Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc: Mỹ, Nhật và Australia thổi bùng căng thẳng biển Đông --- Báo Trung Quốc gọi Australia là ‘mèo giấy’
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới lên tiếng chỉ trích một tuyên bố ba bên về biển Đông, nói hành động đó chỉ “thổi bùng” căng thẳng ở khu vực trong khi các quốc gia đang tìm cách làm nguội bớt tình hình.
Trong một tuyên bố mới đây, ông Vương nói rằng động thái của ba quốc gia trên được đưa ra tại thời điểm không phù hợp, và không mang tính xây dựng.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói: “Tuyên bố ba bên đó càng thổi bùng ngọn lửa. Giờ là lúc để xem ai là người gìn giữ hòa bình hay gây chuyện”.
Trước đó, ba quốc gia đồng minh kêu gọi Trung Quốc ngưng xây dựng các tiền đồn quân sự và bồi đắp đảo tại vùng biển tranh chấp.
Giới quan sát nhận định, tuyên bố trên cho các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Philippines và Việt Nam, thấy sự hậu thuẫn của Mỹ, Nhật và Australia.
Tuyên bố chung công bố đầu tuần này được coi là lấp chỗ trống của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, sau khi các ngoại trưởng của khối này trước đó không thể ra một tuyên bố mạnh mẽ chống Trung Quốc do sự chia rẽ trong nhóm.
Ngoại trưởng của Mỹ, Nhật và Australia gặp nhau bên lề của các hội nghị do ASEAN mới tổ chức ở Lào.
Các quốc gia ASEAN không thể ra tuyên bố đề cập tới phán quyết vụ kiện của Philippines trước Trung Quốc do bất hòa.
Ngoại trưởng Campuchia, Prak Sokhon, hôm 29/7, cho biết rằng nước ông nỗ lực dàn xếp tranh chấp biển Đông ở hậu trường giữa đồng minh Trung Quốc với các đối tác ASEAN.
Ông Sokhon bác bỏ các cáo buộc cho rằng Campuchia đứng về phía Trung Quốc, và ngăn chặn việc ra tuyên bố chung ASEAN mấy ngày trước đây trong tuần. - VOA
***
Một tờ báo theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc mới đăng bài xã luận kêu gọi tấn công tàu bè Australia tại biển Đông, sau khi chính quyền Canberra ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines.
Bài viết của tờ Hoàn cầu Thời báo bình luận rằng Australia “thậm chí không phải là con ‘hổ giấy’ mà chỉ là một con ‘mèo giấy’”.
Báo này viết tiếp: “Australia tự coi mình là một quốc gia nguyên tắc… [nhưng] khi cần phải làm vừa lòng Washington, nó cho thấy sẵn lòng làm bất cứ điều gì để chứng tỏ sự trung thành”.
Chính vì lẽ đó, theo Global Times, Trung Quốc “phải trả đũa và cho [Australia] thấy rằng đó là điều sai trái”.
Hoàn cầu Thời báo viết thêm: “Sức mạnh của Australia không có ý nghĩa gì nếu so với an ninh của Trung Quốc. Nếu Australia bước vào vùng biển Đông, nó sẽ là một mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh báo và tấn công”.
Hồi đầu năm nay, chỉ huy Hạm đội Bảy của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, cho rằng sẽ "tốt nhất" cho “quyền lợi” của khu vực nếu Australia đưa tàu vào trong phạm vi cách khu vực tranh chấp 12 hải lý. Cho tới nay, Canberra chưa thực hiện bất kỳ điều gì như vậy.
Trước đây, tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng nhiều lần lên tiếng về quan hệ Việt-Mỹ.
Trong bài bình luận đăng hôm 19/5, tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng việc “Việt Nam tiến lại gần hơn Mỹ là một tiến trình tự nhiên đối với việc phát triển nền kinh tế dựa vào xuất khẩu ở Đông Nam Á, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Hà Nội có ý định xa lánh Trung Quốc, vì điều đó sẽ làm tổn hại tới mối quan hệ kinh tế với một đối tác thương mại quan trọng”.
Ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo viết tiếp: “Phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa các lợi ích quốc gia, và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nội địa trong một loạt các lĩnh vực như dệt may, giầy dép và điện tử”.
“Tuy nhiên, không có bất kỳ lý do gì khiến Trung Quốc ghen tị hoặc hoảng sợ về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ,” tờ báo nhà nước Trung Quốc viết.
“Nếu Hoa Kỳ tính dùng Việt Nam để khống chế Trung Quốc thì đó là điều vô vọng". - VOA
|
|
2.
