Tuesday, May 3, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 3/5

Tin Thế Giới

1.
Nhật cho Philippines thuê máy bay quân sự để đối phó với Trung Quốc --- Biển Đông: Trung Quốc tăng cường hiện diện, chính sách Mỹ bị hoài nghi

Nhật Bản chính thức cho Philippines thuê phi cơ quân sự để đối phó với các tham vọng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo AFP, hợp đồng đã được thông qua trong cuộc điện đàm giữa bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Gen Nakatani và đồng nhiệm Philippines Voltaire Gazmin hôm qua, 02/05/2016.

Theo hợp đồng này, Tokyo dự kiến cho Manila thuê tổng cộng 5 máy bay huấn luyện TC-90, đồng thời trợ giúp huấn luyện và sửa chữa, bảo dưỡng máy bay. Các máy bay TC-90 cho phép hải quân Philippines cải thiện hoạt động tuần tra tại các vùng biển của nước này, hiện đang bị Bắc Kinh dòm ngó. 

Theo hãng tin Kyoto, các phi cơ TC-90 có tầm hoạt động 1.900 km (tương đương 1.180 dặm), gần gấp đôi so với máy bay hiện có của hải quân Philippines. Hợp đồng nói trên sẽ là hợp đồng cho thuê máy bay quân sự đầu tiên của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, sau khi luật về cấm xuất khẩu vũ khí của nước này được dỡ bỏ.

Nói chuyện với báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật khẳng định : Cải thiện khả năng phòng vệ của Philippines là điều kiện cho việc ổn định tình hình tại Biển Đông. 

Hợp đồng được ký kết trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông trong một vài năm gần đây, khi Trung Quốc liên tục bồi đắp với quy mô lớn và xây dựng các công trình kiên cố trên nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, nơi nhiều nước láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, không chấp nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Philippines, với tiềm năng quân sự được coi là yếu, tìm cách gia tăng hợp tác với Nhật Bản để cải thiện khả năng phòng thủ. Hồi tháng 2/2016, Tokyo quyết định cung cấp nhiều trang thiết bị quốc phòng cho Manila, trong đó có các máy bay săn tàu ngầm và công nghệ ra-đa. Tháng 4/2016, một tàu chiến Nhật đã ghé thăm Philippines.

Một trong các điểm nóng hiện nay tại quần đảo Trường Sa là bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo lớn Luzon của Philippines 230 km về phía tây. Ít tuần trước khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về đơn Philippines kiện yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc, Bắc Kinh thông báo ý định xây dựng một chốt tiền tiêu và một đường băng tại bãi cạn nói trên, nơi Trung Quốc cưỡng chiếm từ tay Philippines năm 2012. - RFI

***
Báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 03/05/2016 đăng bài phân tích của giáo sư Mỹ William G.Frasure trường Connecticut College nêu lên tình trạng chính sách của Hoa Kỳ đang bị hoài nghi trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông.

Bài phân tích trước hết ghi nhận sự kiện Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông với ý đồ rõ rệt là làm cho yêu sách chủ quyền của họ không thể bị thách thức. Trung Quốc đã cho biết rõ là họ không chấp nhận một phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lẽ sẽ được đưa ra khoảng chừng một tháng tới đây. Hơn nữa Trung Quốc còn từ chối thảo luận về bất kỳ giải pháp đa phương nào đối với các tranh chấp lãnh thổ chồng chéo nhau trong khu vực.

Các quốc gia phản đối yêu sách của Trung Quốc cho là đã vi phạm chủ quyền của họ, đang lâm vào tình trạng phải tự lo liệu cách đối phó với các động thái quân sự ngày đáng ngại của Trung Quốc ở Biển Đông. Liệu Philippines, Việt Nam và những nước khác phải nhượng bộ, chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, hay là phải kháng cự để bảo vệ quyền lợi của mình ?

