Saturday, July 16, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 16/7

Tin Thế Giới

1.
Hàng ngàn quân nhân bị bắt, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố âm mưu đảo chính đã thất bại

Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 2839 binh sĩ và sĩ quan đã lập kế hoạch để âm mưu đảo chính vào khuya thứ Sáu đã bị  bắt giữ, giữa lúc Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo một Giáo sĩ Hồi giáo sống lưu vong là người tổ chức âm mưu này.

Tin còn cho hay có tới 2,745 thẩm phán bị tạm ngưng việc vì có những liên hệ với giáo sĩ Fetullah Gulen. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật rằng có 140 trát bắt giữ được ban hành, chống một số thành viên của toà án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen, đang cư ngụ tại bang Pennsylvania, Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc cho rằng ông là người đứng sau âm mưu đảo chính. Hôm thứ Bảy, Ngoại Trưởng Kerry cho biết Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen, nhưng Hoa Kỳ sẽ cứu xét việc này nếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trình ra những chứng cớ vững chắc cho thấy ông Gulen đã làm điều sai trái.

Ngỏ lời trước quốc dân vào chiều thứ Bảy - giờ địa phương, Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim miêu tả đêm hôm trước là “một vết nhơ đối với quốc gia.”

Trước đó trong một bài diễn văn phát đi trên đài truyền hình, Tham mưu trưởng quân lực Thổ Nhĩ Kỳ Umit Dundar ca ngợi “sự hợp tác lịch sử giữa chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ”, tuy nhiên ông cảnh báo rằng các hành động của các  quân nhân đã dàn dựng âm mưu đảo chính sẽ không được dễ dàng tha thứ.

Ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến sự điên rồ của một nhóm người đã nổ súng và đánh bom vào quốc hội của chính họ, nhân dân của chính họ, và tài nguyên đất nước họ. Chúng ta sẽ không bao giờ quên những hành động ấy.”

Có những tin tức khác nhau về con số người bị giết trong các vụ chạm trán, nhưng các giới chức cho hay có ít nhất 161 người thiệt mạng.

Các giới chức tình báo và quân sự Tây phương đang theo sát các diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO và là đồng minh chủ yếu của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ cũng hậu thuẫn phe đối lập ôn hoà đang tìm cách lật đổ chế độ của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad.  

Có tin tường thuật rằng các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn các máy bay chiến đấu của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik. Các giới chức Mỹ cho hay họ đang đòi phía Thổ Nhĩ Kỳ giải thích lý do. - VOA
|
|

2.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Nice

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng xe tải ở Nice, miền Nam nước Pháp ngày Quốc Khánh 14/07/2016.

Ngày 16/07/2016, hãng tin Amaq, có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trích dẫn "một nguồn tin an ninh", khẳng định hung thủ dùng xe tải đụng chết 84 người ở Nice là "một chiến sĩ của Nhà Nước Hồi Giáo", đã thực hiện chiến dịch này theo lời kêu gọi tấn công vào các công dân những quốc gia tham gia liên quân chống Daech.

Các cơ quan tình báo của Pháp hiện đang kiểm chứng tính xác thực của thông tin nói trên. Hiện chưa rõ là hung thủ người Tunisia, Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, 31 tuổi, có liên hệ gì đến Hồi giáo cực đoan hay không. Tuy nhiên, theo lời biện lý Paris François Molins trong cuộc họp báo hôm qua, vụ tấn công đẩm máu ở Nice diễn ra đúng theo những lời kêu gọi giết người mà phe thánh chiến thường đưa ra. Cho tới nay, Daech vẫn thường nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố thông qua hãng tin Amaq.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech vẫn thường xuyên đe dọa trả đủa nước Pháp về việc Pháp tham gia liên quân quốc tế tấn công lực lượng thánh chiến ở Syria và Irak. - RFI
|
|

3.
Nhật Bản gia tăng sức ép lên Trung Quốc sau phán quyết về Biển Đông

Tại cuộc họp thượng đỉnh Diễn Đàn Âu-Á (ASEM), Nhật Bản gia tăng sức ép lên Trung Quốc để đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông.

