Tuesday, May 31, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 31/5

Tin Thế Giới

1.
Nga lên án kế hoạch tăng cường phòng thủ ở Đông Âu, vùng Baltics của NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày hôm qua nói “hội nghị thượng đỉnh dấu mốc” sắp tới sẽ tăng cường sự phòng vệ của liên minh và ngăn chận sự có mặt của Nga tại Đông Âu và vùng Baltics. Ông đang thăm Ba Lan trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw. Trong khi đó, Hội nghị Nghị viện NATO tại thủ đô Tirana của Albania kêu gọi các thành viên của liên minh ủng hộ mạnh mẽ các nước thành viên ở phía nam và phía đông  tin rằng an ninh của họ đang bị đe dọa. Một đại diện của Nga tại NATO ở Brussels cáo buộc tổ chức này đang dùng lại những phương thức của thời Chiến Tranh Lạnh.

Nga đang tập trận tại một vài vùng, trong đó có những vùng gần biên giới Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic. Các giới chức nói các lực lượng quân sự đang được huấn luyện để duy trì tư thế sẵn sàng cao độ nhằm ứng phó với những kế hoạch của NATO để điều động lực lượng gần biên giới Nga. Nga cũng nói sẽ điều động máy bay ném bom tầm xa, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, đến Crimea, bán đảo tại Hắc Hải thuộc Ukraine mà Nga đã sáp nhập cách đây một năm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg loan báo liên minh này sẽ điều động một lực lượng luân chuyển trú đóng tại sườn phía đông của NATO, nhất là tại Ba Lan và vùng Baltics.

“Mọi việc chúng tôi làm có tính cách phòng vệ và tương xứng, và tuyệt đối phù hợp với những cam kết quốc tế của chúng tôi.”

Moscow bác bỏ lập luận này và đe dọa đáp trả bất cứ sự điều động nào của NATO đến những nước thuộc khối Xô Viết cũ. Trong chuyến viếng thăm Hy Lạp vào tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích NATO thiết lập lá chắn phi đạn tại Romania.

“Làm thế nào mà việc này lại không có gây nguy hại cho chúng tôi? Dĩ nhiên là có. Do đó, chúng tôi bị buộc phải phản ứng thích đáng và nếu ngày hôm qua, những phần đất này tại Romania không biết cảm giác bị nằm trong tầm ngắm là như thế nào, thì hiện nay chúng tôi phải có những biện pháp để đảm bảo an ninh của chúng tôi.”

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng phản ứng của Nga đối với lá chắn phi đạn là quá đáng.

“Tôi nghĩ là Tổng thống Putin nhận thức được điều tôi thấy trong tuyên bố của ông là một bình luận có tính cách nghi thức về tình hình hiện nay. Đây là điều đã được thảo luận từ nhiều năm nay và không có gì đáng ngạc nhiên cả.”

Tại một cuộc họp ở Albania ngày hôm qua, người đứng đầu Hội nghị Nghị viện NATO, ông Mike Turner, cảnh báo là xâm lấn của Nga phải được ngăn chận.

“NATO, Liên hiệp Châu Âu và ngay cả Nga đã cùng nhau làm việc để vượt qua những chia rẽ và tranh chấp tại Nam Tư cũ. Kể từ đó Moscow đã quyết định là những lợi ích của Nga được phục vụ tốt hơn bằng cách chống lại chúng ta, thay vì làm việc cùng với chúng ta, và để có thể ảnh hưởng đến tình hình thế giới Nga đã quyết định là họ phải phá hoại và chia rẽ những nước khác và thậm chí họ còn dùng vũ lực để chống lại các nước láng giềng.”

Đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grusko cáo buộc liên minh đang dùng những phương pháp của thời Chiến tranh Lạnh trong các vấn đề an ninh. Trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày hôm nay trên nhật báo Rossiyskaya Gazeta, ông công nhận là “xu thế tiến về phía tệ hại hơn nữa của các mối quan hệ vẫn chưa chấm dứt.” - VOA
|
|

2.
Lực lượng Iraq mở cuộc hành quân chiếm lại Fallujah

Các lực lượng an ninh Iraq mở cuộc hành quân hôm 30/5 để chiếm lại thành phố Fallujah từ tay Nhà nước Hồi giáo. Các chỉ huy quân sự cho hay các cuộc tấn công tại nhiều điểm khác nhau đã diễn ra tại cứ địa này của các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo.

