Monday, May 30, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 30/5

Tin Thế Giới

1.
Lực lượng Iraq tiến vào thành phố Fallujah do IS kiểm soát --- Một loạt các vụ đánh bom làm rung chuyển thủ đô Iraq

Vào ngày 30/5, lực lượng Iraq đã tiến vào thành phố Fallujah, sau một tuần lễ chuẩn bị bằng cách siết chặt việc kiểm soát lãnh thổ chung quanh thành phố đã bị Nhà nước Hồi Giáo chiếm cách đây hơn hai năm. Báo chí trích lời Trung tướng Abdelwahab al-Saadi, chỉ huy các lực lượng Iraq, nói rằng các đơn vị Chống khủng bố, phối hợp với cảnh sát Anbar và quân đội chính qui Iraq mở cuộc tấn công dưới sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh và không quân.

Hôm 27/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ tại Baghdad, Đại tá Steve Warren, nói các lực lượng Iraq tiến công từ nhiều phía và cố gắng tối đa để giảm bớt thương vong của thường dân trong cuộc tấn công:

“Chúng tôi ước tính có chừng 60.000 thường dân vẫn còn lại tại Fallujah và chúng tôi đã thông báo cho họ tránh xa những khu vực của Nhà nước Hồi Giáo và những người không thể rời khỏi thành phố này nên phủ vải trắng trên nóc nhà và lực lượng Iraq đang cố gắng thiết lập một con đường ra khỏi thành phố và nhà cầm quyền địa phương đang thiết lập các trại tị nạn cho thường dân.”

Đại tá Warren nói Nhà nước Hồi Giáo đang chịu áp lực ở khắp mọi khu vực mà lực lượng người Kurd với sự yễm trợ của Mỹ mở cuộc tấn công để chiếm lại những vùng chung quanh một trục lộ chính nối liền thành phố Mosul đang dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi Giáo với Irbil. 

Trong khi đó các Lực lượng Dân chủ Syria đang mở những cuộc hành quân để giải phóng vùng quê ở phía bắc Raqqa, thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi Giáo.

Ông James Jeffrey, cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq và hiện làm việc tại Viện Chính sách Cận đông ở Washington, nói với Đài VOA là các lực lượng Iraq đang gặp những thách thức to lớn trong cuộc phản công để chiếm lại Fallujah:

“Fallujah là nơi khó phá vỡ với khoảng từ 30.000 đến 50.000 cư dân. Những người này, theo truyền thống, thân Al-Qaida hơn các thường dân khác tại Iraq và một số người có thể đang chiến đấu trong hàng ngũ của Nhà nước Hồi Giáo.”

Đại sứ Jeffrey nói thêm là trong khi lợi thế đã không còn ở về phía Nhà nước Hồi Giáo nữa tại cả Iraq lẫn Syria, kinh nghiệm cho thấy cuộc chiến đấu để chiếm lại Fallujah, Mosul và Raqqa có thể chóng vánh mà cũng có thể kéo dài.

Trong khi đó phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Đại tá Steve Warren nói ông tin là việc giải phóng Fallujah sẽ làm cho tình hình an ninh Baghdad được cải thiện sau khi những vụ đánh bom của Nhà nước Hồi Giáo ở thủ đô Iraq làm hàng trăm người thiệt mạng. Những vụ đánh bom đó được hoạch định tại Fallujah.

Tại Iraq, ông Sabah al-Norman, phát ngôn viên của Lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ của Iraq nói với Thông tấn xã Pháp: “Chúng tôi sáng sớm ngày hôm nay bắt đầu cuộc hành quân để tiến vào Fallujah.”

Vào lúc cuộc chiến bắt đầu, có những quan ngại về những thống khổ của thường dân bị kẹt trong thành phố này.

Ông Muhamed, một binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt Iraq được tiếp xúc qua điện thoại nói: “Nhà nước Hồi Giáo đặt bom trên đường và hiện sử dụng những người đánh bom tự sát.” 

Fallujah là một cứ địa của người Hồi Giáo Sunni, bị Nhà nước Hồi Giáo chiếm đóng lâu hơn các thành phố khác tại Iraq, và các chiến binh được biết đã đào hầm hố cố thủ trong thành phố.

Ông Muhamed nói: “Chúng tôi chờ lệnh để tiến vào và tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo.”

