Tuesday, May 24, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 24/5

Tin Thế Giới

1.
'Tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam không phải là mối đe dọa cho xã hội' --- TT Obama: Ý thức về quá khứ nhưng tập trung vào tương lai Mỹ-Việt --- TT Obama: Nhân quyền, phát triển kinh tế là cấp thiết cho tương lai VN

Trong một bài phát biểu nhìn về phía trước, Tổng thống Barack Obama nói với người dân Việt Nam rằng họ và nhân dân Mỹ đang “cùng nhau bước vào một cuộc hành trình 100 năm.”

Tổng thống Obama tiên đoán, “Với chuyến thăm này, chúng ta đã đặt mối quan hệ của chúng ta vào một nền tảng vững chắc hơn trong nhiều thập niên sắp tới.”

Mối quan hệ có liên quan đến hai nước cựu thù có trở nên vững mạnh hơn hay không, như ước muốn của ông Obama, có thể phụ thuộc vào người kế nhiệm ông ở Tòa Bạch Ốc vào tháng giêng tới.

Ông Simon Tay, chủ tịch Viện Quốc tế Vụ của Singapore, nói: “Dù sao khi còn là Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton đã đóng một vai trò chính trong việc hỗ trợ cho chính sách xoay trục sang châu Á. Nhưng nếu ông Trump lên làm tổng thống thì mọi dự đoán đều sai trật có liên quan đến ASEAN, Việt Nam và khá nhiều vấn đề khác, kể cả thương mại.”

Cử tọa nghe bài phát biểu về nhiều vấn đề của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, gồm hơn 2.000 người, kể cả một số giới chức chính phủ Việt Nam.

Bài phát biểu cũng đề cập đến đề tài rất nhạy cảm là nhân quyền.

Tổng thống Obama nêu ra rằng những quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, cũng như những quyền tự do hội họp đã được ghi trong hiến pháp Việt Nam. Ông cũng nói về việc mở cửa tiến trình chính trị của Việt Nam cho các ứng cử viên bên ngoài đảng Cộng sản.

Tổng thống Obama nói, “Theo quan điểm của tôi, tôn trọng các quyền này không phải là một mối đe dọa đến sự ổn định.”

Theo các nhà hoạt động, có hơn 100 tù nhân chính trị ở Việt Nam, thêm nhiều người khác đã bị bắt giữ trong tuần qua.

Trước bài phát biểu hôm nay, ông Obama đã gặp 6 thành viên xã hội dân sự Việt Nam, và nói rằng có “những lãnh vực đáng quan ngại đáng kể” về quyền tự do chính trị và ông ca ngợi những người Việt Nam “sẵn sàng lên tiếng.”

Ông Obama nêu ra rằng có “nhiều nhà hoạt động khác được mời đã bị ngăn không đến dự vì nhiều lý do khác nhau.”

Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang A nói với các phóng viên rằng ông đã bị cảnh sát ép buộc lên một chiếc xe hơi và bị lái ra khỏi Hà Nội và cầm giữ hơn 5 tiếng đồng hồ, ngăn không cho ông gặp tổng thống Hoa Kỳ.

Đối với tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch, các nhận định của tổng thống và bản thông cáo chung chưa đi đủ xa.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh châu Á của Human Rights nói, “Tôi phản đối việc ông mô tả là đã có tiến bộ khiêm nhường tại Việt Nam…đã có rất ít hoặc không có tiến bộ ở Việt Nam.”

Ông Robertson nói với đài VOA rằng các tổ chức nhân quyền đã được Tòa Bạch Ốc và bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hứa là sẽ có tiến bộ đáng kể được Việt Nam chứng minh trước khi lệnh cấm bán vũ khí của Washington đối với Hà Nội được hoàn toàn dỡ bỏ, vừa được thông báo hôm qua.

Ông Robertson khẳng định, “Hoa Kỳ nhận được gì? Họ chẳng nhận được gì cả. Chỉ nhận được một quả trứng ngỗng to khi nói về nhân quyền.”

Ông Robertson cũng chỉ trích những sự đề cập đến nhân quyền trong bản thông cáo chung là “không có mấy thực chất.”

Một đảng tranh đấu cho dân chủ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật của Việt Nam bày tỏ một phản ứng nhiệt thành hơn trước các nhận định của ông Obama ở Hà Nội về nhân quyền, và nói rằng ông đã phác thảo một “triển vọng hướng tới phía trước cho mối quan hệ song phương và một lập luận mạnh cho một nước Việt Nam tự do.”

Bài phát biểu được nhiều người theo dõi và chuyến thăm Việt Nam của tổng thống sẽ gây “khó khăn hơn nữa cho giới lãnh đạo cộng sản biện minh cho hiện trạng, che giấu những vụ vi phạm nhân quyền.” Đó là nhận xét trong một thông cáo của ông Hoàng Duy Hùng, phát ngôn viên đảng Việt Tân có trụ sở ở Hoa Kỳ, và nhận là có các thành viên ở Việt Nam.

Không nêu đích danh Trung Quốc, Tổng thống Obama cũng lập lại quyền tự do hàng hải và nói Hoa Kỳ sẽ ủng hộ quyền đó của các quốc gia khác.

Tổng thống Hoa Kỳ được hoan hô nồng nhiệt khi tuyên bố, “Các quốc gia lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ.”

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam, hôm qua ông Obama đã trao cho chủ nhà một món quà mà họ đã hy vọng: đó là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ.

Tổng thống Obama phủ nhận việc dỡ bỏ lệnh cấm là có liên kết đến những quan ngại ngày càng tăng về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang có tranh chấp.

Nhưng báo Global Times của Trung Quốc, do đảng Cộng sản điều hành trong số phát hành hôm nay nói rằng lời khẳng định của ông Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không có liên kết với việc kiềm chế Trung Quốc là một lời nói dối.

Báo này nói Hoa Kỳ “đang lợi dụng Việt Nam để khuấy động thêm rắc rối ở Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Một số nhà phân tích gọi chuyến thăm của ông Obama là biểu tượng cho thành công của chính sách “xoay trục sang Châu Á” của chính quyền.

Ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao cho chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược CSIS, nói: “Quyết định của Tổng thống đưa tiến trình bình thường hóa giữa hai nước kình địch ở chiến trường tiến xa thêm một bước và đem lại cho Việt Nam một lá chắn chống lại thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.”

Giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Đại học New South Wales ở Australia, ông Carl Thayer nói việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ giúp bình thường hóa các quan hệ ngoại giao.

Nhưng ông Thayer nói nhân quyền vẫn còn là một yếu tố chủ chốt trong chính sách của Hoa Kỳ, với việc dỡ bệnh lệnh cấm vận là “một sự đáp trả chính trí và ngoại giao cho sự hợp tác của Việt Nam.”

Ông Thayer nói với đài VOA: “Nhưng trong một ý nghĩa thực tế thì chưa có thay đổi nào. Lệnh cấm vận vũ khí nay được dỡ bỏ Việt Nam vẫn phải thông qua những hạn chế giống như bất cứ ai muốn mua vũ khí của Hoa Kỳ, và chính sách của Hoa Kỳ có liên quan đến nhân quyền vẫn có hiệu lực.”

Các lợi ích đối với Việt Nam từ sự thay đổi mang ý nghĩa một sự chấm dứt “kỳ thị chính trị” trong khi Hoa Kỳ gỡ bỏ một trở ngại chính cho công cuộc hợp tác quốc phòng. Nhưng ông Thayer nói ngay lúc này Việt Nam sẽ dựa vào đối tác lâu dài là Nga để mua các khí tài quân sự chính.

“Thiết bị hiện đại nhất của Việt Nam là chiến đấu cơ Sukhoi Su-30, các tàu lớp Gepard, các tàu ngầm lớp Kilo, đều là của Nga.”

Song ông Thayer dự kiến Việt Nam sẽ trông đợi vào Hoa Kỳ về kỹ thuật thông tin liên lạc hiện đại, tình báo và radar ven biển, kỹ thuật thám thính và trinh sát để hỗ trợ cho lãnh vực kiến thức hàng hải.

Nhà khoa học chính trị người Thái Lan, ông Thitinan Pongsudirak của trường Đại học Chulalongkorn mô tả việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí là “một dấu mốc quan trọng” trong bang giao Việt-Mỹ.

Ông Thitinan nói cả hai nước đều có nhu cầu xây dựng mối bang giao.

Ông nói với đài VOA: “Việt Nam thực sự cần Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc và đồng thời Hoa Kỳ muốn xây dựng và củng cố một di sản mà ông Obama đề ra dưới sách lược tái quân bình. Vì thế theo tôi Hoa Kỳ đang thực sự đẩy mạnh thế bài ở khắp các khu vực, nhất là trong mặt trận hàng hải.”

Nhưng Trung Quốc đã xây dựng ảnh hưởng ngoại giao trên đất liền ở đông nam châu Á, nhất là ở Cambodia, Thái Lan và Lào – trong khuôn khổ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Và Philippin cũng chống lại các khẳng định chủ quyền nhiều hơn của Trung Quốc ở Biển Đông và đã trông đợi vào sự hỗ trợ ngày càng tăng của Hoa Kỳ.

Ông Thitinan nói: “Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ bị đặt thêm dưới áp lực và Bắc Kinh nay có thể bị thúc đẩy phải tìm cách chia rẽ ASEAN nhiều hơn bởi vì Bắc Kinh sẽ cảm thấy bất an hơn từ mối quan hệ được tăng cường và củng cố một mặt giữa Hoa Kỳ và Philippin và mặt khác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”

Ông Tay ở Singapore nói với đài VOA: “Trong ý nghĩa đó, thì ASEAN có nguy cơ bị phá vỡ, tầm quan trọng của ASEAN sẽ bỗng dưng bị suy yếu và mỗi nước sẽ trở thành một vệ tinh của một cường quốc này hay cường quốc kia.”

Mặc dầu là một thành viên chủ chốt trong Hiệp định Hợp tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ lãnh đạo, Việt Nam cũng dựa vào Trung Quốc về mậu dịch và đầu tư thương mại và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Ông Thitinan nói: “Trung Quốc là một nước láng giềng khổng lồ mà Việt Nam không thể khiêu khích. Đồng thời, Việt Nam đang tránh né với TPP. Vì vậy Việt Nam đã đặt một chân vào phe của Mỹ rồi – đồng thời Việt Nam không muốn công khai khiêu khích phía Trung Quốc – đây là một trò chơi sách lược địa chính của Việt Nam.”

Tổng thống Obama sẽ đến thành phố Hồ Chí Minh, trước khi là Saigon, nơi trọng điểm được chuyển qua thương mại với một bài phát biểu trước các doanh gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. - VOA

***
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu trước cử tọa đa phần là những người trẻ tuổi ở Hà Nội hôm 24/5. Ông nói ông ý thức về quá khứ giữa hai nước nhưng tập trung vào tương lai, chú trọng tới thịnh vượng, an ninh, nhân phẩm và cùng nhau tiến về phía trước. Phóng viên đài VOA An Tôn tường trình từ Hà Nội.

Khoảng 2200 người, phần lớn là sinh viên, đã dành cho Tổng thống Mỹ Barack Obama sự đón chào và ngưỡng mộ có thể sánh với những gì thường dành cho các ngôi sao điện ảnh hoặc âm nhạc.

Hàng chục phút trước khi ông bước vào khán phòng, cử tọa đã hò reo và vỗ tay nhầm trong chốc lát khi thấy một cận vệ người Mỹ gốc Phi của ông bước vào.

Còn khi ông thực sự xuất hiện, tiếng hò reo và vỗ tay đã kéo dài nhiều phút. Bài phát biểu dài chừng 30 phút của ông thường xuyên nhận được những tràng vỗ tay khen ngợi.

Nhiều người đã suýt xoa, thích thú khi nghe Tổng thống Obama mở đầu bài phát biểu bằng cách đề cập rằng thức ăn Việt Nam rất ngon và ông đã ăn bún chả, uống bia Hà Nội, kèm theo vài lời cho hay chưa bao giờ nhìn thấy nhiều xe máy như thế trong đời.

Bên cạnh những trải nghiệm đời thường, Tổng thống Mỹ nói ông tôn trọng lịch sử lâu đời của Việt Nam. Thể hiện ông nắm được tinh thần của người Việt, ông nêu ra hình ảnh cây tre và trích dẫn hai câu đầu trong bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt.

