Sunday, December 11, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 11/12

Tin Thế Giới


1.

Ông Trump đặt dấu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc” --- Trung Quốc lên án dự luật của Mỹ có điều khoản liên quan tới Đài Loan


Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump hôm 11/12 ra dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, và theo CNN, ông cũng đặt dấu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục quan điểm bấy lâu nay về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Quốc” hay không.


Động thái mới nhất của Tổng thống đắc cử Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh phật lòng, theo Reuters.


Ông Trump nói trong chương trình ‘Fox News Sunday’: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách ‘một Trung Quốc’, nhưng tôi không biết lý do vì sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách ‘một Trung Quốc’, trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về những thứ khác như thương mại”.


Phát biểu của ông Trump được đưa ra hôm 11/12, ít ngày sau khi ông nhận một cú điện thoại từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, khiến Trung Quốc bất bình.


Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của một tổng thống hoặc tổng thống đắc cử Mỹ với phía Đài Loan kể từ năm 1979, khi tổng thống Hoa Kỳ khi ấy công nhận Đài Loan là một phần của “Một Trung Quốc”.


Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh không thể chia cắt của nước này, và đây là chủ đề nhạy cảm đối với Trung Quốc.


Các quan chức quốc gia đông dân nhất thế giới chưa có phản ứng tức thời đối với tuyên bố mới nhất của ông Trump.


Sau cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Đài Loan, chính quyền của đương kim Tổng thống Barack Obama đã trao đổi với quan chức Trung Quốc để nhấn mạnh rằng chính sách “Một Trung Quốc” của Washington vẫn không có gì thay đổi, theo Reuters.


Chính quyền Mỹ hiện tại cũng cho rằng tiến bộ đạt được trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington có thể bị tổn hại vì việc “thổi bùng” vấn đề Đài Loan. - VOA


***

Trung Quốc đã lên tiếng phản đối một dự luật quốc phòng của Mỹ được thông qua hôm thứ Sáu, trong đó bao gồm một điều khoản kêu gọi trao đổi quân sự hàng năm với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh li khai.


"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi quân sự nào giữa Đài Loan và Hoa Kỳ," người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói trong một cuộc họp báo, theo Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc. "Điều mà Quốc hội Hoa Kỳ đã làm là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm suy yếu sự ổn định giữa hai bờ eo biển, xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và cuối cùng sẽ gây tổn hại cho lợi ích của Hoa Kỳ."


Ông Dương cũng nói rằng Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ "sửa chữa sai lầm của mình" và rằng Trung Quốc vẫn có quyền "thực hiện thêm hành động" để đáp lại việc thông qua dự luật này, theo Hoàn Cầu Thời Báo.


Dự luật này, được Thượng viện Mỹ thông qua với tỉ lệ áp đảo hôm thứ Sáu và hiện đang chờ chữ ký của Tổng thống Obama, khuyến nghị Bộ trưởng Quốc phòng "tiến hành một chương trình trao đổi quân sự cao cấp giữa Hoa Kỳ và Đài Loan," và cũng kêu gọi một cuộc họp báo cáo trước tháng 2 về tính khả thi của việc lực lượng Đài Loan cập cảng của Mỹ ở Thái Bình Dương.


Dự luật này lưu ý rằng những cuộc diễn tập quân sự giữa Đài Loan và Mỹ không phải là mới, nhưng nếu ông Obama kí thành luật thì việc này có thể đưa đến những trao đổi cao cấp giữa những nhà lãnh đạo quân sự cao cấp của hai nước. Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1979, Mỹ vẫn thường xuyên cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự để Đài Loan tăng cường tự vệ.


Dự luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA), một dự luật về chính sách quốc phòng hàng năm, cũng bao gồm khoản tăng chi tiêu quân sự 3,2 tỉ đôla. - VOA

|

|


2.

Thổ Nhĩ Kỳ: Đánh bom kép làm nhiều người chết


Nhóm dân quân người Kurd TAK tuyên bố họ tiến hành cuộc tấn công chết người hôm thứ Bảy nhắm vào cảnh sát bên ngoài một sân vận động ở Istanbul.


TAK, một nhánh của Đảng Công nhân Người Kurd (PKK), ra tuyên bố này trên trang web.


