Thursday, December 14, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 14/12

Tin Thế Giới


1.

“Cánh tay nối dài” của Trung Quốc gây quan ngại ở Mỹ


Việc Bắc Kinh đổ tiền của ra để xây dựng một mạng lưới có ảnh hưởng trong lòng xã hội và hệ thống chính trị Mỹ nhằm làm lợi cho Trung Quốc đã đặt ra một mối nguy cơ về an ninh đối với Hoa Kỳ, còn lớn hơn cả sự can dự của Nga, một nghị sĩ Mỹ cảnh báo.


Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây như Úc, New Zealand và cả Canada, mới đây đã bị rúng động vì các tin bị phanh phui về các nỗ lực của Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng lên các chính trị gia, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp tại các nước này. Các chính khách và các nhà chiến lược Hoa Kỳ đã bắt đầu nhận thức được vấn đề và đang tìm cách giải quyết.


Hôm 13/12, Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) đã tổ chức một buổi điều trần có chủ đề ‘Cánh tay nối dài của Trung Quốc’ để xem xét tình trạng Bắc Kinh đang xây dựng ảnh hưởng chính trị, kiểm soát các cuộc thảo luận về các chủ đề nhạy cảm, can thiệp vào các tổ chức quốc tế, đe dọa các nhà hoạt động nhân quyền, kiểm duyệt sách vở của các nhà xuất bản nước ngoài, và tác động vào các trường đại học và các viện nghiên cứu.


“Chúng ta nói rất nhiều về việc Nga tác động vào cuộc bầu cử ở nước chúng ta, nhưng nỗ lực của Trung Quốc để ảnh hưởng tới chính sách và các quyền tự do cơ bản của chúng ta còn ở quy mô rộng lớn hơn nhiều, so với những gì chúng ta nghĩ,” Thượng nghị sỹ Marco Rubio, đồng chủ tịch của CECC, phát biểu trong phiên điều trần.


Ông nói: “Đó là một nỗ lực toàn diện không chỉ nhằm mục đích thuyết phục để mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn với Trung Quốc, mà còn để gây hại cho người Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ.”


Theo tờ Washington Post thì chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ có ‘quy mô và phạm vi rất lớn’. Mục đích bao trùm của chiến dịch đó là bảo vệ chế độ chuyên chế của Bắc Kinh trước những lời chỉ trích, và xuất khẩu mô hình của Trung Quốc đến phần còn lại của thế giới.


Chiến lược của Bắc Kinh ở Hoa Kỳ trước hết, là chặn đứng những chỉ trích về Trung Quốc và sau đó là lôi kéo những người có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ a dua theo luận điệu của Trung Quốc.


Một trong những dẫn chứng mà Thượng nghị sĩ Marco Rubio đưa ra là các Viện Khổng Tử mà chính phủ Trung Quốc mở tại các trường đại học ở Hoa Kỳ vẫn hoạt động theo những hợp đồng mờ ám và thường bị chỉ trích là can thiệp vào các hoạt động giảng dạy có liên quan đến Trung Quốc.


Các hoạt động tài trợ của Bắc Kinh cho các nghiên cứu của các viện chiến lược và các quan hệ đối tác trí thức cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, ông Rubio nói trong một phiên điều trần.


Một bài viết mới đây trên tạp chí Foreign Policy mô tả chi tiết làm sao mà ông Đổng Kiến Hoa, từng là Trưởng đặc khu Hong Kong, đã bỏ tiền ra để tài trợ các công trình nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp (SAIS) của Đại học John Hopkins, Viện Brookings và các cơ quan khác thông qua Quỹ Trao đổi Trung-Mỹ (CUSEF). Ông Đổng hiện là Phó Chủ tịch của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, cơ quan có liên quan đến nhiệm vụ thúc đẩy tuyên truyền về Đảng Cộng sản Trung Quốc ở nước ngoài.


Những cơ quan nhận tiền tài trợ của Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh rằng tính độc lập về mặt học thuật của họ vẫn được đảm bảo. Nhưng trong bối cảnh các cơ quan này đang rất cần tiền, họ lâm vào thế phải tự kiểm duyệt các sản phẩm của mình để tiếp tục được Trung Quốc tài trợ. Các nhà nghiên cứu hiểu rằng họ không nên ‘chõ mũi’ vào chuyện của Trung Quốc nếu muốn được tài trợ, còn các nhà xuất bản thì đồng ý xóa những bài báo chỉ trích khỏi các ấn phẩm của họ để được tiếp cận thị trường Trung Quốc.


Glenn Tiffert, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Hoover, nhận định:


“Bằng cách gây ảnh hưởng với các nhân vật có ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc đang dùng chính người Mỹ để truyền bá thông điệp của Bắc Kinh đến với dân Mỹ. Cách làm này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc các quan chức Trung Quốc đích thân vận động.”


Tờ Washington Post dẫn lời nhà nghiên cứu Tiffert nói:


“Cần phải có nhận thức ở Washington về mức độ các cơ quan nghiên cứu và học thuật của Mỹ đang dựa vào tiền của Trung Quốc,” ông Tiffert nói. “Mọi người đang bắt đầu đặt câu hỏi là người chi tiền có thể chi phối mọi chuyện như thế nào.”


Trước mối nguy đó, hình như Hoa Kỳ không có những biện pháp thích nghi để chống trả một cách hữu hiệu. Bắc Kinh cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trước sự thoái lui của chính quyền Tổng thống Donald Trump, không còn mạnh mẽ bảo vệ các giá trị truyền thống của Mỹ như dân chủ và nhân quyền.


Trung Quốc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng thúc đẩy thế giới đi theo mô hình chuyên chế của họ và áp dụng cách làm của họ vào các định chế quản trị thế giới.


Nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ càng được nêu bật khi câu chuyện tương tự xảy ra ở Úc. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull mới đây ban hành lệnh cấm nước ngoài tài trợ chính trị viện lý do là ‘những phúc trình đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc’.

Một thượng nghị sỹ của nước này là ông Sam Dastyari, thuộc Đảng Lao Động, bị cáo buộc là đã ‘ủng hộ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đi ngược với với lập trường của Đảng của ông để đổi lại sự tài trợ của nhà tài phiệt Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc’.


Ông Dastyari còn bị cáo buộc là đã khuyên ông Hoàng phải làm sao để tránh sự theo dõi của phía Úc vào lúc cơ quan tình báo Úc đang tiến hành theo dõi ông Hoàng. Ông nghị sĩ này còn tìm cách gây sức ép lên một lãnh đạo Đảng Lao động để ông này không gặp một nhà hoạt động dân chủ Hong Kong hồi năm 2015, mặc dù kế hoạch này bất thành.


Mới đây, Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) của Hoa Kỳ công bố một phúc trình về các chế độ chuyên chế. Phúc trình này nhận định rằng một mặt, Trung Quốc đang ngày càng đặt thêm rào cản trước ảnh hưởng chính trị và văn hóa từ bên ngoài, trong khi mặt khác, lại lợi dụng sự cởi mở của hệ thống dân chủ của các nước để làm lợi cho mình.


“Chính quyền Trung Quốc đã bỏ ra hàng triệu đô la để chi phối các giá trị, các phát ngôn và thái độ chính trị ở các nước khác,” ông Shanthi Kalathil, chuyên gia của NED nói.


Báo The Washington Post nhận định, dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, không có dấu hiệu gì cho thấy Washington có chiến lược gì để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. 


Tờ báo nói, chuyến công du châu Á mới đây của ông Trump được đánh dấu bởi sự mơ hồ về chính sách và sự kiện ông Trump không đạt được nhượng bộ nào đáng kể từ phía Bắc Kinh, mặc dù ông được Bắc Kinh đón tiếp trọng thị.


“Vấn đề của nước Úc là việc Trung Quốc sẵn sàng dùng các biện pháp cưỡng chế để đạt được giấc mơ của họ là sự phục hưng của đất nước Trung Hoa,” ông Alan Dupont, người sáng lập công ty tư vấn Cognoscenti Group, viết trên báo The Australian. “Trong khi với việc nước Mỹ của Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi vai trò lãnh đạo thế giới và việc nước Mỹ không có một chính sách châu Á rõ ràng thì Trung Quốc ngày càng gặp ít trở ngại trong việc thúc đẩy ảnh hưởng và tham vọng của mình.” - VOA

|

|


2.

Hoa Kỳ: Iran gây bất ổn khu vực


Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết rằng trong một cuộc họp báo hôm 14/12, Đại sứ Nikki Haley sẽ “nêu lên chuyện các hoạt động của Iran đang tiếp tục gây bất ổn khu vực Trung Đông” cũng như ở các nơi khác trên thế giới.


Bà Haley sẽ thảo luận một phúc trình của Liên Hiệp Quốc về việc triển khai thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức, vốn kêu gọi Iran không thực hiện các hoạt động liên quan tới tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân.


Một thông báo trước khi bà Haley phát biểu nói rằng bà sẽ trình bày “các bằng chứng không thể bác bỏ” rằng Iran không tuân thủ các cam kết với cộng đồng quốc tế, và đã tìm cách che giấu các hành động của mình.


Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời của người tiền nhiệm. Ông Obama từng coi đó là cách tốt nhất để bảo đảm rằng Iran không phát triển vũ khí hạt nhân.


Trong phúc trình gửi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres thúc giục Hoa Kỳ duy trì cam kết theo thỏa thuận hạt nhân và “cân nhắc các tác động đối với khu vực trước khi tiến hành bất kỳ bước đi nào”.


Hoa Kỳ và Ảrập Xêút cáo buộc Iran đã trang bị vũ khí cho các phiến quân Houthi ở Yemen, trong đó có quả tên lửa bắn vào Ảrập Xêút hồi tháng Bảy và tháng 11. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ cáo buộc đó. - VOA

|

|


3.

Myanmar: 7.000 người Rohingya bị giết trong tháng đầu chiến dịch quân sự - - - LHQ: Bắt nhà báo cho thấy tự do báo chí đang ‘xói mòn’ ở Myanmar


Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) hôm 14/12 cho biết có ít nhất 6.700 người Hồi giáo Rohingya bị giết trong tháng đầu tiên quân đội Myanmar phát động chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với thành phần nổi dậy người Rohingya.


Tổ chức nhân đạo quốc tế có trụ sở tại Geneva đưa ra con số ước tính trên sau khi tiến hành một cuộc khảo sát nhiều trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh. Theo MSF, trong số những người bị giết, có ít nhất 730 trẻ em dưới 5 tuổi.


Quân đội Myanmar bị tố cáo đã tiến hành một chiến dịch tàn bạo, đốt phá các làng mạc của người Rohingya ở vùng tây bắc bang Rakhine hồi tháng 8, để trả đũa các cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát.


Chiến dịch đó đã dẫn tới một cuộc di cư ồ ạt của 600.000 người Rohingyas, chạy sang nước láng giềng Bangladesh. Người tị nạn Rohingya đã báo cáo với các nhóm bênh vực nhân quyền về những hành động tàn ác của các lực lượng an ninh Myanmar, gồm bắn giết người vô tội vạ, hãm hiếp, đốt nhà và phóng hỏa toàn bộ nhiều ngôi làng.


Giám đốc Y tế của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, Sidney Wong, nói những kết luận của cuộc khảo sát “gây sửng sốt, cả về số lượng người báo cáo một người thân trong gia đình đã thiệt mạng vì bạo lực, lẫn về những cách khủng khiếp được miêu tả nạn nhân bị giết hoặc bị trọng thương như thế nào”.


Liên Hiệp Quốc mô tả các hoạt động của các lực lượng Myanmar là “thanh lọc sắc tộc”.


Các giới chức Myanmar nói chỉ có 400 người thiệt mạng trong những tháng đầu của cuộc đàn áp, phần lớn là thành phần khủng bố.


Người sắc tộc Rohingya bị từ chối quyền công dân và các quyền khác tại Myanmar, một đất nước nơi đa số dân theo đạo Phật.


Myanmar xem người Rohingya là người nhập cư từ Bangladesh, bất chấp thực tế là có nhiều gia đình đã sống ở Myanmar qua nhiều thế hệ. - VOA


***

Ngày 14/12, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói việc hai nhà báo của Reuters bị bắt giữ tại Myanmar là dấu hiệu cho thấy tự do báo chí ở nước này đang bị siết lại.


Ông Guterres bày tỏ quan ngại về những hành động vi phạm nhân quyền tại bang Rakhine. Ông nói các nhà báo của Reuters đã bị bắt “có thể” vì họ tường thuật về những gì đã chứng kiến” liên quan tới một “thảm kịch nhân đạo quy mô lớn”.


Hai nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị bắt hôm 12/12 tại thành phố Yangon. Hai ông bị buộc tội vi phạm “Luật về Bí mật quốc gia”.


Hai nhà báo bị cáo buộc là lập kế hoạch để “gửi các tài liệu an ninh quan trọng về các lực lượng an ninh tại bang Rakhine cho các cơ quan nước ngoài”, theo Hội đồng Báo chí Myanmar, một cơ quan của chính phủ.


Bà Ma Pan Ei, vợ của nhà báo Wa Lone, nói với đài VOA rằng gia đình bà không nhận được bất cứ thông tin nào về tình trạng của chồng bà.


Giám đốc Điều hành của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) Joel Simon nói với VOA rằng tổ chức của ông kêu gọi các nhà chức trách phóng thích các nhà báo ngay lập tức và vô điều kiện. Ông nói thêm rằng vụ bắt giữ xảy ra giữa lúc cuộc đàn áp trên diện rộng đang tác động nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của các nhà báo để tường thuật một câu chuyện có tầm quan trọng toàn cầu.


Khu vực phía Bắc bang Rakhine là trọng tâm của một chiến dịch quân sự của chính quyền Myanmar đã đẩy hơn 625.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.


Chiến dịch này đã được phát động hồi tháng 8 như một phản ứng sau các cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát. LHQ tố cáo chiến dịch này là một chiến dịch “thanh lọc sắc tộc”.


Chính quyền bán quân sự Myanmar đã cấm hầu hết các nhà báo và các nhà quan sát quốc tế tự do du hành tới khu vực này. - VOA

|

|


4.

Ông Putin bác bỏ Nga can thiệp bầu cử Mỹ - - - Putin: 'Đối lập phải có ý tưởng khiến dân tin'


Tổng thống Nga Valadimir Putin hôm 14/12 bác bỏ các cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, đồng thời cho rằng các đối thủ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tung tin như vậy để gây tổn hại tới uy tín của ông.


Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên kéo dài ở Moscow, ông Putin bày tỏ hy vọng rằng quan hệ Mỹ và Nga sẽ bình thường trở lại.


Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng ông Putin hạ lệnh mở chiến dịch tác động tới bầu cử Mỹ để giúp ông Trump giành thắng lợi trước đối thủ là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.


Ông Putin hôm 14/12 cũng nói rằng Nga lo ngại Hoa Kỳ rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, trong khi nước ông vẫn tuân thủ các hiệp định này.


Ông cũng nói rằng quân đội Nga vẫn sẽ phát triển theo nhu cầu mà không bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ.


Về Bắc Hàn, ông Putin nói rằng nếu Mỹ sử dụng vũ lực với nước này, quyết định đó sẽ dẫn tới “các hệ quả thảm khốc”.


Ông cũng nói rằng Nga không chấp nhận chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã khiêu khích Bình Nhưỡng làm điều đó. - VOA


***

Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức cuộc họp báo hàng năm vào hôm 14/12.


Một số điểm nhấn trong phát biểu của ông Putin tại đây:


Tổng thống Donald Trump

Tôi không phù hợp để đánh giá công việc tổng thống. Đó cần là việc của cử tri Mỹ.


Chúng tôi khách quan thấy có những tiến bộ lớn trong thời gian ngắn. Hãy xem các thị trường tăng trưởng. Nó nói lên niềm tin của nhà đầu tư vào kinh tế Mỹ.


Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Đều là ngụy tạo của những người chống Trump. Những người đó đang làm hại tình hình chính trị nội địa tại Mỹ.


Tái tranh cử năm 2018

Nước Nga phải đi về tương lai. Nga phải trở thành đất nước hiện đại với hệ thống chính trị linh động, kinh tế phải dựa vào công nghệ cao, hiệu năng lao động phải tăng lên.


Đối lập

Vì sao không có đối lập cạnh tranh ở trong nước, câu trả lời đơn giản nhất là việc nuôi dưỡng đối thủ không phải là cái tôi cần làm.


Tuy nhiên, anh có thể ngạc nhiên nhưng tôi tin rằng chúng ta không chỉ cần cạnh tranh kinh tế mà cả cạnh tranh chính trị.


Dĩ nhiên, tôi sẽ hài lòng nếu chúng ta có hệ thống chính trị cân bằng. Tôi muốn, và tôi sẽ làm vì điều đó. Và một hệ thống chính trị cân bằng thì phải có cạnh tranh.


Khi nói về đối lập, đừng có chỉ làm ồn trên quảng trường và nói về một chính thể chống nhân dân. Quan trọng là cần đề xuất, có gì đó cải thiện tốt hơn.


Dĩ nhiên con người không hài lòng với nhiều thứ hiện nay, đó là quyền của họ. Nhưng khi họ so sánh những gì mà các lãnh đạo đối lập đề xuất, cả đối lập chính thức và đặc biệt là các lãnh đạo của đối lập phi chính thức, họ bắt đầu nghi ngờ.


Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn nhất của những người muốn trở thành đối lập cạnh tranh. Họ cần một nghị trình cụ thể, không phải tưởng tượng. Một nghị trình cho người dân tin. Tôi hy vọng nó rồi sẽ xảy ra, càng sớm càng tốt.


Kinh tế Nga

Kinh tế đang tăng trưởng, đó là sự thật. Không có việc làm giả số liệu. GDP tăng 1,6%, sản lượng công nghiệp cũng tăng 1,6%. Ngành ô tô, công nghiệp nhẹ, nông nghiệp cũng tăng trưởng tốt.