Việt Nam và Philippines quay sang Mỹ để chống Trung Quốc

Nếu chỉ có hai con đường đó, thì sự chọn lựa có vẻ rất rõ. Không một quốc gia tranh chấp nào có thể vượt qua sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và phải nhường Biển Đông cho Trung Quốc với hy vọng không bị thua thiệt quá. Tuy nhiên Việt Nam và Philippines đã đi xa hơn sự chọn lựa đơn giản vừa kể này và có một phương án có ý nghĩa toàn cầu hơn: thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.

Bằng cách tiến lại gần hơn với Mỹ, các nước có tranh chấp với Trung Quốc tìm kiếm một sự cân bằng nào đó trong khu vực, ngăn không cho Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để áp đặt yêu sách chủ quyền của họ. Điều đó có nghĩa là các nước đó hy vọng vào một sự hiện diện quân sự rõ nét hơn, tích cực hơn của Mỹ để làm Trung Quốc nản chí.

Theo giáo sư G. Frasure, dĩ nhiên, không ai nghi ngờ về khả năng quân sự của Mỹ, vốn có thể đưa vào Biển Đông bất cứ phương tiện nào để đối trọng với bất cứ thứ gì mà Trung Quốc đưa vào khu vực. Thế nhưng để cho hành động răn đe có hiệu quả, một yếu tố căn bản là phải làm sao cho đối thủ tin chắc rằng mình sẵn sàng sử dụng những phương tiện đó, đồng thời thuyết phục được bạn bè về quyết tâm đó. Bước kế tiếp là làm cho bạn bè tin là đối thủ đã bị mình làm cho e ngại. Và đây có lẽ là điều đang diễn ra ở Biển Đông.

Hoa Kỳ đang tìm cách trấn an Philippines và Việt Nam, và có lẽ các nước khác nữa, rằng Trung Quốc đã bị sự dấn thân ngày càng nhiều hơn của Mỹ làm cho e ngại, và sẽ có chính sách mềm dẻo hơn, hợp lý hơn, chấp nhận giải quyết tranh chấp qua đàm phán đa phương. Tuy nhiên, theo tác giả bài phân tích trên tờ The Diplomat, có rất ít yếu tố cho thấy là cách tiếp cận của Mỹ có hiệu quả.

Chính sách lấn từng bước nhỏ của Trung Quốc gây khó khăn cho Mỹ

Các hành động đều đặn của Trung Quốc ở Biển Đông – bồi đắp đảo, bố trí tên lửa phòng không, xây dựng phi đạo, triển khai chiến đấu cơ, xây đài radar, khiêu khích láng giềng với các đội tàu cá và giàn khoan – cho thấy là Trung Quốc ngày càng tin chắc họ sẽ đạt mục tiêu đòi chủ quyền bên trong đường chín đoạn của họ bằng cách kiên nhẫn đi từng bước rất nhỏ.

Trung Quốc đang cho thấy là họ tin rằng những bước đi nhỏ của họ sẽ không bị Mỹ ngăn chận. Khó có ai có thể nghĩ rằng một bến cảng mới, ngay cả một giàn hỏa tiễn Sam mới, lại có thể dẫn đến một sự đối đầu quân sự với Mỹ. Trung Quốc sẽ không trực diện tấn công vào tầu chiến hay máy bay Mỹ, hoặc là có một hành vi gây chiến tranh rõ rệt nào với Mỹ. Họ chỉ tiếp tục đào cát xây đảo mà thôi. Liên quan đến vấn đề tạo ra sự xác tín, một vấn đề then chốt khác là Mỹ sẽ phản ứng thế nào khi có đối đầu vũ trang giữa Trung Quốc và một quốc gia Đông Nam Á bị chèn ép.