Một binh sĩ của lực lượng đặc biệt Iraq nói với đài VOA qua điện thoại rằng: “Các lực lượng đặc biệt của Iraq và các cuộc hành quân đặc biệt tiến vào thành phố, chiếm lại từng khu phố một và giao các khu vực được giải phóng cho cảnh sát, quân đội và các tình nguyện viên.”

Các tình nguyện viên đa số thuộc nhóm Hashd al Shaabi, một nhóm đa số là dân quân Shia hợp tác với chính phủ.

Binh sĩ của lực lượng đặc biệt Iraq nói với đài VOA: “Từng bước một, chúng tôi tiến chiếm và giương cờ Iraq lên. Có nhiều binh sĩ thuộc các lực lượng đặc biệt và các lực lượng tham gia cuộc hành quân đặc biệt của Iraq thiệt mạng trong các vụ pháo kích bằng súng cối và bom đạn. Không có giao tranh giáp lá cà.”

Binh sĩ này nói nhiều chiến binh Nhà nước Hồi giáo bị hạ sát, một số bị bắt sống và đang bị thẩm vấn.

Từ lúc giao tranh khởi sự, có những lo ngại về thường dân bị kẹt bên trong thành phố do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Mỹ đến Paris, hy vọng tái khởi động hoà đàm Trung Đông

Với việc tân bộ trưởng quốc phòng Israel, một người có chủ trương dân tộc cực đoan, tuyên bố hậu thuẫn cho giải pháp hai quốc gia, các nhà phân tích cho rằng cuộc họp cấp bộ trưởng sắp diễn ra ở Paris nhắm chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine có thể làm cho Israel nhượng bộ đôi chút để làm cho tiến trình hoà bình tiến về phía trước. Thông tín viên Nike Ching của đài VOA tường thuật từ Bộ Ngoại giao Washington.

Sự leo thang bạo động hồi gần đây giữa Israel và Palestine cho thấy vụ xung đột đã trở thành hiện trạng cho cả đôi bên.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhìn thấy một tia hy vọng sau khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman, một người thuộc phe diều hâu, tuyên bố hậu thuẫn cho điều mà ông gọi là “hai quốc gia cho hai dân tộc.”

Trong lúc chuẩn bị đến dự cuộc họp ở Paris trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông vẫn hy vọng có được một giải pháp lâu dài, sau khi cuộc hoà đàm Israel-Palestine bị đổ vỡ cách nay hơn hai năm.

"Tôi sẽ làm việc với Pháp. Tôi sẽ làm việc với Ai Cập. Tôi sẽ làm việc với cộng đồng Ả Rập. Tôi sẽ làm việc một cách chân thành với cộng đồng thế giới trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm một cách thức để giúp cho các bên nhận thấy con đường trở về và rốt cuộc họ sẽ tìm thấy con đường đưa họ tới một hiệp định về qui chế chung cuộc, một hiệp định  phù hợp với nhu cầu của đôi bên và nhu cầu của khu vực."

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù các vị bộ trưởng không nên lạc quan quá độ, nhưng diễn tiến mới nhất này có thể giúp cho tiến trình hoà bình tiến về phía trước.

Ông Natan Sachs, một chuyên gia Trung Đông của Viện Brookings ở Washington, cho biết như sau.

"Họ có thể làm cho Israel nhượng bộ đôi chút về ý tưởng này, nhưng xác suất có được một sự đột phá quan trọng, một sự chuyển động lớn trong tiến trình hoà bình vẫn còn ở mức khá thấp."

Cuộc họp ở Paris tuần này, không có sự tham dự của Israel và Palestine, có mục đích chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế để ấn định những điều kiện mới cho cuộc điều đình về việc thành lập một nước Palestine bên cạnh Israel. - VOA
|
|

4.
Golden State Warriors hạ Oklahoma City Thunder, vào chung kết NBA

Golden State Warriors chuẩn bị đấu với Cleveland Cavaliers trong loạt trận chung kết tranh chức vô địch Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia của Mỹ (NBA) mùa giải thứ hai liên tiếp.

