Tin Thế Giới
1.
Tân tổng thống Philippines muốn quan hệ thân thiện với Trung Quốc --- Tổng thống đắc cử Philippines muốn khôi phục án tử hình treo cổ
Ngày 15/5/2016, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông muốn có quan hệ thân thiện với Trung Quốc và khẳng định sẵn sàng đối thoại trực tiếp về các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Tuyên bố với báo chí, ông Duterte cũng cho biết ngày 16/05 gặp đại sứ Trung Quốc, đại sứ Nhật Bản và một đại sứ khác ở quê nhà Davao. Tuy nhiên, ông Duterte cho biết đại sứ Mỹ không có trong cuộc gặp lần này.
Tân tổng thống Philippines cho biết sẽ tiếp tục đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra giải quyết theo hướng đàm phán đa phương, nhưng nếu các thương lượng thất bại, ông sẽ chuyển sang đàm phán song phương. Trong nhiệm kỳ sáu năm của cựu tổng thống Aquino, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã xấu đi một cách nhanh chóng, do các tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông, ngay cả phần giáp với bờ biển của Philippines, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác. Năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough, một khu vực giàu tài nguyên thủy sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Chính quyền Aquino ngay sau đó đã ký một hiệp ước quân sự mới với Hoa Kỳ và kiện Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Thường trực. Thêm vào đó, ông Aquino muốn đa phương hóa các tranh chấp vì sợ Philippines bị nguồn lực và sức mạnh của Trung Quốc lấn át.
Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với những chiến thuật của ông Aquino, yêu cầu đàm phán song phương với Philippines, nhưng tuyên bố rằng sẽ không không từ bỏ một phần lãnh thổ nào. - RFI
***
Tổng thống mới được bầu của Philippines, ông Rodrigo Duterte, cho biết ông sẽ yêu cầu quốc hội nước này khôi phục án tử hình đối với các tội như hiếp dâm, cướp của, giết người và buôn lậu ma túy.
Trao đổi với các phóng viên, ông Duterte nói rằng ông ưa thích hình thức treo cổ hơn cả, vì cho rằng nó nhân đạo hơn.
Nhà lãnh đạo trực ngôn này cũng cho biết ông sẽ cho phép cảnh sát bắn chết bất kỳ thành viên của băng đảng tội phạm có tổ chức nào, nếu người đó chống lại lệnh bắt giữ.
Ông Duterte giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tuần trước sau khi vận động tranh cử với các cam kết sẽ mạnh tay với tội phạm trong sáu tháng đầu nắm quyền.
Các tổ chức nhân quyền cáo buộc ông là người giám sát “biệt đội thần chết” từng sát hại hơn 1.100 người trong khi làm thị trưởng Davao.
Ngoài vấn đề tội phạm, ông Duterte từng cho biết ông sẽ thương thảo với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông, và rằng ông sẽ cân nhắc trao các vị trí trong nội các cho các phiến quân cộng sản. - VOA
|
|
2.
Truyền thông Trung Quốc phớt lờ Cách mạng Văn hóa --- Tìm hiểu về cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc
Báo chí nhà nước Trung Quốc gần như phớt lờ sự kiện 50 năm ngày xảy ra Cách mạng Văn hóa, trong khi các trao đổi trên mạng xã hội về ngày này đã bị xóa.
Khoảng 1,5 tới 1,8 triệu người đã thiệt mạng trong 10 năm sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông hồi năm 1966 huy động đội Hồng vệ Binh đi trấn áp các phần tử “tư sản” đã xâm nhập vào chính phủ và xã hội.
Ngoài ra, còn có khoảng 36 triệu người là nạn nhân của đợt thanh trừng chính trị cho tới khi ông Mao qua đời năm 1976.
Chính phủ hiện vẫn không cho thảo luận công khai về các sự kiện, dù Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm 1981 từng đề cập tới giai đoạn này là “10 năm thảm họa”.
Tin cho hay, một số cuộc thảo luận về Cách mạng Văn hóa trên trang vi blog Weibo đã bị xóa.
Nhiều người bày tỏ quan ngại rằng một cuộc cách mạng tương tự có thể lại xảy ra trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục trấn áp các quan chức tham nhũng và tiếng nói bất đồng từ xã hội dân sự.