Vào lúc giao tranh và không kích chung quanh thành phố gia tăng cường độ, sự thống khổ của thường dân bị kẹt trong thành phố đã trở nên tồi tệ hơn. Trong khi có khoảng 800 người thoát khỏi thành phố, hàng ngàn người khác còn kẹt lại.

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết họ đã nhận được những phúc trình về những thống khổ của thường dân.

Bà Melissa Fleming, phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc nói: “Chúng tôi nhận được những phúc trình bi thảm về con số ngày càng tăng đàn ông và thanh niên bị xử tử vì không chịu chiến đấu với Nhà nước Hồi Giáo. Những phúc trình khác cho biết những người cố rời khỏi Fallujah bị xử tử hay bị đánh đòn, nhiều người bị giết và bị chôn dưới những đống đổ nát của nhà họ khi cuộc hành quân được tiến hành.”

Các cơ quan cứu trợ không ngớt kêu gọi các bên lâm chiến để cho thường dân được phép rời thành phố.

Những người trốn thoát đã được tách ra thành nhiều nhóm, và đàn ông cùng với thanh niên được đưa đến những nơi khác để kiểm tra an ninh.

Tại Baghdad ,có nhiều nghi ngờ đối với những cư dân Fallujah sống dưới sự kiểm soát của Nhà nước Hồi Giáo trong hơn hai năm.

Một cảnh sát liên bang Iraq nói: “Những người này đã bị tẩy não. Họ nên được đưa vào những trại đặc biệt.”

Fallujah bị bao vây trong 6 tháng và rất ít thực phẩm và thuốc men được đưa vào được thành phố.

Một phụ nữ thoát được có tên là Alahin nói với Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc về những nỗi kinh hoàng trong vài tháng qua.

Bà nói: “Các gia đình bắt đầu gặp nhiều khó khăn khi Nhà nước Hồi Giáo phong toả những con đường ra khỏi thành phố. Nhiều gia đình bắt đầu bị khủng hoảng tâm lý và một số người tự tử. Một số người tự thiêu và mộtsố người trấn nước con cái. Thượng đế chứng minh cho tôi là mọi điều tôi nói đều đúng.”

Hiện chưa thể kiểm chứng những tin tức này. - VOA

***
Hơn 20 người đã thiệt mạng tại Baghdad, sau khi các chiến binh Hồi giáo thực hiện một loạt các vụ đánh bom ở trong lẫn ngoại ô thủ đô của Iraq hôm nay.

Theo các quan chức cảnh sát, những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra hai vụ tấn công ngay sau khi các quả bom phát nổ, trong khi các lực lượng Iraq tổ chức cuộc phản công nhắm vào thành phố Fullujah, nằm ở phía tây Baghdad, hiện nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức khủng bố này.

Vụ nổ gây chết chóc nhất hôm nay xảy ra tại khu vực Shaab của người Shia ở phía bắc Baghdad, làm ít nhất 11 người chết và làm bị thương hơn một chục người khác khi một kẻ đánh bom tự sát đâm ô tô vào một chốt kiểm soát gần một khu thương mại.

Một kẻ khác dùng ôtô để tấn công tự sát làm ít nhất 6 người chết và khoảng 20 người bị thương.

Hắn ta đã tự làm nổ tung mình gần một đồn cảnh sát ở Tarmiyah, một khu vực sinh sống của đa phần người Sunni ở bắc Baghdad.

Một kẻ đánh bom tự sát khác đi xe máy và tự làm nổ tung mình ở thành phố Sadr, một khu vực sinh sống của đa phần người Shia, làm 3 người chết và làm bị thương 10 người khác.

IS tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công ở Sadr và Shaab. - VOA
|
|

2.
WHO: Không cần dời địa điểm tổ chức Olympic vì dịch Zika

Tổ chức Y tế Thế giới đã bác bỏ những yêu cầu đòi huỷ bỏ hoặc hoãn lại Olympic Mùa hè ở Rio de Janeiro vì dịch Zika. Thông tín viên Michael Brown của đài VOA tường thuật.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng việc huỷ bỏ Olympic vì mối rủi ro của những con muỗi nhiễm Zika sẽ không làm thay đổi sự lan truyền của virus này trên thế giới.

Bác sĩ Bruce Aylward, người đứng đầu công tác ứng phó với tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết như sau.

