Monday, May 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 9/5

Tin Thế Giới

1.
Đài Loan muốn dỡ bỏ Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch

Các nhà lập pháp Đài Loan đang tranh luận về việc dỡ bỏ đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở thủ đô Đài Bắc trong lúc Quốc Dân Đảng của cố lãnh tụ này bị loại ra khỏi quyền lực và dân chúng cảm thấy bất mãn về sự đàn áp của ông đối với phe đối lập trong những thập niên giữa thế kỷ 20. Thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Đài Bắc.

Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở trung tâm Đài Bắc là một trong những thắng cảnh du lịch thu hút nhiều du khách đến thăm thành phố thủ đô của Đài Loan. Đài tưởng niệm này được khánh thành năm 1980 để tưởng nhớ nhà lãnh đạo đã nắm quyền cai trị Đài Loan từ giữa thập niên 1940 cho tới khi qua đời vào năm 1975. Quốc Dân Đảng của ông đã cai trị toàn bộ Trung Quốc cho tới khi ông chạy sang Đài Loan sau khi bị phe Cộng Sản của Mao Trạch Đông đánh bại năm 1949.

Sau khi Đài Loan trở thành một nước dân chủ hồi cuối thập niên 1980, dân chúng ở đây đã bắt đầu công khai chỉ trích ông Tưởng Giới Thạch như một nhà lãnh đạo độc tài đã giết chết nhiều người và đàn áp những người bất đồng chính kiến một cách dã man.

Tháng hai vừa qua, Quốc Dân Đảng đã mất quyền kiểm soát quốc hội và Tổng thống Mã Anh Cửu sẽ rời khỏi chức vụ vào ngày 20 tháng này. Diễn tiến đó làm cho đảng Dân Tiến, là đảng sắp lên nắm quyền, và những người ủng hộ họ ở quốc hội có cơ hội để xét lại đài tưởng niệm chính dành cho ông Tưởng Giới Thạch.

Dân biểu Từ Vĩnh Minh tuần trước đã tổ chức một cuộc điều trần về vấn đề có nên dỡ bỏ đài tưởng niệm này hay không. Nhà lập pháp thuộc Đảng Lực lượng Thời đại này cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA.

"Tôi tin rằng nhiều người nghĩ rằng cần phải làm lại, vì đài tưởng niệm này vinh danh Tưởng Giới Thạch và để tưởng nhớ Tưởng Giới Thạch. Tôi nghĩ rằng việc này rất kỳ quái vì có rất nhiều thứ mà ông ấy cần phải chịu trách nhiệm."

Dưới thời ông Tưởng Giới Thạch, hàng ngàn người bị giết hại và hàng vạn người bị giam cầm trong chiến dịch đàn áp các đối thủ chính trị. Ông Tưởng cũng áp dụng lệnh thiết quân luật, kéo dài từ năm 1949 mãi cho tới năm 1987, 12 năm sau khi ông qua đời.

Các nhà lập pháp đang xem xét tới những đề nghị như biến Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch thành thư khố của tất cả các vị tổng thống của Đài Loan, thành một nơi vinh danh những phong trào phản kháng hoặc sửa lại nơi này thành một địa điểm nêu bật những nỗi thống khổ của người dân Đài Loan dưới ách cai trị độc tài.

Một số người còn đề nghị phá bỏ toàn bộ địa điểm này, nhưng những người khác e rằng điều đó sẽ làm cho xã hội bị chia rẽ.

Đảng Dân Tiến đã thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội hồi tháng giêng, phần lớn là vì dân chúng bất mãn với phe Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mã Anh Cửu. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy các cử tri cho rằng ông Mã Anh Cửu xích lại quá gần với Trung Quốc và không lưu tâm tới các vấn đề kinh tế của những người dân bình thường.

Bà Lôi Tình, người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu ở Đài Bắc có tên Trung Hoa Thế Kỷ 21, cho rằng những đề nghị dỡ bỏ Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch là có động cơ chính trị đảng phái.

"Đây là một hành động mang nặng tính chất chính trị và ý thức hệ của Đảng Dân Tiến nhằm xoá bỏ mọi công trạng của Quốc Dân Đảng, đặc biệt là công trạng của ông Tưởng Giới Thạch, là người đã đưa rất nhiều người từ Hoa Lục sang Đài Loan. Do đó, nếu họ muốn tìm cách dần dần loại bỏ những mối liên hệ với Trung Quốc đại lục, thì việc xoá bỏ từ gốc rễ là một hành động rất quan trọng về mặt chính trị."