Rồi ông nói đến một phần quan trọng trong lịch sử hai nước, đó là quan hệ Việt-Mỹ với những khúc ngoặt éo le từ năm 1945, khi Mỹ và những người kháng chiến Việt Nam là đồng minh của nhau cùng chống sự chiếm đóng của Nhật, rồi Chiến tranh Lạnh và nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản đã làm hai nước trở thành đối thủ của nhau.

Ông nhắc đến việc các cựu chiến binh và nhân dân hai nước đã thực hiện nhiều nỗ lực để hòa giải, hàn gắn. Chính phủ Mỹ cũng có những chương trình để khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, bao gồm rà phá bom mìn chưa nổ, tẩy độc Chất Da cam/dioxin.

​Tuy nhiên, Tổng thống Obama nói dù ý thức về quá khứ song ông tập trung vào tương lai, nhất là các khía cạnh gồm thịnh vượng, an ninh, nhân phẩm và cùng nhau tiến về phía trước.

Ông chỉ ra rằng nhờ các nỗ lực của cả hai phía, giờ đây nhân dân hai nước thân mật với nhau hơn bất cứ khi nào trong quá khứ. Tổng thống Mỹ đã trích hai câu trong một bài hát của nhạc sỹ Văn Cao để mô tả tình cảm của nhân dân hai nước dành cho nhau: “Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người”.

Về mặt chính phủ, ông cho biết với Quan hệ Đối tác Toàn diện, chính phủ hai nước cũng làm việc chặt chẽ ở mức chưa từng có trước đây.

Nhưng ông cho rằng Quan hệ Đối tác Toàn diện vẫn đang ở giai đoạn đầu, song nó sẽ dẫn dắt mối quan hệ trong tương lai. Vào lúc ông sắp mãn nhiệm, ông đã chia sẻ tầm nhìn của ông về tương lai của mối quan hệ trong hàng thập kỷ nữa.

Tổng thống Obama nói Tổ chức Hòa bình Mỹ sẽ vào Việt Nam dạy tiếng Anh. Ông nói trong quá khứ “một thế hệ người Mỹ đã đến Việt Nam chiến đấu thì nay một thể hệ người Mỹ mới sẽ đến để dạy học, xây đắp và làm sâu sắc tình hữu nghị giữa chúng ta”.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng cường, trong đó có việc thành lập trường Đại học Fulbright Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh vào mùa thu năm nay.

Về kinh tế, ông Obama nói thông qua hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Mỹ sẽ giúp Việt Nam giải phóng hết tiềm năng kinh tế. Nhờ hiệp định, Việt Nam sẽ bán được nhiều hàng hóa ra thế giới hơn, và thu hút thêm đầu tư. TPP sẽ giúp thúc đẩy cải cách, bảo vệ công nhân, nhân quyền, pháp quyền, tài sản trí tuệ, môi trường, và giúp chống tham nhũng. Ông lưu ý hiệp định sẽ mở đường cho công nhân Việt Nam lần đầu tiên sẽ có quyền lập công đoàn độc lập

Ông bổ sung rằng khi thực thi hiệp định Việt Nam sẽ giảm lệ thuộc vào một đối tác thương mại đơn lẻ và gia tăng quan hệ kinh tế với nhiều đối tác khác, trong đó có Mỹ.

Một lĩnh vực quan trọng khác trong hợp tác Mỹ-Việt là an ninh. Tổng thống Mỹ nói trong chuyến thăm của ông, hai nước đã nhất trí nâng cấp hợp tác an ninh và xây dựng lòng tin hơn nữa giữa các quân nhân hai nước.

Ông không quên nhắc đến tuyên bố ngày 23/5 về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, nhờ đó Việt Nam sẽ tiếp cận các mặt hàng quốc phòng mà Việt Nam cần để tự vệ. Đó cũng là động thái để Mỹ thể hiện cam kết hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Nói đến một vấn đề an ninh cụ thể ở Biển Đông, ông Obama nhắc lại quan điểm là Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền song sẽ làm việc cùng các đối tác để duy trì các nguyên tắc quốc tế và tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển, vận chuyển hàng hải không bị cản trở, và giải quyết các tranh chấp của con đường hòa bình và luật pháp quốc tế. Ông cũng nhắc lại rằng các tàu và phi cơ Mỹ sẽ vẫn hoạt động ở những nơi luật pháp quôc tế cho phép và ủng hộ các nước khác làm như vậy.

Ngoài các lĩnh vực hai nước nhất trí hợp tác, Tổng thống Mỹ nói quan hệ đối tác giữa hai nước bao gồm cả việc tiếp tục giải quyết những vấn đề còn bất đồng, trong đó có nhân quyền. Ông Obama chỉ ra rằng chính hiến pháp mới của Việt Nam có các điều về đảm bảo tự do ngôn luận, báo chí, và lập hội. Ông nói theo cách nhìn của ông, các quyền này cũng như các quyền tự do ứng cử, bầu cử không phải là mối đe dọa đối với ổn định mà ngược lại, củng cố cho sự ổn định, là nền tảng của tiến bộ.

Cuối cùng, Tổng thống Obama nói đến việc hai nước sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau về phát triển bền vững. Ông nói hai nước phải thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bên cạnh đó là hợp tác cùng nhau và với các nước khác về y tế, phòng chống dịch bệnh.

Tổng thống cho rằng thông qua làm việc cùng nhau và đối thoại với nhau về các vấn đề trên, cả Mỹ và Việt Nam sẽ thay đổi, và ông lạc quan về tương lai hai nước.

Sau khi Tổng thống Obama kết thúc bài phát biểu, một số bạn trẻ đã chia sẻ với thông tín viên của VOA Việt Ngữ về những suy nghĩ của họ

Nữ sinh viên Phạm Mỹ Duyên, Đại học Ngoại thương Hà Nội, nói về ấn tượng đối với bài phát biểu:

“Có lẽ là tự do ngôn luận và tự do báo chí ạ. Tại vì trước khi đến đây em cũng không trông đợi là vấn đề này sẽ được nêu ra. Trước khi được nghe các bài phát biểu của ông Obama, em nghĩ là giới trẻ Việt Nam vẫn còn ở trạng thái bị động, chờ đợi vào chính quyền thay đổi, chờ đợi vào xã hội thay đổi, và mình sẽ đi theo sự thay đổi đấy để mình được lợi ích từ nó. Nhưng sau khi nghe bài phát biểu từ ngài Obama thì ngài đã gợi ra hướng đi khác. Đấy là các bạn hãy tự đứng lên để làm chủ cái số phận của mình, và các bạn sẽ là những người tiếp theo, chính các bạn mới là những người thay đổi. Đừng chờ đợi sự thay đổi từ bất cứ ai khác. Đó là điều tích cực nhất đã tác động đến em ngày hôm nay."