Ít nhất 38 người chết gần sân Vodafone Arena khi một quả bom xe đánh trúng xe cảnh sát, và một kẻ đánh bom tự sát làm nổ mình gần đó sau một trận bóng đá.


TAK cũng tuyên bố họ đứng đằng sau các vụ tấn công giết người khác ở Thổ Nhĩ Kỳ năm nay.


Ba mươi người thiệt mạng trong vụ tấn công là cảnh sát, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.


Hơn 155 người được cấp cứu tại bệnh viện, 14 người trong số họ trong tình trạng cần theo dõi đặc biệt.


Ảnh đăng trên Instagram sau vụ nổ cho thấy mũ bảo hiểm văng trên một con phố và xe cộ bị hư hỏng.


Không có nhóm nào nhận đứng đằng sau cuộc tấn công nhưng một loạt các vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay đã được thực hiện bởi cả PKK và tổ chức gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS), phóng viên BBC Mark Lowen ở Istanbul, nói.


Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết các vụ nổ "nhằm gây thương vong tối đa".


Vụ tấn công xảy ra hai giờ sau khi kết thúc trận đấu giữa hai đội bóng hàng đầu là Bursaspor và Besiktas tại sân Vodafone Arena.


Truyền thông địa phương đưa tin người hâm mộ đã ra về sau trận đấu. Bursaspor đăng trên Twitter rằng họ chưa nghe tin cổ động viên của đội hề hấn gì. - BBC

|

|


3.

Các nước ngoài Opec đồng ý cắt sản lượng dầu


11 nước sản xuất dầu không phải thành viên của nhóm Opec đã đồng ý cắt giảm sản lượng của họ để tăng giá.


Nhóm các quốc gia, trong đó có Nga, cho biết vào hôm thứ Bảy rằng họ sẽ cắt giảm nguồn cung ở mức 558.000 thùng mỗi ngày.


Tháng trước Opec công bố rằng họ sẽ cắt sản lượng riêng của mình để giảm bớt thực trạng thị trường toàn cầu bị bão hòa.


Đây là lần đầu tiên trong 15 năm qua đạt được một thỏa thuận toàn cầu.


"Tôi rất vui mừng thông báo rằng đã đạt được một thỏa thuận lịch sử," Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Mohammed Bin Saleh Al-Sada, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Opec cho biết.


Thỏa thuận này được đưa ra tại một cuộc họp tại trụ sở chính của Opec tại Vienna.


Trong số các nước không thuộc Opec dự cuộc họp là Azerbaijan, Oman, Mexico, Malaysia, Sudan, Nam Sudan và Bahrain.


Opec, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, đã cam kết ngưng cung cấp 1.2 triệu thùng một ngày, bắt đầu từ tháng Một.


Opec cho biết vào khi đó rằng họ mong đợi các nước không thành viên cũng giảm sản lượng, và Nga từng tỏ ý sẽ hợp tác.


Các quyết định này được đưa ra sau hơn hai năm giá dầu sụt giảm, tức là hơn 50% kể từ năm 2014, do dư thừa nguồn cung trên thị trường. - BBC

|

|


4.

Bắc Kinh tố không quân Nhật Bản "đe dọa" chiến đấu cơ Trung Quốc


Trong khi tập trận tại vùng biển quốc tế, máy bay Trung Quốc đã bị chiến đấu cơ Nhật Bản bám sát và có hành động nguy hiểm, thiếu chuyên nghiệp. Trên đây là nội dung thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố chiều ngày 10/12/2016 sau khi không quân Trung Quốc vượt Hoa Đông ra Thái Bình Dương qua hai ngả bắc và nam đảo Đài Loan.


Theo AFP và Reuters, sáng thứ Bảy 10/12/2016, các máy bay quân sự của Trung Quốc vượt Hoa Đông ra Thái Bình Dương qua hai eo biển Miyako giữa Nhật Bản-Đài Loan và eo biển Bashi giữa Đài Loan- Philippines.


Vào buổi chiều cùng ngày, bộ Quốc Phòng Trung Quốc tố cáo hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản bám sát và phóng hỏa châu về hướng máy bay quân sự Trung Quốc trên vùng trời thuộc « hải phận quốc tế ». Bắc Kinh gọi đây là "hành động thiếu chuyên nghiệp, đe dọa tính mạng phi công và vi phạm luật quốc tế về tự do lưu thông".


