Sunday, July 10, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 10/7

Tin Thế Giới

1.
Đảng Lao động đối lập thừa nhận thua cuộc bầu cử toàn quốc ở Australia

Đảng Lao động đối lập của Australia hôm Chủ nhật đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử toàn quốc, 8 ngày sau khi cuộc đầu phiếu kết thúc.

Thủ lĩnh Đảng Lao động, ông Bill Shorten nói rằng ông tin rằng Thủ tướng Malcolm Turnbull và chính phủ liên minh của ông sẽ giành đủ số ghế để tiếp tục quyền hành.

Ông Shorten cho biết ông đã gọi điện chúc mừng ông Turnbull.

Ông Turbull sau đó nói rằng liên minh bảo thủ của ông sẽ tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ 3 năm lần thứ hai.

Tuy nhiên, trong lúc phiếu vẫn còn đang được kiểm, hiện chưa rõ liệu liên minh của ông Turnbull có giành đủ số ghế để thành lập chính phủ đa số hay không, hay buộc phải liên minh với các nhà lập pháp của các đảng độc lập và thiểu số để thành lập một chính phủ thiểu số.

Các đảng cần phải chiếm được ít nhất 76 trong tổng số 150 ghế ở Hạ viện thì mới thành lập được chính phủ đa số.

Do việc đi bỏ phiếu là bắt buộc tại Australia, rất nhiều cử tri đến phòng phiếu hôm thứ Bảy tuần trước để bỏ phiếu cho cuộc bầu cử liên bang. Cuộc bầu cử lần này có sự tham gia của một số đảng nhỏ, trong đó có một ứng cử viên của đảng Xanh và những đảng độc lập.

Mặc dù biến đổi khí hậu, di dân và giáo dục là những đề tài then chốt trong các cuộc vận động tranh cử, kinh tế dường như là yếu tố quyết định của kết quả bầu cử.

Việc Anh quốc rút khỏi Liên hiệp Âu châu đã gây ra xao động tại Australia, và các thủ lĩnh chính trị đặt vấn đề an ninh kinh tế làm trọng tâm của các cuộc vận động tranh cử. - VOA
|
|

2.
Nhà hoạt động Kem Ley bị bắn chết ở thủ đô Phnom Penh --- Sam Rainsy, vật cản với đối lập Cam Bốt?

Nhà hoạt động chính trị và là nhà bình luận nổi tiếng ở Campuchia, ông Kem Ley bị bắn chết giữa ban ngày trong lúc đang ngồi trong một tiệm cà phê tại một cây xăng ở Phnom Penh hôm Chủ nhật.

Nhân vật được công chúng biết đến này thường thẳng thắng chỉ trích chính phủ. Ông là người sáng lập Ðảng Dân chủ từ Gốc.

Việc ông Ley bị sát hại càng khiến công chúng căm phẫn chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Một đám đông lớn người biểu tình tại hiện trường vụ án tin rằng đây là hành động mới nhất trong làn sóng hăm dọa của chính phủ đối với các chính trị gia đối lập và xã hội dân sự trước cuộc bầu cử vào năm tới.

Một nhân chứng yêu cầu các phóng viên giấu tên cho biết hai người đàn ông bước vào cửa hàng nơi ông Ley đang uống cà phê, nổ súng bắn mấy phát vào đầu ông Ley.

Người phát ngôn của cảnh sát, ông Kirt Chantarith nói rằng nghi can bị bắt nói hắn bắn ông Ley vì một khoản tiền nợ. Tên của nghi can không được tiết lộ.

Ông Chantarith nói nghi can khai rằng hắn đã “mất đi một phần đất đai vì ông Kem Ley không trả khoản nợ 3.000 đôla, nhưng chúng tôi không tin hắn và tiếp tục điều tra.” 

Thi thể ông Ley vẫn nằm trong vũng máu nhiều giờ tại tiệm cà phê vì người biểu tình không cho cảnh sát mang xác ông đi.

