Friday, December 16, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 16/12

Tin Thế Giới


1.

2017 đầy chông gai cho Chủ tịch Trung Quốc


Năm tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đối mặt với một số thách thức lớn nhất đối với ông kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, những thách thức trắc nghiệm vai trò lãnh đạo của ông chưa từng thấy trước nay, trong đó có những vấn đề kinh tế, việc sắp xếp lại lãnh đạo chính trị cấp cao và những viễn cảnh chưa chắc chắn mà Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ sẽ mang lại cho mối quan hệ Mỹ-Trung.


Trước khi ông Tập nhậm chức, kinh tế Trung Quốc trải qua điều mà nhiều người mô tả là ‘kỳ diệu’ với nhiều chục năm tăng trưởng mạnh, làm giàu và tiếp thêm quyền lực cho đảng cộng sản.


Hiện giờ, khác với những lãnh đạo tiền bối, ông Tập đang chịu trách nhiệm trong thời kỳ mà nền kinh tế đang đối mặt với hàng loạt nhiều vấn đề, từ các khoản nợ ngày càng tăng của chính quyền địa phương và của các tập đoàn cho tới tình trạng bong bóng thị trường bất động sản. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây đã cảnh báo nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng lớn hơn. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm đi đáng kể dù tỷ lệ tăng trưởng so với tiêu chuẩn quốc tế vẫn là cao.


Trong khi kinh tế chùn lại, Trung Quốc tìm cách phát triển ảnh hưởng ra nước ngoài và các khoản đầu tư ra ngoại quốc đã ồ ạt gia tăng nhiều đến nỗi chính quyền đã phải nhảy vào để giảm bớt dòng chảy của hàng tỷ đô la vốn ra nước ngoài. Giới hữu trách cũng lưu ý rằng Trung Quốc ngày càng có nhiều hợp đồng hàng tỷ đô la với nước ngoài của các công ty quốc doanh và tư nhân Trung Quốc.


Một số người cho rằng việc ông Tập tự đặt mình vào trung tâm mọi quyết định của chính phủ càng làm cho mọi việc phức tạp hơn, nhân rộng quyền lực cho ông ta tới mức mà một số người đánh giá ông là lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ sau ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.


Gần đây, ông Tập được trao danh hiệu mà ông Mao và ông Đặng đều từng được vinh danh, trở thành lãnh đạo ‘cốt lõi’ của Trung Quốc. Theo giới phân tích, việc thúc đẩy tăng cường quyền lực này một phần nhằm bảo đảm rằng những cải cách được xúc tiến suông sẻ, nhưng một số người nhìn thấy ông Tập và phương pháp mạnh tay của ông ngày càng bị chống đối.


Bây giờ, hễ mọi việc không trôi chảy, ông chắc chắn sẽ bị chỉ trích nhiều hơn.


Giáo sư khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan thuộc đại học Hong Kong Baptist University nhận xét:


“Mối nguy hiểm là nếu kinh tế có gì trục trặc, ông ấy không thể quy lỗi cho Thủ tướng Lý Khắc Cường như đã từng làm như thế trước kia. Giờ đây, ông ấy phải lãnh trách nhiệm về mọi chuyện xảy ra trong nước.”


Trong ba năm rưỡi vừa qua, ông Tập đưa ra các kế hoạch cải cách đầy tham vọng, nhưng phần nhiều bị bế tắc.


Chính phủ trung ương ủng hộ động lực chống tham nhũng của ông Tập nhắm mục tiêu hơn triệu đảng viên, nhưng các chính quyền địa phương thì không như thế.


Giáo sư Cabestan nói chiến dịch chống tham nhũng đã tạo ra nhiều ngờ vực cho guồng máy hành chính. Ông tiếp lời:


“Dân chúng lo lắng nhiều và chúng ta có thể thấy một số thái độ phản đối ngay trong đảng đối với các động lực hết sức bảo thủ do ông Tập đề xướng và cổ súy.”


Ông Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc nhận định:


“Trong năm tới, có phần chắc là ông Tập không có thời gian giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào trong số này hay đưa ra những sáng kiến nào mạnh tay. Đây không phải là năm đưa ra sáng kiến mới mà phải bình ổn tư duy của công chúng, nuôi dưỡng sự đồng thuận và phát triển hòa khí giữa các nhánh khác nhau trong đảng.”


Cuối năm tới Trung Quốc sẽ sắp xếp lại hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản và cả Ban Thường trực Chính trị. Ông Tập sẽ ra tái tranh cử chức Tổng bí thư đảng cộng sản và theo dự kiến sẽ còn bành trướng quyền kiểm soát hơn nữa bằng cách nhổ rễ những đảng viên không thân cận với ông. Chưa chắc liệu có thể có thêm những cải cách mạnh tay hay không. 


Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc sửng sốt vì lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ tân cử hay đương nhiệm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan. Ông Trump cũng chất vấn chính sách của Mỹ về ‘Một nước Trung Hoa’ vốn đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập các mối quan hệ Mỹ-Trung.  


Ông Trump còn tuyên bố sẽ theo đuổi các biện pháp mậu dịch từ thuế suất nặng hơn với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cho tới liệt kê nước này vào danh sách thao túng chỉ tệ.  


Sử gia và cũng là nhà bình luận Zhang Lifan người Trung Quốc cho rằng giới lãnh đạo Bắc Kinh đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Ông lưu ý rằng các thành viên chính trong Tổ chức Thương mại Thế giới cũng đã mệt mỏi với các chiêu trò của lãnh đạo cộng sản Trung Quốc và giờ đây đang có sự thúc đẩy phải dùng luật lệ chế tài Trung Quốc.


Ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ làm gia tăng khả năng kinh tế Trung Quốc có thể đối diện một cuộc khủng hoảng, suy trầm mạnh hay thậm chí là suy sụp, theo nhận định của ông Zhang:


“Nếu điều đó xảy ra, bất ổn xã hội là điều kế tiếp. Nếu có bất ổn xã hội sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị nội địa. Tất cả đều gắn kết với nhau.”


Vẫn theo lời bình luận gia này, có khả năng sách lược của ông Trump là nhắm mục tiêu những yếu điểm của đảng cộng sản Trung Quốc và quan trọng là lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc phải nhượng bộ để tiến tới trong lúc ông Tập tìm cách duy trì quyền lực, giữ vị thế lãnh đạo đảng, và tránh sai lầm đáng tiếc.


Tuy nhiên, theo lời ông Zhang, khó loại bỏ khả năng Chủ tịch Trung Quốc có thể sẽ mắc sai lầm. - VOA

|

|


2.

Trung Quốc “cướp” thiết bị lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông --- Hàng không mẫu hạm Trung Quốc lần đầu tham gia tập trận bắn đạn thật


Tàu hải quân Trung Quốc ‘tóm’ một thiết bị lặn không người lái của một tàu hải dương học Mỹ trong hải phận quốc tế ở Biển Đông, khiến Hoa Kỳ phản đối ngoại giao và yêu cầu trả lại, theo nguồn tin một giới chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với Reuters ngày 16/12.