Được Reuters đặt câu hỏi kiểm chứng, bộ Quốc Phòng Nhật bác bỏ những cáo buộc này. Một phát ngôn viên cho biết « chẳng có chuyện gì đặc biệt xảy ra ». Các chiến đấu cơ của Nhật « không ngăn đường » máy bay Trung Quốc.


Tháng 9 năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên cho một đoàn 40 chiến đấu cơ bay ngang eo biển Miyako nằm giữa Okinawa và các đảo cực nam của Nhật để ra Thái Bình Dương. Vụ thứ hai diễn ra vào tháng 11 vừa rồi và Nhật cũng đưa chiến đấu cơ lên theo dõi.


Trong thông cáo ra sáng Chủ nhật 11/12/2016, bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng cho biết đoàn máy bay quân sự Trung Quốc đã vượt eo biển Bashi giữa Đài Loan- Philippines để ra biển khơi nhưng « không xâm phạm vùng nhận dạng phòng không » của Đài Loan.


Tuần trước, một cuộc điện đàm giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump làm Bắc Kinh nổi giận. Tuy nhiên, theo Reuteurs, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh trả đũa Đài Bắc qua cuộc tập trận "ra biển khơi" hôm 10/12/2016. - RFI

|

|


5.

WTO: Trung Quốc vẫn chưa được công nhận kinh tế thị trường


Ngày 11/12/2016 đánh dấu đúng 15 năm Trung Quốc được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - WTO. Đó cũng là thời gian mà Bắc Kinh liên tục vận động để được công nhận quy chế là một nền « kinh tế thị trường », chìa khóa mở rộng thêm cánh cổng cho hàng xuất khẩu Trung Quốc. Hiện tại châu Âu và châu Mỹ vẫn chưa thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường, nhưng Bắc Kinh đang chuẩn bị phản công.


Từ Thượng Hải, thông tín viên đài RFI, Angélique Forget, tường trình :


Đối với Trung Quốc thì không còn nghi ngờ gì cả. Sau giai đoạn chuyển tiếp 15 năm, Bắc Kinh đương nhiên phải được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Do vậy Bắc Kinh đã rất bực mình trước thái độ của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.


Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc tuyên bố sẽ làm tất cả để "quyền lợi chính đáng của Trung Quốc phải được tôn trọng". Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực với các đối tác để được công nhận là một nền kinh tế thị trường.


Cụ thể Trung Quốc có thể đe dọa giảm đầu tư vào châu Âu hay tăng thuế nhập khẩu đối với hàng của nước ngoài. Một số luật gia thậm chí còn cho rằng có khả năng Bắc Kinh kiện Bruxelles ra trước tòa trọng tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.


Còn với báo chí Bắc Kinh, quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc sẽ là một điều tốt đối với tất cả mọi người. Theo Tân Hoa Xã, từ năm 2001, nhờ hàng rẻ của Trung Quốc mà mãi lực của người tiêu dùng ở khắp nơi đã gia tăng đáng kể, tình trạng nghèo khó trên thế giới qua đó được thu hẹp lại. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm Iraq


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang thăm Iraq trong một chuyến công du không có thông báo trước.


Ông Ash Carter đến Baghdad hôm Chủ nhật, 11/12, ở đó ông có kế hoạch hội đàm với Thủ tướng Haider al-Abadi, các chỉ huy của Hoa Kỳ và liên quân, và các nhà lãnh đạo Iraq về kế hoạch chiếm lại thành phố miền bắc Mosul từ tay Nhà nước Hồi giáo.


Việc tái chiếm Mosul có tính chất rất quan trọng đối với hy vọng của người Iraq về việc khôi phục chủ quyền của họ.


Liên quan đến Syria, ông Carter nói hôm thứ Bảy ở Bahrain là sẽ sử dụng các quân nhân để giúp đánh bật IS khỏi Raqqa, thủ đô tự xưng của nhóm khủng bố.


Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói Hoa Kỳ đang chuyển thêm 200 quân tới Syria. Carter cho biết các binh sĩ sẽ bao gồm các huấn luyện viên của lực lượng đặc biệt, cố vấn và các nhóm xử lý vật liệu nổ. Hiện nay đã có 300 người của các lực lượng tác chiến đặc biệt bên trong Syria. - VOA

|

|


7.