Cuối cùng xác của ông Ley được đưa đi về hướng chùa Wat Chak.

Ông Luon Sovath, một nhà sư nổi tiếng tranh đấu cho nhân quyền mà bản thân ông cũng thường xuyên bị đe dọa, nói rằng ông Ley trước đó đã lớn tiếng chỉ trích về vụ tài sản và mạng lưới làm ăn quy mô lớn của ông Hun Sen bị Global Witness moi ra.

Trong vài tháng qua, chính phủ đã bắt bớ hàng loạt nhân vật đối lập và những người lớn tiếng chí trích.  Chính quyền cũng thường xuyên đe dọa truyền thông và mở cuộc đàn áp có kế hoạch nhắm vào phó thủ lĩnh của Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập, ông Kem Sokha.

Cử tri Campuchia sẽ bầu cử cấp địa phương vào năm tới, và bầu cử toàn quốc vào năm sau đó. - VOA

***
Sự ra đi của cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard và các nỗ lực để giúp người tị nạn hội nhập tại châu Âu là chủ đề lớn của các tuần báo Pháp đầu tháng 7/2016. Nhưng trước hết, về thời sự châu Á, tuần san Le Courrier International dẫn lại một bài viết đáng chú ý về thách thức lớn của đối lập Cam Bốt, hai năm trước cuộc bầu cử Quốc Hội, trong bối cảnh thủ lĩnh Sam Rainsy liên tục bị lên án là kẻ "hèn nhát".

Bài viết "Cam Bốt. Sam Rainsy, một nhà đối lập bị lên án", dẫn lại từ tờ The Diplomat, mô tả trước hết các đàn áp tại Cam Bốt của chính quyền Hun Sen, nhằm triệt hạ đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc. Năm 2015, thủ lĩnh Sam Rainsy chọn con đường lưu vong sang Pháp, phó chủ tịch đảng phải lẩn trốn, để tránh lệnh truy nã của chính quyền. Ông Sam Rainsy cũng đồng thời phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích trên truyền thông. Thủ lĩnh đối lập - vốn tự so mình với nhà đối lập lịch sử Miến Điện Aung San Suu Kyi - bị lên án là "hèn nhát", khi chọn con đường lưu vong.

Theo bài phân tích của The Diplomat, tương lai chính trị của nền dân chủ Cam Bốt trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của thủ lĩnh Sam Rainsy. The Diplomat ghi nhận "tính cách công dân toàn cầu" của lãnh đạo đối lập Cam Bốt, và nỗ lực để Cam Bốt tiếp tục là một hồ sơ "trọng tâm của cộng đồng quốc tế", và theo hướng này, quyết định lưu vong của lãnh đạo đối lập là "có lý".

Nhưng bài viết cũng đặt nghi vấn về một quan điểm cơ bản của ông Sam Rainsy về tương lai chính trị Cam Bốt : Ông tin tưởng "Lịch Sử đứng về phía mình", tin tưởng "sự chán ngán của dân chúng đối với chế độ Hunsen cuối cùng sẽ khiến đối lập chiến thắng qua bầu cử", tin tưởng là với thời gian « dân chúng Cam Bốt ngày càng trẻ hơn và đô thị hóa hơn » sẽ đứng về phía đối lập…

Hai năm quyết định với Sam Rainsy 

Nếu tin tưởng vào quan điểm "Lịch Sử" chắc chắc sẽ tiến lên, chắc chắn sẽ đi từ độc tài đến dân chủ tự do và kinh tế thị trường, Sam Rainsy sẽ chiến thắng Hun Sen. Cuộc bầu cử 2013 với kết quả đảng đối lập chỉ thua đảng Hun Sen có 300.000 phiếu là một chứng minh cho xu thế này.