Theo hãng tin Nhật Jiji Press, nhân hội nghị thượng đỉnh ASEM ở Ulan Bator, Mông Cổ, ngày 16/07/2016, thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc lại với các lãnh đạo khác về "nguyên tắc phổ quát" của luật quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Trong phán quyết đưa ra ngày 12/07, tòa án này đã cho rằng không có sở pháp lý nào để Bắc Kinh khẳng định "quyền lịch sử" đối với các tài nguyên ở các khu vực nằm trong đường 9 đoạn, còn được gọi là "đường lưỡi bò", bao phủ hơn 80% diện tích Biển Đông.

Đây là một phán quyết thuận lợi cho Nhật Bản, vì nước này cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông.

Tại thượng đỉnh ASEM ngày 16/07, thủ tướng Abe đã kêu gọi các bên có liên hệ tuân thủ phán quyết nói trên của Tòa Trọng Tài Thường Trực và đi đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Trong những ngày qua, Tokyo đã nỗ lực vận động để đưa Biển Đông thành một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEM. Tại Ulan Bator, thủ tướng Abe cũng đã gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay.

Với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Abe đề nghị là Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tăng cường lực lượng trên biển. Còn theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nhật Bản, khi gặp thủ tướng Abe, ngoại trưởng Philippines đã chấp nhận sẽ "hợp tác chặt chẽ" tại các hội nghị của ASEAN trong tương lai để bảo đảm là tất cả các bên sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Trong cuộc hội đàm với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 15/07 bên lề thượng đỉnh ASEM, ông Abe cũng đã đặt thẳng vấn đề Biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng "trật tự quốc tế dựa trên luật pháp". Nhưng ông Lý Khắc Cường đã đáp trả rằng Nhật Bản, không có liên quan gì đến tranh chấp Biển Đông, nên "có thái độ kềm chế, không đổ dầu vào lửa và không can thiệp vào vấn đề này". - RFI
|
|

4.
Sam Rainsy vận động EU tiến hành chế tài để hối thúc Campuchia cải thiện nhân quyền

Lãnh tụ đối lập Campuchia đang tự nguyện sống lưu vong, ông Sam Rainsy đang vận động quốc hội Liên Hiệp Âu Châu, tức cơ quan lập pháp của EU, hãy áp đặt các biện pháp chế tài tiếp theo sau những hành động đàn áp có phối hợp của chính quyền đối với giới bất đồng sau vụ giết hại một nhân vật chỉ trích chính phủ nổi tiếng hồi tuần trước.

Nói chuyện với Ban tiếng Campuchia của Đài VOA sau khi ra điều trần trước các nhà lập pháp EU, ông Rainsy nói ông hy vọng Âu Châu sẽ giữ cam kết đã đưa ra trước đó, liên kết viện trợ cho Campuchia với những cải thiện về nhân quyền.

Trong khi các nhà lập pháp có thể biểu quyết để áp đặt các biện pháp trừng phạt chống các cá nhân có dính líu đến các tội ác như giết người và các tội phá hoại môi trường, ông nói họ đang cứu xét giải pháp đóng băng tài chính những người liên hệ.

Ông Rainsy nói: “Họ đang cứu xét việc thực thi những hành động cụ thể chưa từng diễn ra trước đây để áp lực chính quyền Campuchia phải thay đổi, và ngưng đàn áp người dân vô tội.”

Ông Rainsy cho biết ông đã nêu lên vụ giết ông Kem Ley, người hay chỉ trích chính quyền được nhiều người biết tiếng, với các nhà lập pháp của quốc hội EU, trong khi nhiều người Campuchia tin rằng vụ sát hại ông Kem Ley là một vụ giết người được nhà nước Campuchia bảo trợ.

Ông Rainsy còn nói rằng các chính khách EU đã tỏ ý muốn thấy Campuchia tổ chức các cuộc bầu cử tự do và minh bạch trong những năm sắp tới, là điều mà ông mô tả là “cách duy nhất để mang lại thay đổi trong hoà bình, dẫn tới dân chủ.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Phúc trình về cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 và vai trò của Ả Rập Xê-út

Tòa Bạch Ốc nói rằng 28 trang trong phúc trình về cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 được giải mật, sẽ không thay đổi kết luận cuộc điều tra quốc hội, rằng chính phủ Ả Rập Xê-út và các giới chức nước này đều không giúp tài trợ, hoặc chỉ đạo các cuộc tấn công của al-Qaida nhắm vào Hoa Kỳ.