Chúng ta đã vượt qua hai cú sốc, là giá năng lượng giảm mạng và cái gọi là trừng phạt.


Chi tiêu quân sự

Cho năm sau, chúng ta dự định dành 1,4 ngàn tỉ rouble (23,88 tỉ đôla) cho việc mua sắm và 1,4 ngàn tỉ cho việc tu sửa.


Bê bối doping

Một số người và tôi đều đã nói rằng bê bối này bị phóng đại trước lịch chính trị tại Nga.


Đồng thời chúng ta cũng có tội, chúng ta đem cho họ cái cớ vì có những vụ doping thật. Nó cũng xảy ra ở các nước khác nhưng không gây sốt chính trị. Rõ ràng có dụng ý chính trị. - BBC

|

|


5.

Trung Quốc chính thức cảnh cáo Mỹ về việc cho chiến hạm ghé cảng Đài Loan


Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lục Khảng (Lu Kang) ngày 14/12/2017 tuyên bố "mạnh mẽ chống đối mọi hình thức trao đổi chính thức và quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ với Đài Loan", và việc Mỹ cho tàu chiến ghé thăm cảng Đài Loan là một hành vi "can thiệp vào công việc nội bộ" của Trung Quốc.


Bản tin của AFP nhắc lại tới nay Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ "không thể tách rời" của Trung Quốc. Ông Lục Khảng trong cuộc họp báo sáng 14/12 nhấn mạnh rằng đã "mạnh mẽ và chính thức phản đối" với phía Hoa Kỳ về khả năng Washington điều chiến hạm đến thăm cảng Cao Hùng của Đài Loan.


Hôm 12/12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành một đạo luật về ngân sách quốc phòng mở đường cho việc tăng cường quan hệ giữa Hải Quân của Hoa Kỳ với Đài Loan.


Tuần trước, báo chí Bắc Kinh trích lời một nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là Trung Quốc sẽ "lập tức đổ bộ Đài Loan nếu như Mỹ cho tàu chiến cặp bến cảng Cao Hùng".


Washington không duy trì quan hệ ngoại giao một cách chính thức với Đài Bắc nhưng Mỹ là một nhà cung cấp vũ khí cho Đài Loan. - RFI

|

|


6.

Luật tài trợ chính đảng Úc: Bắc Kinh triệu mời đại sứ Úc để phản đối


Trung Quốc càng lúc càng gia tăng sức ép trên chính quyền Canberra trong bối cảnh tranh cãi bùng lên gay gắt liên quan đến việc Bắc Kinh bị tình nghi dùng các khoản tài trợ cho các đảng chính trị tại Úc để thao túng đời sống chính trị Úc. Động thái mới nhất được chính Trung Quốc loan báo ngày 14/12/2017 là triệu mời đại sứ Úc tại Bắc Kinh lên bộ Ngoại Giao để chất vấn.


Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng xác nhận rằng chính quyền Trung Quốc đã triệu mời đại sứ Úc tại Bắc Kinh đến bộ Ngoại Giao để có « một cuộc đối thoại quan trọng ». Tuy nhiên, ông Lục Khảng không cho biết là việc triệu mời diễn ra vào lúc nào. Đối với phát ngôn viên Trung Quốc : « Phía Úc đã biết rất rõ quan điểm của Trung Quốc về quan hệ song phương và những vấn đề liên quan ».


Động thái triệu mời đại sứ là một bước leo thang mới của Trung Quốc trong vụ Bắc Kinh bị cáo buộc tìm cách tác động đến đời sống chính trị Úc. Vào tuần trước, Bắc Kinh đã chính thức gởi công hàm phản đối Canberra sau khi Nghị Viện Úc nêu đích danh Trung Quốc là đầu mối gây quan ngại, khiến Úc phải đề xuất thêm luật lệ chống hành động nước ngoài xen vào nội tình nước Úc.


Các dự luật đã được đệ trình trước Nghị Viện tiếp theo một cuộc điều tra được chính thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ra lệnh thực hiện sau khi truyền thông Úc tiết lộ rằng Tình Báo Úc đã cảnh báo các chính khách từ cách đây hai năm về việc nhận tài trợ của hai tỷ phú có liên hệ với Trung Quốc.


Hôm 12/12, một thượng nghị sĩ Úc có thế lực đã phải rời bỏ Nghị Viện sau khi quan hệ đáng ngờ của ông với một nhà tài trợ chính trị giàu có thân cận với Đảng Cộng Sản Trung Quốc, bị vạch trần. - RFI

|

|


7.

Quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc tan băng


Tổng thống Hàn Quốc vào trưa 14/12/2017 hội kiến chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh. Seoul và Bắc Kinh trong giai đoạn hàn gắn bang giao sau nhiều tháng căng thẳng vì dự án triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Kinh tế cũng như hồ sơ hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên là trọng tâm chuyến công du Bắc Kinh lần này của tổng thống Hàn Quốc.


Theo hãng tin Mỹ AP, nguyên thủ hai nước chứng kiến lễ ký kết một loạt các thỏa thuận hợp tác, nhưng lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc không đưa ra một tuyên bố chung.


Các nhà quan sát tại chỗ cho biết, Bắc Kinh vẫn đòi Seoul phải rút lại quyết định triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Hoa Kỳ đặt trên lãnh thổ Hàn Quốc, bởi theo quan điểm của Trung Quốc hệ thống này nhằm theo dõi các hoạt động quân sự trong khu vực tây bắc Trung Quốc.


Bất đồng liên quan đến hệ thống phòng thủ THAAD tác hại đáng kể đến các hoạt động kinh tế của nhiều công ty Hàn Quốc tại Hoa Lục. Khối lượng du khách sang Hàn Quốc giảm mạnh. Từ khi đắc cử tổng thống hồi tháng 5/2017, ông Moon Jae In cố gắng tìm một thế cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD là một phương tiện "cần thiết" giúp Seoul đối phó với mối đe dọa xuất phát từ Bình Nhưỡng. Dù vậy, Seoul cam kết không mở rộng phạm vi hoạt động của hệ thống phòng thủ nói trên.


Một sự cố "đáng tiếc" đã xảy ra ngày 14/12 trong chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Moon Jae In : Nhiều phóng viên Hàn Quốc tháp tùng tổng thống Moon đã bị bảo vệ của Trung Quốc đánh đập, gây thương tích. Nhân viên của phủ tổng thống Hàn Quốc phải can thiệp. Đài truyền hình CNN thu thập được ảnh về sự cố nói trên. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hàn Quốc yêu cầu Bắc Kinh "làm sáng tỏ vụ việc".


Trước mắt, các hãng thông tấn chưa có nhiều thông tin về thảo luận giữa hai ông Tập Cận Bình và Moon Jae In về Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, đang có mặt tại Tokyo, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên kềm chế, tránh "lao vào chiến tranh như những kẻ mộng du".


Về phía Hoa Kỳ, chính sách đối ngoại của Washington đối với Bắc Triều Tiên tiếp tục bắn đi những tín hiệu trái ngược. Vài giờ sau khi bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng đối thoại "vô điều kiện" với Bình Nhưỡng, Nhà Trắng ra thông cáo cho rằng "chưa đến lúc" để chìa bàn tay thân thiện với chế độ Kim Jong Un. - RFI

|

|


8.

Láng giềng Trung Quốc có “gục ngã” trước chiến lược mê hoặc của Tập Cận Bình?


Ngày 13/12/2017, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thăm chính thức Trung Quốc. Sự kiện này có thể là dấu hiệu quan trọng hâm nóng quan hệ song phương trở nên căng thẳng từ năm 2016 khi cựu tổng thống Park Geun Hye đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.


Trong bài viết đăng trên South China Morning Post (11/12/2017), ông Douglas H. Paal, giám đốc chương trình châu Á của Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế, cho rằng chuyến công du của tổng thống Hàn Quốc được theo dõi và phân tích để xem khả năng chèo lái của Seoul giữa những tham vọng cạnh tranh nhau của Bắc Kinh và Washington trong việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, chuyên gia về châu Á cũng tìm hiểu chuyến công du này phù hợp với chính sách đối ngoại của Trung Quốc như thế nào ?


Thứ nhất, chuyến công du Bắc Kinh là một bài trắc nghiệm thực sự đối với tổng thống Hàn Quốc. Người tiền nhiệm Park Geune Hye từng trông đợi rất nhiều vào mối quan hệ với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để kiềm chế mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, trước khi rơi vào cảnh bối rối vì chủ tịch Trung Quốc không nhận các cuộc gọi của bà sau một vụ thử nguyên tử nghiêm trọng của Bình Nhưỡng.


Khi bà Park chấp nhận để Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, Bắc Kinh lại cho rằng sự việc này gây hại đến an ninh quốc gia và tung một chiến dịch tẩy chay, không chính thức nhưng rất hiệu quả, nhắm vào thương mại và ngành du lịch Hàn Quốc. Trong khi đó, Seoul lại cần tổ chức thành công Thế Vận Hội Mùa Đông vào tháng 02/2018 và sự đồng thuận của Trung Quốc là chìa khóa giúp các khán đài kín chỗ.

