Friday, May 27, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 27/5

Tin Thế Giới

1.
Tuyên bố chung của G7 đặt ưu tiên khẩn cấp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Lãnh tụ của Nhóm G7 quy tụ 7 nền kinh tế giàu nhất gọi tăng trưởng toàn cầu là “ưu tiên khẩn cấp” của họ vào lúc bế mạc hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản hôm 27/5.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói:

“Cảm thấy bi quan về nền kinh tế thế giới không giải quyết được vấn đề. Trong cương vị là người chủ trì và là Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh này, tôi đã bỏ ra nhiều thời giờ nhất để thảo luận về các vấn đề kinh tế, nhưng tôi làm như vậy không phải để chúng ta trở nên bi quan. Chúng ta không nên bi quan mà phải khách quan để có thể nhận thức đúng đắn những sự rủi ro hiện hữu ở ngoài kia, tại đây và trong thời khắc này. Chúng ta sẽ không thể nào giải quyết vấn đề, trừ phi chúng ta chia sẻ chung những rủi ro đã nhận thức được”.

Các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ra một thông cáo chung đề cập tới những vấn đề sâu rộng mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt.

Nhóm G7 công bố một tuyên bố dài 32 trang để bế mạc hội nghị, cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên phải tuân thủ các quy định của Liên Hiệp Quốc và chấm dứt thử nghiệm các vũ khí hạt nhân, phóng phi đạn và các ‘hành động có tính cách khiêu khích’ khác.

Trong khi không nêu đích danh Trung Quốc, bản tuyên bố chung của G7 đề nghị hỗ trợ để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ đang nóng lên ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc ráo riết lấp đất xây đảo, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng. - VOA
|
|

2.
LHQ: Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng  Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân có tính bước ngoặt để hạn chế số lượng chất liệu chủ yếu được tồn kho có thể được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Cơ quan Nguyên tử năng, gọi tắt là IAEA, nói chất uranium và nước nặng tồn kho của Iran nằm trong giới hạn đã được đồng ý hồi năm ngoái.

Một phúc trình của Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc cho hay lượng uranium của Iran không vượt quá mực cho phép là 300 kg, trong khi nguồn cung nước nặng cũng dưới hạn định cho phép là 130 tấn.

Các kết luận đó đã được công bố hôm 27/5 trong phúc trình hàng quý thứ nhì do IAEA soạn thảo từ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực hồi tháng 1 năm nay.

Hồi tháng 7 năm 2015, Iran và các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận, hạn chế các vật liệu hạt nhân tồn kho của Iran. Đổi lại, các biện pháp chế tài do Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây áp đặt sẽ được tháo bỏ, kể cả các hoạt động xuất khẩu dầu hỏa mang về nhiều lợi lộc.

Nhưng Hoa Kỳ duy trì các biện pháp chế tài của họ đối với Iran vì cáo buộc cho rằng Iran bảo trợ các chuyến hàng chở vũ khí tới Trung Đông, và vì chương trình phi đạn đạn đạo của Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hồi tháng Năm đòi Mỹ phải có những hành động nghiêm túc và cụ thể để giải quyết vấn đề. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama đến thăm Hiroshima --- Trực diện với quá khứ ở Hiroshima, TT Obama làm nên lịch sử

Tổng thống Barack Obama làm nên lịch sử hôm nay, khi ông trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đi thăm Hiroshima, nơi một chiến đấu cơ Mỹ đã thả qua bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào cuối Thế chiến thứ hai. 

Sau khi đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, ông Obama đã nói về việc không nên bao giờ quên diễn biến này ra sao:

“71 năm trước, vào một buổi sáng trời trong không mây, cái chết đã rơi xuống từ bầu trời và thế giới đã thay đổi. Một tia chớp sáng và một bức tường lửa đã phá hủy một thành phố và cho thấy nhân loại sở hữu phương tiện tự hủy hoại mình”.

