Wednesday, May 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 11/5

Tin Thế Giới

1.
Tuần tra Biển Đông: Mỹ vẫn quá rụt rè? --- Trung Quốc tung chiến đấu cơ bám sát tàu Mỹ ở Đá Chữ Thập

Chiến dịch tuần tra vừa được chiến hạm USS William P. Lawrence tiến hành hôm qua, 10/05/2016, trong khu vực Đá Chữ Thập (Trường Sa) đã được Lầu Năm Góc xác nhận là một sự khẳng định mạnh mẽ quyền tự do hàng hải, nhằm m phản bác các yêu sách "quá đáng" của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng thủ tục tàu Mỹ áp dụng lại quá rụt rè, cho nên đã phản tác dụng, với hệ quả là củng cố thêm các đòi hỏi của Bắc Kinh.

Theo báo Nhật Bản The Japan Times ngày 11/05, trong một bản thông báo gởi bằng email tối hôm qua, trung tá Bill Urban, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ đã xác định rõ là khi tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập, khu trục hạm USS William P. Lawrence của Mỹ đã "hành xử quyền đi qua vô hại (innocent passage)".

Đối với phát ngôn viên kể trên, hành động của chiến hạm Mỹ nhằm "thách thức các nỗ lực của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam muốn hạn chế quyền tự do hàng hải xung quanh các thực thể địa lý mà họ đòi chủ quyền, cụ thể là việc yêu cầu phải xin phép hay thông báo trước, mỗi khi quá cảnh lãnh hải những nơi này, một yêu cầu trái với luật pháp quốc tế".

Khi tung ra các chiến dịch tuần tra được mệnh danh là vì quyền tự do hàng hải tại Trường Sa và Hoàng Sa, Washington muốn khẳng định lập trường phản đối các yêu sách "quá đáng" của Bắc Kinh tại Biển Đông, đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ khu vực, mà cụ thể là chống lại việc khoanh vùng lãnh hải, gây khó khăn cho lưu thông trên không và trên biển, tại những nơi mà Trung Quốc cho là của họ.

Từ năm ngoái đến nay, như vậy là Hải Quân Mỹ đã ba lần cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo mà Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông, đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, cũng như và Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa.

Vấn đề được nhiều nhà quan sát nêu bật, trong cả ba lần áp sát các đảo mà Bắc Kinh trấn giữ, Washington đều chọn một cách tiếp cận nhẹ nhàng nhất, được cho là để khỏi chọc giận Trung Quốc quá lố. Đó là áp dụng thủ tục đi qua vô hại, tuyệt đối tránh những hoạt động như là diễn tập quân sự, phô trương vũ khí…

Theo chuyên gia Euan Graham, giám đốc Chương Trình An Ninh Quốc Tế tại Viện Lowy ở Sydney, việc cả ba chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đều áp dụng thủ tục đi qua vô hại mà không thông báo trước đã chứng tỏ rằng chính quyền chủ trương "một cách tiếp cận ‘tối giản’ trong việc khẳng định quyền tự do hàng hải" để tránh tối đa việc gây căng thẳng với Trung Quốc.

Đối với ông Graham, khi quyết định như vậy, Washington đã không đáp ứng yêu cầu của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho rằng cần phải áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn mới ngăn chặn được Bắc Kinh tại Biển Đông. Thậm chí có tin cho rằng, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã hoàn toàn bị bịt miệng trên vấn đề này.

Theo báo The Japan Times, một số nhà phân tích đã cho rằng cách hành xử rụt rè của Mỹ tại Biển Đông đã phản tác dụng, và củng cố thêm cho các yêu sách của Trung Quốc.

Chiến dịch tiến hành hôm qua tại khu vực Đá Chữ Thập chẳng hạn nguy cơ là đã gián tiếp xác nhận vùng lãnh hải xung quanh thực thể này, vốn là một bãi nổi trước lúc được bồi đắp, nên có quyền được hưởng lãnh hải 12 hải lý, và chiến hạm Mỹ, khi áp dụng thủ tục đi qua vô hại, đã vô tình công nhận điều đó.

Trong bối cảnh đó, các chiến dịch khẳng định quyền tự do hàng hải mà Hải Quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông được cho là đã không mang lại hiệu quả răn đe Bắc Kinh như Washington mong muốn. Đó cũng chính là lý do vì sao mà phái chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, từ Thượng nghị sĩ John McCain đến giới lãnh đạo Hải Quân Mỹ đều muốn được quyền áp dụng những thủ tục mạnh mẽ hơn. - RFI

***
Chiến dịch tuần tra Biển Đông thứ ba do Hải Quân Mỹ tiến hành vào hôm qua, 10/05/2016, bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa (Biển Đông) đã vấp phải phản ứng dữ dội của Trung Quốc. Lần này Bắc Kinh lớn tiếng loan báo là đã tung chiến đấu cơ lên sẵn sàng nghênh chiến, đồng thời điều tàu chiến ra bám đuôi khu trục hạm Mỹ.

Trong một thông cáo vời lời lẽ gay gắt, bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định là đã huy động 2 chiến đấu cơ J-11 và một chiếc máy bay tuần tra Y-8 đến vùng biển nơi khu trục hạm Mỹ USS William P. Lawrence hoạt đông. Một khu trục hạm và hai hộ tống hạm của Trung Quốc, cũng được cử đến để "cảnh cáo và xua đuổi tàu Mỹ".