Về phần mình, Hoa Kỳ từng « chơi khó » tổng thống Moon khi một mặt, đẩy nhà lãnh đạo cánh tả ủng hộ phản ứng ngày càng hiếu chiến hơn của Washington trước hoạt động phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên ; mặt khác, buộc Seoul phải đàm phán lại thỏa thuận tự do thương mại Mỹ-Hàn, đã hai lần được thảo luận lại trước đó dưới thời tổng thống Bush và Obama. Tác giả bài viết so sánh tổng thống Moon như con tép nhỏ giữa bầy cá voi, và một kết thúc có hậu thì rất khó dự đoán.


Ngược lại, chủ tịch Tập Cận Bình, với vị trí được củng cố hơn sau đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, đang điều hành một nền kinh tế vững mạnh với những tham vọng toàn cầu mới và một lực lượng quân đội được cải tổ và củng cố. Ông Tập Cận Bình cố duy trì mối quan hệ khá nồng ấm với tổng thống Donald Trump, dù còn rất nhiều căng thẳng về kinh tế và chiến lược cũng như việc loại bỏ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong khi cả hai đều đồng ý về các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng.


Từ chiến lược gây hấn…


Nhà nghiên cứu Douglas H. Paal cho biết, sau đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, nhiều mối quan hệ Trung Quốc thuyết phục ông theo dõi chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vì họ tin rằng ông Tập Cận Bình có thể tung chiến lược quyến rũ các nước láng giềng.


Trước đó, ông Tập từng thử việc này. Năm 2013, một năm sau khi trở thành chủ tịch Trung Quốc, ông Tập đã mời các quan chức ngoại giao hàng đầu của nước này tham gia hội thảo về chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các nước trong khu vực ; không che dấu là điều chỉnh những sai lầm trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc sau năm 2008. Từ cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997 đến Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, ngành ngoại giao Trung Quốc tỏ ra ngày càng ôn hòa và có lợi cho các nước láng giềng. Các nhà ngoại giao thì tài tình và cơ hội kinh tế nở rộ.


Nhưng với Thế Vận Hội và khủng hoảng tài chính toàn cầu, tính tự cao tự đại có vẻ phổ biến ở Trung Quốc. Hoa Kỳ thì lại bị coi trên đà xuống dốc. Bắc Kinh hành xử ngạo mạn. Các vụ tranh chấp nổ ra gần như khắp nơi xung quanh Trung Quốc : với Nhật Bản về các hòn đảo ngoài khơi biển Hoa Đông, với Việt Nam về Biển Đông, với Ấn Độ là đường biên giới, với Miến Điện là cách đầu tư tham nhũng của Trung Quốc…


Hội thảo tháng 10/2013 có dụng ý tập trung lại ngành ngoại giao và các nguồn lực Trung Quốc để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Mục tiêu mang tính thực tiễn, theo nghĩa Trung Quốc biết rằng không thể biến các láng giềng thành đồng minh. Nhưng đúng hơn, mục đích còn nhằm ngăn cản khả năng Hoa Kỳ, Nhật Bản và có thể là cả Ấn Độ hình thành một liên minh với các nước xung quanh Trung Quốc để tạo đối trọng trước sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Khi đưa ra những cơ hội thương mại, cơ sở hạ tầng (dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường ») và hạn chế các vụ xung đột, Bắc Kinh có thể sớm gạt bỏ những ý đồ như vậy.


Những tham vọng đầu tiên của ông Tập Cận Bình bị sụp đổ. Dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » chưa thành hình hài ngoài biểu tượng. Chủ tịch Trung Quốc giám sát việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không - bất ngờ và không được hoan nghênh - tại biển Hoa Đông. Ông cũng tiến hành gây hấn ở Biển Đông, với yêu sách « đường lưỡi bò » đòi chủ quyền phần lớn vùng biển này, nhưng tuyên bố đã bị Tòa trọng tài La Haye bác bỏ.


... đến chiến lược quyến rũ đề phòng láng giềng liên kết chống Trung Quốc

Dường như ông Tập Cận Bình hiện muốn tái khởi động chiến dịch quyến rũ. Mục đích chiến lược là ngăn chặn một liên minh bài Trung Quốc giữa các nước làng giềng vẫn không hề thay đổi. Động cơ thúc đẩy ông Tập có thể là chiến lược « xoay trục sang châu Á » của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, bị đánh giá là bất thành trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, và đến giờ là « chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương » của tổng thống Donald Trump với mục đích rõ ràng là cạnh tranh với Trung Quốc, dù không được chính thức nêu tên. Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump có thể được công bố trong những ngày tới.


Dấu hiệu đầu tiên của chiến lược quyến rũ của Trung Quốc khá thuyết phục. Trong những ngày sau đại hội đảng, Bắc Kinh thông báo tìm được một thỏa thuận mới và cơ chế với Hà Nội để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.


Thỏa thuận cũng đạt được giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Hàn Quốc để hạn chế việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, đổi lại là bình thường hóa quan hệ. Cũng trong thời gian này, Bắc Kinh và Tokyo cũng tiết lộ ý định chủ tịch Tập Cận Bình công du Nhật Bản vào năm 2018, và cùng nhất trí về một cơ chế, từ lâu bị đình trệ, để quản lý căng thẳng trong vùng biển Hoa Đông.


Tại Đông Nam Á, Trung Quốc tiếp tục vuốt ve chính quyền của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Còn các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Miến Điện cũng liên tục sang thăm Trung Quốc trong thời gian gần đây. Cuối cùng, phải kể đến dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » được thúc đẩy trên nhiều mặt. Ông Tập Cận Bình biết nắm lấy thời cơ mà tổng thống Mỹ đem lại để bảo vệ hệ thống quốc tế.


Hoa Kỳ không hoàn toàn ngồi im. Chính quyền Trump sớm nhận ra rằng chiến lược của cựu tổng thống Barack Obama về Đông Nam Á đã để cho những trở ngại nhỏ hơn tác động đến các mục tiêu lớn hơn ở Thái Lan, Malaysia và Philippines. Nhà Trắng cố gắng nối lại quan hệ với lãnh đạo của các quốc gia này thông qua các cuộc gặp gỡ của tổng thống, có vẻ được đánh giá cao. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn còn bị cản trở với việc rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều vị trí chính trị vẫn còn khuyết, thái độ thờ ơ của người dân đối với trật tự quốc tế và vẫn chưa thoát được sự lún sâu, tốn kém ở Trung Đông.


Trung Quốc có thể sẽ lại thất bại với chiến lược quyến rũ. Nhiều vấn đề vốn đã đầu độc mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong nhiều thập kỷ sẽ không biến mất. Điều đó sẽ thúc đẩy các nhà quan sát theo dõi xem Trung Quốc xử lý những vấn đề này, các bất đồng như thế nào, cũng như cách mà Washington, Tokyo và có thể là cả New Delhi thể hiện vai trò lãnh đạo và huy động các nguồn lực để chống lại hoặc khai thác các hành động « tán tỉnh » của Bắc Kinh. - RFI

|

|


9.

Hội nghị WTO lần thứ 11 thất bại hoàn toàn


Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC) lún sâu thêm vào khủng hoảng. Sau ba ngày họp, hội nghị cấp bộ trưởng của 164 thành viên họp tại Buenos Aires (Achentina) bế mạc ngày 13/12/2017. Các bên không đạt được một thỏa thuận nào về thương mại toàn cầu. Mỹ bị chỉ trích có thái độ "cứng nhắc". Trên hồ sơ đánh bắt cá, WTO đã không vượt qua được sự chống đối của Ấn Độ.


Từ Buenos Aires, thông tín viên RFI Jean-Louis Buchet gửi về bài tường trình :


"Trước chính sách bảo hộ của một số quốc gia, như Mỹ và Ấn Độ, mục tiêu được đa số các thành viên Tổ Chức Thương Mại đề ra cho hội nghị ở Buenos Aires lần này là nhằm duy trì một chính sách mậu dịch cởi mở trong khuôn khổ luật lệ nghiêm túc. Thế nhưng, liên quan đến một số chủ đề, các bên đã có một bước thụt lùi. Chẳng hạn trên vấn đề tích trữ lương thực giúp các nước nghèo, trên vế thương mại qua ngả internet, hay đánh bắt cá trái phép, trên cả ba vế này, WTO đã không đạt được đồng thuận.


Trưởng đoàn đàm phán của Pháp, ông Jean-Baptiste Lemoyne, quốc vụ khanh đặc trách về Châu Âu, xem hội nghị tại Achentina lần này là một bước ngoặt. Ông tuyên bố : "Buenos Aires phải đánh thức công luận. Chúng ta không hài lòng về kết quả của cuộc họp, vậy thì cần đề xuất những giải pháp để WTO vận hành tốt".


