đã phản đối một kế hoạch tiếp tục tập trận chung giữa Tokyo và Washington tại biển Đông.

“Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan tiếp tục góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) thay vì "giương oai diễu võ", gây căng thẳng và thúc đẩy quân sự hóa vùng biển này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Ông Hồng đã trả lời như vậy sau khi được hỏi về thỏa thuận đạt được hôm 24/11 tại Hawaii giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tướng Nakatani và đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ về việc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập ở vùng biển tranh chấp.

Thỏa thuận trên được ký vài tuần sau khi Hoa Kỳ triển khai một tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông, khiến Bắc Kinh tức giận.

Trong cuộc gặp với ông Nakatani, ông Harris tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động này. Trong khi đó, hôm 26/11, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói việc làm đó của Washington “đe dọa nghiêm trọng tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

Hồi tháng 10, Nhật Bản đã tiến hành cuộc diễn tập chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở phía nam Biển Đông.

Hôm 24/11, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka, chỉ huy Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản, nói rằng Nhật Bản sẵn sàng triển khai tàu chiến tới biển Đông để giám sát các hoạt động lấn biển của Trung Quốc.

Bốn ngày trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Tokyo sẽ xem xét triển khai lực lượng tự vệ đến Biển Đông trong khi xem xét ảnh hưởng của tình hình tại đó đối với an ninh của Nhật Bản.

Ông Abe được trích lời nói trong cuộc gặp với Tổng thống Obama bên lề diễn đàn hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Manila: "Tôi phản đối tất cả những nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng và gây leo thang căng thẳng”. - VOA
|
|

2.
Ðức Giáo Hoàng kêu gọi đối thoại liên tôn là thiết yếu để tránh bạo động

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu tại hội nghị của các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Kitô giáo ở thủ đô của Kenya rằng họ phải đối thoại với nhau để ngăn tránh cực đoan hóa và những hành vi bạo động nhân danh Thượng đế.

Phát biểu tại hội nghị liên tôn được tổ chức tại phái bộ ngoại giao Vatican ở Nairobi, Đức Giáo Hoàng nói rằng đối thoại liên tôn là "thiết yếu", chứ không phải chỉ là một lựa chọn hay một sự xa xỉ. Ngài nhắc đến nhiều vụ tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan hồi gần đây ở Kenya, trong đó có vụ tấn công tại Đại học Garissa hồi tháng 4 ở miền đông bắc, làm 150 người thiệt mạng, và vụ tấn công năm 2013 tại thương xá Westgate ở Nairobi làm 67 người thiệt mạng.

Nhóm hiếu chiến Al-Shabab nhận đã thực hiện những vụ tấn công đó. Nhóm này phản đối việc chính phủ Kenya phái quân đội sang nước láng giềng Somalia để giúp chống nhóm cực đoan này.

Thứ Sáu, nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã sẽ đi thăm người nghèo ở khu ổ chuột Kangemi ở Nairobi và gặp gỡ với giới trẻ tại sân vận động Kasaranni.

Trong các chặng dừng tiếp sau đó, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm một đền thờ các thánh tử đạo Công giáo ở Uganda, một đền thờ Hồi giáo và một trại tị nạn ở Cộng hòa Trung Phi. Nối lại những rạn nứt giữa Hồi giáo và Kitô giáo là một chủ đề của chuyến thăm Phi châu đầu tiên của Đức Giáo Hoàng.

Trong chuyến công du này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được trông đợi sẽ nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trước đó, ngài đã nói rằng những người nghèo khó, thiếu thốn điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng hơn từ những thay đổi bất thường của khí hậu. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ mừng Lễ Tạ ơn với tiệc tùng và mua sắm

Người Mỹ hôm nay mừng Lễ Tạ ơn với những hoạt động truyền thống như sum họp gia đình, tiệc tùng và đi mua sắm hàng giá hạ.

Lễ Tạ ơn theo truyền thống ở Mỹ được mừng vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư của tháng 11, và cũng để đánh dấu khởi đầu của mùa lễ hội với đỉnh điểm là ngày Tết Dương lịch.

Ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn là ngày các cửa hàng bán giảm giá quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng... và dân chúng bắt đầu đi mua sắm cho mùa lễ.

