Tuesday, July 5, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 5/7

Tin Thế Giới

1.
Đánh bom tự sát liên tiếp ở A-rập Xê-út làm bốn người thiệt mạng

Ba vụ đánh bom tự sát ở A-rập Xê-út hôm 4/7 đã giết chết bốn nhân viên bảo vệ và làm năm người khác bị thương khi tháng lễ Ramadan kết thúc. Một vụ nổ xảy ra gần một trong những địa điểm linh thiêng nhất, Nhà thờ Hồi giáo của Đấng Tiên tri tại Medina. Vụ thứ hai ở gần tòa lãnh sự Mỹ tại thành phố Jeddah ven Biển Đỏ, còn vụ thứ ba ở thành phố duyên hải Qatif ở vùng Vịnh, nơi có những người Shiite thiểu số của A-rập Xê-út sinh sống.

Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm ngay, nhưng Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện nhiều cuộc đánh bom và tấn công bằng súng ở A-rập Xê-út trong hai năm qua. Amin Saikal, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu A-rập và Hồi giáo tại Đại học Quốc gia Australia, nói cuộc tấn công ở Medina là thể hiện sự thù ghét đặc biệt theo cách nhìn của người Hồi giáo.

Vào lúc nhà chức trách cố gắng xác định danh tính của những kẻ tấn công, Bộ Nội vụ đã xác định được kẻ đánh bom ở Jeddah là một tài xế người Pakistan sống cùng gia đình ngay trong thành phố.

Hôm 5/7, trên trang Twitter của mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên án các vụ nổ ở A-rập Xê-út. Ông nói 'không còn lằn ranh đỏ nào nữa cho bọn khủng bố vi phạm. Cả người Sunni lẫn Shiite sẽ vẫn là nạn nhân trừ khi chúng ta cùng đoàn kết và đứng với nhau'. - VOA
|
|

2.
Anh: bà Theresa May thắng vòng đầu tiên

Bộ trưởng Nội vụ Anh, và ứng viên sáng giá trong cuộc bầu chọn tân lãnh đạo của Đảng Bảo thủ và thủ tướng mới, bà Theresa May dành được nhiều phiếu bầu nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 05/7 với 165 phiếu ủng hộ của các dân biểu.

Đứng thứ hai là bà Andrea Leadsom, Bộ trưởng Năng lượng, bà nhận được 66 phiếu ủng hộ.

Các vị trí tiếp theo dành cho các ứng viên khác là ông Michael Gove, Bộ trưởng Tư pháp (48 phiếu), Stephen Crabb, Bộ trưởng Lao động, Hưu trí với 34 phiếu.

Người nhận được ít phiếu nhất, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox, được 16 phiếu.

Theo quy định, ứng viên nhận được ít phiếu nhất sẽ bị loại ngay sau vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Ngay sau khi nhận được kết quả dẫn đầu bà Theresa May nói bà "hài lòng" và "cảm ơn các đồng nghiệp" đã tín nhiệm và bầu bà.

Còn ông Liam Fox cho hay ông "thất vọng vì không thể đi tiếp", nhưng ông cũng nói "ông đã không tiếc về việc tham gia cuộc tranh cử".

Trước khi bắt đầu vòng bỏ phiếu hôm thứ Ba, bà Theresa May được ủng hộ từ nhiều dân biểu nhất.

Thế nhưng bà Andrea Leadsom, người giành được hậu thuẫn từ Boris Johnson vào hôm thứ Hai 4/7, và các ông Michael Gove, Stephen Crabb và Liam Fox đều được cho là ít nhiều có hy vọng kế nhiệm ông David Cameron.

Các đảng viên Bảo thủ sẽ chọn từ hai người được nhiều phiếu bầu nhất một người chiến thắng, tên tuổi được công bố ngày 9/9 tới.

330 dân biểu Bảo thủ được bỏ phiếu tới 18:00 BST (02:00 sáng thứ Tư 6/7 giờ Hà Nội), kết quả có khoảng một tiếng sau đó.

Các vòng bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra vào thứ Năm 7/7 và thứ Ba 12/7 tới khi chọn được hai người có số phiếu cao nhất.

Vào thứ Hai 4/7, các ứng viên đã có cơ hội trình bày cương lĩnh hành động của mình để thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ trong một cuộc họp ở Quốc hội.