Dân biểu Lý Tuấn Ích, chủ tịch Uỷ ban Nội chính, cho biết các nhà lập pháp đang xem xét một dự thảo luật để nói rõ ý định xét lại ý nghĩa tượng trưng của đài tưởng niệm, nhưng có phần chắc sẽ không đề nghị một hành động cụ thể nào. Ông nói thêm rằng quốc hội có thể xét tới những đề nghị cụ thể trong những tháng tới đây. - VOA
|
|

2.
Ông Duterte dự kiến sẽ trở thành tổng thống kế tiếp của Philippines

Cử tri Philippines hôm 9/5 bỏ phiếu bầu tổng thống trong lúc các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Rodrigo Duterte, thị trưởng Davao, đang dẫn đầu và có phần chắc sẽ là người kế nhiệm Tổng thống Benigno Aquino. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Ông Duterte, 71 tuổi, đã giữ chức thị trưởng Davao trong nhiều năm. Ông thường đưa ra những phát biểu hung hãn với những từ ngữ thô tục, và trọng tâm của chiến dịch vận động tranh cử của ông xoay quanh vấn đề bảo vệ an ninh trật tự xã hội và chống tham nhũng, trong đó có lời hô hào cho việc giết chết những phần tử tội phạm mà không thông qua thủ tục pháp lý.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông đang dẫn đầu khá xa các đối thủ, trong đó có Thượng nghị sĩ Grace Poe và Bộ trưởng Nội vụ Manuel Roxas, là người có được sự hậu thuẫn của Tổng thống Aquino.

Những tuyên bố hung hãn của Duterte cộng với thói quen khoe khoang, thậm chí về khả năng tính dục, đã làm cho nhiều người so sánh ông với ông Donald Trump -- người sẽ được đảng Cộng hoà ở Mỹ chọn làm ứng cử viên Tổng thống vào tháng 11. 

Tuy nhiên, việc ông tuyên bố nhất định thực hiện chương trình nghị sự của mình, cho dù phải giải tán quốc hội, làm cho nhiều người nhớ tới ông Ferdinand Marcos, cố lãnh tụ độc tài của Philippines.

Ông Gerard Finan, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Đông Tây ở Hawaii, cho biết thế hệ mới ở Philippines dường như không còn nhớ tới những vụ chà đạp nhân quyền và lạm dụng quyền lực của chế độ Marcos, là chế độ đã bị sụp đổ năm 1986 trong cuộc nổi dậy có tên Sức mạnh Nhân dân.

Ông Finan nói: "Nhân quyền đang có tiến bộ và kinh tế đang phát triển. Và quân đội Philippines đang chấp nhận quyền lãnh đạo của phe dân sự. Cái mà mọi người dường như không được thỏa mãn lắm là chiều hướng của những sự thay đổi ở Philippines. Những cấu trúc cơ bản của nền kinh tế không được ưa chuộng nhất đã không thay đổi. Không có những thay đổi trong cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân -- như hệ thống cấp nước, hệ thống giao thông tiếp tục ì ạch, nhất là trong lúc dân số tiếp tục gia tăng. Kể từ khi ông Marcos bị lật đổ, đã có các nhà lãnh đạo quốc gia chân thực như bà Corazon Aquino, ông Fidel Ramos và tổng thống hiện thời. Tuy nhiên, có rất nhiều người không nhớ đến Marcos và họ không biết là những điều kiện thảm hại về kinh tế, xã hội và chính trị là hậu quả trực tiếp của chế độ thiết quân luật mà ông ta điều hành. Đã có những người ủng hộ ông Marcos vì ông ấy đưa ra những lời hứa tương tự như những gì mà ông Duterte đang đưa ra hiện nay. Và chỉ sau này họ mới nhận ra những việc đó đã gây tác hại như thế nào tới nền dân chủ pháp trị của đất nước."