Thủ lãnh khối thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi cho hay việc công bố 28 trang trong phúc trình 11 tháng 9, từng được cho là thông tin mật, sẽ được giải mật ‘bất cứ lúc nào’.

Nói chuyện với các nhà báo hôm thứ Sáu, Người phát ngôn của Tòa Bạch ốc Josh Earnest nói phúc trình này “sẽ xác nhận điều mà chúng tôi đã nói từ lâu”, rằng phần tài liệu được viết lại là để phục vụ cuộc điều tra.

Ông nói Uỷ ban điều tra ngày 11 tháng 9 đã lần theo đầu mối các thông tin và không tìm thấy “chứng cớ rằng chính phủ Ả Rập Xê-út hoặc các giới chức hàng đầu Ả Rập Xê-út đã tài trợ, hay lập kế hoạch thực hiện vụ tấn công ngày 11/9/2001.”

Một số nhà lập pháp và giới chỉ trích tin rằng chính phủ Ả Rập Xê-út đã đóng 1 vai trò trong các cuộc tấn công 11 tháng 9, và đã hối thúc suốt 13 năm qua, phải tiết lộ nộ dung của 28 trang bị kiểm duyệt trong phúc trình của uỷ ban điều tra.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, ông Earnest chỉ ra rằng trước khi phúc trình được giải mật, Tòa Bạch ốc sẽ phối hợp với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia và quốc hội “để bảo đảm các yếu tố ngoại giao được tính đến một cách thích hợp.” - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Kênh truyền hình ở Việt Nam ngừng chiếu phim Trung Quốc

Một kênh truyền hình địa phương ở trong nước đã ngưng chiếu một bộ phim Trung Quốc vì “diễn viên chỉ trích phán quyết của Tòa Trọng tài” về vụ kiện của Philippines.

Trong đoạn video ngắn xuất hiện trên mạng xã hội hôm 16/7, nữ phát thanh viên tên Thu Thủy thông báo rằng Đài truyền hình Bình Thuận ngừng chiếu phim “Tân Bến Thượng Hải”.

Người dẫn chương trình nói: “Vì lý do khách quan liên quan tới các diễn viên đã lên tiếng chỉ trích phán quyết của PCA (Tòa Trọng tài) đối với Trung Quốc và 'đường lưỡi bò' trên biển Đông và để thể hiện rõ ràng quan điểm của cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước, nay, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận thông báo tạm dừng phát sóng bộ phim 'Tân Bến Thượng Hải' vào lúc 11h50 phút hàng ngày”.

Thay vì tiếp tục phát sóng bộ phim trên, Đài truyền hình này cho biết sẽ chiếu phim của Hàn Quốc dài 45 tập.

Trả lời phỏng vấn của truyền thông trong nước, bà Đặng Thị Kim Oanh, Phó giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Thuận, cho biết rằng “một số diễn viên trong phim, trong đó có diễn viên chính Huỳnh Hiểu Minh lại ký vào một bản phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc”.

Bà Oanh nói thêm: “Vì vậy, chúng tôi thấy không nên tôn vinh những diễn viên này. Vì thế chúng tôi quyết định ngưng chiếu phim 'Tân Bến Thượng Hải' để chiếu phim 'Khu vườn thiên đường' của Hàn Quốc".

Đầu tuần này, Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ở La Haye, Hà Lan, đã ra phán quyết tuyên bố phần thắng nghiêng về Philippines.

Tòa này rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", và “đường đứt khúc 9 đoạn” này không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Sau khi nhiều ngôi sao Trung Quốc lên tiếng ủng hộ tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” của nước này ở vùng biển tranh chấp, trên mạng xã hội Facebook, nhiều nghệ sĩ của Việt Nam đã đăng tải hình ảnh nói “không” với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh “tuân thủ phán quyết” của Tòa Trọng tài. - VOA

No comments:

Post a Comment