Friday, May 13, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 13/5

Tin Thế Giới

1.
Tướng TQ: Mỹ, TQ cần lập cơ chế về Biển Đông --- TQ tuyên bố phán quyết của tòa trọng tài về Biển Đông vô giá trị --- TQ lưu ý: Quan hệ Việt-Mỹ nên có lợi cho hòa bình khu vực

Tân Hoa Xã hôm 13/5 đưa tin Tướng Phòng Phong Huy, Ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã hội đàm qua đường truyền video hôm 12/5 với Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Tướng Phòng nói với Tướng Dunford rằng Trung Quốc và Mỹ cần quản lý một cách có tính xây dựng đối với những khác biệt về các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.

Tướng Phòng nói hai bên cần “hạn chế những hành động có hại cho quan hệ giữa hai nước và hai quân đội”. Ông cũng nói Trung Quốc không có lỗi trong các căng thẳng với Mỹ ở Biển Đông.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã trích dẫn Tướng Dunford nói rằng ông kêu gọi kiềm chế ở vùng biển, đồng thời nói Mỹ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để thiết lập “một cơ chế hiệu quả về kiểm soát rủi ro nhằm duy trì ổn định ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình”.

Cuộc hội đàm về Biển Đông đã diễn ra vào lúc căng thăng tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc, và ngay sau một cuộc đấu khẩu gay gắt về việc một khu trục hạm Mỹ hôm 11/5 tiến hành hành quân tự do hàng hải gần một đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát.

Hai nước cáo buộc lẫn nhau là quân sự hóa Biển Đông, khi Trung Quốc ồ ạt cải tạo các thực thể còn đang trong vòng tranh chấp với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, trong khi Mỹ đã gia tăng các cuộc tuần tiễu và thao dượt.

Biển Đông có các tuyến hàng hải chuyên chở hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ đôla đi qua hàng năm, cũng là nơi có những tranh chấp lãnh thổ gay gắt giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei. - VOA

***
Trung Quốc tuyên bố tòa trọng tài quốc tế không có quyền tài phán trong tranh chấp Biển Đông, và vì vậy, phán quyết của tòa là ‘vô giá trị’ dựa trên luật quốc tế.

Tân hoa xã hôm 13/5 dẫn lời ông Từ Hồng, Tổng Giám đốc Cơ quan Hiệp ước và Luật pháp thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tòa trọng tài diễn giải sai Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đáp ứng các tuyên bố của Philippines, và vi phạm tiêu chí căn bản là mọi phán quyết phải dựa trên dữ kiện và luật lệ.

Vẫn theo giới chức này, lập trường của tòa trong vụ Philippines kiện bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không bao giờ khách quan, công bằng và quyết định của tòa về việc tài phán không có tính thuyết phục.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/5, ông Từ nhấn mạnh Manila khi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài thường trực ở La Haye đầu năm 2013 đã không hội đủ ít nhất 4 điều kiện tiên quyết để nộp đơn yêu cầu phân xử.

Giới chức này nói rằng nếu vấn đề vượt ngoài phạm vi Công ước thì không thể giải quyết tranh chấp bằng một sự phân xử bắt buộc.

Ông Từ cho hay Trung Quốc đã tuyên bố rằng tiến trình giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc pháp lý không áp dụng cho những vấn đề liên quan tới phân ranh lãnh hải, cho nên, Manila đã sai khi đưa vụ việc ra tòa.

Thêm vào đó, ông nói, nếu các bên tranh chấp nhất trí về các phương cách giải quyết khác thì việc đưa ra tòa không phải là một sự chọn lựa mà trong Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Đông Trung Quốc ký với ASEAN vào năm 2002, tất cả các bên đã đồng ý giải quyết tranh chấp bằng các cuộc thương lượng và tham khảo giữa các bên trực tiếp liên quan.

Ngoài ra, vẫn theo lời ông, các bên liên quan đến tranh chấp có bổn phận thảo luận phương cách giải quyết trước khi có hành động pháp lý.

Với những điều kiện tiên quyết này chưa được đáp ứng, Tổng Giám đốc Cơ quan Hiệp ước và Luật pháp thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận hoặc công nhận phán quyết của tòa.

Manila nói đã sử dụng giải pháp ngoại giao nhưng bất thành trước khi áp dụng biện pháp pháp lý trong tranh chấp Biển Đông.

Theo dự kiến, tòa sẽ ra phán quyết chung cuộc trong tháng này hoặc tháng sau.