Ông Finan cũng cho biết kết quả cuộc đầu phiếu hôm 9/5 ở Philippines đang được Hoa Kỳ và các nước khác chú tâm theo dõi. Ông cho rằng trong trường hợp ông Duterte đắc cử và Philippines phải rơi lại vào sự cai trị độc tài, sự hợp tác an ninh đang trên đà gia tăng giữa Washington với Manila sẽ bị phương hại rất nhiều. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Mỹ dự thượng đỉnh chống tham nhũng ở Châu Âu

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay khởi sự chuyến công du 4 ngày tới Châu Âu, gặp gỡ các giới chức của nhiều quốc gia và tham dự một thượng đỉnh chống tham nhũng.

Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng vào thứ năm tới đây do Thủ tướng Anh David Cameron chủ trì, với sự tham gia của nguyên thủ các nước Afghanistan, Colombia, Nigeria, và nhiều nước khác.

Thượng đỉnh do ông Cameron dẫn đầu nhằm đối phó với tình trạng tham nhũng toàn cầu diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông bị nêu tên trong hồ sơ Panama bị rò rỉ rằng ông có một phần vốn trong khoản ngân quỹ ở nước ngoài do cha ông thành lập. Thủ tướng Anh quả quyết không làm gì sai.

Bắt đầu từ hôm nay, công chúng sẽ được tiếp cận với hồ sơ Panama, tập tài liệu có tên một số lãnh đạo và nhân vật nổi tiếng trên thế giới.

Thủ tướng Anh nhấn mạnh tham nhũng là cội rễ của rất nhiều vấn đề trên thế giới và tuyên bố rằng tham nhũng chính là kẻ thù của tiến bộ.

Ông Cameron nói ‘Lâu nay có một điều cấm kỵ trong việc giải quyết tham nhũng từ trên xuống dưới. Thượng đỉnh này sẽ thay đổi thực trạng đó. Chúng ta sẽ cùng nhau đẩy cuộc chiến chống tham nhũng lên trên nghị trình làm việc hàng đầu của quốc tế, vị trí đúng của nó'. - VOA
|
|

4.
Ông Trump không lo về sự thiếu thống nhất của Đảng Cộng hòa

Donald Trump, ứng cử viên sắp trở thành người được đề cử tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, hôm Chủ nhật cho biết ông ta không lo lắng mấy về chuyện những nhà lãnh đạo chủ chốt của đảng này nói rằng họ sẽ không ủng hộ ông ta trong cuộc tổng tuyển cử đối đầu với ứng cử viên có thể được Đảng Dân chủ đề cử, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Dù tỉ phú bất động sản này gần như giành được đề cử tổng thống của đảng vào tuần trước, hai vị tổng thống Cộng hòa gần đây nhất, Tổng thống George H.W. Bush và con trai, Tổng thống George W. Bush, cùng nhiều quan chức khác của đảng đã tuyên bố họ không có ý định ủng hộ ứng cử viên dị biệt này.

Ông Trump hỏi về Đảng Cộng hòa trên chương trình tin tức This Week của đài ABC: "Liệu có cần phải thống nhất không? Chắc tôi rất khác so với những người khác từng ra tranh cử hay sao? Tôi thật sự không nghĩ vậy.

"Tôi nghĩ nếu đảng thống nhất thì tốt hơn, tôi nghĩ sẽ có điều gì đó tốt đẹp về chuyện này. Nhưng tôi không nghĩ rằng đảng thực sự phải thống nhất theo nghĩa truyền thống."

Quan chức dân cử hàng đầu hiện nay của đảng, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan, nói rằng ông ta "chưa sẵn sàng" công khai ủng hộ ông Trump và muốn bảo đảm rằng ông Trump sẽ tôn trọng những nguyên tắc bảo thủ truyền thống của đảng trước khi đồng ý ủng hộ ông ta. Ông Ryan đã phản đối lời hô hào của ông Trump tạm thời cấm người Hồi giáo nhập cảnh và hai người cũng bất đồng về chính sách đối ngoại của Mỹ và những vấn đề thương mại.

Ông Ryan và ông Trump hoạch định một buổi họp vào thứ Năm tại Washington để nêu ra những khác biệt của họ, nhưng ông Trump, từng là người dẫn chương trình truyền hình thực tế và chưa bao giờ giữ chức vụ dân cử nào, nói rằng có thể là hai người sẽ "đường ai nấy đi."

