Thursday, May 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 12/5

Tin Thế Giới

1.
Brazil đình chỉ chức vụ Tổng thống Rousseff

Thượng viện Brazil sáng sớm hôm nay biểu quyết đình chỉ chức vụ Tổng thống Dilma Rousseff vì vi phạm luật ngân sách.

Sau gần 22 giờ tranh luận tại thượng viện, chỉ cần một tỷ lệ đa số trong cuộc biểu quyết để mở phiên xét xử nữ Tổng thống vì các cáo giác đã dùng tiền từ các ngân hàng nhà nước để bù đắp thâm hụt ngân sách và chi cho các chương trình xã hội.

Chuyên gia về Châu Mỹ Latin, Sean Burgess, thuộc đại học quốc gia Australia nói với đài VOA rằng ‘Khi bà Rousseff tiến tới cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2014 đã thấy rất rõ là nền kinh tế Brazil lúc bấy giờ không tốt đẹp như bà mong đợi, cho nên bà đã can dự vào một số sáng kiến về kế toán hầu tìm cách làm cho tình hình khá lên.’

Tuy nhiên, ông Burgess cho rằng vẫn chưa có đáp án chung cuộc về việc liệu những hành động của bà Rousseff có phạm pháp hay không, và việc thúc đẩy buộc tội bà có thể được châm ngòi bởi các nhà lập pháp muốn lôi kéo sự chú ý của công luận.

Trong ngày hôm nay, bà Rousseff sẽ được thông báo chính thức về kết quả cuộc biểu quyết 55-22, là thời  điểm mà bà sẽ phải đối mặt với một phiên tòa buộc tội. Phó Tổng thống Michel Temer tạm thời sẽ lên thay thế vị trí của bà Rousseff.

Cảnh sát và các ủng hộ viên của Tổng thống hôm qua đã đối mặt với nhau trước cửa Thượng viện trước cuộc biểu quyết đưa bà Rousseff ra tòa xét xử về các tội danh tham nhũng.

Đáp lại với pháo sáng của người biểu tình, cảnh sát đã phải dùng hơi cay để khống chế những ủng hộ viên của bà Rousseff. Một hàng rào kim loại được dựng lên để ngăn chia những người ủng hộ Tổng thống với khoảng 6 ngàn người phản đối bà.

Lực lượng cứu hộ đã giải cứu một số người biểu tình hít phải hơi cay. Một người bị bắt vì kích động bạo loạn.

Tòa tối cao Brazil đã bác kháng cáo giờ chót của Tổng thống yêu cầu ngưng tiến trình buộc tội chống lại bà, mở đường cho cuộc tranh luận tại Thượng viện.

Tổng thống Rousseff tố cáo những đối thủ chính trị của bà bao gồm Phó Tổng thống Michel Temer âm mưu đảo chính. Phó Tổng thống cũng đang bị điều tra về tham nhũng.

Chưa rõ bao nhiêu người trong số các thượng nghị sĩ đã biểu quyết đưa bà Rousseff ra tòa sẽ biểu quyết kết tội bà. - VOA
|
|

2.
Mảnh vỡ 'gần như chắc' là của MH370

Hai mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên bãi biển ở Mauritius và Nam Phi đã gần như chắc chắn là từ chuyến bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia, quan chức Úc và Malaysia cho biết.

Đây là diễn biến mới nhất trong nỗ lực đi tìm lời giải cho tung tích chiếc máy bay, biến mất hồi tháng Ba năm 2014.

Chiếc máy bay lúc đó di chuyển từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, chở theo 239 người.

Người ta cho rằng phi cơ đã rơi trên biển sau khi đi lệch đường bay.

Ba tàu lớn đã tìm kiếm trong phạm vi 120.000 cây số vuông ở vùng Nam Ấn Độ Dương nhưng đến nay vẫn chưa thấy dấu vết của chiếc máy bay.

Đã có năm mảnh vỡ được xác nhận là chắc chắn hoặc có thể từ chiếc máy bay.

