Tin Thế Giới
1.
Các nhà ngoại giao quốc tế tìm cách tái lập lệnh ngưng bắn ở Syria
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang họp với các nhà ngoại giao quốc tế tại Geneva, trong một nỗ lực chấm dứt những hành động thù nghịch tại Syria - nơi các lực lượng chính phủ tấn công trong hơn một tuần nay vào thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát. Nga đang bị áp lực đòi họ sử dụng ảnh hưởng đối với chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad để chấm dứt tình trạng bạo động đã làm hơn 250 người thiệt mạng trong 10 ngày qua. Quân đội Syria nói sẽ áp dụng điều mà họ gọi là một “chế độ yên tĩnh” tạm thời tại khu vực chung quanh Damascus và tỉnh Latakia ở phía tây bắc Syria, nhưng không áp dụng tại Aleppo. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.
Ngoại trưởng Kerry nói chấm dứt đổ máu tại Aleppo là ưu tiên hàng đầu. Hầu hết các nạn nhân là thường dân. Bệnh viện và các trung tâm y tế cũng là mục tiêu bị tấn công. Vụ tấn công làm nhiều người chết tại một bệnh viện được Tổ chức Y sĩ Không Biên giới yễm trợ trong tuần qua đã làm cả thế giới lên án. Tuy nhiên những vụ không kích dữ dội vẫn tiếp tục.
Một cư dân Aleppo nói:
“Tại trung tâm thành phố có nhiều bệnh xá, bao gồm bệnh xá chữa răng, bệnh xá dành cho phụ nữ, bệnh xá nhi đồng và nội khoa. Và có một nhà thuốc tây. Nơi này đã bị tấn công và hoàn toàn không hoạt động được cho đến khi chúng tôi sửa chữa lại.”
Phát biểu bên cạnh người tương nhiệm Jordan ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Nga giúp tái lập trật tự.
“Đây là những giờ phút vô cùng quan trọng, chúng tôi đang mưu tìm sự hợp tác của Nga. Đương nhiên là chúng tôi muốn chế độ Syria nghe theo Nga và đáp ứng những tuyên bố mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế thông qua Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.”
Các giới chức của chính phủ Assad nói họ tấn công các phần tử khủng bố thuộc Mặt trận al- Nusra vì lực lượng này đã bắn rốckết và đại pháo vào những khu vực do chính phủ kiểm soát.
Các giới chức Mỹ bác bỏ tuyên bố này là không đúng sự thật. Họ nói rằng những cuộc tấn công đó chủ yếu là nhắm vào thường dân vô tội và những tổ chức ôn hòa, và tất cả những vụ đó đều vi phạm thoả thuận ngưng bắn.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày hôm qua hối thúc các bên trong cuộc xung đột quay lại với cuộc đối thoại vì đây là con đường duy nhất đưa đến hòa bình.
“Tôi rất đau buồn khi nhận được những tin tức bi thảm từ Syria về tình hình bạo động tiếp diễn đã làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia này, nhất là tại thành phố Aleppo, và giết chết những nạn nhân vô tội, trong đó có trẻ em, những người đau yếu và những người đã hy sinh to lớn để ra sức giúp đỡ người khác.”
Những nỗ lực hòa bình mới đây nhất bị phương hại vì sự vắng mặt của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tại hội nghị Geneva. - VOA
|
|
2.
Nhà đầu tư Tây phương muốn tham gia 'cách mạng người máy' TQ
Mấy mươi nhà đầu tư Mỹ và Châu Âu mới đây đã đến Trung Quốc để tìm cách tham gia điều được xem là một cuộc cách mạng người máy. Theo tường thuật của thông tín viên Saibal Dasgupta của đài VOA tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã trở thành thị trường người máy công nghiệp lớn nhất thế giới, nhưng điều làm cho giới đầu tư cảm thấy hấp dẫn là Trung Quốc có khả năng chế tạo và sản xuất với giá thành thấp cho thị trường quốc tế.
