Wednesday, December 7, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 7/12

Tin Thế Giới


1.

Trung Quốc lại đòi Mỹ cấm tổng thống Đài Loan quá cảnh


Chỉ vài hôm sau khi bị tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump chọc giận bằng cuộc điện đàm với đương kim tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Bắc Kinh ngày 07/12/2016 đã đòi Hoa Kỳ cấm lãnh đạo Đài Loan quá cảnh khi bà sang thăm một số nước châu Mỹ Latinh.


Theo chương trình dự kiến đã được báo giới tiết lộ, bà Thái Anh Văn sẽ công du ba nước Nicaragua, Guatemala và El Salvador vào đầu năm tới, và trên đường đi, phi cơ của bà sẽ phải quá cảnh New York. Ba quốc gia châu Mỹ Latinh này nằm trong danh sách hiếm hoi của 22 nước, đại bộ phận là nhỏ, còn duy trì bang giao với Đài Loan.


Khi trả lời báo chí, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lục Khảm đã nhắc lại tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với Đài Loan và cực lực tố cáo bà Thái Anh Văn lợi dụng việc quá cảnh với ý đồ chính trị.


Ngày 05/12 vừa qua, nhật báo Đài Loan Liberty Times, thân cận với đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn, đã tiết lộ rằng nữ tổng thống Đài Loan có kế hoạch tiếp xúc với một số thành viên trong ê kíp cố vấn của ông Donald Trump khi bà ghé New York.


Văn phòng tổng thống Đài Loan dĩ nhiên đã không hề xác nhận chuyên đi châu Mỹ Latinh của bà Thái Anh Văn, cũng như không nói gì về ý định của bà tại New York.


Riêng bộ Ngoại Giao Mỹ, ngay từ hôm qua, đã từ chối trước yêu cầu của Trung Quốc. Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định rằng Hoa Kỳ thường xuyên để cho các lãnh đạo Đài Loan quá cảnh.


Chỉ mới đầu năm nay, tổng thống Đài Loan đã quá cảnh Miami và Los Angeles trên đường công du Panama và Paraguay. - RFI

|

|


2.

Nghi vấn tỷ phú Trung Quốc đang giấu kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam


Kho nhôm lớn nhất thế giới vừa được vận chuyển tới một cảng biển Việt Nam trong khi cách đây vài tháng còn nằm phủ bạt ở một hoang mạc của Mexico.


Theo một phóng sự điều tra của tờ Wall Street Journal, phần lớn số hàng này đang được phủ bạt đen, canh giữ bởi nhân viên an ninh tuần tra bằng xe máy, mang theo dùi cui ở một nhà máy trong khu cảng Vũng Tàu.


Theo nguồn tin này, hàng loạt động thái bất thường trong xuất nhập khẩu nhôm giữa Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Việt Nam đều có liên hệ tới tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian – người được cho là đang giấu 1 triệu tấn nhôm trị giá 2 tỷ đô la để thao túng thị trường. 


Theo Dịch Vụ Thông Tin Thương Mại Toàn Cầu (GTIS) chuyên theo dõi các hoạt động thương mại trên thế giới, Việt Nam là đích đến của 91% lượng xuất khẩu phôi nhôm.


Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal hồi tháng 9 năm nay, kho nhôm của Mexico hiện đang nằm ở Việt Nam có liên quan tới ông Liu Zhongtian, chủ tịch tập đoàn nhôm China Shongwang, người giàu có nhất Trung Quốc. Ông Liu bị các nhà quản lý thương mại nhôm cáo buộc là xuất khẩu nhôm sang Mexico để xóa nguồn gốc Trung Quốc của mặt hàng này. Mục đích là lợi dụng hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Mexico để trốn thuế, bởi vì nếu là sản phẩm của Trung Quốc, mặt hàng này sẽ bị đánh thuế tại Hoa Kỳ. Tỷ phú Liu và tập đoàn China Zhongwang đã bác bỏ cáo buộc này.


Mỹ áp đặt các sắc thuế rất cao đối với nhôm nhập từ Trung Quốc, thuế xuất chống bán phá giá lên tới 374% cho phôi nhôm từ Trung Quốc trong khi nhôm Việt Nam chỉ chịu mức thuế trên dưới 5%. Trung Quốc được cho là đang dùng Việt Nam để có thể hưởng thuế xuất ưu đãi này.


Việc giá nhôm giảm giá trên thị trường đã đe dọa ngành sản xuất nhôm của Hoa Kỳ, dẫn đến nguy cơ hàng loạt nhà máy có thể đóng cửa. Theo Infonet, việc Trung Quốc tăng sản lượng nhôm và không phải đóng thuế đúng mức, là một mối đe dọa đối với ngành sản xuất nhôm tại Hoa Kỳ. 


Theo phóng sự của Wall Street Journal, hành trình của nhôm Trung Quốc được vận chuyển từ Mexico sang Việt Nam trùng hợp với thời điểm lượng nhôm Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam và Mỹ tăng đột biến qua những cảng có liên hệ với tỷ phú Liu của Trung Quốc. Tuy nhiên người phát ngôn của tập đoàn China Zhongwang, Harriet Lau, bác bỏ là có bất kỳ liên hệ nào với kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam.


Theo người sáng lập Harbor Aluminum Intelligence LLC, tổ chức nghiên cứu thị trường nhôm toàn cầu, được WSJ trích lời nói Vũng Tàu là cảng xuất nhập khẩu chính của Global Vietnam Aluminum, công ty Việt Nam duy nhất có khả năng quản lý kho hàng khổng lồ như vậy. - VOA

|

|


3.

Cúm gia cầm tái bùng phát --- Cúm gà bùng phát, Pháp ban hành hạn chế nghiêm ngặt


Serbia báo cáo ca cúm gà đầu tiên hôm 6/12.


Sáu con thiên nga chết ở phía Bắc nước này được xác nhận nhiễm dòng virus H5N8.


Trong vài tuần qua, nhiều trường hợp cúm gia cầm được phát hiện tại nhiều nước trên khắp Châu Âu, kể cả ở Romani.


Bộ Nông nghiệp Serbia ra khuyến cáo yêu cầu nông dân không cho gia cầm ra ngoài và cho biết sẽ tăng cường giám sát trang trại.


Nông nghiệp chiếm 10% sản lượng kinh tế của Serbia.


Tháng trước, nước láng giềng Croatia loan báo có 10 con thiên nga chết vì nhiễm virus cúm gia cầm ở miền đông nước này.


***

Pháp mở rộng những hạn chế ‘nguy cơ cao’ trên toàn quốc sau khi phát hiện một số trường hợp nhiễm dòng virus cúm gia H5N8 tại các nông trại ở Tây Nam và trong những đàn vịt hoang dã ở miền Bắc, Bộ Nông nghiệp Pháp loan báo hôm 6/12.


Tháng trước, Bộ đã ban hành những hạn chế nghiêm ngặt hơn tại một số khu vực ở các vùng ẩm ướt trong nỗ lực phòng tránh lây nhiễm.