Mỗi mảnh vỡ được tìm thấy cách khu vực tìm kiếm hàng ngàn dặm, mặc dù dòng chảy ở khu vực này cho thấy những mảnh vỡ có thể đã bị trôi dạt.

Ảnh 1: Một mảnh của phần cánh gọi, giúp phối hợp tăng và giảm nâng, được tìm thấy ở đảo Reunion hồi tháng 7/2015

Ảnh 2: Bộ phận ở phần đuôi máy bay, giúp thăng bằng ngang, được tìm thấy ở Mozambique vào tháng 12/2015.

Ảnh 3: Tấm thăng bằng khắc chữ ‘No Step’, tìm thấy ở Mozambique vào tháng 2/2016

Ảnh 4: Nắp động cơ mang logo của Rolls-Royce, tìm thấy hồi tháng 3/2016 ở vịnh Mossel, Nam Phi

Bí ẩn kéo dài - Richard Westcott, Phóng viên giao thông của BBC

Tôi vừa tham dự hội nghị của các nhà điều tra tai nạn hàng không trên toàn thế giới.

Nhóm của Malaysia không có mặt, nhưng thông điệp được đưa ra là sẽ cực kỳ khó để có thể xác định chính xác điều gì đã xảy ra với MH370 từ những mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển.

Để giải quyết dứt điểm bí ẩn này, điều tối quan trọng là tìm được phần thân máy bay, trong đó có hộp đen.

Việc tìm kiếm dưới nước có thể sẽ kết thúc vào tháng sau. Nếu nó không có kết quả, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được vì sao MH370 biến mất.

Có nghĩa là các gia đình sẽ suốt đời không nguôi ngoai và những người chủ trương thuyết âm mưu được rộng đường.

Năm 1937, phi công nổi tiếng thế giới Amelia Earhart biến mất không vết tích ở Thái Bình Dương. Đến nay vẫn có các chuyến thám hiểm nhằm tìm kiếm máy bay của bà, và tranh cãi xung quanh vài mảnh kim loại xem, liệu đây có phải là bộ phận của chiếc máy bay đó.

Phân tích mẫu hàu bám

Các mảnh vỡ được kiểm nghiệm ở Úc bởi Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB) và các chuyên gia khác.

Họ dùng dấu của nhà sản xuất trên mảnh vỡ cũng như các mẫu sinh học biển như hàu bám để xác nhận xem liệu những mảnh này có phải từ chiếc máy bay Boeing 777.

Ông Liow Tiong Lai, Bộ trưởng Giao thông của Malaysia, nói hôm 12/5 rằng nhóm chuyên gia “xác nhận cả hai mảnh vỡ ở Nam Phi và đảo Rodrigue gần như chắc chắn là của MH370”.

ATSB cũng nói rằng cả hai bộ phận này “gần như nhất định” là từ 9M-MRO, là số hiệu đăng ký của chiếc máy bay.

Không có chiếc máy bay 777 nào từng bị rơi ở Nam bán cầu, và cũng không có báo cáo về bộ phận máy bay bị mất tích.

Công việc tìm kiếm trên đại dương với sự tham gia của Úc, Malaysia và Trung Quốc, đã truy dò hơn 105 cây số vuông thềm đại dương, nơi phần lớn khu vực chưa từng được khám phá.

Nhưng các quốc gia này cũng đồng ý rằng do thiếu “thông tin mới đáng tin cậy”, công cuộc tìm kiếm sẽ kết thúc vào giữa năm nay. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Budweiser đổi tên ‘America’ nhân dịp tranh cử tổng thống Mỹ

Một thương hiệu bia nổi tiếng hy vọng tinh thần ái quốc của Mỹ sẽ giúp tăng số bán.

Bia Budweiser đang đổi tên thành “America” nhân dịp cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.  

Phó chủ tịch hãng Budweiser, ông Ricardo Marques nói: “Budweiser luôn cố gắng thể hiện Mỹ trong chai bia, và chúng tôi hân hạnh chào mừng đất nước vĩ đại, nơi bia Budweiser đã được chưng cất với tất cả nhiệt tình trong suốt 140 năm qua”.

