Tuesday, May 17, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 17/5

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc tuyên bố không hề "chiếm" bãi Scarborough của Philippines

Trong chiến dịch tuyên truyền cho lập trường của mình về Biển Đông, đặc biệt là tại Mỹ, đại sứ quán Trung Quốc ở Washington vừa lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ không nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh đồng thời khẳng định là bãi ngầm Scaborough - mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham - không phải là của Philippines.

Trong bản tin 17/05/2016, Tân Hoa xã phổ biến lá thư của sứ quán Trung Quốc ở Washington với nhan đề « Khiêu khích tại biển Hoa Nam », trong đó phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc phản bác bài xã luận « Những hòn đá nguy hiểm ở Nam Hải » trên nhật báo Mỹ  Washington Post ngày 09/05 đã nêu bật sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Scarborough của Philippines cách nay bốn năm.

Phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc cho là « đảo Hoàng Nham » nằm ngoài giới hạn lãnh thổ của Philippines là kinh độ 118 , theo Công Ước Paris 1898, Công Ước 1900 giữa Washington và Luân Đôn cũng như theo quy định của Hiến Pháp Philippines.

Cũng theo lập luận này, « tất cả các đảo của Trung Quốc » đều nằm ở phía tây kinh độ 118, do vậy « Hoàng Nham » là của Trung Quốc.

Phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc dành đòn thứ hai đánh vào Hoa Kỳ : Washington không nên làm « tảng đá nguy hiểm ở biển Hoa Nam ».

Cũng trong chiến dịch dọn đường chờ phán quyết của Toà án trọng tài La Haye, Bắc Kinh vận động Kabul qua chuyến công du của thủ tướng Lý Khắc Cường ngày hôm nay 17/05. Theo bộ ngoại giao Trung Quốc, chính phủ Afghanistan tuyên bố « ủng hộ » lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tháng trước, Bắc Kinh cũng khẳng định được Cam Bốt ủng hộ nhưng ngay sau đó, Phnom Penh cải chính. - RFI
|
|

2.
Giới chức cấp cao Trung Quốc thăm Hồng Kông

Giới chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Hồng Kông trong vòng 4 năm ngày hôm nay đã hứa sẽ lắng nghe tất cả các đề xuất và yêu cầu trong mọi lĩnh vực xã hội. Ông Trương Đức Giang, Chủ tịch cơ quan lập pháp của Trung Quốc và là giới chức cấp cao đầu tiên đến từ Bắc Kinh kể từ các phong trào biểu tình Chiếm Trung ủng hộ dân chủ vào năm 2014. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA tường thuật.

Hàng ngàn cảnh sát đã được bố trí, đường phố bị chặn lại, và thậm chí những viên đá lót đường cũng được gắn chặt để không cho người biểu tình sử dụng chúng. Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, ông Trương sẽ đến dự một hội nghị kinh tế, gặp gỡ các nhà lập pháp, bao gồm một số ít các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, và ăn tối với Trưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh, là vị trí sẽ được thay thế trong kỳ bầu cử vào năm 2017.

Ông Willie Lam, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Trường đại học Trung Văn tại Hồng Kông, nói với đài VOA:

“Sắp có cuộc bầu cử nghị viện quan trọng vào tháng 9 và cuộc bầu cử trưởng quan hành chánh vào tháng 3 năm tới, nên một trong những nhiệm vụ quan trọng của ông Trương là chấp thuận các ứng cử viên tiềm năng và đồng thời quyết định xem liệu có nên để trưởng quan hành chánh đương nhiệm Lương Chấn Anh làm nhiệm kỳ thứ hai hay không”.

Ông Lam cho rằng rằng việc kêu gọi độc lập khỏi Bắc Kinh hiện nay gắn kết với điều mà ông gọi là sự chống đối ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các kêu gọi cải cách chính trị.

“Hầu hết người Hồng Kông nhận ra rằng trên thực tế, chuyện Hồng Kông độc lập khỏi Trung Quốc là không thể, nên trong thời điểm này, câu hỏi về việc tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai của Hồng Kông đã thu hút sự chú ý của giới trẻ, các sinh viên và có thể là một số trí thức cấp tiến. Điều thú vị là Bắc Kinh muốn khuấy động cuộc tranh luận về văn hóa bản xứ của Hồng Kông để tạo một cái cớ để đàn áp phong trào dân chủ”.