Trung Quốc tin chắc rằng Mỹ sẽ không dám dùng quân sự để cản đường

Trong khuôn khổ Hiệp Định Phòng Thủ Chung ký kết cách nay 65 năm và được long trọng khẳng định trở lại vào năm 2011, Hoa Kỳ có một trách nhiệm nào đó đối với Philippines, đứng bên cạnh nước này trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Phạm vi trách nhiệm đó tuy nhiên cũng không được quy định cụ thể hơn là hành động « cùng đối diện với hiểm nguy chung trên cơ sở phù hợp với hiến pháp » và đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Hơn nữa, vấn đề lại không rõ ràng chút nào – thậm chí là không chắc chắn chút nào – là hiệp định đó buộc Mỹ phải chống lại Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh đánh chiếm các bãi đá tranh chấp. Đối với Việt Nam thì Mỹ hoàn toàn không có trách nhiệm chính thức nào. Nói tóm lại thì Hoa Kỳ hầu như có toàn quyền chọn lựa cách phản ứng trong trường hợp nổ ra tranh chấp quân sự giữa Trung Quốc với một, hay cả hai đối thủ quan trọng nhất của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Vào lúc họ vẫn tiếp tục tăng cường khả năng quân sự trong vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc ngày càng lộ rõ vẻ tin tưởng rằng Mỹ sẽ không đặt ra chướng ngại vật thực tế nào để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc đã thổi phòng chủ đề của cái gọi là « sự yếu đuối của Mỹ », chẳng hạn như mô tả vụ phi cơ Nga áp sát khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Mỹ mới đây trên biển Baltic như là một hành động hạ nhục.

Hoạt động của Mỹ ở Biển Đông không phải là để hậu thuẫn cho Philippines hay Việt Nam trong việc đòi hỏi chủ quyền, mà là để bảo vệ một nguyên tắc chung là quyền tự do hàng hải. Còn hành đông bảo vệ chủ quyền thì phải do chính các nước tranh chấp tự tiến hành. Thế nhưng nếu một nước riêng lẻ mà có hành động như vậy thì chắc chắn sẽ bị Trung Quốc đè bẹp một cách dễ dàng và nhanh chóng. Trong tình hình đó, không nước nào dám hành động nếu không có một sự đảm bảo trước là sẽ được hậu thuẩn quân sự của Mỹ. Vấn đề là không có lý do gì để khẳng định rằng Hoa Kỳ sắp hậu thuẫn cho một nước nào đó.

Trường Sa và Hoàng Sa vẫn là vấn đề xa xôi đối với dư luận Mỹ

Nếu chú ý đến tình hình nội bộ ở Mỹ, thì Trung Quốc và các đối thủ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đống đều thấy là chính quyền Mỹ sẽ phải khó khăn như thế nào để có được hậu thuẩn của dân chúng trong một cuộc đọ sức với Trung Quốc vì những mỏm đá mà không ai biết đến ở một góc nào đó của thế giới mà đối với đa số người Mỹ là nơi hoàn toàn xa xôi.

Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận rải rác về các mối quan tâm của người Mỹ đều không thấy nói đến tranh chấp Biển Đông. Trong một vài cuộc thăm dò rải rác, nếu có đề cập đến Trung Quốc thì chủ yếu là những quan ngại về thương mại, với mức độ từ thấp đến trung bình.

Điều đáng chú ý là chính quyền hiện tại không có nỗ lực gì để chuẩn bị tư tưởng dư luận về những xáo trộn ở Biển Đông và cũng không có dấu hiệu là chính quyền kế tiếp sẽ làm công việc đó. Thậm chí, trong quan diểm của các chuẩn ứng viên tổng thống Mỹ, Trường Sa và Hoàng Sa chỉ là một cái bóng mờ nhạt so với hai hòn đảo của Đài Loan là Kim Môn và Mã Tổ.

Sự hiện diện đáng ngại ngày càng mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông đã có hệ quả- vô tình hay cố ý – là làm dấy lên mối nghi ngờ về hành động của Mỹ tại đây. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ có thể khích lệ các đồng minh của mình, nhưng không làm được gì hoặc chỉ làm qua loa, để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Và tình hình này sẽ kéo dài, nhất là nếu Trung Quốc tỏ ra kiên nhẫn, tự kềm chế, đi từng bước nhỏ, tránh vội vã và nhất là tránh khiêu khích quá đáng và làm Mỹ mất mặt. - RFI
|
|

2.
Đặc sứ LHQ đến Nga, tìm cách tái lập ngưng bắn tại Syria

Nỗ lực để mang các bên giao chiến tại Syria cam kết ngưng các hoạt động thù nghịch bước sang một bước mới ngày hôm nay tại Moscow, khi bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov gặp đặc sứ Liên hiệp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, để thảo luận về các phương cách nhằm tái lập cuộc hưu chiến. Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA tường thuật.