The Diplomat lật ngược lại vấn đề, với câu hỏi: Liệu Lịch Sử có được viết sẵn từ trước, và phải chăng cuộc bầu cử năm 2018 sẽ chỉ là sự nối tiếp thành tích của năm 2013, và ông Sam Rainsy sẽ chỉ cần chờ thời điểm thuận lợi để trở thành thủ tướng Cam Bốt ? Tuy nhiên, theo The Diplomat, cũng có thể nhìn Lịch Sử theo hướng hoàn toàn khác. Bài viết mỉa mai, nếu như trong hai năm tới, thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy không làm gì để chứng tỏ mình là một Aung San Suu Kyi và "từ chối nhường chỗ" cho một thế hệ đối lập trẻ trung hơn, thì ắt hẳn là ông "sẽ phải quen với việc bị coi là đồ hèn, và trở thành một vật cản thực sự đối với sự phát triển của đối lập Cam Bốt". The Diplomat cho rằng, hiện tại chưa có gì chứng tỏ ông Sam Rainsy đã thay đổi định hướng. - RFI

|
|

3.
Nhật Bản bầu cử thượng viện --- Bầu cử Nhật: Shinzo Abe hy vọng thắng ở Thượng viện

Cử tri Nhật Bản hôm nay đi bỏ phiếu bầu chọn một nửa số đại biểu cho Tham Nghị viện – tức là thượng viện ít quyền lực hơn của quốc hội nước này.

Liên minh đương quyền của Thủ tướng Shinzo Abe theo trông đợi sẽ giành chiến thắng, bất chấp những hoài nghi của cử tri về các chính sách kinh tế và ý định của ông Abe thay thế điều khoản từ bỏ quyền phát động chiến tranh trong hiến pháp hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai của Nhật Bản.

Ông Abe nêu rõ trong cuộc vận động tranh cử rằng chưa đủ thời gian để người dân cảm nhận được kết quả của chính sách tiền tệ của ông, được mệnh danh là “Abenomics.”

Ông Abe hôm thứ Bảy phát biểu tại Tokyo: “Abenomics chưa bao giờ thất bại, nhưng mới chỉ thực hiện được nửa đường. Việc mà tất cả chúng ta phải làm là thúc đẩy chính sách này một cách mạnh mẽ và vững vàng.”

Các nhà phê bình nói rằng bất chấp sự bất mãn đối với các chính sách tài chánh bảo thủ “Abenomics,” phe đối lập vẫn không có khả năng đưa ra các chính sách thuyết phục để thay thế.

Các nhà phân tích nói rằng nếu ông Abe giành được hai phần ba số ghế trở lên trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, ông sẽ có điều kiện sửa đổi hiến pháp chủ hòa hậu chiến tranh của Nhật Bản lần đầu tiên. Tuy nhiên cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cho việc này, và nhiều người dân Nhật Bản vẫn ủng hộ chủ trương của hiến pháp hòa bình.

Một số người Nhật đồng ý với ông Abe rằng cần phải sửa đổi hiến pháp bởi vì lo sợ về khủng bố đang ngày càng tăng, cùng với nỗi lo về một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và sự hung hãn của quân đội Trung Quốc.

Cuộc đầu phiếu hôm nay là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi tuổi được đi bầu hạ từ 20 xuống 18 tuổi. Nhật Bản không xác định được số người thực sự đi bỏ phiếu trong tổng số hơn 2 triệu cử tri mới có quyền đi bầu, và họ sẽ bầu cho ai. - VOA

***
Cử tri Nhật hôm nay 10/07/2016 bầu lại phân nửa trong số 242 ghế ở Thượng viện với nhiệm kỳ 6 năm.

Cho dù chính sách kinh tế của chính phủ không còn gây háo hức, thủ tướng Shinzo Abe đã chuẩn bị cho một chiến thắng, thậm chí thắng lớn. Liên minh giữa đảng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa cầm quyền đã nắm đa số ở Hạ viện, và có thể sửa đổi Hiến pháp chủ hòa hiện tại nếu kiểm soát được hai phần ba Thượng viện.