Tỷ phú Trump bác cáo buộc Nga giúp ông đắc cử --- FBI cũng có thông tin Nga nhúng tay vào bầu cử Mỹ giúp Trump


Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump mới bác bỏ thông tin cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng hình thức tấn công mạng, giúp ông chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton.


Trả lời phỏng vấn chương trình “Fox News Sunday” phát sóng hôm 11/12, ông Trump nói: “Tôi nghĩ rằng đó là điều lố bịch. Tôi nghĩ rằng đó lại là một cái cớ khác. Tôi không tin điều đó”.


Theo Reuters, tuyên bố của ông Trump đặt ông vào thế đối đầu với một số thượng nghị sĩ nổi bật ngay trong Đảng Cộng hòa, những người hôm 11/12 bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và kêu gọi một cuộc điều tra lưỡng đảng.


Tổng thống đắc cử Mỹ đổ lỗi cho phe Dân chủ đã tung ra các tin tức về sự can dự của Nga. Ông Trump cũng cho biết ông không tin rằng những cáo buộc đó xuất phát từ Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA).


Trước đó, Reuters dẫn quan chức cấp cao Mỹ cho biết, CIA kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump đắc cử.


Các dân biểu lưỡng đảng Mỹ tuần trước hối thúc tiến hành điều tra về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.


Trong một tuyên bố hiếm hoi hồi tháng Mười, các giới chức chính phủ Mỹ cho biết các cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức chính trị của Đảng Dân chủ, và email của cựu ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton là do “các quan chức cấp cao nhất của Nga” chỉ đạo.


Trong chiến dịch tìm kiếm ngoại trưởng Mỹ trong tân chính quyền Mỹ, ông Trump cũng cân nhắc Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil, ông Rex Tillerson.


Ông Tillerson là người được cho là có mối quan hệ thân cận với Moscow, và từng lên tiếng chống lại sự trừng phạt của Mỹ đối với Nga.


Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain nói trong chương trình “Face the Nation” của kênh CBS: “Tôi quan ngại vì ông ấy có mối quan hệ hết sức gần gũi với Vladimir Putin, và họ từng thực hiện các hợp đồng lớn với nhau”.


Theo Reuters, các cơ quan tình báo Mỹ từng nói với Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống Obama rằng Nga đã gia tăng các hoạt động trong không gian mạng, kể cả chuyện can thiệp một cách bí mật vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu. - VOA


***

Hôm qua 10/12/2016, lãnh đạo phe Dân Chủ tại Thượng Viện Mỹ, ông Harry Reid khẳng định, giám đốc FBI James Commay đã nắm được thông tin Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ từ nhiều tháng trước nhằm giúp Donald Trump thắng cử. Giám đốc James Commay, thuộc đảng Cộng Hòa, đã không phổ biến thông tin trên.


Những tiết lộ mới này xuất hiện ra ngay sau khi ông Barack Obama ra lệnh điều tra khả năng can thiệp của nước ngoài vào bầu cử tổng thống Mỹ. Tiếp đó, nhật báo Washington Post phát giác là CIA xác nhận có việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ nhằm làm suy yếu ứng viên Hillary Clinto, tạo điều kiện cho Donald Trump thắng cử. Tổng thống tân cử Mỹ không thể làm ngơ trước những phát giác như vậy và ông đã phản ứng.


Từ Washington, thông tín viên RFI, Jean Louis Pourtet tường trình:


Câu trả lời trên Twitter của Donald Trump về báo cáo phân tích của CIA là: "Vẫn là những người đã từng nói rằng Saddam Husein tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt". Nỗi bực tức của vị tổng thống tương lai này là có thể hiểu được. Ông ta không muốn người ta nghĩ là ông đã được bầu nhờ có sự can thiệp từ bên ngoài, và nhất là đó lại là Nga.


Chính vì thế mà ông Sean Spicer, người  được giao làm phát ngôn viên cho nhóm chuyển giao quyền lực, trong một cuộc trao đổi thân tình với một người dẫn chương trình của đài truyền hình CNN đã bác bỏ ý kiến cho rằng một phần chiến thắng của Trump là nhờ có Vladimir Putin. 


