Thursday, December 8, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 8/12

Tin Thế Giới


1.

Báo Trung Quốc hô hào thêm vũ khí nguyên tử để đối phó với Trump --- Tân Hoa Xã: Ông Trump chọn đại sứ Trung Quốc là một dấu hiệu tích cực


Trung Quốc cần gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự và chế tạo thêm vũ khí hạt nhân để đáp lại tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump. Đó là lời kêu gọi của tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong số ra hôm nay, 08/12/2016.


 Trong một bài xã luận đăng bằng tiếng Anh và tiếng Hoa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết, Trung Quốc cần phải “chế tạo thêm các vũ khí hạt nhân chiến lược và đẩy nhanh việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 để bảo vệ lợi ích của mình”, nếu Trump tìm cách bao vây Trung Quốc bằng một cách thức “không thể chấp nhận được”. Tờ báo này còn kêu gọi Trung Quốc gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự trong năm 2017.


Trong bài xã luận,  Hoàn Cầu Thời Báo còn chủ trương  Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự trên vấn đề Đài Loan để trừng trị những ai vận động cho nền độc lập của Đài Loan và nên đề phòng “những hành động gây hấn” của Mỹ ở Biển Đông.


Tuy không phải là tờ báo phản ánh quan điểm chính thức của chính quyền Bắc Kinh, nhưng Hoàn Cầu Thời Báo có quan hệ rất chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa.


Hoàn Cầu Thời Báo có bài xã luận như trên sau khi tổng thống tân cử Donald Trump chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng như lên án Bắc Kinh việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.


Trước đó, ông Trump cũng đã khiến Bắc Kinh giận dữ khi nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, phá vỡ chính sách mà Hoa Kỳ vẫn thi hành từ gần 40 năm nay, đó là chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, theo đó Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một tỉnh phản nghịch, sớm muộn gì cũng sẽ được thống nhất với Hoa lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần.


Trong khi đó, tờ nhật báo chính thức bằng Anh ngữ China Daily hôm nay cũng có bài xã luận bày tỏ thái độ bi quan về tương lai quan hệ Mỹ-Trung một khi ông Trump bước vào Nhà trắng, cho rằng Trung Quốc nên chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”. - RFI


***

Truyền thông Trung Quốc nói việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn Thống đốc bang Iowa Terry Branstad làm đại sứ ở Trung Quốc sẽ gửi đi một tín hiệu tích cực cho mối quan hệ giữa hai nước, nhưng vị đại sứ này phải giữ lời hứa trước đó là không đối đầu với Bắc Kinh.


Theo các nhà ngoại giao và các chuyên gia thương mại, việc bổ nhiệm ông Branstad, người được xem là một người bạn lâu năm của Trung Quốc, và có quan hệ thân thiện với Chủ tịch Tập Cận Bình từ 30 năm trước, có thể sẽ giúp tháo gỡ những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Nhưng động thái này diễn ra vào lúc ông Trump có những lời lẽ mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc, và xung quanh ông là các cố vấn có quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh.


Theo Tân Hoa Xã, ông Branstad đã từ chối phát biểu chống lại Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vào năm 2015.


Tân Hoa Xã trích dẫn lời của vị thống đốc này nói rằng ông “hy vọng” tổng thống kế tiếp sẽ “dẫn đến việc hợp tác, thương mại hơn nữa và không đối đầu” với Trung Quốc.


Quyết định đề cử ông Branstad, “là một động thái tích cực của ông Trump hướng tới một mối quan hệ lành mạnh và ổn định giữa Bắc Kinh và Washington”, tờ báo nói thêm.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi ông Branstad một “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc” và hoan nghênh quyết định đề cử ông. - VOA

|

|


2.

Glencore và Qatar bỏ 11,3 tỷ USD mua cổ phần của Rosneft


Điện Kremlin đã thông báo công ty kinh doanh nhiên liệu Glencore và quỹ thịnh vượng chủ quyền của Qatar đang cùng chung vốn mua 19.5% cổ phần của hãng Rosneft, công ty dầu khí lớn nhất của Nga. 


"Đây là thương vụ tư nhân hóa lớn nhất, vụ bán và mua lại lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí thế giới năm 2016," Tổng thống Vladimir Putin nói. 


Trong động thái bất ngờ này, Glencore và Qatar sẽ trả 11,3 tỷ USD để mua cổ phần của hãng Rosneft, còn BP hiện đã sở hữu 19.75%.


Moscow sẽ tiếp tục quyền kiểm soát hoạt động của công ty này. 


Thương vụ được lên kế hoạch từ lâu này là một trong các nỗ lực của chính phủ Nga để bán một số tài sản quốc gia để giúp cân bằng ngân sách khi nước này đang gặp suy thoái kinh tế do giá dầu thế giới giảm và các trừng phạt của phương Tây. 


Hạn chót cho thương vụ này đã bị lỡ, và có nhiều đồn đoán là Rosneft chật vật để tìm người mua. 


Thương vụ này cũng cho thấy tình hình thay đổi của công ty Glencore được đăng ký ở London. Giá cổ phiếu công ty này đã từng giảm mạnh trong kế hoạch bán bắt động sản và cắt giảm những khoản nợ lớn. 


Giá cổ phiếu của Glencore đã tăng trở lại năm nay. Cục Đầu tư Qatar là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong công ty Glencore. 


Phát biểu tại một cuộc họp được phát sóng trực tiếp với giám đốc của Rosneft Igor Sechin, ông Putin ghi nhận thương vụ này theo chân cuộc chạy đua về giá dầu toàn cầu sau quyết định cắt giảm sản xuất dầu của OPEC. 


30 nhà thầu tiềm năng 


Mặc dù không phải là thành viên của OPEC, Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu theo các nước thuộc nhóm này, và sẽ dự một cuộc họp với các nước thành viên OPEC vào thứ Bảy để bàn thảo chi tiết cụ thể. 


Ông Sechin nói công ty Glencore và quỹ của Qatar sẽ thành lập một consortium với lượng cổ phần bằng nhau. Ông cho biết Rosneft đã nói chuyện với hơn 30 nhà thầu tiềm năng trước khi ký kết thương vụ này. 