Còn nam sinh viên Nguyễn Sinh Hùng, Học viện Ngoại giao, cảm thấy được truyền cảm hứng về tương lai tích cực của quan hệ Mỹ-Việt.

“Em rất ấn tượng về những chính sách mà Mỹ đang và dự định giúp cho Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, về giáo dục, đào tạo, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là hiệp định TPP. Và em thấy được mong muốn của Mỹ trong việc thúc đẩy hàn gắn [hậu quả] chiến tranh, cùng nhau xây dựng hướng tới tương lai, vì một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Cái cảm hứng em thấy được nhiều nhất từ bài phát biểu này là chúng ta cùng nhau hợp tác, và cùng nhau đóng lại những vết thương của chiến tranh, và mở cửa hội nhập cùng với Mỹ.”

Thế hệ trẻ của Việt Nam, những người dưới 40 tuổi và sinh sau cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam kết thúc vào năm 1975, chiếm đến khoảng 70% dân số. Khi những người trẻ tuổi có ấn tượng tích cực về nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và nước Mỹ, điều đó cũng sẽ tác động đến mối quan hệ giữa hai nước. - VOA

***
Tiếp tục chuyến thăm Việt Nam hôm nay, Tổng thống Barack Obama đã đề cập đến các chủ đề cả về nhân quyền lẫn phát triển kinh tế và lập luận rằng hai vấn đề này thương đi đôi với nhau.  

Hồi sớm hôm nay, Tổng thống Obama đã gặp 6 thành viên xã hội dân sự, và nói rằng có “những lãnh vực gây quan ngại đáng kể” về quyền tự do chính trị và ông ca ngợi những người Việt Nam “sẵn lòng lên tiếng.”

Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định tiến bộ về nhân quyền cơ bản có thể dẫn tới tiến bộ về kinh tế.

“Rất khó đạt được thành quả trong nền kinh tế hiện đại này nếu quý vị không khai phóng đầy đủ tiềm năng của dân chúng. Và tiềm năng của dân chúng một phần xuất phát từ khả năng tự diễn đạt và bày tỏ các ý kiến mới, tìm cách sửa sai những gì đang diễn ra trong xã hội. Do đó tôi hy vọng rằng chính phủ Việt Nam ngày càng nhìn thấy những tiến bộ to lớn mà đất nước đang đạt được, thêm tự tin, rằng dân chúng trong nước muốn hợp tác với nhau, nhưng cũng muốn tụ hội và tham gia vào xã hội bằng những cách tốt đẹp cho tất cả mọi người về lâu về dài.”

Xế ngày hôm nay, tổng thống Obama đọc một bài phát biểu về nhiều vấn đề tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội trước hơn 2.000 người, trong đó có một số giới chức chính phủ Việt Nam. Ông tiếp tục đề cập đến vấn đề rất nhạy cảm là nhân quyền.

“Khi có quyền tự do báo chí, khi các nhà báo và các blogger có quyền rọi một tia sáng vào sự bất công hay vi phạm, buộc các giới chức phải chịu trách nhiệm và xây dựng sự tin tưởng của công chúng rằng hệ thống có hiệu quả. Khi các ứng cử viên có thể ra tranh các chức vụ công cử, và vận động một cách tự do và cử tri có thể chọn người lãnh đạo của chính mình trong các cuộc bầu cử tự do và công bình, thì điều đó giúp cho các nước được ổn định hơn bởi vì các công dân biết rằng tiếng nói của họ có giá trị và có thể có sự thay đổi một cách ôn hòa. Và nó đưa vào hệ thống những người mới. Vậy theo quan điểm của tôi, tôn trọng các quyền này không phải là một mối đe dọa cho sự ổn định mà thực ra nó củng cố cho sự ổn định và là nền tảng của tiến bộ.”

Tổng thống Obama nêu ra rằng có “nhiều nhà hoạt động khác được mời mà bị ngăn không được đến vì những lý do khác nhau.”

Đối với tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch, các nhận định của tổng thống và thông cáo chung ở Hà Nội chưa đi đủ xa.

Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson nói các nhận định của tổng thống chưa đi đủ xa và ông phản đối việc ông Obama mô tả là đã có tiến bộ khiêm nhượng về nhân quyền ở Việt Nam, vì ông cho rằng đã có rất ít hoặc chưa có tiến bộ nào. - VOA
|
|

2.
Bộ trưởng Brazil bị thu âm lập kế hoạch luận tội tổng thống

Một Bộ trưởng trong chính phủ Brazil đang tạm thời từ bỏ chức vụ sau khi một đoạn ghi âm bị tiết lộ cho thấy ông lập kế hoạch để luận tội Tổng Thống Brazil Dilma Rousseff nhằm chận đứng một cuộc điều tra về tội tham nhũng.

Bộ trưởng Kế hoạch Romero Juca bác bỏ những cáo buộc, nói rằng phiên bản dánh máy một đoạn của băng ghi âm, được công bố hôm qua trong tờ nhật báo Folha, đã được trích ra ngoài bối cảnh của nó.

Đoạn thâu âm đã được thực hiện vào tháng Ba cáo buộc rằng ông Juca và một cựu giám đốc điều hành công ty dầu hoả tên Sergio Machado thảo luận với nhau về cuộc điều tra của chính phủ vào vụ tham nhũng trong công ty khai thác dầu hoả của nhà nước Petrobas, trong đó cả hai ông này đều bị liên can.

Theo văn bản được ghi ra từ băng thâu âm, ông Juca nói: “chúng ta phải thay đổi chính phủ để chận vết thương chảy máu”.

Ông Machado bị cáo buộc trả lời rằng “giải pháp dễ nhất là đưa Michel vào cuộc.” Michel là Phó Tổng Thống Michel Temer, một đối thủ của bà Rousseff, hiện đang là quyền Tổng Thống Brazil.

Vẫn theo nguồn tin này, ông Juca còn nói rằng ông đang làm việc với các vị thẩm phán Brazil sẽ ra phán quyết sau cùng về việc có luận tội Tổng Thống Rousseff hay không.