Một bình luận bị xóa viết: “Máu của Cách mạng Văn hóa vẫn chưa phai mờ; các thi thể vẫn còn ấm nóng. Phản bác những gì xảy ra trong Cách mạng Văn hóa vẫn là trách nhiệm của mọi công dân”.
Tờ Globe and Mail của Canada hôm nay đưa tin rằng các giáo sư và các tạp chí học thuật của Trung Quốc đầu tháng này đã nhận được thông báo cấm mọi cuộc thảo luận về Cách mạng Văn hóa.
Tuy nhiên, một số cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã đăng tải các bài viết đánh dấu ngày này.
Kênh truyền hình Pheonix hôm nay phát các cuộc phỏng vấn, trong đó hỏi các thanh niên họ sẽ dùng những từ gì để miêu tả Cách mạng Văn hóa.
Một số đã dùng những từ như “điên rồ”, “tai họa lớn”, “lý tưởng” và “xáo trộn”. - VOA
***
Hôm nay đánh dấu 50 năm ngày khởi đầu phong trào chính trị bạo động ở Trung Quốc gọi là cuộc Cách mạng Văn hóa.
Ai đứng sau chính sách này?
Lãnh tụ Cộng sản Mao Trạch Đông
Cuộc cách mạng văn hóa là gì?
Một chiến dịch chính trị xã hội dường như khởi đầu nhắm mục đích gợi lại nhiệt tình cách mạng trong dân chúng ở Trung Quốc. Chiến dịch chính trị cứng rắn đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh giai cấp, thúc đẩy học sinh sinh viên bạo động nổi loạn chống lại các giáo viên, hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp và ngay cả thân nhân quay ra chống đối lẫn nhau. Học sinh sinh viên được gửi đến các vùng nông thôn để học hỏi nông dân, và hàng triệu người khắp nước bị sỉ nhục trước công chúng.
Cuộc cách mạng chấm dứt khi nào?
Chiến dịch được coi là kết thúc với cái chết của Mao Trạch Đông vào ngày 9 tháng 9 năm 1976, và vụ Tứ nhân bang bị bắt sau đó.
Tứ nhân bang là gì?
Đó là một nhóm những phần tử hoạt động dưới sự lãnh đạo của Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, hành động dưới quyền chồng. 4 người này chịu trách nhiệm chính về việc lèo lái cuộc Cách mạng Văn hóa, và cả nước đi vào tình trạng hoàn toàn hỗn loạn. Họ đưa ra những chỉ thị chính trị và viết những bài phê bình các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và những người khác bị nhắm làm mục tiêu trong phong trào.
Cách mạng Văn hóa dẫn tới hậu quả gì?
•Trong thời gian 10 năm, hàng triệu người bị hành quyết, một số không rõ người bị giết hại và nền kinh tế bị phá hủy.
•Tứ nhân bang – gồm Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, và Diêu văn Nguyên đã bị đưa ra xử vào năm 1981. Giang Thanh và Trương Xuân Kiều bị án tử hình và sau đó cải thành tù chung tân. Vương Hồng Văn bị án tử hình và Diêu văn Nguyên bị án tù 20 năm. Diêu văn Nguyên là người cuối cùng chết vào năm 2005.
•Trong khi Đảng Cộng sản phần lớn làm lơ trước thời kỳ này, đường lối chính thức của đảng là ông Mao Trạch Đông “70 phần trăm là đúng và 30 phần trăm là sai.” Đảng cũng gọi chiến dịch này là “một tai họa tệ hại” và là “trở ngại nghiêm trọng nhất đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa kể từ năm 1949.” - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Tỷ phú Trump chĩa mũi dùi vào lãnh đạo Anh --- Truyền thông Mỹ tập trung vào mối quan hệ của ông Trump với phụ nữ
Ông Donald Trump cho biết nhiều khả năng ông sẽ không có mối quan hệ tốt đẹp với ông David Cameron vì Thủ tướng Anh từng coi ứng viên tổng thống Mỹ là một người “gây chia rẽ, ngớ ngẩn và sai lầm” vì đề xuất tạm thời cấm các tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Sau khi ông Trump đưa ra lời kêu gọi như vậy, ông Cameron chỉ trích tỷ phú bất động sản ngay tại quốc hội, và nói rằng ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa sẽ chỉ khiến Anh quốc đồng lòng chống lại nếu ông công du tới quốc gia này.