Ông Obama nói tiếp rằng ông đến đây để tuyên dương những người đã thiệt mạng trong vụ oanh tạc, kể cả những người Triều Tiên và những người Mỹ bị bắt.

Ông Obama không đưa ra lời tạ lỗi về quyết định thả bom Hiroshima, và nhấn mạnh đến tình hữu nghị được thành lập giữa hai nước cựu thù nay chia sẻ những mối quan tâm và trách nhiệm chung về an ninh:

“Có thể chúng ta không thể tiêu diệt được khả năng của con người làm việc xấu, do đó các quốc gia và các liên minh mà chúng ta thành lập phải sở hữu các phương tiện để tự bảo vệ, nhưng trong số các quốc gia như quốc gia của chính tôi có các kho vũ khí hạt nhân thì chúng ta phải có sự can đảm để tránh khỏi lập luận của sự sợ hãi và theo đuổi một thế giới không có hạt nhân”.

Những lời lẽ của ông Obama về các liên minh hòa bình dường như mang một ý nghĩa gây xúc động hơn khi ông đến gặp những người sống sót trong vụ tấn công ở Hiroshima.

Ba ngày sau vụ Hiroshima, Hoa Kỳ lại thả một quả bom nguyên tử khác xuống Nagasaki làm hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật hoàng Hirohito loan báo Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. - VOA

***
Tưởng niệm các nạn nhân của quả bom nguyên tử đã được thả xuống Hiroshima 7 thập kỷ về trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói thế giới chia sẻ chung trách nhiệm phải ngăn chặn, để không bao giờ tái diễn những đau thương mà thành phố này của Nhật Bản đã trải qua.

Phát biểu hôm 27/5 tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Tổng thống Obama nói:

“Chúng ta đứng đây, giữa thành phố này và cố tưởng tượng thời khắc quả bom rơi xuống. Chúng ta buộc mình phải cảm nhận nỗi sợ hãi của những đứa trẻ đang hoang mang về những gì chúng đã chứng kiến. Chúng ta lắng nghe tiếng khóc thầm lặng. Chúng ta tưởng nhớ tất cả những người vô tội đã bị giết trong cái vòng luẩn quẩn của chiến tranh tàn khốc và những cuộc chiến tranh xảy ra trước cũng như sau đó”.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm nên lịch sử, đơn giản bằng cách sánh bước bên nhau đi qua công viên tưởng niệm Hiroshima. Một chiến đấu cơ Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945 trong những ngày tàn của Thế chiến thứ Hai, giết chết hàng chục ngàn người và khiến cả một thế hệ mắc phải những chứng do nhiễm phóng xạ gây ra.

Ông Obama là vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima. Sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật đến đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Hòa bình, nhà lãnh đạo Mỹ nói:

“Chúng ta tới đây để khóc thương những người đã chết. Chúng ta chia chung trách nhiệm phải nhìn thẳng vào lịch sử. Chúng ta phải tự hỏi ta phải làm gì khác để ngăn, không cho tái diễn những sự đau thương ấy thêm một lần nào nữa”.

Tổng thống Obama kêu gọi mọi người hãy lay tỉnh lương tri liên quan tới các vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Thế giới đã thay đổi vĩnh viễn tại Hiroshima. Nhưng ngày nay những trẻ em của thành phố này sinh hoạt trong hòa bình. Đó là điều đáng trân quý, phải bảo vệ và phải tiến xa hơn nữa, hãy bảo vệ tất cả mọi trẻ em. Đó là một tương lai mà chúng ta có thể chọn, một tương lai trong đó Hiroshima và Nagasaki được biết đến không phải như khởi đầu của chiến tranh nguyên tử, mà khởi đầu của sự tỉnh thức của lương tri”.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đứng bên nhau trước Đài tưởng niệm Vòng cung, biểu tượng cho một ngôi mộ không người. Trên cấu trúc này có tạc hàng chữ: “Hãy yên nghỉ, bởi vì lỗi lầm này sẽ không được lặp lại”.