Nhưng kể từ đó tới nay, Pháp, quốc gia có đàn gia cầm lớn nhất Châu Âu, đã bị một số đợt bùng phát dịch.


Bộ Nông nghiệp yêu cầu các chủ trang trại không cho gia cầm ra ngoài và phủ lưới an toàn để ngăn chúng tiếp xúc với chim muông hoang dã.


Ngoài ra, Bộ cũng dự kiến ban hành các lệnh cấm thu thập hay săn bắn chim muông. - VOA

|

|


4.

Mạng xã hội hợp tác chống tuyên truyền khủng bố


Các trang mạng xã hội hàng đầu tại Mỹ loan báo đang làm việc với nhau để nhanh chóng xác định và gỡ bỏ những video và hình ảnh được dùng để tuyển mộ thành viên gia nhập chủ nghĩa khủng bố.


Facebook, Twitter, Microsoft and YouTube ngày 5/12 cho hay sẽ tạo ra kho dữ liệu chung nhận dạng những hình ảnh và video này để dễ dàng xem xét và gỡ bỏ nội dung.


Sau đó, từng công ty sẽ quyết định xem các tài liệu đó có vi phạm quy định của doanh nghiệp họ hay không.


Các đại công ty Internet ngày càng đứng trước áp lực mạnh hơn từ các chính phủ trên thế giới đòi hỏi phải nỗ lực thêm để bài trừ những nội dung cực đoan.


Tại Mỹ, giới lập pháp đã ra luật yêu cầu các công ty truyền thông xã hội báo cáo cảnh sát các hoạt động khủng bố trên mạng mà họ phát hiện.


Đa số các dịch vụ truyền thông xã hội có quy định cấm những nội dung cổ súy bạo lực và các hoạt động  bất hợp pháp. Các công ty chủ yếu dựa vào báo cáo từ người sử dụng về các nội dung không thích hợp, rồi sau đó họ sẽ tiến hành xem xét.


Kho dữ liệu chung sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu năm tới và sẽ có thêm nhiều công ty tham gia đối tác. - VOA

|

|


5.

Hàng không mẫu hạm Nga 'quá tệ'?


Tai nạn phi cơ chiến đấu thứ nhì xảy ra với hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov đặt câu hỏi về khả năng kỹ thuật của Nga và lý do chính trị cho việc điều động con tàu sang Syria.


Cùng thời gian, chương trình cải tổ, đầu tư hàng tỷ USD vào quốc phòng của Điện Kremlin cũng gây sự chú ý của giới quan sát quốc tế không bối cảnh Nga can dự sâu hơn vào các vùng như Trung Đông và Đông Âu.


Sau vụ một chiếc MiG-29K lao xuống biển cách tàu Đô đốc Kuznetsov vài km hồi tháng 10, hôm 05/12/2016, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một chiếc Sukhoi-33 cũng đâm xuống nước ngay cạnh con tàu.


Cả hai phi cơ gặp nạn khi tìm cách xuất kích hoặc đáp xuống hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga nhưng may mắn là các phi công đều nhảy dù ra và thoát chết.


Lý do chính trị?


Các báo quốc tế đặt câu hỏi về lý do Tổng thống Vladimir Putin điều động tàu Đô đốc Kuznetsov sang Syria hỗ trợ cuộc oanh kích. 


Toby Harshaw viết trên Bloomberg rằng chiếc tàu 'nhả khói đen mù mịt là một sự xấu hổ cho nước Nga'.


Và quyết định cử Đô đốc Kuznetsov sang Syria mang tính chính trị hơn là vì lý do tác chiến.


"Điều đầu tiên cần biết là không có mục tiêu quân sự gì cho tàu. Chiếc hàng không mẫu hạm này được thiết kết để bảo vệ bờ biển Nga, không phải để tung ra các cuộc doanh kích, và cũng chỉ chở được 15 phi cơ trên boong. Điều này không cải thiện thêm bao nhiêu các cuộc oanh kích Nga thực hiện từ cách căn cứ trên bộ..."


Trong quá khứ, theo Toby Harshaw, "các vụ oanh tích từ xa của Nga như bắn hỏa tiễn định vị từ Biển Caspian vào Bắc Syria là hoàn toàn đủ, các vụ không kích của phi cơ Nga từ sân bay trên đất liền cũng rất hiệu quả".


"Việc cho tàu Đô đốc Kuznetsov sang Địa Trung Hải chỉ tỏ ra sự yếu kém của Putin."


"Chiếc tàu luôn cần một nhóm tàu kéo đi kèm vì nó thường xuyên bị hỏng máy và không di chuyển được."


Năm 2012, chiếc hàng không mẫu hạm đã bị hỏng động cơ tại vùng biển gần Bồ Đào Nha và phải nhờ tàu thủy kéo hàng nghìn km về cảng Murmansk của Nga. 


Các báo châu Âu cũng viết 2.000 quân nhân trên khoang chiếc Đô đốc Kuznetsov phải dùng chung 25 nhà vệ sinh.


Nhưng vấn đề chính là công nghệ của Nga không đủ để đáp ứng nhu cầu cho phi cơ cất cánh và đáp xuống khoang.


Vụ chiếc Sukhoi -33 bị nạn là do dây cáp hãm đà máy bay lúc hạ cánh bị đứt.


Trước đó, trang RT của Nga cũng thừa nhận chuyến hải hành của tàu Kuznetsov sang Syria "bị lu mờ bởi sự cố".


"Vụ Mig-29K xảy ra cũng vì bộ dây cáp bị trục trặc và không sửa kịp, khiến phi công bay lượn trên không hết nhiên liệu phải bỏ máy bay rơi xuống biển và bật dù nhảy ra," trang này viết.


Báo Independent ở Anh cho hay sau vụ tai nạn mới nhất, Nga đã cho chuyển các phi cơ từ tàu Đô đốc Kuznetsov vào sân bay trên bộ ở Syria. 


Bán hàng tồn kho?


Nhưng vấn đề của tàu Đô đốc Kuznetsov cũng đặt ra câu hỏi cho các thương vụ một số nước châu Á thực hiện để mua hàng không mẫu hạm theo mô hình Liên Xô mà Nga tiếp quản.


Hồi 2004, Nga bán chiếc tàu sân bay Đô đốc Gorshkov cho Ấn Độ với giá 2,35 tỷ USD.


Cuối thập niên 1990, Ukraine cũng đã bán cho Trung Quốc chiếc tàu Varyag cũ.


Theo Toby Harshaw, nay thì "cả hai bên mua hàng nay đều hối tiếc". 


"Trung Quốc bỏ ra hàng trăm triệu USD để sửa và lắp công nghệ mới cho chiếc tàu, đặt tên nó là Liêu Ninh, nhưng tàu vẫn không có khả năng tác chiến, và chỉ được dùng vào công tác huấn luyện." 


