Sunday, May 1, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 1/5

Tin Thế Giới

1.
Quốc hội Iraq tan rã, các nhà lập pháp bỏ chạy khỏi Baghdad

Thủ đô Baghdad của Iraq hôm nay đang ở bên bờ vực rơi vào xáo trộn chính trị. Thành phố này đang trong tình trạng khẩn cấp, những người biểu tình đang chiếm đóng những khu vực từng là khu an toàn quốc tế, gọi tắt là IZ, các nhà lập pháp đã tháo chạy trong khi quân đội đang trong tình trạng báo động đỏ.

Tới sáng Chủ nhật, những người biểu tình do Giáo sĩ Hồi giáo Shia Moqtada al-Sadr cầm đầu, tiếp tục kéo nhau xuống đường, đứng chật tiền đình quốc hội Iraq, giờ đã vắng tanh bóng người, đồng thời tụ tập tại khu vực được biết dưới tên “quảng trường Ăn Mừng”.

Các nhà lập pháp Iraq đã tháo chạy hôm qua sau khi những người biểu tình xông vào toà nhà quốc hội. Khoảng 60 nhà lập pháp, phần lớn thuộc nhóm thiểu số người Kurd và người Hồi giáo Sunni, đã chạy thoát khỏi thủ đô về hướng Irbil và Suleymania, thuộc vùng tự trị của người Kurd ở Bắc Iraq.

Một giới chức quốc hội xin dấu tên vì sợ bị trả thù, nói với VOA rằng tình hình rất nguy hiểm đối với người Kurd và người Sunni. Ông nói một số nhà lập pháp đã bị hành hung.

Giới chức này cho hay hàng ngàn người biểu tình vẫn ở trong khu an toàn quốc tế IZ trong ngày chủ nhật, họ cắm trại trước các công ốc chính phủ quan trọng.

Bình thường chỉ có những người có thẻ đặc biệt được cho phép vào khu an toàn được bảo vệ, vì đây là nơi toạ lạc của nhiều đại sứ quán nước ngoài, và trụ sở của Liên Hiệp Quốc.

Nguồn tin này nói rằng tình hình rất nguy hiểm, và các đám đông biểu tình có thể tấn công bất cứ đại sứ quán nào hoặc bất cứ định chế nào, hay bất cứ người nào họ muốn.

Vụ chiếm đóng quốc hội Iraq là cao điểm của nhiều tuần lễ giằng co chính trị và bất ổn leo thang, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden đến thăm Baghdad.

Người phát ngôn của Tòa Bạch ốc Josh Earnest nói chuyến thăm này là một dấu hiệu khả quan cho thấy Mỹ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Thủ Tướng Haider al-Abadi nhằm thống nhất Iraq, và đối đầu với Nhà Nước Hồi giáo. Nhưng chuyến đi của phó tổng thống Mỹ Biden đã không đủ để ngăn chận Iraq rơi sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Giáo sĩ Sadr đòi hỏi phải lập một chính phủ Iraq mới gồm nhiều nhà kỹ trị. Ông Abadi đã hứa sẽ cải cách nhưng đã không thực hiện được thay đổi thực sự nào giữa lúc các chính đảng ngăn cản việc bổ nhiệm phần lớn các ứng cử viên do ông tiến cử, vì sợ mất quyền lực. - VOA
|
|

2.
Cam Bốt: Tai tiếng tình ái thành áp-phe chính trị

Tại Cambốt, nhiều tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền hiện đang là đích ngắm của của chính phủ. Các tổ chức này bị tố cáo là đã xúi giục một người phụ nữ phủ nhận là người tình của nhân vật quan trọng thứ hai của phe đối lập.

Từ hai tháng nay, vụ tai tiếng tình ái này đang là đề tài của một vụ áp-phe chính trị. Ngày 28/04/2016, việc bắt giữ 5 người đàn ông trong đó có 4 cán bộ của một tổ chức địa phương về bảo vệ nhân quyền được xem như lời hăm dọa của chính phủ.

Thông tín viên Anne-Laure Porée từ Phnom Penh cho biết thêm tình hình :

"Những tấm ảnh của những đại diện nhân quyền hiện đang bị cơ quan chống tham nhũng của chính phủ câu lưu chiếm trang nhất các nhật báo Phnôm Pênh . Họ bị tố cáo đã xúi giục cô Srey Mom, một thợ làm tóc 25 tuổi, chối là có quan hệ với ông Kem Sokha, lãnh đạo số hai của phe đối lập.