Cuộc ngưng bắn giữa các lực lượng thân chính phủ và các chiến binh phe nổi dậy có hiệu lực vào cuối tháng Hai năm nay, giúp cho bạo động giảm thiểu rất nhiều. Nhưng thoả thuận này đã dần dần bị xói mòn vì cả hai bên đều bị cáo buộc liên tục vi phạm lệnh ngưng bắn. Giao tranh dữ đội đã xảy ra ở chung quanh thành phố Aleppo ở phía bắc Syria, nơi mà các cuộc không kích của chính phủ và các vụ pháo kích của phe nổi dậy đã làm hàng trăm người thiệt mạng trong tuần qua.

Văn phòng của ông Lavrov cho biết ngày hôm qua ông đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và hai ông đã thúc giục các bên “tôn trọng lệnh ngưng bắn một cách nghiêm ngặt”.

Cuộc điện đàm tiếp theo cuộc gặp của ông Kerry với ông Staffan de Mistura tại Geneva ngày hôm qua. Tại đây, ông Kerry tuyên bố Hoa Kỳ và các đối tác đang thảo luận về “một vài đề nghị để ngăn chận sự leo thang của bạo động.” Tuy nhiên ông Kerry không nói rõ những đề nghị này là gì.

Các thông tấn xã trích lời các giới chức Hoa Kỳ không nêu tên cho biết Hoa Kỳ đang cứu xét việc thành lập “những khu vực an toàn” được đánh dấu bằng những “đường ranh rõ rệt” để làm nơi cư trú cho thường dân và các thành viên của phe đối lập ôn hòa.

Nga không giúp đỡ

Được sự hỗ trợ của Nga là điểm then chốt, nhưng ông Kerry đã không đạt được mục tiêu. Ông Kerry kêu gọi Moscow giúp đỡ để các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngưng tấn công vào phần đất do phe nổi dậy kiểm soát tại thành phố lớn nhất Syria.

Ngoại trưởng Kerry tuyên bố vào ngày hôm qua sau khi gặp ông Staffan de Mistura và Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê-út Adel Al-Jubeir là một thỏa thuận về Aleppo có thể được loan báo trong những ngày tới.

Đối với Hoa Kỳ, điều quan trọng là chứng tỏ Hoa Kỳ không bỏ cuộc trong việc giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài hơn 5 năm, nhưng còn có những nghi vấn là liệu một cam kết ở mức thấp của Mỹ mang đến kết quả là thắng lợi của Nga trong vùng hay không, khi các lực lượng chính phủ được Nga yễm trợ chiếm lại những vùng đất rộng lớn tại Syria.

Ông David Butter, một nhà phân tích tình hình Trung Đông thuộc Chatham House ở London, nói với Đài VOA là “ Chúng ta đang ở trong giai đoạn của cuộc xung đột mà các trận chiến để chiếm lợi thế đang diễn ra. Lẽ dĩ nhiên đà tiến đang thuộc về chế độ Assad.”

Chiến trường quan trọng

Các cuộc giao tranh tại Aleppo là quan trọng trong thời điểm này, khi cuộc xung đột đã trở thành một thử nghiệm về sự cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Ông Kerry xắp xếp chuyến đi này sau khi tình hình nhân đạo tại Aleppo đã rõ ràng xấu đi một cách nhanh chóng và hầu như những cuộc thảo luận giữa chính phủ Assad và phe đối lập ôn hòa đã thất bại.

Các nhà phân tích nói bạo động leo thang và những vụ tàn sát thường dân là cơ hội để Hoa Kỳ chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc giải quyết xung đột.

Giữ lúc các lực lượng Syria chuẩn bị tấn công Aleppo lần cuối cùng cách đây hai tuần lễ, Nga đã thành công trong việc chứng tỏ những nỗ lực hoạt động chống khủng bố khi không kích vào Mặt trận al-Nusra mà Hoa Kỳ và Nga xem là một tổ chức khủng bố.

