Thursday, May 26, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 26/5

Tin Thế Giới

1.
Các nhà lãnh đạo khối G7 nhóm họp tại Nhật Bản --- Biển Đông phủ bóng hội nghị G7

Các nhà lãnh đạo khối G7 hôm nay nhóm họp tại Nhật Bản để bàn về các vấn đề kinh tế, khủng bố và an ninh hải dương. Theo tường thuật của thông tín viên Jeff Custer của đài VOA, cuộc họp diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bàn về vụ án mạng ở Okinawa đang gây bất mãn cho dân chúng Nhật.

Các vị nguyên thủ của 7 nước giàu nhất thế giới cùng với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp Châu Âu đã bắt đầu hội nghị thường niên tại thành phố ven biển Ise Shima ở Nhật.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nghênh đón Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada tại Đền Ise, ngôi đền linh thiêng nhất của Thần đạo Nhật Bản.

Các nhà lãnh đạo đã lần lượt đi qua một chiếc cầu dài dẫn tới ngôi đền, trước khi đứng chụp hình chung với nhau.

Tin tức từ địa điểm hội nghị cho biết nghị trình của cuộc họp hai ngày này xoay quanh ba vấn đề chính là vực dậy nền kinh tế toàn cầu, chống khủng bố và an ninh hải dương.

Vấn đề thứ ba rõ ràng là có dính líu tới những hành động mỗi ngày một hung hãn hơn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Tổng thống Obama hôm nay cho biết cuộc họp đã có một khởi đầu tốt đẹp và “đạt được rất nhiều thành quả.”

"Chúng tôi bắt đầu bàn tới một số vấn đề an ninh then chốt, những vấn đề quan trọng đối với tất cả chúng ta: (đó là) Biển Đông và an ninh hải dương. Chúng tôi đã bàn về những vấn đề liên quan tới Ukraine, nơi mà chúng tôi bắt đầu nhận thấy một số tiến bộ trong các cuộc thương thuyết nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy có quá nhiều bạo động và chúng ta cần phải giải quyết. Chúng tôi sẽ dành thêm thời giờ vào tối nay để tìm cách giải quyết một số điểm nóng quốc tế quan trọng."

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra một ngày khi Tổng thống Obama họp với Thủ tướng Abe giữa lúc dân chúng Nhật Bản tức giận vì vụ một thiếu nữ Nhật bị một cựu chiến binh Thuỷ quân Lục chiến Mỹ giết hại bên ngoài một căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, không bao lâu sau khi ông Obama tới Nhật, Thủ tướng Abe cho biết đôi bên đã thảo luận về vụ án mạng này.

"Toàn bộ thời gian của cuộc thảo luận nhóm nhỏ đã được dùng để bàn về vụ án mạng ở Okinawa, và tôi cảm thấy hết sức bất bình đối với tội ác cực kỳ đáng kinh tởm này. Vụ án mạng này chẳng những làm rúng động Okinawa mà còn gây chấn động cho toàn thể nước Nhật. Tôi đã trình bày với Tổng thống Obama là những cảm xúc của người dân Nhật Bản phải được tôn trọng một cách chân thành. Tôi cũng thúc giục Hoa Kỳ thực hiện mọi biện pháp hữu hiệu và thấu đáo để ngăn ngừa một sự tái diễn và để giải quyết vấn đề một cách tích cực và nghiêm túc."

Giới hữu trách Nhật Bản cho biết ông Kenneth Franklin Shinzato, 32 tuổi, thú nhận đã đâm và siết cổ cô Rina Shimabukuro, 20 tuổi, rồi vất xác cô ở một bụi rậm gần căn cứ Mỹ trên đảo Okinawa, nơi ông làm việc.

Tổng thống Obama cam kết phía Mỹ sẽ hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra.

"Liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một nền tảng hết sức quan trọng cho nền an ninh của cả hai nước. Liên minh đó cũng đã góp phần củng cố hoà bình và an ninh trên khắp khu vực. Chúng tôi đã thảo luận về thảm kịch xảy ra ở Okinawa và tôi đã trình bày sự phân ưu chân thành nhất và sự hối tiếc sâu xa nhất. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra và bảo đảm công lý sẽ được thể hiện dựa theo hệ thống pháp luật của Nhật Bản."