Đội đương kim vô địch Warriors tối thứ Hai vừa qua đã giành được quyền vào tranh loạt trận chung kết NBA bằng chiến thắng 96-88 trước đội khách Oklahoma City Thunder trong trận thứ bảy và là trận quyết định của loạt trận chung kết tranh chức vô địch bên Tây của Mỹ.  

Chiến thắng trong trận tối thứ Hai là đỉnh điểm của cuộc rượt đuổi ngoạn mục của Warriors, sau khi đội này đã bị dẫn trước với ba trận thua và chỉ một trận thắng trong loạt bảy trận chung kết, đẩy họ tới nguy cơ mất cơ hội bảo vệ chức vô địch NBA và xóa đi thành tích kỷ lục 73 trận thắng trong mùa giải thường.

Golden State là đội đầu tiên sau đội Boston Celtics năm 1981 đã chuyển từ thua 3 thắng 1 trận thành chiến thắng 4-3 trong loạt chung kết của khu vực miền Đông hoặc Tây.  Và cũng như mọi khi, cầu thủ dẫn dắt Warriors là ngôi sao chuyên ghi ba điểm Stephen Curry, cầu thủ xuất sắc nhất (MVP) của NBA hai mùa giải liên tiếp. Curry ghi được 36 điểm trong trận đấu tối thứ Hai, và đồng đội Klay Thompson ghi được 21 điểm.

Thompson trong trận đấu tối thứ Bảy trước đó ở Oklahoma City đã ghi được 41 điểm, lập kỷ lục 11 lần ghi ba điểm trong một trận đấu, giành chiến thắng 108-101, và đưa Warriors đến trận đấu tối hôm qua để phân thắng bại cho khu vực miền Tây.

Đội Oklahoma City do cầu thủ Kevin Durant dẫn đầu.  Durant ghi được 27 điểm trong trận đấu tối thứ Hai vừa qua.  Và đó cũng có thể là trận đấu cuối cùng Durant khoác áo Thunder khi hợp đồng của anh hết hạn vào cuối mùa giải này.

Trận đầu trong loạt 7 trận chung kết của NBA mùa giải 2015-2016 sẽ diễn ra vào thứ Năm này tại sân Oracle Arena ở thành phố Oakland. Đội đại diện bên đông là Cavaliers do siêu sao LeBron James dẫn đầu.  

Trong đội Calaviers còn hai cầu thủ xuất sắc nữa là Kevin Love và Kyrie Irving.  Hai cầu thủ này đã không thi đấu trong loạt trận chung kết giành chức vô địch bên Đông do bị chấn thương. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tân lãnh đạo Đài Loan bày tỏ quan điểm cứng rắn về Biển Đông

Tân chính phủ Đài Bắc hôm nay tỏ ý cho thấy sẽ có quan điểm cứng rắn hơn nữa về biển Đông, và theo nhận định của giới quan sát, điều đó có thể làm “vừa lòng” Bắc Kinh, nhưng lại khiến các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á, như Việt Nam và Philippines, cảnh giác.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Eleanor Wang tuyên bố rằng chính phủ của bà Thái Anh Văn, mới nhậm chức hôm 20/5, sẽ giữ nguyên quan điểm mà Đài Bắc đã duy trì suốt 60 năm qua.

Bà Wang cũng nói thêm rằng Đài Loan sẽ duy trì hiện diện trên hòn đảo Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ tài nguyên thiên nhiên tại biển Đông như hải sản và dầu khí.

Trong cuộc họp báo hôm 31/5, nữ phát ngôn viên này nói rằng chủ quyền của Đài Loan đối với Thái Bình là điều “không thể tranh cãi”, kể cả chiếu theo “luật pháp quốc tế”, vì đó là lãnh thổ “lịch sử” của Đài Bắc.