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles tường trình:

"Tại Tokyo, phe đối lập vận động tranh cử dựa trên nguy cơ nếu thủ tướng Shinzo Abe thắng thế trong cuộc bầu cử Thượng viện, ông sẽ tìm cách sửa đổi Hiến pháp chủ hòa.

Nhà chính trị học Yoshio Hotta nhận định: Thủ tướng che giấu người dân Nhật việc sửa đổi Hiến pháp là mục tiêu tối hậu của ông trong cuộc bầu cử này. Ông Shinzo Abe tránh né chủ đề. Là một người thực tế, ông biết rằng đa số dân Nhật vốn yêu chuộng hòa bình.

Hiến pháp hòa bình do người Mỹ soạn thảo vào cuối cuộc chiến, chưa bao giờ được sửa đổi kể từ năm 1947 đến nay. Đối với cánh hữu dân tộc chủ nghĩa đang nắm quyền, một Hiến pháp do Hoa Kỳ áp đặt là một điều sỉ nhục.

Phe đối lập gióng lên tiếng chuông báo động : cánh hữu lợi dụng mối đe dọa Trung Quốc để tái lập quyền tham chiến. Nhưng cánh tả đối lập không được lắng nghe. Cầm quyền từ năm 2009 đến 2012, phe tả tỏ ra bất lực trong việc điều hành đất nước và xử lý tai nạn nguyên tử ở Fukushima.

Cho dù chiến thắng, ông Shinzo Abe vẫn chưa thể sửa đổi được Hiến pháp, vì đồng minh chính trong liên minh của ông vốn chủ hòa. Nhưng ông Abe chuẩn bị cho tương lai, và dành cho người kế nhiệm công việc biến Nhật Bản thành một quốc gia có thể tham chiến như những nước khác". - RFI
|
|

4.
Đại sứ Trung Quốc viết báo về Biển Đông

Trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, các đại sứ Trung Quốc đã viết hàng loạt bài trên các báo nước ngoài suốt vài tháng qua.

Phán quyết của vụ Philippines kiện được nhiều người trông đợi sẽ không có lợi cho Trung Quốc, nhưng cũng không ngăn được các đại sứ nước này cố gắng thuyết phục thế giới là Trung Quốc đã đúng.

Các hãng truyền thông nói tiếng Anh của Trung Quốc đã công bố một video tiếng Anh dễ thương giải thích về lịch sử khu vực và có cả các chuyên mục trên website dành cho phân tích và thảo luận về vấn đề này.

Nhưng vài tháng qua, các đại sứ Trung Quốc khắp thế giới cũng nhắm vào báo chí nước ngoài, viết bài có ký tên đăng trên các tờ báo quốc gia để nói về trường hợp của Trung Quốc.

Phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài

Philippines đã đưa vụ kiện lên Tòa trọng tài thường trực tại The Hague yêu cầu phán quyết kỹ thuật về phạm vi lãnh hải có thể tuyên bố chủ quyền trên cơ sở việc sở hữu các khu vực bờ biển, đảo và rạn san hô.

Phán quyết được trông đợi không có lợi cho Trung Quốc, và thậm chí có thể đi xa đến mức vô hiệu hóa toàn bộ tuyên bố đường chín đoạn của nước này, chiếm đến 90% khu vực biển tranh chấp.

Trung Quốc nói không tham gia vào phiên tòa và cũng không công nhận thẩm quyền của Tòa thường trực.

'Toàn cầu'

Các bài báo không giống hệt nhau, mặc dù công bằng mà nói chúng khá giống nhau. Không có gì đáng ngạc nhiên, các bài báo trung thành nghiêm ngặt với quan điểm của chính phủ [Trung Quốc] trong tranh chấp.

Có lẽ cũng không có gì sốc lắm khi các đại sứ Trung Quốc tại các quốc gia như Hoa Kỳ và Úc cố gắng khiến người dân quốc gia sở tại quan tâm đến vụ kiện mà họ liên quan. Họ đã từng làm vậy trong quá khứ, vì thế cũng dễ hiểu với phán quyết sắp tới vào ngày 12/7, họ cũng sẽ làm vậy.

