Thursday, May 5, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 5/5

Tin Thế Giới

1.
Indonesia, Malaysia, Philippines thỏa thuận tuần tra Biển Đông --- Biển Đông: Trung Quốc tập trận quy mô, huy động cả lực lượng ở Hoàng Sa và Trường Sa

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 5/5 cho hay Indonesia, Malaysia và Philippines đã đồng ý phối hợp tiến hành tuần tra ở những vùng hay có cướp biển ở Biển Đông. Bà nói 3 nước cũng sẽ lập các trung tâm ứng phó với khủng hoảng để xử lý những trường hợp khẩn cấp trên biển.

Quyết định kể trên được đưa ra tại cuộc gặp giữa các quan chức dân sự và quân sự của 3 nước tại Yogyakarta, Indonesia. Ba nước này có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc và động thái của họ có thể làm Bắc Kinh tức giận.

Việt Nam là nước có tranh chấp nhiều nhất với Trung Quốc ở Biển Đông song không tham gia cuộc họp vừa kể. Các vùng hay có cướp biển không nằm gần Việt Nam.

Ngoại trưởng Indonesia nói một đường dây nóng sẽ được thiết lập để giúp trao đổi thông tin nhanh hơn khi có khủng hoảng trên biển. Bà phát biểu:

“Chúng tôi đã đồng ý lập một trung tâm cấp quốc gia giữa 3 nước để giúp chia sẻ thông tin và tin tình báo một cách nhanh chóng và để phối hợp trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào. Bằng cách này, chúng tôi có thể ứng phó nhanh hơn”.

Bà cho biết các sáng kiến này sẽ được soạn thảo dựa vào các thủ tục tiêu chuẩn nêu trong bộ quy tắc về tuần tra eo biển Malacca do hải quân Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan lập ra năm 2006.

Cuộc họp 3 bên diễn ra sau khi xảy ra các vụ bắt cóc ở vùng biển ngoài khơi phía nam Philippines và phía bắc Borneo, nơi Indonesia có chung đường biên với Malaysia. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia nói cuộc họp là sáng kiến của Indonesia trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức an ninh gây báo động ở vùng biển giữa 3 nước.

Trong 5 tuần qua, 14 người Indonesia và 4 thủy thủ Malaysia đã bị bắt cóc bởi các tay súng được cho là có dính líu đến nhóm khủng bố Aby Sayyaf. 10 người Indonesia bị cầm giữ hồi cuối tháng 3 đã được thả hôm 1/5. - VOA

***
Tân Hoa Xã hôm nay 05/05/2016 loan báo, ba khu trục hạm của Hạm đội Nam Hải đã rời cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam hôm qua để tiến hành cuộc tập trận thường niên tại Biển Đông và các vùng biển lân cận. Bản tin không cho biết cụ thể thời gian và địa điểm, nhưng nói rằng huy động cả các lực lượng ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong số các chiến hạm tham gia tập trận, có hai khu trục hạm loại 052D có tên lửa dẫn đường Hợp Phì (Hefei) và khu trục hạm loại 052B mang tên lửa đa năng Quảng Châu (Guangzhou). Bên cạnh đó là hai chiến hạm đa năng Tam Á (Sanya) và Ngọc Lâm (Yulin) Type 054A, và tàu tiếp liệu Hồng Hồ (Hongshu).

Báo mạng The Diplomat cho biết, khu trục hạm loại 052D thuộc loại chiến hạm hiện đại nhất của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước gọi loại này là "Trung Hoa Thần Thuẫn (chiếc khiên thần thánh)" , trang bị radar AESA và hỏa tiễn phòng không tầm xa, có thể so sánh với khu trục hạm lớp Arleigh Burk của Mỹ.

Theo một báo cáo của cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ, khu trục 052D "thể hiện xu thế hướng về một lực lượng linh hoạt, với năng lực phòng không hiện đại và tầm bắn xa". Nói chung các khu trục hạm 052 (gồm cả B và C) "đều được cho là tiên tiến, có thể so với nhiều loại chiến hạm phương Tây hiện đại".

The Diplomat ghi nhận, điều đáng chú ý là cuộc tập trận này cũng huy động cả lực lượng đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Hiện nay trên đảo Phú Lâm (tức Woody Island, thuộc quần đảo Hoàng Sa, cưỡng chiếm được sau trận hải chiến với quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974), Trung Quốc đã đặt một đội quân chiếm đóng, bố trí hỏa tiễn chống hạm YJ-62 và các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư tại đây. Tờ báo không rõ lực lượng trên đảo Phú Lâm sẽ tham gia như thế nào.