Vụ việc bắt đầu từ đầu tháng 3, khi mà các cuộc nói chuyện điện thoại trên tài khoản cá nhân thuộc mạng xã hội Facebook của người phụ nữ trẻ này đã bị đánh cắp và phát tán. Trong các cuộc trao đổi giữa họ, ông Kem Sokha đã hứa với Srey Mom cho tiền và nhà. Rất nhanh sau đó, cơ quan chống tham nhũng và cả cơ quan chống khủng bố đã nắm lấy nội dung của cuộc nói chuyện riêng tư này để biến nó thành một vụ áp phe chính trị.

Cơ quan chống tham nhũng đã tiến hành một cuộc điều tra và đảm bảo là đã xác thực được đúng các giọng nói nhưng lại không giải thích đã làm như thế nào. Cơ quan này không chứng minh được bằng chứng liên quan đến tham nhũng mà chỉ tuyên bố là các cuộc nghe lén đều hợp pháp. Về phần mình, các tổ chức nhân quyền tố cáo những lời cáo buộc này là mơ hồ, một chiến lược thô thiển, một suy luận mang tính cơ hội hơn là hợp pháp. Tuy nhiên, hành động đó khiến họ như bị dội một gáo nước lạnh.

Tại Cambốt, vụ việc này bị xem như một đợt hù dọa mới của chính quyền với mục đích làm suy yếu phe đối lập, vào thời điểm chỉ còn 1 năm trước khi diễn ra bầu cử địa phương, và cũng là để đưa xã hội dân sự vào khuôn phép". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama pha trò tại Dạ tiệc Thông tín viên Tòa Bạch Ốc --- Tổng thống Obama chế nhạo Donald Trump

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý giữa lúc các ký giả, chính khách và những người nổi tiếng tham dự buổi dạ tiệc thường niên dành cho các phóng viên đặc trách tường trình tại Tòa Bạch Ốc vào đêm thứ Bảy tại thủ đô Washington.

Đây là một cơ hội để Tổng thống Obama mang chính mình và các bạn hữu, cũng như các đối thủ của ông, cùng với giới truyền thông và quốc hội ra làm đề tài trào phúng.

Tổng Thống Obama tự miêu tả là một người “đã về chiều, tóc đã bạc” chỉ còn đếm những ngày còn lại cho tới khi phải ra mắt uỷ ban quyết định cho sống hay chết” mà thôi. Giới chỉ trích chương trình chăm sóc sức khoẻ giá rẻ của ông cho tất cả - thường gọi là Obamacare- tiên đoán sai lầm rằng các uỷ ban như vậy sẽ quyết định số phận của những bệnh nhân mắc bệnh trầm trọng.

Nhắc đến cuộc bầu cử Tổng Thống sắp tới, Tổng thống Obama nói “giờ này năm tới, sẽ có một người khác đứng tại đây, ngay tại điểm tôi đang đứng, và ai cũng có thể đoán được bà ấy là ai.” Đương nhiên, ứng cử viên Hillary Clinton là phụ nữ duy nhất tham gia cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Liên quan tới việc bà Hillary bị cáo buộc là đã thu về hàng triệu đôla để đọc diễn văn tại các doanh nghiệp lớn khác nhau, Tổng thống Obama nói “Nếu bài nói chuyện này của tôi được hưởng ứng, tôi sẽ dùng nội dung của nó tại tập đoàn Goldman Sachs vào năm tới.”

Ứng cử viên Donald Trump vốn rất nhạy cảm đối với bất cứ lời chỉ trích nào, không tham gia buổi dạ tiệc. Năm ngoái ông Trump có mặt nhưng không hưởng ứng những lời châm biếm của Tổng Thống Obama nhắm vào cá nhân ông.

Tổng Thống Obama hôm qua nói: “Người ta nói rằng ông Trump thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại để làm Tổng Thống. Nhưng nói cho công bình, ông đã bỏ ra rất nhiều năm để gặp gỡ giới lãnh đạo trên khắp thế giới: Nào là Hoa hậu Thuỵ Điển, hoa hậu Argentina, hoa hậu Azerbaijan”, nhắc đến việc ông Trump từng là đồng sở hữu của các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. - VOA

***
Chiều thứ Bảy 30/04/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự buổi tiệc cuối cùng trong nhiệm kỳ do hiệp hội phóng viên hoạt động tại Nhà Trắng tổ chức.