Vụ án mạng làm nhiều người nhớ lại vụ một nữ sinh Nhật bị nhân viên quân đội Mỹ cưỡng hiếp ở Okinawa năm 1995, làm bùng ra những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại sự hiện diện của các căn cứ Mỹ.

Vấn đề tội phạm này có thể gây cản trở nhiều hơn nữa đối với nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm thúc đẩy cho kế hoạch di chuyển một phi trường của Thủy quân Lục chiến Mỹ đến một chỗ khác trên đảo chính của Okinawa. Kế hoạch này đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của dân chúng ở địa phương.

53.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, cùng với 43.000 vợ con thân nhân, và 5.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng. 15 trong tổng số 23 căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại Okinawa.

Mỹ đã chiếm đóng Okinawa kể từ khi đánh bại Nhật trong Thế chiến thứ II vào năm 1945 cho đến năm 1972. - VOA

***
Tranh chấp lãnh hải, nhất là tại biển Đông, đang là chủ đề “nóng”, bao trùm hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các quốc gia phát triển G7 diễn ra trong tuần này ở Nhật.

Hôm nay, 26/5, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đã cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận về sự leo thang căng thẳng trên các cùng biển tranh chấp ở châu Á.

Trong cuộc họp báo chung sau đó, ông Abe nói rằng các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông “phải theo đúng luật pháp quốc tế”, và rằng không thể khẳng định chủ quyền bằng việc “đe dọa” các nước khác, hay “đơn phương thay đổi nguyên trạng” ở vùng biển tranh chấp.

Còn Tổng thống Obama cho biết rằng Hoa Kỳ và Nhật “mong muốn đạt được giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp”, và việc xử lý “hoàn toàn nằm trong tầm tay của Trung Quốc”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm nay nói rằng nhóm G7 cần phải có “quan điểm cứng rắn và rõ ràng” về các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron khuyến cáo Bắc Kinh nên tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ kiện của Philippines.

Trước những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rằng những tuyên bố của G7 có thể khiến tình hình biển Đông trở nên xấu đi.

Ông Vương nói rằng các thành viên của nhóm các quốc gia phát triển cần phải duy trì quan điểm “công bằng và bất thiên vị, thay vì nước đôi hay có tư tưởng liên minh” trong vấn đề tranh chấp.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm nay đã tới Nhật để tham dự cuộc họp G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Trả lời các phóng viên trước khi lên đường tới xứ sở mặt trời mọc, ông Phúc tuyên bố rằng Việt Nam “không tìm cách tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông”, nhưng “cần phải bảo vệ chủ quyền, trước tiên là bằng các giải pháp hòa bình, ngoại giao và thậm chí là pháp lý”. - VOA
|
|

2.
Lãnh đạo Campuchia đối mặt thử thách trong vụ đánh đập đối lập

Một tòa án Campuchia sắp sửa đưa ra phán quyết về những cáo trạng đối với 3 nhân viên quân sự đã nhận tội đánh đập hai chính trị gia đối lập bên ngoài quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái. Theo tường thuật của thông tín viên Luke Hunt của đài VOA tại Phnom Penh, vụ án này được xem là một phép thử về vấn đề nhân quyền ở Campuchia. 

Phán quyết của tòa án được xem là một phép thử về sự tôn trọng nhân quyền tại Campuchia, nơi chính phủ đàn áp những người bất đồng chính kiến với hậu quả là một loạt các vụ kiện tụng và bỏ tù những chính trị gia đối lập và những người ủng hộ họ.

Hai ông Kung Sophea và Nhay Chamraoen thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia CNPR bị đánh trọng thương, tiếp sau một cuộc biểu tình do Tướng Kun Kim và những thành viên thuộc Trụ sở Cận vệ của Thủ tướng viết tắt là BGH thực hiện để chống phe đối lập. Vụ đối đầu này làm rúng động cả nước và những quan sát viên nhân quyền quốc tế.

