Saturday, July 2, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 2/7

Tin Thế Giới

1.
Tuần hành ở London phản đối Brexit

Hàng nghìn người tuần hành qua các đường phố ở thủ đô London hôm thứ Bảy để phản đối kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU.

Những người biểu tình hôm 02/7/2016 ủng hộ chiến dịch “tuần hành vì châu Âu” được kêu gọi thông qua mạng xã hội, giương cao các áp phích ghi chữ “Bremain” (Nước Anh ở lại) và “Chúng tôi yêu EU”.

Một người tham gia tuần hành là Mark Thomas nói chiến dịch vận động trưng cầu dân ý vừa qua, với kết quả Anh bỏ phiếu 52% đồng ý Anh rời EU, đã không chiến thắng một cách công bằng.

Ông Thomas nói chiến dịch trưng cầu dân ý “ngập tràn thông tin sai lệch và những người muốn làm một điều gì đó cho sự bực tức của mình”.

Trong khi đó, giới phê bình cho rằng những người thua cuộc trong lần bỏ phiếu vừa rồi “đang làm mình làm mẩy”.

“Bị xúc phạm”

Những người tham gia tập trung tại Park Lane trước khi tuần hành qua quảng trường gần Tòa nhà Quốc hội.

Ông Bill Baker 59 tuổi cùng con gái mình là Jess Baker 22 tuổi đến từ Islington phía Bắc London, nói mình đã làm một lá cờ để giương lên trong cuộc tuần hành, trong đó ghi “Tôi mãi yêu EU”.

Cô Baker nói:

“Chúng tôi trước sau vẫn không muốn rời khỏi EU. Nhưng nếu bạn tôn trọng quyết định của trưng cầu dân ý – điều mà mọi người nên làm, thì chúng ta muốn nước Anh hướng về EU, một khuynh hướng rộng mở và dung hòa”.

Mặc dù không có một nhân vật nổi tiếng nào có mặt tại cuộc tuần hành, nhưng đã có ít nhất vài ngàn người trên diễu hành trên các đường phố gần khu Hyde Park.

Trong khi đó, bà Philippa Griffin 40 tuổi, đến từ Hertfordshire nói:

“Tôi cảm thấy hoàn toàn bị xúc phạm bởi cách người ta bỏ phiếu, những lời nói dối mà cuộc trưng cầu dân ý này dựa vào, và sự chia rẽ mà đất nước đang phải hứng chịu vì hậu quả của nó.

“Một kết cục lý tưởng từ cuộc tuần hành này, theo tôi, là các dân biểu phải nhận ra rằng rời việc Anh khỏi EU không phải là điều dân chúng thực sự mong muốn.

“Đất nước chúng ta đã thay đổi.” 

Truyền thống Ăng-lê

Không hề có một tổ chức chính thức nào tham gia tuần hành và sự có mặt của cảnh sát tại đây cũng rất hạn chế.

Đã có những hộ gia đình có mặt đầy đủ trong buổi tuần hành kể từ người già, trẻ nhỏ, độ tuổi trung niên, người Anh, người châu Âu, người London và cả những người đến từ nhiều nơi khác.

Việc biểu thị cảm xúc này cũng mang màu sắc truyền thống Ăng-lê: một phong cách bình tĩnh, lịch sự và có trật tự.

Cuộc biểu tình đã được tổ chức một cách vội vã, khởi đầu bằng một lời kêu gọi đưa ra trên mạng xã hội chỉ một tuần trước.

Hôm nay, rất nhiều người đã chia sẻ những lời chế giễu Brexit trên mạng trước đó đã có mặt để trực tiếp đưa ra tiếng nói lo lắng của mình.

Có rất nhiều áp phích cổ động, biểu ngữ và những lá cờ biểu thị sự giận dữ và oán giận về cái cách mà chiến dịch “Ra khỏi” đã được tiến hành, cũng như việc không có một sự lãnh đạo rõ ràng sau khi trưng cầu dân ý kết thúc.

