Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ họp khẩn sau cuộc đảo chính bất thành
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đang họp với hội đồng an ninh quốc gia của ông vào sáng thứ Tư sau cuộc đảo chính bất thành vào cuối tuần trước.
Ông sẽ họp với những bộ trưởng nội các khi cuộc họp an ninh kết thúc, sau đó dự kiến sẽ có một thông báo quan trọng.
Trước đó trong ngày thứ Tư, hội đồng giáo dục bậc cao của Thổ Nhĩ Kỳ đã loan báo một lệnh cấm những học giả đi ra nước ngoài và kêu gọi tất cả những người hiện đang ở nước ngoài nhanh chóng trở về nước.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bộ giáo dục đã sa thải 15.200 giáo viên trên cả nước, trong khi bộ nội vụ sa thải gần 9.000 nhân viên. Thêm 1.500 nhân viên trong bộ tài chính bị sa thải, cũng như hàng trăm người khác trong cục sự vụ tôn giáo, bộ gia đình và chính sách xã hội và văn phòng thủ tướng. Hội đồng quản trị giáo dục bậc cao của đất nước đã yêu cầu 1.577 chủ nhiệm khoa trong các trường đại học từ chức.
Những vụ sa thải diễn ra sau khi khoảng 9.000 người ở thủ đô Ankara bị câu lưu vì bị tình nghi có dính líu trong âm mưu lật đổ chính phủ của Tổng thống Erdogan.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra cuộc đảo chính bất thành vào cuối tuần trước.
Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama và ông Erdogan đã điện đàm hôm thứ Ba. Ông Obama nêu rõ rằng Mỹ sẽ "cung cấp sự hỗ trợ thích hợp" cho cuộc điều tra.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen để đối mặt với những cáo buộc nói rằng ông ta có dính líu tới âm mưu đảo chính. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc không nêu chi tiết lập trường của Mỹ về khả năng dẫn độ ông Gulen, nhưng nói rằng quyết định sẽ được đưa ra theo một hiệp ước lâu dài giữa Ankara và Washington.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc điện đàm với ông Erdogan, ông Obama đã cực lực lên án âm mưu đảo chính và kêu gọi tiến hành những cuộc điều tra và truy tố liên quan đến cuộc nổi dậy này theo những cách thức củng cố niềm tin của công chúng vào những định chế dân chủ và pháp trị.
Trong một cuộc điện đàm khác hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Işik. Ông Işik bảo đảm với ông Carter rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác và đồng minh kiên định và quyết tâm trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Işık trước đó định sẽ tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng mà ông Carter tổ chức vào ngày thứ Tư tại Washington về nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo, nhưng giờ nói rằng ông phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi cho Mỹ những hồ sơ về ông Gulen, người đã định cư ở Mỹ từ năm 1999. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Washington đã nhận được một số "tài liệu" từ Ankara, nhưng nói rằng họ đang làm việc với Bộ Tư pháp để thẩm định và phân tích "liệu những tài liệu này có cấu thành một yêu cầu dẫn độ chính thức hay không."
Ông Gulen sinh sống ở Pennsylvania trong khuôn viên Trung tâm Nghỉ dưỡng và Thờ phượng Thế hệ Vàng, một cơ sở do người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ thành lập. Triết lý của ông pha trộn một hình thức thần bí của đạo Hồi với một sự kiên quyết tán đồng dân chủ, giáo dục, khoa học và đối thoại liên tôn. Phong trào của ông hoạt động tại hàng chục trường học độc lập ở Hoa Kỳ.
Ông Gulen tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ, với những người ủng hộ trong giới truyền thông, cảnh sát và ngành tư pháp.
Ông Erdogan và ông Gulen từng là đồng minh, nhưng đã cạch mặt nhau vì những cuộc điều tra tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2013. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã quy trách ông Gulen về những cuộc điều tra này.
Sau khi đi sống lưu vong, ông Gulen cũng đã chỉ trích nền cai trị ngày càng độc đoán của ông Erdogan, trong khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch rộng lớn nhắm vào phong trào của ông Gulen.
Hôm Chủ nhật, ông Erdogan cho biết ông sẵn sàng tái lập án tử hình trong nước sau khi xảy ra âm mưu đảo chính. Nhưng trưởng ban đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, cảnh báo rằng một biện pháp như thế có thể chấm dứt các hy vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà Mogherini nói: “Tôi xin nói rất rõ ràng rằng không một nước nào có thể trở thành thành viên EU nếu đề xuất án tử hình.”
Thổ Nhĩ Kỳ chưa hành quyết ai kể từ năm 1984, và án tử hình đã được chính thức hủy bỏ vào năm 2004 trong khuôn khổ cố gắng của Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên hiệp châu Âu. - VOA
|
|
2.
TQ kêu gọi dân 'yêu nước bằng lý trí' --- Biển Đông: Dân biểu và ngư dân Đài Loan ra đảo Ba Bình --- Không quân Úc: Vẫn tuần tra Biển Đông bất chấp đe dọa từ Trung Quốc --- Phán quyết về Biển Đông: Khả năng gây áp lực hạn chế của phương Tây
Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi người dân "yêu nước bằng lý trí" giữa lúc đang xảy ra hàng loạt các vụ biểu tình bài Mỹ trên đường phố, trước các tiệm thuộc chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh KFC.
Người biểu tình giận dữ về kết quả phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hôm 12/7 theo đó bác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vụ việc do Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, đệ đơn kiện.
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng "chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến" thể hiện trong các cuộc biểu tình đang "gây hại cho quốc gia".
Quy mô các cuộc biểu tình lớn tới đâu?
Không phải là quá lớn, nhưng rất sôi nổi.