Ông ta khẳng định hoàn toàn không hề có bằng chứng nào cho thấy điều đó. Ông nói: “Donald Trump đã giành 306 đại cử tri ở 2300 hạt. 62 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông ta, vậy thì ông hay bất kỳ ai đã có bằng chứng gì cho thấy kết quả bầu cử đã bị sai lệch?”.


Phản ứng của nhà tài phiệt New York đã làm dấy lên lo ngại trong giới tình báo Mỹ. Họ không hiểu rồi đây sẽ quan hệ ra sao với vị tổng thống tương lai này. Không biết ông ta có còn lắng nghe những người vẫn đóng vai trò thông báo cho tổng thống những mối nguy hiểm đe dọa nước Mỹ. - RFI

|

|


8.

Ông Kerry nhận giải thưởng cao nhất của Pháp


Pháp đã trao giải thưởng cao nhất có tên gọi Bắc đẩu Bội tinh cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.


Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã trao tặng giải thưởng cho ông Kerry hôm thứ Bảy, 10/12, ở Paris sau cuộc họp về vấn đề Syria.


Ông Ayrault gọi ông Kerry là "người có chất Pháp nhất trong số các quan chức Hoa Kỳ”, và “là người vận động vì hòa bình không mệt mỏi”.


Ngoại trưởng Pháp đã ca ngợi các cam kết chính trị và ngoại giao “chân thành” của ông Kerry, nêu bật các đóng góp của ông vào cam kết lịch sử về biến đổi khí hậu năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Iran và các nỗ lực để kết thúc chiến tranh ở Syria.


Ông Kerry phát biểu rằng vinh dự này là một biểu tượng cho mối quan hệ nồng ấm giữa Pháp và Mỹ, và với một chút hài hước, ông chào những người tham dự bằng tiếng Pháp.


Ông Kerry nói được tiếng Pháp. Mẹ và dì của ông sinh ở Paris vào đầu những năm 1920. Khi còn trẻ, ông Kerry đã đi nghỉ tại dinh thự của gia đình ở Saint-Brignac-sur-Mer, Brittany. - VOA

|

|


9.

Donald Trump ca ngợi ‘ứng viên ngoại trưởng Mỹ’


Ông Donald Trump đã ca ngợi Chủ tịch và CEO của Exxon Mobil Rex Tillerson, trong lúc có tin đồn ông này sẽ được chọn làm ngoại trưởng Mỹ.


Trong cuộc phỏng vấn của Fox News phát đi hôm Chủ nhật, ông Trump gọi ông Tillerson, 64 tuổi, là nhân vật "tầm cỡ thế giới".


Là CEO của Exxon, ông Tillerson có quan hệ kinh doanh với Nga và được cho là có quan hệ tốt với Tổng thống Vladimir Putin.


Donald Trump dọa bỏ chính sách ‘Một Trung Quốc’


Ông đã phê phán trừng phạt của quốc tế với Nga vì sáp nhập Crimea.


Nói với Fox News, ông Trump ca ngợi ông Tillerson:


"Ông ấy tầm cỡ thế giới. Ông điều hành một công ty dầu khí có kích cỡ gần gấp đôi đối thủ tiếp sau."


Ông Trump nói ông Tillerson đã có "những hợp đồng khổng lồ ở Nga".


Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã bày tỏ "lo ngại" về quan hệ tiềm năng của ông Tillerson với Tổng thống Nga Putin.


Nhưng trả lời CBS hôm Chủ nhật, ông McCain nói Thượng viện sẽ lắng nghe ông Tillerson "công bằng" nếu ông được ông Trump đề cử.


Ban đầu ông Mitt Romney được đồn sẽ là ngoại trưởng.


Ông Tillerson, 64 tuổi, có nhiều kinh nghiệm thương lượng quốc tế, và có quan hệ kinh doanh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Ông chỉ trích lệnh trừng phạt quốc tế với Nga vì sáp nhập Crimea.


Trong diễn biến khác, nhóm của ông Donald Trump phản bác đánh giá của CIA rằng Nga tìm cách hỗ trợ ông Trump trong bầu cử tổng thống bằng việc công bố các email gây hại cho bà Hillary Clinton.