Những người ủng hộ bà Rousseff nói rằng băng ghi âm bị tiết lộ đã củng cố lập luận của họ rằng Tổng Thống Rousseff là nạn nhân của một vụ đảo chính.

Thượng viện Brazil biểu quyết luận tội bà Rousseff về những cáo buộc cho rằng bà Rousseff đã sử dụng những thủ thuật kế toán để che giấu mức thâm hụt ngân sách của Brazil khi bà ra tái tranh cử vào năm 2014.

Bà Rousseff đã bị đình chỉ chức vụ trong suốt tiến trình luận tội và xét xử. - VOA
|
|

3.
Ngân hàng Thụy Sĩ liên can tới vụ rửa tiền 1MDB bị điều tra

Singapore ra lệnh cho ngân hàng Thụy Sĩ BSI, liên can trong vụ tai tiếng rửa tiền tại Quỹ 1MDB của nhà nước Malaysia, phải đóng cửa chi nhánh địa phương của họ.

Ngân hàng trung ương Singapore nói đây là lần đầu tiên trong 32 năm, nước này rút giấy phép hoạt động của một ngân hàng thương mại.

Trong một diễn biến riêng, văn phòng Bộ trưởng Tư Pháp Thụy Sĩ đã mở một cuộc điều tra vào ngân hàng BSI, nói rằng họ “nghi ngờ có những thiếu sót trong tổ chức nội bộ” của BSI.

Cơ quan Tiền tệ của Singapore, gọi tắt là MAS, nói ngân hàng BSI có tội về những “vi phạm nghiêm trọng các quy định chống rửa tiền, quản trị không giám sát đúng mức các hoạt động của ngân hàng, và những hành vi sai trái của một số nhân viên ngân hàng”.

Cơ quan Tiền tệ của Singapore, MAS cho hay họ đã yêu cầu các công tố viên điều tra 6 giới chức cấp cao của ngân hàng BSI. Hai nhà điều hành BSI người Singapore đã bị truy tố.

Các cuộc điều tra vào công ty đầu tư nhà nước Malaysia, 1MDB, tức Ngân hàng Phát triển Berhad số 1 của Malaysia, cáo buộc rằng hơn 4 tỉ đôla trích ra từ các quỹ phát triển đã bị biển thủ.

Ngân hàng 1MDB đã bị nghi ngờ hồi năm ngoái khi các bản tin của truyền thông nêu lên những cáo buộc cho rằng hàng triệu đôla đã được chuyển vào trương mục ngân hàng cá nhân của Thủ Tướng Malaysia Najib Razak.

Ông Najib nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, nói rằng ông không làm điều gì sai trái và Bộ trưởng Tư pháp Malaysia nói rằng các số tiền ấy là tiền tặng dữ đến từ một gia đình hoàng gia Ả Rập Xê Út. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Sanders ghi công trong việc hình thành cương lĩnh đảng Dân chủ

Trong vòng một năm, ông Bernie Sanders đã đi từ chỗ thua 40 điểm trong các cuộc thăm dò đến chỗ gần ngang với bà Hillary Clinton vào lúc đảng Dân chủ hình thành cương lĩnh về các chính sách tại Đại hội Đảng vào tháng Bảy.

Ngoài việc chính thức đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng mỗi 4 năm, các đảng viên đảng Dân chủ và các đối thủ của họ trong đảng Cộng hòa nhân đại hội của họ để trình bày các phát biểu chi tiết về lập trường của họ và hướng đi mà họ sẽ mưu tìm cho đất nước.

Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ hôm thứ Hai loan báo ủy ban phụ trách cương lĩnh đảng sẽ bao gồm 5 đại diện do ông Sanders chọn và 6 người do bà Clinton chọn, cùng với 4 người khác do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, bà Debbie Wasserman Schultz, lựa chọn.

Nêu bật nền tảng vận động của mình, ông Sanders hôm qua nói với các ký giả:

“Chúng ta sẽ ở trong một vị thế rất mạnh để đấu tranh cho một nền kinh tế đem lại hiệu quả cho tất cả mọi người”.

Người tự cho mình là theo chủ nghĩa xã hội dân chủ đã quy tụ được một lượng lớn người ủng hộ, đặc biệt là giới trẻ, khi ông vận động với thông điệp thúc đẩy bình đẳng kinh tế, bảo đảm học phí đại học phải chăng, loại bỏ ra khỏi chính trị các nhóm quyền lợi đặc biệt và mở rộng dịch vụ xã hội.

Nhờ ngọn sóng hậu thuẫn đó mà ông Sanders đã đạt được chiến thắng ở 20 tiểu bang, và cùng với bà Clinton và người chắc sẽ được sự đề cử của đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành một trong ba ứng cử viên chính vẫn còn đang dự tranh trong cuộc chạy đua để kế nhiệm Tổng thống Barack Obama vào tháng Giêng.

Bà Clinton, người dẫn đầu cuộc đua của đảng Dân chủ, sau khi tính tới nay đã giành được nhiều phiếu đại biểu hơn ông Sanders, và dự kiến sẽ giành được đề cử của đảng khi 6 tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ hoặc bỏ phiếu kín vào tháng 7. Hôm qua, ban vận động của bà cho biết rằng bà sẽ không tham gia vào cuộc tranh luận đã định với ông Sanders trên đài Fox News ở bang California có nhiều đại biểu, thay vào đó bà tập trung năng lượng vào trận chiến tổng tuyển cử đang bắt đầu ló dạng với ông Trump. Cuộc tranh luận cuối cùng của đảng Dân chủ là vào ngày 14 tháng 4.

Ông Sanders cho biết trong một tuyên bố rằng ông “thất vọng nhưng không ngạc nhiên” trước quyết định vừa kể, và nói với người ủng hộ ở California sau đó rằng ông cho đó là “sự xúc phạm” đối với người dân trong tiểu bang. Ông Sanders nói:

“Tôi cũng đề nghị Ngoại trưởng Clinton đừng quá kiêu ngạo với ý nghĩ rằng bà ấy là người chiến thắng chắc chắn. Trong vài tuần qua, người dân Indiana, West Virginia và Oregon đã tạo ra một suy nghĩ khác”.