Bà Wang nói thêm rằng Đài Bắc thời gian qua đã sử dụng “tất cả mọi phương tiện” để chứng tỏ với các nước có tranh chấp khác về chủ quyền của mình, và rằng “mọi tranh chấp nên được gác qua một bên để cùng nhau hợp tác phát triển”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng trước phát biểu từ phía Đài Bắc, nhưng trước đây, Hà Nội từng phản bác tuyên bố chủ quyền của Đài Loan.

Mới đây nhất, hồi tháng Ba vừa qua, chính quyền Hà Nội lên án Đài Loan đưa phóng viên ra đảo Ba Bình, đồng thời cho rằng hành động của Đài Loan làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và yêu cầu không tái diễn các hoạt động xâm phạm chủ quyền. - VOA
|
|

6.
Ông Bob Kerrey nói về Đại học Fulbright

Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam Bob Kerrey nói ông đã vận động để thành lập trường này từ đầu thập niên 1990 nhưng nay 'sẵn sàng rút lui'.

Trang mạng có tiếng ở Việt Nam, Zing, hôm 30/5 chất vấn việc chọn ông Kerrey, một người họ nói từng "tham gia thảm sát" phụ nữ và trẻ em trong cuộc chiến Việt Nam.

Trong điện thư trả lời Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt hôm 31/5, ông Kerrey viết:

"Tôi tham gia dự án này từ năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và chúng tôi phân bổ tiền [từ quỹ] Fulbright Hoa Kỳ để lập trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh mà đứng ra tổ chức là một trung tâm ở [Đại học] Harvard. Chúng tôi tăng cường chương trình đại học theo [khuôn khổ] pháp lý hồi năm 1995 vốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và đã được mở rộng thêm nữa hồi năm 2000 với điều luật mà tôi đồng bảo trợ.

"[Trường] Harvard và New School, lúc đó tôi là lãnh đạo, đã thực hiện hai nghiên cứu cho Bộ Giáo dục của Việt Nam về vấn đề Việt Nam cần làm gì để có một đại học độc lập ưu việt. Đại học Fulbright Việt Nam là kết quả."

Cựu Thượng Nghị sỹ bang Nebraska cũng nói những người tham gia thành lập trường đã cố gắng để thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp ngân khoản để trường có thể hoạt động. Cuối cùng Quốc hội đã đồng ý với điều kiện Việt Nam góp vốn tương ứng mà trong trường hợp này bằng việc cấp đất cho trường ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Kerrey nói thêm có nhiều khả năng Quốc hội sẽ cung cấp thêm tiền cho trường và bản thân trường cũng đã bắt đầu những cố gắng riêng để gây quỹ, nhất là quỹ để hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Vị Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cũng nói ông được Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy và những người liên quan đề nghị làm chủ tịch và giải thích thêm:

"Chức danh này, tôi tin là hợp lý khi nói, nó to tát hơn ở Việt Nam so với ở Hoa Kỳ nơi chức danh dành cho người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho Hiệu trưởng.

"Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm chủ tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trường."

'Hành động kinh khủng'

Nói về sự cố trong chiến tranh mà trong đó ông bị cáo buộc chỉ huy nhóm đặc nhiệm gây ra vụ "thảm sát" hơn 10 phụ nữ và trẻ em, ông Kerrey viết cho BBC:

"Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin là đã được xem xét kỹ...

"Đó không phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như phim tài liệu của Ken Burns sẽ sớm được phát cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội thiệt mạng."

Một phóng sự điều tra trên New York Times cách đây nhiều năm từng dẫn lời cựu sỹ quan quân đội Hoa Kỳ nói trước mùa hè năm 1968 binh lính chỉ được nổ súng khi bị bắn. 

Tuy nhiên sau đó họ đã được quân đội cho phép nổ súng khi cảm thấy bị đe dọa. 

Ông Kerrey nói thêm: "Chúng ta phải đối diện quá khứ một cách thành thật ngay cả khi nó gây đau khổ. Nhưng chúng ta không được sống trong quá khứ. Tương lai là tất cả những gì chúng ta có."

Trước đó trong điện thư trả lời trang Zing ông cũng viết:

"Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới...

"Nhưng một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright." - BBC

No comments:

Post a Comment