Đã từng có ý kiến cho rằng các trừng phạt của Mỹ và EU với Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine sẽ làm cản trở những khoản đầu tư lớn vào Nga, mặc dù các công ty không bị cấm tham gia vào thương vụ Rosneft. 


Tuy nhiên, việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống làm tăng đồn đoán về sự tan băng trong quan hệ giữa phương Tây và Moscow. 


Trong một thông cáo, Glencore nói hãng sẽ góp vốn vào thương vụ này với 300 triệu Euro từ vốn của mình, còn lại là vay vốn ngân hàng và do quỹ chủ quyền Qatar. Cục Đầu tư Qatar hiện nay chưa đưa ra thông cáo nào. 


Công ty kinh doanh nhiên liệu Glencore được hưởng lợi nhờ tiếp cận nguồn dầu thô của Rosneft, còn Qatar sẽ tiếp tục tăng vai trò là một nhà đầu tư tầm cỡ vào những doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới. - BBC

|

|


3.

Tổng thống Syria: Chiến thắng ở Aleppo trong tầm tay


Giữa lúc quân đội Syria đang trên đà thắng thế trước các lực lượng nổi dậy ở Aleppo, Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố giao tranh sẽ tiếp diễn cho đến khi cuộc xung đột kéo dài 5 năm kết thúc.


Ông Assad cam kết như vậy trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ báo nhà nước Al-Watan hôm thứ Năm, một ngày sau khi quân đội Syria được Nga hậu thuẫn giành quyền kiểm soát hơn ba phần tư thành phố cổ Aleppo, vốn thuộc quyền kiểm soát của quân nổi dậy từ năm 2012.


Ông Assad nói chiến thắng ở Aleppo không có nghĩa là chấm dứt chiến tranh, nhưng là một bước tiến lớn hướng tới mục tiêu đó.


Tổng thống Syria cũng bác bỏ bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào ở Aleppo, chừng nào các lực lượng nổi dậy vẫn có mặt trong thành phố này. Các lực lượng nổi dậy đã đề nghị một lệnh ngừng bắn 5 ngày để cho phép thường dân sơ tán vì mục đích nhân đạo, và hứa sẽ luận về tương lai của Aleppo một khi điều kiện đó được đáp ứng.


Hôm thứ Năm, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết tổ chức này đã sơ tán khoảng 150 thường dân cần chăm sóc y tế khẩn cấp ra khỏi một bệnh viện ở thành phố cổ.


Phát ngôn viên ICRC Marianne Gasser nói với báo chí biết “Nhiều người không thể di chuyển và cần được chăm sóc đặc biệt”.


Hàng chục ngàn thường dân còn kẹt lại ở khu vực đông Aleppo, mặc dù làn sóng tị nạn tăng vọt trong hai tuần qua để chạy đến những nơi tương đối an toàn hơn ở các quận phía Tây đang nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Syria. Các nhà quan sát ước tính tuần trước có khoảng 18.000 thường dân ở đông Aleppo đã chạy vào khu dân cư ở tây Aleppo, trong khi hơn 9.000 người khác lánh nạn tại một khu vực do người Kurd kiểm soát. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


4.

Liệu ông Trump sẽ áp dụng chính sách ngoại giao không can thiệp? --- Ông Trump sẽ thân với Ấn Độ để đối trọng TQ?


Tại cuộc mít tinh để cám ơn người ủng hộ gần Fort Bragg, căn cứ lục quân lớn nhất của Mỹ ở bang North Carolina, Tổng thống đắc cử Donald Trump giới thiệu người ông tiển cử vào vị trí bộ trưởng quốc phòng và ông kêu gọi chấm dứt chính sách đối ngoại mà ông miêu tả là “chu kỳ can thiệp đã gây ra hỗn loạn tiêu cực.” Phát biểu đó lập tức được một số chuyên gia diễn giải như là chỉ dấu của một chính sách “không can thiệp” vào các vấn đề thế giới. Tuy nhiên theo tường trình của thông tín viên Masood Farivar của đài VOA thì các chính sách ngoại giao của ông Trump còn đang được hình thành, và đang có khá nhiều vấn đề mâu thuẫn.


Trong khi tiếp tục cuộc hành trình để tri ân những người ủng hộ trên khắp nước sau khi đắc cử, ông Donald Trump trở lại với hai chủ đề ông thường nêu lên trong quá trình vận động tranh cử.


Ông Trump nói: "Chúng ta sẽ thôi ra sức lật đổ chế độ cầm quyền ở các nước mà chúng ta chẳng hiểu tí gì về họ và chúng ta chẳng nên dính líu vào. Thay vào đó chúng ta phải tập trung vào mục tiêu là tiêu diệt khủng bố và đánh bại ISIS, chúng ta sẽ thành công."


Đám đông người ủng hộ nồng nhiệt  hoan nghênh khi ông Trump giới thiệu nhân vật được đề cử làm bộ trưởng quốc phòng, Tướng hồi hưu James “Mad Dog” Mattis. Ông Trump lập lại một lời hứa khác trong khi tranh cử, là xây dựng lại quân đội “đã rệu rạo” của Mỹ.


Nhưng tổng thống tân cử hình như cũng giang một cánh tay với các thành viên NATO đang lo lắng về phát biểu chỉ trích cay độc của ông khi tranh cử rằng họ là những người không chia sẻ gánh nặng tài chính, mà chỉ hưởng lợi miễn phí.


Ông Trump nói: "Chúng ta không quên rằng chúng ta mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn truyền thống, và kết thêm bạn hữu mới."


Hứa hẹn của ông Trump sẽ chấm dứt “chu kỳ can thiệp đã gây ra hỗn loạn tiêu cực” khiến một số nhà quan sát xem như một ám chỉ chính sách ngoại ngoại không can thiệp. Nhưng theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Michaeol O’Halon, thì phân tích như vậy là quá đơn giản hóa vấn đề.


Ông O'Halon nói: "Theo tôi chính sách đối ngoại sẽ tùy thuộc vào từng khu vực. Ví dụ như ông Trump nói rằng ông muốn đánh bại ISIS. Phát biểu đó theo tôi không có vẻ gì là không can thiệp."


Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump thường xuyên công kích đối thủ Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ vì đã ủng hộ chính sách can thiệp quân sự vào Iraq và Libya – những chính sách mà ông quy là đã gây ra bất ổn và tạo điều kiện cho khủng bố trong khu vực.