Ba ông Sot Vanny, Mao Hoeun và Chay Sarit ra trình diện cảnh sát vào trung tuần tháng 11 năm ngoái, sau khi Thủ tướng Hun Sen công khai yêu cầu ba người này làm như vậy. Những người này cho rằng họ hành động một mình, vì giận giữ, và nói rằng hành động này không nằm một nỗ lực có tổ chức nào để làm im tiếng phe đối lập, một cáo buộc do những tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch đưa ra.

Ba người này nói họ trả đũa sau khi 2 chính trị gia chửi mắng họ, cáo buộc họ là tay sai của Việt Nam.

Tuy nhiên, một phúc trình mới của Human Rights Watch có tên là “Kéo lê và Đánh đập, Vai trò của Chính phủ Campuchia trong vụ Tấn công tháng 10 năm 2015 nhắm vào các Chính trị gia Đối lập.” Phúc trình tố cáo những vụ đánh đập được các giới chức cao cấp chính phủ và quân đội dàn dựng và nhiều người tham dự vào những cuộc tấn công này.

Ông Phil Robertson, phó Giám đốc châu Á của Human Rights Watch nói: “Dường như là có sự dính líu chặt chẽ của đơn vị cận vệ hơn là những gì đã được phát hiện cho đến nay, và việc này cần phải được điều tra cặn kẽ và bất cứ ai dính líu vào những cuộc tấn công này cần phải chịu tránh nhiệm về hành vi của mình.”

Phúc trình của Human Rights Watch bao gồm lời kể của các nhân chứng, video và hình ảnh cho thấy có ít nhất 20 người có mặt ngay tại nơi các chính trị gia và xe của họ đậu trong lúc vụ tấn công xảy ra. 10 người khác dính líu trực tiếp đến việc đánh đập, trong khi những người khác đứng nhìn và không làm gì cả.

Sau vụ hành hung, những người biểu tình được chở tới một khách sạn tại Takhmao, nằm gần tư dinh của Thủ tướng Hun Sen.

Theo phúc trình, “một tài xế của một trong những chiếc xe sau đó nói là một trong những cấp chỉ huy cận vệ khoe khoang là đã tham gia vào việc đánh đập.”

Human Rights Watch nói các kế hoạch đối phó với người biểu tình được Thủ tướng Hun Sen biết trước và được thực hiện theo hệ thống chỉ huy gồm có Tướng Kum Kim và BHQ. Lệnh của các giới chức này được chuyển qua Facebook cho Senaneak, một trong 3 tổ chức thanh niên được thành lập trong những năm gần đây để tranh thủ hậu thuẫn cho Đảng Nhân dân Campuchia CPP đương quyền.

Ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ, khi được yêu cầu bình luận về phúc trình của Human Rights Watch nói “Đây là vấn đề của Tòa án chứ không phải của chính phủ.” Ông cũng đề nghị phóng viên của VOA tiếp xúc với bộ tư pháp. Một phát ngôn viên của bộ tư pháp Campuchia từ chối bình luận về việc này.

Tuy nhiên ông Son Chhay, một chính trị gia nổi tiếng của Đảng Cứu quốc Campuchia, nói ông đồng ý với những kết luận của bản phúc trình. Ông nói thêm là phe đối lập đang chờ phúc đáp của Liên Hiệp Quốc về lời yêu cầu của phe đối lập đòi triệu tập một hội nghị những quốc gia đã ký vào Hòa ước Paris năm 1991 nhằm bảo đảm sự an toàn của các chính trị gia và giúp ổn định điều được gọi là môi trường chính trị thù nghịch tại Campuchia. 

Ông Son Chhay nói: “Chúng tôi rất bất bình. Chúng tôi đã gửi thư đến ông Tổng thư ký Liên Hiệp Wuốc Ban Ki-moon để giải thích về tình hình chính trị tại Campuchia. Đây là một việc khẩn cấp và Liên hiệp quốc cần phải làm một việc gì đó. Liên hiệp quốc cần ngăn chận đảng cầm quyền CPP gây tổn hại cho đảng chúng tôi.”