Theo bộ Quốc Phòng Trung Quốc, cuộc tuần tra của Mỹ gần Đá Chữ Thập là một hành vị "xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Trung Quốc" và là một sự "khiêu khích nghiêm trọng".

Đối với bộ Quốc Phòng Trung Quốc, hành động của Mỹ "Một lần nữa chứng tỏ rằng việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở phòng thủ trên các đảo ở Nam Sa (tức là Trường Sa) là hoàn toàn hợp lý và cần thiết".

Vài giờ trước phản ứng của bộ Quốc Phòng, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng lớn tiếng tố cáo Mỹ là đã "đe dọa chủ quyền và an ninh Trung Quốc, gây nguy hiểm cho cán bộ và cơ sở của Trung Quốc" trên Đá Chữ Thập, đồng thời "làm tổn hại hòa bình và ổn định" ở Biển Đông.

Trung Quốc đã có phản ứng trên đây ít lâu sau khi Hải Quân Mỹ phái chiến hạm Willima P. Lawrence đi vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của Đá Chữ Thập, một rạn san hô vừa được Trung Quốc bồi lên thành đảo nhân tạo, bên trên có xây một phi đạo dài hơn 3000 thước đã được phi cơ hạng nặng thử nghiệm.

Bộ Quốc Phòng Mỹ chính thức gọi hoạt động hôm qua của khu trục hạm William P. Lawrence là một chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải, nhằm thách thức « yêu sách chủ quyền quá đáng » của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, nhưng rõ ràng là nhắm riêng Trung Quốc, nước đang kiểm soát nơi này.

Một số nhà quan sát đã cho rằng cuộc tuần tra Trường Sa hôm qua của Hải Quân Mỹ là một thông điệp cứng rắn của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc trước lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama công du Châu Á và sẽ ghé thăm Việt Nam.

Dĩ nhiên là các quan chức Mỹ đã bác bỏ suy đoán trên. Phát biểu tại Luân Đôn, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng mục tiêu duy nhất của hoạt động hải quân đó là khẳng định quyền tự do lưu thông trên biển. - RFI
|
|

2.
Nữ hoàng Anh nói quan chức TQ 'thô lỗ'

Trong một đoạn hội thoại được ghi hình, Nữ hoàng Elizabeth II bình luận rằng các quan chức Trung Quốc "thô lỗ" trong chuyến thăm Anh hồi năm ngoái của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Lúc đó bà đang nói chuyện với một sỹ quan cảnh sát cao cấp tại một buổi tiệc ở Điện Buckingham hôm thứ Ba 10/5 và hai người đề cập tới cung cách phía Trung Quốc đối xử với nữ đại sứ Anh ở Trung Quốc.

Trước đó Thủ tướng Anh David Cameron cũng bị nghe thấy nói rằng Afghanistan và Nigeria "vô cùng tham nhũng".

Điện Buckingham nói chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập "rất thành công".

Lời mời Chủ tịch Tập thăm Anh quốc là một phần trong chính sách của Anh nhằm khuyến khích đầu tư Trung Quốc.

Tại buổi tiệc hôm thứ Ba, Nữ hoàng được giới thiệu với Chỉ huy Cảnh sát Thủ đô Lucy D'Orsi, người phụ trách mảng an ninh trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình hồi tháng 10/2015.

Nữ hoàng lúc đó thốt lên: "Ồ, thật là không may [cho nữ chỉ huy cảnh sát]".

'Thật kỳ dị'

Một quan chức cảnh sát khác nói với Nữ hoàng rằng nữ Chỉ huy D'Orsi "bị phía Trung Quốc qua mặt một cách rất nghiêm trọng nhưng bà ấy đã cứng rắn và giữ quyền chỉ huy".

Bà D'Orsi nói với Nữ hoàng Elizabeth II: "Tôi là chỉ huy trưởng trong chuyến thăm, tôi không rõ bệ hạ có biết không nhưng thời gian đó thật là căng thẳng..."

Nữ hoàng trả lời: "Tôi biết chứ".

Nữ chỉ huy trưởng D'Orsi nói tiếp: "Khi họ đùng đùng bước ra khỏi Lancaster House và nói với tôi rằng không có thăm viếng gì nữa thì tôi cảm thấy thật là..."

Nữ hoàng nói: "Họ thật là thô lỗ với bà đại sứ [Anh tại Trung Quốc - bà Barbara Woodward]."

Chỉ huy trưởng D'Orsi đáp lại: "Tôi cho là họ thật sự... rất thô lỗ và thiếu ngoại giao".

Nữ hoàng bình luận mọi việc "thật kỳ dị".

Phát ngôn viên của Điện Buckingham nói họ không bình luận về các cuộc trò chuyện riêng tư của Nữ hoàng.

"Thế nhưng chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc rất thành công và các bên đã hợp tác rất chặt chẽ để bảo đảm nó diễn ra suôn sẻ."