Các nhà phân tích nói các giới chức Mỹ, dù cố ý hay không, đã giải thích việc này như là không chống lại các cuộc hành quân tại Aleppo trước khi các cuộc hành quân này bắt đầu. Các giới chức quân sự Hoa Kỳ được trích lời nói rằng Mặt trận al-Nusra là một lực lượng chính yếu trong thành phố và “không dự phần” vào cuộc ngưng bắn.

Tuy nhiên quan niệm này đã thay đổi khi một cuộc không kích đánh trúng bệnh viện al Quds của Aleppo. Đây là một cơ sở được Tổ chức Y sĩ Không Biên giới hỗ trợ, làm cho một số trẻ em và nhân viên bệnh viện thiệt mạng, trong đó có một bác sĩ nhi khoa duy nhất của thành phố.

Vụ không kích này làm ông Kerry phẫn nộ và các nhà phân tích nói đây là cơ hội để Hoa Kỳ tăng cường những nỗ lực thay đổi quan điểm cho rằng Hoa Kỳ đã không có vai trò tích cực đủ để giải quyết cuộc xung đột Syria.

Nhà phân tích David Butter nói “Tổng thống Obama đã có lập trường rõ ràng khi nhập cuộc tại Syria, nhưng không có bất cứ những cam kết chiến lược nào. Vì Hoa Kỳ không thực sự tham gia cuộc chiến, thì Hoa Kỳ không mất mác gì nhiều trừ việc đóng vai trò không chính thức trong cuộc xung đột Syria.

Bà Jasmine Gani, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu về Syria thuộc trường đại học St. Andrews ở Scotland nói với Đài VOA là quan điểm cho rằng Hoa Kỳ có một vai trò chính đáng trong vùng đang bị đe dọa vì hậu quả của điều bà gọi là “ngôn từ và chính sách không phù hợp”.

Bà nói Washington nêu lên những kỳ vọng bằng cách kêu gọi ông Assad ra đi sớm trong cuộc xung đột và sau đó thất bại vì không hỗ trợ cần thiết để thực hiện mục đích này.

Với việc Nga đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria, bà Gani nói Hoa Kỳ “phải dè dặt nhiều hơn khi đưa ra cam kết.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Đô đốc Mỹ kêu gọi bình thường hoá quan hệ với Nga ở Baltic

Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ nói Hoa Kỳ và Nga cần phải bình thường hóa quan hệ trong vùng Baltic để tránh những cuộc đụng độ nguy hiểm có thể xảy ra giữa máy bay và tàu bè của hai nước.

Đô đốc Richardson nói với các nhà báo tại Ngũ Giác Đài hôm qua rằng những vụ chạm mặt mới đây tại vùng Baltic đã tăng nguy cơ về điều mà ông gọi là một “tính toán sai lầm về chiến thuật.” Ông nói ông hy vọng rằng những hành động như thế này sẽ chấm dứt.

Đô đốc Richardson nói ông không tin là người Nga tìm cách khiêu khích một sự cố, mà họ đang đánh đi một tín hiệu. Ông nói điều khá rõ ràng là họ sẵn sàng cho chúng ta biết họ thấy gì về sự hiện diện của chúng ta trong vùng Baltic.

Một chiến đấu cơ Nga đã được phi công điều khiển bay ngay bên trên một phản lực cơ Mỹ trên không phận biển Baltic hôm thứ Sáu vừa rồi, nhiều tuần lễ sau khi các phản lực cơ Nga bay gần một cách nguy hiểm sát tàu chiến USS Donald Cook của Mỹ ngoài khơi Kaliningrad.

NATO đã củng cố sự hiện diện quân sự tại Đông Âu và vùng Baltic, từ khi Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào năm 2014. - VOA
|
|

4.
Bầu cử sơ bộ Indiana: Ông Trump có triển vọng đánh bại Ted Cruz

Cử tri bang Indiana ở vùng trung tây nước Mỹ hôm nay đang đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng để chọn ứng cử viên Tổng Thống bên Đảng Cộng Hoà.

Tại đây, ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng Hoà Donald Trump đang đối mặt với cuộc tranh đua gay gắt với đối thủ gần nhất với ông, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz.