Trong những ngày gần đây, các nhóm nhỏ người biểu tình tụ tập bên ngoài các cửa hàng KFC, bắt đầu từ Hà Bắc rồi lan ra các nơi khác, trong đó có Trường Sa và Hàng Châu, truyền thông nhà nước nói.
Họ hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ và trưng các tấm biển ghi "Cút hỏi Trung Quốc ngay, KFC và McDonalds".
KFC hiện có hơn 4.000 chi nhánh tại Trung Quốc và thường được coi như biểu tượng cho sức ảnh hưởng của Mỹ tại nước này.
Trong một số đoạn video chiếu cảnh biểu tình được đăng trên Sina Weibo, người ta thấy cảnh sát can thiệp.
Truyền thông nhà nước nói gì?
Một bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói cảnh sát và truyền thông cùng "kêu gọi yêu nước bằng lý trí".
Một bài khác viết: "Thay vì yêu nước, chủ nghĩa sô-vanh đang làm hỏng đi tinh thần hy sinh vì tổ quốc."
"Những người tổ chức các hoạt động này không thông qua những trình tự cần thiết và đã quấy rối người khác một cách bất hợp pháp nhân danh lòng yêu nước cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật."
Tại Trung Quốc, biểu tình khi chưa được giới chức cấp phép là điều bị cấm.
Nhưng KFC thì liên quan gì tới tòa trọng tài?
Chẳng liên quan. Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc Mỹ xúi giục đồng minh Philippines thách thức Trung Quốc tại tòa trọng tài.
Tòa PCA tại The Hague hôm 12/7 ra phán quyết rằng không có bằng chứng cho các đòi hỏi về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với vùng nước và tài nguyên trong phạm vi "đường chín đoạn", và Bắc Kinh vi phạm quyền chủ quyền của Philippines khi cản trở Manila có các hoạt động tại vùng biển này.
Trung Quốc đã tiến hành xây dựng ồ ạt trên một số đảo đá có tranh chấp, và các lực lượng của Trugn Quốc đã cản trở ngư dân Philippines tác nghiệp tại khu vực Bãi Scarborough, nơi Trung Quốc gọi là Bãi Hoàng Nham.
Trung Quốc từ chối tham dự quá trình xét xử và bác bỏ nội dung phán quyết.
Chỉ KFC thôi sao?
Không. Các công dân mạng Trung Quốc cũng chia sẻ online hình ảnh có những người đập điện thoại iPhone để phản đối phán quyết, hoặc quàng khăn với các khẩu hiệu yêu nước.
Trang mạng Shanghaiist nói tại Đại Liên, một người đàn ông đi giày Nike đã bị tấn công trên tàu điện ngầm, vì bị cho là dám mặc đồ mang nhãn hiệu Mỹ.
Philippines cũng bị một số người Trung Quốc trút giận trên mạng, với những lời kêu gọi tẩy chay món xoài nổi tiếng cũng các mặt hàng xuất khẩu khác của Philippines. - BBC
***
Tám dân biểu Đài Loan và một số ngư dân hôm nay 20/07/2016 ra đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) để phản đối phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) La Haye, ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của Đài Bắc.
Tám dân biểu thuộc đảng Dân Tiến cầm quyền và Quốc dân đảng đối lập đã lên một chiếc máy bay quân sự đến đảo Ba Bình ở Trường Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Năm tàu cá treo cờ Đài Loan và các băng-rôn với dòng chữ "Bảo vệ quyền đánh cá, bảo vệ chủ quyền" từ thị trấn Bình Đông (Pingtung) cũng lên đường đến Ba Bình để phản đối điều mà họ gọi là mối đe dọa cho sinh kế của ngư dân. Cuộc hải hành mất khoảng năm, sáu ngày.
Tuần trước Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn tự vẽ, bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông. Điều quan trọng đối với Đài Loan là Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa cũng bị tòa án coi là "đá" chứ không phải là "đảo", và như vậy Đài Loan không có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh như mong muốn.
Sau phán quyết của PCA, Đài Bắc đã gởi ngay một chiến hạm ra Ba Bình để "bảo vệ chủ quyền trên biển". Hôm nay các dân biểu Đài Loan xem trình diễn kỹ năng chiến đấu của lực lượng tuần duyên và thăm các cơ sở tự cung tự cấp, sau đó ra về trong buổi chiều. Còn các ngư dân khi đến nơi sẽ nhận được nước uống tại chỗ, như một bằng chứng cho thấy Ba Bình là đảo có thể sinh sống chứ không phải là đá.
Năm ngoái, Đài Loan đã khánh thành một hải đăng chạy bằng năng lượng mặt trời, mở rộng phi đạo và cầu tàu ở Ba Bình. Tại đây còn có một nông trại, giếng nước, bệnh viện và đền thờ ; hầu hết cư dân làm việc cho lực lượng tuần duyên, khoảng 160 người. Chính quyền Đài Bắc cũng nói sẽ tiếp tục gởi các máy bay, tàu đến tuần tra ; và trục xuất các tàu nước ngoài đi vào khu vực 200 hải lý xung quanh Ba Bình, bất chấp phán quyết.
Ba Bình (Itu Aba island) là đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa của Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc, và người Pháp có lập một trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng Quốc tế công nhận. Trong Đệ nhị Thế chiến, quân đội Nhật Bản chiếm đảo để làm căn cứ tàu ngầm, đến cuối năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc cho quân đổ bộ lên Ba Bình. - RFI
***
Vào lúc Trung Quốc không ngần ngại cảnh cáo Úc là không nên theo Mỹ can dự vào Biển Đông, tư lệnh Không Quân Hoàng Gia Úc, tướng Leo Davies vào hôm qua, 19/07/2016 đã tái khẳng định rằng ông "muốn thấy" chiến hạm và phi cơ Úc tiếp tục tuần tra thường xuyên ở Biển Đông bất chấp căng thẳng quân sự đang gia tăng. Trong công tác này, Úc sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác.