Bạn có thể tự hỏi điều gì sẽ tác động đến các quốc gia nhỏ như Cyprus, cách xa hàng ngàn dặm so với vụ việc.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Cuối cùng thì, công việc của một đại sứ vẫn là tuyên truyền về lợi ích quốc gia khi ở nước ngoài.

"Trong quá khứ, đã từng có những đợt tăng cường truyền thông như vậy, nhưng thường chỉ vào dịp các lãnh đạo Trung Quốc đến thăm quốc gia nào đó. Rất hiếm khi xuất hiện kiểu tiếp cận toàn cầu thế này," Giáo sư Kerry Brown, một chuyên gia chính trị Trung Quốc từ trường King's College London nói.

"Gần như chắc chắn là một đợt thúc đẩy có phối hợp từ trung tâm để đại sứ và các đại diện viết các bài báo đó, và tích cực đưa ra những thông điệp như vậy."

BBC liên lạc với nhiều đại sứ Trung Quốc để hỏi liệu đó có phải là các bài báo được trả tiền không nhưng không nhận được phản ứng nào.

Theo mẫu?

Rất nhiều bài báo bắt đầu với quan sát tổng thể như sau: "Ngày nay vấn đề Biển Đông là một chủ đề nóng với truyền thông quốc tế" (đăng trên báo Fiji Sun) hoặc thế này: "Gần đây, vấn đề Biển Đông được quốc tế chú ý đến" (Từ Cyprus Mail)

Sau đó các bài báo đi đến các luận điểm:

- Có sự thông tin sai/hiểu sai về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc - Các hòn đảo (Trung Quốc gọi là Nam Sa) đã là của Trung Quốc từ thời cổ đại - Quá trình kiện lên tòa trọng tài đơn phương do Philippines tiến hành - Về mặt song phương, đàm phán tại địa phương vẫn đang được tiến hành - Chủ quyền lãnh thổ không nằm trong phạm vi của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Một số bài viết có kết cấu như bài luận, trong khi một số khác được viết chia thành nhiều luận điểm.

Các bài báo làm người ta thấy như được viết theo mẫu sẵn, nhưng chúng phải như vậy vì tuân thủ chặt chẽ giọng điệu của chính phủ về vấn đề, vốn có thể trở thành vấn đề nhạy cảm.

Có một vài phiên bản khác tùy theo khu vực - Đại sứ Trung Quốc ở Anh, ông Lưu Hiểu Minh, đến mức quả quyết khi ông cảnh báo "Hãy ngừng đùa với lửa trên Biển Đông", trên bài báo xuất hiện ở tờ Star của Malaysia kêu gọi cách tiếp cận của Malaysia với vấn đề Biển Đông nên được coi như mẫu mực với các tranh chấp khác. (Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền các đảo trong khu vực nhưng ít ồn ào hơn so với các quốc gia như Philippines.)

Các bài báo trên phù hợp với khuôn mẫu rộng hơn là Trung Quốc muốn cho thấy ý kiến quốc tế đang đứng về phía họ - hay ít nhất là, một vài trong số đó.

Trung Quốc cũng không có vẻ chọn lọc lắm với những ai ủng hộ mình trong tranh chấp Biển Đông - chính phủ nước này nói có hơn 40 quốc gia đã ủng hộ Trung Quốc.

Danh sách gồm nhiều quốc gia ở xa và đa dạng về khu vực như Sierra Leone và Slovenia.

"[Các bài báo này] trước hết cho thấy Trung Quốc lo lắng đến thế nào về tác động của phán quyết khi được công bố, và cho thấy họ đã nỗ lực tích cực đến mức nào để sử dụng báo chí và truyền thông phương Tây để đưa điệp của họ đi," Giáo sư Kerry Brown nói.