Việt Nam, một bên quan trọng trong tranh chấp Biển Đông và cũng là người em cộng sản thân cận của Trung Quốc, ngần ngại không kiện Bắc Kinh nhưng đã tỏ ý ủng hộ phương pháp của Philippines. - VOA

***
Trong bối cảnh Washington đang cân nhắc khả năng giải tỏa hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Bắc Kinh hôm nay 13/05/2016 đã có những lời lẽ rất hòa dịu. Trung Quốc tuyên bố "vui mừng" trước đà bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt, nhưng bày tỏ thêm "hy vọng" là quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ "có lợi" cho hòa bình khu vực. 

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, trả lời câu hỏi về khả năng Mỹ có thể bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng đã cho biết ngắn gọn:

"Theo quan điểm của chính quyền Trung Quốc, chúng tôi vui mừng khi thấy Việt Nam phát triển quan hệ bình thường với quốc gia có liên can… Chúng tôi cũng hy vọng mối quan hệ đó có thể mang lại lợi ích cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực".

Bắc Kinh đã có lời lưu ý trên đây vào lúc giới quan sát ghi nhận một cuộc tranh luận đang diễn ra tại Hoa Kỳ về việc nên hay không nên giải tỏa hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam nhân dịp tổng thống Mỹ Barack Obama công du Việt Nam vào hạ tuần tháng Năm này.

Việt Nam đã công khai tuyên bố sẽ hoan nghênh việc Hoa Kỳ "tăng tốc" thực hiện việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, cho rằng điều đó sẽ phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.

Mỹ đã ban hành cấm vận vũ khí đối với Việt Nam từ ba thập niên trước đây, và phải chờ đến năm 2014 thì mới giảm nhẹ lênh cấm này. Trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ mối quan ngại trước đà bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, vấn đề cởi bỏ ràng buộc để Việt Nam có thêm phương tiện tự vệ đã càng lúc càng được đặt ra.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tăng cường đáng kể năng lực quân sự của mình vào lúc Trung Quốc đẩy mạnh việc củng cố các tiền đồn của họ trên Biển Đông. Giới phân tích cho rằng nếu được giải tỏa cấm vận vũ khí, tiềm năng răn đe của Việt Nam sẽ được nâng cao nhờ vào các phương tiện mua của Mỹ. - RFI
|
|

2.
IMF: Anh ra khỏi châu Âu là “mối họa lớn”

Ngày 13/05/2016, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF có bài phát biểu đáng chú ý tại Luân Đôn với báo giới về kinh tế Anh. Theo lãnh đạo IMF, việc Anh ra khỏi châu Âu không chỉ để lại nhiều tác hại cho nước Anh, mà còn là một “mối họa lớn” với kinh tế thế giới.

Theo AFP, khi nhắc đến “Brexit”, tức kịch bản nước Anh rời Liên Hiệp Châu Âu, bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhấn mạnh, “đây không chỉ là một vấn đề nội bộ của Anh, mà là một vấn đề quốc tế”.

Theo một báo cáo của IMF, được công bố nhân dịp này, GDP của Anh sẽ sụt từ 1,5% đến 9,5%. Ngược lại, nếu Anh ở lại châu Âu, tăng trưởng nước này sẽ trở lại, với tỷ lệ từ 2,2% đến 2,3% trong tương lai gần, so với gần 2% năm nay. Bác bỏ mọi cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của Anh, lãnh đạo IMF nhấn mạnh rằng các chuyên gia chỉ làm “công việc chuyên môn của mình”, khi chỉ ra các hậu quả tiêu cực của giả thuyết Brexit.

Chuyến công du của lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đến Anh mang lại một hậu thuẫn có trọng lượng cho thủ tướng Cameron, ủng hộ lập trường Anh ở lại châu Âu, trong bối cảnh tỷ lệ rất sít sao giữa phe ủng hộ và phe chống, theo một loạt các thăm dò dư luận gần đây. Ngày 23/06, Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này. - RFI
|
|

3.
Hun Sen: 'Con tôi không phải người Việt'

Thủ tướng Campuchia Hun Sen bác bỏ tin đồn rằng con trai cả của ông, Hun Manet, là con của một lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Hôm thứ Năm 12/5, Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp đại học ở Phnom Penh.