Ngày bán hàng giảm giá thường được gọi là "Thứ Sáu Đen" bắt đầu từ Lễ Tạ ơn, hoặc thậm chí vài ngày trước đó và thường kết thúc bằng ngày thứ Hai sau đó, thường gọi là "Thứ Hai Cyber" là ngày các sản phẩm liên quan đến máy vi tính được bán giá hạ trên mạng. Theo Hiệp hội bán lẻ toàn quốc, khoảng 68 triệu dân Mỹ nói họ dự trù đi mua sắm trong dịp cuối tuần của Lễ Tạ ơn.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Barack Obama đã thực hiện nghi thức truyền thống "phóng sanh gà tây" để một đôi gà tây được chọn lựa đặc biệt cho Tòa Bạch Ốc mừng lễ sẽ không bị đưa lên bàn ăn tối của Lễ Tạ ơn. Đôi gà tây "Honest" và "Abe" sau đó được đưa về công viên gà tây để đón chào công chúng đến xem.

Tổng thống Obama cũng nói đến lãnh vực cần quan tâm khác. Ông trấn an rằng vào thời điểm cần cảnh giác cao về an ninh, không có mối đe dọa khủng bố nào mà công chúng phải lo ngại trong lúc lo việc du hành và mừng lễ truyền thống. Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama nói rằng "có thể hiểu được" lo âu của dân Mỹ về khả năng xảy ra tấn công khủng bố, nhưng chính phủ không nhận được thông tin về bất cứ mối đe dọa "cụ thể và đáng chú ý nào". - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
VN bỏ 'phiếu trắng' cho dự thảo nhân quyền

Thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc cho biết, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng cho dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những người bảo vệ nhân quyền.

Ngày thứ Tư 25/11, sau phiên họp "căng thẳng", Ủy Ban số 3 của Liên Hiệp Quốc đã thông qua dự thảo Nghị quyết lần cuối về những người bảo vệ Nhân quyền.

Thông cáo từ Liên Hiệp Quốc cho biết phiên họp đã diễn ra với "thảo luận căng thẳng hàng loạt vấn đề", Ủy ban chuyên trách các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa đã thông qua dự thảo nghị quyết về những người bảo vệ nhân quyền, sẽ trình lên Đại Hội Đồng vào Tháng 12.

Đại diện từ Na Uy là người giới thiệu nội dung văn bản dự thảo trong cuộc họp. Nước này cho biết trong các phiên họp trước, 'Đại Hội Đồng đã thể hiện mối quan tâm khẩn cấp đối với những cuộc tấn công nhắm vào người bảo vệ nhân quyền'.

Bản dự thảo mạnh mẽ lên án bạo lực và đe dọa chống lại người bảo vệ nhân quyền. Với văn bản này, Đại Hội Đồng sẽ 'mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia kiềm chế các hành vi đe dọa hay trả đũa chống lại những người bảo vệ nhân quyền'. Văn bản này cũng 'nhấn mạnh vai trò của mọi tập đoàn doanh nghiệp tôn trọng quyền của những nhà bảo vệ nhân quyền'.

"Thiếu rõ ràng"?

Trong phiên họp, đã có 117 quốc gia bỏ phiếu thuận, 14 nước bỏ phiếu chống và 40 nước bỏ phiếu trắng.

Việt Nam bỏ phiếu trắng với dự thảo nghị quyết này.

Giải thích lý do bỏ phiếu trắng, thông cáo của Liên Hiệp Quốc dẫn lời người đại diện Việt Nam nói đoàn Việt Nam "đã tham vấn đầy đủ các cấp" và "vì lý do nghị quyết thiếu rõ ràng và cân bằng", Việt Nam quyết định bỏ phiếu trắng.

Trung Quốc bỏ phiếu chống vì cho rằng: "Các nước phương Tây đã sử dụng việc bảo vệ người bảo vệ nhân quyền là lý do để can thiệp vào nội bộ các nước đang phát triển".

14 quốc gia bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết gồm Burundi, Kenya, Nga, Syria, Myanmar, Nigeria, Ả Rập Saudi, Zimbawe, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nam Phi, Iran, Pakistan, Sudan.