"Virus này đã bắt đầu di chuyển, và những nỗ lực để cấm chỉ hoặc hạn chế sự di chuyển của nửa triệu người tới một vùng mà sự lan truyền của virus Zika sẽ ở một mức tương đối thấp vào thời điểm đó sẽ không tạo ra một sự khác biệt nào đối với sự di chuyển từ nước này sang nước khác của virus Zika."

Thứ 6 tuần trước, 150 chuyên gia y tế đã công bố một lá thư ngỏ để kêu gọi hoãn lại cuộc tranh tài Olympic ở Rio de Janeiro hoặc dời địa điểm vì dịch Zika.

Những người ký tên, bao gồm các chuyên gia y tế công cộng của hơn 20 quốc gia, nói rằng việc tiếp tục tổ chức Olympic là “vô trách nhiệm” và “thiếu đạo đức.” Trong số những người ký tên có Bác sĩ Philip Rubin, cựu cố vấn y tế Tòa Bạch Ốc.

Lá thư viết “Vi rút Zika dòng Brazil gây nguy hiểm cho sức khoẻ với những cách thức mà khoa học chưa từng nhìn thấy trước đây.”

Virus Zika có liên hệ tới những khuyết tật bẩm sinh, kể cả bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới khuyên phụ nữ tránh tới những nơi có dịch Zika, kể cả Đại hội Thể thao Thế giới ở Rio de Janeiro.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bác sĩ Tom Frieden, nói rằng không có lý do y tế công cộng để huỷ bỏ hoặc đình hoãn Olympic.

"Nếu quí vị phải tới một nơi mà Zika đang lan truyền và quí vị đang có thai, quí vị phải hết sức cẩn thận để tránh bị muỗi cắn. Và nếu quí vị là đàn ông ở một nơi Zika đang lan truyền và bạn tình của quí vị đang có thai, quí vị nên dùng bao cao su. Tôi nghĩ rằng mối rủi ro đối với các vận động viên và các đội tuyển không phải là số không, nhưng mối rủi ro của sự du hành tới bất kỳ nơi nào cũng không phải là số không. Mối rủi ro không cao cho lắm, ngoại trừ đối với những phụ nữ mang thai."

Bác sĩ Frieden cho rằng mối rủi ro về sức khoẻ của Zika và Olympic có lẽ đã được thổi phồng quá đáng. Ông nói rằng thay vì lo sợ, mọi người nên chú tâm nhiều hơn vào các giải pháp. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama tưởng nhớ các binh sĩ tử trận

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dự kiến sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Chiến sỹ Trận vong, tưởng nhớ các quân nhân hy sinh trong khi phục vụ trong quân đội Mỹ.

Sớm hôm nay, ông Obama sẽ ăn sáng cùng các nhóm cựu chiến binh và lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ tại Nhà Trắng.

Sau đó, tổng thống Mỹ sẽ tham gia buổi lễ tưởng niệm ngày Chiến sỹ Trận vong tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, và đặt hoa tại Mộ chiến sỹ vô danh.

Hoa Kỳ kỷ niệm ngày trên vào ngày thứ hai cuối cùng của tháng Năm.

Trong bài phát biểu hàng tuần, ông Obama nói rằng “chúng ta sẽ không bao giờ thực sự trả hết được món nợ những người anh hùng đã hy sinh”.

Ngày lễ trên ban đầu được gọi là Ngày Vinh Danh và được tổ chức tại nghĩa trang Arlington vào năm 1868, 3 năm sau cuộc nội chiến đẫm máu ở Hoa Kỳ làm hơn 600.000 người thiệt mạng.

Còn hiện tại, ngày cuối tuần kéo dài 3 ngày này được coi như ngày khởi đầu không chính thức của mùa nghỉ hè.

Nhiều người Mỹ được nghỉ làm và nghỉ học, và các gia đình tổ chức các buổi ăn ngoài trời hay đi đến bãi biển, công viên hoặc cắm trại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Báo VN chất vấn về lãnh đạo Fulbright

Báo mạng Zing vừa đặt câu hỏi về việc chọn cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerrey, người từng "tham gia thảm sát" trong chiến tranh Việt Nam làm chủ tịch Đại học Fulbright mới được mở tại Việt Nam.

Tuy nhiên bài gốc với tựa "Lãnh đạo Đại học Fulbright tham gia thảm sát trong Chiến tranh Việt Nam" hiện đã bị lược bỏ nhiều và thay bằng tựa "Lãnh đạo Đại học Fulbright xin lỗi việc gây ra trong chiến tranh."