Thay vì can thiệp quân sự ở quy mô lớn, ông Trump ủng hộ chiến thuật tấn công nhanh và ở quy mô giới hạn trong cuộc chiến chống ISIS.


Chuyên gia O’Hanlon của Viện nghiên cứu Brookings nhận định:


"Nói một cách khác, chiến lược đó dựa nhiều hơn vào những cuộc tấn công cụ thể, phá hủy những mục tiêu nhất định, và giới hạn sự hiện diện quân sự của Mỹ trên thực  địa."


Tướng Mattis được ông Trump đề cử làm bộ trưởng quốc phòng là một nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược, dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về NATO. Đó là một chỉ dấu trấn an những người lập chính sách đối ngoại và các đồng minh.


Ông O’Hanlon nói: "Trong một tháng kể từ khi đắc cử, ông Trump đã kìm hãm thái đội coi thường trước đó của đối với nhiều đồng minh và ông thực sự cũng thận trọng hơn trong mọi thông điệp mà ông gởi đi, nhất là trong việc chọn Tướng Mattis lãnh đạo Ngũ giác đài."


Nhưng ông Trump cũng chọn một số nhân vật khác theo quan điểm diều hâu cho các chức vụ quan trọng. Và trong lúc chỉ còn hơn một tháng nữa là đến lễ nhậm chức tân tổng thống của ông, các chuyên gia nói rằng chính sách đối ngoại của ông vẫn còn trong quá trình hình thành. - VOA


***

Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc, hôm thứ Ba dự báo rằng quan hệ Ấn- Mỹ sẽ trở thành phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm “kiềm” Trung Quốc, nhưng điều này sẽ ít có ảnh hưởng đến Bắc Kinh vì New Delhi có thể không chấp nhận một mối quan hệ ‘bán liên minh’ với Washington để duy trì chính sách ngoại giao độc lập của mình.


Thời báo Hoàn Cầu viết: “Quan hệ Mỹ-Ấn sẽ trở nên quan trọng trong chính sách ngoại giao của ông Trump. Với mục đích bình ổn tình hình đối ngoại và giải quyết các vấn đề trong nước, chính quyền của ông Trump sẽ tìm kiếm mối quan hệ cải thiện với Ấn.”


Thời báo này viết tiếp: “Tuy nhiên, vì các vấn đề trong nước hiện nay, Ấn Độ chỉ có thể đóng một vai trò hạn chế trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ xử lý các vấn đề đau đầu, do dó chính quyền của ông Trump sẽ không đặt quan hệ Mỹ- Ấn ở vị trí hết sức quan trọng, và sự hăng hái muốn thiết lập một mối quan hệ kiểu “bán liên minh” với Ấn Độ cũng giảm xuống.”


Đánh giá những lựa chọn chính sách cho ông Trump sau khi nhậm chức, bài báo viết tiếp: “Là một cường quốc toàn cầu có chính sách ngoại giao không liên kết, Ấn Độ có thể sẽ không đề mục tiêu liên minh với Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc như Mỹ hy vọng.”


Bài báo nhan đề ‘Ông Trump có thể muốn liên minh với Delhi’ viết tiếp: “Vì vậy, có những khác biệt không thể kết nối được giữa một bên là ý định của Hoa Kỳ muốn phát triển mối quan hệ thân mật với Ấn Độ để đối trọng Trung Quốc và một bên là quan điểm phát triển nền ngoại giao độc lập của Ấn Độ đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc.”


“Nói một cách khác, Ấn Độ có thể không chấp nhận nỗ lực của Hoa Kỳ muốn thiết lập “bán liên minh” với Ấn Độ để hạn chế Trung Quốc, vì Ấn Độ có truyền thống quan hệ ngoại giao độc lập.”


Vẫn theo bài báo, khi xử lý các thử thách toàn cầu như biến đổi khí hậu, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, và chống khủng bố, Hoa Kỳ có thể yêu cầu Ấn Độ đóng góp nhiều hơn trong một số lĩnh vực cụ thể mà chỉ có Hoa Kỳ quân tâm.


“Điều này sẽ giảm lòng tin của Ấn với Mỹ, làm suy yếu nền tảng để tăng cường hợp tác song phương tới mức mà Hoa Kỳ kỳ vọng.”


Hoàn cầu Thời báo nói “Hợp tác an ninh sâu rộng Mỹ- Ấn dưới thời Tổng thống Obama sẽ bị thay đổi do sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của ông Trump, và điều đó sẽ giảm bớt áp lực lên Trung Quốc. - VOA

|

|


5.

'Sốc' vì người được Trump chọn bảo vệ môi trường --- Ông Trump đắc cử, du học sinh lo lắng --- Ông Trump: đốt cờ Mỹ bị tù hay mất quốc tịch


Ông Donald Trump sẽ đề cử người chỉ trích chính sách biến đổi khí hậu của Tổng thống Obama làm người đứng đầu cơ quan bảo vệ môi trường.


Tổng chưởng lý Oklahoma Scott Pruitt, 48 tuổi, được xem là đồng minh của ngành công nghiệp nhiên liệu hoá thạch. 


Ông từng đóng vai trò thách thức về pháp ly trước quy định của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh Hoa Kỳ (EPA) về khí thải nhà kính.


Đảng Dân chủ và những nhà hoạt động môi trường tại Mỹ đã gọi ông Pruitt là người phủ nhận biến đổi khí hậu.


Ông Pruitt từng kiện EPA nhiều lần.


Lần mới nhất là khi ông kiện một kế hoạch của ông Obama muốn giảm khí thải carbon từ nhà máy điện.


Có đồng thuận trong đa số giới khoa học cho rằng khí thải carbon từ hoạt động của con người là tác nhân chính dẫn tới nhiệt độ tăng lên, và rằng tác động của biến đổi khí hậu sẽ nặng nề.


Việc bổ nhiệm ông Pruitt bị xem là cú giáng vào đảng Dân chủ và giới hoạt động môi trường. 


Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói diễn biến này là "buồn và nguy hiểm". - BBC


***

Ông Donald Trump khiến nhiều du học sinh đang theo học tại Mỹ lo ngại vì những tuyên bố mà nhiều người cho là có tính cách kỳ thị đối với người nước ngoài trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống vừa qua.