Những người biểu tình đưa những lời phê bình trên mạng xã hội tuần hành vì châu Âu chỉ ra rằng đã có 17 triệu người bỏ phiếu ủng hổ "Ra khỏi EU".

Một số người khác dùng mạng xã hội Twitter lên án cuộc tuần hành là “đáng thương". Họ nói thêm rằng: “Người ta đang làm mình làm mẩy về một thực tế là họ đã không chiến thắng trong cuộc bầu cử”.

Nữ hoàng kêu gọi

Cảnh sát Đô thị Anh nói sẽ các nhà chức trách sẽ có mặt tại sự kiện để giữ trật tự một cách “linh hoạt và đúng mực”.

Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm tuần trước cho thấy khoảng 52% người dân nước Anh đã bỏ phiếu rời EU, trong khi gần 48% bỏ phiếu ở lại, trong số này, vùng London, Bắc Ireland và Scotland có tỷ lệ 'Ở lại' chiếm đa số.

Trong một diễn biến riêng rẽ, Nữ hoàng Anh hôm thứ Bảy đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc của Quốc hội Scotland.

Nữ hoàng nhấn mạnh sự khó khăn trong việc “giữ bình tĩnh và đoàn kết” trong một “thế giới ngày càng biến động”.

“Như cái cách tòa Quốc hội đã chứng minh trong những năm vừa qua, phẩm chất của lãnh đạo trong một thế giới chuyển động nhanh nhạy là cân nhắc kỹ lưỡng cách đối đầu tốt nhất với những thách thức và cơ hội mà nó mang lại,” nữ Hoàng Anh, người vừa kỷ niệm trọng thể sinh nhật lần thứ 90 mới đây, nói trong một diễn văn.

Trong một diễn biến khác, một kiến nghị trên mạng lấy chữ ký của người dân với hàng triệu người tham gia đã được gửi tới Quốc hội Anh qua trang mạng của nghị viện.

Kiến nghị này đề nghị Quốc hội tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về tư cách thành viên của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireladn trong Liên minh châu Âu. - BBC
|
|

2.
Bangladesh: bắt cóc con tin 20 người chết

Các phần tử Hồi giáo ập vào nhà hàng đồng thời là quán cà phê có tên Holey Artisan Bakery để bắt giữ con tin nước ngoài vào tối thứ Sáu, theo giới chức Bangladesh.

Cuộc đối đầu giữa các tay súng vũ trang với quân đội Bangladesh kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ.

Cảnh sát nói trong số những kẻ tấn công, sáu người bị tiêu diệt và một người bị bắt. Cuộc tấn công này được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm.

Một số con tin nước ngoài đến từ Nhật Bản và Sri Lanka, vẫn theo giới chức Bangladesh.

Cuộc giằng co giữa cảnh sát và những kẻ bắt cóc bắt đầu khi mọi người đến nhà hàng ăn tối, sau tháng nhịn ăn của lễ Ramadan kết thúc.

"Đây là một hành động tàn ác", Thủ tướng Bangladesh bà Sheikh Hasina nói trong một phát biểu trên truyền hình.

"Có người Hồi giáo nào có thể làm như vậy? Đây là những kẻ vô thần.

"Chính phủ chúng tôi sẽ quyết tâm loại trừ khủng bố và tấn công vũ trang tại Bangladesh."

13 con tin đã được giải cứu bao gồm một người Nhật Bản và hai người Sri Lanka, theo Chuẩn tướng quân đội Naim Asraf Chowdhury.

Phó thư ký Chính phủ Nhật Bản, ông Koichi Hagiuda nói bảy người Nhật khác cũng đang ở quán cà phê vào thời điểm đó.

Tuy nhiên chính phủ Nhật Bản chưa thể liên lạc được với những người này.