Đây không phải là lần đầu tiên bia mang tính biểu tượng này kêu gọi đến lòng ái quốc.  

Trước đây bia này đã thay đổi nhãn hiệu để trên đó thể hiện tượng Nữ thần tự do và cờ Mỹ.  Hãng bia này còn sản xuất các loại chai và lon có kiểu dáng được thiết kế đặc biệt để phản ảnh những sự kiện và những dịp trọng đại tại các quốc gia khác.

Anheuser-Busch InBev, công ty sở hữu hãng Budweiser, là một đại công ty bia liên doanh Bỉ-Brazil chiếm 25 thị phần của thị trường bia thế giới.

Thương hiệu mới “America” sẽ được quảng bá trên cùng thị trường cạnh tranh của bia Budweiser, và nhóm từ “nhãn hiệu cầu chứng” sẽ được đổi thành “bất khả phân chia từ năm 1779”.

Khẩu hiệu “vua của các loại bia” sẽ được thay bằng một khẩu hiệu Mỹ, là “E Pluribus Unum," xin được tạm dịch là "Duy nhất trong số rất nhiều.”

Bia Budweiser ở Mỹ lần đầu tiên được cất nấu tại thành phố St. Louis, bang Missouri, vào năm 1876.  Thương hiệu Budweiser gặp phải nhiều tranh cãi bởi vì bia Budweiser có xuất xứ từ Cộng hòa Czech do hãng Budweiser Budvar sản xuất.  

Tại Liên hiệp Âu Châu và nhiều nước khác, bia Budweiser của Mỹ được gọi bằng tên ngắn là “Bud.”

Theo thống kê của Atlantic, Budweiser là bia phổ biến hàng thứ ba tại Mỹ, với số lượng bán khoảng 100 triệu két mỗi năm. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Việt Nam tuyên bố hoan nghênh khả năng Mỹ bỏ cấm vận vũ khí --- Việt Nam âm thầm tổ chức hội thảo về vũ khí có tập đoàn Mỹ tham gia

Việt Nam rất hoan nghênh khả năng Hoa Kỳ "tăng tốc độ" trong việc bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương. Trong phần trả lời hãng tin Anh Reuters hôm nay, 12/05/2016, bộ Ngoại Giao Việt Nam xác định là điều đó phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước và sự công nhận nhu cầu tự vệ của Việt Nam.

Reuters dẫn tuyên bố của bộ Ngoại giao Việt Nam nội dung như sau: "Chúng tôi hoan nghênh Mỹ đẩy nhanh tiến độ của việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển quan hệ đối tác toàn diện (Việt - Mỹ)…, thể hiện sự tin tưởng giữa hai nước".

Tuyên bố trên của Việt Nam về một vấn đề vốn từ lâu nay là đầu mối bất đồng với Hoa Kỳ, được đưa ra một tuần lễ trước chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama, và vào lúc tranh luận đang diễn ra ở Washington về việc bãi bỏ cấm vận vũ khí, từng được giảm nhẹ vào năm 2014.

Cấm vận vũ khí là chứng tích cuối cùng của thời chiến tranh Việt Nam. Hoa Kỳ chưa nói công khai là sẽ bỏ cấm vận và luôn luôn nói rằng vấn đề này tùy thuộc vào Việt Nam có cho thấy tiến bộ trên mặt nhân quyền hay không. 