Buổi dạ tiệc từ giã cũng gần giống như đêm trao giải Oscars, với thảm đỏ đón tiếp các khuôn mặt nổi tiếng trong giới sân khấu, điện ảnh và chính trị. Nhưng điểm nổi bật của sự kiện là tổng thống Mỹ phải đọc một bài diễn văn chính trị « tếu ». Tổng thống Barack Obama không đánh mất truyền thống.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường thuật :

"Barack Obama tuyên bố là nếu bài diễn văn độc thoại của ông chọc cười được cử tọa thì năm tới ông sẽ tái diễn trước nhân viên của Ngân hàng Goldman Sachs để kiếm thêm vài đôla. Ông ám chỉ ngân phiếu 250.000 đôla là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhận từ công ty đầu tư NewYork. Chiến dịch vân động tranh cử là một trong những chủ đề mà tổng thống mãn nhiệm tập trung khai thác. Đương nhiên là Barack Obama không thể không dành một vài cú đấm cho phe Cộng Hoà và giả vờ ngạc nhiên về sự vắng mặt của ứng cử viên Donald Trump.

Ông ấy có thể làm gì hay nè ? Phải chăng ông đang ở nhà ? Hay là đang gửi tweet phê bình thủ tướng Đức Merkel ? Ban lãnh đạo đảng Cộng Hoà cho rằng Donald Trump thiếu kinh nghiệm đối ngoại để có thể làm tổng thống Mỹ. Nhưng để cho công bằng, phải nói là ông ấy trong nhiều năm qua đã gặp nhiều lãnh đạo thế giới như là hoa hậu Thụy Điển, hoa hậu Achentina, hoa hậu Azerbaijan".

Cho dù Donald Trump không tham dự dạ tiệc nhưng hai con trai của ông có mặt trong cử tọa.

Như các vị tổng thống tiền nhiệm, ông Obama kết thúc bài diễn văn với lời cám ơn báo chí, công cụ không thể thiếu cho nền dân chủ. Cuộc chiến triền miên giữa chính trị gia và những người công kích đã tạm ngừng trong buổi chiều giả biệt. - RFI
|
|

4.
Ngoại Trưởng Mỹ: Ngưng bắn ở Syria là 'ưu tiên hàng đầu’

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry sẽ lên đường sang Geneve để tham gia các cuộc thảo luận về tình hình Syria.

Trong một thông cáo báo chí hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry sẽ thảo luận về các nỗ lực đang tiếp tục để tái khẳng định việc chấm dứt các hành động thù nghịch trên khắp Syria.

Ngoại trưởng Kerry đã điện đàm với Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc Syria và Phối hợp viên đặc trách các cuộc thương thuyết Syria để chuẩn bị cho chuyến đi.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ khẳng định rõ rằng chấm dứt bạo lực ở Aleppo và cuối cùng vãn hồi tình trạng chấm dứt các hành động thù nghịch lâu dài và trên khắp lãnh thổ Syria là một “ưu tiên hàng đầu”.

Ông Kerry bày tỏ quan tâm về việc các lực lượng của Tổng Thống Assad vẫn tiếp tực leo thang xung đột.

Ông Kirby nói: “Ngoại Trưởng Kerry bày tỏ quan tâm sâu xa của ông về tình hình đang xấu đi tại Aleppo, nơi mà chế độ của Tổng Thống Assad đang tiếp tục leo thang xung đột bằng cách nhắm vào thường dân vô tội và các bên tham gia thoả thuận ngừng hành động thù nghịch, thay vì nhắm vào Mặt trận al-Nusra.

Ông Kirby nói các cuộc tấn công như vậy vi phạm trực tiếp thoả thuận hưu chiến và phải chấm dứt ngay lập tức.

Khoảng 30 cuộc không kích do các chiến đấu cơ và máy bay trực thăng tác chiến của chính phủ Syria đã tấn công các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở thành phố Aleppo ở miền Bắc hôm thứ Bảy, giết chết ít nhất 5 người.

Theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria -có trụ sở ở Anh, gần 250 thường dân đã thiệt mạng trong các vụ pháo kích, đạn rocket và các vụ không kích tại thành phố Aleppo tính từ ngày 22/4. Trong số những người bị giết có ít nhất 50 người đã thiệt mạng khi một bệnh viện bị trúng bom sau một vụ không kích. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam xuống đường vì vụ cá chết --- Việt Nam: Biểu tình chống tập đoàn Formosa thải chất độc ra biển --- Hàng ngàn người tại Hà Nội và Sài Gòn biểu tình kêu gọi bảo vệ biển

Hàng ngàn người đổ về các trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong cuộc xuống đường vì hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra tại miền Trung Việt Nam.

Tại Hà Nội, nhiều con phố ở trung tâm kín người biểu tình với băng rôn "Tôi yêu môi trường biển và tôm cá", "Toàn dân Việt Nam cứu biển"...

Ước tính có khoảng 1.000 người tham gia cuộc tuần hành tại Hà Nội. Có một số xe chặn ngang đường ngăn đoàn người và nhiều an ninh mặc thường phục.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn người đi qua các con đường Lê Duẩn, Chợ Bến Thành, mang theo các khẩu hiệu "phải trả lại môi trường cho nhân dân", "Biển chết, tôm cá nghêu chết... Dân Việt Nam rồi sẽ chết nếu không đứng lên đòi quyền sống", "Trả lại Việt Nam Biển trong xanh, ngừng xả thải ra biển".

'Trấn áp'

Một số clip quay lại cho thấy tại đây đã xảy ra việc trấn áp người biểu tình, khi các nhóm mặc áo xanh vây ráp và xô xát với người tuần hành.

Những hình ảnh bạn đọc gửi cho BBC dường như cho thấy đã xảy ra tình trạng trấn áp người xuống đường tại đây.

Các lực lượng mặc trang phục màu xanh xiết chặt dần vòng vây, và xảy ra xô xát với người cầm khẩu hiệu.

Một số bạn trẻ phản kháng bằng cách ngồi xuống và giơ cao khẩu hiệu bảo vệ môi trường.

Có người dân đã tặng hoa cho lực lượng cảnh sát giao thông trên đường đoàn người đi qua.

Ở một số thành phố khác như Nha Trang, Vũng Tàu, cũng có những nhóm người dân mang theo biểu ngữ ra bờ biển, thể hiện quan điểm về vụ cá chết hàng loạt tại Việt Nam.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, một số nhà hoạt động và người dân xuống đường đã ngay lập tức bị trấn áp.

Một số người nói họ "bị đánh" bởi lực lượng an ninh tại thành phố miền Trung này.

Sau thảm họa môi trường cá chết tại miền Trung, nhiều lãnh đạo Đà Nẵng đã công bố công văn nói biển Đà Nẵng không bị ảnh hưởng, dù một số báo tại Việt Nam vẫn công bố hiện tượng một số cá chết dạt lên bờ tại đây.

Ngày 30/4, bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã cùng các lãnh đạo đi tắm biển cùng người dân và ăn cá để giải tỏa lo âu cho người dân.

Thảm họa môi trường này xảy ra hơn ba tuần tại tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan rộng vào Quảng Bình, Quảng Trị, Huế.

Trong hôm 29/4, người dân Cảnh Dương, một làng khác cũng thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã chăng lều bạt phản đối trên Quốc lộ 1A.

Nhiều người dân vứt cá ra giữa đường, căng lều bạt phản đối vì tàu đi đánh bắt về nhưng cá không ai mua vì lo sợ cá bị nhiễm độc.

Cho tới hiện tại, truyền thông tại Việt Nam không đưa tin về các cuộc biểu tình này, hãng tin Reuters cho biết. - BBC

***
Hàng ngàn người dân Việt Nam ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như tại một số thành phố miền Trung, đã xuống đường vào buổi sáng Chủ Nhật, 01/05/2016, để phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan thải chất độc tàn phá ngành thủy sản ở miền trung Việt Nam. Cuộc biểu tình được các mạng xã hội kêu gọi từ nhiều ngày trước.

Theo AFP và Reuters, tại Hà Nội vào sáng ngày 01/05, hàng trăm người dân đã tập họp và tuần hành dọc theo hồ Hoàn Kiếm. Họ hô khẩu hiệu "Trả biển cho dân" và cầm các biểu ngữ "Trục xuất Formosa", "Biển chết, chúng tôi chết", "Hãy bảo vệ biển".

Tại Sài Gòn, cũng có hàng trăm người biểu tình với biểu ngữ "Trả lại Việt Nam biển trong xanh", "Dân Việt Nam sẽ chết nếu không đòi quyền sống"…

Chính phủ Việt Nam cũng bị lên án là « vô tâm » trước thảm họa môi trường nhiễm độc làm cá và sò biển chết hàng loạt.