Tấn công tàn bạo

Tướng Chowdhury nói các nạn nhân đã bị tấn công "dã man, tàn bạo" bằng một số vũ khí sắc nhọn.

Tờ Daily Star của Bangladesh nói các tay súng đã tra tấn những người nào không trích dẫn được kinh Koran.

Họ cũng chỉ cung cấp bữa tối cho những công dân Bangladesh, tờ Daily Star nói tiếp.

Suman Reza, một quản lý nhà hàng nói mình đang ở khu vực bàn ăn khi cuộc tấn công xảy ra nhưng đã kịp chạy lên mái nhà.

"Toàn bộ tòa nhà rung chuyển khi họ kích hoạt thuốc nổ," ông Reza nói với truyền thông của Bangladesh. Ông này sau đó nhảy khỏi tầng mái và chạy thoát.

Trước đó, quân đội Bangladesh cho biết đã bố ráp quán ăn, nơi các tay súng hôm thứ Sáu bắt giữ ít nhất 20 con tin, gồm cả người nước ngoài.

Họ nói rằng 13 con tin, trong đó có bốn người nước ngoài, đã được giải cứu.

"Cuộc đấu súng dữ dội đã diễn ra," Mizanur Rahman Bhuiyan, Lữ đoàn phản ứng nhanh, nói với Reuters.

Các vụ nổ cũng đã được nghe thấy trong khu vực.

Ít nhất hai cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng trước đó đêm 01/7 và 30 cảnh sát bị thương.

Giải cứu con tin

Giới chức nói với BBC rằng quân đội và biệt kích hải quân tiến hành chiến dịch giải cứu con tin, cùng với cảnh sát và lực lượng biên phòng Bangladesh.

Các xe bọc thép cũng được nhìn thấy tiến về phía quán Holey Artisan Bakery.

Người dân khu Gulshan cho biết họ nghe thấy nhiều tiếng súng, sau khi hàng trăm binh sĩ tiếp cận tòa nhà.

Tám hoặc chín người đàn ông có vũ trang xông vào quán ăn ở khu vực ngoại giao của thành phố vào khoảng 21:20 giờ địa phương, tức 20:20 giờ Việt Nam hôm 1/7 và nổ súng.

Một thông cáo phát trên hãng tin Amaq của IS cho biết các tay súng tấn công một nhà hàng "thường xuyên đón khách nước ngoài".

Thông cáo nói rằng hơn 20 người "quốc tịch khác nhau" đã bị giết chết, nhưng việc này chưa được xác nhận.

Cảnh sát và lực lượng an ninh đã bao vây khu vực và đang thương thuyết để giải thoát con tin.

“Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

"Chúng tôi đang tìm cách đối thoại với những kẻ tấn công,” Benazir Ahmed, Chỉ huy Lữ đoàn phản ứng nhanh của Lực lượng cảnh sát Bangladesh nói.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo mạng sống cho những người bị giữ ở bên trong.”

Rất lộn xộn

Quán này có nhiều khách hàng là nhân viên người nước ngoài, các nhà ngoại giao và những gia đình trung lưu.

Truyền thông trích lời các nhân chứng nói khi xảy ra vụ tấn công, họ đã nghe thấy những tiếng hô “Allahu Akbar”, có nghĩa là “Thánh Allah vĩ đại”.

Một nhân chứng khác nói cô nghe những tiếng ồn rất lớn, sau đó là tiếng súng nổ liên hồi.

“Kính của phòng tôi bị vỡ vụn,” Rashila Rahim nói.

“Cô của tôi, con gái bà và hai người bạn đến quán đó để dự Iftar (một buổi tiệc của tháng ăn chay Ramadan) và họ vẫn chưa quay về.

"Chúng tôi không biết có thể tìm họ ở đâu.”

Một cư dân địa phương, Tarique Mir, nói anh nghe thấy những tiếng súng rời rạc gần ba tiếng sau vụ tấn công xảy ra.

“Ở ngoài đó rất lộn xộn.

