Saturday, May 21, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 21/5

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Mỹ lên đường thăm Việt Nam --- Người dân Việt Nam hào hứng chờ đón TT Obama

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chiều 21/5 (giờ Washington) đã lên chuyên cơ Air Force One tại căn cứ không quân Adrews ở tiểu bang Maryland, bắt đầu hành trình tới Việt Nam.

Chiếc chuyên cơ sẽ tới căn cứ không quân Elmendorf ở Anchorage, Alaska, sau đó tới căn cứ không quân Yokota ở Fussa, Nhật Bản, trên đường tới Hà Nội rồi sau đó là Sài Gòn.

Trong một cuộc họp báo qua điện thoại hôm 19/5, ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia đặc trách về Thông tin Chiến lược, cho biết rằng “phái đoàn sẽ rời Hoa Kỳ vào chiều ngày 21 tháng 5 và đến Việt Nam đêm 22 tháng 5. Và chương trình chính thức ở Việt Nam sẽ bắt đầu tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 5”.

Quan chức này cho biết thêm: “Tổng thống sẽ bắt đầu chuyến thăm bằng một buổi lễ chính thức, sau đó sẽ mở một cuộc họp song phương với Chủ tịch nước Việt Nam. Tiếp theo cuộc họp song phương đó, hai nhà lãnh đạo sẽ mở một cuộc họp báo chung”.

Ông Rhodes nói thêm: “Sau đó, chúng tôi dự kiến Tổng thống sẽ có cơ hội giao tiếp với tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông sẽ chủ trì một bữa tiệc chính thức ở Việt Nam và sau đó sẽ họp với Thủ tướng Việt Nam. Tiếp theo, ông sẽ có một cuộc họp song phương với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói: “Vào ngày 24 tháng 5, Tổng thống sẽ mở cuộc gặp gỡ với các thành viên xã hội dân sự Việt Nam cũng giống như ông đã có ở các nước trên khắp thế giới. Ông luôn luôn muốn tận dụng cơ hội gặp gỡ cả các đại diện chính phủ lẫn các đại diện xã hội dân sự. Việc này cũng sẽ đem lại cho ông một cơ hội để tái khẳng định sự cam kết của ông đối với nhân quyền và quản trị gồm mọi thành phần ở Việt Nam, như Mỹ làm ở các nước trên khắp thế giới. Do đó ông sẽ có cơ hội nghe ý kiến và những mối quan ngại của xã hội dân sự và chia sẻ cảm tưởng riêng của chính ông”.

Tiếp theo đó, Tổng thống Mỹ sẽ đọc một bài phát biểu trước, và sau đó sẽ rời Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh.

Đến thành phố Hồ Chí Minh ông Obama sẽ đi thăm Chùa Ngọc Hoàng để “tưởng nhớ và tỏ lòng ngưỡng mộ các truyền thống văn hóa của Việt Nam”.

Ông Rhodes nói: “Sau khi thăm chùa, ông sẽ có một sự kiện tập trung vào cả các quan hệ thương mại lẫn kinh doanh. Ông sẽ gặp một số doanh gia trẻ của Việt Nam, và sau đó sẽ tham gia một cuộc thảo luận nêu cao lợi ích của TPP đối với cả hai nước, và khả năng của TPP thúc đẩy tăng trưởng và tạo dựng công ăn việc làm cùng những tiêu chuẩn cao về các vấn đề như lao động và môi trường”.

“Ngày 25 tháng 5, Tổng thống sẽ chủ tọa một cuộc hội thảo với các thành viên của Chương trình các nhà Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á”, quan chức an ninh Mỹ cho biết.

Sau Việt Nam, ông Obama sẽ tới Nhật Bản để tham dự Hội nghị G7 ở Nhật cũng như tới thăm thành phố Hiroshima, Nhật Bản, nơi Mỹ từng thả bom nguyên tử cuối Thế chiến II. - VOA

***
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam vào đêm 22/5 với chặng dừng chân đầu tiên là Hà Nội. Lúc này, nhiều người trong thành phố bày tỏ sự quan tâm lớn đến chuyến thăm cũng như hy vọng nhờ sự kiện này mà quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn nữa. An Tôn tường trình từ Hà Nội.