Anh Hussain Saeed Alnahdi là một trong số gần 400 sinh viên quốc tế của trường đại học Wisconsin-Stout.


Alnahdi, 24 tuổi, từ Ả Rập Xê-út đến Mỹ, theo học trường này vào năm ngoái. Tuy nhiên, vào sáng sớm ngày 30 tháng 10 năm nay, cuộc sống du sinh của anh Alnahdi đã kết thúc trong bạo động. Một kẻ tấn công không rõ tung tích đánh chết anh bên ngoài một nhà hàng tại thành phố Menomonie.


Vài tuần lễ sau đó, cảnh sát loan báo đã bắt được một nghi can. Cảnh sát cho biết họ không tin vụ tấn công này là một tội phạm có tính cách thù hận, hay một tội phạm bị ảnh hưởng vì chủng tộc.


Tuy nhiên, những sự việc như vụ tấn công tại Wisconsin làm cho những sinh viên quốc tế đang sinh sống và học tại Mỹ lo ngại.


‘Du học Mỹ’ là tên của một công ty hỗ trợ cho các sinh viên quốc tế muốn theo học tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, công ty công bố kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của 1.000 sinh viên quốc tế thuộc 130 nước. Trên 65% những sinh viên này nói họ không muốn theo học tại Mỹ nếu ông Trump đắc cử Tổng thống.


Công ty FPP EDU Media cũng làm việc với các sinh viên quốc tế. Công ty công bố cuộc thăm dò 40.000 sinh viên vào tháng 6 năm nay. Kết quả cho thấy 60% sinh viên cũng có những cảm nghĩ tương tự.


Trong cuộc vận động tranh cử, Tổng thống tân cử Donald Trump đưa ra những tuyên bố về người Mexico mà nhiều người chỉ trích cho rằng kỳ thị chủng tộc. Có một lúc, ông kêu gọi cấm tất cả những người Hồi Giáo vào nước Mỹ.


Trung tâm Luật Nghèo khó miền Nam là một tổ chức dân quyền có trụ sở tại Montgomery, tiểu bang Alabama. Tổ chức này cho biết nhận được 437 báo cáo về những vụ đe dọa và quấy nhiễu trong vòng 6 ngày tiếp sau cuộc bầu cử.


Bà Renait Stephens là giám đốc điều hành công ty Du học Mỹ. Bà nói các sinh viên quốc tế và cha mẹ họ lo ngại. Tuy nhiên, bà cũng tỏ ra hy vọng. Bà cho rằng điều mà một chính trị gia nói khi vận động tranh cử và những điều họ làm khi lên cầm quyền là hai việc khác nhau.


Theo bà Stehens, các sinh viên quốc tế sẽ phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.


“Hãy còn quá sớm. Và cho tới khi chúng ta biết được nhiều hơn về bất cứ sự thay đổi chính sách nào, chúng ta phải thực sự nhấn mạnh rằng và hy vọng rằng hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn tiếp tục như hiện nay. Do đó ngay bây giờ, chúng tôi chỉ cố gắng trấn an các sinh viên là không có gì thay đổi cả. Các trường đại học Mỹ vẫn an toàn, vẫn mở rộng cửa, vẫn đa dạng. Và các bạn vẫn hưởng được một nền giáo dục tuyệt vời.”


Những chuyên gia khác nói chưa từng có bất cứ mối đe dọa thực sự nào đối với việc học tập của sinh viên quốc tế. Viện Giáo dục Quốc tế IIE là một tổ chức bất vụ lợi chuyên nghiên cứu và hỗ trợ trao đổi sinh viên quốc tế.


Cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ, Viện Giáo dục Quốc tế mỗi năm công bố phúc trình về số du học sinh tại Mỹ. Theo phúc trình Open Doors 2016, năm rồi có khoảng 1.044.000 sinh viên quốc tế theo học các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Đây là một con số kỷ lục.


Bà Peggy Blumenthal là một giới chức của IIE. Bà cho biết tổ chức của bà đã thu thập dữ kiện về sinh viên quốc tế trong hơn 90 năm qua.


Bà nói hầu hết các sinh viên quốc tế đều quan tâm đến chất lượng giáo dục nhận được tại Mỹ. Vẫn theo lời bà, thế giới vẫn còn đánh giá là sức mạnh của hệ thống giáo dục cấp cao của Mỹ hơn hẳn đa số các nước khác.


Bà Blumenthal đưa ra một ví dụ lịch sử.


Khi Hoa Kỳ oanh tạc lầm tòa đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Serbia vào năm 1999, những cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra trước tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, bà cho biết, một ít lâu sau, các sinh viên Trung Quốc than phiền là tòa đại sứ Mỹ không cứu xét nhanh chóng đơn xin visa của họ.


Bà Blumenthal nói việc này cho thấy những biến cố trên thế giới không dễ dàng ảnh hưởng đến việc trao đổi sinh viên.


“Sinh viên quốc tế thực sự đánh giá cao cơ hội theo học tại Mỹ. Và xuyên qua suốt quá trình lịch sử thu thập các dữ liệu của chúng tôi, hầu như chưa bao giờ con số sinh viên quốc tế đến Mỹ giảm sút. Có nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ, trong những hoàn cảnh quốc tế, trong kinh tế, nhưng số du học sinh vẫn tiếp tục gia tăng bất kể những gì xảy ra chung quanh họ.”


Bà Blumenthal công nhận là có thể có sự sụt giảm nhỏ về số lượng sinh viên Hồi Giáo đến Mỹ. Việc này từng xảy ra sau cuộc tấn công khủng bố tại New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tuy nhiên, bà Blumenthal nói sự sút giảm sinh viên từ một quốc gia thường được cân bằng với sự gia tăng sinh viên từ những nước khác.


Sinh viên nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của nhiều thị trấn và thành phố trên toàn nước Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cho biết sinh viên quốc tế mang thêm 30 tỉ đôla cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2015. Bà Blumenthal cho rằng không chính trị gia nào lại muốn mất số tiền này.


Tuy nhiên, ông Philip Altbach vẫn tỏ ra lo lắng. Ông Altbach là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Cao cấp Quốc tế. Trung tâm này làm việc thông qua trường đại học Boston để nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục quốc tế.