Trong bản đầu tiên của bài viết, hiện vẫn còn bản lưu, tác giả Thanh Tuấn nhắc lại chi tiết vụ thảm sát ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em ở xã Thạnh Phong, Bến Tre hồi tháng Hai năm 1969 mà cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerrey, người vừa được cử làm lãnh đạo Đại học Fulbright, bị cho là có "tham gia"; và bình luận:

"Việc lựa chọn một người từng tham gia những tội ác nghiệm trọng như vậy trong cuộc chiến để lãnh đạo một dự án đại học quan trọng khiến nhiều người đặt dấu hỏi liệu đó có phải là quyết định phù hợp.

"Đặc biệt khi ông Kerrey không phải thật sự thành công với dự án Đại học New School mà ông từng làm hiệu trưởng từ 2001-2010 ở New York."

'Thảm sát'

Bài gốc của Zing dẫn chi tiết phóng sự điều tra mang tên ' Một đêm kinh hoàng ở Thạnh Phong' mà tác giả Gregory L. Vistica viết cho New York Times hồi năm 2001.

Ông Thanh Tuấn dẫn: "Trong chiến tranh Việt Nam, Kerrey là một đại úy hải quân và từng tham gia vào một trong những vụ thảm sát đẫm máu ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969, giết nhiều phụ nữ và trẻ em.

"Mọi việc được giấu kín vì báo cáo của Kerrey và đồng đội chỉ nói “tiêu diệt 21 Việt Cộng” và phá hủy hai căn nhà. Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001 sau đó hơn 30 năm.

"Trong khi các con số và thông tin vụ việc có khác khác nhau, nhưng điều chắc chắn là vào đêm 13/2/1969, Kerrey và các thành viên của mình sát hại ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em. Bài điều tra năm 2001 của New York Times nói đó là một chiến dịch tàn bạo, đẫm máu." 

Bài mới của Zing ngắn hơn đáng kể so với bài ban đầu và tập trung vào lời xin lỗi của Thượng Nghị sỹ Kerrey được gửi tới Zing qua email:

"Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới.”

"... Những đau đớn và chịu đựng tôi gây ra vào năm 1969 sẽ không bao giờ biến mất. Nó sẽ không chấm dứt chỉ vì tôi xin lỗi. Nhưng có trốn chạy, bằng việc tránh né Việt Nam hay tránh né người Việt, thì nó cũng sẽ không mất đi. Chúng ta đang tạo dựng hoà bình và điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với nó một cách thẳng thắn giống như chúng ta đối mặt với tương lai.”

Đại học Fulbfight được tuyên bố thành lập trong thời gian Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm Việt Nam.

Trang tin của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đăng ảnh Chủ tịch thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, trao quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam cho ông Bob Kerrey. - BBC
|
|

5.
Hai chiến hạm Nhật Bản đến Cam Ranh --- Tàu chiến Ấn Độ cập cảng Cam Ranh --- 'Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh trong tranh chấp Biển Đông'

Lần thứ hai trong vòng một tháng, Việt Nam đón tiếp hai chiến hạm tối tân nhất của Nhật Bản tại quân cảng chiến lược Cam Ranh. Một dấu hiệu cho thấy Hà Nội và Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong quan hệ quốc phòng để đối phó với tham vọng biển đảo của Bắc Kinh.

Nhật báo Ashahi trong bản tin ngày 30/05/2016 cho biết hai chiến hạm rà mìn hiện đại nhất của Nhật là Uraga và Takashima đã cặp bến Cam Ranh vào ngày hôm qua. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, chiến hạm của Nhật đến Cam Ranh.

Uraga và Takashima sau khi tham gia một cuộc tập trận chung với hải quân Mỹ tại Bahrain, vùng Vịnh, trên đường hồi hương, ghé Việt Nam để được tiếp liệu.

Nhật báo thân tả của Nhật Bản nhấn mạnh yếu tố quân cảng Cam Ranh nằm gần hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc tranh giành với các láng giềng là Việt Nam và Philippines. Hai quốc gia Đông Nam Á này đều đang tăng cường hợp tác an ninh với Nhật.

Tháng Tư vừa qua, lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Cam Ranh đón hai khu trục hạm của Nhật là Ariake và Setogiri, sau khi hai tàu chiến này tham gia tập trận với hải quân Mỹ và Philippines trở về.