Quan điểm riêng

Trong cuộc họp này, bà May được nói đã lặp lại quan điểm của bà rằng tình trạng của công dân EU hiện sống ở Anh sẽ là một phần trong quá trình thương thuyết trước khi Anh rút khỏi EU.

Các ông Gove, Fox, bà Leadsom và ông Crabb, đều nói quyền ở lại Anh của công dân EU phải được bảo hộ.

Sau cuộc họp, một dân biểu Bảo thủ lên tiếng phản đối bà Leadsom, cho rằng bà đã quá vụng về trong dàn cảnh xa lánh đảng thiên hữu UKIP.

Tuy nhiên cựu thị trưởng London Boris Johnson nói bà đầy quyết tâm và mô tả bà là "hiền hậu và đáng tin cậy", đồng thời tuyên bố ủng hộ bà.

Cuộc tranh đua vào chức lãnh đạo Bảu thủ nổ ra sau khi Thủ tướng David Cameron quyết định từ nhiệm vì người dân Anh bỏ phiếu rút ra khỏi EU với tỷ lệ 52% phiếu thuận.

Ông thủ tướng từng vận động mạnh cho phe Ở lại, nói rằng cần có "lãnh đạo tươi mới" cho quá trình Anh rút lui khỏi EU.

Ông Boris Johnson, nhân vật đứng đầu của phe Rút lui trong cuộc vận động Brexit, từng được trông đợi sẽ là ứng viên chức thủ lĩnh Bảo thủ.

Tuy nhiên sau khi Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove tuyên bố ứng cử, ông Johnson đã rút.

Bà May và ông Fox là hai người đầu tiên vào phòng phiếu, theo sau là hai ông Crabb và Gove. - BBC
|
|

3.
F-15 của Nhật áp sát phi đội SU-30 của TQ

Trung Quốc phê phán hành động mà nước này gọi là phi cơ Nhật bay áp sát "nguy hiểm" qua khu vực các đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm thứ Hai 4/7 các phi cơ chiến đấu của Nhật đã bật radar định vị hướng vào các chiến đấu cơ của Trung Quốc.

Một quan chức cao cấp của Nhật trước đó xác nhận có việc điều chiến đấu cơ lên nhưng phủ nhận sự việc nguy hiểm.

Cả Nhật và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại một số đảo trong khu vực, trong đó có Senkaku, hay còn gọi là Đảo Điếu Ngư.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói trong một thông cáo ngắn trên trang web chính thức hai máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc gặp phải "hành động khiêu khích" từ hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng Biển Hoa Đông hôm 17/6.

Thông cáo nói máy bay Trung Quốc đang bay tuần tiễu như thường lệ thì họ bị hai máy bay Nhật tiếp cận "khiêu khích" ở tốc độ cao.

Hai chiến đấu cơ Nhật "thậm chí đã đi quá xa đến mức bắt đầu bật radar định vị khai hỏa nhắm vào các máy bay Trung Quốc."

Thông cáo nói phi cơ Trung Quốc đã hành động "kiên quyết", mà không nói rõ chi tiết bằng cách nào, và cho biết các phi cơ Nhật đã triển khai đầu dò nhắm bắn hồng ngoại trước khi bay đi.

Trước khi Trung Quốc ra thông cáo, truyền thông Nhật Bản tường thuật Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản xác nhận có xảy ra vụ bay áp sát nhưng phủ nhận có bên nào đã hành động hung hăng.

Thông tin đối lập được một quan chức không quân Nhật đưa ra, người cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay diễn tập đe dọa về phía máy bay Nhật.

Quan chức quốc phòng cao cấp của Nhật tiết lộ số lượng chuyến bay áp sát gặp máy bay Trung Quốc tăng gần gấp đôi suốt ba tháng qua.

BBC đã liên lạc với Bộ Quốc phòng Nhật để hỏi về cáo buộc của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. - BBC
|
|

4.
Tàu vũ trụ Juno đi vào quỹ đạo của Sao Mộc

Hôm 4/7, mọi người trong phòng điều khiển tàu Juno tại Phòng Thí nghiệm Lực đẩy Phản lực đã vui mừng khi con tàu vũ trụ không người lái hoàn tất việc mở động cơ để đi vào quỹ đạo Sao Mộc và bắt đầu sứ mệnh dài 20 tháng là lập bản đồ về hành tinh khổng lồ này.