Những nhà lãnh đạo bảo thủ khác đã nêu ra khả năng đưa một ứng cử viên thứ ba đối đầu với cả ông Trump và bà Clinton, nhưng những ứng cử viên đảng thứ ba thường không được nhiều người ủng hộ trong những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hầu như luôn thua xa những người được đề cửa của Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Một số nhà lập pháp Cộng hòa nói rằng họ sẽ ủng hộ ông Trump mặc dù lúc đầu họ muốn một ứng cử viên tổng thống khác.

Ông Trump 69 tuổi đã vượt lên đứng đầu danh sách những ứng cử viên Đảng Cộng hòa từng có tới 17 người với lời hô hào xây dựng một bức tường không thể xuyên qua được dọc biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ vào Mỹ và trục xuất 11 triệu đã ở trong nước.

Ông ta đã giành được hơn 10 triệu phiếu bầu trong những cuộc đua chọn người được đề cử của đảng ở từng bang. Hai đối thủ cuối cùng của ông ta rời bỏ cuộc đua giành đề cử tổng thống sau khi ông ta giành chiến thắng gây ấn tượng trong cuộc bỏ phiếu hồi tuần trước ở bang Indiana thuộc vùng Trung tây.

Cả ông Trump lẫn bà Clinton chưa ai chính thức giành được đề cử tổng thống của đảng họ, nhưng họ đang đưa ra những lời công kích nhắm vào nhau.

Tại một buổi vận động hôm thứ Bảy, ông Trump, người đã có ba đời vợ và từ nhiều năm qua đã khoe khoang chiến tích tình trường của mình, đả kích bà Clinton về những sự thiếu chung thủy của chồng bà ta, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

"Bà ta có chồng là gã đàn ông ngược đãi phụ nữ thậm tệ nhất trong lịch sử chính trị," ông Trump nói.

Bà Clinton xem thường ông Trump là người không phù hợp cho chức vụ tổng tư lệnh của đất nước.

"Chúng ta không thể có một kẻ hành xử bất định ngồi trong Phòng Bầu dục" ở Tòa Bạch Ốc, bà nói với những người ủng hộ tại một buổi vận động.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy bà Clinton dẫn trước Trump trong cuộc bầu cử chọn người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama, người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 tới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam từ ngày 22/5

Các nguồn tin ngoại giao đề nghị không nêu tên mới đây cho VOA Tiếng Việt biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam từ ngày 22/5. Lịch trình của Tổng thống hiện vẫn được hai nước thu xếp, chưa quyết định các hoạt động cụ thể, và có thể phải đến rất sát ngày ông Obama bay đến Hà Nội mới có lịch chính thức.

Các nguồn tin cho hay, cũng như hai tổng thống Mỹ là Bill Clinton và George Bush từng đến thăm Việt Nam lần lượt trong các năm 2000 và 2006, Tổng thống Obama dự kiến sẽ gặp các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam ở Hà Nội rồi tới thăm thành phố Hồ Chí Minh. Ông có thể sẽ phát biểu tại một trường đại học.

Hồi tháng 11/2000, trong chuyến thăm lịch sử của vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, ông Bill Clinton đã phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, sự kiện đã được truyền hình trực tiếp ở Việt Nam và trên kênh CNN của Mỹ.

Các nguồn tin ngoại giao không tiết lộ chi tiết ông Obama sẽ bàn thảo gì hoặc ký kết các thỏa thuận nào với phía Việt Nam, song các nguồn tin khác có liên quan đên chuyến thăm cho hay các vấn đề hai bên quan tâm bao gồm: việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ, quan hệ thương mại cũng như Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ giáo dục và giao lưu nhân dân, việc cho phép Tổ chức Hòa Bình Mỹ hoạt động tình nguyện và dạy tiếng Anh ở Việt Nam, khởi động Đại học Fulbright, cũng như tăng cường quan hệ quốc phòng-an ninh, và tiếp tục bàn về nhân quyền.

Ngoài ra, một nguồn tin phía Việt Nam cho hay chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc Mỹ xem xét việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.

Hai tuần trước khi chuyến thăm dự kiến diễn ra, thông qua trang Facebook, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã kêu gọi người dân Việt Nam đóng góp các đề nghị về lịch trình của Tổng thống Obama khi thăm Việt Nam.