Ông Benjamin Joffe, một nhà đầu tư thuộc công ty Hax 74 Mỹ, mới đây đã đến dự cuộc Hội thảo Internet Di động Toàn cầu tại Bắc Kinh. Ông cho đài VOA biết rằng hầu hết các nhà đầu tư và những công ty khởi nghiệp đến Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội cho các thị trường Mỹ và Châu Âu.
Ông nói “Cũng có nhiều hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng cơ hội lớn hơn là dùng Trung Quốc để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.”
Ông Joffe nói rằng Trung Quốc đã có sẵn một mạng lưới rộng lớn của các chuỗi cung ứng và sản xuất và những kỹ năng liên hệ để trở thành nhà cung ứng các sản phẩm điện tử lớn nhất thế giới.
Ông nói “ Đối với sản phẩm người máy, ưu thế của họ là làm ra nguyên mẫu nhanh chóng hơn, chẳng những có thể sản xuất với giá thành thấp hơn mà còn có thể sản xuất với bất kỳ qui mô nào, từ qui mô nhỏ cho tới qui mô rất lớn.”
Liên đoàn Kỹ thuật Người máy Quốc tế mới đây dự báo vào năm 2017 Trung Quốc sẽ có nhiều người máy hoạt động tại các công xưởng hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Các nhà phân tích khác cho rằng năm tới Nhật Bản sẽ bị mất vị thế của quốc gia sử dụng người máy công nghiệp nhiều nhất.
Thị trường người máy Trung Quốc, trị giá khoảng 9,5 tỉ đô la, là một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Liên đoàn Quốc tế Ngành người máy, trong số 240.000 người máy bán ra trên thế giới có một phần tư được sản xuất ở Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc cũng có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất vì tỉ lệ sử dụng người máy ở nước này khá thấp. Tỉ lệ người máy-công nhân tại các công xưởng ở Trung Quốc là 30 người máy trên 10.000 công nhân, so với con số 437 ở Nam Triều Tiên, 323 ở Nhật Bản, 282 ở Đức và 152 ở Mỹ.
Cũng tương tự như tình trạng của hầu hết các sản phẩm khác, các nhà sản xuất người máy ở Trung Quốc đang tìm cách dựa vào giá rẻ để cạnh tranh với các công ty lớn trên thế giới. Thí dụ, công ty E-Deodar – một công ty con của công ty Ningbo Techmation ở Thượng Hải, đang sản xuất người máy với giá thấp hơn từ 20 đến 30% so với ba công ty người máy lớn nhất thế giới là ABB ở Thuỵ Sĩ, Kuka ở Đức và Kawasaki của Nhật.
Lý do chính khiến các công ty Trung Quốc lựa chọn những cánh tay người máy khổng lồ và có hiệu suất cao là lấy lại một số thị trường xuất khẩu bị mất. Các chuyên gia nêu ra 3 lý do quan trọng dẫn tới sự giảm thiểu trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử và cơ khí nặng trong vài năm qua. Đó là các thị trường Tây phương tăng trưởng chậm lại, những sự than phiền về phẩm chất của một số sản phẩm của Trung Quốc và sự gia tăng giá thành lao động ở Trung Quốc.
Cả công nghiệp lẫn chính phủ Trung Quốc đang tìm cách khắc phục vấn đề giá thành cao và nguồn cung ứng không thoả đáng của lao động có kỹ năng bằng cách sử dụng những cánh tay người máy khổng lồ và hiệu suất cao trong hoạt động sản xuất. Độ chính xác cao của những cánh tay điện tử này cũng giúp nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và giảm thiểu tới mức tối đa những sản phẩm có khuyết điểm.