"Đường xá bị chặn và có hàng chục cảnh sát đặc biệt,” Tarique Mir nói.

Biên tập vùng nam Á của BBC, Jill McGivering nói dù những vụ tấn công bằng súng rất ít khi xảy ra ở Bangladesh.

Sự cố mới nhất tiếp theo các vụ sát hại gần đây đều được cho là do những kẻ cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra, vẫn theo biên tập viên của chúng tôi. - BBC
|
|

3.
Taliban: Thánh chiến chống sự chiếm đóng của Mỹ ở Afghanistan sẽ tiếp tục

Tân thủ lĩnh Taliban yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt điều ông gọi là “sự chiếm đóng” ở Afghanistan và tuyên bố rằng phong trào nổi dậy này của người Hồi giáo có quyết tâm “cứu” Afghanistan ra khỏi nanh vuốt của sự chiếm đóng của những kẻ ngoại đạo.

Mullah Hibatullah Akhundzada tuyên bố như vậy ngày hôm nay nhân dịp lễ kết thúc tháng Chay Ramadan.

Ông Hibatullah đã lên nắm quyền lãnh đạo Taliban vài ngày sau khi một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ngày 21 tháng 5 tại lân bang Pakistan giết chết thủ lĩnh Mullah Akhtar Mansoor của nhóm nổi dậy này.

Dưới sự lãnh đạo của Hibatullah, phe Taliban đã tăng cường những vụ tấn công và đánh bom tự sát nhắm vào các giới chức và các lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.

Vụ tấn công mới đây nhất xảy ra ở Kabul hôm thứ tư vừa qua, khi một vụ đánh bom kép bằng xe hơi nhắm vào một đoàn xe cảnh sát giết chết gần 40 tân binh cảnh sát và cảnh sát viên và gây thương tích cho nhiều người khác. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ tăng cường các biện pháp an ninh cho Lễ Độc lập

Các biện pháp an ninh đang dược tăng cường trên khắp nước Mỹ trong lúc dân chúng chuẩn bị mừng Lễ Độc lập mồng 4 tháng 7, sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh.

Các giới chức chấp hành luật pháp nói không có mối đe dọa cụ thể trong dịp lễ này.

Nhưng sau vụ tấn công ở phi trường Istanbul, Giám đốc CIA John Brennan cảnh báo rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo có thể tìm cách thực hiện một vụ tấn công tương tự ở Mỹ.

Cảnh sát vũ trang đang tuần tiễu tại các phi trường và các trạm xe lửa, xe buýt.

Bộ An ninh Nội địa lại một lần nữa kêu gọi dân chúng đề cao cảnh giác và báo cáo ngay cho nhà chức trách về những sự việc khả nghi. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Vụ kiện Biển Đông: Việt Nam kêu gọi tòa ra phán quyết "công bằng" --- Nhật Bản "quan ngại sâu sắc" về tình hình Biển Đông

Hai ngày sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho biết sẽ ra phán quyết vào ngày 12/07/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, Việt Nam kêu gọi tòa án này ra một phán quyết "công bằng".

Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, 01/07/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình bày tỏ mong muốn Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ ra một phán quyết "công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông".

Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam không kêu gọi các bên phải tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực. Ông Lê Hải Bình chỉ nhắc lại lập trường của Việt Nam là "ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982."

Về phần mình, Trung Quốc đã báo trước là sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, mà họ cho là không có thẩm quyền xét xử vụ này.

Trong khi đó, theo hãng tin AP, luật sư chính của phía Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, ông Paul Reichler ngày 30/06/2016  vừa qua đã dự báo tòa sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines, nhưng ông cho rằng phản ứng của quốc tế, đặc biệt của các nước khác trong vùng Biển Đông, sẽ có tính chất "quyết định" sau khi tòa ra phán quyết. Luật sư Reichler tin tưởng rằng, tuy Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không có một cơ chế để buộc thi hành phán quyết, dư luận quốc tế (sau vụ kiện này) sẽ có tác động lên Trung Quốc.