Lời kêu gọi của vị đại sứ Mỹ đã nhận được hơn 400 câu trả lời. Nhiều người bày tỏ mong muốn tổng thống Mỹ đến thăm quân cảng Cam Ranh - vị trí có vai trò chiến lược khi Biển Đông căng thẳng, hoặc đề nghị ông Obama đến đồng bằng sông Cửu Long để chứng kiến tình hình hạn mặn và tác động của biến đổi khí hậu, hay Vũng Áng, là nơi được coi là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng ô nhiễm biển và cá chết hiện chưa kết thúc ở miền trung Việt Nam.

Những địa điểm khác được đề xuất bao gồm TPHCM, thủ đô Hà Nội, các tỉnh miền Trung hay cụ thể hơn như Dinh Độc lập, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vấn đề nhân quyền và giáo dục cũng được nêu ra trong nhiều đề xuất. Nhiều người nêu đề nghị ông Obama đến tòa nhà Quốc Hội “để nói về tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”, cũng như để thúc đẩy việc “trả tự do vô điều kiện tất cả tù nhân lương tâm, người bất đồng chính kiến”. Cũng có những lời kêu gọi ông Obama cần thấy “cảnh phụ nữ và trẻ em bị đàn áp thô bạo, người dân bị đánh đập như kẻ thù” ở Việt Nam để ông “thấy dân chủ-tự do” là như thế nào ở Việt Nam. - VOA
|
|

6.
Căn cứ Cam Ranh sẽ quyết định số phận Biển Đông

Sự kiện ngày càng có nhiều chiến hạm quốc tế trở lại thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của giới quan sát. Trong một bài phân tích mới công bố hôm 08/05/2016, chuyên san Mỹ The National Interest đã không ngần ngại cho rằng hải cảng này của Việt Nam có giá trị quyết định cho việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Việt Nam hiện đang thận trọng trong việc ưu tiên mở cửa cảng cho một cường quốc cụ thể, nhưng vấn đề có thể khác đi nếu tình hình Biển Đông xấu đi vì Trung Quốc làm quá !

Theo tác giả bài báo Yevgen Sautin, từng nghiên cứu tại Đại Học Quốc Gia Đài Loan và trung tâm nghiên cứu Mỹ Carnegie Endowment for International Peace, vào lúc Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động lấn chiếm Biển Đông, vấn đề cần biết là nước nào trong khu vực sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh.

Câu trả lời của chuyên gia này rất rõ: "Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều năng lực và quyết tâm nhất để thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông".

Đối với chuyên gia này, với một lực lượng đã từng nhiều lần xung trận chống Trung Quốc và đang tìm cách phối hợp với các nước khác để cùng hoạt động gần các đảo tranh chấp, Hải Quân Việt Nam cũng đã quen với những hành động táo bạo.

Giới lãnh đạo Việt Nam hiện đang cho thấy là họ ít có khả năng nhất trong việc nhượng bộ Trung Quốc để thương thuyết tay đôi và từ bỏ nỗ lực tìm giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp.

Điều quan trọng hơn cả, theo tác giả bài phân tích là Việt Nam có trong tay một chủ bài hay là một vũ khí lợi hại là căn cứ Hải Quân Cam Ranh, được coi là một trong những cảng nước sâu tốt nhất trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Giá trị chiến lược của cảng này lại được tăng cường nhờ một sân bay lân cận có khả năng tiếp nhận các loại vận tải cơ hạng nặng và oanh tạc cơ chiến lược.

Đối với nhà nghiên cứu Sautin, nếu Hải Quân một cường quốc lớn được quyền thường xuyên sử dụng Cam Ranh, lực lượng của bất kỳ nước nào khác sẽ khó có thể độc quyền tung hoành trên Biển Đông, ngay cả khi nước đó nắm được quyền kiểm soát hầu hết các đảo đang tranh chấp.

Vấn đề được nêu lên là trong bối cảnh hiện nay, Hải Quân nước nào sẽ được Việt Nam ưu tiên mở cửa cảng Cam Ranh ? Theo Sautin, hiện có hai ứng viên hàng đầu là Mỹ và Nga, nhưng Mỹ được cho là nặng ký hơn trong bối cảnh Washington được Hà Nội đánh giá là một đối tác quốc phòng quan trọng nhất, có nhiều uy thế nhất để giúp Việt Nam kháng lại đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Lợi ích chiến lược về việc mời Mỹ vào Cam Ranh, theo ông Sautin, là sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ sẽ hóa giải các lợi thế quân sự mà Trung Quốc có được nhờ các cơ sở mà Bắc Kinh vừa xây dựng và củng cố trên Biển Đông. Thế nhưng, nếu Việt Nam làm như vậy thì sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ với Trung Quốc, và Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng kinh tế để trừng phạt Hà Nội.