Ít ngày trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, thông tin liên quan đến chuyến thăm xuất hiện càng thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, làm nhiều người trong thành phố càng tò mò, quan tâm. Đối với những người hay phải đi lại trên đường, họ quan tâm đến danh sách 25 tuyến phố sẽ bị cấm hoặc hạn chế xe cộ để phục vụ đoàn xe của tổng thống Mỹ. Đồng thời, tùy theo lứa tuổi và công việc, mối quan tâm của từng người đến các khía cạnh cụ thể của chuyến thăm cũng khác nhau.

Nam thanh niên tên Thảo, 27 tuổi, nói anh ấn tượng về thông tin có đến 1600 người đi theo để phục vụ chuyến thăm thứ ba của một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đến Việt Nam. Ngoài ra, Thảo cho rằng chuyến thăm là kết quả của hơn hai thập niên hai nước bình thường hóa quan hệ. Anh nói:

“Đến thời điểm này thì hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ rồi thì tôi thấy cũng có nhiều cái mới, Mỹ đầu tư nhiều, hỗ trợ Việt Nam nhiều trong các lĩnh vực, như thế có nhiều khả năng là đất nước mình phát triển hơn”.

Còn Phạm Hương Giang, nữ sinh viên tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, ngôi trường được nhiều người gọi là Harvard của Việt Nam, lại quan tâm đến bài phát biểu mà Tổng thống Obama dự kiến sẽ đọc trước khoảng 2000 khách mời tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Giang nói:

“Tôi hy vọng là trong bài phát biểu của ông có thể nêu lên vấn đề dân chủ hơn, tự do hơn ở Việt Nam. Về vấn đề về môi trường cũng nên cần phải quan tâm. Đó là những vấn đề tôi nghĩ cần thiết để phát triển”.

Cũng tại Đại học Ngoại thương, nam sinh viên tên Đạt cho rằng Tổng thống Obama không đơn thuần chỉ thăm xã giao mà có những mục đích cụ thể. Đạt nêu nhận định:

“Xét về tình hình hiện nay thì chắc là sẽ có những biện pháp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, như là trong vấn đề Biển Đông hiện nay, chắc sẽ có vấn đề đó. Thứ hai là tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Hợp tác giữa hai bên có thể được củng cố thêm. Ngoài về chính trị còn có cả về kinh tế nữa”.

Từ góc nhìn của người đi trước một vài thế hệ so với những người thuộc lứa tuổi 20, ông Nguyễn Hồng Sơn, 74 tuổi, nhận xét về chuyến thăm sắp tới:

“Tôi nghĩ rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama rất có lợi cho quan hệ hai nước. Hiện nay trên thế giới cán cân lực lượng có nhiều thay đổi. Tôi nghĩ Mỹ mà quan hệ với Việt Nam rất chặt chẽ thì rất có lợi cho Việt Nam cũng như cho Mỹ, cân bằng cán cân lực lượng trên thế giới”.

Đối với những người trẻ tuổi trong số gần 70% dân số Việt Nam dưới 40 tuổi, tức là sinh ra sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, họ chú ý đến tương lai của mối quan hệ hai nước hơn là việc hai nước từng là kẻ thù của nhau. Ngay cả ông Sơn, thuộc thế hệ đã trải qua cuộc chiến mà Việt Nam gọi là “Chống Mỹ cứu nước”, cũng cho rằng xây đắp cho tương lai mới quan trọng.

Ông Sơn nói: “Quá khứ đã khép lại rồi. Nhân dân Việt Nam rất rộng lượng, quên đi quá khứ. Và bây giờ tất cả nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Mỹ là nghĩ đến tương lai và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước, để cùng phát triển kinh tế, cùng ổn định chính trị. Mặc dù chế độ chính trị hai nước khác nhau nhưng cái đó không hề quan trọng. Mục đích là để giúp nhau phát triển kinh tế, thì đó là một cái rất tuyệt vời khi quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt”.