Theo các báo Hong Kong, hồi tháng 4/2016 đã xảy ra một vụ tai nạn khi phi cơ J-15 đáp xuống tàu Liên Ninh lúc tập luyện không thành.


Phi công ưu tú tên là Trương Siêu, 29 tuổi, quê ở Hồ Nam đã tử nạn.


Trước đó, vào giữa năm 2014, có ít nhất hai phi công khác của Trung Quốc cũng thiệt mạng khi tập đáp xuống chiếc Liêu Ninh, theo trang Jane's Defense.


Còn về tàu 'gốc Nga' của Ấn Độ, bài trên Bloomberg viết:


"Ấn Độ đặt tên lại cho chiếc tàu Nga là Vikramaditya và cho đến 2013 nó cũng vẫn không ra đại dương được vì 7 trong số 8 lò đốt không hoạt động khi chạy thử."


"Chiếc tàu nay đóng vai trò tuần tra ven biển và phi cơ Tejas hạng nhẹ của Ấn Độ sản xuất cũng không đáp được xuống bãi đỗ rất hẹp của nó."


Được biết chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục đầu tư vào cải tổ quân sự.


Theo AP, ngay từ đầu thập niên 2000, Điện Kremlin cam kết bỏ ra 300 tỷ USD cho đến 2020 để hiện đại hóa quốc phòng. 


Chỉ trong năm 2015, Nga chi ra 3,1 nghìn tỷ ruble (48 tỷ USD) cho quốc phòng, tăng 25% so với năm 2015, và quá 1/5 toàn bộ ngân sách quốc gia. - BBC

|

|


6.

Nhật Bản hy vọng liên minh quân sự với Mỹ vẫn bền vững


Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Hoa Kỳ ngày hôm qua, 06/12/2016, tại Tokyo, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hy vọng là liên minh quân sự Nhật-Mỹ sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, bởi vì liên minh này có lợi cho cả hai nước.


Theo AFP, khi được hỏi về việc tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gợi ý là Nhật Bản nên thành lập lực lượng hạt nhân riêng của mình, bộ trưởng Quốc Phòng Tomomi Inada nói, Nhật Bản hy vọng tiếp tục được bảo đảm an ninh trong khuôn khổ ô hạt nhân của Hoa Kỳ.


Lãnh đạo Quốc Phòng Nhật Bản cho rằng, các cuộc thảo luận giữa hai nước trong tương lai nên tập trung vào việc chia sẻ khả năng bảo đảm an ninh thay vì chỉ chú ý đến chia sẻ gánh nặng tài chính. Bà Inada nhấn mạnh, Nhật Bản gắn bó với quan điểm một thế giới không có vũ khí hạt nhân, hàm ý Tokyo không chấp nhận tự phát triển vũ khí nguyên tử, bởi vì Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới đã phải hứng chịu hậu quả thảm khốc của loại vũ khí hủy diệt này.


Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng chưa bao giờ quan hệ song phương lại vững mạnh như hiện nay và Mỹ vẫn có những lợi ích trong khu vực.


Trong chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Âu, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã thăm Nhật Bản từ 05 đến 07/12. Hôm thứ Ba, 06/12, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã gặp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và hai bên thông báo là Hoa Kỳ trả lại Nhật Bản một khu đất tại Okinawa vốn là căn cứ huấn luyện của Thủy quân lục chiến Mỹ.


Sau Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới thăm Ấn Độ vào ngày mai, 08/12. - RFI

|

|


7.

Động đất ở Indonesia, số tử vong tiếp tục tăng


Số người chết tiếp tục tăng sau khi một trận động đất mạnh làm rung chuyển Indonesia sáng sớm thứ Tư, 7/12.


Các quan chức địa phương cho biết ít nhất 97 người chết và hàng trăm người khác bị thương ở Pidie Jaya, khu vực gần tâm chấn của trận động đất nhất, ở phía bắc đảo Sumatra, Indonesia. Thị trấn Meureudu là một trong những khu vực bị tác động nặng nhất.


Chấn động đã làm sập hàng chục các tòa nhà, bao gồm cả các nhà thờ Hồi giáo, cửa hàng và nhà ở. Các đội cứu hộ, trong đó một số sử dụng thiết bị hạng nặng, đã tìm kiếm người có thể bị mắc kẹt bên dưới các đống đổ nát.


Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết trận động đất cường độ 6,5 độ Richter có tâm gần thị trấn Reuleut. Cục Khí hậu, Khí tượng và Địa vật lý của Indonessia cho biết trận động đất đã không gây ra sóng thần.


Indonesia nằm trong khu vực dễ bị động đất trên thế giới. Một trận động đất năm 2004 ngoài khơi đảo Sumatra đã gây ra cơn sóng thần giết chết 230.000 người ở Indonesia và các nước khác. - VOA

|

|


8.

Tìm thấy 23 thi thể trong tai nạn rớt máy bay ở Pakistan


Các quan chức khẳng định một máy bay của Pakistan chở 48 người gồm cả hành khách và phi hành đoàn đã bị rơi, tìm thấy 23 thi thể

Các quan chức khẳng định một máy bay của Pakistan chở 48 người gồm cả hành khách và phi hành đoàn đã bị rơi trong khi bay thị trấn miền bắc Chitral tới Islamabad hôm thứ Tư, 7/12.


Các nhân chứng và cảnh sát tỉnh cho biết máy bay ATR-42 của hãng hàng không quốc doanh Pakistan International Airlines, PIA, đã rơi xuống khu vực miền núi hẻo lánh gần thị trấn Havelian rồi bùng cháy.


Nhân viên cứu hộ đã tìm thấy 23 thi thể. Họ gặp khó khăn khi tiến hành hoạt động cứu hộ vì đêm tối và do địa điểm xa xôi. Cho đến nay, không có tin gì về người sống sót.


Tai nạn máy bay lớn ở Pakistan gần đây nhất là năm 2012 khi một máy bay chở khách của một hãng hàng không tư nhân lâm nạn gần Islamabad khi đang đáp xuống trong một cơn bão. Tất cả 127 người trên khoang đều thiệt mạng. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


9.

Đảng Dân chủ tìm hướng đi cho tương lai


Đảng Dân chủ ở Mỹ đang tìm cách khôi phục sau khi thua cuộc bầu cử tổng thống vào tháng rồi. Thắng lợi đã thuộc về ông Donald Trump, đồng thời đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.


Những người ủng hộ hân hoan chào đón Tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Cincinnati để tri ân cử tri đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử.


Ông Donald Trump phát biểu: 


“Thật sự, lịch sử đã kêu gọi và người dân của tiểu bang tuyệt vời này đã đáp lời, và quý vị sẽ rất vui mừng với lời hiệu triệu đó. Ngay vào lúc này chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại lần nữa.”


Trong khi đó viễn cảnh của các thành viên đảng Dân chủ thì trái ngược hoàn toàn, sau thất bại của bà Hillary Clinton.