Tân Hoa Xã nói rằng cùng với ba trực thăng và mấy chục đặc công, hạm đội chia làm ba nhóm đến Biển Đông, phía đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương để tiến hành các cuộc tập trận đa dạng, "nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, và phối hợp tàu chiến, máy bay và các lực lượng khác". Các phi cơ của Hải quân, và Hạm đội Bắc Hải cũng được điều động tham gia.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn tại Biển Đông trong tháng này, với các chiến hạm tiên tiến và tàu ngầm. - RFI
|
|

2.
Bắc Triều Tiên chuẩn bị chào mừng kỷ nguyên Kim Jong Un

Các nhà phân tích tại Seoul và Washington nói Đại hội đảng của Bắc Triều Tiên bắt đầu cuối tuần này sẽ được dùng như một công cụ chính trị để củng cố sự cai trị của Kim Jong Un. Thông tín viên Kim Eunjee của đài VOA tường thuật từ Seoul.

Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Bắc Triều Tiên bắt đầu vào ngày mai là đại hội đảng đầu tiên trong vòng 40 năm qua. Đại hội sẽ kéo dài vài ngày. Trong quá khứ, sự kiện này thu hút nhiều đại biểu trên toàn thế giới đến dự.

Vào năm 1980, gần 180 đại biểu từ 118 nước đến dự đại hội. Lần này, Bắc Triều Tiên chỉ mời một ít đại biểu nước ngoài đến dự. Dù không được quảng bá rầm rộ, đại hội sẽ tạo cho ông Kim cơ hội để đóng vai trò chính yếu trên sân khấu chính trị trước một số cử tọa trong nước đông đảo, bao gồm hơn 3.000 đại biểu trên cả nước. Đại hội diễn ra giữa những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng vào tháng 1 năm nay.

Thủ tục tượng trưng

Theo dự liệu, ông Kim sẽ loan báo những chính sách quan trọng tại đại hội, tuy chưa rõ những chính sách đó là gì. Ông Kim lên cầm quyền vào cuối năm 2011, khi cha ông, cựu lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il từ trần đột ngột. Một số nhà phân tích nói đại hội sẽ là một thủ tục tượng trưng để nâng cao vị thế nhiều hơn vì ông Kim đã đảm nhận những chức vụ hàng đầu trong đảng và trong quân đội.

Ông James Person, phó giám đốc về lịch sử và chương trình chính sách công thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson dành cho các Học giả, nói tại một cuộc hội thảo ở Washington ngày thứ Ba vừa qua là “Đại hội là một sự kiện được dàn dựng trước, nên tôi không hy vọng sẽ có điều gì mới mẻ cả.”

Ông Person nói tiếp “Điều thế giới hy vọng được nghe là những tuyên bố đao to búa lớn về khả năng hạt nhân, ủng hộ ông Kim Jong Un, và hệ thống lãnh đạo độc tài, đoàn kết nội bộ, và có lẽ về phát triển kinh tế nữa.”

Đánh bóng hình ảnh ông Kim

Ông Park Hyeong-jung, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên, một cơ quan do nhà nước Nam Triều Tiên điều hành, nói với Đài VOA là sự kiện này vẫn còn quan trọng đối với tương lai chính trị của ông Kim.

Ông Park nói “Mục đính quan trọng nhất của đại hội là chứng tỏ cho thế giới thấy ông Kim đã củng cố quyền hành một cách chắc chắn.”

Các giới chức Nam Triều Tiên nói miền Bắc chắc chắn sẽ gia tăng những hoạt động để vinh danh ông Kim sau đại hội.

Mới đây, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên có những nỗ lực đánh bóng hình ảnh ông Kim bằng cách liên kết ông với những sự kiện quan trọng. Khi Bình Nhưỡng loan báo vụ thử nghiệm hạt nhân gần đây nhất, truyền hình nhà nước cho trình chiếu những hình ảnh về “mệnh lệnh bằng văn bản” của ông Kim.

Một số chuyên gia hy vọng ông Kim sẽ loan báo một sự thay đổi về đường lối của Bình Nhưỡng đối với Seoul.