Hiện chính phủ Trung Quốc chưa có phản ứng gì, nhưng các bài tường thuật về phát biểu của Nữ hoàng Anh đã bị kiểm duyệt và chương trình truyền hình BBC World bị gián đoạn khi nói về chủ đề này.

Hồi xảy ra chuyến thăm, Nữ hoàng ca ngợi đây là chuyến thăm đánh dấu quan hệ đặc biệt và hợp tác Anh-Trung được nâng lên tầng cao mới đầy tham vọng.

Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên được Nữ hoàng khoản đãi bằng một đại tiệc ngay tại Điện Buckingham. - BBC
|
|

3.
Thủ đô bán sỉ của thế giới chật vật vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Trong khi tiếp tục cảm thấy lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, những nhà kinh tế đang tranh luận về khả năng nước này có thể xảy ra một vụ “hạ cánh cứng” hoặc suy thoái kéo dài. Nhưng đối với hầu hết những người ở Trung Quốc, dù có tranh luận hay không thì suy thoái kinh tế đã trở thành một hiện thực và vấn đề quan trọng nhất là tìm ra một cách thức để tiếp tục công cuộc kinh doanh. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Trung Quốc.

Ở thành phố thương mại Nghĩa Ô trên triền núi, những thương gia đang cảm nhận rõ tác động của suy thoái, nhưng cũng đang tìm cách chống chọi với cơn bão.

Gia đình của ông Khấu Đức Huyên kinh doanh đồ sứ mấy chục năm nay. Và hoạt động kinh doanh của ông rất phát đạt khi nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu của Trung Quốc bùng nổ. Nhưng giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một phần tư thế kỷ, việc kinh doanh đĩa, ấm trà bằng sứ và những đồ đựng trang trí tinh xảo là một việc có nhiều rủi ro bị đổ vỡ.

Giống như những sản phẩm mà ông bán.

Ông Khấu Đức Huyên nói rằng không chỉ có nền kinh tế trong nước chậm lại. Chiến tranh ở nước ngoài, biến động tiền tệ và tình trạng bất ổn kinh tế rộng lớn hơn đều góp phần tạo ra những thách thức.

Cắt giảm lợi nhuận

Ông cho biết trong hai năm qua, doanh số bán hàng đã giảm khoảng 20 phần trăm. Để bám trụ, ông phải cắt giảm sản lượng và chi phí đóng gói, thậm chí cả lợi nhuận của riêng mình.

Ông Khấu nói: "Khách hàng của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, vì thế chúng tôi cố gắng hạn chế lợi nhuận của mình với hy vọng rằng chúng tôi có thể giữ cho doanh nghiệp hoạt động."

Ông Khấu có một cửa hàng trong thị trường bán sỉ khổng lồ của Nghĩa Ô, một khu thương mại trải dài mấy cây số và có hơn 60.000 cửa hàng mặt tiền. Những người vận hành cơ sở này nói nếu bạn vào mỗi cửa hàng ít nhất ba phút thì sẽ mất ít nhất 13 tháng để tham quan hết toàn bộ cơ sở.

Tọa lạc tại tỉnh Chiết Giang ở đông nam Trung Quốc, Nghĩa Ô cách không xa hai thành phố cảng Thượng Hải và Ninh Ba.

Nhưng các thương gia xem Nghĩa Ô một nơi thuận lợi để kinh doanh vì sự hỗ trợ và sự tự do mà chính quyền địa phương dành cho giới bán buôn, từ những ưu đãi về thuế cho tới sự can thiệp tương đối ít vào hoạt động kinh doanh.

Và dù vị trí địa lý của nó thiếu một số những lợi thế của những đô thị thương mại và sản xuất ven biển lớn của Trung Quốc, khu vực này lâu nay vốn là cơ sở cho những thương nhân.

Chính phủ do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã tìm cách triệt tiêu thương mại nhưng không thành công, và sau đó cho phép thương mại phát triển mạnh mẽ khi những cải cách thị trường khởi sự vào những năm 1980.

Ngày nay, nó được gọi là thủ đô những mặt hàng nhỏ bán sỉ của thế giới.

Hầu như tất cả mọi thứ và bất cứ thứ gì sản xuất tại Trung Quốc đều có thể tìm được và mua được trong thành phố này. Từ đây, hàng hóa được vận chuyển ra khắp toàn cầu tới Châu Phi, Trung Đông, Châu Âu và Châu Mỹ.

Thị trường đặc biệt

Một số khách hàng chính của ông Khấu ở Trung Đông và Châu Âu. Ông nói rằng dù những thương nhân như ông có thể không làm được gì nhiều để thay đổi môi trường tổng thể mà họ đang phải đối mặt, song ông đang tìm cách bảo vệ doanh nghiệp của mình, trong đó có việc tập trung vào những sản phẩm đặc biệt cho khách hàng của ông.

Ông Khấu cho biết: "Với mỗi sản phẩm, bạn phải liên tục cải tiến. Nếu bạn không thể tiếp tục làm điều đó thì thị trường sẽ bỏ bạn lại phía sau."

Trong mấy chuyến thăm gần đây đến khu thương mại này, phóng viên của VOA nhận thấy có rất ít người qua lại. Nhiều người chủ chỉ ngồi trong cửa hàng của mình, một số người xem phim Hàn Quốc và những người khác tán gẫu với bạn bè.