Ông Altbach nói có những ví dụ giảm sút giáo dục quốc tế tại những nước khác. Ông cho biết có sự giảm sút đáng kể những sinh viên Ấn Độ theo học tại Australia sau khi một vài sinh viên Ấn Độ bị tấn công tại Australia vào năm 2009 và 2010. Ông cũng nói ngôn từ mà ông Trump và các ủng hộ viên dùng trong cuộc vận động tranh cử đã làm cho thế giới đánh giá thấp nước Mỹ.


“Tôi nghĩ những bài diễn văn độc hại của cuộc vận động tranh cử và những điều ông Trump nói trong một thời gian dài thực sự gây tổn hại to lớn đối với hình ảnh của nước Mỹ một cách tổng quát và trong nếp nghĩ của những thầy-trò từ nước ngoài, những người có thể dự tính tới Mỹ để học tập hay giảng dạy; bởi lẽ lựa chọn nơi học tập trên thế giới tùy thuộc rất nhiều vào việc học sinh-phụ huynh có cảm thấy tiện nghi về đất nước mà họ tính tới học hay không.”


Ông Altbach nói sinh viên và các giáo sư quốc tế mang những viễn kiến khác biệt đến các trường mà họ theo học hay giảng dạy. Không có những người này có thể là một thiệt hại lớn cho các sinh viên Mỹ về mặt giáo dục và tài chính.


Ông nói sinh viên và giáo sư quốc tế liên hệ đến nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện tại hầu hết các trường đại học Mỹ. Tuy nhiên, việc giảm sút du học sinh có thể không ảnh hưởng đến những trường đại học lớn, nổi tiếng tại Mỹ. Nhưng nhiều sinh viên Mỹ muốn theo học các đại học thì cần phải có các du sinh nước ngoài chi trả toàn bộ học phí. Vẫn theo lời ông, có sinh viên quốc tế trả học phí nhiều hơn thì các trường đại học Mỹ có thể cho sinh viên Mỹ theo học với mức học phí phải chăng hơn.


Ông Altbach công nhận là hiện không có cách nào biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho đến khi chính quyền mới nhậm chức. Tuy nhiên, cho đến lúc đó các trường đại học Mỹ phải đưa ra những tuyên bố công khai rõ ràng là các trường này sẽ hỗ trợ và bảo vệ sinh viên quốc tế. Nếu không, ông Altbach nói, nước Mỹ sẽ không còn là sự lựa chọn đầu tiên đối với những người muốn tìm tới một hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới. - VOA


***

Tổng thống tân cử Donald Trump nói người nào đốt cờ Mỹ phải bị trừng phạt.


Ông đề nghị sự trừng phạt đó có thể lên đến một năm tù hay bị tước bỏ quốc tịch.


Tuy nhiên, không dễ dàng gì để ông Trump thực hiện đề nghị của mình.


Theo Tối cao Pháp viện Mỹ, đốt cờ là một hình thức phản kháng được phép.


Vào năm 1989, Tối cao Pháp viện Mỹ phán quyết hành động đốt cờ được Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ. Tu chính án này đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân.


Muốn thay đổi một quyết định của Tối cao Pháp viện Mỹ cần phải hoặc là sửa đổi tu chính án hoặc phải có một phán quyết mới của Tòa án Tối cao. Cả hai điều này đều không dễ thực hiện.


Phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ liên quan đến ông Gregory Lee Johnson. Ông bị bắt vào năm 1984 về tội đốt cờ Mỹ tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Texas. Ông Johnson nói ông đốt cờ để phản đối việc đề cử Tổng thống Ronald Reagan ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa.


Tòa dưới xét thấy ông Johnson có tội. Nhưng tòa cấp cao đảo ngược quyết định này.


Thẩm phán Tối cao Anthony Kennedy nói nhiều người Mỹ cảm thấy bị xúc phạm khi cờ Mỹ bị đốt. Tuy nhiên, ông nói thêm là trong trường hợp của ông Johnson, đương sự đốt cờ như một hành vi phản đối. Là hành vi phản đối thì đốt cờ được bảo vệ như một hình thức tự do ngôn luận.


Thẩm phán Tối cao Kennedy viết:


“Điều khó khăn là đôi khi chúng ta phải đưa ra những quyết định chúng ta không thích. Chúng ta có quyết định này vì đây là điều đúng, đúng trong nghĩa là luật pháp và Hiến pháp qui định như vậy.”


Bốn thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ đồng ý với ông Kennedy. Bốn thẩm phán khác không đồng ý.


Viết lên quan điểm của các thẩm phán thiểu số, thẩm phán Tối cao Pháp viện William Rehnquist cho rằng đốt cờ không phải là tự do ngôn luận. Ông nói điều này giống như là một người càu nhàu, gây tiếng động như một con thú.


Ông Trump không cho biết lý do vì sao thời điểm này ông lại nêu lên vấn đề đốt cờ.


Tuy nhiên, bình luận của ông trên Twitter được đưa ra sau khi một nhóm cựu chiến binh Mỹ biểu tình tại một trường đại học nhỏ ở tiểu bang Massachusetts vào cuối tuần qua. Họ phản đối việc gỡ bỏ một lá cờ Mỹ tại trường đại học Hampshire, một trường tư ở thị trấn Amherst.


Việc gỡ bỏ quốc kỳ xảy ra sau khi một số sinh viên treo cờ rũ hôm 9 tháng 11, một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống mà ông Trump được tuyên bố đắc cử.


Người ta chỉ treo cờ rũ khi một nhân vật quan trọng qua đời hay để ghi nhớ một biến cố bi thương. Một số giáo sư và sinh viên trường đại học Hampshire nói là họ lo ngại nhiều chuyện sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.


Trường này tiếp tục để cờ rũ đến ngày 10 tháng 11 và rồi bị đốt mà không biết người nào thực hiện.


Lá cờ mới sau đó lại được treo rũ trước khi Hiệu trưởng Jonathan Lash ra lệnh dỡ bỏ, viện lý do rằng một số người xem việc treo cờ rũ như một lời bình phẩm về cuộc bầu cử Tổng thống.


Hiệu trưởng Lash nói việc này không tượng trưng như một lời bình phẩm mà chỉ là nỗ lực của trường đối phó với những chia rẽ về lá cờ trong cộng đồng trường đại học.