Nếu giành được thắng lợi tại bang Indiana, tỷ phú địa ốc Trump có khả năng thừa thắng xông lên để nắm chắc sự đề cử của Đảng Cộng Hoà trước khi Đại hội đảng diễn ra tại Cleveland vào tháng 7.

Nói chuyện với cử tri tại tiểu bang có lập trường bảo thủ này, ông Trump nói: “nếu chúng ta thắng ở Indiana, thì mọi sự kể như đã xong.”

Ông Cruz, một nhân vật nổi tiếng là bảo thủ trong các hành lang quốc hội ở thủ đô Washington, đã vận động suốt tuần qua tại Indiana. Ông kêu gọi cử tri Indiana hãy ủng hộ cho ông trong một cố gắng nhằm ngăn chận ông Trump dành được thắng lợi trong cuộc biểu quyết vòng đầu để chọn ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng Hoà tại đại hội đảng toàn quốc.

Ông Trump đã giành thắng lợi trong 6 cuộc bầu cử sơ bộ mới nhất, đánh bại ông Cruz và một ứng cử viên khác của Đảng Cộng Hoà, là Thống đốc Ohio John Kasich.

Nếu thắng ở bang Indiana, ông Trump vẫn chưa hội đủ số phiếu để được đề cử, nhưng nhiều nhà phân tích chính trị nói rằng thắng lợi tại Indiana sẽ giúp ông có một lợi thế về mặt tâm lý có thể ảnh hưởng tới sự chọn lựa của giới cử tri tại 9 tiểu bang còn lại sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ từ giờ tới đầu tháng 6.

Tất cả các cuộc thăm dò, ngoại trừ một cuộc thăm dò  duy nhất, đều cho thấy ông Trump dẫn đầu trước ông Cruz.

Ông Trump, từng là người dẫn một chương trình truyền hình thực tế, chưa từng nắm một chức vụ dân cử nào. Ông tỏ ra tự tin sẽ giành được thắng lợi tại bang Indiana, và giờ tập trung nhắm tấn công cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, người có phần chắc sẽ được Đảng Dân Chủ đề cử làm ứng cử viên Tổng Thống của đảng này.

Ông Trump và bà Clinton sẽ đối đầu nhau trong cuộc tổng tuyển cử, nếu cả hai được đảng của họ đề cử đại diện cho đảng trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm nay. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Cá biển lờ đờ lại ào ạt vào bờ, cá nuôi chết hàng loạt

Nhiều loại cá biển trôi dạt vào bờ ở cửa biển Thuận An và phá Tam Giang (Thừa Thiê- Huế) trong tình trạng lờ đờ. Trong khi đó cá nuôi của người dân ở khu vực này lần đầu tiên bị chết hàng loạt.

Chiều 3-5, Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huếcùng chính quyền chức năng đã tiến hành thu gom được 1,1 tấn cá nuôi của 23 hộ dân thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang để đưa đi tiêu hủy sau khi bị chết.

Đây là những loại cá do người dân nuôi ở cạnh cửa biển Thuận An phía bờ Nam, trong đó hộ bị nặng nhất có trên 3 tạ cá chết, cá nặng từ 0,3-1,2 kg. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá nuôi chết tại địa phương này. Ông Trương Viết Phương, một hộ dân có gần 1 tạ cá vẩu bị chết, cho biết: “Vào sáng sớm, sau khi thủy triều lên thì cá tôi xuất hiện tình trạng nổi lờ đờ như thiếu ô xy, vài giờ sau thì chết chìm xuống đáy lồng”.

Trong khi đó, phía bờ Bắc cửa Thuận An thuộc thôn 2 xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) tình trạng nhiều loài cá biển trong trạng thái lờ đờ, ào ạt dạt vào bờ và phá Tam Giang cũng xuất hiện khá nhiều vào cùng thời điểm. Hiện tượng cá vẩu, cá chẽm nuôi cạnh cửa Thuận An của người dân Hải Dương cũng bắt đầu chết.