Ông Lý Lập Quần, chủ tịch Công ty Kỹ thuật Người máy Từ tinh ở thành phố Ninh Ba, nói “Chi phí lao động đã gia tăng quá nhiều. Cho nên chúng tôi dự kiến thị trường sẽ trở nên rất lớn trong những năm tới đây. Cũng có một nhu cầu hết sức to lớn đối với các giải pháp kỹ thuật liên quan tới sản xuất và chất lượng mà công ty của chúng tôi cung cấp.”
Ông Lý cho biết các công ty sản xuất giày dép tại các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến đang dần dần dùng người máy thay cho công nhân để cải thiện hoạt động sản xuất và phẩm chất của sản phẩm. Ông nói rằng đây là một sự thay đổi quan trọng vì nhiều người vẫn còn tin rằng việc sử dụng người máy chỉ hạn chế trong các công nghiệp sản xuất các mặt hàng điện tử kỹ thuật cao và những loại máy móc phức tạp.
Ông nói “Trong ngành sản xuất giày dép, một dây chuyền lắp ráp có thể dùng tới 26 nhân công. Một hệ thống người máy có thể vận hành dây chuyền đó với hai nhân công. Vẫn còn cần hai nhân công vì con người có thể làm tốt hơn những công việc phức tạp và tinh xảo, nhưng nhu cầu về những công nhân chuyên biệt như vậy sẽ giảm đi rất nhiều.”
Tuy nhiên, vấn đề hạ thấp giá thành tiếp tục là thách thức lớn nhất, ngay cả đối với các nhà sản xuất ở Trung Quốc – là những người vẫn thường tìm đủ mọi cách để cắt giảm chi phí. Một hệ thống người máy, ở mức cơ bản, có thể thay thế 20 hoặc 30 công nhân , được bán với giá 100.000 đô la. Nhưng các công ty sản xuất người máy nói rằng giá cả có thể giảm xuống chỉ còn một phần ba khi thị trường được nới rộng và họ có thể nâng cao qui mô sản xuất. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Trump: ‘Không thể để Trung Quốc tiếp tục cưỡng hiếp nước Mỹ’
Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ không thể ‘tiếp tục để cho Trung Quốc cưỡng hiếp đất nước mình’. Phát biểu được đưa ra trong lúc ông trùm bất động sản đẩy mạnh chiến dịch tranh cử, cam kết tái lập quan hệ giữa nước Mỹ với thế giới.
Ông Trump đã nhiều lần trình bày về thâm hụt mậu dịch giữa hai nước Trung-Mỹ giữa lúc Trung Quốc đang lợi dụng Hoa Kỳ và tuyên bố rằng các kỹ năng trên thương trường của ông sẽ xóa bỏ sự bất xứng này.
Phát biểu hôm qua trong cuộc tập họp tại bang Indiana, ông Trump nhấn mạnh ‘Chúng ta sẽ xoay chiều thực trạng này. Chúng ta có rất nhiều quyền lực đối với Trung Quốc.’
Cuộc bầu cử sơ bộ vào thứ ba tới đây tại Indiana được xem là vòng đọ sức quan trọng trong cuộc đua trở thành ứng viên được đảng Cộng hòa đề cử cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Nhiều cuộc thăm dò cho thấy ông Trump đang dẫn trước Thượng nghị sĩ bang Texas, ông Ted Cruz. Trong số này có cuộc thăm dò của hãng tin NBC News/Marist công bố hôm qua cho thấy ông Trump hơn ông Cruz 15 điểm.
Chiến thắng tại bang Indiana sẽ đưa ông Trump tiến gần hơn tới việc đạt được đa số 1237 phiếu đại biểu cần có trong khi ông Cruz và Thống đốc bang Ohio, John Kasich, hy vọng có thể làm cho ông Trump không đạt đủ phiếu bầu đại biểu để buộc phải mở một cuộc cạnh tranh công khai tại hội nghị của đảng Cộng hòa vào tháng 7. - VOA
|
|
4.
Puerto Rico vỡ nợ
Thống đốc Puerto Rico loan báo hòn đảo này mất khả năng thanh toán khoản nợ 422 triệu đô la đáo hạn hôm 2/5 và quy trách nhiệm một phần cho Hoa Kỳ về việc này.