Công viên Hòa bình Nhật Bản không xác định lỗi lầm trong hàng chữ ấy là gì, liệu nó muốn nhắc đến các vụ thả bom nguyên tử của Mỹ, hay hành động hiếu chiến của người Nhật và cuộc chiến đã diễn ra trước hay sau các vụ đánh bom. Nhiều câu hỏi được giải đáp khác nhau tùy vào mỗi nước.

Nhưng giữa lúc hai nhà lãnh đạo tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại ngôi mộ không người, hai ông khẳng định rõ mục đích không phải là để mang quá khứ ra tranh luận, mà tập trung vào việc làm sao có thể hàn gắn vết thương, và đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ nhất, chống bất cứ quyết định nào muốn sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai. - VOA
|
|

4.
Thành công của ông Trump gây phản ứng trái ngược tại Mỹ và ở nước ngoài --- Ông Trump đưa vấn đề năng lượng vào cuộc tranh luận tranh cử tổng thống

Điều tưởng chừng như không thể xảy ra được cách đây chưa đầy một năm nay hầu như đã trở nên chắc chắn. Ông trùm bất động sản New York Donald Trump đã chiếm được số đại biểu cần thiết để chắc chắn được đảng Cộng hòa đề cử. Viễn ảnh này đã gây nên nhiều tranh cãi tại nước ngoài cũng như tại Mỹ. Thông tín viên Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết.

Nằm giữa trung tâm Manhattan, tháp Trump luôn luôn thu hút du khách, nhưng có lẽ chưa bao giờ đông đảo như năm ngoái. Một số du khách này là những người ủng hộ ông Trump, như ông Ron O’Dell từ Arizona đến.

“Ông là một người ăn nói bộc trực. Ông nói điều ông cảm thấy. Tôi tin ông sẽ nỗ lực làm cho nước Mỹ trở lại vĩ đại nữa”.

Nhưng bà Lynda Hughes từ tiểu bang Washington không nghĩ như vậy.

“Tôi nghĩ ông ấy là một người kỳ thị chủng tộc luôn đưa ra những lời dọa nạt và tôi rất buồn là nước Mỹ đã đến tình trạng này”.

Bên ngoài nước Mỹ, lẽ tự nhiện người Mexico nằm trong số những người chống việc đề cử ông Trump nhiều nhất bởi vì ông đã dọa đóng cửa biên giới với Mexico và áp đặt những biện pháp kiểm soát di trú nghiêm nhặt.

Cô Mireya Alvarez, một sinh viên thuộc tiểu bang Guanajuato nói:

“Nay, nếu như cảnh sát muốn làm gì làm, thì hãy tưởng tượng xem họ sẽ làm gì khi một người bài ngoại như thế lên làm tổng thống. Các di dân sẽ không có chút nhân quyền nào”.

Còn đây là ý kiến của ông Paulo Pepe, một cư dân ở xa hơn về phía nam, tại Buenos Aires, Argentine:

“Chính di dân tại Mỹ làm cho chính trị và kinh tế nước Mỹ bền vững. Do đó nếu ông Trump làm những gì ông nói, có lẽ toàn nước Mỹ sẽ chìm đắm trong cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong lịch sử”.

Nhưng không phải bất cứ người nào ở Nam Mỹ đều chống lại lối nói thẳng thừng và những đề nghị gây tranh cãi của ông Trump.

Ông Andre Guilherme, cư dân Rio de Janeiro, nói:

“Nhưng tôi nghĩ là phong trào và cuộc tranh luận trên thế giới về ông Trump có tính cách tích cực, nhất là ở Hoa Kỳ, đem lại ảnh hưởng đến nhiều nước khác”.

Tại Brussels nhiều người ủng hộ việc ông Trump lên làm tổng thống.

Một cư dân Brussels nói

“Sẽ có một sự thay đổi lớn lao trong chính sách của Hoa Kỳ và tôi nghĩ chính sách này sẽ ảnh hưởng đến đường lối của Mỹ đối với những chính sách của châu Âu”.