Đây cũng là quan điểm của cựu ngoại trưởng Achentina, Susana Malcorra, chủ tọa hội nghị lần này. Bà nhắc lại vai trò của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trong nỗ lực đóng góp cho hòa bình, đặc biệt là khi nhìn vào lịch sử của thế kỷ 20.


Song song với hội nghị của WTO, đàm phán giữa Liên Hiệp Châu Âu và khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur đã đạt nhiều tiến bộ. Trên nguyên tắc, thỏa thuận tự do mậu dịch chung giữa hai khối này sẽ được ký kết trước tháng 03/2018". - RFI

|

|


10.

Thượng đỉnh Liên Âu trong bối cảnh Theresa May và Angela Merkel trong thế yếu


Ngày 14/12/2017, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu hai ngày họp thượng đỉnh tại Bruxelles. Cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu, chính sách di dân và Brexit là trọng tâm cuộc họp.


Các cuộc đàm phán vào phút chót giữa thủ tướng Anh Theresa May và các lãnh đạo châu Âu cũng đã đạt được một thỏa thuận về các điều kiện Anh Quốc rời Liên Hiệp. Thỏa thuận này giờ phải được 27 nước còn lại thông qua để cho phép các bên bước vào vòng hai cuộc đàm phán, nhằm xác định mối quan hệ giữa Liên Âu và Anh Quốc trong tương lai.


Tuy nhiên, theo nhận định của thông tín viên RFI Muriel Delcroix tại Luân Đôn, vị thế của thủ tướng May trong cuộc đàm phán tới đây có nguy cơ gặp nhiều khó khăn do ngày 13/12, Hạ Viện Anh bỏ phiếu khẳng định quyền kiểm soát tiến trình Brexit, với một tỷ lệ sít sao : 309 phiếu thuận so với 305 phiếu chống.


« Đây là lần đầu tiên, bà Theresa May hứng chịu một thất bại tại Nghị Viện, kể từ khi bà nhậm chức thủ tướng và thất bại này lại càng cay đắng hơn, bởi vì chính phủ có thể tránh được. Lý do là từ nhiều tháng qua, với sự ủng hộ của phe đối lập, các dân biểu bảo thủ thân châu Âu đề nghị là mọi thỏa thuận cuối cùng về Brexit mà Luân Đôn ký với Bruxelles nhất thiết phải được Nghị Viện bỏ phiếu phê chuẩn.


Các nghị sĩ này muốn có tiếng nói quyết định cuối cùng, thậm chí buộc chính phủ quay lại bàn đàm phán nếu như thỏa hiệp với Bruxelles về Brexit không làm họ hài lòng.


Đối với các nghị sĩ bảo thủ thân châu Âu này, đây là một vấn đề nguyên tắc và đáp lại những người chỉ trích rằng họ chỉ tái khẳng định những đặc quyền, như phe ủng hộ Brexit liên tục nhắc lại qua khẩu hiệu « cần phải giành lại quyền kiểm soát » trong quan hệ với Bruxelles.


Sau thất bại này, các nghị sĩ ủng hộ Brexit nổi cáu và cáo buộc các đồng nghiệp muốn làm phá hỏng tiến trình đàm phán ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.


Về phần mình, chính phủ cố gắng giảm thiểu tác động của cuộc bỏ phiếu và trấn an rằng sự cố này không ngăn cản được Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2019. Tuy vậy, đối với Theresa May, thất bại ê chề này gây tổn hại đến uy quyền của bà, trong bối cảnh, hôm nay, 14/12, bà tới Bruxelles, sau khi rất vất vả mới đạt được một sự thỏa hiệp để chuyển sang giai đoạn hai của tiến trình thương lượng với 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu.


Đây cũng là lời cảnh báo của một số nghị sĩ trong đảng của bà muốn được chính phủ lắng nghe tiếng nói của họ ».


Vẫn tại châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel tới dự thượng đỉnh châu Âu ngày 14/12 tại Bruxelles trong thế yếu, bởi vì bà chưa lập được chính phủ sau cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 09/2017.


Theo thông lệ, lãnh đạo một chính phủ xử lý thường vụ, như trường hợp của Đức hiện nay, tránh đưa ra các sáng kiến trong các hội nghị cấp cao. Do vậy, theo giới quan sát, tại thượng đỉnh lần này, thủ tướng Merkel sẽ khó bày tỏ lập trường ủng hộ các đề xuất của tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc cải cách khu vực đồng euro. - RFI

|

|



Tin Hoa Kỳ


11.

Thượng nghị sĩ McCain nhập viện


Thượng nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hoà, đại diện cho bang Arizona, vừa nhập viện và đang được điều trị về “những biến chứng bình thường” của ung thư trị liệu.


Bản tin của tờ Washington Examiner hôm 14/12 tường thuật rằng Thượng nghị sĩ McCain đang được điều trị bệnh ung thư tại Quân y viện Walter Reed, theo một thông báo từ văn phòng của ông cho biết hôm thứ Tư.


Thông báo này viết:


“Thượng nghị sĩ John McCain đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed vì những biến chứng bình thường của chương trình trị liệu ung thư.”


Thông báo viết tiếp:


“Như từ trước tới nay, ông vẫn tỏ lòng biết ơn đối với các bác sĩ điều trị về những sự chăm sóc tuyệt vời của họ, và đối với bạn bè và những người ủng hộ về những khích lệ và lời chúc lành của họ. Thượng nghị sĩ McCain trông mong tới ngày có thể trở lại làm việc trong thời gian sớm nhất.”


Văn phòng ông McCain ra thông báo giữa lúc Thượng nghị sĩ đại diện cho Arizona vắng mặt trong các cuộc biểu quyết trong tuần này.


Vào mùa hè vừa qua, bác sĩ chẩn đoán ông McCain mắc một hình thức ung thư não nghiêm trọng, ông đã trải qua vòng xạ trị và hóa trị đầu tiên vào tháng 8. Từ khi công khai tình trạng bệnh tình của mình tới nay, ông McCain chưa loan báo bất cứ ý định nào là sẽ từ chức. - VOA

|

|


12.

Dân biểu Mỹ tự vẫn sau cáo buộc tấn công tình dục


Dân biểu Dan Johnson, một nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa, đại diện cho bang Kentucky, vừa được phát hiện đã chết trong một vụ dường như là tự tử vào tối 13/12, sau khi phủ nhận những tố cáo nói ông đã tấn công tình dục một thiếu nữ tại tầng hầm của nhà thờ nơi ông làm mục sư.


AP dẫn lời ông Dave Billings, nhân viên điều tra về những cái chết bất thường của quận Bullitt, nói ông Johnson, 57 tuổi, chết vì một vết đạn trên đường Greenwell Ford ở Mount Washington, Kentucky.


Theo lời ông Billings, Dân biểu Johnson đã dừng xe lại ở cuối một cây cầu trong một khu vực hẻo lánh, rồi bước ra phía trước xe và bắn vào mình.


Chỉ 24 tiếng trước khi chết, ông Johnson lên tiếng bác bỏ cáo buộc tấn công tình dục được mô tả chi tiết trong một cuộc điều tra kéo dài của Trung tâm Điều tra Báo cáo bang Kentucky.


Cô Maranda Richmond, người tố cáo ông Johnson, cho biết vụ tấn công tình dục xảy ra vào những giờ phút đầu năm mới 2013 khi cô mới 17 tuổi, CNN trích báo cáo điều tra gây chấn động của trung tâm này đăng lên hôm thứ Hai.


Cô Maranda Richmond nói khi cô đang trong Nhà thờ Heart of Fire ở Louisville, nơi ông Johnson làm mục sư, ông đã hôn cô trong lúc say và vuốt ve cô bên dưới lớp quần áo, vẫn theo bản báo cáo điều tra.


Cô Richmond đã báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng vào tháng 4 năm 2013. Sở Cảnh Louisville cũng đã mở một cuộc điều tra, nhưng đã khép lại vụ này mà không buộc tội ông Johnson.


Hôm thứ Ba, một ngày sau khi Trung tâm Điều Tra công bố báo cáo, ông Johnson lên tiếng phủ nhận cáo buộc và nói rằng cô Richmond bị lôi kéo bởi các đối thủ chính trị của ông.


“Lời cáo buộc liên quan đến cô gái trẻ này hoàn toàn không có giá trị”, CNN dẫn lời ông Johnson nói. “Trên thực tế, một số điều tôi nghe ngày hôm qua là lần đầu tiên tôi nghe được khi đọc về câu chuyện này”.


Trong cùng ngày ông Johnson tổ chức họp báo, các thám tử Louisville đã mở lại cuộc điều tra, theo Trung tâm Điều tra Báo cáo Kentucky.


Theo NPR, nhà chức trách đã tiến hành tìm kiếm Dân biểu Johnson sau khi đọc được những gì ông viết trên trang Facebook cá nhân (hiện đã bị xóa) với những lời lẽ giống như một lá thư tuyệt mệnh.


Trong bài viết tải lên Facebook, ông Johnson nói “Những cáo buộc từ NPR là sai” và nói thêm rằng nước Mỹ “sẽ không tồn tại với những loại tin giả vừa kết tội vừa làm quan tòa như vậy”.