Bà Diane Brown thuộc NASA cho biết việc đưa Juno vào quỹ đạo "hơi khó nhưng đã diễn ra hoàn hảo". Các nhà khoa học nói quá trình giảm tốc dài 35 phút của Juno đã diễn ra như dự đoán.

37 quỹ đạo phía trước

Con tàu sẽ bay quanh Sao Mộc 37 lần theo quỹ đạo hình elip để lập bản đồ về bề mặt của hành tinh khổng lồ chứa đầy khí. Do đó, Juno sẽ phải chịu mức độ bức xạ mãnh liệt. Một hộp titan nặng 180 kilogram che chắn các thiết bị của tàu khỏi môi trường khắc mỗi khi tàu lại gần hành tinh.

Những thiết bị đó sẽ thăm dò bên dưới những đám mây dày đặc của Sao Mộc để nghiên cứu bầu không khí hỗn loạn, lực hấp dẫn và từ trường của nó, mạnh hơn từ trường trái đất 20.000 lần.

Tìm kiếm manh mối về nguồn gốc hệ thống mặt trời

Các nhà khoa học nói Sao Mộc có thành phần chủ yếu là hydro và heli, giống như mặt trời, và mức độ oxy và nước trong khí quyển có thể mang lại manh mối về sự hình thành của hành tinh. Ông Richard Thorne thuộc Đại học California, Los Angeles, một trong những nhà khoa học làm việc về sứ mệnh này. giải thích: "Chúng tôi nghĩ rằng những vật chất mà chúng tôi sắp lấy mẫu... về cơ bản có tính nguyên thủy, cho chúng ta biết đôi điều về thuở ban đầu của hệ mặt trời". Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng biết được liệu Sao Mộc có lõi rắn hay không.

Đây là con tàu không người lái thứ hai của Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA bay quanh hành tinh khổng lồ chứa đầy khí. Từ năm 1995 đến 2003, tàu thăm dò Galileo đã nghiên cứu Jupiter và bốn mặt trăng lớn nhất của nó, Europa, Ganymede, Io và Callisto.

JunoCam lo việc ghi video

Không chỉ mang các thiết bị khoa học, con tàu còn có một máy ghi hình có tên JunoCam, máy này đã gửi về các đoạn video về các mặt trăng lớn của Sao Mộc. Sẽ còn nhiều lần ghi hình được thực hiện trong những tháng tới, và tất cả hình ảnh đều sẽ được công bố.

Ông Guy Beutelschies thuộc hãng Hệ thống Vũ trụ Lockheed Martin, là hãng đã chế tạo con tàu, nói: "Con tàu đang hoạt động tốt". Con tàu sẽ bắt đầu gửi về các dữ liệu thu được từ những lần lại gần hành tinh nhất vào ngày 27 tháng 8. Nhà khoa học thuộc dự án Juno Steve Levin cho biết các dữ liệu đó sẽ bắt đầu trả lời "những câu hỏi lớn" về Sao Mộc và hệ mặt trời. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Obama đi vận động tranh cử cùng bà Clinton --- FBI đề nghị không đưa ra cáo buộc trong vụ máy chủ email của bà Clinton

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Bà đã hợp lực cùng ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, vận động tranh cử. Ông nói với một đám đông ở thành phố Charlotte, bang North Carolina, rằng ông muốn giúp bà đắc cử trở thành tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.

Con đường tiến tới ngôi vị tổng thống của ông Obama đã được đánh dấu bằng một chiến dịch tranh cử vất vả khi đọ sức với bà Clinton trong những cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ cách đây tám năm. Tổng thống hôm thứ Ba nói rằng sự chuẩn bị và sức bền của bà Clinton trong chiến dịch năm 2008 buộc ông phải ở trong tư thế chuẩn bị.

Dù hai người họ cạnh tranh khốc liệt để giành được đề cử của Đảng Dân chủ, ông Obama nói ông và bà Clinton cùng chia sẻ một viễn kiến chung cho nước Mỹ và một viễn kiến cho những lý tưởng cần có khi quốc gia tiến về phía trước.