Với thái độ hồ hởi, ông Sơn cũng chia sẻ điều ông muốn thấy ở quan hệ Việt Nam-Mỹ trong tương lai: “Cầu mong quan hệ Việt-Mỹ ngày càng phát triển, ngày càng thắt chặt, để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế”.

Điều ông Sơn nói cũng là ý nghĩ của những người trẻ tuổi như Hương Giang và Đạt, các sinh viên của một trường đại học hàng đầu Việt Nam. Họ đều đặc biệt quan tâm đến khía cạnh kinh tế của mối quan hệ, điều thiết thực nhất đối với họ.

Hương Giang cho biết: “Đương nhiên là tôi nghĩ quan hệ hai nước ngày càng tiến triển, và trở nên thân thiết, đó là điều bình thường, để cho kinh tế hai nước ngày càng phát triển”.

Anh Đạt nói: “Khi hai bên có những hợp tác thắt chặt thì những cái rào cản sẽ được xóa bỏ, kinh tế sẽ phát triển. Khi cháu tham gia vào lực lượng kinh tế thì lương có thế cao hơn, nhiều doanh nghiệp vào Việt Nam thì sẽ tạo cho cháu nhiều công ăn việc làm, lương cao”.

Trong khi những người dân bình thường hướng sự chú ý đến những khía cạnh trực tiếp và thiết thực, các chuyên gia và nhà nghiên cứu có cái nhìn sâu hơn về chuyến thăm của ông Obama cũng như quan hệ Việt-Mỹ.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá chuyến thăm của ông Obama là một bước phát triển trong quan hệ hai nước trong bối cảnh Việt Nam vừa tăng cường hội nhập quốc tế vừa gặp những thách thức về an ninh, chủ quyền ở Biển Đông. Ông Doanh cho rằng hai nước có những thuận lợi khi tăng cường hơn nữa quan hệ vì Mỹ và Việt Nam không có mâu thuẫn về lợi ích chiến lược trong khi về mặt kinh tế hai nước không cạnh tranh với nhau mà lại bổ sung cho nhau.

Ông Doanh nói: “Hai nhà nước lại cũng chia sẻ những lợi ích chiến lược với nhau. Không có những mâu thuẫn lợi ích chiến lược nào quan trọng. Vậy cho nên là giữa hai nhà nước Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng sẽ xây dựng những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Tôi hy vọng là sẽ có những hợp đồng hợp tác được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama”.

Từ góc độ người nghiên cứu và cố vấn chính sách đối ngoại, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, đưa ra quan điểm thận trọng hơn về quan hệ hai nước.

Ông phân tích rằng trong quan hệ Việt-Mỹ có 4 khác biệt mà cũng là những khó khăn, thách thức. Thứ nhất, Mỹ là siêu cường toàn cầu nên Mỹ nhìn Việt Nam như một nhân tố trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, trong khi Việt Nam nhìn Mỹ chủ yếu từ góc độ song phương. Hai nước có những mối quan tâm chung ở khu vực Đông Nam Á, ở Biển Đông, song Việt Nam chưa phải là đối tác ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Khác biệt thứ hai, theo ông Thái, là về hợp tác Mỹ muốn đi nhanh vì có tiềm lực lớn trong khi Việt Nam muốn đi từ từ vì tiềm lực có hạn. Khác biệt thứ ba là Việt Nam muốn ưu tiên thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư vì có nhu cầu cấp bách để phát triển, thế nhưng Mỹ đã là nước phát triển nên chú trọng đến các lĩnh vực an ninh, quân sự và quốc phòng. Cuối cùng, khác biệt ở những vấn đề do chiến tranh và lịch sử để lại.

Ông Thái nói: “Nhìn lại 20 năm qua, quan hệ Việt-Mỹ từ đối thủ, từ kẻ thù thành bạn bè, từ bạn bè thành đối tác, bước tiến rất quan trọng, rất dài. Nhưng bên cạnh đó lực cản không phải là ít. Nhưng tôi muốn chuyển đến một thông điệp thế này, chúng ta cần nhìn quan hệ Việt-Mỹ bằng con mắt thực tế. Phải thấy rằng hợp tác là có lợi, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập. Cái thứ hai rất quan trọng là phải xử lý quan hệ Việt-Mỹ bằng cái đầu lạnh. Nhìn vào thực tế mà nói, hợp tác là con đường duy nhất đúng đắn để mà thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ có lợi cho cả hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực”.