Ông Lash nói “Chúng tôi nghe các thành viên của cộng đồng trường đại học chúng tôi nói rằng đối với họ cũng như đối với nhiều người trên đất nước chúng ta, lá cờ là một biểu tượng mạnh mẽ của sự sợ hãi mà họ cảm thấy trong đời sống của họ vì họ lớn lên trong những cộng đồng bị gạt bên lề, không bao giờ cảm thấy an toàn. Tuy nhiên đối với những người khác, lá cờ là biểu tượng của khát vọng cao nhất của họ đối với đất nước.”


Trên kênh truyền hình CNN ngày thứ Ba, ông Jason Miller, phát ngôn viên của ông Trump nhấn mạnh Tổng thống tân cử tin là việc đốt cờ nên được xem là bất hợp pháp.


Ông Miller nói “Tổng thống tân cử là một người ủng hộ rất mạnh mẽ Tu chính án thứ nhất, nhưng có sự khác biệt lớn giữa tu chính án này và việc đốt cờ Mỹ.”


Thượng nghị sĩ Harry Reid trưởng khối thiểu số tại Thượng viện Mỹ nói ông không đồng ý khi ông Trump đòi bỏ tù và tước quyền công dân những người đốt cờ Mỹ.


Còn phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnst thì cho rằng:


“Tổng thống tân cử đã nói hay viết trên Twitter những gì ông bất bình. Những quyền tự do chúng ta đều có thể tự bày tỏ theo cách chúng ta thường làm được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Những quyền tự do tương tự liên hệ đến việc hành đạo, tự do ngôn luận và tự động báo chí đều được ghi trong Hiến pháp và đáng được bảo vệ. Có nhu cầu phải bảo vệ những quyền này để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, không chỉ vì chúng ta tán đồng mà cũng vì chúng ta cảm thấy bị xúc phạm. Nhiều người Mỹ, đa số người Mỹ, kể cả tôi, thấy việc đốt cờ là xúc phạm, nhưng là một quốc gia chúng ta có trách nhiệm cẩn thận bảo vệ những quyền của chúng ta được ghi một cách trang trọng trong Hiến pháp.”


Tuy nhiên, nhiều cử tri gốc Việt như chị Lanney Trần ở Los Angeles không đồng ý với việc đốt cờ thể hiện quan điểm. Chị Lanney chia sẻ ý kiến:


“Cái đó là một cái rất, rất là sai và không chấp nhận được. Lá cờ của Mỹ rất thiêng liêng, nó được bảo vệ bởi những người đã nằm xuống, đã cống hiến sinh mạng cũng như máu của họ đã đổ ra để bảo vệ lá cờ thiêng liêng của tổ quốc Hoa Kỳ. Vậy đem đốt đi như vậy thì đâu có phải là nói lên tiếng nói của người dân Mỹ nữa.” - VOA

|

|


Tin Việt Nam


6.

Việt Nam bắt đầu nạo vét ở Biển Đông


Ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã bắt đầu nạo vét tại một bãi cạn đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông. Hãng tin Reuters nói đây là động thái mới nhất của Việt Nam nhằm khẳng định chủ quyền trên tuyến hải lộ chiến lược.


Theo Reuters, hoạt động nạo vét tiến hành tại đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa, có thể sẽ chọc giận Bắc Kinh, nước vẫn tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và hầu hết diện tích Biển Đông.


Đảo Đá Lát nằm ở rìa tây nam của quần đảo Trường Sa. Đảo này bị ngập hoàn toàn khi thủy triều lên, nhưng ở đây có một ngọn hải đăng và một đồn lính nhỏ của Việt Nam. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên hòn đảo này.


Trong ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 30 tháng 11 của Planet Labs, công ty vệ tinh có trụ sở ở Hoa Kỳ, có thể thấy nhiều tàu nhỏ trên một kênh mới đào. 


Dù không rõ mục đích của hoạt động này, nhưng một số nhà phân tích cho rằng việc nạo vét như thế này là tiền thân cho việc xây dựng mở rộng thêm trên các đảo khác.


Cũng theo Reuters, hồi tháng Tám, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp bảo vệ cho nhiều đảo ở Biển Đông bằng các giàn pháo di động có khả năng tấn công tới các vị trí của Trung Quốc trên tuyến hải lộ thương mại quan trọng.


Từ hình ảnh vệ tinh, không thể xác định danh tính của các tàu trên Đảo Đá Lát. Tuy nhiên, Reuters cho rằng ít có khả năng Việt Nam cho phép một quốc gia khác đưa tàu vào khu vực nước này kiểm soát trên đảo.


Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về động thái mới nhất này. - VOA

|

|


7.

VN bắt giám đốc dùng súng thị uy phụ nữ ở Sài Gòn


Công an TP HCM hôm 7/12 bắt giữ ông Bùi Đức Phương, ít ngày sau khi xuất hiện một đoạn video mà ông này bị cáo buộc “nổ súng đe dọa một người phụ nữ”. 


Ông Phương bị giữ để, theo VnExpress, “làm rõ một số hành vi vi phạm pháp luật” như “việc nổ súng bắn đạn hơi cay đe dọa người phụ nữ” và “làm giả thẻ ngành công an”.


Cơ quan chức năng khám xét văn phòng của người được báo chí trong nước nói là Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ Việt - Nhật, hai ngày sau khi xuất hiện một đoạn video trên mạng xã hội, trong đó ông Phương tranh cãi với một người phụ nữ về tiền lương chưa trả của con bà rồi sau đó nổ súng để thị uy. 


Luật sư Võ An Đôn nhận định với VOA Việt Ngữ rằng công an TP HCM khởi tố vụ này nhanh chóng vì theo ông “dư luận đang quan tâm”, nhất là trên Facebook. 


Ông nói thêm: 


“Theo luật pháp Việt Nam, anh sử dụng súng, được phép đi nữa nhưng sử dụng súng thị uy không đúng mục đích thì cũng vi phạm nữa. Sử dụng con dấu giả mạo, chữ ký giả mạo cơ quan nhà nước thì là một tội danh khác nữa”. 


Truyền thông trong nước dẫn lời cơ quan điều tra xác định rằng ông Phương đã “sử dụng súng loại công cụ hỗ trợ có thể bắn đạn cao su, hơi cay, trấn áp”. 