Theo tướng Leo Davies, nhịp độ các chiến dịch tuần tra của Không Quân Úc vẫn được duy trì. Trong năm nay, Úc đã thực hiện 32 phi vụ tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch mang tên Gateway (tạm dịch là Cửa Ngõ).
Mục tiêu của các phi vụ tuần tra Biển Đông, theo tư lệnh Không Quân Úc là khuyến khích và thúc đẩy "việc xây dựng một trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp". Không quân Úc do đó sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh, đối tác và với các lực lượng không quân khác cùng chí hướng để xác định cách thức Úc "đóng góp thực tế vào việc đảm bảo quyền tự do hàng hải".
Dù không nêu đích danh Biển Đông, nhưng tướng Davies xác định rằng Úc sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu cam kết quốc tế được nêu lên trong Sách Trắng Quốc Phòng của mình. Ông nói rõ:
"Chúng ta cần điều động các máy bay giám sát P3 và các loại tàu Hải Quân. Chúng ta cần đến những nơi có các láng giềng trong khu vực, và thực hiện điều mà chúng ta vẫn làm trong 30, 40 năm qua".
Tuyên bố của tư lệnh Không quân Úc như là một câu trả lời rõ ràng đối với những lời đe dọa của Trung Quốc, mà gần đây nhất là tuyên bố của vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh đã chuẩn bị “các biện pháp đáp trả dữ dội" nếu các quốc gia như Úc tham gia tuần tra gần khu vực tranh chấp ở Biển Đông viện cớ bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Quan chức này không ngần ngại cảnh cáo Úc là không nên tham gia bất kỳ một cuộc tuần tra nào của Mỹ nhằm thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường trực La Haye. - RFI
***
Đúng như chờ đợi, Trung Quốc đã hung hăng bác bỏ phán quyết về Biển Đông của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye. Trước lúc Tòa Án ra phán quyết, Hoa Kỳ như đã áp dụng một chiến lược gọi là shamefare, tạm dịch là « bêu xấu », lợi dụng việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ phán quyết quốc tế để cô lập Trung Quốc về mặt ngoại giao trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nguồn tin cho biết là Mỹ đã âm thầm vận động các nước trong khu vực trong vài tháng qua. Theo suy nghĩ của Mỹ, "chiến lược bêu xấu" sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc trước nguy cơ uy tín của họ trong khu vực và trên quốc tế bị tổn hại.
Trên lý thuyết, chiến lược này có vẻ rất tốt, thế nhưng, theo nhận định của chuyên gia Julian Ku trên trang blog về luật pháp Lawfare ngày hôm qua, 19/07/2016, thì một tuần sau khi phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye được ban hành, kết quả cuộc vận động ngoại giao của Mỹ khá nghèo nàn và đáng thất vọng.
Dĩ nhiên là ngay hôm Tòa Án ra phán quyết, Mỹ và Nhật Bản đã ra tuyên bố gần như là giống nhau về sự kiện đó. Trong hai thông cáo rất ngắn gọn đầu tiên của mình, cả Washington lẫn Tokyo đều thẩm định rằng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài mang tính chất "ràng buộc pháp lý (legally binding)" đối với cả Philippines lẫn Trung Quốc. Cả hai bản thông cáo cũng đều cho biết rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản "chờ đợi" là cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tuân thủ các quyết định trọng tài.
Dè dặt trước tính' ràng buộc pháp lý'
Thế nhưng, cho dù Mỹ và Nhật đã từng gây áp lực ngoại giao trước đó, chỉ có một vài nước là đã lên tiếng công nhận tính chất "ràng buộc pháp lý" của phán quyết về Biển Đông.
Theo chuyên gia Tạ Yến Mỹ (Yanmei Xie) thuộc tổ chức Khủng Hoảng Quốc Tế (International Crisis Group), trong số các quốc gia quan trọng, từ Việt Nam, Malaysia, Singapore, cho đến Nga, Ấn Độ..., cho đến nay, mới chỉ có Úc và New Zealand nêu lên tính "ràng buộc về mặt pháp lý" của phán quyết. Còn các quốc gia hay tổ chức khác thì chỉ dùng những công thức chung chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS và các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Trong khi không nước nào trong số này phủ nhận một cách rõ ràng phán quyết của tòa án La Haye, thì Nga và Pakistan lại có vẻ như là tán đồng lời than phiền của Trung Quốc, theo đó phán quyết được áp đặt một cách "đơn phương".
Điều quan trọng là cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn ASEAN đều không nhất trí được để đưa ra một tuyên bố rõ ràng xác định tính ràng buộc pháp lý của phán quyết trọng tài, và kêu gọi hai nước Trung Quốc và Philippines tuân thủ. Ngay cả văn phòng của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng không dám thừa nhận khi bị chất vấn, là phán quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thậm chí còn giữ khoảng cách với Tòa Án Trọng Tài Thường Trực...
Đối với tác giả bài phân tích, chiến lược "bêu xấu" chỉ có thể được gọi là thành công khi tất cả, hoặc là đa số các nước trong khu vực sẵn sàng lên tiếng công nhận rằng phán quyết rọng tài có tính ràng buộc về mặt pháp lý và các nước đã ký kết UNCLOS, như Trung Quốc, nên tôn trọng phán quyết. Đằng này, các công thức chung chung, trừu tượng được đa số các tác nhân chủ chốt - đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN - đưa ra, có thể được Trung Quốc dễ dàng chấp nhận, và đó chính là một vấn đề.