Liệu các nhà lãnh đạo, những người hoạch định chính sách của Việt Nam cũng có nhận thức về những điều quan trọng mà giới nghiên cứu, cố vấn nêu ra như trên hay không? Vị phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Ngoại gia Việt Nam cho rằng trong thời đại thông tin ngày nay, các lãnh đạo Việt Nam nhận thức được đầy đủ các vấn đề đó.

Ông Thái cho biết: “Nếu không có được những nhân tố như vậy, có lẽ quan hệ Việt-Mỹ đã không thể như ngày hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa, 41 năm rồi. Đã đến lúc phải đưa quan hệ song phương sang một trang mới. Cái tốt nhất là cùng nhau nhìn về tương lai. Đó chính là những gì lãnh đạo Việt Nam đang làm và đang suy nghĩ. Có thể tốc độ, cách làm khác nhau, nhưng rõ ràng những gì đang diễn ra trong quan hệ Việt-Mỹ đang đi đúng xu hướng như vậy”.

Chỉ còn hơn một ngày nữa, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama sẽ thực sự diễn ra. Những gì các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước sẽ thỏa thuận hoặc tuyên bố sẽ đặt ra lộ trình hoặc định hướng cho quan hệ hai nước trong nhiều năm tới. Lúc này, căn cứ vào những điều hai nước đã đạt được trong những năm qua, nhiều người dân và giới quan sát, phân tích trông đợi chuyến thăm sẽ đi đến những kết quả cụ thể, hữu ích chứ không chỉ dừng lại ở một cuộc thăm viếng xã giao. - VOA
|
|

2.
MS804: Khói trong máy bay EgyptAir trước khi rơi

Các nhà điều tra của Cục Hàng không Dân dụng Pháp hôm nay 21/05/2016, xác nhận là trước khi chiếc Airbus A320 của hãng EgyptAir mất liên lạc và bị rơi trên biển Địa Trung Hải, các dữ liệu phát tự động từ máy bay ( ACARS ) đã báo động có khói trong máy bay này.

Dữ liệu ACARS là những dữ liệu được phát tự động từ máy bay trong suốt chuyến bay, nhằm mục đích bảo trì.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Cơ quan điều tra và phân tích an ninh hàng không Pháp ( BEA ) cho rằng hãy còn quá sớm để rút ra những kết luận từ những yếu tố nói trên. Ưu tiên bây giờ là tìm được xác máy bay và những chiếc hộp đen của máy bay.

Trước đó, báo chí Mỹ đã loan tin đã phát hiện khói bốc ra từ phần trước của máy bay trước khi bị rơi. Một chuyên gia giải thích với hãng tin AFP rằng các dữ liệu tự động cho biết là có khói trong máy bay ở khu vực gần phòng vệ sinh và buồng lái.

Chiếc Airbus A320, mang số hiệu MS804, chở theo 56 hành khách, cùng bảy nhân viên phi hành đoàn và ba nhân viên an ninh, chủ yếu là người Ai Cập ( 30 người ) và Pháp ( 15 người ), cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle tối thứ Tư, đã bị rơi sáng sớm thứ Năm ở vùng Địa Trung Hải sau khi biến mất khỏi màn ảnh radar. Trước đó, các phi công không hề phát lời kêu cứu.

Hôm qua, các tàu và phi cơ của quân đội Ai Cập đã tìm thấy các mảnh vỡ đầu tiên của máy bay, cùng với nhiều va-li và một phần thi thể hành khách.

Ai Cập tưởng niệm các nạn nhân chuyến bay 

Ai Cập bắt đầu các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân đi trên chiếc máy bay Airbus A320 của EgyptAir bị rơi xuống biển, sau khi tai nạn được chính thức xác nhận. Tổng thống Abdel Fattah al Sissi đã phân ưu với gia đình các nạn nhân, và các nghi lễ tôn giáo đã được tiến hành.