Ông Willy Lam cho biết, kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức ba năm rưỡi trước, đã xảy ra điều mà ông gọi là một cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào tự do ngôn luận và các phương tiện truyền thông tại Hồng Kông. Ông cho rằng cái gọi là mô hình “một quốc gia, hai chế độ” là một thất bại và nói rằng chiến thắng của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan là kết quả trực tiếp của cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc đối với những phong trào đòi được độc lập nhiều hơn với Bắc Kinh. Bà Thái Anh Văn sẽ lên nhậm chức vào ngày 20 tháng này. - VOA
|
|

3.
Tư lệnh TQLC: Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông

Tướng Robert Neller, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, hôm 16/5 nói Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Biển Đông có nhiều tranh chấp, kể cả tuần tra vì tự do hàng hải, là những cuộc hành quân liên tục bị Trung Quốc chỉ trích.

Phát biểu của ông Nellers xuất hiện sau khi Ngũ Giác Đài hôm 13/5 công bố phúc trình nêu chi tiết về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc ở vùng tranh chấp.

Tướng Neller nói: “Về ngắn hạn, chúng ta phải có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của chúng ta theo hiệp ước và thực thi các quyền chủ quyền của chúng ta theo luật quốc tế để đi qua các vùng biển. Và chúng ta sẽ thấy những điều đó đưa chúng ta đến đâu. Hy vọng điều đó tạo ra ổn định, không phải là bất ổn”.

Tờ Thời báo Hải quân tường thuật rằng ông Neller cũng cho hay Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế và xây dựng lòng tin với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông lưu ý rằng “một số nước” đang thúc đẩy các lợi ích của họ ở Biển Đông bằng cách cố dịch chuyển các ranh giới song vẫn tránh xung đột.

Tin cho hay ông Neller phát biểu rằng: “Một số nước tìm cách lợi dụng hoặc làm những việc chưa đến mức gây xung đột. Họ rất khéo léo, tính toán kỹ, nhưng họ không giúp cho ổn định của khu vực”.

Biển Đông có nhiều tranh chấp lâu nay. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền về phần lớn hoặc từng phần của vùng biển.

Ngũ Giác Đài mới đây cho hay Bắc Kinh trong 2 năm qua đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu đất tại 7 thực thể họ chiếm đóng ở Biển Đông. Mỹ đã điều một số tàu hải quân đi vào Biển Đông, thực hiện hành quân tự do hàng hải, làm Trung Quốc tức giận. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ-Cuba lập nghị trình đẩy mạnh quan hệ song phương

Người phụ trách các vấn đề đối ngoại với Mỹ tại Bộ Ngoại giao Cuba nói hai nước có “một nghị trình làm việc đầy tham vọng” để thúc đẩy các nỗ lực tan băng trong các quan hệ song phương trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng Thống của ông Obama.

Sau một cuộc họp với các giới chức Mỹ ở La Havana hôm qua, bà Josefina Vidal nói hai bên đang làm việc hướng tới hợp tác trong lĩnh vực thực thi luật pháp, y khoa và nông nghiệp.

Các cuộc họp giữa hai bên vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay giữa Phó Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas và các giới chức của Bộ Nội vụ Cuba, để thảo luận các nỗ lực chống các tội buôn ma tuý, tin tặc, khủng bố và di dân bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao cho hay các buổi họp tương lai sẽ liên quan tới nhân quyền và việc giải quyết các khiếu nại về tài chính.

Hoa Kỳ và Cuba nối lại quan hệ bang giao hồi tháng Bảy năm ngoái sau 54 năm gián đoạn.

Mối quan hệ đó đã tiến thêm một bước quan trọng với chuyến đi thăm Cuba của Tổng Thống Obama hồi tháng Ba vừa rồi.

Bà Vidal nói những tiến bộ sẽ tuần tự, nhưng điều quan trọng là tiến trình bình thường hoá bang giao đã khởi sự. Bà bày tỏ hy vọng rằng bất cứ ai sẽ làm chủ Tòa Bạch Ốc sau cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các quan hệ với Cuba. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bí thư Thăng cảnh báo 'cách mạng cá' --- Người biểu tình bị 'tạm giữ' ở TP. HCM

Bí thư TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng tuyên bố không chấp nhận "lợi dụng cá chết để kích động, gây rối" nhằm làm "cách mạng cá", theo truyền thông Việt Nam.

Trang VnExpress dẫn lời ông Thăng nói như vậy tại buổi nói chuyện với Sư đoàn bộ binh 9 và dẫn thêm:

"Chúng ta không che giấu nguyên nhân cá chết, các nhà khoa học Việt Nam phải phối hợp với các nhà khoa học quốc tế điều tra rõ ràng và công bố công khai cho người dân biết.

"Tuy nhiên, cần phải có thời gian, không thể nóng vội."

Các cuộc xuống đường và tọa kháng, có lúc lên tới hàng ngàn người tham gia, đã diễn ra trong ba ngày Chủ nhật vừa qua và có cáo buộc lực lượng an ninh đã dùng những người mặc thường phục ngăn cản và trấn áp.