Tổng thống ca ngợi thành tích của bà Clinton khi bà làm bộ trưởng ngoại giao, nói rằng bà đã "xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ" trong tư cách nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ. Ông cũng ca ngợi sự vận động lâu năm của bà đối với vấn đề chăm sóc y tế giá phải chăng và việc bà đấu tranh cho những chính sách trợ giúp những gia đình Mỹ.

Với thành tích dài phục vụ trong chính phủ của bà, Tổng thống Obama nói: "Chưa từng có người đàn ông hay người phụ nữ nào hội đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ này hơn là Hillary Clinton."

Về phần mình, bà Clinton tán dương thành tích của ông Obama trong vai trò tổng thống trong một bài diễn văn trước một đám đông người ủng hộ nhiệt thành ở bang North Carolina. Bà nói cả hai người đều nhất trí rằng những ngày tốt đẹp nhất của nước Mỹ đang ở phía trước.

Bà cũng nói về những ưu tiên chính sách của mình, như bảo đảm rằng những công ty Phố Wall giàu có trả đúng phần thuế của mình, trừng phạt những công ty đưa công ăn việc làm ra nước ngoài, tưởng thưởng những công ty chia sẻ lợi nhuận với người lao động Mỹ, và giảm bớt hoặc xóa bỏ những khoản nợ lớn mà nhiều sinh viên Mỹ phải gánh trong quá trình học đại học. - VOA

***
Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết họ đề nghị không đưa ra cáo buộc hình sự nhắm vào bà Hillary Clinton về việc bà sử dụng một máy chủ email riêng tư khi còn là ngoại trưởng Mỹ. Loan báo này đã dỡ bỏ một rào cản chính trị và pháp lý quan trọng cho ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ.

Nhưng Giám đốc FBI James Comey hôm thứ Ba mạnh mẽ chỉ trích bà Clinton, người từng là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước từ năm 2009 đến năm 2013, và những đồng nghiệp của bà tại Bộ Ngoại giao về điều mà ông gọi là việc xử lý "cực kỳ bất cẩn" những tài liệu bảo mật mà họ gửi cho nhau thông qua một máy chủ email riêng tư mà bà ta đặt trong tư gia của mình ở bang New York.

Nhưng ông Comey cho biết những nhà điều tra FBI, trong một cuộc điều tra rộng lớn về hàng ngàn email của bà Clinton, đã không thể tìm thấy bằng chứng cho thấy bà ta "rõ ràng, cố tình" tìm cách vi phạm luật pháp của Mỹ và rằng "không có công tố viên hữu lý nào sẽ truy tố một vụ việc như vậy" nhắm vào bà dựa trên những bằng chứng được tìm thấy suốt nhiều tuần điều tra.

Cuộc điều tra của FBI về việc bà Clinton sử dụng máy chủ email riêng tư của mình, thay vì máy chủ của chính phủ với những biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ, đã đưa tới cuộc thẩm vấn kéo dài ba tiếng rưỡi đồng hồ hôm thứ Bảy tuần trước giữa bà với những điều tra viên và công tố viên chính phủ tại trụ sở FBI ở Washington.

Tuyên bố của ông Comey được đưa ra một tuần sau một cuộc gặp gỡ gây tranh cãi chính trị lớn giữa chồng bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, và quan chức chấp pháp hàng đầu của đất nước, Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch, trên đường băng sân bay ở thành phố Phoenix, bang Arizona. Cả ông Bill Clinton và bà Lynch đều cho biết họ trò chuyện nửa tiếng đồng hồ nhưng không nói về vụ email, và sau đó bày tỏ sự hối tiếc về cuộc gặp gỡ này. Bà Lynch là người giám sát cuộc điều tra email và có thẩm quyền pháp lý đối với FBI.

Sau loan báo của ông Comey, người phát ngôn của bà Hillary Clinton cho biết ban vận động tranh cử của bà hài lòng với đề nghị không truy tố của FBI. Phát ngôn viên Brian Fallon nói ban vận động "hài lòng rằng những viên chức chuyên nghiệp giám sát cuộc điều tra" đã xác định rằng không cần phải có thêm hành động nào của Bộ Tư pháp. Ông nói thêm ban vận động "mừng là vấn đề này giờ đã được giải quyết."