Brazil: Xử vụ truất phế tổng thống Dilma Rousseff vào đầu tháng Chín
Số phận chính trị của tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ được quyết định vào đầu tháng 09/2016. Năm ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio, Tối Cao Pháp Viện Brazil thông báo, phiên tòa về vụ truất phế tổng thống Dilma Rousseff sẽ mở ra từ ngày 29/08/2016 và kéo dài trong một tuần lễ.
Từ ngày 12/05/2016, bà Rousseff đã bị tạm thời đình chỉ chức vụ vì bị cáo buộc nguy tạo sổ sách để đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2014.
Nếu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2016, 2/3 Thượng nghị sĩ Brazil bỏ phiếu truất phế bà Dilma Rousseff thì quyền tổng thống Michel Temer đương nhiên nắm quyền cho đến cuối nhiệm kỳ, vào tháng 12/2018.
Bản thân bà Rousseff tố cáo phe đối lập Brazil muốn tiến hành “một cuộc đảo chính” khi tìm cách loại bà khỏi chức vụ tổng thống, cho dù bà đã được đa số bầu lên.
Về phần mình, quyền tổng thống Temer cho rằng số phận của bà Rousseff chỉ được định đoạt vào đầu tháng 9 là quá trễ, bởi vì “ai sẽ đại diện cho Brazil đến Trung Quốc dự thượng đỉnh G20 mở ra từ 04 đến 06/2016” ?
Trước mắt, theo phân tích của thông tín viên đài RFI từ Rio de Janeiro, François Cardona, khủng hoảng chính trị Brazil vẫn chưa tới hồi kết :
Thượng viện sẽ có trọng trách đưa ra phán quyết về việc có truất phế bà Dilma Rousseff hay không. Phiên tòa sẽ mở ra vào thời điểm Thế Vận Hội vừa kết thúc và Olympic dành cho những người khuyết tật vừa mở màn.
Tối Cao Pháp viện Brazil vừa thông báo là phiên xử sẽ mở ra vào ngày 29/08/2016 và kéo dài trong một tuần lễ.
Nếu như bà Dilma Rousseff bị truất phế thì tổng thống lâm thời ông Michel Temer sẽ tiếp tục cầm quyền cho đến cuối nhiệm kỳ. Còn trong trường hợp phán quyết của tòa có lợi cho bà Rousseff thì bà sẽ trở lại cầm quyền như trước đây.
Trong bối cảnh bấp bênh như vậy, bà Dilma Rousseff từ chối dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio. Ông Temer, vừa là kình địch, mà cũng từng là đồng minh chính trị của bà Dilma Rousseff sẽ được vinh dự tuyên bố khai mạc Olympic Rio 2016.
Dẫu sao khủng hoảng chính trị đã kéo dài từ nhiều tháng qua đang ngày càng thêm nghiêm trọng. Cựu tổng thống Lula da Silva, điểm tựa của bà Rousseff vừa bị truy tố vì tội gây cản trở điều tra của tư pháp, tìm cách mua chuộc một nhân chứng quan trọng trong vụ tai tiếng hối lộ có liên quan đến tập đoàn dầu khí Petrobras.
Nhiều cuộc xuống đường dự trù nổ ra trong những ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio, phản đối Brazil tổ chức sự kiện thể thao này, trong lúc kinh tế nước nhà bị khủng hoảng nghiêm trọng. Công luận chỉ trích chính quyền bắt người dân hy sinh quá nhiều để tổ chức một sự kiện quá tốn kém. - RFI
|
|
3.
Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ khoảng 60 nhân viên Tòa bảo hiến
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục cuộc trấn áp trong chính phủ sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hôm 15/7. Hôm 30/7, 60 nhân viên Tòa bảo hiến đã bị đình chỉ công tác.
Trong một tuyên bố Tòa án cho biết việc đình chỉ sẽ có hiệu lực cho đến khi có đánh giá về những mối liên hệ mà những người này có thể có với cuộc đảo chính. Tám nhân viên khác đã bị sa thải và bắt giam hôm 18/7.
Các cuộc thanh trừng ở tòa án cấp cao nhất của đất nước diễn ra cùng ngày các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho 800 quân nhân, chủ yếu ở Istanbul và vài chục người ở Ankara, theo hãng tin Anadolu của nhà nước.
Tin cho hay Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói ông sẽ bãi bỏ các vụ kiện đối với những người đã xúc phạm ông, với một cử chỉ “về sự đoàn kết” chỉ thực hiện một lần, ông muốn nói đến các nhà báo mà ông đã đối đầu với họ tại tòa án.
Thổ Nhĩ Kỳ đang giam giữ 17 nhà báo vì các cáo buộc là thành viên "nhóm khủng bố", vào lúc ông Erdogan nói với những người chỉ trích ở phương Tây rằng họ “hãy để ý đến việc của họ", trong khi chiến dịch thanh trừng đã mở rộng.