Có thể có cử chỉ hòa giải

Ông Robert Carlin, một cựu giới chức tình báo Mỹ tham dự cuộc hội thảo tại Washington, nói “Theo quan điểm của tôi thì tại đại hội này chúng ta có thể thấy được một số điều khá quan trọng, nhưng nhạy cảm, về phương diện nguyên tắc hay triết lý nổi bật sẽ chi phối những sáng kiến mới đối với Nam Triều Tiên.”

Theo ông Carlin, ông Kim cần một chiến lược lâu dài vượt quá sự đối đầu hiện nay với Seoul.

Các giới chức Nam Triều Tiên nói có phần chắc là ông Kim sẽ không có những hành động táo bạo nào để tìm cách làm hoà với Nam Triều Tiên vì quan hệ giữa đôi bên đang bị căng thẳng rất nhiều.

Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết Bắc Triều Tiên sẵn sàng thực hiện thêm một vụ thử nghiệm hạt nhân vào bất cứ lúc nào. Bộ này cũng nói thêm là thời điểm thử nghiệm có lẽ sẽ được quyết định tùy theo tình hình chính trị. - VOA
|
|

3.
Philippines: Tổng thống mới chưa bầu đã có tin đồn có đảo chính

cử viên có nhiều triển vọng đắc cử tổng thống Philippines vào thứ hai 09/05/2016 tới đây, bị các đối thủ cáo buộc có ý đồ thay thế chế độ dân chủ bằng một chế độ độc tài thân cộng sản. Tin đồn có đảo chính đang lan truyền tại Manila.

Nếu các kết quả thăm dò ý kiến chính xác thì ông Rodrigo Duterte, luật sư 71 tuổi, sẽ đắc cử tổng thống Philippines. Nhưng theo AFP, ông đã tạo ra nhiều kẻ thù, sau khi đề nghị bắt tay với lực lượng cộng sản Philippines, dẹp bỏ Quốc hội, thành lập « chính quyền cách mạng » và viết lại Hiến pháp…

Các đề xuất của ứng viên tổng thống Duterte và các phản ứng chống lại ông có thể đưa Philippines vào một thời kỳ bất ổn.

Theo Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, cựu sĩ quan hải quân từng tham gia vào hai cuộc đảo chính hụt trong thập niên 2000 đe dọa : Ngày nào mà Rodrigo Duterte, một người không biết tôn trọng các định chế dân chủ, ký sắc lệnh thành lập chính quyền cách mạng thì đó là ngày ông ta bị lật đổ.

Bản thân tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino cũng nhiều lần tuyên bố lo ngại những người kẻ mang đầu óc độc tài lại dẫn đầu trong một cuộc bầu cử tự do và Rodrigo Duterte là một trường hợp.

Luật sư 71 tuổi này từng gây bất bình trong công luận khi tuyên bố muốn hành hình "hàng chục ngàn tội phạm" và "tự ân xá" cho mình.

Là thị trưởng Davo, thành phố lớn ở miền nam Philippines, một trong những căn cứ địa của cộng sản Philippines, Rodrigo Duterte thành công trong việc vãn hồi an ninh trong thành phố bằng quan hệ chặt chẽ với phe nổi dậy. Ông hứa sẽ mời họ tham gia nội các, nếu đắc cử tổng thống.

Phong trào cộng sản Philippines, từ khi nổi dậy vào năm 1969, đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Được AFP đặt câu hỏi hư thực ra sao về nguy cơ đảo chính, dân biểu Ashley Acedillo cho rằng một cuộc can thiệp của quân đội có thể xảy ra vì theo quy định của Hiến pháp Philippines, quân đội có trách nhiệm "bảo vệ dân và Nhà nước".

Nhà phân tích độc lập Rommel Banlaoi cũng nói, tin đồn đảo chính có cơ sở : chính phủ Duterte sẽ rất bấp bênh. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Sai sót y học: Nguyên do gây tử vong hàng thứ ba ở Hoa Kỳ

Theo một cuộc nghiên cứu mới, những sai sót về y học hiện là nguyên do đứng hàng thứ ba gây tử vong ở Hoa Kỳ.

Viết trên tạp chí BMJ, các nhà khảo cứu của trường Đại học Johns Hopkins nói hơn 250,000 cái chết là do những sai sót về y học gây ra mỗi năm.