Không lâu sau khi FBI đưa ra kết luận, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đả kích trên Twitter: "Giám đốc FBI nói Hillary Gian Trá gây tổn hại cho an ninh quốc gia của chúng ta. Không có cáo buộc nào. Ôi chà! Hệ thống gian lận rồi."

Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát, nói rằng kết luận của ông Comey "không tài nào giải thích nổi. Từ chối truy tố Ngoại trưởng Clinton về việc bà ta xử lý và truyền đi thông tin an ninh quốc gia một cách cẩu thả sẽ đặt ra một tiền lệ tệ hại."

Nhiều người theo Đảng Cộng hòa đã kêu gọi đưa ra cáo buộc hình sự nhắm vào bà Clinton, nhưng ông Comey nói, "Không có cáo buộc nào là thích đáng trong vụ việc này." Ông nói ông có thể bảo đảm với công chúng Mỹ rằng cuộc điều tra đã được tiến hành "một cách trung thực, thấu đáo và độc lập... theo một cách hoàn toàn phi chính trị." - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Chính phủ Việt Nam nợ gần 86 tỷ đôla

Dư nợ của chính phủ Việt Nam tăng nhanh qua các năm và đến hết 2014 đã vượt con số 1,8 triệu tỷ đồng, khoảng 86 tỷ đôla.

Con số này mới được tiết lộ trong bản tin nợ công của Bộ Tài chính Việt Nam, tức tăng mạnh so với mức 1,5 triệu tỷ đồng của năm 2013.

Còn nếu so với năm 2010, khi dư nợ chỉ ở mức hơn 889.000 tỷ đồng, số vay nợ trong năm 2014 đã tăng gấp đôi.

Theo cơ cấu, nợ trong nước vẫn lớn hơn so với nợ nước ngoài. Cụ thể, năm 2014, nợ nước ngoài là trên 810.000 tỷ đồng còn nợ trong nước trên một triệu tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2015, nợ chính phủ ước tính ở mức 50,3% GDP.

Bộ này cũng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bảo lãnh vay nợ cho các dự án, chương trình trong năm 2015.

Theo đó, tính đến hết tháng 12 năm ngoái, số tiền chính phủ Việt Nam cam kết bảo lãnh để các doanh nghiệp, mà phần lớn là các “ông lớn” nhà nước vay đã lên đến 25,98 tỉ đôla.

Ông Nguyễn Tấn Dũng được quốc hội Việt Nam bầu làm thủ tướng năm 2006, và trong kỳ Đại hội Đảng 12 vừa qua, ông đã “xin rút” để “về nghỉ chính sách”.

Trước khi “kết thúc nhiệm vụ”, ông Dũng đã khuyên bản thân và các thành viên nội các còn tại vị là “ráng làm người tử tế”. - VOA
|
|

7.
Không loại trừ Trung Quốc ‘đánh chiếm Trường Sa’? --- Biển Đông: Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Một nhà nghiên cứu kỳ cựu về quan hệ Việt – Trung nhận định rằng Bắc Kinh “có thể đánh chiếm Trường Sa”, trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc cảnh báo “nên chuẩn bị đối đầu quân sự”.

Hoàn cầu Thời báo, ấn phẩm của Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 5/7 viết rằng Bắc Kinh nên “sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự trên biển Đông”.

Trong bài xã luận trên cả ấn bản tiếng Hoa lẫn tiếng Anh, tờ báo có chủ trương cực đoan viết rằng cuộc tranh chấp, vốn đã trở nên phức tạp vì sự can thiệp của Mỹ, nay lại leo thang vì phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Tờ báo từng nhiều lần chỉ trích quan hệ Việt – Mỹ viết rằng “Washington đã triển khai hai nhóm tàu sân bay tại biển Đông, phô trương sức mạnh là cường quốc lớn nhất trong khu vực” để “chờ Trung Quốc phải phục tùng”.

Hoàn cầu Thời báo nói rằng Trung Quốc cần phải nhanh chóng tăng cường khả năng phòng thủ.

Tờ báo này viết thêm: “Dù Trung Quốc không thể theo kịp Hoa Kỳ về mặt quân sự trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ có thể buộc Hoa Kỳ phải trả giá nếu nước này can thiệp vào cuộc tranh chấp Biển Đông bằng vũ lực. Trung Quốc hy vọng các cuộc tranh chấp có thể có thể được giải quyết thông qua đàm phán, nhưng cũng cần phải sẵn sàng cho bất kỳ một cuộc đối đấu quân sự nào”.