Các vụ bắt bớ và kiện tụng tiếp sau những vụ đánh đập vào tháng 10 năm 2015 đã khiến cho lãnh tụ CNRP Sam Rainsy phải đi sống lưu vong. Một lãnh tụ đối lập khác đang bị truy tố về một vụ tai tiếng về tình dục và Thủ tướng HunSen đã cảnh báo là đảng cầm quyền CPP sẽ không dung thứ cho “Những cuộc Cách mạng Màu.”

Theo dự trù, phán quyết của Tòa án sẽ được đưa ra vào ngày 27 tháng 5. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Vụ tai tiếng email của bà Clinton lại bị khơi dậy

Vấn đề gay cấn làm ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton lại bùng lên với phúc trình mới của chính phủ nói rằng cựu Ngoại trưởng vi phạm các quy định của Bộ Ngoại giao qua việc sử dụng dịch vụ điện thư cá nhân trong công tác. Theo dự kiến, Tổng thanh tra của Bộ sẽ công bố báo cáo hôm nay trong đó chỉ ra rằng có các rủi ro về an ninh trong hành động của bà Clinton. Tuy nhiên, các nhà điều tra cho biết “các yếu kém có hệ thống” đó đã xảy ra từ các nhiệm kỳ Ngoại trưởng trước thời bà Clinton.

Báo cáo nói lẽ ra bà Clinton đã phải giao nộp tất cả email liên quan tới công tác chính phủ trước khi rời chức Ngoại trưởng. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết bà Clinton không phải là Ngoại trưởng duy nhất vi phạm quy định này. Phát ngôn nhân Mark Toner:

“Thành thật mà nói, lẽ ra chúng tôi đã phải làm tốt hơn trong việc lưu tồn email và hồ sơ liên lạc của các Ngoại trưởng cùng các nhân viên cấp cao của họ từ nhiều chính quyền trước đây, trước thời bà Clinton làm Ngoại trưởng kia. Chúng tôi thừa nhận việc này.”

Thoạt đầu, khi được hỏi về vụ tai tiếng email, bà Clinton khẳng định không làm gì bất hợp pháp, nhưng sau đó bà công nhận rằng với những gì bà ngộ ra bây giờ, lẽ ra lúc trước bà nên hành động khác đi:

“Dù có được phép, lẽ ra tôi cũng nên dùng 2 tài khoản email khác nhau, một tài khoản cho các điện thư cá nhân và một tài khoản cho các email liên quan tới công việc. Đó là một sai lầm. Tôi hối hận về việc đó. Tôi chịu trách nhiệm.”

Sau khi bà Clinton nộp hơn 50.000 trang email liên quan đến công việc và máy chủ cá nhân của bà cho Bộ Ngoại giao, vấn đề được tạm lắng. Nhưng cứ mỗi khi xuất hiện một báo cáo mới như phúc trình tuần này, vấn đề lại nổi lên và việc này đang bị đối thủ của bà Clinton bên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc tận dụng để công kích.

Ông Donald Trump, ứng viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa:

“Bà Clinton gian dối, bà Clinton gian dối, bà ấy gian dối hết sức. Hôm nay bà gặp tin chẳng lành từ một số báo cáo, chẳng hay ho gì. Phúc trình của Tổng thanh tra, chẳng hay ho gì.”

Bênh vực ứng viên Clinton, lãnh tụ phe Dân chủ ở Hạ viện, Nancy Pelosi, nói các Ngoại trưởng tiền nhiệm của bà Clinton cũng đã từng làm như bà Clinton vậy. Bà Pelosi nhấn mạnh:

“Báo cáo nêu rõ đây là ‘những yếu kém có hệ thống đã xảy ra từ trước tới nay, trước nhiệm kỳ của bất cứ một Ngoại trưởng nào.”

Phúc trình công bố hôm nay đã coi lại hồ sơ để đánh giá các hoạt động tuân thủ luật lệ, chính sách, và các thực hành trên thực tế tại Bộ Ngoại giao từ năm 1997 tới nay. - VOA
|
|

4.
TT Obama: Lãnh đạo G7 cảm thấy 'bất an' về ông Trump

Tổng Thống Barack Obama nói các nhà lãnh đạo thế giới mà ông đã trò chuyện cảm thấy ‘bất an’ về sự có mặt của ông Donald Trump trong tư cách là một ứng cử viên trong cuộc chạy đua giành chức tổng thống Mỹ năm 2016.