Điều này có nghĩa là những sai sót y học đã vượt qua bệnh về đường hô hấp trong thứ hạng thứ 3 về nguyên do có thể gây tử vong.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ, tức CDC, giữ các số liệu thống kê chính thức về những nguyên do hàng đầu gây tử vong ở Hoa Kỳ, nhưng các nhà khảo cứu của trường John Hopkins nói cách thức thu thập dữ liệu của CDC “không phân loại các sai sót y học riêng rẽ trên giấy khai tử.”

Theo ông Martin Makary, giáo sư phẫu thuật tại trường Y học của Đại học Johns Hopkins, “Tỷ lệ xảy ra tử vong trực tiếp gắn liền với việc chăm sóc y tế bê bối đã không được thừa nhận trong bất cứ phương pháp tiêu chuẩn hóa nào ề thu thấp thống kê toàn quốc. Hệ thống mã hóa y tế được thiết kế để tối ưu hóa việc làm hóa đơn cho các dịch vụ bác sĩ, chứ không phải để thu thập các số liệu thông kê về y tế toàn quốc, như hiện đang được sử dụng.”

Các nhà khảo cứu nói các phương pháp của CDC, được áp dụng từ năm 1949, cần phải được thay đổi để chứng minh cho các sơ sót về y học.

Ông Makary nói, “Thời đó, người ta không thừa nhận rằng những sai sót về chẩn bệnh, những lỗi lầm về y học, và sự thiếu vắng các mạng an toàn có thể đưa đến cái chết của một ai đó, và vì thế, các sai sót y học đã bị cố ý loại trừ ra khỏi những số liệu thống kê về y tế toàn quốc.

Các nhà khảo cứu nhìn vào dữ liệu tỷ lệ tử vong từ năm 2000 đến năm 2008 cũng như tỷ lệ nhập viện từ năm 2013. Sử dụng dữ liệu đó, họ xác định rằng trong số hơn 35,4 trường hợp nhập viện, các sai sót y học gây ra hơn 1 phần tư triệu cái chết.

Theo các nhà khảo cứu, con số này tiêu biểu cho 9,5 phần trăm toàn bộ những cái chết ở Hoa Kỳ mỗi năm.

Năm 2013, CDC nói bệnh tim là nguyên do hàng đầu gây tử vong ở Hoa Kỳ, với ung thư đứng hàng thứ nhì, tiếp theo là bệnh đường hô hấp.

Ông Makary cho biết thêm: “Những nguyên do hàng đầu gây tử vong theo báo cáo của CDC cho thấy những ưu tiên về y tế công cộng và tài trợ nghiên cứu toàn quốc. Ngay lúc này, ung thư và bệnh tim được rất nhiều sự chú ý, song bởi lẽ những sai sót y học không có trong danh sách, cho nên vấn đề này không được sự tài trợ và chú ý đích đáng.”

Các nhà khảo cứu cảnh báo rằng sai sót y học không nên coi như đồng nghĩa với các bác sĩ tồi, mà “tiêu biểu cho các vấn đề về hệ thống, gồm cả sự chăm sóc thiếu phối hợp, các hệ thống bảo hiểm manh mún, sự thiếu vắng hay ít sử dụng các mạng an toàn, và những thủ tục khác, ngoài sự khác biệt vô lý trong các khuôn thức hành nghề y sĩ mang tính thiếu trách nhiệm.” - VOA
|
|

5.
Ông Kasich chấm dứt chiến dịch tranh cử tổng thống --- Ai còn đang ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ

Thống đốc bang Ohio John Kasich, một trong những ứng viên tổng thống cuối cùng của đảng Cộng Hòa, đã rút lui khỏi cuộc đua, mở đường cho tỷ phú địa ốc Donald Trump được sự đề cử của đảng trong năm 2016.

Ông Kasich nằm trong số 17 ứng viên ban đầu tìm cách được đảng đề cử ra tranh chức tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 để chọn người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama khi ông rời chức vào tháng giêng sang năm.

Ông Kasich, 63 tuổi, cho thấy mình là một đảng viên Cộng hòa ôn hòa hơn trong số các thành viên bảo thủ kiên quyết, một người có thể hàn gắn sự chia rẽ manh mún về chính trị ở Washington. Nhưng trong 1 năm mà sự phẫn nộ của cử tri Cộng Hòa nhắm vào chính quyền quốc gia, ông Kasich được ít sự ủng hộ, trong khi sự ủng hộ dành cho ông Trump liên tục gia tăng.