Ông Đinh La Thăng đã không lên tiếng ngay sau cuộc biểu tình đông đảo và nhiều va chạm nhất hôm 8/5.

Báo Tuổi Trẻ ngày 9/5 vẫn dẫn lời ông yêu cầu phải "rà soát tất cả tiệm cầm đồ".

Nhưng vài ngày sau dường như vị bí thư đã thấy cần phải gửi thông điệp cứng rắn tới những người có ý định xuống đường.

Hôm 15/5/2016, báo Thanh Niên đưa tin ông Đinh La Thăng cùng một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 14 đã tiếp xúc với cử tri ở huyện Hóc Môn, TP HCM và nói: "Cùng với việc quản lý chặt, xử lý nghiêm những kẻ đưa thông tin kích động, người dân cần phải cảnh giác với những thông tin bôi nhọ, lợi dụng việc bảo vệ môi trường, biển đảo để kích động biểu tình, âm mưu lật đổ Đảng và Nhà nước, làm rối ren tình hình kinh tế, xã hội."

'Trấn áp không đúng pháp luật'

Trước đó, trong chương trình tọa đàm bàn tròn thứ Năm hôm 12/5 của BBC, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cả hai lãnh đạo của Hà Nội và TP HCM có thể đã chịu sự chỉ đạo của cấp trên trong các diễn biến được cho là mạnh tay và cứng rắn với các cuộc biểu tình nhân vụ cá chết hàng loạt.

Giáo sư Thuyết nói: "Tôi cho rằng để xảy ra vụ việc ở Formosa, vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, và điều tra chậm, công bố các nguyên nhân chậm, xử lý chậm, thì đấy là trách nhiệm của cấp cao nhất là Chính phủ. 

"Còn việc xảy ra các việc trấn áp một cách rất mạnh tay và không đúng pháp luật đối với người dân ở hai thành phố thì chắc chắn là hai vị đứng đầu của hai thành phố không thể thoái thác trách nhiệm.

"Nhưng tôi hiểu ở đây có thể có những chỉ đạo ở cấp cao hơn cả hai ông đứng đầu thành phố. Nhưng tôi muốn nói như thế này, đã là người đứng đầu thành phố, thì mình phải có chủ kiến và mình phải chịu trách nhiệm, sẵn sàng chịu trách nhiệm về chủ kiến của mình."

Ông Thuyết nhắc lại việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi còn là Chủ tịch TP HCM sau năm 1975 đã "dám sử dụng quan chức cao cấp của chính quyền cũ" bất chấp quan điểm "hẹp hòi" của Việt Nam khi đó.

Giáo sư Thuyết nói thêm: "Ông ấy sẵn sàng bị kỷ luật vì việc sử dụng người như thế nhưng nhận thức của ông đã vượt lên suy nghĩ của nhiều người ở thời đại mà ông sống và ông quyết làm việc ấy vì lợi ích chung của đất nước." - BBC

***
Một số nhà hoạt động và người dân ở Việt Nam nói người thân của họ bị “tạm giữ” sau động thái biểu tình ngày 15/5 và vẫn chưa được thả.

Từ TP. HCM, cô Võ Dương Mỹ Trinh, em gái của ông Võ Chí Đại Dương nói với BBC: “Gia đình tôi biết anh Đại Dương bị bắt sáng 15/5, lúc ngồi ở khách sạn New World thì anh bị bắt. Lúc đó có một số bạn bè anh báo cho gia đình biết. Đến nay anh đã bị bắt hơn hai ngày trời rồi.

"Anh Dương bị đưa về phường Bến Nghé, di dời về phường Bến Thành. Sau đó anh bị đưa về trung tâm hỗ trợ xã hội.”

Cô nói: "Bố tôi có đi lên gặp mặt bảo lãnh nhưng công an không cho anh về."

"Anh Đại Dương bị nhốt trong xe, đưa về Lâm Đồng lúc 10 giờ 30 sáng nay. Khi ngồi trong xe anh có đập cửa xe khi nhìn thấy tôi.”

Nhiều nhà hoạt động và thân nhân của những người biểu tình đã tập trung về Trung tâm Hỗ trợ Xã hội tại Quận Bình Thạnh, TP. HCM để chờ bảo lãnh và chờ tin người thân.

Ông Tuệ Nguyên, một người Chăm ở Ninh Thuận nói người bạn tên Đàng Ngọc Thủy “bị bắt lúc 16 giờ ngày 15/5”.

Ông Thủy kể: "Khi gọi vào số điện thoại của Thủy, có người xưng là công an bắt máy và xác nhận Thủy đang ở Trung tâm Hỗ trợ Xã hội ở Nơ Trang Long, Bình Thạnh, và nói anh có thể đến bảo lãnh. Sáng hôm qua chúng tôi có đến và vào hỏi, nhưng họ nói đang họp không thể giải quyết."