Theo Sautin, quyết tâm của Mỹ can dự vào Biển Đông chưa được rõ rệt lắm, nên vẫn còn khiến Hà Nội ngần ngại, sợ rằng cái lợi khi mở cảng Cam Ranh đón Mỹ không lớn bằng cái hại nẩy sinh.

Về phần Nga, cho dù nước này đã nhiều lần công khai  ngỏ ý muốn trở lại Cam Ranh, nhưng xu hướng xích lại gần Bắc Kinh mà Mátxcơva cho thấy trong những ngày gần đây, đặc biệt là lập trường theo đuôi Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, đã khiến giới lãnh đạo Việt Nam hết sức thận trọng.

Dẫu sao thì cho đến nay, về mặt chính thức, Việt Nam vẫn khẳng định là không ưu tiên cho bất kỳ nước nào, mà sẵn sàng mở cảng Cam Ranh cho mọi đối tác quốc tế. Vấn đề, theo tác giả Sautin, lập trường này của Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi nếu tình hình ở Biển Đông xấu đi đáng kể. - RFI
|
|

7.
Cá nuôi lồng chết hàng loạt ở Huế

Những người chuyên nuôi cá trong lồng tại khu vực Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện đang đối diện với gian khó vì cá của họ chết bất thường hằng loạt chừng nửa tháng qua.

Cá nuôi chết bất thường 

Cách đây hơn một tháng cá nuôi cũng như sinh vật biển ngoài tự nhiên chết hằng loạt khởi đi từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh rồi lan xuống các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và cả Đà Nẵng.

Những người nuôi cá lồng tại khu vực Lăng Cô là một trong số chịu thiệt hại nặng nề vì nước biển dâng vào khiến cho cá họ nuôi chết một cách bất thường với số lượng nhiều, thậm chí chết sạch.

Ông Trương Ri là một nạn nhân. Vào sáng ngày 9 tháng 5 ông cho chúng tôi biết như sau:

“Cá chết là khi nước biển lên, cá giựt giựt rồi đâm vô lồng chết! Bốn loại là cá Mú, cá Bớp, cá Vão, cá Hồng. Chưa bao giờ có tình trạng như thế này, đây là lần đầu, xảy ra cả nửa tháng rồi. Tình trạng còn lai rai, riêng tôi thì cá chết hết rồi!”

Một người nuôi cá khác ở Lăng Cô, ông Hoàng Văn Toàn, cũng trình bày về tình trạng cá nuôi của gia đình ông như sau:

“(Cá) chết cách đây hai tuần mấy ngày, mọi năm dịch thì cá chết mỗi ngày đều vài con thôi; còn đợt này chết hằng loạt, trong vòng 3 ngày thôi.”

Ông Toàn cho biết thêm gia đình ông có 10 lồng thả cá Mú và cá Hồng với chừng 200 con giống. Trước đây đối với cá Mú mất chừng 7 tháng là có thể thu hoạch bán ra thị trường, còn cá Hồng thì mất hơn gấp đôi thời gian đó. Tuy nhiên gần đây do nguồn nước ô nhiễm thời gian nuôi cá kéo dài hơn. Dẫu thế việc nuôi cá vẫn được duy trì cho đến cách đây chừng hai tuần lễ thì cá chết bất thường với số lượng nhiều mà như lời ông Trương Ri thì đó là lần đầu tiên những người nuôi cá gặp phải tình trạng như thế.

Dân trông chờ giải quyết 

Sau khi xảy ra sự việc, những người nuôi cá lồng tại Lăng Cô có làm đơn trình báo với chính quyền xã cũng như ngành ngư nghiệp.

Ông Trương Ri nói về điều này:

“Xã và bên Bộ Thủy sản có về chụp ảnh… nhưng tôi không rõ vì cá chết mình ‘đuối’!”