Một người khác nói:

“Sẽ là một tai họa nếu ông đắc cử tổng thống vì tôi nghĩ ông ta không biết gì về chính sách ngoại giao của Mỹ và ông cũng không biết gì về những  gì xảy ra trong nước”.

Người Trung Quốc thì thực tế hơn, bất kể những nhận xét không thuận lợi của ông Trump về nước họ. Một nhà sản xuất mặt nạ tính trước việc ông Trump sẽ thắng và không muốn bỏ lỡ cơ hội hàng sẽ bán chạy đến cao điểm vào tháng 11 này. Nhưng ông cũng không bỏ qua ứng cử viên đảng Dân chủ. Xưởng của ông cũng làm cả mặt nạ bà Hillary Clinton. - VOA

***
Hôm 27/5, trong một bài phát biểu tại một hội nghị về dầu hỏa ở North Dakota, ông Donald Trump cam kết sẽ bãi bỏ hiệp định về khí hậu đã ký ở Paris và ráo riết theo đuổi việc phát triển năng lượng hóa thạch của Hoa Kỳ.

Ông Trump công kích các lập trường về chính sách năng lượng của người dẫn đầu cuộc chạy đua bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, và phác họa những tương phản gay gắt giữa hai bên về một vấn đề có thể là một yếu tố trong cuộc tổng tuyển cử.

Ông Trump đã đưa ra các nhận định tại một tiểu bang nơi sản lượng dầu và khí đốt đã tăng vọt gấp 10 lần trong thập niên vừa qua, góp phần làm cho Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch đứng đầu thế giới.

Theo ông Trump, sự chuyển biến đã diễn ra bất chấp “những rào cản to lớn mới về chính trị và quan liêu”. Ông nói Tổng thống Barack Obama đã “làm cho cuộc sống ở bang North Dakota, vì những luật lệ tốn kém gây khó khăn ngày càng nhiều để kiếm lời”. Và ông nói dưới chính quyền của bà Clinton, “mọi sự lại còn trở nên tệ hại hơn nữa”.

Ông Trump tuyên bố trong 100 ngày đầu tại chức, ông sẽ đảo ngược những luật lệ về khoan dầu, “bãi bỏ hiệp định Paris về khí hậu và ngưng chi trả cho mọi chương trình của Liên Hiệp Quốc về tăng nhiệt toàn cầu”.

Các nhà bảo vệ môi trường lên án bài phát biểu. Phát ngôn viên của tổ chức Cử tri thuộc Liên minh Bảo toàn Seth Stein nói: "Cơ bản ông ta nói bất cứ điều gì mà những người trong công nghiệp dầu khí muốn nghe” trong khi bất kể tác động đối với không khí, nước và khí hậu".

Theo ông Oren Cass, một học giả kỳ cựu tại Viện Manhattan và là cố vấn cho ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012, ông Trump “thậm chí không nắm được chút nào về nội dung hiệp định Paris thực sự là gì”. Ông ủng hộ trọng điểm ông Trump đặt vào vấn đề năng lượng trong nước và giảm bớt các luật lệ, nhưng nói rằng ông Trump đã chứng tỏ một sự thất bại đáng ngại là không nắm được “các sự kiện và cách thức những việc này thực sự tác động ra sao”.

Các nhận định của ông Trump được đưa ra vào ngày ông hội đủ số phiếu đại biểu để được đảng Cộng hòa đề cử ra làm ứng viên tổng thống. Và qua việc tập trung vào chính sách năng lượng, ông Trump nhấn mạnh đến một đề tài đã không thu hút được nhiều sự chú ý trong các cuộc tranh đua sơ bộ nhưng có thể quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử.

Ông nói: “Nếu quý vị nghĩ về một cuộc chạy đua giữa Trump và Clinton hay chắc chắn một cuộc chạy đua giữa Trump và Sanders, thì đây sẽ là một lãnh vực bất đồng nổi bật, cả trong những chi tiết về chính sách lẫn về quan điểm thế giới rộng lớn hơn và phương pháp quản trị. Đó là một yếu tố rất nhạy cảm trong một cuộc xoay trục qua tổng tuyển cử”.