Ông Nguyễn Châm, một hộ nuôi cá tại đây, cho biết vào buổi sáng 3-5 thì cá vẫn ăn bình thường, ít lâu sau xuất hiện tình trạng nổi lờ đờ và chết.

Cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Trần Duy Tuyến, Bí thư Thị ủy Hương Trà cùng nhiều cơ quan chức năng đã về xã Hải Dương kiểm tra tình hình.

Ông Tuyến cho biết trước đây tại xã Hải Dương tình trạng cá biển chết chỉ rải rác, cá nuôi không bị, nhưng đến thời điểm này lại ảnh hưởng rất nặng nề, trong đó có khoảng 70 kg cá biển trong tình trạng lờ đờ được chính quyền địa phương thu gom, tiêu hủy. “Hiện tượng này xuất hiện sau khi thủy triều lên. Nhiều lồng cá nuôi cũng bị như vậy, một số đã bị chết nhưng chưa thể thống kê chính xác số lượng” - ông Tuyến cho biết.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền thị xã Hương Trà đã tiến hành thu mua lại của người dân số lượng cá biển trôi dạt vào với giá 10.000 đồng/kg đưa đi tiêu hủy, tránh tình trạng mang đi bán. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng cử người túc trực 24/24 giờ tại cửa biển, khu nuôi cá để thu góm cá chết.

Hiện, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành lấy mẫu cá và nước tại các khu vực này để phân tích các chỉ số.

Trước đó, các mẫu nước lấy ở các cửa biển ngày 30-4, đưa đi phân tích đã cho kết quả nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển vùng ven bờ, và đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy hải sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm và thể thao dưới nước. Tuy nhiên, không hiểu sao bây giờ cá lại chết. - nguoilaodong
|
|

6.
Chuyến thăm Obama và lòng tin chiến lược

Để quan hệ song phương Việt - Mỹ ngày càng vững chắc, Việt Nam và Hoa Kỳ cần liên tục "bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau”, đó là quan điểm của một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) tại Thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ.

Quan hệ giữa hai quốc gia đã đi được một chặng đường dài, và tới thời điểm hiện tại, hai bên có thể đối thoại song phương mang tính xây dựng về vấn đề nhân quyền, theo bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu thuộc CSIS.

Trao đổi với BBC vào hạ tuần tháng 4/2016, nhà nghiên cứu nhận xét chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama trùng với thời điểm đặc biệt khi Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề biển Đông, được dự kiến vào đầu tháng Sáu.

Bên cạnh đó vẫn theo Th.S Phương Nguyễn, chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giải quyết hậu quả cuộc chiến Việt Nam-Hoa Kỳ, và đưa đến cơ hội cho các công ty khởi nghiệp của Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ.

Lòng tin chiến lược

“Có một thực tế là Tổng thống Obama đã không đi thăm Việt Nam trong những năm đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều này là khá đáng tiếc bởi cùng thời điểm đó, ông Obama đã có loạt thăm một số quốc gia khác trong khu vực như Myanmar (2012), Malaysia và Philippines (2014)”, Phương Nguyễn nói.

“Tuy nhiên công bằng mà nói, sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, tất cả các tổng thống Mỹ đều đã từng đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình. Ông Obama là người thứ ba."

So sánh với quốc gia láng giềng là Malaysia, trước ông Obama, chưa có tổng thống Hoa Kỳ nào đến thăm nước này trong vòng 50 năm trở lại đây.

“Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng vì nó đến vào thời điểm mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới."

“Để mối quan hệ song phương ngày càng vững chắc, Việt Nam và Hoa Kỳ cần liên tục bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau”, Phương Nguyễn nhận xét.

Vẫn theo nhà nghiên cứu này, Tổng thống Obama sẽ gặp dàn lãnh đạo mới của Việt Nam, trong đó bao gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà ông Obama đã gặp vào tháng Bảy năm ngoái tại Hoa Kỳ.

"Điều này góp phần cải thiện hình ảnh Washington đối với Hà Nội một cách đáng kể," Phương Nguyễn nói.

Công ty khởi nghiệp

Nói về cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu phê chuẩn và thực thi bởi tất cả các thành viên, bà Phương Nguyễn cho rằng đây sẽ là "cú hích" quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ-Việt.