Theo giới quan sát, việc bỏ cấm vận vũ khí sẽ đánh dấu một bước tiến chủ yếu trong quan hệ hai bên, sau 21 năm bình thường hóa bang giao. Tuyên bố của bộ Ngoại Giao Việt Nam vào hôm nay cũng rất hoan nghênh những tiếng nói ở Mỹ ủng hộ việc bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Theo ghi nhận của Reuters, Mỹ đã tăng tốc xích lại gần Việt Nam trong năm 2014. Nguyên nhân, theo nhiều nhà phân tích là Hoa Kỳ muốn tranh thủ sự kiện quan hệ xấu đi giữa Việt Nam và Trung Quốc do tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trong tuần này tổ chức một diễn đàn về quốc phòng, có sự tham gia của các đại gia sản xuất vũ khí của Mỹ như Boeing hay Lockheed Martin. - RFI

***
Thông tin không hề được loan báo rộng rãi. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 11/05/2016, trong tuần này, Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo quốc phòng chuyên đề, có sự tham dự của các tập đoàn vũ khí hàng đầu của Mỹ, vào lúc Washington đang cân nhắc việc bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Hà Nội.

Ghi nhận đầu tiên của Reuters là chính quyền Việt Nam đã hết sức giữ bí mật về cuộc hội thảo này : Báo chí Việt Nam không thấy nói đến, các phóng viên chuyên về quốc phòng không được mời dự, bản thân hãng tin Anh đã cố xin phép theo dõi mà không được, trong lúc bộ Quốc Phòng Việt Nam hoàn toàn im lặng.

Theo nhận định của Reuters, Việt Nam phải tăng tốc xây dựng một năng lực răn đe quân sự để đối phó với Trung Quốc đang đe dọa ngoài Biển Đông. Kết quả là Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí quan trọng thứ tám trên thế giới. Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Binh Quốc Tế Stockholm SIPRI, tổng trị giá vũ khí nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 đã tăng 699% so với thời kỳ 2006-2010.

Cuộc hội thảo tại Hà Nội mở ra đúng vào lúc tranh luận bùng lên trong chính quyền Hoa Kỳ về việc có nên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam hay không. Việc các nhà sản xuất vũ khí Mỹ có mặt tại Hà Nội được cho là có tác dụng khuyến khích chính quyền Obama chấp thuận việc sớm dỡ bỏ cấm vận.

Việt Nam đã đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí phương Tây và Hoa Kỳ trong nhiều năm nay để tìm phương tiện hiện đại hóa và phát triển các đội chiến đấu cơ, trực thăng và máy bay tuần tra trên biển. Nhiều nguồn tin công nghiệp xác nhận với Reuters là Hà Nội rất chú ý đến vũ khí Mỹ, cho dù vẫn lo ngại trước nguy cơ bị cấm vận trở lại trong tương lai.

Liên quan đến hội thảo lần này tại Hà Nội, tập đoàn Lockheed Martin đã xác nhận sự tham dự với Reuters. Một phát ngôn viên của tập đoàn Mỹ Boeing cũng vậy, đồng thời tỏ ý rất tin tưởng về ưu thế của mình trong việc đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về các phương tiện giám sát và trinh sát cơ động, có thể đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của Việt Nam.

Theo Reuters, trong thời gian qua, Việt Nam đã hiện đại hóa các phương tiện quân sự của mình chủ yếu bằng vũ khí mua của Nga như tàu ngầm lớp Kilo được trang bị tên lửa hành trình Klub, các hệ thống tên lửa địa đối không S300, hay là của Israel như súng Galil và dàn radar AD-STAR 2888.

Nhưng Việt Nam cũng mong có được vũ khí Mỹ, mà hai phương tiện thường được nhắc đến là máy bay trinh sát P-3 và tên lửa.

Một bài viết trên báo điện tử của Bộ Quốc phòng Việt Nam hồi tháng 03/2016 trích lời thứ trưởng Quốc Phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, nói là quan hệ Việt-Mỹ còn thiếu mảng hợp tác công nghiệp quốc phòng, và Hà Nội muốn được Washington "cung cấp công nghệ hiện đại và thích hợp".

Tim Huxley, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế tại Singapore, cho biết lợi ích đối với Việt Nam trong việc được Hoa Kỳ bỏ cấm vận vũ khí, không đơn thuần là việc được tiếp cận công nghệ Mỹ, mà còn cho phép Việt Nam mở rộng khả năng thương lượng.