Bà Clinton gọi hiệp định về khí hậu của Liên Hiệp Quốc thương nghị ở Paris hồi tháng 12 năm ngoái là một “bước tiến tới lịch sử”, và là “một bằng chứng cho khả năng lãnh đạo thế giới của nước Mỹ”. Bà đã ủng hộ một sự chuyển tiếp tách rời khỏi nhiên liệu hóa thạch hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn để có thể chống lại với tình trạng biến đổi khí hậu.

Trái hẳn với ông Trump, người đã mô tả biến đổi khí hậu là một sự “lường gạt”, bà Clinton nói tình trạng này “rõ ràng là do con người gây ra và làm cho trầm trọng thêm”.

Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy cử tri Hoa Kỳ đã thay đổi ý kiến về quan điểm của bà Clinton.

Ông Stein nói: “Có những khối đa số đồng ý rằng đây là một điều đang diễn ra và đây là một vấn đề họ muốn có biện pháp giải quyết”.

Một cuộc thăm dò mới đây của viện Gallup cho thấy 64% người dân Mỹ lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu, và một tỷ lệ kỷ lục 65% nói rằng con người chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Những người bảo thủ theo đảng Cộng hòa có ít phần chắc nhất tin rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra, theo một cuộc thăm dò của hai trường đại học Yale và George Mason. Nhưng ngay cả nhóm này cũng đang thay đổi ý kiến. Những người tin vào điều này vẫn chiếm thiểu số là 47%. Nhưng con số này cao hơn 19% so với 2 năm vừa qua.

Và mặc dầu biến đổi khí hậu không phải là vấn đề hàng đầu gây quan tâm trong giới cử tri, cuộc thăm dò nhận thấy rằng chủ trương chống lại biện pháp về khí hậu không thắng được phiếu. 45% người trả lời thăm dò nói họ sẽ có ít phần chắc hơn bỏ phiếu cho một ứng viên cực lực phản đối các biện pháp giảm thiểu tăng nhiệt toàn cầu. Chỉ có 11% nói họ sẽ có nhiều phần chắc ủng hộ hơn.

Cử tri cũng đang quay ra chống lại những kỹ thuật đã khiến Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Đó là công nghệ ép vỉa thủy lực để khai thác dầu đá phiến. Viện Gallup nhận thấy trên một nửa số người trả lời thăm dò chống đối phương pháp này, so với tỷ lệ 40% hồi năm ngoái.

Giới bảo vệ môi trường chỉ trích kỹ thuật ép vỉa thủy lực này vì nó gây ra ô nhiễm nước, rò rỉ khí mê-tan và động đất.

Nhưng các chuyên gia cho rằng sự bột phát khí đốt thiên nhiên góp phần giúp cắt giảm lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính. Khí đốt thiên nhiên sạch hơn là than đá. Nay nó lại còn rẻ hơn than đá nữa.

Về vấn đề phá đá khai mỏ, bà Clinton đối mặt với sự chỉ trích từ cả hai phía. Trong tư cách ngoại trưởng, bà đã ủng hộ việc khai thác khí đốt thiên nhiên như một loại “nhiên liệu bắc cầu” giữa than đá và năng lượng có thể tái tạo. Nhưng bà đã rút lại sự ủng hộ cho phương pháp ấy ở Hoa Kỳ, trước sự đả kích của ông Bernie Sanders, người phản đối kỹ thuật này.

Chuyên gia Oren Cass của Viện Manhattan nói: “Vấn đề phá đá khai mỏ sẽ là một vấn đề lý thú trong cuộc tổng tuyển cử bởi vì bà Clinton đã bị ông Sanders đẩy đi khá xa về phía tả. Bà đã cố gắng tìm cách thay đổi lập trường… nhưng theo tôi sự tương phản sẽ thể hiện rất rõ ràng”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc muốn biến đảo Phú Lâm thành khu du lịch nghỉ mát --- Trung Quốc triển khai máy bay do thám không người lái ở đảo Phú Lâm

Trung Quốc đặt mục tiêu biến một số đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông thành khu du lịch nghỉ mát với những kế hoạch phát triển mới tại các địa điểm không cần sự hiện diện quân sự.