"Tôi ngờ rằng chúng ta sẽ còn thấy nhiều bài như vậy hơn nữa." - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Biểu tình sau vụ cảnh sát Mỹ bắn người --- TT Obama kêu gọi người Mỹ tôn trọng nhau trong lúc đất nước đau buồn về những vụ nổ súng

Biểu tình tiếp tục lan rộng ở Hoa Kỳ nhằm phản đối vụ cảnh sát bắn chết người da đen ở bang Minnesota và Louisiana.

Nhiều đường phố bị chặn ở Minnesota, trong lúc các thành viên Đảng Báo Đen Mới đối đầu với cảnh sát ở Baton Rouge, Louisiana.

Tuy đa số các cuộc tuần hành ôn hòa nhưng hàng chục vụ bắt bớ cũng đã diễn ra.

Tình hình ở Dallas vẫn căng thẳng. Đây là nơi năm cảnh sát bị một người da đen ám sát trong cuộc biểu tình.

Mức báo động an ninh được nâng cao ở sở cảnh sát sau khi có nhiều đe dọa nặc danh được đưa ra. Tuy nhiên khám xét ở bãi đậu xe cảnh sát nhằm tìm "một người đáng nghi" không tìm thấy gì.

Biểu tình phản đối cảnh sát giết hại dân thường nổ ra sau cái chết của Philando Castile ở Minnesota và Alton Sterling ở Louisiana.

Ở St Paul, Minnesota, đêm qua, cảnh sát bị ném pháo hoa, chai lọ và gạch đá trong cuộc biểu tình gần đường xa lộ liên bang, gây tắc nghẽn.

Giơ nắm đấm

"Đây là đêm thứ năm xảy ra biểu tình ở Baton Rouge, nơi không chỉ có sự giận dữ mà có cả cơn thịnh nộ", theo phân tích của Laura Bicker, phóng viên của BBC từ Baton Rouge:

"Mỗi đêm, cuộc tụ tập lại căng thẳng hơn và cảnh sát đáp lại bằng các lực lượng được vũ trang chống bạo loạn.

"Hai bên đối mặt, thường là chặn nhau ở đường cao tốc chính bên ngoài trụ sở cảnh sát.

"Đôi khi lực lượng chính quyền dàn hàng ngang và lao vào đám đông bắt giữ một số người.

"Trước đó, hàng trăm người tuần hành tới tòa nhà Louisiana State Capitol và đứng trên bậc thềm với nắm tay siết chặt giơ cao - cách chào biểu tượng của sức mạnh người da đen," phóng viên của chúng tôi phân tích.

Đối mặt

Lực lượng chức năng nói một số cảnh sát bị thương do pháo hoa và đã thực hiện một số bắt giữ. Người biểu tình cho biết cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su.

Ở Baton Rouge, hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài sở cảnh sát cũng như ở cửa hàng nơi Alton Sterling bị bắn chết và cùng hô lên: "Không có công lý! Thì không có hòa bình!"

Căng thẳng gia tăng khi các thành viên có vũ trang của Đảng Báo Đen Mới đứng đối mặt với cảnh sát trang bị chống bạo động. Luật pháp ở Louisiana cho phép tự do mang vũ khí.

Người biểu tình Lorena Ambrosio nói với hãng tin Reuters: "Tôi thấy mình bị ám ảnh, tôi rất buồn và giận dữ khi thấy xác chết của người da đen ngày càng chồng chất."

Các cuộc biểu tình khác cũng diễn ra ở Nashville, Indianapolis và thủ đô Washington, tuy Tổng thống Obama đã nỗ lực làm giảm căng thẳng.

Trong chuyến đi châu Âu, ông nói: "Trước hết, dù tuần này có đau buồn tới đâu đi nữa, tôi tin tưởng chắc chắn rằng nước Mỹ không chia rẽ như một số người nói.

"Chúng ta bắt đầu cho rằng có sự phân cực khổng lồ này, và chúng ta đang quay trở lại tình huống thời những năm 60, điều đó là không đúng. Chúng ta không thấy có bạo loạn và chúng ta không thấy cảnh sát bắt bớ những người biểu tình ôn hòa."