Tuy nhiên, một số cửa hàng lại rất bận rộn trong việc tiếp đón và bàn bạc với những thương nhân từ Châu Phi, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Mỹ đến đây để đặt hàng.

Trong một số cửa hàng, người chủ đang chất lại hàng hóa lên kệ. Những cửa hàng khác thì im lìm với tấm bảng "cho thuê" dán trên cửa sổ.

Internet – Con dao hai lưỡi

Một số người nhận thấy sự sáng tạo là cách chắc chắn để tiếp tục hoạt động, bất kể những thách thức.

Ông Tông Phàm Trung, một người thiết kế đồng hồ, bán những chiếc đồng hồ đặc chế của ông tại khu thương mại Nghĩa Ô. Ông nói nhờ lấy được bằng sáng chế cho những sản phẩm độc đáo của ông, được bán ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, mà công cuộc kinh doanh của ông được bảo vệ. Ông cũng nhận thấy Internet là phao cứu sinh và là một cách thức quan trọng để giữ cho doanh nghiệp của ông tiếp tục hoạt động.

Ông Tông nói: "Chúng tôi đang sử dụng những trang mạng như TMall và Taobao và việc này đã giúp bù đắp doanh số bán hàng. Thương mại nước ngoài đã sụt giảm đáng kể kể từ năm ngoái, khoảng từ 30 đến 50 phần trăm."

Nhưng không phải ai cũng sẵn lòng hoặc có thể chuyển sang bán hàng trực tuyến.

Ông Tiết Á Thanh là một nhân viên bán hàng cho Alibaba, người đang tìm cách giúp những chủ cửa hàng bán được hàng. Ông nói rằng từ công việc của mình, ông có thể nhìn thấy tác động của nền kinh tế đang chậm lại.

Ông Tiết nói: "Một số chủ cửa hàng đang thua lỗ, không kiếm được chút lời nào và nợ nần đang chồng chất, và chính vì thế, một số người chỉ ở đây một thời gian rồi sau đó phải đóng cửa doanh nghiệp của mình."

Ông Tiết hy vọng có thể đưa họ lên mạng để giúp họ. Nhưng không phải ai cũng sẵn lòng.

"Một số người đã buôn bán trong cửa hàng từ nhiều năm rồi và từ quan điểm của họ thì họ không cần," ông nói.

Và với một số lượng lớn những cửa hàng trực tuyến, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Ông Hà Kinh Sinh từng điều hành một doanh nghiệp gia đình nhỏ bán hoa tai và chuỗi hạt đeo cổ cùng những phụ kiện thời trang khác. Ông đã cố gắng đưa cửa hàng của mình lên mạng, với sự giúp đỡ của con gái, nhưng cuối cùng sự bão hòa của những cửa hàng tương tự trên mạng và những khách hàng không có điều mà ông gọi là "đạo đức nghề nghiệp" làm cho ông không thể tiếp tục kinh doanh.

Ông nói: "Một số người không chịu thanh toán đúng hạn và đã gây cho chúng tôi rất nhiều áp lực, và vì lý do đó chúng tôi rời khỏi thị trường vào đầu năm nay," ông nói.

Giờ ông làm tài xế taxi tư nhân 15 tiếng một ngày, sử dụng ứng dụng Dididache của Trung Quốc, một dịch vụ gọi xe đưa rước qua Internet tương tự như Uber. Ông nói đây không phải là công việc thích hợp cho độ tuổi của ông, nhưng "người ta phải kiếm sống thôi."

Khách hàng trên hết

Nhiều thương nhân đang ứng phó với tác động của suy thoái kinh tế có một vài điểm chung; họ làm chủ những nhà máy riêng của mình và tập trung vào những gì mà họ biết rõ nhất.

Có những khách hàng lâu năm và có khả năng tìm cách thích ứng với những nhu cầu thay đổi trong một thị trường toàn cầu ngày càng thắt chặt cũng là điều quan trọng, theo lời ông Thúc Kế Châu, chủ tịch của Vifa Group.

Ông Thúc nói: "Chúng tôi thực sự nỗ lực với khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi đang chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm, chất lượng và kiểm soát chi phí cũng như phát triển sản phẩm mới. Với những mối quan hệ gần gũi với khách hàng của chúng tôi, chúng tôi làm việc theo một cách rất có tính chiến lược."

Ông nói dù công ty của ông cũng đang chịu tác động, nhưng suy thoái vẫn chưa khiến công việc làm ăn của công ty bị trì trệ. Trong 5 năm qua, lợi nhuận của công ty ông tiếp tục tăng lên và mới đây, ông đã có thể mua thêm chỗ để nới rộng văn phòng vì giá nhà đất xuống thấp.

Nhìn từ quan điểm của ông Thúc, cuộc khủng hoảng kinh tế là có thực, nhưng cũng còn có nhiều cơ hội để làm ăn.