Trong thông cáo, nhóm của ông Trump nói những viên chức đưa ra đánh giá này "cũng là những người từng nói Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt".


Người phát ngôn cho nhóm chuyển giao Sean Spicer nói "có những người trong các cơ quan này thất vọng vì kết quả bầu cử". - BBC

|

|


Tin Việt Nam


10.

Vì sao cựu quan chức DongA Bank bị bắt?


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hôm 11/12 đã lên tiếng giải thích lý do vì sao cựu tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cùng một số người khác bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Bộ Công an bắt giữ hai ngày trước đó.


Theo DongA Bank hôm 10/12, ông Bình cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó Tổng giám đốc DongA Bank và ba nhân viên có liên quan “bị khởi tố do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng” hôm 9/12.


Ngân hàng thương mại cổ phần này cho biết thêm rằng những người bị bắt giữ trên đã bị Ngân hàng Nhà nước và DongA Bank “đình chỉ chức vụ vào tháng 8/2015 và đã không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng gần một năm rưỡi qua” nên việc khởi tố vụ án và bị can “không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Đông Á”.


Hai ngày sau đó, Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo cho biết rằng hồi “tháng 8 năm 2015, NHNN đã công bố kết luận thanh tra DongA Bank theo quy định của pháp luật và Quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này do DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và kinh doanh của DongA Bank”.


“NHNN cũng đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng Quản trị và chức danh Tổng Giám đốc DongA Bank; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc DongA Bank. Đồng thời, NHNN đã cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực quản trị tiếp quản và nắm các vị trí chủ chốt vào quản trị, điều hành DongA Bank để chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DongA Bank”, thông cáo có đoạn.


“Đến nay, các chỉ tiêu tài chính của DongA Bank đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan, khách hàng tiếp tục tín nhiệm trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của DongA Bank”.


Hôm 9/12, đúng ngày các cựu quan chức DongA Bank bị bắt giữ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại “Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016” rằng “xử lý nợ xấu là một vấn đề hết sức quan trọng” và “nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng”.


Ông Phúc được VGP News dẫn lời nói: “Tôi xin tiết lộ với quý vị là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém”.


Hồi tháng Chín, Việt Nam tuyên án tù đối với 36 cựu nhân viên, trong đó có cả cựu chủ tịch, của Ngân hàng Xây dựng về tội “mua bán khống, rút tiền trái phép của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam để tiêu xài, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng (400 triệu đôla)”. - VOA

|

|


11.

Việt Nam mời Ấn Độ thăm dò năng lượng ở Biển Đông


Nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ là một cường quốc khu vực, Hà Nội đã kêu gọi New Delhi tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực Đông Nam Á.


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm thứ Bảy, 10/12 đã mời Ấn Độ thăm dò nguồn năng lượng ở Biển Đông và ủng hộ các kế hoạch đa phương của Ấn Độ.


Bà Ngân phát biểu: "Việt Nam ủng hộ chính sách ‘Hành động hướng Đông’ của Ấn Độ nhằm thúc đẩy quan hệ của Ấn Độ với Đông Nam Á. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam có thể làm cầu nối giữa Ấn Độ với Đông Nam Á. Ấn Độ được hoan nghênh khi đầu tư vào ngành năng lượng của Việt Nam và tiến hành thăm dò chung ở Biển Đông".


Phát biểu của bà Ngân, nữ chủ tịch đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng vào lúc Biển Đông là tâm điểm của cuộc tranh chấp quốc tế kéo dài liên quan đến Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.


Bà Ngân đã nhiệt tình ủng hộ việc Ấn Độ tranh cử làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.


Trong chuyến thăm Ấn Độ, bà Ngân cũng đã chứng kiến việc ký một số thỏa thuận song phương trong đó có thỏa thuận hạt nhân dân sự. - VOA

|

|


12.

Trung Quốc yêu cầu VN ngưng nạo vét ở biển Đông


Trung Quốc hôm 9/12 kêu gọi Việt Nam ngừng các hoạt động xây dựng trên một bãi cạn tranh chấp ở biển Đông, sau khi xuất hiện tin Hà Nội đã bắt đầu nạo vét Đá Lát.