NPR cải chính rằng đài phát thanh này không điều tra, cũng không phát sóng hay phổ biến câu chuyện này.


Trong bài đăng tối thứ Tư, ông Johnson còn viết: “Chỉ có Chúa mới biết sự thật”, theo CNN. “Tôi yêu Chúa và tôi yêu vợ tôi, người vợ tuyệt vời nhất thế giới. Sự kiện 9/11 ở New York và PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) liên tục 16 năm là căn bệnh sẽ cướp lấy mạng sống của tôi, tôi không thể chịu đựng thêm nữa”.


Ông Johnson được bầu vào cơ quan lập pháp bang Kentucky vào năm 2016, bất chấp những tấm ảnh mà ông tải lên Facebook, mang vợ chồng Tổng thống Obama ra so sánh với những con khỉ. - VOA

|

|


13.

Mỹ: Sóng ngầm Đảng Dân chủ đang cuộn trào?


Chiến thắng của ứng viên Đảng Dân chủ Doug Jones trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ tại Alabama, tiểu bang từng hậu thuẫn phe Cộng hòa suốt nhiều năm qua dường như đang đổi chiều chính trường liên bang. Ông Jones đánh bại ứng viên gây nhiều tranh cãi của phe Cộng hòa nhưng vẫn được Tổng thống Trump ủng hộ, ông Roy Moore.


Sau chiến thắng của ông Jones, các đảng viên Dân chủ dường như tự tin hơn về khả năng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm tới, trong khi phe Cộng hòa tìm cách hồi phục sau thất bại của ông Moore.


Tại Alabama, các ủng hộ viên của ông Jones ăn mừng chiến thắng trước đối thủ thuộc phe Cộng hòa.


Ông Jones nói: “Chiến dịch này nhằm bảo đảm rằng mọi người ở tiểu bang này nhận được có cơ hội công bằng trong cuộc sống, bất kể họ sống trong khu vực nào”.


Ông Moore không thể vượt qua các cáo buộc về các hành vi tình dục không đúng mực với các thiếu nữ xảy ra nhiều thập kỷ trước trong khi ông Moore còn ở độ tuổi 30.


Nhưng ông Moore không thừa nhận thất bại: "Trong cuộc đua này, chúng tôi chưa nhận được kết quả kiểm phiếu cuối cùng, bao gồm cả các lá phiếu của quân đội và các lá phiếu tạm thời. Đây là một cuộc đua rất sít sao và chúng tôi đang chờ sự chứng thực của Tổng Thư Ký tiểu bang Alabama.


 Không chỉ người dân ở tiểu bang này mà toàn thể quốc gia và nhiều người trên thế giới theo dõi cuộc đua đặc biệt này. Vì sao lại như vậy? Vì tôi tin rằng trái tim và tâm hồn của đất nước chúng ta đang lâm nguy. Cũng giống như phần đông người Mỹ, tôi lo ngại về tương lai của đất nước chúng ta. Cả về mặt tài chính lẫn đạo đức”.


Từ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump hôm 13/12 nói rằng ông đã hy vọng nhận được một kết quả khác.


Ông nói: “Tôi ước chúng đã giành ghế đó. Nhiều đảng viên Cộng hòa cảm nhận khác. Họ rất vui mừng vì diễn biến chung cuộc. Nhưng là lãnh đạo đảng, tôi đã mong muốn chúng ta đã giành ghế. Tôi muốn hậu thuẫn những người ra tranh cử”.


Ông Jones giành chiến thắng một phần là bởi vì đông đảo cử tri thuộc phe Dân chủ đi bỏ phiếu, nhất là nhóm dân gốc Phi. Còn ông Moore bị ảnh hưởng vì con số cử tri Cộng hòa đi bầu không nhiều.


Phe Dân chủ, như ông Chuck Schumer, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện, hết sức vui mừng vì giành chiến thắng ở tiểu bang Alabama, nơi Đảng Cộng hòa đã giành thắng lợi trong một thời gian dài.


Ông nói: “Triển vọng tốt đối với chúng tôi vì các yếu tố hội tụ lại như nhóm nền tảng [thuộc phe Dân chủ] tràn đầy năng lượng, đông đảo tầng lớp trẻ sinh ra trong thế kỷ 21 theo Dân chủ hay các cộng đồng ngoại ô quay lại ủng hộ phe Dân chủ”.


Chiến thắng của ông Jones chắc chắn gây rúng động trên chính trường, nhất là khi hai đảng đang hướng về cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới, theo nhà phân tích Larry Sabato từ Đại học Virginia:


“Nếu tôi là đảng viên Cộng hòa chạy đua vào thượng viện, hạ viện, làm thống đốc hay hội đồng tiểu bang, tôi sẽ hết sức lo lắng vì dường như có một cơn sóng ngầm mang tên Dân chủ đang cuộn trào”.


Trong khi đó, ông Trump tiếp tục đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp. Chuyên gia Molly Reynolds cho rằng mất một ghế ở Thượng viện sẽ gây khó khăn hơn cho phe Cộng hòa. - VOA

|

|


14.

Quan chức cao cấp Bộ Tư pháp Mỹ bênh vực cuộc điều tra của Mueller


Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein hôm thứ Tư bác bỏ các cáo buộc của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa rằng các công tố viên và các đặc vụ điều tra những cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 thiên vị chống Tổng thống Donald Trump.


Các nghị sĩ Cộng hòa gần đây đã công kích Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đã buộc tội bốn phụ tá của ông Trump trong cuộc điều tra của ông, cũng đang tìm hiểu xem liệu có sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và các quan chức Moscow hay không.


Nga phủ nhận các kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Moscow đã tấn công tin tặc và tung tin xuyên tạc để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Ông Trump thì nói không có sự thông đồng.


Tại phiên điều trần hôm thứ Tư, các nghị sĩ Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện gia tăng chỉ trích ông Mueller, chỉ ra những tin nhắn văn bản giữa hai nhân viên của FBI, bao gồm một người trong ban điều tra của ông, là thể hiện thiên kiến chống Trump.


Các nghị sĩ Cộng hòa cho biết họ đã xem qua hơn 300 tin nhắn chống Trump được trao đổi qua lại vào năm ngoái giữa luật sư FBI Lisa Page và Peter Strzok, một đặc vụ FBI tham gia cuộc điều tra của ông Mueller.


Các thành viên của ủy ban đọc lớn nội dung của một số tin nhắn giữa ông Strzok và bà Page.


Một số tin nhắn gọi ông Trump là "thằng đần" và một "kẻ đáng ghét," theo những bản sao của một mẫu các tin nhắn này mà hãng tin Reuters xem qua.


Trong một cuộc trao đổi vào tháng 7 năm 2016 họ chế giễu ban vận động tranh cử của ông Trump tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa.


"Chúa ơi, tôi xấu hổ cho họ quá. Mấy người này như những ngôi sao lỗi thời," bà Page trả lời tin nhắn của ông Strzok. "Và wow, Donald Trump sao mà khốn nạn thế không biết."


Những tin nhắn này cho thấy "thiên kiến cực điểm chống lại Tổng thống Trump. Chuyện này không thôi đã đủ tệ rồi, vậy mà hai người này còn nằm trong đội ngũ thượng thừa của Mueller điều tra người mà họ đã tỏ thái độ khinh miệt," Bob Goodlatte, dân biểu Cộng hòa làm Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói.


Tuy nhiên, trong một số tin nhắn mà Reuters đã xem qua, ông Strzok dường như cũng không hào hứng về ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton.


Tự mô tả mình là "người theo Đảng Dân chủ có quan điểm bảo thủ," ông trong một tin nhắn tỏ ra lo ngại về việc bà đắc cử, và có lúc phàn nàn rằng một số cơ quan truyền thông nhất định đã thiên vị vì hạ giảm mối liên hệ của bà với ngành dầu khí.


"Đây là sự thiên vị rõ ràng hết sức của giới truyền thông đặc biệt là NYTIMES, WAPO và CNN, mà nếu tìm hiểu thì sẽ thấy tất cả họ đều có những người quyên góp lớn cho Clinton," ông viết.


Ông Rosenstein, người bổ nhiệm ông Mueller, cho biết công tố viên đặc biệt đã hành xử thỏa đáng khi loại bỏ đặc vụ này, Peter Strzok, khỏi cuộc điều tra sau khi Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp tiết lộ những tin nhắn này, và nói thêm rằng ông tin tưởng ông Mueller không để cho thiên kiến chính trị ảnh hưởng tới cuộc điều tra.


Khai chứng trước khi ủy ban, ông Rosenstein nói ông "không biết" về bất kỳ hành vi không đúng mực nào của đội ngũ của ông Mueller.


Khi thành viên cao cấp nhất của phe Dân chủ trong ủy ban hỏi ông có bất cứ lý do chính đáng nào để sa thải ông Mueller hay không, ông trả lời: "Không."


Ông cũng nói ông nghĩ ông Mueller là "sự lựa chọn lý tưởng" để dẫn đầu cuộc điều tra, và nói rằng chỉ bởi vì một người có liên hệ với một đảng chính trị không có nghĩa là người đó sẽ thiên vị.