Ông Kasich đã dự tranh trong hơn 40 cuộc thử thách ở cấp bang để được đảng đề cử, nhưng chỉ thắng có một, ở bang miền Trung tây mà ông làm thống đốc.

Ông Kasich về hạng 3 rất xa trong cuộc bầu sơ bộ của đảng hôm thứ ba ở bang Indiana lân cận sau ông Trump và thượng nghị sĩ Cruz của bang Texas.

Ông Cruz đã bỏ cuộc ngay sau khi cuộc bầu sơ bộ chấm dứt ở bang này.

Ông Kasich hoạch định mở cuộc họp báo vào cuối ngày hôm nay ở thủ phủ Columbus của bang Hohi, nhưng các vị phụ tá của ông đã báo trước với các hãng tin rằng ông sẽ rời khỏi cuộc chạy đua. - VOA

***
Đảng Cộng Hòa

Ông Donald Trump là người có thể được đảng Cộng Hòa đề cử sau chiến thắng trong cuộc bầu sơ bộ ở bang Indiana khiến hai đối thủ chính của ông phải rút lui khỏi cuộc đua. Một ứng viên Cộng Hòa cần phải được 1 ngàn 237 phiếu đại biểu để được đề cử.

Ông Donald Trump:

- Doanh gia New York Donald Trump đã được 1 ngàn 047 phiếu đại biểu.

- Cuộc phát biểu sắp tới là ở thành phố Charleston, bang West Virginia, theo trang web của ban vận động cho ông Trump

- Trong bài diễn văn chiến thắng hôm thứ ba, ông nói, “Ted Cruz – tôi không biết ông ta có thích tôi hay không nhưng ông ta quả là một đối thủ cừ khôi.”

Các cuộc bầu sơ bộ sắp tới của đảng Cộng hòa:

10 tháng 5: Nebraka (36 đại biểu), West Virginia (34 đại biểu)

17 tháng 5: Oregon (27 đại biểu)

24 tháng 5: Washington (44 đại biểu)

7 tháng 6: California (172 đại biểu), Montana (27 đại biểu), New Jersey (51 đại biểu), New Mexico (24 đại biểu), và South Dakota (29 đại biểu)

ĐẢNG DÂN CHỦ

2  ứng cử viên Dân chủ còn ở lại trong cuôc đua, và vẫn cò 1 ngàn 163 phiếu đại biểu dự tranh trước khi đại hội đảng bắt đầu vào ngày 25 tháng 7 ở Philadelphia thuộc bang Pennsylvania. Một ứng viên Dân chủ cần được 2 ngàn 383 phiếu đại biểu để được đảng đề cử.

Bà Hillary Clinton:

- Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ đã thắng 2 ngàn 202 phiếu đại biểu

- Bà Clinton đã bắt đầu tập trung vào cuộc tổng tuyển cử. Tin nhắn duy nhất của bà trên Twitter của bà sau khi công bố kết quả cuộc bầu sơ bộ ở bang Indiana là “Donald Trump là người có thể được đảng Cộng Hòa đề cử. Hãy đóng góp nếu quý vị đồng y rằng chúng ta không thể để cho ông ta làm tổng thống.”

- Bà Clinton sẽ dành 2 ngày sắp tới chủ yếu để gây quỹ ở Los Angeles và San Francisco, California

Ông Bernie Sanders:

- Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đã được 1 ngàn 400 phiếu đại biểu

- Trong bài diễn văn chiến thắng ở Indiana, ông nói, “Tôi hiểu là Ngoại trưởng Clinton  cho rằng cuộc vận động này đã chấm dứt. Tôi có tin xấu báo cho bà ấy. Đêm nay chúng ta đã thắng lớn ở Indiana… Ngày càng nhiều đại biểu đến đại hội của đảng Dân chủ càng xét lại xem ứng viên nào làm nẩy sinh được nhiệt tình, sự phấn khích và số cử tri tham dự đổng đảo mà chúng ta cần tới để bảo đảm là một người như Donald không lên làm tổng thống. Tôi nghĩ quý vị sẽ nhìn thấy có thêm nhiều đại biểu kết luận rằng ứng viên đó là Bernie Sanders.”