Trước câu hỏi quan hệ của ông với Thủ tướng Cameron sẽ ra sao nếu ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11 tới, ứng viên được cho là sẽ đại diện đảng Cộng hòa trả lời kênh ITV của Anh: “Dường như chúng tôi sẽ không có một mối quan hệ tốt đẹp. Tôi hy vọng có mối quan hệ tốt đẹp với ông ấy nhưng có vẻ như ông ấy cũng không muốn xử lý việc này”.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, ông Trump nói không quan tâm tới các bình luận của ông Cameron.
Hoa Kỳ là một đồng minh thân cận của Anh, và các nhà lãnh đạo từ hai nước thường lên tiếng về mối quan hệ song phương đặc biệt.
Còn về tân thị trưởng London, ông Trump cho biết lời chỉ trích ông “ngu dốt về Đạo Hồi” của ông Sadiq Khan đã khiến ông cảm thấy bị xúc phạm.
Tỷ phú Mỹ nói: “Ông ta không biết tôi, chưa từng gặp tôi, và không hề hay biết tôi là người như thế nào. Thành thật mà nói, tôi sẽ ghi nhớ những tuyên bố đó. Đó là những tuyên bố rất kinh tởm. Thật dốt nát khi nói vậy”.
Trước đó, ông Trump đã chúc mừng ông Khan đắc cử. Trả lời tờ New York Times, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa từng tuyên bố đặt ngoại lệ cho ông Khan, một tín đồ Hồi giáo, được tới thăm Mỹ. - VOA
***
Cách đối đãi của Donald Trump với phụ nữ theo năm tháng, từ những giám đốc mà ông ta thuê để điều hành hoạt động phát triển bất động sản của ông ta cho tới những người phụ nữ xinh đẹp mà ông ta theo đuổi, giờ là vấn đề mà truyền thông Mỹ đang tập trung tìm hiểu vào lúc ông ta sắp sửa trở thành người được đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Hai tờ báo hàng đầu của Mỹ, The Washington Postvà The New York Times, gần đây đều đăng những bài báo tìm hiểu chi tiết những mối quan hệ giữa ông Trump với phụ nữ. Nữ giới chiếm đa số cử tri của Mỹ mà ông Trump sẽ phải đối mặt trong cuộc bầu cử tổng thống toàn quốc vào tháng 10 khi đối đầu với người có thể được Đảng Dân chủ đề cử, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đang nỗ lực để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
The Post viết rằng suốt nhiều năm trong những năm 1990, ông Trump đã giả dạng làm người phát ngôn của chính mình, thường tự xưng là "John Miller" hoặc "John Barron" trong những cuộc gọi điện thoại với phóng viên khi ông ta khoe khoang về chiến tích tình trường của mình với phụ nữ trong khi vẫn còn kết hôn với người vợ đầu tiên trong ba người vợ của ông ta, Ivana Trump.
Trong một cuộc phỏng vấn được ghi âm, một người đàn ông tự xưng là người phát ngôn của ông Trump nhưng giọng nói nghe có vẻ như là giọng của ông ta, nói rằng: "Những nữ diễn viên cứ gọi đến xem họ có thể cặp kè với ông ấy được không." Người phát ngôn này khẳng định với nhà báo rằng ông Trump đối đãi tốt với vợ của mình cũng như với người bạn gái mới, Marla Maples, người trở thành vợ thứ hai của ông ta.
Trong cuộc phỏng vấn, Miller nhắc tới ông Trump bằng ngôi thứ ba, nhưng buộc miệng xưng “tôi” khi nói về một cuộc chinh phục của ông Trump. "Tôi nghĩ đó là, bạn biết đấy, cô ấy thật đẹp. Tôi có gặp cô ấy một lần, một cách chóng vánh và xinh đẹp...," ông ta nói trước khi tiếp tục cuộc trò chuyện bằng ngôi thứ ba.