Từ Cairo, thông tín viên RFI Alexandre Buccianti gởi về bài tường trình:

"Những lời cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân của chiếc máy bay EgyptAir được yên nghỉ đã vang lên trong tất cả các đền thờ Hồi giáo ở Ai Cập, nhân buổi lễ lớn hàng tuần vào thứ Sáu. Thân nhân của các nạn nhân đã tiến hành những buổi lễ cầu hồn tại nhiều đền thờ ở Ai Cập, trước khi nhận được những lời phân ưu. 

Tại làng Mit Badr Halawa, lễ cầu nguyện đã tập hợp được trên một ngàn người, đến để chia buồn với những người thân của bốn nạn nhân trên chuyến bay. Bên cạnh đó, hãng hàng không EgyptAir còn loan báo tổ chức một buổi lễ cầu cho tất cả các thành viên phi hành đoàn vào thứ Hai tới tại đền thờ Hồi giáo lớn nhất thủ đô Cairo. Các phi công, tiếp viên hàng không đến dự đều được yêu cầu mặc đồng phục.

Trong lúc đó, việc tìm kiếm trên biển ở cách Alexandrie 300 kilomet về phía bắc vẫn tiếp tục, với các máy bay và tàu của nhiều nước tham gia trong đó có Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Anh. Một tàu Pháp chuyên tìm kiếm dưới biển sâu sẽ đến nơi vào thứ Hai. Ngoài ra, các chuyên gia của BEA (Cơ quan điều tra và phân tích an ninh hàng không Pháp) đã gặp gỡ người đứng đầu ủy ban điều tra là Ayman Moqadem, người Ai Cập". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu TT Obama đòi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm

Các thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu Tổng thống Barack Obama đòi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm khi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo ở Hà Nội.

Yêu cầu của các Thượng nghị sĩ Marco Rubio, John Boozman, John Cornyn, James Lankford và Bill Cassidy được đưa trong lá thư đề ngày 20 tháng 5, một ngày trước khi nhà lãnh đạo Mỹ lên đường đến Hà Nội.

Lá thư bày tỏ quan tâm về việc nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục vi phạm các quyền con người được quốc tế công nhận, và nói rằng trong lúc Việt Nam muốn tăng cường các mối quan hệ với Mỹ, Tổng thống Obama nên nhân cơ hội này để đặt tiến bộ về nhân quyền như một điều kiện tiên quyết cho việc tăng cường quan hệ song phương.

Các thượng nghị sĩ Mỹ nói Việt Nam đang giam cầm hơn 100 tù nhân lương tâm và Tổng thống Obama nên gây sức ép để đòi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người này. Họ cũng đề nghị ông Obama gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người bảo vệ nhân quyền, các nhà tranh đấu dân chủ, các nhân vật bất đồng chính kiến và thân nhân của những nhà tranh đấu đang bị giam cầm. Họ cho rằng những cuộc gặp gỡ quan trọng này sẽ đánh đi một thông điệp rõ ràng cho chính phủ Việt Nam và những người bị họ đàn áp là nước Mỹ hậu thuẫn xã hội dân sự và sẵn sàng giao tiếp với người dân Việt Nam.

Ba ngày trước đó, khoảng 20 Dân biểu Mỹ cũng viết thư cho Tổng thống Obama để trình bày một yêu cầu tương tự như vậy. - VOA
|
|

4.
Ông Trump công kích bà Clinton về vấn đề súng ống

Ông Donald Trump, người nắm chắc sự đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà, đã công kích bà Hillary Clinton về các vấn đề liên quan tới súng ống sau khi nhận được sự ủng hộ của NRA, hiệp hội hàng đầu của phe bênh vực quyền sở hữu súng.

Bà Clinton, người dẫn đầu bên phe Dân chủ, đã đặt kiểm soát súng ống làm một trong những vấn đề ưu tiên khi vận động tranh cử. Hôm nay bà sẽ gặp cha mẹ của những đứa trẻ thiệt mạng vì bạo lực súng ống, trong đó có mẹ của Trayvon Martin, một thiếu niên da đen tay không ở Florida bị bắn chết năm 2012 dẫn tới một trong những vụ án hình sự được nhiều người theo dõi nhất nước Mỹ.