Cũng theo chiều hướng vận động dư luận quốc tế, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm qua cho biết là Manila sẽ đưa phán quyết về Biển Đông ra thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn Âu – Á ASEM, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/07 tại Mông Cổ. - RFI

***
Phát biểu ngày 01/07/2016 vào lúc Tokyo bắt đầu nắm chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bản An Liên Hiệp Quốc, đại sứ Nhật bên cạnh Liên Hiệp Quốc Koro Bessho tuyên bố, nếu được yêu cầu, hồ sơ Biển Đông sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng.

Ông Koro Bessho tuyên bố Tokyo "quan ngại sâu sắc" trước các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trong khu vực. Đại sứ Nhật Bản bên cạnh Liên Hiệp Quốc không ngần ngại thông báo là chủ đề này sẽ được đưa vào chương trình làm việc của Hội Đồng Bảo An nếu như một thành viên của Liên Hiệp Quốc yêu cầu.

Ông Koro Bessho phát biểu như trên trong bối cảnh vào ngày 12/07/2016 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.

Hãng tin Nhật Kyodo cho là các chuyên gia chờ đợi phán quyết của tòa án La Haye sẽ bất lợi cho Bắc Kinh. Kyodo cũng nhắc lại cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khu vực như Nhật Bản hay Úc, và cả châu Âu quan ngại trước việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng đảo nhân tạo, cơ sở quân sự trong các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông. - RFI
|
|

6.
Ba tỉnh Việt Nam muốn kết nối đường sắt cao tốc với Trung Quốc

Theo Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa, 3 tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai đã gửi đề xuất xây đường sắt cao tốc kết nối các địa phương này với Trung Quốc.

Thông tin tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 1/7, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho hay, hiện có 3 tỉnh là Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai đều đề xuất xây đường sắt tốc độ cao kết nối 3 tỉnh đó với Trung Quốc.

"Địa phương nào khi đề xuất cũng cấp bách và chính đáng. Chúng tôi sẽ tập hợp các đề xuất, xin ý kiến Thủ tướng", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Câu chuyện đường sắt tốc độ cao ở các địa phương miền Bắc và việc kết nối với mạng lưới giao thông Trung Quốc từng nhiều lần được đề cập. Cuối năm 2015, trong buổi làm việc với Bộ Giao thông, lãnh đạo Lạng Sơn cho hay phía Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét tài trợ vốn nếu ngành giao thông Việt Nam có chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội. 

“Phía Trung Quốc cho rằng đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn hiện dùng cho cả tàu hàng và chở khách nên tốc độ không cao và họ mong muốn có một tuyến với tốc độ cao khoảng 200 km/h”, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Trần Sỹ Thanh thời điểm đó cho biết.

Một vấn đề thời sự khác được đề cập trong phiên họp của Chính phủ ngày 1/7 là việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thừa nhận BOT có rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nêu thực tế khó khăn trong việc tìm nguồn vốn phát triển giao thông.

“Chúng tôi đang chờ quyết định cuối cùng để triển khai sử dụng vốn dư 17.000 tỷ đồng hoàn thành 24 dự án. Nếu không có gói đặc biệt thì nhiệm kỳ tới rất khó phát triển”, Bộ trưởng Nghĩa nói.

Ông thông tin, ngành giao thông đang tập trung cơ cấu lại hình thức vận tải, cơ cấu lại đầu tư. Năm năm qua đầu tư giao thông đường bộ quá lớn trong khi đầu tư cho đường thủy nội địa rất thấp.

“Cần tập trung tăng cường cơ sở hạ tầng cho đường thủy. Như đường thủy miền Tây đóng góp 70-75% năng lực vận tải”, ông Nghĩa nói. - vietnamnet

No comments:

Post a Comment