Những người biểu tình được các hãng thông tấn Tây phương phỏng vấn đều lên án thái độ "xấc xược" của Formosa, kêu gọi đóng cửa nhà máy thép của tập đoàn "xem thường chủ quyền và sinh mạng của người dân Việt". Trong tuần, một phát ngôn viên của Formosa bị hãng sa thải sau khi tuyên bố: "Người Việt phải chọn một trong hai thứ, hoặc cá hoặc thép, chứ không thể cả hai".

Theo chính quyền Việt Nam, ba tuần sau khi cá chết nổi xác tràn ngập 200 km bờ biển của bốn tỉnh miền trung, cuộc điều tra đang được tiến hành. Tuy vậy, theo AFP, báo chí chính thức đã chỉ đích danh thủ phạm là đường ống dẫn nước bẩn dài 1,5 km từ nhà máy thép của Formosa thải ra biển.

AFP cho biết thêm, tập đoàn Formosa bị dính vào nhiều vụ tai tiếng gây ô nhiễm sinh thái trên khắp địa cầu. Nhưng không rõ vì lý do gì cho đến nay các nhà điều tra của Việt Nam vẫn chưa kết luận tập đoàn này có quan hệ "nhân quả trực tiếp" giữa hoạt động của nhà máy tại Vũng Áng và cái chết của cá và sò biển .

Chính quyền Việt Nam đã nhìn nhận có "sai sót" qua lời tuyên bố của Bộ Trưởng Tài Nguyên - Môi Trường Trần Hồng Hà với báo Tuổi Trẻ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ "trừng phạt nặng nề" thủ phạm gây ô nhiễm.

Theo các mạng báo chí xã hội, biểu tình đông nhất là tại Hà Nội 2.000 người và thành phố Hồ Chí Minh 3.000 người. Ở các địa phương khác như Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… cũng có biểu tình. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền bị công an chặn lại không cho tham gia.

Reuters cho biết lực luợng an ninh cảnh sát được bố trí rất đông nhưng không đàn áp như những lần trước. Ngược lại, báo chí nhà nước hoàn toàn không loan tin các cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 01/05 này. - RFI

***
Hàng ngàn người dân tại thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn hôm nay xuống đường biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường biển của Việt Nam mà vừa qua bị nhiễm độc khiến cá chết hằng loạt tấp vào bờ của các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, sang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và đến cả Đà Nẵng.

Tiếng đàn violon của nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải kéo bài ‘Dậy Mà Đi’ khi cùng tham gia biểu tình ở Hà Nội lúc khoảng hơn 10h30 sáng nay khi đoàn về lại tại khu vực trước Nhà hát Lớn.

Anh Trịnh Bá Phương, một người tham gia trong đoàn biểu tình sáng hôm nay, ngày 1 tháng 5 năm 2016, tại Hà Nội cho biết vào lúc 10h30 sáng như sau:

“Từ lúc 9 giờ bà con đã tuần hành 1 vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, sau đó mọi người đến tượng đài Lý Thái Tổ và bà con vừa tuần hành đến sảnh của Nhà Hát lớn. 

Lực lượng an ninh chìm/mật có tham gia đàn áp những cuộc biểu tình trước thì ngày hôm nay họ đều có mặt; tuy nhiên lượng người tham gia ngày biểu tình hôm nay rất đông nên họ không thể đàn áp được người dân. 

Ước lượng khoảng hơn 1 ngàn người.”

Một người tham gia khác trong đoàn biểu tình sáng nay ở Hà Nội là chị Thảo Teresa mô tả hoạt động đó vào lúc 10h45:

“Hôm nay không chỉ những anh em đấu tranh mà cả những người dân trước đây thờ ơ cũng xuống đường. Hàng ngàn người xuống đường và bản thân tôi rất bất ngờ về tính thể hiện của họ. Những biểu ngữ hôm nay là ‘đả đảo Formosa’, ‘yêu cầu chính phủ phải minh bạch, không để chìm xuồng’… Đó là những phản biện rất rõ ràng đối với nhà cầm quyền.” 