Điều đó không có nghĩa là Philippines không được lợi lộc gì về mặt ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Mỹ, ngày 12/07 vừa qua đã liệt kê những kỳ vọng (hay hy vọng) về khả năng phán quyết có thể giúp giải quyết tranh chấp trong khu vực.
Hy vọng trên không phải là không có cơ sở. Khi thẩm định rằng tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đông chỉ là đá hay bãi cạn, và đường chín đoạn của Trung Quốc không cho nước này các quyền hạn về hàng hải, phán quyết trọng tài sẽ mở cửa cho một số thỏa hiệp. Thay vì đánh nhau để giành quyền đánh bắt cá và khái thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển, các bên đều sẽ bị giới hạn trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý hay vùng đặc quyền kinh tế EEZ ven biển.
Về nguyên tắc, vùng biển tranh chấp sẽ ít hẳn đi vì căn cứ theo phán quyết, không một quốc gia duy nhất nào (ngay cả Philippines cũng vậy) có quyền đòi hỏi quyền lợi hàng hải trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. Các luật sư có thể được mời vào và các thỏa thuận về đánh cá chung và khai thác đáy biển trong khu vực đều có thể được đàm phán một cách văn minh.
Vấn đề tuy nhiên lại là Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn cho rằng họ là nước duy nhất nắm giữ các quyền hạn trên biển tại vùng quần đảo Trường Sa.
Thật khó mà tưởng tượng ra việc Trung Quốc chấp nhận một nửa ổ bánh, hoặc thậm chí ba phần tư ổ bánh, trừ phi nước này bị áp lực và buộc phải chấp nhận. Bằng cách bôi nhọ một cách triệt để các quyết định trọng tài, và bằng cách lớn tiếng để cho hầu hết các nước đều muốn giữ thái độ trung lập trước việc Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa Án Thường Trực, Trung Quốc sẽ không cảm thấy là họ cần phải từ bỏ bất cứ điều gì vào lúc này.
Mỹ sẽ phải tìm kiếm thêm đối sách
Sau khi đã cam kết ủng hộ phán quyết trọng tài, Mỹ giờ đây chỉ còn nước nhắc nhở Trung Quốc và thế giới rằng phán quyết của Tòa Án La Haye có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Thế nhưng, ít ra là sau một tuần, tình thế có vẻ như là phán quyết đã không thay đổi được gì nhiều cảnh quan ngoại giao.
Có lẽ bước tiếp theo là phải do Philippines tiến hành, phải ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hoặc cuộc họp hàng năm của các thành viên Công Ước UNCLOS để tìm kiếm một nghị quyết kêu gọi tuân thủ phán quyết. Tuy nhiên, với chiến dịch ngoại giao chớp nhoáng mới đây, Trung Quốc có thể là đã thu hút được đủ số phiếu ủng hộ từ các nước nhỏ để ngăn chặn một nghị quyết như vậy.
Theo bài phân tích, ngoại giao có thể thực hiện được những điều tuyệt vời. Thế nhưng một tuần sau khi phán quyết Biển Đông được ban hành, khó có thể nói được là con đường ngoại giao vừa qua đã mang lại hiệu quả. Nếu muốn sử dụng phán quyết để gây áp lực hoặc áp đặt chi phí lên Trung Quốc, thì Mỹ còn có rất nhiều việc phải làm. Và, trong khi chờ đợi, Hoa Kỳ cần nghiêm túc tìm kiếm thêm nhiều giải pháp phi ngoại giao. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ông Trump chính thức được đề cử, và tiến tới việc hàn gắn Ðảng Cộng hòa
Ðảng Cộng hòa chính thức đề cử ông Donald Trump làm ứng cử viên tổng thống hôm thứ Ba, tức là ngày thứ hai của đại hội đảng toàn quốc đang diễn ra tại thành phố Cleveland, bang Ohio. Các đối thủ trước đây của ông Trump và các thủ lãnh của đảng cùng hợp sức hậu thuẫn cho tỉ phú bất động sản này, trong lúc Ðảng Cộng hòa hướng tới việc đoàn kết và chống lại với người sẽ được Ðảng Dân chủ đề cử là bà Hillary Clinton.
Cuộc tranh cử tổng thống với rất ít cơ may thành công của ông Donald Trump đã đạt được kết quả mỹ mãn hôm thứ Ba khi Ðảng Cộng hòa chính thức xác nhận ông là ứng cử viên tổng thống sau cuộc biểu quyết điểm danh truyền thống theo danh sách tiểu bang.
Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan thuộc Ðảng Cộng hòa phát biểu:
"Sau khi nhận được đa số phiếu bầu hợp lệ tại đại hội, ông Donald J. Trump đã được chọn là người được Ðảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống Hoa Kỳ."
Chính tiểu bang nhà New York của ông Trump đã quyết định việc đề cử, và kết quả biểu quyết chung cuộc được con trai, tên Donald Junior, của ông công bố:
"Chúc mừng bố, chúng con yêu bố."
Và bước sang đêm thứ hai liên tiếp, ông Trump đã phá lệ phát biểu tại đại hội, lần này là phát biểu qua video nối trực tiếp với văn phòng của ông ở New York:
"Sát cánh bên nhau chúng ta đạt kết quả lịch sử với tổng số phiếu lớn nhất trong lịch sử của Ðảng Cộng hòa. Đây là một phong trào mà chúng ta tiếp tục phải đi đến cùng."
Tiếp theo việc đề cử ông Trump, phe Cộng hòa hướng tới hàn gắn những rạn nứt trong đảng của họ sau một cuộc tranh đua sơ bộ đầy chia rẽ, và dường như sốt sắng hướng đến cuộc vận động tổng tuyển cử.
Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan phát biểu:
"Quý vị nói gì khi đảng chúng ta đoàn kết lại với nhau vào thời điểm trọng yếu này khi sự đoàn kết là trên hết!"
Không khí đoàn kết bên trong hội trường tương phản hoàn toàn với những cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra chỉ cách đó vài khu phố. Đa số các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, song cũng có một trận ẩu đả hôm thứ Ba khi những người phản đối ông Trump xô xát với một người dẫn chương trình phỏng vấn theo chủ trương bảo thủ, và sự việc đã khiến cảnh sát phải nhanh chóng can thiệp.
Trong khi đó, các đối thủ trước đây của ông Trump, trong đó có bác sĩ phẫu thuật đã về hưu Ben Carson và Thống đốc Chris Christie của bang New Jersey, hướng mục tiêu tấn công vào bà Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ.
Ông Christie nói: "Chúng tôi biết chính xác bà Hillary Clinton sẽ làm được những gì trong 4 năm – đó sẽ là toàn bộ những thất bại trong những năm của ông Obama mà lại thiếu sự duyên dáng và nhiều lời gian dối hơn."
Ông Josh Price, người đại diện cho ông Trump ở New York, nói rằng nước Mỹ sẵn sàng đón một nhà lãnh đạo không có gốc chính trị:
"Theo tôi, ông Trump đã bước vào lãnh vực này rất thành công, một người nói thẳng, đi trực tiếp vào vấn đề và không nói theo kiểu một chính trị gia."
Trong ngày thứ Tư, đại hội của Ðảng Cộng hòa sẽ tập trung vào chính sách đối ngoại. - VOA
|
|
4.
Phó Tổng thống Biden nói bóng gió về việc Mỹ sẽ can thiệp ở Biển Đông --- Hoa Kỳ nói các lực lượng Mỹ sẽ vẫn hoạt động ở Biển Đông
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói bóng gió rằng Mỹ sẽ can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông nếu cần thiết và dường như đã dọn đường để đề nghị Australia tham gia vào việc này.
Những ý kiến của ông Biden đã được nêu ra hôm 20/7 trong bài phát biểu tại Tòa thị chính Paddington ở Sydney trong chuyến thăm ngắn đến Australia. Ông đã tập trung nhấn mạnh đến mối quan hệ và liên minh Mỹ-Australia cũng như nói hàm ý về việc Mỹ sẽ can dự nhiều hơn nữa vào khu vực Thái Bình Dương và Biển Đông có tranh chấp.
Bài phát biểu trước cử tọa Australia của ông có đoạn: "Chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Và điều đó vô cùng quan trọng bởi vì sự hiện diện của chúng tôi ở khu vực rất thiết yếu đối với việc duy trì hòa bình và ổn định, và tôi tin không có những điều đó thì tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng sẽ đổ vỡ. Nước Mỹ có vai trò then chốt và chúng tôi muốn bảo đảm các vùng biển được an toàn, bầu trời luôn rộng mở. Đó là cách duy trì dòng chảy thương mại tự do là mạch máu của cả khu vực. Đó là cách duy nhất mà các nước chúng ta sẽ có thể tăng trưởng và thành công cùng nhau."
Phó Tổng thống Mỹ không nêu cụ thể tranh chấp Biển Đông song ông bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường các liên minh và gia tăng hợp tác với các nước châu Á trong đó có Philippines, Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Ông Biden cho biết ông đã từng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ không bị làm nản chí và rời bỏ vai trò của mình ở Thái Bình Dương.
Ông Biden phát biểu rằng quân đội của hai nước Mỹ và Australia, vốn là đồng minh thân cận của nhau từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để cùng nhau duy trì an ninh của khu vực Thái Bình Dương cũng như duy trì ảnh hưởng của hai nước ở đó. - VOA
***
Trong khi thăm một căn cứ hải quân Trung Quốc, Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson hôm 20/7 nói các lực lượng quân sự của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông phù hợp với luật quốc tế.
Biển Đông lâu nay có nhiều tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số nước khác.
Tại cuộc gặp ông Viên Dự Bách, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc, Đô đốc Richardson đã "nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động đúng luật và an toàn do các lực lượng hải quân chuyên nghiệp tiến hành ở Biển Đông và các nơi khác."
Đô đốc Mỹ khẳng định các lực lượng Mỹ sẽ vẫn đi biển, bay và thực hiện các hoạt động khác ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Ông nói: "Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thường lệ và đúng luật trên khắp thế giới, kể cả ở Biển Đông, nhằm bảo vệ các quyền lợi, các quyền tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời của mọi người. Điều này sẽ không thay đổi."
Trước đó, tại Bắc Kinh, Tư lệnh Hải quân Mỹ đã họp trong 3 giờ với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi. Ông Ngô đã nói với Đô đốc Richardson rằng Trung Quốc sẽ không ngừng các dự án xây đảo ở Nam Sa, quần đảo có nhiều tranh chấp mà Việt Nam gọi là Trường Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bất chấp những phản đối của Việt Nam và một số nước khác trong vùng. Mới đây, Tòa Trọng tài quốc tế đã phủ nhận tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc song nước này không công nhận phán quyết của tòa.
Bắc Kinh cũng liên tục đổ lỗi cho Mỹ về việc khuấy động vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ đã làm Trung Quốc bực bội khi tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải sát những thực thể do Trung Quốc nắm giữ.