Theo báo Cambodia Daily, ông Hun Sen nói ông đã hy sinh nhiều vì đất nước nhưng người dùng mạng xã hội có vẻ chỉ quan tâm tin đồn nhảm.

“Thất vọng lớn nhất là người ta đăng trên Facebook rằng Hun Manet không phải con trai Hun Sen,” Thủ tướng Campuchia nói.

“Nay đến mức…vợ tôi là vợ một lãnh đạo Việt Nam, và rồi sinh Hun Manet, và đưa cậu ta cho Bộ trưởng Sok An nuôi nấng.”

Ông Sok An là một đồng minh chính trị của Hun Sen.

“Tôi không ngờ phe đối lập lại rẻ tiền như thế.”

“Thông điệp cho đảng đối lập đây: Nếu quý vị muốn chơi, tôi sẽ chơi với quý vị.

'Trả giá'

Đảng đối lập CNRP hôm thứ Năm ra thông cáo nói họ không phải là nơi tung tin đồn.

“CNRP bác bỏ mọi cáo buộc rằng CNRP đã tung tin con trai cả của Thủ tướng Hun Sen là ‘con một đảng viên cộng sản Việt Nam’,” đảng này ra thông cáo.

Nhưng Thủ tướng Hun Sen nói với trang tin Fresh News rằng đảng đối lập sẽ cần “trả giá cao” để bù đắp.

“Tôi không tin thông cáo đó vì nó không lên án những kẻ sỉ nhục tôi, vợ tôi và con tôi.”

Tướng Hun Manet, sinh năm 1978, là người Campuchia đầu tiên học ở Học viện quân sự Mỹ West Point.

Hiện ông lãnh đạo cục chống khủng bố của Bộ Quốc phòng Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen tiết lộ con trai ông từng nói ông hãy thách đảng CNRP về một cuộc thử DNA. Nếu nó chứng tỏ Manet là con ông, CNRP phải giải tán, và ngược lại, đảng cầm quyền CPP sẽ giải tán nếu không phải.

Nhưng ông Hun Sen nói: “Tôi trả lời: Đừng quan tâm bọn nó.” - BBC
|
|

4.
Chỉ huy quân sự của Hezbollah bị giết ở Syria

Nhóm chủ chiến Hồi giáo Hezbollah nói viên chỉ huy quân sự cao cấp nhất của họ, Mustafa Badreddine, đã bị giết chết ở Syria.

Nhóm Hezbollah có căn cứ hoạt động ở Libăng đã ra một thông báo hôm 13/5 trên kênh truyền hình ở Beirut nói rằng ông Badreddine, 55 tuổi, đã bị giết trong một cuộc không kích của Israel.

Israel không tức thời xác nhận đã thực hiện vụ không kích.

Ông Mustafa Badreddine đã trở thành chỉ huy quân sự của nhóm chủ chiến Hezbollah từ năm 2008.

Ông này từng là 1 trong 4 người đàn ông bị kết án khiếm diện là đã vạch kế hoạch cho vụ ám sát cựu Thủ tướng Libăng Rafik Hariri và 21 người khác vào năm 2005. Phiên xử bắt đầu năm 2014 tại tòa án quốc tế ở La Haye, Na Uy, còn đang tiếp diễn.

Nhóm chủ chiến Hezbollah bác bỏ mọi liên hệ với vụ tấn công đó.

Mustafa Badreddine còn bị tuyên án tử hình ở Kuwait về vai trò của ông trong các vụ đánh bom tại đó vào năm 1983. Ông trốn khỏi một nhà tù ở Kuwait sau khi nước này bị Iraq xâm lăng, thời Iraq còn nằm dưới quyền lãnh đạo của ông Saddam Hussein.

Một thông báo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ năm 2015 cũng nêu tên ông này là người chịu trách nhiệm về các chiến dịch quân sự của Hezbollah ở Syria từ năm 2011. - VOA
|
|

5.
Trì trệ kinh tế không phải là mối lo lắng chính của tân tổng thống Brazil

Tổng thống lâm thời của Brazil đã bắt đầu chính quyền mới hôm nay, với lời cam kết sẽ đưa đất nước đi trở lại đúng hướng sau khi Tổng thống Dilma Rousseff bị đình chỉ chức vụ vì bị cáo buộc vi phạm các luật lệ về ngân sách.