Sự việc xảy ra hôm 15/12 ở Tây Bắc Vịnh Subic của Philippines. Trong lúc tàu khảo sát hải dương Mỹ USNS Bowditch đang thu hồi hai thiết bị lặn không người lái, tàu chiến Trung Quốc đã cho một xuồng nhỏ bám theo, và lấy cắp một trong hai thiết bị trên.


Tàu Bowditch đã cố gắng liên lạc qua sóng radio, nói rằng đây là tài sản của Hoa Kỳ, nhưng tàu chiến Trung Quốc vẫn phớt lờ.


Các tàu khảo sát hải dương của Mỹ thường bị bám đuôi vì nghi thực hiện nhiệm vụ do thám.


Vụ này làm tăng thêm quan ngại về sự hiện diện quân sự và thái độ gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. 


Trung Quốc mới đây cũng gia tăng các hoạt động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở Biển Đông.


Hoa Kỳ đã có phản ứng ngoại giao chính thức với Trung Quốc về vụ việc và yêu cầu nước này ngay lập tức trao trả thiết bị lặn không người lái. Phía Trung Quốc xác nhận đã nhận được thông tin nhưng chưa có phản hồi. - VOA


***

Hải quân Trung Quốc ngày 15/12/2016 thông báo « gần đây » đã huy động tàu sân bay Liêu Ninh, chiến đấu cơ và hỏa tiễn tham gia đợt tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi biển Bột Hải, gần Hàn Quốc. Không nêu chính xác thời điểm vụ việc, nhưng tin trên được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang cứng giọng với tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump trên vấn đề Đài Loan.


Theo hãng tin Pháp AFP, đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV hôm nay 16/12/2016 chiếu phóng sự cho thấy chiến đấu cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Máy bay và chiến đấu cơ tập bắn tên lửa, nhắm vào các mục tiêu trên biển.


Thông cáo trên mạng của Hải Quân Trung Quốc cho biết đã huy động một chục chiếc tàu, mười chiến đấu cơ loại J-15 tham gia cuộc tập trận trong vùng biển Bột Hải, ở phía đông của Trung Quốc và gần biên giới với Hàn Quốc.


Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một phi đội cất cánh từ tàu sân bay tham gia tập trận bắn đạn thật. Hải quân Trung Quốc cho biết thêm : Mục tiêu đề ra trong đợt tập trận lần này nhằm « kiểm tra trang thiết bị quân sự và trình độ đào tạo của quân đội ».


Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được đóng từ thời Liên Xô và đã được Bắc Kinh đã mua lại của Ukraina năm 1998. Chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc đã được tân trang, nâng cấp để đi vào hoạt động từ năm 2012. Tháng 12/2015, bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sắp được trang bị một chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì, hoàn toàn do Trung Quốc tự đóng.


Hãng tin Anh, Reuters nhắc lại tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã tham gia nhiều cuộc tập trận trên biển, kể các các chiến dịch ở Biển Đông. Theo giới phân tích, về mặt kỹ thuật, hãng không mẫu hạm Trung Quốc còn thua xa Hoa Kỳ.


Cũng về Trung Quốc, nhiều nguồn tin thông thạo cho biết Matxcơva chuẩn bị trao cho Bắc Kinh 4 chiến đấu cơ Sukhoi S-35 vào cuối tháng 12/2016. Đây là lô đầu tiên trong số 24 chiếc Trung Quốc đặt mua của Nga từ tháng 11/2015. Đây là loại chiến đấu cơ cạnh tranh trực tiếp với máy bay F-35 của Mỹ. - RFI

|

|


3.

Cuba muốn trả nợ cho CH Czech bằng rượu rum


Cuba đề nghị trả món nợ 276 triệu USD từ thời xã hội chủ nghĩa cho Cộng hòa Czech bằng rượu rum, theo chính phủ Czech.


Tuy nhiên, chính phủ Czech nói họ muốn nhận ít ra là một phần khoản nợ bằng tiền mặt, và các phần kia có thể trả bằng rượu rum và dược phẩm.


Theo phóng viên BBC News Rob Cameron từ Prague, dược phẩm do Cuba sản xuất không có chứng chỉ của Liên hiệp châu Âu, nên trả nợ bằng các dược liệu truyền thống sẽ dễ dàng hơn.


Chưa kể, nếu nhận toàn bộ số rượu rum Cuba muốn trả thay tiền, CH Czech đủ rum để dùng 'trong hơn một thế kỷ'.


Món nợ của Cuba có từ thời Cộng hòa Czech còn là một phần của Tiệp Khắc (Czechoslovakia), và cả hai nước khi đó cùng thuộc khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo.


Theo số liệu trên trang của Hội nghiên cứu kinh tế Cuba (Association for the Study of the Cuban Economy - ASCE), Cuba trong những năm qua đã bắt đầu 'tái cơ cấu nợ' với Nga, các nước Đông Âu, các chủ nợ Phương Tây trong Câu lạc bộ Paris, và cả Trung Quốc, Việt Nam và Venezuela.


Trang này nói Cuba đưa ra kế hoạch 18 năm để trả nợ và muốn chuyển một số khoản nợ thành điều kiện đầu tư hoặc trả bằng những hình thức khác nhau.


Nhưng Havana không công nhận toàn bộ khoản nợ 32 tỷ USD mà Nga, hậu thân của Liên Xô, nêu ra.


Đến 2014, đa số khoản nợ này đã được xóa hoặc tái cơ cấu. - BBC

|

|


4.

Thượng đỉnh Nga-Nhật ký hợp đồng kinh tế, nhưng không ký hòa ước --- Thượng đỉnh Nga-Nhật: Vấn đề Kuril bế tắc


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc hai ngày hội đàm không có đột phá nào đáng kể về bất đồng lớn nhất giữa hai nước, đó là vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã có từ Thế chiến thứ II.


Hai nhà lãnh đạo hôm thứ Sáu đã họp tại Tokyo sau những cuộc hội đàm ngày hôm trước ở khu du lịch suối nước nóng ở miền tây nam của Nhật.


Tại thủ đô Tokyo, cảnh sát đã ngăn không cho những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc đến gần địa điểm cuộc họp thượng đỉnh. Những người biểu tình đòi Nga trả lại quần đảo mà người Nga gọi là Kuril ở tây Thái Bình Dương mà quân đội Liên Xô chiếm vào cuối Thế chiến thứ II và đuổi khoảng 17.000 cư dân Nhật ra khỏi các hải đảo mà người Nhật gọi là quần đảo Chishima.


Nga và Nhật Bản không ký hòa ước sau chiến tranh bởi vì tranh chấp về chủ quyền của quần đảo đó chưa giải quyết được.


Đầu tư cho hòa bình


Tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tiềm năng của hòa ước và hai bên nhất trí rằng tăng cường hợp tác kinh tế sẽ giúp mở ra những điều kiện để tiến đến một thỏa thuận trong tương lai về nhóm hải đảo này.


Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh, Thủ tướng Abe nói rằng “không có sự tin tưởng lẫn nhau thì không thể đạt được mục tiêu.”


Trong tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo hôm thứ Sáu đã ký 68 thỏa thuận hợp tác, trong đó có nhiều hợp đồng phát triển năng lượng.


Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) ký một biên bản ghi nhớ thành lập một quỹ đầu tư 1 tỉ đôla để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.


Công ty năng lượng Novatek của Nga công bố các thỏa thuận ký với công ty Mitsubishi và Marubeni của Nhật về một dự án khí hóa lỏng ở Bắc Cực.


Ông Grant Nesham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Diễn đàn Chiến lược của Nhật Bản ở Tokyo nói rằng nước Nhật lâu nay luôn cố dùng hứa hẹn đầu tư kinh tế lớn vào Nga để đổi lại việc trao trả chủ quyền các hải đảo đó lại cho Nhật, nhưng Moscow không sẵn lòng nhượng bộ:


"Luôn luôn có trở ngại trong việc trao trả lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược từ góc nhìn chiến lược về địa lý của an ninh quốc phòng Nga. Đồng thời, sự thật đơn giản là những hải đảo này Nga đã chiếm được sau một cuộc chiến tranh mà người Nga đã đổ rất nhiều xương máu."


Quần đảo Kuril nằm gần các thủy lộ chính nối Nga với Thái Bình Dương, ở trong khu vực biển có nguồn thủy sản và có lẽ cả trữ lượng dầu khí dồi dào.


Tổng thống Putin nói rằng Nga có thể sẽ nới lỏng các quy định để cho người Nhật đến thăm quần đảo Kuril.


Một cố vấn kinh tế của Điện Kremlin hôm thứ Năm nói rằng hai bên sẽ ra một tuyên bố về tiềm năng hợp tác kinh tế trên các hải đảo đang tranh chấp này tại cuộc họp thượng đỉnh, và bất cứ hoạt động nào trên các đảo này cũng phải tuân thủ luật lệ của Nga.


Giá trị quân sự 


Năm ngoái Nga loan báo kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự tại quần đảo Kuril, cùng với 4 căn cứ khác ở Bắc Cực trong khuôn khổ của kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực mà Tổng thống Vladimir Putin vạch ra.


Tokyo đã bày tỏ lo ngại về việc Nga quân sự hóa lãnh thổ tranh chấp này.


Hôm thứ Năm, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nối lại cuộc đối thoại an ninh.


Các cuộc đối thoại cấp bộ về an ninh đã bị đình hoãn sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014, và Hoa Kỳ cùng với các nước thuộc nhóm G7 đã chế tài Nga.


Tin nói Nga đã chi tiêu hơn 600 tỉ đôla trong thập niên qua để hiện đại hóa quân đội, trong đó có chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, chiến đấu cơ và máy bay trực thăng.


Trung Quốc 


Việc Nga và Nhật Bản thắt chặt các mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến quan hệ của Bắc Kinh với Moscow.


Kể từ năm 2012, Trung Quốc và Nga đã 5 lần diễn tập quân sự chung với nhau, trong đó có một cuộc thao dượt hải quân ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, hồi tháng 9, trong khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước láng giềng.


Tokyo và Bắc Kinh cũng tranh chấp chủ quyền các hải đảo ở Biển Ðông Trung Hoa. Hai nước tố cáo nhau về những hành động quân sự gây hấn, trong đó có những vụ chiến đấu cơ hai bên đối đầu nhau trong không phận Thái Bình Dương. - VOA


***

Hôm nay 16/12/2016, tại Tokyo, thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Nga Vladimir Putin đã kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh 2 ngày với kết quả nhiều hứa hẹn về hợp tác kinh tế, nhưng vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Kuril vẫn không có tiến triển.


Tokyo hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần này là dịp để giải quyết các tồn đọng tranh chấp lãnh thổ với Nga tại quần đảo Kuril để có thể tiến tới việc ký kết một hiệp ước hòa bình song phương. Tuy nhiên sau hai ngày gặp nhau, Nga đã không chịu một nhượng bộ nào về chủ quyền của 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril, do quân đội Nga chiếm từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng Tokyo vẫn đòi đó là lãnh thổ của Nhật.


Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Shinzo Abe hôm nay tại Tokyo, tổng thống Nga V. Putin đã tuyên bố: “Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng có thể giải quyết vấn đề này trong một giờ. Nhưng chắc chắn vẫn cần phải tìm kiếm giải pháp” để hai bên có thể đi đến ký hiệp ước hòa bình. Tổng thống Nga nhấn mạnh đến lợi ích của hai nước trong việc phát triển hợp tác kinh tế.


Tổng thống Nga cũng thông báo mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế tại quần đảo Kuril và Matxcơva có thể giảm nhẹ các quy định để tạo điều kiện cho người Nhật có thể đến thăm các hòn đảo hiện do Nga quản lý trong quần đảo Kuril.


Nguyên thủ Nga cũng bày tỏ quan ngại về tình hình địa chính trị trong khu vực do những mối quan hệ đặc biệt của liên minh Mỹ-Nhật.


Về phần chủ nhà, thủ tướng Nhật thừa nhận việc “đúc kết một hiệp ước hòa bình không phải là dễ dàng”, đồng thời ông Shinzo Abe cũng đề xuất “một phương pháp tiếp cận mới” dựa trên đòn bẩy kinh tế.


Bù lạ, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Nhật đã có được những kết quả cụ thể về mặt kinh tế. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận cho hơn 60 dự án phát triển trong hàng chục lĩnh vực từ hợp tác y học cho đến du lịch, công nghệ thông minh nhân tạo, năng lượng, vận tải…


Kết thúc cuộc họp báo chung, ông Abe đã đưa tổng thống Nga đến thăm Kodokan, đạo đường trung tâm của môn Judo, môn võ mà ông Putin là một võ sĩ hạng cao thủ.


Theo giới quan sát, ông Putin đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất của chuyến công du Nhật lần này. Ông đã cho thấy sự chia rẽ của nhóm nước G7 trong chính sách với Nga và dần dần kéo Nhật ra xa chính sách của Mỹ. - RFI

|

|


5.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay dọa Tây phương


Chỉ cách nay vài tháng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không do dự bắn hạ oanh tạc cơ Nga. Ankara kêu gọi NATO trợ giúp bảo vệ đồng minh chống xâm lăng. Thế mà giờ đây, hai tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Vladimir Putin liên kết thành cặp "người hùng" thách đố Tây phương.


Vào lúc cuộc chiến Syria đi vào khúc quanh mới, từ Tokyo, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã điện đàm và « hội ý » với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đề xuất "một giai đoạn mới": ngưng bắn toàn diện ở Syria và đàm phán chính trị.