Trước khi phiên họp ngày 25/11 diễn ra, Tổ chức quốc tế chống tra tấn OMCT và Phong trào nhân quyền thế giới FIDH đã gửi thư thỉnh nguyện đến Liên Hiệp Quốc yêu cầu công nhận vai trò của những nhà đấu tranh nhân quyền và việc bảo vệ họ.

Thư của OMCT viết:"Người bảo vệ nhân quyền thường phải đối mặt với hàng loạt sự xâm phạm và lạm dụng dưới bàn tay của nhà nước và các tổ chức phi nhà nước. Các quốc gia phải công nhận vai trò của người bảo vệ nhân quyền, những nguy cơ đặc thù họ phải đối mặt, và cam kết bảo vệ họ." - BBC
|
|

5.
Tàu chiến Trung Quốc ‘chĩa súng’ vào tàu Việt Nam --- Đài Loan tìm kiếm một vai trò trong vụ tranh chấp Biển Đông

Trung Quốc “điều khoảng 10 người mặc quân phục, dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”, báo chí trong nước dẫn lời các nhân chứng cho biết như vậy.

Lời kể của thuyền trưởng Trần Văn Nga được đăng tải trên truyền thông trong nước hôm 26/11, 13 ngày sau khi vụ việc xảy ra.

Ngoài ra, ông Nguyễn Duy Hiết, giám đốc công ty bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo cũng được dẫn lời xác nhận tàu Hải Đăng 05 của công ty này đã bị “hai tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2305, 35115 và tàu chiến số hiệu 995 của Trung Quốc vây ép tại Trường Sa ngày 13/11”, khi tàu này đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây hiện do Việt Nam kiểm soát.

Theo lời kể của ông Nga, không chỉ vây ép mà tàu chiến của Trung Quốc cũng “bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe dọa, xua đuổi”. Báo chí Việt Nam đã cho đăng hình ảnh cũng như một đoạn video về sự cố trên.

Trong khi đó, ông Hiết cho biết đây không phải là lần đầu tiên tàu của công ty bị tàu của Trung Quốc vây ép như vậy.

Hồi tháng 10 năm nay, theo ông, một tàu khác của công ty cũng đã lâm vào tình huống tương tự khi đi tiếp tế cho công nhân tại các trạm hải đăng ở Trường Sa.

Các tàu của Việt Nam thời gian qua thông báo nhiều vụ bị tàu của Trung Quốc “vây ép, rượt đuổi” ở biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh thực hiện nhiều hành động khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển tranh chấp.

Mới đây, trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam “phải tăng cường quốc phòng, an ninh” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. - VOA

***
Đài Loan là một trong những nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chính phủ ở Đài Bắc lâu nay vẫn bị gạt qua bên lề của vụ tranh chấp sôi nổi này vì bị Trung Quốc che phủ. Giờ đây, trong lúc Philippines thách thức những yêu sách của Bắc Kinh tại tòa án quốc tế ở La Haye, Đài Bắc đang tìm cách khẳng định những yêu sách của mình một cách rõ ràng hơn. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.

Khi còn là một viên sĩ quan trẻ trong lực lượng hải quân của Trung hoa Dân quốc, ông Miêu Vĩnh Khánh đã tham gia một cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và ghé vào đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là Thái Bình).

Vị cựu đô đốc từng giữ chức tư lệnh hải quân Đài Loan thuật lại như sau:

"Hai năm sau khi tôi ra trường vào năm Dân quốc thứ 55 (1966), tôi làm phó hạm trưởng chiến hạm Thái Hòa. Nhiệm vụ của chúng tôi là tu bổ bia chủ quyền trên những hòn đảo mà chúng tôi được cho biết đã bị Philippines phá hoại".

Ông Miêu cho biết không có vụ đụng độ nào xảy ra trong chuyến công tác đó. Nhưng ông nói rằng việc khẳng định những yêu sách chủ quyền của Đài Loan hiện nay vẫn quan trọng y như trước.

"Nước nào cũng phải kiên quyết 100% trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của mình và chúng tôi có rất nhiều bằng chứng lịch sử".

Đảo Ba Bình, phần nổi bật nhất của những yêu sách chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông, giờ đây có một sân bay cùng với các cơ sở quân sự và khí tượng, nhưng những công trình này không phải được xây trên đất đai được bồi đắp, như Trung Quốc đã làm hồi gần đây ở Biển Đông.