Khi được hỏi về động thái của quốc gia láng giềng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố rằng Bắc Kinh “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và bãi cạn Riji (Đá Lát) cũng như các vùng nước lân cận”.


Trang web của Bộ này dẫn lời ông Lục “thúc giục các quốc gia liên quan tôn trọng chủ quyền của chúng tôi” cũng như “ngưng các hoạt động và kiềm chế không làm phức tạp tình hình; làm việc với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông)”.


Hãng tin Reuters hôm 8/12 dẫn các hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs có trụ sở ở Mỹ cho thấy rằng một số tàu của Việt Nam đang tiến hành các hoạt động nạo vét mở đường cho các hoạt động xây dựng lớn hơn nữa trong tương lai.


Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, đến tối 11/12, trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có phản ứng về bản tin của Reuters trên bãi cạn hiện thuộc kiểm soát của Việt Nam.


Báo chí Việt Nam cũng không thấy đưa tin về hoạt động của chính quyền trong nước trên Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa, hiện trong vòng tranh chấp giữa Hà Nội, Bắc Kinh và Đài Loan.


Đá Lát, tên tiếng Anh là Radd Reef, nằm ở rìa tây nam của quần đảo Trường Sa và hiện có một hải đăng và một trạm gác nhỏ của Việt Nam trên đó.


Hai tháng trước, Reuters hôm 10/8 dẫn lời các nguồn tin nói rằng Hà Nội đã, theo lời hãng này, “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”.


Trả lời VOA Việt Ngữ về động thái này của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi “tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tránh các hành động gây căng thẳng, tiến hành các bước đi thiết thực nhằm xây dựng lòng tin và gia tăng nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình, ngoại giao để [giải quyết] các tranh chấp”. - VOA

|

|


13.

Xô xát giữa chính quyền và người dân ở Hà Tĩnh, 1 người bị thương


Xô xát giữa cán bộ và người dân dẫn đến thương tích trong cuộc họp về bồi thường thảm họa do Formosa gây ra, đã khiến hơn 300 người dân kéo đến vây trụ sở ủy ban xã yêu cầu giải thích.


Theo tin của truyền thông trong nước, vào sáng ngày 10/12, UBND xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo xã và các trưởng thôn để đánh giá, chuẩn bị việc cấp phát tiền đền bù thảm họa môi trường do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra hồi tháng 4/2016.


Tuy nhiên, khi gần kết thúc cuộc họp, một số người dân đã vào phòng họp, thắc mắc lý do tại sao không được đền bù, và yêu cầu ông Phượng, xóm trưởng Bắc Lạc nói rõ việc đền bù. Sau đó, giữa ông Phượng và người dân xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát.


Trong lúc xô xát, ông Lâm bảo vệ chợ Chùa đã lao vào đánh một người dân đến thắc mắc tiền đền bù là anh Trần Văn Rô, khiến anh Rô bị thương, phải tới Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh điều trị.


Sau cuộc ẩu đả, hàng trăm người dân xã Thạch Lạc cho rằng người của chính quyền đánh dân nên đã kéo nhau, tập trung tại trụ sở xã để yêu cầu chính quyền ra đối chất, làm rõ sự việc.


Trả lời báo điện tử VNExpress, một người dân xã Thạch Lạc nói:  “Chúng tôi đến phản ánh bức xúc việc đền bù thì tại sao lại đánh dân, yêu cầu lãnh đạo xã giao người đã đánh anh Rô ra để đối chất, giải trình tại sao hành xử như vậy".


Về phía chính quyền, mãi đến chiều vẫn không có người ra đối chất, nhưng đã huy động một lực lượng công an, anh ninh hùng hậu đến để ứng phó, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh, tránh kich động, và chính quyền sẽ giải quyết thỏa đáng sự việc.


Đến 19 giờ tối người dân mới chịu giải tán.


Ông Dương Kim Mậu, Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc cho báo Tuổi Trẻ biết: “Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền xã báo cáo lên Công an huyện Thạch Hà, huy động nhiều cán bộ, chiến sỹ xuống hiện trường. Đồng thời bắc loa thông báo đề nghị bà con bình tĩnh, không được kích động đập phá cơ sở vật chất trong trụ sở.”


Được biết, xã Thạch Lạc có hơn 1.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. - RFA

No comments:

Post a Comment