Chỉ cách đây ít ngày, một đô đốc Trung Quốc cảnh báo những cuộc tuần tra tự do hàng hải của hải quân nước ngoài ở Biển Đông có thể kết thúc “trong thảm họa.” Còn hôm 20/7, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa Xã, đã có bài viết nói rằng các nước bên ngoài khu vực hãy đứng ngoài Biển Đông, nếu không sẽ gây ra những vấn đề không mong muốn. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Quốc hội không bàn phán quyết Biển Đông do bị chỉ đạo? --- Tân Quốc hội Việt Nam họp phiên đầu
Quốc hội thứ 14 của Việt Nam đã bắt đầu phiên họp đầu tiên vào sáng 20/7. Một trong những việc quan trọng trong kỳ họp là bầu các lãnh đạo hàng đầu của đất nước.
Gần như chắc chắn Quốc hội khóa này – được bầu ra trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 – sẽ bỏ phiếu để bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang vẫn sẽ là Chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn là Thủ tướng. Ba nhân vật này đã được bầu vào các vị trí vừa kể bởi Quốc hội khóa trước đã kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng Tư.
Việc bầu lại ba vị trí lãnh đạo hàng đầu chỉ có tính chất thủ tục. Từ sau cuộc bầu cử Quốc hội đến nay, đã có nhiều ý kiến của nhân dân trên mạng xã hội về sự rườm rà, lãng phí khi phải thực hiện thủ tục bầu và tuyên thệ cho cùng một dàn lãnh đạo cao cấp tới hai lần. Với tư cách cử tri, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Hoàng Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét với VOA:
"Người dân người ta biết được chất lượng của Quốc hội hay là của những cái bình bầu đều không phản ánh trung thực mà nó được sắp xếp đâm ra người ta coi nó trở thành hình thức. Thì cái việc đấy, tất nhiên là từ cái việc thủ tục đến cái hình thức thì tất nhiên tốn chi phí của dân thì người ta phản ứng là điều dĩ nhiên."
Báo chí Việt Nam đưa tin trong kỳ họp kéo dài đến ngày 29/7, Quốc hội sẽ quyết định về cơ cấu và các thành viên Chính phủ, bao gồm cả việc phê chuẩn các phó thủ tướng và các bộ trưởng. Tin cho hay Quốc hội sẽ dành khoảng hai ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số nội dung quan trọng khác.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển ở mức vừa phải, trong sáu tháng đầu năm có mức tăng GDP là 5,5% so với mức 6,3% của cùng kỳ năm trước. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 19/7 cho rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại do nông nghiệp bị ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng và tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp đã giảm xuống.
Ngoài ra, tại kỳ họp, chính phủ sẽ gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay tìm kiếm cứu nạn hồi giữa tháng 6, và báo cáo về tình trạng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền trung hồi đầu tháng 4.
Thông tin từ cuộc họp báo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trước khi Quốc hội khai mạc cho thấy sẽ không có phiên thảo luận nào về phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) về Biển Đông, vốn là một mối quan tâm lớn của cử tri, đồng thời là một vấn đề sát sườn với lợi ích của Việt Nam. Nhà hoạt động Hoàng Dũng, người đã biểu tình chớp nhoáng trước Lãnh sự quán Trung Quốc để hoan nghênh phán quyết của PCA, đưa ra bình luận:
"Nó cũng chỉ thêm bằng chứng là Quốc hội này không hoàn toàn tự chủ mà họ toàn theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản thôi. Theo tôi thì Quốc hội tối thiểu phải ra một tuyên bố về Biển Đông, tuyên bố về PCA, và có thể là tuyên bố về đường lưỡi bò. Tối thiểu phải thể hiện một quan điểm. Dù có thể là một quan điểm bị chỉ đạo hay bị kiểm soát nào đấy thì Quốc hội cũng nên có để tỏ ra rằng mình đang tồn tại. Chứ Quốc hội lại không có thông tin gì về vấn đề này thì sẽ lại càng bị người dân không coi trọng."
Trong tổng số 494 đại biểu Quốc hội chỉ có 20 người không phải là đảng viên cộng sản. Ông Hoàng Dũng nói ông sẽ gửi thư hoặc tin nhắn đến đại biểu Trương Trọng Nghĩa của thành phố Hồ Chí Minh để chất vấn về vấn đề này. Ông Nghĩa được xem là một đại biểu hay phát biểu thẳng thắn về những vấn đề quan trọng hoặc gai góc.
Lâu nay, cử tri Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ trên mạng xã hội và đôi khi trên báo chí chính thống rằng Quốc hội cần làm rõ những thông tin về Việt Nam đang nắm giữ những gì ở Biển Đông, cũng như đang phải đối mặt với những vấn đề pháp lý, chủ quyền và quân sự nào. Cử tri cũng nhiều lần đề nghị Quốc hội phải sớm đưa ra luật biểu tình để người dân có thể biểu đạt quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông và các vấn đề khác mà không sợ bị công an, an ninh ngăn chặn, bắt bớ. - VOA
***
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 diễn ra từ ngày 20 đến 29/7 tại Hà Nội, “tập trung vào công tác bầu các chức danh Nhà nước cấp cao nhiệm kỳ 2016 - 2021".
Quốc hội dự kiện tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước (ngày 22/7); bầu Chủ tịch nước (ngày 25/7); bầu Thủ tướng Chính phủ (chiều 26/7)...
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, tại kỳ họp, ông Nguyễn Thiện Nhân Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đọc báo cáo nêu: “Nhân dân đề nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; giám sát công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết”.
“Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đưa ra thông điệp về thảm họa tại miền Trung:
"Đặc biệt, sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Quốc hội chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước và yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm để giải quyết có hiệu quả, nhanh chóng những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân," bà Ngân nói.
Vài ngày trước, Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác nhận việc tước tư cách một nữ dân biểu có hai quốc tịchvì “phạm luật”.
Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc được truyền thông tại Việt Nam dẫn lời nói việc không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14 với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) có hai quốc tịch là “hoàn toàn bất ngờ”. - BBC
|
|
6.
Trung Quốc có thể gia tăng đòi hỏi về chủ quyền biển Đông
Một tuần sau phán quyết của tòa thường trực trọng tài quốc tế (PCA) trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp ở khu vực biển Đông. Trung Quốc thông báo nước này sẽ thực hiện một cuộc tập trận ở khu vực biển Đông và đã thực hiện những tuần tra trên không thường xuyên trên các thực thể đang tranh chấp với các nước. Những động thái này cho biết điều gì về chính sách biển Đông sắp tới của Trung Quốc và các nước có thể trông đợi gì về phản ứng của Mỹ.
Việt Hà phỏng vấn giáo sư Allen Carlson, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học Cornell. Trước hết nhận định về những hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc ở biển Đông, giáo sư Carlson cho biết:
Theo tôi đó có thể là mở đầu của một loạt những hành động gây hấn trong phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của tòa. Nhưng thực ra còn quá sớm kể từ khi tòa ra phán quyết khoảng 1 tuần trước. Nhưng theo tôi với hành động quân sự dạng này, Trung Quốc có thể sẽ gia tăng đòi hỏi về chủ quyền bằng cách đưa ra các phản ứng mạnh mẽ hơn thay vì chấp nhận phán quyết của tòa.
Trung Quốc có xuống thang?
Việt Hà: Trong một hội thảo mới đây tại Washington DC ngay sau phán quyết của tòa PCA, một học giả Trung Quốc nói rằng Trung Quốc rất linh hoạt trong việc giải quyết các tranh chấp và có thể chấp nhận một số điểm mang tính kỹ thuật trong một số trường hợp. Liệu đây có thể coi là sự xuống thang trong chính sách biển Đông của Trung Quốc hay chỉ là lời nói nhằm xoa dịu quốc tế sau phán quyết được cho là đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế?
Gs. Allen Carlson: Theo tôi thì họ đang chơi một trò chơi 2 mức. Thứ nhất là họ phải giải thích với dân chúng trong nước. Chúng ta đã biết là có một mức độ nhất định về tinh thần dân tộc ở ngay trong Trung Quốc. Trong bối cảnh đó thì vấn đề chủ quyền khó có thể linh hoạt được. Cùng lúc đó thì Bắc Kinh đang nổi lên là một cường quốc của thế giới, một nước đóng vai trò xây dựng trên thế giới. Theo tôi, với ảnh hưởng rộng của phán quyết, nếu Bắc Kinh phủ nhận ngay lập tức thì đây sẽ là một cú đánh vào tiếng tăm của Trung Quốc trên trường quốc tế cho nên cuối cùng điều mà họ phải làm là cùng một lúc làm thỏa mãn tinh thần dân tộc đối với những đòi hỏi trước đó trong nước liên quan đến vấn đề chủ quyền, trong khi vẫn phải tỏ ra là không quá hiếu chiến trên diễn đàn quốc tế.
Việt Hà: Theo ông phán quyết này có ảnh hưởng thế nào đến tương lai chiến lược ở biển Đông của Trung Quốc trong 10 hay 20 năm nữa?
Gs. Allen Carlson: Dự đoán một tương lai dài như vậy với Trung Quốc là rất khó khăn và có nhiều điều chưa chắc chắn. Nhưng theo tôi thì sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta nhìn lại quá trình 20 năm vừa qua với những thay đổi có lợi choTrung Quốc. Thay đổi đó là sự tan rã của Liên Xô, một cường quốc ở biển mà trong suốt 3 thập niên đã làm Trung Quốc lo lắng về những vấn đề biên giới và đe dọa có thể có từ Liên Xô.
Đầu những năm 90, khi những đe dọa đó mất đi, Trung Quốc nhìn ra bên ngoài và nhìn vào khu vực biển như một hướng về sức mạnh quân sự và là nguồn năng lượng. Hướng về tương lai, xét trong bối cảnh mà Trung Quốc từ lâu đã có những đòi hỏi về chủ quyền và đang gia tăng những đòi hỏi này, hơn nữa lúc này Trung Quốc lại có khả năng để hỗ trợ những đòi hỏi này với sự phát triển của lực lượng hải quân thuộc quân đội nhân dân Trung Hoa, theo tôi đây là một phán quyết mang tính bước ngoặt và những ảnh hưởng ban đầu từ phán quyết này vẫn chưa thấy hết.
Việt Hà: Ông có nói là Trung Quốc có thể gia tăng những đòi hỏi về chủ quyền ở biển Đông. Trung Quốc cũng đã chính thức khước từ phán quyết và nói sẽ không lùi bước trước những hành động của mình ở biển Đông. Ông đánh giá thế nào về khả năng một xung đột có thể xảy ra ở đây như những gì đã xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc trước kia?
Gs. Allen Carlson: Tôi nghĩ có một khả năng riêng biệt ở đây nhất là ở mức độ mà phán quyết đưa ra khi trước đó Trung Quốc cũng đã dự đoán là phán quyết sẽ không có lợi cho họ. Nhưng cuối cùng phán quyết quá rộng. Phán quyết đã đụng chạm đến tất cả những gì mà Trung Quốc đã làm trong suốt một thập kỷ qua, từ đường đứt khúc 9 đoạn đến vùng đặc quyền kinh tế có thể thiết lập quanh các thực thể mà Trung Quốc nói là có chủ quyền lịch sử, và cụ thể hơn là những hoạt động cụ thể của Trung Quốc ở biển Đông, như hoạt động xây lấp, nạo vét bị cho là đã không quan tâm đến vấn đề môi trường ở khu vực. Tất cả những điều này đều vi phạm tinh thần của UNCLOS. Bắc Kinh sẽ rất căng thẳng từ giờ trở đi và một phần trong cách ứng xử của Trung Quốc theo tôi sẽ phụ thuộc vào cách mà Philippines là nước liên quan trực tiếp trong vụ kiện và Việt Nam sẽ phản ứng thế nào.