Trong lúc Philippines và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi về các yêu sách chủ quyền, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu có thể đến đảo ba Bình trong tháng 12 để tái khẳng định yêu sách của Đài Loan.

Ông William Stanton, cựu giới chức ngoại giao Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết những hành động của Đài Loan sẽ được theo dõi rất kỹ vì họ có những yêu sách giống như Bắc Kinh. Nhưng ông nói thêm rằng so với Trung Quốc, Đài Loan sẵn sàng hơn trong việc tuân hành một phán quyết của tòa án quốc tế.

"Vì Đài Loan muốn tuân thủ luật pháp quốc tế một cách nghiêm chỉnh hơn, họ thường tuân hành các quyết định của Liên Hiệp Quốc mặc dù họ không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc. Nó sẽ đặt Đài Loan vào một vị thế rất khó khăn".

Những yêu sách chủ quyền của Đài Loan cũng là một vấn đề đang được bàn tới trong những cuộc vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng ở đảo quốc này.

Bà Thái Anh Văn, ứng cử viên của phe đối lập, là người đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua. Bà đã đề nghị tiến hành các cuộc đối thoại với những nước có yêu sách chủ quyền, kể cả Trung Quốc. Nhưng hiện nay, mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và kinh tế của Đài Loan là những vấn đề chính, và vấn đề Biển Đông có phần chắc sẽ tiếp tục là một mối quan tâm thứ yếu đối với cử tri Đài Loan. - VOA
|
|

6.
Lãnh đạo Việt Nam phải tuyên thệ ‘trung thành với dân’

Thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và chánh án tòa án nhân dân tối cao Việt Nam phải “tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp” khi nhậm chức.

Đây là một trong các nội quy kỳ họp quốc hội sửa đổi mới được thông qua sáng 24/11 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Theo đó, người tuyên thệ “quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao và phải đứng trước quốc kỳ tuyên thệ với thời gian không quá 3 phút”.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nói thêm với VOA Việt Ngữ về nội quy trên.

“Khi mà quốc hội mới bầu ra các chức danh như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội và chánh án tòa án nhân dân tối cao, thì sẽ có tuyên thệ nhậm chức. Trong hiến pháp thì quy định như thế còn trong cái nội quy kỳ họp của quốc hội thì quy định cụ thể hơn thôi, trình tự, thủ tục phải làm như thế nào. Quy định như thế để thực hiện việc tuyên thệ theo tinh thần của hiến pháp. Các nước họ làm nhiều rồi, như là tổng thống nhậm chức họ làm rồi, còn Việt Nam từ xưa tới nay thì chưa”.

Một số nhà quan sát cho VOA Việt Ngữ biết rằng điều đáng chú ý là “không có đảng trong phần phải tuyên thệ trung thành”.

Hồi tháng Bảy vừa qua, phát biểu tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng quân đội Việt Nam "phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với dân tộc, với hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam..", khác với các tuyên bố trước đó của các nhà lãnh đạo khác, đặt đảng lên đầu.

Nội quy sửa đổi trên được thông qua trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra đại hội đảng lần thứ 12, và tại kỳ họp này, các vị trí chủ chốt trong chính quyền Việt Nam sẽ được xác định.

Hồi đầu năm nay, một tờ báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài bình luận cho rằng 2015 sẽ là năm căng thẳng chính trị ở Việt Nam trong khi chuẩn bị cho Đại hội thứ 12 với việc bầu ban lãnh đạo chóp bu mới, đồng thời nhận định rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới chiếc ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định: “Thủ tướng đương quyền của Việt Nam có lẽ đang nhắm tới vị trí hàng đầu của đảng cầm quyền. Trong nền chính trị chia rẽ ở Việt Nam, ông Dũng, một đại diện của phe thân Mỹ, có lẽ sẽ mạnh mẽ thay đổi chiến lược quốc gia và chính sách ngoại giao của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn với Mỹ”.

Tờ báo cũng cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu sử dụng chiến thuật cách mạng màu cổ lỗ tại Việt Nam nhằm biến Hà Nội “thành một con tốt giống như Philippines để kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc”. - VOA