Theo nhà phân tích John Fortier của Trung tâm Chính sách phi đảng phái, phe Dân chủ tiếp tục ở thế thiểu số tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện, và họ phải đối mặt với câu hỏi là họ nên theo quan điểm đối lập nào trong suốt thời gian ông Trump lãnh đạo chính phủ.


Ông John Fortier nói: 


“Đảng Dân chủ sẽ đi về đâu? Đó còn là một đảng thật sự muốn đi theo một vài nhân vật cấp tiến như thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren, hay các nhân vật khác như thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, những người đã lãnh đạo đảng Dân chủ đi theo hướng thiên tả, hay đảng này sẽ đi theo hướng trung dung giống như của bà Hillary Clinton?”


Thượng nghị sĩ Sanders có vẻ rất muốn đi tiên phong trong việc thúc giục các đảng viên Dân chủ đánh giá lại lập trường bảo vệ các cử tri thuộc tầng lớp lao động.


Ông Sanders nói:


“Hiện có hàng triệu người sống rất chật vật, đó là những người thuộc tầng lớp lao động, tầng lớp trung bình, những người có thu nhập thấp.”


Dân biểu Tim Ryan, đại diện bang Ohio cũng có cùng nhận định như trên. Ông Ryan đã mất cơ hội giành vị trí lãnh đạo khối Dân chủ ở Hạ viện, thay bà Nancy Pelosi. 


Ông Tim Ryan nói: 


“Tôi tin trong tim rằng nếu đảng Dân chủ thắng cử, chúng ta cần phải có một thông điệp kinh tế có tầm ảnh hưởng vang dội đến tận mọi ngóc ngách trên cả nước.”


Tương lai của đảng Dân chủ cũng là tâm điểm của vị tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama.


Tổng thống Barack Obama nói:


“Có nhiều chuỗi giá trị cơ bản chưa được đưa ra bàn thảo, và sẽ là nguyên lý thống nhất của chúng ta. Nhưng tôi nghĩ, về mặt chính trị, chúng ta nên đầu tư thêm thời gian để suy nghĩ về cách thức tổ chức lại đảng Dân chủ.”


Bình luận gia cánh hữu Fred Barnes nói nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động trong năm nay đã theo ông Trump:


“Ông ấy đã làm một điều mà theo tôi các đảng viên Cộng hòa có thể không bao giờ có thể làm được, đó là ông đã thắng ở bang Pennsylvania, bang Ohio, bang Michigan và thắng luôn bang Wisconsin, tức là toàn bộ khu vực công nghiệp bị xuống dốc, nơi có rất nhiều người thuộc tầng lớp lao động, nhiều người trong số đó không có việc làm, rất nhiều người.” - VOA

|

|


10.

Ông Trump: 'Mỹ cần chấm dứt vòng luẩn quẩn của can thiệp và xáo trộn' --- Donald Trump nhận danh hiệu "Nhân vật của năm 2016" --- Trump đề cử đại sứ ở Bắc Kinh, Trung Quốc vui mừng? --- Hoa Kỳ: Donald Trump dọa cắt hợp đồng Air Force One --- Đường lối kinh tế của D. Trump khiến các đại gia Mỹ lo ngại


Tổng thống tân cử Donald Trump quay lại với viễn kiến của ông về một chính sách đối ngoại không can thiệp cho nước Mỹ, lặp lại những phát biểu từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử, nói rằng ông không muốn các lực lượng Mỹ chiến đấu “ở những khu vực mà lẽ ra quân đội Mỹ không nên cầm súng chiến đấu.” 


Lên tiếng tại một cuộc tập họp ở Fayetteville, bang North Carolina, để cảm tạ cử tri đã ủng hộ ông, ông Trump nói thay vào đó, ông sẽ tập trung vào nỗ lực đánh bại những phần tử khủng bố, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo.


Ông Trump nói nước Mỹ sẽ “ngưng chạy đua để lật đổ các chế độ cai trị ở nước ngoài trong khi không biết gì về các chế độ ấy, và cũng chẳng nên dính líu vào công chuyện của họ.”


Ông Trump tuyên bố Mỹ phải chấm dứt “cái vòng luẩn quẩn của sự can thiệp, đưa đến xáo trộn chỉ đưa đến tàn phá.”


Ông Trump cam kết sẽ xây dựng quân đội nhưng với mục đích là để thể hiện sức mạnh của mình, chứ không thể hiện thái độ hiếu chiến.


Trong chiến dịch tranh cử, ông thường xuyên đặt nghi vấn về những đóng góp của NATO và các đồng minh khác liệu có hợp lý hay không, nhưng hôm thứ Ba 6/12, ông tuyên bố rằng ông muốn củng cố “các quan hệ hữu nghị cũ” và tìm các quan hệ hữu nghị mới.


Trong cuộc tập họp này, ông Trump chính thức loan báo đã chọn tướng lãnh hồi hưu James Mattis là người được ông đề cử vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.


Ông Trump nói:


“Dưới sự lãnh đạo của ông trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, một vị trí rất quan trọng, chúng ta sẽ xây dựng lại quân đội và các liên minh của chúng ta, chúng ta sẽ tiêu diệt quân khủng bố, trực diện với những kẻ thù của chúng ta, và làm cho nước Mỹ trở nên an toàn hơn.”


Ông Michael O'Hanlon, một chuyên gia về quốc phòng của Viện Brookings, miêu tả tướng Mattis là “một trong những tướng lãnh đọc rộng hiểu nhiều và có kinh nghiệm nhất trong thế hệ của ông.”


Ông Mattis từng là Tư lệnh Tối cao của các lực lượng NATO, và đứng đầu Bộ Chỉ huy Miền Trung của Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm về các hoạt động ở Trung Đông.


Đội ngũ chuyển tiếp quyền lực của ông Trump hôm thứ Ba 7/12 cũng cắt đứt liên hệ với ông Michael G. Flynn, con trai của nhân vật được Tổng thống tân cử Donald Trump chọn làm Cố vấn An ninh Quốc gia, mang cùng tên, Michael G. Flynn. 


Ông Flynn con đóng vai trò cố vấn cho cha, nhưng không rõ vai trò của ông trong chính phủ mới. Ông này bị đả kích dữ dội vì đã phát tán những tin giả mạo, kể cả vụ “Pizzagate” cáo buộc 1 nhà hàng pizza ở DC có dính líu vào một đường dây của những kẻ ấu dâm có liên hệ với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.


Một kẻ vũ trang bị bắt giữ hôm Chủ nhật vừa rồi sau khi nổ súng bên trong cửa hàng pizza này. Cảnh sát cho biết người đàn ông đến từ North Carolina nói ông đã tới cửa hàng này để tự mình điều tra vụ việc. 


Sau khi người đàn ông bị bắt, ông Flynn con viết trên trang Twitter: “Cho tới khi vụ Pizzagate được chứng minh là tin sai sự thật, thì đây vẫn là tin.” 


Tướng Flynn cũng đã từng lan truyền tin thất thiệt, một số có liên hệ tới bà Clinton.