Mỹ sẽ làm gì?
Việt Hà: Trung Quốc mới đây tuyên bố tập trận ở biển Đông và có thể là các nước còn phải tiên liệu những hành động gây hấn khác nữa từ Trung Quốc, liệu chúng ta có thể trông đợi gì vào những hành động của Mỹ trong thời gian tới?
Gs. Allen Carlson: Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vẫn duy trì một lập trường là không tham gia vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng ủng hộ những biện pháp giải quyết hòa bình, và đặt chú trọng vào tự do hàng hải trong khu vực. Tôi nghĩ rằng trong vòng khoảng 6 tháng tới khó có khả năng là những nước lớn sẽ có những hành động quan trọng làm thay đổi thực trạng. Điều mà chúng ta có thể thấy nhiều hơn là những hoạt động phía sau, có thể là những đối thoại mức hai và mức ba để thảo luận và tìm ra những đồng thuận vào lúc mà phán quyết đã được ra. Nếu Bắc Kinh thực sự vẫn kiên quyết theo lập trường của mình thì theo tôi điều này sẽ kéo theo những phản ứng mạnh mẽ hơn từ Việt Nam và Philippines và điều này sẽ kéo Mỹ vào sâu hơn trong xung đột ở đây.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về khả năng sẽ có những thay đổi sắp tới trong chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đang tiến hành ở biển Đông?
Gs. Allen Carlson: Hoa Kỳ đang có những vấn đề nội bộ trong khoảng thời gian này. Theo tôi chính quyền của Tổng thống Obama sẽ cố gắng tránh làm những gì khiến căng thẳng tăng cao hơn. Hơn thế nữa, ai mà biết được ai sẽ là Tổng thống tiếp theo ở Mỹ. Có nhiều ẩn số còn chưa được biết rõ.
Việt Hà: Ông có nói là nước Mỹ đang trong năm bầu cử. Nếu trường hợp Donald Trump, người đã từng có những tuyên bố có thể làm các đồng minh của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản và Nam Hàn phải lo ngại, được bầu làm tổng thống Mỹ, thì điều này có ảnh hưởng thế nào tới cam kết của Mỹ ở biển Đông?
GS. Allen Carlson: Donald Trump đã đưa ra những bình luận khắp nơi liên quan đến chính sách của Mỹ, chính sách của Mỹ ở châu Á. Ông ấy cũng tấn công Trung Quốc theo nhiều cách, chủ yếu là về thương mại và kinh tế. Ông không nói nhiều lắm về yếu tố quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc. Cho nên đây vẫn là một con bài ẩn. Còn nếu Hillary Clinton được bầu làm Tổng thống thì bà ấy sẽ phải đối phó cùng lúc với một loạt các tranh cãi liên quan đến Trung Quốc kể từ thời bà ta là phu nhân Tổng Thống, đến khi là Thượng nghị sĩ, rồi làm Ngoại trưởng. Thực ra đến giờ vẫn chưa rõ Bắc Kinh thích ai làm tổng thống hơn.
Việt Hà: Một số chuyên gia quốc tế cho rằng Hoa Kỳ đã không đủ mạnh trong phản ứng với Trung Quốc. Một số thượng nghĩ sĩ cho rằng Hoa Kỳ nên chủ động hơn thay vì có phản ứng sau khi Trung Quốc đã có hành động. Theo ông thì Hoa Kỳ có khả năng đưa ra những tiếp cận chủ động nào?
Gs. Allen Carlson: Tôi muốn quay lại câu hỏi về khả năng ai, Trump hay Clinton sẽ là Tổng thống. Theo tôi cả hai đều có thể có những tiếp cận more muscular đối với khu vực này so với những gì mà Tổng thống Obama đã làm trong năm trước. Liên quan đến xung đột ở biển Đông, có những biện pháp trực tiếp và gián tiếp, mà Washington có thể thực hiện. Gián tiếp là xây dựng mối quan hệ sâu hơn với Philippines và Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Không phải là xây dựng liên minh mà là tăng cường hợp tác trong một loạt lĩnh vực. Về các biện pháp trực tiếp, rõ ràng là Bắc Kinh đã từ chối phán quyết của tòa hồi tuần trước và Hoa Kỳ cảm thấy phải hành động để cho thấy sự ủng hộ của Mỹ với phán quyết này, có thể là tăng cường các hoạt động của chương trình tự do hàng hải. Nhưng ở đây cũng có điểm mỉa mai ở đây là Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS. Vì vậy khi Mỹ ở vị trí ủng hộ một thỏa thuận nhiều phía mà chính Mỹ cũng chưa phê chuẩn sẽ cho thấy vấn đề đạo đức giả.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về khả năng Mỹ sẽ phê chuẩn UNCLOS trong tương lai?
Gs. Allen Carlson: Theo tôi nếu Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống thì sẽ rất có ít hy vọng là Mỹ sẽ phê chuẩn UNCLOS. Còn nếu Hillary chiến thắng thì cũng khó khăn vì phải có một thay đổi lớn trong thượng viện. Điều này cũng có thế xảy ra nếu Trump không giành được nhiều sự ủng hộ trong mua thu này và có thể dẫn đến những thay đổi ở thượng viện. Điều này sẽ dẫn đến một khả năng riêng biệt là Hoa Kỳ có thể tiến tới phê chuẩn UNCLOS. - RFA
No comments:
Post a Comment