"Sáng sớm hôm nay tôi đến làm việc với họ và họ nói Đàng Ngọc Thủy không có ở đây. Chúng tôi vẫn kiên quyết hỏi và cuối cùng họ thừa nhận Thủy có ở đây."

Ông Tuệ Nguyên nói ông sẽ tiếp tục chờ ở cửa trung tâm cho đến khi có tin của ông Đàng Ngọc Thủy.

'Đối xử tệ'

Ông Cao Trần Quân, một trong những người tham gia biểu tình vì vấn đề cá chết, cũng bị tạm giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/5. Ông được trả tự do vào 7 giờ tối ngày 16/5.

Kể lại sự việc, ông nói với BBC: “Tôi bị bắt vào lúc 4h30 ngày 15/5 vì lý do chụp hình quay phim. Lực lượng bắt tôi là an ninh phường Nguyễn Thái Bình ở công viên 23/9, Quận 1, và khu vực Phạm Ngũ Lão. Tôi được chuyển đến trung tâm hỗ trợ xã hội và bị giam 27 tiếng.”

“Tôi vẫn còn đau nhức lúc bị đánh đưa về phường,” ông cáo buộc sau khi được trả tự do.

"Có nhiều người hỏi lý do chính đáng để bị giam, thì không được trả lời, và bị dùng roi điện và dùi cui để trấn áp."

"Một phòng có khoảng 13 - 15 người. Nhiều bạn từ 20 - 40 tuổi. Họ cũng có cùng lý do là thấy đông người, biểu tình ôn hòa, họ quay phim chụp hình, hoặc đi ngang qua cũng bị bắt," ông Cao Trần Quân nói.

BBC chưa liên hệ được với đại diện chính quyền TP. HCM để có bình luận.

Các cuộc biểu tình vì vấn đề cá chết tại miền Trung Việt Nam đã diễn ra vào ba ngày cuối tuần ở một số địa phương tại Việt Nam.

Trong ngày Chủ Nhật 15/5, dư luận trên mạng xã hội nói hàng loạt các địa điểm diễn ra biểu tình tại Sài Gòn “bị ngăn chặn”. Cũng xuất hiện một số video clip quay lại các cảnh người biểu tình bị bịt miệng dẫn đi và có xảy ra “xô xát”. - BBC
|
|

6.
Việt Nam và Nga tăng cường hợp tác khai thác dầu khí

Nhân chuyến công du Nga của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tập đoàn PetroVietnam và tập đoàn Gazprom vào hôm qua 16/05/2016 đã ký một số bản ghi nhớ nhằm mở rộng việc hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Buổi ký kết diễn ra tại Mátxcơva dưới sự chứng kiến của thủ tướng Việt Nam và đồng nhiệm Nga Dmitri Medvedev.

Chủ tịch tập đoàn Gazprom Alexey Miller và chủ tịch tập đoàn PetroVietnam Nguyễn Quốc Khánh đã ký một số bản ghi nhớ về hợp tác trên các dự án dầu khí mới ngoài khơi.

Về các dự án dầu khí mới, hai tập đoàn sẽ xem xét các cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, và phát triển, bao gồm cả các hoạt động liên doanh trong các dự án mới ở những lô dầu khí đã được cấp phép ở thềm lục địa Việt Nam cũng như các dự án ở các nước thứ ba.

Về dự án nhà máy điện dùng nhiên liệu khí đốt, hai bên dự kiến sẽ dùng khí đốt khai thác từ các dự án chung ngoài khơi và khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) từ tập đoàn Gazprom.

Hiện nay, liên doanh Vietgazprom đang khai thác ở các lô 112 và 129-132 ở thềm lục địa Việt Nam.

Gazprom và PetroVietnam đã thực hiện chương trình hợp tác đào tạo từ năm 2012. Chương trình dự kiến kết thúc vào năm 2017 cũng đã được kéo dài thêm bằng một văn bản bổ sung.

Việt Nam đã gia tăng các hoạt động khai thác dầu khí, thu hút các nhà đầu tư lớn quốc tế (Mỹ, Nga, Pháp) trong lĩnh vực năng lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một lý do nữa là Việt Nam muốn một sự hiện diện quốc tế ở Biển Đông.

Trong những thập niên qua, Việt Nam nổi lên là một nước xuất khẩu dầu và khí tự nhiên quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Dự trữ khí tự nhiên của Việt Nam vào cuối năm 2015 là 24,7 ngàn tỷ m3. Lượng khí tự nhiên khai thác năm 2015 là 376 tỷ m3. - RFI

No comments:

Post a Comment