“Hiện tại, Hoa Kỳ mới chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch hai chiều chủ yếu là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nên có sự mất cân bằng nhất định trong cán cân thương mại. TPP sẽ tạo điều kiện để sản phẩm của Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.”

“Đặc biệt TPP hứa hẹn sẽ giúp những công ty khởi nghiệp của Việt Nam tiếp cận với thị trường và doanh nghiệp Hoa Kỳ.”

Cơ hội mà TPP mang lại được cho là có thể sẽ giúp các công ty nhỏ ở Việt Nam vươn ra khỏi tầm khu vực và trở thành thương hiệu tên tuổi trên thế giới.

“Hiện có rất ít quỹ đầu tư công nghệ tại Việt Nam bởi họ chọn rót tiền vào bất động sản thay vì các dự án khởi nghiệp,” Sarah Tibken của tạp chí công nghệ Mỹ CNET được dẫn lời từ trước nói.

Việt Nam cũng chưa có một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt (start-up ecosystem) giúp gây quỹ tài trợ và mở rộng các công ty nhỏ. Đó là lý do ít có những trường hợp ngoại lệ như thành công của phần mềm Flappy Bird, vẫn theo ý kiến này.

Đối thoại thẳng thắn

“Nhân quyền là một nguyên tắc cơ bản trong quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, không riêng Việt Nam," bà Phương Nguyễn từ CSIS nói tiếp.

“Mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đi được một chặng đường dài, và tới thời điểm hiện tại, hai bên có thể có đối thoại song phương mang tính xây dựng về vấn đề nhân quyền”.

“Mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam không liên quan đến thể chế. Chính sách thay đổi thể chế Hoa Kỳ áp dụng đã thất bại tại nhiều quốc gia và khu vực."

“Thay vào đó Hoa Kỳ muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ cấu kinh tế xã hội ổn định và thịnh vượng, trở thành thành viên tích cực trong các liên kết khu vực mà ASEAN đóng vai trò trung tâm."

“Việc hợp tác giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam về các mặt luật pháp, tư pháp, đổi mới lao động và nhân quyền cũng cần được nhìn nhận trong bối cảnh này."

Việt Nam và Hoa Kỳ vừa kỷ niệm 20 năm thiết lập lại quan hệ ngoại giao song phương vào năm ngoái (1995-2015). Tháng 8/2015, ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cũng từng là cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam, đã đến Hà Nội để đánh dấu sự kiện này.

Hậu chiến và Biển Đông

Nhà nghiên cứu từ Trung tâm CSIS cho hay Washington đang hoàn thiện chi tiết bản kế hoạch tẩy độc dioxin (chất độc màu da cam) tại căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại tỉnh Biên Hòa. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tẩy độc dioxin tại Đà Nẵng, cũng như tăng thêm chi phí cho việc phát hiện mìn và các thiết bị không nổ (UXO).

Phương Nguyễn nói:

“Ông Obama kỳ vọng sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh Việt Nam một cách quyết liệt trong chuyến thăm này. Đây là yếu tố không thể thiếu được trong quan hệ Mỹ-Việt trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Về thời điểm của chuyến thăm của ông Obama đến Việt Nam, theo Phương Nguyễn đây là thời điểm đặc biệt vì cuối tháng 5 gần như trùng với thời điểm Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc đưa ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc.

Dù phán quyết đưa ra có lợi cho phía nào, việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế mang một ý nghĩa quan trọng, theo nhà nghiên cứu.

“Bắc Kinh có thể đưa ra các hành động phản đối phán quyết của Tòa án Trọng Tài trong vụ kiện với Philippines. Trung Quốc cũng sẽ phản đối nếu Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ phán quyết này."

“Việc Bắc Kinh coi sự hiện diện của Obama tại Việt Nam vào cuối tháng Năm nhằm đưa ra một thông điệp nào đó hay hành động Trung Quốc đáp trả như thế nào vẫn còn để ngỏ,” nhà nghiên cứu bình luận về thái độ của Trung Quốc. - BBC

No comments:

Post a Comment