Phát biểu hôm nay tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới của 7 nước giàu nhất thế giới tại thành phố Ise Shima của Nhật Bản, Tổng Thống Obama nói thế giới đang chú tâm tới cuộc bầu cử ở Mỹ bởi vì “Hoa Kỳ nằm ở tâm điểm của nền trật tự quốc tế”.

Tổng Thống Obama nói: “Tôi tin rằng chúng ta có thể nói là họ đều tỏ ra ngạc nhiên về nhân vật được Đảng Cộng Hoà đề cử (tức ông Donald Trump). Họ không biết nên coi những phát biểu của ông ấy nghiêm túc tới mức nào, nhưng họ cảm thấy bất an và họ có lý do để thấy như vậy, bởi vì rất nhiều đề nghị mà ông ấy đã đưa ra cho thấy hoặc là một sự thiếu hiểu biết về các vấn đề của thế giới, hoặc là một thái độ bất cần, hoặc là sự chú tâm vào những tin nhắn trên trang Twitter, gây sự chú ý của truyền thông qua những hàng tít lớn trên báo chí, thay vì thực sự suy nghĩ kỹ càng về những gì cần có để bảo vệ một nước Mỹ an toàn, an ninh và phú cường, và suy nghĩ về những gì cần thiết để giữ cho thế giới ổn định."

Nhà lãnh đạo Mỹ nói ông và các nhà lãnh đạo khối G7 thảo luận về những thách thức mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, và về những phương cách để “duy trì đà phục hồi kinh tế đang diễn ra tại Hoa Kỳ”.

Ông Trump ngự trị cuộc vận động để được Đảng Cộng Hoà đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng này dựa trên những tuyên bố của ông về người di dân từ Châu Mỹ La tinh và người Hồi giáo. Ông còn kêu gọi nên triệt thoái các lực lượng Mỹ ra khỏi Nhật Bản và Nam Triều Tiên, đồng thời vũ trang vũ khí hạt nhân cho các nước này để chống lại mối đe doạ từ Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt-Trung 'tự giải quyết bất đồng'

Người phát ngôn Trung Quốc nói Hà Nội và Bắc Kinh có thể tự mình giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán và hiệp thương.

Bà Hoa Xuân Oánh nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc "luôn duy trì quan điểm rằng các nước trực tiếp liên quan trong các tranh chấp về chủ quyền và lợi ích lãnh thổ và lãnh hải cần giải quyết bất đồng thông qua đàm phán và hiệp thương trên cơ sở sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế".

Bà Hoa đã nói như vậy khi được đề nghị bình luận về phát biểu hôm thứ Tư 25/5 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Phúc nói Việt Nam không có ý định tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và mong muốn vấn đề được giải quyết một cách hòa bình.

Người phát ngôn Trung Quốc khẳng định: "Trung Quốc và Việt Nam đã có kinh nghiệm giải quyết thành công bất đồng thông qua thương lượng."

Bà Hoa nhắc tới vấn đề biên giới trên đất liền mà bà cho là "tồn tại nhiều năm trong quan hệ Trung-Việt".

"Hai bên đã giải quyết thành công vấn đề biên giới mà lịch sử để lại sau 30 năm đàm phán và hiệp thương. Hai bên đã ký và thực hiện ba văn kiện pháp lý, biến đường biên giới 1.450 cây số từ tiền tuyến trở thành cầu nối và đầu mối hữu nghị, hợp tác của người dân hai nước."

Bà Hoa Xuân Oánh cũng cho hay quan hệ giữa người dân và thương mại rất sôi động trong khi vực biên giới và hai bên mới đây đã có cuộc họp để xem xét tình hình thực hiện văn kiện về biên giới đất liền.

Hoan nghênh bỏ cấm vận

"Chúng tôi tin rằng với tư cách hàng xóm hữu hảo, Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn có đủ hiểu biết và khả năng để dàn xếp bất đồng thông qua thương lượng vì lợi ích của người dân hai nước."