Trong khuôn khổ kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ cho Việt Nam, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam tàu tuần duyên. Tin này được loan báo nhân cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng Nhật Shinzo Abe và đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bên lề thượng đỉnh G7 mở rộng hồi cuối tuần qua tại Ise Shima.

Bản tin của đài NHK cho biết thêm trong cuộc hội đàm này, thủ tướng hai nước cùng chia sẻ quan ngại về tình hình biển Đông, họat động quân sự của Trung Quốc càng ngày càng tăng. Hai bên thống nhất quan điểm tăng cường hợp tác quốc phòng. - RFI

***
Hai tàu chiến Ấn Độ hôm nay đã cập cảng Cam Ranh để thực hiện chuyến viếng thăm 4 ngày, từ ngày 30/5 cho tới ngày 3/6.

Báo Business Standard số ra hôm nay tường thuật rằng khinh hạm tàng hình tên lửa dẫn đường INS Satpura và tàu hậu vệ tên lửa dẫn đường INS Kirch nằm dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc S V Bhokare, Tư Lệnh Hạm đội Miền Đông/Bộ Tư Lệnh Hải quân Ấn Độ.

Mục đích của chuyến thăm là để thể hiện chính sách hướng Đông của Ấn Độ, và sự hiện diện thường xuyên hơn của các tàu chiến trong vùng biển đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng trong khu vực.

Tin cho hay trong thời gian lưu lại Việt Nam, tàu chiến Ấn Độ sẽ giao lưu với Hải quân Việt Nam để củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước. Ngoài ra, có nhiều khả năng các tàu Ấn Độ sẽ tiến hành các cuộc diễn tập chung với hải quân Việt Nam.

Theo Business Standard, quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được siết chặt trong thời gian gần đây nhờ sự gia tăng quan hệ kinh tế và sự đồng thuận cao hơn về các vấn đề an ninh khu vực.

Ấn Độ giờ nằm trong danh sách 10 đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. - VOA

***
Tờ Nikkei Asian Review hôm nay dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nói sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm nghiêng cán cân quyền lực ở châu Á và điều đó thể hiện rõ nhất tại Biển Đông.

Lên tiếng trong một bài phát biểu hôm nay, 30/5 tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 22 về Tương lai Châu Á diễn ra ở Tokyo, ông Goh Chok Tong nói các tranh chấp trên Biển Đông được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc tại nhiều nước tranh giành lãnh hải, nhưng theo lời ông, không thể nào giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ bằng lập luận "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh".

Hội nghị bàn về tương lai của Châu Á, do tờ Nikkei tổ chức, sẽ kéo dài tới ngày mai, thứ ba.

Ông Goh - từng làm thủ Tướng Singapore trong 14 năm, còn đề cập tới các công trình lấp biển xây đảo quy mô do Trung Quốc thực hiện tại Biển Đông, kể cả xây phi đạo, bến cảng, và bố trí các khí tài quân sự. Ông cảnh báo rằng “hậu quả cuối cùng có thể là một Biển Đông bị quân sự hoá nhiều hơn”.

Nhà lãnh đạo lão thành của Singapore khuyến cáo rằng ranh giới giữa các chính sách đối nội và đối ngoại đã bị lu mờ, và cho rằng khích động chủ nghĩa dân tộc có thể tăng khả năng xung đột trên Biển Đông. Ông khẳng định nên giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gọi tắt là UNCLOS.

Về bức tranh toàn cảnh, ông Goh nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu trong tương lai có thể trông thấy được. Nhưng giữa lúc Trung Quốc đang tăng tầm ảnh hưởng và trở nên tự tin hơn, các nước “sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh.”

Ông Goh nói sự cạnh tranh giữa các cường quốc là điều không thể tránh khỏi, nhưng không một nước nào muốn phải chọn ngả về bất cứ bên nào.

Ông kết luận rằng ổn định khu vực tại Á Châu sẽ tuỳ thuộc vào quan hệ Mỹ-Trung. Ông nói khu vực này đủ rộng lớn để tất cả các cường quốc lớn đều có thể sống chung, kể cả Nhật Bản, và do đó tất cả các bên liên hệ nên sống chung hoà bình và giải quyết các vấn đề một cách xây dựng, và đừng để cho căng thẳng leo thang.

Nhưng giữa lúc Toà án trọng tài quốc tế tại La Haye đang chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ án chính phủ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines, có nhiều lo sợ căng thẳng sẽ leo thang trong những tuần lễ sắp tới.