Trong bài diễn văn truyền hình hôm 1/5, ông Garcia Padilla nói với 3,5 triệu cư dân trên đảo Puerto Rico rằng ông đau lòng quyết định không trả tiền cho các chủ nợ mà thay vào đó sẽ chi trả lương bổng cho công nhân viên chức và chi cho các khoản ngân sách dành cho sức khỏe-giáo dục hầu tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Thống đốc Padilla tuyên bố ‘Tôi đã quyết định rằng nhu cầu căn bản của đồng bào là quan trọng hơn hết.’
Ông Padilla nói ông không cần một ngân khoản cứu nguy và đã tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ hiện có. Tuy nhiên, Puerto Rico, một lãnh thổ thuộc Mỹ, cần Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một dự luật tái thiết hòn đảo nhưng các chính trị gia thuộc lưỡng đảng Hoa Kỳ đã ngăn trở tiến triển của dự luật đó.
Thống đốc Padilla nói ‘Chúng tôi muốn có một khung pháp lý để tái cơ cấu các khoản nợ nần một cách trật tự. Chúng tôi đã yêu cầu Quốc hội Mỹ nhiều lần cung cấp cho chúng tôi công cụ để làm việc đó.’
Trước đó, Puerto Rico từng mất khả năng chi trả trong các kỳ trả nợ nhưng vụ vỡ nợ hôm 2/5 là lớn nhất trong số đó có các khoản vay từ những ông chủ nắm giữ trái phiếu ở Wall Street và từ các quỹ đầu tư.
Theo các phân tích gia kinh tế, Puerto Rico về cơ bản đã bị vỡ nợ tổng cộng khoảng 70 tỷ đô la. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Truyền thông Việt Nam không đưa tin về các cuộc biểu tình vụ cá chết --- Công an bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền biểu tình
Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố chính của Việt Nam trong ngày Chủ Nhật 1/5 khi hàng ngàn người xuống đường phản đối tình trạng biển bị ô nhiễm làm cá chết hàng loạt ở miền trung đất nước.
Những người biểu tình và truyền thông xã hội nghi ngờ rằng Tập Đoàn Formosa Plastics của Đài Loan đã xả chất thải độc hại ra biển tại Hà Tĩnh, đồng thời chỉ trích chính phủ về sự chậm trễ trong việc điều tra và công bố nguyên nhân của tình trạng cá chết dọc theo 200 kilomet bờ biển miền trung Việt Nam.
Hầu hết các cuộc biểu tình tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh miền trung đã diễn ra ôn hòa. Cũng trên truyền thông xã hội, cuối ngày 1/5 đã xuất hiện nhiều bức ảnh cho thấy có ít nhất một người đàn ông và một phụ nữ bị hành hung ở thành phố Hồ Chí Minh.
Báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam không có bất cứ tin tức gì về các cuộc biểu tình. Trong khi đó, bản tin thời sự lúc 8 giờ tối ngày 1/5 của đài truyền hình Việt Nam, VTV, phát đi thông tin 2 người hoạt động nhân quyền là Trương Minh Tâm và Chu Mạnh Sơn bị bắt giữ khi đi về các tỉnh bị thiệt hại vì đợt cá chết để tìm hiểu thông tin.
VTV nói ông Tâm là thành viên của phong trào Con đường Việt Nam và ông Chu Mạnh Sơn có liên hệ với Việt Tân, một tổ chức mà lâu nay nhà nước Việt Nam vẫn gọi là “thù địch” và “khủng bố”. Đảng Việt Tân, có bản doanh ở Mỹ, đã nhiều lần bác bỏ tố cáo của chính quyền Hà Nội.
Đài VTV dẫn lời cơ quan an ninh cáo buộc 2 người hoạt động nhân quyền này nhận tiền của các tổ chức nước ngoài đến những nơi thiệt hại để ghi hình nhằm phát tán trên các trang mạng để kích động người dân.