Tại Sài Gòn, sáng nay cũng diễn ra cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường sinh thái như ở Hà Nội. Linh mục Phê-rô Lê Xuân Lộc, một trong những người biểu tình kể lại sau khi từ cuộc biểu tình trở về:

“Sáng nay đúng hẹn theo lịch sẽ có biểu tình tại Công viên 30/4; trước 9 giờ tôi cùng một nhóm các bạn trẻ đến tập trung tại Nhà thờ Đức Bà. Còn các nhóm khác cũng tập trung gần đó. Sau đó 9 giờ, chúng tôi tiến ra ngay trước Công viên 30/4. Cuộc biểu tình mau chóng thu hút được vài ngàn người biểu tình kéo đến và hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường cũng như đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam

Biểu tình ở Công viên 30/4 được khoảng chừng 10 phút, rồi đoàn biểu tình đi quanh Nhà thờ Đức Bà, xuống đường Đồng Khởi, qua trước nhà hát Sài Gòn, đi qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, kéo về đường Lê Lợi, sau đó đến công viên Quách Thị Trang và tập trung ở đó khoảng 15 phút; sau đó tiếp tục lên đường xuống Hàm Nghi. Rất đông công an được điều động đến đó để chặn đoàn biểu tình. Sau đó đoàn biểu tình tọa kháng ngay đường Hàm Nghi. Và có một vài trường hợp bị đánh đập, bị bắt bớ như một bạn quen của chúng tôi đang bị bắt ở ngoài đó và hiện tại chưa biết đang bị giữ ở đâu. 

Sáng nay ở Dòng Chúa Cứu Thế cũng có bắt bớ khoảng 4- 5 người. Khi anh Thú, chị Nghiên, cô Tân, và 1 bạn nữa mà tôi không rõ tên đến hầm xe thì khoảng 20 anh ninh đã ập vào hầm xe bắt 4 người đó đi và hiện tại chúng tôi không biết họ đang bị giam giữ ở đâu. 

Một số người đang tập trung tại Phòng Công lý ở đây chuẩn bị đi ‘tìm’ người!”

Ý thức cộng đồng

Theo đánh giá của nhiều người thì đợt biểu tình sáng hôm nay tại Hà Nội và Sài Gòn thu hút được đông đảo người dân tham gia hơn vì họ ý thức được vấn đề bức bách hiện nay đối với chính cuộc sống của họ.

Chị Thảo Teresa có nhận định:

“Những người dân bình thường xuống đường ủng hộ để đòi hỏi những quyền lợi sát sườn của nhân dân. Tình hình rất nặng nề vì nay đã lan đến Đà Nẵng…”

Linh mục Phê-rô Lê Xuân Lộc đưa ra một số nhận xét của ông về cuộc biểu tình sáng nay mà ông tham gia tại Sài Gòn:

“Lần này liên quan đến môi trường, đến sự sống, đến sự tồn vong của dân tộc nên tôi xuống đường. Có rất nhiều người trước đây họ chưa tham gia và hôm nay họ sẵn sàng tham gia. Hôm nay tôi gặp trực tiếp rất nhiều người, nhiều giáo dân. Biết tôi là linh mục họ đến chào thăm và tôi biết họ lần đầu tiên tham gia. 

Số lượng lần này đông hơn lần trước và thấy tinh thần của người dân bớt sợ, không còn sợ hãi nhất là khi thấy một lực lượng an ninh được huy động rất đông đến các góc, các ngã đường, và dân phòng; nhưng người dân vẫn túa ra đường.

Tôi thấy một sự đối lập giữa người dân và lực lượng công an khi người dân đi biểu tình và lực lượng công an đi hai bên dù là giữ gìn an ninh trật tự nhưng thấy người dân rất phẫn uất trước những hành vi cố tình ngăn trở cũng như tìm cách giật những biểu ngữ của người biểu tình.”

Ngăn chặn, câu lưu

Trong đoàn hàng ngàn người biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn trong sáng hôm nay thiếu vắng một số nhà hoạt động công khai vì quyền con người lâu nay. Lý do họ bị ngăn chặn không thể ra khỏi nhà như trường hợp hai vợ chồng ông Huỳnh Công Thuận và cô giáo Thanh Mai ở Sài Gòn. Ông Thuận trình bày:

“Hai đứa tôi vừa đi ra khỏi cửa thì họ chặn lại; giờ ở cửa cả chục người chặn. Đó là an ninh côn đồ, còn ngoài đường có một số bị bắt.”