Tại cuộc họp của NRA ở Louisville, Kentucky, ngày hôm qua ông Trump nói bà Clinton muốn tước súng của người Mỹ ở những khu xóm có nhiều tội phạm, làm cho những người này không thể tự bảo vệ.

Bà Clinton nhiều lần nói rằng bà tán thành Tu chính án Thứ nhì, nhưng bà tin là phải cần có thêm các biện pháp bảo đảm an toàn - như tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng và cấm bán súng máy loại tấn công, để súng không lọt vào tay kẻ xấu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam không quay lưng lại với Trung Quốc, dù gần Mỹ’

Đó là nhận định của một tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan của Trung Quốc về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Barack Obama.

Trong bài bình luận đăng hôm 19/5, tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng việc “Việt Nam tiến lại gần hơn Mỹ là một tiến trình tự nhiên đối với việc phát triển nền kinh tế dựa vào xuất khẩu ở Đông Nam Á, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Hà Nội có ý định xa lánh Trung Quốc, vì điều đó sẽ làm tổn hại tới mối quan hệ kinh tế với một đối tác thương mại quan trọng”.

Ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc viết tiếp: “Phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa các lợi ích quốc gia, và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nội địa trong một loạt các lĩnh vực như dệt may, giầy dép và điện tử”.

“Tuy nhiên, không có bất kỳ lý do gì khiến Trung Quốc ghen tị hoặc hoảng sợ về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ,” tờ báo nhà nước Trung Quốc viết.

Tờ báo cũng dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tuần trước rằng Bắc Kinh “vui mừng chứng kiến Việt Nam phát triển quan hệ bình thường với Hoa Kỳ”.

Hoàn cầu Thời báo viết rằng sự tự tin của Trung Quốc xuất phát từ “mối quan hệ kinh tế gần gũi” với Hà Nội, cũng như Việt Nam “không thể quay lưng với một thị trường tiêu dùng nhanh chóng của Trung Quốc”.

“Nếu Hoa Kỳ tính dùng Việt Nam để khống chế Trung Quốc thì đó là điều vô vọng,” tờ báo viết.

Bài xã luận được đăng tải vài ngày trước chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.

Đây không phải là lần đầu tiên tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếng bình luận về quan hệ Việt – Mỹ.

"Sức ép chính trị"

Hồi tháng bảy năm ngoái, khi bình luận về chuyến công du mang tính lịch sử của Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, Hoàn cầu Thời báo viết rằng Hà Nội “đang chịu sức ép chính trị ngày càng tăng từ Mỹ mà về lâu dài sẽ là một thách thức đối với sự ổn định của Việt Nam”.

Tờ báo nói thêm: “Mối quan hệ thân cận hơn giữa Việt Nam và Mỹ một phần là nhằm đối phó với Trung Quốc, và kéo theo biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây áp lực lên cả ba phía, và khi đó, Việt Nam có thể trở thành kẻ chịu thiệt hại nhiều nhất”.

Việt Nam chưa lên tiếng về các bình luận do báo chí Trung Quốc về quan hệ Hà Nội - Washington.

Trong chuyến công du tới Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ gặp các quan chức hàng đầu của Việt Nam như Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. - VOA
|
|

6.
Washington và Hà Nội thảo luận việc đặt thiết bị quân sự Mỹ ở Việt Nam

Theo nguồn tin báo chí Anh, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam, Washington thương lượng với Hà Nội về việc đặt các thiết bị quân sự của Mỹ tại Việt Nam.

Tờ nhật báo Anh Financial Times hôm qua, 20/05/2016, trích lời các quan chức Mỹ, cho biết chính phủ hai nước đang thảo luận về việc sử dụng Đà Nẵng làm nơi lưu giữ các thiết bị có thể được sử dụng để ứng phó với các thiên tai trong khu vực.