Bình luận về sự im hơi lặng tiếng của truyền thông nhà nước Việt Nam đối với các cuộc biểu tình hôm 1/5, ông Trịnh Hữu Long, một nhà hoạt động nhân quyền hiện đang sống ở Manila, Philippines, nói:
“Không những cuộc biểu tình ngày hôm qua của dân ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng,Vũng Tàu không được báo chí Việt Nam đưa tin, mà thậm chí các cuộc biểu tình của bà con ngư dân ở các vùng bị ảnh hưởng cũng không được báo chí Việt Nam đưa tin nốt, thì tôi nghĩ rằng đây là một thiếu sót của báo chí trong nước. Điều đó không gì khác là có chỉ thị từ Ban Tuyên giáo xuống là không được đưa tin. Có một cái định hướng nào đó. Điều này tôi biết chắc vì có nhà báo ở trong nước thông báo cho tôi. Và báo chí trong nước chắc chắn là không được đưa cái tin đó”.
Từ góc độ của một cựu nhà báo cũng như là người theo dõi sát các diễn biến chính trị, xã hội ở Việt Nam trong những năm qua, nhà hoạt động Trịnh Hữu Long nhận xét chính quyền Việt Nam đã lúng túng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng môi trường biển hiện nay. Ông Long cho rằng trong tình hình Việt Nam vừa có chính phủ mới, nhân sự cấp cao mới nên chính quyền đã chọn “phương án an toàn”. Ông Long nói:
“Trong mọi tình huống mà chính quyền lúng túng không biết xử lý như thế nào, không biết làm gì thì họ sẽ lựa chọn phương án an toàn là phương án mà lâu nay họ vẫn dùng là kiểm soát thông tin. Và thông qua kiểm soát thông tin thì họ một kiểm soát lại toàn bộ xã hội, đưa xã hội về guồng quay bình thường của nó”.
Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long nhận định rằng chính quyền hiện nay đã rút ra bài học từ những cuộc biểu tình do phẫn nộ về chủ quyền biển hồi giữa năm 2014 đã dẫn đến bạo loạn. Ông nói:
“Trong thời điểm năm 2014, khi thông tin về giàn khoan 981 được báo chí trong nước đưa tin rất nhiều đã biến thành biểu tình rầm rộ ở khắp cả nước và chắc chắn là chính quyền không muốn xảy ra nữa”. - VOA
***
Một số nhà hoạt động tại Việt Nam hôm 1 tháng 5 bị bắt trước khi có thể tham gia tuần hành biểu tình kêu gọi bảo vệ biển và môi trường sinh thái của Việt Nam. Trong khi đó có người vì đưa tin thảm trạng cá chết và tác động đến cuộc sống của ngư dân cùng gia đình họ hiện đang bị bắt với cáo buộc kích động người dân biểu tình.
Bắt bớ & đánh đập
Cô Phạm Thanh Nghiên, người từng lên tiếng về trường hợp 5 ngư dân Thanh Hóa bị phía Trung Quốc bắn chết ở Vịnh Bắc Bộ hơn chục năm trước, cũng như việc mất Hoàng Sa, Trường Sa là một trong số bị an ninh chặn bắt ở hầm giữ xe nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn sáng hôm 1 tháng 5.