Ông Sanders đã thắng ở cả 3 tiểu bang vừa kể và nhấn mạnh rằng mặc dù thua về số đại biểu nhưng ông vẫn ở còn trong cuộc đua cho đến khi đại hội bắt đầu vào ngày 25 tháng 7. Cùng với sự kiên trì đó, ông đã buộc được các đảng viên đảng Dân chủ phải cứu xét các lập trường của ông và bao gồm các lập trường này trong một văn kiện có tác dụng như cơ bản của đảng trong bốn năm tới.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, ông Sanders đã mô tả quá trình soạn thảo cương lĩnh là một “thời gian tuyệt vời để giáo dục người dân Mỹ”.

Ông nói: “Vấn đề nào cũng có hai mặt, và tôi chắc rằng Ngoại trưởng Clinton sẽ có những người ủng hộ rất mạnh mẽ về những quan điểm của mình, cũng như chúng ta sẽ có”.

Ông cho biết những người ủng hộ ông đang mong đợi một cương lĩnh đại diện cho những gia đình lao động, những người nghèo và giới trẻ, thay vì cho phố Wall và các tập đoàn Mỹ.

Cương lĩnh đã được thông qua tại Hội nghị đảng Dân chủ năm 2012 có rất nhiều những điểm mà ông Sanders, và cả bà Clinton, đã quảng bá trong suốt các cuộc vận động tranh cử của họ.

Nó đặt trọng tâm lớn vào nền kinh tế, trong đó có một dòng tương tự như khẩu hiệu hiện tại của ông Trump là “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Tài liệu này nói: “Việc giành lại an ninh kinh tế cho tầng lớp trung lưu là một thách thức mà chúng ta phải khắc phục hôm nay. Việc đó bắt đầu bằng cách khôi phục các giá trị cơ bản đã làm cho đất nước chúng ta vĩ đại”.

Cương lĩnh cũng nhấn mạnh đến việc cần phải giành ưu tiên cho tầng lớp trung lưu, làm cho học phí học đại học phải chăng với tất cả mọi người, thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, sử dụng nhiều nguồn năng lượng khác nhau và cải cách chính sách nhập cư, tư pháp hình sự, Wall Street và các hệ thống tài trợ cho các cuộc vận động tranh cử. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Báo tiếng Trung nói về chuyến đi Obama

Nhiều tờ báo tại Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan đã có bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, ông Barrack Obama, với tuyên bố gỡ bỏ toàn diện lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương vốn áp dụng với Việt Nam hàng thập niên qua.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo bằng tiếng Hoa có trụ sở tại Bắc Kinh chạy bài với tiêu đề "Obama không quên 'quây lưới' quanh Trung Quốc trước khi rời nhiệm sở". Tờ báo viết:

"Thậm chí ngay cả việc Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán vũ khí thì cũng ít có khả năng Việt Nam sẽ nhập khẩu hàng loạt vũ khí của Mỹ vào giai đoạn này. Đó là vì kho vũ khí của Việt Nam vẫn chủ yếu là của Nga.

"Không thể thực hiện việc chuyển đổi này trong thời gian ngắn trên phương diện đào tạo nhân viên và thu xếp hậu cần", bài báo viết. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng viết thêm rằng không loại trừ việc Việt Nam sẽ mua vũ khí từ Mỹ, đặc biệt để sử dụng vào các hoạt động hải quân.

"Việt Nam sẽ đóng vai trò trong hệ thống an ninh vùng bao gồm các nước như Philippines, Nam Hàn, Nhật Bản và Úc. Hệ thống này rồi sẽ do Mỹ dẫn đầu...

"Đồng thời trong khi chúng ta chú ý tới can thiệp của Mỹ tại Nam Hải (Biển Đông) thì chúng ta cũng có nhu cầu phải tăng thêm năng lượng vào việc thiết kế và chỉ đạo thành lập một vành đai thương mại hướng củng cố nền công nghiệp toàn cầu của Trung Quốc, thông qua Sáng kiến Đường bộ và Vành đai, nhằm cung cấp thêm động lực cho những biến đối tại Trung Quốc.

"Điều này quan trọng cho vị thế tương lai của Trung Quốc tại châu Á cũng như tạo nền tàng cho cuộc đấu tranh chiến lược chống lại Hoa Kỳ trong vùng", tờ báo viết.

"Các cựu thù không được châm ngòi mồi lửa trong khu vực" là tiêu đề của bài báo đăng trên tờ Trung Hoa Nhật báo ở Bắc Kinh.

Bài báo nhắc tới lo ngại về chuyến viếng thăm ba ngày "được một số người miêu tả là một động thái then chốt trong việc tái cân bằng có tính chiến lược của Mỹ nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc".

Bài báo bình luận rằng những người này nói "Mỹ đang sử dụng Việt Nam để đối trọng lại trước sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt sau những căng thẳng gia tăng ở Nam Hải vì các tuyên bố chủ quyền của các nước này".

"Điều này, nếu đúng, báo hiệu xấu cho hòa bình và ổn định khu vực, vì nó sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Nam Hải, và có nguy cơ biến khu vực này thành một mồi lửa xung đột...

"Tách mình khỏi lập trường đối đầu với Trung Quốc, ông Obama đã nhanh chóng tách biệt quyết định gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam với bất cứ quan tâm chung nào muốn kiềm chế Trung Quốc và nói rằng quyết định là dựa trên cơ sở bình thường hóa toàn diện quan hệ với Việt Nam, chứ không phải là dựa trên quan hệ với Trung Quốc."

Bài báo viết thêm người ta hy vọng ông Obama thực tâm với những gì ông nói.

Còn tại Hong Kong, tờ Apple Daily chạy bài xã luận với hàng tít: "Gây áp lực với Trung Quốc qua việc tăng cường quốc phòng với Việt Nam".

"Có quan ngại rằng chính phủ Mỹ bỏ cấm vận bán vũ khí dễ dàng như vậy sẽ khiến Mỹ mất đi lá bài mặc cả buộc Việt Nam phải cải tổ chính trị và cải thiện nhân quyền.

"Bất chấp bảo đảm của các viên chức Mỹ rằng họ sẽ xem xét tình hình nhân quyền tại Việt Nam trước khi phê chuẩn từng thỏa thuận mua bán thì hiện nay người ta vẫn lo ngại rằng Hoa Kỳ đang đặt thương mại và hợp tác quân sự với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu...", bài xã luận viết. BBC
|
|

6.
Vì sao thực khách đang ăn bún chả không nhìn ông Obama?

Chuyến viếng thăm quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu ở Hà Nội tối 23/5 của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama không chỉ khiến cư dân mạng Việt Nam hào hứng mà còn thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông quốc tế.