Đêm 12/5, những người ủng hộ bà Rousseff đã biểu tình ngoài đường phố thủ đô vài giờ sau khi bà bị bãi chức. Một cư dân Sao Paulo lên tiếng:

“Một cuộc đảo chính lịch sự. Ngày nay, chủ nghĩa tư bản không cần đến súng ống, không cần đến đủ quân đội. Chỉ cần có một nền tư pháp chống dân chủ. Đó là lý do vì sao xảy ra sự việc như thế này”.

Tổng thống lâm thời Temer, cựu đồng minh đã trở thành kẻ thù chính trị của bà Dilma Rousseff, đã làm lễ tuyên thệ cho nội các của ông. Nhiệm vụ chính của ban lãnh đạo của ông là giải quyết tình trạng suy thoái trầm trọng và cải tổ hệ thống hưu bổng.

Trong thông cáo đầu tiên với tư cách người lãnh đạo Brazil, ông Temer, 75 tuổi, tuyên bố:

“Lời nói đầu tiên của tôi với dân chúng Brazil là từ “tín nhiệm”. Lòng tin vào những giá trí hình thành đặc tính của nhân dân chúng ta. Lòng tin vào sự sinh động của nền dân chủ chúng ta. Lòng tin vào sự phục hồi của nền kinh tế đất nước chúng ta”.

Tuy nhiên, giới chỉ trích nhận định rằng trong nội các của ông Temer tại Brazil với thành phần sắc tộc đa dạng, không thấy có sự hiện diện của một phụ nữ hay một người Brazil gốc Phi châu nào, một hiện tượng diễn ra lần đầu tiên từ nhiều năm nay.

Ông Sergio Pracia, một nhà khoa học chính trị, nói với báo New York Times:

“Thực là một điểm gây lúng túng khi đa số những người được ông Temer chọn vào nội các đều là đàn ông da trắng lớn tuổi”.

Và ông Temer cũng có tì vết tham nhũng. Mặc dầu bản thân ông không bị đặt dưới sự điều tra, ông vẫn bị phơi bày trước vụ tai tiếng ồn ào ở công ty dầu quốc doanh Petrobas, có dính líu đến những thành viên cấp cao trong đảng của ông, cũng như đảng của bà Rousseff.

Giữa những lời chỉ trích đó, chính phủ mới của ông Temer cũng phải đối phó với những lời chỉ trích trong khu vực về tiến trình chính trị đã đưa chính phủ lên nắm quyền.

Ông Nicolas Maduro, nhà lãnh đạo khuynh tả của Venezuela, tuyên bố:

“Venezuela bác bỏ những đòn phép bất công và bẩn thỉu đã được sử dụng để chống lại người phụ nữ Brazil vĩ đại này, nhà lãnh đạo Mỹ Latinh vĩ đại này, Tổng thống Dilma Rousseff”.

Cuba cũng mô tả quyết định của thượng viện Brazil là một cuộc đảo chính. Một thông cáo của chính phủ Cuba nói: “Cuba lên án cuộc đảo chính tư pháp và lập pháp, trá hình bằng tính hợp pháp đã được xúc tiến nhiều tháng ở Brazil”. Thông cáo nói “một bước cơ bản đã được thực hiện với mục tiêu của một cuộc đảo chính”. Thông cáo cho rằng đa số các thượng nghị sĩ Brazil đã “quyết định tiếp tục tiến trính xét xử chính trị nhắm vào vị tổng thống của Brazil được bầu lên một cách hợp pháp”.

Các nhà lãnh đạo khác không đi đến mức lên án cuộc biểu quyết tại nước có nền kinh tế lớn nhất ở Nam Mỹ. Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia nói:

“Chúng tôi ủng hộ việc bảo toàn cơ chế dân chủ, tiến trình chính đáng phải được tôn trọng và điều chúng tôi muốn là duy trì sự ổn định ở Brazil”.

Trong khi đó hàng ngàn người ủng hộ bà Rousseff tiếp tục các cuộc biểu tình ngoài đường phố ở Sao Paulo sau khi bà bị đình chỉ chức vụ. Nhiều người đã tụ tập quanh một ngọn lửa tại một trong những con đường ở thành phố.

Bà Rousseff đã cam kết chống lại quyết định của thượng viện và nhấn mạnh rằng bà không hề làm điều gì sai trái.

“Điều bị đe dọa là sự tôn trọng lá phiếu, là ý muốn tối thượng của nhân dân Brazil và hiến pháp… đây là một giờ khắc bi thảm cho đất nước chúng ta… Tôi không khi nào tưởng tượng được sẽ lại cần phải tranh đấu một lần nữa để chống lại một cuộc đảo chính”.