Ông Trump phủ nhận giọng nói trong cuốn băng là của ông ta, nhưng ông ta đã từng khai chứng trong một vụ kiện tụng tại tòa án năm 1990 rằng ông ta "có vài lần" sử dụng danh xưng Miller.
The Times cho biết hơn 50 cuộc phỏng vấn mà họ thực hiện với những người phụ nữ mà ông Trump đã quen biết trong những năm qua "tiết lộ những nỗ lực lãng mạn không được hoan nghênh, bình luận không dứt về thân hình phụ nữ, sự trọng dụng những người phụ nữ đầy tham vọng, và ứng xử gây lo ngại ở nơi làm việc."
"Điều hiện ra từ những cuộc phỏng vấn là một bức chân dung phức tạp, đôi lúc mâu thuẫn, về một người đàn ông giàu có, nổi tiếng và khiêu khích cùng những người phụ nữ quanh ông ta, một bức chân dung khó có thể phân loại một cách đơn giản," bài báo viết. "Một số người phụ nữ thấy ông ta là người duyên dáng và hay khích lệ. Ông ta thăng chức vài người lên đến đỉnh cao chót vót của công ty ông ta, một hành động táo bạo đối với một nhà phát triển bất động sản lớn thời bấy giờ."
Tờ báo nói, "Ông ta vừa vun đắp cho sự nghiệp của phụ nữ lại vừa chế giễu ngoại hình của họ."
Một thí sinh tham gia cuộc thi sắc đẹp nhớ lại ông Trump giới thiệu bản thân với cô ta xong rồi đột ngột hôn "trực tiếp lên môi. Tôi nghĩ, 'Ôi Chúa ơi, kinh quá.'" Một quan chức công cử New York, một người phụ nữ, kể lại ông Trump từng cắt ngắn một cuộc gặp gỡ khi ông ta thông báo, "Tối nay tôi có cuộc hẹn hò tuyệt vời với một người mẫu cho Victoria 's Secret," một thương hiệu nội y của phụ nữ.
Khi vươn lên dẫn đầu một nhóm từng có tới 17 ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa, ông Trump thường mô tả mình là người ủng hộ quyền của phụ nữ. Ông ta gọi bà Clinton là "người tiếp tay" cho những hành động không chung thủy của chồng bà ta, cựu Tổng thống Bill Clinton.
Sau khi bài báo của The Times được đăng hôm Chủ nhật, ông Trump viết trên Twitter, "Mọi người tiếp tục gây sức ép lên Donald, nhưng họ không bao giờ có thể lấy đi là phiếu của chúng ta."
Trong dòng tweet khác, ông ta viết, "NYTimes làm ăn bết bát lại viết bài chửi tôi nữa. Ai nấy đều ngưỡng mộ tôi đối đãi phụ nữ tốt như thế nào, họ không tìm thấy gì cả. Trò hề!"
Khi được hỏi về những mối quan hệ của ông Trump với phụ nữ, Chủ tịch Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc Reince Preibus nói với đài ABC hôm Chủ nhật, "Đây là những thứ mà ông ta sẽ phải hồi đáp." Nhưng ông Priebus nói cử tri quan tâm nhiều hơn tới những gì ông Trump sẽ làm nếu là tổng thống.
"Tôi không nghĩ rằng Donald Trump đang được đánh giá dựa trên cuộc sống riêng tư của mình," ông Priebus nói. "Tôi nghĩ mọi người đang đánh giá Donald Trump là phải chăng ông ta sẽ là người sẽ tới Washington và khuấy động mọi thứ. Và đó là lý do vì sao ông ấy được ủng hộ nhiều như vậy."
Sáu tháng trước cuộc tổng tuyển tử toàn quốc, những cuộc khảo sát chính trị cho thấy bà Clinton đang dẫn trước với cách biệt sáu điểm phần trăm so với ông Trump. Người chiến thắng sẽ kế nhiệm Tổng thống Barack Obama khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau sau tám năm trong Tòa Bạch Ốc. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Biển Đông: Trung Quốc lại áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá
Kể từ hôm nay 16/05, và cho đến ngày 01/08/2016, lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc áp đặt hàng năm trên Biển Đông lại bắt đầu được thực hiện. Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã đã nhắc lại quyết định ban hành từ năm 1999, theo đó không một hoạt động đánh cá nào được phép trong "một phần vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" ở Biển Đông.