Bãi biển Đà Nẵng, có vị trí chiến lược trên Biển Đông, là nơi đầu tiên mà quân đội Mỹ đổ bộ lên Việt Nam vào năm 1965, mở đầu cuộc can thiệp quân sự vào Việt Nam, kéo dài đến năm 1973.

Theo nhận định của Financial Times, việc thảo luận về việc đặt các thiết bị quân sự của Mỹ ở Việt Nam là một ví dụ của những thay đổi trong quan hệ giữa hai nước cựu thù, mà hiện đều quan ngại trước một nước Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và ngày càng hung hăng trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Thông tin về cuộc thảo luận nói trên được đưa ra vào lúc tổng thống Barack Obama sắp đến thăm Việt Nam lần đầu tiên từ ngày 23 đến 25/05.

Chương trình viếng thăm Việt Nam của ông Obama

Theo chương trình dự kiến do Nhà trắng thông báo hôm qua, tổng thống Obama sẽ đến Việt Nam vào đêm mai. Chương trình viếng thăm chính thức sẽ bắt đầu vào ngày thứ Hai 23/05 tại Hà Nội. Sau phần nghi lễ tiếp đón chính thức, tổng thống Mỹ sẽ hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang. Kết thúc cuộc họp, hai nhà lãnh đạo sẽ họp báo chung.

Tiếp đến tổng thống Obama sẽ lần lượt gặp chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên sẽ không có dạ tiệc của chủ tịch nước khoản đãi ông Obama mà chỉ có một buổi ăn trưa do chủ tịch Quốc hội khoản đãi ngày 23/05.

Như ông vẫn làm khi đi thăm bất cứ nước nào, sang ngày thứ Ba 24/05, tổng thống Mỹ sẽ gặp đại diện các tổ chức xã hội dân sự và đây sẽ là dịp ông Obama tái khẳng định cam kết của ông về nhân quyền. Và cũng như khi đi thăm các nước khác, tổng thống Obama cũng sẽ có một bài phát biểu gởi đến nhân dân Việt Nam.

Sau bài phát biểu này, ông Obama rời Hà Nội vào Sài Gòn và tại đây sẽ gặp một số nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Vào ngày cuối của chuyến viếng thăm, thứ Tư 25/05, tổng thống Mỹ sẽ tiếp các thành viên của Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á và sẽ có nhiều nói chuyện với giới trẻ Việt Nam và trả lời các câu hỏi của họ. - RFI
|
|

7.
Bầu cử Việt Nam: Kẻ hờ hững, người tẩy chay

Một số trí thức bày tỏ trên mạng những ‘lời tâm huyết’ và bức xúc về cuộc tổng tuyển cử bầu Đại biểu Quốc hội khóa 14 và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được tổ chức trên toàn quốc vào ngày mai (22/5).

Nhà thơ Bùi Chí Vinh vừa đăng trên trang cá nhân bài thơ mang tựa đề ‘Chúng tôi không bầu cho một thể chế xa dân’, trong đó có những câu:

Xin lỗi, tôi không trao cho ai quyền đại diện của tôi

Tôi là một “nhân dân nhỏ” giữa đồng bào “nhân dân lớn”

Tôi sống như cỏ cây giữa mưa chiều, nắng sớm

Không biết nói lời xảo ngôn, không thay màu đổi sắc tắc kè

Nhà thơ cho VOA Việt Ngữ biết từ trước tới nay ông không tham gia bầu cử, lý do là vì:

“Tôi không quan tâm đến chuyện này. Trước giờ vẫn không quan tâm, suốt cả chục năm nay rồi. Tôi chỉ quan tâm khi nào mà cuộc bầu cử mà người dân được quyền tự do bỏ phiếu, được quyền tự do chọn lựa người mình yêu mến, thì lúc đó tôi mới quan tâm. Còn cái này là hoàn toàn chỉ định, thành ra tôi không để ý”.

Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc hôm qua (20/5) cho biết sẽ có hơn 69 triệu cử tri Việt Nam trên toàn quốc tham gia cuộc tổng tuyển cử vào ngày mai, được chia ra gần 91.500 tổ bầu cử.