- Ông Sanders sẽ tổ chức tập hợp tại Charleston và Morgantown ở bang West Virginia vào ngày thứ năm

Các cuộc bầu sơ bộ sắp tới của đảng Dân chủ:

10 tháng 5: West Virginia (29 đại biểu)

17 tháng 5: Oregon (27 đại biểu)

24 tháng 5: Washington (61 đại biểu), Kentucky (55 đại biểu)

7 tháng 6: North Dakota (18 đại biểu), California (475 đại biểu), Montana (21 đại biểu), New Jersey (126 đại biểu), New Mexico (34 đại biểu), và South Dakota (20 đại biểu)

14 tháng 6: Thủ đô Washington (20 đại biểu). - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam cố gắng chứng minh ‘cá sạch’ trên thị trường

Việt Nam đang tìm cách thuyết phục người dân tiêu thụ ‘cá sạch’, tức không phải cá chết do thảm họa môi trường đang diễn ra ở khu vực biển miền Trung, bằng nhiều cách, trong đó có việc định vị tọa độ để xác định ngư trường đánh bắt cá và cấp giấy xác nhận cho hải sản. Nhưng những nỗ lực trên dường như đem lại kết quả rất thấp, vì hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn tiếp diễn và nguyên nhân gây chết cá vẫn chưa được tìm ra.

Kể từ khi xảy ra thảm họa cá chết hàng loạt, được cho là do nhiễm chất độc từ con người, hồi đầu tháng 4 đến nay, không chỉ người dân địa phương, mà ngay cả những người sống ở các tỉnh thành khác tại Việt Nam cũng không dám ăn cá biển.

Báo Vietnamnet hôm nay (5/5) trích lời ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, đã phân công cán bộ có mặt 24/24 tại các cảng cá, cửa biển để xem xép, cấp giấy chứng nhận hải sản ‘sạch’ nhằm hỗ trợ ngư dân tiêu thụ sản phẩm.

Hôm qua (4/5), báo chí trong nước đồng loạt đưa tin lãnh đạo Đà Nẵng đã cùng với 300 công chức ăn cá ủng hộ ngư dân và nhằm tạo niềm tin cho người dân yên tâm ăn cá sạch.

Tuy nhiên, những nỗ lực chứng minh ‘cá sạch’ của Việt Nam chưa đem lại kết quả trên thực tế. Đại tá Nguyễn Đăng Quang, nguyên cán bộ Bộ Công an ở Hà Nội, cho VOA biết gia đình ông cũng không dám ăn cá biển:

“Bây giờ nhà chức trách nói là biển an toàn, đánh bắt cá ngoài 20 hải lý thì cá đánh bắt được là cá sạch. Thế nhưng cũng có thể có những con cá đã nhiễm độc đi ra vùng xa đấy mà đánh bắt được, rồi mình về đông lạnh, bán cho người dân hoặc xuất khẩu ra nước ngoài xong rồi người ta phát hiện ra thì cái đó nó còn hiểm họa xấu hơn nữa. Ngay bây giờ người dân ở miền Trung người ta cũng rất lo sợ sau này, ngay cả muối ăn người ta cũng tìm cách mua dự trữ, tức là mua muối sản xuất trước khi biển bị ô nhiễm. Ngay ở Hà Nội, chúng tôi bây giờ cũng không dám ăn cá biển. Cá biển trông rất ngon, rất tươi, thế nhưng mà không dám ăn nữa.”

Một bạn trẻ đang khảo sát thực tế ở khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhà máy sản xuất thép của Đài Loan mà nhiều người dân tin là thủ phạm gây ra thảm họa, đã phỏng vấn một ngư dân tên Thạnh ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, và được cho biết hiện nhà nước đang có chính sách thu mua hải sản của ngư dân với giá khoảng 30% giá thực tế trước đây. Cụ thể theo ngư dân này, giá thu mua mực sống bình thường là 250.000 đồng/kg, chết là 200.000 đồng/kg, nhưng mực câu về trong thời điểm bị thảm họa ô nhiễm hiện nay chỉ được thu mua với giá 50.000 đồng/kg – 60.000 đồng/kg.

Ngoài ra, ngư dân này còn cho biết ông chưa nhận được sự trợ giúp hay thăm hỏi từ các cán bộ địa phương như báo chí đưa tin.