VnExpress dẫn lời công an điều tra nói rằng vị giám đốc này đã sử dụng súng “sai quy định” dù công ty bảo vệ của ông “được cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ”. 


Hiện chưa rõ thống kê số người thiệt mạng vì súng ở Việt Nam trong năm 2015. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam thời gian qua đăng tải nhiều bài viết về tình trạng bạo lực liên quan tới súng ống. - VOA

|

|


8.

Con lai Việt vẫn ‘muốn Tổng thống Hàn Quốc xin lỗi’


Một người con lai Hàn Quốc ở Việt Nam cho biết ông vẫn muốn chính phủ ở “xứ sở kim chi” phải chính thức lên tiếng trước các phụ nữ được cho là bị binh sĩ Hàn Quốc hãm hiếp, trong đó có mẹ ông. 


Ông Trần Văn Ty nói với VOA Việt Ngữ hôm 8/12, ít ngày sau khi báo chí trong nước đăng tải thông tin về các thành viên của phong trào “Xin lỗi Việt Nam” tới tỉnh Quảng Ngãi để tạ lỗi những người dân được coi là nạn nhân của lính Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam. 


Các hình ảnh đăng tải trên báo điện tử VnExpress cho thấy một nhóm người Hàn Quốc cúi đầu đứng dưới mưa và quỳ sụp trước một tấm bia tưởng nhớ hơn 400 người mà tờ báo này nói là “thường dân vô tội” trong “vụ thảm sát của quân đội Đại Hàn tại xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”. 


Ông Ty cho biết ông sinh ra tại huyện Tuy Hòa, Phú Yên, sau khi mẹ ông, bà Trần Thị Ngải, theo lời ông, “bị lính Hàn Quốc hãm hiếp”.


Về việc người dân Hàn Quốc tới Quảng Ngãi xin lỗi về những gì lực lượng của nước này đã gây ra nhiều thập kỷ trước, người đàn ông 46 tuổi này nói: 


“Đó là một cái mị dân. Họ làm như vậy với một tính cách cá nhân họ đi du lịch. Họ làm như vậy nếu mà đại diện cho chính phủ Hàn Quốc, hay đại diện cho quân đội Hàn Quốc, hay đại diện cho một tổ chức phi chính phủ, họ đến họ làm việc đó thì đó là việc mà họ thiện chí. Còn đây là một nhóm nhỏ họ đi du lịch. Đó không phải là việc xin lỗi. Nếu mà họ là những con người có thiện chí rõ ràng, là những người đại diện cho bất cứ ai thì họ đầu tiên họ đến họ tìm những bà mẹ mà bị hãm hiếp như vậy. Xin lỗi thì phải có ít nhất tổ chức nào của Việt Nam đứng ra. Chính phủ Việt Nam hay của họ kết hợp với nhau và có sự công bố rõ ràng”. 


Cuối năm ngoái, bà Ngải là một trong 10 phụ nữ Việt, tự nhận bị binh sĩ Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam, đã gửi thư ngỏ, yêu cầu chính quyền Seoul, nhất là Tổng thống Park Geun-hye, công khai xin lỗi vì những gì lực lượng của nước bà gây ra đối với họ.


Những người phụ nữ được trích trong một thông cáo báo chí rằng họ buộc phải lên tiếng vì “chưa nhận được một lời xin lỗi chính thức” dù nhiều thập kỷ đã trôi qua, và họ sợ “các câu chuyện của chúng tôi sẽ bị lãng quên”. 


Ông Ty là người hỗ trợ chiến dịch “tìm lại công lý” cho mẹ và những người phụ nữ khác. Ông cho VOA Việt Ngữ biết rằng “từ năm ngoái cho tới năm nay, chưa có một tổ chức hay cá nhân nào liên lạc, gọi cho tôi”. 


Trả lời VnExpress khi tới Quảng Ngãi hôm 3/12, bà Ku Su Jeong, người được coi là đã khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” của người Hàn Quốc thời gian qua, cho biết bà khởi động chiến dịch này để “những người Hàn Quốc phải biết những sai lầm của quá khứ”. 


“Nếu chúng tôi không nỗ lực giải quyết những vấn đề lịch sử bằng sự thật, thì những sai lầm của lịch sử Hàn Quốc sẽ lặp đi lặp lại vào tương lai và đánh vào chính chúng tôi”, tiến sĩ nghiên cứu về lịch sử Việt Nam được trích lời nói. 


Người con lai Hàn Quốc Trần Văn Ty nói rằng “chúng tôi không hận thù, không căm ghét họ”, nhưng chính quyền Seoul cần phải lên tiếng chính thức. 


Ông Ty nói thêm: 


“Tôi chỉ mong có một việc duy nhất đó là họ làm, họ phải đích thân làm, phải có những lời nói như thế nào đó đối với những người mẹ. Tùy vào tấm lòng của họ. Và tùy vào việc họ có thể lựa lời họ nói như thế nào đó, bởi vì trong cuộc chiến chúng tôi cũng không thể nào bắt bẻ họ được bởi vì đó là chiến tranh. Nếu bên này không bắn bên kia, thì bên kia cũng bắn bên này. Vấn đề hãm hiếp phụ nữ đó, sau cuộc chiến, chính phủ Hàn họ phải biết rằng đấy là một cái việc làm sai. Họ phải có động thái nào đó để họ bày tỏ. Đằng này họ không nói bất cứ cái gì hết. Họ cũng không thừa nhận và không có một lời nào để an ủi tinh thần của những người mẹ”. 


Chính phủ Việt Nam chưa công bố con số thống kê các nạn nhân bị binh sĩ Hàn Quốc tấn công tình dục, nhưng theo bức thư của mẹ ông Ty và những người được coi là nạn nhân khác, “hiện có khoảng 800 phụ nữ trong số hàng nghìn người từng bị hãm hiếp vẫn còn sống”.


Có hàng trăm nghìn binh sĩ Hàn Quốc cùng với lực lượng Mỹ tham chiến ở Việt Nam, và người đứng đầu chính quyền Seoul khi ấy là ông Park Chung-hee, cha đương kim Tổng thống Park Geun-hye. - VOA

|

|


9.

VN cảnh cáo hai cựu Ủy viên Trung ương Đảng


Hai cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì liên quan quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh.