Báo China Daily của nhà nước Trung Quốc ngày 27/5 dẫn lời thị trưởng thành phố Tam Sa, Xiao Jie, cho biết muốn biến khu vực này thành một điểm thu hút du lịch lớn sánh với Maldives.

Ông Xiao nói: "Chúng tôi sẽ phát triển một số đảo và đá ngầm để có sức chứa một lượng du khách nhất định. Đây sẽ là một tiến trình dần dần, theo thứ tự".

Thành phố Tam Sa do Trung Quốc thành lập năm 2012 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Thị trưởng Tam Sa cho biết theo kế hoạch, sẽ tổ chức các chuyến bay trên biển, đám cưới trên đảo, các chuyến du lịch câu cá và lặn.

Ông Xiao nói thêm rằng những người có tinh thần yêu nước sẽ muốn trải nghiệm tuyến du lịch sắp mở này.

Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu đưa thử nghiệm tàu du lịch ra Biển Đông, một phần của nỗ lực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền bằng cách tăng cường sự hiện diện dân sự tại đây.

Một tàu du lịch thứ hai sẽ sớm bắt đầu hoạt động và cũng sẽ có các chuyến bay thường xuyên ra vô đảo Phú Lâm.

Chưa rõ các chuyến du lịch sắp tới có mở cho người nước ngoài hay không, nhưng cho đến nay, chỉ có công dân Trung Quốc mới được phép đi các tour du lịch ra khu vực này.

Mỹ, Việt Nam và các nước khác đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước chính sách theo đuổi chủ quyền ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm những công trình xây đảo nhân tạo, đường bay và các cơ sở quân sự.

Trung Quốc khẳng định hầu hết các công trình xây dựng của họ ở Biển Đông mang mục đích dân sự. - VOA

***
Ngày 26/05/2016, hình ảnh vệ tinh cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một máy bay do thám không người lái ở đảo Phú Lâm. Thêm một dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Những hình ảnh vệ tinh của hãng Fox News cho thấy một máy bay do thám không người lái tầm xa, ký hiệu BZK-005, đang hiện diện trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ở Biển Đông.

Máy bay do thám quân sự BZK-005 có thể hoạt động liên tục trong vòng 40 giờ. Cho đến thời điểm bị ghi hình, máy bay này không được trang bị tên lửa như những loại khác.

Trung Quốc đã bán máy bay quân sự không người lái, loại CH-4, cho Nigeria, Pakistan và Irak, khiến gia tăng quan ngại về việc phát triển nhanh công nghệ này. Tháng 12 năm 2015, Irak cho biết đã sử dụng thành công CH-4 chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).

Hồi tháng Hai năm 2016, Bắc Kinh cũng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, một hệ thống tương tự như S-300 mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga.

Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, Peter Cook, ngày 26/05, đã không trả lời trực tiếp khi được hỏi về vấn đề này, nhưng cho biết có những quan ngại về những gì đang diễn ra ở Biển Đông.

Trong khi đó, theo The Guardian ngày 26/06/2016, lần đầu tiên, Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa tàu ngầm có tên lửa hạt nhân ra Thái Bình Dương. Bắc Kinh cho rằng nước này không có lựa chọn nào khác khi Hoa Kỳ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Quan chức quốc phòng Trung Quốc không bình luận về thời điểm của lần tuần tra đầu tiên, nhưng khẳng định việc tuần tra là chắc chắn.

Vào tháng 03/2016, Hoa Kỳ tiết lộ kế hoạch triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc và phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh, đe dọa hệ thống phòng thủ mặt đất của Trung Quốc.