Bà Rousseff là một cựu du kích quân theo chủ nghĩa Mác-xít đã chiến đấu chống lại chế độ độc tài quân phiệt của Brazil trong thập niên 1970.

Bà bị cáo buộc thao túng các con số thâm thủng ngân sách để làm cho nền kinh tế Brazil có vẻ lành mạnh hơn thực tế nhằm mục đích gia tăng cơ may tái đắc cử tổng thống trong năm 2014.

Chuyên gia về châu Mỹ Latinh, ông Sean Burgess của trường Đại học Quốc gia Australia, nói với đài VOA:

“Khi sắp diễn ra cuộc bầu cử năm 2014, điều khá rõ ràng là nền kinh tế không đạt được thành quả tốt như bà hy vọng, vì thế bà đã tham gia vào một vài hành động kiểm toán sáng tạo để tìm cách làm cho tình hình có vẻ tốt đẹp hơn”.

Tổng thống lâm thời Brazil cũng phải đương đầu với virut Zika – một vấn đề chính đối với Brazil vào lúc thành phố Rio de Janeiro tìm cách làm sạch các thủy lộ bị ô nhiễm và chỉnh trang thành phố để kịp chủ trì Thế vận hội mùa hè.

Chưa rõ liệu bà Rousseff có sẽ đóng một vai trò nào khi Thế vận hội bắt đầu vào tháng 8, trong khi bà chờ xem một phiên tòa bãi nhiệm có thể làm chệch hướng vĩnh viễn sự nghiệp chính trị của bà hay không. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Nữ chỉ huy đầu tiên của Bộ Tư lệnh Tác chiến Mỹ --- Một sĩ quan hải quân Mỹ bị sa thải vì vụ xâm nhập hải phận Iran

Đại Tướng Lori Robinson thuộc Không lực Hoa Kỳ sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên chỉ huy một bộ tư lệnh tác chiến ngày hôm nay (13/5), khi bà lên nắm quyền lãnh đạo Bộ Tư lệnh phương Bắc và NORAD, tức Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ tại Colorado.

Tướng Robinson sẽ nhận lãnh nhiệm vụ mới trong một buổi lễ chuyển quyền chỉ huy sẽ cử hành vào 10 giờ sáng hôm nay, giờ địa phương, tại Căn cứ Không quân Peterson ở thành phố Colorado Springs, tiểu bang Colorado.

Tướng Robinson phát biểu: “Bảo vệ tổ quốc là một trách nhiệm thiêng liêng và là sứ mạng đầu tiên của Bộ Quốc phòng” khi bà ra trước một ủy ban Thượng viện hồi tháng Tư trong buổi điều trần về quyết định đề cử bà cho chức vụ Tư lệnh Bộ Chỉ huy phương Bắc của Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ - gọi tắt là NORAD.

Cả hai tổ chức này có nhiệm vụ bảo vệ không phận Mỹ và Bắc Mỹ.

Trước đó, Tướng Robinson chỉ huy các Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (gọi tắt là PACAF) và đồng thời cũng chỉ huy bộ phận không lực của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, theo một thông báo của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, bà còn kiêm chức vụ Giám đốc điều hành Ban tham mưu Không chiến Thái Bình Dương tại căn cứ hỗn hợp Pearl Harbor-Hickam ở Hawaii.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đề cử bà Robinson vào chức vụ này hồi tháng Ba năm nay.

Ông nói “đề cử một phụ nữ vào chức vụ chỉ huy tác chiến chứng tỏ rằng chúng ta đã trải qua một đoạn đường dài, và giờ có rất nhiều nữ sĩ quan cực kỳ vững vàng. Lori chắc chắn là thuộc thành phần này”.

Trong thư đề cử, ông nói thêm rằng:

“Bà đã phục vụ quân đội của chúng ta một cách xuất sắc, bà là người đi tiên phong và là người dẫn đường ngay từ ngày đầu tiên trở thành một sĩ quan trong quân đội”.

Theo AP, Tướng Robinson là một trong 2 phụ nữ duy nhất mang quân hàm tướng 4 sao trong Không lực Mỹ. - VOA

***
Một sĩ quan cấp tá của hải quân Mỹ bị sa thải và có thể đối mặt với những biện pháp kỷ luật khác tiếp theo sau cuộc điều tra của giới hữu trách Mỹ về vụ 10 thủy thủ Mỹ bị bắt sau khi đi lạc vào hải phận Iran vào tháng Một năm nay.