Tại thành phố Đà Nẵng, có một nhóm nhỏ cố gắng tiến hành biểu tình nhưng đã bị ngăn chặn, có người tham gia bị đánh và có người bị mời về đồn công an làm việc.

Tại một số nơi khác như Cửa Lò hay ở Vinh hoạt động biểu tình bị lực lượng chức năng ngăn chặn ngay từ đầu. - RFA
|
|

6.
Biển Đông: Đài Loan gửi quân tăng viện tới đảo Ba Bình

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, chính phủ Đài Loan thông báo sẽ gửi thêm lực lượng quân sự tăng cường tới các vùng biển đang có tranh chấp. Đây là một động thái quân sự nằm trong chiến lược an ninh của Đài Loan được đưa ra chỉ 20 ngày trước khi tổng thống Mã Anh Cửu mãn nhiệm.

Trang mạng Taipeitimes. com cho biết, ngày 30/04/2016, tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying Jeou) dự kiến gửi thêm quân nhân để tăng cường cho lực lượng hiện đang đồn trú tại đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình - Itu Aba island) do Đài Loan kiểm soát, thuộc quần đảo Trường Sa.

Thêm vào đó, lần đầu tiên, một hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn cũng có thể được đặt trên đảo. Đảo Ba Bình đã được trang bị súng cối và súng phòng không song vẫn còn thiếu hệ thống tên lửa phòng không.

Trước đó, trả lời phỏng vấn vào ngày 29/04/2016, Cục Cảnh Sát Biển, đơn vị quản lý hòn đảo, đã khẳng định kế hoạch gửi quân trên, bao gồm cả quân nhân đã qua đào tạo pháo binh.

Nhiều nguồn tin ẩn danh cho biết phó chỉ huy lực lượng quân sự tại đảo Ba Bình có thể được phong hàm từ trung tá lên đại tá để tương xứng với lực lượng được tăng cường.

Còn một quan chức chính phủ nắm rõ hồ sơ Biển Đông của Đài Loan cho biết quyết định gia tăng quân số đã được đưa ra do những căng thẳng "nguy hiểm" trong vùng biển xung quanh đảo Ba Bình. Trong khi đó, khả năng áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Đài Bắc đang bị các nước Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đe dọa. Đặc biệt, Bắc Kinh đã tăng cường sức mạnh quân sự và hỏa lực trên các đảo mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông. Vị quan chức này nhấn mạnh : Đài Loan có thể bị mất đất nếu không gửi quân tiếp viện.

Đảo Ba Bình và quần đảo Đông Sa (Pratas) trước đây do Thủy Quân Lục Chiến Đài Loan quản lý, sau này được chuyển sang cho chính quyền. Đồn trú trên quần đảo Đông Sa là một tiểu đoàn khoảng 500 quân nhân. Đảo Ba Bình sẽ được tăng cường thêm khoảng 140 đến 150 binh sĩ.

Thông tin về các kế hoạch của chính phủ đã thu hút phản ứng trái chiều từ các thành viên của Ủy Ban Đối Ngoại và Quốc Phòng Lập Pháp Viện. Nhiều ý kiến chỉ trích tổng thống Mã Anh Cửu đưa ra một quyết định nhạy cảm thay vì để chính quyền của tổng thống tân cử Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến (DPP) quyết định.

Đài Loan phái hai tầu tuần tra trong vùng biển tranh chấp với Nhật Bản

Trong ngày 01/05/2016, Đài Bắc cũng quyết định gửi hai chiến hạm tuần tra tại vùng biển xung quanh đảo san hô Okinotori-shima có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, trong bối cảnh, vào tuần trước, Nhật Bản vừa bắt giữ tầu cá "Đổng Thịnh Trì 16" (Tung Sheng Chi 16) của Đài Loan gần đảo Okinotori-shima, bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Cụ thể, một tầu của lực lượng hải cảnh Đài Loan và một chiếc tầu khác của Hội Đồng Nông Nghiệp xuất phát từ cảng Cao Hùng (ở miền nam) và thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong vòng từ 1 đến 3 tháng.

Hàng năm, có khoảng 100 đến 200 tầu cá Đài Loan đánh bắt hải sản trong vùng biển xung quanh đảo Okinotori-shima. Nhật Bản tuyên bố có đặc quyền khu vực 200 hải lý xung quanh các đảo san hô không có người ở tại vùng biển Philippines. Tuy nhiên, cả Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc đều bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản. - RFI

No comments:

Post a Comment