Trung Quốc chưa gì đã tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết của toà án quốc tế, làm dấy lên lo sợ về nguy cơ sẽ có đụng độ giữa máy bay Trung Quốc và Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ do những tính toán sai lầm, và bất chấp phán quyết của toà án La Haye, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc xây dựng thêm trên các đảo và bãi đá trên tuyến hàng hải thương mại quốc tế quan trọng ở khu vực để củng cố yêu sách chủ quyền của nước này. - VOA
|
|

6.
Tranh luận về mạng XH gây tranh cãi --- Nước Vũng Áng nơi cá chết 'không an toàn'

Một chương trình của VTV gây sóng dư luận khi người dẫn căn vặn khách mời về 'động cơ' chia sẻ tin cá chết trên Facebook cá nhân.

Bà Tạ Bích Loan – Giám đốc kênh VTV6 của đài Truyền hình Việt Nam – xuất hiện trong vai trò dẫn chương trình '60 phút mở' của VTV đặt câu hỏi cho vị khách - MC Phan Anh: "Tại sao bạn lại phải chia sẻ clip hai con cá chết của Vũng Áng?"

Clip này do kênh VTC thực hiện trong bối cảnh xảy ra thảm họa cá chết tại miền Trung Việt Nam, cho thấy cá chết sau ít phút thả vào nước lấy từ Vũng Áng.

'Nhu cầu quyền lực'

Tại chương trình “60 phút Mở” của VTV, MC Phan Anh nói ông chia sẻ clip trên Facebook cá nhân vì “đó là việc có ích và nên làm và "muốn đóng góp vào cái chung”.

Được biết, thảo luận kéo dài hơn hai giờ, nhưng đã được biên tập lại cho phù hợp với thời lượng và có sản phẩm cuối cùng dài gần 40 phút.

Trong đó có bốn khách mời chính đặt câu hỏi cho MC Phan Anh, và một khách mời bày tỏ quan điểm ủng hộ người dẫn chương trình.

Chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà, phân tích và cho rằng ông Phan Anh chia sẻ clip hai con cá chết do một số nhu cầu, trong đó có "nhu cầu quyền lực".

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết, nói với ông Phan Anh: “Bạn đã làm nhiều người đặt niềm tin vào chỗ không nên đặt niềm tin”.

Nhà báo Hoàng Minh Trí (Facebook Cu Trí) cáo buộc "Phan Anh chia sẻ mà không cần biết con cá ấy là loại gì, nước múc lên ấy là loại gì".

Ông Minh Trí nói "khi cộng đồng đang đói tin về Vũng Áng" và so sánh việc đưa tin lên Facebook của MC Phan Anh như "nhỏ thêm một giọt nước", là "củng cố một cái tin thất thiệt".

Tuy nhiên, ông Phan Anh nhiều lần nhấn mạnh, ông ngợi khen lòng dũng cảm của một cơ quan truyền thông, mà mọi người 'không đọc kỹ'.

“Đấy là một cơ quan truyền thông dũng cảm nói về một vấn đề mà xã hội quan tâm trong thời gian gần đây”, ông nói về VTC News và việc thực hiện clip thử nghiệm.

'Clip tạo dựng'

Trong phóng sự thực hiện hôm 26/4, phóng viên kênh VTC thử nghiệm đặt hai con cá vào một chậu nước được cho là lấy từ khu vực Vũng Áng. Cá chết chỉ vài phút sau đó. Sau một ngày, nhiều báo tại Việt Nam và chủ bè cá cáo buộc phóng viên VTC "đưa thông tin sai lệch".

Giám đốc trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, Sở tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh phủ nhận việc "cùng với" phóng viên VTC News thực hiện phóng sự - theo báo điện tử Infonet.

Tuy nhiên, VTC News ngay sau đó đã thực hiện một bản tin nói rõ về hoạt động tác nghiệp mà họ thực hiện, bao gồm phỏng vấn về loại cá và mẫu nước họ thực hiện.

"Việc lấy mẫu nước tại Vũng Áng được phóng viên Bá Thăng thực hiện cùng thời gian, địa điểm với đoàn cán bộ quan trắc của tỉnh Hà Tĩnh nhưng việc tiến hành thực nghiệm là hoàn toàn độc lập," VTC News trả lời về thử nghiệm.