Trung tá hải quân Eric Rasch bị sa thải “vì mất tin tưởng vào khả năng chỉ huy của mình”, theo một thông cáo của Hải quân Mỹ. Một giới chức không cho biết danh tính nói Trung tá Rasch lãnh đạo thiếu hiệu quả dẫn tới tình trạng thiếu sự giám sát, tự mãn và không tuân thủ các chuẩn mực cao trong đơn vị.

Đại tá Gary Leigh đã sa thải Trung tá Rasch hôm 12/5, sau một cuộc điều tra sơ khởi vụ việc xảy ra gần đảo Farsi trong vùng Vịnh Ba Tư.

Nhiều thủy thủ khác đã bị khiển trách hành chánh, trong khi các biện pháp kỷ luật khác được dự kiến đối với những người khác, một khi cuộc điều tra hoàn tất vào cuối tháng này.

Các thủy thủ Mỹ đã bị Iran chặn bắt ngày 12/1 sau khi động cơ của một trong các tàu của họ gặp trục trặc kỹ thuật. Truyền thông Iran phổ biến các băng video thâu hình các thủy thủ Mỹ quỳ gối trong khi Vệ binh Lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran chĩa súng vào họ.

Các thủy thủ Mỹ được trả tự do sau khi bị cầm giữ 15 tiếng đồng hồ. Các giới chức Mỹ nói Ngoại trưởng Kerry đã can thiệp để giải quyết vụ này và tránh một cuộc khủng hoảng ngoại giao, vài ngày trước khi thỏa thuận hạt nhân được thi hành, và các biện pháp chế tài đối với Iran được bãi bỏ. - VOA
|
|

7.
Apple bỏ tiền tỷ cho ứng dụng taxi TQ

Hãng Apple quyết định đầu tư một tỷ đôla vào ứng dụng gọi taxi Didi Chuxing của Trung Quốc.

Didi Chuxing hiện có thị phần lớn hơn cả Uber ở Trung Quốc.

Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, nói bước đi này sẽ giúp Apple hiểu thị trường Trung Quốc rõ hơn.

Hãng Didi Chuxing, trước có tên Didi Kuaidi, nói đây là khoản đầu tư riêng lẻ lớn nhất mà họ từng có.

Didi Chuxing nói mỗi ngày họ kết nối 11 triệu chặng đi và tuyên bố chiếm 87% thị trường gọi xe qua app ở Trung Quốc.

Hiện các công ty khổng lồ ở Trung Quốc như Tencent và Alibaba cũng đầu tư vào Didi Chuxing.

'Nhiều cơ hội'

Đối thủ cạnh tranh Uber đang chật vật tại thị trường Trung Quốc dù họ đã thuyết phục được hãng tìm kiếm trên mạng Baidu đầu tư.

Hồi tháng hai Uber thừa nhận rằng họ thua lỗ hơn một tỷ đôla mỗi năm ở Trung Quốc do phải trợ cấp những chuyến đi giảm giá.

Uber khá được các khách hàng giàu có ưa chuộng nhưng Didi cũng đã có dịch vụ taxi cao cấp.

Didi đã sáp nhập với một đối thủ Trung Quốc và khoản đầu tư khổng lồ từ Apple sẽ giúp họ mở rộng kinh doanh và lấn át các đối thủ khác.

Giám đốc điều hành Apple cũng nói ông thấy nhiều cơ hội để Apple và Didi Chuxing hợp tác trong tương lai.

Ông cung nói thêm khoản đầu tư này cũng là để tìm hiểu về Trung Quốc, vốn là thị trường lớn thứ hai của Apple.

Tham vọng của Apple ở Trung Quốc gần đây đã gặp trở ngại sau khi Trung Quốc đóng cửa kho sách và phim trên mạng của Apple.

Đây được xem là đòn giáng đối với Apple. Hồi tháng Tư hãng này thông báo doanh thu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2003 và Trung Quốc là điểm yếu chính. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

8.
Người Việt hiện diện trong Hồ sơ Panama

Cơ sở dữ liệu do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố hôm 10/5/2016 nêu danh 185 địa chỉ, 23 tổ chức và cá nhân đóng vai trò môi giới, cùng 189 cá nhân có liên quan trực tiếp tới Việt Nam.