Theo báo chí Mỹ, nhân vật đưa ông Obama tới quán bún chả Hương Liên là Anthony Bourdain, người dẫn chương trình ẩm thực du lịch lừng danh "Parts Unknown".

Đây là một trong những series truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ, trong đó Bourdain giới thiệu tới hàng trăm triệu khán giả những món ăn đậm đà bản sắc từ mọi miền trên thế giới.

Theo CNN, trong bữa ăn, Bourdain đã nói chuyện với ông Obama về chuyến công du tới châu Á, cũng như cảm nhận của Tổng thống Hoa Kỳ về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Sau đó, Bourdain tiết lộ trên Twitter và Instagram rằng bữa ăn đó chỉ tiêu tốn 6 USD và ông là người trả tiền.

Chương trình "Parts Unknown" của Bourdain phát sóng trên kênh CNN từ năm 2013, trong đó mỗi phần, ông sẽ dẫn dắt người xem khám phá một nền văn hóa thông qua hương vị ẩm thực của miền đất đó.

Phần nói chuyện với ông Obama về ẩm thực và văn hóa Việt Nam sẽ được phát sóng vào mùa thứ 8 của "Parts Unknown," bắt đầu vào tháng 9 tới.

Trong bức ảnh được Bourdain đăng trên Instagram, ông này nhận xét rằng "kỹ năng dùng đũa của Tổng thống rất thành thục."

Còn ở một dòng tweet khác trên Twitter, Bourdain nói "ghế nhựa thấp, rẻ tiền nhưng món bún chả rất ngon, kèm bia lạnh."

Theo tiết lộ của bà chủ quán Hương Liên, ông Obama ăn 2 suất bún chả có nem, và gọi thêm 4 suất đem về. Không rõ, 4 suất đem về đó có nằm trong số 6 USD mà Bourdain đã chi hay không.

Một chi tiết đáng chú ý trong bức ảnh của Bourdain được cư dân mạng bàn tán là tại sao các thực khách cùng ăn trong quán, không ai ngoái nhìn "hai ông Tây"?

Theo lý giải của nhà văn Mỹ gốc Việt Nguyen Viet Thanh (người mới giành giải Pulitzer với tác phẩm hư cấu Sympathyzer) thì "đây là một chương trình sitcom", nên ai nấy đều phải "diễn"!

Một số khách hàng quen của quán Hương Liên cũng cho biết quán không bán bún chả vào buổi tối (người Hà Nội chỉ thói quen ăn bún chả ban ngày) nên bữa ăn này là một sự sắp đặt.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Obama tham gia những chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực. Năm ngoái, ông từng xuất hiện trên show “Comedians in Cars Getting Coffee” cùng người dẫn chương trình Jerry Seinfeld, hay tham gia học kỹ năng sinh tồn trong chương trình thám hiểm Alaska trên kênh NBC.

Việc ông Obama tham gia chương trình này cũng nằm trong chiến dịch tuyên truyền kiểu mới của Nhà Trắng, nhằm xây dựng hình ảnh một vị Tổng thống Hoa Kỳ gần gũi và thân thiện. - vietnamplus
|
|

7.
Một số khách mời của Obama 'bị chặn' --- Ông Obama ở Việt Nam: Đoan Trang bị chặn --- Đã là cướp, thì cần gì phép tắc?

Tổng thống Hoa Kỳ nói một số nhà hoạt động đã bị ngăn cản, không thể tới dự cuộc gặp mặt với ông hôm thứ Ba 24/5.

Trước thời điểm diễn ra cuộc gặp, trên mạng xã hội có thông tin một số khách mời là tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Hà Huy Sơn, nhà báo Đoan Trang và blogger Thảo Teresa bị ngăn cản và câu lưu.

Cuối cùng, chỉ sáu khách mời có mặt, gồm nhà nghiên cứu xã hội Lê Quang Bình, ca sĩ Mai Khôi, nhà báo Mai Phan Lợi, mục sư Nam Quốc Trung, mục sư Lê Quốc Huy và bà Nguyễn Hồng Oanh, giám đốc trung tâm IDEA (Ban hành động vì sự phát triển của người khuyết tật).

Ông Barack Obama nói tuy Việt Nam đã có những tiến bộ nhưng Washington quan ngại về những giới hạn mà Hà Nội áp đặt lên vấn đề tự do chính trị.

“Hiện vẫn đang có những quan ngại to lớn trong vấn đề tự do ngôn luận, tự do hội họp, trách nhiệm giải trình của chính phủ,” ông nói trong cuộc gặp sáu thành viên xã hội dân sự tại khách sạn JW Marriot, Hà Nội.

“Tôi đã nhấn mạnh trong các cuộc họp của tôi ngày hôm qua với Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội rằng chúng tôi tôn trọng chủ quyền và độc lập của Việt Nam.”

“Rốt cuộc thì nhân dân Việt Nam là những người quyết định xem xã hội của họ sẽ hoạt động ra sao, và chính phủ của họ thế nào.”

“Nhưng chúng tôi tin vào những giá trị phổ quát nhất định, và điều quan trọng là chúng tôi phải đại diện nói ra những giá trị đó ở bất kỳ những nơi nào chúng tôi tới.”

“Điều đặc biệt quan trọng và hữu ích cho tôi là được trực tiếp lắng nghe những người, vốn nhiều khi phải chịu các điều kiện ngặt nghèo, vẫn mong muốn cất lên tiếng nói vì tự do và nhân quyền.”

“Tôi cần phải lưu ý rằng đã có một số nhà hoạt động khác được mời nhưng họ đã bị chặn không thể tới đây vì những lý do khác nhau.”

“Tôi cho rằng đây là một chỉ dấu cho thấy mặc dù đã có ít nhiều tiến bộ và mặc dù chúng tôi từng hy vọng là với việc có một số cải cách tư pháp đang được dự thảo, được thông qua thì sẽ có những tiến bộ thêm nữa, nhưng vẫn có những người bị cản trở khi muốn tụ tập ôn hòa để nói về những vấn đề mà họ quan tâm sâu sắc.”