"Việt Nam rất quan ngại về những gì đang xảy ra ở Biển Đông và có nhu cầu tái cơ cấu quân đội và tái vũ trang, với sự nhấn mạnh nhiều hơn vào hải quân và không quân… Việt Nam muốn mở rộng quyền chọn lựa, với nhiều sự lựa chọn hơn trên thị trường quốc tế". - RFI
|
|

5.
Ngày nhân quyền Việt Nam và ‘cơ hội’ trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ

Các giới chức Mỹ khẳng định nhân quyền là một trong những điểm chính sẽ được Tổng thống Barrack Obama đề cập đến trong chuyến thăm Việt Nam vào hạ tuần tháng 5. Khẳng định này được đưa ra tại trụ sở Quốc hội hôm thứ tư, khi các nhà lập pháp và quan chức chính phủ đến dự buổi lễ hàng năm đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam. Khánh An tường trình từ Trụ sở Quốc hội Mỹ.

Tham dự sự kiện do cộng đồng Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tim Kaine, có Phó trợ lý Ngoại trưởng Scott Busby, Thượng nghị sĩ John McCain, nữ Dân biểu Barbara Compstock, Dân biểu Chris Smith, cựu nữ Dân biểu Leslie Byrne… và đại diện các cơ quan truyền thông và tổ chức nhân quyền.

Nói về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Barrack Obama, ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, cho biết:

“Chuyến thăm là một cơ hội đặc biệt để tăng cường quan hệ giữa hai nước trong nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi muốn nhấn mạnh rằng một trong những khía cạnh đó là nhân quyền, điều vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng. Tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng một trong những điểm chính mà Tổng thống Barrack Obama sẽ đề cập tới với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam là tầm quan trọng của việc Việt Nam cải thiện tôn trọng nhân quyền. Và mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ có thể sâu sắc hơn nếu có những cải thiện như vậy về vấn đề nhân quyền.”

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng dẫn thông tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama còn gặp gỡ các đại diện xã hội dân sự, các bạn trẻ của Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á và giới doanh nhân, để chứng tỏ sự gắn kết của chính phủ Mỹ với tất cả các thành phần dân chúng, chứ không phải chỉ với chính quyền Việt Nam.

Cựu Dân biểu Leslie Byrne, một trong những người đã đề xuất ý tưởng về Ngày nhân quyền Việt Nam cách đây 22 năm, nhắc lại việc bà đã đề cập đến việc Việt Nam muốn gia nhập TPP thì phải tôn trọng nhân quyền. Bà nói:

“Tôi nhắc lại một lần nữa rằng bạn không thể bán rẻ các quyền cơ bản của mình chỉ với vài đôla. Tôi cảm nhận điều này rất rõ vì sau 22 năm, chúng ta thấy rằng càng đem cho chế độ cộng sản nhiều thì càng chẳng có được lợi ích gì từ họ. Do đó tôi tin rằng đây là lúc chúng ta phải mạnh tay hơn với chế độ cộng sản, phải làm áp lực nhiều hơn thay vì để cho họ nhận được càng ngày càng nhiều mà không phải trả giá gì.”

Nữ cựu dân biểu bày tỏ hy vọng ở thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối công cuộc đấu tranh cho nhân quyền nhằm giúp cho những người yếu thế có tiếng nói và được lựa chọn chính quyền mà họ tự hào và biết chắc sẽ làm việc vì lợi ích người dân.

Một thành viên trong ban tổ chức sự kiện, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, cho biết ngoài những vấn đề nóng như chuyến thăm của Tổng thống Obama sắp tới, việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam, Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày Nhân quyền Việt Nam năm nay đặc biệt chú trọng đến các tù nhân chính trị.

“Chúng tôi đang chú trọng nhiều nhất đến vấn đề các tù nhân chính trị đang bị giam giữ, đặc biệt như trường hợp Luật sư Nguyễn Văn Đài, Anh Ba Sàm, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Mục sư Nguyễn Công Chính, và hai lãnh tụ nghiệp đoàn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Ngoài chuyện trả tự do cho các tù nhân chính trị, chúng tôi cần những sự thay đổi gốc rễ về để tạo nền tảng căn bản cho nhân quyền Việt Nam, dân chủ Việt Nam.”