Vấn đề là lệnh cấm của Trung Quốc trùm lên cả những vùng biển mà các láng giềng của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, gây nên tình trạng căng thẳng giữa lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc với tàu cá của nước khác, trên nguyên tắc không cần phải tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh.
Theo một nguồn tin từ bộ Nông Nghiệp Trung Quốc vào đầu tháng 5 vừa qua, phạm vi áp dụng lệnh cấm đánh cá cực rộng, vì chạy từ vĩ tuyến 12 ngược lên phía bắc, đến tận vùng biển ở giữa hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Nguồn tin trên xác định vùng cấm đánh cá bao hàm cả khu vực bãi cạn Scaborough (Bắc Kinh đặt tên là Hoàng Nham) mà Trung Quốc đã giành lấy từ tay Philippines, nhưng không trùm lên phần lớn quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa).
Tác động của lệnh cấm này đối với ngư dân Việt Nam rất lớn vì khu vực Vịnh Bắc Bộ và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, vùng đánh cá truyền thống của cư dân miền Trung Việt Nam, mặc nhiên nằm trong vùng bị Trung Quốc cấm đánh bắt.
Một vấn đề đáng quan ngại là ngày 05/05 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp cảnh cáo rằng năm nay lệnh cấm đánh cá sẽ được thực thi một cách nghiêm khắc hơn, kể cả với các tàu thuyền nước ngoài. Theo thứ trưởng phụ trách ngư nghiệp tại bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, ông Dư Hân Vinh (Yu Xinrong), thì lực lượng lực lượng Hải Cảnh và các cơ quan chức năng đã được lệnh đảm bảo sao cho lệnh cấm được tôn trọng.
Với cùng một giọng điệu, Triệu Hưng Vũ, cục trưởng Cục Ngư Nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng tuyên bố là Bắc Kinh sẽ "đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật ở Biển Đông" không chỉ với tàu cá Trung Quốc mà cả với tàu cá nước ngoài.
Khi áp đặt lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông, Bắc Kinh lập luận rằng điều đó sẽ cho phép nguồn cá hồi phục sau khi bị khai thác quá mức. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, dưới vỏ bọc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một biện pháp dùng để áp đặt chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Giới quan sát đang lo ngại rằng nếu căn cứ vào các tuyên bố cứng rắn của các quan chức Trung Quốc, tình hình Biển Đông sẽ lại căng thẳng thêm lên do việc Bắc Kinh mượn cớ "thực thi pháp luật" chống lại các hoạt động đánh bắt cá bị họ cho là bất hợp pháp để khẳng định thêm quyền kiểm soát thực tế trên những khu khu vực Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.
Và như vây, những hành vi bắt bớ, tịch thu, thâm chí đâm chìm tàu cá nước ngoài trong thời gian sắp tới đây có nguy cơ gia tăng, mà nạn nhân đa số sẽ là ngư dân Việt Nam, chủ yếu là ở vùng miền Trung vốn quen ra đánh bắt tại vùng quần đảo Hoàng Sa, chỉ cách đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi chẳng hạn khoảng vài trăm cây số.
Ngư dân Philippines, quen đánh bắt tại khu vực bãi cạn Scarborough cũng sẽ lâm vào tình cảnh tương tự.
Trong bối cảnh các nước có tàu cá bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc hay tàu kiểm ngư Hải Nam sách nhiễu cũng có thể dùng đến lực lượng Cảnh Sát Biển của mình để bảo vệ ngư dân, thì khả năng xung đột nẩy sinh không thể loại trừ. - RFI
|
|
5.
Báo Mỹ nói gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama?
Chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama vào tuần tới đã khiến giới truyền thông Mỹ chú ý nhiều hơn tới các vấn đề trong quan hệ Việt-Mỹ.
Một số tờ báo có uy tín đã đăng bài xã luận nói lên quan điểm của họ về ý nghĩa của chuyến đi thăm Việt Nam, về vấn đề Tổng thống Obama nên đề cập những đề tài gì với giới lãnh đạo Hà Nội.