Hôm thứ Ba, ông Trump xuất hiện tại văn phòng của ông ở New York với ông Masayoshi Son, Chủ tịch tập đoàn truyền thông khổng lồ SoftBank của Nhật Bản, khi ông Son loan báo kế hoạch đầu tư 50 tỉ đôla vào nước Mỹ, với mục đích tạo ra 50.000 việc làm.


Trên trang Twitter ông Trump cho rằng đó là nhờ ông thắng cử. Cũng qua trang mạng Twitter, ông Trump còn cho biết ông muốn đình chỉ hợp đồng mua chuyên cơ Tổng thống Mỹ Air Force One. Chính phủ Mỹ trước đó đã ký hợp đồng với công ty Boeing để đóng hai máy bay mới sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng vào năm 2024, kinh phí ước tính khoảng 3 tỉ đôla. 


Ông Trump giải thích rằng lý do là bởi vì kinh phí quá cao, “vượt quá 4 tỉ”. - VOA


***

Tạp chí Time hôm thứ Tư đã công bố ông Donald Trump là "Nhân vật của năm 2016" vì ông đã thắng cử ngoạn mục, một chiến thắng viết lại luật chơi chính trị và đưa ông lên làm người chèo lái một nước Mỹ chia rẽ. 


Tổng thống đắc cử kết nối bằng điện thoại với chương trình Today của kênh NBC. Ông cho biết được nhận danh hiệu này là "một vinh dự rất, rất lớn". Ông phủ nhận mình đã gây ra sự chia rẽ nước Mỹ và ca ngợi Tổng thống sắp hết nhiệm kỳ Barack Obama. 


Nhà tỷ phú bất động sản, người chưa bao giờ giữ chức trong chính quyền và gây chấn động hệ thống chính trị chính thống của Mỹ khi đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Hilary Clinton, đã được lên bìa tạp chí Time với lời tựa "Donald Trump: Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chia rẽ".


Tạp chí Time cho biết những nhân vật của năm, một danh hiệu được trao từ 90 năm nay, là những người "có ảnh hưởng lớn nhất, tích cực hay tiêu cực, đến các sự kiện của năm". 


"Vậy năm nay thì sao: tích cực hay tiêu cực?", tổng biên tập Nancy Gibbs viết. 


"Thách thức đối với Donald Trump là nước Mỹ bất đồng sâu sắc về câu trả lời ...2016 là năm ông thăng tiến, 2017 sẽ là năm ông lãnh đạo, và cũng như tất cả các vị lãnh đạo mới đắc cử, ông có cơ hội thực hiện lời hứa và vượt mong đợi."

Dân túy


Bà nói thêm, ông Trump được trao danh hiệu này vì ông "nhắc nhở nước Mỹ rằng sự mị dân sống nhờ vào tâm lý thất vọng, và sự thật cũng chỉ có sức mạnh nếu như những người nói lên sự thật được tin tưởng". 


Trump "đã trao sức mạnh cho một bộ phận cử tri ít được biết đến nhờ nói lên sự tức giận và công khai nỗi lo sợ của họ; và ông đã gây dựng văn hóa chính trị của ngày mai bằng cách phá tan văn hóa chính trị của ngày hôm qua". 


Ông Trump được chọn từ một danh sách đề cử gồm cả bà Clinton và Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Bà Nancy Gibbs cho biết bà Clinton đứng thứ hai trong danh sách và việc bầu chọn ông Trump "khá đơn giản". 


Tạp chí này mời các độc giả bầu chọn người họ nghĩ xứng đáng được danh hiệu, nhưng quyết định cuối cùng là của các biên tập viên. 


Những người khác có tên trong danh sách bầu cử gồm vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles, ca sỹ Beyonce Knowles và CEO Facebook Mark Zuckerberg. -BBC


***

Bắc Kinh nói nhân vật mà Tổng thống tân cử Donald Trump đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc, thống đốc bang Iowa Terry Branstad, là "một người bạn cũ".


Hãng tin Bloomberg cho hay ông Branstad đã chấp thuận đề cử này.


Khi được hỏi phản ứng, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại cuộc họp báo thường kỳ: "Chúng tôi hoan nghênh ông [Brandstad] đóng vai trò lớn hơn trong thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ".


Không trực tiếp xác nhận thông tin, ông Lục nói Trung Quốc sẽ hợp tác với bất cứ ai ở vị trí này.


Ông Brandstad cũng chưa có phát ngôn gì.


Tín hiệu thuận lợi


Nếu như thực sự ông Terry Branstad trở thành đại sứ ở Bắc Kinh, điều này có thể giúp giảm căng thẳng về thương mại giữa hai nước, cũng là hai cường quốc về sản phẩm nông nghiệp, theo đánh giá của giới ngoại giao và chuyên gia kinh tế.


Ông Branstad nhận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "người bạn lâu năm", khi ông Tập thăm Iowa tháng 2/2012 sau khi nhậm chức có chín tháng.


Việc đề cử này cho thấy ông Trump có thể sẽ có thái độ ít hung hăng hơn trước nghĩ đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Căng thẳng nảy sinh sau khi Trump dọa sẽ nêu danh Trung Quốc là kẻ lũng đoạn tiền tệ và sẽ đánh thuế trừng phạt hàng Trung Quốc vào Mỹ.


Về thương mại, Mỹ quan ngại Trung Quốc phá giá thép và nhôm, gây ảnh hưởng tới các nhà sản xuất của Mỹ. 


Trong lĩnh vực nông nghiệp, Mỹ cũng chưa thuyết phục được Trung Quốc gỡ bỏ bảo hộ đối với các mặt hàng thịt gà và thức ăn gia súc (DDGS).


Trung Quốc là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của tiểu bang Iowa, bởi vậy thống đốc Brandstad được cho là có khả năng giải quyết các vấn đề thương mại Mỹ-Trung.


Quan hệ cá nhân giữa hai ông Branstad và Tập cũng có thể tạo điều kiện cho Mỹ tiếp cận lãnh đạo Trung Quốc.


Tuy nhiên một số người cũng tỏ ra hoài nghi là sau nhiều năm chuyên chú các chủ đề nông nghiệp, không rõ ông Brandstad có sẵn sàng cho công việc ngoại giao hay không.


Quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng sau cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan.


Đây là cuộc tiếp xúc điện thoại đầu tiên giữa tổng thống Đài Loan và tổng thống hay tổng thống đắc cử Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter tuyên bố công nhận "một nước Trung Quốc" hồi năm 1979. - BBC


***

Boeing bị một cú đấm mà thủ phạm là « võ sĩ » Donald Trump. Qua twitter, tổng thống tân cử Hoa Kỳ hôm qua 06/12/2016 dọa sẽ hủy bỏ hợp đồng giữa chính phủ Mỹ và tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, cung cấp hai chiếc chuyên cơ mới Air Force One. Doanh nhân - tổng thống nổi giận vì Boeing bán giá “cắt cổ” từ 3 tỷ tăng lên 4 tỷ đôla mỗi chiếc.


Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường thuật :


"Người ta có thể hình dung phản ứng kinh ngạc của tập đoàn máy bay Boeing vào sáng thứ ba khi ban lãnh đạo đọc được tuyên bố trên mạng xã hội của ông Donald Trump. Tổng thống tân cử cho rằng « giá các chiếc chuyên cơ 747 dành cho tổng thống quá đắt. Phải hủy bỏ hợp đồng đi".


Tiếp theo đó, đến trước toà tháp « Trump Tower», ông Donald Trump xác nhận sự bất bình của ông : « Hợp đồng gì mà lên đến hơn 4 tỷ đôla cho mỗi chiếc Air Force One. Tôi cho đây là một con số lố bịch. Boeing bắt (nhà nước) trả thêm tiền. Chúng tôi muốn Boeing được lãi, nhưng không thể quá nhiều như thế được ».


Cho đến nay, ông Donald Trump vẫn sử dụng máy bay riêng, nhưng sẽ không thể tiếp tục như thế sau khi nhậm chức. Thế mà các chuyên cơ 747 dành cho tổng thống, sau 30 năm phục vụ, đã sắp đến kỳ hạn phải thay thế. Hồi đầu năm nay, Lầu năm góc đã ký với Boeing hợp đồng 3 tỷ đôla mỗi chiếc mới, được trang bị cực kỳ tối tân bảo đảm an ninh và an toàn cho tổng thống Mỹ. Air Force One bọc thép cho phép tổng thống làm việc như trong văn phòng bầu dục, là bộ chỉ huy quân sự trong trường hợp chiến tranh, có hệ thống gây nhiễu sóng truyền tin và có thể được tiếp tế nhiên liệu trên không.


Boeing chưa có phản ứng chính thức nhưng giá cổ phiếu của tập đoàn này đã rơi tức khắc." - RFI


***

«Tôi khá lo lắng trước một số lập luận ». Tuyên bố của ông Oberhelman, giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất máy công cụ xây dựng Caterpillar của Mỹ, được hãng tin Pháp AFP ngày 07/12/2016 trích dẫn, là dấu hiệu mới nhất cho thấy là giới đại công ty tại Hoa Kỳ đang ngày càng lo ngại trước đường lối kinh tế của tân tổng thống Mỹ, cho dù chính sách này chưa định hình.


Nguyên nhân khiến cho các đại gia Mỹ quan ngại chính là những lời đe dọa áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch của người vừa đắc cử tổng thống, mà theo họ, có thể là dấy lên một cuộc chiến thương mại với hai đối tác lớn của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Mêhicô.


Ông Dennis Muilenburg, giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo phi cơ Boeing, đối tượng gần đây nhất bị Donald Trump công kích, đã từng lưu ý : « Bất cứ ai quan tâm đến chiến dịch vận động tranh cử và kết quả cuộc bầu cử tổng thống đều biết rằng một trong những chủ đề quan trọng nhất là nỗi lo ngại về tự do và công bằng trong giao thương (với thế giới)".


«Tôi khá lo lắng trước một số lập luận ». Tuyên bố của ông Oberhelman, giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất máy công cụ xây dựng Caterpillar của Mỹ, được hãng tin Pháp AFP ngày 07/12/2016 trích dẫn, là dấu hiệu mới nhất cho thấy là giới đại công ty tại Hoa Kỳ đang ngày càng lo ngại trước đường lối kinh tế của tân tổng thống Mỹ, cho dù chính sách này chưa định hình.


Nguyên nhân khiến cho các đại gia Mỹ quan ngại chính là những lời đe dọa áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch của người vừa đắc cử tổng thống, mà theo họ, có thể là dấy lên một cuộc chiến thương mại với hai đối tác lớn của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Mêhicô.


Ông Dennis Muilenburg, giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo phi cơ Boeing, đối tượng gần đây nhất bị Donald Trump công kích, đã từng lưu ý : "Bất cứ ai quan tâm đến chiến dịch vận động tranh cử và kết quả cuộc bầu cử tổng thống đều biết rằng một trong những chủ đề quan trọng nhất là nỗi lo ngại về tự do và công bằng trong giao thương (với thế giới)". - RFI

|

|


11.

Mỹ-Cuba phát thảo lộ đồ tăng cường quan hệ tan băng --- Liên Hiệp Châu Âu khép lại 20 năm căng thẳng với Cuba


Cuba và Mỹ sẽ phát thảo lộ đồ tăng cường mối quan hệ tan băng, theo thông báo của chính phủ Cuba hôm 6/12 tại cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ và sau cái chết của nhà cách mạng Cuba, Fidel Castro.


Ủy ban song phương Cuba-Hoa Kỳ lần thứ năm diễn ra hôm thứ Tư trong bối cảnh ngày càng không chắc chắn về tương lai quan hệ Cuba-Mỹ với lời tuyên bố của Tổng thống tân cử Donald Trump đòi chấm dứt mối quan hệ vừa tan băng với Cuba nếu quốc gia cộng sản này không làm tốt hơn.


Chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã hối thúc các công ty Mỹ hoàn tất những hợp đồng mua bán bổ sung tại Cuba để đặt nền tảng vững chắc hơn cho chính sách của ông Obama trước khi tân Tổng thống nhậm chức vào ngày 20/1.


“Chúng tôi sẽ quyết định những việc cần làm trong những tuần tới để đào sâu tiến trình cải thiện quan hệ,” Bộ Ngoại giao Cuba cho biết. Vẫn theo nguồn tin này, những việc cần làm đó bao gồm các chuyến thăm cấp cao và các hiệp ước hợp tác trong những lĩnh vực đôi bên cùng có lợi.


Cuba tới nay vẫn kín tiếng về những phát biểu của ông Trump, chờ xem liệu ông Trump có biến những luận điệu gay gắt thành những thay đổi chính sách hay không.


Một số công ty lớn của Mỹ như General Electric chẳng hạn, đang trong giai đoạn cuối thương lượng các hợp đồng với Cuba, theo các nguồn thạo tin cho hay.


Ông Trump đã tuyên bố sẽ tìm cách đảo ngược các bước tiến của chính quyền Obama trong mối quan hệ với Cuba trừ phi giới lãnh đạo Cuba nới lỏng tự do tôn giáo và phóng thích tù nhân chính trị. - VOA


***

Các thành viên Liên Hiệp Châu Âu ngày 06/12/2016 đã bãi bỏ một văn kiện có từ năm 1996 quy định một loạt điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Cuba, nhất là trong lãnh vực nhân quyền. Quyết định này được đánh giá là mở ra một trang sử mới trong quan hệ song phương.


Hội Đồng Châu Âu, đại diện cho các nước thành viên, trong một thông cáo cho biết là đã « bãi bỏ bản Quan Điểm Chung của Châu Âu về Cuba năm 1996 », và như thế đã mở ra một « chương mới » trong quan hệ với Cuba.