Gần 70.000 người đã bị đình chỉ công việc hoặc bị đuổi việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo số liệu mới nhất được Anadolu trích dẫn, ảnh hưởng đến các nhân viên và giới chức tại các cơ quan tư pháp, hệ thống giáo dục, truyền thông, y tế và các lĩnh vực khác, như là một phần trong cuộc trấn áp của ông Erdogan. Trong số những người bị ảnh hưởng là những ai bị tình nghi có quan hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ, chính phủ nói ông là kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính bất thành.
Ông Gulen, người đã tự sống lưu vong ở bang Pennsylvania của Mỹ kể từ cuối những năm 1990, đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào hoặc đã biết trước về cuộc đảo chính.
Mỹ đã bày tỏ quan ngại về "tác động dài hạn" của vụ đảo chính đối với quan hệ của Mỹ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và kịch liệt bác bỏ những lời lẽ của ông Erdogan cho rằng quân đội Mỹ đã đứng về phía những kẻ tham gia âm mưu đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ. - VOA
|
|
4.
Tokyo bầu thống đốc mới
Cử tri tại thủ đô của Nhật Bản đi bỏ phiếu hôm 31/7 để bầu ra nhà lãnh đạo mới cho thành phố đã gặp bê bối khi thành phố chuẩn bị cho việc đăng cai Thế vận hội Olympics 2020.
Có tới 21 ứng cử viên đang tranh cử để trở thành thống đốc của Tokyo, một con số kỷ lục. Chức vụ này đã bị trống khi vị thống đốc gần đây nhất đã từ chức vì một vụ bê bối tài chính.
Các ứng cử viên hàng đầu là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yuriko Koike, cựu Bộ trưởng nội chính Hiroya Masuda và nhà báo Shuntaro Torigoe.
Cả bà Koike và ông Masuda đều thuộc đảng cầm quyền Dân chủ Tự do. Ông Masuda là ứng cử viên chính thức của LDP, nhưng bà Koike cũng vẫn quyết định tranh cử.
Bà Koike sẽ là thống đốc nữ đầu tiên của Tokyo, nếu bà chiến thắng. - VOA
|
|
5.
Mạng của nhà thầu quốc phòng Nga 'nhiễm mã độc'
Cơ quan an ninh Nga (FSB) thông báo rằng mạng máy tính của khoảng 20 tổ chức, cơ quan chính phủ và các nhà thầu quốc phòng của Nga đã bị nhiễm mã độc nhằm mục đích do thám trên mạng.
Trong tuyên bố đăng trên trang web hôm 30/7, FSB cho biết rằng loại virus máy tính cùng cách thức bị lây nhiễm của các mạng trên cho thấy chúng giống với phần mềm sử dụng trong các vụ do thám trên mạng ở Nga cũng như trên toàn thế giới.
Cơ quan tình báo Nga không cho biết nghi ngờ ai đứng sau vụ tấn công, nhưng tin trên được đưa ra sau khi có thông báo về các vụ tấn công mạng nhắm vào Ủy ban Toàn quốc của Đảng Dân chủ Mỹ (DNC) và ủy ban gây quỹ cho các ứng viên của đảng này tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ và các đảng viên Dân chủ bày tỏ nghi ngờ về sự dính líu của Nga đối với cả hai vụ tấn công trên.
Điều đó làm tăng thêm các phán đoán rằng Moscow có thể đang tìm cách gây tác động lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhằm tạo lợi thế cho ứng của viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Ông Trump đáp lại chỉ trích từ cha của lính Mỹ theo Hồi giáo đã chết
Trong bài phát biểu xúc động tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ trong tuần qua, Khizr Khan, cha đẻ của một người lính Mỹ theo Hồi giáo đã thiệt mạng tại Iraq, đã ca ngợi con trai ông và chỉ trích ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ông Khan nói theo chính sách nhập cư được do ông Trump đề xuất, gia đình ông sẽ không bao giờ được phép đến Mỹ, và ông Trump trong đời mình chưa "hy sinh điều gì và chưa mất ai cả".
Ông Trump đã đáp lại ông Khan trong cuộc phỏng vấn hôm 30/7 với truyền hình ABC.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng tôi đã hy sinh rất nhiều. Tôi đã làm việc rất, rất tích cực, tôi đã tạo ra hàng ngàn, hàng ngàn việc làm".
Ông Trump cũng cho biết ông đã quyên góp hàng triệu đôla cho các cựu chiến binh Mỹ và đóng góp một phần lớn cho việc xây đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở thành phố New York.