Theo AFP, người ta không quên, vào tháng 11/2015, khi chiếc máy bay oanh tạc Sukhoi của Nga bị bắn cháy trên vùng trời biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria trong lúc oanh kích lực lượng chống chế độ Bachar al Assad thì Matxcơva và Ankara thóa mạ nhau không tiếc lời. Tổng thống Putin tố cáo tổng thống Erdogan « buôn dầu hỏa » với Daech. Tổng thống Erdogan đáp lại, lên án ông Putin là « kẻ phạm tội ác chiến tranh".


Trang sử « khói lửa » này đã được lật qua. Đồng thuận chiến lược Nga - Thổ đã được thể hiện một cách ngoạn mục trên chiến trường Syria. Trong khi không quân Nga trút hàng trăm tấn bom xuống Aleppo để tìm một chiến thắng quân sự cho đồng minh Damas, bất chấp sinh mạng thường dân, thì Ankara hoàn toàn im lặng, không một lời phản đối. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim còn tuyên bố « chưa bao giờ chúng tôi hiểu nhau như thế".


Lập trường « phải lật đổ Bachar al Assad » bằng mọi giá đã được Ankara dẹp qua một bên, nhưng Ankara vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu chiến lược củng cố thế lực trong khu vực bằng cách dựa vào Matxcơva, cũng có quyền lợi tương đồng.


Theo phân tích của AFP, trong năm 2016, hai ông Erdogan và Putin đối đầu với nhiều thách thức : bên trong, kinh tế suy yếu, bên ngoài đối chọi với Mỹ và châu Âu.


Từ khi chiếm bán đảo Crimée, tổng thống Putin bị Tây phương trừng phạt kinh tế, thương mại và cấm cửa G8. Can thiệp quân sự vào Syria và đàn áp đối lập tại Nga càng làm mối bất hoà với Tây phương lớn hơn. Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, sau những cải cách can đảm đầu tiên của một nhà chính trị Hồi giáo thế tục, ông Erdogan thụt lùi trên mọi lĩnh vực từ nhân quyền, tự do ngôn luận cho đến tự do chính trị. Sau vụ đảo chính hụt (15/07/2016), hàng trăm ngàn người, từ sĩ quan quân đội, cảnh sát, công chức cho đến chính trị gia đối lập (40 000 theo con số chính thức ) bị tổng thống Erdogan thanh trừng, tống giam. Bốn chục tờ báo bị đóng cửa.


Con đường Ankara vào Liên Hiệp Châu Âu xem như bế tắc nhưng quan hệ với Nga thì ngọt ngào như tuần trăng mật vì tham vọng tương đồng. Tổng thống Putin muốn nước Nga được tôn trọng như một đại cường giống như thời Liên Xô cũ. Trong khi đó, tổng thống Erdogan không giấu ước mơ thời hùng cường của đế chế Ottoman, thủ lĩnh của mọi tín đồ Hồi Giáo. Khi tuyên bố « người Thổ Nhĩ Kỳ chúng tôi bị giam trong nhà tù 780.000 km2 », tổng thống Erdogan không che dấu tham vọng phát huy ảnh hưởng Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.


Tình hình quốc tế hiện nay, với Hoa Kỳ co cụm, với Liên Hiệp Châu Âu bị khủng hoảng Brexit, rất thuận lợi cho Matxcơva và Ankara xem nhẹ Tây phương, bắt tay nhau chia chác ảnh hưởng tại Syria.


Vấn đề là uy thế chính trị của hai « người hùng » này không xây dựng trên cơ sở đem lại niềm tin cho dân chúng vào một thể chế công bằng, mà trái lại, thả lỏng cho thành phần đặc quyền đặc lợi làm giàu, để mua chuộc sự ủng hộ của họ.


Thêm vào đó, kinh tế của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu lạc quan. Chuyên gia kinh tế Charles Robertson, ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, của Nga, dự báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tránh khỏi một cuộc khủng hoảng trong trung hạn.


Điều chắc chắn là nếu thành viên Thổ Nhĩ Kỳ của NATO theo Nga thì kẻ đáng lo là châu Âu. - RFI

|

|


6.

Tin giả lan truyền trong chính giới Indonesia


Vào tháng trước, các nhà lãnh đạo của một nhóm Hồi giáo cực đoan mang tên Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) đã phải nhập viện sau khi bị quân đội Indonesia đánh đập tại trụ sở của FPI. 


Trên thực tế, không có việc đó xảy ra. Nhưng hàng ngàn người Indonesia vẫn nghĩ rằng việc này có thật, nhờ vào một câu chuyện ngụy tạo được phổ biến trước khi diễn ra cuộc biểu tình hàng loạt ở Jakarta vào ngày 2/12. Một số trang mạng cho rằng nhà lãnh đạo FPI Habib Rizieq, người tổ chức cuộc biểu tình chống thống đốc gốc Hoa của Jakarta, đã bị nhà nước lạm dụng.


Tin không có thật đó tiếp tục lan truyền trong dân chúng vốn rất chuộng truyền thông xã hội, ít nhất là từ năm 2014, khi họ đe dọa phá vỡ các chiến dịch của tổng thống đương nhiệm Joko "Jokowi" Widodo. Nhưng tình hình trong những tháng gần đây nghiên trọng hơn, khi căng thẳng giáo phái tăng cao do việc xét xử vị thống đốc Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama của Jakarta tội báng bổ đạo Hồi.


Tuần này, tướng quân đội Gatot Nurmantyo nói rằng những tin tức giả đã cho thấy có sự can thiệp của nước ngoài vào nội tình chính trị Indonesia. Việc này cho thấy chính phủ Indonesia, dù có kiểm duyệt, cũng không thể ngăn chặn tin giả mạo làn truyền bằng cách chỉ chặn các trang web có vấn đề.


Bộ thông tin liên lạc Indonesia đã chặn một số trang web đưa tin tức giả mạo, tuy nhiên việc lập trang web mới ở nước này khá dễ dàng và không quá tốn kém. - VOA

|

|


7.

Phó TT Philippines phản đối chiến dịch diệt ma túy của ông Duterte


Việc từ chức khỏi nội các gây nhiều sóng gió của Phó Tổng thống Philippines sẽ cho phép bà phản đối quyết liệt hơn đối với chiến dịch chống ma túy đẫm máu, gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế của Tổng thống Rodrigo Duterte, mặc dù sự phản đối kịch liệt của bà có lẽ sẽ không làm thay đổi các chính sách của ông Duterte.


Theo truyền thông Philippines, vào đầu tháng này Phó Tổng thống Leni Robredo đã từ bỏ chức danh Bộ trưởng Nhà ở trong nội các sau khi ông Duterte yêu cầu bà không được tham dự các cuộc họp. Bà đã chỉ trích chiến dịch chống ma túy của ông Duterte. Chiến dịch này đến nay ước tính đã giết chết 5.000 người.


Hôm thứ Hai, ông Duterte nói tại một diễn đàn doanh nghiệp rằng khi làm thị trưởng thành phố Davao chính ông đã ra tay giết người. Davao là thành phố lớn thứ hai của Philippines, nơi ông đã làm thị trưởng 22 năm, trước khi trở thành tổng thống.