Đây là kết quả từ cuộc họp ngày 8/12 của Ban Bí thư Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, bị kết luận đã ký công văn trả lời Tỉnh ủy Hậu Giang về thực hiện quy trình nhân sự tăng thêm một cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020 đối với Trịnh Xuân Thanh.


Ông cũng ký ban hành công văn của Ban Tổ chức Trung ương về việc được tăng thêm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.


Người thứ hai bị cảnh cáo là Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015.


Ông này bị phê phán là đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ" khi đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.


Ông Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bị khiển trách.


Ông Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn đang bị Việt Nam truy nã.


Hôm 15/9, ông bị khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian ông Thanh làm lãnh đạo tại đây. - BBC

|

|


10.

Thêm một quan chức đi nước ngoài trị bệnh không trở về


Lại thêm một cán bộ cao cấp nữa của Việt Nam đi nước ngoài trị bệnh rồi biến mất. Báo mạng Dân Trí của Việt Nam cho hay là ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực dầu khí, thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, đi nước ngoài chữa bệnh đã quá thời hạn được cho phép là hơn ba tuần lễ mà chưa thấy về.


Tờ Dân Trí cũng nói là Bộ Công thương, cơ quan chủ quản của Tập đoàn dầu khí đã yêu cầu Tập đoàn dầu khí báo cáo về chuyện này.


Một nguồn tin của báo Dân Trí cho hay là ông Dũng đang bị tình nghi là có sai phạm khi thực hiện việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, khi ông làm ở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí, dưới quyền ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc.


Giới chức Việt Nam xác nhận ông Thanh đang ở Châu Âu, và bị Việt Nam phát lệnh truy nã toàn cầu, còn ông Vũ Đức Thuận đang bị tạm giam để điều tra.


Vẫn liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, hôm nay Ban Bí thư Trung ương đảng Việt Nam đã họp và quyết định kỷ luật ba cán bộ cao cấp, là các ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức trung ương, đã có khuyết điểm khi ký giấy trả lời việc điều ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.


Ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, có sai phạm khi tiếp nhận ông Thanh về Hậu Giang.


Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ nội vụ, đã sai phạm khi thẩm định và phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch của ông Thanh.


Ông Hải và ông Chắc bị cảnh cáo, còn ông Thăng bị khiển trách.


Cũng liên quan đến bổ nhiệm các cán bộ cao cấp, báo chí Việt Nam đưa tin ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi được bổ nhiệm làm phó vụ trưởng vụ kinh tế, thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Nhưng điều lạ là viên chức trẻ tuổi này được bổ nhiệm khi đang du học, và việc bổ nhiệm cũng không được cấp trên trực tiếp của ông là ông vụ trưởng biết đến.


Và chỉ sau 32 ngày, theo báo Tuổi trẻ từ Thành phố Hồ Chí Minh, thì ông Hoàng lại được chuyển sang làm việc tại Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.


Điều cũng đáng nói là trong suốt thời gian đó ông Hoàng đang du học tại Nhật Bản cho đến nay chưa làm việc một ngày nào. - RFA

|

|


11.

Cảnh sát Việt Nam bắt nghi phạm tra tấn cậu bé Campuchia


Báo chí Việt Nam cho hay giới chức Bộ Công an đã xác nhận vào tối 7/12 rằng họ đã bắt được một người đàn ông bị tình nghi đã hành hạ một cậu bé ở Campuchia.


Tin cho hay nghi can có tên Nguyễn Thành Dũng, 34 tuổi, bị bắt khi đang lẩn trốn ở thành phố Hồ Chí Minh lúc 8 giờ tối ngày 7/12.


Cục Cảnh sát hình sự, gọi tắt là C45, của Công an Việt Nam nói họ tiến hành truy bắt nghi can Nguyễn Thành Dũng theo đề nghị hợp tác truy bắt từ phía cảnh sát Campuchia.


Cảnh sát Campuchia cáo buộc Nguyễn Thành Dũng, có quê ở An Giang, cùng 3 nghi can khác có liên quan tới các video lan truyền trên internet cho thấy cảnh một bé trai trần truồng bị tra tấn.


Theo tin ngày 7/12 của tờ The Cambodia Daily, cảnh sát tại tỉnh Kompong Cham hôm 6/12 đã bắt giữ một người Hà Lan và hai người Campuchia bị tình nghi có liên quan đến vụ việc.


Trong các đoạn video, có một người nói tiếng Việt chích roi điện nhiều lần vào em bé không mặc quần áo, còn em bé gào khóc vì đau đớn. Vụ việc được cho là xảy ra ở Mondulkiri, Campuchia, và người có hành động chích roi điện bị nghi là Nguyễn Thành Dũng.


Dư luận trên mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ về các đoạn video này. Theo báo chí Việt Nam, sau khi bắt Dũng, công an đã tìm thấy 48 đoạn video hành hạ trẻ em khác trong điện thoại của Dũng, ngoài các clip đã tung lên mạng.


VOA đã liên lạc với Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, để có thêm thông tin nhưng ông từ chối trả lời phỏng vấn.


Về khả năng dẫn độ Dũng sang Campuchia sau quá trình điều tra, Luật sư Võ An Đôn nói với VOA:


“Hành vi phạm tội ở nước ngoài nhưng nếu bị bắt ở Việt Nam thì vẫn xử lý theo pháp luật Việt Nam. Người ta phối hợp với nước sở tại là Campuchia đỡ cho quá trình điều tra bên đó rồi kết hợp điều tra bên này. Sau đó một là gộp lại bên đó xử, hai là xử ở tại Việt Nam riêng với bị can như ở Việt Nam. Có thể là nếu Việt Nam khởi tố tội này, tại vì người bị hại bên Campuchia thì khởi tố đó sẽ có thể dẫn độ người Việt Nam này qua Campuchia xử một cái vụ án bên đó chứ còn Việt Nam tách ra thì hơi khó hơn. Trong trường hợp này, xử ở Campuchia thì theo luật Campuchia, có thể giam ở Campuchia hoặc là gởi về Việt Nam giam ở đó, do ngoại giao hai bên”.


Theo luật, các hành vi mua bán trẻ em, ngược đãi và mua dâm trẻ em có thể phải đối diện với khung hình phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. - VOA

No comments:

Post a Comment