Ông nói ông đã thảo luận vấn đề thiên vị với ông Mueller và nói rằng ông Mueller "đang điều hành văn phòng công tố viên đặc biệt một cách thỏa đáng." - VOA

|

|


15.

Tổng thống Trump đẩy mạnh cải cách thuế


Tổng thống Donald Trump hôm nay sẽ thúc đẩy lần cuối để đưa luật thuế của đảng Cộng hòa đến đích, chủ trì bữa ăn trưa với các nhà thương thuyết ở Quốc hội trước khi đọc bài diễn văn đưa ra những lập luận chung cuộc cho dự luật này.


Các nhà soạn thảo dự luật thuế của Thượng viện và Hạ viện đã làm việc đến tối ngày 12/12 để san bằng những khác biệt trong dự luật đã được mỗi viện thông qua, nhưng những chi tiết quan trọng trong đó có thuế suất công ty, vẫn còn dao động.


Cả hai dự thảo luật của hai viện đều cắt giảm thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%, nhưng các nhà thương thuyết ngày 12/12 còn thảo luận là thuế suất này có thể được nâng lên là 21% trong dự luật cuối cùng hay không, các nhà lập pháp cho hay.


Các nhà soạn thảo luật thuế cũng còn phải quyết định thuế suất cá nhân cao nhất và đang cân nhắc việc làm thế nào giảm bớt tốt nhất tiền lời mua nhà và thuế địa phương mà Thượng viện và Hạ viện có cách biệt.


Thượng nghị sĩ John Cornyn, nhân vật thứ hai của đảng Cộng hòa trong Thượng viện nói vào cuối ngày 12/12 là thuế suất công ty có thể là 21%.


Với phiên họp chính thức của ủy ban thương thuyết lưỡng đảng dự trù vào chiều ngày 13/12, đảng Cộng hòa vẫn đang nỗ lực hoàn tất những chi tiết quan trọng nhưng không làm tăng thêm 1.500 tỉ đô la nợ quốc gia trong thập niên tới, theo các con số ước tính độc lập.


Ông Trump đang mong ký luật thế vào cuối năm nay để đánh dấu thắng lợi lập pháp quan trọng đầu tiên của Đảng Cộng hòa kể từ khi đảng kiểm soát được cả hai viện Quốc hội và Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm nay.


Theo dự kiến, trong bài phát biểu hôm nay, Tổng thống Trump sẽ chống lại luận điệu cho rằng kế hoạch thuế khóa của đảng Cộng hòa phần lớn làm lợi cho các công ty và những người giàu bằng cách nhấn mạnh đến việc luật thuế này cũng giảm thuế suất cho những người có lợi tức thấp và trung bình_những người có thể thấy được những lợi ích thêm nữa như lương cao hơn nhờ giảm thuế cho công ty.


Khi được hỏi ai được hưởng lợi nhiều hơn về luật thuế của đảng Cộng hòa, hơn một nửa người Mỹ nói luật này có lợi cho người giàu hay những công ty lớn. - VOA

|

|


16.

Hoa Kỳ: Đảng Cộng Hòa bị chia rẽ sau thất bại tại bang Alabama


Lá phiếu cử tri cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã mang đến thắng lợi cho ứng viên đảng Dân chủ Doug Jones. Kết quả bầu cử này đang bắt đầu chia rẽ nội bộ đảng Cộng Hòa. Nhiều nghị sĩ bắt đầu lên tiếng chỉ trích Steve Bannon, cựu cố vấn cho tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Steve Bannon dường như đã thúc đẩy tổng thống ủng hộ Roy Moore bất chấp tai tiếng tình dục.


Theo nhận định của thông tín viên RFI Eric de Salves tại San Francisco, cuộc khủng hoảng này đang làm lộ rõ các căng thẳng trong nội bộ đảng cầm quyền.


« Trong đảng Cộng Hòa, nhiều lời chỉ trích đã bắt đầu ngay từ khi có thông báo thất cử tại Alabama. Đối tượng chính bị chỉ trích là Steve Bannon, cựu cố vấn của Donald Trump.


Theo truyền thông Mỹ, ông Steve Bannon dường như đã khuyến khích ủng hộ ứng viên cực kỳ bảo thủ Roy Moore bất chấp các cáo buộc xâm hại tình dục của 9 phụ nữ nhắm vào ông ấy, trong khi mà trước đó tổng thống Mỹ đã ủng hộ đối thủ của Roy Moore trong bầu cử sơ bộ.


Nghị sĩ Carlos Curbelo bang Florida đã mỉa mai trên mạng Twitter : "Hoan hô trường phái Steve Bannon đã tặng một ghế cho đảng Dân Chủ tại một trong những bang bảo thủ nhất tại Hoa Kỳ".


Ông Bannon không còn là cố vấn chính thức cho tổng thống nhưng lãnh đạo trang mạng cực hữu Breibart News vẫn hy vọng sử dụng chiến thắng của Roy Moore để áp đặt đường lối theo bản sắc của mình trong nội bộ đảng bảo thủ để chống lại đường lối mà ông xem là "những thành phần chính trị chuyên nghiệp của Washington".


Sau những cáo buộc sàm sỡ với nữ giới, phần đông các gương mặt lớn của đảng Cộng Hòa đã không còn ủng hộ Roy Moore. Nhưng Steve Bannon vẫn tìm cách huy động thành phần cơ sở của đảng chống lại ban lãnh đạo. Hệ quả là ông bị suy yếu sau thất bại tại Alabama. Đây cũng là thất bại thứ hai sau khi một ứng viên khác, Ed Gillepsie bang Virginia đã nhận được sự ủng hộ của ông.


Trên đài CNN, Peter King, đại biểu đảng Cộng Hòa tại New York, không tiếc lời chỉ trích nhắm vào cựu chiến lược gia của tổng thống Mỹ. Ông nói : "Với dáng dấp của một kẻ say rượu, người đàn ông này sẽ không có chỗ đứng trên chính trường"”. - RFI

|

|


Tin Việt Nam


17.

Vụ Đinh La Thăng: Luật sư được ‘tạo điều kiện’ bào chữa sớm


Cơ quan điều tra Bộ Công an Việt Nam hôm 14/12 đã cấp giấy chứng nhận cho một luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị.


Báo Pháp luật loan tin vào chiều tối ngày 14/12, luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam, đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng.


Báo này nói ngay sau khi ông Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 8/12, gia đình ông Đinh La Thăng đã có giấy mời ông Hoài làm luật sư bào chữa cho ông Thăng.


Báo Zing trích lời luật sư Hòai nói: "Cơ quan điều tra tạo điều kiện để tôi có được giấy chứng nhận sớm. Ngày 13/12 tôi có buổi làm việc với cơ quan điều tra để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa thì ngay chiều nay 14/12, tôi đã nhận được giấy tờ."


Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), để điều tra về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”


Truyền thông trong nước nói Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản để sớm kết luận điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật.


Báo Tuổi trẻ nói ngoài luật sư Hoài còn một luật sư khác thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội được gia đình ông Đinh La Thăng mời bào chữa, nhưng đến nay mới chỉ có ông Hoài được cấp giấy chứng nhận bào chữa.


Ông Hoài, thành viên của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, từng tham gia bào chữa các vụ án tham nhũng trước đây như bào chữa cho ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, trong vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng, và bào chữa cho ông Võ Mạnh Cường trong vụ án buôn lậu xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma.


Khác với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, theo luật định, chính quyền không cho luật sư tham gia bào chữa, gặp thân chủ hay tiếp cận hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra, và bản án không được công bố, trong khi các vụ án tham nhũng như trường hợp ông Đinh La Thăng lại được “tạo điều kiện” dễ dàng hơn.


Về việc luật sư không được tiếp xúc với bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra đối với vụ án an ninh quốc gia, Luật sư Đặng Trọng Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn trước đây như sau:


“Vì vấn đề an ninh quốc gia mà không cho luật sư chúng tôi tham gia vào giao đoạn điều tra là một điều bất hợp lý. Tôi nghĩ Bộ Công An xem xét qui định này cũng là một điều rất cần thiết. Là người hành nghề bảo vệ một số công dân về vấn đề an ninh quốc gia như điều 88, điều 258, tôi hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ Công An và nhà nước Việt Nam nói chung, căn cứ vào nhu cầu trong kiến nghị của các luật sư, sẽ nghiên cứu và tạo điều kiện cho các luật sư chúng tôi bảo vệ khách hàng một cách tốt hơn.” - VOA

|

|


18.

TBT Trọng: Thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động


Trong lúc tiếp tục “đốt lò” chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi thanh niên Việt Nam hãy đặt niềm tin vào lý tưởng cách mạng và đừng để bị “các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động.”


Trong một bài phát biểu dài gần 20 phút trên truyền hình nhà nước VTV tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sáng ngày 11/12 tại Hà Nội, người đứng đầu Đảng Cộng sản nói: "Hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh hiên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc của dân tộc… Thanh niên cũng là đối tượng thường bị các thế lực xấu, thù địch tiếp cận, lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta."