Ông Eduardo Araral, một giáo sư chính sách nhà nước của Đại học Quốc gia Singapore, nói bà Robredo có lẽ sẽ phải đi vận động công chúng trên khắp đảo quốc này. Nhưng hiện giờ ông Duterte vẫn còn được người dân tín nhiệm vì các chính sách quyết đoán của ông đối với vấn đề tội phạm ma túy hết sức nghiêm trọng.


Ông Araral nói: "Bà phải đi khắp nước để vận động công chúng từ các làng xã địa phương ủng hộ bà tập hợp sức mạnh cho phe đối lập.” 


Philippines bầu cử tổng thống và phó tổng thống riêng biệt với mục đích kiểm tra và cân bằng quyền lực. Ông Duterte của đảng Dân chủ Philippines (PDP Laban) thắng cử tổng thống vào tháng 5. Đảng của ông được thành lập vào năm 1982 để ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa liên bang. Bà phó tổng thống cũng ra tranh cử vào tháng 5, nhưng thuộc Đảng Tự do, được thành lập cách nay 70 năm.


Bà Georgina Hernandez, người phát ngôn của bà Robredo, nói rằng bà Robredo đã từ chức bộ trưởng nội các sau khi không "nói chuyện được” với ông Duterte thông qua một trợ lý đặc biệt.


Bà Hernandez nói thêm rằng bà Robredo, một luật sư 52 tuổi và là nhà hoạt động xã hội, sẽ tập trung nỗ lực văn phòng phó tổng thống mà thôi, với nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục, phát triển nông thôn, các quyền của phụ nữ và giảm nghèo trên khắp đất nước. Bà sẽ là một "tiếng nói thống nhất của phe đối lập."


Bà Hernandez nói: "Trong chừng mực nào đó bà Robredo đã khảng khái chống lại vụ giết người trái phép, chống lại việc hạ độ tuổi của tội phạm, cũng như qui định án tử hình. Nạn nhân của những vụ giết người thuộc các gia đình nghèo."


Ông Duterte cho biết ông sẽ yêu cầu Quốc hội Philippines khôi phục án tử hình, vốn đã bị hủy bỏ vào năm 2006. Các nhà lập pháp đã đề xuất cắt giảm tuổi hợp pháp của tội phạm từ 15 xuống 9 tuổi.


Sự phản đối của bà Robredo về việc giết người ngoài vòng pháp luật theo dự kiến sẽ không gây ảnh hưởng đến chiến dịch chống ma túy hay các chính sách khác của ông Duterte. Người dân ở các thành phố của Philippines nói rằng họ cảm thấy an toàn hơn khi Duterte nhậm chức và loại trừ bọn mua bán ma túy nhan nhản ở các góc phố. Vào tháng Mười, cuộc thăm dò do Pulse Asia thực hiện cho thấy ông Duterte được 86% người ủng hộ.


Theo số liệu của Cảnh sát quốc gia Philippines, tội phạm ghi nhận đã tăng từ 217.812 vụ trong 2012 đến 1.160.000 vụ trong năm 2014, một xu hướng gia tăng trong nửa đầu năm ngoái.


Các vụ giết người là nghi phạm ma túy trái phép đã tạo ra sự chú ý của quốc tế, bao gồm cả những lời chỉ trích vi phạm nhân quyền từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


8.

Chuẩn bị cho lễ nhậm chức tổng thống Mỹ không được phép sai sót


Một trong những chỉ dấu tiêu biểu của nền dân chủ Mỹ là sự chuyển giao quyền lực êm thắm từ tổng thống mãn nhiệm sang cho người kế nhiệm. Công cuộc chuẩn bị cho nhiệm vụ to lớn này phải mất mấy năm trời để biến thủ đô Washington thành một cuộc trình diễn được truyền hình toàn cầu trong ngày lễ nhậm chức đó. Các tư lệnh quân đội lập kế hoạch cho ngày trọng đại này trên một bản đồ khổng lồ trải ra bên trong vận động trường DC Armory.


Tấm bản đồ là một phiên bản thu nhỏ của thủ đô Washington.


Các giới chức từ khắp nơi trên nước Mỹ quy tụ về vận động trường DC Armory để lên kế hoạch cho tuyến đường diễu hành trong ngày lễ nhậm chức của tổng thống thứ 58 của Hoa Kỳ.


Thiếu tá Thủy quân Lục chiến Lucas Hernandez nói với đài VOA:


"Có rất nhiều đơn vị di chuyển. Chúng tôi chỉ có một diện tích bó hẹp quanh khu vực trụ sở Quốc hội trong một khoảng thời gian rất ít mà tất cả các sự kiện phải được thực hiện và hoàn thành mà không được phép sai sót trong ngày quan trọng đó."


Để tập dượt, các Lực lượng Vũ trang trải một bản đồ của thủ đô Washington có chiều dài 18m và rộng 12m. Bản đồ này tập trung vào tuyến đường diễu hành và khu vực hậu cần có sự phối hợp của quân đội với chính quyền liên bang và địa phương.


Ông Arron Lovely là một sĩ quan Lục quân Mỹ:


"Chúng tôi rất phấn khởi trước sự hợp tác của quân đội với các cơ quan liên bang để thực hiện sự kiện này trong thành phố, bởi vì chúng tôi sẽ phải di chuyển rất nhiều người qua những đám đông rất lớn."


Ông Malik Freeman, một sĩ quan Lục quân, tham gia hoạch định chương trình cho ngày lễ này:


"Chúng tôi sẽ đón khoảng từ 7.000 tới 8.000 quân nhân từ 40 bang đến, do đó chúng tôi phải đảm bảo việc đưa họ tới đó, đưa họ tới khu vực chịu trách nhiệm của họ để họ làm nhiệm vụ của họ trong ngày nhậm chức tổng thống, và trả họ về đơn vị của họ nội trong khung thời gian 72 giờ đồng hồ."


Tháng Giêng ở Washington thường rất lạnh với nhiệt độ luôn ở mức băng giá. Đó cũng là một khích lệ cho một sự chuyển giao suôn sẻ.


Bà Michelle Watson, sĩ quan của Lực lượng Tuần duyên Mỹ, tham gia lập kế hoạch cho ngày lễ. Bà nói:


"Chúng tôi không muốn giữ các quân nhân ở đây lâu hơn mức cần thiết."


Lễ nhậm chức của tổng thống sẽ diễn ra vào thứ Sáu ngày 20/1. Thông thường Washington khá yên tĩnh vào các ngày thứ Sáu. Nhưng với việc một vị tổng thống rất đặc biệt đắc cử này, các kế hoạch trên giấy tờ có thể bị thay đổi ở thủ đô của nước Mỹ. - VOA

|

|


9.