Báo New York Times số ra ngày 15/5 nói rằng trong khi đối với Tổng Thống Obama, chuyến đi này là một cơ hội để củng cố chính sách xoay trục sang Châu Á, và tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam, một quốc gia đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực, thì những hình ảnh quanh chuyến đi sẽ gợi nhớ lại thời kỳ chiến tranh và khơi lại những vết thương chưa lành đối với các chiến binh Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.
Tờ báo dẫn lời ông Chuck Hagel nói rằng ông đang chuẩn bị tinh thần để trực diện với những hình ảnh và những bài báo sẽ khơi lại những ký ức đau thương của thời chiến. Ông Hagel phục vụ 1 năm tại Việt Nam và cho rằng thời gian 12 tháng đó đã trở thành một thời kỳ quyết định trong cuộc sống của ông, và là một yếu tố trong mọi hành động của ông trong cương vị là một Thượng nghị sĩ và sau này một Bộ trưởng trong nội các.
Ông Hagel nói trong một cuộc phỏng vấn rằng hãy còn những “bóng ma của chiến tranh” sau hơn 40 năm từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, và cuộc chiến vẫn gây nhiều tranh cãi về Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Đối với một số cựu chiến binh khác, chuyến đi của Ông Obama là một cơ hội để nhắc nhở rằng đã hai thế hệ người Mỹ lớn lên từ sau cuộc chiến, và nên bỏ lại sau lưng những vấn đề của quá khứ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến đi này, Tổng Thống Obama có phần chắc sẽ hướng về tương lai nhiều hơn là quá khứ, ông sẽ đề cập tới Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, ca ngợi sự hợp tác giữa hai nước về vấn đề dọn sạch những tàn tích của chất độc Da Cam, một trong những vấn đề quan trọng đối với Việt Nam.
Nhưng nhiều cựu chiến binh như ông Bobby Muller, một cựu chiến binh bị thương tật và sau đó trở thành một nhà hoạt động phản chiến, vẫn bày tỏ giận dữ đối với hai nhà cựu lãnh đạo Mỹ thời chiến là Tổng Thống Richard Nixon và cố vấn thân cận nhất của ông Nixon là Henry Kissinger.
Một trong những vấn đề khúc mắc trong mối quan hệ hai bên là niềm tin nơi một số cựu chiến binh Mỹ, rằng hiện vẫn còn một số quân nhân Mỹ bị cầm giữ tại Việt Nam. trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu vừa rồi, một số tổ chức cựu chiến binh đòi Tổng Thống Obama phải nêu câu hỏi trực tiếp với giới lãnh đạo Việt Nam, liệu có còn tù binh Mỹ còn sống ở Việt Nam hay không?
Một trong các vấn đề gây tranh cãi khác, là vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tờ Washington Post hôm 13/5 đăng một bài báo với hàng tít "Ông Obama nên nói gì ở Việt Nam?” nói rằng trong khi tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là một bước hợp lý trong bối cảnh cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng Thống Obama cần nhấn mạnh phải có những cải thiện thực sự về nhân quyền trước khi tiến hành với việc này.
Theo tờ báo, Việt Nam còn cần phải sửa đổi một số điều khoản trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam vẫn được sử dụng để bắt bớ, bỏ tù nhiều blogger, nhà báo và các nhà hoạt động dân chủ khác.
Washington Post cũng yêu cầu Tổng Thống Obama gặp gỡ một số nhà hoạt động đang bị sách nhiễu, đòi Hà Nội phải trả tự do cho Hoà Thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, mới đây đã viết một lá thư gửi tới Tổng Thống Obama yêu cầu ông hãy “lên tiếng cho hàng ngàn người Việt Nam” đang bị trừng phạt vì đòi quyền tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.
Những gì nhà lãnh đạo Mỹ nói về vấn đề này, theo tờ báo là quan trọng, bởi vì Việt Nam không thể chỉ nhận mà không phải trả bất cứ giá nào.
Bài xã luận của báo New York Times hôm 14/5 nói “Hãy còn quá sớm để tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” với những lập luận tương tự. Bài xã luận nói rằng Tổng Thống Obama không nên cảm thấy bị buộc phải thoả mãn tất cả những đòi hỏi của chính quyền độc tài ở Việt Nam, mà phải cân nhắc và bảo đảm Việt Nam phải có những bước đáng tin cậy để giải quyết những hành động đàn áp nhân quyền.