Việc bãi bỏ văn kiện từng được đánh giá là đỉnh điểm của những bất đồng Cuba và Châu Âu, đã được lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini đề nghị vào cuối tháng 9 vừa qua.


Quyết định của các nước châu Âu bật đèn xanh cho Bruxelles xóa bỏ văn kiện gây bất hòa được đưa ra trong bối cảnh từ tháng Ba vừa qua, Ủy Ban Châu Âu và Cuba đã đúc kết một « thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác », sẽ được chính thức ký kết ngày 12/12 tới.


Thỏa thuận này sẽ là khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ Cuba-Châu Âu. Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu đánh giá : « Đây là một bước ngoặt trong quan hệ Cuba–Châu Âu. Với thỏa thuận mới này, Châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Cuba trong tiến trình hiện đại hóa kinh tế và xã hội.


Theo AFP, Cuba là quốc gia Châu Mỹ La tinh duy nhất đến nay không có quan hệ hợp tác quốc tế với Liên Hiệp Châu Âu.


Việc Bruxelles bình thường hóa quan hệ với La Habana rõ ràng là đã theo gương tổng thống Mỹ Barack Obama, ngay từ tháng Ba vừa qua, đã quyết định chấm dứt 60 năm quan hệ giá lạnh với Cuba.


Đà cải thiện bang giao Mỹ-Cuba đặc biệt tăng tốc trước lúc ông Obama rời nhiệm sở. Theo thông tin từ La Habana, hai bên sẽ vạch ra một lộ trình nhằm củng cố tiến trình hòa dịu giữa hai bên, nhân một cuộc họp ngày 07/12. Tổng thống Obama đã yêu cầu các tập đoàn Mỹ ký thêm hợp đồng ở Cuba để củng cố việc xích lại gần nhau mà ông mong muốn trước khi người kế nhiệm ông bước vào Nhà Trắng ngày 20/01/2017.


Theo AFP, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như General Motors đang đúc kết hợp đồng ở Cuba. Khoảng một chục hợp đồng đang được thương lượng, trong những lĩnh vực như du lịch, viễn thông.


Bộ Ngoại Giao Cuba đã nói đến nhiều hành động trong những tuần lễ tới đây, như những chuyến viếng thăm cấp cao và những thỏa thuận hợp tác trong lãnh vực hai quốc gia quan tâm. - RFI

|

|


Tin Việt Nam


12.

Quảng Bình: 400 học sinh nghỉ học chống lạm thu


Hơn 400 học sinh trường tiểu học Cồn Sẻ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình tiếp tục nghỉ học bước sang ngày thứ ba tính đến hôm nay ngày 07.12.2016.


Lý do được các phụ huynh cho biết không đưa con em đến trường nhằm yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thị xã Ba Đồn, Phòng Nội vụ Thị xã Ba Đồn và Phòng Giáo dục Thị xã Ba Đồn giải quyết thỏa đáng những khiếu nại về nhiều khoản thu bị cho là không cần thiết.


Một phụ huynh có con em theo học tại trường tiểu học Cồn Sẻ phản ánh: “Có những khoản  nằm ngoài luồng, không có trong quy định để nhà trường thu thêm như đóng tiền ngày 20 tháng 11, đóng tiền tết trung thu hằng năm, mỗi em 30 ngàn nhưng mỗi em chỉ nhận được ít bánh ít kẹo. Tôi nghĩ rằng, ngày tết trung thu nếu như nhà trường có kinh phí thì tổ chức, hoặc các cơ quan đoàn thể nào cho quà các em thì tổ chức, còn ở đây lại thu tiền của học sinh để tổ chức cho học sinh.”


Vị phụ huynh này cũng cho biết, cơ sở vật chất của trường xuống cấp một cách trầm trọng nhiều năm nay, nhưng không được nhà trường quan tâm:


“Cơ sở vật chất càng ngày càng xuống cấp. Khu vệ sinh của các em không được đầu tư, rất bẩn thỉu và chưa có nơi nào bẩn như ở trường tiểu học Cồn Sẻ. Cửa làm bằng kính, bị vỡ, nhưng không sửa chữa, trong khi đó ban giám hiệu nhà trường thu tiền hàng năm. Phòng ốc thiếu ánh sáng, hệ thống làm mát. Trang thiết bị của trường, học sinh đều phải đóng tiền nhưng không đáp ứng được nhu cầu của các em.”


Ý kiến các phụ huynh còn cho rằng người đảm nhận chức vụ hiệu trưởng nhà trường trong 25 năm qua là ông Nguyễn Minh Khai không giúp nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. - RFA

|

|


13.

Thủ tướng ra lệnh truy kẻ tung tin đổi tiền


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho bộ Công An truy tìm những kẻ đứng sau các tin đồn đổi tiền thất thiệt.


Truyền thông trong nước đưa tin, thủ tướng Phúc hôm 6/12 khẳng định rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ổn định và không có lý do để đổi tiền. Trang mạng Dân Trí trích lời thủ tướng Phúc nói tại một hội nghị rằng việc tung tin đổi tiền là nhằm mục đích trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư cũng như sự ổn định của kinh tế vĩ mô.


Nhận xét về nguyên nhân đưa đến những tin đồn như vậy, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết:


"Rõ ràng trong 1 bối cảnh có những biến động tài chính, có nợ của chính phủ tăng cao thì có những tin đồn thất thiệt. Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị phải truy tìm ra thủ phạm và phải có cách xử lý."


Theo Dân Trí, tin đồn xuất hiện vào cuối tháng 11, gây biến động trên thị trường ngoại tệ và vàng, đồng thời gây tâm lý bất ổn trong xã hội. Truyền thông trong nước đưa tin người dân đã đổ xô nhau đi mua vàng và đô la để tích trữ, để phòng trường hợp đồng tiền Việt Nam có thể mất giá sau khi đổi tiền.


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 1/12 chính thức phủ nhận tin đổi tiền, nói rằng đó là những tin đồn thất thiệt và vô căn cứ. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã cảnh báo về ảnh hưởng của những tin đồn đó đối với an ninh tiền tệ quốc gia. 


Tiến sĩ Doanh cũng có nhận xét tương tự:


"Đấy là một thông tin ác ý, không có tính xây dựng và cần phải được xử lý nghiêm. Bởi vì hiện nay Việt Nam không có nhu cầu phải đổi tiền như thế."


Theo VNExpress, mức giá của đồng tiền VND đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua so với đồng đô la Mỹ sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới lỏng các quy định về mức quy đổi ngoại tệ.


Việt Nam trước đây đã có 6 lần đổi tiền trong thời gian từ năm 1947 đến 1985. Một chuyên gia kinh tế của Đại học Texas từng cho VOA biết rằng việc Việt Nam có những lần đổi tiền trước đây là cơ sở cho các tin đồn xuất hiện và lan truyền. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính từng làm việc cho ngân hàng ở Mỹ, được trích lời nói rằng trong một nền kinh tế có độ mở ít như Việt Nam, và thông tin không thông thoáng và đầy đủ và cơ quan chức năng không minh bạch công khai tin tức thì việc xuất hiện tin đồn là điều tất yếu. - VOA

|

|


14.