“Chúng tôi chưa thấy ai hết, mà chúng tôi chỉ thấy công an chạy dọc đường như kiểu sợ dân biểu tình, cứ chạy dọc vậy rồi thấy ai biểu tình thì bắt. Cái việc ấy thì cần gì phải biểu tình nữa. Lẽ ra phải ủng hộ cho dân họ đi biểu tình chớ. Formosa đem về đây xả rác làm cho cá chết, con người đây sống đây rồi sẽ chết theo cá luôn chứ có mô mà, hiện tại đây dân có nhiều gia đình chết đói. Thực tế là vậy. Giờ đóng bờ, không có cá mà bắt, cá chết về ăn là ô nhiễm. Gạo thì nhà nước cấp cho mỗi khẩu 22 cân gạo, mà gạo ngon thì không có, mà gạo gà ăn cũng không được, chó ăn cũng không được.”

Trước tình cảnh nhiều người dân đang gặp khó khăn vì thảm họa, nhiều tổ chức dân sự và tôn giáo đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây ra thảm họa và kịp thời giải quyết các hậu quả, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra thảm họa, đồng thời hỗ trợ cuộc sống của người dân làm các ngành nghề liên quan đến đánh bắt hải sản cho đến khi chấm dứt thảm họa.

Tin cho biết theo chỉ đạo của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 2 tổ liên ngành đã đến kiểm tra các doanh nghiệp ở Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, hôm 5/5.

Dự kiến, đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục làm việc với Formosa cho đến ngày 7/5. Sau đó, các thông tin về kết luận điều tra sẽ được công bố công khai, minh bạch, theo cam kết của thủ tướng. - VOA
|
|

7.
Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc tại Biển Đông: Lợi bất cập hại

Từ khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông cuối năm 2013, nhiều người tự hỏi liệu Trung Quốc sẽ dấn lên tương tự tại Biển Đông hay không. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang huy động nhiều chiến hạm hiện đại tập trận rầm rộ ở Biển Đông, bên cạnh đó còn huấn luyện ngư dân thành "dân quân" trên biển.

Nhà nghiên cứu Felix K.Chang của Foreign Policy Research Institut nhận định trên Eurasia Review, từ đầu năm nay, Hoa Kỳ đã công khai cảnh cáo Trung Quốc, sẽ không chấp nhận, nếu Bắc Kinh tự tiện lập ADIZ trên Biển Đông. Lời cảnh báo của Washington có vẻ như nhằm lường trước phản ứng của Bắc Kinh, vào thời điểm phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye trong vụ Philippines kiện có thể được tuyên trong tháng Năm.

Tuyên bố của Bắc Kinh lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông trước đây đã gây ra nhiều bất ngờ. Theo ông Felix Chang, có lẽ để tránh tái diễn sự việc này, phía Mỹ đã chọn cách cảnh báo trước. Đương nhiên bộ Quốc Phòng Trung Quốc đáp trả, là có quyền lập ADIZ trên Biển Đông - nơi Bắc Kinh vẫn coi là « ao nhà » của mình với đường lưỡi bò tự vạch. Tuy vậy phát ngôn viên của bộ này nhanh nhẩu nói thêm là Trung Quốc không có ý định đó.

Nhà nghiên cứu trên cho rằng, ngoài mục đích xoa dịu Mỹ, còn có các lý do khác khiến Trung Quốc không muốn lập ADIZ tại Biển Đông. Đó là vì việc này còn liên quan đến hai thành viên có ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN : Malaysia và Indonesia.

Nếu ADIZ Trung Quốc tại Biển Hoa Đông chỉ nhắm vào Nhật Bản, thì một ADIZ Trung Quốc khác trên Biển Đông sẽ tác động không chỉ vào hai đối thủ Việt Nam và Philippines, mà còn ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực, trong đó có Malaysia và Indonesia.

Từ nhiều thập kỷ qua, Malaysia đã gượng nhẹ trong tranh chấp quần đảo Trường Sa với Trung Quốc. Thay vì đối đầu với Bắc Kinh như Philippines và Việt Nam, nước này cố gắng âm thầm dùng biện pháp ngoại giao để thuyết phục về lợi ích của một giải pháp đa phương cho tranh chấp trong khu vực.

Chiến lược này đạt đến đỉnh điểm vào năm 2002, khi Trung Quốc chịu ký Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông với ASEAN, không mang tính ràng buộc. Mặc dù sau đó Bắc Kinh đã vi phạm, Malaysia vẫn trung thành với chủ trương trên. Thậm chí hai lần Trung Quốc tập trận hải lục quân gần bãi cạn James mà Malaysia đòi hỏi chủ quyền (James Shoal, Trung Quốc gọi là Tăng Mẫu) chỉ cách bờ biển Malaysia có 80 km, Kuala Lumpur vẫn chọn lựa không gây căng thẳng.