"Trung Quốc và Việt Nam đã hoàn tất phân định Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên còn một số vấn đề cần giải quyết."

"Thế nhưng chúng tôi tin là nếu hai bên học hỏi từ kinh nghiệm thành công và quyết tâm, kiên trì và bền bỉ thì chúng ta chắc chắn sẽ giải quyết tốt tranh chấp."

Tuần trước, khi Tổng thống Hoa Kỳ thông báo gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cử chỉ mà nhiều người cho là nhằm vào Trung Quốc, Bắc Kinh ngỏ ý hoan nghênh quyết định này.

Bà Hoa Xuân Oánh cũng nói khi đó rằng bà hy vọng việc Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực. - BBC
|
|

6.
Tướng Mỹ: Quân đội Hoa Kỳ - Việt Nam có thể thao dượt chung

Việc tổng thống Barack Obama thúc đẩy quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Việt Nam có thể dẫn đến việc quân đội hai nước thao dượt chung, ở Việt Nam hoặc ở Hoa Kỳ. Đó là tuyên bố của một viên tướng Mỹ hôm qua, 25/05/2016.

Theo trang mạng Dod Buzz, chuyên về thông tin quốc phòng, trung tướng Lục quân Mỹ Stephen Lanza, chỉ huy Quân đoàn I, Lục quân Mỹ, cho biết khả năng Mỹ thao dượt chung với Việt Nam "còn tùy vào quyết định của các lãnh đạo cấp cao", nhưng ông khẳng định là lực lượng của họ đã "sẵn sàng, cả về mặt tác chiến và chiến thuật, để luyện tập với bất cứ lực lượng nào có cơ hội huấn luyện chung với quân đội Mỹ".

Trung tướng Lanza đã trả lời phỏng vấn qua điện thoại cùng với thiếu tướng Charles Flynn, chỉ huy Sư đoàn bộ binh 25, từ Hawaii, nơi các vị tướng lĩnh này đang dự hội nghị LANPAC (Lực lượng lục quân Thái Bình Dương) do Hiệp hội Lục quân Mỹ bảo trợ.

Trong cuộc phỏng vấn, tướng Lanza và tướng Flynn đã nói về việc mở rộng chương trình Sáng kiến "Các tuyến đường Thái Bình Dương" (Pacific Pathways) của Lục quân Mỹ, tức là chương trình điều động các đơn vị của lục quân Mỹ đến khu vực này để huấn luyện cùng với lục quân các nước đối tác.

Trong khuôn khổ một chương trình có tên là "Reverse Pacific Pathways" ( Ngược dòng Thái Bình Dương ), từ tháng 7 đến tháng 9 tới, binh sĩ từ các nước Singapore, Nhật Bản và Canada đến huấn luyện cùng với lực lượng Mỹ tại ở Hawaii, bang Washington và Alaska.

Khi được hỏi liệu Việt Nam có vai trò tương tự trong tương lai hay không, tướng Lanza đã thận trọng trả lời: "Xin nói rõ là những gì tôi phát biểu không thể hiện quan điểm của Quân đội. Chúng tôi sẵn sàng tham gia huấn luyện với những nước có yêu cầu huấn luyện cùng quân đội Mỹ. Do đó, nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ tham gia huấn luyện tùy theo công việc và nhiệm vụ được giao".

Trang mạng Dod Buzz cho rằng khả năng huấn luyện chung với Việt Nam là theo đúng hướng với nỗ lực của tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự giữa hai nước, như là một phần trong chiến lược nhằm tái cân bằng lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng nhằm đối phó lại với những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn hồi đầu tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam không nhắm vào Trung Quốc. Nhưng theo ông Carter, "rõ ràng là những hành động của Trung Quốc, nhất là trong năm qua, đã làm gia tăng lo ngại trong khu vực và đó là một yếu tố khiến ai cũng muốn hợp tác với Mỹ".

Bộ trưởng Carter khẳng định, tăng cường hợp tác quân sự Việt - Mỹ là một phần trong chính sách của ông Obama nhằm cải thiện quan hệ song phương với các nước châu Á-Thái Bình Dương. - RFI

No comments:

Post a Comment