Báo chí chính thống trong nước ngày hôm nay đăng tải nhiều thông tin mang tính cổ vũ người dân đi bỏ phiếu cho ‘ngày hội lớn’ hay còn gọi là ‘ngày hội non sông’. Nhưng những nỗ lực trên dường như không khiến người dân quan tâm hơn đến bầu cử. Nhà thơ Bùi Chí Vinh cho biết:

“Tôi thấy hờ hững nhiều hơn. Tôi thấy trong lứa tuổi tôi trong giới văn nghệ, giới trí thức, giới cầm bút mà tôi tiếp xúc nhiều thì tôi thấy họ rất hờ hững với vấn đề này. Còn công nhân, nông dân thì tôi không tiếp xúc nhiều với họ, nhưng mà tôi biết rằng họ vẫn lo làm việc và sống. Nếu mà người ta đi bầu thì là chuyện cưỡng ép thôi, tức là tổ an ninh, tổ dân phố từ hệ thống phường, xã đến tận thôn, xóm, gần như là áp lực bắt người ta phải đến phòng đầu phiếu bầu cử. Còn người ta có gạch, hoặc xóa luôn, hoặc bỏ phiếu trắng thì đó là quyền của họ. Người ta làm điều đó vì để tránh hệ thống an ninh theo dõi họ thôi. Người dân người ta buộc phải làm như vậy”.

Trong khi đó, thông tin ‘lề trái’ từ công luận xuất hiện những lời kêu gọi ‘tẩy chay’ bầu cử hay ‘bầu cử là quyền, không phải là nghĩa vụ’, kêu gọi người dân hãy ý thức hơn về lá phiếu của mình.

Một số nhà hoạt động, vận động xã hội dân sự tại Việt Nam, cho biết họ đã được nhà chức trách mời làm việc trước khi ngày bầu cử diễn ra. Một trong số những người đó là anh Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội. Anh Tuyến cho VOA biết:

“Tối hôm qua tôi nhận được giấy mời. Trong giấy mời, họ ghi lý do là làm việc về an ninh của cuộc bầu cử. Tôi bảo tôi chỉ là cử tri thôi và tôi có quyền đi bầu. Tôi đi hay không là quyền của tôi. Còn an ninh là chuyện của những người làm công tác giữ gìn trật tự an ninh mùa bầu cử. Đấy là việc của họ. Tôi chả có việc gì phải làm việc với họ và tôi từ chối tôi không đi (họp)”.

Anh Tuyến nói “Giấy mời” làm việc đã khiến anh phải thay đổi ý định đi tham gia bầu cử của mình vì những quan ngại về an ninh cá nhân.

“Thực ra, tôi định đi bầu để thực hiện cái quyền của mình và điều quan trọng là muốn ra quan sát xem việc người dân đi bầu cử như thế nào, có đúng, có nghiêm túc không, nhưng việc họ gửi giấy mời làm việc liên quan đến an ninh của việc bầu cử thì tôi lại nghĩ lại. Bởi vì gần đây Đài truyền hình Việt Nam và một số đài truyền hình khác họ đang tiến hành một chiến dịch bôi nhọ chúng tôi, lấy hình ảnh và tên tuổi chúng tôi, họ cáo buộc chúng tôi kích động thế nọ thế kia, chụp mũ những tội danh rất nặng nề. Thế thì ngược lại, tôi suy nghĩ là phía an ninh Việt Nam họ không quân tử như những người như chúng tôi được, mà họ có thể đang giăng bẫy, họ có thể tạo những cái cớ rất bất ngờ mà tôi không tưởng tượng nổi, nên tôi nghĩ rằng tốt nhất là tránh xa ra, không dây với hủi. Cho nên ngày mai tôi sẽ quyết định tẩy chay, tôi không đi bầu cử nữa”.

Các lực lượng chức năng được cho biết đã chuẩn bị kỹ lưỡng để giám sát chặt chẽ tình hình trật tự, an ninh được thắt chặt ở các khu vực biên giới và những vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống nhằm ‘phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử’. Những khu vực này đã được bố trí để tiến hành bầu cử sớm vào sáng sớm hôm nay. - VOA

No comments:

Post a Comment