Ông nói: "Tất cả chỉ tùy thuộc vào bản thân của mình mà thôi, không có thứ gì khác. Tất cả đều tùy thuộc vào cách bạn kinh doanh. Hầu hết mọi người đang khổ sở. Đó là sự thật. Nhưng thế giới quá lớn. Có rất nhiều cơ hội. Ngành nghề nào cũng đều có cơ hội cả." - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Vụ cá chết ở Việt Nam ‘lan’ tới Quốc hội Mỹ

Một dân biểu Hoa Kỳ quan tâm tới tình hình Việt Nam nói ông hy vọng rằng trong chuyến thăm sắp tới, Tổng thống Barack Obama sẽ nêu vấn đề cá chết hàng loạt ở miền Trung cũng như các cuộc biểu tình của người dân Việt.

Nhà lập pháp Mỹ Chris Smith nói với VOA Việt Ngữ như vậy, sau khi chủ trì một phiên điều trần về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cụ thể là vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài, hôm nay, 10/5.

Dân biểu thuộc phe Cộng hòa nói rằng các vụ trấn áp hàng trăm người tuần hành vì môi trường ở Hà Nội và TP HCM đầu tuần này cho thấy rõ “sự độc tài và bất dung đối lập” của chính quyền Việt Nam.

Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam rất giỏi ngăn chặn những tiếng nói bất đồng. Theo tôi, những quan điểm trái chiều, có hiểu biết và bất bạo động chỉ giúp xã hội tốt đẹp lên. Tôi hy vọng rằng chính quyền Việt Nam sẽ bao dung hơn nữa trước các tiếng nói khác với họ như ở Hoa Kỳ để xã hội tốt đẹp hơn và đi đến nhiều chính sách tốt hơn. Có những khi ta tưởng như đã tìm ra mọi câu trả lời, nhưng thực tế thì chưa, nếu chưa có sự phản biện”.

Chính phủ Việt Nam bấy lâu nay luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng Hà Nội “bịt miệng” những tiếng nói trái chiều cũng như bắt giữ những người bất đồng chính kiến.

Cuối tháng trước, một người Việt từ Hà Tĩnh đã viết thư kiến nghị lên Nhà Trắng, đề nghị chính quyền Mỹ “giúp đánh giá độc lập” về vụ cá chết hàng loạt, cũng như kêu gọi ông Obama nêu vấn đề này khi tới Việt Nam.

Tới 10/5, tức hơn 10 ngày trước chuyến công du của Tổng thống Mỹ, có 140 nghìn người đã ký vào lá thư ngỏ nổi bật ngay trên trang chủ của “We the People” (Tiếng nói người dân).

"Tình người với người"

Về lời kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama giúp Việt Nam điều tra vụ cá chết, Dược sỹ Nguyễn Mậu Trinh, đại diện cho Nghị hội Toàn quốc người Việt tại Hoa Kỳ tham dự buổi điều trần, nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là “điều nên làm” vì “tình người với người”.

Dù ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, ông Trinh nói ông vẫn quan tâm tới tình hình xã hội và môi trường ở Việt Nam, cũng như các cuộc biểu tình hôm 8/5:

“Người dân, họ không có một phương tiện nào khác, ngoài tiếng nói của mình và đôi chân của mình, đi ra đường cùng nhau, thành một đám đông để nói tiếng nói chung, đòi quyền sống của mình được bảo vệ, môi sinh, môi trường sống của mình được bảo vệ. Chuyện ngăn chặn, đàn áp, tôi không hiểu chính quyền có một đường hướng nào, bảo vệ một quyền lợi nào mà không đặt quyền lợi của người dân lên trên hết”.

Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy tình trạng người xuống đường bị “mạnh tay” và “giải đi trên xe buýt”.

Thông qua báo chí nhà nước, chính quyền Việt Nam những ngày qua cáo buộc một số tổ chức mà họ gọi là “phản động” của người Việt “lôi kéo, giật dây các vụ biểu tình".

"Hãy giúp đỡ cho dân tộc Việt Nam"

Cuộc điều trần kéo dài một giờ đồng hồ do ông Smith chủ trì có một nhân chứng duy nhất là bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà bất đồng chính kiến mới bị nhà nước bắt hồi cuối năm ngoái vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Khi được chủ tọa hỏi về những điều muốn nói với ông Obama, bà Khánh nói: “Nếu như có Tổng thống [Barack Obama] tại đây, tôi muốn gửi đến Tổng thống rằng xin hãy giúp đỡ cho dân tộc Việt Nam, xin hãy đấu tranh cho Việt Nam có nhân quyền, bởi vì người Việt Nam đã rất là khổ trong nhiều năm, và xin ông hãy có tiếng nói khi mà tới Việt Nam về việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm, và tôi mong muốn ông nhấn mạnh tới trường hợp của anh Đài”.

Trong khi đó, dân biểu Cộng hòa Ed Royce, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, phát biểu rằng “trong khi duy trì hòa bình ở biển Đông và cải thiện quan hệ thương mại là mục tiêu quan trọng chung, chính quyền [của Tổng thống Obama] cần phải chú tâm tới vấn đề trấn áp nhân quyền ở Việt Nam trong khi phát triển mối quan hệ”, và rằng “nhân quyền cần phải nằm đầu trong nghị trình của Tổng thống [Obama]”.

Nhân quyền lâu nay vẫn được coi là một trở ngại lớn trong quan hệ Việt – Mỹ, nhưng quan chức hai nước nhiều lần tuyên bố rằng đôi bên luôn thẳng thắn trao đổi về điều họ nói còn nhiều khác biệt này.