Vợ của ông Khan đứng lặng lẽ trong khi chồng bà phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ.
Đưa ra ý kiến chắc chắn sẽ tạo ra thêm tranh cãi, ông Trump cho rằng vì bà là phụ nữ Hồi giáo, nên có lẽ “bà ấy đã không được phép nói bất cứ điều gì”.
Nhưng bà Ghazala Khan nói với truyền hình MSNBC hôm 29/7 rằng bà rất nôn nao và vô cùng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh con trai đã khuất được trưng bày tại đại hội.
Bà giải thích: "Tôi quá xúc động và tôi đã kiểm soát bản thân mình lúc đó".
Ông Trump có kế hoạch vận động tại các bang công nghiệp Ohio và Pennsylvania hôm 1/8, là các bang mà ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hiện đang thăm.
Phát biểu tại một nhà máy sản xuất dây điện ở Johnstown, Pennsylvania hôm 30/7, bà Clinton nói bà không có mặt ở đó để xúc phạm đối thủ của mình và đưa ra "những lời hứa điên rồ", mà để nói với các cử tri về kế hoạch "đầu tư nhiều nhất vào những việc làm mới, được trả lương tốt" kể từ Thế chiến II.
Bà Clinton đề xuất về một ngân hàng cơ sở hạ tầng để chi trả cho các dự án như xây dựng đường và cầu mới thay vì lần nào cũng phải tới Quốc hội xin tiền.
Bà nói đất nước không thể quay trở với điều mà bà gọi là các chính sách kinh tế thất bại trong quá khứ như cắt giảm thuế cho người giàu. Bà nói những người giàu phải trả tiền, đóng góp một cách hợp lý và "trợ giúp nước Mỹ".
Ohio và Pennsylvania có thể sẽ là hai bang chủ chốt trong cuộc bầu cử tháng 11. Trong khi hầu hết các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton dẫn đầu ở cả hai bang, những cử tri thuộc tầng lớp lao động có thể làm cho một trong hai bang ngả về bà Clinton hay ông Trump.
Phần lớn thành công của ông Trump trong năm nay là việc thu hút cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người lo lắng rằng Mỹ đang mất đi việc làm vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài có lao động rẻ hơn.
Ông Trump đã lên Twitter nói số cử tri có mặt tại sự kiện Johnstown của bà Clinton thì “nhỏ và không nhiệt tình”, và ông cho rằng điều đó có thể là do việc chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã ủng hộ NAFTA, một thỏa thuận thương mại mà ông Trump khẳng định đã chuyển nhiều việc làm ở Mỹ tới Mexico.
Một cuộc khảo sát mới cho thấy bà Clinton nhận được mức ủng hộ tăng lên thường thấy sau đại hội đảng trong các cuộc thăm dò. Thăm dò của RABA cho thấy bà có mức ủng hộ của cử tri cao hơn 15% so với ông Trump, hai ngày sau khi đại hội đảng Dân chủ kết thúc.
Ông Trump đã có một mức tăng tương tự trong các cuộc thăm dò ngay sau đại hội đảng Cộng hòa cách đây hai tuần. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Olympic Rio 2016: Việt Nam dự đông nhưng ít hy vọng huy chương
Đến lúc này, đoàn thể thao Việt nam đã có mặt đông đủ tại làng Olympic Rio và tổ chức lễ thượng cờ. Để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè Rio 2016, thể thao Việt Nam đặt ra chỉ tiêu 15 vé chính thức, cuối cùng các vận động viên Việt Nam đã giành được 23 vé chính thức đi dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Dù hy vọng giành huy chương không nhiều nhưng đó là một tín hiệu đánh dấu sự chuyển biến tích cực của thể thao Việt Nam
Trong tổng số 306 nội dung ở 28 môn thi đấu tại Rio, 23 vận động viên Việt Nam sẽ tranh tài ở 22 nội dung thuộc 10 môn thể thao. Đây là lần thể thao Việt Nam đến với đấu trường Olympic bằng suất chính thức đông nhất từ trước tới đây.
Với lực lượng vận động viên góp mặt đông đảo hơn, hy vọng giành được huy chương của thể thao Việt Nam có nhiều hơn không? Thể thao Việt Nam có thể đặt kỳ vọng vào môn thể thao nào, tiến bộ ban đầu này có nói lên điều gì?
Đó là những câu hỏi được Tạp chí Thể thao đặt ra trong có cuộc phỏng vấn chuyên gia Olympic Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao. Ông cũng là người đã nhiều lần dẫn đoàn thể thao Việt Nam tại các đấu trường lớn của khu vực và thế giới. - RFI
No comments:
Post a Comment