'Không nói về bầu cử Quốc hội, nhân quyền và tù chính trị'

“Cuộc gặp Tổng thống Obama diễn ra trong vòng nửa giờ, mỗi khách mời có hơn một phút trình bày về bản thân và lĩnh vực mà mình đang hoạt động,” bà Nguyễn Hồng Oanh, một trong sáu khách dự, nói với BBC Tiếng Việt sau cuộc gặp.

“Tôi nói về quyền của người khuyết tật, ông Bình nói về quyền của người LGBT, cô Khôi nói về quyền tự do biểu diễn.”

“Không có ai đề cập về chuyện bầu cử Quốc hội cũng như vấn đề nhân quyền hay tù nhân chính trị”.

Bà cũng cho hay là “chỉ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người khuyết tật, không quan tâm đến chính trị nên không biết về những khách mời khác như ông Quang A”.

“Tôi không rõ là những khách mời không đến được là do bị ngăn cản hay lý do nào khác,” bà nói.

“Nói chung, tôi nghĩ mọi người có tâm lý đến trao đổi để Tổng thống Mỹ nắm bắt tình hình xã hội dân sự Việt Nam chứ không kỳ vọng có sự thay đổi nào. Việc nhà mình thì mình tự giải quyết thôi.” - BBC

***
Nhà hoạt động Đoan Trang nói cô bị an ninh Việt Nam giữ hơn 24 giờ và không thể tham dự cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama ở Hà Nội hôm 24/5. 

Đoan Trang nói cô nhận được thư mời gặp ông Obama hôm 19/5 và đã ngay lập tức rời thành phố Hồ Chí Minh, nơi cô vừa chữa đầu gối, để về Hà Nội.

Cô sợ rằng sẽ bị ngăn cản nếu đi đường hàng không nhưng cuối cùng cô và hai người đi cùng vẫn bị chặn lại khi xe tới Ninh Bình.

Người được mời tới gặp Tổng thống nói an ninh đã giữ cô lại tại nhà nghỉ trong hơn 24 giờ cho tới khi cuộc gặp của ông Obama với các nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội kết thúc hôm 24/5.

Bản thân ông Obama cũng nói một số người bị ngăn cản tới gặp ông hôm 24/5.

Cô Đoan Trang nói với Nguyễn Hùng của BBC các nhân viên an ninh hỏi cô về những gì cô viết trên Facebook khi giữ chân cô ở nhà nghỉ.

Phía an ninh, theo lời Đoan Trang, cũng nói ông Obama đã "nói dối" vì việc gặp các nhà hoạt động không có trong lịch trình nhưng ông vẫn gặp gỡ họ.

Nhà hoạt động nói cô đã dự định nói với ông Obama về chuyện Hoa Kỳ cần ủng hộ người dân Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền tự do căn bản trong đó có tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tham gia chính trị trong đó có tự ứng cử và quyền được xét xử một cách công bằng.

Cô cũng cho rằng điều quan trọng là Việt Nam cần có những cải cách thể chế và pháp lý quan trọng chứ không chỉ là những nhượng bộ với sức ép từ bên ngoài chỉ bằng việc trả tự do cho một số tù nhân lương tâm. - BBC

***
Giờ nhà em mới thấy thấm thía câu nói đó. Sáng nay, 6 giờ kém 2 phút, nhà em có mặt tại nhà bác Quang A. Lúc rẽ vào ngõ, thấy 5-6 thanh niên đứng trong ngõ. 

Vào nhà bác Quang A ngồi chừng dăm phút thì vợ con bác ấy hộ tống bác ấy đi bộ ra ngoài ngõ. Vợ chồng bác ấy đi trước, nhà em và cả đám thanh niên kia đi sau. Giá có ai đi sau cùng chụp được cảnh này thì hay. Nhưng bác QA bảo chụp trong ngõ thì được, chứ ra ngoài kia là có biển cấm chụp ảnh đấy (MK! Cấm chụp ảnh trong khu dân cư?)

Ra đến ngoài ngõ, thấy chừng chục thanh niên đứng đó. Họ chắn đường bác ấy, hỏi lấy lệ:

- Bác đi đâu? (Nếu bác ấy bảo tao đi tìm đường cứu nước thì sao nhỉ?)

Vợ bác ấy quắp chặt tay chồng, chu chéo: bác đi đâu chúng mày hỏi làm gì?

Cuộc vật lộn chỉ xảy ra trong vài phút, cách nhà em 1 mét. Chúng lôi được vợ bác ấy ra, và khênh bác ấy lên một chiếc xe 7 chỗ gần đó. Nhà em chỉ còn biết kêu ối ối, rút điện thoại ra chụp lại làm bằng chứng thì chúng nó xô đến, giơ tay định giật đt. Nhà em bảo: tao đã chụp đâu? Định cướp à?

Chúng nó đứng che trước mặt nhà em, nhưng nhà em vẫn nhìn thấy cảnh chúng nhét bác ấy vào xe, rồi đóng cửa lại. Nhà em chỉ còn biết lắp đi lắp lại câu nói: Sao chúng mày phải khổ thế hả? Hả ?

Nhà em bảo một thằng tỏ vẻ rất hung hăng: úi giời, mặt mũi hằm hằm như mới đi đánh giặc về thế kia.  

Thấy thằng con bác QA vọt xe máy chạy theo chiếc ô tô bắt cóc bác QA, nhà em cũng vọt theo. Một thằng ko đội mũ bảo hiểm, cứ tạt đầu xe nó, thế là nhà em vọt lên, bám theo chiếc xe. Ối giời, xe không biển số các bác ạ. Trắng phớ luôn. Hu hu, nhà em không thể chụp lại được cái biển trắng phớ đó mới đau. Trong tích tắc ở đèn xanh đèn đỏ, nhà em đỗ cạnh chiếc xe, nhìn vào trong, thấy bác QA ngồi ghế sau, giữa 2 thằng. Qua bùng binh cầu chui, xe dông thẳng về phía cầu Đuống, xe đạp điện nhà em ko đua được, đành quay về.

Dù sao đây cũng là một phép thử. Nếu OBM ko phản ứng gì, thì cũng ko lạ, Với một thằng cướp có nghề, thì cần gì phép tắc? - FB Đặng Bích Phượng

No comments:

Post a Comment