Trung Quốc đã phát triển công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hơn 30 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện. - RFI
|
|

6.
Nỗi lo của các thợ lặn Formosa Vũng Áng

Hàng loạt thợ lặn ở khu công nghiệp Formosa Vũng Áng có biểu hiện bị nhiễm độc nước biển. Tuy vậy sau gần một tháng kiểm tra sức khỏe họ không nhận được kết quả và còn bị đe dọa chấm dứt hợp đồng lao động.

Thảm họa môi trường ở vùng biển 4 tỉnh Miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đầu tháng 4/2016 vừa qua, đã không chỉ làm cá biển chết hàng loạt hay những rạn san hô quý hiếm và sinh vật dưới đáy biển bị hủy hoại. Mà sức khỏe của những người thợ lặn ở khu công nghiệp Formosa cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo báo Giao thông online cho biết, trùng vào thời điểm cá chết hàng loạt, nhiều thợ lặn dưới biển thi công xây dựng đê chắn sóng cảng Sơn Dương, Formosa khi lên bờ cảm thấy tức ngực, khó thở. Anh Lê Văn Ngày (SN 1970, quê ở Khánh Hòa), là công nhân của Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã tử vong.

Anh Hoàng Quang, thợ lặn Formosa, cho biết đã có 21 thợ lặn của Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã có triệu chứng bị nhiễm độc nước biển ở khu vực Vũng Áng. Ông nói với chúng tôi:

“Ở vùng đang xây đê chắn sóng Cảng Sơn Dương – Vũng Áng, cá nhiễm độc chết rất nhiều do nước bị nhiễm độc. Do vậy anh em thợ lặn chúng tôi có những triệu chứng bị choáng, tức ngực và khó thở. Sau đó công ty đưa anh em vào Bệnh viện (BV) Trung ương Huế để khám sức khỏe, khi khám xong chỉ lấy được các kết quả khác, còn kết quả xét nghiệm độc tố thì BV có hứa 3 ngày sau thì sẽ cho kết quả. Nhưng cho đến bây giờ thì chưa có kết quả gì.”

Theo anh Đặng Lê Vũ cho biết, sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, các thợ lặn ở đây vẫn làm việc bình thường dưới biển. Sau đó khoảng 2 tuần họ bắt đầu có các dấu hiệu sức khỏe không bình thường. Tuy vậy cho đến nay anh và các bạn bè vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm độc tố. Anh tiếp lời:

“Sau này đi làm về bọn tôi cảm thấy tức ngực, khó thở và triệu chứng khát nước. Đến ngày 28/4 thì Công ty Nibelc cho đi khám sức khỏe ở BV Trung ương Huế. Sau đó chúng tôi đã nhiều lần gặp trực tiếp Giám đốc và những người điều hành Công ty Nibelc để yêu cầu lấy kết quả. Nhưng họ cứ chối vòng vo, đến khi ấy chúng tôi mới đi đến quyết định viết đơn cho công ty và cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Mà họ còn gọi chúng tôi đến để thanh lý hợp đồng.”

Nói về kết quả kiểm tra sức khỏe, Hoàng Quang khẳng định:

“Bên BV thì không thấy trả lời, nhưng bên công ty thì lại nói là bên BV Trung ương Huế chưa trả lời cho công ty, nên công ty chưa có kết quả để trả lời cho anh em.”

Còn anh Đặng Lê Vũ cho biết:

“Về việc chuyển giao kết quả khám sức khỏe thì tôi thấy Bệnh viện đã giao cho Công ty kết quả khám các loại. Nhưng chỉ có tờ giấy khám sinh hóa máu thì hình như không có. Tóm lại kết quả là công ty Nibelc giữ hết nhưng không đưa cho chúng tôi cái gì.”