Điều trần vụ ô nhiễm Formosa tại Quốc hội Đài Loan


Trong hai ngày 5/12 và 6/12, hai linh mục Nguyễn Đình Thục và Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với các dân biểu Đài Loan tại Đài Bắc, liên quan đến vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam do Tập đoàn Formosa của Đài Loan gây ra.


Buổi điều trần có sự tham dự của các dân biểu Đài Loan Tô Thị Phần, Ngô Côn Dụ, Trần Mạn Lệ và người đại diện của Chủ tịch Quốc hội Tô Gia Truyền.


Phía Việt Nam có Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, Giáo phận Vinh. Linh mục Nguyễn Đình Thục đã thay mặt cho người dân bị ảnh hưởng của vụ ô nhiễm môi trường đề đạt lên Quốc hội Đài Loan những yêu cầu và nguyện vọng của các nạn nhân Formosa tại Việt Nam. Ông nhận xét với VOA:


“Họ rất quan tâm đến vấn đề của Việt Nam, thể hiện qua việc có 3 dân biểu tham gia trong buổi điều trần, có nhiều luật sư, đại diện của Chủ tịch Quốc hội và các đại diện của các tổ chức xã hội dân sự. Sau khi tôi trình bày các vấn đề của chúng tôi xong thì họ đã thảo luận, xem ra họ rất nỗ lực để tìm ra giải pháp cho vấn đề đó. Ở Việt Nam, lẽ ra trách nhiệm của họ phải bảo vệ người dân, phải lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân để hiểu được các nạn nhân đã phải chịu thiệt hại, khổ cực như thế nào. Nhưng xem ra việc đó rất khó để thực hiện ở Việt Nam. Ví dụ như bây giờ tôi đến để gặp một vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thì tôi nghĩ chắc là rất khó. Nếu tôi đi gặp một vị bộ trưởng thì có lẽ nằm ngoài ước mơ của tôi, có lẽ tôi không thực hiện được. Nhưng chính phủ Đài Loan đã dành cho chúng tôi điều đó. Tôi cảm thấy đó là một vinh dự vì họ đã quan tâm đến vấn đề của Việt Nam”.


Kể từ khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4 cho tới nay, đa số người dân ở khu vực này vẫn chưa tìm được công ăn việc làm mới. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết nhiều người đã phải bán cả thuyền bè để trả nợ ngân hàng khi chưa tìm được nguồn thu nhập thay thế. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đồng ý mức bồi thường thiệt hại 500 triệu đôla của Công ty Formosa, nhưng các nạn nhân nói số tiền trên là quá nhỏ bé so với mức độ thiệt hại gây ra cho người dân và đối với môi trường, ước tính sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục. Một số linh mục Công Giáo đã giúp đỡ cho người dân bằng cách quyên góp vật chất và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người dân khởi kiện Formosa.


Sau buổi làm việc với các dân biểu Đài Loan, Linh mục Nguyễn Văn Hùng tại Đài Loan cho biết kết quả:


“Bên phía các dân biểu, với sự bảo trợ của Quốc hội, sẽ yêu cầu công ty China Steel, là công ty có cổ phần 25% trong cổ phần của Công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh, phải đến một buổi tranh luận công khai ở Quốc hội, để yêu cầu Công ty China Steel phải trình bày những kết quả kiểm nghiệm về chất độc đã thải ra trong nước biển, và hiện nay đã làm gì để giải quyết những độc hại trong nước biển. Đồng thời, yêu cầu Công ty China Steel của chính phủ Đài Loan phải có trách nhiệm về việc đó”.


Ngoài ra, các đại diện của Việt Nam trình lên Quốc hội Đài Loan những yêu cầu phải sửa đổi một số quy định luật pháp về việc kiểm soát và xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở nước ngoài như Formosa. Linh mục Hùng cho biết thêm chi tiết:


“Thứ nhất, chúng tôi yêu cầu bên Bộ Kinh tế, trong việc xét duyệt những đề án kinh tế đến các nước làm việc, đầu tư, thì không thể chỉ báo cáo miệng mà phải có trình tự đi qua. Thứ hai, nếu công ty ra nước ngoài mà gây thiệt hại hoặc vi phạm nhân quyền, thì chính phủ phải có trách nhiệm để ràng buộc công ty đó. Thứ ba, những nạn nhân ở những quốc gia mà những công ty làm kinh doanh gây ra những tai hại đó, thì dân chúng tại những địa phương ở quốc gia đó có quyền tới Đài Loan để thưa kiện”.


Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết trong 2 ngày làm việc, Dân biểu Tô Thị Phần (Su Chih Fen) đã nhiều lần đề cập đến việc chính phủ Đài Loan trong những năm qua đã tạo điều kiện cho tập đoàn Formosa phát triển quá lớn mạnh. Chính điều này đã gây khó khăn cho việc giới hạn những việc làm sai trái của tập đoàn này. Theo Linh mục Nguyễn Văn Hùng, Tập đoàn Formosa ở Đài Loan cũng không giành được thiện cảm của người dân bản xứ sau những vụ gây ô nhiễm môi trường ở trong và ngoài nước.


“Công ty Formosa, trên trường quốc tế và cũng ảnh hưởng đến Đài Loan, đã được một huy chương đen, là huy chương mà một tổ chức ở bên Đức trao cho công ty vì công ty này đã đóng góp vào việc gây ô nhiễm môi trường và làm hại cho trái đất mà chúng ta đang sống”.


Cũng trong buổi làm việc, các linh mục Việt Nam đã trao một thỉnh nguyện thư của 46 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Campuchia và Iran tới Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Đài Loan.


Các linh mục Việt Nam hy vọng các dân biểu Đài Loan có thể giúp Việt Nam bằng cách yêu cầu công ty Formosa công bố thông tin về mức độ ô nhiễm phát thải từ các nhà máy thép cũng như những nỗ lực để cải thiện môi trường và bồi thường, đồng thời đảm bảo các nhà máy được trang bị các thiết bị phù hợp để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường.


Các đại diện Việt Nam nói những vụ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra tại Việt Nam và những nơi khác trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đài Loan và cũng có tác động tới “chính sách hướng Nam mới” của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.


Đáp lại yêu cầu từ phía Việt Nam, các dân biểu Đài Loan hứa sẽ gây áp lực đối với công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh thông qua Công ty China Steel, đòi công ty này phải cung cấp kế hoạch cụ thể để bồi thường cho các nạn nhân ở Việt Nam. Ngoài ra, các dân biểu hứa sẽ nỗ lực đưa những yêu cầu về môi trường vào bản dự thảo kế hoạch trong “chính sách hướng nam mới” của Đài Loan. - VOA

No comments:

Post a Comment