Cô cho biết ngay khi bị bắt đã bị hành hung cho tới lúc đến phường 15 quận Tân Bình. Đó là nơi mà bản thân cô cùng chồng, Huỳnh Anh Tú, bà Dương Thị Tân, anh Đỗ Đức Hợp, anh Việt Quân và Nguyễn Hữu Tình cùng bị an ninh mặc thường phục hành xử như những tội nhân. Cô Phạm Thanh Nghiên kể lại:
“Với tôi chỉ có đánh thôi, còn Việt Quân và anh Tú có làm văn bản; nhưng anh Tú không có ký gì cả, anh Quân hình như cũng không ký. Họ có hỏi chồng tôi những việc làm như thế có sai trái gì không, chồng tôi nói không; những việc làm không sai trái dù có phải bị đánh chết hay án tù thì chồng tôi cũng phải thực hiện quyền con người, quyền công dân và phải đóng góp cho tổ quốc. Đó là trách nhiệm của anh ấy. Chị Tân không bị đánh đập nặng nề như chúng tôi, nhưng chị là người rất nhiều bệnh tật, các khớp chân tay sưng hết lên. Tất cả chúng tôi đều bị bẻ quặt tay ra sau và bị bẻ cổ...
Người bị đánh nhiều nhất là Nguyễn Hữu Tình, bị đánh tất cả 4 lần: 3 lần trong đồn công an và một lần ở ngoài. Trong đồn công an hầu như bị đánh hội đồng tức là 2-3 người đánh một lúc, còn tôi thì từng ‘thằng’ nó tỉa thôi!”
Lập luận với phía ngăn trở
Ngay khi biểu tình bị ngăn chặn những người tham gia đã phản đối lực lượng chức năng. Cô Trang Nhung, một ứng viên đại biểu quốc hội độc lập trong đợt vừa qua, trình bày lại lập luận của cô vào lúc bị chặn như sau:
“Tôi nói với những người ngăn chặn là mọi người biểu tình không chỉ cho mình mà còn cho chính những người ngăn chặn nữa. Nếu như tình trạng này tiếp diễn thì ngay họ và chính gia đình họ sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe.”
Tại thành phố Đà Nẵng, anh Bùi Tuấn Lâm khi bị chặn bắt cũng cho biết phản đối của anh:
“Tôi nói tôi không phải là người gây rối; người gây rối chính là công an mang xe và người ra đây la lối làm rộn chuyện. Tôi chỉ biểu tình ôn hòa, nếu cứ để yên thì đâu có chuyện gì xảy ra.
Tại sao chúng tôi có quyền lên tiếng cho môi trường, lên tiếng cho sự an toàn của quê hương, đất nước? Họ nói Đà Nẵng đâu có bị gì. Tôi trả lời cho dù Đà Nẵng không bị mà bất cứ chỗ nào trên quê hương đất nước này, tôi là công dân Việt Nam tôi phải lên tiếng. Còn chuyện Đà Nẵng có bị hay không cũng chưa rõ ràng. Cho dù Đà Nẵng chưa bị nhưng Hà Tĩnh, Quảng Bình... đang bị rất nặng nề và sự thiệt hại của người dân rất cao.
Tôi là công dân Việt Nam còn muốn lên tiếng phản đối công ty Formosa thải chất độc ra biển.”
Quan điểm về chuyện bắt bớ
Truyền thông trong nước tối ngày 1 sang ngày 2 tháng 5 loan tin cơ quan chức năng tạm giữ hai người là anh Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn. Theo đó anh Trương Minh Tam là người của tổ chức Con Đường Việt Nam đến Hà Tĩnh chụp hình quay phim đưa tin trên mạng với mục đích ‘tuyên truyền, đả kích, chính sách pháp luật, hoạt động của các cơ quan chức năng’. Anh Tam có nhận tiền của tổ chức này.
Anh Chu Mạnh Sơn được nói là thành viên của tổ chức Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ. Mục tiêu đến Quảng Bình được truyền thông trong nước nói là ‘thu thập thông tin, hình ảnh quần chúng nhân dân tụ tập gửi cho các đối tượng để phát tán trên các trang mạng phản động nhằm xuyên tạc, gây kích động trong quần chúng nhân dân’.
Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên có nhận định về các cáo buộc đối với hai người vừa nêu như sau:
“Cũng không lạ gì việc làm của phía Nhà nước mặc dù tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng có thể khẳng định những việc làm của anh Tam cũng như anh Sơn không gì khác là muốn mang sự thật cho công luận biết và dấn thân cho tự do dân chủ mà hai anh đều là cựu tù nhân lương tâm.