Tương tự, Indonesia cũng giảm thiểu các tranh cãi với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao nước này luôn nhắc đi nhắc lại rằng Jakarta không tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Dù đúng là không tranh chấp chủ quyền, nhưng tranh chấp trên biển thì có. Đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra bao trùm lên cả một số mỏ dầu khí lớn nhất ngoài khơi Indonesia. Hơn nữa, Bắc Kinh còn gia tăng sự hiện diện trong khu vực. Chỉ mới tháng trước, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã dùng vũ lực xông vào giải thoát cho một tàu cá xâm nhập vùng biển Indonesia khỏi bị cơ quan chức năng bắt giữ. Sự cố này khiến giới quân sự Indonesia phải cảnh giác, nhưng Jakarta vẫn do dự chưa muốn tăng cường phương tiện cho quân đội để bảo vệ khu vực quần đảo Natuna.

Một vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc bao trùm lên toàn bộ Biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả Malaysia lẫn Indonesia. Sẽ rất khó cho Bắc Kinh để biện minh, và điều này cũng đi ngược lại chiến lược dài hơi của Trung Quốc về Biển Đông.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn tìm cách chia rẽ các đối thủ Đông Nam Á, khuyến dụ từng nước nên giải quyết tranh chấp riêng rẽ với Bắc Kinh. Một ADIZ được tuyên bố trên toàn Biển Đông sẽ khó giúp đạt được mục đích này, thậm chí còn ngược lại !

Quyết định này có thể đẩy Malaysia và Indonesia vào tình thế « cùng hội cùng thuyền » với Việt Nam và Philippines, khiến các nước liên quan phải đoàn kết lại. Hơn nữa, vùng nhận dạng phòng không trên toàn Biển Đông sẽ làm những ai tin rằng thái độ dịu nhẹ sẽ làm Trung Quốc bớt hung hăng với mình, phải suy nghĩ lại.

Mặt khác, nếu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên nửa phía bắc Biển Đông mà thôi – có nghĩa là phía trên các khu vực tranh chấp với Philippines và Việt Nam – Bắc Kinh có thể lý sự là chỉ nhằm bảo vệ khỏi bị phi cơ hai nước này xâm nhập mà thôi. Cả Việt Nam và Philippines đều đang tăng cường Không quân để đối phó với Trung Quốc, và Malaysia, Indonesia có thể theo chân. Hơn nữa, một ADIZ bán phần của Trung Quốc có thể khiến các nước khác chạnh lòng, nghĩ đến việc vùng nhận dạng phòng không này có thể bị mở rộng ra trong tương lai.

Tác giả Felix K.Chang kết luận, như vậy trước khả năng ADIZ, dù toàn phần hay bán phần, có thể khiến cho các nước chủ chốt của ASEAN liên kết với nhau để chống lại mình, Trung Quốc có lý do để tỏ ra thận trọng.

Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông có thể tạo ra nhiều vấn đề cho Bắc Kinh hơn là giải quyết. ADIZ có thể đẩy Malaysia ra khỏi giới hạn tự đặt lâu nay, và khiến Indonesia chính thức lao vào cuộc tranh chấp. Các nước xung quanh như Úc và Nhật Bản cũng ngờ vực hơn, và làm thế nào có thể tin vào thiện chí của sáng kiến « Một vành đai, một con đường (tức Con đường tơ lụa trên biển) » do Bắc Kinh đưa ra ?

Nhìn rộng hơn, một ADIZ bao trùm lên Biển Đông có thể đánh dấu một bước ngoặt thực sự, trong chủ trương của Trung Quốc không chỉ về tranh chấp chủ quyền trên biển, mà cả đối với khu vực Đông Á. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đã trở nên quá tự tin để hành động, bất chấp các hậu quả trên trường quốc tế.

Trong trường hợp này, dù Trung Quốc vẫn đối phó được, nhưng theo Felix Chang, Bắc Kinh cần phải học được một điều là vùng lên thì có nguy cơ bị những làn gió ngược mãnh liệt quật lại. - RFI

No comments:

Post a Comment