Hôm thứ Năm 07/07, năm sĩ quan cảnh sát da trắng bị bắn chết bởi một người da đen tên là Micah Johnson, trong một cuộc biểu tình nhằm phản đối việc cảnh sát giết người da đen.

Hai người chết trong tuần vừa qua đã dẫn đến biểu tình lan rộng tại Hoa Kỳ. - BBC

***
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi người dân Mỹ tôn trọng nhau sau khi xảy ra hai vụ cảnh sát bắn chết hai người Mỹ gốc Phi và một vụ phục kích bắn chết 5 cảnh sát viên ở Dallas, Texas.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên sau khi ông họp với với Thủ tướng Mariano Rajoy của Tây Ban Nha ở Madrid, Tổng thống Obama nói: “Duy trì tinh thần trung thực, nghiêm túc và tôn trọng sẽ giúp thúc đẩy xã hội Mỹ mang lại một sự thay đổi thực sự và đó là mục tiêu tối hậu của chúng tôi.”

Nói về những người biểu tình, như những người của phong trào “Vấn đề mạng sống người da đen” và các tổ chức cảnh sát trên khắp nước Mỹ, Tổng thống Obama nói: “Tôi mong muốn tất cả các bên lắng nghe nhau.”

Nhà lãnh đạo Mỹ nói bạo động chống lại cảnh sát bởi bất cứ ai lo lắng cho sự công bằng trong hệ thống tư pháp hình sự là một “sự hãm hại đối với chính nghĩa.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
4 tàu Trung Quốc cùng truy đuổi và đâm chìm tàu cá Việt Nam

Trưa nay (10.7), cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi có công văn khẳng định, thủ phạm đâm chìm tàu cá QNg 90479 là 4 tàu Trung Quốc, có ghi rõ số hiệu…

Theo đó, công văn của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi gửi Chi cục phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN)  khu vực miền Trung-Tây Nguyên (đóng tại TP. Đà Nẵng) khẳng định: tàu cá QNg 90479 (Quảng Ngãi) bị đâm chìm trên biển Hoàng Sa là do 2 tàu Trung Quốc gây ra.
Báo cáo ban đầu số 941/BC-BCH do BCH BĐBP tỉnh Quảng Ngãi thể hiện rõ, tàu QNg 90497 do ông Võ Văn Lựu (1966, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ, kiêm thuyền trưởng cùng  05 ngư dân xuất bến tại trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) vào ngày 2.7. Còn tàu QNg 95001 do ông Huỳnh Văn Khanh (1985, cũng trú xã Bình Châu)  làm chủ, kiêm thuyền trưởng, có 12 ngư dân, ngày 20.6 xuất bến tại trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt.

Qua thông tin từ ICOM của tàu QNg 95001 báo về, khi tàu QNg 90479 đang đánh bắt  tại tọa độ 16,06 vĩ độ Bắc - 113, 06 độ kinh Đông (cách đảo Lin Côn, quần đảo Hoàng Sa khoảng 35 hải lý về hướng Đông Đông Nam) thì bị 02 ca nô Trung Quốc (chưa rõ số hiệu) truy đuổi, sau đó tiếp tục bị 02 tàu Trung Quốc, số hiệu 46102 và 56103 chạy tới rượt đuổi và đâm chìm vào lúc 11 giờ ngày 9.7.

Nhận được thông tin cấp cứu khẩn cấp từ tàu QNg 90479, tàu QNg 95001 đang đánh trong khu vực đã chạy tới ứng cứu nhưng bị các tàu Trung Quốc ngăn cản, xua đuổi.  Phải đến 19 giờ 20 phút ngày 9.7,  tàu cá QNg 95001 mới tiếp cận và vớt được 05 ngư dân của tàu QNg 90497  lên thuyền.

Vụ việc hiện đang được các cấp ngành tiếp tục theo dõi, kiến nghị điều tra. - danviet

No comments:

Post a Comment