Nghe tin này với tư cách là một người từng đi tù và nhất là đối với những người phải trở lại nhà tù lần thứ hai thì không riêng gì tôi mà tất cả chúng ta đều ngậm ngùi, xót xa. Nhưng tôi tin rằng anh Tam cũng như anh Chu Mạnh Sơn đủ bản lĩnh, đặc biệt đối với những người có đức tin thì tôi tin rằng họ sẽ vượt qua được mọi thử thách; cho dù trường hợp xấu nhất xảy ra là án tù đi chăng nữa! Việc làm của họ hoàn toàn không vô ích, ngược lại có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt trong thời gian có những sự kiện về thảm họa môi trường như thế này, tôi cho rằng việc làm của hai anh là vô cùng quý giá.”
Anh Bùi Tuấn Lâm và cô Trang Nhung cũng cùng nhận định việc bắt giữ như thế là vô lý và trái pháp luật.
Cô Trang Nhung đưa ý kiến:
“Việc bắt giữ như thế là trái pháp luật hoàn toàn, hơn nữa vô lý khi mọi người đi biểu tình chỉ vì môi trường trong sạch thôi, rất xứng đáng khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường đã lan rộng, đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân miền Trung và có thể người dân ở những nơi khác nữa. Nếu không có hành động, kể cả lên tiếng thôi, thì không biết thảm họa còn lan rộng như thế nào!”
Và quan điểm của anh Bùi Tuấn Lâm:
“Thực ra người dân biểu tình vì bức xúc, vì sự uất nghẹn của họ chứ làm sao mà anh Trương Minh Tam và anh Chu Mạnh Sơn có thể đứng ra kêu gọi biểu tình hay kích động được. Còn bản thân tôi tin rằng đó là một vu cáo đối với Chu Mạnh Sơn và anh Trương Minh Tam.”
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn vào ngày 2 tháng 5 đưa lên trang facebook cá nhân một status với hai câu hỏi “Những phóng viên VTV, VTC mà tôi thấy loanh quanh ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh này, có anh chị nào đi làm tin mà không có công tác phí không?”; câu thứ hai “Phải chăng Bộ Công an đang cho rằng hằng ngàn người xuống đường hôm qua ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... là do người đàn ông tên Tam bên dưới xúi giục, kích động?”
Mạng báo Lao Động trong bản tin ngày 2 tháng năm loan rằng bản thân hai người bị tạm giữ là Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn thừa nhận những điều bị cáo buộc.
Thực tế lâu nay cho thấy, những người bị buộc tội như hai anh Tam và Sơn rồi bị án tù, sau khi mãn án công khai cho biết họ chẳng bao giờ nhận tội như cơ quan chức năng và truyền thông Nhà nước loan tin. - RFA
|
|
6.
Việt Nam: Chiến hạm Pháp Tonnerre thăm cảng Cam Ranh --- Trung Quốc lập đội dân quân trên biển
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam loan báo: Chiến hạm chở trực thăng Tonnerre thuộc lớp Mistral của Hải quân Pháp ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam trong bốn ngày 02-06/05/2016. Thông cáo cho biết đây là dấu hiệu của « ý hướng tăng cường hợp tác giữa quân đội và chính phủ hai nước ».
Trong chuyến thăm hữu nghị bốn ngày này, thủy thủ đoàn chiến hạm Tonnerre (Sấm sét) tham gia các hoạt động giao lưu, và tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền, quân đội tỉnh Khánh Hòa, vùng 4 Hải Quân và Học Viện Hải Quân.
Các thủy thủ Pháp-Việt sẽ cùng luyện tập tìm kiếm, cứu hộ, thực hành Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển. Đây là lần thứ hai chiếc Tonnerre thăm Việt Nam, trong khuôn khổ chiến dịch Jeanne d’Arc.