Còn ông Hoàng văn Toàn thì trình bày thực tế:

“Cá chết, có những người quen biết thì báo và họ đến chia buồn cho vui chứ có nói chi mô! Xem báo thì thấy họ đưa mấy ông ra tắm ngoài biển để lấy lòng dân chứ thực sự ra thì tôi nuôi lâu rồi tôi biết: nếu như dịch thì dịch một số chứ không dịch hằng loạt nổi lên như thế đâu!”

Những người nuôi cá tại Lăng Cô như hai ông Trương Ri và Hoàng Văn Toàn còn cho biết sau khi cá trong lồng nuôi của họ chết nhiều như thế tự thân họ phải lo thu gom mang lên đất liền để chôn nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước nơi họ đang nuôi cá.

“Trước mắt cá mình chết thì đem đi chôn để khỏi ô nhiễm.”

Ông Trương Ri tiết lộ khoản thiệt hại của gia đình ông này là chừng 1 tỷ đồng Việt Nam, và ông Hoàng Văn Toàn ít hơn chừng 40 triệu mà thôi.

Hiện nay tất cả đều có chung một mong mỏi là chờ đợi cơ quan chức năng kiểm nghiệm, phân chất nguồn nước bị ô nhiễm để xác định nguyên nhân. Ngoài ra là hỗ trợ kỹ thuật cũng như nguồn vốn vay không lãi suất để khi nước ‘êm’ tức không còn ô nhiễm nữa thì họ sẽ lại thả cá giống để nuôi vì đây là nguồn sinh sống duy nhất của gia đình họ lâu nay.

Cơ quan chức năng xem xét

Ông Phan Bền, chuyên viên kế hoạch của Sở Nông Nghiệp- Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên- Huế vào sáng ngày 9 tháng năm cho biết kế hoạch của ngành này trong việc hỗ trợ cho người nuôi cá cũng như ngư dân bị thiệt hại nặng nề bởi nạn cá chết vì nguồn độc chất chưa xác định được:

“Sở cũng đang đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo chính sách của Nhà nước. Sau này khôi phục sản xuất thì hỗ trợ theo chế độ sau.

Quỹ cấp bách thì trong ngân sách tỉnh vẫn có. Các địa phương sẽ thống kê từ xã lên đến huyện chứ không thông qua sở. Sở về mặt chuyên môn sẽ hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để khắc phục. Còn những ai thiệt hại thì từ địa phương có thống kê, báo cáo rồi căn cứ chế độ chính sách sẽ hỗ trợ cho từng hộ gia đình.

Một số vùng nuôi khắc phục được rồi. Hiện cũng có xả nước ngọt từ trên về để đẩy độc ra. 

Các ngành cùng có phối hợp với nhau. Tàu đánh bắt xa bờ về thì có giấy chứng nhận và có những điểm bán.”

Những người dân ở Lăng Cô mà chúng tôi tiếp xúc cho biết hiện nhiều người vẫn không dám ăn cá biển, mà chỉ ăn những loại cá sông mà thôi.

Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, ngoài Lăng Cô xảy ra nạn cá chết, ở một số nơi khác như Quảng Điền, Thuận An, huyện Phú Vang kể từ đầu tháng tư cho đến lúc này cũng xảy ra mấy đợt cá chết tấp vào bờ cũng như cá nuôi lồng chết bất thường.

Truyền thông trong nước trích phát biểu của ông Hoàng Ngọc Khanh, người phát ngôn tỉnh Thừa Thiên- Huế hôm ngày 5 tháng 5 là ‘dù Huế có 3 đợt cá chết, nhưng tất cả điểm quan trắc đánh giá môi trường nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép theo qui chuẩn kỹ thuật của quốc gia về giới hạn an toàn nước biển.’ Theo ông này đến lúc đưa ra phát biểu thì nước biển ở tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn đạt chỉ số an toàn.

Trong khi đó thì những người dân như hai ông Trương Ri và Hoàng Văn Toàn ở Lăng Cô đang ngồi chờ khi nào nước biển ‘êm’ như lời họ nói mới dám thả cá để nuôi vì không dám đánh cược với may rủi khi mà cuộc sống của họ đang túng quẫn do cá nuôi chết hết như vừa qua mà đơn kêu gọi giúp đỡ của họ vẫn chưa được cơ quan chức năng hồi đáp. - RFA

No comments:

Post a Comment