Tin tặc Nga - Bầu cử Mỹ: Obama tuyên bố trả đũa Matxcơva


Trong cuộc họp báo cuối cùng năm 2016, ngày 16/12/2016 tổng thống Barack Obama thông báo sẽ « trả đũa » Nga tấn công tin học khuấy nhiễu bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Nhà Trắng trực tiếp tố cáo tổng thống Nga Vladimir Putin đã « can thiệp ». Căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Matxcơva leo thang vài tuần trước khi Donald Trump nhậm chức tổng thống.


Vào lúc 14 giờ 15 chiều nay, giờ Washington, cuộc họp báo của tổng thống Barack Obama được phát trên đài phát thanh NPR. Nhưng ngay từ tối hôm qua 15/12/2016, một số trích đoạn đã được công bố. Tổng thống sắp mãn nhiệm đã dành nhiều thời gian cho hồ sơ tin tặc Nga « can thiệp » vào bầu cử Mỹ ngày 08/11/2016, giúp ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đắc cử.


Ông Obama cam kết : nếu như một chính quyền nước ngoài, dù là ai đi chăng nữa, đã tìm cách nhúng tay vào bầu cử tổng thống của nước Mỹ, thì chắc chắn là Washington sẽ « trả đũa (…) vào thời điểm được nước Mỹ ấn định (…) một số những biện pháp đó sẽ được công khai, số khác thì không".


Hãng tin Pháp ghi nhận Barack Obama không trực tiếp nêu đích danh tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng trước đó, một trong những cố vấn thân cận của tổng thống sắp mãn nhiệm là Ben Rhodes, trên đài truyền hình MSNBC đã chính thức gắn liền vụ việc với « trách nhiệm » của tổng thống Nga.


Về phần tổng thống tân cử, Donald Trump một lần nữa bác bỏ những cáo buộc ông đắc cử nhờ được điện Kremlin giúp đỡ. Qua mạng Twitter, ông Trump nêu lên hai câu hỏi : « Nếu đúng là Nga hay bất kỳ một ai khác đã can thiệp thì tại sao Nhà Trắng mãi bây giờ mới phản ứng ? Tại sao chính quyền không lên tiếng ngay sau thất bại của Hillary Clinton?"


Bản thân Barack Obama khẳng định tình báo Mỹ từ ngày 07/10/2016, tức một tháng trước bầu cử, đã tố cáo Matxcơva tiến hành các vụ tấn công tin học.


Giới phân tích ngạc nhiên là tổng thống tương lai của Hoa Kỳ làm ngơ trước những báo cáo của Cơ Quan Tình Báo CIA và Cục Điều Tra Liên Bang FBI về một vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh của nước Mỹ. Lập trường của tổng thống tân cử Donald Trump đi ngược lại với khuynh hướng bài Nga của các thành phần bảo thủ tại Mỹ.


Matxcơva mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc của Hoa Kỳ.


Tin tặc Nga thâm nhập Lầu Năm Góc 


Quan hệ Nga-Mỹ còn tiếp tục căng thẳng với tin bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng đã bị tin tặc Nga thâm nhập hồi năm 2015. Đài CBS ngày hôm qua 15/12/2016 căn cứ vào thông tin từ tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, cho biết ông đã được Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ NSA báo động là hệ thống tin học của bộ Quốc Phòng Mỹ bị tấn công.


Mật mã và chữ ký điện tử của chính tướng Dempsey bị đánh cắp. Đài truyền hình CBS của Mỹ không loại trừ khả năng, đợt tấn công năm 2015 nhắm vào Lầu Năm Góc là nhằm trả đũa vì Washington trừng phạt việc Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina. Tạm thời, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chưa bình luận về tin trên. - RFI

|

|


Tin Việt Nam


10.

Việt Nam tuyên án 2 người tội ‘Lật đổ chính quyền’


Hôm 16/12, Tòa án tỉnh Thái Bình đã tuyên án Cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Trần Anh Kim 13 năm tù giam và ông Lê Thanh Tùng 12 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.


Theo tin từ Luật sư Võ An Đôn, luật sư bào chữa cho ông Lê Thanh Tùng, ông Trần Anh Kim đã có ý tưởng thành lập tổ chức có tên “Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ” với lực lượng nòng cốt là các sĩ quan và hạ sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Mục đích của tổ chức là để lật đổ chế độ hiện nay và thành lập một nhà nước dân chủ.


Tuy nhiên, trước khi tổ chức này làm lễ ra mắt trên mạng internet vào ngày 21/9/2015, hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng đã bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ.


LS. Võ An Đôn cho biết thêm:


“Các anh khai tại tòa là lực lượng của các anh có khoảng 6 người, nhưng lập trên mạng ảo, không biết ai là ai hết. Chỉ có 2 anh là có thật thôi, còn 4 người kia là ảo. Mà 2 anh hồi giờ chưa có gặp nhau, ra tòa mới gặp nhau”.


Các luật sư bào chữa nói với VOA rằng những bản án dành cho hai ông là “không đúng” vì không thể kết án một người dựa trên “ý tưởng” được.


LS. Võ An Đôn nói:


“Anh Tùng và anh Kim nói mình vô tội. Còn các luật sư bào chữa cho các bị cáo thì cũng đều chứng minh [các bị cáo] là vô tội bởi vì hai anh thành lập tổ chức gọi là ‘Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ’ thì đây chẳng qua là một cái hội thôi. Nhưng khi chưa thành lập chính thức thì đã bị bắt và bị khởi tố”.


Ông Trần Anh Kim, 67 tuổi, là một cựu trung tá quân đội Việt Nam. Ông đã từng bị án tù 5,5 năm vào năm 2009 với tội danh tương tự theo điều 79. Ông Kim đã bị bắt khi còn đang trong thời gian bị quản chế sau khi mãn hạn tù.


Ông Lê Anh Tùng là thành viên của khối 8406. Ông Tùng cũng đã bị kết án 4 năm tù giam theo điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam”. Tháng 6/2015, ông Tùng được mãn án trước thời hạn nhưng cũng bị bắt lại khi đang trong thời gian bị quản chế.


Các chính phủ và tổ chức quốc tế đã nhiều lần lên án Việt Nam về việc kết án người bất đồng chính kiến bằng các điều luật 79 và 88. Các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ những điều luật bị cho là vi phạm nhân quyền này.


Theo bảng xếp hạng mới nhất của tổ chức Nhà báo Không biên giới, Việt Nam đã bị xếp thứ 175/180 về tự do báo chí, tự do ngôn luận. - VOA

|

|


11.

Chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông là gì?


Tổ chức nghiên cứu địa chính trị toàn cầu Stratfor phân tích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đôngsau các diễn biến mới nhất như cải tạo Đá Lát.


Startfor cho rằng Hà Nội đang ngấm ngầm tăng cường năng lực quốc phòng thông qua việc đẩy mạnh xây dựng cải tạo đảo ở Trường Sa cũng như tiếp tục phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Ấn Độ.


Nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể bị một số nước láng giềng cản trở. Philippines và Malaysia dường như đã ngả theo áp lực của Trung Quốc để chuyển sang đàm phán song phương trực tiếp với nước này thay vì đưa chủ đề Biển Đông ra các bàn đàm phán quốc tế đa phương.