Cuộc điều trần diễn ra một ngày trước khi cộng đồng người Việt ở Mỹ đánh dấu Ngày Nhân quyền cho Việt Nam, 11/5. - VOA
|
|

5.
'Chính sách thương mại của Trump sẽ gây thiệt hại lớn cho nước Mỹ' --- Bầu cử sơ bộ West Virginia: Ông Sanders, Trump chiến thắng

Nhân vật được coi như ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hoà đã có những lời lẽ cứng rắn đối với các đối tác thương mại của Mỹ: phải công bằng, nếu không sẽ phải nhận lãnh hậu quả. Chưa gì ông đã muốn buộc Mexico phải trả tiền để xây một hàng rào ở biên giới, và còn dọa sẽ áp đặt những sắc thuế thật cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc để cân bằng khoản thâm thủng mậu dịch kỷ lục của Mỹ lên tới 366 tỉ đôla với Trung Quốc. Ông Trump miêu tả chính sách đó sẽ mang lại “phần thắng” cho phía Mỹ, nhưng các nhà kinh tế nói với Đài VOA rằng các chính sách thương mại của ông Trump có thể mang lại thảm họa. Thông tín viên Mil Arcega của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Năm ngoái, Hoa Kỳ nhập khẩu gần 500 tỉ đôla hàng hoá do Trung Quốc sản xuất, trong khi Trung Quốc chỉ nhập khẩu có 116 tỉ đôla hàng hoá sản xuất ở Mỹ. Để cân bằng mức chênh lệch mậu dịch này, ông Trump muốn tăng thuế quan đánh trên hàng hoá Trung Quốc lên tới 45%. Ông Trump nói:

“Thâm thủng mậu dịch của chúng ta với Trung Quốc lên tới 500 tỉ đôla, và chúng ta sẽ phải lật ngược sự thể này. Chúng ta có đủ mọi lá bài trong tay. Hãy đừng quên: chúng ta cũng giống như một túi tiền tiết kiệm đang bị cướp vậy.”

Đó là một đề nghị táo bạo đối với những người ủng hộ ông Trump và đối với hàng triệu người Mỹ đã mất việc làm vì công nhân giá rẻ ở Trung Quốc. Tuy nhiên các chuyên gia về chính sách thương mại, như ông Gordon Hanson, nói rằng đây là một đề nghị không có cơ sở.

“Chúng ta có thể thấy vì sao ông ấy nói như vậy về phương diện chính trị, nhưng thật là một cú sốc, lập luận của ông không có nền tảng kinh tế.”

Tăng 45% thuế quan đánh trên các mặt hàng Trung Quốc không những là điều bất hợp pháp dựa trên các luật lệ hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà các nhà kinh tế còn cho rằng Mỹ sẽ phải giá rất cao vì những hành động trả đũa. Kinh tế gia Fred Bergsten nói:

“Theo phân tích của tôi thì chỉ có hai điều đơn giản: nếu ta hạn chế hàng nhập khẩu từ một nước như Trung Quốc, thì trong đa số các trường hợp, những món hàng ấy sẽ có thể nhập từ những nước khác.”

Cựu kinh tế gia của Ngân Hàng Thế giới Chad Bown khuyến cáo rằng hậu quả có thể có của một quyết định như vậy là một cuộc chiến tranh mậu dịch toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói:

“Trung Quốc đã chứng minh trong mấy năm qua là trong bất cứ trường hợp nào một nước áp đặt rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu của họ, là họ sẽ trả đũa bằng các biện pháp tương tự, bất kể là các biện pháp ấy có hợp pháp hay không. Nhưng nếu như đề nghị của ông Trump được áp dụng, thì dựa trên các quy định của WTO, Trung Quốc được phép trả đũa bằng biện pháp tương tự.”

Ông Trump nhấn mạnh rằng những người chỉ trích ông không nắm rõ vấn đề. Ông nói:

“Quý vị sau này sẽ nhìn lại và quý vị sẽ nói, ồ đó là lúc chúng ta bắt đầu giành được phần thắng trở lại, khi ông Trump lên nắm quyền chúng ta sẽ thắng, chúng ta sẽ tiếp tục thắng.”

Nhưng thay vì giành được phần thắng, các nhà kinh tế nói chuyện với VOA cho rằng các chính sách bảo hộ kinh tế có phần chắc sẽ dẫn tới chỗ thương mại giảm sút, và mất tin cậy giữa các đối tác thương mại. - VOA

***
Thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders thắng cuộc bầu cử sơ bộ ở bang West Virginia hôm thứ Ba, giành được thêm một số nhỏ phiếu đại biểu, và ông một lần nữa hứa sẽ quyết tâm tranh đua với cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cho tới cùng.

Ông Sanders giành được 51% phiếu bầu tại bang West Virginia, còn bà Clinton được 36%.  

Theo quy định phân chia theo tỉ lệ của Ðảng Dân chủ, ông Sanders nhận được 16 phiếu đại biểu, còn bà Clinton nhận được 11 phiếu đại biểu của bang này.

Bà Clinton đang dẫn đầu với số phiếu đại biểu tổng thể là 2,239 còn ông Sanders có 1.469. Con số tổng thể này có tính số siêu đại biểu – là các đại biểu sẽ ủng hộ cho ứng cử viên mà họ đã hứa.