Nhận xét về nhận định của TBT Việt Nam đối với sự kém quan tâm của thanh niên tới “lý tưởng cách mạng,” một người trong giới trẻ Việt Nam và là nhà phân tích truyền thông độc lập Nguyễn Nhung cho rằng phải đặt câu hỏi tại sao "giới trẻ tại sao người ta lại không quan tâm đến Đảng, Đoàn hay những hoạt động ngoài thực tế? Người muốn thu hút họ phải tìm xem nguyên nhân tại làm sao và tìm ra cách để thu hút chứ không (thể) là thấy người ta không bị hấp dẫn bởi mình thì trách cứ. Chuyện đó là vô lý."


Lên tiếng trước khoảng 1.000 đoàn viên tham dự, Tổng Bí Thư Trọng đổ lỗi cho Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “còn chậm và lúng túng” trong việc “giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi.”


Ông Trọng kêu gọi tổ chức cao nhất của thanh niên Việt Nam cần tìm cách “tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội.”


Nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam từng kêu gọi siết chặt quản lý mạng xã hội, vốn được cho là nơi phát tán những “thông tin độc hại” tới người dùng, nhất là giới trẻ. Nhưng thế nào là tin độc hại?


"Định nghĩa một khái niệm như thế nào là “độc hại” như thế nào là xấu thì cũng rất là khó," theo chị Nhung. "Ngay kể cả những thông tin mang tính chất nhạy cảm như là sex, hay chính trị, hay sự khác biệt văn hóa… thì ở mỗi một góc độ nhìn khác nhau thì mỗi người quan tâm đến một khía cạnh khác nhau. Và đôi khi khía cạnh “độc hại” của người này lại là khía cạnh thực sự ý nghĩa, hữu ích và đáng để quan tâm đối với người khác."


Chính phủ Việt Nam đã đạt được một số cam kết từ Facebook và Google nhằm giúp hạn chế những thông tin mà họ cho là “xấu, độc chống chính quyền Hà Nội,” theo truyền thông trong nước.


Người trẻ trong độ tuổi 20 chiếm gần 50% trong tổng số hơn 50 triệu người dùng internet ở Việt Nam.


TBT Trọng là người nổi tiếng trong việc phát động phong trào chống suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Tại phiên khai mạc Hội nghị của Đoàn thanh niên HCM hôm 11/12, ông Trọng cũng đưa ra lời kêu gọi này với thanh niên.


Ông Trọng đang dẫn đầu một cuộc chiến chống tham nhũng với việc khởi tố một loạt nhân vật quan trọng trong ngành ngân hàng và giới chính trị. Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng là nạn nhân mới nhất bị bắt giam và chờ khởi tố. - VOA

|

|


19.

TBT Trọng sẽ 'dự họp và chỉ đạo chính phủ'


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời dự, phát biểu chỉ đạo cuộc họp chính phủ tháng 12.


Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành.


'Mong nhận được chỉ đạo'


Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói với VTC News rằng Chính phủ đang chờ lịch cụ thể của Tổng Bí thư.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự cuộc họp Chính phủ cuối tháng 12", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng xác nhận.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Tổng Bí thư dành thời gian quan tâm đến cuộc họp Chính phủ tháng 12 thì đó là một sự kiện rất quan trọng."


Ông Mai Tiến Dũng nói chính phủ mong muốn nhận được chỉ đạo của Tổng Bí thư.


"Chính phủ rất mong muốn nhận được những chỉ đạo của Tổng Bí thư để tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong các cơ quan nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương."


Ông Dũng cũng thông tin phiên họp Chính phủ tháng 12 sẽ được tổ chức công khai, mời rộng rãi các cơ quan báo chí cùng tham dự.


Sự kiện này không tránh khỏi tạo nên bình luận về quyền lực dường như ngày càng tăng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ sau khi được bầu lại tại Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã rất nổi bật với các quyết định về nhân sự và chống tham nhũng.


Mới nhất, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam - sự kiện chưa từng có tiền lệ.


Khác với thường lệ


Theo nguyên tắc tổ chức và điều hành quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới, các nước theo chế độ tổng thống chế (Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia) thì tổng thống cũng là 'người đứng đầu chính phủ'.


Ở cương vị này, tổng thống Donald Trump ở Mỹ, điều hành cuộc họp nội các và giao việc cho các bộ trưởng.


Ở Hàn Quốc, thủ tướng với chức danh chính thức là 'tổng lý quốc vụ' thực ra chỉ là trợ lý hành pháp cho tổng thống, người đứng đầu chính phủ (head of government).



Ngược lại, ở các nước có là thể chế quân chủ như Anh, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản thì quốc vương chỉ có vai trò tượng trưng và thủ tướng là người điều hành chỉ đạo mọi công việc của nhà nước.


Nhưng ở các nước có cả hai chức danh thủ tướng và tổng thống thì nguyên thủ quốc gia không chủ trì họp chính phủ vì đó là việc của thủ tướng.


Việc nguyên thủ quốc gia chủ trì cuộc họp của chính phủ không phải là chuyện bình thường ở quốc gia vẫn có chức danh thủ tướng.


Thường thì tổng thống chỉ chủ trì họp chính phủ khi có sự kiện gì đặc biệt hoặc muốn giám sát công việc của nội các.


Ví dụ như ở Liên bang Nga, việc này phải được thông báo trên trang web của Điện Kremlin.


Một thông báo như thế, nói cụ thể về ngày 19/07/2017 rằng "Trong ngày này Tổng thống sẽ chủ trì cuộc họp của chính phủ về vấn đề đưa công nghệ thông tin vào dịch vụ y tế và thuốc men."


Cũng tương tự, hồi tháng 2/2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoaan đã chủ trì cuộc họp của chính phủ hôm 22/02, vài ngày sau vụ đánh bom 17/02 ở Ankara, làm chết 28 người.


Tuy thế, các báo thuộc phái tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ phê phán rằng ông Erdogan lấn quyền của Thủ tướng Ahmet Davutoğlu, và là dấu hiệu "cầm quyền độc đoán".


Cả hai tổng thống tiền nhiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Necdet Sezer và Abdullah Gül -đều chưa hề chủ trì họp của chính phủ.


Riêng tại một số quốc gia còn lại theo mô hình có một đảng cộng sản lãnh đạo, báo chí quốc tế chú ý đến một xu hướng như ở Trung Quốc là ông Tập Cận Bình trở thành 'chủ tịch của đủ mọi thứ'.


Theo New York Times, ông Tập ngoài ba chức to nhất là Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn nắm hơn 10 chức vụ, gồm cả chủ tịch nhóm công tác về an toàn mạng internet, ban điều hành về Đài Loan...


Trang The Economist thì trích lời nhà nghiên cứu Úc, Geremie Barmé, nói một cách hình ảnh rằng ông Tập không còn là CEO của China Inc. mà là COE, 'chairman of everything' (chủ tịch của tất cả mọi thứ).


Còn tại Việt Nam, Đảng Cộng sản đang ngày càng đi vào giám sát và chỉ đạo trực tiếp hoạt động của bộ máy.


Một bài trên Tạp chí Cộng sản (12/09/2017) nói rằng "nhiều nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao đột xuất với yêu cầu ngày càng cao, phải hoàn thành trong thời gian ngắn, có tác động cả hệ thống chính trị".


Vì thế, không cần phải chờ đến các hội nghị trung ương hay Đại hội Đảng CSVN tới mà ngay bây giờ, các cấp cao nhất của đảng này đang "kiểm tra, giám sát; chỉ đạo, theo dõi và tham mưu" một cách toàn diện bộ máy chính quyền ở Việt Nam. - BBC

|

|


20.

Việt Nam, Trung Quốc đàm phán về các vấn đề ít nhạy cảm trên biển


Việt Nam và Trung Quốc trao đổi khả năng hợp tác trong một số dự án ở các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển trong vòng 10 đàm phán giữa hai nước về các vấn đề ít nạy cảm trên biển diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 11 đến 14/12.


Thông Tấn xã Việt Nam loan tin cho biết hai bên nhấn mạnh việc hợp tác cần tiến hành trên cơ sở các thỏa thuận cấp cao, bình đẳng, cùng có lợi, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với nguồn lực của mỗi bên, góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Tuy nhiên Thông tấn xã Việt Nam không cho biết cụ thể những dự án mới đang được bàn thảo là gì.


Tại đối thoại, hai bên cũng kiểm điểm tình hình thực hiện các chương trình hợp tác trong năm 2017 và đề ra công tác cho năm 2018 với các nghiên cứu hiện có bao gồm so sánh trầm tích thời kỳ Holocene khu vực châu thổ sông Hồng và sông Trường Giang, trao đổi nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ, hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.


Vòng đàm phán thứ 11 giữa hai nước sẽ được tổ chức vào năm tới tại Hà Nội. - RFA


Link:

http://bit.ly/2kWPNo9


No comments:

Post a Comment