Cũng theo anh Đặng Lê Vũ cho biết, theo quy định 6 tháng một lần các thợ lặn phải kiểm tra sức khỏe phổ quát và họ đều nhận được kết quả kiểm tra sức khỏe. Song trong lần kiểm tra sức khỏe đột xuất do biển bị nhiễm độc lần này thì họ không nhận được kết quả xét nghiệm độc tố trong máu. Điều đó khiến cho họ hết sức lo lắng. Ông chia sẻ:

“Nói chung chúng tôi muốn họ phải làm cho ra rạch ròi về việc nhiễm độc trong máu hoặc hóa chất trong máu. Chúng tôi hiện đang hết sức lo lắng về sức khỏe của mình, vì họ không trả kết quả khiến cho mình càng lo, vì mình không biết rằng mình có bị bệnh gì hay không? Nhìn chung chúng tôi đang rất lo lắng.”

Theo báo Infonet online ngày 27/4/2016 bình luận rằng, khi chậm trễ trong việc đưa ra các kết luận khách quan, khoa học, thì mọi đối sách khác đều sẽ ít tác dụng. Cũng đừng trách dư luận cực đoan, tâm lý người dân hoảng hốt. Dư luận điềm tĩnh và tâm lý cân bằng sao được khi người ta không thể rõ mô tê gì.

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới lãnh đạo Khoa khám bệnh, BV Trung ương Huế, Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế Nibelc và  Cục Quản lý Sức khỏe Bộ Y tế… để tìm hiểu vụ việc thì không nhận được sự trả lời hoặc yêu cầu gửi văn bản đến để xem xét.

Một cán bộ Cục Quản lý Sức khỏe Bộ Y tế nói với chúng tôi:

“Yêu cầu các anh làm công văn gửi tới Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh để chúng tôi trình lãnh đạo xem xét và giao cho các bộ phận xử lý và trả lời.”

Chị Xoan, thân nhân của một thợ lặn thấy rằng, việc thiếu minh bạch trong việc công khai kết quả kiểm tra sức khỏe của các thợ lặn thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã khiến người thân của họ hết sức lo lắng. Và cũng là nguyên nhân của các tin đồn đoán không có lợi. Chị trình bày:

“Chồng tôi làm việc ở Formosa, hôm trước các Cha muốn đưa mấy anh em thợ lặn đi khám, nhưng bác sĩ trong Sài Gòn (SG) nói rằng, trên Bộ cấm rồi nên họ không dám làm. Tôi còn nghe có Bác sĩ nói rằng, bây giờ đi khắp VN, cả Hà nội, Huế, SG cũng không có ai dám cho anh kết quả.”

Nói về trách nhiệm của ngành Y tế và giải pháp cho cho những người bệnh. Một Bác sĩ  tại Bệnh viên công tại Sài gòn, yêu cầu dấu danh tính giải thích:

“Trong vụ việc này phải hỏi BV Trung ương Huế là anh đã khám những cái gì và nếu anh nói anh đã đưa kết quả cho Công ty rồi, thì anh phải chứng minh anh đã gửi. Ở đây cứ tạm coi các bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng, theo tôi hiểu thì với điều kiện ở VN thì không đến một tháng sẽ có kết quả và có thể trả lời được. Không thể thoái thác được. Theo Luật Bảo vệ Sức khỏe thì, bệnh nhân và cha mẹ vợ con phải được biết; thứ 2 là giả thiết bị nhiễm độc cấp mà anh không cho bệnh nhân biết, rồi để thời gian trôi đi thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Trường hợp như thế này thì đương sự kiến nghị lên Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Bộ trưởng Bộ Y tế và đơn thư được phát chuyển nhanh, có báo phát.”

Trao đổi với báo Lao Động, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá khẳng định rằng:

“Theo cái thông tin báo chí phản ánh về vụ cá chết hàng loạt mấy tỉnh ven biển miền Trung, tôi nghĩ rằng vấn đề này rất bức xúc, cả người dân đánh bắt và cả người tiêu dùng đều bức xúc. Tuy nhiên, đến giờ phút này cũng chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, phải kiên quyết sớm làm rõ nguyên nhân và phải xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm.” - RFA

No comments:

Post a Comment