Một ứng cử viên bên Ðảng Dân chủ cần hội đủ 2.383 phiếu đại biểu để giành quyền đề cử của đảng tại đại hội đảng toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 7 ở Philadelphia.

Ông Sanders nói với những người ủng hộ tại cuộc mít tinh tối hôm qua ở Oregon, bang sẽ bầu cử sơ bộ vào tuần tới, rằng ông sẽ “tranh đua đến lá phiếu cuối cùng” mặc dù đó là cuộc đua khó.

Ông nói: “Chúng ta đã chiến đấu gian nan ngay từ ngày đầu của cuộc tranh cử này, khi mọi người nghĩ rằng chúng ta chỉ là ứng cử viên bên lề.  Thông điệp của chúng tôi gởi cho các đại biểu Ðảng Dân chủ, những người sẽ dự đại hội toàn quốc tại Philadelphia rằng mặc dù chúng tôi có nhiều bất đồng với bà Hillary Clinton, có một lãnh vực chúng tôi nhất trí với nhau là chúng ta phải đánh bại ông Donald Trump.”

Ông Trump, ứng cử viên còn lại duy nhất bên Ðảng Cộng hòa, dễ dàng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở bang West Virginia và bang Nebraska hôm qua.

Ban vận động của ông ra một thông báo gọi các chiến thắng đó là “vinh dự lớn” và nói rằng ông Trump hy vọng sẽ giành chiến thắng tại cả hai bang này trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Các nhà hoạt động: Bạo lực không ngăn được biểu tình ôn hòa

Hai nhà hoạt động vì dân chủ ở Việt Nam nói bạo lực từ phía chính quyền không làm họ sợ hãi và không ngăn được họ tham gia biểu tình ôn hòa vì môi trường biển và minh bạch. Trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động đồng thời là một blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh tuyên bố ông sẽ tham gia tọa kháng vì môi trường vào ngày 15/5. Nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp cho biết cũng sẽ tìm cách tham gia dù đã bị nhà chức trách ngăn chặn trong hai lần trước vào các ngày 1 và 8/5. An Tôn tường trình chi tiết sau đây.

Ba ngày sau khi nhà chức trách ở thành phố Hồ Chí Minh bị cáo buộc đã trấn áp mạnh tay hàng trăm người biểu tình ôn hòa vào ngày 8/5, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh đã tuyên bố trên Facebook ông sẽ tọa kháng trước Ủy ban Nhân dân của thành phố do phẫn nộ về cuộc trấn áp.

Một đoạn trích từ tuyên bố của ông Chênh nêu rõ: “Tôi tuyên bố, đúng 15 giờ chiều chủ nhật ngày 15/5, tôi sẽ đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước UBND TP Sài Gòn, ngồi toạ kháng và đưa mặt cho họ đánh”. Ông tiên liệu thêm: “Nhà cầm quyền sẽ cho an ninh đến canh trước nhà tôi như mọi khi, tôi vẫn cứ đi để cho họ đánh tôi. Nếu họ bắt trái phép tôi về đồn công an, tôi tuyên bố sẽ bất hợp tác và toạ kháng ngay trong đồn công an cho họ đánh. Nếu họ cưỡng bức khiêng tôi ra khỏi đồn, tôi sẽ tiếp tục toạ kháng trước cửa đồn công an và đưa mặt ra cho họ đánh. Nếu họ cưỡng bức đưa tôi về nhà, tôi sẽ tìm cách quay lại trước uỷ ban nhân dân TP để toạ kháng và đưa mặt ra cho họ đánh”. Kết thúc tuyên bố, nhà hoạt động nhấn mạnh: “Cứ đánh vào mặt tôi, nhưng trả biển và quyền làm người lại cho dân tôi”.

Chia sẻ với VOA Tiếng Việt về động lực của ông khi đưa ra tuyên bố vừa kể, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói:

“Trước hết là vì môi trường, ở biển cá đã chết, khắp nơi môi trường bị xâm phạm. Môi trường sống của người Việt ngày càng bị đe dọa. Bức xúc hơn nữa là quyền con người đã bị nhà nước phủ nhận. Mặc dù Hiến pháp cho phép người ta được tụ tập, biểu tình, được tự do đi lại nhưng nhà nước thì luôn luôn chống lại, hạn chế, cấm đoán điều đó, thể hiện rõ nhất là qua cuộc biểu tình ôn hòa vừa rồi, đã trấn áp dữ dội người biểu tình, họ đánh đập rất tàn nhẫn. Hai cuộc biểu tình vừa qua đều có người bị đổ máu, kể cả phụ nữ và trẻ em. Tôi thấy bức xúc về vụ đàn áp biểu tình như vậy, rất đê tiện, hung dữ. Cho nên tôi tuyên bố sẽ tham gia cuộc tọa kháng ôn hòa để đấu tranh cho môi trường, để làm rõ nguyên nhân vụ cá chết mà chính quyền hơn một tháng nay không có câu trả lời thỏa đáng, và phản đối việc dùng bạo lực đối với người dân lương thiện đi biểu tình ôn hòa để bảo vệ môi trường của mình.”