Cơ sở dữ liệu này gồm các thông tin có được từ vụ tiết lộ Hồ sơ Panama và từ một vụ điều tra khác từng được công bố hồi năm 2013, vụ Offshore Leaks, tiết lộ thông tin về các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các công ty bình phong mở ở hải ngoại.

Tuy nhiên, danh sách các cá nhân gồm cả người Việt và người nước ngoài lấy địa chỉ đăng ký ở Việt Nam. Trong số này, những cái tên người Việt chiếm chừng phân nửa.

Theo tuyên bố của ICIJ, các danh tính, địa chỉ được giữ nguyên theo hồ sơ họ có được, kể cả các trường hợp viết sai chính tả hoặc trùng lặp. Việc trùng lặp tên một hoặc nhiều lần xảy ra đối với các trường hợp một cá nhân ghi danh ở hai hoặc nhiều công ty khác nhau, hoặc giữ nhiều vai trò trong cùng một công ty.

Trong số 185 địa chỉ được cho là ở Việt Nam, có 96 thuộc dữ liệu Offshore Leaks, được cập nhật đến 2010, và 89 thuộc Hồ sơ Panama, cập nhật đến 2015.

Có một số địa chỉ gắn liền với những cơ quan, tổ chức có tiếng của nhà nước Việt Nam.

Chẳng hạn như Khu tập thể dành cho cán bộ, nhân viên Thông Tấn Xã Việt Nam tại Hà Nội được xác định là địa chỉ đăng ký của một người tên là Nguyen Le Anh Tuan, cổ đông của Oceanic Prosperous Limited.

Công ty này được đăng ký tại British Virgin Island vào tháng 7/2011 thông qua một công ty trung gian tại Hong Kong, và đã ngưng đóng các loại phí hoạt động dẫn đến ngưng hoạt động vào đầu tháng 5/2013, theo Hồ sơ Panama.

So với Trung Quốc, sự hiện diện của Việt Nam khá khiêm tốn.

Riêng ở Trung Hoa đại lục, có 33.284 cá nhân và 38.072 địa chỉ được nêu danh, tương đương với trên 10% và gần 4% tổng danh sách các cá nhân, địa chỉ được nhắc tới trong cơ sở dữ liệu của ICIJ.

Người Việt hoặc gốc Việt đăng ký ở nước ngoài

Ngoài ra, dữ liệu cũng gồm khoảng 170 cái tên thuần Việt hoặc mang họ phổ biến của người Việt như Nguyen (Nguyễn), Tran (Trần), Pham (Phạm), Phan, đăng ký địa chỉ tại các vùng, lãnh thổ khác nhau trên thế giới.

Có 25 người Việt đăng ký tại Nga, là nhóm đông nhất ở ngoài Việt Nam, chỉ sau nhóm không tiết lộ địa chỉ đăng ký (61 trường hợp). Con số này ở Mỹ là 14, Singapore 16, và Hong Kong 13.

Một số nơi trên thế giới tưởng chừng như hiếm người Việt cũng xuất hiện trong danh sách, như Mali hay Cộng hòa Trung Phi.

Trong danh sách các cá nhân đăng ký tại Trung Quốc cũng có một số tên thuần Việt.

Có trên 150 ngàn địa chỉ, gần 350 ngàn tên người và gần 320 ngàn công ty hải ngoại được liệt kê trong lần tiết lộ thông tin này. Đây chỉ là một phần nhỏ trong khối dữ liệu khổng lồ của vụ Hồ sơ Panama.

Những người mang họ tên thuần Việt tại Nga (danh sách không đầy đủ)

Doan Phuong Ham
Hoang Trung thang
LE XUAN ANH
MR. HO QUANG LAM
Mr. LUONG DUC VINH
Mr. Nguen Tien Dung
MR. NGUYEN CHI CONG
MR. NGUYEN NGOC THANH
MR. NGUYEN NGOC THANH
MR. NGUYEN QUOC THANG
MR. NGUYEN QUOC THANG
MR. NGUYEN XUAN THANG
MR. TRAN TRUNG BAO
NGUEN CHI KIEN
Nguen Tien Dung
Nguen Tien Dung
NGUYEN CHI DUNG
NGUYEN CHI DUNG
NGUYEN CHI TRUNG
Nguyen Thi Minh
Nguyen Tien Dung
Nguyen Tien Nam
Nguyen Tien Nam
NGUYEN TU QUYNH
Vuong Dinh Hoai. - BBC

No comments:

Post a Comment