Hà Nội đang tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác để tránh đối đầu với Bắc Kinh thế nhưng theo Stratfor, nếu cứ tiếp tục giữ lập trường của mình về các vấn đề biển đảo, Việt Nam có thể sẽ bị Trung Quốc đối xử cứng rắn và buộc phải theo chân các nước láng giềng, chịu ngồi vào bàn đàm phán song phương.


Tăng gấp đôi nỗ lực


Lâu nay Việt Nam đã thực hiện việc xây dựng, cải tạo các đảo mà Việt Nam kiểm soát. Các đảo như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây hay Sinh Tồn là nơi Việt Nam đã có quân đội đồn trú. Các nỗ lực này trong những năm gần đây được tăng mạnh.


Trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã cơi nới thêm 50 hectare ở Trường Sa cho dù có kêu gọi của các bên dừng ngay việc cải tạo này để tránh gia tăng căng thẳng.


Theo hình chụp từ vệ tinh, Việt Nam đã nối dài gấp đôi đường băng trên đảo Trường Sa Lớn từ 600 mét lên 1.200 mét, dựng thêm hai kho chứa máy bay trên con số hai kho đã có từ trước. Khi xong các công trình này, đa số chiến đấu cơ của không quân Việt Nam có thể đáp xuống đảo.


Theo nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Hà Nội có thể sẽ điều tới đây máy bay do thám biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.


Mới nhất, không ảnh vệ tinh cho thấy Hà Nội đang cho nạo vét cải tạo Đá Lát cũng thuộc quần đảo Trường Sa.


Trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Lớn có lẽ mang tính chiến lược quan trọng nhất. 


Đây là đảo lớn, đối với Việt Nam đóng vai trò tiền tiêu giống như đảo Thị Tứ đối với Philippines hay đảo Thái Bình (Ba Bình) với Đài Loan.


Trường Sa Lớn nằm trên rìa phía Tây của đường chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra để chiếm trọn Biển Đông. Bởi vậy nếu Việt Nam giữ được chủ quyền ở đảo này, đó sẽ là thách thức cho chủ quyền của cả đường chín đoạn.


Stratfor cho rằng vì vậy, Việt Nam sẽ chú trọng tăng cường năng lực phòng thủ ở Trường Sa Lớn như một ưu tiên hàng đầu.


Trung Quốc phản ứng thế nào?


Tổ chức này đánh giá rằng thời gian hiện nay tình hình tranh chấp Biển Đông dường như đang yên ả, một phần vì Malaysia và Philippines đã ngả theo áp lực của Trung Quốc để tránh đối đầu và tranh thủ hỗ trợ.


Trung Quốc một mặt gây áp lực với các nước trong khu vực, mặt khác hiện đại hóa quân đội, xây dựng cải tạo đảo của mình và phát triển công nghệ khoan sâu dưới biển.


Stratfor nói sau phán quyết bất lợi của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc dường như từ bỏ thái độ hung hăng đe dọa mà chuyển sang cách tiếp cận mềm dẻo hơn: sử dụng 'mồi nhử' kinh tế và ngoại giao, kêu gọi hợp tác với một số nước trong khu vực trong khi giữ nguyên áp lực lên một số nước "cứng đầu" khác.


Việt Nam được cho là trường hợp ngoại lệ, không giống như Philippines hay Malaysia đã phải ngả theo áp lực của Trung Quốc.


Bắc Kinh xem việc Việt Nam cải tạo đảo là "khiêu khích", nhưng không có cơ sở luật pháp hay chưa muốn sử dụng biện pháp quân sự để đối phó với Hà Nội.


Để trả đũa, Bắc Kinh có thể tăng cường hiện diện ở Hoàng Sa hay tăng cường tuần tra ở Trường Sa, kêu gọi nhà thầu bên ngoài vào khai thác tài nguyên trong khu vực. Tuy nhiên trước khi làm những công việc này, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ hậu quả là khiến các quốc gia xung quanh trở lại nghi ngờ và lo sợ Trung Quốc, điều có thể có lợi trong tính toán của Việt Nam. - BBC

|

|


12.

Xử phúc thẩm đại án ngàn tỷ Agribank


Ngày 16/12, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bắt đầu xét xử phúc thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Nam Hà Nội. 


Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra từ 16/12 đến 25/12 và được mở theo kháng cáo của 17 bị cáo. 


BBC tóm tắt lại chi tiết chính và diễn biến của vụ đại án này.


Bản chất vụ án


Tháng 10/2015, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra cáo trạng đối với 18 cá nhân, gồm 13 cán bộ ngân hàng Agribank, 4 cán bộ hải quan và 1 giám đốc doanh nghiệp. Họ đã gây thất thoát hơn 2.400 tỷ đồng cho ngân hàng Agribank. 


Theo VietnamNet, từ 2007 đến tháng 9/2012, công ty cổ phần Enzo Việt (sau này đổi thành Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam) do một số thương nhân người nước ngoài làm chủ đã hợp tác với Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam và Công ty cổ phần Vietmade dựng lên nhiều thương vụ làm ăn khống để vay tiền của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. 


Các hồ sơ vay vốn để mua máy móc, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang đều được tạo lập khống để vay tiền. 


Các cán bộ Agribank đã lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với công ty liên doanh Lifepro Việt Nam. Họ cho công ty này vay mà không thẩm định hồ sơ và bỏ qua các điều kiện giải ngân, cho vay. 


Các cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây đã cho thông quan số hàng hóa của công ty Lifepro, gây thất thoát tiền thuế nhập khẩu cho nhà nước Việt Nam. Họ đã giúp các bị can người nước ngoài lập các bộ tờ khai hải quan không trung thực để lừa dối Agribank Nam Hà Nội giải ngân theo giá trị hàng hóa nhập khẩu.


Năm người nước ngoài bị quy kết đã chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng trong thương vụ này. Họ được cho là đã trốn khỏi Việt Nam.


Bản án sơ thẩm


Tháng 1/2016, với các tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Hội đồng xét xử đã tuyên án các bị cáo như sau:


Ông Phạm Thanh Tân, 60 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Agribank, bị tuyên án 22 năm tù giam.


Bà Phạm Thị Bích Lương, 47 tuổi, nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội, chịu mức án 30 năm tù giam và phải bồi thường hơn 1.600 tỷ đồng.


Bà Chử Thị Kim Hiền, 57 tuổi, nguyên Phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội, chịu mức án 30 năm tù giam và phải bồi thường 400 tỷ đồng. 


Ông Lê Minh Hiếu, 41 tuổi, Chủ tịch HĐQT công ty CP Lifepro Việt Nam và Vietmade, chịu mức án 15 năm tù giam.


Hoàng Anh Tuấn, 53 tuổi, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị Agribank, nhận 6 năm tù giam.


Tám bị cáo nguyên cán bộ Agribank nhận từ 2 đến 16 năm tù giam. 