Những thay đổi mà ông Quân đề cập bao gồm việc bãi bỏ các điều luật mơ hồ thường dùng để bắt giam người bất đồng chính kiến; hủy bỏ việc khám xét nhà, vô cớ bắt người mà không có án lệnh từ tòa án; và những thủ tục xét xử tại tòa án phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Ngoài ra chúng tôi cũng vận động cho một cuộc bầu cử tự do để dân chúng Việt Nam có thể chọn những người lãnh đạo phù hợp với nguyện vọng của mình.”

Vận động cho việc đòi quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do internet và quyền sở hữu tài sản mà người dân Việt Nam hiện chưa có được cũng là một trong những chủ điểm của Ngày nhân quyền.

Vấn đề thảm họa môi trường cũng được Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam ở khu vực DC, Maryland và Virgina, nhắc đến:

“Chúng ta cần phải nói đến thảm họa môi trường tại Việt Nam hiện tại. Vô số cá tôm chết hàng loạt dọc theo bờ biển ở các tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam.”

“Vấn đề quan trọng này cần phải được lưu ý. Tệ trạng này phải được chấm dứt để bảo vệ cho sức khỏe của người Việt Nam.”

Mặc dù Ngày nhân quyền Việt Nam đã có từ 22 năm, nhưng trên thực tế, nhiều người dân ở Việt Nam vẫn chưa biết đến các quyền cơ bản của mình. Hơn 10 năm trước, cơ quan NED chuyên giúp về vấn đề dân chủ, nhân quyền, đã giúp thành lập một đài phát thanh nhỏ ở Việt Nam để cổ xúy việc nâng cao dân trí người dân, giúp cho họ nhận được nguồn tin tức trung thực, giúp người dân nhận biết các quyền của mình và đòi hỏi được nhận những quyền căn bản đó. Bác sĩ Quân cho biết thêm:

“Sau khi họ giúp chúng tôi được 5 năm, chúng tôi đã tự túc và tiếp tục làm thêm 7 năm nữa. Hiện giờ là năm thứ 12 và chúng tôi cũng có những website để hướng dẫn đồng bào vào đó đọc để biết thế nào là tự do, dân chủ, hay có những đời sống ở các nước trên thế giới khác với đời sống của người dân ở Việt Nam, thí dụ như bầu cử ở Mỹ, ở Đài Loan, khác với bầu cử ở Việt Nam như thế nào."

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân cho biết những nỗ lực ‘cập nhật’ thông tin âm thầm của họ đã được nhiều tổ chức, cá nhân khác tiếp nối. Ông cho biết trong hai năm qua, sự kiện Ngày nhân quyền Việt Nam đã được truyền trực tiếp trên mạng để người dân trong nước có thể theo dõi. - VOA
|
|

6.
Thủ tướng Việt Nam đi Nga

Ông Nguyễn Xuân Phúc tới quốc gia từng là đồng minh lớn của Việt Nam từ 16/5 tới 20/5, trong chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị người đứng đầu chính phủ.

Báo chí trong nước đưa tin, tân thủ tướng Việt Nam công du theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev.

Ông Phúc sẽ dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nga. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Phúc kể từ khi ông nhậm chức ngày 7/4.

Trung Quốc hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về tranh chấp Biển Đông và khẳng định rằng một giải pháp sẽ được tìm ra thông qua tham vấn.

Trước đó, ông Lavrov nói rằng tất cả các quốc gia liên quan đến tranh chấp phải tuân theo các nguyên tắc không sử dụng vũ lực, và tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị và ngoại giao được cả hai bên chấp nhận.

Ông Lavrov cũng kêu gọi những quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan.

Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương.

Ông Bình nói rằng còn đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan. - VOA

No comments:

Post a Comment