VTC cũng công bố, loại cá họ dùng để thử nghiệm do ngư dân cung cấp và là cá nước mặn.

Người dẫn dắt chương trình '60 Phút mở', bà Tạ Bích Loan khẳng định clip hai con cá chết là “tạo dựng”.

Tuy nhiên, trong bài viết của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn, ký tên Na Sơn trên trang Vietnamnet cho biết, chương trình đã bị cắt nhiều đoạn để vừa với thời lượng, trong đó "Phan Anh có một câu rất hay:

"Tôi tin VTC chứ! Vì đấy là một nguồn tin chính thống, một đài truyền hình lâu đời của nhà nước. Cũng giống như rất nhiều người đã tin vào cái phóng sự dùng chổi quét rau giả làm sâu trên VTV vậy.""

"Đây là một điểm khá thú vị. Cho đến nay chưa có kết luận chính thức là clip của VTC có ngụy tạo hay không," nhiếp ảnh gia có mặt trong chương trình '60 Phút mở' viết.

Cuối chương trình, Ông Phan Anh chia sẻ hashtag #Đừng im lặng. "Mỗi chúng ta đều có quyền lên tiếng về quan điểm của mình. Và quan điểm đó cần được mọi người tôn trọng và tôi rất mong những quan điểm đó sẽ được tranh luận một cách có văn hóa", ông nói trên chương trình kéo dài 60 phút của đài truyền hình Việt Nam.

Phản ứng của khán giả

Trả lời BBC Tiếng Việt, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn cho rằng "việc định hướng và ngăn chặn thông tin là điều bất khả" trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, "nhất là thông tin trên mạng xã hội với tính chất, nhanh và rộng."

"Người đọc không có lỗi khi họ chưa đủ kiến thức, kỹ năng và nguồn để kiểm chứng như các chuyên gia hay nhà báo khi tiếp nhận những thông tin được cho là không tốt. Cái chính là những thông tin minh bạch, chính xác cần được đưa nhiều hơn, nhanh hơn.

"Như thế, tự chúng sẽ đẩy lùi được những thông tin thất thiệt hay sai trái. Tất nhiên, tôi cũng mong muốn ý thức của mọi cá nhân khi tham gia chia sẻ trên mạng xã hội. #Share_có_ý_thức 1 hashtag tôi hay dùng trên mạng.

"Tôi mong muốn mọi người khi đọc được điều gì đó từ bất cứ nguồn nào thì hãy suy xét nếu có thể thì kiểm chứng trước khi share [chia sẻ] nó. Tránh việc chúng ta trở thành những cái loa không công cho những mục đích không trong sáng của bất kỳ ai, tổ chức nào.

Chia sẻ quan điểm về nguồn tin từ kênh chính thống, Bùi Thiện An, một thanh niên từ Sài Gòn, nói với BBC: "Phan Anh cũng trả lời rất rõ đó chỉ là nhu cầu lên tiếng, đừng im lặng trước những gì xảy ra xung quanh mình nhưng mọi người vẫn quy chụp đó là nhu cầu thể hiện quyền lực.

"Vậy thì nhìn lại, khi một ca sĩ diễn viên chụp hình đồ ăn, thức uống nó cũng chỉ đơn thuần là chia sẻ thông tin, không riêng gì Phan Anh mà giới trẻ đều quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khoẻ của mình.

"Không thể trách Phan Anh cũng như không thể trách nhiều bạn trẻ chia sẻ mà không kiểm chứng vì việc kiểm chứng từ một nguồn kênh như VTC - đài truyền hình chính thống là rất khó. Điều đó là thứ mà nhà báo như anh Trí, anh Quang làm chứ không phải những đứa trẻ."

"Việc chia sẻ thông tin sẽ khiến cho những người có quyền hành, chịu trách nhiệm về vấn đề nóng này phải có câu trả lời xác đáng, phải có sự minh bạch rõ ràng để cư dân không bị đầu độc thông tin." - An cho biết. - BBC

***
Một nhóm phân tích độc lập vừa công bố kết quả chất lượng nước tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, khu vực xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt vào tháng 4/2016.

Trong kết quả công bố trên mạng xã hội, Nhóm Phân tích Môi trường Biển Miền Trung này nói việc phân tích để "xác định mức độ ô nhiễm" ở vùng biển ngay cạnh khu công nghiệp Vũng Áng và nhà máy luyện gang thép.