Bốn bị cáo cán bộ chi cục hải quan Hà Tây cùng nhận 30 tháng tù giam. 


Phiên phúc thẩm


Theo VN Express, trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này, ông Tân, bà Lương và 15 bị cáo xin kháng cáo. Riêng ông Lê Minh Hiếu đã xin rút kháng cáo.


Ông Đỗ Tiến Long có đơn xin xét xử vắng mặt do đang phải điều trị ở bệnh viện. Ông Long được cho là bị ung thư và đã liệt nửa người. 


VietNamNet đưa tin, luật sư Nguyễn Văn Chiến, một trong ba người bào chữa cho bà Lương, nói bà Lương kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì không đồng ý với tội danh mà Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo. 


Báo này cũng đưa tin có hơn 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. 


Viên xử phúc thẩm sẽ kết thúc ngày 25/12. 


Sáu đại án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng 


Vụ xử Agribank là một trong số "sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1/2017" được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đề cập trong bài phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo chống tham nhũng hồi đầu tháng Mười.


Năm vụ án còn lại là các vụ án liên quan đến: 


Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam 


Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh


Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin


Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Tp.HCM


Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Dương. - BBC

|

|


13.

Miền Trung hứng chịu nhiều trận lũ lụt lớn bất thường


Những cơn mưa lớn cộng thêm với nước xả lũ từ 14 đập thủy điện ơ thượng nguồn khiến nhiều nơi ở miền Trung bị ngập nặng, khiến nhiều người chết, giao thông tắc nghẽn, trường học công sở phải đóng cửa, lúa và hoa màu bị hư hại.


Nước ngập khắp nơi


Liên tiếp trong mấy ngày qua, các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai bị ngập sâu nghiêm trọng trên diện rộng.


Và đến ngày 14/12 vừa qua, các hồ chứa của các đập thủy điện miền Trung đạt dung tích nước 80 đến 100%. Báo chí trong nước đưa tin 14 hồ thủy điện ở Quảng Trị , Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định  đang đồng loạt tháo nước khiến nhiều khu vực ở hạ lưu bị ngập nặng.


Mưa lớn kéo dài trong đêm 14/12 cũng làm quốc lộ 40B đoạn qua huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng, đời sống cư dân bị đe dọa.


Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết mưa lũ từ ngày 11/12 đến nay đã khiến ít nhất 9 người chết.


Bước sang ngày 15/12, dự báo khí tượng và thủy văn  khuyến cáo  mưa lớn vẫn tiếp tục. Tại Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã có cuộc họp khẩn, yêu cầu các địa phương triển khai phương án chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm.


Thời gian di đời được chỉ thị phải kết thúc trước 7 giờ tối cùng ngày.


Trả lời Đài Á Châu Tự Do về tình hình tại chỗ, một nông dân ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, nói rằng nơi nào cũng ngập nước:


“Các xã đều ngập hết, ngập nhiều, chết người cũng có, hoa màu ngập rất nhiều. Hiện giờ nước ở mức báo động 3, từ Nghĩa Hành, Mộ Đức chỗ nào cũng bị ảnh hưởng lụt.” 


Một cư dân khác ở Quảng Trị so sánh mức độ ngập sâu, ngập nông như sau:


“Ở Quảng Trị đợt này mưa cũng khá nhiều, các tỉnh khác thì có xả lũ nhưng Quảng Trị đợt này không xả lũ thanh không bị ngập lụt, chỉ các tỉnh phía Trung Bộ mới bị tình trạng vừa mưa mà vừa xả lũ. 


Tại Quảng Trị nước bây giờ là nước ứ chứ nó không hẳn là nước lũ, chỉ sâm sấp mặt ruộng thôi, ruộng đã khái thác đó. Tình trạng nặng như vào trong Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Nha Trang. Ở Huế thì thành phố cũng bị ngập luôn, hai bên bờ sông Hương đều ngập cả. Nếu tình hình mưa cứ giữa mức cao như vậy thì có lẽ các đập sẽ tiếp tục xả lũ.”


Đồng loạt xả lũ


Việc 14 đập thủy điện miền Trung đồng loạt xả lũ càng khiến cho lũ lụt thêm nặng nề, người dân các vùng ngập lụt ở hạ du thêm khốn khổ.  Theo người dân địa phương, mực nước đang tiếp tục dâng cao tại Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam, hậu quả là thời vụ trồng trọt cũng như chăn nuôi mùa Đông của bà còn bị mất trắng.


Một viên chức ở Quảng Nam, không muốn nêu tên, cho Đài Á Châu Tự Do biết:


“Xả đập trên sông Vu Gia tới 9 thủy điện luôn, từ A Vương, Sông Tranh 1, Sông Tranh 2, Sông Bung 1, Sông Bung 2, Đak Min 1, Đak Min 2.  Đủ các loại thủy điện hết nên dân bị nặng, mất trắng hết giống, khổ lắm.”


Đối phó cùng lúc với mưa lũ và lượng nước xả ra từ các đập thủy điện không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới,  là giải thích của Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đập lớn thế giới, giảng viên Đại Học Thủy Lợi Hà Nội:


“Trân website của Hội Đập Lớn tôi đã có trao đổi một số lần, chỉ nói thêm rằng đối với các hồ, nhất là các hồ lớn, đều đã có qui trình vận hành trong mùa mưa lũ. Khi vận hành phải đảm bảo làm sao giảm nhẹ mức lũ dưới hạ du khi một con nước về, đồng thời cũng phải đảm bảo được lượng nước sử dụng trong mùa khô, thì qui trình đó đã có. 


Thế thì  giữ nước rồi xả nước như thế nào thì theo qui trình, đồng thời có thông báo và có dự báo của khí tượng thủy văn, để biết trong thời gian sắp tới mưa lũ như thế nào. 


Như vậy mình phải theo qui trình đó để vận hành cái đập. Thế còn việc kiểm tra trong thời gian vừa qua chặc chẻ đến đâu thì cũng phải chờ có thông tin hay số liệu đầu đủ đã.” 


Đối với các đập thủy điện lớn có hồ chứa lớn, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Giang nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải có dự báo tốt, phải có sự tính toán xả lũ trong hồ trước để có dung tích trống cho đợt lũ tiếp theo:


“Theo đánh giá chủ quan của tôi  lượng lũ lớn và dồn đập cũng là  ảnh hưởng nhất định của sự thay đổi khí hậu. Nhưng dù sao sự an toàn của hồ cũng là quan trọng, có những biểu hiện không an toàn thì phải xả.   Đập mà không an toàn sẽ là thảm họa lớn ở hạ du.”


Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến ngày mai 17/12, các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Ninh Thuận sẽ còn có mưa vừa và to, nhưng từ Đà Nẵng đến Phú Yên sẽ có mưa rất to khiến mực nước dâng cao trên các con sông những nơi này  và gây ra lũ quét cũng như đất truồi.


Hiện mức nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế và Phú Yên cũng đang lên nhanh. - RFA

No comments:

Post a Comment