Bản thân là người bị ngăn chặn, đánh đập khi cố gắng tham gia các cuộc biểu tình ngày 1 và 8/5, song nhà hoạt động trẻ Đỗ Đức Hợp cho rằng bạo lực nhắm vào người biểu tình không làm mọi người run sợ mà chỉ hun đúc thêm tinh thần của họ. Anh bày tỏ sẽ vẫn cố gắng đi biểu tình vào ngày 15/5 tới đây:

“Khi mà nhìn những người đấu tranh, những người xuống đường biểu tình một cách ôn hòa bị đánh đập, bị bắt giam một cách rất tàn nhẫn, và bản thân tôi cũng là nạn nhân của những trò đánh đập đó thì đối với tôi không làm cho tôi bị nản chí hoặc lo sợ nữa. Cái đó nó hun đúc tinh thần của tôi, vượt qua sợ hãi, mạnh mẽ hơn."

Theo lời các nhân chứng và dựa trên những hình ảnh ghi lại các cuộc biểu tình gần đây, người ta thấy nhà chức trách dường như đã trấn áp mạnh tay hơn đối với người biểu tình. Trên mạng xã hội, nhiều người nêu vấn đề rằng người biểu tình cần liên kết với nhau tốt hơn và các cuộc biểu tình cần phải có sự tổ chức để có hiệu quả hơn và không bị đàn áp. Một ví dụ được nhiều người nêu ra là nhiều người được cho là các cổ động viên bóng đá Hải Phòng đã tuần hành với một đoàn xe lớn chăng các biểu ngữ về bảo vệ môi trường biển. Rất nhiều hình ảnh về cuộc tuần hành đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người đã khen ngợi cách tổ chức tuần hành này. Về cách làm này, nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp có ý kiến:

“Nếu có thể được, có một ai đó, một tổ chức có đủ uy tín tổ chức một cuộc tuần hành phản đối ô nhiễm môi trường một cách ôn hòa, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam mình sẽ có rất nhiều thay đổi, khiến cho xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn trong ôn hòa, tránh được bạo lực, đổ máu.”

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, việc tiến hành biểu tình có tổ chức chắc chắn sẽ bị nhà chức trách ngăn cản.

“Khó mà có được cái tổ chức cho đàng hoàng, nghiêm túc trong cái xã hội hiện nay, trong những sự kìm kẹp của chế độ hiện nay. Bất cứ những nhen nhóm đứng ra tổ chức, liên hệ với nhau đều bị phá trong trứng nước. Bất cứ những ai dám can đảm đứng ra thành lập nhóm này, tổ chức khác hầu như đều bị bắt, như luật sư Nguyễn Văn Đài vừa rồi bị bắt đấy. Ở Việt Nam mà tổ chức biểu tình là rất khó. Chỉ có từng người dân người ta bức xúc, người ta đứng ra đi biểu lộ tình cảm của mình, thì toàn bộ là tự phát, thiếu một cái tổ chức. Nhưng thay vì có tổ chức, tôi nghĩ cái tinh thần, ý chí, quyết tâm của từng người cũng có thể đem lại sự thành công của biểu tình. Ví dụ như đi cuộc tọa kháng này. Mỗi người có một quyết tâm. Hy vọng rằng số đông sẽ làm nên thành công của cuộc tọa kháng.”

Về việc những cây viết có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội chưa xuất hiện trong các cuộc biểu tình. Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng có thể một số người trong các cây viết đó có nhận thức khác với những người biểu tình, thậm chí có người có thể tin rằng công ty Formosa của Đài Loan không có lỗi trong việc gây ra vụ cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh.

“Hình như họ có lấn cấn gì với nhà nước này. Tôi thấy một vài người thì họ cho rằng Formosa không phải là thủ phạm gây ra cá chết và họ có cảm tình nào đó với Formosa. Họ nhận được chỉ đạo nào đó của đảng và họ cần phải bênh vực. Cho nên là họ chưa có cái sự thống nhất trong việc cần phải lên tiếng và cần phải ủng hộ những người dân xuống đường biểu tình đấu tranh cho bảo vệ môi trường."

Trong khi đó, anh Đỗ Đức Hợp nói mỗi người tùy theo lương tâm và cách suy nghĩ, có thể có cách riêng để cổ động, chia sẻ với những người thực sự đi biểu tình.

“Những người họ có học thức, họ viết bài hay thì họ có thể ngồi nhà tổng hợp tin tức, viết bài cổ động cho những người tại thực địa. Nếu tấm lòng họ dành cho dân tộc, dành cho đất nước, muốn nó tốt đẹp hơn, thì đó cũng là một cách tốt để đôn đốc nhau, để cùng nhau hướng đến một xã hội Việt Nam phát triển cường thịnh, tốt đẹp hơn sau này. Chứ không thể nào nói là anh những người chỉ ngồi ở nhà, còn tôi là người có công lao lớn nhất. Thực sự ra, đó là sự chia sẻ, sự phối hợp.”

Về mặt cá nhân, nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp mong muốn một điều trong cuộc biểu tình ngày 15/5 sắp tới:

“Cũng hy vọng là lần thứ 3 tôi không bị đánh nữa”. - VOA

No comments:

Post a Comment