BBC không có điều kiện kiểm chứng quy trình và kết quả phân tích này.

Kết quả của báo cáo cho thấy, thủy ngân có nồng độ đạt chuẩn ở 9 mẫu, nhưng ở nước mặt tại vị trí gần cống xả thải của Formosa "nồng độ thủy ngân đo được ở hai trung tâm cao hơn giới hạn cho phép cho nước biển ven bờ theo QCVN".

Nhóm này nói họ sẽ tiếp tục thu mẫu nước từ gần cống xả thải để kiểm tra thủy ngân.

Với sắt, kết quả do nhóm này đưa ra cũng cao hơn giới hạn cho phép 2–3,5 lần.

Với hàm lượng xyanua, phân tích cho thấy tại hai vị trí lấy mẫu thì nồng độ xyanua "vượt ngưỡng cho phép".

"Kết quả ban đầu cho thấy khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm xyanua. Theo ban cố vấn, để làm sáng tỏ nhóm cần phải thu thêm mẫu nước một vài đợt và kết hợp đo dòng chảy trong quá trình thu mẫu để có thể đánh giá được chính xác hiện tượng ô nhiễm và sự lan tỏa của ô nhiễm." - Bảng phân tích cho biết.

Nhóm nghiên cứu viết họ "chưa có kết luận tuyệt đối về độ an toàn của các vị trí lấy mẫu nói riêng và khu vực Vũng Áng", nhưng kết quả cho thấy "nước biển ở các vị trí lấy mẫu không bị nhiễm độc cấp tính bởi kim loại nặng, phenol và xyanua."

"Gần cống xả thải của Formosa, nước biển có thể không an toàn cho sinh vật biển sống ở đó vì có hàm lượng amoni và tổng ni tơ khá cao. Ngoài ra, hàm lượng thủy ngân ở điểm này cũng cao hơn một chút so với quy định.”

Được biết các kết quả phân tích này chưa được chuyển tới các cơ quan chức năng của nhà nước. - BBC
|
|

7.
Việt Nam mở rộng sân bay Nội Bài

Việt Nam lên kế hoạch trị giá 5,5 tỉ USD để mở rộng gấp đôi sân bay Nội Bài trước năm 2030, theo trang mạng của Chính phủ ngày 30/05.

Sân bay Quốc tế Nội Bài có thể sẽ bị quá tải vào năm 2019 do lượng khách ngày càng tăng, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam được dẫn lời nói.

Việt Nam là một trong 10 thị trường hàng không có tỉ lệ phát triển nhanh nhất Thế giới và được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong mỗi thập kỷ trong vòng 20 năm tới, theo một báo cáo của Hiệp hội Hàng không Quốc tế vào cuối năm ngoái.

Chính quyền đã xây dựng một nhà ga thứ hai tại sân bay Nội Bài, có thể đón lượng khách 25 triệu người mỗi năm vào cuối năm 2014. Kế hoạch mở rộng mới sẽ giúp sân bay đón lượng khách 50 triệu người vào cuối năm 2030.

Kế hoạch chi tiết vẫn chưa được thống nhất và đang đợi chính phủ phê duyệt, ông Lại Xuân Thanh nói.

Lượng hành khách hàng không của Việt Nam tăng 7,9% trong năm ngoái, lên đến 20,7 triệu người, trong khi tỉ lệ tăng trưởng của năm tháng đầu năm 2016 là 30,9%, lên 17 triệu, thống kê của chính phủ cho hay.

Tỉ lệ tăng trưởng nhanh đã đem lại lợi ích cho những hãng hàng không nội địa như VietJet, là hãng vừa ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing trị giá 11,3 tỉ USD vào tuần trước, đưa tên tuổi hãng trở thành một trong những hãng hàng không giá rẻ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Việt Nam cũng lên kế hoạch xây dựng một sân bay mới trị giá 16 tỉ USD gần với trung tâm kinh tế là thành phố Hồ Chí Minh nhằm cạnh tranh với những sân bay trong khu vực như Bangkok và Singapore, với qui mô lớn hơn cả hai sân bay kia cộng lại.

Thị trường hàng không Việt Nam được lợi thế từ tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hơn 5% mỗi năm, kể từ 1999 và với sự cạnh tranh của những hãng hàng không nội địa khiến người dân Việt Nam và cả khách du lịch nước ngoài ngày càng có điều kiện sử dụng. - BBC

No comments:

Post a Comment