Bài xã luận nói nếu Tổng Thống Obama tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thì quốc hội nên thận trọng hơn. Giấy phép bán vũ khí cho Việt Nam phải được quyết định trên căn bản từng trường hợp một, như đối với tất cả các nước khác. - VOA
|
|
6.
Đài VN: 'Thế lực phản động' giật dây biểu tình về môi trường --- Ông Huỳnh Ngọc Chênh một mình tọa kháng
Các cuộc biểu tình phản đối vấn đề ô nhiễm môi trường và gây áp lực với nhà nước Việt Nam phải minh bạch về nguyên nhân gây ra thảm hoạ cá chết hàng loạt ở miền Trung vẫn diễn ra hôm qua tại tại Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An, Huế, Vũng Tàu…
Hãng tin Reuters đăng một bài báo hôm nay tường thuật rằng đài truyền hình nhà nước Việt Nam VTV đã đưa ra một cảnh báo cho công chúng hôm qua, kêu gọi họ hãy bỏ ngoài tai những kêu gọi “của các thế lực phản động”, khích động họ tham gia biểu tình, và khuyến cáo dân chớ để bị lợi dụng trong “âm mưu lật đổ chính quyền”.
Reuters trích dẫn một chương trình truyền hình 11 phút trên đài VTV, tiết lộ tên tuổi và hình ảnh của các nhà bất đồng chính kiến và blogger được nhiều người biết tiếng, nói rằng họ đang tìm cách lừa gạt công chúng để gây rối đối với chính quyền, với sự yểm trợ và tài trợ của các tổ chức nước ngoài.
Trong khi đó trang mạng Dân Làm Báo đăng nhiều hình ảnh tường thuật về sự hiện diện hùng hậu của lực lượng an ninh và công an, và cảnh nhiều nhả hoạt động tích cực ủng hộ dân chủ, nhân quyền được biết tiếng bị hành hung.
Các biện pháp an ninh được siết chặt tại Hà Nội và Sài Gòn để ngăn chận các cuộc biểu tình lớn, nhưng những cuộc biểu tình nhỏ hơn và các cuộc toạ kháng vẫn diễn ra. - VOA
***
Một bức ảnh được người dân Sài Gòn ghi lại trong chiều 15/5 tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ngồi tọa kháng tại đây và được một số người mặc thường phục đưa đi.
Trước đó, ông Huỳnh Ngọc Chênh công bố ông sẽ tọa kháng vào ngày 15/5 với biểu ngữ: "Cứ đánh vào mặt tôi! Nhưng hãy trả lại cho dân cá sạch/biển sạch/môi trường sạch".
Bức ảnh chụp lại ba người đàn ông giữ và đưa ông Chênh rời khỏi khu vực. Các nguồn tin cho biết sau đó ông Chênh đã được trả tự do vào đêm 15/5.
Tác giả Bùi Dzũ, người chụp bức ảnh nói ông "đang ăn" trong một quán gần khu vực đó và thấy sự việc nên chụp lại.
Tối 15/5, báo Thanh Niên tại Việt Nam đưa tin phố đi đi bộ Nguyễn Huệ "tạm dừng các hoạt động và lưu thông" để "duy tu bảo dưỡng định kỳ". Một người dân Thành phố Hồ Chí Minh quay lại quang cảnh khu vực này vắng người, bị chặn rào, có nhiều lực lượng an ninh xuất hiện tại đây vào buổi chiều.
Đây cũng là khu vực được cho là sẽ có người đến biểu tình đòi làm rõ hiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam trong tháng vừa qua.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh là cựu thư ký tòa soạn báo Thanh Niên tại Việt Nam.
Ông được trao Giải Công dân Mạng 2013 do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF và Google vinh danh.
Ông Chênh bắt đầu viết blog từ năm 2008 về các chủ đề nhân quyền, vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề người đọc tại Việt Nam quan tâm.
Ba tuần vừa qua, vào các Chủ Nhật 1/5, 8/5 và 15/5 đã diễn ra các cuộc tuần hành quy mô lớn nhỏ khác nhau tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam. - BBC
No comments:
Post a Comment