Chiếc BPC Tonnerre (L9014) là một trong ba tàu chỉ huy và đổ bộ của Pháp, thuộc loại tàu có trọng tải lớn chỉ đứng sau hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles De Gaulle. Chiến hạm dài 199 mét, rộng 32 mét, trọng tải 21.300 tấn, đã từng tham gia can thiệp quân sự Harmattan tại Libya năm 2011.
Như vậy là sau khi được khánh thành ngày 8/3, đã có ba chuyến thăm của chiến hạm ngoại quốc đến cảng quốc tế Cam Ranh. Đầu tiên là tàu RSS Endurance của Hải quân Singapore vào ngày 17/3, sau đó là hai chiến hạm Nhật Ariake và Setogiri ngày 12/4.
Cam Ranh là cảng có vị trí chiến lược ở Biển Đông, nằm trong vịnh kín gió, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và tàu bè có thể neo đậu trong điều kiện giông bão đến cấp 8. - RFI
***
Đoàn tàu đánh cá Trung Quốc ở đảo Hải Nam được tổ chức thành đội ngũ, học tập quân sự, trang bị vũ khí, được cấp xăng và nước đá miễn phí để vừa đánh bắt hải sản vừa "bảo vệ chủ quyền" ở Biển Đông. Tin này do chính quyền Hải Nam xác nhận với Reuters.
Theo tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thì "không báo giờ có chuyện Trung Quốc huy động ngư dân để khẳng định chủ quyền biển đảo".
Trên thực tế, theo Reuters, hàng chục ngàn tàu cá được trang bị vũ khí, hệ thống truyền tin, ngư phủ học tập quân sự trở thành dân quân phục vụ trên vùng Biển Đông.
Khóa huấn luyện đầu tiên gồm cứu hộ, chiến đấu và thu thập thông tin tình báo được tổ chức trên bộ và sẽ thực tập trên biển từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay. Chính quyền Hải Nam cho biết trả tiền cho các ngư dân đi học quân sự. Khoảng 50.000 tàu đánh cá được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, báo cáo tình hình, sự hiện diện của hải thuyền nước ngoài.
Ngư dân Trung Quốc được tài trợ thay thế thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép và có trang bị súng. Họ tin rằng quân đội Trung Quốc đã "đủ mạnh" để bảo vệ họ nếu gặp kháng cự .
Trả lời phỏng vấn của Reuters, một chủ công ty họ Trần cho biết hãng của ông được nhà nước tài trợ để mua tàu đánh cá loại lớn bằng thép, trọng tải hàng trăm tấn, để đánh cá tận Trường Sa và "bảo vệ chủ quyền tổ quốc" chống tàu cá nước ngoài xâm phạm.
Tàu cá của công ty của ông Trần dừng chân ở đảo Phú Lâm, đảo Hoàng Sa, nơi có các giàn tên lửa phòng không, để lấy thêm nhiên liệu và báo cáo với tuần duyên. Ông này cho biết rất mong sử dụng các trạm tiếp liệu mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa.
Một cố vấn chính quyền Hải Nam giải thích là lực lượng dân quân trên biển đang phát triển mạnh, vì "ngư dân có quyết tâm bảo vệ lãnh hải và quyền lợi quốc gia".
Một chuyên gia quốc tế cho biết là lực lượng dân quân ngư phủ của Trung Quốc có nguy cơ gây xung đột với hải quân quốc tế . Cho đến nay chỉ có chiến hạm mới có nguyên tắc ứng xử và liên lạc với nhau để tránh đụng độ vì hiểu lầm.
Vấn đề là một khi dân quân Trung Quốc với đội tàu cá đông đảo và tối tân thực hiện ý đồ thống trị biển Đông của Trung Quốc, thì tương lai ngư dân các nước láng giềng ra sao ? Các nước liên can có đối sách bảo vệ ngư dân hay thụ động? - RFI
No comments:
Post a Comment