Bài xã luận được đăng tải một ngày sau khi Bắc Kinh thông báo tổ chức tập trận gần quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cấm tất cả tàu bè qua lại, từ ngày 5 tới 11/7.

Về các diễn biến dồn dập này, ông Dương Danh Dy, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ:

“Đó là ý đồ lâu dài và bất biến của Trung Quốc rồi. Nếu lấn được, quấy được, phá được thì họ phá. Ý đồ của Trung Quốc trong chuyện Biển Đông họ không nhân nhượng đâu. Ý đồ bá chiếm Biển Đông, độc chiếm Biển Đông, theo tôi, không có thay đổi gì cả. Thiên hạ đừng có nghĩ, tốt đẹp với Trung Quốc họ sẽ nương nhẹ tay. Không có đâu.”

Cuộc thao dượt quân sự này dự kiến sẽ kết thúc một ngày trước khi Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” cuộc diễn tập này, đồng thời “yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm”.

Phát ngôn viên Lê Hải Bình hôm 4/7 cũng kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.

Về phản ứng của Việt Nam trước các hành động của Trung Quốc trong những ngày qua, ông Dương Danh Dy nhận định tiếp:

“Sự phản kháng của Việt Nam, của các nước trong khu vực, của một số nước lớn trên thế giới thì Trung Quốc họ cũng phải coi chừng, không dám coi thường cái đó. Nhưng phải nói thẳng ra là, nếu họ thấy họ có thể làm được cái gì ở Biển Đông là họ làm thôi. Không có gì lạ cả. Đừng coi thường. Có thể họ đánh chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ. Họ có thể đánh chứ, không loại trừ đâu”.

Sau khi bài xã luận của tờ Hoàn cầu Thời báo gây quan ngại về khả năng bùng ra xung đột ở Biển Đông, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách trấn an dư luận.

Trong cuộc họp báo hôm 5/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng chính quyền Bắc Kinh “quyết tâm theo đuổi hòa bình”.

Ông Hồng nói rằng Trung Quốc sẽ “hợp tác với các quốc gia ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Hôm 1/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng nước ông sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền.

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập nói rằng “không quốc gia nào nên kỳ vọng chúng ta phải nuốt viên thuốc đắng” về chủ quyền. - VOA

***
Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận từ ngày 05 đến 11/07/2016, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt những hành động mà Việt Nam cho là đe dọa đến an ninh và an toàn hàng hải.

Trung Quốc đã loan báo tiến hành cuộc tập trận kéo dài một tuần, từ 05/07 đến 11/07, trên và chung quanh quần đảo Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đây chỉ là một cuộc tập trận "bình thường" theo kế hoạch hàng năm. Nhưng cuộc tập trận này sẽ kết thúc một ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về bản đồ "đường lưỡi bò".

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Việt Nam cuối ngày 04/07/2016, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên của bộ cho rằng hành động của Trung Quốc "một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".

Theo tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, Việt Nam "phản đối mạnh mẽ" và yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này".

Để tiến hành cuộc tập trận, Trung Quốc đã khoanh một vùng có diện tích 100 ngàn km vuông chung quanh quần đảo Hoàng Sa. Toàn bộ các tàu dân sự đã được lệnh không được đi vào vùng này. Theo báo chí chính thức Trung Quốc, có ít nhất hai khu trục hạm tên lửa và một hộ tống hạm tên lửa trong số các chiến hạm được huy động cho cuộc tập trận ở Hoàng Sa.

Ông Ashlay Townshend, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney cho rằng cuộc tập trận ở Hoàng Sa một phần là nhằm đáp lại các cuộc tập trận của Mỹ trong khu vực và một phần cũng là chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết. Nhưng cuộc biểu dương lực lượng này cũng là nhằm trấn an dư luận trong nước rằng Bắc Kinh có hành động tương xứng với những tuyên bố mạnh mẽ của các lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là của chủ tịch Tập Cận Bình, vẫn chỉ trích tòa án nói trên. - RFI

No comments:

Post a Comment